Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Trung Quốc và Nhật Bản lo ngại về khả năng Mỹ phá sản





© Flickr.com/joiseyshowaa/cc-by-sa 3.0



Trung Quốc không tuyên chiến mà cảnh báo Hoa Kỳ. Bắc Kinh sẽ không bán bớt trái phiếu kho bạc Mỹ, lo ngại các khoản đầu tư nước ngoài bị rút đột ngột khỏi Trung Quốc. Mặc dù có khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ kém Trung Quốc, nhưng Tokyo sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn Bắc Kinh nếu Hoa Kỳ phá sản. Các chuyên gia đã chia sẻ dự đoán với đài Tiếng nói nước Nga trong trường hợp Hoa Kỳ không thể phục vụ tài chính hai chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc là người giữ khối lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất - gần 1,3 ngàn tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ hai với 1,1 ngàn tỷ. Hôm thứ Ba tuần này, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diêu đã yêu cầu Washington đảm bảo an toàn đầu tư chứng khoán. Ông kêu gọi thông qua các biện pháp đề phòng trường hợp bất khả kháng, đặc biệt, trong thanh toán lãi.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Tao Aso nêu ý kiến rằng, Tokyo nên cân nhắc các tác động khả năng nếu Mỹ phá sản. Chuyên gia Viện Viễn Đông, ông Yakov Berger đã lưu ý đến việc Bắc Kinh và Tokyo cùng lúc nhắc nhở con nợ về trách nhiệm: “Đó là hai quốc gia lớn đang cấp tín dụng và trợ cấp nền kinh tế Mỹ. Mặc dù quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lúc này không phải là tốt đẹp nhất, nhưng như chúng ta thấy, họ hành động khá nhịp nhàng.”

“Trung Quốc sẽ không "nhấn chìm” Hoa Kỳ bằng cách bán tháo trái phiếu kho bạc, họ e ngại sự biến động mạnh của đồng đô la,” - ông Yakov Berger nói: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Bắc Kinh luôn ứng xử có trách nhiệm và họ đã không bán đổ trái phiếu kho bạc Mỹ vào thị trường trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Quan điểm của Trung Quốc cho thấy có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà cả thế giới, đã góp phần giúp Hoa Kỳ vượt qua những suy thoái nội bộ. Trong tình huống hiện nay, Trung Quốc cũng có vai trò rất quan trọng. Ttuyên bố của Trung Quốc là sự cảnh báo, chứ không là lời tuyên chiến hay nỗ lực kiếm lợi.”

Washington và Bắc Kinh bị trói buộc chặt chẽ. Lúc này, Trung Quốc rất cần yếu tố bảo hiểm trước khả năng khủng hoảng ngân sách ở Hoa Kỳ, - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội – chính trị, ông Vladimir Yevseyev nhận định: “Không chỉ Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ, mà Hoa Kỳ cũng đầu tư vào Trung Quốc. Trong thực tế, đó là các hoạt động cho vay lẫn nhau. Sẽ không có việc Trung Quốc đơn phương rút tiền. Đến lượt mình, Mỹ cũng có thể rút vốn từ Trung Quốc. Đây là quá trình song phương, Trung Quốc mong có yếu tố bảo hiểm trước những vấn đề tương tự như đã từng xảy ra ở Mỹ, khi các ngân hàng thi nhau phá sản năm 2008. Trung Quốc hi vọng chính phủ Mỹ cung cấp thêm sự đảm bảo. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc thực sự lo ngại sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ.”

“Trước khủng hoảng của Mỹ, Trung Quốc sẽ dễ vượt khó khăn hơn Nhật Bản,” - Phó giám đốc Viện Viễn Đông Andrey Ostrovsky cho biết ý kiến: “Trung Quốc đã thấy trước tình huống này và nỗ lực giải phóng bớt chứng khoán Mỹ. Hai năm trước, Trung Quốc đã quyết định tái định hướng vào thị trường trong nước. Đây là một quyết định đúng đắn. Cùng các vấn đề kinh tế nội bộ, tình huống khả năng đối với Nhật Bản sẽ xấu hơn Trung Quốc. Nhật Bản ràng buộc nhiều hơn với Mỹ. Trung Quốc nắm khối lượng sản xuất khổng lồ, không đối mặt với gánh nặng như “hậu quả” Fukushima và sở hữu một nền kinh tế đa dạng hơn Nhật Bản.”

Theo các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc và Nhật Bản đã đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều hơn so với con số 2,4 ngàn tỷ đô la. Bắc Kinh mua trái phiếu Mỹ thông qua các trung gian. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn giữ 3,5 ngàn tỷ tài sản được định giá bằng đô la, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi phá sản. Đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào các tài sản của chính phủ Mỹ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Do đó, không mấy ai dám dự báo về mức độ khủng hoảng ở Mỹ sẽ tác động tới các chủ nợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét