Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Học giả Mỹ vạch trần âm mưu của Trung Quốc






Các học giả của Mỹ, Châu Á và Châu Âu đã lên tiếng vạch trần âm mưu này của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vi phạm chủ quyền Việt Nam là một bước trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông.



Giáo sư, Tiến sỹ Marvin C. Ott chuyên gia phân tích chiến lược chuyên nghiên cứu về Đông Á của Đại học John Hopkins, Mỹ

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Marvin C. Ott, chuyên gia phân tích chiến lược chuyên nghiên cứu về Đông Á của Đại học John Hopkins, Mỹ, người thường xuyên xuất hiện trên kênh truyền hình CNN với vai trò bình luận viên về các vấn đề Châu Á, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một bước trong kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Quyết tâm của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng đất và nước tại Biển Đông là rất rõ ràng trong suốt một thời gian dài


Thực hiện quyết tâm đó, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các vụ việc bất chấp luật pháp quốc tế, gần đây nhất là tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thực ra cùng một kiểu vụ việc đã xảy ra với Philippines và trong thời gian tới Trung Quốc có thể gây ra các vụ việc liên quan đến hàng loạt nước khác.



Giáo sư Gordon G. Chang, tác giả cuốn sách “The Coming Collapse of China” (Nguồn: doanhnghiepvn.vn)

Về hành động hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trong bài viết trên tờ Forbes nổi tiếng của Mỹ, Giáo sư Gordon G. Chang chỉ ra rằng, Bắc Kinh có thể muốn tận dụng sự phân tâm của Washington trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina hoặc thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama hay chỉ muốn uy hiếp một quốc gia nhỏ bé. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì việc Trung Quốc đang làm đều rất nguy hiểm. Tác giả Gordon G. Chang khẳng định: “Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chuyện lùi bước, ngay cả khi đối mặt với hành động khiêu khích của quốc gia láng giềng hùng mạnh như Trung Quốc.

Hai nước đã nhiều lần đối đầu… nhưng rõ ràng Hà Nội không sợ người hàng xóm của mình. Sẽ không còn niềm tự hào nếu người Việt Nam để Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển gần bờ của mình trong thời gian này mà không có sự ngăn cản”. Kết thúc bài viết, tác giả nhấn mạnh, tham vọng của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng lãnh thổ và vùng biển của các quốc gia xung quanh sẽ không dừng lại trừ khi bị buộc phải dừng lại.


Tiến sỹ Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) (Nguồn: vietbao.vn)

Tiến sỹ Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho biết, vụ việc giàn khoan càng chứng minh cho dã tâm của Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bất chấp phản ứng của các nước. Đối với các bên tranh chấp khác với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông như Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Nhật Bản ở biển Hoa Đông, sự việc này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục lập trường hung hăng, cứng rắn trong vấn đề tranh chấp biển.



Vụ việc này, cùng với các hành động tập trận Trung Quốc vào đầu năm nay của Bắc Kinh tại bãi ngầm James chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và bao vây, chặn tàu Philippines đi vào Bãi Cỏ Mây, là chỉ dấu rõ ràng cho thấy vì tham vọng tại Biển Đông, Bắc Kinh đã bất chấp các khiếu nại và hành động của các nước láng giềng, kể cả những nỗ lực dùng biện pháp trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp hay xích lại gần Hoa Kỳ.

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vì mục đích chính trị, muốn thử thách Mỹ. Đây là hành động nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời làm dấy lên mối lo ngại từ các nước.




Ông Taylor Fravel, Giáo sư chính trị học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (Nguồn: vietnamplus.vn)




Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) Taylor Fravel, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, phục vụ ý đồ chính trị với mưu đồ độc chiếm Biển Đông và thử thách Mỹ. Giáo sư Taylor Fravel khẳng định vị trí giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, vì thế nằm trên thềm lục địa và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn.

Vì thế, hạ đặt giàn khoan HD – 981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Giáo sư Taylor Fravel còn nêu rõ, Bắc Kinh luôn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và thích hành động đơn phương. Bằng chứng là trong những năm qua, nước này liên tục mời các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư khai thác tại các lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Điều này càng cho thấy Trung Quốc có thiên hướng muốn bành trướng. Ngoài ra, Giáo sư Fravel cũng nhận định, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du tới khu vực, trong đó có chuyến thăm hai quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Malaysia và Philippines, hành động của Bắc Kinh cho thấy nước này có thể đang tìm cách thử thách cam kết “xoay trục” sang Châu Á của Washington.
Về mục đích,ý đồ của Trung Quốc trong vấn đề này, Tiến sỹ Gregory Poling cũng cho rằng hoàn toàn không phải vì vấn đề kinh tế. Cũng chẳng phải dầu lửa. Trung Quốc chỉ có một giàn khoan như Hải Dương 981. Nó được sử dụng chính ở vùng biển Hong Kong, và ở khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cần giàn khoan này sử dụng vào mục đích chính là khai thác dầu, thế nên họ tuyên bố chỉ cắm ở đó cho tới tháng Tám hoặc sớm hơn rồi rút về để khoan kiếm dầu thực sự.

Thế nên đưa giàn khoan tới chỉ là muốn gửi một thông điệp chính trị. Đối với Mỹ, Trung Quốc cũng đang phát đi một tín hiệu rằng Bắc Kinh không tin Washington có đủ tiền để làm những gì là cần thiết để bảo vệ các đối tác trong khu vực và ngăn chặn Trung Quốc bành trướng. Đối với cộng đồng quốc tế, hành động của Bắc Kinh đại diện cho một thách thức với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Bài mà Bắc Kinh vẫn sử dụng lâu nay là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.


Tiến sỹ Ernest Bower, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Nguồn: vov.vn)

Tiến sỹ Ernest Bower, cố vấn cao cấp phụ trách Nghiên cứu Đông Nam Á, đồng giám đốc tổ chức Sáng kiến đối tác Thái Bình Dương tại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, cho biết hành động gây hấn mới của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại cho các nước và Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế từ vấn đề này.

Ông Ernest Bower nhấn mạnh, rõ ràng là sự gây hấn mới của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại trong các nước láng giềng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng bày tỏ lo ngại trước việc một nước lớn sử dụng sức mạnh kinh tế – quân sự để thúc đẩy các lợi ích chủ quyền của mình, trong khi gây hại cho một quốc gia nhỏ hơn. Trong trường hợp này, gần như tất cả các quốc gia đều chia sẻ lợi ích trong việc thuyết phục Trung Quốc tham gia xây dựng và tuân thủ các quy tắc. Nếu không, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị mất ổn định bởi sự quyết đoán của Trung Quốc và thương mại – đầu tư trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Andrew Billo, học giả thuộc Asia Society, đang giảng bài tại Đại học Lý Quang Diệu, Singapore.

Học giả Andrew Billo, chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội Châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD – 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dự báo về tình hình Biển Đông sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động theo cách bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng.
————-
http://www.baomoi.com/Hoc-gia-My-vach-tran-am-muu-cua-Trung-Quoc/119/13861934.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét