" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016
Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?
Vũ Công Giao
Bực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền, và cái "truyền thống tồi tệ" đó là nguồn gốc sâu xa của những "vi phạm nhân quyền" ở nhiều quốc gia trong khu vực này ngày nay.
Vậy thực sự của vấn đề là như thế nào?
Trước hết, văn hoá truyền thống Đông Á là khái niệm chỉ nền văn hoá của các quốc gia ở khu vực Đông và Đông Nam Châu Á (sau đây gọi chung là Đông Á), mà ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam... có vị trí tiêu biểu. Đó là một phức hợp đa tầng của nhiều trường phái tư tưởng và tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên Phật giáo, Nho giáo và Hồi giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Vì vậy, khảo sát các giá trị nhân quyền trong văn hoá truyền thống Đông Á, cơ bản phải dựa trên ba trụ cột này.
Xét Phật giáo
Ra đời ở Ấn Độ nhưng Phật giáo có ảnh hưởng rất sâu rộng đến các dân tộc ở Đông Á. Loại trừ những hạn chế của nó, có thể thấy Phật giáo rất coi trọng con người và bảo vệ nhân quyền, thể hiện ở các khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, Phật giáo chủ trương cấm sát sinh (với mọi động vật). Điều đó đồng nghĩa với việc triệt để bảo vệ quyền sống - một quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong tất cả các văn kiện quốc tế về nhân quyền. Học giả Thái Lan Saneh Chamarik còn cho rằng, việc cấm sát sinh còn thể hiện việc thừa nhận sự bình đẳng về nhân phẩm và các quyền của con người trong đạo Phật.
Thứ hai, Phật giáo khuyên con người sống khoan dung. Trong số 14 điều răn của Đức Phật, có một điều rằng: "Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.” Trong số 10 điều tâm niệm của Đức Phật, có một điều rằng: "Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát, mà trả thù thì oán đổi kéo dài". Điều này phù hợp với luật quốc tế về nhân quyền bởi trong đó, khoan dung được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng (Liên hợp quốc đã lấy năm 1995 là Năm quốc tế về sự khoan dung và cũng năm này, UNESCO đã ra một văn kiện có tên là tuyên bố về các nguyên tắc về sự khoan dung). Dù vậy, so sánh với tư tưởng khoan dung của Phật giáo, những quy định có liên quan trong luật quốc tế về nhân quyền còn kém xa về tính quảng đại và độ sâu sắc.
Thứ ba, Phật giáo khuyên con người phải biết thương yêu, giúp đỡ đồng loại (từ bi) để tích cực. Trong số 14 điều răn của Đức Phật, có một điều rằng: "An ủi lớn nhất của đời người là bố thí". Trong số 10 điều tâm niệm của Đức Phật có một điều rằng: "Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có mưu tính". Những điều này cho thấy rằng tư tưởng từ bi trong Phật giáo hết sức sâu sắc Việc quan tâm và bảo vệ những nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong luật quốc tế về nhân quyền trùng hợp, nhưng không thể sâu và rộng bằng tư tưởng từ bi của Phật giáo.
Thứ tư, Phật giáo đặc biệt chú trọng đến đào luyện nhân cách (tu nhân). Trong mười bốn điều răn của Đức Phật, có rất nhiều điều răn về nhân cách, chẳng hạn: "Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá", "Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại", "Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tỵ", "Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.”..Trong mười điều tâm niệm của Đức Phật, ít nhất có hai điều về vấn đề này, đó là: "Giao tiếp đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa","Thấy lợi thì đừng nhúng tay vào, vì nhúng tay vào thì hắc ám tâm trí"...Chủ trương "bát chính đạo" của Phật giáo cũng liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, thuyết "nhân quả" của Phật giáo, cho rằng con người phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình theo luật nhân quả, cũng là một yếu tố thúc đẩy việc hoàn thiện nhân cách.
Mặc dù luật quốc tế về nhân quyền ít đề cập trực tiếp đến vấn đề rèn luyện nhân cách, tuy nhiên, rèn luyện nhân cách không hề xa lạ với nhân quyền. Nó chắc chắn là nền tảng sâu xa cho việc thúc đẩy nhân quyền, bởi lẽ chỉ khi có nhân cách tốt đẹp, con người mới ý thức đúng đắn được quyền và nghĩa vụ của bản thân cũng như biết tôn trọng và bảo vệ quyền của người khác.
Thứ năm, Phật giáo khuyên con người kiềm chế (thậm chí tiêu diệt) tham, dục vọng. Quan điểm này phản ánh tâm lý tiêu cực, thoát ly thực tại của Phật giáo, tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nó cũng có tác dụng đào luyện nhân cách, từ đó kiềm chế những vi phạm nhân quyền.
Thứ sáu, Phật giáo khuyến khích việc học tập, mở mang trí tuệ. Trong 14 điều răn của Đức Phật, có hai điều rằng: "Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ và trí tuệ" và "Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết". Dù rằng, sự học ở đây chủ yếu hướng về nhận thức tâm linh, song việc tiếp thu những tư tưởng nhân bản của Phật giáo chắc chắn có ích cho việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Xét nho giáo
Là một học thuyết chính trị, đạo đức xuất phát từ Trung Quốc nhưng Nho giáo có ảnh hưởng hết sức sâu đậm, là đấu kết nối chính tạo ra sự tương đồng trong nền văn hoá của các dân tộc ở khu vực Đông Á.
Tương tự như Phật giáo, bên cạnh những hạn chế, Nho giáo cũng chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về nhân quyền, thể hiện ở các khía canh cơ bản sau:
Thứ nhất, Nho giáo đề cao nhân đức (lòng nhân), coi đó là triết lý cốt lõi. Lòng nhân, theo Khổng Tử đó là “yêu thương mọi người” (Luận Ngữ). Có người cho rằng, khái niệm “nhân đạo” mà sau này được sử dụng ở phương Tây và trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền bởi nó cùng dựa trên cơ sở yêu thương mọi người, tuy nhiên trên thực tế “nhân đức” trong Nho giáo có phạm vi rộng và ý nghĩa sâu sắc hơn"nhân đạo" rất nhiều. Nếu như "nhân đạo" chủ yếu mang tính hướng ngoại (yêu thương loài người) thì "nhân đức" mang tính cả hướng ngoại và hướng nội. "Nhân đức" trước hết là kính yêu, chăm sóc cha mẹ và những người thân trong gia đình (hướng nội). Về hướng ngoại, theo Khổng tử, người nhân đức là người mà "... khi tự lập cho mình thì đồng thời giúp người khác tự lập, khi cố gắng để thành công thì đồng thời giúp người khác thành công," là người mà: "những điều mình không muốn thì không làm cho người khác" (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Như thế, có thể thấy, "nhân đạo" chỉ là một thuộc tính trong nội hàm của "nhân đức".
Thứ hai, từ việc đề cao nhân đức, Nho giáo chủ trương "đức trị".Khổng Tử cho rằng, một vị vua tất phải là "cha mẹ của dân", phải hết lòng chăm lo cho hạnh phúc của dân. ông còn cho rằng: "Cai trị dân mà dùng mệnh lệnh, đưa dân vào khuôn phép mà dùng hình phạt thì dân có thể không có hành động tội lỗi, nhưng không biết liêm sỉ. Cai trị dân mà dùng đạo đức, đưa dân vào khuôn phép mà dùng lễ thì dân sẽ biết liêm sỉ và thực lòng quy phục..."
Quan điểm về "đức trị" trong Nho giáo có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư cách của vua chúa, quan lại và cách thức cai trị của các triều đại ở các Quốc gia Đông Á trong hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến (dù rằng không phải triều đại nào cũng áp dụng "đức trị" một cách triệt để), bởi lẽ nó đòi hỏi vua chúa, quan lại phải tự sửa đổi, trau dồi đạo đức của bản thân để làm gương cho giáo hoá dân… Cho dù chủ trương"đức trị" của Nho giáo nhằm mục đích cuối cùng là duy trì sự thống trị của vua chúa, nhưng xét trong tính lịch sử của nó, quan điểm này vẫn có ý nghĩa to lớn trong việc giữ cho xã hội bình an, bảo vệ và thúc đẩy cuộc sống và các quyền của người dân. Loại trừ vài yếu tố không còn phù hợp, "đức trị” vẫn là một nội dung cốt lõi trong hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế là một lý thuyết tương tự không thấy nảy nở trong các xã hội phương Tây thời phong kiến.
Thứ ba, từ quan điểm về đức trị, Nho giáo đề cao con người, đề cao nhân dân. Khổng Tử cho rằng, trong muôn loài, con người là đáng quý nhất. Mạnh Tử xếp nhân dân cao hơn xã tắc và vua chúa toàn vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Ông thậm chí còn xem "ý dân là ý trời".Theo Mạnh tử: "Yêu thương và bảo vệ nhân dân, bằng cách đó không có sức mạnh nào có thể ngăn một người giành được địa vị đế vương". Nho giáo coi nhân dân là nền tảng của đất nước, nếu nền tảng vững chắc thì đất nước mới thái bình và phát triển, người cai trị giống như con thuyền, nhân dân giống như nước, nước có thề chở thuyền và cũng có thể lật thuyền. Người cai trị có thể giữ được quyền hành khi nào còn vì dân và sẽ bị đào thải khi không còn vì dân... Như vậy, ngay từ rất sớm, Nho giáo đã chủ trương "lấy dân làm gốc".
Cùng với "đức trị", có thể bắt góp tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong nền văn hoá của hầu hết các nước trong khu vực Đông Á. Mặc dù tương tự như “đức trị", việc "lấy dân làm gốc" trong Nho giáo cũng nhằm mục đích duy trì sự thống trị của giai cấp phong kiến, tuy nhiên, trong tính lịch sử của nó, tư tưởng này có tác dụng rất tích cực đến việc bảo đảm nhân quyền. Nó là điểm cốt lõi cho phép kiềm chế tính độc đoán của vua chúa và quan lại, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ các quyền và tự do trong một giới hạn nhất định. Tư tưởng "lấy dân làm gốc" từ lâu vẫn là một nguyên tắc nền tảng trong tổ chức và hoạt động của các nhà nước (chỉ khác về mục đích so với Nho giáo) và đã được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế.
Thứ tư, Nho giáo lấy quần thể làm bản vị, đặt lợi ích của tập thể lên trước lợi ích cá nhân. TheoNho giáo, không có cá nhân trừu tượng mà mỗi cá nhân luôn gắn liền với một tập thể (cộng đồng, dân tộc, gia đình). Tách rời tập thể, không chỉ nhân cách bị mai một mà bản thân cá nhân cũng không thể tồn tại cá nhân tồn tại trong tập thể nên quyền lợi của tập thể cũng là quyền lợi cá nhân. Vì vậy, Nho giáo kêu gọi mọi người tôn trọng và hy sinh lợi ích, thậm chí cả tính mạng cho tập thể và coi đó là một hành động đạo đức cao cả. Tinh thần này thể hiện sinh động nhất trong câu nói của Phạm Trung Ngôn - một nhà Nho đời Tống ở TrungQuốctheo đó, người quân tử là người: "Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ".
Điều cần lưu ý là Nho giáo nhấn mạnh và đặt quyền, lợi ích tập thể lên trước quyền, lợi ích cá nhân nhưng không triệt tiêu quyền và lợi ích cá nhân mà ngược lại, nó tìm cách trung hòa hai loại quyền và lợi ích này theo nguyên tắc: "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Tư tưởng chủ đạo Nho giáo trong vấn đề này là một người càng cống hiến nhiều cho xã hội, cho tập thể thì người ấy sẽ càng được xã hội, tập thể tôn trọng, đề cao giá trị và dành cho nhiều quyền lợi.
Một khía cạnh khác có liên quan là Nho giáo coi trọng nghĩa vụ, coi việc thực hiện nghĩa vụ là tiền đề đạt được quyền lợi. Điều đó thể hiện ngay trong ngũ luân. Trong ngũ luân, nghĩa vụ của các chủ thể được đề cập rất cụ thể (vua phải thương dân, tôi phải trung với vua, cha mẹ phải bao dung với con cái, con cái phải hiếu đễ với cha mẹ, chồng phải ngay thẳng, vợ phải nhẫn nhịn, anh phải đại lượng, em phải kính nhường, bạn bè phải thành thật và tôn trọng lẫn nhau...), trong khi quyền lợi chỉ được hiểu một cách gián tiếp theo nghĩa vụ của chủ thể cũng chính là quyền lợi của chủ thể tương ứng và ngược lại.
Những quan niệm trên khác với chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thống trị trong văn hoá phương Tây nhưng không hề mâu thuẫn với tiến bộ về nhân quyền. Đúng là các văn kiện quốc tế về nhân quyền hiện đại chủ yếu đề cập đến các quyền và tự do của cá nhân mà ít đề cập đến nghĩa vụ của cá nhân và các quyền tập thể, tuy nhiên, cần phải hiểu là bởi chúng được xây dựng nhằm mục đích hạn chế và xoá bỏ tình trạng vi phạm nhân quyền, chứ không phải là những tuyên bố về mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ và giữa các loại quyền. Mặt khác, ít đề cập song không có nghĩa là các văn kiện đó phủ nhận nghĩa vụ của cá nhân và các quyền tập thể. Minh chứng là trong điều 29 (khoản l,2) của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) đã nêu rõ: (1) “Mọi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng mà trong đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và trọn vẹn. (2) Mỗi người, trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân còn phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng với các quyền và tự do của người khác và những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ...". Nguyên tắc này sau đó còn được tái đề cập và cụ thể hoá trong điều 17 và 18 của Tuyên ngôn về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy và bảo vệ xác quyền và những quyền và tự do đã được thừa nhận rộng rãi (1998). Đặc biệt, các nước trong lục địa châu Phi đã khẳng định rõ sự gắn kết giữa quyền các cá nhân và quyền tập thể ngay trong tiêu đề của văn kiện quan trọng nhất về nhân quyền của khu vực, đó là Hiến chương về quyền của con người và quyền của các dân tộc (do tổ chức thống nhất Châu Phi thông qua năm 1981).
Như vậy, nhấn mạnh và đặt các quyền tập thể và nghĩa vụ lên trên các quyền và lợi ích cá nhân không hề là một cái gì đó sai lầm, đặc biệt khi việc đó không những không triệt tiêu các quyền cá nhân mà ngược lại, để đảm bảo tất hơn các quyền cá nhân. Trên phương diện nhân quyền, việc đặt yếu tố nào lên trên yếu tố nào thuộc về phạm trù tính đặc thù, bắt nguồn và phụ thuộc vào văn hoá. Về vấn đề này, ngài Tommy Kok, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Singapore tại LHQ, trong một bài báo đăng trên tờ The Strait Times (14/12/1993) đã viết rằng: "Người Á Đông không tin vào hình thức tột cùng của chủ nghĩa cá nhân như nó được diễn ra ở phương Tây. Chúng tôi đồng ý rằng mỗi cá nhân là quan trọng, tuy nhiên, cá nhân đó không thể là một thực thể tách biệt mà là một thành viên của mỗi gia đình, một bộ tộc, cộng đồng, quốc gia và dân tộc. NgườiÁ Đông tin rằng, bất kỳ họ nói hay làm gì, họ phải nhớ đến quyền lợi của những người khác. Không giống với xã hội phương Tây, nơi mà một cá nhân đặt những quyền lợi của mình cao hơn của người khác, trong xã hội Châu Á, cá nhân thường cố gắng cân bằng quyền lợi của mình với quyền lợi của những người khác hay gia đình và xã hội...". Lời phát biểu trên có thể coi là một câu trả lời ngắn gọn và xác đáng đối với những chỉ trích của phương Tây về cái gọi là "sự phủ nhận các quyền cá nhân" trong văn hoá truyền thống và hiện tại của các nước Đông Á.
Thứ năm, Nho giáo đề cao sự hoà hợp và tôn ti trật tự. Về sự hoà hợp, Khổng Tử cho rằng: " Khi thực hiện nguyên tắc chính trực, sự hoà hợp là quý" (hoà vi quý), và khuyên mọi người "hãy đối xử với người khác như đối xử với chính mình". Theo Mạnh tử: "Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà". TuânTử cho rằng:"Hoà hợp là đạo của vũ trụ. Bản thân nguyên tắc kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân cũng phản ánh quan điểm về sự hoà hợp trong Nho giáo....”
Như vậy, sự hoà hợp có vị trí nổi bật trong tư tưởng Nho giáo. Trên thực tế, nó là sự mở rộng của tư tưởng đề cao con người và quyền con người của Nho giáo. Bởi con người là cao quý nên mọi người cần phải đối xử với nhau trên tình thân thiện, yêu thương, tôn trọng phẩm giá và các quyền của nhau, giải quyết các mối quan hệ trên tinh thần hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Quan điểm này có thể liên hệ với các nguyên tắc khoan dung, cùng chung trong hoà bình, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau trong luật quốc tế về nhân quyền hiện đại, tuy nhiên, nó rộng và sâu sắc hơn các nguyên tắc này, bởi lẽ sự hoà hợp trong Nho giáo mang tính toàn điện, không chỉ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, mà còn giữa con người với tự nhiên.
Một xã hội có tôn ti trật tự là mục tiêu của Nho giáo. Để tạo lập một xã hội như vậy, chuẩn mực hành vi của mỗi cá nhân được Nho giáo đề cập rất cụ thể, rõ ràng trong ngũ luân, tam cương và ngũ thường, theo đó, ứng với mỗi một vị trí trong xã hội, con người cần phải có những cách thức cư xử nhất định.
Một xã hội có tôn ti trật tự ảnh hưởng như thế nào đến nhân quyền? Không ai có thể phủ nhận là xét ở góc độ chung, đó là một trong những yếu tố nền tảng để đảm bảo nhân quyền. Luận điểm này đã được chứng minh trong thực tiễn cũng như được thừa nhận trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền. Vấn đề là hình thức và tính chất của mỗi dạng tôn ti trật tự.
Cho dù có điểm hạn chế thể hiện sự phận biệt đối xử (về đẳng cấp và giới), nhưng ý tưởng về một xã hội có tôn ti trật tự của Nho giáo vẫn chứa đựng những ý nghĩa tích cực với nhân quyền. Trước hết, nó bảo đảm cho xã hội ổn định, qua đó mọi người có thể hưởng thái bình. Mặt khác, sự phân biệt đối xử về đẳng cấp và giới trong Nho giáo, nếu xét mối quan hệ với các tư tưởng về đức trị, "lấy dân làm gốc", đề cao tập thể, sự hòa hợp và nghĩa vụ thì sẽ thấy nó không tồi tệ như một số người phương Tây giàu trí tưởng tượng nhưng thiếu tư duy biện chứng từng miêu tả. Trong xã hội đó, mặc dù đứng trên nhân dân, nhưng vua chúa luôn phải tu dưỡng đạo đức để giáo hoá nhân dân, xứng đáng là"phụ mẫu của dân”, mặc dù vợ phải phục tùng chồng, nhưng chồng cũng phải luôn cố gắng để trở thành một trụ cột cho vợ cả về vật chất và tình cảm... Như vậy, do tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với những tư tưởng tất đẹp khác, ý tưởng về tôn ti trật tự xã hội của Nho giáo tỏ ra sâu sắc và tiến bộ hơn rất nhiều so với trật tự độc đoán của nền quân chủ phương Tây truyền thống.
Quan niệm về xã hội có tôn ti trật tự của Nho giáo có đồng nghĩa với sự tôn sùng quyền lực như một số người phương Tây nhận định hay không? Trên thực tế, văn hoá truyền thống Đông Á không "ưu ái"quyền lực bằng văn hoá phương Tây truyền thống, do những người nắm quyền lực trong các xã hội Đông á luôn bị chế ước bởi các phạm trù đạo đức, ấy dân làm gốc", nghĩa vụ... trong khi đó, suốt thời kỳ Trung cổ ở phương Tây, quyền lực của giáo hội và vua chúa là tuyệt đối. Cái trật tự khắc nghiệt và tuyệt đối đó bắt đầu bị phá vỡ kể từ khi ban hành bản Đại hiến chương Anh (1215), vậy nhưng, xét bản chất, các quyền của nghị viện Anh nêu ra trong văn bản này (và Bộ luật về quyền) cũng chỉ dành cho một nhúm quý tộc và nhà giàu, còn dân thường hầu như không được hưởng. Một dẫn chứng là vào thế kỷ XVIII, ở nước Anh có 4 trường luật đào tạo những người ra làm quan, nhưng chỉ con cái những nhà quý tộc mới được ghi tên vào học. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước Đông Á khác từ khi có chế độ khoa cử, bất cứ ai cũng đều có thể ra thi để làm quan. Thêm vào đó, trong các xã hội Đông Á thời phong kiến, thần dân nếu oan ức có thể chặn xe của vua quan để đưa đơn kiện cáo hoặc đến công đường đánh trống xin phân xử... những điều này ở xã hội phương Tây truyền thống không thấy đề cập.
Xét Hồi giáo
Đông Á là điểm cuối của “dải cầu vồng Hồi giáo" vắt qua toàn bộ bán cầu Bắc tính từ Marốc ở phía Tây đến quần đảo Inđônêxia phía Đông. Ngoài Inđônêxia, nước có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới hiện nay, khu vực này còn có Malaysia, Brunây và một số nước khác có tỷ lệ tín đồ Hồi giáo đông đảo.
Hồi giáo từ lâu đã bị một số người phương Tây coi là một tôn giáo phản nhân quyền. Họ chê trách tôn giáo này ở vô số điều, từ những hình phạt khắc nghiệt theo luật charia, sự phân biệt đối xử với phụ nữ, tính "hiếu chiến", khủng bố, thiếu dân chủ… cho đến cả tục cắt cơ quan sinh dục của phụ nữ. Nhưng khách quan mà xét, Hồi giáo có đáng phải chịu sự chỉ trích như vậy hay không?
Trước hết, nói về vấn đề bình đẳng giới, đúng là phụ nữ phải chịu những hạn chế khá khắt khe trong một xã hội Hồi giáo, nhưng địa vị của phụ nữ trong xã hội phương Tây trong truyền thống cũng tồi tệ chẳng kém. Cần nhớ rằng, Bộ luật dân sự Napoleon, một biểu tượng của nền pháp luật phương Tây, lúc đầu còn không thừa nhận phụ nữ là con người và có những nước phương Tây cho đến giữa thế kỷ XX vẫn chưa thừa nhận các quyền chính trị của phụ nữ. Một ví dụ khác, đúng là luật Hồi giáo cho phép đàn ông lấy tối đa bốn vợ mà chỉ cho phụ nữ lấy một chồng nhưng trong các xã hội truyền thống ở phương Tây, cả đến khi giai cấp tư sản lên nắm quyền, chế độ đa thê đâu đã được xoá bỏ? Xét ở một góc độ nhất định, tình trạng của phụ nữ ở các xã hội phương Tây còn bi thảm hơn các xã hội Hồi giáo bởi có sự dung túng cho tệ ngoại tình và nạn mại dâm, trong khi ở các xã hội Hồi giáo, những tệ nạn này bị cấm triệt để. Điều đó rõ ràng có lợi cho việc bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ. Riêng về tục cắt bỏ cơ quan sinh dục nữ, nó không hề được quy định cả trong kinh Kôran lẫn luật charia. Đó đơn giản chỉ là một thủ tục tồn tại nhiều trong các cộng đồng Hồi giáo, chứ không liên quan đến giáo luật hoặc giáo lý của tôn giáo này.
Xét các yếu tố khác như "hiếu chiến", khủng bố, thiếu dân chủ...về cơ bản, cũng xuất phát từ những suy nghĩ mang tính định kiến và phiến điện của một số người ở phương Tây chứ hoàn toàn không phải là bản chất của Hồi giáo. Rất nhiều học giả về Hồi giáo đã chứng minh rõ điều này.
Ví dụ, Jacques Rolieet, một nhà thần học theo Thiên chúa giáo đã khẳng định trong cuốn Tôn giáo và chính trị của ông là: "...đạo Hồi không chứa đựng bạo lực...Nếu tôi không nhầm thì kinh Kô-ran quy định rất rõ rằng người Hồi giáo nên tôn trọng người Cơ đốc giáo và người Do thái để họ không chống đối các luật của đạo Hồi".
S.S.Husain, trong tác phẩm Đạo Hồi và nhân quyền viết: "Người Hồi giáo tin rằng, tự do không hạn chế của một người sẽ dẫn đến tước đoạt tự do của người khác. Nhân quyền là kết quả của nghĩa vụ hơn là tiền đề của nghĩa vụ. Tín đồ Hồi giáo có nghĩa vụ với thánh A la và các loài vật trên trái đất, trong đó có các đồng loại của họ. Đổi lại, họ sẽ được A la trao cho quyền con người và tự do."
Học giả HammudahAbdalati, trong tác phẩm Học thuyết Hồi giáo cho biết: "Theo Hồi giáo, mỗi cá nhân có trách nhiệm đối với hạnh phúc và sự thịnh vượng của xã hội mà người đó trong. Với tư cách là thành viên của xã hội hoặc của một đất nước, mỗi cá nhân phải đặt những quyền lợi của mình sao cho phù hợp với quyền lợi của đa số, miễn là quyền lợi của đa số không trái với luật của thánh A la".
Những điều trên chứng tỏ Hồi giáo chủ trương cân bằng mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quyền và nghĩa vụ. Điều này trái với văn hoá phương Tây nhưng tương tự quan điểm của Nho giáo và phù hợp với luật quốc tế về nhân quyền. ông Mazaffar, Chủ tịch Quỹ vì một thế giới công bằng Malaysia (FWF), trong một bài viết trên Tạp chí Foreign Broadcast Monitor số 301 năm 1994 đã khẳng định: "Quan niệm về sự cân bằng, không còn nghi ngờ gì nữa, là một quan niệm rất quan trọng trong Đạo Hồi... Điều quan trọng là phải duy trì được sự cân bằng hài hòa giữa các cá nhân và cộng đồng, giữa trật tự và tự do.”
Tuyên ngôn quyền con người của thế giới Hồi giáo (Tuyên ngôn Cairô, năm 1990) đã khẳng định, các quyền và tự do cơ bản cũng là một phần của học thuyết Hồi giáo. Không ai có quyền tước đoạt toàn bộ hay một phần các quyền tự do của người khác, đó là luật lệ của thánh A la và luật lệ đó mang tính quyền lực nghiêm khắc. Bản tuyên ngôn còn liệt kê các quyền con người như: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh cá nhân, quyền được đối xử nhân đạo trong thời chiến, quyền được kết hôn, quyền bình đẳng giữa nam và nữ, quyền của trẻ em, quyền được tỵ nạn, quyền có việc làm, quyền sở hữu tài sản và quyền có mức sống thích đáng... và nêu rồ rằng, các quyền và tự do nói tới ở trên xuất phát từ và chỉ giải thích trên cơ sở học thuyết Hồi giáo.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, bên cạnh những điểm vũ công Giao hạn chế lịch sử, cả Phật giáo, Nho giáo, Hồi giáo - những trường phái tư tưởng chính ảnh hưởng đến văn hoá truyền thống của các nước vùng Đông Á đều chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về nhân quyền. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những tư tưởng đó đã hòa quyện trong tâm lý, ý thức của các dân tộc vùng Đông Á, tạo nên những giá trị truyền thống về nhân quyền của các dân tộc trong khu vực này mà hiện vẫn được các dân tộc trong khu vực kế thừa và phát triển cũng như đã thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế.
Vậy tại sao một số người phương Tây lại định kiến với văn hoá truyền thống của các nước Đông Á như vậy? Sự định kiến sâu sắc đến nỗi khiến cho Samuel Huntington, trong cuốn Cuộc xung đột giữa các nền văn minh, đã dự đoán, thế kỷ XXI sẽ diễn ra cuộc xung đột giữa văn minh phương Tây (dựa trên nền tảng Thiên chúa giáo) với văn minh phương Đông (dựa trên nền tảng Phật giáo, Hồi giáo và Nho giáo). Nhưng cũng chính Huntington trong cuốn sách này đã giải thích nguyên nhân của sự việc khi viết rằng: "ở cấp độ cơ bản, các quan mềm của phương Tây khác xa với những quan niệm phổ biến tại các nền văn minh khác. Những ý tưởng của phương Tây về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, tính hợp hiến, những quyền con người, sự bình đẳng, tự do, pháp quyền, dân chủ, thị trường tự do, sự tách biệt giữa các giáo hội và nhà nước, thường ít gây được tiếng vang trong các nền văn hoá của những nước theo Đạo Hồi, Nho giáo, Nhật Bản, các xã hội của người Hindu, các nước theo Phật giáo và Chính thống giáo". Chính vì vậy: "Các nỗ lực của phương Tây nhằm quảng bá các ý tưởng này làm nảy sinh một phản ứng chống lại chủ nghĩa đế quốc về nhân quyền" và một sự tái khẳng định các giá trị bản địa.
Và học giả này kết luận: "Niềm tin của phương Tây về khả năng phổ cập nền văn hoá của họ có ba sai lầm: Nó giả dối, vô đạo đức, nguy hiểm. Có lẽ phải thừa nhận rằng mọi sự can thiệp của phương Tây vào công việc cửa các nền văn minh khác là nhân tố nguy hiểm nhất gây mất ổn định.”
Có lẽ không cần bình luận gì thêm trong vấn đề này, bởi lẽ những nhận định của học giả phương Tây kể trên đã là quá đủ. Chỉ xin nhắc lại một câu nói của ông Tổng Thư ký LHQ Kofi Anna trong Thông điệp nhân ngày nhân quyền thế giới năm 1997 để thay cho lời kết: "Nhân quyền là biểu hiện của truyền thống khoan dung. Trong tất cả các tôn giáo và các nền văn hoá, nó là cơ sở của hoà bình và tiến bộ. Nhân quyền là giá trị chung của mọi nền văn hoá..."
Vũ Công Giao
Nguồn:Tạp chí Nghiên cứu con người (2006)
Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016
Hãy suy nghĩ lại về dân chủ
Nguồn: Dani Rodrik, “Rethinking Democracy,” Project Syndicate, 11/07/2014.
Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Xét trên nhiều khía cạnh, thế giới chưa bao giờ dân chủ hơn bây giờ. Hầu như chính phủ nào cũng ủng hộ dân chủ và nhân quyền, ít nhất là bằng lời nói. Mặc dù bầu cử có thể không được tự do và công bằng, thao túng bầu cử trên quy mô lớn lại ít xảy ra, và cái thời mà chỉ có nam giới, người da trắng, hoặc những người giàu mới có thể bỏ phiếu đã qua lâu rồi. Các cuộc khảo sát toàn cầu của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) cho thấy tỉ lệ các quốc gia “tự do” đã tăng một cách ổn định từ năm 1970 – một xu hướng mà nhà khoa học chính trị quá cố ở Đại học Harvard là Samuel Huntington gọi là “làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa.
Việc phổ biến các chuẩn mực dân chủ từ các nước phương Tây tiên tiến tới phần còn lại của thế giới có lẽ là những lợi ích quan trọng nhất của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tốt với dân chủ. Các chính phủ dân chủ ngày nay hoạt động kém, và tương lai của họ vẫn còn đáng ngờ.
Ở các nước tiên tiến, sự bất mãn với chính phủ xuất phát từ việc các chính phủ bất lực trong việc đưa ra các chính sách kinh tế hiệu quả cho tăng tưởng và giúp người nghèo cũng được hưởng lợi (inclusion). Trong các nền dân chủ mới của thế giới đang phát triển, không đảm bảo được các quyền tự do dân sự và tự do chính trị là một nguồn bổ sung gây nên sự bất mãn.
Một nền dân chủ thật sự, nơi có sự kết hợp giữa nguyên tắc đa số với tôn trọng các quyền lợi của các nhóm thiểu số, cần có hai loại thể chế. Thứ nhất, các thể chế đại diện – chẳng hạn như các đảng phái chính trị, quốc hội, và hệ thống bầu cử – là cần thiết để đưa ra những lựa chọn phổ biến và biến chúng thành hành động chính sách. Thứ hai, dân chủ yêu cầu có các thể chế kiểm soát, chẳng hạn như một nền tư pháp và truyền thông độc lập, phát huy các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và ngăn chặn chính quyền lạm dụng quyền lực. Đại diện mà không có giới hạn – bầu cử mà không có nền pháp quyền – là nguyên liệu cho sự chuyên chế của số đông.
Dân chủ theo ý nghĩa này – điều mà nhiều người gọi là “dân chủ tự do” – chỉ phát triển mạnh mẽ sau khi xuất hiện các quốc gia – dân tộc (nation-state), và sự nổi dậy và huy động quần chúng tạo ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng của nền dân chủ tự do mà nhiều nước dân chủ lâu đời nhất hiện đang trải qua phản ánh áp lực mà mô hình quốc gia – dân tộc phải đối mặt.
Các quốc gia – dân tộc bị tấn công từ cả bên trên và bên dưới. Toàn cầu hóa kinh tế đã làm các công cụ chính sách kinh tế quốc gia bị cùn đi và các cơ chế truyền thống về trợ giúp tài chính cho người nghèo và tái phân phối để củng cố công bằng xã hội bị suy yếu. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách thường dùng áp lực cạnh tranh (dù thật hay tưởng tượng) xuất phát từ nền kinh tế toàn cầu để biện minh cho việc không đáp ứng các yêu cầu của người dân, và viện dẫn chính những áp lực tương tự khi thực hiện các chính sách không được lòng dân như thắt chặt tài khóa.
Một hậu quả là sự nổi lên của các nhóm cực đoan ở châu Âu. Đồng thời, các phong trào ly khai như ở vùng Catalonia (Tây Ban Nha) và Scotland đang thách thức tính chính danh của các quốc gia – dân tộc trong hình hài hiện tại khi tìm cách phá vỡ các quốc gia này. Cho dù họ làm được quá nhiều hay quá ít, nhiều chính phủ các nước đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính đại diện.
Ở các nước đang phát triển, các thể chế kiềm chế thường không hoạt động. Những chính phủ được bầu lên thường trở nên tham nhũng và thèm khát quyền lực. Họ lặp lại hoạt động của các chế độ dành cho giới tinh hoa mà họ thay thế, kiểm soát chặt chẽ báo chí và tự do dân sự, và làm suy yếu (hay kiểm soát) các cơ quan tư pháp. Kết quả là điều đó tạo ra các nền “dân chủ phi tự do” hoặc “chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh.” Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, và Thái Lan là một số ví dụ điển hình gần đây của loại hình này.
Khi dân chủ không mang lại thành công về kinh tế hay chính trị, có lẽ chúng ta cũng đoán được rằng một số người sẽ tìm kiếm các giải pháp ở chế độ độc tài. Và đối với nhiều nhà kinh tế, phương pháp gần như luôn được ưa thích hơn là giao chính sách kinh tế cho các cơ quan kỹ trị để tách chúng khỏi “đám đông điên loạn.”
Với sự độc lập của ngân hàng trung ương và các quy tắc tài khóa của mình, Liên minh châu Âu đã tiến xa trên con đường này. Các doanh nhân ở Ấn Độ đang nhìn một cách nuối tiếc về phía Trung Quốc và mong các lãnh đạo của họ có thể hành động mạnh dạn và quyết liệt như vậy – nghĩa là độc đoán hơn – để giải quyết những thách thức về cải cách của đất nước này. Ở các nước như Ai Cập và Thái Lan, sự can thiệp của giới quân sự được xem như một điều cần thiết tạm thời nhằm chấm dứt sự thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo dân cử.
Những phản ứng độc tài này cuối cùng cũng tự chuốc lấy thất bại bởi vì chúng làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn dân chủ. Tại châu Âu, chính sách kinh tế cần tính chính danh dân chủ nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng cường đáng kể sự thảo luận thấu đáo và trách nhiệm giải trình dân chủ ở cấp EU, hoặc bằng cách tăng quyền tự chủ của các quốc gia thành viên trong việc thiết lập chính sách kinh tế.
Nói cách khác, châu Âu đang phải đối mặt với một sự lựa chọn giữa liên minh chính trị nhiều hơn hoặc liên minh kinh tế ít hơn. Chừng nào châu Âu còn trì hoãn việc chọn lựa thì dân chủ còn bị ảnh hưởng.
Ở các nước đang phát triển, can thiệp của quân đội vào chính trị quốc gia sẽ làm suy yếu triển vọng lâu dài cho dân chủ, bởi vì nó cản trở sự phát triển của các “văn hóa” cần thiết, bao gồm những thói quen ôn hòa và thỏa hiệp giữa các nhóm dân sự cạnh tranh. Chừng nào quân đội vẫn còn là trọng tài chính trị cuối cùng thì các nhóm này sẽ tập trung chiến lược của họ vào giới quân sự chứ không phải vào nhau.
Các thể chế kiểm soát có hiệu quả không xuất hiện qua một đêm; và có vẻ như giới cầm quyền sẽ không bao giờ muốn tạo ra chúng. Nhưng có một khả năng là khi ta bị thất cử và phe đối lập lên cầm quyền, thì các thể chế này sẽ bảo vệ ta khỏi bị trù dập vào ngày mai tương tự như khi chúng bảo vệ những người đó khỏi bị ta trù dập hôm nay. Vì vậy, triển vọng mạnh mẽ cho cạnh tranh chính trị bền vững là một điều kiện tiên quyết quan trọng để nền dân chủ phi tự do dần dần trở thành nền dân chủ tự do.
Những người lạc quan tin rằng các công nghệ và phương thức quản trị mới sẽ giải quyết tất cả các vấn đề và kéo các nền dân chủ vào trung tâm của quốc gia – dân tộc như là ngựa kéo cỗ xe. Những người bi quan lo ngại rằng nền dân chủ tự do hôm nay sẽ không đủ sức đáp lại các thách thức bên ngoài tạo ra bởi các quốc gia phi tự do như Trung Quốc và Nga với nền chính trị thực dụng cứng rắn. Nhưng dù lạc quan hay bi quan, nếu dân chủ muốn có một tương lai thì nó sẽ cần phải được xem xét lại.
Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/07/22/hay-suy-nghi-lai-ve-dan-chu/#sthash.KPS1jZRs.dpuf
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do
Nguồn: Ross Douthat, “The Crisis for Liberalism,” The New York Times, 19/11/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một cuộc khủng hoảng đối với chủ nghĩa bảo thủ; hậu quả của nó là một khủng hoảng của chủ nghĩa tự do. Cánh hữu, bất ngờ giành được quyền lực, đang tạm dừng nhìn lại mình trong lúc chờ xem chủ nghĩa Trump có ý nghĩa như thế nào trên thực tế. Cánh tả, bất ngờ mất đi quyền lực, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu tranh luận họ đã mất phương hướng như thế nào.
Rất nhiều lập luận đó đã xoay quanh khái niệm “chính trị bản sắc,” được dùng để tóm gọn tầm nhìn về chủ nghĩa tự do chính trị như một liên minh của các nhóm khác nhau – người đồng tính, da đen, gốc Á, gốc Tây Ban Nha, phụ nữ, người Do Thái, người Hồi giáo, v.v. – gắn kết với nhau trong một cuộc chiến chung chống lại bá quyền mục nát của người Mỹ Cơ Đốc giáo da trắng.
Tầm nhìn này đã có một sức hấp dẫn dễ nhận thấy trong kỷ nguyên Obama, khi nó giành được Nhà Trắng hai lần và dường như hứa hẹn giành được đa số chính trị lâu dài trong tương lai. Và chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đáng lẽ phải củng cố lời hứa đó, vì nó là cuộc đối đầu giữa liên minh đa dạng của chủ nghĩa tự do với tầm nhìn rõ ràng phản động của Donald Trump.
Nhưng thay vào đó, năm 2016 lại phơi bày hai điểm yếu của chủ nghĩa tự do: người da trắng theo đuổi một nền chính trị bản sắc của riêng mình, và phụ nữ và các nhóm thiểu số không sợ Trump như mà đa số nhà tự do chủ nghĩa dự đoán, và không thống nhất bầu cho Hillary.
Vì thế, giờ đây chủ nghĩa tự do bản sắc phải hứng chịu chỉ trích từ hai hướng. Từ trung tả, nó bị phê phán là một thế lực phi tự do và gây phân rã, đẩy những người da trắng, có thiên hướng tình dục đúng với sinh học, và dị tính luyến ái có thiện chí sang cánh hữu và ngăn cản chủ nghĩa tự do nói ngôn ngữ của giá trị chung. Từ cánh tả, nó bị phê phán là một biểu hiện của đặc quyền giai cấp, ít quan tâm đến công bằng kinh tế miễn là người Hồi giáo dòng Sufi đồng tính da đen được góp mặt trong show truyền hình siêu anh hùng mới nhất trên Netflix.
Cả hai phê phán này đều có những điểm có lý. Nhưng tôi không chắc chúng nắm bắt được đầy đủ sức kéo của một nền chính trị bản sắc, nguồn năng lượng đưa nó lên trên những tầm nhìn dựa trên giai cấp và mang tính hình thức về chủ nghĩa tự do.
Đúng là nền chính trị bản sắc thường phi tự do, cả trong việc chú trọng vào những trải nghiệm nhóm hơn là chủ nghĩa cá nhân, lẫn trong mạng lưới của những điều tuyệt đối về đạo đức –những từ cấm kỵ, những người phát ngôn linh thiêng, những tranh luận bị cấm đoán – mà nó tìm cách giăng lên diễn ngôn của chủ nghĩa tự do cánh tả. Đúng là nó cũng đề cao siêu hình hơn vật chất, đề cao sự công nhận hơn sự tái phân phối.
Nhưng các xã hội tự do luôn phụ thuộc vào nền tảng phi tự do hoặc “tiền tự do” (pre-liberal) để đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người – ý nghĩa, sự thân thuộc (trong một cộng đồng), một chiều dọc về cuộc sống con người, một hy vọng về sự bất tử – mà cả John Stuart Mill lẫn Karl Marx đều không giải quyết thỏa đáng.
Trong lịch sử nước Mỹ, nền tảng đó có nhiều hình thức: Những mối quan hệ của đời sống gia đình, quyền lực của tôn giáo (thường là Tin Lành), một chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt, và một nền văn hóa Anglo-Saxon mà người nhập cư được kỳ vọng là phải đồng hóa theo.
Mỗi nền tảng trong số này thường thể hiện những điều tệ hại của chủ nghĩa phi tự do: bất khoan dung tôn giáo, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa sô vanh, sự đàn áp quyền lực cá nhân và gia đình. Nhưng chúng cũng cung cấp những nền tảng chung về đạo đức, văn hóa và siêu hình mà các nhà cải cách chính trị – những người theo chủ nghĩa bãi nô, những người truyền bá phong trào Tin mừng xã hội (Social Gospellers), những người theo Chính sách Kinh tế mới (New Dealers), những người đấu tranh cho dân quyền – dựa vào để mở rộng hứa hẹn của chủ nghĩa tự do.
Ngược lại, phần lớn nền chính trị cánh tả sau thập niên 1960 là một thử nghiệm trong việc cắt đứt các xã hội phương Tây khỏi những nền tảng đó, như lời bài “Imagine” (Tưởng tượng) của John Lennon. Không thiên đường hay tôn giáo, không quốc gia hay biên giới hay lòng trung thành địa phương dưới bất kỳ hình thức nào – đây thường là những giá trị của phe trung tả và cực tả, của các nhà tân tự do vốn mong quản lý nền kinh tế tư bản toàn cầu, và của các nhà tân Marxist vốn mong vượt qua.
Không may là những giá trị của “Imagine” đơn thuần là không đáp ứng đủ những nhu cầu của đời sống con người. Con người có một ước vọng đoàn kết mà chủ nghĩa thế giới không thể thỏa mãn, những lợi ích phi vật chất mà sự tái phân phối không thể đáp ứng, và sự khao khát những điều linh thiêng mà chủ nghĩa thế tục không thể trả lời.
Vì thế, khi tôn giáo hao mòn, gia đình suy yếu, và lòng yêu nước phai nhạt, các hình thức nhóm bản sắc khác chắc chắn sẽ tự khẳng định mình. Không phải ngẫu nhiên mà nền chính trị bản sắc đặc biệt mạnh mẽ ở các trường đại học ưu tú, những thể chế hậu tôn giáo và hậu dân tộc chủ nghĩa tự ý thức nhất; cũng không phải ngẫu nhiên mà những làn sóng gần đây của các cuộc biểu tình ở các trường đại học và hoạt động xã hội và đạo đức hóa tình dục thường xuyên gợi nhớ về phong trào tái thức tỉnh tôn giáo. Sinh viên đại học hiện nay sống trọn vẹn nhất trong xã hội không tưởng kiểu Lennon mà chủ nghĩa tự do hậu thập niên 1960 tìm cách xây dựng, nhưng thường thấy nó không thoải mái: Người sinh viên ấy muốn có cảm giác thuộc về một cộng đồng, một nền tảng đạo đức cá nhân, và một tiêu chuẩn về công lý cao hơn tiêu chuẩn mà một nền chính trị cả hình thức đơn thuần lẫn vật chất tuyệt đối cung cấp.
Vì vậy, với chủ nghĩa tự do ngày nay, vốn phải đối mặt với một chủ nghĩa dân tộc cánh hữu và những mâu thuẫn nội bộ của chính mình, việc giải quyết những yếu kém chính trị của chính trị bản sắc bằng cách trở nên dân túy và bớt đúng đắn chính trị hơn có thể sẽ không đủ. Cả hai điều này sẽ là những thay đổi đáng muốn, nhưng chúng vẫn không thể đáp ứng được nhiều nhu cầu của con người. Với những nhu cầu đó, một tầm nhìn sâu sắc hơn chủ nghĩa tự do đơn thuần vẫn là cần thiết – một cái gì đó như “vì Chúa và gia đình và đất nước,” dù nghe có phản động.
Nó phản động, nhưng nó chính là những điều nền tảng, lâu đời hơn mà chủ nghĩa tự do ngày nay đã đánh mất. Cho đến khi tìm lại được chúng, nó sẽ phải đối mặt sự phân lập trong nội bộ liên minh của mình cũng như chủ nghĩa Trump từ bên ngoài, và nó sẽ đấu tranh để chế ngự cả hai.
Ross Douthat, cây viết xã luận của The New York Times, là tác giả cuốn Bad Religion: How We Became a Nation of Heretics (New York: Free Press, 2012)
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/09/cuoc-khung-hoang-cua-chu-nghia-tu/#sthash.EX1JWkob.dpuf
Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016
Trump sẽ làm chấm dứt quyền lực mềm của nước Mỹ?
Nguồn: Shashi Tharoor, “The End of US Soft Power?” Project Syndicate, 11/11/2016.
Biên dịch: Phạm Thị Thoa | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Chắc chắn, một nạn nhân lớn của việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là quyền lực mềm của Mỹ trên toàn thế giới. Đây là một diễn biến khó – thậm chí có lẽ không thể – đảo ngược, đặc biệt là đối với Trump.
Thông thường, quyền lực chính trị toàn cầu của các nước được đánh giá bằng sức mạnh quân sự: nước nào có quân đội lớn nhất thì có quyền lực lớn nhất. Nhưng logic này không luôn đúng trong thực tế. Mỹ đã thua trong Chiến tranh Việt Nam; Liên Xô thì bị đánh bại ở Afghanistan. Trong những năm đầu ở Iraq, Mỹ đã nhận ra sự thông thái trong câu nói của Talleyrand (thủ tướng đầu tiên của Pháp dưới triều vua Louis XVIII) rằng một điều mà ta không thể làm với lưỡi lê là ngồi lên nó.
Sau đó quyền lực mềm xuất hiện. Thuật ngữ này được giáo sư Joseph S. Nye tại Đại học Harvard đặt ra năm 1990 để lý giải sức ảnh hưởng mà một quốc gia – và cụ thể là Mỹ – giành được, bên ngoài sức mạnh quân đội (hay quyền lực “cứng”). Theo Nye, quyền lực của một đất nước nằm ở “khả năng thay đổi hành vi của các nước khác” để đạt được mục tiêu mà nó muốn, thông qua ép buộc (cây gậy), mua chuộc (củ cà rốt), hoặc thu hút (quyền lực mềm). Ông chỉ ra rằng “nếu có khả năng thu hút người khác, ta có thể tiết kiệm những cây gậy và củ cà rốt.”
Nye lập luận rằng quyền lực mềm của một quốc gia bắt nguồn từ “văn hóa (ở những điểm thu hút các nước khác), các giá trị chính trị (khi quốc gia đó đáp ứng được chúng ở trong nước và quốc tế), và các chính sách đối ngoại (khi chúng được coi là có tính chính danh và có thẩm quyền đạo đức). Nhưng tôi tin rằng quyền lực mềm của mỗi quốc gia cũng được tạo ra từ nhận thức của thế giới về bản chất của đất nước đó: những liên tưởng và thái độ gợi lên khi tên của một đất nước được nhắc đến. Quyền lực cứng được thi hành, còn quyền lực mềm thì được khơi gợi.
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, một nơi trú ẩn cho người di cư, và là mảnh đất của Giấc mơ Mỹ – hứa hẹn rằng mọi người có thể đều thành công nếu họ làm việc đủ chăm chỉ. Đây cũng là quê hương của Boeing và Intel, Google và Apple, Microsoft và MTV, Holywood và Disneyland, McDonald’s và Starbucks – nói ngắn gọn, một số thương hiệu và ngành công nghiệp dễ nhận biết và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.
Sức cuốn hút của các tài sản này, và của lối sống Mỹ mà chúng đại diện, đã cho phép nước Mỹ thuyết phục, thay vì bắt ép, những nước khác thông qua chương trình trình nghị sự của mình. Trong ý nghĩa này, quyền lực mềm đóng vai trò vừa thay thế vừa bổ sung cho quyền lực cứng.
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế đối với quyền lực mềm của mỗi quốc gia – kể cả của Mỹ. Sau các cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, đã có một làn sóng thiện chí hướng về Mỹ. Rồi nước này phát động cuộc chiến chống khủng bố, dựa nhiều vào sức mạnh cứng. Các công cụ của sức mạnh này – xâm lược Iraq, giam giữ vô thời hạn “các chiến binh thù địch” và các nghi phạm khác tại nhà tù Guantanamo, vụ bê bối nhà tù Abu Ghraib, các “khu vực đen” của CIA bị tiết lộ, các nhà thầu an ninh tư nhân Mỹ giết hại dân thường Iraq – không còn được công chúng toàn cầu đón nhận.
Các tài sản quyền lực mềm của Mỹ vẫn chưa đủ để bù đắp cho những khiếm khuyết của cách tiếp cận sức mạnh cứng của đất nước này. Những người say mê văn hóa Mỹ không sẵn sàng bỏ qua những hành động vượt quá giới hạn ở Guantanamo. Hệ điều hành Windows của Microsoft không khiến người sử dụng chấp nhận những cuộc tra tấn tiến hành bởi quốc gia phát triển ra nó. Quyền lực mềm của Mỹ đã tụt dốc nhanh chóng, cho thấy cách một quốc gia sử dụng sức mạnh cứng ảnh hưởng như thế nào đến năng lực gây dựng quyền lực mềm của quốc gia đó.
Tình hình trong nước đã nhanh chóng giúp Mỹ vượt qua những bước thụt lùi của chính sách đối ngoại, một phần nhờ vào sự kết nối chưa từng có ngày nay. Trong một thế giới của truyền thông đại chúng trực tuyến, các quốc gia sẽ được đánh giá bởi công chúng toàn cầu vốn bị nhồi nhét không ngừng các tin tức trực tuyến, các video trên smartphone, các tin đồn trên Twitter.
Trong một thời đại công nghệ như vậy, Nye viết, có ba kiểu quốc gia có khả năng giành được quyền lực mềm: “những nước có văn hóa và lý tưởng chủ đạo gần với những chuẩn mực quốc tế thịnh hành (nay nhấn mạnh vào chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa đa nguyên, tự chủ); những nước có nhiều khả năng tiếp cận nhất đến nhiều kênh truyền thông và do đó có nhiều ảnh hưởng hơn lên cách định hình các sự kiện; và những nước có uy tín được củng cố bởi những thành tích trong nước và quốc tế.” Mỹ đã làm khá tốt ở tất cả các mặt này.
Quả thật, văn hóa và các lý tưởng Mỹ đã đặt ra tiêu chuẩn cho các nước khác, và uy tín quốc tế của Mỹ dựa trên những dàn xếp nội bộ của nước này. Vượt qua di sản của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc kéo dài hàng thế kỷ để bầu lên một vị tổng thống da màu vào năm 2008 và một lần nữa vào 2012, Mỹ dường như đã chứng tỏ khả năng tái tạo và làm mới bản thân của mình.
Việc Trump lên nắm quyền đã phá vỡ hình ảnh này. Nó phơi bày và khuyến khích những xu hướng mà thế giới chưa bao giờ gắn với nước Mỹ: bài ngoại, thù ghét phụ nữ, chủ nghĩa bi quan, và ích kỷ. Một hệ thống hứa hẹn một sân chơi bình đẳng mà ở đó ai cũng có thể đạt được khát vọng của mình đang bị chính các nhà lãnh đạo của nó chỉ trích là đang đè nặng lên những công dân bình thường. Một quốc gia tự tin khuyên bảo các nước khác thực hành dân chủ lại bầu lên một vị tổng thổng đã tuyên bố có thể sẽ không công nhận kết quả nếu ông thất cử.
Nye đã lập luận rằng, trong thời đại thông tin, quyền lực mềm thường được tích lũy ở quốc gia nào có câu chuyện hay hơn. Mỹ từ lâu đã là “vùng đất của những câu chuyện hay hơn.” Nó có một nền báo chí tự do và một xã hội mở; nó chào đón người di cư và người tị nạn; nó khao khát những ý tưởng mới và có sở trường sáng tạo. Tất cả những yếu tố này đã cho Mỹ khả năng vượt trội để viết ra những câu chuyện thuyết phục và hấp dẫn hơn câu chuyện của các đối thủ.
Nhưng câu chuyện về nước Mỹ được kể trong cuộc bầu cử này đã làm suy giảm sâu sắc quyền lực mềm mà Mỹ gợi lên. Sợ hãi đè bẹp hy vọng. Giấc mơ Mỹ biến thành ác mộng của thế giới. Và những ác ma thoát ra từ chiếc hộp Pandora năm 2016 – vang vọng trong những báo cáo trên diện rộng về lời lẽ phân biệt chủng tộc của những người ủng hộ Trump đối với những người da màu ở nước Mỹ – sẽ tiếp tục tự tung tự tác trong nhận thức về mình của đất nước, cũng như làm hoen ố nhận thức của tất cả những người khác. Trong mắt chúng ta, nước Mỹ sẽ không bao giờ trở lại như trước – và nhiệm kỳ của Trump thậm chí còn chưa bắt đầu.
Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh về Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là Nghị sĩ Đảng Quốc đại Ấn Độ và Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Ông là tác giả cuốn Pax Indica: India and the World of the 21st Century.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/07/trump-se-lam-cham-dut-quyen-luc-mem-cua-nuoc/#sthash.JB2kD8G9.dpuf
Phán tăng đồ 判僧徒
Thơ » Việt Nam » Lý » Đàm Dĩ Mông
判僧徒
方今僧徒頗與夫相半。自結伴侶,妄立師資,聚類群居,多為穢行。或於戒場精舍公行酒肉,或於禪房凈院私自奸淫。晝伏夜行,有如狐鼠。
敗俗傷教,漸漸成風。此而不禁,久必滋甚。
Phán tăng đồ
Phương kim tăng đồ phả dữ dịch phu tương bán. Từ kế bạn lữ, vọng lập sư tư, tụ loại quần cư, đa vi uế hành. Hoặc ư giới trường tinh xá công hành tửu nhục, hoặc ư thiền phòng tịnh viện tư tự gian dâm. Trú phục dạ hành, hữu như hồ thử.
Bại tục thương giáo, tiệm tiệm thành phong. Thử nhi bất cấm, cửu tất tư thậm.
Trong Việt sử lược còn ghi lại một lời tâu này của ông với vua Lý Cao Tông về việc hạn chế nhà chùa và bắt các sư sãi hoàn tục. Lời tâu này giúp hiểu thêm về những cuộc đấu tranh tư tưởng giữa Phật và Nho trong giai đoạn này.
Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977
Bản dịch của Phạm Tú Châu
Hiện nay, số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch. Tự kết bè lũ, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu. Hoặc ở nơi giới trường, tinh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở chốn tăng phòng, tịnh viện mà tiêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, như phường cào chuột.
Bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, dần dần đã thành thói quen. Nay không cấm đi, lâu ngày càng tệ.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016
MÓN QUÀ CỦA THƯỢNG ĐẾ
Bóng tối há miệng sổ sàng
thả mù sương bàng bạc
tội lỗi nhởn nhơ bước ra
từ da thịt đàn bà
mùi rơm rạ giục giã
khát thèm
ảo giác
thôi thúc đặt môi hôn
chảy tràn lừa lọc
loài côn trùng rên rỉ
thỏa mãn
cuộc truy hoan
cô độc
Mặt trời bật khóc
rơi những bông hoa tuyết rạng ngời
trên đôi môi người thiếu phụ
đỏ ửng
hừng đông
nụ cười tinh khiết
niềm tin
ấm áp
hương tình tỏa lan
dịu dàng
gọi mời hôn phối
đơn côi
Ông già noel hứng khởi tặng quà
cho những đứa trẻ mới vừa sinh ra
Văn chương thiếu tính chuyên nghiệ
Lê Hoài Nam
(Tham luận tại Hội nghị nhà văn khu vực phía Bắc, tháng 10 năm 2008)
Khoảng dăm bảy năm trở lại đây, trên các bãi cỏ lăn cỏ lác hoang vu hai bên bờ con sông Ninh Cơ quê tôi, tự dưng mọc lên những cơ sở đóng tàu sông biển, mật độ ngày càng dầy, tính đến cuối năm 2007 đã có tới 40 cơ sở, xí nghiệp. Vào buổi tối nọ, một vị lãnh đạo tỉnh kéo tôi lên mảnh sân thượng tầng ba của một toà nhà ven sông, chỉ tay về phía những "hoa lửa hàn" sáng loà hai bên bờ sông, ông nói với tôi: "Anh thấy đấy, công nghệ đóng tàu sông biển hiện nay là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh ta, nó sẽ làm cho tỉnh ta thịnh vượng, cất cánh." Ông nói thế thì tôi cũng biết thế, chứ tôi chưa yên tâm lắm về sự lạc quan quá sớm của ông. Và quả thật, chỉ chưa đầy một năm sau, nghĩa là vào thời điểm tôi đặt bút viết bài tham luận này, hầu hết các cơ sở sáng loà ánh lửa hàn ấy sập tối om om vì đã ngừng sản xuất, những con tàu đang đóng dở dang giờ nằm trơ dưới nắng mưa như những bộ xương khủng long thời tiền sử. Công nhân thôi việc hàng loạt chuyển đi tìm việc khác. Nhiều cơ sở đã bắt đầu tính đến chuyện bán sắt vụn, giải thể.
Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng trên, có thể phân tích dài dài, nhưng cái căn nguyên cốt lõi nhất, ôm trùm nhất là ngành công nghiệp và thương mại đóng tàu của chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp. Cái sự thiếu tính chuyên nghiệp được thể hiện ở sự hiểu biết chung về ngành tàu thuỷ trên thế giới, về dự báo nhu cầu thị trường, ở trình độ thiết kế và thi công, ở khả năng cạnh tranh và sự rủi ro có thể gặp v.v...
Văn chương của chúng ta hiện nay, thôi thì cái mặt hay ho của nó chúng ta đã nói nhiều rồi, còn cái mặt dở thì mặt dở nổi cộm nhất, dễ nhìn thấy nhất, ấy là sự thiếu tính chuyên nghiệp. Cái sự thiếu tính chuyên nghiệp nó diễn ra từ thủ đô cho tới các tỉnh, nó có cả trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cả những cây bút chưa hội viên, song ở các tỉnh hiện trạng này thấy rõ hơn cả. Thực ra, nhờ những cơ may trong lịch sử mà vào các thế kỷ trước ở các tỉnh từng sinh ra và dung dưỡng khá nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi. Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hàn Mặc Tử, kể cả Nam Cao. Chưa bao giờ những người này ngồi ở thủ đô mà viết văn. Họ sinh sống và viết văn trong những cái làng nghèo đồng chiêm (Nguyễn Khuyến, Nam Cao) và ở các thành phố, thị xã tỉnh lẻ (Tú Xương, Hàn Mặc Tử). Nhân vật trong thơ Nguyễn Khuyến, trong truyện ngắn, tiểu thuyết Nam Cao toàn là nhân vật thật hoặc nguyên mẫu người thật sống ở hai cái làng đồng chiêm của hai ông. Nhân vật của Tú Xương cũng rặt người thật ở cái thành phố tỉnh lẻ Nam Ðịnh. Nhưng ở những gì họ viết ra, ta thấy cái tính chuyên nghiệp của ngòi bút rất cao. Tính chuyên nghiệp được thể hiện ở sự am tường cái nghề văn họ đang theo đuổi, ở tầm hiểu biết văn hoá nhân loại và thẩm thấu chiều sâu văn hoá dân tộc, ở khả năng sáng tác phong phú, dồi dào, bút pháp điêu luyện, thể hiện những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, hữu dụng cho cuộc sống, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Nhưng những năm gần đây, hẳn là do cái nhịp sống ở các tỉnh có sự o bế, trì đọng, nhôm nhem nào đó, nó kích cầu cho cái quan niệm xấu đều hơn tốt lỏi - một quan niệm được sinh ra từ môi trường văn hoá tiểu nông - có điều kiện hiện diện, bùng phát, chi phối đời sống văn nghệ. Cái sự xấu đềuđầy tính tự phụ nó sẵn sàng cầm chân những ai đứng cao hơn nó kéo tụt xuống cho bằng hoặc thấp hơn nó. Nó đắc ý, hả hê khi thấy người khác kém cỏi hơn nó, bất hạnh hơn nó. Vì thế, khi cái sự xấu đều lấn sân thì đương nhiên cái sự tốt lỏi khó sống, bị rẻ rúng. Sự sáng tạo trong âm thầm cô đơn, vốn là bản chất của nghề văn, luôn phải dè chừng với thứ văn hoá đám đông xấu đều huyên náo, làm mưa làm gió.
Thử làm một phép so sánh: cách đây khoảng 20-25 năm, một Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) địa phương mỗi năm chỉ in được dăm bảy cuốn sách, chục cuốn là nhiều. Còn bây giờ một năm cái Hội ấy in vài chục đầu sách là chuyện "nhỏ như con thỏ". Vậy ai dám nói văn chương ngày nay mất mùa, chỉ là nói càn! Cách đây 20 -25 năm mỗi năm một Hội VHNT tỉnh chỉ kết nạp dăm bảy người, bây giờ mỗi năm vài ba chục người mà xem chừng đám đông ôm hồ sơ xin vào Hội vẫn còn xếp hàng rồng rắn! Ai dám bảo Hội VHNT các tỉnh bây giờ trì trệ, biến tướng biến chất, chỉ là hạng nói nhảm! Biến tướng biến chất mà người ta lại tha thiết xin gia nhập thế đông đúc à!
Vâng, hội viên đông gấp bội, sách ra nhiều gập bội, chỉ có điều phần lớn cái gọi là tác phẩm văn chương ấy nếu không nhạt nhẽo thì lại giáo điều, hoặc vay mượn của người này người khác một cách lộ liễu, sống sít; thậm chí nó sặc mùi hủ lậu. Nó hủ lậu vì nó phơi ra những điều đã quá nhàm chán, cũ kỹ, mốc meo, tù túng, không còn một chút giá trị dung dưỡng trí tuệ, nâng giấc tinh thần con người. Và đương nhiên nó không còn giữ được vai trò góp phần to lớn vào công tác chính trị tư tưởng của Ðảng như hiện nay một số người vẫn còn tự huyễn hoặc.
Cũng là dễ hiểu, bởi lâu nay ở tỉnh rất hiếm những người viết xuất hiện trong tư thế của một trí thức, theo đúng nghĩa của khái niệm này. Các sinh viên từ tỉnh ra Hà Nội học và tốt nghiệp trường viết văn cũng không thấy trở về chốn cũ nữa. Xung thêm vào làng văn nghệ tỉnh thường chỉ thấy 2 loại người:
Một, đấy là những người không có công ăn việc làm hoặc không biết làm việc gì thì tìm đến với cây bút, bởi vốn liếng bỏ ra mua cây bút rất rẻ, kẻ hành khất cũng có thể mua một lúc vài ba cây. Loại người ít vốn này rất cần xin gia nhập Hội VHNT, để được đầu tư tiền in sách, được nổi danh. Loại người này coi tổ chức Hội như một cái phao cứu sinh của đời mình.
Hai, đấy là những người từng có những cương vị không to thì nhỏ trong guồng máy công chức nhà nước. Nhưng khi còn đương chức, anh ta (chị ta) mải mê phấn đấu cho những tham vọng chẳng liên quan gì đến văn chương cả; chỉ đến khi về hưu, sức khoẻ và tinh thần đều đã suy giảm, lại bị hẫng hụt, cô quạnh, họ mới tìm đến với văn học. Họ quan niệm, khi còn sung sức có quyền có tiền rồi thì khi về già phải kiếm thêm cái danh nữa, cho dù là cái danh hão, mới đáng mặt một kiếp người hạnh phúc viên mãn. Mà cái danh thì Hội VHNT chính là chỗ dễ kiếm nhất.
Cả hai dạng người ấy tìm đến với văn học, có thể có người đã có sẵn một chút năng khiếu trời cho hoặc tích tụ được một chút vốn sống thực tế ở xã hội, nhưng về mặt văn hoá, kiến văn, bút pháp hầu như chưa chuẩn bị được gì. Có người trong đời còn chưa từng đọc một cuốn văn học dịch, không thuộc một câu trong Truyện Kiều, hoàn toàn xa lạ với những khái niệm “hiện sinh”, “hiện thực huyền ảo”…, dù những khái niệm này với thế giới, không còn là mới nữa.
Những năm gần đây, trong hàng ngũ lãnh đạo các Hội VHNT tỉnh, những người không làm văn chương đông dần lên, những người làm văn chương ít dần, nhất là người làm văn chương có tính chuyên nghiệp vào thời điểm này đã trở nên rất hiếm hoi, thì đó lại càng là một môi trường màu mỡ cho đám đông văn chương nghiệp dư bành trướng, sinh sôi.
Viết nghiệp dư, nhưng đã là hội viên của Hội VHNT thì không thể không viết. Viết ào ào. Viết như búa bổ. Viết nhảm, viết nhạt, viết thô thiển, hủ lậu, nhưng vẫn được in. Mỗi Hội VHNT tỉnh đều có một tờ tạp chí, được kinh phí nhà nước hỗ trợ, nếu không in tác phẩm của hội viên thì in của ai? Mà đã in thì coi như những tác phẩm ấy được thừa nhận, chí ít thì cũng trong phạm vi một tỉnh một vùng (cho dù ở khá nhiều tỉnh hiện nay, tờ tạp chí văn nghệ in ra chủ yếu dùng để tặng nhau, mà tặng nhau trong giới, chứ tặng người ngoài giới chưa chắc họ đã có thời gian để đọc).
Dăm bảy năm nay, các Hội VHNT địa phương lại có thêm một nguồn đầu tư gọi là tài trợ sáng tác từ chính phủ, rót qua Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, rồi cơ quan này có trách nhiệm phân bổ về các tỉnh. Hội nào ít cũng được vài ba trăm triệu; Hội nhiều thì bảy tám trăm triệu một năm. Cứ đều đặn rót về. Cái khoản "lộc nước" này tuy không lớn nhưng nó cũng đủ độ kích thích nguồn cảm hứng sáng tác ghê gớm. Có người sắp đến kỳ tiền rót về mà trong tay mới có dăm cái truyện ngắn, là phải vội vàng tăng tốc viết cho nhanh thêm vài ba cái nữa, in thành tập cho kịp lọt vào danh sách tài trợ. Có người in tập thơ mà non nửa số bài trong tập đã từng in ở các tập năm trước, dĩ nhiên là cũng nhằm mục đích ẵm khoản tiền tài trợ. Một miếng giữa làng hơn một sàng giữa chợ, vạ gì không in. Nhưng chỉ in 500 cuốn, thậm chí 200 hoặc 100 cuốn đủ tặng người thân và làm "chứng chỉ" quyết toán cái món tài trợ. Sách in ra, công chúng lạnh nhạt, trong giới cũng thờ ơ; để xua bớt cái không khí buồn tẻ ấy liền nặn ra cuộc hội thảo, cơ hội ngàn vàng cho các tác giả tự thể hiện mình và tâng bốc nhau. Các bài tâng bốc ấy lại được in "thâm canh" trong tạp chí văn nghệ. Tự lừa phỉnh mình và phỉnh nịnh lẫn nhau cũng là một nhu cầu tinh thần có thật trong văn giới thời nay. Chỉ công chúng độc giả là thua đơn thiệt kép, họ chẳng đón nhận được một chữ nào có giá trị từ những "nhà văn nghệ sĩ" ấy.
Rồi cứ 5 năm một lần, những "nhà" ấy lại được thêm một khoản "lộc nước" nữa, đó là giải thưởng văn học nghệ thuật. Giải thưởng này thường được mang tên một địa danh nổi tiếng hoặc một danh nhân văn hoá, văn học sáng giá. Mỗi lần như thế vài ba chục cuốn sách được trao giải, nếu tính cả các bộ môn khác như hội hoạ, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc... thì số "nhà" được giải lên tới bảy tám chục, thậm chí hàng trăm. Tiền giải thưởng chẳng đáng kể gì nhưng được cái tiếng thơm lưu danh thiên cổ!
Cái bằng công nhận giải thưởng thiết kế rất to. Có nơi làm to hơn cả cái bằng khen của chính phủ. Có nơi thiết kế hoa văn cổ kính như cái sắc chỉ vua ban cho kẻ sĩ thời xưa. Chất liệu của bằng là giấy cup-sê cứng, bóng láng, lồng trong khung kính mạ vàng, có thể lưu giữ được hàng trăm năm.
Nhiều lúc tôi cứ vơ vẩn tự hỏi, không hiểu một, hai trăm năm sau, con cháu chúng ta nhìn những tấm bằng giải thưởng rồi dò tìm đọc những tác phẩm được giải ấy, mới vỡ nhẽ ra những thứ được giải ấy toàn là hàng thứ phẩm, nếu không muốn nói là hàng dởm, họ sẽ nghĩ sao về văn chương thời chúng ta đang sống?
Mỗi lần tự hỏi như thế tôi lại bật ra tiếng cười. Miệng bật ra tiếng cười nhưng hai khoé mắt lại lăn ra những giọt lệ.
Khi viết bài này, tôi hoàn toàn không có ý chê bai hay khinh khi cái sự nghiệp dư trong văn chương, bởi có ai cầm bút trở thành nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp mà không phải trải qua cái thời đoạn nghiệp dư kia chứ. Nhưng nếu bằng lòng với tính nghiệp dư, đẩy tính nghiệp dư trở thành lực lượng nòng cốt, chủ đạo, thành phổ biến, chi phối đời sống văn học của cả một địa phương, một vùng đất, thì lại là điều đáng lo ngại, là một hiện tượng xã hội rất không bình thường.
Thị trấn Liễu Ðề, tháng 10 năm 2008
(Tham luận tại Hội nghị nhà văn khu vực phía Bắc, tháng 10 năm 2008)
Khoảng dăm bảy năm trở lại đây, trên các bãi cỏ lăn cỏ lác hoang vu hai bên bờ con sông Ninh Cơ quê tôi, tự dưng mọc lên những cơ sở đóng tàu sông biển, mật độ ngày càng dầy, tính đến cuối năm 2007 đã có tới 40 cơ sở, xí nghiệp. Vào buổi tối nọ, một vị lãnh đạo tỉnh kéo tôi lên mảnh sân thượng tầng ba của một toà nhà ven sông, chỉ tay về phía những "hoa lửa hàn" sáng loà hai bên bờ sông, ông nói với tôi: "Anh thấy đấy, công nghệ đóng tàu sông biển hiện nay là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh ta, nó sẽ làm cho tỉnh ta thịnh vượng, cất cánh." Ông nói thế thì tôi cũng biết thế, chứ tôi chưa yên tâm lắm về sự lạc quan quá sớm của ông. Và quả thật, chỉ chưa đầy một năm sau, nghĩa là vào thời điểm tôi đặt bút viết bài tham luận này, hầu hết các cơ sở sáng loà ánh lửa hàn ấy sập tối om om vì đã ngừng sản xuất, những con tàu đang đóng dở dang giờ nằm trơ dưới nắng mưa như những bộ xương khủng long thời tiền sử. Công nhân thôi việc hàng loạt chuyển đi tìm việc khác. Nhiều cơ sở đã bắt đầu tính đến chuyện bán sắt vụn, giải thể.
Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng trên, có thể phân tích dài dài, nhưng cái căn nguyên cốt lõi nhất, ôm trùm nhất là ngành công nghiệp và thương mại đóng tàu của chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp. Cái sự thiếu tính chuyên nghiệp được thể hiện ở sự hiểu biết chung về ngành tàu thuỷ trên thế giới, về dự báo nhu cầu thị trường, ở trình độ thiết kế và thi công, ở khả năng cạnh tranh và sự rủi ro có thể gặp v.v...
Văn chương của chúng ta hiện nay, thôi thì cái mặt hay ho của nó chúng ta đã nói nhiều rồi, còn cái mặt dở thì mặt dở nổi cộm nhất, dễ nhìn thấy nhất, ấy là sự thiếu tính chuyên nghiệp. Cái sự thiếu tính chuyên nghiệp nó diễn ra từ thủ đô cho tới các tỉnh, nó có cả trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cả những cây bút chưa hội viên, song ở các tỉnh hiện trạng này thấy rõ hơn cả. Thực ra, nhờ những cơ may trong lịch sử mà vào các thế kỷ trước ở các tỉnh từng sinh ra và dung dưỡng khá nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi. Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hàn Mặc Tử, kể cả Nam Cao. Chưa bao giờ những người này ngồi ở thủ đô mà viết văn. Họ sinh sống và viết văn trong những cái làng nghèo đồng chiêm (Nguyễn Khuyến, Nam Cao) và ở các thành phố, thị xã tỉnh lẻ (Tú Xương, Hàn Mặc Tử). Nhân vật trong thơ Nguyễn Khuyến, trong truyện ngắn, tiểu thuyết Nam Cao toàn là nhân vật thật hoặc nguyên mẫu người thật sống ở hai cái làng đồng chiêm của hai ông. Nhân vật của Tú Xương cũng rặt người thật ở cái thành phố tỉnh lẻ Nam Ðịnh. Nhưng ở những gì họ viết ra, ta thấy cái tính chuyên nghiệp của ngòi bút rất cao. Tính chuyên nghiệp được thể hiện ở sự am tường cái nghề văn họ đang theo đuổi, ở tầm hiểu biết văn hoá nhân loại và thẩm thấu chiều sâu văn hoá dân tộc, ở khả năng sáng tác phong phú, dồi dào, bút pháp điêu luyện, thể hiện những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, hữu dụng cho cuộc sống, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Nhưng những năm gần đây, hẳn là do cái nhịp sống ở các tỉnh có sự o bế, trì đọng, nhôm nhem nào đó, nó kích cầu cho cái quan niệm xấu đều hơn tốt lỏi - một quan niệm được sinh ra từ môi trường văn hoá tiểu nông - có điều kiện hiện diện, bùng phát, chi phối đời sống văn nghệ. Cái sự xấu đềuđầy tính tự phụ nó sẵn sàng cầm chân những ai đứng cao hơn nó kéo tụt xuống cho bằng hoặc thấp hơn nó. Nó đắc ý, hả hê khi thấy người khác kém cỏi hơn nó, bất hạnh hơn nó. Vì thế, khi cái sự xấu đều lấn sân thì đương nhiên cái sự tốt lỏi khó sống, bị rẻ rúng. Sự sáng tạo trong âm thầm cô đơn, vốn là bản chất của nghề văn, luôn phải dè chừng với thứ văn hoá đám đông xấu đều huyên náo, làm mưa làm gió.
Thử làm một phép so sánh: cách đây khoảng 20-25 năm, một Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) địa phương mỗi năm chỉ in được dăm bảy cuốn sách, chục cuốn là nhiều. Còn bây giờ một năm cái Hội ấy in vài chục đầu sách là chuyện "nhỏ như con thỏ". Vậy ai dám nói văn chương ngày nay mất mùa, chỉ là nói càn! Cách đây 20 -25 năm mỗi năm một Hội VHNT tỉnh chỉ kết nạp dăm bảy người, bây giờ mỗi năm vài ba chục người mà xem chừng đám đông ôm hồ sơ xin vào Hội vẫn còn xếp hàng rồng rắn! Ai dám bảo Hội VHNT các tỉnh bây giờ trì trệ, biến tướng biến chất, chỉ là hạng nói nhảm! Biến tướng biến chất mà người ta lại tha thiết xin gia nhập thế đông đúc à!
Vâng, hội viên đông gấp bội, sách ra nhiều gập bội, chỉ có điều phần lớn cái gọi là tác phẩm văn chương ấy nếu không nhạt nhẽo thì lại giáo điều, hoặc vay mượn của người này người khác một cách lộ liễu, sống sít; thậm chí nó sặc mùi hủ lậu. Nó hủ lậu vì nó phơi ra những điều đã quá nhàm chán, cũ kỹ, mốc meo, tù túng, không còn một chút giá trị dung dưỡng trí tuệ, nâng giấc tinh thần con người. Và đương nhiên nó không còn giữ được vai trò góp phần to lớn vào công tác chính trị tư tưởng của Ðảng như hiện nay một số người vẫn còn tự huyễn hoặc.
Cũng là dễ hiểu, bởi lâu nay ở tỉnh rất hiếm những người viết xuất hiện trong tư thế của một trí thức, theo đúng nghĩa của khái niệm này. Các sinh viên từ tỉnh ra Hà Nội học và tốt nghiệp trường viết văn cũng không thấy trở về chốn cũ nữa. Xung thêm vào làng văn nghệ tỉnh thường chỉ thấy 2 loại người:
Một, đấy là những người không có công ăn việc làm hoặc không biết làm việc gì thì tìm đến với cây bút, bởi vốn liếng bỏ ra mua cây bút rất rẻ, kẻ hành khất cũng có thể mua một lúc vài ba cây. Loại người ít vốn này rất cần xin gia nhập Hội VHNT, để được đầu tư tiền in sách, được nổi danh. Loại người này coi tổ chức Hội như một cái phao cứu sinh của đời mình.
Hai, đấy là những người từng có những cương vị không to thì nhỏ trong guồng máy công chức nhà nước. Nhưng khi còn đương chức, anh ta (chị ta) mải mê phấn đấu cho những tham vọng chẳng liên quan gì đến văn chương cả; chỉ đến khi về hưu, sức khoẻ và tinh thần đều đã suy giảm, lại bị hẫng hụt, cô quạnh, họ mới tìm đến với văn học. Họ quan niệm, khi còn sung sức có quyền có tiền rồi thì khi về già phải kiếm thêm cái danh nữa, cho dù là cái danh hão, mới đáng mặt một kiếp người hạnh phúc viên mãn. Mà cái danh thì Hội VHNT chính là chỗ dễ kiếm nhất.
Cả hai dạng người ấy tìm đến với văn học, có thể có người đã có sẵn một chút năng khiếu trời cho hoặc tích tụ được một chút vốn sống thực tế ở xã hội, nhưng về mặt văn hoá, kiến văn, bút pháp hầu như chưa chuẩn bị được gì. Có người trong đời còn chưa từng đọc một cuốn văn học dịch, không thuộc một câu trong Truyện Kiều, hoàn toàn xa lạ với những khái niệm “hiện sinh”, “hiện thực huyền ảo”…, dù những khái niệm này với thế giới, không còn là mới nữa.
Những năm gần đây, trong hàng ngũ lãnh đạo các Hội VHNT tỉnh, những người không làm văn chương đông dần lên, những người làm văn chương ít dần, nhất là người làm văn chương có tính chuyên nghiệp vào thời điểm này đã trở nên rất hiếm hoi, thì đó lại càng là một môi trường màu mỡ cho đám đông văn chương nghiệp dư bành trướng, sinh sôi.
Viết nghiệp dư, nhưng đã là hội viên của Hội VHNT thì không thể không viết. Viết ào ào. Viết như búa bổ. Viết nhảm, viết nhạt, viết thô thiển, hủ lậu, nhưng vẫn được in. Mỗi Hội VHNT tỉnh đều có một tờ tạp chí, được kinh phí nhà nước hỗ trợ, nếu không in tác phẩm của hội viên thì in của ai? Mà đã in thì coi như những tác phẩm ấy được thừa nhận, chí ít thì cũng trong phạm vi một tỉnh một vùng (cho dù ở khá nhiều tỉnh hiện nay, tờ tạp chí văn nghệ in ra chủ yếu dùng để tặng nhau, mà tặng nhau trong giới, chứ tặng người ngoài giới chưa chắc họ đã có thời gian để đọc).
Dăm bảy năm nay, các Hội VHNT địa phương lại có thêm một nguồn đầu tư gọi là tài trợ sáng tác từ chính phủ, rót qua Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, rồi cơ quan này có trách nhiệm phân bổ về các tỉnh. Hội nào ít cũng được vài ba trăm triệu; Hội nhiều thì bảy tám trăm triệu một năm. Cứ đều đặn rót về. Cái khoản "lộc nước" này tuy không lớn nhưng nó cũng đủ độ kích thích nguồn cảm hứng sáng tác ghê gớm. Có người sắp đến kỳ tiền rót về mà trong tay mới có dăm cái truyện ngắn, là phải vội vàng tăng tốc viết cho nhanh thêm vài ba cái nữa, in thành tập cho kịp lọt vào danh sách tài trợ. Có người in tập thơ mà non nửa số bài trong tập đã từng in ở các tập năm trước, dĩ nhiên là cũng nhằm mục đích ẵm khoản tiền tài trợ. Một miếng giữa làng hơn một sàng giữa chợ, vạ gì không in. Nhưng chỉ in 500 cuốn, thậm chí 200 hoặc 100 cuốn đủ tặng người thân và làm "chứng chỉ" quyết toán cái món tài trợ. Sách in ra, công chúng lạnh nhạt, trong giới cũng thờ ơ; để xua bớt cái không khí buồn tẻ ấy liền nặn ra cuộc hội thảo, cơ hội ngàn vàng cho các tác giả tự thể hiện mình và tâng bốc nhau. Các bài tâng bốc ấy lại được in "thâm canh" trong tạp chí văn nghệ. Tự lừa phỉnh mình và phỉnh nịnh lẫn nhau cũng là một nhu cầu tinh thần có thật trong văn giới thời nay. Chỉ công chúng độc giả là thua đơn thiệt kép, họ chẳng đón nhận được một chữ nào có giá trị từ những "nhà văn nghệ sĩ" ấy.
Rồi cứ 5 năm một lần, những "nhà" ấy lại được thêm một khoản "lộc nước" nữa, đó là giải thưởng văn học nghệ thuật. Giải thưởng này thường được mang tên một địa danh nổi tiếng hoặc một danh nhân văn hoá, văn học sáng giá. Mỗi lần như thế vài ba chục cuốn sách được trao giải, nếu tính cả các bộ môn khác như hội hoạ, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc... thì số "nhà" được giải lên tới bảy tám chục, thậm chí hàng trăm. Tiền giải thưởng chẳng đáng kể gì nhưng được cái tiếng thơm lưu danh thiên cổ!
Cái bằng công nhận giải thưởng thiết kế rất to. Có nơi làm to hơn cả cái bằng khen của chính phủ. Có nơi thiết kế hoa văn cổ kính như cái sắc chỉ vua ban cho kẻ sĩ thời xưa. Chất liệu của bằng là giấy cup-sê cứng, bóng láng, lồng trong khung kính mạ vàng, có thể lưu giữ được hàng trăm năm.
Nhiều lúc tôi cứ vơ vẩn tự hỏi, không hiểu một, hai trăm năm sau, con cháu chúng ta nhìn những tấm bằng giải thưởng rồi dò tìm đọc những tác phẩm được giải ấy, mới vỡ nhẽ ra những thứ được giải ấy toàn là hàng thứ phẩm, nếu không muốn nói là hàng dởm, họ sẽ nghĩ sao về văn chương thời chúng ta đang sống?
Mỗi lần tự hỏi như thế tôi lại bật ra tiếng cười. Miệng bật ra tiếng cười nhưng hai khoé mắt lại lăn ra những giọt lệ.
Khi viết bài này, tôi hoàn toàn không có ý chê bai hay khinh khi cái sự nghiệp dư trong văn chương, bởi có ai cầm bút trở thành nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp mà không phải trải qua cái thời đoạn nghiệp dư kia chứ. Nhưng nếu bằng lòng với tính nghiệp dư, đẩy tính nghiệp dư trở thành lực lượng nòng cốt, chủ đạo, thành phổ biến, chi phối đời sống văn học của cả một địa phương, một vùng đất, thì lại là điều đáng lo ngại, là một hiện tượng xã hội rất không bình thường.
Thị trấn Liễu Ðề, tháng 10 năm 2008
Một Câu Nói Ngây Thơ Của Đứa Trẻ Đã Làm Thay Đổi Vận Mệnh Của Cả Nhà
Chỉ một câu nói hết mức hồn nhiên ngây thơ của đứa trẻ đã khiến người cha giật mình suy ngẫm, sau đó vận mệnh nghèo khổ của cả nhà mau chóng được thay đổi. Vì sao lại như vậy?
Cổ nhân nói “quân tử thận độc”, chính là nhắc nhở chúng ta khi đối mặt với chính mình, cần phải chính trực, quang minh, tấm lòng bình thản không lay động. Có một câu chuyện được lưu truyền, kể rằng một gia đình nọ, cuộc sống rất nghèo khó, người cha vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm ra vườn rau nhà người ta hái trộm. Một đêm nọ, anh ta mang theo cả con trai của ông ta đi trộm đồ ăn, lúc này, đứa trẻ thật thà nói một câu, đã cải biến vận mệnh cả nhà cậu.
Ở trong một ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm lẻn vào vườn rau nhà người ta hái trộm, hôm đó anh ta mang theo cả con trai đi cùng. Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, đứa con bỗng nhiên ở sau lưng khẽ kêu:“Cha..cha.., có người nhìn thấy kìa”.
Cha của cậu kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt hói: “Người đó ở chỗ nào?”. Đứa trẻ vừa chỉ tay lên trời, vừa trả lời: “Cha! Cha xem, là mặt trăng đang nhìn cha đó!”.
Người cha này nghe con trai nói vậy, đầu tiên thì cảm thấy sững sờ, tiếp đó lại cảm thấy hối hận vì hành vi của mình. Có chút hụt hẫng nhưng lại có chút vui mừng, vì thế anh lặng lẽ dắt tay con trai đi về nhà. Dọc đường về, anh ta thầm nghĩ: “Trộm cắp là gây nghiệp rất lớn, có lẽ là ông trời từ bi, mượn miệng con trai để giúp mình tỉnh ngộ, từ nay phải sửa sai hướng thiện thôi!”.
Ngạn ngữ có câu: “người đang làm trời đang nhìn, thiện ác khác nhau ở một niệm”. Trong câu chuyện, người cha kia đã suy nghĩ lại, vậy đã xảy ra chuyện gì tiếp theo?
Nguyên là, chủ nhân của vườn rau vì thường bị mất trộm, tức giận vô cùng, đêm hôm đó đã sớm núp ở phía sau để rình bắt kẻ trộm. Lão nghĩ thầm tên trộm này thật đáng ghét, nhất định phải tóm gọn. Khi ông ta nhìn thấy có kẻ trộm lẻn vào, đang định hô hoán bắt trộm thì nghe được câu nói của đứa trẻ, nhất thời cũng sững người.
Ở dưới ánh trăng, ông chủ vườn rau nhìn thấy gương mặt của tên trộm, biết gia đình hắn là nghèo khó trong thôn. Nhìn thấy hai cha con hắn lặng lẽ dắt nhau rời đi, ông ta cũng bất giác ngẩng đầu nhìn ánh trăng mà im lặng không nói gì.
Về nhà ông chủ vườn rau đem chuyện này kể với vợ, vợ ông nói: “Mặt trăng kia chẳng phải cũng đang nhìn ông sao?”.
Cả đêm hôm đó, ông chủ này trằn trọc không sao ngủ được. Đến trưa hôm sau ông ta chạy đi tìm hai cha con ăn trộm kia, nói: “Này anh kia, nhà của ta hiện đang cần tìm thêm người làm, anh có thể làm được không? Ngoài tiền công, còn có thể cho anh một ít đồ ăn mang về nhà”.
Như vậy là một cơ hội việc làm tốt, có thể mang đến no ấm cho cả nhà nay đã được đáp ứng rồi.
Đêm hôm đó, người cha nghèo kia nắm tay con trai, lặng lẽ ngồi ngắm trăng, bỗng đứa trẻ nói:“Ôi.. cha nhìn xem! Là trăng đang cười kìa!”.
Lúc này ở nhà ông chủ vườn rau, ông ta cũng đang cùng vợ ngồi ngắm trăng, ông nói với vợ:“Chưa bao giờ từng cảm giác thấy mặt trăng đang nhìn mình, xem mình đang làm việc gì, hôm nay thử xem sao… Ôi! Bà xem trăng đang cười kìa!”.
Trong lịch sử cũng có một câu chuyện xưa, “Chuyện trong đêm có bốn người biết”. Kể rằng giữa sau thời Đông Hán, triều chính ngày càng hủ bại, quan lại tham ô. Thái thú triều Hán là Dương Chấn khi nhậm chức thái thú Kinh Châu, từng đề bạt tú tài Vương Mật làm quan huyện Xương.
Về sau có một lần Dương Chấn đi ngang qua huyện Xương, Vương Mật vì cảm kích cái ơn đề bạt của ông, ngay lúc nửa đêm đặc biệt đem 10 cân vàng đến để tạ ơn Dương Chấn. Dương Chấn đã cự tuyệt phần hậu lễ này. Vương Mật nói: “Bây giờ đêm đã khuya, sẽ không có ai biết chuyện này đâu, xin ông hãy nhận lấy”. Dương Chấn đáp rằng: “Trời biết, Đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói là không ai biết? Ông hãy đem số vàng này về đi”. Vương Mật rất xấu hổ mà đem số vàng này trở về.
Cho dù là ban đêm, bạn đang làm chuyện gì, đừng nghĩ rằng chỉ mình bạn biết, mặt trăng trên bầu trời cũng đang mở to hai mắt đang nhìn bạn đó!
Bảo An, dịch từ NTDTV
Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016
PHONG TRÀO CHỐNG CỘNG VIỆT NAM ĐANG THAY ĐỔI THEO HƯỚNG NÀO?
Những tổ chức, hội đoàn tư xưng là thuộc “phong trào dân chủ Việt Nam” đều tuyên bố rằng mình đang tiêu tiền ngoại bang để tạo ra sự thay đổi cho đất nước. Vậy phong trào này đang thay đổi ra sao? Nếu nó thay đổi theo hướng tiến bộ, người ta còn có thể tạm tin vào tuyên bố này. Nhưng nếu phong trào ngày càng thoái hóa đi, thì hiển nhiên nó không có tư cách nói về sự thay đổi và không nên động tay vào tiến trình thay đổi của đất nước. Ốc không mang nổi mình ốc thì đừng nên gánh việc thiên hạ.
Trong thực tế, dưới đây là những hướng thay đổi đang tiếp diễn một cách bền vững trong phong trào chống Cộng Việt Nam:
1. Thế hệ tôn thờ lí tưởng biến mất, thế hệ tôn thờ tiền bạc, danh tiếng lên ngôi
Thế hệ tôn thờ lí tưởng của phong trào chống Cộng Việt Nam đã khép lại khi Mẹ Nấm Gấu, nhân vật cuối cùng còn chút lí tưởng trong phong trào, hết thời và bị bán đứng. Lúc này, phong trào hoàn toàn nằm trong tay những cái mồm chỉ mở ra vì tiền và tiếng tăm. Nếu nhóm Cây xanh Hà Nội không trở thành một trường đào tạo viết hồ sơ xin tiền, trung tâm môi giới tiền tài trợ và đường đến sứ quán, liệu có còn một “thanh niên dân chủ” nào sót lại bên cạnh Đoan Trang không? Câu hỏi thừa: Thảo Gạo đã bỏ dở ngay khi một lực lượng bên ngoài cho cô ta cơ hội đạt được địa vị và tiếng tăm ngang bằng với Trang sau vài năm phấn đấu. Nếu không có tiền và lệnh của Hội Thánh, liệu có giáo dân nào đi biểu tình trong vụ cá chết không? Và nếu không đạt chỉ tiêu bán hàng chính trị đa cấp để tạo ảo tưởng cho mỗi thành viên về tầm ảnh hưởng vĩ đại của mình, liệu nhóm Bạn Tương Tri của Nguyễn Tiến Trung có còn tồn tại?
Tôi thách những nhà chống Cộng chủ chốt còn sót lại, dù là ở nước ngoài và không bị đe dọa bởi an ninh, dám bạch hóa tài chính. Chắc chắn họ không dám, bởi nếu làm vậy, họ sẽ gây thất vọng ghê gớm cho đám đông nhẹ dạ đang tin nghe theo.
Giải Nhân quyền năm nay là cột mốc hiện rõ đã thoái hóa của phong trào chống Cộng, từ những người thờ lí tưởng thành những người thờ tiền. Trong khi giải thưởng của mọi năm trước đều được trao cho những nhân vật cộm cán vừa có ít nhiều thực quyền, vừa có tiếng trên truyền thông, thì giải năm nay lại chỉ được trao cho những con tốt mà có hay không tồn tại cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm. Như phân tích của bài trước, rõ ràng giờ đây, chỉ còn những con tốt trong phong trào tỏ ra trung thành với lí tưởng nhân quyền, còn các nhân vật có tí tiếng, tí miếng đều đã chuyển sang trung thành với thứ khác.
2. Phong trào ngày càng tập trung về mặt quyền lực
So với những năm trước, số vụ tranh chấp tiền, quyền công khai trong phong trào chống Cộng năm nay đã giảm hẳn. Tuy vậy, đừng nghĩ thay đổi này xuất phát từ việc những người chống Cộng đã trở nên tử tế hơn. Trong thực tế, vẫn có những sự vụ thể hiện từng làn sóng đấu đá ngầm, như cuộc tranh giành nhân lực khiến Thảo Gạo bỏ Đoan Trang theo Trịnh Hội, hay tiến trình bán đứng Mẹ Nấm Gấu, khiến 10 000 đô tiền tài trợ của Vũ Đông Hà được sang tên. Nói cách khác, tranh tiền đoạt quyền với đồng chí, đồng đảng vẫn là một công tác hàng ngày của các nhà chống Cộng lớn ở Việt Nam. Có điều cuộc xâu xé này đang được tiến hành ngày một tàn khốc hơn, tập trung hơn, ngầm ẩn hơn, như một kết quả của tiến trình mà quyền lực trong phong trào chống Cộng Việt Nam được tập trung hóa. Giờ đây, cuộc tranh chấp diễn ra giữa những sứ quân cát cứ - mà tất cả đều có sẵn cả dòng tiền, danh tiếng lẫn mối quan hệ với nước ngoài, thay vì giữa những cá nhân lẻ tẻ, và nhiều khi vô danh tiểu tốt như trước đây. Những nhân vật không có đủ tố chất để diễn xuất như một “nhà hoạt động” chuyên nghiệp và làm hàng trước mắt phương Tây cũng đã bị gạt hẳn khỏi cuộc tranh chấp.
Chi tiết này thể hiện một thực tế quan trọng. Đó là khi quyền lực trong phong trào chống Cộng ngày càng được tập trung, nó cũng ngày càng rơi vào tay các nhà tài trợ phương Tây, và rời xa tầm tay người Việt. Nói cách khác, cuộc tranh chấp quyền lực trong phong trào chống Cộng Việt Nam đã trở thành cuộc thi lấy lòng các nhà tài trợ ngoại quốc.
3. Phong trào đã tự từ bỏ chính danh
Dù vẫn luôn miệng chửi Cộng sản không có chính danh, trong thực tế, những người chống Cộng Việt Nam đã tự từ bỏ tính chính danh của chính bản than họ. Ngày nay, trừ những nhân vật hải ngoại và vài thành phần tiểu tốt trong nước, tuyệt đại đa số những nhà chống Cộng không còn dám công khai tuyên bố rằng mình đang hoạt động “chống Cộng”, “chống độc tài” hoặc “đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền”… như trước đây. Thay vào đó, họ đang tránh những danh xưng này như tránh hủi vì sợ đàn áp. Bơm thổi đồng đảng hoặc bơm đểu đối thủ cạnh tranh bằng những danh xưng đó thì họ vẫn làm, nhưng tự thừa nhận để hoạt động đường đường chính chính thì không. Hàng ngày, vài đám đông quanh họ viết hàng nghìn status để ca tụng những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền can đảm, nhưng thực ra từ lâu, trong phong trào đã chẳng còn “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền” nào hết. Và tất nhiên, thế thì tất cả đều hèn, chứ lấy đâu ra can đảm.
Trong thực tế, các nhà chống Cộng đã bán tính chính danh của mình để lấy những lớp vỏ bọc cho họ sự an toàn. Chẳng hạn, nhóm Đoan Trang mạo danh bảo vệ môi trường, Phạm Chí Dũng mạo danh báo chí khách quan, độc lập, Phạm Lê Vương Các và Trịnh Hữu Long mạo danh luật gia, trong khi nói trắng ra thì tất cả số người này chỉ đang lợi dụng vấn đề môi trường, báo chí và luật pháp để chống Cộng. Dù sao thế vẫn chưa bệnh hoạn bằng nhóm No-U, đoàn người tạp nham chống Cộng nhân danh… bóng đá.
Việc cánh chống Cộng trong nước từ bỏ tính chính danh của mình cũng là điều dễ hiểu. Trước hết, phải khẳng định rằng ngay từ đầu, đã chỉ có rất ít những người chống Cộng có đủ phẩm chất để xứng đáng với các danh tính đó. Thiểu số đó giờ đã chết, qui ẩn hoặc biến chất. Số “nhà hoạt động” còn sót lại, những người hoặc không hiểu dân chủ, nhân quyền là gì, hoặc chỉ muốn lợi dụng những từ ngữ này để kiếm chác tiền, quyền và danh tiếng, bán đứng thứ chính danh mà họ không có tư cách giữ, và cũng không thể giữ cũng là lẽ đương nhiên.
Tình trạng này có một hệ lụy: Đó là các nhóm chống Cộng trong nước chắc chắn sẽ phải lệ thuộc vào các nhóm chống Cộng nước ngoài, nhất là Việt Tân, về mặt chính danh. Không có chữ kí của một vài nhân vật hải ngoại, sẽ chẳng có tổ chức hoặc chính khách nước ngoài nào coi các nhà hoạt động đeo mặt nạ trong nước là người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Trớ trêu thay, những kẻ được giữ chính danh lại là những kẻ nhá nhem, bẩn thỉu nhất.
Tình trạng này có một hệ lụy: Đó là các nhóm chống Cộng trong nước chắc chắn sẽ phải lệ thuộc vào các nhóm chống Cộng nước ngoài, nhất là Việt Tân, về mặt chính danh. Không có chữ kí của một vài nhân vật hải ngoại, sẽ chẳng có tổ chức hoặc chính khách nước ngoài nào coi các nhà hoạt động đeo mặt nạ trong nước là người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Trớ trêu thay, những kẻ được giữ chính danh lại là những kẻ nhá nhem, bẩn thỉu nhất.
4. Phong trào chống Cộng phối hợp ngày một ăn ý với các nhóm lợi ích
Dù lủng củng trong nội bộ đến đâu, phong trào chống Cộng Việt Nam cũng đang phối hợp ngày một nhuần nhuyễn, ăn ý hơn với các nhóm lợi ích. Đáng tiếc, đây là những nhóm lợi ích trong chính quyền Việt Nam và các nước khác, chứ không phả những nhóm lợi ích của dân. Như những bài trước đã chỉ ra, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các hội đoàn chống Cộng, nhóm lợi ích chi phối truyền thông đại chứng Việt Nam và nhà thờ Công giáo trong vụ cá chết, vụ báo chí với công an và vụ MC Phan Anh. Trong cả ba vụ việc này, người dân chỉ là một công cụ để lợi dụng, một nạn nhân bị cả hai phe đang tranh chấp nhau lừa dối. Như vậy, dù vẫn buộc phải hô khẩu hiệu về một cuộc “cách mạng dân chủ”, hứa hẹn sẽ đưa cả nước tiến lên một thiên đường dân chủ trong mơ. Trong thực tế, phe chống Cộng đang phấn đấu để được sánh vai với các bè cánh khác ở Việt Nam trong tư cách một lực lượng dân chủ mới.
Thực tế này buộc ta phải xét lại ngay đến cả cái tên của họ. Đã đành họ không thật sự bận tâm đến nhân quyền và dân chủ, giờ họ còn không chống Cộng, mà thay vào đó, lại bắt tay với các phe cánh trong “chính quyền Cộng sản” để lừa dân. Chúng ta biết gọi họ là gì? Và những diễn biến này thể hiện một sự thoái hóa mới xảy ra, hay ngay từ đầu phong trào chống Cộng đã được xây trên nền móng tiền tài, thông tin và nhân lực cài cắm của các nhóm lợi ích?
5. Phong trào chống Cộng thừa nhận rằng mình cũng chẳng hơn Cộng sản
Trước đây, giữa các nhà chống Cộng có một sự nhất trí ngấm ngầm. Đó là trong mọi phát biểu công khai, họ phải coi phe chống Cộng và Đảng Cộng sản Việt Nam là hai cực đối lập tốt – xấu. Cộng sản thì đã sai lầm, gian ác, lưu manh ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong khi đó, phe chống Cộng thì từ đầu đến cuối luôn chí thiện, chí nhân, chí đức, toàn là các anh hùng, anh thư… Họ nói thế, quả cũng kích động được một bộ phận người dân khi trước, vì lúc đó người ta đang bận thất vọng với chính quyền. Còn giờ mà nói giọng đó ngoài đường, chắc không khỏi bị dân cười khẩy.
Cho nên gần đây, cô Đoan Trang, sử gia kiêm phát ngôn không chính thức của phong trào chống Cộng đã có một phát ngôn mang tính bước ngoặt. Trong một bài đăng ngày 22 tháng 11 trên facebook, Đoan Trang biện hộ rằng trong thời gian hoạt động cách mạng ngày xưa, những người Cộng sản đời đầu cũng “nói xấu, chơi bẩn, cắn xé lẫn nhau”, cũng “giành giật từng xu tài trợ nước ngoài” hệt như những người chống Cộng bây giờ, vậy nên dân đừng thất vọng về phe chống Cộng!
Nói cách khác, theo Đoan Trang, thì phe chống Cộng không còn là “tiếng nói của lương tâm và sự thật”, “anh hùng anh thư của thời đại” hay tác nhân đem đến thay đổi cho đất nước nữa, mà chỉ là một bản sao bẩn thỉu, nhớp nháp của chính Đảng Cộng sản mà thôi. Thật kinh người, hóa ra những ông chống Cộng vốn không khác gì những ông Cộng sản!
Mà cách biện hộ của Đoan Trang cũng thật lạ. Cô cho những người chống Cộng cái quyền hành xử bỉ ổi, vô liêm với nhau, chỉ vì Cộng sản trước đây 100 năm cũng bỉ ổi, vô liêm như thế! Đúng vẫn cứ là đúng, sai vẫn cứ là sai, chứ ở đâu ra cái lối ngụy biện như vậy? Nếu vì thấy người khác làm bậy mà mình cũng tự cho mình cái quyền làm bậy, thì đạo đức và luật pháp sinh ra để làm gì? Khi Đoan Trang đem cái lối lập luận của cô đi “đấu tranh” để “thay đổi xã hội Việt Nam”, tôi thấy rất ái ngại cho xã hội. Còn khi biết Trang làm trong ban biên tập Luật khoa, thì tôi bắt đầu hiểu vì sao các bài viết trong trang này thường xuyên sai kiến thức luật và chính trị căn bản đến thế.
Nhìn chung, nếu những nhà chống Cộng như Đoan Trang chịu tự cải tạo bản thân, thay vì đòi cải tạo xã hội, thì họ sẽ có ích cho xã hội hơn. Còn nếu cứ cố làm siêu nhân cứu thế giới như bây giờ, thì họ sẽ chr làm vấy thêm những nhơ nhớp của bản thân ra thế giới.
Bài viết tự biện hộ của Đoan Trang còn tiêu biểu cho một thói quen ngày càng lan tràn trong những người chống Cộng. Đó là họ vừa xin xỏ long thương hại của dân, vừa chửi dân ngu và đòi giáo hóa dân, vừa mô tả lực lượng của mình như thể họ là cứu tinh của nhân dân. Thật bậy bạ và nực cười. Sao người dân có thể cần sự cứu vớt và giáo hóa của những kẻ ô hợp, luộm thuộm và lưu manh đang viết bài cầu xin sự thương hại của họ?
Loại người vừa muốn làm ăn mày, vừa muốn làm thầy, vừa muốn làm anh hùng, anh thư như Đoan Trang lẽ ra phải xem là kí sinh trùng của xã hội, cần tiêu hủy ngay, tránh gây mất vệ sinh môi trường đô thị!
Những Nhà Dân Chủ Độc Tài
Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)