Vicki Convington (sinh ngày 22/10/1952) là một tiểu thuyết gia nổi tiếng của miền Nam Hoa Kỳ (Về dưới mái nhà/ Gathering Home, Chim thiên đường/ Bird of Paradise, Chuyến đêm về nhà/ Night Ride Home, và Nhà trọ cuối cho đàn bà/ The Last Hotel for Women).
Nhà văn Vicki Covington - Ảnh: internet
Cuốn sách gần đây nhất của bà, Chẻ: chuyện về một hôn nhân/ Cleaving: The Story of a Marriage, là một tác phẩm phi hư cấu mang tính sáng tạo bà cùng viết với chồng là Dennis Covington.
Những truyện ngắn của bà từng xuất hiện trên Tạp chí Người New York (The New Yorker); bà cũng viết cho nhiều tạp chí văn học, như là Shenandoah [tên một con sông ở Tiểu bang Virginia], Tạp chí Nhân văn Miền Nam (Southern Humanities Review), Giáp mặt (Confrontation), và Thăng tiến (Ascent). Bà từng là người nhận được tiền tặng thưởng cho một nghệ sĩ cá thể từ Hội đồng Nghệ thuật của tiểu bang Alabama và Hiệp hội Thư viện Alabama. Chẻ: chuyện về một hôn nhân được Tạp chí Thư viện gọi là một trong những cuốn sách hay nhất của năm 1999.
Hiện thời, Convington đang dạy viết văn hư cấu ở Đại học Alabama tại Birmingham (UAB), tại đó bà cũng hướng dẫn các khoá giảng trong Chương trình Danh dự của UAB. Bà cống hiến những buổi đọc văn và là một diễn giả công cộng cũng như cổ động cho Hiệp hội Alzheimer cho những người bị bệnh suy não ở Trung tâm Alabama và Hệ thống Hỗ trợ Gia đình cho những người mang bệnh Alzheimer của Đại học UAB.
Bà có hai cô con gái. Cô Ashley, mười bảy tuổi, là người viết tiểu thuyết, luận văn, và là người nghiên cứu về gia phả học lành nghề. Cô này đang theo trường Mỹ nghệ Alabama và bây giờ đang là học sinh năm chót của Trung học Homewood. Cô kia Laura, mười lăm tuổi, đã nhận được nhiều giải thưởng về văn viết trong mọi lĩnh vực – đặc thù là thơ. Cô này cũng hoạt động tích cực trong Phân bộ Kịch nghệ của trường Homewood và đoàn Kịch nghệ địa phương. Cả hai cô gái này đều là nhạc sĩ giống như mẹ và cha mình, ông Dennis Covington, tác giả của cuốn Cứu chuộc trên núi cát/ Salvation on Sand Mountain, một tiểu thuyết được vào chung kết Giải thưởng Sách Quốc gia.
VICKI COVINGTON
Tôi sống tại một ngõ cụt (cul-de-sac). Tôi quý những người láng giềng của mình. Trong số bảy người đàn bà chúng tôi, có hai luật sư, ba giáo viên, một điều dưỡng, và một nhà văn. Gom lại, chúng tôi có mười bảy đứa con. Một tối kia những người đàn bà tụ tập quanh một cái bàn bếp cho một bữa tối đón tiếp láng giềng. Tôi nói, “Tôi tò mò. Bao nhiêu người trong các bạn đã có lần nào khóc trong suốt bốn tám tiếng vừa qua?”
Mọi người ai cũng thú nhận đều có cả.
Vốn là, chúng tôi đang trong những tình trạng khác nhau của dòng chảy nội tiết - có người mang bầu, có người đang cho bú, những người khác tiền mãn kinh. Thêm nữa, chúng tôi đang trong những tình trạng khác nhau của dòng chảy nghề nghiệp - hầu hết chúng tôi làm việc bán thời gian. Nhưng hãy gạt sang một bên những tuyến nội tiết và công việc, tôi nghĩ điều quan tâm là, vào một đêm tháng Tám, chúng tôi tất cả đã khóc trong vòng hai ngày qua.
Chúng tôi là những người con gái của giấc mơ Mỹ hậu Thế chiến II. Nhiều người trong chúng tôi cũng như mẹ mình mong muốn được giống cha chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được làm con trai. Chúng tôi mong muốn được làm đàn ông. Chúng tôi mong muốn sự đối xứng của đàn ông: da, xương, những giấc mơ.
Chúng tôi đã hoàn thành kì công hoá thân này. Những cặp xách thế chỗ những yếm làm bếp. Những thẻ tín dụng, những bộ đồ lớn màu đen, quyền lực, những dặm bay miễn phím và bệnh tim mạch hợp với chúng tôi. Mọi sự đều tốt lành. Chúng tôi đã trở thành những cha của mình hệt như chúng tôi đã hoạch định và lịch sử đang được kiến tạo.
Rồi chúng tôi mang bầu. Và bất kể bạn cứu xét nó cách nào, bất kể bạn phủ nhận nó cách nào, bất kể bạn muốn làm người trung giới tồi tệ thế nào, thì chỉ đàn bà mới có thể tạo trứng, đau đẻ, sinh sản, và tạo sữa. Và bất kể làn đường chạy nhanh cảm thấy tốt ra sao, chất liệu khác này khiến chúng tôi cao hơn.
Trong cuốn sách, Khoan làm mẹ (Motherhood Deferred), Anne Taylor Fleming than rằng sự không con của bà là kết quả từ sự trì hoãn có con. Fleming, một phóng viên của tờ New York Thời báo (New York Times), nói rằng phong trào phụ nữ không chịu trách nhiệm về tình cảnh của bà, nhưng bà không thể nhịn việc nghiên cứu cái nó đã tác động lên đời sống của bà. Trong trường hợp của bà, ý tưởng rằng đàn bà có mọi sự đơn giản là không hiệu quả. Trong nhiều cung cách, chuyện của bà cũng là chuyện của tập thể chúng tôi: thập niên sáu mươi và bảy mươi, cuộc cách mạng tính dục, tử cung trống rỗng, đổi một đứa con lấy một danh hiệu trên báo chí.
Trong một tiểu luận nhan đề “Khinh mẹ, Khinh mình,” Orania Papazoglou nói rằng, “Bạn không thể giảm giá trị việc làm mẹ mà không giảm giá trị mọi thứ khác đàn bà làm. Bạn không thể đào tạo cả thế hệ đàn bà trong sự khinh miệt mẹ của họ mà không đào tạo họ trong sự khinh miệt chính họ.”
Nữ quyền, tại một thời điểm, dường như có sự khinh miệt việc làm mẹ. Khi chúng tôi còn trẻ, và chúng tôi bắt đầu chạy trốn việc làm mẹ. Chúng tôi vẫn còn chạy trốn nó, nhưng bây giờ với những đứa con đeo trên lưng. “Bạn phải là hơn một người mẹ,” bọn tôi đang gọi với chúng khi chúng đeo lấy bọn tôi, gắng sức bám chặt những bà má rồ dại. Tôi biết chúng muốn bọn tôi ngừng lại. Chúng biết bọn tôi không thể. Bọn tôi nghĩ bọn tôi đang làm điều này vì chúng, và có lẽ bọn tôi như thế thực. Bọn tôi đã thích nghĩ rằng mình là những khuôn mẫu tốt. Chúng thấy cát bụi bọn tôi dấy lên, nhưng chúng cũng ngửi ra nỗi âu lo.
Một người láng giềng của tôi, là luật sư, kể câu chuyện về việc chị thức dậy một buổi sáng để đáp một chuyến bay lúc 5: 50 tới thành phố Atlanta [thủ phủ của bang Georgia] ra sao. Chị sắp đi tới bang Florida để soạn một vụ án sẵn sàng cho phiên toà xét xử. Ở nhà có hai cô con gái, một bị bệnh và đứa kia bị gãy tay. Chị tới văn phòng của mình trong ánh sáng nhạt nhoà buổi rạng đông, thu thập giấy tờ, và đi ra phi trường. Ở đó, chị gặp người đồng sự và trao cặp xách vào tay anh ta. “Đi đi,” chị bảo anh. “Tôi không thể.” Chị nêu điều này như điểm xoay chuyển trong đời. Chị muốn lấy lại đời sống của mình.
Một lần, tôi lao vào một buổi họp của những trợ tế tại nhà thờ trước đây của mình. Ở đây, tôi là một trong bốn người đàn bà giữa một thế giới đàn ông. Lúc đó 6 giờ, và các ông đang ngồi điềm nhiên trong những bộ quần áo ba mảnh. Tôi thì trong quần ngắn áo thun, vừa mới quăng một mớ mì sợi vào đĩa của lũ con và lao vội, với những tiếng thét của chúng đuổi sau lưng, “Tôi ước bạn không phải là một trợ tế. Thật là ngu xuẩn!” Khi tôi ngồi vào một cái ghế phía sau và cầm bản báo cáo tài chính lộn ngược, tôi tự nghĩ, “Những đứa trẻ sẽ ổn thôi mà.” Đúng lúc tôi đi xuống Câu lạc bộ Phù luân hội (Rotary Club) ở phố chính nơi đàn bà là một thiểu số dễ nhận biết đặc thù. Tôi nghĩ, “Không ai biết cái sáng nay tôi đã trải qua để tới đây. Tôi là một kẻ giả mạo. Đây là một trò cười.” Suốt đời tôi mong muốn được ở trong một thế giới của đàn ông. Họ đã cho tôi vào. Và suốt thời gian ở cùng với họ, tôi chỉ mong muốn trở về mái nhà. Tôi chỉ mong muốn lại làm một người đàn bà.
Và việc xảy ra như thế cho chúng tôi.
Gần đây tôi đã có một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, tôi thấy cái tôi ngỡ là con hươu, hay có lẽ con linh dương: đen, cháy sém, trong một hố nướng thịt cũ. Tôi tiếp tục nói với chính mình, điều này không thể được sinh ra từ một người đàn bà. Nhưng đúng là vậy. Trong nhiều tuần, tôi tiếp tục tự hỏi con thú này là con gì. Tôi nhìn vào những hình ảnh động vật. Nó là con hươu, heo rừng chăng? Không, không hoàn toàn vậy. Linh dương? Không. Tuần lộc? Không. Cuối cùng, tôi quên phứt chuyện đó cho tới khi cô con gái mang đến cho tôi một cuốn sách về động vật của Tạp chí Địa lí Quốc gia (National Geographic). “Coi những thứ này nè mẹ,” con bé nói. Tim tôi dồn dập. Đó là một đám linh dương đầu bò, hàng trăm con trong bọn chúng, dấy lên một cơn lốc bụi, đang phi nước đại băng qua Thảo nguyên Serengeti của châu Phi. “Những thứ này đã ở trong giấc mơ của mẹ!” Tôi kêu lên. “Đúng rồi. Chúng là hươu, linh dương, những con vật cháy sém trong giấc mơ của mẹ.” Cuốn sách nói rằng hơn một triệu con linh dương đầu bò cùng nhau di cư mỗi năm. 1300 cây số. Hành trình dài trắc nghiệm kĩ năng của linh dương đầu bò như một loài bơi lội, một loài chạy nhanh, một kẻ sống sót. Nếu nó yếu đi hoặc chạy chậm, nó sẽ gặp rắc rối. Nó không thể ngừng chạy. Nó không thể. Nó lâm cảnh dầu sôi lửa bỏng.
Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã chọn việc chạy. Quá trễ để nghĩ lại mọi điều. Chắc chắn, chúng tôi có thể giảm bớt công việc, làm bán thời gian, uyển chuyển thời khoá biểu, về nhà lúc ba giờ chiều, hoặc nghỉ việc luôn. Nhưng dù sao quân xúc sắc đã gieo rồi. Chúng tôi thì, như Emmylou Harris đã hát trong ca khúc, “Sinh ra để chạy” (Born to Run). Chúng tôi là con gái của cha mình, sống trong một thế giới của đàn ông, mang thân thể của đàn bà, giao tranh với tự nhiên.
Không lạ gì khi chúng tôi tụ tập quanh một bàn bếp, hỏi nhau điều gì sai trật đây và tại sao chúng tôi không thể ngừng khóc.
(Trích trong cuốn Tập tiểu luận: “Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than” của Vicki Covington, Ấn quán Đại học Alabama xuất bản, 2002.)
Hồ Liễu dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét