Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Ánh sáng văn hóa bắt đầu từ con chữ !




Dù rằng xa lộ thông tin toàn cầu thiết lập đã hàng thập kỷ nay nhưng thực tế cho thấy không ít người cao tuổi xa quê hương vẫn có một ấn tượng tổng quát không mấy sáng sủa về tình hình đất nước. Có thể do nguồn thông tin không cập nhật dồi dào; hoặc đáng nói hơn, vì “nấm mồ quá khứ” chiến tranh, chia cắt, thù hận chưa hất đi được ,thậm chí còn đè nặng bản mệnh tuổi già ở xứ người Âu Mỹ . Nếu có ai đó trong số họ truy vấn tôi rằng thành quả văn hóa mà họ thường quan tâm có tính cách mạng, ấn tượng nhất là gì, tôi chẳng ngại ngần ,nói rõ ngay.



GS Ngô Bảo Châu đang dạy học cho các bé em Lũng Luông (Võ Nhai- Thái Nguyên). Nguồn trên mạng

Trước hết đấy là thành quả giáo dục,bắt đầu từ đại sự xóa nạn mù chữ cho đại trà cho toàn dân. Tiếp đến là phổ cập tiểu học, THCS cho một bộ phận lớn cư dân ở Việt Nam. Song hành với đại sự đó, là mấy chục năm,đặc biệt kể từ thời điểm đổi mới toàn diện kinh tế xã hội, đưa các thế hệ trẻ kế tiếp nhau tới trường để cố gắng đến mức cao nhất hướng tới phổ cập bậc trung học cho phần lớn người lao động chân tay và trình độ đại học trở lên cho người lao động trí óc trong tương lai gần.

Hiển nhiên, thành tựu văn hóa giáo dục to lớn đó, chỉ có thể là hệ quả tốt đẹp của một định hướng đúng đắn ngay từ trong thời chiến tranh giải phóng và trên cơ sở của một nền kinh tế thời bình vững chắc, khởi sắc , phát triển dần dần. Có thực mới vực được đạo,đạo học của người Việt bản tính coi trọng thực tế chỉ có thể phát triển trên cơ sở đó.

Tôi cũng không ngại ngần dùng từ vĩ đại để chỉ thành quả giáo dục đại trà toàn dân .Hãy đặt giáo dục, cụ thể, trước hết là việc dậy chữ cho hàng chục triệu người khởi hành trong bối cảnh nước Việt Nam mới ra đời từ cuộc Cách Mạng tháng Tám lịch sử giữa thế kỷ trước. Thời đó ba thứ giặc, giặc ngoại xâm,giặc đói và giặc dốt cộng lực hoành hành, chính thể dân chủ cộng hòa non trẻ không khác gì con thuyền nan giữa sóng to gió cả.

Trong tình cảnh ấy, người Việt càng thấy chủ trương lớn diệt giặc dốt song trùng với diệt giặc đói ,giặc ngoại xâm là chủ định sáng suốt, đi trước thời đại. Khai dân trí nhằm chấn dân khí là một đường hướng văn hóa khai phóng mà thế hệ các chí sĩ yêu nước, điển hình là cụ Phan Châu Trinh,đã đề xuất. Người Việt cao niên trải qua hai chế độ không thể quên khởi đầu khai tâm khai trí người Việt là từ những tấm mẹt, tấm mo, tấm gỗ tạp viết chữ ABC treo đầu làng cuối chợ. Để những người nông dân chân đất áo vá l tập đánh vần ngay sau ngày cách mạng Tháng Tám lịch sử, ngay trong tình cảnh nước Việt Nam mới bị thù trong giặc ngoài vây hãm.

Khởi đầu là câu ca đồng dao “o tròn như quả trứng gà-ô thời đội mũ ơ thời thêm râu” để hàng triệu người làm ruộng lam lũ nghèo hèn dưới chế độ cũ thực dân phong kiến nhập tâm những con chữ quốc ngữ đầu tiên. Từ khởi điểm dân trí cực thấp kém, hàng chục triệu người mù chữ, hàng triệu trẻ em thất học đói khát cơm ăn và chữ viết, nước Việt vượt qua cuộc kháng chiến chống thực dân cũ “chín năm làm một Điện Biên-nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Rồi lại trải qua cuộc trường chinh một phần tư thế kỷ chống thực dân mới cực kỳ khốc liệt, có lúc từ lớp mẫu giáo đến giảng đường đại học phía bắc Việt Nam phải chui xuống địa đạo hầm hố dưới lòng đất để tránh bom đạn Mỹ leo thang chiến tranh.

Phải hình dung ra con đường khai minh ở Việt Nam khởi đầu như thế ,hành trình khai sáng văn hóa khoa học gian nan như thế, mới thấy hết việc xóa mù chữ và nâng cao dân trí ở xứ sở này là vĩ đại biết nhường nào! Giờ đây, dù mới chỉ là quốc gia chạm ngưỡng văn minh hiện đại so với chuẩn mực quốc tế, người dân mới chạm ngưỡng mức sống trung bình của thế giới thôi, nhưng nước Việt có tới trên hai mươi triệu người đi học thuộc các thế hệ cầm giữ tương lai, kể từ cháu mẫu giáo đến cô cậu sinh viên đại học. Con số đó đối với những ai đã kinh qua những năm tháng vong quốc nô đời người như ao tù nước đọng, đã kinh qua những thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước gian khổ, có ý nghĩa như một biểu tượng cách mạng.Tôi tin những ai công minh, công bình với lịch sử nước Việt, không khi nào phủ nhận thành quả văn hóa giáo dục đó

Có ai không biết nhập môn văn hóa, mở cánh cửa văn minh của mỗi một con người đều phải bắt đầu vỡ lòng từ con chữ. Có người Việt nào thành danh trên con đường học vấn khoa bảng ở xứ người ,hay trên thương trường quốc nội quốc ngoại, không bắt đầu từ việc tập đánh vần, ghép chữ,mở trang giấy đầu đời nắn nót viết tên mình, tên anh tên chị ,tên mẹ ,tên cha ?. Nhớ lại đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước,cả làng tôi chỉ có ba người học đại học. Sinh viên đại học thời ấy có người không biết đi xe đạp,mũ lá dép cao su như toàn dân sống nghèo, giản dị hết mức . Đâu như các cháu thiếu niên làng tôi bây giờ đi học cấp hai trên xã,không đầy cây số cũng xe đạp điện chạy vè vè.

Hầu hết các cô các cậu lớp tám lớp chín gần cuối cấp, chừng mười ba mươi bốn đã lớn phổng phao, chớm tuổi trai thanh gái lịch. Họ đều xài điện thoại di động. Không ít gia đình sắm máy tính cho con vừa chơi vừa học. Hè năm nào, trước dịp khai trường ,chính quyền xã cũng tổ chức biểu dương hàng sáu bẩy chục con em thi đỗ vào các trường đại học,cao đẳng. Mấy năm trước có em đủ điều kiện được nhà nước cho xuất ngoại đi học bên Nhật ,bên Bỉ . Diện mạo văn hóa ở một làng quê vốn thời xa xưa độc canh cây lúa , quẩn quanh bốn lũy tre làng ,nay nhờ những thế hệ người có học nối tiếp nhau mà thay đổi sâu xa từ mức sống ,chất lượng sống ,đến cung cách cư xử của con người .

Họ đi từ làng ra nước, từ ao làng ra sông ra biển lớn. Nói một cách hình ảnh, từ thủa đánh vần chữ cái ABC, từ thời chăn trâu cắt cỏ, bắt cá đơm tôm, họ đã trưởng thành. Thành phần ưu tú nhất trong số họ là cán bộ quản lý kinh tế xã hội các cấp ,là doanh nhân, là nhà giáo,bác sĩ, còn số đông thành những người làm ruộng có tri thức tầm tầm về khoa học nông nghiệp. Trên cái nền văn hóa được từng bước nâng cao lên,họ ở khác xưa, ăn khác xưa ,nói khác xưa ,sống khác xưa ,tạo nên một diện mạo mới văn minh hiện đại cho làng. Và đương nhiên quan hệ giữa người với người cũng khác xưa theo chỉ hướng văn minh nhân bản hơn. Nhiều tập tục ma chay cưới xin lỗi thời lạc hậu được xóa bỏ dần. Nói như thế đâu có phải là người viết cố ý tô hồng, tuyên truyền một chiều.

Hiển nhiên đời sống văn hóa giáo dục của Việt Nam còn nhiều bất cập so với chuẩn mực văn minh tân tiến ở xứ người có hàng thế kỷ đi trước xứ sở này trên hành trình hiện đại hóa, dân chủ hóa trong hòa bình thịnh vượng. Nhưng cứ nghĩ lại con đường nước Việt đã đi qua trong nghèo nàn lạc hậu ,trong chiến tranh, chia cắt máu lửa cùng những lầm lỗi lịch sử tưởng như là định mệnh, tưởng như không sao tránh được, ôn cố tri tân trên tinh thần thực sự cầu thị mà coi !

Nghĩ lại để ý thức hơn về một thứ ánh sáng tưởng vô hình hóa ra lại rất hữu hình kiến tạo nên cuộc sống con người là ánh sáng văn hóa khởi đầu từ những con chữ mẫu tự la tinh ABC ! . / .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét