… Chúng ta thường nhìn vào vết nhơ trên lưng người khác để phê phán vì không thể nhìn vào lưng mình đôi khi còn bẩn thỉu và đáng lên án hơn nhiều. Tagalau đang bị công phá dữ dội với đủ loại vũ khí thô sơ và hiện đại trong chiến dịch: Tagalau phải chết…
[Đó là Trà. Trà - với “người ngoài” thì đanh thép, quyết liệt; nhưng với “gà cùng một mẹ”, anh trở về bản tính nhân từ đến hiền khô. Buồn thâm trầm, cái buồn của triết nhân nhìn thấu nỗi thị phi cuộc người, cuộc đời. Inrasara]
*
Tôi xin khơi nguồn bài viết này bằng ca từ của Trịnh Công Sơn: “Tuổi biết buồn”. Đó là tuổi mà mỗi chúng ta mới bắt đầu chớm biết trong tâm trạng mơ hồ về một một thực tế nào đấy không như mình tưởng khiến ta hụt hẫng bâng khuâng. Thường thì đó là thời kỳ tinh khôi trong cảm giác mông lung về những điều không thật về nỗi thương yêu và niềm mong nhớ, về khát khao và hy vọng để rồi tuyệt vọng trên con đường tìm nhau để rồi mãi xa nhau!
Tình yêu không chỉ đơn thuần có trong đôi lứa để đày đọa hoặc thăng hoa mà còn lan tỏa bàng bạc bao trùm không gian và thời gian: tình yêu văn học nghệ thuật, tình yêu quê hương xứ sở và cao hơn là tình yêu nhân loại đại đồng. Một đứa bé sinh ra đã biết khóc vì sợ hãi một môi trường mới lạ biệt, một ngày nào đó sẽ biết cười khi có người chăm sóc vỗ về và một ngày nào đó sẽ biết buồn khi có ai đó rầy la hất hủi. Lớn lên những điều lạ biệt ngày càng nhiều, dĩ nhiên chúng ta phát khóc chớm buồn hơn là bật cười thoáng vui. Bởi vậy, tuổi biết buồn không là giới hạn theo từng giai đoạn thời gian và không thể khoanh vùng trong từng phạm vi không gian. Hôm nay, tôi không còn sơ sinh để khóc chào đời nữa rồi, không còn tuổi thơ để dỗi hờn mỗi khi phật ý, không còn tuổi trẻ để yêu đương nhung nhớ bâng quơ. Nhưng vẫn còn đấy tuổi biết buồn trinh trắng vẹn nguyên để cảm nhận cuộc đời ngày càng đau nhói. Không biết phải nói thế nào bạn nhỉ? Dường như đó không phải là thân phận riêng của mỗi chúng ta, mà là nỗi đau chung của cả loài người!
Tuổi biết buồn đã theo tôi đi suốt một chặng đường dài, chỉ nguôi ngoai từ khi Tagalau chào đời trong khó khăn vật vã không có nhiều bàn tay cưu mang nâng đỡ. Tuy vậy, nó vẫn lớn dậy theo thời gian khi có nhiều hơn tấm lòng chung tay góp sức để trưởng thành và ngày càng vững vàng từng bước đi. Điều ấy mang đến niềm vui cho những ai quan tâm đến đời sống tinh thần Chăm vốn dĩ đã đứt mạch từ lâu, từ khi tập san Panrang và Ước vọng đình bản vì nhiều lý do. Những nỗ lực phi thường ấy thật đáng trân quý ghi nhận cho dẫu còn nhiều vụng dại ngây ngô bởi Chăm nghèo, không phải ai cũng có điều kiện để dấn thân và hy sinh những điều có thể và không thể. Cho nên để đánh giá sự có mặt của Tagalaucần tránh sự tắc trách tùy tiện mang tính định kiến cá nhân dễ mang đến sự ngộ nhận hiểu lầm không nên có, hoặc gây nhiễu loạn sự cảm thụ của giới trẻ vốn đang cần hướng đạo một cách trong sáng và mẫu mực. Chúng ta luôn cần sự đa dạng trong thống nhất để rồi thống nhất trong đa dạng bởi mỗi người luôn nhìn từ một góc nhắm khác nhau chưa kể tọa độ cự ly và mục đích. Tốt hơn nên để người ngoài cuộc nhận định và người đời sau đánh giá, còn không cứ việc ai nấy làm cho tốt cũng như gửi lại những gì con người cần.Tại sao lại phải đánh đố nhau làm gì nhỉ?!
Tagalau còn non trẻ là tất nhiên, hụt hơi là tất yếu. Nhiều tạp chí khác đầy tâm huyết nhưng đành chết yểu cũng là xu thế của thời đại trong cơ chế thị trường nhiều thử thách cam go. Thế hệ đi trước già cỗi chuyển giao cho thế hệ sau sung sức là điều cần thiết để tiếp nối và hội nhập. Không ai tránh được thiếu sót cho dù chủ quan hay khách quan, quan trọng là biết phục thiện cầu tiến để sửa sai cho phù hợp với thế thời. Không nên chê bai miệt thị người khác bởi những lời nói nhẹ nhàng mới thực sự đi vào lòng người. Càng không thể yêu cầu những đòi hỏi cao mà khả năng ai đó không kham nổi hoặc thể hiện được. Nếu người nào đó chưa hay chưa tốt thì mình cố làm cho hay hơn tốt hơn, bới móc bắt bẻ chỉ thêm rối tung rách việc. Đố kị tị hiềm là thuộc tính của con người khó ai tránh khỏi nhưng vận dụng thế nào cho hợp đạo lý, ai sai người đó chịu không thể quàng xiên cả đám mà cơ sở nào để nói ai đúng ai sai?! Chúng ta thường nhìn vào vết nhơ trên lưng người khác để phê phán vì không thể nhìn vào lưng mình đôi khi còn bẩn thỉu và đáng lên án hơn nhiều. Tagalau đang bị công phá dữ dội với đủ loại vũ khí thô sơ và hiện đại trong chiến dịch: Tagalau phải chết, chỉ vì sự có mặt của nó làm tím cả một ngọn đồi mà lẽ ra nên trơ màu sỏi đá hoang sơ!
Về sau và ngàn năm sau nữa, có buồn mà vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay, Vũ Thành An đã rên rỉ than van khiến tôi đang hối tiếc thở dài: O thei ngak di drei o hai, tamuh di hatai drei ngak di drei! Cuộc đời tôi là một chuỗi ngày buồn, có buồn thêm cũng chẳng thể buồn hơn. Tưởng như tôi đặt tên Tagalaucho đứa con tinh thần mình có sức sống dẻo dai mãnh liệt như loài bằng lăng hoang dại vẫn đến mùa lại nở trong thầm lặng vô danh, chẳng ai đếm xỉa đến nó làm gì. Mọi người thường quan tâm đến sen cúc trúc tùng, nay thị trường lại ưa chuộng bằng lăng nên có nguy cơ bổ sung vào sách đỏ bìa đen. Ừ mình già rồi, tưởng như đã vĩnh biệt tuổi biết buồn. Nào ngờ nó lại chọn mình như một người bạn tình thủy chung vĩnh cửu. Cũng tốt, chẳng còn bao năm nữa để buồn nên cần tận dụng cho khỏi uổng phí một đời người. Tột đỉnh đã là hôm nay, ngày mai trời lại sáng. Hy vọng!
Inrasara
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét