Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Cái giá của sự nổi tiếng



Thấy một câu hay hay của Francis Fukuyama về sự nổi tiếng như sau: "Một qui luật căn bản của đời sống trí thức là cái danh tiếng làm triệt tiêu phẩm chất: một tác gia càng nổi tiếng thì càng sản sinh ra nhiều sáo ngữ (1). Trong giới học thuật, các siêu sao rời bỏ thư viện để đi làm xiếc giảng. Các nhà báo có thương hiệu thu thập những thông tin hay và tốt từ những bữa ăn tối, thay vì chịu khó đào sâu. Quá nhiều bài diễn văn và quá nhiều cái vỗ vai chiếm hết thì giờ cho những suy nghĩ nghiêm chỉnh." Tờ báo mỉa mai nói rằng tuy ông Fukuyama nói như thế nhưng chính ông là một ngoại lệ vì ông từng nổi tiếng với cuốn sách "The End of History and the Last Man" và cũng được mời đi làm xiếc giảng khắp nơi trên thế giới.



Viện Garvan của tôi thường hay mời các siêu sao khoa học (cỡ giải Nobel) đến … tán dóc. Sau khi ông Peter Doherty (một người Mĩ gốc Úc) được trao giải Nobel, Viện mời ông ấy đến giảng một bài. Ông là một người rất vui tính và rất … Úc. Ông ấy mở đầu bài giảng nói rằng từ ngày ông được giải Nobel, ông rất khổ sở vì tối ngày đi làm xiếc giảng (circuit lecture) mà không có thì giờ làm nghiên cứu. Từ chối lời mời của đồng nghiệp thì kì, mà nhận lời thì ông sợ trở thành thợ xiếc giảng, nên ông ấy rất khổ tâm. Trong buổi ăn tối, ông ấy nói rằng từ ngày mang cái "dây nịch Nobel", việc xin grant còn khó khăn hơn, vì bị đồng nghiệp săm soi từng chi tiết nên dễ bị từ chối! Ông còn hài hước nói rằng cũng may là báo chí chưa đến sưu tra con cái ông làm gì, vợ ông nói gì, và ông cố nội và cố ngoại dạy ông ra sao như trong thế giới cộng sản. Bữa dinner làm cho nhiều người cười ngất ngây.


Có một lần ông James Watson cũng đến Viện Garvan làm "sabbatical leave" vài tuần, và Viện tận dụng thời gian ông để mời giảng và tư vấn cho các faculties. Tôi cũng có dịp gặp ổng một giờ gì đó. Thú thật, chẳng riêng gì tôi mà hầu hết faculties gặp ổng đều có cảm giác là nhạt nhẽo, chẳng có ích gì, vì ông chẳng có ý tưởng gì hay ho cả. Mà, trách sao được khi lúc đó ông đã gần 80 tuổi, đâu có thì giờ để quan tâm đến khoa học khoa hiếc gì. Có một điều tôi nhớ là ông ấy rất "defensive" khi đề cập đến Roselind Franklin, và chính ông ấy tự biện minh trong hầu hết các bài giảng. Ông ấy cũng nói là từ ngày có giải Nobel ông rất ít làm nghiên cứu, chỉ đi thăm đây đó và nói chuyện khoa học mà chúng tôi gọi đùa là … tán dóc.


Những người nổi tiếng, bất kể là trong khoa học hay ngoài khoa học, thường có thói quen nói bạo, và nói theo tiếng Anh là nói kiểu "hot air". Chẳng hạn như một ông mới được trao giải Nobel y sinh học tuyên bố rằng các tập san như Nature và Science đang làm hư hỏng khoa học, và còn nói đừng công bố trên mấy tập san đó! Nhưng ông không nói cho người ta biết rằng chính nhờ những bài trên đó, ông mới được trao giải Nobel. Ông cũng không nói rằng chính ông đứng ra lập một tập san mới có tính cạnh tranh với Nature và Science. Một ông khác là Peter Higgs tuy không khuyến khích không công bố nhưng ông thú nhận là 10 năm gần đây ông chẳng có công trình nào để công bố, và thế là báo chí – nhất là báo chí VN – nhảy vào nói "Đó, đâu cần công bố", có người thì nói chẳng cần công bố trên ISI! Nhưng sự thật là thời gian trước khi chiếm giải Nobel ông công bố rất nhiều và chỉ công bố trên tập san ISI, ông chỉ giảm công bố sau khi ông nghỉ hưu mà thôi. Thế giới đã thay đổi: thời đại này mà nói nhà khoa học không cần công bố thì tôi nghĩ thật là lạc điệu, và người đó nên tìm việc làm khác là vừa. Do đó, mấy câu nói hoa mĩ, chỉ để nói suông triết lí cuộc đời của những người nổi tiếng, theo tôi, tốt nhất là nên bỏ ngoài tai, hay nếu có tích cực hơn thì xem như là những giải trí cho vui mà thôi, vì nó chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế cả.


Thành ra, nghiệm lại câu nói của Fukuyama, tôi thấy rất có lí. Nhiều khi trở thành một nhân vật nổi danh cũng là lúc sự nghiệp mình có nguy cơ đến hồi kết thúc. Có khi đó là cái giá phải trả cho sự nổi danh. Nhưng người mình có câu cũng hay hay: thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn là le lói cả trăm năm. Có lẽ vì cái tâm lí này nên người Việt mình hay chạy theo sự nổi tiếng và chuộng hư danh, nhưng ít khi chịu khó suy nghĩ sau cái hư danh là gì. VN thích có đại học nằm trong danh sách "Top 200" nhưng sau đó là gì thì không rõ. Nói xa hơn một chút, có thể nói VN chỉ dồn hết sức lực để có "sao", mà không nghĩ đến lâu dài, và chính vì thế mà ở bất cứ lĩnh vực nào VN có phát triển nhưng là loại phát triển thiếu bền vững.

Nguyễn Văn Tuấn
====


(1) http://www.economist.com/news/books-and-arts/21620053-how-benefits-political-order-are-slowly-eroding-end-harmony. Nguyên văn ông ấy dùng chữ "hot air", là thành ngữ có nghĩa là những lời nói sáo rỗng, thiếu thành thật, chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét