(Hành vi con người và nghiên cứu xã hội học)
Martin Holborn & Mike Haralambos, Lê Hải dịch [*]
Phần này sẽ bàn đến các quan điểm (view) triết học về hành vi con người. Các quan điểm đó ảnh hưởng đến cả loại dữ liệu mà nhà xã hội học thu lượm lẫn phương pháp mà họ vận dụng để thu nhặt dữ liệu.
Quan điểm về hành vi con người có thể chia đại khái thành hai nhóm, một nhấn mạnh đến các yếu tố bên ngoài còn một là đến các yếu tố bên trong. Cách tiếp cận của nhóm đầu coi hành vi là bị ảnh hưởng từ kết cấu của xã hội, vốn là khách quan và tồn tại bên ngoài nhận thức của cá nhân. Cách tiếp cận của nhóm sau quan tâm hơn đến trạng thái chủ quan của cá nhân: cảm giác của họ, ý nghĩa mà họ gắn cho hiện tượng, và động cơ mà họ có khi hành xử theo những cách nhất định. Theo quan điểm này, cách người ta phản ứng với các yếu tố bên ngoài được định hình qua cách mà cá nhân diễn giải các yếu tố đó.
Cách phân chia hình thức (dichotomy) kiểu vừa rồi có phần giả tạo. Trên thực tế đa số các nhà xã hội học áp dụng góc mở từ cả hai cách tiếp cận trên khi nghiên cứu và diễn giải kế quả. Cũng có rất nhiều biến hóa khác nhau trong mỗi lối tiếp cận. Ví dụ như phần sau sẽ bàn đến sự khác biệt giữa giới chuyên gia hiện tượng học (phenomenologist) và các nhà xã hội học nào chuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ảnh hưởng bên trong lên hành vi con người.
Trường phái thực chứng
Nhiều nhà sáng lập ra ngành xã hội học tin rằng có thể tạo ra một ngành khoa học về xã hội dựa trên nguyên tắc và qui trình giống hệt như các ngành khoa học tự nhiên, như là hóa học hay sinh học, mặc dù khoa học tự nhiên thường là việc với vật chât vô tri vô giác cho nên không quan tâm đến cảm giác, cảm xúc và các trạng thái chủ quan khác. Trường phái thực chứng (positivism) được coi là ảnh hưởng mạnh nhất từ quan điểm muốn áp dụng phương pháp của khoa học tự nhiên vào xã hội học.
Auguste Comte (1798-1857), được coi là đã sáng chế ra chữ xã hội học (sociology) và ghi nhận là một trong số những người sáng lập ra ngành này, cho rằng áp dụng các phương pháp và ước đoán của các ngành khoa học tự nhiên sẽ giúp tạo ra "một ngành khoa học xã hội thực chứng". ông tin rằng điều đó sẽ cho thấy tiến hóa của xã hội theo "các luật không đổi". Theo đó sẽ thể hiện ra rằng hành vi của con người bị chi phối bởi các nguyên tắc nhân quả cũng không đổi như là hành vi của vật chất, đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên.
Bên trong ngành xã hội học thì lối tiếp cận của trường phái thực chứng áp đặt một số tư tưởng sau. Hành vi của con người, cũng như hành vi của vật chất, có thể đo đạc khách quan. Cũng giống như là hành vi của vật chất có thể định lượng bằng các phép đo như là trọng lượng, nhiệt độ và áp lực, các phương pháp đo đạc khách quan có thể được xây dựng cho hành vi của con người. Các phép đo đó là tối cần thiết để giải thích hành vi.
Ví dụ, để giải thích phản ứng của một hóa chất khi đun nóng, người ta cần đo chính xác nhiệt độ, trọng lượng và các chỉ số khác. Nhờ các phép đo đó mà có thể quan sát chính xác hành vi của vật chất và đưa ra phát biểu về nguyên nhân và kết quả. Phát biểu đó có thể là AxB=C, nơi A là số lượng vật chất, B là độ nóng và C là lượng khí sinh ra. Khi người ta có thể thể hiện rằng vật chất đang nghiên cứu luôn phản ứng giống nhau trong những điều kiện cố định, thì có thể xây dựng lý thuyết để giải thích hành vi đó.
Từ quan điểm của phái thực chứng, các phương pháp và tư duy đó có thể áp dụng cho hành vi của con người. Các quan sát hành vi dựa trên phép đo khách quan sẽ tạo khả năng lập phát biểu về nguyên nhân và kết quả. Sau đó sẽ có thể thiết kế lý thuyết để giải thích hành vi đã quan sát được.
Tiếp cận của phái thực chứng trong xã hội học đặc biệt quan tâm đến các hành vi có thể quan sát trực tiếp được. Họ lập luận rằng những yếu tố không thể quan sát trực tiếp - như là ý nghĩa, cảm giác và mục đích - không đặc biệt quan trọng và có thể khiến hiểu sai. Ví dụ, nếu đa số thành viên trưởng thành của một xã hội kết hôn và sinh con, thì hiện tượng đó có thể quan sát và định lượng. Do đó mà tạo ra dữ liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, các ý nghĩa mà những thành viên của xã hội đưa ra cho các hoạt động đó - nguyên nhân khiến họ kết hôn và sinh con - không thể quan sát trực tiếp được. Ngay cả trường hợp có thể đo chính xác thì vẫn có thể làm lệch chú ý ra khỏi nguyên nhân thật của hành vi. Một người có thể tin rằng kết hôn vì thấy cô đơn, người khác cho là vì tình yêu, người khác nữa là vì 'phải làm thế', và một người khác là vì muốn có con. Dựa vào loại dữ kiện này để giải thích có nghĩa là cho răng mỗi cá nhân biết nguyên nhân tại sao kết hôn. Điều đó che mờ nguyên nhân thật của hành vi của họ.
Sự thiên vị của phái thực chứng cho các "sự kiện" có thể quan sát được chủ yếu là do tin rằng hành vi con người có thể lý giải cũng giống như cách lý giải đối với hành vi của vật chất. Các nhà khoa học tự nhiên không tìm hiểu nguyên nhân và ý nghĩa của vật chất. Hạt nhân và phân tử không hoạt động theo cách hiểu của ý nghĩa, mà đơn giản là phản ứng lại tác động bên ngoài. Cho nên khi nhiệt độ, tác động bên ngoài, được đặt vào vật chất thì vật chất sẽ phản ứng. Nhiệm vụ của nhà khoa học tự nhiên là quan sát, đo đạc và rồi giải thích phản ứng.
Tiếp cận của phái thực chứng đối với hành vi con người cũng áp dụng logic tương tự. Người ta phản ứng với tác động bên ngoài và hành vi của họ có thể được lý giải theo cách hiểu phản ứng này. Họ kết hôn và sinh con là phản ứng với nhu cầu của xã hội: xã hội cần hành vi đó để tồn tại và các thành viên của xã hội đơn giản là đáp ứng đòi hỏi đó. Ý nghĩa và mục đích họ kèm theo hành vi của mình là không quan trọng.
Người ta thường lập luận rằng lý thuyết hệ thống (systems theory) trong xã hội học tiếp nhận lối tiếp cận thực chứng. Khi hành vi được coi là đáp ứng các tác động bên ngoài (ví dụ như lực kinh tế hay yêu cầu của hệ thống xã hội), các phương pháp và suy đoán của các ngành khoa học tự nhiên trở nên thích hợp cho nghiên cứu con người. Chủ nghĩa Mác có lúc được coi là tiếp cận thực chứng, vì người ta có thể lập luận là coi hành vi con người là phản ứng trước tác động của hạ tầng kinh tế. Trường phái chức năng (functionalism) cũng được nhìn tương tự. Hành vi của các thành viên trong xã hội có thể được coi là phản ứng đối với các sắp đặt chức năng của hệ thống xã hội. Cách nhìn đó về hệ thống xã hội phần nào là đơn giản hóa vấn đề. Tuy nhiên, có thể công bằng mà nói là lý thuyết hệ thống gần với tiếp cận thực chứng hơn là các quan điểm sẽ được bàn tới tiếp theo đây.
Trường phái hành động xã hội
Những người ủng hộ cho trường phái hành động xã hội (social action perspectives) lập luận rằng đối tượng của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có khác nhau về cơ bản. Và kết quả là các phương pháp và suy đoán cho khoa học tự nhiên không thích hợp cho nghiên cứu con người. Các ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu vật chất. Để hiểu và giải thích hành vi của vật chất chỉ cần quan sát chúng từ bên ngoài. Hạt nhân và phân tử không có nhận thức: chúng không có ý nghĩa và mục đích điều khiển hành vi của chúng. Vật chất đơn giải là phản ứng vô nhận thức trước tác động bên ngoài; nói theo ngôn ngữ khoa học thì vật chất hoạt động (behave). Kết quả là các nhà khoa học tự nhiên có thể quan sát, đo đạc và đặt logic bên ngoài cho các hành vi để giải thích chúng. Họ không cần khám phá logic bên trong nhận thức của vật chất đơn giản vì điều đó không tồn tại.
Không giống vật chất, con người có nhận thức (consciousness) - suy nghĩ, cảm giác, ý nghĩa, ý định và ý thức về việc tồn tại. Vì điều đó mà các hành động của con người là có nghĩa (meaningful): con người xác định tình huống và xác lập nghĩa cho hành động của họ và hành động của người khác. Kết quả là họ không chỉ phản ứng lại tác động bên ngoài, họ không chỉ đơn thuần là hoạt động - họ hành động (act).
Khi mường tượng về phản ứng của những con người tiền sử về lửa do núi lửa tạo ra hay đám cháy bất ngờ. Họ không đơn thuần là phản ứng trong hành động giống hệt nhau khi trải nghiệm lửa. Họ gán một loạt các ý nghĩa khác nhau cho lửa và các ý nghĩa đó chỉ đạo hành động của họ. Họ định nghĩa lửa như phương tiện của sự ấm áp và dùng lửa để sưởi ấm nơi ở; họ coi đó là phương tiện tự vệ và dùng để đuổi thú hoang; và họ coi đó là phương tiện làm thay đổi vật chất và dùng lửa để nấu ăn hay trui đầu cung tên. Con người không chỉ phản ứng với lửa, họ hành động theo những ý nghĩa mà họ đã gán cho lửa.
Nếu hành động phát xuất từ ý nghĩa chủ quan, thì tiếp đó là nhà xã hội học phải phát hiện ý nghĩa đó nếu muốn hiểu hành động. Nhà xã hội học không chỉ đơn giản là quan sát hành động từ bên ngoài và đưa ra logic bên ngoài để giải thích. Họ phải diễn giải logic bên trong từng chỉ đạo hành động của nhân vật (actor).
Max Weber (1864-1920) là một trong số những nhà xã hội học đầu tiên phác họa chi tiết quan điểm này. ông lập luận rằng các giải trình xã hội học cần bắt đầu bằng việc quan sát và diễn giải 'trạng thái tư duy' chủ quan của con người. Như trong phần trước đã giải thích, trường phái tương tác (interactionism) áp dụng lối tiếp cận tương tự, đặc biệt quan tâm đến quá trình tương tác. Trong khi trường phái chứng thực chú ý đến sự kiện và các mối quan hệ nhân quả, trươờng phái tương tác đặt nặng sự nhìn thấu (insight) và thông hiểu (understanding). Vì không thể vào trong đầu của nhân vật, quá trình khá phá ý nghĩa phải dựa vào diễn giải (interpretation) và trực giác (intuition). Do vậy mà phép đo khách quan không thể thực hiện và tính chính xác trong khoa học tự nhiên không thể áp dụng. Vì ý nghĩa liên tục được xác định lại (negotiate) trong quá trình tương tác đang tiếp tục diễn ra, cho nên không thể thiết lập mối quan hệ nhân quả đơn giản được. Cho nên một số nhà xã hội học lập luận rằng xã hội học chỉ giới hạn vào việc diễn giải hành động xã hội (social action).
Tuy nhiên, cả Weber và các chuyên gia theo trường phái tương tác đều nghĩ rằng có thể đưa ra giải thích về nguyên nhân của hành vi con người, nếu việc tìm hiểu ý nghĩa là một phần của các giải thích đó. Một số nhà xã hội học, đặc biệt là những ai theo trường phái hiện tượng luận, thì đưa lập luận đó đi tiếp và tuyên bố rằng nhà xã hội học không thể tìm ra được nguyên nhân của hành động của con người (human action).
Hiện tượng học
Với các nhà hiện tượng học (phenomenology) thì không thể đo đạc khách quan bất kỳ góc cạnh nào của hành vi con người. Con người giải nghĩa thế giớ bằng cách phân chia. Qua ngôn ngữ họ phân biệt sự khác nhau giữa các vật, các sự kiện, các hành động và con người. Ví dụ như một số hành động bị định nghĩa là tội phạm còn những hành động khác thì không' tương tự vậy một số người bị định nghĩa là tội phạm còn những người khác là tuân thủ pháp luật. Quá trình phân loại (categorization) là chủ quan: phụ thuộc vào ý kiến của người quan sát. Xác suất thống kê chẳng qua là sản phẩm của ý kiến của những người tạo ra. Cho nên chỉ số về lượng tội phạm là do cảnh sát và tòa án tạo ra, và không thể hiện gì khác hơn là ý kiến của những cá nhân có liên quan. Nếu các nhà xã hội học đưa ra bảng thống kê thì đó cũng là kết quả của ý kiến chủ quan - trong trường hợp này là của nhà xã hội học.
Các nhà hiện tượng học tin rằng không thể tạo ra dữ liệu thực tế cho nên không thể tạo ra và kiểm chức các giải trình về nguyên nhân. Điều mà nhà xã hội học có thể hi vọng nhất là hiểu được ý nghĩa mà các cá nhân đã đặt ra cho các hiện tượng riêng biệt. Nhà hiện tượng học không tìm cách xác định điều gì gây ra tội phạm; thay vào đó họ tìm cách khám phá xem những sự kiện nhất định được định nghĩa là tội phạm như thế nào và một số người nhất định bị định nghĩa là tội phạm như thế nào. Do đó nhà hiện tượng học khảo sát cách mà cảnh sát đi đến quyết định là có bắt và khởi tố người bị tình nghi hay không. Bằng cách này nhà hiện tượng học hi vọng sẽ xác định được ý nghĩ được gắn với những chữ phạm tội và tội phạm được cảnh sát sử dụng. Kết quả cuôi cùng của nghiên cứu hiện tượng học là hiểu được ý nghĩa được các thành viên trong xã hội dùng hàng ngày.
Mặc dù có khác biệt giữa những ai ủng hộ phái hành động xã hội và hiện tợng học, cả hai đều công nhận là lối tiếp cận thực chứng tạo ra bức tranh bị biến dạng về cuộc sống xã hội.
Peter Berger (1966) lập luận rằng xã hội thường được coi như sân khấu múa rối mà thành viên xã hội được coi như là "những con rối nhảy múa trên các dây điều khiển, vui vẻ biểu diễn những phần đã được giao". Xã hội truyền dẫn giá trị, chuẩn mực và vai trò, và con người phản ứng theo trách nhiệm như những con rối của Berger. Tuy nhiên, phái tương tác và phái hiện tượng học tin rằng con người không phản ứng thụ động với xã hội bên ngoài. Họ xem con người như tích cực tạo ra nghĩa riêng cho mình và xã hội của mình trong tương tác với người khác. Theo cách hiể đó thì họ suy nghĩ tương tự như các tiếp cận hậu hiện đại đã bàn ở phần trước.
Xã hội học và giá trị
[...]
Mường tượng xã hội học
Mặc dù các nhà xã hội học có góc nhìn (perspective), phương pháp và giá trị khác nhau, tất cả họ đều (ngoại trừ một vài nhà hậu hiện đại) chia sẻ mục tiêu thông hiểu và giải thích (explaining) thế giới xã hội. Phối hợp các góc mở (insight) do các tiếp cận khác nhau mang lại có thể là cách tốt nhất để đạt mục tiêu này.
Các lý thuyết cấu trúc về xã hội, ví dụ như hệ phái kết cấu và Mác-xít, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của xã hội trong việc định hình hành vi con người. Từ phía ngược lại, các tiếp cận như hệ phái tương tác nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành vi con người trong định hình xã hội. Nhiều nhà xã hội học hôm nay tin rằng ngành xã hội học phải nghiên cứu cả cấu trúc xã hội lẫn tương tác xã hội. Họ tin rằng chỉ có phối hợp nghiên cứu các thay đổi lớn trong xã hội và cuộc sống cá nhân thì nhà xã hội học mới có thể xây dựng hiểu biết về cuộc sống xã hội (social life).
Ý tưởng này không mới, từng được nhà xã hội học rất nhiều ảnh hưởng người Đức Max Weber ủng hộ, và gần đây là nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens. Tuy nhiên, có lẽ sự giải thích rõ ràng nhất cho quan điểm này là nhà xã hội học người Mỹ C. Wright Mills.
Mills (1959) gọi khả năng nghiên cứu cấu trúc xã hội cùng lúc với cuộc sống của cá nhân là 'mường tượng xã hội học' (sociological imagination). ông lập luận rằng mường tượng xã hội học cho phép người ta hiểu 'các rắc rối riêng tư' trong bối cảnh 'các vấn đề công cộng'. Thất nghiệp, chiến tranh và tan vỡ hôn nhân đều được người ta trải nghiệm qua những rắc rối họ tạo ra trong cuộc sống riêng. Họ phản ứng lại các vấn đề đó như cá nhân, và phản ứng của họ kéo theo tác động xã hội khi nhìn chung. Tuy nhiên, với Mills các vấn đề này chỉ có thể hiểu toàn bộ trong bối cảnh rộng hơn của các lực chung xã hội. Ví dụ các hoàn cảnh đặc biệt sẽ khiến một người bị thất nghiệp, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng khi xét tổng thể sẽ trở thành vấn đề công cộng cần giải thích. Nhà xã hội học sẽ cân nhắc 'các định chế kinh tế và chính trị trong xã hội, chứ không đơn giản là hoàn cảnh cá nhân và cá tính của một nhóm cá nhân'
Theo Mills thì xã hội học cần là ngành nghiên cứu trải nghiệm sống (biography) của các cá nhân trong bối cảnh lịch sử xã hội. Mường tượng xã hội học không chỉ hữu dụng với nhà xã hội học, mà còn quan trọng với tất cả thành viên xã hội nào muốn hiểu, thay đổi và cải thiện cuộc sống. Có lẽ xã hội học có thể coi là thành công nếu cho phép người ta đạt được mường tượng này, và các lý thuyết và nghiên cứu trong các chương còn lại của sách này có thể được đánh giá theo cách đó.
[*] từ trang 14-17 giáo trình Sociology Themes and Perspectives, 7th edition, Collins
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét