Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Buồn Bã Với Những Môi Hôn



Tất cả bài nhạc của Trịnh Công Sơn đều ngắn hoặc rất ngắn. Riêng một bài duy nhất mang dáng dấp một trường ca : bài Đoá Hoa Vô Thường. Với nhạc dạo đệm trước mỗi đoản khúc, bài hát kể một tình sử triết lý qua cách hiểu của Trịnh Công Sơn về chữ " ái " và chữ " tâm ".

Đây không phải là lần đầu vô thường đi vào lời ca của Trịnh Công Sơn. Vô thường bàng bạc trong nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở đầu, nhưng không mấy ai để ý. Lời ca của anh hay quá, thơ quá, hát lên nghe đã bâng khuâng rồi, đâu cần hiểu ý nghĩa, chỉ mang máng thấy lời thơ có một chiều sâu triết lý thiếu vắng hẳn trong nhạc Việt Nam. Có lẽ chính tác giả cũng chưa ý thức được rõ ràng điều mình cảm nhận, và chính nhờ thế mà tính cách mông lung của lời ca làm rung động lòng người, khác với lời văn sáng sủa. VớiĐóa Hoa Vô Thường, Trịnh Công Sơn nhạc hoá lý thuyết và lý thuyết hoá nhạc. Anh còn chua thêm giải thích ở mỗi chuyển mạch để ý của nhạc được hiểu rõ hơn. Đoạn thứ nhất là đi tìm tình, nhịp thong dong. Đoạn thứ hai là gặp tình, đưa tình về, nhịp hớn hở,mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân. Đoạn thứ ba là bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất. Sau đó, nhạc bắt đầu hiu hắt, một thời yêu dấu đã qua, ôi áo xưa em là một chút mây phù du. Rồi nhạc mạnh và êm dịu lại để đi vào đoạn kết : từ đó ta là đêm nở đoá hoa vô thường. Tại sao nhạc êm dịu lại ? Anh giải thích : tình do tâm ta mà sinh, có khi tình mất mà tâm còn động vọng, đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi.

Chữ " ái ", đó là chỗ mà ai cũng thấy nơi Trịnh Công Sơn, chiếc nôi trong đó chúng ta nằm nghe anh ru từ mấy chục năm nay. Chữ " tâm " là cánh cửa mới mở ra trước Trịnh Công Sơn, nơi anh có cảm tưởng đang đến, kết thúc một đời rong chơi. Từ " ái " đến " tâm ", Đóa Hoa Vô Thường trình bày một quá trình chuyển hoá trong đó chuyện đời cũng như chuyện tình diễn biến dưới hình thức đối nghịch của từng đôi, từng cặp như tôi với em : tìm/gặp, gặp/mất, mất/còn, có/không. Vô thường, trong Trịnh Công Sơn, không có gì khác hơn là cái có đi vào cái không. Có thể ý tưởng về quá trình đối nghịch đó đã nằm trong vô thức của Trịnh Công Sơn từ trẻ. Hát lại Trịnh Công Sơn từ khi anh mất, trực nhận của tôi chợt bắt gặp vô thức của anh. Tôi sẽ nói ở đây những đối nghịch đó mà tôi nghĩ luôn luôn là nét chính trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi sẽ trích khá nhiều ví dụ, nhưng tôi phải tự kiềm chế tôi, nếu không thì hát hoài không dứt.

Tôi muốn bắt đầu bằng một đối nghịch trong cách vẽ tranh của Trịnh Công Sơn. Chẳng tại sao cả. Chỉ vì nói đến nhạc Trịnh Công Sơn mà bắt đầu bằng triết lý chắc là không ổn, vì anh là thi sĩ. Phải bắt đầu bằng người đẹp, người đẹp nhất trong tất cả những người đẹp nhất từ hai trăm năm nay : Thúy Kiều.

Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai


Tại sao gió sẽ mừng ? Vì tóc em là gió. Gió đùa với gió, làm sao gió không vui ? Tại sao mây lại hờn ? Vì tóc em là mây. Mây thua nước tóc, làm sao mây không dỗi ? Em là giai nhân toàn bích. Thế nhưng một nhan sắc toàn bích không làm Trịnh Công Sơn rung động. Giữa toàn bích, anh chấm một nét hỏng, và chính nét hỏng đó là cái duyên làm say lòng người.

Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi


Tất cả những người đẹp của Trịnh Công Sơn đều có vai gầy. Vai gầy, có thể đẹp. Nhưng gầy guộc thì nhất quyết là hỏng. Thì thiếu da thơm quả ngọt mùa xuân. Vậy mà khi thả giọng trầm xuống chữ guộc, tôi tưởng như nghe có cánh con vạc bất chợt vỗ nước bay vào đêm thâu. Đêm vắng sâu hơn và Thúy Kiều đẹp hơn.

Đối nghịch là nét nhạc riêng của Trịnh Công Sơn. Anh nói một điều rồi anh nói điều trái lại. Như nét hỏng nằm giữa toàn bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với lời hai, câu sau nghịch với câu trước, thậm chí hai hình ảnh nghịch nhau trong cùng một câu, trong vòng đôi ba chữ.

Tôi lấy ví dụ Trịnh Công Sơn hát cô đơn. Anh là người cô đơn cùng cực :

Trời cao đất rộng một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận một mình tôi về
Với tôi.


Anh cô đơn với. Chữ với làm tôi rờn rợn. Như câu sau này :

Một ngày thấy bóng em qua nơi này / một lần với bóng tôi
Một ngày đã có em xa nơi này / một ngày với vắng tôi

Với vắng tôi. Em chỉ với khi nào không có tôi. Em cộng với con dấu trừ. Cho nên chúng ta chỉ có cái bóng của nhau.
Trịnh Công Sơn hát cô đơn thảm sầu như vậy, nhưng hát đôi lứa cũng nồng nhiệt vời vợi. Anh cổ vũ :

Hãy ru nhau trên những lời gió mới
Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui...
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người


Trịnh Công Sơn hát tuyệt vọng. Anh nằm chết lịm trong tuyệt vọng, tuyệt vọng rơi rất gần rơi xuống trong tôi như hoa tiễn đưa rơi trên mộ. Nhưng anh lại đánh trống thúc quân đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Anh đang nằm xuống hay anh đã đứng dậy ?

Trịnh Công Sơn nhìn đời buồn tênh. Buồn tênh !

Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non


Nhưng Trịnh Công Sơn yêu đời thắm thiết. Anh quỳ xuống, tạ ơn đời đã cho anh hạnh phúc lẫn thương đau :

Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày / quên kiếp sống lẻ loi
Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời / như sao xuống từ trời


Tôi biết có người sẽ nói : thì Trịnh Công Sơn cũng như mọi nghệ sĩ khác, có vui có buồn, có yêu thương, có tuyệt vọng. Không phải thế ! Trong nhạc Trịnh Công Sơn, vui đi cặp đôi với buồn, hạnh phúc sóng bước với thương đau trong cùng một bài, trong cùng một câu. Đây là hai vế trong cùng một bài, vế thứ nhất là thương đau :

Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài
Tình khâu môi cười / hình hài xưa đã thay / mặn nồng xưa cũng phai
Tình chia nhau gian dối / tình đày tình đôi nơi


Vế thứ hai là hạnh phúc :

Một mai thức dậy / chợt hồn như ngất ngây / chợt buồn trong mắt nai
Rồi tình vui trong mắt / rồi tình mềm trong tay

Hạnh phúc tưởng như thiên thu :

Tình cho nhau môi ấm / một lần là trăm năm

Cũng hai vế đối nhau như thế trong hai đoạn, tôi hát thêm bài nữa. Đoạn trước là phụ bạc, nợ nần :

Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi
Em phụ tôi một thời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

Đoạn sau là tha thứ lau xoá oán trách, yêu thương vẫy gọi yêu thương :

Bao nhiêu năm vẫn lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời sau

Đó là hai vế nghịch nhau trong một bài. Bây giờ là hai vế nghịch nhau trong cùng một đoạn. Như thế này là có hay không :

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay


Như thế này là xa hay gần :

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần


Như thế này là rộng hay hẹp :

Tình yêu như biển biển rộng hai vai
Tình yêu như biển biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người
Lạc lối.


Như thế này là có hay không, mưa hay nắng, đông hay xuân, khứ hay hồi :

Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng


Như thế này là sống hay chết, tàn hay nở :

Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua
Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu
Chìm khuất trong ta một lời nói vu vơ
Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho

Như thế này là ngày hay đêm, lên hay xuống :

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông

Đó là hai vế nghịch nhau trong cùng một đoạn, hoặc giữa câu trước với câu sau. Nhưng lại rất lắm khi nghịch với thuận, không với có, trộn lẫn với nhau, buồn xen trong vui, mông lung không biết đâu là vui đâu là buồn. Mưa là buồn chăng ? Không hẳn, mưa trong Trịnh Công Sơn rất hồng, vì mưa trong nắng, mưa khi trời ươm nắng cho mây hồng. Nắng là vui chăng ? Không hẳn, lung linh nắng thủy tinh vàng, nhưng nắng lên mà chợt hồn buồn dâng mênh mang. Mưa Huế rất nặng hột, vậy mà mưa cứ như thì thầm dưới chân ngà. Nắng được trời gọi lên, nhưng trời cũng chẳng biết đó là nắng của mưa hay mưa của nắng :

Gọi nắng cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say

Bao nhiêu nụ hồng trong Trịnh Công Sơn, lạ quá, đều là nụ hồng tàn : em gọi nụ hồng vừa tàn cuối sân ; đóa hoa hồng tàn hôn lên môi em ngày tháng dài. Có một chút của cái này và một chút của cái kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong ngược. Trăm năm trong xuân thì. Chân như trong hạt lệ :

Bước tới hư vô khoác áo chân như
Long lanh giọt lệ / long lanh giọt lệ / giọt lệ thiên thu

Phôi pha cũng vậy. Trong nhớ đã có quên, trong quên vẫn cứ nhớ, tưởng vơi mà đầy, trong con nước rút đi có hồng thuỷ dâng lên :

Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng xoá một ngày đìu hiu

Đến đây, e không còn nói đối nghịch được nữa. E phải nói đối hợp. Vẫn nghịch như trời với đất, nhưng sương phủ mênh mông nối đất với trời. Chỉ còn mông lung sương. Rõ ràng nhất là cặp vợ chồng đi-về. Không bao giờ Trịnh Công Sơn nói đi mà không nói về. Hễ có đi là có về, hễ về là lại đi, không bao giờ câu trên đi mà không có câu dưới về, thậm chí đi về nằm ôm nhau trong một câu, trong hai chữ, trong một cõi, một cõi đi về.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
đi lên non cao đi về biển rộng

Vừa đi vừa về như thế, đôi chân loanh quanh không biết xoay sở thế nào, tự hỏi, thắc mắc : đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Bốn mùa cũng loanh quanh như thế : mùa xuân chưa qua mùa hạ đã đến, mùa thu chưa đi, mới đầu thu thôi chân ngựa đã về. Mà chỗ về của Trịnh Công Sơn cũng lạ : không phải về nơi đây mà về chốn xa. Con người ra đi, tưởng đi đến đâu, ô hay chỉ làm một vòng xinh rồi trở về nơi cũ, như nằm mộng thấy mình đi :

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị
Ngày xưa.


Tôi nghe có người nói một câu hay khi đến thăm một người rất danh tiếng vừa chết : chỉ có ông ta không biết ông ta chết. Tôi nghĩ Trịnh Công Sơn không nói như vậy. Chắc anh vẫn đang thấy anh, vẫn đang thấy mọi người tiếp tục chạy vòng quanh. Tiếp tục đi, tiếp tục về. Tôi nghe như anh đang hát thế này với các người đẹp đến khóc anh : Này em,

Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ đâu có cái chết sau cùng

Không có đầu tiên, không có sau cùng, không đầu không đuôi, làm sao chết được, bởi vì làm sao bước ? Phải có cái bước đầu tiên mới có cái bước thứ hai, mới có cái bước sau cùng, mới chết, mới có người khóc, mới có văn tế. Vì bước không được, cho nên Trịnh Công Sơn chỉ lăn, và anh đã nghêu ngao như thế rồi. Anh ngồi giữa con phố, nhìn những gót chân thon đi ngược, nhìn những gót chân hồng đi xuôi, và anh í a tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài. Anh lăn như thế nhiều lần với ám ảnh tử sinh. Sống chết là bánh xe lăn tròn, vô thuỷ vô chung. Trịnh Công Sơn không nói bánh xe, nhưng anh lăn theo những hòn sỏi, hòn đá, vốn là những hình ảnh quen thân của anh từ những bái hát đầu :

Hòn đá lăn bên đồi / hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy / chim chóc hát tiếng qua đời


Trước đây, khi hát những bài đó, tôi không để ý đến ý niệm bánh xe, nhưng gần đây, Trịnh Công Sơn làm tôi ngạc nhiên khi anh đưa đối hợp có-không, một-hai, vào lời nhạc của anh một cách rõ rệt, thú vị, tinh quái. Anh khóc như thế này :

Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người

Lối khóc rất ngộ này tóm tắt cách nhìn đời của Trịnh Công Sơn trong suốt nhạc phẩm của anh. Với một con mắt anh nhìn người. Với một con mắt anh nhìn anh. Một con mắt, anh nhìn tình phai. Một con mắt, anh nhìn anh thở dài. Nhưng cùng một con mắt kia, anh vừa nhìn thấy em yêu thương, vừa thấy em thú dữ. Cùng một con mắt này, anh vừa thấy đêm tối tăm, vừa thấy đêm nồng nàn. Chẳng biết mắt nào là mắt còn lại, chỉ biết rằng con mắt còn lại nhìn một thành hai. Chỉ biết rằng :

Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng
Con mắt còn lại là con mắt ai

Trịnh Công Sơn làm tôi giật mình. Bóng nắng là một chữ trong kinh, và, như anh nói, từ khi trời là trời trăng là trăng câu kinh đã bước vào đời. Con mắt còn lại là con mắt ai ? Tôi không muốn nghĩ như thế, nhưng tôi cảm thấy câu trả lời nằm trong đoạn kết củaĐoá Hoa Vô Thường mà anh đã soạn rất khúc chiết với nhập đề, thân bài, kết luận, với quá trình tìm em - gặp em - mất em - an nhiên.

Trịnh Công Sơn làm tôi giật mình. Anh bắt tôi phải hát lại những bài hát trước trong cảm nhận mới đó của tôi về chập chờn bóng nắng trong tâm thức của anh. Con mắt còn lại hiện ra, và đây là một mà hai :

Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng


Nghìn trùng nằm ngay nơi giây phút tao ngộ. Và đây là hai mà một :

Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ

Buồn vui là một, quên nhớ là một, phút tình cờ chụp bắt được điều đó hiện ra đây đó khá nhiều, có điều là Trịnh Công Sơn hát lên nhẹ nhàng như thơ, người hát nghe giọng thơ nhiều hơn là nghe ý tưởng. Nếu để ý, câu hát sâu thẳm. Lại ví dụ :

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ

Thật bình yên. Mà buồn ! Buồn nằm sẵn trong bình yên ? Nếu không, tại sao anh khóc từ bao giờ ? Anh khóc từ trước, rồi anh mới giật mình, trong một phút tình cờ, thấy mình đang khóc. Ai không tin ở cái giật mình đó, hãy nghe Trịnh Công Sơn giật mình một lần thứ hai :

Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ô nắng lên rồi

Thật lệ rơi. Mà không buồn ! Giật mình : nắng lên. Thế thì nắng đã nằm sẵn trong giọt lệ ? Là một với giọt lệ ?

Tôi bắt gặp chớp nhoáng thần bí đó trong cả cách dùng tĩnh từ của Trịnh Công Sơn : môi em hồng như lá hư không. Lá hư không là thế nào ? Là môi em vừa có dáng như ngọn lá vừa có dáng không như ngọn lá ? Là có màu vừa hồng vừa không phải hồng ? Có một cái gì vừa thật vừa không thật ? Nghĩ cho thật kỹ, đúng là môi em tôi như thế. Đúng như tôi nghĩ là như thế. Nói như ngọn lá, như màu hồng là sai.

Lại một tĩnh từ khác trong rất nhiều ví dụ như vậy :

Nhìn cỏ cây ráng pha màu hồng
Nhìn lại em áo lụa thinh không

Ráng chiều có thật nhưng sắp đi vào hư ảo rồi, chớp nhoáng thôi. Nhìn hư trong thực như thế, giật mình nhìn lại em tôi... ôi thần kỳ hai chữ thinh không ! Lụa nhẹ như khói đang tan, em cũng vậy, như thực như huyễn, chỉ còn là nét đẹp diễm ảo, mong manh đó thôi.

Tôi không muốn đóng khung Trịnh Công Sơn trong một triết thuyết nào cả. Anh tuyên bố chỉ muốn làm kẻ rong chơi và chấp tay van vái chỉ xin được như thế mà thôi. Nhưng khi anh mất, tôi không khỏi nghĩ đến những mong manh đã ám ảnh anh những năm gần đây và tôi giật mình chợt thấy anh đã là thi sĩ của mong manh như vậy từ lúc đầu, từ bao giờ ? Đây là đoá quỳnh của thuở xuân xanh :

Đêm này đêm buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng vừa khép những đoá mong manh

Tại sao môi hôn mà buồn bã thế ? Buồn nằm trong hạnh phúc ? Là một với nhau ? Nhưng quả thật đoá quỳnh đã hôn đêm trăng như thế. Hãy xem hoa nở :

Ta mang cho em một đoá quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng

Hoa đang nở trên lưng một cuống lá dài như môi ai cười trên lưng một người tình. Nhưng cũng môi đó, mới cười với trăng đã hôn từ giã đêm trăng với những cánh đang khép, đang úa, buồn bã. Tôi giật mình : đoá quỳnh của thuở xuân xanh chính là đoá hoa vô thường nở trong tâm của anh ở khoảng cuối đời. Anh đi với đoá quỳnh, anh đến với đoá quỳnh, khép lại một chu kỳ vòng quanh. Anh là đêm trăng của ngày xưa đã hôn nhau buồn bã với đoá quỳnh mong manh và từ đó dòng nhạc của anh róc rách những mong manh như thế cho đến khi anh chơt nhận ra ta là đêm nở đoá hoa vô thường.

***

Còn lại chuyện cuối cùng phải nói : vậy thì tôi với em là một hay hai ? Là một chăng ? Thì đấy, Trịnh Công Sơn đã có lần hăng hái :

Em là tôi và tôi cũng là em

Chẳng ai tin. Người không tin nhất chính là anh. Đừng tin !

Đừng nghe tôi nói lời tăm tối
Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười
Tôi như là người ngồi trong đêm dài
Nhìn tôi đang quá ngậm ngùi


Tôi với em không thể là một được bởi vì em là muộn phiền và muộn phiền thì đối nghịch với hồn nhiên mà tôi mơ ước. Hồn nhiên lấp lánh như mặt trời trong lắm bài. Trịnh Công Sơn mơ ước trở về với hồn nhiên như trở về với bản chất của anh, như trở về với con chim thuở nhỏ, với hoa trên đồng xanh một sớm mai rất hồng. Anh muốn trở về với thật thà, với khờ dại, với ngây ngô, anh ngẩn ngơ nhìn người kia, dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi, anh nhìn đứa bé. Đứa bé ! đó mới thật là một của Trịnh Công Sơn, bởi vì đó là hồn nhiên, đó là cội nguồn, đó là quê nhà nằm sâu trong tiềm thức của anh. Hồn nhiên có khi trở về lồng lộng trong cả bài hát như cánh diều lồng lộng trong không, có khi âm thầm, văng vẳng, thiết tha, sâu lắng trong một câu, trong một chữ. Những lúc đó, Trịnh Công Sơn hân hoan :

Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa trời về hót giữa đời tôi
Hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia


Trịnh Công Sơn là người thi sĩ duy nhất của tình yêu không cho chữ em đi sóng đôi một cặp ngọt ngào với chữ anh. Chữ em mồ côi chữ anh trên lưỡi. Chữ em mù loà đi tìm chữ anh. Gặp vớ vẩn một hai lần trong một hai bài hát đầu, nhưng nhạt nhẽo, vô duyên lắm. Còn thì Trịnh Công Sơn chỉ tôi với em, em với ta, như thử hai người yêu là hai người ở trọ gần nhau.

Có lẽ vì thế mà tôi hát Trịnh Công Sơn với hạnh phúc tràn trề. Bởi vì tôi hát sự thực trong lòng tôi, trong lòng người, trong lòng đời. Có bao giờ ai một với ai trong cuộc tình ? Cứ xa xa mà tôi khiêm tốn như thế, hoạ may tưởng mình có lúc đến gần làm một. Như thế là hạnh phúc. Đến gần, giọt nắng thủy tinh có khi là giọt lệ.



Cao Huy Thuần

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Thư gửi Hoa nhài

Hoa nhài,tình yêucủa anh!


Anh hiểu em ấp ủ nhiều tâm trạng khó tỏ bày thành ngữ ngôn. Em đeo mang ấp ủ đó như chính anh cũng đang trằn trọc với những suy tư của riêng mình. Anh đã không thể tỏ bày điều anh đang hướng tới thì anh cũng trân trọng những ước mơ chính đáng của riêng em. Đôi khi chúng ta sẽ gặp gỡ, đôi lúc chúng ta sẽ lệch pha... nhưng sợi dây duy nhất có thể đưa chúng ta đến gần nhau, cho đến lúc này, có lẽ anh chỉ biết lắng nghe và chia sẻ. Anh cảm nhận được nỗi niềm của em, lắng nghe em chia sẻ, và ôm em vào lòng khi em cần điều đó. Một sợi dây mỏng manh mà anh đang hạnh phúc được giữ gìn.


Và em ơi, ước mơ của em là rất chính đáng. Anh tôn trọng ước mơ của em như của chính anh. Nhưng em biết không, ước mơ chỉ đẹp vì chúng chỉ là ước mơ. Thực tại diễn bày cho ta nhiều thứ khác mà cái ước mơ đẹp đẽ của ta chưa thể suy nghĩ tận tường, ngay cả khi mong muốn của ta được toại thành. Giả như có người mua vé số thì họ chỉ ước trúng độc đắc thôi, nhưng nếu trúng số rồi thì đầy dẫy những vấn đề phát sinh sau đó mà khi ta mua vé số chưa lường hết được. Tệ cho anh, vì suy nghĩ quá nhiều, nên đâu có dám mua vé số, và vì thế mà chấp nhận luôn cả việc cả đời sẽ chẳng bao giờ trúng số độc đắc. Đấy, suy nghĩ quá nhiều cũng là một dạng bệnh.


Hoa nhài ơi?


Hạnh phúc là một mong muốn của bất cứ ai. Nhưng chúng lại cực kỳ đa nghĩa, tùy thuộc vào chỗ đứng và tầm nhận thức của mỗi người. Đôi khi hạnh phúc chỉ là một dạngcảm xúcthời tiết, đôi khi hạnh phúc lại là kết quả của một quá trình nỗ lực được đền đáp và đôi khi hạnh phúc lại giản đơn như chấp nhận những gì đang hiện tồn. Tùy vào từng người, tùy vào từng cảm nhận, tùy vào từng nhu cầu mà hạnh phúc trong mỗi chúng ta khác nhau.


Có rất nhiều người ước mơ được sang sinh sống tại Bhutan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ở đó không có bon chen, giành giật, vất vả vì mưu sinh, môi trường tự nhiên lành mạnh... Thế nhưng, cứ đưa họ sang Bhutan sinh sống xem, anh đoán ít nhất 99% sẽ đòi về. Vì nơi đó, họ không có smartphone, không internet, không tivi, không có trò vui chơi giải trí, không có thế giới showbiz để họ buôn chuyện thị phi...những thứ mà bây giờ họ coi như tình nhân của họ. Đấy, em thấy không, ước mơ hạnh phúc là rất thật, mà từ bỏ một thói quen thì còn khó khăn hơn gấp bội.


Hoa nhài thân yêu của anh!


Trong mỗi một hoàn cảnh, anh nghĩ rằng, để có được hạnh phúc, chúng ta cần phải tập thích nghi với môi trường mà chúng ta đang sống. Nếu ở Bhutan, người ta có thể lấy việc canh tác làm vui, tối về tụ tập hàng xóm quanh đống lửa ca hát là hạnh phúc... thì tại sao chúng ta không thể tập thích nghi ngay tại nơi chúng ta đang sống bằng việc hết mình với công việc tại công ty và tối về vui vầy hạnh phúc bên gia đình? Chúng ta vẫn có thể xài smarphone mà không nô lệ cho điện thoại, chúng ta vẫn có thể dùng facebook mà không biến mạngxã hộitrở thành nơi hơn thua câu like rẻ tiền, chúng ta vẫn có thể xem tivi nhưng không biến tivi trở thành thứ ngăn cách tình cảm giữa người với người khi ngồi bên nhau? Có thể không? Anh nghĩ là có thể! Đất nước nào cũng có thể là Bhutan, nếu chúng ta biết đem cái tinh hoa của đất nước kia về thích nghi ngay tại nơi mà chúng ta đang sống.


Thay đổi là bản chất của cuộc sống. Chẳng có cái gì là bất biến hay vĩnh cửu cùng thời gian cả. Vật hữu hình tất sẽ hữu hoại, mà vật vô hình thì bản chất cũng vận động theo thời gian. Chuyện thay đổi là chuyện hằng hữu. Nhưng anh nghĩ rằng, chúng ta không nhất thiết phải đánh đổi tất cả để đạt được điều chúng ta mong muốn. Có những thứ cần phá đi để xây lại từ đầu nhưng cũng có những thứ chúng ta chỉ cần thay đổi thái độ tiếp cận là có ngay được niềm vui. Nhiều khi lách mình nhẹ nhàng một chút là có thể đến đích, hơn là đi một đường vòng mà cái đích vẫn chẳng thấy đâu. Em thấy không, đất nước Bhutan họ hạnh phúc không phải vì kinh tế phát triển, mà đơn giản là họ hạnh phúc với những gì họ đang có. Anh tin chúng ta cũng đang hạnh phúc, chỉ là cách nhìn của chúng ta chưa được đúng hướng, nên mới thấy có vất vả, khó khăn và vô số áp lực mà thôi.


Em thân yêu!


Anh nhìn thấy những bông hoa cải vàng lơ thơ trong nắng, trên"đồi Thảnh thơi",sau những tháng ngày mưa gió rét buốt. Những bông hoa nho nhỏ xinh xinh hiên ngang lừng lững xuất hiện trên cái đồi cát hoang tàn. Anh cảm nhận thấy mùa xuân, thấy sức sống, và thấy nét đẹp đang hiện hữu quanh chúng ta.


Anh cũng nhìn thấy có em đang hiện hữu trong đó, trên bông hoa cải, trên cánh chiều tím, trên đóa hồng thắm đỏ, trên giò lan trắng trong... Trong khu "vườn Tự tại",nơi nào anh cũng thấy có em. Anh thấy em đang cười, đang tràn trề sức sống của tuổi trẻ, đang vươn mình đón nắng, đang thách đố mọi phong ba. Và vì thế, em ơi, em còn rất trẻ, em còn rất xuân, và em chỉ cần vươn mình lên khoe sắc. Việc tưới nước và ngắm hoa, anh xin suốt đời được đảm nhiệm


Chúc em một ngày 29 tháng 2 tràn đầy thương yêu
Anh yêu em, hơn cả những gì em nghĩ


Trích
Read more:http://www.suynghiem.vn/2016/02/thu-gui-hoa-nhai-29.html#ixzz41cvOemtf

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Bàn về Thiền Nguyên Thủy và Thiền Phát Triển

Giáo sư Minh Chi





Pháp Sư Thái Hư cũng như Hòa Thượng Thích Minh Châu đều dùng các từ Như Lai Thiền để chỉ Thiền Nguyên Thủy và Tổ Sư Thiền để chỉ các hình thức Thiền Phát Triển sau này do các Tổ Sư các Thiền phái nổi danh đề xướng và truyền lại cho các đệ tử của mình. Cũng có người dùng các từ Thiền Tiểu Giáo (tức Thiền Tiểu Thừa) và Thiền Ðại Giáo (tức Thiền Ðại Thừa) như Trần Thái Tôn trong bài "Tọa Thiền Luận " của Khóa Hư Lục.

Chúng ta, những người hậu học, chúng ta hãy thử không chấp nê vào từ ngữ, và nghiên cứu xem những gì là mới, là sáng tạo mà các Tổ Sư đã đem lại cho nội dung và hình thức của Thiền Như Lai, tức là Thiền Nguyên Thủy, như chúng ta có thể biết rõ trong các bài kinh nổi danh, như "Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana-sutta)" Trung Bộ 1 trang 96. Các Kinh "Nhập tức xuất tức niệm", "Thân hành Niệm", "Ðại kinh bốn mươi" (Trung Bộ III, trang 194, 206, 184) v.v...

Tư tưởng cơ bản không có gì thay đổi.

Hãy dẫn chứng các đoạn điển hình trong một số Kinh Nguyên Thủy:
"Các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhứt, định tỉnh. Như vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm. (Kinh Thân Hành Niệm, Trung Bộ III, trang 207)

Chúng ta thấy qua đoạn kinh trên, mục đích của Thiền là an trú, chuyên nhất, định tỉnh nội tâm và phương pháp là đoạn trừ các niệm và tư duy thuộc thế tục.

Khi trình bày bốn cấp thiền của sắc giới, Ðức Phật nói cụ thể hơn ở cấp Tứ Thiền của sắc giới, hành giả thành tựu được cái gọi là xả niệm thanh tịnh, tức là ở trong hành giả, chỉ còn lại một bầu nội tâm trong sáng vắng lặng (thanh tịnh) và bất động, nghĩa là xả bỏ mọi niệm khả dĩ làm cho nội tâm không được thanh tịnh, định tỉnh, chuyên nhứt.

Xả bỏ những niệm gì? Trước nhất ở cấp sơ thiền, xả bỏ mọi niệm bất thiện, mọi dục vọng, thèm muốn thế tục (ly dục, ly bất thiện pháp). Thứ hai, xả bỏ tầm và tứ, tức là mọi niệm hướng tới bất cứ một đối tượng nào. Tầm và Tứ chính là hoạt động bình thường của tâm thức chúng ta, hướng tới đối tượng là tầm, tập trung vào đối tượng ấy là tứ, rất có thể là thiện, khi chúng ta nghĩ điều hay, việc lành, nhưng nó làm tâm chúng ta động, cho nên hại cho định tâm. Muốn thành tựu định tâm, hưởng được tâm hỷ, lạc do định tâm, phải loại bỏ tầm và tứ. Ðó chính là câu thường gặp trong các kinh nguyên thủy: "Tỳ kheo ấy diệt sạch tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm.... " (Kinh Thân Hành Niệm đã dẫn, trang 212)



Do xả được tầm và tứ mà hành giả có được định tâm, và hưởng được niềm vui do định tâm, như trong kinh nói: "Chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh". Thế nhưng, sự định tâm vẫn chưa được hoàn hảo, cho nên hành giả tiếp tục xả luôn cả tâm trạng hỷ để chứng thiền thứ ba (Tỷ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là " Xả niệm lạc trú" chứng và trú thiền thứ ba - Kinh đã dẫn, trang 212).

Do xả hỷ mà hành giả đạt tới cảnh giới "Xả niệm lạc trú" thế nhưng hành giả nhận thấy, tuy bỏ hỷ, nhưng vẫn còn lạc, còn động tâm, tuy là một động tâm rất nhỏ nhiệm vi tế, cho nên, hành giả xả lạc, để chứng cấp thiền thứ tư "không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh".

Có thể nói, các Tổ về sau không nói gì hơn được về tiến trình biến chuyển nội tâm qua các cấp thiền của sắc giới. Như là đúc Phật đã trình bày trong các Kinh Nguyên thủy. Ở đây, chúng ta không cần nói tới các cấp thiền của Vô sắc giới, trong đó, hành giả phá bỏ mọi sắc tưởng, mọi đối ngại tưởng, chứng hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, không vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và diệt thọ tưởng định....

Sở dĩ, tôi dẫn chứng các cấp thiền của vô sắc là bởi vì trong bài Tọa Thiền Luận của Trần Thái Tông, có những câu như:

"Liễu sinh không lý, chứng thiên chân đạo nhi tu giả, thị tiểu giáo thiền. Ðạt nhân pháp không nhi tu giả, thị đại giáo thiền. Kim hậu học chi nhân tu dĩ đại giáo thiền vi chính. Thử tập tọa thiền tức niệm, vật sanh kiến giải nhi".

Ðại ý, vua Trần Thái Tông phân biệt thiền tiểu thừa là tu thiền mà còn chấp pháp là thực, tuy đã ngộ thân năm uẩn là không có thực. Còn tu thiền đại thừa là tu thiền mà không còn chấp các pháp là có thực, nghĩa là cả chánh y bào đều là không, thân năm uẩn là không, ngoại trần cũng là không... Thực ra, tư tưởng cơ bản của các kinh nguyên thủy là Vô Ngã, nhân cũng vô ngã mà cả y báo cũng là vô ngã, nghĩa là không thật có, không đáng chấp trước, chấp thủ.

Trong các Kinh Nguyên Thủy như các kinh Tiểu Khổ Uẩn, Ðại Kinh Khổ Uẩn, Ðức Phật khuyên các đệ tử nên xuất ly các dục, vì các dục là nguy hiểm. mặc dù có vị ngọt, là bởi vì đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp của các dục là vô thường, khổ, không, vô ngã... Ðó là tư tưởng căn bản của đạo đức Phật Giáo, là mục đích trước mắt gần gũi của sơ thiền sắc giới là ly dục, ly pháp bất thiện.

Cho nên, theo tôi suy nghĩ, nếu trong thời Phật Giáo bộ phái, có một bộ phái nào đó tách khỏi Thượng Tọa Bộ, chấp rằng các pháp là thật có, thì đó quyết không phải là giòng tư tưởng chính thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Ðiều này thật rõ ràng, đối với những ai có đọc và nghiên cứu các kinh Nguyên Thủy. Tư tưởng cơ bản của Phật Giáo Nguyên Thủy là Vô Ngã, đối với chánh báo cũng như y báo, đối với các loài hữu tình cũng như thế giới vô cơ, tất cả đều là Vô thường, Khổ, Không, vì không có thực thể, do nhân duyên sanh.

Nói tóm lại, tư tưởng cơ bản của Phật Giáo, của thiền học từ khi đức Phật còn tại thế vẫn không có gì thay đổi, tức là Chân Lý tối hậu là siêu ngôn ngữ, siêu tư duy cho nên tự mỗi người phải thể hội qua nếp sống đạo đức và tu tập thiền định, đạt tới chỗ dứt bỏ mọi vọng niêm, xả ly mọi kiến giải, kiến thủ, trên thực tế chỉ là lý luận suông, (Trần Thái Tôn nói là chớ có kiến giải). Nhưng muốn vậy, phải trên cơ sở tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành (giữ giới), thì mới có thể làm cho nội tâm trở thành vắng lặng, sáng suốt được (Tự tịnh kỳ ý). Vắng lặng là định, cũng gọi là Chỉ (nghĩa là ngưng chỉ mọi niệm). Sáng suốt là Tuệ, cũng tức là Quán.

Nội dung của Thiền định là Chỉ Quán . Hồi Phật còn tại thế là như vậy, hồi ngài Thiên Thai viét cuốn "Chỉ quán nhập môn" cho tới bây giờ, các nhà Phật học bàn về thiền ở Nhật, Trung Hoa hay là Thái, Miến Ðiện, Sri Lanka v.v... cũng chỉ bàn Chỉ và Quán mà thôi. Và khi bàn, danh từ có thể đổi thay, thế nhưng nội dung cũng không có gì đáng gọi là mới. Nội tâm chúng ta xao động vì chạy theo ngoại trần, do đó phải ngồi thiền nơi vắng lặng, giữ các căn không tiếp xúc với ngoại trần, cột niệm của mình, tức là tư tưởng của mình vào một đối tượng để nó khỏi chạy lung tung... Trong Kinh "Bốn Niệm Xứ", Phật dạy cột niệm vào bốn đối tượng, tức là thân, cảm thọ, tâm và pháp. Như vậy, Ðức Phật dạy phép chỉ quán đồng tu, mà mục đích tu tập Bốn niệm xứ cũng chỉ là:
- "Tỉnh giác, chánh niệm, chế ngự tham ưu ở đời". (Kinh Niệm Xứ, Trung Bộ 196)

- "Ðoạn trừ các niệm và tư duy thuộc về thế tục". (Kinh Thân Hành Niệm, Trung Bộ III . 206)

- "Ðoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn sự vật với niệm xả ly" (Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm, Trung Bộ III).

a) Cuốn Ðại Trí Ðộ Luận của Ngài Long Thọ, nói về Thiền có điểm gì mới?

"Kẻ thực hành thiền quán biết giác và quán là thiện pháp, nhưng chúng nhiễu loạn định tâm...

"Nếu có Tỷ kheo rời dục và các pháp bất thiện, có giác có quán, sống hỷ và lạc thì vào được thiền thứ nhứt.."



Ở đây, chỉ có sự thay đổi danh từ dịch. Vitarka và Vicara chữ Phạn, về sau được dịch là tầm và tứ. Thời Long Thọ dịch là giác và quán. Vào sơ thiền, ly dục ly bất thiện pháp, được hỷ lạc, nhưng còn tầm và còn tứ... (tức là còn giác và quán).

Trí Ðộ Luận viết tiếp: "Khi giác và quán diệt, thì bên trong thanh tịnh, cột tâm vào một chỗ, không còn giác, không còn quán, định sanh hỷ và lạc, thời vào được thiền thứ hai".

Có thể nói, Phật nói về sơ thiền như thế nào thì Long Thọ nói lại y nguyên như vậy, không gì gọi là thêm mới.

b) Luận Sư Vô Trước (Asanga) trong cuốn Sravakabbumi, giải thích về mục đích của Phật dạy phép bốn niệm xứ: "Ðể đối trị nhận thức sai lầm về cái không trong sạch lại cho là trong sạch, Phật dạy phép niệm thân, quán thân.. Ðể đối trị nhận thức sai lầm cái khổ lại cho là vui, Phật dạy phép niệm thọ, quán thọ. Ðể đối trị nhận thức sai lầm cái vô thường lại cho là thường, Phật dạy phép quán tâm, niệm tâm. Ðể đối trị nhận thức sai lầm chấp các pháp là có ngã, có thực, Phật dạy phép quán pháp, niệm pháp..." Như vậy, là Vô Trước giải thích về Bốn Niệm xứ, làm cho rõ mục đích của phép tu Bốn niệm xứ mà thôi.

c) Santideva tức là Thanh Thiên trong chương XIII bộ Luận Siksasammuccaya, giải thích về phép Bốn Niệm xứ, có hơi khác với Vô Trước đôi chút. Cần nhắc lại Santideva là đệ tử của Long Thọ thuộc Không Tông, còn Vô Trước cùng với Thế Thân là người sáng lập ra Du Già Tông tức Duy Thức Tông. Và hai tông này không phải là nhất trí với nhau hoàn toàn. Santideva viết là: "Mục đích của phép quán thân bất tịnh, suy già là để liên hệ tới pháp thân thường trú, vĩnh hằng của Phật; khi quán thọ, vì Bồ Tát liên hệ tới chúng sanh đang bị cảm thọ chi phối và mở rộng lòng đại bi đối với họ; khi quán tâm vị Bồ Tát quán thấy mọi hành tướng của tâm như là ảo ảnh; và khi quán các pháp, vị Bồ Tát thấy mọi pháp đều là vô ngã, không có thực thể."

d) Cuốn "Tu Tập Chỉ Quán Toạ Thiền Pháp Yếu Giảng Thuật " của Pháp Sư Bảo Tịnh có giới thiệu khá chi tiết phép Thiền Quán của Tông Thiên Thai, như Ðại sư Trí Khải dạy. Theo tôi, ngoài sự sắp xếp các mục có vẻ mới ra, còn nội dung không có gì mới hơn, cụ thể hơn những gì Phật dạy trong các Kinh Nguyên Thủy. Về Chỉ tức là phương pháp làm cho tâm không bị tán loạn, không chạy theo ngoại trần, đại sư Trí Khải giảng ba phương pháp:
1) Hệ Duyên Thủ Cảnh Chỉ: Tức là cột tưởng, hay là cột niệm vào một đối tượng như là đầu lỗ mũi, đầu lỗ rốn (đan điền), hay một câu, một chữ thường gọi là thoại đầu, hay là tượng ảnh Phật, Bồ Tát. Kinh Nguyên Thủy thì dạy cột niệm vào hơi thở, hay cột niệm vào bốn xứ như trên đã phân tích.

2) Chế Tâm Chỉ: Tức là trong nội tâm, khởi lên niệm gì, đều xả bỏ hết, ngài Trí Khải dùng từ phóng bạ, nghĩa là không chấp thủ, không nắm lấy, không vướng.

3) Thế Thân Chỉ: Tức là quán nhân duyên, bất cứ sự gì, vật gì, hiện tượng gì chúng ta nghĩ tới đều là nhân duyên sanh, nghĩa là vô ngã, không có thực, cho nên không đáng tham đắm, chấp trước.

Như chúng ta thấy ở ba mục nầy, ngài Trí Khải kết hợp Chỉ và Quán, như Phật đã làm ngay từ đầu, với kinh Niệm Xứ: "Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ....."

Về phép Quán, ngài Trí Khải cũng phân biệt hai loại:
1) Ðối trị Quán: Như quán bất tịnh để đối trị lòng tham, quán từ bi đối trị lòng giận, quán sổ tức (đếm hơi thở) đối trị vọng niệm và động niệm.

2) Chánh Quán: Cũng tức là nhân duyên quán, tức là quán trực tiếp tất cả mọi pháp đều là nhân duyên sanh, cho nên không có thực thể, rỗng không, hư giả, hết thảy các tướng như kinh Kim Cang nói, đều là hư vọng, nếu quán thấy được hết thảy các tướng đều là phi tướng, như vậy mới thấy được thực tướng v.v...

Nói tóm lại, nội dung chỉ quán theo tông Thiên Thai là như vậy, thực ra không có gì mới mẻ so với Thiền Nguyên Thủy.

e) "Zen Training". Cuối cùng tôi muốn giới thiệu vài nội dung trong cuốn "Zen Training" của Thiền sư Nhật Katsuki Ikeda. Một cuốn "Luyện thiền" (Ðầu đề cuốn sách) so với cuốn sách Thiền của tông Thiên Thai thì mới hơn nhiều, bởi vì nếu tôi không nhầm thì vị Thiền sư Nhật này hiện còn sống, từng giảng Thiền ở Nhật và Hạ Uy Di trong nhiều năm. Theo ông, có hai loại Samadhi: Samadhi tích cực và Samadhi tuyệt đối. Khi chúng ta tập trung tư tưởng không xao lãng vào bất cứ một đối tượng hay công việc gì, thì đó là Samadhi tích cực. Có thể nói, bất cứ người nào muốn làm việc gì có hiệu quả, đều mặc nhiên thực hành Samadhi tích cực. Loại này ông Ikeda không bàn nhiều. Ông chỉ nói, để có được Samadhi tích cực, thì một cách không tự giác, chúng ta phải giữ thân bất động, phải nín thở hay là thở nhẹ đều... Như vậty, ông Ikeda kết luận là để thành tựu định tâm nói chung, phải có sự phối hợp của cả thân và hơi thở. Và ông nói muốn đạt tới cảnh giới Samadhi tuyệt đối nghĩa là một cảnh giới nội tâm hoàn toàn bình lặng, mà ông gọi là vô niệm (Kinh Nguyên Thủy nói tịnh chỉ tầm và tứ), thì phải ngồi thiền, đạt tới thân bất động và thở đều, lúc đầu thì đếm hơi thở, rồi sau theo dõi hơi thở, tập mãi đến lúc không còn cảm giác về thân nữa, cũng không còn cảm thọ nữa, một tình trạng mà thiền sư gọi là off sensation nghĩa là không còn có thọ nữa, cũng không còn có tưởng nữa, bởi lẽ mọi hoạt động của tâm thức đều ngưng chỉ. Tình trạng bình lặng nội tâm đó được gọi là tình trạng tồn tại thuần túy (pure existence).

Tôi nghĩ, đó chỉ là cảnh nhị thiền mà Phật đã nói tới trong các kinh Nguyên Thủy mà thôi, chứ không có gì mới lạ.

Cái bẫy chuột






Một con chuột nhìn qua vết nứt của vách tường và trông thấy một bác nông dân cùng với vợ đang mở một chiếc hộp. “Hẳn là có đồ ăn gì trong hộp?” - con chuột tự hỏi. Nhưng liền sau đó, nó hốt hoảng khi phát hiện ra đó lại là cái bẫy chuột.

Chuột ta bèn chạy ra ngoài vườn và la làng la xóm: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”

Chị Gà cục ta cục tác chạy tới: “Chú Chuột này, đây quả thật là mối lo ngại ghê gớm đối với chú, nhưng nó chẳng phiền hà gì tới tôi. Tôi không thể nào bị vướng một cái bẫy chuột”.

Chuột quay sang nói với anh Heo với vẻ lo lắng: “Anh ơi, trong nhà ta có một cái bẫy chuột”. Anh Heo tỏ ra thông cảm: “Tôi rất lấy làm tiếc, cậu em ạ! Tôi chẳng thể làm gì được, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho chú”.

Chuột chạy tới bác Bò tỉ tê. Bác bò một lần nữa trấn an: “Tôi rất hiểu cậu, nhưng tôi cũng chẳng thể giúp gì”. Chuột lẳng lặng bỏ vào nhà. Lòng buổn thỉu buồn thiu, một mình nhìn cái bẫy chuột tàn nhẫn của bác nông dân.

Thế rồi đêm nọ, một tiếng động vang lên trong ngôi nhà, hệt như tiếng sập bẫy. Vợ của bác nông dân vội chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không. Trong đêm tối, loạng cha loạng choạng, bà đã bị một con rắn độc cắn khi bà mon men tới cái bẫy vốn đang sập vào đuôi con rắn.

Bác nông dân nhanh chóng đưa vợ vào trạm xá. Khi về nhà, bà đã bị sốt. Mọi người đều biết rằng ăn cháo có thể làm giảm cơn sốt; vì thế bác nông dân đã chạy ra vườn bắt chị Gà mần thịt để làm cháo nấu cho vợ.

Thế nhưng bệnh tình của vợ ông vẫn không thuyên giảm. Bạn bè và xóm giềng đã tới thăm hỏi. Để thết đãi họ, ông đã mần thịt anh Heo.

Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ ông đã qua đời. Nhiều người đến lễ tang và vì thế bác nông dân đã mổ thịt bác Bò để có đủ thức ăn đãi khách, những người đã rất quan tâm tới gia đình ông.

Lần sau, một khi bạn nghe thấy ai đó đang gặp khó khăn dù chuyện đó chẳng "ăn nhập" gì tới bạn, hãy nhớ rằng khi một người trong chúng ta gặp nguy khốn, nghĩa là tất cả chúng ta đều có nguy cơ gặp nguy khốn. Tất cả chúng ta đều đồng hành trên chuyến hành trình mang tên Cuộc Đời. Hãy để mắt tới mọi người và luôn động viên và cùng họ vượt qua cơn khốn khó.



--- o0o ---
Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn

Khuôn ngà đài trang

Trăng sao tình tự thiên thu.
Đời người tư lự đêm sâu lỡ làng.
Nhìn em ta mãi ngỡ ngàng.
Nghe trong gió thoảng dịu dàng hương yêu.
Xa, xa...xa...
thời gian còn có bao nhiêu.
Cho ta chết dưới mỹ miều kiêu sa.
Mặn mòi sợi tóc xế tà.
Treo lên thương nhớ khuôn ngà đài trang

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

TRÍCH ĐOẠN CHƯƠNG TRÌNH TẾT BÍNH THÂN 2016 - NGÀY TRỞ VỀ - DẤU CHÂN NGƯỜI VIỆT



Do đài truyền hình VTV 1 Viet Nam thực hiện. Chương trình nói về sự bắt đầu và quá trình thành công của người Việt trong ngành làm móng tay, hay thường được gọi là "làm nails". Phóng Viên: Lê Hoàng LinhTái hiện câu chuyện người Việt làm nails tại Mỹ.Đạo Diễn Phụ Trách: Lê Hoàng LinhĐạo Diễn Hình Ảnh: Lê Trọng ĐứcDiễn Viên: Eliza Ngo
Posted by Eliza Ngo on 26 tháng 2 2016


https://web.facebook.com/elizango/videos/10154023434063413/

Sống trong hiện tại






Phật hỏi đệ tử
- cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời :
-80 năm- Sai
-70 năm- Còn sai
-60 năm- Sai
-Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mĩm cười đáp :
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

TIẾNG NHẠC TRONG RỪNG TRÚC



Khu rừng trúc sau cơn mưa sót lại cuối thu len lên khí lạnh mơ hồ. Màn sương ngưng đọng quẩn quanh giữa khoảng không. Thân trúc tuy rỗng mà sương vẫn chẳng thể lọt vào.

Giữa bốn bề tịch mịch bỗng vang lên một khúc nhạc u ẩn. Từng cung bậc đập vào thân trúc, lay động lá trúc và đẩy cho sương di chuyển. Một hơi thở nhẹ của đất, không còn sự cô đặc của sương. Đã hóa thành khói tự lúc nào, một làn hơi trắng bay nhẹ dần lên cao và giăng mắc giữa những chiếc lá sắc nhọn tựa dao.

Nhạc bất chợt dừng bởi một âm thanh rất nhỏ! Tiếng đạp chân trên lá chết. Và hơi sương lại rơi xuống nặng trịch quanh quẩn dưới đám gốc xanh mướt, mảnh mai. Sột soạt! Nhè nhẹ! Rồi lại ngập ngừng! Không còn tiếng bước chân. Chỉ còn tiếng thở dài…
– Nhạc thật hay, chỉ hiềm vẫn quá nặng lòng trần… – Chàng trai trẻ lặng lẽ ngồi xuống phiến đá như chờ đợi.
Khoảng không thinh lặng kéo dài liên miên tựa như bất tuyệt… Không gió! Không âm thanh! Không dịch chuyển! Bỗng, chiếc lá úa vàng đã quá mệt mỏi vì níu kéo sự sống rơi độp xuống mặt đất một cách thung dung. Chàng trai khẽ mỉm cười.

Giọng nói của bậc giai nhân nhẹ như gió thoảng lẩn khuất giữa màn sương:
– Tại sao chàng không lại gần đây để tìm ta?
Chàng trai hướng về phía giọng nói:
– Ta không nhìn thấy đường, chỉ men theo tiếng nhạc. Nay tiếng nhạc đã dứt, ta biết lấy gì để tìm nàng đây?
Tiếng bước chân rất nhẹ khẽ lướt giữa xác lá phủ đầy mặt đất. Chàng trai lắng nghe từng tiếng lá khô chạm nhau tạo thành một thứ tiếng trầm đục tới lạnh người. Nghe giọng nói của nàng phảng phất, chàng đang mường tượng một hương thơm, nhưng không thể tìm được hương thơm nào giữa cõi trần. Chàng chỉ thấy rất nồng mùi sức sống của những thân trúc xanh.

Một bàn tay mềm mại như mây nước khẽ chạm vào gò má, lướt đi trên dải lụa thẫm máu buộc trên mắt của chàng. Đôi bàn tay nàng run run. Chàng trai đưa tay, nắm chặt lấy cổ tay nàng:
– Không sao! Ta đã làm kinh động đến nàng rồi…
– Thiên hạ này không ai có thể nghe thấy tiếng đàn của ta, làm sao chàng có thể nghe thấy được?
Chàng trai đứng dậy, ghé sát vào nàng thở ra những hơi êm dịu:
– Điều đó có quan trọng không? Một nhân duyên nào đó đã để ta nghe thấy tiếng nhạc của nàng chứ không phải những kẻ phàm phu?
Nàng đặt nhẹ bàn tay của chàng lên khuôn mặt nàng. Đôi môi… sống mũi… nét mi dài… Gan bàn tay chàng mát dịu khi đặt trên làn da mịn như phấn của nàng. Chàng không dám rời tay khỏi làn da ấy. Sợ một khắc rời tay cũng đủ khiến nàng biến mất giữa làn sương.

Có một điệu nhạc nào đang điều khiển đôi bàn tay của chàng, buông thả chúng như một dòng suối len lỏi qua khe núi. Dòng nước luồn vào đám tóc mây bồng bềnh, róc rách tuôn xuống vách dựng đứng khiến vách đá rùng mình lay động. Nước lại mạnh mẽ vượt qua những mô gò, tạo thành vòng xoáy vò nhẹ gỡ bỏ những lớp bụi trần còn vướng víu. Một khi bụi trần đã bị cuốn trôi, đá lạnh lộ ra tinh khôi và bí ẩn. Cả núi đá êm ái đổ xuống trước sự dịu dàng của nước.

Lần này nước xuyên thẳng vào lòng đá. Sự chạm nhau của hư không. Hơi thở của hai người … tiếng đứt tiếng nối hòa vào tiếng thì thào của rừng trúc. Chàng đặt lưng xuống nền đất được phủ bởi đống lá tàn ẩm mục, để mặc cho mười ngón tay mỏng mảnh tựa lá mơn man, đu đưa trên ngực. Trái tim của chàng phập phồng lên xuống bỗng ngừng thở khi đám mây tóc bồng bềnh khẽ lướt qua. Nàng bỗng lặng thinh phủ phục trên ngực chàng, một giọt nước buốt giá rơi xuống.
– Ta nhìn thấy quá khứ của chàng…
Chàng có một đôi mắt đẹp và sâu thẳm như màn đêm. Trong đêm với muôn người chìm trong giấc ngủ, những linh ảnh hiện về trong giấc mơ sẽ báo trước tương lai. Và những linh ảnh ấy cũng hiện lên trong đôi mắt của chàng mỗi khi chàng gặp mặt ai đó. Nhưng chẳng bao giờ chàng nhìn thấy những linh ảnh đẹp đẽ, chỉ thấy sự thống khổ, hủy diệt và một cõi miên viễn khôn cùng. Mỗi lần như vậy, sự vò xé tâm can lại khiến chàng chìm vào địa ngục vô hình.

Người đời đổ tội cho chàng vì những bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Họ ném đá, họ xua đuổi, họ nguyền rủa. Chàng trở thành một thứ yêu tinh tà ma. Chàng bỏ đi, tránh xa con người… nhưng nào có được yên. Họ truy bức chàng.

Một lần, chàng đến một hồ nước tĩnh lặng và trong vắt. Chàng lại gần nghỉ ngơi, vục mặt xuống nước để xua đi mệt mỏi. Làn nước dao động nhưng rồi cũng bất động dần, phẳng lặng như tấm gương mênh mông. Giữa nền trời xanh, khuôn mặt chàng hiện lên buồn bã. Và chàng nhìn kĩ, nhìn kĩ vào hai khóe mắt, dòng máu đỏ tươi tuôn trào. Chàng khẽ nhắm mắt lại định thần rồi ngẩng mặt nhìn lên bầu trời cao vời vợi. Chỉ có nhìn lên bầu trời chàng mới lấy lại cảm giác bình yên, vì chỉ nơi ấy mới không hiển hiện cái chết và khổ đau.

Bầu trời xanh chuyển dần sang màu sữa. Mặt trời chỉ còn là một vết hồng loang, cứ nhạt dần, chìm dần trong buổi chiều tà. Bóng tối bao phủ không gian! Sau lưng chàng lốm đốm nhiều đuốc lửa xô đẩy giữa tiếng chiêng khua trống đánh. Một đám người ập tới. Những cây gậy phang vào người chàng tới tấp khiến tấm áo vốn tồi tàn của chàng phải mục nát. Chàng bị đẩy ngã xuống nền cỏ, lá cỏ cứa vào da chàng đau nhói. Đột ngột, chàng rú lên một tiếng. Hai dòng máu đỏ lăn từ khóe mắt. Một kẻ nào đó đã đâm thẳng dùi nhọn vào đôi mắt bí ẩn của chàng.

Một cơn mưa rào ập tới bất ngờ. Đám người giật mình bỏ chạy, để mặc chàng lăn lộn trên đám cỏ. Dòng máu bị mưa quét xuống hồ và rồi tan loãng giữa đáy sâu không còn chút dấu vết. Nhưng đôi mắt của chàng vẫn chảy máu không dứt…

Lúc này, ngực chàng đầm đìa nước mắt của giai nhân. Nỗi đau của chàng dường như đã được xoa dịu như cơn mưa hôm nào xóa sạch vết máu. Vẫn những giọt nước tí tách rơi trên khắp cơ thể của chàng. Chàng giật mình ngồi dậy, quờ quạng giữa không trung. Chẳng phải nước mắt, chỉ là những giọt mưa.

Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Tiếng nước rơi lộp độp trên vòm lá trúc. Nếu chỉ là giấc mơ, sao cảm xúc dễ chịu này lại cứ miên man như vậy? Nếu đã là thực thì giai nhân lẽ nào lại tan biến giữa hư vô? Điệu nhạc trong mơ vẫn còn vảng vất đâu đó không đầy đủ giữa cõi tối mênh mang mà chàng đang chìm đắm. Chàng chống tay xuống đất để đứng dậy, tay chàng quờ phải một thân trúc rỗng. Ngạc nhiên, chàng cầm nó lên, một tay rờ thân trúc tìm kiếm. Chỉ có mấy cái lỗ đục dọc thân. Đó là một cây sáo. Chàng đưa lên môi, vẫn cái cảm giác như lúc chàng chạm vào khóe miệng nhỏ xinh của giai nhân.

Từ ấy, chàng quay trở lại nhân gian. Cây sáo trúc làm bạn với chàng. Những trầm luân của cõi trần được cất lên thành tiếng nhạc. Âm thanh của cây sáo kỳ diệu không sao kể hết. Nó không réo rắt như những cây sáo khác. Nó trầm như sương mà thanh nhẹ như gió. Nó len lỏi vào cõi lòng sâu kín nhất của con người và khơi cho ai đó một nỗi sầu từ thiên cổ.

Người ta đã quên mất kẻ có đôi mắt tà ma ngày trước. Họ chỉ còn mong mỏi tiếng sáo trúc cất lên từ chàng trai mù lang thang viễn du. Nhưng cũng đã lâu lắm rồi, chàng chẳng nhìn thấy linh ảnh nào.

Chàng đã chơi xong khúc nhạc, đám đông giãn dần rồi biến mất. Chàng tựa lưng vào bức vách nhà một ai đó, ôm cây sáo trong lòng. Những thang bậc cảm xúc còn rơi rớt lại cũng mờ mờ và tan vào tịch mịch. Những chấm mưa từ đâu lất phất đọng trên gò má của chàng. Chàng giật mình, một linh ảnh hiện lên. Rừng trúc đâu đó lẩn khuất giữa màn sương. Ký ức về giấc mộng thực ấy đã quay lại. Chàng thèm muốn một lần được nhìn thấy khuôn mặt của giai nhân, nhưng chàng nào có biết. Chàng đứng dậy quyết quay lại rừng trúc để tìm nàng, song chàng đâu có nhìn thấy đường tới đó. Phải làm sao đây? Đúng rồi, mỹ nữ nào cũng có hương thơm đặc trưng. Chàng sẽ đi tìm hương thơm ấy trên người của tất cả các cô gái trên thế gian. Chàng cố nhớ, cố hồi tưởng lại hương thơm. Chẳng có gì cả. Da thịt của nàng chỉ có mùi vị của một thứ nước tham đạm, một thứ khí tinh khiết…

Hơi gió luồn qua ống trúc… Bất chợt… chàng nở một nụ cười…

(10/2011)

Truyện đã đăng trong tập truyện ngắn Bên kia cánh cửa của Hà Thủy Nguyên, xuất bản năm 2013

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Con đường của trái tim



Từ courage (dũng cảm) rất hay. Nó bắt nguồn từ gốc Latin cor, có nghĩa là “trái tim.” Cho nên dũng cảm nghĩa là sống bằng trái tim. Và người yếu đuối, chỉ người yếu đuối thôi, mới sống bằng đầu; sợ hãi, họ tạo ra an ninh của logic quanh bản thân họ. Hoảng sợ, họ đóng mọi cửa sổ và cửa ra vào – bằng thượng đế học, khái niệm, từ ngữ, lí thuyết – và bên trong những cửa sổ và cửa ra vào đóng im ỉm đó, họ ẩn trốn.

Con đường của trái tim là con đường của dũng cảm. Đó là sống trong không an ninh; đó là sống trong tình yêu, và tin cậy; đó là đi vào trong cái không biết. Đó là việc rời bỏ quá khứ và cho phép tương lai hiện hữu. Dũng cảm là đi trên con đường nguy hiểm. Cuộc sống là nguy hiểm và chỉ kẻ hèn nhát mới có thể tránh nguy hiểm – nhưng thế thì họ đã chết rồi. Người sống, thực sự sống, sống sinh động, bao giờ cũng sẽ đi vào trong cái không biết. Có nguy hiểm ở đó, nhưng người đó sẽ nhận mạo hiểm. Trái tim bao giờ cũng sẵn sàng nhận mạo hiểm, trái tim là kẻ liều lĩnh. Cái đầu là doanh nhân. Cái đầu bao giờ cũng tính toán – nó tinh ranh. Trái tim không tính toán.

Từ tiếng Anh courage (dũng cảm) này thật hay, rất thú vị. Sống qua trái tim là khám phá nghĩa. Nhà thơ sống qua trái tim và, dần dần, trong trái tim ông ấy bắt đầu nghe thấy âm thanh của cái không biết. Cái đầu không thể nghe được; nó ở rất xa với cái không biết. Cái đầu chất đầy những cái đã biết.

Tâm trí bạn là gì? Nó là tất cả những điều bạn đã biết. Nó là quá khứ, cái chết, cái đã qua rồi. Tâm trí không là gì ngoài quá khứ được tích luỹ, kí ức. Trái tim là tương lai; trái tim bao giờ cũng hi vọng, trái tim bao giờ cũng ở đâu đó trong tương lai. Cái đầu nghĩ về quá khứ, trái tim mơ về tương lai.

Tương lai còn chưa tới. Tương lai còn chưa hiện hữu. Tương lai mới là khả năng – nó sẽ tới, nó đang tới rồi. Mọi khoảnh khắc tương lai đều trở thành hiện tại, và hiện tại trở thành quá khứ. Quá khứ không có khả năng nào, nó đã được dùng rồi. Bạn đã đi khỏi nó rồi – nó đã cạn kiệt, nó là thứ chết, nó giống như nấm mồ. Tương lai giống như hạt mầm; nó đang tới, luôn tới, bao giờ cũng đạt tới và gặp gỡ với hiện tại. Bạn bao giờ cũng chuyển động. Hiện tại không là gì ngoài việc chuyển vào tương lai. Nó là bước đi mà bạn đã lấy; nó đi vào tương lai.

MỌI NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI ĐỀU MUỐN LÀ THẬT bởi vì chỉ cái thật mới đem tới nhiều niềm vui thế và dư thừa thế của phúc lạc – sao người ta phải là giả? Bạn phải có dũng cảm để có cái nhìn sâu sắc hơn chút ít: Sao bạn sợ? Thế giới này có thể làm gì cho bạn? Mọi người có thể cười bạn; điều đó sẽ làm cho họ thoải mái – tiếng cười bao giờ cũng là thuốc, lành mạnh. Mọi người có thể nghĩ bạn điên… chỉ bởi vì họ nghĩ bạn điên, bạn đâu có trở thành điên.

Và nếu bạn là đích thực về niềm vui của mình, nước mắt của mình, điệu vũ của mình, chẳng chóng thì chầy sẽ có những người bắt đầu hiểu bạn, những người có thể bắt đầu tham gia cùng đoàn lữ hành của bạn. Bản thân tôi đã bắt đầu một mình trên con đường, và thế rồi mọi người cứ tới và nó trở thành đoàn lữ hành toàn thế giới! Mà tôi đã chẳng mời ai cả; tôi đơn giản đã làm bất kì điều gì tôi cảm thấy đang tới từ trái tim tôi.

Trách nhiệm của tôi là hướng tới trái tim tôi, không hướng tới bất kì ai khác trên thế giới. Cho nên trách nhiệm của bạn chỉ hướng tới bản thể riêng của bạn thôi. Đừng chống lại nó, bởi vì chống lại nó là tự tử, là tự phá huỷ bản thân bạn. Và lợi lộc gì? Cho dù mọi người có kính trọng bạn, và mọi người coi bạn là người rất đúng mực, đáng kính, đáng tôn vinh, những điều này sẽ chẳng nuôi dưỡng được cho bản thể bạn. Chúng không cho bạn bất kì cái nhìn nào thêm vào trong cuộc sống và cái đẹp vô biên của nó.

Bao nhiêu triệu người đã sống trước bạn trên trái đất này? Bạn thậm chí chẳng biết tới tên họ; họ đã từng sống hay không cũng chẳng tạo ra khác biệt gì. Đã có các thánh nhân và có các tội nhân, và đã có những người rất đáng kính trọng, và đã có đủ mọi loại lập dị, gàn dở, nhưng họ tất cả đã biến mất – thậm chí chẳng dấu vết nào còn lại trên trái đất.

Mối quan tâm duy nhất của bạn nên là chăm nom tới và bảo vệ cho những phẩm chất mà bạn có thể đem theo mình khi cái chết phá huỷ thân thể bạn, tâm trí bạn, bởi vì những phẩm chất này sẽ là người bạn đồng hành duy nhất của bạn. Chúng là những giá trị thực duy nhất, và những người đạt tới chúng – chỉ họ mới sống; những người khác chỉ giả vờ sống.

Nhân viên KGB gõ cửa nhà Yussel Finkelstein một đêm tối mù mịt. Yussel mở cửa. Nhân viên KGB xổ ra một tràng, “Yussel Finkelstein có sống ở đây không?”

“Không,” Yussel đáp, đứng đó trong bộ quần áo ngủ sờn rách.

“Không à? Thế tên anh là gì?”

“Yussel Finkelstein.” Viên KGB đấm anh ta ngã nhào xuống đất và nói, “Anh vừa nói rằng anh không sống ở đây phải không?”

Yussel đáp, “Ông gọi thế này mà là sống à?”

Chỉ sống thì không phải bao giờ cũng là sống. Nhìn vào cuộc sống của bạn đi. Bạn có thể gọi nó là phúc lành không? Bạn có thể gọi nó là món quà không, món quà của sự tồn tại? Bạn có muốn cuộc sống này cứ được trao đi trao lại cho bạn mãi không?

ĐỪNG NGHE THEO KINH SÁCH – nghe trái tim riêng của mình. Đó là kinh sách duy nhất tôi qui định: lắng nghe rất chăm chú, rất có ý thức, và bạn sẽ không bao giờ sai. Và khi nghe theo trái tim riêng của mình, bạn sẽ không bao giờ bị phân chia cả. Khi lắng nghe trái tim riêng của mình bạn sẽ bắt đầu đi theo hướng đúng, thậm chí không nghĩ tới điều gì là đúng và điều gì là sai.

Toàn thể nghệ thuật cho nhân loại mới sẽ bao gồm trong bí mật của việc lắng nghe theo trái tim một cách có ý thức, tỉnh táo, chăm chú. Và đi theo nó, đi tới bất kì chỗ nào nó đưa bạn tới. Vâng, đôi khi nó sẽ đưa bạn vào nguy hiểm – nhưng nhớ lấy, những nguy hiểm đó là cần để làm cho bạn trưởng thành. Đôi khi nó sẽ đem bạn đi lạc lối – nhưng lại nhớ, đi lạc lối đó là một phần của trưởng thành. Nhiều lần bạn sẽ ngã – lại đứng dậy, bởi vì đây là cách người ta thu lấy sức mạnh, bằng việc ngã và lại vươn lên. Đây là cách người ta trở nên được tích hợp.

Nhưng đừng theo các qui tắc bị áp đặt từ bên ngoài. Không qui tắc áp đặt nào đã bao giờ có thể đúng được – bởi vì các qui tắc được đặt ra do những người muốn cai trị bạn! Vâng, đôi khi đã có những người rất thông minh nữa – Phật, Jesus, Krishna, Mohammed. Họ đã không trao các qui tắc cho thế giới, họ đã đem cho tình yêu của mình. Nhưng chẳng chóng thì chầy các đệ tử tụ tập lại với nhau và bắt đầu làm ra qui tắc ứng xử. Một khi Thầy qua đời, một khi ánh sáng tắt rồi và họ đang trong bóng tối sâu sắc, họ bắt đầu dò dẫm tìm các qui tắc nào đó để theo, bởi vì bây giờ ánh sáng mà họ có thể thấy được đã không còn đó nữa. Bây giờ họ sẽ phải lệ thuộc vào các qui tắc.

Điều Jesus đã làm là việc thì thầm của trái tim ông ấy, còn điều người Ki tô giáo cứ làm là không thì thầm từ trái tim riêng của họ. Họ là những kẻ bắt chước – và khoảnh khắc bạn bắt chước, bạn xúc phạm tính nhân bản của mình, bạn xúc phạm Thượng đế của mình.

Đừng bao giờ là kẻ bắt chước, bao giờ cũng là nguyên bản. Đừng trở thành bản sao. Nhưng đó là điều đang xảy ra trên khắp thế giới này – toàn các bản sao với bản sao.

Cuộc sống thực sự là điệu vũ nếu bạn là nguyên bản – và bạn được ngụ ý là nguyên bản. Nhìn Krishna khác biệt làm sao với Phật. Nếu Krishna theo Phật thì chúng ta đã bỏ lỡ mất một trong những người đẹp nhất trên trái đất này. Hay nếu Phật theo Krishna, ông ấy sẽ chỉ là một mẫu vật nghèo nàn. Cứ thử nghĩ Phật đang thổi sáo mà xem! – ông ấy sẽ quấy rối giấc ngủ của nhiều người, ông ấy đâu có phải là người thổi sáo. Cứ thử nghĩ Phật đang nhảy múa; điều đó trông kì cục thế, ngớ ngẩn.

Và cùng điều đó cũng hệt như trường hợp với Krishna. Ngồi dưới gốc cây mà không có sáo, không có vòng mũ lông công, không có quần áo đẹp – chỉ ngồi như kẻ ăn xin dưới gốc cây với mắt nhắm nghiền, chẳng ai nhảy múa xung quanh ông ấy, chẳng điệu vũ nào, chẳng bài ca nào – và Krishna sẽ trông đáng thương thế, nghèo nàn thế. Phật là Phật, Krishna là Krishna, và bạn là bạn. Và bạn theo bất kì cách nào cũng không kém hơn bất kì ai khác. Kính trọng bản thân mình đi, kính trọng tiếng nói bên trong riêng của mình và tuân theo nó.

Và nhớ, tôi không đảm bảo với bạn rằng điều đó bao giờ cũng dẫn bạn đi đúng đâu. Nhiều lần nó sẽ dẫn bạn đi sai, bởi vì để đi tới cánh cửa đúng người ta trước hết phải gõ lên nhiều cánh cửa sai. Đó là cách nó thế đấy. Nếu bạn ngẫu nhiên loạng choạng vớ phải cánh cửa đúng, bạn sẽ không thể nào nhận ra được rằng nó là đúng. Cho nên nhớ, trong quyết toán tối thượng không nỗ lực nào bị phí hoài cả; mọi nỗ lực đều đóng góp cho đỉnh cao tối thượng của trưởng thành của bạn.

Cho nên đừng ngần ngại, đừng lo nghĩ quá nhiều về việc đi sai. Đó là một trong các vấn đề: mọi người đã được dạy đừng bao giờ làm bất kì cái gì sai, và thế rồi họ trở nên ngần ngại, sợ hãi, kinh hoàng khi làm điều sai, đến mức họ trở nên bị mắc kẹt. Họ không thể chuyển động được, cái gì đó sai có thể xảy ra. Cho nên họ trở thành giống như tảng đá, họ đánh mất mọi chuyển động.

Cứ phạm thật nhiều sai lầm có thể có, chỉ cần nhớ một điều: đừng phạm phải cùng một sai lầm mãi. Và bạn sẽ trưởng thành. Đi lạc lối là một phần của tự do của bạn; thậm chí đi ngược lại Thượng đế cũng là một phần của chân giá trị của bạn. Và đôi khi ngay cả việc đi ngược lại Thượng đế cũng là điều hay. Đây là cách bạn sẽ bắt đầu có xương sống; bằng không, có hàng triệu người, không xương sống.

Quên mọi điều bạn đã từng được bảo, “Cái này đúng và cái này sai.” Cuộc sống không cố định như vậy. Điều là đúng hôm nay có thể sai ngày mai, điều sai vào khoảnh khắc này có thể đúng vào khoảnh khắc tiếp. Cuộc sống không thể bị phân loại như vậy; bạn không thể dán nhãn cho nó dễ dàng thế, “Cái này đúng và cái này sai.” Cuộc sống không phải là cửa hiệu của nhà hoá học nơi mọi cái chai đều được dán nhãn và bạn biết cái gì là cái gì. Cuộc sống là điều bí ẩn: khoảnh khắc này cái gì đó khớp và thế rồi nó đúng; khoảnh khắc khác, bao nhiêu nước đã trôi xuôi qua sông Hằng đến mức nó không còn khớp nữa và nó sai.

Định nghĩa của tôi về đúng là gì? Cái hài hoà với sự tồn tại là đúng, còn cái không hài hoà với sự tồn tại là sai. Bạn sẽ phải rất tỉnh táo từng khoảnh khắc, bởi vì điều đó phải được quyết định từng khoảnh khắc tươi mới. Bạn không thể phụ thuộc vào những câu trả lời đã làm sẵn về cái gì đúng và cái gì sai. Chỉ người ngu mới phụ thuộc vào các câu trả lời làm sẵn bởi vì thế thì họ không cần thông minh, không có nhu cầu. Bạn đã biết cái gì là đúng và cái gì là sai, bạn có thể nhớ danh sách đó; danh sách đó không to lớn gì.

Mười lời răn – đơn giản thế! – bạn biết cái gì là đúng và cái gì là sai. Nhưng cuộc sống cứ thay đổi liên tục. Nếu Moses quay lại, tôi cho rằng ông ấy sẽ không cho bạn cùng mười lời răn đó đâu – ông ấy không thể cho được. Sau ba nghìn năm, làm sao ông ấy có thể cho bạn cùng những lời răn đó được? Ông ấy sẽ phải phát minh ra cái gì đó mới.

Nhưng hiểu biết riêng của tôi là thế này, rằng bất kì khi nào lời răn được trao, chúng tạo ra khó khăn cho mọi người bởi vì vào lúc chúng được trao thì chúng đã lạc hậu rồi. Cuộc sống chuyển động quá nhanh; nó năng động, nó không tĩnh tại. Nó không phải là cái ao tù đọng, nó là sông Hằng, nó cứ tuôn chảy. Nó chưa bao giờ là như nhau cho hai khoảnh khắc kế tiếp. Cho nên một điều có thể đúng vào khoảnh khắc này, và có thể không đúng vào khoảnh khắc tiếp.

Thế thì phải làm gì? Điều có thể duy nhất là làm cho mọi người nhận biết rằng bản thân họ có thể quyết định được cách đáp ứng với cuộc sống thay đổi.

Một câu chuyện Thiền:

Có hai ngôi chùa, đối kháng nhau. Cả hai vị thầy – họ phải đã là những người được gọi là thầy duy nhất, phải thực sự là các sư – chống đối lẫn nhau nhiều đến mức họ bảo các tín đồ của mình đừng bao giờ ngó sang ngôi chùa kia.

Từng sư đều có một chú tiểu phục vụ mình, đi kiếm mọi thứ về cho ông ta, làm việc vặt. Sư của chùa thứ nhất bảo với chú tiểu của mình, “Chớ bao giờ nói với chú tiểu kia đấy. Những người đó là nguy hiểm.”

Nhưng trẻ con vẫn cứ là trẻ con. Một hôm chúng gặp nhau trên đường, và chú tiểu của ngôi chùa thứ nhất hỏi chú tiểu kia, “Đằng ấy đi đâu đấy?”

Chú tiểu kia trả lời, “Tới bất kì đâu gió đưa tớ tới.” Nó phải đã lắng nghe những điều nói về Thiền lớn lao trong chùa; nó nói, “Tới bất kì đâu gió đưa tớ tới.” Một phát biểu vĩ đại, Đạo thuần khiết.

Nhưng chú tiểu thứ nhất lại rất lúng túng, bực mình, và nó lại không thể tìm được cách trả lời chú tiểu kia. Thất vọng, tức giận, và cũng thấy mặc cảm… “Thầy mình đã dặn đừng có nói với những kẻ này. Những người này thực sự nguy hiểm. Bây giờ, đây là loại câu trả lời gì? Nó làm bẽ mặt mình.”

Nó đi tới thầy nó và kể với thầy điều đã xảy ra: “Con rất ân hận là con đã nói với nó. Thầy đúng lắm, những người đó thật là kì lạ. Đây là loại câu trả lời gì vậy? Con đã hỏi nó, ‘Đằng ấy đi đâu đấy?’ – một câu hỏi đơn giản, chính thức – và con biết nó cũng đi ra chợ, cũng như con đi ra chợ. Nhưng nó lại nói, ‘Tới bất kì chỗ nào gió đưa tớ tới.'”

Thầy nói, “Ta đã dặn con rồi, mà con không chịu nghe. Bây giờ nghe đây, ngày mai, con đứng ở cùng chỗ đó lần nữa đi. Khi nó tới, hỏi nó, ‘Đằng ấy đi đâu đấy?’ và nó sẽ nói, ‘Tới bất kì đâu gió đưa tớ tới.’ Thế thì con cũng triết lí thêm một chút nữa. Nói, ‘Nếu đằng ấy không có chân, thì sao?’ – bởi vì linh hồn là vô thân thể và gió không thể đem linh hồn đi bất kì đâu được – ‘Thế thì sao?’”

Chú tiểu này muốn tuyệt đối sẵn sàng; cả đêm chú lặp đi lặp lại câu trả lời đó mãi. Rồi sáng hôm sau từ rất sớm chú đã ra đó rồi, đứng ở ngay chỗ đó, và vào đúng giờ chú tiểu kia tới. Chú tiểu này sướng lắm, bây giờ nó sẽ cho cậu kia biết triết lí thực là gì. Thế là nó hỏi, “Đằng ấy đi đâu đấy?” Và nó chờ đợi…

Nhưng chú tiểu kia lại nói, “Tớ đi chợ mua rau đây.”

Bây giờ, phải làm gì với triết lí mà chú tiểu này đã học rồi đây?

Cuộc sống giống như vậy đó. Bạn không thể chuẩn bị cho nó được, bạn không thể sẵn sàng cho nó được. Đó là cái đẹp của nó, đó là điều kì diệu của nó; rằng nó bao giờ cũng đem bạn vào cái không nhận biết; nó bao giờ cũng tới như điều bất ngờ. Nếu bạn có mắt bạn sẽ thấy rằng từng khoảnh khắc đều là điều bất ngờ và không câu trả lời làm sẵn nào là áp dụng được.

Osho

Bàn về sự tự sát



Như tôi được biết, chả có ai ngoài những tín đồ sùng bái chủ nghĩa độc thần, giống như đạo Do Thái, xem việc tự sát là 1 tội lỗi. Đáng chú ý hơn là vì người ta lại không tìm thấy bất cứ trong cả Kinh Cựu Ứớc lẫn Tân Ước sự cấm cản hay phản đối rõ ràng nào, vì vậy những thầy dạy giáo lý bị thúc ép phải dựa vào sự kết tội đối với tự sát trên những nền tảng triết lý mà tự họ sáng tạo ra.

Những điều như vậy thì quá tệ đến nỗi những triết gia của tôn giáo loại này cố gắng điểm xuyết cho sự yếu ớt trong các lập luận bằng những từ ngữ mạnh mà họ dùng để bày tỏ sự kinh tởm dành cho hành vi ( tự sát), nói cách khác, họ phỉ báng điều này.

Tự sát như tôi đã nói trên thực tế bị coi là 1 tội lỗi; và đặc biệt lại là 1 thứ tội do sự mù quáng đáng khinh phổ biến ở Anh quốc, theo sau đó là 1 lễ chôn cất ô nhục và việc tịch biên tài sản của người quá cố; vì lí do này mà trong trường hợp tự tử, bồi thẩm đoàn hầu như là sẽ luôn đưa ra lời phán quyết cho hành động rồ dại .

Giờ thì hãy để cho độc giả tự mình quyết định dựa trên cảm giác đạo đức xem liệu tự sát có phải là 1 hành vi phạm tội hay không. Bạn hãy nghĩ về cái ấn tượng mà bạn có được sau khi biết tin ai đó đã phạm tội, ví dụ như giết người hay trộm cắp, hay gây ra những hành động tàn nhẫn tội hoặc lừa đảo; sau đó làm 1 sự so sánh với cái cảm giác khi bạn nghe tin người đó đã quyên sinh.

Trong trường hợp đầu tiên, ngay tức thì cảm giác phẫn nộ và oán hận cực độ sẽ dâng lên và bạn sẽ kêu đòi toáng lên 1 sự trừng phạt hoặc trả thù, trong trường hợp còn lại, bạn sẽ sa vào mối ưu sầu và đồng cảm; rồi thì suy nghĩ lẫn lộn của bạn sẽ biến thành sự ngưỡng mộ dành cho sự dũng cảm hơn là sự phản đối về mặt đạo đức theo sau 1 hành vi xấu xa.

Ai không có người quen, bạn bè, các mối quan hệ, người sở hữu sự tự do nội tại sẽ lìa bỏ được trần thế này; có phải họ là những người bị qui cho bằng sự kinh tởm là những kẻ phạm tội? Rõ ràng là không, tôi cho rằng người ta nên thử thách giới tăng lữ bằng việc bắt họ lý giải vì sao họ có quyền thuyết giáo, hoặc giả sử dụng ngòi bút để dán nhãn hành vi phạm tội lên nhiều người mà chúng ta cho là đang chìm trong tật bệnh hoặc khiếp hãi đã phải phạm tội; sau đó lại khước từ việc mai táng danh dự đối với những người đã tự nguyện từ bỏ thế giới này.

Họ không có quyền uy thánh kinh để khoác lác chẳng hạn như thanh minh cho việc kết tội tự sát; hơn thế, thậm chí bất cứ những lập luận triết lý nào đều đều tỏ ra là vô nghĩa; cho nên phải hiểu rằng đó là tất cả lí lẽ chúng ta cần và rằng chúng ta phải trì hoãn chỉ những cụm từ hoặc từ ngữ có ý lăng mạ.

Nếu luật pháp ngăn cấm tự sát, nghĩa là lí lẽ vững chắc thuộc về giáo hội; và bên cạnh đó, việc ngăn cấm trở nên lố bịch vì hình phạt nào lại có thể làm kinh sợ người không khiếp hãi trước cái chết? Nếu luật định trừng phạt người đang cố thực hiện hành vi tự sát thì nó cũng đang trừng phạt nhu cầu thuộc về kỹ năng khiến cho nỗ lực đó thất bại.

Vả chăng, người xưa rất khác biệt khi lưu tâm đến vấn đề trên cùng phương diện. Plini tuyên bố: Cuộc đời không phải là điều đáng mơ ước để chúng ta kéo dài nó bằng mọi giá. Dù anh là ai thì chắc chắn rằng anh sẽ phải chết, thậm chí đời anh chỉ toàn những sự tởm lợm và tội ác. Phương thuốc chính để cứu chữa tinh thần bấn loạn đó là hãy cảm giác rằng trong số những phúc lành mà Hóa Công ban tặng cho con người thì không gì tốt hơn là 1 cái chết đúng thời điểm; và tốt nhất là người ta có thể tận dụng điều đó.

Cùng thời điểm, 1 triết gia khác cũng tuyên bố: Ngay cả Thượng đế cũng không là điều gì khả hữu vì Ngài không thể hiểu được cái chết của mình, nếu Ngài muốn chết vì tất thảy những khốn khổ của trần thế thì đó là món quà tuyệt nhất mà Ngài trao lại cho con người.

Hơn thế, ở Massila và và trên đảo Ceos, người có thể đưa ra những lý lẽ chắc chắn để tự sát, thì sẽ được quan tòa trao cho 1 chén độc cần và chuyện đó diễn ra công khai.

Thời cổ đại, biết bao anh hùng và các vị thông thái đã chọn cái chết tự nguyện. Chính Aristotes đã tuyên bố rằng tự sát là hành vi phạm tội chống lại nhà nước, mặc dầu nó không chống lại con người ; nhưng trong bài trình bày của Stobaeus về trường phái triết học tiêu dao, có những nhận xét như sau: bậc thiện giả nên đoạn tuyệt cuộc sống khi sự bất hạnh trở nên quá lớn; kẻ tà ác, cũng nên như vậy khi hắn quá đỗi sung sướng.

Tương tự : Thế là hắn ta sẽ kết hôn, nuôi con và tham gia các hoạt động của nhà nước, nói chung là thực hành đạo đức và tiếp tục sinh tồn và rồi hơn nữa, nếu cần thiết, vào những thời điểm mà cảnh khốn cùng dồn ép, hắn sẽ khởi hành đi về nơi nương trú trong lòng mộ huyệt.

Chúng ta thấy là thậm chí những người theo thuyết khắc kỷ còn ca ngợi sự tự sát, xem đó là hành động anh hùng và cao quí, hàng trăm đoạn văn được viết ra; trong những tác phẩm của Seneca, người thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ điều này.

Như chúng ta đã biết, những người Hin-đu nhìn nhận sự tự sát như là 1 hành động mộ đạo, đặc biệt dưới hình thức quyên sinh của những quả phụ; nhưng đồng thời bao gồm trong cả hành động lao mình vào bánh xe của thần Gia-ga-nát, hoặc hiến xác cho cá sấu sông Hằng, hoặc giả trầm thân xuống bể nước thánh tại các đền thờ..

Điều tương tự diễn ra trên sân khấu- tấm gương của cuộc đời. Gỉa tỉ như trong vở L’Orphelin de la Chine (1) một vở nổi tiếng của Trung Quốc, hầu hết tất cả các nhân vật cao quí đều tự sát; không có những lời bóng gió nhẹ nhàng nhất, cũng không có bất cứ ấn tượng nào đến với khán giả rằng các nhân vật đã gây ra tội ác.

Và ngay trong nền kịch nghệ của chúng ta cũng có nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như trong vở Mahomet hay Mortimer trong vở Maria

Stuart, Othello, bá tước Terzky. Cuộc độc thoại của Hamlet phải chăng là sự suy tưởng của 1 tội đồ? Anh ta chỉ đơn thuần tuyên bố rằng con người chắc hẵn sẽ bị tiêu ma, bởi cái chết sẽ vô cùng hợp lẽ đối với cuộc đời. Vấn đề nằm ở đây.

Lý do đưa ra để chống việc tự tử của giới tăng lữ đạo độc thần, nói cách khác là các tôn giáo Do Thái, và của những triết gia nhại theo, chỉ là những ngụy biện yếu ớt dễ dàng bị bẻ gẫy.

Việc bác bỏ hoàn toàn những điều đó được Hume đưa ra trong tập Tiểu luận về sự tự tử.

Mãi sau khi ông chết, tiểu luận đó mới xuất hiện, ngay tức thì người ta đình bản do sự cố chấp đáng hổ thẹn và thói độc đoán thái quá của giáo hội thịnh hành ở Anh quốc; do vậy chỉ 1 số ít những bản chép lại được bán ra một cách bí mật và có giá rất cao.

Tiểu luận này cùng với những khảo luận của con người vĩ đại đó đến được với chúng ta từ Basle, và chúng ta phải biết ơn cho việc tái bản nó. Đó là sự sỉ nhục cho nước Anh vì rằng 1 khảo luận triết học thuần túy được viết ra bởi 1 trong những triết gia và nhà văn đầu tiên trên đất Anh, hướng tới bác bỏ những luận cứ đương thời chống lại sự tự tử, lại bị buộc phải lưu truyền lén lút ngay trên đất nước ấy như thể đó là 1 ấn phẩm đồi bại, mãi rồi nó cũng tìm thấy nơi ẩn tránh trên lục địa châu Âu.

Đồng thời nó cũng cho thấy giáo hội thiện tâm ra sao trong những vấn đề như vậy.

Trong tác phẩm chính của mình, tôi đã lý giải lý do đúng đắn duy nhất chống lại hành vi tự tử dựa trên căn cứ của cái chết.

Nó là thế này: sự tự tử làm ngăn trở việc đạt được cứu cánh đạo đức tối hậu, vì rằng một sự giải thoát đích thực khỏi cõi trần vì khổ đau thì chỉ đơn thuần là sự thay thế mà thôi. Nhưng sai lầm đối với tội lỗi này là sự gào thét quá lố; và tự tử lại bị giới tăng lữ của Cơ Đốc giáo và chúng ta qui cho là tội lỗi.

Thật ra thì cốt lõi trong giáo lý Cơ Đốc, sự chịu đựng – Thập giá – là cùng đích đích thực và mục tiêu của đời người.Cho nên Cơ Đốc giáo kết tội sự tự tử , coi đó là sự ngăn trở đối với mục đích này; ngược lại trong xã hội cổ đại với quan điểm dễ chịu hơn, lại chấp nhận chuyện đó, hơn thế còn là trong niềm vinh dự. Nhưng nếu điều đó được xem là lý lẽ chắc chắn chống lại sự tự sát thì nó hẳn sẽ đòi hỏi phải thừa nhận chủ nghĩa khổ hạnh; nói cách khác, nó đúng chỉ vì những quan điểm đạo đức cao đẳng hơn là được thừa nhận bởi những triết gia luân lý châu Âu.

Nếu chúng ta bác bỏ quan điểm quan trọng đó thì sẽ không có lý lẽ nào trụ vững được, dựa trên luận điểm về cái chết, nhằm kết tội sự tự tử. Nghị lực phi thường và lòng nhiệt huyết mà giới tăng lữ thờ đạo độc thần công kích sự tự tử không được ủng hộ ngay cả trong những đoạn viết trong kinh Thánh hoặc trong những luận cứ có sức nặng; cho nên cứ như thể là bọn họ hẳn phải thủ đắc được đôi ba những lý lẽ bí mật trong các luận điểm không bằng.

Có lẽ không phải việc đầu hàng vô điều kiện trước số mệnh là sự khen ngợi xấu xa dành cho con người khi hắn nói rằng mọi thứ đang rất tốt? Nếu như vậy thì hẳn phải đưa ra 1 thí dụ khác cho thứ lạc quan luận thô lậu của những tôn giáo đó – lên án tự tử để trốn chạy khỏi bị lên án.

Thường thì ngay khi nỗi kinh hoàng đối với cuộc sống chạm đến điểm đích thì nó sẽ vượt qua ngưỡng kinh sợ cái chết, con người sẽ tự mình chấm dứt cuộc đời. Nhưng nỗi sợ chết sẽ tạo ra sự kháng cự; chúng đứng như những lính canh trên ngưỡng cửa rời bỏ cuộc sống này.

Có lẽ không có người nào còn có thể sống sót khi đã đặt dấu chấm hết đối cuộc đời, nếu cái kết này thuần túy là 1 ý chí kháng cự thì 1 anh chàng sinh viên sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình. Có vài điểm xác quyết; đó là sự hủy hoại cơ thể; con người kinh sợ điều đó bởi vì cơ thể hắn ta là biểu thị cho ý chí sinh tồn.

Tuy nhiên, cuộc đấu với tên lính canh đó, như 1 luật định, không quá khó khăn vì dường như là quá mơ hồ xa xăm, chủ yếu dựa trên hậu quả của sự kháng cự giữa tật bệnh của cơ thể và tật bệnh của tinh thần. Nếu chúng ta bị 1 cơn đau thể xác khủng khiếp hoặc cơn đau kéo dài, chúng ta sẽ trở nên bàng quan với rắc rối của kẻ khác; tất cả những gì chúng ta nghĩ đến là làm sao cho đỡ hơn.

Tương tự, sự chịu đựng lớn lao về mặt tinh thần sẽ khiến chúng ta mất cảm giác đối với nỗi đau thể xác; chúng ta coi khinh nó, không những thế, nếu nó vượt quá điều này, nó sẽ làm chúng ta loạn trí, và rồi chúng ta chào đón nó như 1 khoảng dừng trong nỗi đau tinh thần. Chính cảm giác này khiến cho việc tự tử trở nên dễ dàng; vì nỗi đau thể xác theo cùng với nó đã đánh mất tầm quan trọng trong con mắt của những người bị tra tấn bởi sự quá độ của những nỗi đau tinh thần.

Đặc biệt, có những bằng cớ trong những trường hợp bị thúc đẩy đi đến hành vi tự sát bởi 1 số ý nghĩ thuần túy bệnh hoạn và cực kỳ cáu kỉnh. Không cần thiết phải tạo ra nỗ lực đặc biệt nào để vượt qua cảm giác của họ, hoặc giả những người như vậy cần đến sự kích động để thực hiện; nhưng ngay khi người lính gác dời đi đôi ba phút là họ nhanh chóng chấm dứt cuộc đời.

Trong những giấc mơ hãi hùng và kinh sợ, chúng ta được tiếp xúc với những khoảnh khắc ghê rợn nhất, nó đánh thức chúng ta; bằng cách trục xuất tất cả những bóng ma gớm guốc xuất hiện trong giấc mơ. Cuộc đời tựa như 1 giấc mơ: là khi khoảnh khắc kinh hãi nhất bắt chúng ta phải chấm dứt nó, điều tương tự xảy đến như vậy.

Tự sát cũng có thể được xem như 1 thử nghiệm- 1 vấn đề mà con người đặt ra cho Tạo Hóa, cố thúc ép Tạo Hóa trả lời. Câu hỏi là “Cái chết sẽ thay đổi điều gì trong sự hiện tồn của con người và trong thị kiến của hắn ta vào bản chất của vạn vật? Đó là 1 thử nghiệm vụng về; vì rằng nó kéo theo sự hoại rữa của chính ý thức mà ý thức chính là thứ đã đặt ra câu hỏi và chờ đợi câu trả lời.

Trịnh Ngọc Thìn dịch

Chú thích của người dịch:

(1) L’Orphelin de la Chine là vở kịch của Voltaire viết vào năm 1753, dựa trên vở kịch nổi tiếng đời nhà Nguyên Con côi nhà họ Triệu của Kỷ Quân Trường

Dịch từ THE ESSAYS OF ARTHUR SCHOPENHAUER – STUDIES IN PESSIMISM (Volume Four), A PENN STATE ELECTRONIC CLASSICS SERIES PUBLICATION.