Chân thật là trong tâm hồn, đầu óc không thấy khó chịu vì sự ghen ghét. Đó chính là sự chân thật. Chứ không phải chân thật là: “Tôi là người thẳng tính, hay nói thẳng nói thật, thấy sao nói vậy, có gì nói nấy bởi vì tôi là người trực tính và chân thật.” Quý vị đừng lầm lẫn cái này!
Rắc rối trong các mối quan hệ chính là cách sử dụng kiến thức trong cách diễn đạt điều mình muốn nói
Cái khó nhất và cũng quý nhất trong quan hệ giữa con người và con người là tình thương và sự chân thật. Khi nói đến hai chữ tình thương thì rất sâu và rộng nghĩa, tức khái niệm này bao gồm hai chữ nhưng có nhiều nghĩa và chỉ ra một thế giới sâu thẳm. Như vậy, khi nghe tới hai chữ đó thì người nghe cần đi vào được một thế giới sâu thẳm, một thế giới chiều sâu. Khi nghe nói đến khái niệm về tình thương hay chân thật thì người nghe nên liên tưởng đến trạng thái sâu bên trong đầu óc chứ không để tâm đến sự định nghĩa của các khái niệm ấy.
Ví dụ như chữ “yêu” thì không thể định nghĩa chữ "yêu" là gì được và tất cả mọi định nghĩa về chữ "yêu" đều sai. Khi chữ "yêu" được dùng giữa trai và gái thì chữ đó đưa đến người nghe cởi bỏ tất cả mọi khái niệm để đi vào một thế giới sâu thẳm, một trạng thái của đầu óc, chứ không phải chữ yêu đó được định nghĩa yêu như thế này hay yêu như thế kia…Không phải như vậy vì định nghĩa không có giá trị. Khi người cha nói yêu con thì nhờ chữ “yêu” đó mà hiện ra cả một thế giới rất sâu thẳm, và chỉ có người cha mới biết. Còn ngược lại, khi người con nói yêu cha mẹ lắm thì chữ “yêu” đó cũng hiện ra một thế giới sâu thẳm mà chỉ có người nói mới hình dung được hay chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ thương cha mẹ thì mới hình dung được.
Như vậy, không thể định nghĩa được chữ “yêu” mà đó chỉ là chữ do con người sáng tạo ra để diễn đạt một trạng thái đang diễn ra trong đầu óc, trong sự nhìn thấy hay trong nhận thức, nhưng trong mỗi một hoàn cảnh khác nhau thì có một thế giới khác nhau. Đó là lí do chúng ta không nên định nghĩa nhiều chữ. Như hiện nay, chỉ vì một vài chữ trong sách vở đã tồn tại từ hàng ngàn năm mà chúng ta đã tự giết chết chúng ta. Đời sau lại tiếp tục đem ra định nghĩa, làm từ điển rồi đem ra giảng dạy thì không hiệu quả. Người giảng dạy lại không đủ trình độ hiểu nên tưởng đâu là hiểu đúng và tưởng đâu là giảng dạy đúng.
Thành ra, cái chết là ở chỗ này và rắc rối trong các mối quan hệ chính là cách sử dụng kiến thức trong cách diễn đạt điều mình muốn nói. Mỗi người đều có kinh nghiệm và kiến thức khác nhau nên cứ tự cho mình là người hiểu biết hơn người khác và có quyền này, quyền kia hay ưu tiên nọ, ưu tiên kia...
Đó là nỗi đau và là nỗi ung nhọt lớn nhất và rất khó giải quyết!
Khi bắt đầu củng cố địa vị tức là đánh mất hạnh phúc đang hiện hữu
Mỗi người khi đã đạt được quyền lợi rồi thì ưu tư riêng được tạm ổn, tinh thần tạm bình yên. Nghĩa là khi mơ ước đã thành hiện thực, trạng thái tinh thần sẽ tạm bình yên, nhưng rồi tình trạng này cũng sẽ qua rất nhanh vì người ấy chưa nhận ra giá trị đích thực và quý giá của trạng thái này nên đã không quan tâm đến các phương pháp nhận ra và thường sống với thực tại bình yên đó. Cũng có một ít người nhận ra và thường sống với thức tại bình yên đó nhưng còn lại thì tất cả phải coi chừng vì dễ đi tới chỗ bắt đầu thấy mình hay, mình giỏi... Tức là bắt đầu xuất hiện cái thấy thiếu chuẩn xác về mình và thế giới chung quanh nên đã để cho cảm xúc hạnh phúc trong tinh thần biến mất. Như vậy, khi bắt đầu xuất hiện cái thấy lệch lạc về chính mình dẫn đến nỗ lực củng cổ địa vị cá nhân tức là đánh mất hạnh phức đạt được.
“Địa vị” là một thế giới khái niệm mà hạnh phúc đạt được là thế giới thật thực sự hay một trạng thái thật sự thật, tức là trạng thái không có ý tưởng và chữ nghĩa. Nhưng hạnh phúc đi mất tại vì thấy mình hay, mình giỏi hay thấy mình hơn người… Và bất kể người lớn tuổi cho đến trẻ tuổi thì đều có sự thấy mà rất dễ đánh mất hạnh phúc có sẵn trong đầu óc của mình. Chắc chắn là trước nhất đánh mất trạng thái hạnh phúc của chính mình. Nếu có cười thì chỉ có giả bộ bên ngoài mà chắc chắn bên trong không có hạnh phúc.
Quý vị thử ngẫm nghĩ điều này!
Một người sống trong sự ghen ghét, ghen tị và hơn thua mà lòng không nói ra thì làm sao có hạnh phúc được? Người đó cũng giống như gặp món ăn thật ngon mình thèm khát mà không thưởng thức được và tự mình đẩy đồ ăn xuống dưới đất bởi vì ghen ghét, đố kị… Tại sao lại như vậy? Vì thấy mình hơn, hay, giỏi và thấy mọi người cần phải chú ý, để ý tới mình…Đó chính là cái bẫy mà người đời bị dính. Vì vậy, một người rất dễ bị sập bẫy khi được người khác khen ngợi, ca ngợi, ca cẩm…
Đó cũng là lí do mà người coi quẻ hay coi bói đánh trúng tâm lí. Nếu người coi quẻ, coi bói mà đạo đức thì rất tốt, tức là để cứu người thì có thể dùng tất cả mọi hình thức, kĩ xảo hay khả năng của mình… nhưng đa số không làm được điều đó. Đó cũng là điểm rắc rối trong các mối quan hệ.
Chân thật là gì?
Nói tới tình thương là nói đến sự chân thật, là không thấy mình hay, mình hơn người, mình xứng đáng hơn hay giá trị hơn người… Sự chân thật là gì? Không phải là nói thật, làm thật… cái này phải coi chừng. Mà cũng đừng chủ quan cho rằng thẳng tính là chân thật, là trực giác, phải coi chừng mấy điều này.
Chân thật là trong tâm hồn, đầu óc không thấy khó chịu vì sự ghen ghét. Đó chính là sự chân thật. Chứ không phải chân thật là: “Tôi là người thẳng tính, hay nói thẳng nói thật, thấy sao nói vậy, có gì nói nấy bởi vì tôi là người trực tính và chân thật.” Quý vị đừng lầm lẫn cái này!
Duy Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét