Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Tưởng tượng

          Mũi tên thứ hai
           Cuộc sống vô cùng phức tạp nhưng cũng thật giản đơn, có khi sự thật nằm sâu thẳm bên trong một vấn đề nhưng cũng có khi nó hiển hiện sờ sờ trước mặt. Tức là có những vấn đề “thấy vậy chứ không phải vậy” nên ta phải nhìn xuyên thấu qua nhiều lớp thì mới hiểu được bản chất của nó, nhưng cũng có những vấn đề “thấy sao để vậy” nên ta chỉ cần dùng cảm nhận trực tiếp trên hiện tượng đang xảy ra là có thể biết được sự thật. Cho nên giữ chặt một nguyên tắc nào để nắm bắt cuộc sống là thái độ rất sai lầm, thông minh và bản lĩnh là hai chiếc chìa khóa có thể mở được rất nhiều cánh cửa bí ẩn của cuộc sống.
           Con người ngày càng đặt đời sống của mình ở bên ngoài, lúc nào cũng muốn chụp cái này bắt cái kia vì nghĩ rằng càng tàng trữ nhiều điều kiện tiện nghi là càng hạnh phúc,  nên nội lực của con người ngày càng suy yếu. Vì kẹt vào sự mong cầu hay chống đối bên ngoài nên con người luôn trong tư thế phòng thủ như có kẻ thù đang rình rập, thế nên trí tưởng tượng đã can dự rất nhiều trong khi giải quyết vấn đề mà ta không cưỡng lại nổi.  Tâm càng yếu đuối lo sợ thì trí tưởng tượng sẽ càng lớn mạnh. Tạo dựng sẵn một cảnh tượng có thể xảy ra để biết cách ứng phó một cách máy móc như thấy sợi dây trong đêm tối mà tưởng là con rắn thì đó là chứng bệnh tâm lý chứ không còn là bản năng tự vệ nữa.
          Nhưng bản năng tự vệ cũng tùy thuộc vào hiểu biết của mỗi người. Đấu tranh bằng mọi cách để bảo vệ cảm xúc của mình trong nhất thời là một bản năng còn rất hoang sơ, không biết nhìn sâu vấn đề hay quan tâm đến cảm nhận của đối phương. Nhớ lại những lần ấy ta cũng đủ rùng mình vì sự tưởng tượng quá mức đến sai lầm nghiêm trọng của ta.  Cũng như có một người bắn vào lưng ta một mũi tên, ta sẽ rất đau. Nhưng liền sau đó có một mũi tên khác bay tới cắm ngay vào vị trí của mũi tên thứ nhất, thì chắc chắn sự đau đớn sẽ tăng gấp bội chứ không phải gấp hai lần. Mũi tên thứ hai chính là trí tưởng tượng của ta. Ta nghi hết kẻ này tới kẻ khác đã bắn mũi tên ấy và vắt óc suy nghĩ tại sao họ lại ra tay như vậy mà không chịu lấy mũi tên ra và chữa lành vết thương trước. 
          Hoàn cảnh chỉ có thể làm cho ta đau nhưng chính trí tưởng tượng mới có thể giết ta chết.  Ta hãy coi chừng mũi tên thứ hai, nó ở ngay trong ta và khả năng chế biến ra nó là cực nhanh. Khi ai đó buông ra một lời nói hay hành động không dễ thương là ta lập tức nghĩ ngay kẻ này muốn tấn công hay hãm hại mình, chứ ít bao giờ ta chịu suy xét đến nguyên do tại sao người ấy lại hành xử như vậy. Có thể họ đang bị kẹt trong một cơn cảm xúc xấu mà không biết cách kiềm tỏa, hoặc đơn giản chỉ là một bước trượt rất thường xảy ra trong một khoảnh khắc của tâm lý, hoặc cách diễn đạt thông tin của họ còn nhiều vụng về.  Nếu hiểu thấu vấn đề thì ta sẽ xót thương và tha thứ chứ không muốn trừng phạt nữa.
          Khi gọi điện thoại cho người kia nhiều lần mà họ không nhấc máy thì ta nghĩ họ đang rất bận rộn hoặc có thể gặp khó khăn, hay là ta nghĩ họ đang muốn lẩn trốn hoặc coi thường mình? Cũng như có những người mới phát hiện ra khối u là đã tưởng tượng ngay mình bị ung thư loại ác tính, nên tinh thần nhanh chóng bị suy sụp rồi hủy hoại mình trong men rượu hay đắm chìm trong nước mắt tủi buồn. Đó là thứ tâm bệnh rất đáng sợ, nhiều người đã quyết định chấm dứt mạng sống của mình cũng vì tưởng rằng cuộc đời này quá đen tối và ai cũng là kẻ xấu xa, nên phải đi tìm một thế giới khác mà theo trí tưởng tượng của họ là sung sướng và tuyệt vời hơn cõi đời này rất nhiều. Con người là vậy, bản năng luôn thoi thúc đi tìm những điều kiện thuận lợi cho cảm xúc thỏa mãn, nhưng lại không lại đủ sức để gánh chịu hậu quả hoặc không cần biết tới hậu quả.
           Sống trong mộng tưởng
           Khi không chấp nhận hiện tại thì con người thường mơ tưởng đến tương lai, chứ không chịu tìm hiểu để giải quyết những vấn đề khó khăn đang xảy ra.  Nhiều khi vấn đề nằm ở nơi tâm mong cầu hay chống đối quá lớn của con người chứ không phải tại hoàn cảnh, bởi hoàn cảnh luôn xảy ra theo nguyên tắc duyên sinh và nhân quả chứ không chìu chuộng theo nhu cầu của bất cứ cá thể nào. Nhưng thói quen đi tìm cảm xúc tốt mà không xét nét đến hậu quả đã khiến cho con người dễ dàng từ chối hiện tại và chìm đắm trong những giấc mộng xa vời. Đôi khi người ta biết nó không thật, không thể xảy ra được, nhưng thà sống trong giấc mộng còn hơn với thực tại quá đỗi phũ phàng!
          Nhưng làm sao ta có thể nắm bắt được tương lai trong khi ta hoàn toàn thất bại với hiện tại? Có nhiều người may mắn đã thực hiện được giấc mơ của mình, nhưng lại không đủ sức để giữ gìn nó hoặc mau chóng nhàm chán. Khi tâm của ta chưa nhận ra được đâu là giá trị hạnh phúc chân thật để biết bằng lòng với những gì mình đang có thì ta sẽ không ngừng dệt lên những giấc mộng trong tương lai. Có những giấc mơ được dệt trên một tâm thức rất nông cạn, phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và năng lực mới thực hiện được, nhưng rồi người ta bỗng phát hiện ra sự vô nghĩa của nó chỉ trong thoáng chốc. Có những thứ gọi là hoài bão nhưng nó đã khiến người ta bỏ qua rất nhiều giá trị mầu nhiệm trong hiện tại, đánh mất chính mình và mỏi mòn trong thế giới mông lung của chờ đợi.
          Sự ra đời của công nghệ thông tin (information technology) đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc thăng tiến đến đỉnh cao vinh quang của nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Bây giờ con người dễ dàng khai thác tài nguyên thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, và có thể chia sẻ mình trước nhiều bạn bè ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới thông qua mạng lưới internet. Nhưng từ khi con người có được điều kiện thuận lợi ấy để khám phá thế giới thì cũng chính là lúc con người đánh mất khả năng làm chủ chính mình hơn bao giờ hết. Con người bây giờ rất sợ phải đối diện với chính mình hay truyền thông với người khác để hiểu nhau, vì họ có thể tìm thấy những cảm giác dễ chịu, thỏa mãn và cả những giấc mơ táo tợn nhất trong thứ công nghệ văn minh ấy rồi.
          Lợi dụng yếu điểm này mà những nhà làm kinh tế đã chế biến ra những trò chơi điện tử (game), từ mục đích giải trí thông thường rồi theo lợi nhuận mà họ hình thành luôn một thế giới ảo. Một đứa trẻ 13 tuổi mà không thể điều khiển nổi một con diều bằng giấy đang chao đảo trước gió, nhưng nó lại rất tự hào vì chỉ trong thoáng chốc là có thể hạ gục mấy chục đối thủ đáng gờm trong trò chơi điện tử. Đứa bé ấy cho rằng đó mới là hành động của một gã đàn ông đích thực (real men), còn chơi diều là yếu đuối là chán ngắt. 
           Mà đâu chỉ có trẻ con, khi người lớn không tìm thấy thành công trong công việc hay các mối quan hệ tình cảm thì họ cũng tìm tới thế giới ảo đó để thể hiện cái tôi của mình. Trong thế giới đó họ có thể làm bất cứ điều gì, dù là thể hiện uy quyền cao tột của một đức vua, miễn là họ có tiền để chi trả cho cái vai đó. Mỗi ngày ta thấy đầy dẫy những xác không hồn lang thang ngơ ngác khắp phố thị như vậy, đi giữa ban ngày mà họ như kẻ mộng du không biết mình đang đi đâu, làm như thế giới này không thuộc về họ nữa.
          Vì để bắt kịp nhịp sống xã hội nên con người đã lao mình vào những điều kiện thuận lợi nhất mà quên hẵn việc bảo vệ phẩm chất tâm hồn. Một tâm hồn xơ xác bệ rạc thì có nắm giữ bao nhiêu giá trị hạnh phúc cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Mà muốn bảo vệ tâm hồn thì phải tránh xa những nơi hiểm nạn, hoặc muốn vào những chỗ ấy thì phải trang bị kỹ những áo giáp kiên cố. Một giờ phiêu lưu ngoạn mục trên internet ta nhận được sinh tố hay độc tố và năng lượng ấy sẽ lan tràn tới đâu? Khi máy vi tính bị virus tấn công thì ta còn có những chương trình để diệt, còn khi tâm hồn ta bị nhiểm ô thì ta sẽ lấy gì để tẩy rửa cho trong sáng trở lại? Cho nên hãy coi chừng thứ tân tiến nhất chính là thứ hủy diệt mầm sống và đạo đức của con người nhiều nhất, ta phải cẩn thận lắm mới được.
          Đi theo một chủ thuyết hay một tôn giáo cũng vậy. Ta rất dễ để đức tin của mình đưa mình vào thế giới của mộng tưởng ở tương lai mà họ đã vẽ đặt ra để ru ngủ ta, để vắt kiệt năng lượng của ta, để ta tạm quên đi thực tại khổ đau và sẵn sàng dẫm đạp lên những điều kiện hạnh phúc mà đi mỗi ngày. Dù ta là người có hiểu biết, nhưng khi rơi vào những hoàn cảnh bức ngặt thì con tim yếu đuối lại níu ta vào vũng lầy mê tín ấy. Để rồi càng ngày ta càng lánh xa cuộc đời, cắt đứt mọi liên hệ tình cảm, tâm hồn luôn mơ màng về mọi cõi mà chưa ai từ nơi ấy trở về để xác thực. Đây cũng là một thứ tâm bệnh, nhưng không được đem ra chữa trị vì không ai dám động tới đức tin của con người.
          Quay về nương tựa
           Thực ra tâm con người vốn sáng tỏ tợ trăng tròn, nhưng vì con người đã để cho nhu yếu hưởng thụ vượt quá giới hạn nên nó đã đánh thức những năng lượng xấu trong chiều sâu tâm hồn để tranh đấu và bảo vệ quyền lợi cho nó. Đó chính là những đám mây đen u ám có khả năng che khuất tất cả những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong ta, làm ta mất dần khả năng sáng tạo và khám phá, khiến ta luôn kẹt vào bản năng cảm xúc mà không còn nhìn đời và nhìn người bằng con mắt chánh kiến nữa. Không có con mắt chánh kiến thì sống giữa cuộc đời rất thực này ta cũng như kẻ đang đứng trong mộng ảo.
           Ý thức được tình trạng tâm thức của ta đang trong chiều hướng lệch lạc về phía ảo tưởng, ta hãy can đảm quay về làm mới và nâng cấp tâm hồn mình. Tâm của ta cũng giống như một khu vườn, trong quá khứ vì vướng vào những nhận thức sai lầm nên ta đã bỏ vườn tâm của mình hoang tàn, cỏ dại mọc đầy và hút hết khoáng chất của những gốc cây quý giá. Ta hãy tập dừng lại để nhận biết và quan sát bước đi, giọng nói, hơi thở, từng dòng cảm xúc đang len lỏi, hay những ý niệm đang không ngừng diễn ra trong tâm thức thay vì cứ quan tâm đến phản ứng thương ghét của kẻ khác. Mỗi khi ta phát hiện ra tâm mình đang lang thang rong ruỗi về tương lai thì ta cần quan sát kỹ động cơ nào đã thúc đẩy, tức là guồng máy hoạt động của nó, trước khi ta đem nó trở về an trú với thực tại. 
           Lẽ dĩ nhiên nhờ trí tưởng tượng phong phú mà chúng ta đã xây dựng được một thế giới tuyệt mỹ như hôm nay. Nhưng nếu nhìn sâu sắc hơn ta cũng sẽ giật mình khi biết địa cầu này cũng đang rên xiết và có thể bị hủy diệt cũng vì mộng tưởng điên đảo của con người. Trí tưởng tượng nếu đứng trên nền tảng của lòng tham, phục vụ cho nhu cầu ích kỷ của những kẻ có quyền lực thì nó sẽ nhấn chìm thế giới hiện thực này và sẽ đưa con người vào những cơn hôn mê bất tận. Hãy từ giã bớt thế giới của phim ảnh, của âm nhạc, của trò chơi tiêu khiển có tính chất làm cho ta bay bổng trong những dòng cảm xúc thừa thải nhưng lụn bại khả năng chuyển hóa những khổ đau trong thực tại. Thay vào đó ta trở về với thiên nhiên để nhìn nắng lên, hoa nở, và nghe lại những lời nhắc nhở hào hùng của núi sông. Nơi ấy ta sẽ thấy cuộc đời này rất thực và nhìn đâu cũng thấu tận nguồn cơn.
 Thắp sáng ngọn đèn thiền
Giữ tâm mãi thiêng liêng
Nhìn đời bằng chánh kiến
Thấu suốt cõi lòng đêm
Minh Niệm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét