Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Đạo của vật lý - Chương 10: Tính nhất thể của vạn sự

PHẦN III
CÁC TƯƠNG ĐỒNG


Mặc dù các truyền thống đạo học được mô tả trong năm chương trước có khác nhau về chi tiết, nhưng thế giới quan của họ chủ yếu chỉ là một. Đó là quan niệm xuất phát từ sự chứng thực tâm linh. Sự chứng thực trực tiếp, phi lý luận này về thực tại có nhiều nét giống nhau, chúng độc lập với đặc điểm địa lý, lịch sử hay nền tảng văn hóa.

Một nhà Ấn Độ giáo hay Lão giáo có thể nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau về sự chứng thực; có thể một Phật tử Nhật Bản biểu hiện kinh nghiệm của mình khác hẳn với Phật tử ấn Độ, thế nhưng những yếu tố cơ bản của thế giới quan trong mọi truyền thống này là giống nhau. Những yếu tố này dường như cũng là cơ sở của thế giới quan xuất phát từ vật lý hiện đại.

Đặc điểm quan trọng nhất của thế giới quan phương Đông là - ta có thể nói cốt tuỷ của nó - ý thức về tính nhất thể và mối tương quan của mọi sự vật và mọi biến cố, nhận thức rằng mọi hiện tượng trong thế giới đều là biểu hiện của một thực thể cơ bản duy nhất. Tất cả mọi sự vật đều được xem như có liên quan với nhau và là thành phần bất khả phân của một cái toàn thể trong vũ trụ, là những hiện thân khác nhau của một thực tại cuối cùng. Các truyền thống phương Đông đều căn cứ trên thực tại cuối cùng này, một thực tại không thể phân chia, nó xuất hiện trong mọi thứ, và tất cả mọi vật đều là thành phần của nó. Trong ấn Độ giáo, thực tại đó được gọi là Brahman, trong Phật giáo là Pháp thân, trong Lão giáo là Đạo. Vì nó đứng ngoài mọi khái niệm và phân loại nên Phật giáo gọi nó là Chân Như hay Cái là như thế:

Tâm chân như là tâm tánh bất sinh bất diệt. Thể và tướng của nó to lớn bao trùm tất cả các pháp.

Trong đời sống hàng ngày ta không thấy tính nhất thể của sự vật mà chia thế giới ra thành vật thể và biến cố riêng lẻ. Sự chia chẻ này hiển nhiên là có ích và cần thiết để có thể giải quyết công việc hàng ngày, nhưng nó không đúng với tính chất cơ bản của thực tại. Đó là một quá trình trừu tượng hóa của đầu óc phân biệt và xếp loại của ta, một ảo giác. Ấn Độ giáo và Phật giáo cho rằng ảo giác này là do vô minh mà ra, thứ vô minh làm óc ta bị huyễn thuật chi phối. Do đó, mục đích đầu tiên của truyền thống đạo học phương Đông là sửa lại đầu óc cho đúng, bằng cách thiền quán và tĩnh lặng. Từ Sanskrit của thiền quán là Samadhi, có nghĩa sự thăng bằng tâm linh. Nó nói đến trạng thái, trong đó con người chứng thực được sự nhất thể với vũ trụ:

Khi thể nhập được tâm thanh tịnh thì Bồ Tát đạt tri kiến viên mãn và chứng được nhất thể của Pháp giới.

Tính nhất thể căn bản này cũng là một trong những phát hiện quan trọng nhất của nền vật lý hiện đại. Nó hiện rõ trong lĩnh vực nguyên tử và biểu hiện càng rõ hơn nữa khi ta nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực vật chất, đi xuống tầng lớp của hạt hạ nguyên tử. Tính nhất thể của mọi sự và của mọi biến cố luôn luôn xuất hiện khi ta so sánh vật lý hiện đại và đạo học phương đông. Khi nghiên cứu những mô hình của vật lý hạ nguyên tử, ta thấy chúng luôn luôn phát biểu bằng nhiều cách khác nhau, dẫn đến một kiến giải duy nhất: đó là các thành phần vật chất và những hiện tượng tham gia, tất cả đều nằm trong một mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau; chúng không thể được xem là đơn vị độc lập, mà là thành phần bất khả phân của một cái toàn thể.

Trong chương này tôi sẽ dựa trên phân tích và quan sát thuyết lượng tử để trình bày mối tương quan trong thiên nhiên.

Trước hết tôi xin trở lại sự phân biệt giữa cơ cấu toán học của một lý thuyết và cách lý giải bằng ngôn từ của nó. Cơ cấu toán học của thuyết lượng tử đã được nhiều thí nghiệm khẳng định và được thừa nhận là nhất quán và chính xác để mô tả tất cả các hiện tượng nguyên tử. Thế nhưng cách lý giải bằng ngôn từ của nó, tức là ý - nghĩa triết học của thuyết lượng tử lại chưa có một cơ sở vững chắc. Thực tế là nhà vật lý suốt hơn bốn mươi năm qua chưa đưa ra được một mô hình triết lý rõ rệt về nó.

Các thảo luận sau đây dựa trên phép lý giải của trường phái Copenhagen về thuyết lượng tử, trường phái do Bohr và Heisenberg triển khai trong cuối những năm hai mươi mà vẫn còn được xem là mô hình được thừa nhận nhất. Sau đây tôi dựa vào báo cáo của Henry Stapp của đại học California. Báo cáo đã đề cập đến một số khía cạnh của lý thuyết này, đến một loại thí nghiệm nhất định mà ta thường gặp trong vật lý hạ nguyên tử. Bản báo cáo của Stapp chỉ rõ, thuyết lượng tử cho thấy một mối liên hệ then chốt trong thiên nhiên và nó cũng đặt thuyết này vào một khuôn khổ có thể mở rộng cho mô hình tương đối của hạ nguyên tử mà ta sẽ thảo luận sau.

Điểm xuất phát của trường phái Copenhagen là sự phân chia thế giới cơ lý ra hai hệ thống: một hệ thống được quan sát và hệ thống quan sát. Hệ thống được quan sát có thể là một nguyên tử, một hạt hạ nguyên tử, một quá trình trong thế giới nguyên tử v.v… Hệ thống quan sát gồm có các máy móc quan sát, gồm một hay nhiều quan sát viên. Điều này dẫn đến cái khó cơ bản là hai hệ thống này được “đối xử” khác nhau. Hệ thống quan sát thì được mô tả bằng ngôn từ của vật lý cổ điển, thế nhưng các ngôn từ này lại không phù hợp để mô tả hệ thống được quan sát. Chúng ta biết rằng khái niệm của vật lý cổ điển là không đủ nhất quán để mô tả bình diện nguyên tử, thế nhưng ta phải dùng nó để trình bày thí nghiệm và xử lý kết quả. Mối mâu thuẫn này không có lời giải. Ngôn ngữ kỹ thuật của vật lý cổ điển chỉ là ngôn ngữ bình thường có thêm chút tinh tế, và nó là ngôn ngữ duy nhất mà ta có thể dùng để lý giải, trình bày kết quả thí nghiệm.

Hệ thống được quan sát được mô tả trong thuyết lượng tử dưới dạng xác suất. Điều đó là có nghĩa là ta không bao giờ nói được một cách chắc chắn vị trí của một hạt đang ở đâu, cũng không nói được một tiến trình nguyên tử sẽ xảy ra thế nào. Thí dụ, những hạt hạ nguyên tử mà ta biết hiện nay, phần lớn chúng không ổn định, có nghĩa là sau một thời gian chúng sẽ tự phân hủy thành những hạt khác. Thế nhưng ta không tiên đoán được thời gian này là bao lâu. Ta chỉ có thể nói về xác suất phân hủy sau một thời gian nhất định, cụ thể hơn, ta chỉ biết được thời gian sống trung bình của một số lớn hạt đó là bao nhiêu. Tương tự như thế ta chỉ nói về xác suất của tiến trình phân hủy của chúng. Nhìn chung, một hạt thiếu ổn định có thể phân hủy biến thành nhiều cách phối hợp khác nhau của những hạt khác, và ta lại không biết hạt đó sẽ mang hình dáng phối hợp nào. Chúng ta chỉ có thể tiên đoán, trong một số lượng lớn các hạt thì khoảng 60% của chúng sẽ chuyển ra thế này, 30% sẽ chuyển ra thế khác và 10% sẽ chuyển theo kiểu thứ ba. Rõ ràng là người ta phải đo lường rất nhiều mới có một bảng thống kê nhằm xác định kết quả. Và trong các cuộc thí nghiệm của các hạt va chạm nhau với tốc độ cao, thì thực tế có hàng chục ngàn hạt va chạm nhau được ghi nhận và phân tích để xác định xác suất của một tiến trình nhất định.

Thế nhưng điều quan trọng cần biết là, sự phát biểu có tính thống kê về qui luật của vật lý nguyên tử và hạ nguyên tử không hề nói lên sự mơ hồ của ta về tiến trình cơ lý này, như sự dự đoán xác suất của các hãng xưởng chuyên ngành bảo hiểm hay trò chơi may rủi. Trong thuyết lượng tử, ta đã thừa nhận tính xác suất là tính chất căn bản trong vật thể của thế giới nguyên tử, nó điều hành mọi tiến trình, thậm chí nó quyết định vật chất có tồn tại hay không. Trong thế giới nguyên tử, hạt không hiện hữu một cách chắc chắn nơi một vị rí nhất định, mà nó chỉ có khả năng hiện hữu và tiến trình nguyên tử cũng không nhất thiết phải xảy ra trong một thời điểm hay một cách thế nhất định, nó chỉ có khả năng xảy ra.

Thí dụ, không thể nói chắc chắn rằng liệu một eletron nằm ở đâu trong nguyên tử tại một thời điểm nhất định. Vị trí của nó tùy thuộc vào lực hút của nhân và vào ảnh hưởng của electron khác của nguyên tử. Điều kiện này quyết định cấu trúc của xác suất lưu trú của nó trong những không gian khác nhau của nguyên tử.

Hình trên nói lên vài mô hình về cơ cấu của xác suất lưu trú electron. Xác suất đó lớn nơi các vùng sáng, nhỏ nơi các vùng tối. Cần để ý là, toàn bộ hình này diễn tả electron trong một thời điểm cho sẵn. Trong một hình, ta không chỉ rõ được electron ở nơi nào, chỉ nói lên khả năng nó có thể ở đâu. Trong dạng toán học của thuyết lượng tử khả năng hay xác suất đó được trình bày bằng các hàm số xác suất, nó cho biết khả năng tìm thấy một electron trong một thời điểm hay một chỗ nhất định là bao nhiêu.

Mối mâu thuẫn giữa hai cách mô tả - một bên là khái niệm cổ điển về việc xếp đặt máy móc thí nghiệm, bên kia là hàm số xác suất cho vật muốn quan sát - dẫn đến một vấn đề triết học mà đến nay cũng chưa giải quyết được.

Trong thực tế để né tránh vấn đề này khi nói về hệ thống quan sát, người ta cho những chỉ dẫn, giúp nhà khoa học thiết kế máy móc thí nghiệm khỏi bị mô tả là một đơn vị có tính cô lập.

Để trình bày thêm về việc quan sát thế giới nguyên tử, ta hãy lấy một thí dụ giản đơn nhất, một đơn vị cơ lý, là xét một electron. Khi muốn quan sát và đo lường một hạt như thế, chúng ta phải bằng cách nào đó tìm cách cô lập nó, trong một tiến trình gọi là tiến trình chuẩn bị. Một khi hạt đã được chuẩn bị để quan sát rồi, ta đo lường tính chất của nó, đó là tiến trình đo lường. Ta có thể diễn tả tượng trưng tiến trình này như sau: một hạt được chuẩn bị trong không gian A, nó chuyển động từ A đến B và được đo trong không gian B. Trong thực tế thì sự chuẩn bị cũng như sự đo lường thường gồm một loạt tiến trình phức tạp. Thí dụ ở thí nghiệm va chạm nhau trong vật lý cao năng lượng, các hạt được gia tốc trong những ống tròn, di chuyển ngày càng nhanh cho đến lúc đầy đủ năng lượng. Tiến trình này xảy ra trong thiết bị gia tốc hạt. Sau khi đủ năng lượng, nó được rời máy gia tốc (A) để được chuyển tới không gian đích (B), nơi đó lại va chạm các hạt khác. Sự va chạm này xảy ra trong phòng đo và các hạt để lại vết của chúng có thể được ghi lên hình. Sau đó dựa trên sự phân tích toán học các vết đó mà người ta suy ra tính chất của hạt. Những phép phân tích đó có thể rất phức tạp và thường được thực hiện bằng máy vi tính. Đó là tiến trình đo lường.

Điều cần ghi nhớ trong phép phân tích các quan sát này là, hạt là một hệ thống trung gian, nó nối kết hai tiến trình tại A và B với nhau. Chỉ trong mối liên hệ này nó mới hiện hữu và có nghĩa; hạt không phải là một đơn vị độc lập mà bản thân nó là mối liên hệ giữa tiến trình chuẩn bị và đo lường. Tính chất của hạt không thể xem là độc lập khỏi những tiến trình đó. Nếu sự chuẩn bị hay sự đo lường thay đổi thì tính chất của hạt cũng thay đổi theo.

Mặt khác một sự thực là, khi nói về một hạt hay bất cứ một hệ thống nào khác, chúng ta cứ đinh ninh nó là một đơn vị cơ lý độc lập, nó được chuẩn bị, nó được đo lường. Vấn đề then chốt trong việc quan sát trong vật lý nguyên tử là - dùng chữ của Henry Stapp - “phải cô lập hệ thống được quan sát mới định nghĩa được nó; nhưng muốn quan sát được nó thì nó phải chịu sự tương tác”. Vấn đề này được thuyết lượng tử giải quyết một cách thực tiễn, đó là sự đòi hỏi hệ thống được quan sát không bị các yếu tố bên ngoài tác động bởi các yếu tố sinh ra trong lúc quan sát, kéo dài từ lúc chuẩn bị đến lúc đo lường. Điều kiện này có thể thỏa ứng nếu máy móc chuẩn bị và thiết bị đo lường đặt xa nhau, để cho vật được quan sát có thể đi từ chỗ chuẩn bị đến máy đo được.

Như thế thì khoảng cách bao xa mới được? Theo nguyên tắc thì nó phải xa vô tận. Trong khuôn khổ của thuyết lượng tử thì khái niệm về một đơn vị cơ lý riêng biệt chỉ thật sự chính xác khi đơn vị này xa máy đo với khoảng cách vô tận. Trên thực tế thì điều đó dĩ nhiên không thể có, và cũng không cần thiết. Chúng ta hãy nhớ đến nguyên tắc cơ bản của khoa học hiện đại là, tất cả khái niệm và lý thuyết đều mang tính gần đúng. Trong trường hợp này thì đối với khái niệm của một đơn vị riêng biệt, ta cứ lấy một định nghĩa gần đúng là đủ, một định nghĩa chính xác là không cần thiết. Ta làm điều đó như sau:

Vật được quan sát là một biểu hiện của sự tương tác giữa tiến trình chuẩn bị và tiến trình đo lường. Sự tác động này thường phức tạp và mang nhiều hiệu ứng khác nhau, có khoảng cách khác nhau. Trong vật lý ta nói chúng có biên độ khác nhau. Nếu thành phần chính của tác động này có biên độ lớn thì biểu hiện của hiệu ứng theo biên độ của nó mà đi ra xa. Trong trường hợp này thì sự biểu hiện được xem như độc lập với sự nhiễu loạn bên ngoài và có thể xem là đơn vị vật lý riêng biệt được. Trong khung cảnh của thuyết lượng tử thì các đơn vị vật lý riêng biệt chỉ là sự lý tưởng hóa và chúng chỉ có ý nghĩa khi thành phần chủ yếu của sự tương tác có một biên độ đáng kể. Người ta có thể dùng biểu thức toán học để định nghĩa chính xác một trạng thái như vậy được. Về mặt vật lý thì điều này có nghĩa là các máy đo phải nằm xa nhau để cho tương tác của chúng xảy ra thông qua sự hoán chuyển của một hạt, hoặc trong trường hợp phức tạp hơn là một nhóm hạt. Luôn luôn ta thấy có thêm những hiệu ứng phụ, khi nào các máy đo nằm xa nhau thì ta có thể bỏ qua những hiệu ứng phụ đó. Chỉ khi các máy đo nằm gần nhau quá, những hiệu ứng phụ vốn có biên độ nhỏ bây giờ mới đáng kể. Trong trường hợp này thì cả hệ thống vĩ mô (đo và bị đo) trở thành một khối toàn thể và khái niệm của một vật bị quan sát sẽ không đứng vững nữa.

Thuyết lượng tử đã trình bày rõ ràng mối liên hệ nội tại chủ yếu của vụ trụ. Nó chỉ ra rằng, chúng ta không thể chia thế giới ra từng hạt nhỏ độc lập với nhau. Khi nghiên cứu sâu về vật chất ta thấy chúng do nhiều hạt kết lại, nhưng chúng không phải là những viên đá cơ bản theo nghĩa của Demokritus và Newton.

Chúng chỉ là sự lý tưởng hóa; trên thực tiễn thì nó có ích, nhưng không có ý nghĩa đích thực. Niels Bohr nói: “Các hạt vật chất độc lập chỉ có trong sự trừu tượng, tính chất của chúng chỉ có thể định nghĩa và quan sát trong tương tác với các hệ thống khác”.

Cách lý giải của trường phái Copenhagen về thuyết lượng tử không được tất cả mọi người thừa nhận. Có nhiều ý niệm khác và những vấn đề triết học liên hệ chưa giải quyết được. Thế nhưng mối tương quan chung giữa mọi sự vật và biến cố dường như là một tính chất căn bản của thực thể nguyên tử, nó không liên hệ gì với sự giải thích của một mô hình toán học nhất định. Những câu sau đây của David Bohm, một trong những người chống lại trường phái Copenhagen, khẳng định hùng hồn thực tế này:

Ta phải tiến đến khái niệm của một cái toàn thể bất khả phân, nó phủ nhận ý niệm cổ điển chuyên nghiệp phân tích thế giới ra những thành phần độc lập và cách ly… Ta quá bảo vệ quan điểm cũ về những hạt cơ bản, cho nó là thực tại đích thực của thế giới, và mọi hệ thống chỉ là dạng hình khác nhau chứa đựng những hạt đó. Đúng hơn, thực tại cơ bản là mối liên hệ lượng tử, không cách ly được của một cái toàn thể, và những thành phần tương đối độc lập chỉ là những dạng đặc biệt nằm trong thể chung đó.

Trên bình diện nguyên tử, vật thể cứng chắc của vật lý cổ điển đã chuyển thành những cấu trúc có tính xác suất. Những cơ cấu này không nói lên xác suất hiện hữu của vật chất, mà nó nói lên xác suất của tương tác. Thuyết lượng tử buộc chúng ta phải nhìn vũ trụ không phải là một tập hợp của vật thể lý tính mà một tấm lưới phức tạp, chằng chịt những liên hệ của những thành phần, thống nhất trong một tổng thể. Đó chính là cách thế mà đạo học phương Đông đã chứng thực về thế giới và vài người trong đó đã nói về sự chứng thực này hầu như với cùng ngôn từ với nhà vật lý nguyên tử. Sau đây là vài thí dụ:

Vật thể vật chất… bây giờ đã khác với những gì chúng ta thấy, không phải là một vật thể độc lập với môi trường chung quanh của thiên nhiên, mà là một phần không thể tách rời và thậm chí nó là phát biểu một cách tinh tế của cái nhất thể, cái nhất thể đó bao trùm mọi cái ta thấy.

S.Aurobindo

Tính chất và sự hữu hiện của sự vật xuất phát từ những mối tương quan mà ra, tự nó không có gì cả.

Long thụ (Nagarjuna)

Một khi những lời trên có thể xem là sự mô tả thiên nhiên trong vật lý nguyên tử thì hai phát biểu sau đây của nhà vật lý nguyên tử lại có thể xem như sự mô tả về chứng thực của đạo học:

Một hạt cơ bản không phải là một đơn vị tồn tại độc lập, có thể phân tích được. Nó không gì hơn là một loạt những mối liên hệ, chúng vươn mình ra ngoài, với tới những vật khác.

H.P.Stapp

Theo cách thế này thì thế giới hiện ra như một mạng lưới gồm toàn những tiến trình, trong đó hiện diện rất nhiều cách liên hệ kỳ lạ cứ tạo ra nhau, tác động lẫn nhau và với cách đó mà chúng quyết định cơ cấu của toàn bộ mạng lưới.

W.Heisenberg

Hình ảnh sự móc nối này của mạng lưới vũ trụ trong vật lý hiện đại đã được phương Đông sử dụng nhiều nhằm trao truyền kinh nghiệm của họ về thế giới tự nhiên. Trong Ấn Độ giáo thì Brahman là sợi dây nối kết của tấm lưới vũ trụ, là nguyên nhân cuối cùng của mọi hữu hiện:

Trên trời dưới đất, trong khí quyển, tát cả đều dệt, và ngọn gió cũng như hơi thở. Chỉ mình ngươi biết, cái đó chỉ là một linh hồn duy nhất.

Trong Phật giáo, hình ảnh của một tấm lưới vũ trụ đóng một vai trò quan trọng hơn nữa. Nội dung trung tâm của Kinh Hoa Nghiêm, một trong những kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, xem thế giới là một tấm lưới toàn hảo về mối tương quan, trong đó mọi sự vật và biến cố tác động lên nhau, trùng trùng duyên khởi vô tận. Phật giáo Đại thừa đã tìm nhiều ẩn dụ để diễn bày mối liên hệ nội tại này của vũ trụ, một số đó sẽ được nói đến sau trong quan điểm tương đối của thuyết dung thông (boot-strap theory) của vật lý hiện đại. Cuối cùng, quan điểm mạng lưới vũ trụ cũng đóng vai trò trung tâm trong Phật giáo Tantra (Mật giáo), một nhánh của Đại thừa xuất phát từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên và ngày nay là trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Kinh sách trường phái này được gọi là “Tantra”, một từ gốc Sanskrit mang nghĩa “lưới dệt” và ám chỉ sự liên hệ và tương tác của mọi sự vật và biến cố.

Trong đạo học phương Đông thì mạng lưới vũ trụ đó luôn luôn chứa đựng cả người quan sát và ý thức của nó, và điều đó cũng đúng trong vật lý nguyên tử. Trong bình diện nguyên tử thì vật thể chỉ được hiểu trong mối quan hệ giữa tiến trình chuẩn bị và đo lường. Đoạn cuối của tiến trình này luôn luôn nằm trong ý thức của người quan sát. Sự đo lường là một tiến trình, nó gây trong ý thức ta sự cảm thọ, thí dụ sự thấy một tia sáng chớp hay một vệt đen trên chế bản, và qui luật của vật lý nguyên tử cho ta biết rằng, với một xác suất nào một vật thể hạt nhân sẽ gây nên một cảm thọ nhất định nếu ta chịu tương tác với nó. Heisenberg viết:Khoa học tự nhiên không mô tả và lý giải về tự nhiên đúng như nó - là - như - thế. Đúng hơn, khoa học tự nhiên là một phần của tiến trình tương tác động qua lại giữa tự nhiên và chính chúng ta”.

Nguyên lý then chốt của vật lý nguyên tử là người quan sát không chỉ cần thiết để quan sát tính chất sự vật, mà còn cần thiết để định nghĩa tính chất đó. Trong vật lý nguyên tử, ta không thể nói tính chất sự vật tự nó được nữa. Chúng chỉ có nghĩa trong mối quan hệ giữa vật được quan sát và người quan sát.

Heisenberg viết: “Điều mà ta quan sát được, không phải là thế giới tự nhiên tự nó, mà là thế giới đã bị câu hỏi của ta tác động lên”. Quan sát viên là người quyết định muốn đo lường điều gì và chính sự tổ chức đo lường này quyết định một phần tính chất của vật được quan sát. Khi phép đo bị thay đổi, thì tính chất của vật được quan sát cũng thay đổi theo.

Điều này có thể giải thích trong trường hợp đơn giản nhất của một hạt hạ nguyên tử. Khi quan sát một hạt như thế người ta có thể đo vị trí và xung lực. Trong chương tới chúng ta sẽ thấy một định luật quan trọng của thuyết lượng tử - định luật bất định của Heisenberg, nó nói rằng ta không bao giờ cùng lúc đo được chính xác hai đại lượng này. Hoặc chúng ta có thể xác định được vị trí của hạt và không hề biết gì về xung lực (tức là về vận tốc), hoặc là ngược lại, hoặc ta chỉ biết không chính xác về hai trị số đó.

Sự giới hạn này không liên quan gì với việc máy đo có tốt hay không, nó là một giới hạn có tính nguyên tắc, có sẵn trong thực thể của thế giới nguyên tử. Nếu ta đo vị trí của hạt thì hạt không có một xung lực có thể định nghĩa được và khi ta đo chính xác xung lực thì nó không có vị trí có thể định nghĩa được.

Trong vật lý nguyên tử, nhà khoa học không thể đóng một vai trò của một quan sát viên khách quan, không tham dự được, mà anh ta bị lôi vào trong thế giới bị quan sát và gây ảnh hưởng lên tính chất của vật bị quan sát. Tính chất mà quan sát viên bị đưa vào tiến trình của thí nghiệm được nhà khoa học Jonhn Wheeler xem là nét quan trọng nhất của thuyết lượng tử. Do đó ông khuyên ta nên thay chữ quan sát viên bằng từ tham dự viên. Ông viết:

Về thuyết lượng tử thì không gì quan trọng hơn điều này, nó phá hủy quan niệm về thế giới “tự nó”, phá hủy một tấm kính an toàn dày 20 cm cách ly thế giới với quan sát viên. Kể cả việc chỉ quan sát một vật tí hon như electron, quan sát viên cũng phải đập vớ tấm kính. Anh ta phải tới với nó, phải đặt để thiết bị quan sát. Tùy nơi anh, muốn đo vị trí hay xung lực. Khi thiết kế thiết bị nhằm đo cái này thì cái kia không thể đo được. Hơn thế nữa, duy việc đo lường đã thay đổi trạng thái của electron. Sau đó thì thế giới không còn như trước nữa. Muốn mô tả điều gì đã xảy ra, người ta phải gạch bỏ từ cũ “quan sát viên” mà thay vào đó chữ mới “tham dự viên”. Trong một ý nghĩa kỳ lạ nào đó thì vũ trụ là một vũ trụ đang tham gia.

Ý niệm tham dự thay vì quan sát này mới được vật lý hiện đại khám phá gần đây, thế nhưng người nào tìm hiểu đạo học phương Đông đều đã biết tới nó. Tri kiến tâm linh không bao giờ nhờ quan sát mà đạt được, mà là nhờ sự tham gia toàn vẹn với tất cả tính chất của mình. Khái niệm tham gia do đó trở thành then chốt trong thế giới quan phương Đông. Các nhà đạo học phương Đông còn đi xa hơn nhiều so với các nhà vật lý phương Tây. Trong thiền định thì họ đạt tới một điểm mà sự khác biệt giữa người quan sát hoàn toàn tiêu tan, nơi đó chủ thể và khách thể thống nhất làm một trong một toàn thể bất phân chia. Trong Các bài thuyết giảng Upanishad có những câu:

Nơi có nhị nguyên, là nơi có một cái thấy một cái khác; một cái ngửi một cái khác, một cái nếm vị một cái khác… Nhưng nơi mà tất cả đã trở về tự tính của nó, thì cái gì thấy và cái gì bị thấy? Cái gì ngửi và cái gì bị ngửi? Cái gì nếm và cái gì bị nếm?.

Đó là sự nắm bắt cuối cùng sự nhất thể mọi sự. Theo trình bày của các nhà đạo học thì ta đạt tới nó trong dạng một tâm thức, trong đó cá thể con người đã tan vào một nhất thể vô phân biệt, bỏ lại đằng sau thế giới của cảm thọ và nội dung của “vật thể”. Trang Tử nói:

Mối liên hệ của tôi với thân và các phần tử của thân đã tan biến. Giác quan của tôi đã bị dẹp bỏ. Tôi cứ để cho thân tâm đi ngao du, tôi thành một với cái đại khối xuyên suốt. Tôi gọi nó là an tọa và quên mọi chuyện.

Tất nhiên nền vật lý hiện đại làm việc trong khuôn khổ hoàn toàn khác và không thể đi xa như thế trong việc chứng thực tính nhất thể của mọi sự. Nhưng trong vật lý nguyên tử, nó đã đi một bước dài về hướng của thế giới quan phương Đông. Thuyết lượng tử đã dẹp bỏ khái niệm của một khách thể độc lập, đưa khái niệm người tham gia vào thay thế người quan sát và thậm chí thấy cần phải đưa ý thức con người vào trong việc mô tả thế giới tự nhiên. Nền vật lý này bây giờ đã thấy vũ trụ là một mạng lưới với những liên quan vật chất và tâm linh chằng chịt, mà các phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể. Thế giới quan này của vật lý nguyên tử được một Phật tử Tantra là Lama Anagarika Govinda tóm tắt rất hay như sau:

Người Phật tử không tin có sẵn một thế giới bên ngoài độc lập và hiện hữu tách biệt mà anh ta tự gắn mình vào những năng lực của thế giới đó. Đối với anh ta, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong chỉ là hai mặt của một mạng lưới duy nhất, trong đó những sợi chỉ của các năng lực, của các biến cố, của các dạng tâm thức, của các dạng vật thể, chúng được dệt chằng chịt thành một mạng lưới không sao gỡ nổi, gồm vô số những mối liên hệ tác động lẫn nhau.

Bộ trưởng phải như thế!





Tác giả: Tô Văn Trường



Đánh giá về con người là khó nhất trong mọi sự đánh giá cho nên khi nhận xét về bất kỳ ai đó, thường người ta nói về những hành động và lời nói hơn là về kết luận con người.

Thời xưa, việc triều chính tuy khắc nghiệt dễ “mạng vạ vào thân” nhưng vẫn thường có những vị đại thần trung quân, ái quốc dâng sớ xin nhà Vua hãy tự sửa mình và coi lại chính sự mà tu sửa chính sách cho hợp với lòng dân. Thời nay, là chính khách trong xã hội còn nhiều nhiễu nhương, cũng không dễ chút nào vì vừa phải thể hiện vị thế, vai trò trách nhiệm của mình trước vận nước nhưng cũng không muốn làm mếch lòng “định hướng” của lãnh đạo cấp trên, chưa kể không ít trường hợp còn vướng mắc về nhóm lợi ích.



Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân – Ảnh: CK.
NGUYÊN HÀ
.
Một số người bạn hỏi tôi, lâu nay thấy anh viết bài bình luận về một số vị Bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ “Không chuẩn cần phải chỉnh” (đăng báo Thanh Niên), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát ‘Toàn cảnh bức tranh màu xám của ngành nông nghiệp” (báo Một thế giới), Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng “Bộ trưởng hay mắng và …bị mắng” (Tuan VN-VNN), các bài viết liên quan đến “Vàng hóa” nói về Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình vv…Vậy, đâu là hình ảnh của vị Bộ trưởng đích thực của nhân dân?

Các vị chính khách ở nước ta “có vấn đề” được người dân dễ nhận thấy như Bộ trưởng Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa thể thao và du lịch, Tài nguyên & Môi trường vv… nhưng để chỉ ra Bộ trưởng đích thực của nhân dân trong mấy khóa gần đây thì ông Trương Đình Tuyển cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại là một gương mặt nổi bật.
Các thông tin tư liệu về ông Tuyển trong cả 2 vai trò lãnh đạo Bí thư tỉnh ủy Nghệ An hay Bộ trưởng Bộ Thương Mại, đều cho thấy dấu ấn về tâm và tầm của người lãnh đạo. Ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), ông Bảy Nhị (nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang) kể cho tôi nghe nhiều giai thoại về ông Tuyển .
Ông Sáu Dân kể, mỗi lần họp Chính phủ nghe ông Tuyển phát biểu rất khó nghe theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Giọng xứ Nghệ nặng trịch (đôi lần Phó Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó nửa đùa, nửa thật đề nghị Thủ tướng có phiên dịch). Nội dung phát biểu của ông Tuyển, luôn đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước, “đụng chạm”, khó nghe nhưng suy ngẫm, rất thấm thía. Ông Sáu Dân rất quý trọng những người như thế!

Ngay cả khi ở cương vị bí thư tỉnh ủy (Ủy viên trung ương Đảng) trong một lần họp Trung ương, ông Tuyển say sưa phát biểu theo suy nghĩ của mình thì ngay buổi tối hôm ấy, bị Tổng bí thư Đỗ Mười “hỏi thăm sức khỏe” (ngôn từ của ông Sáu Dân). Tôi đã kiểm chứng thông tin này là đúng sự thật, đại ý Tổng bí thư gọi điện thoại xạc cho ông Tuyển khoảng 20 phút vì tội vào Trung ương để quán triệt chủ trương của Đảng chứ không phải là “cầm đèn chạy trước ô tô”!?
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông Tuyển vẫn giữ khí phách và phẩm chất của người trí thức luôn thẳng thắn, trí tuệ tìm ra “nút thắt” và kiến nghị các giải pháp hữu hiệu đóng góp vào sự phát triển vững bền của đất nước. Trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2014 được tổ chức tại Hạ Long ngày 28/4 vừa qua, ông Trương Đình Tuyển một lần nữa đã công khai thẳng thắn phát biểu vấn đề gai góc nhất, đụng vào thể chế là về vai trò của xã hội dân sự trong phát triển kinh tế, là trụ cột thứ ba trong sau vai trò của thị trường và Nhà nước.

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã đề cập dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Mà đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ và đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự, được ông Tuyển phân tích minh họa một cách ngắn gọn, sống động, đầy thuyết phục.
GS Trần Hữu Dũng bình luận khi còn vùng cấm là không được đụng đến đổi mới thể chế chính trị, đến sự toàn trị vĩnh viễn và tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam thì bàn chuyện đổi mới kinh tế để mà làm chi? Họp hành chỉ là để gặp nhau tán hưou, tán vượn thôi, chứ gì? Mất thì giờ vô ích, vác cần đi câu cá còn có ích hơn.
Nhân nói về thể chế, nhiều người dân, đặc biệt giới tri thức không dấu được nỗi thất vọng vì qua việc sửa đổi Hiến Pháp, là cơ sở của thế chế, mất cả năm trời, tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và công sức cuối cùng mọi thay đổi chỉ như kê lại bàn ghế, mạnh hơn nữa là quét nhà, dọn vệ sinh, thay thế một số vật dụng, nhưng mọi kỷ cương không thay đổi!
Nhìn sang Trung Quốc, ông bạn “16 chữ vàng” đang có một cuộc thanh trừng mạnh mẽ, người ta coi đó là đấu tranh nội bộ giữa các nhóm lợi ích, không phải là thay đổi thể chế!. Người nào bị lật đổ, thì lập tức có ngay nhiều lý do biện minh. Bạc Hi Lai là một thí dụ; Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ vị trí tối cao. Kinh nghiệm với cách mạng văn hóa cho thấy rõ hơn 30 triệu người chết đói, rất nhiều người bị tù đầy, giết oan, nhưng người đáng tội nhất là Mao trạch Đông, thì vẫn được ở vị trí của “Người cầm lái” vĩ đại!

Việt Nam không phải là một nước như Balan, Tiệp Khắc, Hung ga ri, càng không phải như một nước vùng Baltic, với những cơ sở dân trí khác hoàn toàn, cho nên cải cách thể chế vẫn còn nhiều chông gai!
Lịch sử và thực tế hiện nay đã chứng minh không có xã hội dân sự, thì nhà nước pháp quyền trở thành toàn trị và kinh tế thị trường trở thành hoang dã, chung cuộc chủ nhân ông của đất nước là dân trở thành kẻ bị áp bức.
Đại hội Đảng khóa XII sắp đến gần. Để đất nước ổn định và phát triển bền vững, tiến lên cùng thời đại, không có con đường nào khác là phải xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân sự. Trước hết, trong công tác nhân sự, phải thực sự dân chủ để chọn được nhiều người như ông Trương Đình Tuyển.

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Đạo của vật Lý- chương 4 : Nền của vật lý mới



Thực tế là mọi sự vật của tự nhiên và mọi hiện tượng bắt đầu thay đổi; toàn bộ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới đã khác hẳn... Có một phương thế mới, vĩ đại và sâu xa để ngộ về mọi sự, để thấy, để biết và tiếp xúc chúng...

Đạo học phương Đông cho rằng sự chứng thực tâm linh trực tiếp về thực tại là một biến cố chớp nhoáng, nó lung lay tận gốc rễ thế giới quan con người. D.T.Suzuki gọi nó là “biến cố sửng sốt nhất có thể xảy ra trong ý thức con người... Nó vứt bỏ mọi dạng kinh nghiệm thông thường”1 , ông giả thích tính chất đáng sợ của kinh nghiệm này bằng lời một thiền sư đã mô tả “như một bình nước vỡ đáy”.

Đầu thế kỷ này, nhà vật lý cũng bị tình trạng tương tự, họ mô tả kinh nghiệm này giống như cách nói của vị thiền sư nọ. Suzuki. Heisenberg viết:

Người ta chỉ có thể hiểu những phản ứng dữ dội về các phát triển gần đây của nền vật lý hiện đại khi ta nhận thức rằng, nơi đây toàn bộ cơ sở của vật lý đang chuyển dịch và sự chuyển dịch này gây ra một cảm giác là nền tảng đó đang bị cắt rời ra khỏi khoa học 2 .

Einstein cũng hoảng sợ như thế khi ông tiếp xúc lần đầu với thực tại của vật lý nguyên tử. Ông viết trong hồi ký của mình:

Tất cả mọi cố gắng của tôi để thích hợp với cơ sở của lý thuyết vật lý của loại nhận thức mới mẻ này, hoàn toàn thất bại. Hầu như đất dưới chân tôi bị sụt lở, không ở đâu còn thấy một nền tảng vững chắc nữa, mà trên đó người ta có thể xây dựng một điều gì 3 .

Sự khám phá nền vật lý hiện đại đòi hỏi một sự đổi thay các khái niệm về không gian, thời gian, vật chất, khách thể, nguyên nhân và hậu quả... và vì những khái niệm này quá căn bản đối với chúng ta, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi nhà vật lý buộc phải thay đổi chúng, người đó hoảng sợ cũng phải. Từ sự đổi thay này mà xuất phát một thế giới quan mới, hoàn toàn khác trước, nó vẫn còn tiếp tục phải thay đổi theo tiến trình của các nghiên cứu khoa học đang xảy ra.

Hai đoạn văn sau đây là của Niels Bohr(*) của nhà đạo học ấn Độ Sri Aurobindo, nói về chiều sâu và tính chất quyết liệt của kinh nghiệm này:

Trong thời gian qua, kinh nghiệm của ta đã được mở rộng ra, nó được phơi bày dưới ánh sáng, cho thấy tính bất toàn của những khái niệm đơn giản mang tính máy móc và hệ quả của nó là nền tảng của nó bị lung lay tận gốc rễ, nền tảng mà ta dùng để lý giải mọi quan sát 4 .

Niels Bohr

Thực tế là mọi sự vật của tự nhiên và mọi hiện tượng bắt đầu thay đổi; toàn bộ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới đã khác hẳn... Có một phương thế mới, vĩ đại và sâu xa để ngộ về mọi sự, để thấy, để biết và tiếp xúc chúng 5 .

Phần sau sẽ phác họa hình ảnh sơ lược của thế giới quan mới, cho thấy thế giới quan cơ giới cổ điển vào đầu thế kỷ này phải nhường chỗ cho thuyết lượng tử và thuyết tương đối, dẫn đến một quan niệm tinh tế, toàn bộ và hữu cơ hơn nhiều của thế giới tự nhiên (*)
Vật Lý Cổ Điển
Thế giới quan ngày nay đang bị vật lý hiện đại thay đổi vốn đặt cơ sở trên mô hình của Newton về vũ trụ. Mô hình này tạo nên một cái khung chắc chắn cho vật lý cổ điển. Thật sự nó là một nền tảng vĩ đại, trên tảng đá vững chắc đó, ta đã xây dựng toàn bộ khoa học và triết lý về giới tự nhiên cho khoảng ba trăm năm.
Sân khấu của vũ trụ Newton, trong đó tất cả hiện tượng cơ lý xảy ra, là không gian ba chiều của hình học cổ điển Euclid. Đó là một không gian tuyệt đối, luôn luôn tĩnh tại và không thay đổi. Hãy dùng chính ngôn từ của Newton: “Tự tính của không gian tuyệt đối là luôn luôn như nhau, bất động, không hề phụ thuộc gì vào sự vật nằm trong đó”6 .Tất cả mọi biến dịch của sự vật trong cơ thế giới cơ lý được mô tả với khái niệm của một kích thước khác, gọi là thời gian, mà thời gian bản thân nó lại là tuyệt đối, có nghĩa là không liên hệ gì với thế giới vật chất và trôi đều đặn từ quá khứ, qua hiện tại đến tương lai. Newton nói: “Thời gian tuyệt đối, đích thực, có tính toán học, tự chảy, theo tự tính của nó là đều đặn và không liên quan gì đến bất cứ vật nào”.
Những vật thể của thế giới Newton, chúng vận động trong không gian và thời gian tuyệt đối là những hạt vật chất. Trong các đẳng thức toán học, chúng được xem là hạt khối lượng (**) .Newton xem chúng là những hạt nhỏ, cứng chắc và là vật thể không huỷ, chúng là thành phần cấu tạo mọi vật chất. Mô hình này khá giống với mô hình của các nhà nguyên tử học Hy Lạp. Cả hai đều dựa trên sự phân biệt giữa đầy đặc và trống rỗng, giữa vật chất và không gian, và trong cả hai mô hình thì các hạt đều luôn luôn có khối lượng và hình dạng không thay đổi. Do đó vật chất luôn luôn được bảo toàn. Sự khác biệt lớn giữa Democrit và Newton trong quan niệm nguyên tử là, Newton là người gắn thêm một lực tác động giữa các hạt với nhau. Lực này rất đơn giản và chỉ tuỳ thuộc vào khối lượng và khoảng cách của chúng. Đó là trọng lực hay lực hút lẫn nhau của các khối lượng và Newton xem lực đó gắn chặt với vật thể, chúng tác động tức thì trong khoảng cách rất xa. Mặc dù đây là một giả thuyết kỳ dị, nó không được ai tìm hiểu thêm. Các khối lượng và lực tác động được xem như do Chúa tạo thành và do đó không phải là đối tượng để xem xét. Trong tác phẩm Optics, Newton cho ta thấy hình dung của ông về việc Chúa tạo dựng thế giới vật chất:
"Tôi cho rằng có lẽ mới đầu Chúa tạo vật chất bằng những hạt cững chắc, đầy đắc, không thể xuyên qua, di động, với dạng hình, với kích thước, với tính chất và tương quan nhất định với không gian, phù hợp nhất với mục đích mà ngài muốn tạo ra; và những hạt đơn giản này là thể rắn, cứng hơn bất kỳ vật thể xốp nào khác, chúng cứng đến độ không bao giờ hao mòn, không vỡ. Không có một lực nào có thể chia cắt nó, vật mà trong ngày đầu tiên Chúa đã sáng tạo"
Tất cả mọi hiện tượng cơ lý trong cơ học Newton đều có thể qui về sự vận động của hạt khối lượng trong không gian, sự vận động đó do lực hấp dẫn giữa chúng với nhau: lực trọng trường, gây ra. Nhằm phát biểu tác dụng của lực đó trên hạt khối lượng bằng tính chính xác của toán học, Newton phải sử dụng khái niệm và kỹ thuật toán học hoàn toàn mới, đó là phép tính vi phân. Vào thời điểm đó, đây là một thành tựu tri thức vĩ đại và được Einstein tôn thờ là “có lẽ đó là bước tiến lớn nhất trong tư duy mà một cá nhân xưa nay làm được”.
Các phương trình vận động của Newton là nền tảng của cơ học cổ điển. Chúng được xem là qui luật cố định, theo đó các hạt khối lượng chỉ việc vận hành và thời đó người ta cho rằng nó mô tả được tất cả mọi biến dịch có thể quan sát được trong thế giới cơ lý. Theo cách nhìn của Newton thì trước hết Chúa sáng tạo ra vật chất, lực tác dụng giữa chúng và định luật của sự vận động. Theo cách đó thì vũ trụ được đưa vào vận hành và từ đó chạy như một cái máy, được hướng dẫn bằng qui luật bất di bất dịch.
Thế giới quan cơ giới như vậy liên hệ chặt chẽ với tư tưởng quyết định luận. Bộ máy vũ trụ khổng lồ được xem là có thứ tự trước sau và cái sau được xác định bởi cái trước một cách chắc chắn. Tất cả điều gì xảy ra đều có một lý do, sẽ gây một hiệu ứng rõ rệt, tương lai của mỗi một thành phần trong hệ thống đều được quyết đoán một cách chắc chắn; nói trên nguyên tắc, nếu mọi điều kiện trong một thời gian nhất định được biết rõ. Niềm tin này được nói rõ nhất trong câu nói nổi tiếng của nhà toán học Pháp Pierre Simon Laplace(*):
Một đầu óc, nếu trong một thời điểm nhất định, nó biết mọi lực tác động, và tình trạng của sự vật tạo nên thế giới- giả định đầu óc đó đủ lớn để phân tích mọi thông tin này- thì đầu óc đó chỉ với một công thức mà biết hết mọi vận động, từ vận động lớn nhất trong vũ trụ đến vận động của những nguyên tử; đối với đầu óc đó thì không gì là bất định và tương lai cũng như quá khứ trước mắt nó là rõ rệt, như hiện tại.
Nền tảng của thuyết quyết định luận này là sự cách ly cơ bản giữa cái tôi và thế giới còn lại, sự cách ly này do Descartes đem vào triết học.
Sự cách ly này làm người ta tin rằng, thế giới có thể được mô tả một cách khách quan , nghĩa là không cần quan tâm gì đến người quan sát và tính khách quan trong việc mô tả thế giới được xem là cứu cánh của mọi khoa học.
Thế kỷ 18 và 19 là nhân chứng cho thành tựu vĩ đại của cơ học Newton. Bản thân Newton áp dụng thuyết của ông vào vận động của thiên thể và nhờ đó mà giải thích được tính chất căn bản của hệ thống thái dương hệ...
Thế nhưng mô hình các hành tinh của ông được đơn giản hóa rất nhiều, thí dụ lực hút giữa các hành tinh với nhau được bỏ qua và vì thế mà ông gặp phải nhiều điều không hợp lý, không giải thích được. Ông giải quyết vấn đề này bằng cách cho rằng Chúa hiện diện thường hằng trong vũ trụ để sửa đổi những điều không hợp lý nọ.
Laplace, nhà toán học lớn, tự đặt cho mình trách nhiệm lớn lao, viết một tác phẩm bổ sung thêm các bài tính của Newton, để “mang lại một lời giải toàn triệt cho vấn đề cơ học lớn của thái dương hệ và đưa lý thuyết sát gần với mọi quan sát, để các phương trình xuất phát từ kinh nghiệm không còn chỗ đứng trong ngành thiên văn”. Kết quả là một tác phẩm đồ sộ với năm cuốn, mang nhan đề Mecanique Cðleste (Cơ học thiên thể), trong đó Laplace thành công, lý giải mọi vận động của các hành tinh, các mặt trăng, sao chổi, đến những chi tiết nhỏ như sự lên xuống của thủy triều và các thứ khác, các hiện tượng liên quan đến sức hút trọng trường. Ông chứng minh qui luật vận động của Newton bảo đảm tính ổn định của thái dương hệ và xem vũ trụ như một cỗ máy tự điều hành một cách toàn hảo. Khi Laplace trình tác phẩm này cho đại đế Napoleon xem, nghe nói nhà vua nói như sau: “Thưa ông Laplace, người ta báo với tôi, ông viết cuốn sách qui mô này về hệ thống vũ trụ mà không hề nhắc nhở tới đấng sáng tạo ra nó”. Laplace trả lời ngắn gọn: “Tôi không cần đến giả thuyết này”.
Phấn khởi trước những thành tựu rực rỡ của cơ học Newton, nhà vật lý cơ học này quay sang xét sự vận hành liên tục của vật thể ở trạng thái lỏng và sự rung động của vật thể đàn hồi và đạt thành quả. Cuối cùng, thậm chí môn nhiệt học cũng có thể qui về cơ học khi người ta biết rằng nhiệt cũng là năng lượng, nó chỉ do chuyển động không trật tự của phân tử mà thành. Khi nhiệt độ của nước tăng cao thì các phân tử nước cũng tăng mức vận động, tăng cho đến khi chúng bứt khỏi lực liên kết nội hãm chúng và thoát đi nhiều hướng. Thế là nước ở trạng thái lỏng chuyển sang trạng thái hơi. Ngược lại khi nhiệt giảm dần thì các phân tử nước hợp lại, kết thành một cấu trúc mới, cứng rắn, đó là thể rắn ở dạng băng. Theo cách này thì nhiều hiện tượng thuộc nhiệt học có thể hiểu bằng cách nhìn cơ học.
Thành công to lớn của mô hình cơ học làm cho nhà vật lý của đầu thế kỷ 19 tin rằng, quả thật vũ trụ phải là một hệ thống cơ giới khổng lồ, vận hành theo nguyên lý vận động của Newton đề ra. Những qui luật này được xem như nền tảng của qui luật tự nhiên và mô hình Newton là mô hình chung kết về thế giới hiện tượng. Thế nhưng chỉ không đầy một trăm năm sau, người ta khám phá một thực tại cơ lý khác, nó làm rõ giới hạn của mô hình Newton và chỉ ra rằng mô hình đó không hề có giá trị tuyệt đối.
Những nhận thức này không hề xuất hiện một cách bất ngờ, sự phát triển của chúng đã bắt nguồn từ thế kỷ 19 và mở đường chuẩn bị cho cuộc cách mạng khoa học của thời đại chúng ta. Bước đầu tiên của quá trình phát triển này là sự khám phá và nghiên cứu các hiện tượng điện từ, các hiện tượng đó không được giải thích ổn thỏa với mô hình cơ khí và trong các hiện tượng đó người ta thấy có một loại năng lực mới tham gia. Bước quan trọng này do Michael Faraday và Clerk Maxwell thực hiện, người đầu là một trong những nhà thực nghiệm lớn nhất trong lịch sử khoa học, người sau là một lý thuyết gia xuất sắc. Khi Michael Faraday tạo ra một dòng điện bằng cách di chuyển một thỏi nam châm trong một cuộn dây đồng và biến một công cơ -sự di chuyển nam châm-thành điện năng, ông đã tạo một bước ngoặt trong lịch sử khoa học và kỹ thuật. Thí nghiệm căn bản này một mặt đã khai sinh ra ngành điện từ, mặt kia nó làm nền tảng cho những suy luận lý thuyết của ông và của Maxwell không những chỉ nghiên cứu hiệu ứng của lực điện từ, ông còn nghiên cứu bản chất những lực đó là gì. Hai ông mới thay khái niệm của lực bằng một trường và họ trở thành người đầu tiên vượt ra khỏi vật lý cơ giới của Newton.
Thay vì như cơ học Newton, cho rằng hai điện tích âm và dương hút nhau như hai khối lượng trong cơ học cổ điển, hai ông Faraday và Maxwell thấy đúng hơn, họ cho rằng mỗi điện tích tạo ra trong không gian một tình trạng nhiễu hay một điều kiện, nó làm cho một điện tích khác cảm thấy một lực tác động lên mình. Điều kiện này trong không gian, cái có thể sinh ra lực, được gọi là trường . Chỉ một điện tích duy nhất đã sinh ra trường, trường hiện hữu tự nó, không cần có sự hiện diện của một điện tích khác mới có trường và tác động của nó.
Đây là một sự thay đổi sâu sắc trong quan niệm của chúng ta về thực tại cơ lý. Theo cách nhìn của Newton thì lực tác động gắn chặt lên vật thể được tác động. Bây giờ khái niệm lực được thay thế bằng một khái niệm tinh tế hơn của một trường, trường này có thực thể riêng của nó, có thể được nghiên cứu mà không cần dựa trên vật thể nào khác. Đỉnh cao của lý thuyết này, được gọi là điện động, xuất phát từ nhận thức rằng ánh sáng không gì khác hơn là một trường điện từ, trường đó di chuyển trong không gian dưới dạng sóng. Ngày nay người ta biết rằng tất cả sóng truyền thanh, sóng ánh sáng hay quang tuyến X đều là sóng điện từ cả - tức là điện trường và từ trường giao thoa với nhau, chúng chỉ khác nhau về tần số rung và ánh sáng chỉ là một phần rất nhỏ của toàn bộ các trường điện từ.
Mặc sự có thay đổi sâu xa đó, cơ học Newton vẫn tạm giữ vị trí nền tảng của nền vật lý. Chính Maxwell cũng có khi thử giải thích thành quả của mình bằng quan điểm cơ học. Ông xem trường như là một dạng áp suất cơ học của một chất liệu đầy ắp trong không gian, chất đó được gọi là ê-te và sóng điện từ được xem như sự co giãn đàn hồi của chất ê-te đó. Điều này nghe rất tự nhiên vì sóng hay được hiểu là sự rung động của vật chất, kiểu như sóng là sự rung của nước, âm thanh là sự rung của không khí. Thế nhưng Maxwell cùng lúc sử dụng nhiều cách cơ học để diễn dịch lý thuyết của mình nhưng không coi trọng chúng. Có lẽ ông đã biết một cách trực giác rằng, mặc dù không nói ra, yếu tố nền tảng của lý thuyết của mình là trường chứ không phải là mô hình cơ học. Rồi chính Einstein, người mà năm mươi năm sau nhận rõ điều này khi nói không hề có ê-te và điện từ trường là những đơn vị lý tính tự hiện hữu, nó đi xuyên suốt không gian trống rỗng và không thể được giải thích theo quan điểm cơ học.
Đến đầu thế kỷ 20 thì nhà vật lý có hai lý thuyết thành công trong tay, chúng được áp dụng cho nhiều hiện tượng khác nhau: Nền cơ học Newton và lý thuyết điện từ trường Maxwell. Mô hình Newton không còn là nền tảng duy nhất của ngành vật lý nữa.
Vật Lý Hiện đại
Ba mươi năm đầu của thế kỷ 20 thay đổi một cách triệt để tình hình chung của vật lý. Hai sự phát triển khác nhau, thuyết tương đối của vật lý nguyên tử, đã phá hủy mọi khái niệm căn bản của thế giới quan Newton, đó là hình dung về một không gian tuyệt đối và một thời gian tuyệt đối, một hạt khối lượng đặc cứng, tính tuyệt đối của nhân quả trong hiện tượng thiên nhiên và cứu cánh của sự mô tả khách quan của tự nhiên. Không khái niệm nào trong số này đứng vững được trong lĩnh vực mà giờ đây nền vật lý đang thâm nhập.
Trong giai đoạn đầu của vật lý hiện đại ta phải kể đến thành tựu tư duy to lớn của một con người, Albert Einstein. Trong hai công trình, công bố năm 1905, Einstein trình bày hai hướng tư duy cách mạng. Một là thuyết tương đối đặc biệt của ông, hai là cách nhìn của ông về các bức xạ điện từ, cách nhìn đó sẽ là đặc trưng cho thuyết lượng tử, cái mà về sau trở thành lý thuyết của hiện tượng trong thế giới nguyên tử. Lý thuyết lượng tử hoàn chỉnh khoảng hai mươi năm sau mới được thiết lập do một nhóm nhà vật lý. Ngược lại, thuyết tương đối trong dạng hoàn chỉnh thì hầu như chỉ do Einstein xây dựng. Công trình khoa học của Einstein trong đầu thế kỷ 20 này sừng sững như một tòa tri thức vĩ đại - nó là kim tự tháp của văn minh hiện đại.
Einstein tin tưởng một cách sâu sắc nơi sự hòa điệu nội tại của thiên nhiên và suốt trong cuộc đời khoa học thì cái tha thiết nhất của ông là đi tìm một nền tảng chung cho ngành vật lý. Ông bắt đầu chuyến hành trình này bằng cách xây dựng một cơ sở chung cho điện động học và cơ học, hai lý thuyết riêng lẻ của nền vật lý cổ điển. Cơ sở này chính là thuyết tương đối đặc biệt. Nó thống nhất và làm hoàn chỉnh cơ cấu của vật lý cổ điển, đồng thời chứa đựng những sự thay đổi quyết liệt về khái niệm truyền thống của không gian, thời gian và chôn vùi một trong những nền tảng của thế giới quan Newton.
Theo thuyết tương đối thì không gian không phải ba chiều và thời gian không phải là đơn vị độc lập. Cả hai lệ thuộc lẫn nhau và kết hợp thành một thể liên tục bốn chiều, không - thời gian. Vì thế, trong thuyết tương đối không bao giờ ta nói về không gian riêng lẻ mà không đưa thời gian vào, và ngược lại. Hơn thế nữa không thể có một dòng chảy đồng nhất của thời gian như trong mô hình của Newton. Nhiều quan sát viên sẽ ghi nhận những biến cố xảy ra trong thời gian khác nhau, khi họ di chuyển đến biến cố đó với vận tốc khác nhau. Trong trường hợp này, hai biến cố có thể với một quan sát viên là đồng thời, nhưng đối với những người khác thì chúng xảy ra cái trước, cái sau. Tất cả sự đo lường về không gian và thời gian đều mất tính tuyệt đối. Với thuyết tương đối thì khái niệm không gian của Newton, xem nó là một sân khấu cho mọi hiện tượng cơ lý diễn ra, khái niệm đó bị từ bỏ, khái niệm thời gian tuyệt đối cũng cùng chung số phận. Không gian và thời gian chỉ còn là những ngôn từ mà một quan sát viên nhất định sử dụng để mô tả hiện tượng mình nhìn thấy.
Các khái niệm không gian - thời gian thật hết sức cơ bản để mô tả hiện tượng tự nhiên, nên sự thay đổi của nó kéo theo sự thay đổi của toàn bộ hệ thống mà ta sử dụng để nói về tự nhiên. Hệ quả quan trọng nhất của sự thay đổi này khiến ta nhận ra rằng khối lượng không gì khác hơn là một dạng của năng lượng. Ngay cả một vật thể đang đứng yên cũng chứa trong nó năng lượng và mối liên hệ giữa hai mặt đó được thiết lập bằng đẳng thức nổi tiếng E=mc2, trong đó c là vận tốc ánh sáng, E: năng lượng, m: khối lượng của vật.
Hằng số c, vận tốc ánh sáng, đối với thuyết tương đối, có một tầm quan trọng cơ bản. Mỗi khi chúng ta mô tả các tiến trình cơ lý, trong đó có vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, chúng ta phải lưu tâm đến thuyết tương đối. Điều đó có giá trị đặc biệt cho các hiện tượng điện từ mà ánh sáng chỉ là một thí dụ trong đó và chính hiện tượng này đã đưa đến việc Einstein phát biểu thuyết tương đối của ông.
Năm 1915 Einstein trình bày thuyết tương đối tổng quát, trong đó phạm vi của thuyết tương đối đặc biệt đã được mở rộng, bao trùm cả trường trọng lực, tức là lực hút lẫn nhau của các khối lượng. Trong thời gian đó, nếu thuyết tương đối đặc biệt đã được vô số thí nghiệm chứng tỏ, thì thuyết tương đối tổng quát chưa được thực nghiệm chứng minh. Thế nhưng thuyết đó được phần lớn công nhận là thuyết trọng trường nhất quán nhất và cũng là thích hợp nhất và được sử dụng rộng rãi trong vật lý thiên văn và vũ trụ học.
Theo thuyết của Einstein thì trường trọng lực có hiệu ứng làm “cong” không gian và thời gian. Điều đó có nghĩa là hình học thông thường của Euclid không còn giá trị trong một không gian cong nữa, như hình học mặt phẳng hai chiều không thể áp dụng lên mặt cong của khối cầu. Thí dụ trên mặt phẳng ta có thể vẽ một hình vuông bằng cách đo một mét dài của một đường thẳng, lấy điểm cuối của đoạn đó vẽ một góc vuông, lại đo một mét rồi làm thêm hai lần nữa, ta sẽ được một hình vuông. Trên một mặt cong, cách làm đó không thực hiện được, vì qui luật của hình học Euclid không thể áp dụng cho mặt cong.
Cũng như thế, ta có thể định nghĩa một không gian ba chiều cong, trong đó hình học Euclid hết còn giá trị. Thuyết Eistein cho rằng không gian ba chiều bị cong, và độ cong không gian bị trường trọng lực của vật chất gây nên. Bất cứ nơi nào có vật thể, thí dụ một vì sao hay hành tinh, không gian quanh nó bị cong và độ cong phụ thuộc vào khối lượng của vật chất.
Ngoài ra, trong thuyết tương đối, ta không bao giờ được tách rời thời gian, nên thòi gian cũng chịu tác động của vật chất và có dòng chảy khác nhau tại nhiều nơi trong vũ trụ. Với thuyết tương đối tổng quát, Einstein đã hoàn toàn bỏ qua khái niệm “không gian tuyệt đối” và “thời gian tuyệt đối”. Không phải chỉ những đo lường trong không gia thời gian là tương đối, mà cả cơ cấu của thể thống nhất không - thời gian cũng tùy thuộc vào sự phân bố vật chất trong vũ trụ, và khái niệm “không gian trống rỗng” cũng mất luôn ý nghĩa.
Thế là mâu thuẫn rành rành giữa hình ảnh của sóng và hạt được giải quyết một cách bất ngờ, nhưng nó đặt lại một vấn đề của vật lý cổ điển, đó là khái niệm về thực tại của vật chất...
Cách nhìn mang tính cơ giới của vật lý cổ điển dựa trên khái niệm về vật thể cứng chắc di chuyển trong không gian trống rỗng vẫn còn giá trị trong qui mô trung bình, tức là trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong đó vật lý cổ điển vẫn là một lý thuyết áp dụng được. Hai khái niệm- không gian trống rỗng và vật thể cứng chắc-đã bám rễ trong thói quen tư duy của ta, đến nỗi ta rất khó nghĩ ra một lĩnh vực cơ lý mà trong đó chúng ta không thể áp dụng được. Thế nhưng nền vật lý hiện đại buộc ta phải từ bỏ chúng, nếu ta muốn vươn ra khỏi qui mô trung bình nói trên. “Không gian trống rỗng” đã mất ý nghĩa trong vật lý thiên văn và vũ trụ học, và khái niệm “vật thể vững chắc” đã bị vật lý nguyên tử về những hạt cực nhỏ, bác bỏ.
Khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đã có nhiều hiện tượng trong cơ cấu nguyên tử được khám phá, chúng không được giải thích thỏa đáng với vật lý cổ điển. Dấu hiệu cho hay bản thân nguyên tử cũng có một cơ cấu riêng được khám phá cùng lúc với sự phát hiện quang tuyến X, một dạng bức xạ sớm đi vào lĩnh vực y học. Nhưng tia X không phải là tia duy nhất được phát hiện. Sau khi khám phá ra nó, người ta tìm thấy những loại tia khác, chúng phát ra từ nguyên tử của những chất được gọi là phóng xạ. Hiện tượng phóng xạ được chứng minh rõ ràng là nguyên tử phải do nhiều thành phần cấu tạo thành, rằng nguyên tử của chất phóng xạ không những phát ra những tia khác nhau, mà trong nội bộ nguyên tử phải có nhiều chất chuyển hóa lẫn nhau.
Nhờ vào hiện tượng phóng xạ, Max Von laue dùng quang tuyến X nghiên cứu cơ cấu của nguyên tử ở dạng tinh thể và Ernest Rutherford nhận ra rằng, các hạt gọi là alpha được phát ra từ nguyên tử có tính phóng xạ là những phần tử bị bắn ra với tốc độ nhanh, có kích thước nhỏ hơn nguyên tử, và vì thế chúng được sử dụng để nghiên cứu cơ cấu nội tại của nguyên tử. Nếu ta dùng nó để bắn vào nguyên tử, thì dựa trên cách nó bị bứt ra mà suy đoán cơ cấu nguyên tử.
Khi Rutherford dùng hạt alpha bắn ào ạt nguyên tử thì ông nhận được những kết quả đáng kinh ngạc và hoàn toàn bất ngờ. Nguyên tử không hề là những hạt vững chắc như người ta tưởng mà nó lại là một không gian rộng rãi, trong đó những hạt cực nhỏ-gọi là electron-chạy vòng xung quanh hạt nhân, chúng được nối với hạt nhân bằng điện lực. Không dễ dàng tưởng tượng ra được độ nhỏ của nguyên tử, nó nằm quá xa kích thước vĩ mô của chúng ta. Đường kính của một nguyên tử khoảng một phần một trăm triệu của một cen-ti-mét. Nếu bạn tưởng tượng một trái cam to như trái đất thì lúc đó nguyên tử chỉ vừa bằng một quả dâu. Hàng tỉ tỉ quả dâu nằm chen chúc trong một quả cầu to như trái đất, đó là hình ảnh của vô số nguyên tử của một trái cam.
Nguyên tử đã nhỏ như thế-so với vật thể vĩ mô, thì nó lại là cực lớn so với hạt nhân của nó. Nếu nguyên tử to bằng quả dâu thì hạt nhân của nó không thể thấy. Nguyên tử to bằng trái bóng đá hay bằng cả cái phòng thì hạt nhân cũng chưa thấy được bằng mắt thường. Nếu chúng ta cho nguyên tử lớn bằng giáo đường lớn nhất thế giới, giáo đường Peter tại Roma thì hạt nhân của nó vừa bằng một hạt cát. Một hạt cát nằm giữa giáo đường và đâu đó xa xa trong giáo đường vài đám bụi nhỏ đang tung vãi - như thế, ta hình dung ra hạt nhân và electron của một nguyên tử.
Không bao lâu sau khi phát hiện cơ cấu hành tinh của nguyên tử, người ta thấy rằng số lượng electron trong nguyên tử của một nguyên tố quyết định tính chất hóa học của nguyên tố đó và ngày nay người ta biết rằng toàn bộ hệ thống tuần hoàn của các nguyên tố có thể tạo nên bằng cách lần lượt thêm vào hạt nhân của nguyên tố nhẹ nhất (khinh khí) các proton và neutron và thêm vòng ngoài của nguyên tử số lượng tương quan các electron. Sự tương tác giữa các nguyên tử sinh ra tiến trình hóa học, thế nên toàn bộ nền hóa học thông qua các qui luật của vật lý nguyên tử mà được hiểu rõ.
Thế nhưng những qui luật này không được chấp nhận dễ dàng. Chúng được phát hiện vào thế kỷ 20 nhờ vào nhóm vật lý gia quốc tế, trong đó có người Đan Mạch Niels Bohs, người Pháp Louis de Broglie, người Áo Erwin Schrodinger và Wolfgang Pauli, người Đức Werner Heisenberg và người Anh Paul Dirac. Với năng lực tổng hợp, vượt qua mọi biên giới, những người đó đã tạo nên một thời kỳ sôi nổi của khoa học hiện đại, thời kỳ đưa con người lần đầu tiên đến tiếp cận với thực thể kỳ lạ và bất ngờ của thế giới hạ nguyên tử. Cứ mỗi khi nhà vật lý hỏi thiên nhiên bằng một thí nghiệm thì thiên nhiên trả lời bằng một sự nghịch lý và nhà vật lý càng tìm cách lý giải, sự nghịch lý càng lớn. Phải trải qua một thời gian dài, họ mới nhận ra rằng sự nghịch lý nằm ngay trong cơ cấu nội tại của nguyên tử, sự nghịch lý luôn luôn xuất hiện khi người ta mô tả những diễn biến trong hạt nhân bằng khái niệm truyền thống của vật lý. Khi đã nhận thức điều này thì nhà vật lý mới biết cách đặt câu hỏi và tránh được mâu thuẫn. Theo Heisenberg thì “bằng cách nào đó, họ đành chấp nhận tinh thần của thuyết lượng tử” và cuối cùng đưa ra được biểu thức toán học chính xác cho thuyết này.
Cả sau khi đưa ra biểu thức toán học của thuyết lượng tử được hoàn thiện, khái niệm của thuyết này cũng không dễ được chấp nhận. Nó đã làm đảo lộn toàn bộ khả năng tưởng tượng của các nhà vật lý. Thí nghiệm Rutherford cho thấy nguyên tử không hề là những hạt nhỏ không thể phân chia mà chỉ là không gian trống không, trông đó những hạt li ti vận động, rồi bây giờ thuyết lượng tử lại càng cho rằng, bản thân những hạt đó cũng chẳng cứng chắc gì cả, theo nghĩa của vật lý cổ điển. Những đơn vị hạ nguyên tử là một cấu trúc trừu tượng, với thuộc tính hai mặt. Tùy theo chúng ta nhìn nó như thế nào mà chúng xuất hiện khi là hạt, khi khác là sóng; ánh sáng xuất hiện cũng hai mặt, khi là sóng điện từ, khi thì xuất hiện như hạt.
Tính chất này của vật chất và ánh sáng thật là kỳ dị. Xem ra không thể chấp nhận được một cái gì đó vừa là hạt, tức là một cơ cấu có kích thước rất nhỏ; đồng thời vừa là sóng, là một cái gì có thể tỏa rộng trong không gian. Đối với nhiều người, mâu thuẫn này là một sự nghịch lý, tương tự như công án, cuối cùng nó dẫn đến sự phát biểu thuyết lượng tử. Toàn bộ sự phát triển bắt đầu với Max Planck, khi ông phát hiện rằng nhiệt lượng không hề tỏa ra liên tục mà trong dạng từng bó năng lượng. Einstein đặt tên cho những bó này là quanton (lượng tử) và thừa nhận đó là dạng cơ bản của thiên nhiên. Ông đủ táo bạo để quả quyết rằng, cả ánh sáng lẫn các tuyến điện từ khác không những chỉ là sóng mà chúng cũng xuất hiện với dạng quanta này. Những “bó ánh sáng”, mà theo đó thuyết lượng tử được đặt tên, từ đó được thừa nhận, người ta đặt tên cho nó là “phonton” (quang tử). Thế nhưng nó là loại hạt đặc biệt, nó phi khối lượng và luôn luôn di chuyển với vận tốc ánh sáng.
Thế là mâu thuẫn rành rành giữa hình ảnh của sóng và hạt được giải quyết một cách bất ngờ, nhưng nó đặt lại một vấn đề của vật lý cổ điển, đó là khái niệm về thực tại của vật chất. Trong bình diện hạ nguyên tử, vật chất không hiện hữu một cách chắc chắn tại một vị trí nhất định, theo một cách thế nhất định, chúng chỉ “có khuynh hướng xảy ra”. Trong cách nói của thuyết lượng tử thì khuynh hướng đó được gọi là xác suất, nó liên hệ với những đại lượng toán học, những đại lượng đó qui định dạng của sóng. Do đó mà hạt cũng có thể là sóng. Những sóng đó không phải là sóng thật như loại sóng trong không gian ba chiều của âm thanh hay sóng trên nước. Chúng là sóng xác suất, đó là những đại lượng toán học trừu tượng với tính chất tiêu biểu của sóng; chúng nói lên với xác suất nào, có nghĩa là người ta “gặp” được một hạt tại một điểm nhất định, tại một thời gian nhất định. Tất cả mọi qui luật của vật lý nguyên tử đều được biểu thị ở dạng xác suất này. Không bao giờ chúng ta có thể quả quyết điều gì về một tiến trình trong nguyên tử, ta chỉ nói xác suất nó xảy ra là bao nhiêu.
Một thuyết lượng tử như thế đã phá vỡ những khái niệm về một vật thể cứng chắc. Với mức độ hạ nguyên tử thì hạt cứng chắc của vật lý cổ điển đã tan thành những hình ảnh xác suất có dạng như sóng và hơn thế nữa, những cấu trúc này không diễn tả xác suất hiện hữu của vật thể mà xác suất của những mối liên hệ. Khi nghiên cứu kỹ về quá trình quan sát trong ngành vật lý nguyên tử người ta thấy rằng các hạt với tính chất là đơn vị không có vai trò gì, mà chúng chỉ được hiểu trong mối liên hệ giữa sự chuẩn bị một thí nghiệm và các đo lường sau đó.
Thế nên thuyết lượng tử trình bày cho thấy thể thống nhất của vũ trụ. Nó cho ta thấy rằng không thể chia chẻ thế giới ra từng hạt nhỏ rời rạc độc lập với nhau. Khi nghiên cứu sâu về vật chất, ta sẽ biết thiên nhiên không cho thấy những “hạt cơ bản” riêng lẻ, mà nó xuất hiện như tấm lưới phức tạp chứa toàn những mối liên hệ của những phần tử trong một toàn thể. Những mối liên hệ này bao gồm luôn luôn cả người quan sát. Con người quan sát chính là mắt xích cuối của một chuỗi quá trình quan sát và tính chất của một vật thể nguyên tử chỉ có thể hiểu được trong mối quan hệ giữa vật được quan sát và người quan sát. Điều đó có nghĩa là hình dung cổ điển về một sự mô tả khách quan thế giới tự nhiên không còn có giá trị nữa. Sự chia cắt giữa cái tôi và thế giới theo kiểu Descartes, giữa người quan sát và đối tượng quan sát không thể áp dụng trong lĩnh vực nguyên tử. Trong vật lý nguyên tử, ta không bao giờ có thể nói về thế giới tự nhiên mà không đồng thời nói về chính ta.
Thuyết nguyên tử mới mẻ lập tức có thể trả lời nhiều điều bí ẩn xuất hiện trong lúc nghiên cứu về cơ cấu nguyên tử mà mô hình hành tinh của Rutherford cho thấy nguyên tử, dựa trên đó mà vật chất cứng chắc thành hình, vốn chỉ là không gian trống rỗng, nếu nhìn theo cách phân bố của khối lượng.
Thế nhưng nếu ta và mọi vật xung quanh chủ yếu là rỗng không thì tại sao ta không đi xuyên qua được cánh cửa đang đóng. Nói cách khác: cái gì làm vật chất có vẻ cứng chắc?
Một điều bí ẩn thứ hai là tính chất ổn định cơ cấu lạ lùng của nguyên tử. Chẳng hạn trong không khí, nguyên tử va chạm nhau hàng triệu lần trong một giây, thế nhưng vẫn giữ được dạng cũ sau mỗi khi va chạm nhau. Không có một hệ thống hành tinh nào, hệ thống nằm trong qui luật của vật lý cổ điển, lại chịu nổi sự va chạm như thế. Thế nhưng một nguyên tử oxygen luôn luôn giữ được cấu trúc electron riêng biệt của nó, dù nó va chạm bao nhiêu lần với các nguyên tử khác. Hơn thế nữa, cấu trúc của mọi nguyên tử cùng loại luôn luôn giống như nhau, không kể xuất xứ của chúng và quá trình tinh luyện chúng như thế nào.
Thuyết lượng tử cho thấy rằng, tất cả những đặc tính lạ lùng đó của nguyên tử xuất phát từ tính chất sóng của các electron. Tính cứng chắc của vật chất là hiệu quả của một hiệu ứng lượngtử, tính chất này liên hệ chặt chẽ với tự tính hai mặt “sóng hạt” của vật chất, đó là một tính chất trong thế giới hạ nguyên tử, cái mà trong thế giới vĩ mô không hề có sự tương tự. Cứ mỗi khi hạt bị giam trong không gian nhỏ hẹp thì nó phản ứng bằng cách vận động chống lại sự chật chội đó, không gian càng nhỏ thì nó vận động càng nhanh. Trong nguyên tử có hai loại lực ngược chiều nhau. Một bên là lực hút của hạt nhân, hút electron bằng sức hút điện tích; bên kia là electron phản ứng với sự hạn chế không gian bằng cách quay cuồng và khi nó càng sát gần với nhân, nó càng quay mạnh. Chúng di chuyển với vận tốc chừng 900km mỗi giây!. Vận tốc rất lớn này làm nguyên tử xuất hiện như một hình cầu cứng rắn, tương tự như một chiếc chong chóng quay nhanh làm ta tưởng đó là một đĩa tròn liên tục. Muốn bóp nhỏ một nguyên tử lại rất khó, nhờ đó mà nguyên tử làm cho vật chất trở nên cứng rắn.
Trong nguyên tử, các electron quay trên các quĩ đạo, sinh ra một sự thăng bằng tối ưu giữa sức hút của nhân và sự phản ứng chống lại sự gò bó không gian. Tuy thế các quĩ đạo electron khác với quĩ đạo của hành tinh trong hệ mặt trời, Đó là một hệ quả của tính chất sóng của electron. Người ta không thể xem nguyên tử là một hệ hành tinh nhỏ được. Chúng ta đừng hình dung có hạt nào chạy vòng xung quanh nhân, mà các sóng xác suất đang xếp đặt trên các quĩ đạo. Cứ mỗi lần đo lường, ta lại tìm thấy chỗ này chỗ kia electron trong các quĩ đạo đó, nhưng chúng ta không thể nối chúng “quay xung quanh” nhân nguyên tử trong nghĩa cơ học cổ điển.
Trong các quĩ đạo, các sóng electron phải rung làm sao cho “đầu đuôi ăn khớp” với nhau, để tạo thành “sóng đứng”. Dạng sóng này xuất hiện khi chúng bị hạn chế trong một lĩnh vực nhất định, thí dụ sự rung động của một dây đàn gi-ta hay luồng khí trong một ống sáo. Từ những thí dụ này ta thấy sóng đứng chỉ có một số lượng nhất định các hình dạng định sẵn.
Trường hợp của sóng electron trong nguyên tử cũng thế, chúng chỉ hiện diện trên những quĩ đạo nhất định với đường kính định sẵn. Chẳng hạn electron của một nguyên tử hydrogen chỉ có thể hiện diện trong quĩ đạo thứ nhất, thứ hai hay thứ ba v.v…, chứ không thể ở nửa chừng. Thường thường nó nằm trong quĩ đạo thấp nhất, ta gọi đó là trạng thái cơ bản của nguyên tử. Từ đó electron có thể nhảy lên quĩ đạo cao hơn, nếu nó có đủ năng lượng. Trong trường hợp đó nó được gọi là trạng thái kích thích, nhưng chỉ sau một thời gian nó trở lại về trạng thái cơ bản và giải phóng năng lượng thừa dưới dạng một lượng của bức xạ điện từ hay quang tử (phonton).
Dạng hình và khoảng cách các quĩ đạo của một nguyên tử có cùng số lượng electron đều giống hệt nhau, vì thế mà hai nguyên tử oxygen giống hệt nhau. Chúng có thể khác nhau về trạng thái cơ bản hay kích thích, có thể vì va chạm với những nguyên tử khác trong không khí, nhưng sau một lúc chúng lại trở về trạng thái cơ bản. Vì thế chính tính chất sóng của electron là cơ sở để nhận diện một nguyên tử và là nguyên do của sự ổn định cơ cấu to lớn của chúng.
Một đặc trưng nữa để xác định tình trạng một nguyên tử là chúng được một nhóm số nguyên mô tả đầy đủ, nhóm số đó được gọi là số lượng tử, chúng diễn tả vị trí và hình dạng của các quĩ đạo. Số lượng tử đầu tiên chỉ số của quĩ đạo và năng lượng một electron phải có để có thể ở trong quĩ đạo đó. Hai con số tiếp theo diễn tả dạng của sóng electron trong quĩ đạo và mối tương quan của vận tốc cũng như hướng quay của electron. Việc các chi tiết này được biểu diễn bằng những số nguyên cho thấy rằng eletron không thay đổi một cách liên tục độ quay của nó mà là nhảy từ trị số này qua trị số khác, cũng như nhảy từ quĩ đạo này qua quĩ đạo khác. Ở đây cũng thế, độ quay càng cao thì nguyên tử càng bị kích động: ở trạng thái cơ bản thì mọi electron nằm trong quĩ đạo thấp nhất và độ quay cũng nhỏ nhất.
Xác suất hiện hữu, các hạt phản ứng mạnh khi vào không gian chật hẹp, nguyên tử đổi trạng thái bằng các bước nhảy lượng tử; và nhất là mối quan hệ nội tại của các hiện tượng - đó là những nét kỳ lạ của thế giới nguyên tử. Mặt khác, lực cơ bản sinh ra các hiện tượng này thì chúng ta đã biết và nó cũng hiện diện trong thế giới vĩ mô. Đó là lực hút giữa các điện tích, giữa nhân chứa điện dương và electron. Sự giao hoà giữa năng lực này với các sóng electron sản sinh ra thiên hình vạn trạng những cơ cấu và hiện tượng. Nó chính là nguồn gốc của mọi phản ứng hoá học và sự thành lập phân tử, tức là nhóm những nguyên tử được tập trung vào nhau nhờ sức hút giữa các nguyên tử. Sự tác động lên nhau của các electron và hạt nhân cũng là nền tảng của tất cả các chất khí, chất lỏng và chất rắn, cũng như của tất cả sinh vật và trong toàn bộ tiến trình có sự sống.
Trong thế giới phong phú của nguyên tử thì nhân nguyên tử đóng vai trò của một trung tâm vừa cực nhỏ vừa ổn định, nó lại là gốc của sức hút điện lực và tạo nên khuôn khổ của cơ cấu một phân tử. Nhằm tìm hiểu những cơ cấu đó và mọi hiện tượng chung quanh chúng ta, người ta chỉ cần biết khối lượng và điện tích của hạt nhân. Còn muốn hiểu tự tính của vật chất, hiểu vật chất gồm những gì đích thực thì ta phải nghiên cứu hạt nhân, là thành phần xem như trọng tâm toàn bộ khối lượng của vật chất. Trong những năm ba mươi của thế kỷ này, sau khi thuyết lượng tử đã giải được bài toán của thế giới nguyên tử thì mục đích chính của nhà vật lý là tìm hiẻu cơ cấu của hạt nhân , các thành phần của nó và lực nội tại là gì mà các thành phần có kết cấu vững chắc như vậy.
Bước quan trọng đầu tiên để hiểu cơ cấu hạt nhân là sự phát hiện các neutron, là thành phần thứ hai, loại hạt có khối lượng gần bằng proton (thành phần thứ nhất), tức khoảng gấp hai ngàn lần khối lượng của electron, tuy nhiên chúng không mang điện tích. Sự khám phá này không những chỉ làm sáng tỏ nhân nguyên tử gồm proton và neutron, nó còn cho thấy rằng lực nội tại trong nhân, thứ lực giữ chắc các hạt này lại với nhau, phải là một hiện tượng mới mẻ. Nó không thể là lực điện từ được vì neutron không có điện tích. Nhà vật lý chóng biết rằng họ đang đương đầu với một thứ lực mới mẻ trong thiên nhiên, nó chỉ nằm trong nhân nguyên tử, ngoài ra nó không hiện hữu ở đâu cả.
Nhân nguyên tử lớn khoảng bằng một phần một trăm ngàn một nguyên tử, mà chứa hầu như toàn bộ khối lượng của nó. Như thế thì vật chất nằm trong nhân hẳn phải có tỉ trọng hết sức lớn, độ nén hết sức cao. Nếu thân người mà nén lại theo cách “hạt nhân” này thì nó chỉ chiếm thể tích bằng đầu một mũi kim. Tuy thế độ nén này không phải là tính chất lạ lùng duy nhất của hạt nhân. Vì cũng có tính chất lượng tử như các electron, các hạt nucleon (gọi chung proton và neutron) cũng phản ứng chống không gian bé nhỏ bằng sự vận động cao độ, nơi càng chật chội chúng càng chuyển động nhanh hơn. Chúng di chuyển trong nhân với vận tốc khoảng 60.000km/giây. Vì thế khối lượng hạt nhân là một dạng khối lượng hoàn toàn khác với khối lượng mà ta biết trong thế giới vĩ mô. Có lẽ chúng ta chỉ có thể tưởng tượng chúng là những hạt tí hon có tỉ trọng cực lớn, sôi sùng sục trong một chất lỏng cũng có tỉ trọng rất lớn.
Khía cạnh mới mẻ của tính chất hạt nhân chính là lực tác động trong nhân với khoảng cách nội tại cực ngắn. Lực đó chỉ tác dụng khi các nucleon tiến sát gần nhau, tức khi khoảng cách giữa chúng chỉ gấp đôi gấp ba lần đường kính của chúng. Với khoảng cách này thì lực hút của hạt nhân phát huy tác dụng. Đến khi khoảng cách giữa chung ngắn lại thì chúng lại có tác dụng đẩy, làm cho các nucleon không hề sát nhau được. Theo cách thế này mà lực hạt nhân giữ được nhân nguyên tử hết sức ổn định, dù cho bản thân chúng lại hết sức năng động.
Như thế thì vật chất là không gian rỗng với những hạt tí hon nằm cách xa nhau, các hạt đó lại là nơi tập trung khối lượng. Trong không gian rộng lớn giữa các hạt nhân đầy khối lượng và sôi sùng sục, đó là electron.Các electron chỉ mang một phần rất nhỏ toàn thể khối lượng, thế nhưng lại tạo cho vật chất tính chất cứng chắc và là lực nối kết với nhau để tạo thành cơ cấu phân tử. Chúng cũng tham gia vào các phản ứng hoá học. ở dạng bình thường này của vật chất thì các phản ứng dây chuyền của lực hạt nhân không tự mình xảy ra được vì năng lượng không đủ lớn để phá huỷ sự ổn định của nhân.
Tuy thế dạng này của vật chất với nhiều sắc thể và cơ cấu cũng như tập hợp phân tử phức tạp chỉ có thể hiện hữu trong những điều kiện nhất định, đó là lúc nhiệt độ không quá cao để cho các phân tử không phản ứng qua mãnh liệt. Nếu nhiệt năng vọt lên gấp trăm lần như trong thiên thể thì tất cả mọi cơ cấu nguyên tử và phân tử bị huỷ hoại. Thực ra, phần lớn vật chất trong vũ trụ hiện hữu trong một trạng thái khác xa với trạng thái mô tả ở trên. Ở trung tâm các thiên thể là toàn những khối nhân khổng lồ và gồm hầu như phản ứng hạt nhân mà trên trái đất rất ít xảy ra. Chúng rất quan trọng đối với những hiện tượng của thiên hà mà các nhà vũ trụ quan sát được. Những hiện tượng đó phần lớn là do sự phối hợp của hạt nhân và hiệu ứng trọng trường tạo ra. Đối với hành tinh chúng ta thì phản ứng hạt nhân ở trung tâm mặt trời hết sức quan trọng, vì nó cung cấp năng lượng để nuôi sống đời sống trên trái đất. Một trong những thành tựu lớn nhất của vật lý hiện đại là sự phát hiện rằng năng lượng xuất phát liên tục từ mặt trời, từ hành tinh cốt tử nối ta với thế giới bao la vô tận, năng lượng đó lại chính là kết quả của phản ứng hạt nhân, là một hiện tượng của thế giới vô cùng bé.

Trong lịch sử nghiên cứu thế giới vi mô vào đầu những năm ba mươi, người ta đã đạt tới một giai đoạn mà nhà khoa học cho rằng đã phát hiện một cách chung kết các hạt cơ bản của vật chất. Người ta biết mọi vật chất đều từ nguyên tử mà thành và mọi nguyên tử đều do proton, neutron và electron cấu tạo.
Những hạt được gọi là “hạt cơ bản” đó được xem là nhỏ nhất, đơn vị không thể phá hủy của vật chất: đó là nguyên tử trong nghĩa của Demokrit. Mặc dù thuyết lượng tử cho thấy thế giới không thể chia cắt ra những hạt cực nhỏ, hiện hữu, độc lập với nhau được, nhưng thời đó người ta vẫn chưa thừa nhận thực tế này. Phép tư duy cổ điển bắt rễ quá sâu xa làm cho phần lớn các nhà vật lý vẫn tìm cách hiểu vật chất qua khái niệm của những hạt cơ bản và khuynh hướng đó ngày nay vẫn còn rất mạnh.
Thế rồi hai sự phát triển mới trong ngành vật lý hiện đại đòi hỏi phải từ bỏ việc xem các hạt cơ bản là đơn vị cuối cùng của vật chất. Một trong hai thành tựu này thuộc về thực nghiệm, cái kia thuộc về lý thuyết, nhưng cả hai đều bắt đầu vào những năm ba mươi. Khi các nhà vật lý ngày càng nâng cao khả năng tinh tế của phép thực nghiệm, các hạt cơ bản khác được khám phá. Đến năm 1935 thì con số ba hạt đã lên sáu hạt, năm 1955 chúng lên đến 18 hạt và ngày nay ta có hơn hai trăm hạt cơ bản.
Ngày nay người ta nói đến hàng trăm các hạt menson và baryon. Chúng chỉ chứng tỏ rằng tĩnh từ “cơ bản” trong giai đoạn này không còn thích ứng nữa.
Qua những năm tháng mà các hạt cứ được phát hiện liên tục thì tất nhiên người ta không thể gọi chúng là cơ bản nữa. Niềm tin này còn được tăng cường hơn nữa qua những phát triển lý thuyết, song song với sự phát hiện các hạt. Không bao lâu sau khi thiết lập thuyết lượng tử người ta biết rõ một lý thuyết đầy đủ để mô tả hiện tượng hạt nhân không những chỉ chứa đựng thuyết lượng tử, mà còn cả thuyết tương đối vì vận tốc các hạt bị giới hạn trong không gian hạt nhân thường tới gần với vận tốc ánh sáng. Điều này rất quan trọng cho sự mô tả hoạt động của chúng, vì với vận tốc như thế luôn luôn ta phải quan tâm đến thuyết tương đối. Như chúng ta nói, đó phải là một sự mô tả tương đối. Để hiểu biết đầy đủ thế giới hạt nhân, ta cần một lý thuyết vừa chứa đựng thuyết lượng tử, vừa thuyết tương đối. Cho đến bây giờ, một lý thuyết như thế chưa được tìm ra và vì thế chúng ta không thể phát biểu một lý thuyết về hạt nhân nguyên tử được. Mặc dù biết khá nhiều về cơ cấu hạt nhân và sự tương tác của các thành phần, nhưng chúng ta không hiểu tự tính và dạng phức tạp của lực trong nhân một cách triệt để. Không có một lý thuyết đầy đủ để giải thích thế giới hạt nhân, tương tự như thuyết lượng tử đã giải thích thế giới nguyên tử. Chúng ta cũng có vài mô hình lượng tử tương đối, chúng mô tả rất tốt vài dạng của thế giới hạt trong nhân. Nhưng sự thống nhất thuyết lượng tử và tương đối thành một lý thuyết toàn triệt của hạt, đó vẫn còn là một bài toán trung tâm và trách nhiệm lớn lao của nền vật lý hiện đại.
Trong vật lý cổ điển, từ khối lượng luôn luôn được liên hệ với một thể vật chất, không thể phân chia, với một chất nhất định, từ đó mà mọi sự thành hình. Thuyết tương đối bây giờ đã chứng minh khối lượng không hề là một chất liệu, mà là một dạng của năng lượng. Năng lượng lại là một đại lượng nói lên tính năng động, một dạng hoạt động hay một tiến trình. Thế nên khi khối lượng của một hạt đồng nghĩa với một trị số năng lượng thì hạt không còn được xem là một vật thể tĩnh nữa mà là một cơ cấu động, là quá trình của một năng lượng chỉ đang mang dạng vật chất.
Quan điểm mới này về hạt, được Dirac khởi xướng đầu tiên khi ông xây dựng một phương trình tương đối mô tả hoạt động của electron. Thuyết của Dirac không những hết sức thành công trong việc lý giải cơ cấu sâu xa của nguyên tử, mà còn cho ta thấy một tính đối xứng cơ bản giữa vật chất và đối vật chất. Nó tiên đoán sự hiện hữu của anti-electron, đó là thứ hạt có khối lượng như electron nhưng mang điện tích ngược dấu. Hạt mang điện tích dương này mà người ta gọi tên là positron quả nhiên được phát hiện hai năm sau khi Dirac tiên đoán. Nội dung của tính đối xứng giữa vật chất và đối vật chất là cứ mỗi hạt thì hiện hữu một đối hạt đồng khối lượng, mang điện tích ngược. Nếu có năng lượng đầy đủ thì từng cặp hạt và đối hạt sẽ được tạo hình, và tiến trình ngược lại là một cặp có thể bị hủy diệt để giải phóng năng lượng. Tiến trình tạo tác và hủy diệt cặp hạt - đối hạt đã được Dirac tiên đoán, trước khi chúng được quan sát thực sự trong thiên nhiên, từ đó đến nay đã xảy ra vô số lần.
Sự tạo tác ra đối hạt thuần túy từ năng lượng hiển nhiên là hiệu ứng kỳ lạ nhất của thuyết tương đối và chỉ được hiểu trong quan niệm về hạt như nói trên. Trước khi nền vật lý hạt tương đối ra đời thì thành phần của vật chất luôn luôn được xem như là những hạt cơ bản không thể hủy hoại không thể biến đổi, nằm xếp trong vật thể, vật thể đó có thể chẻ ra từng miếng. Câu hỏi trung tâm thời đó là liệu ta có thẻ chia chẻ vật chất mãi được không hay chỉ tới một số hạt nhất định nào đó không thể chia được nữa. Sau khám phá của Dirac thì việc chia chẻ vật chất hiện ra trong một ánh sáng mới. Khi hai hạt va chạm nhau với năng lượng cao, chúng vỡ thành từng mảnh thật, nhưng các mảnh đó không nhỏ hơn các hạt ban đầu. Các mảnh này cũng là hạt cùng loại nhưng chúng được tạo tác từ động năng mà thành. Như thế câu hỏi về việc chia chẻ hoài vật chất được trả lời một cách bất ngờ. Cách duy nhất để chia chẻ các hạt hạ nguyên tử chính là cho chúng va chạm nhau với năng lượng cao. Với cách này ta có thể chia chẻ hoài vật chất nhưng chúng không hề bị nhỏ đi vì chúng được sinh ra từ năng lượng. Các hạt hạ nguyên tử như thế là vừa hủy diệt được vừa không hủy diệt được.
Điều xem ra mâu thuẫn nghịch lý đó sẽ tự tan biến nếu ta từ bỏ quan niệm cho rằng vật thể gồm nhiều hạt cơ bản tạo thành, và thay vào đó lấy quan điểm năng động, tương đối, làm cách nhìn của mình. Như thế thì hạt sẽ xuất hiện như một cơ cấu năng động hay một tiến trình, tiến trình đó mang theo mình một trị số năng lượng, nó hiện ra dưới dạng khối lượng. Khi hai hạt va chạm nhau thì năng lượng của hạt đó chuyển đổi vào trong một cơ cấu khác và khi có thêm động năng đủ mức, thì có thêm hạt hiện hữu trong cơ cấu mới
Thí nghiệm va chạm với năng lượng cao đã trở thành phương pháp chính để khảo sát các tính chất cuả hạt, vì thế nền vật lý hạt có khi cũng được gọi là vật lý cao năng lượng.
Nơi đây động năng cần thiết được tạo ra từ các thiết bị chuyên biệt nhằm gia tốc cho hạt, trong những máy móc khổng lồ gồm vài cây số đường tròn, trong đó các hạt proton được gia tốc đến gần vận tốc ánh sáng, để rồi cho chúng va chạm các proton khác hay neutron.
Thật là đáng lạ lùng khi nghiên cứu những cái vô cùng bé phải cần máy móc lớn cỡ như thế này. Chúng là những kính hiển vi siêu đẳng của thời đại chúng ta.
Phần lớn các hạt sinh ra qua những va chạm này đều có đời sống hết sức ngắn ngủi - ít hơn cả một phần triệu giây-và tự giã thành proton, neutron hay electron. Mặc dù chúng có đời sống vô cùng ngắn ngủi, người ta không những phát hiện được chúng, đo lường tính chất, mà còn chụp hình dấu vết của chúng. Dấu vết này được tìm thấy trong các buồng đo, tương tự như vệt khí trắng của một chiếc máy bay trên bầu trời. Kích thước các hạt đó thật ra nhỏ hơn rất nhiều so với dấu vết của chúng nhưng nhờ bề dày và độ cong của một quĩ đạo mà nhà vật lý có thể nhận ra được hạt đã sinh ra các dấu đó. Những giao điểm của các quĩ đạo chính là nơi các hạt đụng nhau và những đường cong là do các từ trường tạo thành, các trường đó được nhà quan sát sử dụng để xác định hạt. Sự va chạm nhau của các hạt là phương pháp thí nghiệm chủ yếu nhất của chúng ta và những đường thẳng, đường cong hay xoắn trôn ốc mà hạt đã để lại là dấu vết hết sức quan trọng trong ngành vật lý hiện đại.
Những thí nghiệm cao năng lượng trong những thập niên qua cho ta thấy một cách rõ rệt tính chất năng động và luôn luôn thay đổi của các hạt. Trong những thí nghiệm này vật chất xuất hiện như là một cái gì luôn luôn chuyển hoá. Tất cả mọi hạt này đều có thể chuyển hoá thành mọi hạt kia; chúng được tạo thành từ năng lượng và biến thành năng lượng. Trong thế giới này, những khái niệm cổ điển như hạt cơ bản, tự tính vật chất hay vật thể độc lập mất hết ý nghĩa. Vũ trụ xuất hiện như một tấm lưới năng động với những cơ cấu năng lượng không thể chia cắt. Đến nay chúng ta chưa có một lý thuyết toàn bộ để mô tả thế giới hạ nguyên tử, nhưng đã có nhiều mô hình lý thuyết, chúng lý giải rất sát nhiều mặt của vấn đề. Trong đó, không có mô hình nào vắng bóng biểu thức toán học phức tạp và trong chừng mực nhất định, bản thân chúng cũng mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng tất cả chúng đều phản ánh tính nhất thể cơ bản và tính năng động nội tại của vật chất. Chúng chỉ ra rằng, tính chất của một hạt chỉ được hiểu rõ thông qua hoạt động của nó - thông qua liên hệ, qua tương quan với môi trường xung quanh nó - và vì vậy không thể xem hạt là một cơ cấu độc lập mà phải được hiểu là một thành phần trong một thể thống nhất.
Thuyết tương đối không chỉ ảnh hưởng một cách quyết định lên hình dung của ta về hạt, mà cả lên hình ảnh của ta về lực tác dụng giữa các hạt đó. Trong sự mô tả tương tác giữa các hạt thì lực tác dụng giữa chúng, đó là các lực hút hay đẩy, lực đó được xem là sự hoán chuyển của các hạt khác. Thật khó diễn tả điều này. Nó là hệ quả của tính chất bốn chiều không - thời gian trong thế giới hạ nguyên tử và cả trực giác lẫn ngôn ngữ không thể tiếp cận với điều này.
Thế nhưng nó lại rất quyết định để hiểu được các hiện tượng trong thế giới đó. Nó nối kết lực tác động với các tính chất của vật chất và thống nhất giữa hai khái niệm lực và vật chất với nhau, hai khái niệm vốn được xem là khác nhau từ cơ bản của các nhà nguyên tử học Hy Lạp. Ngày nay lực và vật chất được xem như có nguồn gốc chung trong những cơ cấu động mà ta gọi là hạt.
Khi ta xem hạt thông qua lực mà tác động lên nhau, lực đó lại là hiện thân của các hạt khác, thì đó lại càng thêm một lý do để ta tin thế giới của hạ nguyên tử không thể chia cắt thành từng phần được. Từ cấp vĩ mô xuống đến nhân nguyên tử, các lực nối kết sự vật với nhau tương đối nhỏ để ta có thể nói một cách gần đúng rằng, sự vật gồm nhiều thành phần hợp lại. Như ta có thể nói một hạt cát có nhiều phân tử cát, phân tử cát gồm có hai nguyên tử Si, nguyên tử này gồm có nhân và electron và nhân gồm có proton và neutron. Thế nhưng trên bình diện của các hạt thì người ta không còn được nhìn sự vật như thế nữa.
Trong thời gian gần đây có nhiều dấu hiệu cho rằng cả proton và neutron cũng là vật gồm nhiều thành phần, nhưng lực nối kết của chúng quá lớn, hay vận tốc của các thành phần quá lớn (thật ra cũng như lực) mà người ta phải áp dụng thuyết tương đối, trong đó lực đồng nghĩa với hạt rồi. Vì thế, biên giới giữa hạt có nhiều thành phần và lực kết nối các thành phần đó đã bị xoá nhoà và hình ảnh của một vật thể gồm nhiều thành phần bị đổ vỡ ở đây. Những hạt không còn bị chia chẻ thêm thành những hạt khác được nữa.Trong nền vật lý hiện đại, vũ trụ được thấy như một cái toàn thể năng động, tự tính của nó là luôn luôn bao gồm cả người quan sát. Nơi đây thì những khái niệm truyền thống như không gian, thời gian, vật thể độc lập, nguyên nhân - kết quả đã mất ý nghĩa. Kinh nghiệm này rất tương tự với kinh nghiệm của đạo học phương Đông. Sự tương tự này hiện rõ trong thuyết lượng tử và thuyết tương đối và càng rõ hơn trong mô hình lượng tử - tương đối của thế giới hạ nguyên tử, trong đó hai thuyết thống nhất với nhau, đây chính là sự tương đồng nổi bật nhất với đạo học phương Đông.
Trước khi đi vào từng mối tương đồng, tôi muốn nhắc lại ngắn gọn các trường phái của đạo học phương Đông cho các độc giả chưa biết. Các trường phái đó quan trọng cho việc so sánh, đó là ấn Độ giáo, Phật giáo và Lão giáo. Trong năm chương sau đây, lịch sử, các tính chất đặc trưng và khái niệm triết lý của các truyền thống này sẽ được mô tả, với sự nhấn mạnh đến những mặt và khái niệm quan trọng cho sự so sánh với vật lý sau này.

Trang thơ Thảo Nguyên





Thảo Nguyên là bút danh của cô giáo Hồ Thị Thảo khi dành cho thơ. Sinh năm 1974, cử nhân ngữ văn (ĐHSP Huế), Thảo Nguyên hiện là Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Phong Điền, Thừa Thiên Huế.





Mùa khẽ


Mùa khẽ trở mình
Sao lòng chẳng bình yên
Em bỏ bùa mê
vào chiều ngược nắng.
Sợi tơ tình giăng mắc
theo những ngón tay thon
chạm màu thủy tinh trong suốt
Ly trà hương sóng sánh
Đã uống rồi
có đắng, ngọt cùng nhau.

Ồn ã ngoài kia
Người người, phố phố
trôi nhanh
Bỏ lại từng khoảng lặng bên đời
anh chênh chao nỗi nhớ.
Mùa thu không còn ai đến
lạnh lùng
hồn anh ngủ đông
Nụ cười phương nào
cho phố xá mênh mang.
Xao xác lá vàng dệt kín bước chân
nhớ lắm vòng tay vụng dại
vai em gầy hao mùa hò hẹn
vượt không gian
thời gian hạn hữu
một mầm xanh nở vùi trong băng lạnh
dẫu hao gầy
vẫn dần lớn trong anh.

Bao giờ những con chim bay từ mùa ngâu tiền kiếp
về nhả hạt mầm yêu ngắt xanh
Xuống mùa em tóc ngắn câu thề
Dấu yêu ơi!
bao giờ em đến
để anh hồi sinh
bằng ảo giác bùa mê.



Có gì phía ấy

Tặng tình yêu ảo cho nhau
Nửa vời hạnh phúc
nhói đau ơi người.

Chiều thu chẳng giọt mưa phơi
Sao lành lạnh sao rối bời hư không?

Sao lao xao cái bận lòng
Có gì phía ấy mà mong
mỏi chờ?

Thương mình
vò rối vần thơ
Vẫy vùng không thoát bến bờ u mê.

Trách mình nuốt chén rượu khê
Gửi cơn si dại đến tê tái buồn.
Người đang có thật
hay sương
hay như hư ảnh
cuối đường mơ xa.

Vị ngọt ảo... giấc mơ qua
Hóa thành đắng chát
thật thà
chiều nay.



Nhịp cầu mùa thu

Hạ chưa kịp nồng nàn
Thu đã vội sang
Anh buông tay em
Một chiều đầy gió
Cơn mưa đổ dài lối nhỏ
Nỗi nhớ
ướt đẫm đường về.

Chiếc cầu mùa thu
Sao không là tay anh, tay em
Để mây trôi dịu dàng
nắng vàng lan tỏa
Mờ ảo khăn voan sương mỏng vắt ngang đồi
Cả khoảng trời hoa cỏ chỉ ta thôi.

Thu rất gần
Mà anh mãi xa xôi.
Những vần thơ ngái ngủ trong em
biết còn ai đánh thức
Hy vọng thở từng ngày trong ngực
Lặn lội trong mơ em tìm gặp
nhịp cầu diệu kì
nối lại dấu yêu xưa.

Cái chết của chủ nghĩa hậu hiện đại và xa hơn



ALAN KIRBY

 Alan Kirby nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết và đã được chôn. Tới thế chỗ của nó là một hệ hình mới của thẩm quyền và kiến thức được hình thành dưới áp lực của những công nghệ mới và các lực lượng xã hội đương đại. Tựa đề bài tiểu luận, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Philosophy Now (Triết học Bây giờ) ở Anh, số 58, năm 2006, và sau đó được in trong cuốn “Digimodernism: How New Technologies Dismantle the Postmodern and Reconfigure Our Culture”, được Continuum xuất bản vào năm 2009.


Trước mặt tôi là bản mô tả một đơn vị giáo trình tải từ trang web của phân khoa tiếng Anh thuộc một trường đại học của nước Anh. Nó bao gồm những chi tiết về những bài vở phải làm và một danh mục sách đọc hàng tuần dành cho đơn vị giáo trình tùy chọn “Tiểu thuyết Hư cấu Hậu hiện đại”, và nếu danh xưng của trường đại học không được nêu tên ở đây, thì không phải vì đơn vị giáo trình này là đáng xấu hổ, mà vì nó tiện dụng để tiêu biểu cho những đơn vị giáo trình khác hoặc những phần của giáo trình sẽ được giảng dạy trong hầu hết các phân khoa tiếng Anh trong năm học tới trên khắp nước Anh. Nó mặc định rằng chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn còn sống, vẫn đang phát triển và hoạt động tích cực: nó cho biết sẽ giới thiệu “những chủ đề chung của ‘chủ nghĩa hậu hiện đại’ và của ‘tính hậu hiện đại’, bằng cách khảo sát mối liên hệ giữa chúng với văn phong đương đại của tiểu thuyết hư cấu”. Điều này có thể có ý ám chỉ rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là đương đại, nhưng thực ra sự so sánh lại cho thấy chủ nghĩa đó đã chết và đã được chôn.

Triết học hậu hiện đại nhấn mạnh vào tính khó nắm bắt của ý nghĩa và kiến thức. Điều này thường được biểu thị trong nghệ thuật hậu hiện đại như mối quan tâm về sự miêu tả và sự tự thức có tính châm biếm. Và luận cứ rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái đã qua rồi, luận cứ đó đã được thực hiện một cách triết lí. Có người đã khẳng định về cơ bản rằng có một khoảng thời gian chúng ta đã tin vào những ý tưởng hậu hiện đại, nhưng nay không còn tin nữa, và từ nay trở đi chúng ta sẽ tin vào chủ nghĩa hiện thực phê phán. Sự yếu kém trong phân tích này là nó tập trung vào học viện, vào thực tiễn và giả định của các triết gia hoặc có thể hoặc không thể hoặc sắp sửa chuyển đổi lập trường - và nhiều học giả chỉ đơn giản là quyết định rằng, cuối cùng, họ thích tiếp tục nghe theo Foucault [một nhà hậu hiện đại thuộc loại chủ chốt] hơn là chuyển sang bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, có một luận cứ thuyết phục hơn nhiều buộc người ta phải chấp nhận rằng chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết: chỉ cần nhìn ra ngoài học viện để nhìn vào những sản phẩm văn hóa hiện hành.

Hầu hết các sinh viên [hệ cử nhân] theo lớp ‘Tiểu thuyết Hư cấu Hậu hiện đại’ năm nay, đều sinh ra vào năm 1985 hoặc sau đó, và hầu hết những văn bản chính ghi trong đơn vị giáo trình đều được viết ra trước khi những sinh viên đó ra đời. Không hề là ‘đương đại’ chút nào, những văn bản này đã được xuất bản trong một thế giới khác, trước khi các sinh viên đó chào đời: The French Lieutenant’s Woman, Nights at the Circus, If on a Winter’s Night a Traveller, Do Androids Dream of Electric Sheep? (and Blade Runner),White Noise: đây là văn hóa của Mẹ và Cha. Một số văn bản (‘The Library of Babel’) thậm chí còn được viết ra trước khi cha mẹ của họ chào đời. Thay thế kho văn bản này bằng những văn bản ưa thích của những người ủng hộ trung thành của chủ nghĩa hậu hiện đại - Beloved, Flaubert’s Parrot, Waterland, The Crying of Lot 49, Pale Fire, Slaughterhouse 5, Lanark, Neuromancer, cũng như bất kì tác phẩm nào của B.S. Johnson - và sự thể diễn ra vẫn hệt như vậy. Nghĩa là cũng đương đại như The Smiths [ban nhạc rock Anh, 1982], cũng hợp thời trang như những miếng độn vai áo [những năm 1930’s], cũng đang xảy ra như máy ghi hình Betamax [1975]. Đó là những văn bản nhằm đáp trả sự thách đố của nhạc rock và truyền hình; trong hầu hết những văn bản đó thậm chí không có nổi cái mơ ước về tính khả hữu của nền công nghệ và các phương tiện truyền thông đại chúng - điện thoại di động, email, internet, máy tính trong mỗi ngôi nhà đủ mạnh để đưa một người lên mặt trăng - mà sinh viên [hệ cử nhân] ngày nay cho là chuyện đương nhiên.

Lí do tại sao danh mục những sách đọc chính ghi trong những đơn vị giáo trình của những lớp ‘Tiểu thuyết Hư cấu Hậu hiện đại’ ở nước Anh lại gồm những sách quá cũ, nói một cách tương đối, là bởi nó không được trẻ hóa. Hãy thử nhìn vào thương trường văn hóa: mua những tiểu thuyết được xuất bản trong vòng năm năm qua, xem một bộ phim thế kỷ XXI, nghe loại nhạc mới nhất - đặc biệt là ngồi xem truyền hình trong vòng một tuần lễ - và hầu như bạn chẳng hề bắt gặp, dù chỉ thoáng qua, chút gì là của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tương tự như vậy, ta có thể đến tham dự các hội nghị văn học (như tôi đã tới dự vào tháng Bảy) và ngồi nghe một tá bài tham luận, không thấy ai đề cập đến vấn đề Lí thuyết [văn học], tới Derrida, Foucault, Baudrillard. Cảm nhận của các nhà hàn lâm về sự phế thải do quá già nua, về sự bất lực và sự không thích hợp của rất nhiều lí thuyết cũng minh chứng cho sự qua đi của chủ nghĩa hậu hiện đại. Những người sản xuất những sản phẩm văn hóa mà những nhà hàn lâm và không hàn lâm đọc, xem và nghe, đã hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa hậu hiện đại. Những văn bản siêu hư cấu hoặc tự ý thức chỉ họa hoằn xuất hiện, lại phải chịu sự tiếp nhận rất đỗi thờ ơ - như cuốn Lunar Park của Bret Easton Ellis - nhưng rồi những cuốn tiểu thuyết thuộc trường phái hiện đại, dù bị lãng quên từ lâu, vẫn còn được viết vào những năm 1950 và thập niên 60. Nơi duy nhất mà chủ nghĩa hậu hiện đại còn tồn tại, là trong các phim hoạt hình như Shrek và The Incredibles dành cho trẻ em, mà các bậc cha mẹ có nghĩa vụ phải ngồi xem với những đứa trẻ mới biết đi của họ, để dỗ dành chúng. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã bị đánh chìm tới mức như vậy; một nguồn cung cấp những sản phẩm bị mắc nghẹn ngoài lề trong nền văn hóa đại chúng nhắm vào trẻ em dưới 8 tuổi.

Chủ nghĩa Hậu Hậu-hiện-đại là gì?

Tôi tin rằng đây không phải chỉ là sự chuyển đổi đơn giản trong thời trang văn hóa. Các thuật ngữ mà thông qua chúng, những khái niệm về quyền lực, kiến thức, tính cách của bản ngã, thực tại và thời gian được quan niệm ra sao, thì nay đã đổi khác một cách đột ngột và mãi mãi. Giờ đây có một hố sâu ngăn cách giữa hầu hết những giảng viên và sinh viên của họ, giống như hố ngăn cách đã xuất hiện vào cuối những năm 1960, nhưng không cùng một loại lí do. Sự chuyển đổi từ chủ nghĩa hiện đại sang chủ nghĩa hậu hiện đại không xuất phát từ bất kì sự diễn-đạt-lại một cách sâu xa nào trong những điều kiện của sự sản xuất và tiếp nhận văn hóa; nói cường điệu một cách tu từ, thì tất cả những gì đã xảy ra là loại người từng viết những tác phẩm như Ulysses và To the Lighthouse lại đổi sang viết những tác phẩm như Pale Fire và The Bloody Chamber. Nhưng đâu đó vào cuối những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000, sự nổi lên của những công nghệ mới đã tái cấu trúc, một cách dữ dội và mãi mãi, cái bản chất của tác giả, của người đọc và của văn bản, cùng những mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Chủ nghĩa hậu hiện đại, giống như chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn trước đó, tôn thờ tác giả [nghĩa là đặt tầm quan trọng lớn nhất nơi tác giả], ngay cả khi tác giả đã chọn lựa sự tự buộc tội hoặc giả bộ xóa bỏ chính mình. Nhưng nền văn hóa ngày nay của chúng ta lại tôn thờ người tiếp nhận văn bản đến mức độ khiến họ trở thành một phần hoặc toàn bộ tác giả của văn bản đó. Những người lạc quan có thể thấy điều này là sự dân chủ hóa của nền văn hóa; những người bi quan sẽ chỉ rõ cho thấy sự tầm thường và sự trống rỗng gây nhức nhối của những sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng cách ấy (ít nhất là cho tới nay).

Để tôi giải thích. Chủ nghĩa hậu hiện đại hình dung nền văn hóa đương đại như một cảnh tượng mà con người cá nhân ngồi bất lực nhìn ngắm nó, và trong vòng quang cảnh đó, thì mọi câu hỏi về cái thực đều bị đặt thành vấn đề. Do vậy, nó nhấn mạnh đến truyền hình hoặc màn ảnh. Kế thừa của nó, tôi xin gọi làchủ nghĩa giả-hiện-đại, biến hành động của cá nhân trở thành điều kiện cần thiết của sản phẩm văn hóa. Chủ nghĩa giả-hiện-đại bao gồm tất cả các chương trình truyền hình hoặc truyền thanh hoặc những phần của chương trình, tất cả các “văn bản” có nội dung và động lực được hư cấu hoặc hướng dẫn bởi người tham dự, tức là người xem hoặc người nghe (mặc dù các thuật ngữ sau, do tính thụ động và sự nhấn mạnh của chúng vào sự tiếp nhận, đều là lỗi thời: bất cứ điều gì mà người tham dự bỏ phiếu gọi vào chương trình Big Brother hoặc người hâm mộ gọi vào chương trình bóng đá 6-0-6, đều khiến họ không đơn giản chỉ là đang xem hoặc đang nghe).

Theo định nghĩa, những sản phẩm văn hóa giả-hiện-đại không thể và không từng tồn tại trừ khi có sự can thiệp của con người cá nhân bằng xương bằng thịt. Cuốn tiểu thuyết Great Expectations tồn tại một cách cụ thể, dù có ai đọc nó hay không. Một khi Dickens viết xong và nhà xuất bản phát hành nó, đưa nó vào thế giới, thì “nội dung văn bản mang tính vật thể” của nó [its ‘material textuality’] - sự tuyển chọn những từ của nó - đã được tác tạo và hoàn tất, cho dù ý nghĩa của nó, tức là người ta sẽ diễn giải nó ra sao, là cái mà phần lớn vẫn còn đủ để dành cho mọi người. Riêng về sản lượng vật chất và kết cấu của nó thì đã được quyết định bởi những nhà cung cấp, đó là tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành chương trình nhiều tập, vân vân - chỉ có ý nghĩa của nó là thuộc địa hạt của người đọc. Mặt khác, lấy một văn bản điển hình của văn hóa giả-hiện-đại làm ví dụ, là Big Brother, ta thấy văn bản này sẽ không tồn tại một cách cụ thể nếu chẳng có ai gọi điện thoại bỏ phiếu chống những đối thủ của nó. Do đó, quyền bỏ phiếu là một phần của “nội dung văn bản mang tính vật thể” - nghĩa là chính khán giả gọi điện thoại tự viết ra chương trình. Nếu khán giả không thể viết ra các phần của Big Brother, nó sẽ giống một bộ phim của Andy Warhol một cách kì lạ: một cách trơ lì, những người trẻ tuổi thích phô bày cơ quan sinh dục nhưng mắc chứng loạn thần kinh, luôn miệng dè bỉu và nói năng vu vơ trong phòng hết giờ này sang giờ khác. Nói thế, là để nói rằng những gì làm cho Big Brother là chính nó, đó chính là hành động gọi điện thoại vào của người xem.

Chủ nghĩa giả-hiện-đại cũng bao gồm các chương trình tin tức hiện đại, có nội dung ngày càng gia tăng, bao gồm những emails hoặc tin nhắn gửi tới để bình phẩm những mẩu tin tức. Cả thuật ngữ ‘tương tác’ cũng không phù hợp ở đây, vì không hề có sự trao đổi: thay vào đó, người xem hoặc người nghe tham dự vào - viết một phân đoạn của chương trình - sau đó đi khỏi, trở lại vai trò thụ động. Chủ nghĩa giả-hiện-đại cũng bao gồm các trò chơi sử dụng máy tính, cũng theo cách tương tự là đặt cá nhân trong một bối cảnh mà họ phải bịa đặt ra cái nội dung văn hóa, trong những giới hạn đã được phác họa trước. Nội dung của từng hành vi cá nhân chơi các trò chơi thay đổi tùy theo mỗi cá nhân tham dự trò chơi.

Hiện tượng văn hóa giả-hiện-đại tuyệt hảo là internet. Thao tác chủ yếu của nó là thao tác của một cá nhân nhấn ‘chuột’ để di chuyển qua các trang theo cách không thể lặp lại giống hệt, hư cấu nên một đường dẫn xuyên qua các sản phẩm văn hóa, một đường dẫn chưa từng tồn tại trước đó và cũng sẽ không bao giờ có trở lại. Đây là một cuộc dấn mình vào quá trình văn hóa cuồng nhiệt hơn bất cứ điều gì mà văn học có thể cung cấp, và đem lại thứ cảm nhận (hoặc ảo tưởng) không thể phủ nhận rằng chính cá nhân đó kiểm soát, quản lý, tổ chức, tạo dựng mối quan hệ của chính mình với các sản phẩm văn hóa. Những trang internet là không có ‘tác giả’ hiểu theo nghĩa không ai biết ai là người đã viết ra chúng, hoặc quan tâm tới chúng. Số đông thì hoặc đòi hỏi cá nhân hãy làm cho những trang đó hoạt động, như Streetmap hay Route Planner; hoặc cho phép họ bổ sung vào, như Wikipedia; hoặc qua phản hồi gửi tới các trang web truyền thông, tỉ dụ vậy. Trong mọi trường hợp, thì bản chất nội tại nơi internet là như sau:bạn có thể dễ dàng tự mình tạo dựng nên những trang đó (tỉ dụ như viết các blogs).

Nếu internet và sự sử dụng nó xác định và thống trị chủ nghĩa giả- hiện-đại, thì kỉ nguyên mới cũng chứng kiến sự tân trang các hình thức cũ trong lãnh vực của nó. Phim ảnh trong thời giả-hiện-đại trông ngày càng giống một trò chơi trên máy tính. Những hình ảnh của nó, từng một thời là đến từ thế giới ‘thực’ - được cắt xén, soi sáng, chỉnh âm và biên tập lại bởi những đạo diễn tài ba, nhằm hướng dẫn những suy nghĩ hay những cảm xúc của người xem - thì nay được tạo ra ngày càng nhiều thông qua máy tính. Và họ nhìn nó. Trước đây có những thứ từng là những hiệu ứng đặc biệt vốn được trông chờ là làm cho cái bất khả trông như cái đáng tin, thì ngày nay CGI [Computer-Generated Imagery, hình ảnh tạo bằng máy tính; hoặc Computer Graphics Interface, giao diện đồ họa máy tính] lại thường xuyên [vô tình] hoạt động để làm cho cái khả hữu trông như cái giả tạo, như nhiều cảnh trong phim Lord of the Rings hay Gladiator. Những trận chiến từng có hàng ngàn người tham dự đã thực sự xảy ra; trong khi đó phim ảnh giả-hiện-đại lại làm cho chúng trông như chỉ có thể xảy ra trong không gian mạng [không gian điều khiển học/ môi trường truyền thông điện tử/ thực tại ảo]. Và như thế phim ảnh đã tạo cơ sở văn hóa không chỉ cho máy tính xét như một cái máy phát ra các hình ảnh, mà cho cả các trò chơi trên máy tính xét như mô hình của mối quan hệ giữa phim ảnh với người xem.

Tương tự như vậy, truyền hình trong thời giả-hiện-đại ủng hộ không chỉ truyền hình thu trực tiếp (lại thêm một thuật ngữ không thích hợp), mà còn ủng hộ các kênh truyền hình mua sắm, các sô câu đố trong đó người xem gọi điện thoại đến để đoán ra giải đáp đúng cho những câu đố đó, với hy vọng thắng tiền thưởng. Nó cũng ủng hộ những hiện tượng như Ceefax và Teletext. Nhưng thay vì phàn nàn về tình trạng mới, sẽ là hữu ích hơn nếu tìm những phương cách làm cho những điều kiện mới này thành những đường dẫn tới những thành tựu văn hóa thay vì cảnh trống rỗng rõ rệt như hiện nay. Điều quan trọng ở đây là phải thấy được rằng trong khi hình thức có thể thay đổi (Big Brother có thể khô héo trên cành nho), nhưng các thuật ngữ qua đó những cá nhân gắn liền với màn hình TV - và do đó gắn liền với những gì mà các phát thanh viên trình ra - các thuật ngữ đó đã thay đổi một cách không thể chối cãi. Chức năng cung cấp những gì thuần túy có tính ‘ngoạn mục’ của truyền hình, cũng như với tất cả những ngành nghệ thuật, đã trở thành một chức năng bên lề [thứ yếu]: giờ đây những gì là trọng tâm chính là công việc bận rộn, năng động, tiến về phía trước của con người cá nhân vốn từng được gọi là người tiếp nhận. Trong tất cả các điều này, ‘người xem’ cảm thấy mình đầy quyền lực và thực sự cần thiết; còn ‘tác giả’ theo cách hiểu truyền thống, thì hoặc bị giáng cấp thành người đặt để các thông số trong đó những người khác vận hành, hoặc trở nên hoàn toàn không thích hợp, không được biết tới, đứng bên lề; và ‘văn bản’ được đặc trưng bởi cả tính siêu phù du lẫn tính bất ổn định của nó. Nó được tạo thành bởi ‘người xem’, nếu không phải là trong nội dung của nó, thì sẽ là trong chuỗi liên kết của nó - bạn sẽ không đọc Middlemarch bằng cách nhảy từ trang 118 tới 316 tới 401 tới 501, nhưng bạn có thể đọc Ceefax một cách hay ho và chính đáng theo kiểu đó.

Một văn bản giả-hiện-đại kéo dài một thời gian ngắn rất khác thường. Không giống như Fawlty Towers, tỉ dụ vậy, các chương trình truyền hình thu trực tiếp không thể được lặp lại trong hình thức ban đầu của chúng, bởi lẽ những cuộc điện-thoại-gọi-vào không thể được sao chép, và nếu không thể có những cuộc điện-thoại-gọi-vào thì các chương trình đó trở thành một thực thể khác hẳn và rất kém hấp dẫn. Văn bản Ceefax chết chỉ sau vài giờ. Nếu các học giả ghi lại cái ngày họ tham chiếu trang internet nào đó, là bởi các trang đó sẽ biến mất hoặc được viết lại khác hẳn một cách rất nhanh chóng. Cực kì khó để giữ lại hình thức ban đầu của những tin nhắn và những emails; in những emails ra quả là chuyển đổi chúng thành một thứ gì đó ổn định hơn, giống như một bức thư, nhưng lại là hủy diệt trạng thái cơ bản, điện tử của chúng. Thời hạn sử dụng - của những cuộc điện-thoại-gọi-vào các đài phát thanh, của những trò chơi trên máy tính - là ngắn ngủi, chúng rất mau chóng trở thành lỗi thời. Một nền văn hóa dựa trên những thứ như vậy thì không thể có ký ức - chắc chắn đó không phải là cảm giác nặng nề về một di sản văn hóa trước đó vốn thấm nhuần vào cả chủ nghĩa hiện đại lẫn hậu hiện đại. Không có khả năng sinh sản và lại mau phai mờ, chủ nghĩa giả-hiện-đại do vậy cũng mắc chứng mất trí nhớ: đó là những hoạt động văn hóa [chỉ diễn ra] trong thời điểm hiện tại, chẳng hề có cảm nhận về cả quá khứ lẫn tương lai.

Các sản phẩm văn hóa của chủ nghĩa giả-hiện-đại cũng tầm thường một cách rất khác thường, như tôi đã từng gợi ý như vậy. Nội dung của những bộ phim giả-hiện-đại có xu hướng là chỉ để trở thành các hành vi gây ra và kết thúc cuộc sống. Tình trạng sơ khai ấu trĩ này của kịch bản hoàn toàn trái ngược với sự tinh xảo của những hiệu ứng kĩ thuật điện ảnh đương đại. Nhiều tin nhắn và emails thật nhạt nhẽo khi so với những gì mọi người ở mọi trình độ học vấn cao thấp khác nhau vẫn thường đưa vào những lá thư của họ. Một sự nhàm chán, một sự nông cạn thống trị tất cả. Thời giả-hiện-đại, ít nhất là cho đến nay, là một sa mạc văn hóa. Mặc dù chúng ta có thể trở nên quen với các thuật ngữ mới, làm chúng thích ứng được với sự biểu đạt nghệ thuật có ý nghĩa (và như vậy nhãn hiệu có nghĩa xấu mà tôi đã gán cho chủ nghĩa giả-hiện-đại có thể sẽ không còn phù hợp), nhưng vào lúc này thì chúng ta đang phải đối mặt với cơn bão của hoạt động con người hầu như không sản xuất được bất kì cái gì có giá trị văn hóa nếu không là lâu dài thì ít nhất cũng phải là có khả năng sinh sôi nảy nở - bất kì cái gì mà con người có thể nhìn vào một lần nữa và đánh giá cao trong vòng năm mươi hoặc hai trăm năm tới.

Những gốc rễ của chủ nghĩa giả-hiện-đại có thể được truy nguyên ngược trở lại nhiều năm trước dưới sự thống trị của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ca múa nhạc và kỹ nghệ khiêu dâm, tỉ dụ vậy, những sản phẩm vào cuối những năm 70 và 80, thảy đều có xu hướng chỉ là nhất thời, là ngây ngô về ý nghĩa, và là không có tác giả (nhảy nhiều hơn là nhạc pop hoặc nhạc rock). Tất cả những thứ vừa kể còn làm nổi bật hoạt động của chủ thể ‘tiếp nhận’ chúng: nhạc kh- iêu vũ là để được nhảy [theo tiếng nhạc], khiêu dâm không phải để đọc hoặc xem nhưng để dùng, theo cách tạo ra cái ảo tưởng giả-hiện-đại của sự tham gia. Trong âm nhạc, một album là sản phẩm mà nghệ sĩ là người thống trị, nó như một văn bản bền vững, thì nay phải chịu sự thế chỗ giả-hiện-đại như sau: người nghe chọn lựa những bản nhạc trong album đó để tải về chứa trong iPod của mình đồng thời sử dụng những kĩ thuật pha trộn, làm cho các thành tố của những tracks nhạc đó tương thích với nhau [“biên tập” lại], thực ra thì rõ rệt là sự thế chỗ này đã được báo trước qua sự sáng tạo của những người hâm mộ âm nhạc khi họ sưu tập những băng nhạc, là điều mà thế hệ thanh thiếu niên trước đây đã từng thực hiện. Nhưng có một sự chuyển đổi đã xảy ra: điều mà trước đây chỉ là trò tiêu khiển bên lề, không đáng kể của những người hâm mộ, thì nay trở thành phương cách áp đảo và có tính quyết định trong việc tiêu thụ các sản phẩm âm nhạc, khiến cho ý tưởng về cuốn album như một tác phẩm nghệ thuật mạch lạc, một vật thể có ý nghĩa hợp nhất trở thành một ý tưởng lỗi thời.

Đến một mức độ nào đó thì chủ nghĩa giả-hiện-đại chẳng khác nào một sự chuyển đổi được thúc đẩy bởi động cơ là công nghệ để dịch chuyển vào trung tâm văn hóa của một cái gì đó luôn luôn tồn tại (tương tự, siêu tiểu thuyết hư cấu luôn luôn tồn tại, nhưng chưa từng được tôn trọng tới mức mà chủ nghĩa hậu hiện đại đã dành cho nó). Truyền hình luôn luôn sử dụng khán giả đóng vai trò người tham gia, cũng như sân khấu và những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đã làm trước đó; nhưng sự sử dụng đó chỉ là một tùy chọn, không phải là điều cần thiết: còn với những chương trình truyền hình giả-hiện-đại thì sự tham gia của khán giả là yếu tố được cơ cấu hóa từ trước trong cấu trúc của chương trình. Đã có từ lâu rồi, những dạng văn hóa ‘tích cực’, từ lễ hội đến kịch câm. Nhưng không một dạng nào trong số đó lại bao hàm một văn bản viết hoặc một văn bản vật chất nào khác, do vậy chúng chỉ đứng bên lề của một nền văn hóa vốn tôn thờ những văn bản như vậy - trong khi văn bản giả-hiện-đại, với tất cả những tính chất kì quặc của nó, lại có vị trí của dạng trung tâm, áp đảo, mẫu mực của sản phẩm văn hóa ngày hôm nay, mặc dù ở bên lề nền văn hóa vẫn còn có những dạng khác. Cũng không phải là những dạng khác này bị bêu xấu là ‘thụ động’ so với ‘sự hoạt động’ của chủ nghĩa giả-hiện-đại. Các việc đọc, nghe, xem luôn luôn có những kiểu loại hoạt động riêng của chúng; nhưng có một thuộc tính thể chất gắn liền với những hành động của các nhà sản xuất văn bản giả-hiện-đại, và có một điều cần thiết cho những hành động của họ liên quan đến kết cấu của văn bản, cũng như có một sự thống trị đã làm thay đổi cán cân quyền lực về mặt văn hóa (hãy lưu ý để thấy điện ảnh và truyền hình, hai gã khổng lồ của ngày hôm qua, đã phải cúi đầu trước hoạt động của chủ nghĩa giả-hiện-đại như thế nào). Nó thiết lập ra bá quyền về các mặt xã hội, lịch sử và văn hóa của thế kỷ hai mươi mốt. Hơn nữa, hoạt động của chủ nghĩa giả-hiện-đại có nét đặc thù của riêng nó: đó là điện tử, và văn bản, nhưng phù du.

Nhấn vào để thay đổi

Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta đọc, xem, nghe, như trước đây. Trong chủ nghĩa giả-hiện-đại người ta gọi điện thoại, nhấp chuột, nhấn phím, lướt mạng, lựa chọn, di chuyển, tải dữ kiện về. Có một khoảng cách với bề rộng là một thế hệ ở đây, chia cách người sinh trước và sau năm 1980, một con số phỏng chừng. Những người sinh ra sau năm 1980 có thể coi những người cùng tuổi với họ là những con người có tự do, tự chủ, sáng tạo, biểu cảm, năng động, quyền hành, độc lập, tiếng nói của họ độc đáo, cất cao và được lắng nghe: còn chủ nghĩa hậu hiện đại và tất cả mọi thứ trước đó thì ngược lại ra cái vẻ mình là tinh tuyển, [nhưng] đần độn, một thứ độc thoại xa cách và có giọng đều đều, áp chế và bưng bít thế hệ sinh sau 1980. Những người sinh trước năm 1980 có thể thấy những người sinh sau không phải là người mà biến thành các văn bản đương đại, luân phiên phô diễn những tính chất sau đây: bạo lực, khiêu dâm, không thật, nhàm chán, nhạt nhẽo, luôn tuân thủ, chỉ biết tiêu thụ, vô nghĩa và không có đầu óc (hãy thử đọc đôi ba điều ngớ ngẩn trên một số trang Wikipedia tỉ dụ vậy, hoặc là thứ không đầu không đuôi vì thiếu ngữ cảnh trên Ceefax). Đối với họ, những gì đến trước chủ nghĩa giả-hiện- đại sẽ ngày càng có vẻ là một thời kỳ vàng son của trí thông minh, sức sáng tạo, tính nổi loạn và tính trung thực. Do vậy tên gọi ‘chủ nghĩa giả-hiện-đại’ cũng bao hàm sự giằng co giữa sự tinh xảo của phương tiện do công nghệ học mang lại, với sự nhạt nhẽo hoặc ngu dốt của nội dung mà phương tiện đó chuyển tải - một thời điểm văn hóa có thể được tóm gọn bằng sự đần độn của người sử dụng điện thoại di động, “Tôi đang ở trên xe buýt”.

Trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại bày tỏ sự nghi ngờ đối với ‘thực tại’, thì chủ nghĩa giả-hiện-đại minh xác không chút nghi ngờ rằng cái thực là chính tôi đây, bây giờ, ‘đang tương tác’ với các văn bản của nó. Như vậy, chủ nghĩa giả-hiện-đại gợi ý rằng bất cứ điều gì nó thực hiện hoặc làm ra thì đều là thực tại, và một văn bản giả-hiện-đại có thể làm triển nở cái hình-như- là-thực trong một hình thức không phức tạp: các chương trình truyền hình lồng tư liệu vào các hoạt cảnh đời thường [docu-soap], với máy ảnh cầm tay (trong đó, bằng cách hiển thị những cá nhân ý thức rằng họ được chú ý tới, tạo cho người xem cái ảo tưởng của sự tham gia); The Office và The Blair Witch Project, nội dung khiêu dâm tương tác với truyền hình thu trực tiếp; phim tư liệu mang tính tiểu luận của Michael Moore hay Morgan Spurlock.

Cùng với quan điểm mới này về thực tại, rõ ràng là khuôn khổ trí tuệ chiếm ưu thế đã thay đổi. Trong khi các sản phẩm văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại đã có được một địa vị trong lịch sử ngang tầm với những sản phẩm của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn, thì những khuynh hướng trí tuệ của chủ nghĩa đó [hậu hiện đại] (như thuyết nữ quyền, chủ nghĩa hậu thuộc địa, vân vân) lại tự thấy bị cô lập trong môi trường triết học mới. Học viện ngày nay, có lẽ đặc biệt ở Anh, bị tràn ngập bởi các giả định và thực tiễn của kinh tế thị trường, khiến rất không hợp lí để các giảng viên nói với sinh viên rằng họ đang sống trong một thế giới hậu hiện đại, nơi mà vô số các hệ tư tưởng, vô số quan điểm về thế giới và vô số tiếng nói đều có thể được lắng nghe. Mỗi bước đi của họ đều bị săn đuổi bởi kinh tế thị trường, khiến các giảng viên không thể rao giảng tính đa nguyên khi cuộc sống của họ bị chế ngự bởi điều mà trong thực tiễn rốt cuộc lại là sự cuồng tín của người tiêu dùng. Thế giới đã bị thu hẹp về mặt trí tuệ, chứ không phải là được mở rộng ra, trong vòng mười năm vừa qua. Ở nơi mà Lyotard nhìn thấy sự lu mờ đi của Những Đại Tự sự, thì chủ nghĩa giả-hiện-đại lại nhìn ra cái hệ tư tưởng của nền kinh tế thị trường đã toàn cầu hóa được nâng cấp lên thành một bộ điều chỉnh duy nhất và là siêu quyền lực, chi phối tất cả các hoạt động xã hội - độc quyền, nuốt chửng mọi thứ, giải thích mọi thứ, cơ cấu hóa mọi thứ; mỗi nhà hàn lâm đều phải thừa nhận sự thật đó, một cách khó chịu. Chủ nghĩa giả-hiện-đại tất nhiên là có tính tiêu dùng và tính tuân thủ, là vấn đề của sự di chuyển khắp thế giới theo cách mà nó [thế giới] là được trao hoặc bị bán.

Điểm thứ hai, là trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại tán thành cái châm biếm, cái biết và cái vui chơi, với những ám chỉ của ba thứ này về kiến thức, lịch sử và thái độ nước đôi, thì các trạng thái trí tuệ điển hình của chủ nghĩa giả-hiện-đại lại là sự ngu dốt, cuồng tín và âu lo: Bush, Blair, Bin Laden, Le Pen và những người giống như họ ở một bên, và bên kia là đám quần chúng đông đúc hơn nhiều nhưng kém mạnh mẽ. Chủ nghĩa giả-hiện-đại thuộc về một thế giới bị chìm đắm trong cuộc đối đầu giữa một bên là một bộ phận tôn giáo cuồng tín ở Hoa Kỳ, [và] một nước Israel chủ yếu là thế tục nhưng rõ ràng là siêu tôn giáo, với bên kia là một phân nhóm cuồng tín Hồi giáo ở rải rác trên khắp hành tinh: chủ nghĩa giả-hiện-đại không được sinh ra ngày 11 tháng chín năm 2001, nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại đã được an táng trong đống đổ nát của sự cố đó. Trong bối cảnh này chủ nghĩa giả-hiện- đại kích động một cách cuồng tín nền công nghệ tinh xảo ngõ hầu đeo đuổi thứ chủ nghĩa man rợ thời trung cổ - như trong việc tải lên Internet những băng video quay cảnh chặt đầu người, hoặc sử dụng điện thoại di động để quay cảnh tra tấn trong các nhà tù. Hơn thế nữa, số phận của mọi người khác là phải chịu đựng nỗi lo lắng vì bị kẹt giữa hai lằn đạn của hai bên kình chống nhau. Nhưng nỗi lo lắng có tính định mệnh này vượt xa tầm địa-chính- trị, nó len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống đương đại; từ nỗi lo sợ chung về sự sụp đổ của xã hội và sự mất bản sắc, tới nỗi bất an ray rứt về chế độ ăn uống và sức khỏe; từ sự khổ não về sự tàn phá do biến đổi khí hậu, tới những tác động của việc mới nhận ra rằng mình không có khả năng thích hợp và lại không được giúp đỡ, [hiện tượng khá phổ biến và nghiêm trọng] khiến làm phát sinh các chương trình truyền hình về việc làm thế nào để làm sạch căn nhà của bạn, để nuôi dạy trẻ em hoặc làm thế nào để lúc nào cũng ở trong tình trạng không mắc nợ nần. Tình trạng không-có-năng-lực-do-nền- công-nghệ-gây-ra này dứt khoát là sản phẩm của thời hiện đại: các nhà giả-hiện-đại giao tiếp thường xuyên với phía bên kia của hành tinh, nhưng lại cần được chỉ bảo là phải ăn rau để được khỏe mạnh, một thực tế hiển nhiên ở Thời đại đồ Đồng. Nhà giả-hiện-đại đó có thể chỉ đạo phương hướng của những chương trình truyền hình cấp độ nhà nước, nhưng lại không biết làm một món ăn nào đó cho chính mình - một sự tan hòa, tổng hợp đặc trưng của cái non nớt và cái tiên tiến, của cái mạnh mẽ và cái bất lực. Vì những lý do khác nhau, đây là những người không có khả năng “hoài nghi những Đại Tự sự” mà Lyotard đã biện giải rằng những người như vậy chính là những nhà hậu hiện đại điển hình.

Thế giới giả-hiện-đại này, thật đáng sợ và dường như không thể kiểm soát được, nên tất yếu là nó sẽ cung cấp nỗi ham muốn quay trở lại với cuộc chơi thời thơ dại với những đồ chơi của trẻ con, điều này cũng đặc trưng cho thế giới văn hóa giả-hiện-đại. Ở đây, trạng thái cảm xúc điển hình, thay thế một cách triệt để cho siêu ý thức của sự châm biếm, chính là sự hôn mê - trạng thái bị nuốt chửng bởi hoạt động của bạn. Thế chỗ cho chứng loạn thần kinh chức năng của chủ nghĩa hiện đại và tật thích tự ngắm vuốt của chủ nghĩa hậu hiện đại, là chứng tật này của chủ nghĩa giả-hiện-đại: nó làm mất thế giới đi, bằng cách tạo ra một nơi không-có-đâu mới mẻ và không trọng lượng của bệnh tự kỉ lặng lẽ. Bạn nhấp chuột, nhấn phím, bạn được ‘tham gia’, bạn được/bị nuốt chửng, bạn đang quyết định. Bạn là văn bản, không có ai khác, không ‘tác giả’; không nơi nào khác nữa, không thời gian hoặc nơi chốn khác. Bạn được tự do: bạn là văn bản: văn bản được thay thế.

Phạm Kiều Tùng chuyển dịch

Văn chương siêu hư cấu lại bị hắt hủi



Nobel Văn học là đỉnh cao nhưng không phải đỉnh cao nào cũng làm hoan hỉ tất cả mọi người. Việc lựa chọn của viện Hàn lâm Thuỵ Điển những năm gần đây chắc chắn sẽ làm chạnh lòng những ai đã trót yêu thích thế giới văn chương của Kafka, Jorge Louis Borges, Umberto Eco, Robbe – Grillet, Italo Calvino…

tranh internet


Vào năm 1967, John Barth tuyên bố “văn chương đã đến hồi cạn kiệt”. Lo lắng của John Barth không phải vô lý, bởi trước mắt nhà văn hậu hiện đại này người ta đã đẩy sự thực hành văn chương đến chỗ mà những người hiện thực chủ nghĩa không thể tưởng tượng được rằng chúng sẽ được gọi là nghệ thuật. Dường như mọi quy ước thể loại đã bị các nhà văn làm xô lệch. Không còn chuẩn mực nào được giữ nguyên trong cấu trúc, diễn ngôn, hình tượng...

Tuy nhiên, những năm gần đây, chủ nhân của các giải Nobel lại không phải là những nhà văn, nhà thơ nằm trong số những người làm cho nghệ thuật văn chương đi đến sự xô lệch nói trên. Nobel Văn học năm 2011 xướng tên Tomas Tranströmer. Trong thế giới thi ca của Toàn tập thơ Tranströmer (Nguyễn Xuân Sanh dịch và giới thiệu, NXB Văn Học 2000), ít có sự đột biến về thi pháp. Nhà thơ hướng mình đi đến sự giản dị, trầm lặng và những xúc cảm ngọt ngào của con người trước thế giới. Tranströmer xếp đặt những điều bình dị bên nhau làm nên điều phi thường, không phải thông qua những cách tân mạnh mẽ về hình thức mà bằng sự sâu lắng tinh tế của một nhà thơ vĩ đại.

Ngày 11.10.2012, một lần nữa Nobel Văn học làm thất vọng những ai muốn đẩy văn chương đi đến những cách tân triệt để khi người được vinh danh là Mạc Ngôn. Không thể phủ nhận được khí lực sáng tạo của Mạc Ngôn khi ông có tầm bao quát rộng lớn về xã hội Trung Quốc có nhiều biến động và sự suy đồi. Tuy đều lấy văn hoá Trung Hoa làm căn nền sáng tạo nhưng có những khác biệt lớn trong lối viết của Mạc Ngôn và Cao Hành Kiện (chủ nhân giải Nobel 2000). Lối viết của Cao Hành Kiện đẩy người đọc đi đến những cách tân táo bạo về mặt hình thức. Trong khi đó, kỹ thuật của văn chương hậu hiện đại không phải là lựa chọn chủ động của Mạc Ngôn. Bao trùm lên các tiểu thuyết của Mạc Ngôn vẫn là lối viết hiện thực. Nhân vật thực, không gian thực, ít có xáo trộn về cấu trúc, lối mô tả hiện thực và tham vọng mô phỏng khách quan vẫn là những yếu tố căn bản. Tất nhiên không thể loại trừ trong thế giới của ông tính chất huyễn ma, huyền thoại... nhưng đây không phải là lựa chọn tối ưu của người viết dựa trên một nền tảng mỹ học và thi pháp huyền thoại rắn chắc. Thậm chí Herta Müller (nhà văn đoạt giải Nobel 2009) cho rằng Mạc Ngôn được vinh danh là “một thảm hoạ, một thất vọng sâu sắc”. Viện Hàn lâm Thuỵ Điển tìm tới Mạc Ngôn bởi vì họ cho rằng văn chương của ông là “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trộn lẫn với những câu chuyện dân gian, lịch sử và hiện đại”. Không phải họ không có lý, nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu họ chỉ ra những hạt sạn tồn tại thực sự trong việc Mạc Ngôn cấy ghép yếu tố huyền ảo với cuộc sống hiện đại – trò chơi mà không phải nhà văn nào cũng có thể tìm tới.

Những ai ưa thích lối kể chuyện theo cách cũ một lần nữa vui mừng đón nhận tin chủ nhân của Nobel Văn học năm 2013 là Alice Munro. Người Việt khó có thể có một cái nhìn tổng quan về văn chương Munro bởi cho đến nay ở Việt Nam chỉ duy nhất tập truyện ngắn Trốn chạy của bà được Trần Thị Hương Lan chuyển sang Việt ngữ (Nhã Nam xuất bản năm 2012). Nhưng qua Trốn chạy và những phát ngôn của Munro trên báo chí thì rõ ràng đối với những ai khuyến khích sự cách tân táo bạo mang tính khiêu khích trong nghệ thuật, Munro không phải là món khoái khẩu của họ. Munro từng nói rằng: “Tôi muốn kể những câu chuyện theo cách cũ, điều chắc chắn sẽ xảy ra với ai đó nhưng tôi muốn điều đó được chuyển tới độc giả bằng những cách tiếp cận mới. Tôi muốn người đọc cảm thấy một câu chuyện cũ nhưng vẫn rất đáng ngạc nhiên. Đó là cách mà tôi cảm thấy mình có thể truyền tải tốt nhất qua mỗi cuốn truyện ngắn”.

Phải chăng, viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã chán những nhà văn khai phá táo tạo về kỹ thuật khi những năm gần đây họ thường tìm tới những lối viết bình dị, sâu lắng? Dù sao đi nữa thì những tìm tòi, khai phá, những cách tân liều lĩnh của những nhà văn ưa mạo hiểm chơi trò siêu hư cấu một cách có ý thức và có hệ thống hiện nay vẫn là nơi để những người đọc khó tính tìm tới đòi hỏi, nơi để người đọc nhìn thấy những khả thể hư cấu thực sự, nơi để đưa ra những cách nhìn khác về hiện thực khách quan và nhìn thấy những giới hạn của khoa học hiện đại trước sự thăm dò của văn học trong việc khám phá thế giới bên trong của con người. Nghệ thuật siêu hư cấu là một trò chơi, nó tự trình bày cách chơi của mình. Một trò chơi mà nó tự nhìn chính mình và cười chính mình. Bản thân nó không dừng lại ở sự quy chiếu ngoại cảnh mà nó tự lấy nó làm đối tượng... Những nỗ lực cách tân này mới khiến nghệ thuật biến thiên không ngừng, đưa sáng tạo làm tròn bổn phận của nó: làm ra cái mới.

Lê Minh Phong