Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Ngày mai của ngày mai...





Thời gian cứ lăn dài theo nỗi nhớ
Chỉ còn lại mình em trên con đường nắng hạ thênh thang

Anh nơi đâu có hay

Miền yêu ta hẹn ngày nắng đẹp

Mà sao...giờ vẫn chỉ là hư ảo

Phải chăng...hạnh phúc là những nút thắt cuối cùng của nỗi đau

Phải chăng...cứ phải trải qua những đớn đau......ta mới tìm thấy hạnh phúc

Hay

Hạnh phúc chỉ là một hạt vàng lẫn trong sa mạc mênh mông

Mà ta có kiếm tìm đến kiện cùng sinh lực

Vẫn có khi

Tay trắng

Đôi khi em tự hỏi lòng

Thời gian đếm gỉ ? mà từng giọt tí tách rơi rơi

Ngoài kia, mưa vẫn chơi vơi đầy cho nỗi nhớ xót xa

Ngày qua ngày

Đêm qua đêm

Và nỗi nhớ trong em lại thêm lần khắc khoải

Nơi đâu ?

Anh có nghe lòng quặn lại

Một niềm đau

Em khắc khoải

Chờ trông

Nơi đâu ?

Anh có một phút buồn không ?

Khi ngoài kia

Con chim gù gọi bạn

Sâm Cầm bay chao chát

Tìm đôi

Hay cả những hòn cuội xa xôi

Cũng lăn vào

Tìm trốn ồn ã

Lựa cho mình góc đá

Dựa vào

Đôi khi ngược đường dốc lên cao

Em lại thấy

Ta cần thêm sức mạnh

Để vượt lên số phận

Tiến gần đến đôi tay

Mới hay

Vẫn cần thêm chút nữa

Mỗi lần ….lần nữa

Lại một lần em khéo thêm cho mình chút

Nhẫn nại

Hi vọng

Niềm tin



Mãi mãi tự hỏi lòng

Cho một ngày mai của ngày mai...
Ta có gặp
Không anh ?


MTV 
( http://muathuvang1123.blogspot.com/2013/07/ngay-mai-cua-ngay-mai.html )

Mắt thu



Trời còn làm mưa vùi trên nỗi đau
Lời ru ấy mãi cho u sầu
Bàn chân nuối tiếc thương lạc loài
Trời còn làm mây buồn qua mắt ai
Làm tan biến giấc mơ hoang đường
Rồi buồn trôi theo giòng mưa xuống

Giận hờn ngày xưa còn vương mắt em
Làn môi thắm hết ru bao chiều
Vùng ân ái chết trong mây hồng
Một lần vào thu mình đang có nhau
Hàng cây lá rớt trên mi thường
Và tay trắng đan tình với tay

Em có nhớ không một lần khi lá thu bay
Là lần em đến thăm tôi
Chung bước yêu đương hẹn hò
Em có nhớ không một lần khi gió heo mây
Mình ngồi đan giấc mơ say giận hờn sao vẫn chưa phai

Và rồi mùa thu về trong mắt em
Hàng cây lá úa xanh xao nhiều
Vòng tay khép kín đôi mi nồng
Chuyện mình ngày xưa đành xin lãng quên
Cuộc tình đã chết theo thu tàn
Người về đấy xin chọn giấc mơ 

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Bài thơ tình 28 của Tagore!



Đôi mắt âu lo, em buồn

Đôi mắt em nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia nhìn sâu vào biển cả,
Em đã biết cõi đời anh
Trong đời anh, anh không dấu em một điều gì cả,
Chính vì thế mà em không bao giờ hiểu biết hết về anh
Nếu đời anh là hạt ngọc,
Anh sẽ đập tan ra hàng trăm mảnh
để xâu thành một chuỗi hạt
và quàng vào cổ em

Nếu đời anh là một đoá hoa dịu dàng bé bỏng
Anh sẽ tách ra khỏi cành
và cài lên mái tóc em
Nhưng than ôi!
đời anh là một trái tim nào ai biết được bến bờ của nó
Và em là nữ hoàng của Vương quốc đó
Thế mà em có bao giờ biết được biên giới của nó đâu.
 

Nếu trái tim anh là lạc thú
Nó sẽ nở ra nụ cười sung sướng và em sẽ thấu suốt được ngay
Nếu trái tim anh là khổ đau
Nó sẽ lặng yên biến thành những hạt lệ trong phản chiếu nỗi niềm u uẩn
Nhưng trái tim anh là tình yêu
Niềm vui, nỗi buồn của nó là vô biên
Cái giàu cái nghèo của nó là trường cửu
Trái tim anh ở gần em như chính cuộc đời em đó
Nhưng em có bao giờ hiểu được rõ cả nó đâu.

(Tagore)

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐỂ THÀNH CÔNG


Mây Mây
        Mùa thi đại học lại bắt đầu, ngắm các sỹ tử sau bao ngày “dùi mài kinh sử” nay hồ hởi, háo hức và hồi hộp bước vào phòng thi, chắc hẳn ai đã từng trải qua cũng sẽ nao lòng nhớ lại hình ảnh của mình trước đó. Tất cả các thí sinh ai cũng mong mình làm bài tốt, hết khả năng có thể và không mắc sai lầm nào để có được kết quả tốt nhất, ai cũng mong mình sẽ trúng tuyển vào trường mà mình dự thi, có những sĩ tử thi 2,3 trường đại học, cao đẳng còn mong mình sẽ đỗ tất cả để “nở mày nở mặt”. Khi có kết quả thi đại học, cao đẳng, người đỗ thì vui vẻ tột cùng, người trượt thì buồn, thậm chí có bạn thất vọng, tuyệt vọng nên hành xử rất tiêu cực – tự tử, phải chăng do bạn quá kỳ vọng, quá tự tin vào bản thân và do áp lực từ gia đình, bè bạn nên khi kết quả không như mong muốn thì tự tử để giải thoát, nhưng đó không phải là cách làm đúng bởi đơn giản đại học không phải là con đường duy nhất để thành công.
        Học đại học, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng có khả năng và điều kiện để học đại học, người có tiền thì không có tài, không thi nổi vào một trường đại học nào, người có kiến thức, có chí hướng thì điều kiện, hoàn cảnh gia đình không cho phép học đại học, măc dù hiện nay nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ giúp đỡ các bạn học sinh thực hiện ước mơ đại học nhưng thực tế thì còn rất nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà ngậm ngùi bỏ lỡ giấc mơ. Nhưng các bạn hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy, không phải bạn nào học đại học ra cũng là đã thành công. Sau 4,5 thậm chí 6, 7 năm ngồi trên mái trường đại học, cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư ra trường không phải ai cũng kiếm được việc làm, đôi khi tìm được việc làm thì lại không đúng chuyên môn hay lĩnh vực mà mình được đào tạo, thử hỏi như thế hứng làm việc ở đâu ra và làm việc liệu có tốt được không?
                                
         Các thí sinh trong phòng thi đại học   
        Không học đại học, chúng ta có thể học nghề, hiện nay có rất nhiều trung tâm, nhiều trường dạy nghề, không chỉ dạy nghề những trung tâm này còn tạo điều kiện việc làm cho học viên, nhiều bạn có tay nghề giỏi đã rất thành công trong cuộc sống. Thậm chí không học đại học chúng ta có thể làm nông nghiệp, đừng cười vì nghĩ cuộc đời sẽ là “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, không, không, làm nông nghiệp hiên nay bào gồm cả chăn nuôi chuồng trại, thời buổi ngày nay máy móc phát triền, làm nông nghiệp nhàn hơn xưa rất nhiều, bạn có thể vay vốn nhà nước để làm trang trại, chăn nuôi bò, lợn,… không có gì là quá khó, khởi đầu có thể không thuận tiện nhưng càng làm ta sẽ có kinh nghiệm để tích lũy, ban đầu sản xuất nhỏ, khi có kinh nghiệm thì mở rộng hơn, thực tế có rất nhiều “ông chủ” đã và đang tiếp tục làm giàu bằng nông nghiệp. Làm công nhân cũng là một con đường mà rất nhiều bạn trẻ đã chọn, tất nhiên công nhân không có tay nghề, không có kinh nghiệm lương không cao và làm việc cũng vất vả, nhưng chỉ cần chăm chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm thêm, làm tăng ca, thì đảm bảo thu nhập của bạn cũng sẽ rất khá và như thế vẫn còn tốt hơn những kẻ lông bông ăn bám bố mẹ, hay những kẻ bán rẻ lương tâm để kiếm tiền.
        Xã hội bây giờ vẫn coi trọng người có bằng cấp, đó là điều ai cũng biết, nhưng tại sao người ta cứ nghĩ tới bằng cấp mà không nghĩ rằng cái bằng đó do đâu mà có, có phải do đúng sự cố gắng học hành mà có không. Chính vì việc này nên nước ta hiện nay trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa rào, nhiều trường thậm chí người ta không nộp hồ sơ thi, không thi, chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là gửi giấy báo trúng tuyển. chất lượng đầu vào của sinh viên quá thấp thì dù điều kiện dạy học có tốt tới đâu, chất lượng đầu ra của sinh viên cũng không cao được. Học tại những trường đó ra khi cầm tấm bằng đi xin việc chắc chắn chỉ nhận được cái lắc đầu của các công ty, doanh nghiệp mà thôi. Như thế chẳng phải bạn đã phí thời gian để rồi không được gì sao, chi bằng dành thời gian đó để làm cái khác có ích hơn cho bản thân và xã hội có tốt hơn không. Rồi người ta nghĩ học đại học thì “tư cách con người” sẽ tốt hơn những người không học đại học, nhưng đó là một quan điểm sai lầm, nhân cách không quyết định bằng việc học đại học. Nói đâu xa, như Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, đó học đại học, cao đẳng mà làm những việc vi phạm pháp luật, những việc mà dù biêt sai trái đấy, đáng khinh bỉ coi thường đấy thế mà vẫn làm, nghĩ rằng đó là yêu nước nhưng tới một người thất học người ta còn biết thế nào là yêu nước nói gì một sinh viên có học hành tử tế, ngụy biện mà cũng không có lý do phù hợp. Hay như Cù Huy Hà Vũ, tiến sỹ hẳn hoi đấy mà vẫn làm phản động, thậm chí chống đối tới cùng, vào tù rồi vần nghĩ cách chống đối. Đó, như thế thì học đại học, cao đẳng mà để làm gì.
        Tất nhiên, không phải nói như thế mà các bạn lại không tiếp tục học để thực hiện ước mơ đại học của mình, các bạn hãy cố gắng để vào được các trường đại học tên tuổi, có truyền thống, còn những ai không có khả năng, không có điều kiện thì hãy tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, hợp lý để trang trải cuộc sống trước mắt, sau này sẽ tìm cơ hội học sau, dù cho ngã rẽ cuộc đời của chúng ta có thẳng, có cong, dù làm gì, thì tôi, các bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước hết để làm người.

Đàn ông ví mỏng


Hồi lâu rồi tôi có đọc trên mạng một chia sẻ không còn nhớ của bạn nào, rằng, trong đám bạn trai của bạn ấy, anh nào dùng ví xịn chắc chắn là anh hiếm tiền nhất bọn.
Có lẽ bởi cái ví da đắt tiền của anh ấy không nhét nổi nhiều tờ tiền cho lắm. Đi ăn cả đám nếu có chi trả cũng rất rón rén. Còn anh nào không dùng ví da lại là anh chàng hào phóng nhất, luôn móc tiền ra trả cho cả đám một cách rất hồn nhiên. Và tất nhiên, tiền cũng nhiều nhất đám, nhiều tới nỗi chẳng cái ví da nào đựng nổi cả cục.




Không thấy bạn ấy nói đến mệnh giá của những tờ tiền. Tuy nhiên hình dung ra cái cách ứng phó với tiền cũng đã thấy ngộ nghĩnh. Như thể nhìn thấy trong đó cả phong thái của chủ nhân. Dù cố gắng tránh lỗi sơ đẳng là lấy tiền ra để xét đoán người, nhưng rõ ràng, trong câu chuyện ấy hoàn toàn không hề chỉ định nói về tiền, mà còn nói về đàn ông trong mắt đàn bà. Và tiền chỉ là một phản chiếu nào đó của người đàn ông đang đứng sừng sững.

Có lần tôi đi dạo phố với một anh bạn. Chúng tôi tìm được một chiếc áo sơ mi trắng cho anh ấy ở một sạp hàng dọc phố, tôi nghĩ anh ấy mặc áo này sẽ rất vừa và đẹp. Giá rất mềm vì là sạp bán lẻ trên phố du lịch. Rất bất ngờ là anh bạn tôi đã không mặc thử cũng không mua cái áo đó. Anh dắt tôi vào cửa hàng thời trang lớn cách đó năm mươi mét và mua đúng cái áo đó, với giá đắt hơn khoảng ba trăm Đài tệ, tức là đắt hơn khoảng hai trăm nghìn đồng tiền Việt. Tôi rất kinh ngạc.

Tôi hỏi sao anh kỳ quặc thế? Không phải cùng nhãn hiệu, cũng chính là cái áo này sao? Cửa hàng này nó có bảo hành áo sơ mi cho anh à? Hay đàn ông thì cứ phải vào cửa hàng xịn mới thấy tự tin, còn em mua ở hè phố của chợ đêm thì làm anh mất tư cách?

Anh bạn tôi điềm đạm nói:

- Ai cũng như em, thì những cửa hàng lớn họ sập tiệm hết ư? Mình sống thì mình cũng phải cho người khác sống nữa chứ!

Tôi sực nhớ ra anh bạn tôi cũng là một chủ doanh nghiệp, và anh ấy cũng đang phải cạnh tranh rất dữ dội trong kinh doanh. Có thể, tôi là đàn bà nên trong mắt tôi chỉ có mệnh giá của tờ tiền. Còn trong mắt anh bạn đàn ông ấy, tiền chỉ là một thông điệp!



Chả trách, nạn nhân của mua chung, nhóm mua, shopping tập thể toàn là… đàn bà! Bị mắc mồi giá rẻ nên sẵn sàng bỏ tiền ra cho một thứ vốn không nằm trong dự định chi tiêu của bản thân. Và về bản chất quản lý tài chính gia đình, đó chính là những đồng tiền lạm chi, đẩy ngân sách gia đình vào nguy cơ ngay lập tức.

Hóa ra có lúc, cái đồng tiền tưởng “được rẻ” của đàn bà như thế lại chẳng bằng cái đồng tiền tưởng “chi đắt” của đàn ông!

Tôi nghĩ nhìn vào việc đàn ông kiếm tiền và tiêu tiền, ta có thể phán đoán ra năng lực giỏi giang và đẳng cấp văn hóa của người đàn ông đó. Đàn ông kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa.Thật bi kịch nếu có tay đàn ông nào vỗ ngực nói: “Tôi kiếm tiền thì rất có văn hóa, và tiêu tiền thì rất… có năng lực!”. Ôi trời!



Cho nên, tôi chẳng quan tâm việc đàn ông tiêu tiền thế nào, anh mua siêu xe hay anh đòi bạn gái chi trả nửa tiền cho bữa cà phê! Nhưng, đàn ông ví dày hay mỏng có lẽ chẳng quan trọng bằng việc, anh đừng để việc tiêu tiền của mình thành thị phi và đàm tiếu của đám đông!

Kiểu như họ nói, ví anh rất xịn! Nhưng mỏng!


Trang H

HOA TRÂM ỔI


Trâm Ổi còn gọi là Ngũ Sắc, loài hoa có hương thơm như trái ổi chín, nói lên sự hài hòa hoặc sự gan lì, dám đương đầu với mọi thử thách. Hoa có tên khoa học Cosmos Bipinnuatus, thuộc họ Cúc. Trong tiếng Anh "cosmos" có nghĩa là hài hòa. Loài này có cây và cành hoa đều mềm mại, bông có nhiều màu: đỏ, trắng, hồng gần như nở quanh năm.














Là loài cây nhỏ, nhiều cành ngang, có lông và gai ngắn quặp về phía dưới. Lá hình bầu dục, nhọn, mặt lá xù xì, mép lá có răng cưa, mặt trên có lông ngắn cứng, mặt dưới lông mềm hơn, phiến lá dài 3–9 cm, rộng 3–6 cm, cuống lá ngắn, phía trên cuống có dìa. Hoa không cuống, nhiều giống màu trắng, vàng, vàng cam, tím hay đỏ mọc thành bông dạng hình cầu; hoa có lá bắc hình mũi giáo. Đài hình chuông, có hai môi. Tràng hình ống có bốn thùy không đều. Quả hình cầu, màu đỏ nằm trong lá đài, chứa hai hạch cứng, xù xì.



























Cái hay của những bông hoa này là mỗi vòng hoa nhỏ lớn dần lên, từ ngoài vào trong, lại biến đổi màu theo thời gian. Đầu tiên khi mới nở có màu tim tím, trăng trắng, ít ngày sau hoa lớn dần thì vòng hoa nhỏ phía ngoài chuyển dần sang màu vàng nhạt, rồi màu vàng nghệ, màu đỏ, rồi màu đỏ thẫm. Trên bờ dậu, cây hoa này mọc cùng các cây khác, chúng dựa vào nhau mà lên. Khi hoa nở, cả bờ dậu như một bó hoa nhiều màu trông thật đẹp. Có thể vì thế mà người dân quê trồng cây hoa này chăng?

Trên tay có đá


T

rên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy. Lần đầu tới chơi, thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nãy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà.


Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.
Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực chờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.
Bạn về nhà rồi, chuyện mấy cục đá cũng lẽo đẽo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó... mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó, hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.
Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ. Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật, Kinh thánh, kinh Coran...
Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa gièm pha và hạ nhục... để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm, ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau...
Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: chó người giàu cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ...
Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẵm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt...
Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là “ở đâu đó...”, giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở, như ăn, có một bà già quê đập bể tivi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi “đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?”.
Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương... đã trở nên vô nghĩa.
Không thể buông bỏ ở cái thời thế còn ngổn ngang này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi tivi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói “ta thấy sợ...”. Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo, thay đổi được người mà không phải người. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.
Tội ác biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày...

 NGUYỄN NGỌC TƯ

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Điều tiết chương trình học để giảng dạy phòng chống tham nhũng

 

TTO – Lần đầu tiên nội dung phòng chống tham nhũng được đưa vào nội dung giảng dạy bắt buộc trong nhà trường từ cấp THPT trở lên, bắt đầu từ năm học 2013-2014.


Ông Trần Đức Lượng – phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Ảnh: Ngọc Hà


Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Lượng – phó tổng Thanh tra Chính phủ, phó trưởng Ban chỉ đạo đề án 137 về đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng – cho biết:

- Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 137 phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (gọi là Đề án 137). Từ đó đến nay, về cơ bản, những nội dung Đề án 137 đã hoàn thành. Thanh tra Chính phủ đã biên soạn tài liệu giảng dạy về nội dung phòng chống, tham nhũng. Bộ GD-ĐT triển khai biên soạn tài liệu dành cho học sinh, sinh viên từ cấp THPT, trung cấp chuyên nghiệp đến CĐ, ĐH. Học viện Chính trị hành chính quốc gia biên soạn tài liệu giảng dạy cho học viên là cán bộ. Ngành công an, quân đội, kiểm sát… cũng biên soạn tài liệu để giảng dạy cho học viên đặc thù của ngành.

* Đến nay khi việc triển khai giảng dạy phòng, chống tham nhũng sẽ được tiến hành ngay khi khai giảng năm học mới 2013-2014, vẫn còn ý kiến cho rằng đưa nội dung này vào trường phổ thông có vẻ hơi khiên cưỡng, thiếu thực tế vì các em còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Chưa kể chương trình giáo dục lâu nay bị kêu là nặng nề, quá tải, ông nghĩ sao?

- Thực tế ngay khi xây dựng đề án đã có rất nhiều ý kiến rất khác nhau. Thậm chí đã từng có ý kiến đưa nội dung này vào giảng dạy, truyền thụ cho học sinh từ mẫu giáo. Lý thuyết giảng dạy cấp học nhỏ tuổi này chỉ đơn giản là dạy các em ý thức không tham lam, không giành giật đồ chơi của bạn, không lấy thứ không phải của mình. Giảng dạy từ bé là cách nước khác đã làm. Song tại Việt Nam, chúng ta không thể “tham” như thế được, không thể vội vã triển khai ngay từ mẫu giáo. Đối tượng được chọn lựa để giảng dạy là học sinh từ cấp THPT, là lứa tuổi đã tự nhận thức và làm chủ được hành vi.

Cũng xin nói thêm không phải đến khi có Chỉ thị của Thủ tướng, nội dung này mới được đưa vào giảng dạy. Trước đó đã có 14 trường ĐH, CĐ, trường trung cấp, trường nghề được lựa chọn để giảng dạy thí điểm. Ở cấp THPT cũng có 8 trường ở Hà Nội, Nam Định, TP.HCM, Bến Tre được Bộ GD-ĐT lựa chọn giảng dạy thí điểm, tích hợp, lồng ghép nội dung vào môn giáo dục công dân ở cả ba khối lớp 10,11,12. Nhiều trường còn đưa vào các hoạt động ngoại khóa. Có hơn 500 giáo viên đã được tập huấn cả về nội dung, phương pháp giảng dạy. Các giáo viên đề xuất với nội dung này đòi hỏi phải được kiểm tra, cho điểm mới phát huy tác dụng tốt.

Ý kiến băn khoăn chương trình phổ thông vốn đã quá tải, nay đưa thêm nội dung này vào sẽ khiến chương trình nặng nề hơn không phải không có cơ sở. Song Bộ GD-ĐT có trách nhiệm điều tiết cho phù hợp, thêm cái này vào sẽ phải bớt cái khác đi. Tôi được biết nội dung phòng chống tham nhũng đã được tích hợp vào môn giáo dục công dân. Trong kế hoạch sắp tới của ngành giáo dục, nội dung này còn được tích hợp trong môn ngữ văn, là chủ đề của các bài nghị luận xã hội và tích hợp trong môn lịch sử bằng cách kể lại những câu chuyện vị quan xưa biểu thị tiết khí thanh liêm như thế nào.

* Phòng chống tham nhũng được đưa vào nhiều cấp học, hẳn nội dung ở mỗi cấp sẽ có những khác biệt, phù hợp với từng người học, thưa ông?

- Ở cấp THPT, giáo viên phải giúp học sinh hiểu thế nào là tham nhũng, biểu hiện như thế nào và cần thiết hình thành thái độ lên án nó. Ở cấp CĐ, ĐH, khi được lồng ghép vào môn pháp luật đại cương, SV phải biết được nguyên nhân, tác hại của tham nhũng, thực trạng của nó tại Việt Nam, trách nhiệm công dân trong phòng chống tham nhũng.

Ở các lớp đào tạo cán bộ, Học viện Chính trị- hành chính quốc gia Hồ Chí Minh lại biên soạn tài liệu và hướng dẫn phương pháp giảng dạy theo cách khác khi người học là cán bộ, người đang quy hoạch đề bạt cán bộ, người có chức, có quyền, nghĩa là có nguy cơ tham nhũng thì lại giảng dạy theo hướng khác. SV luật, học viên ngành quân đội, công an lại cần nội dung giảng dạy đặc thù khác nữa. Trong quá trình thí điểm, một số trường ĐH vẫn còn lúng túng khi lồng ghép vào quá nhiều môn học. Có trường đào tạo khối kinh doanh lồng ghép vào cả môn pháp luật, kinh tế, ngân hàng, gây dàn trải, không hiệu quả, cần điều chỉnh khi chính thức áp dụng đại trà.

* Trong quá trình thí điểm giảng dạy, nhiều giáo viên phổ thông cho rằng thực trạng tham nhũng đang phức tạp nên các thầy cô gặp khó khăn cả về tài liệu và phương pháp. Thanh tra Chính phủ với tư cách là cơ quan thường trực Đề án có kế hoạch “gỡ khó” cho giáo viên không?

- Đúng là nhiều giáo viên cho rằng thực trạng tham nhũng còn phức tạp nên khó lấy dẫn chứng, ví dụ minh họa cho học sinh. Các giáo viên cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn chi tiết việc lồng ghép thế nào cho phù hợp với đặc điểm của trường phổ thông, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ tài liệu cho họ. Toàn bộ tài liệu do Thanh tra Chính phủ biên soạn cùng các thông tin kinh nghiệm thế giới và trong nước về phòng chống tham nhũng sẽ được cập nhật thường xuyên trên hai chuyên trang về Đề án 137 và phòng chống tham nhũng.

* Ông kỳ vọng sự chuyển biến đột phá nào khi triển khai áp dụng nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng vào các cấp học?

- Về mặt lâu dài, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn đặt cao nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng là chính. Tất nhiên, trong những thời điểm nhất định sẽ có hướng đẩy mạnh xử lý tham nhũng. Thời điểm hiện tại phòng ngừa phải đi liền với xử lý. Tôi cũng muốn nhấn mạnh về khía cạnh xã hội, công cuộc phòng chống tham nhũng đang có thuận lợi to lớn từ quyết tâm chính trị cho đến sự đồng thuận của toàn xã hội. Nếu hỏi 10 người dân thì hẳn cả 10 người đều căm ghét và muốn xóa tệ nham nhũng.

Việc đưa nội dung này vào trường học nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức phải được thực hiện bằng kế hoạch dài hơi, không phải ngày một ngày hai là chuyển biến ngay được. Kinh nghiệm quốc tế minh chứng rất rõ cho điều này. Ngay tại Singapore, họ phải kiên trì mất 20 năm mới có được sự chuyển biến nhận thức. Những năm 1970, nói về tình hình tham nhũng thì Singapore còn tệ hơn ta bây giờ. Nhưng sau 20 năm quyết tâm thay đổi, họ đã làm nên chuyện.

Sau thời gian thí điểm, tài liệu mới đang được cập nhật nhiều nội dung mới trong phòng, chống tham nhũng như tăng cường tính mạnh bạch công khai, tăng cường trách nhiệm giải trình của người thực thi quyền lực, tăng kênh và tăng vai trò giám sát quyền lực. Mong rằng khi đề án được triển khai toàn diện, mọi người sẽ bỏ được thói quen cứ đến cơ quan công quyền là nghĩ phải “có gì”, đến bệnh viện thì tìm gặp riêng bác sĩ, đến trường học thì tìm cô giáo để đưa… phong bì. Y tế và giáo dục là dịch vụ công, Nhà nước phải đầu tư trở lại cho người học, người bệnh. Hệ thống công quyền phải có trách nhiệm phục vụ người dân chứ không phải người dân phải lệ thuộc vào bộ máy.

NGỌC HÀ

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

GÁI ĐĨ VÀ CHÂN DÀI




Chuyện kể rằng cái nghề công chức của hắn coi vậy mà làm ăn phát đạt lắm. Hắn luôn được bên B khả ái bởi đã thường xuyên tạo cơ hội cho họ thắng đậm. Dĩ nhiên, ở đời nhờ “có đi có lại”, bên B luôn là chùm khế ngọt mà! Lần này, nhân một hợp đồng thắng lớn, bên B đã “trả ơn” cho hắn bằng một món quà rất ý nghĩa, đối tác hứa sẽ chiêu đãi nó một em gái vẫn còn trinh!

Tiền bạc thì hắn cũng chẳng thiếu. Ờ thì món quà là lạ này nghĩ cũng hay đấy và hắn đã gật đầu đồng ý. Nhưng hắn lại nghĩ “cái thứ gái mà đến tay hắn thì làm gì còn trinh? Chắc chúng nó chỉ tâng bốc lên để lấy lòng mình vậy thôi. Đời mà, toàn chuyện bịa, có gì lạ đâu…”. Vì vậy hắn cũng không quá quan tâm. Thôi chỉ là cuộc chơi thôi mà.

Nhận lời mời của đối tác, theo hẹn, bên B đã cho xe đến tận nhà riêng để đón hắn. Chiều nay hắn cố tình tan sở sớm hơn mọi khi để về nhà tắm rửa, thay trang phục cho tương xứng. Vợ hắn vẫn chưa về, hắn đành gọi điện thoại cho vợ thông báo về lịch tiếp khách và còn nói thêm:

- Em ạ, chiều nay anh phải đi Hòa Bình làm việc với đối tác và có khả năng không về ăn tối đâu, em cứ chủ động giúp anh đón con rồi hai mẹ con chọn nhà hàng nào đó mà ăn khỏi vất vả. Cái đó (tiền) hôm nay anh vẫn để chỗ cũ đấy. Cũng kha khá em ạ!

Ở đầu dây bên kia vợ hắn có vẻ rất vui. Úi dào chuyện hắn bỏ cơm chiều với gia đình thì như… cơm bữa rồi. Có sao đâu, miễn là có thêm nhiều tiền là vui rồi!

Nhiệm vụ của em là phải ở đây đêm nay với anh để… để chăm sóc anh

Đêm đã về khuya, sau cuộc nhậu hắn được em thư ký của bên B dìu về khách sạn bốn sao. Trong hơi men chếnh choáng say hắn thấy em thưc ký đang tận tình chăm sóc cho hắn. Bắt đầu là đỡ hắn nằm xuống giường, tháo giày, tất.. lấy khắn xấp nước ấm rồi lau mặt và dùng hai nón tay cái mềm mại khẽ day day lên hai huyệt đạo ở thái dương…

Tưởng là chỉ có thế, hắn khẽ bảo:

- Thôi cô về đi, cứ để tôi nằm đây ngủ một giấc là khỏe ngay thôi mà!

- Không! Không! Nhiệm vụ của em là phải ở đây đêm nay với anh để… để chăm sóc anh mà!

- Chết chết… Cô là thư ký của sếp, làm vậy đâu có được. Nếu sếp cô mà biết thì rầy rà to cho tôi đấy!

- Anh yên tâm đi, đây là lệnh của sếp mà! Em là thư ký mới như sếp đã giới thiệu với anhh trước bữa nhậu, em phải hoàn thành thử thách này! - Cô gái khẽ mỉm cười trông rất duyên.

- Thế sếp cô đâu rồi?

- Sếp cũng đã say và được lái xe đưa về nhà riêng rồi!

- Vậy hả?

Thì ra là quà bên B tặng lại chính là em thư ký này sao? Hắn chợt trầm ngâm suy nghĩ. Đúng là chúng nó chỉ mà tâng bốc lên thôi. Đã là thư ký dạn dĩ cỡ này rồi thì làm sao mà còn “trinh” cơ chứ! Ờ mà thôi, nhưng như thế cũng là “vinh dự” lắm rồi, toàn đồ “hàng hiệu”. “Cũ người, mới ta mà”…

Đếm ấy, hắn được chìm đắm trong hoan lạc và thêm những trải nghiệm mới…

Sáng mai ra, tận 9 giờ cô “thư ký” mới gọi hắn dậy. Nhìn đồng hồ, hắn chợt cuống cuồng nhảy vội vào nhà tắm, đánh răng rửa mặt rồi vội vàng bước ra. Cô “thư ký” vẫn bình thản ngồi trang điểm…

Bất chợt hắn nhìn thấy trên tấm ga trải giường trắng muốt nhưng nhàu nhĩ. Ở đó có một vệt máu đỏ sẫm. Hắn tiến lại gần kiểm tra và hất hàm hỏi cô gái:

- Cô bị hành kinh à? Hành kinh vậy sao mà còn…

Cô gái nhìn hắn khẽ cười.

- Anh thật ngốc! Vậy mà không biết à?

- Biết gì cơ?

- Đêm qua anh làm em đau phát khiếp. Anh phá đời con gái của em rồi đấy!

Hắn chợt hiểu nhưng bất giác lạnh lùng:

- Cô đùa đấy à? Đã làm gái rồi thì sao mà còn “trinh” được? “Thư ký” ư? Đĩ thì có!

Hình như bị xúc phạm quá bất ngờ nên cô gái đứng bật dậy:

- Đĩ ư? Đĩ thì không được quyền có “trinh” à? Đúng là đồ không biết điều!

Nói vậy rồi cô gái vùng vằng bỏ ra khỏi phòng không thèm chào hắn một tiếng.

Chỉ còn lại một mình, hắn chợt tĩnh tâm lại. Hắn cũng thấy thật vô lý và rất muốn đuổi theo cô gái nhưng không đành. Thôi thì thế nào mà chẳng có lần gặp lại đối tác nữa, nghĩa là sẽ có dịp mình sẽ lại gặp được cô ta mà!

Đĩ thì không được quyền có “trinh” à

Nói vậy thôi, nhưng thấm thoắt đã hơn một năm trôi. Vậy mà bao lần gặp lại đối tác làm ăn nhưng tuyệt nhiện hắn không hề gặp lại được bóng dáng cô “thư ký” đó. Hỏi thì cũng hơi “ocrơ” vì ngại sếp bên B vặn vẹo về thái độ coi thường người của họ nên hắn lại thôi. Nhiều đêm nằm cạnh vợ hắn lại nghĩ về “nàng” và tự trách mình quả là đã ăn nói quá hàm hồ. Thôi thì tạm quên đi và hắn lại hì hục giành hết tình cảm cho vợ. Còn vợ hắn thì dĩ nhiên không thể biết và luôn tuyệt đối tin tưởng vào hắn, một người chồng “chu toàn” vừa giỏi kiếm tiền vừa rất biết “chiều” vợ.

Nhưng rồi điều nó mong mỏi cũng đã tới. Bất chợt, trong một một đêm Hà Nội, hắn đã gặp lại cô “thư ký” xinh đẹp ngày nào. Hắn mừng rỡ vội chạy đến nhưng sững người khi thấy cô nàng đang âu yếm khoác tay một lão già trán hói còn có tý tóc nhưng đã được chải ngược láng coóng rất chỉn chu. Mặc kệ, như người nhà, hắn vội cầm tay cô gái giật mạnh và nói vỡi lão già:

- Xin lỗi ông, tôi có việc phải nói riêng với cô em của tôi một chút.

- Người đàn ông lịch lãm nhún vai:

- Ok!

Hắn kéo cô gái ra góc phố và phân bua:

- Thì ra tôi không sai, cô đúng là đồ đĩ!

Cô gái nóng mặt:

- Anh đừng mà vô cớ hàm hồ, tôi làm ầm lên bây giờ! Tôi không phải là đĩ! Tôi đơn giản chỉ là chân dài! Chân dài thì phải đi với đại gia vậy thôi. Chỉ khi ngủ với những kẻ nghèo hèn và keo kiệt như anh thì có lẽ anh đã nói đúng. Vâng, lúc đó tôi mới là con đĩ! Tạm biệt anh nhé!

Nói rồi cô gái vội cất bước. Nhưng vừa bước được mấy bước cô gái bất ngờ quay lại và chìa ra trước mặt hắn một tấm danh thiếp.

- Tôi sẽ là đĩ nếu anh cần và gọi!

Cô gái nhếch mép cười chế nhạo rồi vội vã quay về với người đàn ông hào hoa vẫn đang nhẫn nại chờ cô ở đằng kia.

Hắn như người bị choáng cứ đứng đơ như trời trồng, trong tay vẫn giữ chặt tấm danh thiếp của cô gái. Một lát sau, định thần lại, hắn đọc nhanh dòng chữ trên tấm danh thiếp – Lê Thị Phượng Hồng – nhân viên pia (PY) hãng thời trang Gió Mới!


***


Hóa ra cuộc đời thật trớ trêu, bỗng dưng hắn lại thấy thương và yêu cô “thư ký”. Sau nhiều ngày trằn trọc suy nghĩ hắn quyết định gọi điện cho Phượng Hồng.

Cuộc tái ngộ giữa hai người tại một quán cà phê nhỏ. Trước thái độ có vẻ sởi lởi và chân thành của hắn, cô “thư ký” từ chỗ lạnh lùng “cảnh giác” cũng trở nên thân thiện thiện hơn. Biết làm sao được, nghề nghiệp mà. Họ nói chuyện với nhau tỏ ra rất hiểu nhau bên ly cà phê tý tách…

- Vậy là anh và em đã phần nào cảm thông cho nhau. Thôi, từ nay trở đi em hãy là “chân dài” của riêng anh, đồng ý không?

- Vậy à? - Cô gái ngạc nhiên - Anh đã trở nên đại gia từ hồi nào vậy? Cô gái tủm tỉm cười.

- Thì em hãy đọc bản hợp đồng này rồi sẽ rõ!

Cuối cùng hắn chìa ra và đưa cho gái một tờ giấy viết tay kín một trang. Lướt nhanh qua bản thỏa thuận cô gái nhỏ nhẻ ok và lấy trong túi ra một chiếc bút và ký! Thái độ này của nàng càng khiến hắn kinh ngạc.

- Em không đòi hỏi gì thêm sao?

- Một căn hộ chung cư cao cấp 100 m2 và mỗi tháng 15 triệu chu cấp cho em thế là đủ. Chỉ mong anh thường xuyên lui tới mà không phải chỉ tháng đôi lần anh nhé! Cô gái vẫn bình thản và nhỏ nhẹ trả lời!

Đêm ấy hắn và cô gái làm một lễ “nhập môn” nho nhỏ rồi ân ái với nhau tới sáng. Sáng ra hắn ân ái và đòi hỏi thêm một lần nữa rồi chia tay. Cô gái tỏ ra rất hạnh phúc.

Đêm hôm sau, hắn lại về với “tổ ấm” mới như vậy với khát cháy tràn ngập trong yêu đương và thác loạn. Cô gái hơi bất ngờ hỏi:


- Anh ở đây hai đêm liền mà chị ấy cũng không có ý kiến gì sao?

- Ối dào, bà ấy đi công tác nước ngoài rồi!

- Vậy thì con cái?

- Gửi hết về bà ngoại rồi…

Vậy là hắn và cô gái đã chung chạ với nhau được gần năm trời. Thỉnh thoảng, sau khi ân ái xong hắn lại mô tả lại cái cảm xúc được “phá trinh” nàng ngày nào với nàng. Cô gái tỏ ra rất hạnh phúc và luôn sẵn sàng phục vụ hắn một cách tốt nhất.

Nhưng ở đời, cái kim để trong túi lâu ngày cũng bị tòi ra. Cuối cùng thì vợ hắn cũng biết. Vợ hắn đã tìm đến tận nơi và cũng không đao to búa lớn vì muốn giữ thể diện cho chồng.

Điều kiện là phải chấm dứt mối quan hệ này. Do cái nhà vẫn đứng tên chồng nên vợ hắn chỉ yêu cầu và bắt buộc là cô gái phải ra đi, càng xa càng tốt. Đổi lại vợ hắn sẽ trả cho cô gái một món tiền khá lớn, đủ để mua một căn hộ tử tế ở tỉnh lẻ.

Cô gái cũng không đôi co và mặc cả thêm điều gì… bởi cô ta cũng quá biết vậy là thương vụ này cô ta cũng đã quá hời…



Đoạn kết:


Dĩ nhiên là hắn rất buồn nhưng cũng thầm biết ơn và nể phục vợ. Và có vẻ cuộc sống của hắn đã trở lại với quĩ đạo đẹp. Cho đến một hôm hắn bỗng nhận được một tin nhắn: “Anh có thể đến khách sạn… phòng 1001 gặp em lần cuối được không?”.

Sau hồi lâu đắn đo suy nghĩ, hắn quyết định nhắn lại: “Đồng ý, nhưng anh chỉ có thể gặp em vào ban ngày, lúc 9 giờ sáng…”.

Trái với sự mong đợi của hắn, hắn đến khách sạn nhưng không gặp được nàng. Lễ tân trao cho hắn một bức thư và nói: "Cô ấy đã bay đi nước ngoài từ hôm qua". Hắn như hẫng hụt và mở vội bì thư ra xem.

Cảm ơn anh về tất cả những gì anh đã giành cho em. Thực ra đúng như anh đã nhận định về em ngay từ lần gặp đầu tiên. Em đúng là một con đĩ. Một con đĩ chuyên nghiệp anh ạ. Em mong anh đừng buồn về em và hãy trở về với chị ấy. Chị ấy mới là chỗ dựa vững chắc nhất cho cuộc đời của anh!



T/B: Em gửi anh xem hóa đơn này để anh biết một sự thật về sự “trinh tiết” của em!

Hắn run run lật mở tờ hóa đơn với dòng chữ:

Dịch vụ chỉnh hình cao cấp!

Chi phí tân trang lại trinh tiết!


Kiều Anh Hương

KỶ NIỆM NÊN CẤT VÀO ĐÂU?


Bạn từng hỏi tôi, kỷ niệm nên cất vào đâu?
Tôi bảo, kỷ niệm cất vào một góc phố.


***

Cô gái nào rồi cũng sẽ tìm và sẽ có một góc phố nhỏ yêu thích ở trong tim. Góc phố xanh. Góc phố của bình yên. Và góc phố của những kỷ niệm.






Góc phố để những chiều chếnh choáng, để những chiều chênh vênh, để những chiều gió chướng, tìm về, tìm về trong lặng im không lời... Để lặng nghe một giọt cà phê rơi chạm đáy ngỡ như cơn mưa đầu hạ năm ấy, cơn mưa của tuổi 18 rớt xuống kẽ lá xanh mướt và trong veo, sau này tìm mãi cũng không còn thấy màu xanh trong đáy mắt năm nào. Để an yên trong một góc ngồi cũ kỹ, bụi thời gian phủ mờ trên mép bàn, tách cà phê đen nhuộm màu sương khói, nghe thành phố thở hắt ra tiếng vọng cuộc đời.


Góc phố phủ rêu, góc phố với những bức tường loang lổ, những dây leo buông mình giữa khoảng không đầy nắng, góc phố khuất xa mặt người, góc phố ta giấu mình thật kỹ, nghe kỷ niệm ùa về trên đám lá xôn xao. Rồi ta hát, rồi ta khóc, rồi ta cười, ta gửi vào góc phố những câu chuyện không tên, góc phố vỗ về những ký ức chưa chịu ngủ quên, hong khô lại khóe mắt và sưởi ấm trái tim đang lạnh giá.


Có những chiều rất lạ, bước chân lang thang không muốn trở về, ta tìm đến góc phố thân quen, ôm cuốn *Far from the madding crowd* lặng lẽ ngồi bệt xuống ven đường, say mê đọc cho đến khi đôi chân tê dại, ngẩng mặt lên thấy ánh đèn đường ấm áp đã sáng rực cả khu phố, và mỉm cười thấy lòng mình yên ổn...


Trong cuộc đời, ta đã tìm và đã thấy, đã cất riêng cho mình một góc phố của bình yên.



Mộc Diệp Tử