Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Phân biệt i và y trong chính tả tiếng Việt




Tồn tại mấy trăm năm qua, vấn đề i và y trong chính tả tiếng Việt đã được chính quyền thuộc địa Pháp đặt vấn đề cải cách từ đầu thế kỷ XX. Sau 30-4-1975 các cơ quan hữu quan như Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng có những quy định về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu cả trong lẫn ngoài nước trước nay cũng đã tìm hiểu và có ý kiến, nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.




Bởi vì chưa ai đặt vấn đề tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao trong vần tiếng Việt lại có cả i và y?”. Điều làm người ta bất ngờ là vấn đề chính tả của chữ quốc ngữ Latin này lại có nguồn gốc từ cách đọc chữ Hán tức có liên quan với âm vận học Hán ngữ. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (ảnh) với công trình “I và y trong chính tả tiếng Việt” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2014) đã làm rõ điều đó.

* PV: Xin anh cho biết tổng quát về cuốn sách?

* Nhà nghiên cứu CAO TỰ THANH: Cách đây gần 30 năm, tôi nhận ra ngoài vài trường hợp viết sai trong chính tả tiếng Việt, những từ thuần Việt đều được viết với i như trái bí con khỉ, củ mì, gà ri, ngựa hí, hỉ mũi… chỉ những từ Việt Hán mới được viết với cả i và y, nên đã nghĩ tới việc tìm nguyên nhân trong mảng từ Việt Hán. Đến nay có điều kiện khảo sát toàn bộ những chữ Hán có phần vần là i/y thì quả nhiên đúng thế. Âm vận học Hán ngữ chia các chữ Hán có phần vần là i/y làm hai loại theo đẳng hô tức bộ vị và đặc điểm phát âm là Tam đẳng Khai khẩu và Tam đẳng Hợp khẩu, trong đó khi chuyển qua ghi bằng chữ quốc ngữ Latin thì những từ có phụ âm đầu là zéro như y (áo), y (chữa bệnh), ý (ý nghĩ), ỷ (dựa cậy) thường viết với y đều thuộc Tam đẳng Khai khẩu. Tóm lại theo logic thì những từ Tam đẳng Khai khẩu ở đây phải được viết với y, những từ Tam đẳng Hợp khẩu phải được viết với i, dĩ nhiên nếu có nguyên âm tròn môi đi trước như huy, truy, thủy thì bất kể là Khai khẩu hay Hợp khẩu cũng phải viết với y. Nhưng từ thế kỷ XVII trở đi thì dòng chính tả ngoại nhập vốn không chấp nhận lối viết kỹ, lý, mỹ giống hệt quy định chính tả hiện nay, còn ở dòng chính tả Việt hóa điều đó lại không được thể hiện nhất quán và liên tục, đây là do lịch sử của chữ quốc ngữ ở Việt Nam dẫn tới. Tuy nhiên, trong lời nói đầu quyển sách, tôi có nói là chỉ nhằm làm sáng tỏ việc tại sao trong vần tiếng Việt lại có cả i và y và tôi nghĩ đã làm sáng tỏ được rồi.

* Nghĩa là nhiều năm qua chính tả tiếng Việt không có nguyên tắc trong việc chuẩn hóa cách viết i/y?

* Chữ quốc ngữ là loại chữ ghi âm, nhưng âm đọc và cách đọc là hai chuyện khác nhau. Người Việt ai cũng hiểu/viết từ ăn như nhau, nhưng người miền Bắc thường nói/đọc là ăn, người miền Trung thường nói/đọc là eng, người miền Nam thường nói/đọc là ăng. Cách đọc mới là quy chuẩn, chứ âm đọc không thể coi là quy chuẩn. Hiện nay nhiều người viết khúc chiết là khúc triết, bánh chưng là bánh trưng chính vì đồng nhất âm đọc với cách đọc đấy. Chữ quốc ngữ được sáng tạo ra từ thế kỷ XVII và chỉ phổ biến trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, lúc người Việt Nam đang dùng chữ viết Hán Nôm, khi đó Dòng Sai có viết khác Dòng Tên cũng không hề gì. Nhu cầu chuẩn hóa chính tả ở đây chỉ được đặt ra sau khi người Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam, chữ quốc ngữ từng bước được dùng làm chữ viết chính thức từ Nam tới Bắc. Nhưng lực lượng nòng cốt trong việc phổ biến và chuẩn hóa chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không bao giờ là những nhà nho học hành có bài bản, các trí thức tân học thế kỷ XX thì căn bản không biết về âm vận học Hán ngữ để hiểu được sự khác biệt về âm trị giữa i và y trong mảng từ Việt Hán, cho dù biên soạn từ điển cũng chỉ ghi nhận âm đọc chứ không ghi nhận cách đọc, chuyện sai đúng do đó phần nhiều là ngẫu nhiên. Sự khác biệt giữa i và y trong mảng từ Việt Hán là khác biệt về âm trị, do cách đọc. Trong thực tế ai cũng nhận ra sự khác biệt ấy trong các trường hợp loại mai - may, thủi – thủy vì y trong may, thủy được phát âm dài hơn i trong mai, thủi. Nhưng theo tập quán phát âm của người Việt thì lý lẽ không khác gì lí lẽ, sự khác biệt nói trên bị xóa nhòa, khó nhận ra hơn.

* Như vậy, anh không tán thành quy định lối viết i/y hiện nay?

* Tôi nghĩ chắc đến nay những người đề xuất các quy định ấy vẫn chưa biết tại sao vần tiếng Việt lại có cả i lẫn y, nên các quy định ấy cho dù có giá trị pháp lý cũng không thể có cơ sở khoa học và giá trị thực tiễn. Không biết nguyên nhân, không rõ quá trình mà cứ can thiệp thì dễ cảm tính hay tùy tiện lắm. Họ quy định những từ có phần vần là i/y không có phụ âm đầu phải viết là y, trẻ con viết đúng những từ Việt Hán như y tế, ý thức thì lại viết sai những từ thuần Việt như béo ị, ầm ì thành béo ỵ, ầm ỳ. Đối với ngôn ngữ đâu có thể cào bằng bừa bãi như thế được.

* Vậy trở đi anh có định viết i/y theo đúng với đẳng hô của âm vận học Hán ngữ không?

* Khi số đông thừa nhận cái sai thì cái vốn đúng sẽ bị coi là sai, nên tôi không thể viết trý thức, by ai cho đúng âm vận học Hán ngữ để trở thành dị dạng về chính tả trước mắt số đông. Nhưng trong giới hạn chấp nhận được như my mục, kẻ sỹ thì tôi sẽ theo nguyên tắc ấy, vì nó nhắc nhở tôi về lòng tự trọng nghề nghiệp.

Nguồn: TƯỜNG VY - SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét