Có nhiều bạn hỏi tôi làm thế nào nhận biết loài chó trên mạng?
Câu hỏi này cũng thật khó trả lới bởi người Việt Nam luôn luôn tư răn mình bằng 2 chữ Con Người và có cả Đạo Làm Người để luôn rèn luyện, tu dưỡng hạn chế phần Con và phát triển phần NGƯỜI.
Mẹ âu yếm gọi con " Chó con của mẹ*
Mẹ giận chửi lũ con *tham ăn như chó.
Vậy quan niệm về loài chó trong tư duy của người Việt như thế nào?
Các bạn hãy đọc bài viết rất thú vị này
TỪ QUAN NIỆM VỀ CON CHÓ TRONG TƯ DUY CỦA NGƯỜI VIỆT
Ths. Đặng Thị Thu Hiền (K.Văn- ĐHSPHN)
Ở đa số các nước phương Tây, con chó là con vật được yêu quí và chiều chuộng bậc nhất trong các gia đình. “Nhiều người nước ngoài vẫn đùa nhau rằng theo thứ tự được yêu quý trong nhà thì đứng đầu là trẻ con, thứ hai là chó, rồi đến bà chủ và cuối vùng mới là ông chủ. Chó có thể được ngủ chung với người, thậm chí có phòng riêng, có người chuyên chăm sóc sắc đẹp. Chó có thể được thừa hưởng gia tài của chủ theo di chúc, có biệt thự và đủ kẻ hầu người hạ, kể cả bác sĩ riêng. Có cả một ngành công nghiệp riêng chuyên sản xuất các loại thức ăn hợp khẩu vị cho chó. Người ta còn tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cho loài chó để chọn ra con chó có bộ lông đẹp nhất hay gương mặt đẹp nhất”…Điều này xuất phát từ quan niệm của họ cho rằng con chó là con vật có rất nhiều đặc điểm tốt: rất gần gũi, trung thành và thông minh. Và khi nhắc đến hình ảnh con chó, đối với người Anh chẳng hạn, họ nghĩ ngay đến “những điều tốt đẹp. Đấy là người giỏi nhất hay quốc gia mạnh nhất; là người, vật quan trọng hơn; sự may mắn; người tốt, biết xử sự; là vật tuy bé nhỏ nhưng có lợi”… Thành ngữ và tục ngữ tiếng Anh cũng có rất nhiều câu chứa từ “dog” và mang ý nghĩa tích cực như trên, chẳng hạn: top dog (chỉ người giỏi nhất, nước mạnh nhất), the tail is wagging the dog hoặc let the tail wag the dog (nói về người hay vật dù nhỏ, yếu thế hơn, nhưng có vai trò quan trọng hơn hay có vai trò điều khiển người hay vật lớn, mạnh hơn mình), a dog’s chance (cơ hội may mắn), he is a good dog who goes to church (nói về một người tốt, biết xử sự đúng đắn, biết điều và biết hướng thiện), alive dog is better than a dead lion (chỉ một vật tuy nhỏ bé nhưng còn có ích hơn cả những vật to lớn mà vô dụng).v.v…
Trong quan niệm của người Việt và trong tiếng Việt, hình ảnh con chó có nhiều điểm khác biệt với quan niệm và ngôn ngữ của người Anh nói riêng, người phương Tây nói chung. Xuất phát từ quan niệm về con vật nuôi trong nhà rất quen thuộc này, người Việt đã sử dụng từ chó với nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có một nghĩa thông tục. Với bài viết này, từ cái nhìn liên giao văn hoá – ngôn ngữ học, chúng tôi mong muốn tìm hiểu căn nguyên của việc từ “chó” trong tiếng Việt có ý nghĩa thông tục và nghĩa này được sử dụng như thế nào trong hội thoại sinh hoạt hàng ngày của người Việt.
I. QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT VỀ CON CHÓ QUA THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ TIẾNG VIỆT
1. Như trên đã nói, người Việt nhìn con chó không với nhiều đặc điểm tích cực như người phương Tây, và địa vị của con chó trong gia đình người Việt đương nhiên cũng không được coi trọng như trong các gia đình Âu - Mỹ. Mặc dù, con chó vẫn là con vật nuôi quen thuộc nhất trong nhà, nó gần gũi với người hơn cả những con vật nuôi phổ biến khác như con mèo, con gà, con vịt, ngan, con lợn, con trâu… nhưng nó dường như không được coi là “bạn” của con người (có lẽ chỉ ngoại trừ với trẻ con). Con chó, đối với đa phần người Việt (và có thể ở một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản…), chỉ có địa vị là một con vật, thậm chí, như một “đầy tớ” trung thành. Trong lối xưng hô cổ thời phong kiến mà ngày nay vẫn được tái hiện trong các bộ phim, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, những đầy tớ thấp hèn thường tự khiêm xưng hoặc bị gọi là “cẩu nô tài”. Hoặc người Việt cũng có câu nói về địa vị đầy tớ của con chó là đánh chó phải ngó (nể) mặt chủ. Con chó trong gia đình người Việt được nuôi hầu như không phải để “làm cảnh” hay để bầu bạn với người mà chủ yếu là để giữ nhà hoặc đi săn, thậm chí, đến khi cái lợi ích lớn nhất này của nó bị suy giảm đi do già yếu, nó sẽ trở thành một món ăn được rất nhiều người ưa thích (“thịt cầy”, “cầy tơ bẩy món”). Dĩ nhiên, con chó cũng không được ăn uống, ngủ nghỉ tử tế như người. Nó thường phải ăn những “cơm thừa canh cặn”, thậm chí là ăn “cám lợn” hoặc ăn “chất thải” của trẻ con trong gia đình (người Việt có câu: “Có con mọn, đến con chó cũng phải chiều” là vì vậy). Con chó cũng bị coi là con vật hay ăn vụng thức ăn của chủ, vì vậy nên người Việt có câu tục ngữ chó treo, mèo đậy để nhắc nhở mọi người phải bảo quản thức ăn thật kỹ và đúng cách, không cho chó mèo ăn vụng. Nó phải ngủ ở ngoài hiên, đầu hè hoặc ngoài sân để đêm đêm canh cửa giữ nhà cho chủ (về điểm này, con chó còn thua kém cả con mèo được ngủ trong nhà hay trong bếp, hoặc gà vịt, trâu bò còn được ngủ trong chuồng…). Nhìn chung, con chó trong quan niệm và đời sống của người Việt không được coi trọng, mặc dù nó vẫn được nhìn nhận là con vật gần gũi và có lòng trung thành vào bậc nhất, có ích lợi đáng kể. Ngày nay, với đời sống kinh thế ngày một phát triển, tư duy ngày càng đổi mới, vai trò của con chó trong gia đình người Việt đã có một số thay đổi, được coi trọng hơn, được đối xử tốt hơn, đặc biệt là trong các gia đình giàu có và những gia đình trẻ. Tuy nhiên, về cơ bản thì quan niệm của người Việt về con chó vẫn được lưu giữ và nó chính là một nét văn hoá của dân tộc.
2. Quan niệm ấy của người Việt thể hiện qua các thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt rất rõ. Hình ảnh con chó trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt thường gắn liền với những người, vật, việc không tốt, không may mắn hoặc không đáng tôn trọng trong xã hội. Khi tiếp xúc hoặc nói đến một người nào đó xấu xa, đạo đức kém hoặc có những phẩn chất không tốt, thì người Việt lại thường so sánh, ví người đó với con chó. Chẳng hạn: Chó ngồi bàn độc, ngu như chó, dại như chó, bẩn như chó, nhục như chó…Ngày xưa, những vị quan tham chuyên đàn áp, bóc lột dân chúng cũng được ví với con chó (gọi là cẩu quan). Thậm chí, để chỉ một người gặp may mắn hết sức tình cờ, đạt được thành quả không phải bằng tài năng của anh ta mà chỉ là do may mắn ngẫu nhiên, người Việt cũng ví anh ta như con chó. Thí dụ:
- Này, cậu nghe tin gì chưa? Tay Bình lên phó giám đốc nhà máy rồi đấy.
- Ôi dào! Chó ngáp phải ruồi ấy mà…
(Câu thành ngữ này có ý nghĩa tương đương với câu chuột sa chĩnh gạo). Khi một người trở nên bất tín, bất trung, người đó cũng sẽ được ví như chó cắn trộm chủ. Nói về kẻ tiểu nhân, chỉ dám hùng hổ, ra oai với người khác khi ở gần nhà mình thì có câu chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng hoặc nói về hành vi làm ăn, buôn bán gian dối, điêu toa thì có câu treo đầu dê, bán thịt chó. Để chỉ tính cách cáu bẳn, hay gắt gỏng vô cớ của một người nào đó, người Việt lại có câu cấm cảu (hay cắm cảu) như chó cắn ma. Ví dụ:
- Sao mãi mà con bé ấy chưa lấy chồng nhỉ?
- Suốt ngày cấm cảu như chó cắn ma thế, ai người ta thèm…
Để chỉ về tình trạng một người làm điều gì xấu và bị phát hiện, người Việt có cách so sánh lúng túng như chó ăn vụng bột (hoặc lúng túng như gà mắc tóc). Nếu giữa hai hay nhiều người xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, thì người Việt diễn đạt bằng cãi nhau như chó với mèo. Tình trạng khó khăn lại gặp thêm điều rủi ro xảy đến thì được miêu tả bằng câu chó cắn áo rách trong tiếng Việt. Chỉ tình thế bị đẩy đến bước đường cùng phải đành làm liều, kể cả điều xằng bậy thì người Việt có câu chó cùng rứt giậu. Để miêu tả một vùng đất khô cằn, không có nhiều chất dinh dưỡng để cấy trồng, không có tác dụng vào việc gì, vô giá trị, thì người ta nói đó là mảnh đất chó ỉa hoặc mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi…
Trong tâm thức người Việt, nếu ai đó bị đem ra so sánh, ví von với con chó thì thật là một điều sỉ nhục lớn vì như thế có nghĩa là người đó không còn được coi là một con người, không có tư cách là con người nữa. Trong phần mở đầu truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã để cho Chí Phèo chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, rồi “chửi tất cả những ai không chửi nhau với hắn”, vậy mà “vẫn không ai ra điều”. Rốt cuộc, chỉ có một thằng say ruợu và mấy con chó sủa om xòm. Đây là hình ảnh lột tả sự tha hoá tột cùng của Chí Phèo vì hắn đã không được coi là con người nữa (không ai thèm đáp lời hắn), hắn chỉ được coi ngang hàng với mấy con chó kia (vì chỉ có chúng mới đáp lại tiếng chửi của hắn). Ngòi bút của Nam Cao sâu sắc và tinh vi như thế nào, người viết không dám mạn đàm, chỉ biết là những dòng văn hết sức ấn tượng ấy sở dĩ gây được ấn tượng lâu dài, sâu đậm trong lòng người đọc một phần không nhỏ là nhờ vào cái thế “tương ứng” người - chó ấy. Và, điều này thật rõ ràng, chính quan niệm từ ngàn xưa của người Việt về con chó đã là cơ sở để Nam Cao tạo nên tình thế hết sức kỳ lạ này. Và, cũng từ quan niệm ấy, trong một truyện ngắn khác của Nam Cao, khi nhân vật của ông yêu thương một con chó như yêu đứa con ruột của mình thì đó cũng lại là một điều hết sức kỳ lạ, một biểu hiện “gàn dở”, đối với những người xung quanh.
Những câu thành ngữ, tục ngữ có chứa từ “chó” đã cho thấy hình ảnh con chó trong quan niệm của người Việt rõ ràng không gắn với cái gì tốt đẹp. Chính quan niệm này đã tạo tiền đề cho chúng tôi tìm hiểu về việc sử dụng từ thông tục chó trong tiếng Việt.
II. TỪ THÔNG TỤC CHÓ TRONG TIẾNG VIỆT
1. Nhóm từ ngữ thông tục trong tiếng Việt gồm những từ như: mẹ, cha (bố), chó, khỉ, cóc, quái, thá (thớ), đinh (rỉ), đếch .v.v… và những tổ hợp chứa chúng, như: nước mẹ gì, bỏ bố, chết cha, khỉ gió, cóc khô, cái thá gì, cái đinh rỉ gì, đếch gì .v.v… Tuy nhiên, việc xác định vị trí của nhóm từ này trong tiếng Việt vẫn còn chưa rõ ràng và thống nhất. Những từ ngữ thông tục (tiếng Anh: colloquialism; tiếng Pháp: mot populaire) là những từ ngữ được sử dụng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, mang phong cách khẩu ngữ với sắc thái tu từ dân dã, suồng sã, không nghi thức, thậm chí là có phần thô thiển, nhưng không mang ý nghĩa xấu và không vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc nên vẫn có thể chấp nhận được. Chúng khác với nhóm những từ ngữ thô tục (tiếng Anh: vulgarism; tiếng Pháp: mot vulgaire) là những từ ngữ tuy cũng chỉ xuất hiện trong các cuộc giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, nhưng lại mang ý nghĩa tục tĩu, tiêu cực, vi phạm thuần phong mỹ tục và không được cộng đồng chấp nhận. Cùng hai nhớm từ ngữ trên, trong tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới còn có nhóm từ ngữ lóng (tiếng lóng, tiếng Anh: slang; tiếng Pháp: agortisme) và nhóm từ cấm kị (tiếng Anh: taboos; tiếng Pháp: mot tabou). Đây là hai nhóm từ có phạm vi sử dụng rất hạn chế, chỉ trong một nhóm nhỏ người trong xã hội và thậm chí còn bị tránh, bị “cấm” sử dụng trong cộng đồng.
2. Trong nhóm từ ngữ thông tục kể trên, từ thông tục chó là một trong những từ thông tục được sử dụng phổ biến nhất. Khi được sử dụng, từ thông tục chó thường kết hợp với một số từ ngữ khác tạo thành những tổ hợp ít nhiều mang tính ổn định, như:
+ chó đểu
+ chó chết
+ chó đẻ
+ chó ghẻ
+ chó má
+ chó săn
+ đồ chó (má/đểu)
+ quân chó(má/đểu)
+ thằng chó(má/đểu)
+ loại chó(má/đểu)
+ chó nó thèm+ động từ
+thực từ (DT/ĐT/ TT) + (làm) chó gì
+ chó (nó) + (cũng không )động từ
+thực từ (danh từ/động từ) + (thế) chó nào (được)
+ thực từ (động từ/ tính từ) + chó đâu
Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, 2001), mục từ chó chỉ có duy nhất từ chó – danh từ, với các nghĩa sau:
CHÓ d. Gia súc thuộc nhóm ăn thịt, nuôi để giữ nhà hay đi săn; thường dùng để ví kẻ ngu, kẻ đáng khinh miệt và làm tiếng mắng nhiếc (thgt.)
Tuy nhiên, trong hoạt động, có khi từ thông tục chó là danh từ, cũng có khi là tính từ hoặc là trợ từ. Điều này cho thấy ngoài khả năng là thực từ, từ thông tục chó còn có thể là hư từ. Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Hà Thị Thu Thuỷ [1], thì “chức năng làm trợ từ là chức năng cơ bản nhất, chiếm 56.2%, từ chó là danh từ chiếm 26.3%, là tính từ chiếm 17.5%” trong tổng số ngữ liệu mà tác giả này đã khảo sát, thống kê. Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định đi sâu vào việc mô tả hoạt động của từ thông tục chó trong tiếng Việt trên cả ba bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng, mà, như mục đích ban đầu, chúng tôi muốn chỉ ra mối tương quan giữa việc sử dụng từ thông tục chó với quan niệm của người Việt về con chó như đã trình bày ở phần trước.
2.1. Điều trước tiên chúng tôi thấy cần phải khẳng định là quan niệm về con chó trong tâm thức của người Việt chính là căn nguyên, cơ sở của việc sử dụng từ thông tục chó trong tiếng Việt. Người Việt nhìn nhận con chó trong đời sống bằng con mắt của Con Người nhìn một Con Vật, của người - chủ với con vật - “tớ”, nên khi sử dụng từ thông tục chó, họ muốn biểu thị thái độ không coi trọng, thậm chí hạ nhục người nghe hoặc đối tượng được nói tới. Chẳng hạn:
a/ - Đồ chó! Đồ khốn.
Cẩm giống như một cơn giông bất thần. Thuật quay lại lặng đi mấy giây, thần mặt.
- Mày bảo ai là đồ chó, hở thằng mõ?
- Mày! Mày là đồ chó! Đồ chó đểu!
- Đồ khốn! Cả một năm trời dạy dỗ bố láo, chỉ nhằm kiếm tiền làm giàu. Gây bao tiếng xấu tổn hại đến thanh danh nhà trường.
b/ Nghị Hách bỏ Tú Anh, đứng lên nhìn Hải Vân chòng chọc, nghiến răng:
- À, đồ khốn nạn! Đồ chó má!
c/ Bữa rượu vui vẻ, thân mật. Mọi người đều ca thán về nạn sưu thuế, thói nhũng lạm, thái độ mất dạy của bọn quan liêu. Thời đại chó má!
Trong những trường hợp trên, các kết hợp chó đểu, chó chết, chó đẻ, chó ghẻ, chó má, chó săn, đồ chó (má/đểu), quân chó(má/đểu), thằng chó(má/đểu), loại chó(má/đểu)… cũng có nghĩa biểu thái giống như các kết hợp đồ khốn, đồ khốn nạn, nhưng ta thấy mức độ thái độ của người nói được thể hiện cao hơn và mức độ xúc phạm cũng nặng hơn.
2.2. Cũng có khi người ta sử dụng từ thông tục chó một mình (thường là tính từ), không phải để chửi mắng một đối tượng cụ thể nào mà chỉ để bộc lộ tâm trạng bực tức hoặc chán nản trước sự việc xảy ra:
a/ Chó thật, anh nghiến răng. Như trêu ngươi, vòm trời lại liên tiếp bùng chớp.
b/ - Buổi phỏng vấn thế nào cậu?
- Chó quá! Người hỏi tớ là một lão già nổi tiếng khó tính nhất cái công ty ấy.
Khi được dùng một mình với tư cách là tính từ, từ thông tục chó thường kèm theo các phụ từ chỉ mức độ (quá, lắm) hoặc các tình thái từ (thật, thế) đằng sau để làm nổi bật tính chất “không tốt đẹp” của sự việc.
2.3. Nhưng một điều hết sức thú vị là, không giống như trong thành ngữ và tục ngữ, đó là ngoài việc thể hiện thái độ coi khinh, miệt thị, và thực hiện hành vi chửi rủa, xúc phạm người khác, từ thông tục chó đôi khi còn được sử dụng trong những tiếng chửi yêu, mắng yêu để thể hiện thái độ yêu thương, trìu mến của người nói đối với đối tượng được gọi là “chó”. Điều này rất thường thấy trong các cuộc hội thoại giữa người lớn tuổi với trẻ em trong gia đình, làng xóm của người Việt:
a/– Nào, thằng chó con, bố con mày lại sắp bỏ đi cho bằng hết đây. Dậy nào, dậy nào, cha thằng bố mày, dậy đi tè rồi lại vào kềnh, không có nặng, bà không bế được… (Xuân Cang, Đêm hồng)
Chính sắc thái biểu cảm thái độ yêu thương trìu mến này cũng thể hiện qua việc người Việt hay đặt tên cho trẻ em để gọi ở nhà là Cún, hoặc Cún con, Cún bông… Nhân vật được gọi là “thằng chó con” trong thí dụ sau tuy không còn là trẻ em nữa, nhưng vốn có tên là Cún, lại rất trẻ (trẻ hơn so với người giao tiếp với cậu):
b/Cô tái mặt đi… Đấm thùm thụp vào người Cún.
- Thực vàng chẳng phải thau đâu… Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng… Thằng chó con này, sao đến bây giờ tao mới biết mày?
Cô Diệu hổn hển:
- Vào đây… Vào đây… Cái thằng chó con giàu có…
2.4. Một ý nghĩa rất quan trọng nữa của từ thông tục chó trong tiếng Việt cho thấy sự phong phú của nó so với từ chó trong các thành ngữ, tục ngữ là ý nghĩa phủ định của nó khi là trợ từ. Ý nghĩa phủ định của từ thông tục chó chủ yếu do các kết hợp sau thể hiện: chó nó thèm + động từ; thực từ (DT/ĐT/ TT) + (làm) chó gì; chó (nó) + (cũng không )động từ; thực từ (danh từ/động từ) + (thế) chó nào (được); thực từ (động từ/ tính từ) + chó đâu… Từ thông tục chó có khả năng phủ định người, vật, việc hay đặc điểm mà các thực từ nó đi kèm thể hiện và trong hoạt động giao tiếp, sắc thái phủ định của nó thường mạnh mẽ, gay gắt hơn các từ thông tục là các từ chỉ loài vật khác. Trong các thí dụ dưới đây chẳng hạn:
a/ - Thôi, con nó thành đạt, lại có lòng như thế ông nên nhận cho nó vui.
- Vui thế chó nào được mà vui. Tôi không cần cái của phi nghĩa ấy.
b/ - Anh đừng uống nữa. Uống thế đủ rồi, về đi, chị ấy ở nhà đang lo…
- Mày là cái chó gì của tao. Đừng nhiều lời…
c/ - Chỗ này mà mở hàng ăn thì có nhiều triển vọng lắm đấy.
- Từ hồi chú mày còn ở trong bụng mẹ đã có người làm việc đấy rồi mà có ăn thua chó đâu. Chú mày thích thì cứ việc thử.
d/ - Mai mày đi sinh nhật “bồ mới” cùng tao nhé!
- Đi thế chó nào được mà đi! Mai tao còn phải vào bệnh viện thăm bà già tao ốm.
e/ - Bà Cựu mời ông đến hợp tổ dân phố đấy.
- Chó nó thèm đến. Lần trước họp, bà ta nói như băm như bổ vào mặt người ta ấy.
3. Bên cạnh việc sử dụng từ thông tục chó, người Việt cũng có khi sử dụng một số từ ngữ hoặc cách diễn đạt vốn miêu tả những đặc điểm, thuộc tính đặc trưng của con chó để nói về người. Khi đó, các từ ngữ này sẽ trở thành phương tiện của biện pháp tu từ ẩn dụ trong tiếng Việt. Cách dùng này, xét về mặt ý nghĩa biểu thái của các từ ngữ, cũng là một lối nói thông tục, và có thể coi chúng giống như những dạng thay thế cho việc sử dụng từ thông tục chó. Chẳng hạn:
Gần đây, đặc biệt là trong giới trẻ, xuất hiện hiện tượng dùng từ sủa (vốn là động từ chỉ hành động phát ra âm thanh to, mạnh khi đánh hơi thấy có người hay vật lạ của con chó) đi kèm với một từ chỉ người - chủ thể của hành động. Chẳng hạn:
- Mày là thằng khốn nạn…
- Sủa gì thế? Không muốn sống nữa phải không? (ám chỉ điều người đối diện nói ra là không thể hiểu, không thể chấp nhận được với mình)
Hoặc cụm động từ cụp(cúp) đuôi, vẫy đuôi trong các thí dụ sau:
A: Vừa trông thấy ông hiệu trưởng, hắn đã xun xoe vẫy đuôi… (ám chỉ hắn chỉ như một đầy tớ của ông hiệu trưởng, như một con chó thấy chủ thì mừng rỡ vẫy đuôi).
B: Ừ, ấy thế mà khi ông hiệu trưởng lờ hắn đi, điềm nhiên bước vào phòng, hắn vội cụp đuôi chuồn thẳng. (chỉ dáng vẻ thất vọng, ủ rũ của hắn khi không đạt được mục đích)
Như vậy, việc sử dụng từ thông tục chó trong tiếng Việt vốn xuất phát từ quan niệm của người Việt về con chó. Quan niệm này được thể hiện rõ nét qua hàng loạt các thành ngữ, tục ngữ của người Việt. Mặt khác, việc sử dụng từ thông tục chó của người Việt lại có nhiều điểm phong phú, sinh động và có giá trị hơn xét trên cả hai phương diện ngôn ngữ và văn hoá. Việc tìm hiểu hoạt động của các từ ngữ thông tục khác trong tiếng Việt và truy tầm cội nguồn của chúng từ văn hoá dân tộc để tìm ra mối tương quan thống nhất nhưng không đồng nhất giữa ngôn ngữ và văn hoá cũng như giữa cái gọi là ngôn ngữ chuẩn mực và ngôn ngữ phi chuẩn là một hướng nghiên cứu mà chúng tôi rất quan tâm và sẽ cố gắng phát huy tiếp trong các công trình sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Thị Thu Thuỷ, Tìm hiểu hoạt động của từ thông tục “chó” trong tiếng Việt, Khoá luận tốt nghiệp, ĐH Sư phạm Hà Nội, 2007
2. Vương Toàn (chủ biên), Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học Việt – Anh – Pháp – Nga, Nxb Từ điển bách khoa, 2003
3. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (trong so sánh với những dân tộc khác), Nxb ĐHQG HN, 2002
4. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2001
5. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục 1997
Phan Văn Quế, Hình ảnh con chó trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Anh, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 2 (52), 2000
Phan Văn Quế, đd
Ma Văn Kháng, Đám cưới không có giấy giá thú, Nxb Phụ nữ, 1987, tr.273
Vũ Trọng Phụng, Tuyển tập, tập 1, Nxb Văn học, 2003, tr.433
Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr.188
Nguyễn Huy Thiệp, sđd, tr.37
(Source: Hội thảo Khoa học Trẻ I- khoa Ngữ văn )
*Trở lại vấn đề để nhận biết cái tính chó của phần con trong con người thì với kinh nghiệm của bản thân , theo tôi hãy bắt đầu như sau
- CHÓ SỦA MA - loài chó vốn được con người thuần hóa, luôn phải sống trong sự lo sợ và phòng vệ bản thân, nên chỉ cần nghe một tiếng động thì lập tức lên tiếng sủa ngay . Nếu như tiếng động đó tạo ra cho chúng cảm giác bất an, bất lợi cho thì chúng càng sủa dữ dội . Đó cũng là lý do người nuôi chó giữ nhà
- CHÓ SỦA HÙA - đặc điểm này rất dễ nhìn thấy. Chỉ cần nghe một con sủa thì lũ chó trong xóm sẽ gân cổ lên mà sủa theo cho dù chúng chẳng hiểu biết chuyện gì đang xãy ra. Đây là đặc điểm từ đời sống bầy đàn của loài chó vẫn duy trì đến nay
- CHÓ THÙ DAI - một con chó không phải do bạn nuôi, nếu như bạn chỉ cần đánh nó đau một lần nhất định nó sẽ nhớ mùi của bạn. Chỉ cần gặp bạn là nó sẽ sủa không thôi, thậm chí còn rình để cắn trả thù
- CẮN LÉN - đối với Người loài chó luôn sợ hãi, chẳng mấy khi chúng dám trực diện tấn công bạn nhưng chỉ cần bạn quay lưng thì phải coi chừng bởi chúng sẽ xông vào cắn ngay
Với 4 đặc tính cơ bản này, thiết nghĩ các bạn sẽ nhận ra loài chó mạng. Đặc biệt với loài chó mạng thì chúng luôn hoang tưởng chúng là người chứ không phải Chó hay là CON NGƯỜI. Nên cũng không có gì là lạ khi chúng thể hiện hành vi của loài Chó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét