Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Bàn chuyện ăn Tết Âm lịch





Sơ lược lịch sử cái Tết Âm lịch phương Đông.

Âm lịch mà người Việt đang dùng theo truyền thuyết là do Hoàng Đế Hữu Hùng phát minh ra, thời Đế Nghiêu Đế Thuấn được củng cố thêm. Lịch có 12 tháng gọi tên theo thập nhị địa chi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Từ khi ra đời đến nay Âm lịch đã từng nhiều lần thay đổi mốc định ngày, tháng đầu năm:
– Nhà Hạ chọn tháng Dần (tháng thứ nhất hiện nay) làm tháng Giêng. Đây là Lịch kiến Dần.
– Nhà Thương chọn tháng Sửu (tháng thứ 12) làm tháng Giêng. Đấy là Lịch kiến Sửu. Người Mông ở Việt Nam nay vẫn ăn Tết theo lịch này.
– Nhà Chu chọn tháng Tý (tháng thứ 11) làm tháng Giêng. Đấy là Lịch kiến Tý.
– Nhà Tần chọn tháng Hợi (tháng thứ 10) làm tháng Giêng. Đấy là Lịch kiến Hợi.
– Đến đời Hiếu Vũ Đế quay lại lấy tháng Giêng là Dần. Lịch kiến Dần và sử dụng từ thời đó đến ngày nay không thay đổi nữa.
Âm lịch là lịch của nền văn minh lúa nước, vốn xuất phát chính từ đất Giao Chỉ từ Tam Hoàng (Hoàng Đế, Đế Nghiêu, Đế Thuấn) và được hoàn thiện ở thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu). Lịch kiến Dần bắt đầu từ nhà Hạ mà nhà Hạ khởi lập bởi cha Lạc Long Quân ở vùng đồng bằng sông Hồng ven biển Bắc Việt nay. Tới khi Hiếu Vũ Đế Lưu Triệt diệt nhà Triệu Nam Việt, thống nhất Trung Hoa, cho lấy lại tháng Dần làm tháng Giêng theo lịch nhà Hạ.
Người Việt Nam ngày nay hoàn toàn nhầm lẫn khi cho rằng nhà Hiếu là “Tàu” hay Hán và Âm lịch người Việt đang dùng là “lịch Tàu”. Nhà Hiếu là một triều đại Việt chính cống vì Hiếu Cao Tổ Lưu Bang khởi nghĩa ở đất Bái – Thái Bình, tức vùng đất Đông Giao Chỉ, cũng là khu vực khởi đầu của nhà Hạ xưa. Triều đại nhà Hiếu do đó còn có tên là Viêm Lưu, tức là họ Lưu từ vùng Viêm phương, xứ nóng.
Người Việt có truyền thuyết Lang Liêu chế ra bánh chưng bánh dày dâng cúng trời đất vào tiết đầu năm. Nhiều người cho rằng lịch của Lang Liêu như thế mới đúng là lịch Việt. Nhưng liệu có mấy người biết rằng Lang Liêu nghĩa là vua của người Liêu Tử hay Di Lão. Lang Liêu nghĩ ra bánh chưng bánh dày với đạo trời tròn đất vuông chính là Chu Văn Vương, người tạo tác Kinh Dịch. Chu Văn Vương cũng là Văn Lang, là quốc hiệu được người Việt công nhận từ xa xưa. Nhà Chu là dòng Âu họ Cơ, dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi dựng đô ở Phong Châu, lập nước Văn Lang thời các vua Hùng. Văn Vương – Văn Lang đã định lịch kiến Tý, lấy tháng 11 làm chính sóc, lập nên một thời đại huy hoàng trong sử Việt là ý nghĩa của câu chuyện bánh chưng bánh dày.
Ngày nay muốn điều chỉnh tháng đầu năm cho gần với năm Dương lịch thì có thể lấy lịch của nhà Chu hay của Lang Liêu, dùng tháng Tý làm tháng Giêng. Người Việt có thể ăn Tết theo cha Lạc Long (dùng lịch kiến Dần) hay theo mẹ Âu Cơ (dùng lịch kiến Tý), thay đổi lựa chọn tháng đầu năm, chứ không thể bỏ Tết Âm thành Tết Dương lịch được. Đánh đồng Âm lịch với Tây lịch đồng nghĩa với xóa sổ luôn Âm lịch, vì không có ngày đầu năm thì cũng không có cả năm. Bỏ Âm lịch là bỏ hết cả văn hóa cổ truyền, tục thờ cúng tổ tiên, phá ngang cách tính thời gian của nền văn minh lúa nước… Những ai chủ trương bỏ Tết Âm lịch phải nói là phạm tội bất hiếu với tổ tiên, với trời đất.
Tam quan den ThuongNghi môn đền Thượng – Kinh thiên điện trên núi Hùng – Nghĩa Lĩnh.

HIẾU VỚI TRỜI ĐẤT

Tôi nghe kể chuyện nước Văn Lang
Lang Liêu dâng cha chẳng bạc vàng
Mà tấm lòng thành gói trời đất
Vuông tròn đúc đủ tình thế gian.

Âm dương một đạo để ngàn đời
Rọi sáng đường đi cả tộc người
Bánh chưng bánh dày vui ngày Tết
Tưởng nhớ Lang xưa với sách trời.

http://asakicorp.com/bachviet18/?p=2231

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Phong – Hoa – Tuyết – Nguyệt




Cuộc đời thực thực hư hư, thoáng một cái tuổi xuân đã trôi qua. Và thế là cũng đã hết cả một đời người. Có những tiếc nuối, có những hư hao, có những lưu luyến, có những cuộc chia li không chờ được đến ngày tái ngộ để cuối cùng vẫn là buồn nhớ xót xa! Có những nỗi buồn kết đọng lại thành những khúc ca bi lụy để người đời sau còn hoài vấn vương…

Chuyện kể rằng: Vào một đêm trăng sáng, trong cái lạnh giá của mùa đông trên núi, với gió, với tuyết rơi lất phất trắng xóa tứ bề, có một lữ khách phiêu bạt giang hồ lâm trọng bệnh. Ông ta vốn từ lâu sống ẩn dật trên núi, xa lánh cõi trần tục. Trong cái tiết trời lạnh lẽo buốt giá và tàn nhẫn của mùa đông, dường như chẳng có một sự sống nào tồn tại nổi, những phút giây đau yếu khiến người đàn ông phiêu bạt từng trải bỗng nhiên thấm thía cái nỗi cô độc tận cùng của mình. Bất chợt, ông bỗng nhớ đến người thiếu nữ ngày xưa thương nhớ. Chỉ vì định mệnh, ông và người con gái ấy đã không thể ở bên nhau.Suốt bao nhiêu năm tháng xa lánh trần gian, xa lánh thế tục cùng tình ái con người, ông vẫn chưa bao giờ nguôi đau đáu về hình bóng thuở trẻ trai. Giờ phút này, chỉ còn ông với trăng, với gió, với hoa cỏ oằn mình trong lạnh giá và với những cơn mưa tuyết cứ rơi không ngừng… Trong cái ngao ngán của kiếp người, ông lão tự than thở một mình rằng: “Phải chăng cuộc đời quá ngắn ngủi để thưởng thức Phong Hoa Tuyết Nguyệt?” Cùng lúc đó, có một người khách lỡ độ đường đi ngang qua, ghé vào xin tá túc cho qua cơn mưa tuyết đêm khuya. Nghe thấu câu chuyện của ông lão tội nghiệp. Anh ta đã dùng cây sáo của mình hòa tấu lên một khúc trong bộ tứ Phong – Hoa – Tuyết – Nguyệt. Quả thực, trước mắt đấy, là phong, là hoa, là tuyết, là nguyệt, là một bức tranh hoàn mỹ của thiên nhiên. Chỉ có điều, lòng người với những ưu tư, sầu muộn ngổn ngang nên vẫn ngỡ rằng mình không thể thấu trọn vẻ đẹp thanh tao kia!


St

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Tình yêu thương vô điều kiện







Một ngày kia, khi những người trong tổ chức thiện nguyện đa quốc gia đang sửa chữa, xây cất một chuồng bò thì họ trông thấy trong góc nhà có một cái ổ chuột. Họ bèn dùng khói đuổi mấy con chuột trong đó chạy ra. Một hồi sau quả thật có chuột chạy ra, từng con, từng con một…

Sau đó mọi người nghĩ rằng chuột đi hết rồi. Nhưng khi họ vừa mới bắt đầu dọn dẹp thì thấy hai con chuột nữa đang chen nhau ra khỏi miệng ổ. Sau một hồi cố gắng, cuối cùng hai con lọt ra được. Điều lạ là sau khi ra ngoài ổ, hai con chuột không chạy đi liền mà đuổi nhau ở gần lối ra, dường như con này đang muốn cắn đuôi con kia.

Mọi người kinh ngạc lại gần coi thử, thì họ thấy: một con bị mù, không thấy gì cả, còn con kia đang cố gắng để cho con mù cắn đuôi nó, để nó kéo con mù đi tẩu thoát.


Sau khi chứng kiến sự việc xảy ra, ai nấy đều xúc động, không nói nên lời. Tới giờ ăn, nhóm người ngồi quây quần và bắt đầu bàn luận về những gì xảy ra giữa hai con chuột.


Một viên chức La Mã nghiêm nghị nói: “Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột đó cũng giống như giữa: vua và quan“. Những người kia nghĩ một hồi rồi nói: ”Thì ra thế!” – Viên chức La Mã rất lấy làm hãnh diện.

Một người Do Thái khôn ngoan lên tiếng: ”Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột đó giống như là :vợ với chồng“. Mấy người kia ngẫm nghỉ một hồi nữa, ai cũng thấy có lý, đồng tán thành. Nói xong, mặt người Do Thái lộ vẻ mãn nguyện.

Một người Việt Nam, quen với truyền thống hiếu thuận với cha mẹ, nói: “Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột kia cũng giống như: tình nghĩa mẹ con“. Những người kia lại nghĩ một hồi nữa, cảm thấy điều này có lý hơn. Họ tỏ ý tán thành lần nữa. Gương mặt người Việt Nam lộ ra nét khiêm tốn.

Lúc đó, một người hay làm phúc, đầu óc đơn thuần đang ngồi dưới đất chống tay lên cằm, nhìn mấy người kia với vẻ hoang mang: “Hai con chuột kia sao lại phải có quan hệ với nhau chứ?”
Thời gian bỗng như ngừng lại, cả toán vẻ mặt sững sờ, nhìn về phía người kia, không nói một lời. Viên chức La Mã, người Do Thái, và người Việt Nam, ba người lên tiếng lúc nãy đều cúi đầu trầm ngâm, không thể trả lời.

Tình thương vô điều kiện không dựa vào lợi lộc, tình bạn, sự thủy chung hay huyết thống. Thật ra nó không cần một quan hệ nào cả!


Ricky1990

Kẻ Hợm Mình (The Snob)





Tại quầy bán sách của khu thương xá, chàng sinh viên trẻ John Harcourt thóang nhìn thấy cha mình. Trong đám đông xô đẩy nhau dọc lối đi, mới đầu chàng không tin chắc lắm, nhưng có những cái mà chàng biết rất rõ - đó là cái màu phía sau cổ của ông già, chiếc mũ nỉ bạc màu. Harcourt đang đứng với một người con gái mà chàng yêu mến để mua sách cho nàng. Suốt buổi chiều chàng đã nồng nàn nói chuyện với nàng nhưng cũng đầy rụt rè và xao xuyến như thể trong chàng vẫn còn ngỡ ngàng tự hỏi không biết nàng có sung sướng khi được đi bên cạnh mình không. Dưới chiếc mũ rơm rộng vành, khuôn mặt của nàng thật đẹp, mạnh khỏe và tỏa ra dáng vẻ đầy tự tin, thường quay qua nhìn chàng và mỉm cười mỗi khi chàng nói điều gì. Hai người thường nói chuyện với nhau như thế và chưa bao giờ dám bạo dạn bày tỏ hết tình cảm của mình. Harcourt cũng vừa mua sách xong, và cũng vừa thọc tay vào túi với một dáng vẻ tự nhiên và sẵn sàng như thể chàng vốn có thói quen mua sách cho các cô - thì ông già đầu bạc với chiếc mũ nỉ bạc màu đang đứng ở đầu quầy chợt quay nửa mình về phía chàng và chàng biết rất rõ mình chỉ còn cách ông cụ có vài thước.

Giọng nói lưu lóat thường nhật của chàng thanh niên bỗng ấp úng rồi trở nên thều thào như thể chàng sợ người chung quanh nghe thấy. Trong chàng dậy lên một một nỗi bực dọc khôn tả, chàng linh cảm thấy một cái gì đó thật quý giá mà chàng đang nắm giữ dường như sắp đổ vỡ. Cha chàng đang đứng thẳng thốn ở quầy trả tiền, ông cụ trầm ngâm lật đi lật lại cuốn sách trên tay. Rồi ông cụ lấy ra cặp kính lão từ cái bao da đã sờn, sửa đi sửa lại trên sống mũi rồi cúi nhìn cuốn sách. Chiếc áo khoác (manteau) bỏ ngỏ, còn chiếc áo vest thì hai chiếc khuy không cài nút, tóc ông cụ quá dài còn bộ quần áo luộm thuộm khiến ông cụ trông như dân thợ, có lẽ một ông thợ mộc thì đúng hơn. Một nỗi bất bình dậy lên trong chàng khiến chàng muốn đau khổ kêu lên “Tại sao ông cụ lại ăn mặc như thể trong đời chưa bao giờ có một bộ quần áo tốt đẹp? Ông cụ chả để ý gì đến thế giới này đang nghĩ gì về ông cụ. Ông cụ chẳng để ý gì cả. Mình đã nói cả trăm lần là bố phải ăn mặc đàng hòang khi ra đường. Mẹ cũng đã nói như vậy. Ông cụ chỉ nhe răng cười. Và giờ thì Grace có thể thấy ông cụ. Grace có thể gặp ông cụ.”

Vì thế mà chàng Harcourt đứng yên như tượng đá, đầu gục xuống và linh cảm thấy một cái gì đau đớn sắp xảy đến. Chàng xao xuyến liếc nhìn Grace lúc này đã quay đầu lại quầy tính tiền. Trong số khách hàng mặt đỏ gay, người nào người nấy tỉnh bơ, dùng cả cùi chõ, xô đẩy nhau để dành lối đi, Grace nổi bật lên với vẻ đẹp lộng lẫy. Con người nàng tỏa ra một dáng vẻ rất tự tin về sự giao tiếp với mọi người, với mấy người bán hàng, với sách vở nằm trên kệ và với tất cả mọi thứ chung quanh nàng. Đầu vẫn cúi xuống, chàng nhích lại gần nàng thì thào với giọng thật lo lắng, “Mình kiếm chỗ khác để uống trà đi Grace.”

“Chút xíu nữa anh,” nàng đáp.

“Mình đi ngay bây giờ đi.”

“Chút xíu nữa mà anh,” nàng lơ đãng nhắc lại.

“Ở đây ngột ngạt quá. Mình đi ngay bây giờ đi.”

“Sao anh nóng ruột quá vậy?”

“Ở đây chẳng có gì cả ngòai mớ sách cũ trên kệ.”

“Có thể có một số mà em rất cần trong cuộc sống của em,” nàng vừa nói vừa mỉm cười tươi tắn và không hề nhận biết mối lo âu trên khuôn mặt của Harcourt.

Chính vì thế mà Harcourt phải tiến lại phía sau nàng do đó mỗi lúc chàng càng đến gần ông cụ hơn. Có lúc chàng ngửng đầu lên, liếc nhìn qua một bên với vẻ lơ đãng. Còn cha chàng, với khuôn mặt hồng hào, phúc hậu, vẫn yên lặng đọc sách nhưng lúc này dường như trên khuôn mặt của ông cụ có dáng vẻ tư lự như thể trong sách có cái gì làm ông cụ xúc động cho nên ông cụ quyết định đứng lại đó đọc tiếp.

Ông già Harcourt có dư thời gian để vui thú bởi ông đã nghỉ hưu sau khi làm việc cực nhọc suốt cả đời. Ông gửi chàng vào đại học và ước mong chàng rạng rỡ với người ta. Mỗi tối khi trở về nhà, dù sớm dù khuya, chàng thường vào phòng bố mẹ, bật đèn lên để chia xẻ với song thân những gì hay đẹp trong ngày. Cả hai lắng nghe chàng nói và chia xẻ với chàng về một thế giới mới mà chàng đang ngụp lặn trong đó. Cả hai ngồi dậy trong bộ quần áo ngủ, mỗi khi mẹ chàng hỏi điều gì, cha chàng đều chăm chú lắng nghe, đầu nghiêng qua một bên, mỉm cười hoặc chau mày. Tất cả những hình ảnh đó hiện rõ trong tâm trí chàng lúc này thế nhưng có một niềm khát khao và một nỗi đau đớn mỗi lúc cứ đè nặng lên chàng khi chàng sợ hãi liếc nhìn cha mình, nhưng chàng bướng bỉnh cho rằng, “Mình không thể giới thiệu ông cụ với Grace. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu ông cụ không nhìn thấy hai người. Phải mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Như thế hợp lý hơn. Gặp Grace chỉ làm cho ông cụ thêm lúng túng.”

Vào lúc này thì Harcourt biết mình đang xấu hổ, nhưng chàng biện minh cho sự xấu hổ của mình với lý do cha của Grace là người có phong thái lịch sự và tự tin vì suốt đời sống trong một xã hội giàu có và thành công. Thỉnh thỏang khi ghé vào nhà Grace lễ phép nói chuyện với mẹ nàng, chàng không khỏi suy nghĩ về vẻ đơn sơ của nhà mình, về giọng nói tiếng cười xuề xòa, mộc mạc của cha mẹ và chàng quyết định phải làm sao để gia đình Grace nể mặt.

Chàng thận trọng ngước nhìn lên vì hai người chỉ còn cách nhau khỏang ba thước, nhưng vào ngay lúc đó, ông cụ cũng ngửng đầu lên nhưng ánh mắt của Harcourt lại tránh qua một bên, nhìn về phía lối đi, về phía quầy tính tiền, làm bộ như không thấy gì cả. Khi đôi mắt xanh và bình thản của ông cụ chú mục qua cặp mắt kính, có một lúc dường như hai người đã nhìn thấy nhau. Không biết rõ là ai, nhưng khi chàng Harcourt quay lưng và hối hả nói với Grace thì chàng biết rõ là cha chàng đã nhìn thấy chàng. Chàng biết chắc như vậy vì vẻ bình thản trong đôi mắt xanh của ông cụ. Niềm xấu hổ trong chàng trào dâng và nó làm chàng đau khổ khi chàng đứng đó bất động, không biết làm gì cả.

Cha chàng quay lui, đi dọc theo hành lang, bước đi thẳng thốn trong bộ quần áo đã sờn cũ, đôi vai ông cụ giang rộng và không quay đầu nhìn lại. Rồi ông cụ bước xuống đường với dáng vẻ trầm tư mà chàng biết chắc mỗi lúc mỗi trở nên sâu nặng và nghiêm trọng.

Chàng trẻ tuổi Harcourt đứng bên cạnh Grace, khẽ cọ vào đôi vai mềm mại của nàng và thoang thỏang ngửi thấy mùi nước hoa mà nàng dùng. Đó, đứng sát bên mình, nàng là tất cả những gì mà chàng khát khao ôm chặt lấy, nhưng giờ đây chàng chỉ còn thấy một nỗi thù hận ghê gớm khiến chàng ủ rũ cúi mặt và đứng bất động.

“Anh nói đúng đó John,” giọng nàng nhỏ nhẹ và hơi ề à. “Vào ngày nóng nực như thế này ở đây khó chịu thật anh ạ. Giờ mình đi. Nè, có bao giờ anh nghĩ rằng đứng ở khu thương xá lâu như thế này có khi mình trở nên ghét người ta không biết chừng?” Nhưng vừa nói nàng vừa mỉm cười cho nên Harcourt biết chắc rằng nàng chẳng ghét ai cả.

“Em ghét người ta có phải không?” chàng gặng hỏi.

“Ghét người ta? Mà người ta nào? Anh nói gì vậy?”

“Anh muốn nói,” chàng bực tức nói tiếp, “em không thích những người mà em gặp ở đây chẳng hạn.”

“Đâu phải vậy. Mà ai ghét? Anh nói gì vậy?”

“Thiên hạ đều biết rằng em không,” chàng nói bừa với tất cả sự bực tức để tấn công nàng. “Anh muốn nói em không thích những người bình dị, chân chất là những người mà em gặp ở khắp thành phố này.”

Chàng thốt ra những lời nói này như thể chàng muốn chọc giận nàng nhưng trong thâm tâm thật sự chàng muốn nói, “ Em không thích gia đình anh. Tại sao anh không muốn đưa em tới nhà để ăn cơm tối với cha mẹ anh? Em sẽ có thái độ khinh khỉnh bởi vì bố mẹ anh không có tính tự phụ, kiêu căng. Ngay khi cha anh nhìn thấy em, ông cụ biết rằng em không muốn gặp ông cụ. Cứ nhìn cách ông cụ bỏ đi là anh biết mà.”

Cha chàng đang trên đường về nhà và chàng biết rằng trong bữa cơm tối nay cả nhà sẽ gặp lại. Mẹ chàng và em gái chàng sẽ nói mau mắn hỏi đủ chuyện nhưng còn cha chàng thì ông cụ sẽ không nói gì với chàng, không nói gì với mọi người. Rồi trong ký ức của chàng sẽ nổi lên hình ảnh của cha chàng với cái nhìn đăm chiêu qua đôi mắt xanh và cả nỗi đau đớn của ông cụ mà chàng biết rất rõ khi ông cụ bỏ đi.

Khi hai người bước qua hiệu sách, Grace ngắm nhìn khuôn mặt sầu thảm của Harcourt và nàng hiểu rằng Harcourt đang giận dữ trong lòng cho nên sự bực tức và nỗi bất bình trong nàng lại dâng lên, nàng nghiêm nghị nói, “Theo em nghĩ anh có quyền bực tức trong một buổi chiều nóng nực như thế này, nhưng còn em, nếu em không thích chỗ này thì em có quyền không thích. Anh cũng muốn đi chỗ khác cơ mà. Có ai thích đứng lì ở đây trong một buổi chiều nóng nực như thế này đâu? Nói cho anh biết, em bắt đầu không ưa những người lố bịch đụng vào người em, tất cả những ai gần em. Như vậy thì có sao không?

“Thì em là kẻ hợm mình.”

“Em mà là kẻ hợm mình à?” nàng tức giận hỏi lại.

“Rõ ràng em là kẻ hợm mình,” chàng nói.

Lúc này hai người đã ra ngòai cửa và sửa soạn bước xuống đường. Trong ánh nắng chan hòa, giữa dòng người đang tản bộ dọc theo con phố, khi hai người sánh bước bên nhau, Harcourt cố tìm cho ra những câu nói để diễn tả hết ý nghĩ thầm kín của mình đối với Grace, “Anh biết rất rõ cảm nghĩ của em đối với những người không thích hợp với lối sống của gia đình em,” chàng nói.

“Anh đúng là kẻ lố bịch,” nàng nói. Lúc này mặt Grace đỏ gay và vì không biết làm cách nào để diễn tả hết cơn giận dữ, cho nên nàng ngửng cao đầu và bước thẳng.

Chưa bao giờ hai người nói với nhau như thế nhưng giờ đây thì cả hai sẵn sàng tấn công để làm tổn thương nhau. Sau một thôi một hồi, nàng bắt đầu tranh luận với Harcourt rồi nàng trấn tĩnh lại, nói, “Nghe đây John, tôi nghĩ rằng anh không còn muốn đi với tôi nữa. Uống trà với nhau làm gì thêm vô ích. Tôi nghĩ chúng mình chia tay ngay bây giờ tốt hơn.”

“Được lắm,” Harcourt nói. “Chào em.”

“Chào anh.”

“Chào em.”

Nhưng khi nàng bỏ đi, bước đi khỏang hai bước thì Harcourt run sợ, vội vã nắm chặt lấy tay nàng, năn nỉ, “Đừng bỏ đi Grace à.”

Tất cả nỗi bực dọc và căm tức giờ đây biến mất trong chàng và chỉ còn lại một niềm khát khao và xao xuyến qua giọng nói, “Xin Grace tha thứ cho anh. Anh không có quyền nói với em như thế. Không hiểu tại sao anh lại thô lỗ như vậy hoặc có cái gì đây. Anh lố bịch thật. Anh lố bịch quá em à. Xin em tha thứ cho anh. Đừng bỏ anh.”

Harcourt chưa bao giờ nói ấp úng như thế và nói bằng cả khối chân tình cho nên Grace bắt đầu xúc động. Trong khi lắng nghe chàng nói và hiểu được tấm lòng thương mến của chàng, do sự xung đột lúc vừa rồi, dường như họ xích lại gần nhau hơn lúc nào hết và Grace bắt đầu cảm thấy e thẹn. “Em không hiểu tại sao như vậy anh ạ. Em nghĩ cả hai chúng ta đều bực bội trong mình. Có lẽ tại thời tiết nóng quá,“nàng nói. “Nhưng em không giận anh đâu.”

Harcourt đau khổ gật đầu. Chàng mong mỏ nói cho Grace biết là chắc chắn cha chàng sẽ quý mến nàng, nhưng chưa bao giờ trong đời chàng cảm thấy đau khổ như thế. Chàng nắm chặt lấy tay Grace như muốn ghì chặt lấy cái gì thân thương nhất trong đời như sợ nó có thể vuột khỏi tầm tay… và trong đầu chàng lại hiện lên và còn tiếp tục hiện lên hình ảnh cha chàng đã lặng lẽ bỏ đi và ông cụ không quay đầu trở lại./.



Đào Văn Bình
(California Tháng 12,2016)

Truyện ngắn The Snob của Callaghan dưới đây cho chúng ta thấy tình cảm rất phức tạp của chàng sinh viên Harcourt ở thập niên 1930 trong một đất nước giàu có, thanh bình Canada. Những tình cảm phức tạp đó có thể đưa tới xung đột, nếu không khéo sẽ gây đổ vỡ. Kính mời quý vị thưởng thúc. (ĐVB)

EM LÀ GIẤC MỘNG CỢT NHẢ ĐỜI TA





Em vẫn là người lạ
sao lòng nhớ diết da


Trong giấc mộng đời ta
em hiện ra hiền hòa
như mùa thu thả lá
âu yếm từng phôi pha

Trong giấc mộng đời ta
em hiện ra kiêu sa
như mùa đông băng giá
hiến mình nở tuyết hoa

Trong giấc mộng đời ta
em hiện ra mượt mà
như vầng trăng vào hạ
lơi lả bên hiên nhà

Trong giấc mộng đời ta
em hiện ra óng ả
như mùa xuân vồn vả
bướm ong về thiết tha

Bốn mùa thu đông xuân hạ
em là giấc mộng cợt nhả đời ta

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Trần Xuân Bách: Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?



Ông Trần Xuân Bách, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn 1986-1990, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới đứng trước những biến đổi nền tảng và cuối cùng tan vỡ, là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam công khai đưa ra sớm nhất yêu cầu về đa nguyên chính trị, về cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế, nhưng không tìm được sự ủng hộ trong Đảng và buộc phải nghỉ hưu từ tháng 8.1990. Ngày 01.01.2006, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 83 tuổi, tang lễ đã được cử hành ngày 07.01.2006. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một bài phát biểu cuối năm 1989 của ông về chủ nghĩa xã hội. Ở thời điểm này, bức tường Berlin đã sụp đổ.

talawas


Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn

Một điểm rất thống nhất của toàn xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là trăn trở với tình hình trên thế giới và trong nước. Muốn đưa dân tộc ta tiến lên. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ta bình chân như vại trước tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm.

Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và những triển vọng lớn. Do từ những thử thách của thời đại và những triển vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức xức, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như vậy. Có hai lý do của sự bức xúc:

Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế.

Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này.

Diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức tạp và dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền? Vì ta ở trong thời đại thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn.

Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục, còn châu Á thì ổn định. Không thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn.

Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử, chớ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Mác nói.

Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác với những dự báo của Mác rồi.

Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu „Kinh Thánh“ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu. Ngay cả về chủ nghĩa xã hội hiện nay đang có những cuộc tranh luận để hiểu nó thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện của mọi người là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội [1] như Mác và Ănghen nói trong „Tuyên ngôn Cộng sản“. Còn cụ thể như thế nào thì ta phải tìm. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7, có thảo luận một vấn đề thú vị: Ban Văn hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, nhưng bị bác bỏ.


Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác

Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội kiểu Staline, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông, kiểu Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ở Liên Xô, người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kỳ nào của chủ nghĩa xã hội, và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì nó được dùng để che đậy cho tình trạng trì trệ. Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác. Ta đã chọn một mô hình, mà mô hình đó là sự lai ghép chủ nghĩa xã hội phương Tây với chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta phải gỡ ra khỏi hai thứ giáo điều ấy.


Phải tiếp tục hoàn thiện tư duy khoa học của Đại hội 6

Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội 6 đã khởi động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội 6 đúc kết bốn bài học có tính lý luận, tuy mới ở dạng sơ chế, lấy dân làm gốc, nắm vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lý luận tiên phong.

Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực (dân chủ, khoa học,nhân đạo, hiện đại).

Hai xu thế chủ yếu chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, đó cũng là hai cái mà Đại hội 6 khởi động.


Dân chủ không phải là ban ơn

Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.

Từ hai vấn đề đó, xẩy ra một vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.

Từ nay đến hết thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới sẽ hoàn thiện và trưởng thành một bước lớn. Trong quá trình biến động này, mất đi cái gì? Mất chủ nghĩa xã hội kiểu quan liêu–hành chánh, bao cấp, mất tư duy giáo điều. Và như thế là đúng lý luận của Mác, là phủ định của phủ định.

Đây là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực. Phải có bà đỡ là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có bà đỡ khéo tay, có bà đỡ vụng tay, nhưng phải có bà đỡ.


Cần phải khách quan, bình tĩnh và đổi mới

Ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ bản vấn đề ăn no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó, Giang lại nêu lên độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao Trạch Đông. Cuộc cải cách của Trung quốc như vậy là đi theo chu kỳ vòng tròn, không phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa.

Ở Liên Xô, Gocbachốp coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Gocbachốp nêu lên ba vấn đề chính của cải tổ dân chủ hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không sai. Kinh tế Liên Xô năm 1989 phát triển chậm. Nhưng theo Rưgiơcốp, mặc dù căng thẳng, song không thể quay lại con đường cũ, vì đó là ngõ cụt. Năm 1989 là năm khó khăn nhất của Liên Xô, nhưng rồi sẽ trở lại bình thường. Liên Xô rất thận trọng trong vấn đề xử lý giá và tỉ giá, vì đây là một nước rất lớn.

Trước cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần phải khách quan, bình tĩnh và phải đánh giá theo quan niệm đổi mới. Sau hội nghị 7 của trung ương, chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Ngày 25-11-1989 Bộ Chính trị chúng tôi đã họp và đánh giá tình hình các nước Đông Âu theo quan điểm đổi mới. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ tăng nhanh và thông tin bùng nổ. Tập thể Bộ Chính trị phân định có hai loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày của chủ nghĩa xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa, hư hỏng. Trong khi đó thì chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động triệt để lợi dụng. Bọn đế quốc ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, đã kịch liệt chống lại và luôn nói tới cái chết của chủ nghĩa cộng sản, không có gì mới.

Thái độ của Đảng ta là rút kinh nghiệm hội nghị 7, cần tránh cả hai thái độ hốt hoảng (cho chủ nghĩa xã hội đang có nguy cơ mất ở Đông Âu) và chủ quan (cho mình chẳng có vấn đề gì lớn, vẫn giả định).


Phải thực hiện dân chủ từ trên xuống dưới

Bộ Chính trị quyết định: Phải tiếp tục đổi mới, phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ trong Đảng từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi. Cần quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội 6, nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại và nghị quyết trung ương lần thứ 6 về cơ cấu kinh tế.


Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực

Vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ.

Xã hội ta đã chớm vui vì sức ép lạm phát và thị trường có giảm đi nhưng lòng dân vẫn còn chưa yên. Dân đang đòi hỏi dân chủ hóa, đòi hỏi công bằng xã hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Đảng phải vươn lên vị trí tiên phong. Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại, không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo.

Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương.

Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội).

[1]Câu trong nguyên bản tiếng Đức „[…] worin die freie Entwicklung eines jeden die Bedingung für die freie Entwicklung aller ist“ („trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người“), nguồn: MEW, Dietz-Verlag, Berlin, 1956 ff., Bd. 4, S. 482, hoặc website: http://www.mlwerke.de/me/me04/me04_459.htm (Chú thích của talawas)
Nguồn: Bài phát biểu ngày 13.12.1989 do „Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ“ quay ronéo và phổ biến, Những vấn đề Việt Nam, Nhà xuất bản Trăm Hoa, California, 1992, trang 389-393
Theo: Talawas

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Trần gian còn cô Tấm


Ta mãi mê Hằng Nga mà quên trần gian còn cô Tấm
ngày qua ngày gánh thóc sang sông
mái tóc thả rông bết bồng mồ hôi của đất
da thịt mặn nồng mùi rơm rạ đồng chiêm
ánh mắt lá răm cong bờ hoàng hôn tím
bẽn lẽn phập phồng vồng ngực ngóng trông
câu hò mênh mông ửng hồng con sóng
nóng bỏng lưng ong cháy vạt cỏ non


Ta nát tang bồng say trăng vớt bóng
rượu thâu canh mê đắm vị đắng cay
bến tàn phai đợi chờ Hằng Nga tái thế
nối lương duyên bắn hạ mặt trời


Đôi chân chẻ bùn em vẫn gánh thóc qua sông
len lén đong tấm lòng vào bầu hy vọng
để ta say
ta sống với cuồng ngông
để ta say
ta sống với bão giông
để ta say
ta sống với đục trong


Ta mãi mê Hằng Nga mà quên trần gian còn cô Tấm
đêm đêm lặng thầm góp nhặt câu thơ
ta đánh rơi trong trời mơ rạn vỡ


nứt nẻ tình bến đợi nhận duyên

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

SÔNG & NGƯỜI ...





SÔNG CÀNG SÂU CÀNG TĨNH , NGƯỜI CÀNG HIỂU CÀNG BIẾT KHIÊM NHƯỜNG

Nước sâu chảy không một tiếng động, nước nông, nước cạn sẽ chảy róc rách. Người nông cạn, khoa trương sẽ giống như nước cạn vậy. Còn người có đủ tĩnh khí, khiêm nhường, biết mình sẽ giống như một nguồn nước sâu. Bạn muốn mình là nguồn nước sâu hay là một dòng nước cạn?

Walter Raleigh (1552 – 29 .10. 1618) là nhà chính trị, nhà sử học, nhà thơ nổi tiếng của Anh thời kỳ văn hóa phục hưng từng sáng tác một bài thơ về tình yêu. Trong đó ông đem tình cảm mãnh liệt ví như dòng nước chảy.

Ông viết: “Nước cạn chảy róc rách mà nước sâu lại chảy không phát ra một tiếng động. Một người nếu luôn nói lời đường mật thì trong lòng sẽ là “hư tình giả ý”

Kỳ thực, trong cuộc sống, sự thành thật và lương thiện cũng giống như nước chảy vậy, cũng không cần phải tận lực khoa trương, ca ngợi. Con người chỉ có tâm thái bình tĩnh và tường hòa mới có thể đạt được cảnh giới tư tưởng cao thượng.

Ở một ngôi làng nọ, có hai cha con người đàn ông trung niên sống cùng nhau. Một hôm trời đẹp, người cha rủ con trai đi vào rừng dạo chơi. Cậu con trai vô cùng cao hứng đi cùng bố. Hai cha con đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.

Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được thấy tiếng gì khác không?”

Cậu bé sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”

Người cha lại hỏi tiếp: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả.”

Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta con chưa nhìn thấy nó, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”
Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to.”

Về sau này, cậu con trai trưởng thành, là một người thông minh, giỏi giang và thành đạt. Mỗi lần cậu chứng kiến một ai đó dùng lời lẽ ba hoa, lỗ mãng để nói chuyện, tự cho là mình đúng, tự cao tự đại, hạ thấp người khác thì cậu đều nhớ đến lời nói của cha vẫn như đang văng vẳng bên tai mình: “Xe ngựa càng trống rỗng thì âm thanh sẽ càng to.”

Những người đã từng qua sông cũng biết rằng, trước khi qua sông, người ta thường lấy một hòn đá ném nó xuống nước để phỏng đoán độ sâu của con sông. Bọt nước bắn lên càng cao thì chứng tỏ nước sông càng cạn, càng nông. Trái lại, nơi nào không có bọt nước bắn lên, không nghe thấy âm thanh lớn thì chứng tỏ chỗ ấy nước càng sâu, thậm chí sâu không thể đo được…

Nước càng sâu, chảy càng không có tiếng động. Xe ngựa càng trống rỗng thì tiếng động càng lớn. Làm người cũng nên như vậy!
Người có thể dùng tâm thái bình tĩnh, “bình tâm tĩnh khí” để nói chuyện với người khác thì sẽ trách được việc khắc khẩu, cãi vã giữa đôi bên. Người như vậy cũng sẽ càng học được cách lắng nghe người khác, mà lại không cường điệu, khoa trương chính mình!

Source Internet

sân ga đón mỗi một con tàu



Nơi người sống mùa này lạnh lắm phải không
con gió đông hẳn khát thèm ngụm lửa
đôi môi thơm có còn ươm mầm hứa
đón xuân về hôn miết tóc mây

Ở nơi nầy phố vẫn thơ ngây
phơi thân nắng đốt cháy tim 
gầy
đêm lẩy bẩy cùng gió đông run rẩy
đợi cơn say vun đắp giấc ngủ đầy

Giữa lưng chừng cành mai nở trắng
tiếng chuông nhà thờ lỡ dỡ lời kinh
đôi nhân tình giáng sinh câu thề hẹn
xây sân ga đón mỗi một con tàu

Nơi người sống những bông hoa tuyết có khát khao
được tan chảy trên bờ môi nóng bỏng
hơi thở phập phồng thịt da nồng ấm
sân ga lặng thầm hé nụ tình xuân

Trời đất tưng bừng bướm hoa quyến rũ
cơn say hội tụ đầy đủ hình nhân...










Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

BÃO QUA





Ban mai rắc nắng xanh mướt lá
trời trong mây trắng gió la cà
b
y sẻ ngoài sân xỉa xối lông
nhà bên thiếu phụ ngúng nguẩy mông

Ngọn bấc trên cành thiu thỉu ngủ
đông hoi hóp lạnh mùa chạnh lòng
phố qua cơn bão hưng hứng sướng
hây hây má đỏ môi son hồng

Bóng phơi thềm cũ lưu luyến mộng
một góc hồn ta xao xuyến trông
ai kia chải tóc mịn màng quá
ngân ngấn làn da nỗi nhớ mong