Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐÃ ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO? ( phần 2)

NHẬN XÉT CỦA PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA


Bản Phúc trình có đoạn nêu rõ, Phái đoàn “không có đủ phương tiện cũng như thời gian để xác minh các cáo buộc chi tiết đã nhận được” . Tuy nhiên, Phái đoàn đã ghi nhận tất cả và dựa vào những nội dung cáo buộc này để “thiết lập danh sách các nhân chứng cần phỏng vấn” , cũng như “soạn thảo các câu hỏi để đưa ra với các quan chức Chính phủ và các nhân chứng khi phỏng vấn” Nội dung ghi nhận được qua những cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng sẽ được giới thiệu sơ lược ở phần kế tiếp.


Về những gì được trực tiếp mắt thấy tai nghe, Phái đoàn cũng ghi nhận lại trong Phúc trình này kèm theo với những mô tả và nhận xét khách quan.


Tại chùa Xá Lợi, một ngôi chùa lớn, Phái đoàn đã gặp “rất nhiều phóng viên báo chí địa phương và quốc tế, nhưng không nhìn thấy vị sư hay tín đồ nào cả” . Sau khi chờ khoảng 10 phút, một vị sư già và một vị trẻ hơn xuất hiện, nhưng hầu như hoàn toàn im lặng không nói gì. Mặc dù vị Trưởng đoàn nhấn mạnh rằng cuộc trò chuyện sẽ được giữ bí mật, nhưng các vị sư tỏ ra rất e dè, không nêu tên và cũng không đồng ý ghi âm cuộc nói chuyện. Phái đoàn đã quan sát thấy rõ cấu trúc của một ngôi chùa lớn, như rất nhiều phòng ngủ, phòng ăn lớn, hội trường, thư viện... Trong hội trường có rất nhiều ghế đặt quanh bàn lớn, cho thấy đã từng sử dụng cho nhiều người tham dự. Tất cả hoàn toàn trái ngược với quang cảnh vắng vẻ tiêu điều trong hiện tại. “Phái đoàn cũng quan sát thấy những cuộn dây kẽm gai ở cả hai bên cổng chùa, chứng tỏ ngôi chùa đã từng bị phong tỏa bằng kẽm gai”
Tại chùa Từ Đàm ở Huế, trong khi trò chuyện với phái đoàn, “một sư cô lo việc quan sát các cửa sổ và cửa ra vào để đảm bảo không có người nghe trộm. Không khí có vẻ căng thẳng không thoải mái.”


Tại khách sạn Majestic là nơi Phái đoàn lưu trú, “vốn do Chính phủ chọn lựa” một không khí cực kỳ căng thẳng được ghi nhận. Đây là một đoạn mô tả trong bản Phúc trình:


... [Khách sạn] được canh gác bởi cảnh sát và quân đội, chia nhau đứng canh trong sảnh đường, dưới tầng trệt nơi quầy tiếp tân và trong những phòng khách lớn. Các xe jeep của quân đội có vũ trang và trang bị máy truyền tin đóng chốt thường trực nơi cổng vào khách sạn. Các thành viên trong Phái đoàn nhận thấy những người đi vào khách sạn đều bị chặn lại để hỏi lý do. Không rõ sự huy động các lực lượng an ninh lớn như thế có phải chỉ là do tình trạng bố ráp ở Sài Gòn từ đêm 20-8-1963 và Chính phủ muốn bảo vệ an toàn cho Phái đoàn, hay ngược lại chỉ nhằm ngăn cản để làm nản chí bất kỳ nhân chứng nào muốn đến tiếp xúc.”


.
Phái đoàn cũng được báo cáo từ phía Chính phủ, là trong trận tấn công các chùa đêm 20-8 “mặc dù rất quyết liệt nhưng không có bất kỳ trường hợp thương tích hay thương vong nào” Tuy nhiên, tại các bệnh viện, Phái đoàn thực tế “đã quan sát được một trường hợp như thế”.
Trong khi tiếp xúc với các thành viên quan trọng trong Chính phủ, Phái đoàn được chính thức báo cáo rằng Tăng ni Phật tử cũng như sinh viên học sinh bị bắt giữ trong chiến dịch đã được trả tự do. Đây là một đoạn trong báo cáo bằng văn bản (tiếng Anh và tiếng Pháp) do tướng Trần Tử Oai chính thức trao cho Phái đoàn:




“Chính phủ đã ra lệnh mở cửa lại những nơi thờ phụng ở các chùa mà trước đó bị tạm thời phong tỏa, Chính phủ cũng cho phép các vị sư bị bắt giữ được trở về chùa và Chính phủ cũng đã trao trả các sinh viên bị giam giữ về cho cha mẹ của họ.”


Tuy nhiên, tình trạng giam giữ các vị lãnh đạo Phật giáo và sinh viên học sinh vẫn được thấy ngay trong chính những thông tin do Chính phủ đưa ra. Phái đoàn đã ghi nhận trong Phúc trình một bản tin được đăng trên Việt Nam Thời Báo vào buổi sáng ngày 1-11-1963, ngay hôm xảy ra vụ đảo chính:


“Đêm qua, báo chí Việt Nam tường thuật rằng, theo các nguồn tin từ Phủ Tổng Thống thì Cố vấn Ngô Đình Nhu đã hứa sẽ can thiệp với Tổng Thống trong một nỗ lực nhằm trả tự do cho các thành viên của Ủy ban Liên Phái [Phật giáo] hiện đang bị giam giữ. Cơ quan thông tấn này nói rằng, các vị Thượng tọa Thích Thiện Hòa và Thích Nhật Minh, Chủ tịch và Phó chủ tịch của Ủy ban Liên hiệp [Bảo vệ] Phật giáo [Thuần túy], cùng đi với Giáo sư Bửu Hội, đã đến gặp Cố vấn Nhu để yêu cầu can thiệp. Họ đòi hỏi trả tự do cho tất cả các vị lãnh đạo, cư sĩ Phật giáo cũng như sinh viên còn đang bị giam giữ...”


Trước đó, Phái đoàn đã trực tiếp chất vấn việc này với Cố vấn Ngô Đình Nhu và ông đã trả lời khá mơ hồ:




- (Trưởng đoàn hỏi: Có bao nhiêu người còn bị giam trong tù?


- Ông Cố vấn trả lời: Khoảng 200 đến 300 người. Việc này hãy hỏi ông Bộ trưởng Nội vụ.)


Và khi câu hỏi được trực tiếp đặt ra với Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, ông này đã... hẹn lại:






“Còn về con số chính xác những sinh viên, tăng sĩ còn bị giam trong các trại và trong bệnh viện, điều này nằm trong quyền hạn của tôi, tôi sẽ trao cho quý vị một danh sách họ tên những người ấy.”


Ở đây, chúng ta lưu ý Phái đoàn không đòi hỏi danh sách chi tiết về những người bị bắt, nhưng nhiều lần lặp lại yêu cầu về một con số chính xác nhằm lượng định tình hình. Rõ ràng, cũng giống như ông Nhu, ông Bộ trưởng Nội vụ không nắm được con số này! Bảng danh sách mà ông hứa trao cho Phái đoàn, cũng giống như rất nhiều hồ sơ, tài liệu chứng cứ khác mà ông nói rằng đã tìm được trong các chùa, đã không bao giờ được gửi đến. Có thể là do ảnh hưởng cuộc đảo chính, nhưng cũng có thể không phải, vì sau đảo chính thì Hội đồng Quân nhân Cách mạng vẫn giữ nguyên hầu hết công việc của các Bộ. Bằng chứng là ông Phạm Đăng Lâm vẫn ra tiễn đoàn với tư cách đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa.


4. Phỏng vấn nhân chứng và thu thập thông tin


Phái đoàn đã xác định rằng việc thu thập thông tin qua các nhân chứng tại chỗ là vô cùng quan trọng. Vì thế, căn cứ vào các thông tin cáo buộc đã nhận được, ngay trong ngày đầu tiên đến Sài Gòn, 24-10-1963, Phái đoàn đã thảo luận thống nhất để đưa ra một danh sách các nhân chứng cần phỏng vấn.


Trong danh sách này, phái đoàn đã thực tế gặp và phỏng vấn cả thảy 47 người. Một số nhân chứng đã không đến hoặc không thể đến vì lý do nào đó. Một số khác bị xếp vào đối tượng “đối lập chính trị” và Chính phủ từ chối việc hỗ trợ tìm gặp họ. Các nhân chứng được yêu cầu tự giới thiệu nhân thân của họ và có lời thề sẽ nói sự thật. Tuy nhiên, thông tin ghi nhận được từ các nhân chứng được Phái đoàn cam kết giữ bí mật. Ngay cả trong lời khai, những chi tiết nào xét thấy có thể dẫn đến việc nhận biết lai lịch của nhân chứng đều sẽ bị loại bỏ. Các nội dung cáo buộc sẽ được xem xét, hệ thống và chuyển đến Chính phủ để yêu cầu trả lời hoặc giải thích, nhưng các thông tin về người đưa ra những cáo buộc ấy được giữ kín.


Những điểm chính sau đây được bản Phúc trình ghi nhận trước phần chi tiết lời khai của nhân chứng:


- Phái đoàn đã phỏng vấn một số các vị tăng ni, lãnh đạo Phật giáo tại 3 ngôi chùa ở Sài Gòn, một nhà tù, một bệnh viện và tại khách sạn Majesticc, nơi Phái đoàn lưu trú. Trong nhà tù ở Sài Gòn, Phái đoàn cũng phỏng vấn một lãnh đạo Phật giáo là cư sĩ. Tất cả các nhân chứng này đều nằm trong danh sách những người mà Phái đoàn muốn phỏng vấn.


- Phái đoàn cũng phỏng vấn một số cư sĩ ở cả Sài Gòn và Huế. Trong số này có 5 người nằm trong danh sách của Phái đoàn. Các nhân chứng này có vai trò quan trọng, nhận hiểu vấn đề và có quan hệ rộng với nhiều người khác. Một số nhân chứng trực tiếp chứng kiến các sự kiện và những gì họ kể lại cũng được phân biệt với những cảm xúc hoặc quan điểm riêng.




- Phái đoàn cũng phỏng vấn nhiều sinh viên nam nữ đang còn bị giam giữ ở Trại Lê Văn Duyệt. Theo lời ông Giám đốc thì Trại này vừa được thiết lập vào ngày 1-8-1963, dưới quyền Sở An ninh. Tất cả sinh viên ở đây đều bị bắt trong những cuộc biểu tình sau các sự kiện vào tháng 8. Các sinh viên bị cảnh sát giam giữ trong thời gian khác nhau, sau đó chuyển đến Trại Thanh niên [cải huấn] và bị bắt buộc phải học các khóa học về chính trị. Phái đoàn được cho biết là thời gian bị giữ trong trại thông thường khoảng 2 tuần, sau đó họ được trả về cho gia đình.


- Trình tự phỏng vấn chung là: Trước tiên các nhân chứng được đề nghị trình bày những gì họ muốn nói. Sau đó, Phái đoàn sẽ đặt những câu hỏi và ghi nhận câu trả lời của họ.


Dưới đây chúng tôi chỉ điểm qua những điểm nổi bật nhất trong số các lời khai chi tiết được ghi nhận từ 47 nhân chứng.


Nhân chứng thứ nhất, qua lời khai có vẻ như là một vị tăng giữ cương vị lãnh đạo, đã có mặt tại chùa Xá Lợi trong đêm 20-8-1963 và bị bắt giữ. Ông đã có thể mô tả nhiều chi tiết về vụ tấn công, phá cửa, bố ráp...bắt đầu từ giữa khuya, khoảng 12 giờ 30. Nhân chứng này cũng phủ nhận việc cuộc đấu tranh của Phật giáo bị kích động bởi phía Việt cộng, đồng thời xác định các vụ tự thiêu chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thúc đẩy thực hiện các nguyện vọng của Phật giáo. Theo lời vị này, chùa Xá Lợi vào thời điểm đó mỗi ngày Chủ nhật có khoảng 1.000 người đến tu tập; các ngày lễ thông thường có khoảng 30.000 tín đồ và những ngày lễ lớn có đến 100.000 người tham dự. Theo vị này, vào lúc quân đội tấn công chùa có khoảng 400 vị tăng đang ở đó.


Nhân chứng thứ hai là một vị lãnh đạo Phật giáo có tham gia buổi tiếp xúc đầu tiên với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vị này mô tả khá chi tiết về các diễn tiến ở Huế và sau đó lan đến Sài Gòn như thế nào, với tư cách là người trong cuộc. Về hướng giải quyết của ông Diệm sau buổi tiếp xúc, ông khẳng định rằng phía Phật giáo vẫn thấy chưa hợp lý và đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc tuyệt thực đấu tranh vào khoảng ngày 7 và 8 tháng 6-1963. Sinh viên đã biểu tình và Chính phủ đàn áp còn dữ dội hơn trước đó. Nhiều người bị thương tật vĩnh viễn, có người bị mù, nhiều người khác bị bỏng toàn thân. Đồng thời, ba ngôi chùa lớn ở Huế bị phong tỏa, cô lập hoàn toàn. Chính quyền còn đưa ra lời đe dọa sẽ cắt điện và nguồn nước.


Vị trưởng đoàn đã nhờ nhân chứng này nhận diện một số tên người. Họ là những người được xem là mất tích sau vụ bố ráp đêm 20-8-1963. Tuy nhiên, sau đó đã có thông tin từ Chính phủ là họ bị bắt giam. Có người được biết đến, nhưng có một số không ai biết là bị giam ở đâu. Đặc biệt, người thứ tư và thứ sáu trong bản danh sách này được xác nhận là các vị tăng đã từng du học nước ngoài, viết và nói tiếng Anh lưu loát. Cả hai vị này đều bị bắt giam, và ngay khi có tin Phái đoàn sắp đến, họ đã bị chuyển đi giam giữ ở một nơi khác nên hiện nay không biết ở đâu.


Đặc biệt, nhân chứng này mô tả khá chi tiết những biện pháp mà chính quyền các địa phương đã áp dụng trong nhiều năm qua để chèn ép người Phật tử:


- Không có những chính sách phân biệt đối xử hoặc đàn áp Phật giáo ở cấp độ Chính phủ, nhưng họ phớt lờ, dung túng cho những hành vi chèn ép, phân biệt và gây khó khăn cũng như xúc phạm người Phật tử ở các cấp địa phương. Phật giáo đã có nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị gửi lên Chính quyền địa phương, Tổng Thống, Quốc Hội, nhưng chưa bao giờ được hồi đáp. Chính nhân chứng này là người đã có một buổi tiếp xúc với Tổng thống Diệm kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ và đã cảnh báo Tổng Thống nếu không được giải quyết thỏa đáng thì các mâu thuẫn này có thể sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều sự chèn ép nhỏ nhặt nhưng vô lý mà người Phật tử phải thường xuyên chịu đựng nhiều năm qua. Một viên cảnh sát trưởng là người Thiên Chúa giáo đã phạt vạ một người Phật tử chỉ vì tụng kinh lớn tiếng. Trong một đám rước của Phật giáo, một số người Thiên Chúa giáo ném chất bẩn vào tượng Phật...


- Đối với các Phật tử là viên chức Chính phủ, nếu họ tích cực tham gia những công việc của các tổ chức Phật giáo, họ sẽ phải nhận những báo cáo thành tích xấu, và nếu quá tích cực trong những việc này, họ có thể bị thuyên chuyển đi nơi khác có điều kiện sống tồi tệ hơn. Sẽ có người nào đó đến đề nghị họ bỏ đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa, và nếu đồng ý, quyết định thuyên chuyển của họ sẽ được hủy bỏ. Ngược lại, họ sẽ tiếp tục nhận lãnh nhiều bất ổn khác. Những trường hợp như thế xảy ra rất thường xuyên.


- Có nhiều trường hợp các gia đình Phật tử bị ai đó cố tình ném hoặc giấu các tài liệu tuyên truyền của cộng sản vào nhà họ, rồi cảnh sát ập vào, tìm được các tài liệu đó và bắt họ đi. Cùng lúc, sẽ có người đến nhà nói nhỏ với vợ con họ, nếu gia đình chịu theo đạo Thiên Chúa thì người ấy sẽ được tha. Nếu chấp nhận, người ấy sẽ được thả ra, nếu không sẽ bị truy tố. Nhân chứng nói rằng ông ta có thu thập cả một tập tài liệu rất dày về những trường hợp cụ thể như thế. Khi chùa Xá Lợi bị tấn công, hồ sơ này đã biến mất.


- Chính phủ còn áp dụng chiến thuật “dinh điền”, nghĩa là đưa người dân đi khai khẩn đất hoang ở những vùng rừng núi xa xôi. Họ được cung cấp lương thực đủ ăn trong 6 tháng đầu tiên để khai phá đất, sau đó sẽ tự làm ăn. Phương thức này rất tốt đối với những người dân nghèo vì giúp họ có được phương tiện làm ăn vươn lên. Tuy nhiên, có nhiều gia đình Phật tử khá giả hoặc giàu có đang sinh sống ổn định vẫn bị bắt ép đưa đi dinh điền. Thường thì đó là những Phật tử thuần thành, tích cực hoạt động cho đạo pháp, và việc đẩy họ đi xa là một cách để làm suy yếu khả năng phát triển của đạo Phật tại địa phương đó. Đối với những người ấy thì đây là một hình thức trục xuất, lưu đày.


- Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương cố ý gây các trở ngại, khó khăn cho Phật giáo. Chẳng hạn, khi đến ngày lễ lớn của đạo Phật, họ cùng lúc triệu tập những cuộc hội họp công cộng “rất quan trọng”, tất cả người dân không được phép vắng mặt. Và do đó người dân không thể đến dự lễ ở chùa.


Nhân chứng này cũng tiết lộ là mọi người ở chùa Xá Lợi đã có nguồn tin báo trước về vụ tấn công đêm 20-8, nhưng thay vì bỏ chùa trốn đi, chư tăng đã quyết định ở lại. Vì thế, chùa đã lắp đặt một hệ thống báo động. Khi có báo động, họ kiên quyết không mở cửa. Cảnh sát đã phá sập cổng sắt bên ngoài, cửa gỗ bên trong để tràn vào bắt người. Mọi người la hét cầu cứu và cảnh sát đã dùng đến lựu đạn cay cũng như bắn súng chỉ thiên để đe dọa, trấn áp. Sau đó, ngoài việc bắt người cảnh sát còn lấy đi tất cả máy móc thiết bị và nhiều vật dụng khác. Bản thân nhân chứng cũng bị mất một số tiền 15.000 đồng. Nhiều người khác sau đó cho biết họ cũng bị mất tiền. Tổng số được ước đoán có thể lên đến khoảng 500.000 đồng.


Ông Gunewardene cũng hỏi nhân chứng về mối quan hệ giữa chùa Xá Lợi với Cộng sản như cáo buộc của Chính phủ:






Ông Gunewardene: Chùa Xá Lợi có bất cứ quan hệ nào với Cộng sản hay không?


Nhân chứng: Tuyệt đối không có.


Ông Gunewardene: Chùa Xá Lợi có phải một kho chứa vũ khí, đạn dược hay không?


Nhân chứng: Một viên đạn cũng không có!


Khi Phái đoàn ngỏ lời cảm ơn đã hợp tác, nhân chứng này bắt đầu bật khóc.


Nhân chứng thứ ba khá đặc biệt vì được phỏng vấn ngay trong nhà tù. Điều này tự nó đã chứng tỏ tuyên bố của Chính phủ về việc trả tự do cho tất cả những người bị bắt là không đúng sự thật. Nhân chứng tự nhận là người phát ngôn của Ủy ban Liên phái và hiện đang bị giam giữ trong nhà tù này cùng với khoảng 20 vị khác.


Nhân chứng này nhấn mạnh trong lời khai với Phái đoàn là cuộc đấu tranh của Phật giáo hoàn toàn không có yếu tố chính trị, chỉ đơn thuần đòi hỏi được tự do tu tập, tự do hành đạo, và điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Vị này chỉ rõ Dụ số 10 dành đặc quyền cho Thiên Chúa giáo, trong khi được áp dụng để hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Nội dung này trái với điều 8 của Hiến pháp hiện hành. Một thành viên của Phái đoàn là ông Amor đã đặt câu hỏi về sự can thiệp của Việt cộng như cáo buộc của Chính phủ:






Ông Amor: Chúng tôi được nghe rằng phong trào Phật giáo bị kích động bởi những người Cộng sản. Điều này có đúng không?


Nhân chứng: Không, điều đó không đúng. Tôi không biết vì sao chúng tôi lại bị cáo buộc lẫn lộn với chính trị.


Nhân chứng thứ tư là người bị bắt trong cuộc bố ráp ở chùa Từ Đàm, Huế, cùng lúc với chùa Xá Lợi ở Sài Gòn trong đêm 20-8-1963. Vị này cho biết nhiều chùa khác ở Huế cũng bị tấn công trong đêm đó. Vị này kể lại việc cấm treo cờ vào ngày lễ Phật đản vừa qua cùng vụ đàn áp đẫm máu tại Đài Phát thanh Huế như một minh chứng cho sự phân biệt đối xử và đàn áp Phật giáo.


Nhân chứng thứ năm cũng là người bị bắt tại chùa Từ Đàm. Vị này tiếp tục khẳng định về những hành vi phân biệt đối xử và đàn áp đối với Phật giáo cũng như phủ nhận cáo buộc về sự kích động của Cộng sản đối với phong trào đấu tranh của Phật giáo. Đặc biệt, khi được hỏi về các vụ tự thiêu, cả hai nhân chứng thứ tư và thứ năm đều khẳng định mục đích duy nhất của những vị đã tự thiêu là cầu nguyện cho sự thực thi các nguyện vọng của Phật giáo. Họ có để lại các di thư khẳng định nguyện vọng này.


Nhân chứng thứ sáu bị bắt vào đêm 20-8-1963 khi cảnh sát và quân đội phá sập cổng chùa để xông vào, bắt và đánh đập vị này, sau đó đưa đi một nơi rất xa nhưng ông không biết được là nơi nào vì lúc đó là 2 giờ khuya, trời rất tối. Ông đã bị giam riêng một phòng trong thời gian khoảng 1 tuần. Cả chùa có 10 vị tăng sĩ, tất cả đều bị bắt.


Nhân chứng thứ bảy là một vị tăng bị bắt tại chùa Ấn Quang cũng trong đêm 20-8-1963, khoảng 1 giờ khuya. Cảnh sát vũ trang đã phá cửa phòng xông vào để bắt ông đi, mang về đồn cảnh sát giữ khoảng 2 giờ đồng hồ, rồi chuyển đến một trại cải huấn, nơi ông bị giam đến 67 ngày. Theo lời vị này, chùa Ấn Quang có khoảng 50 vị tăng sĩ và tất cả đều bị bắt đi trong đêm 20-8. Một điều đáng chú ý là nhân chứng này xác nhận ông thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện với Hòa thượng Thích Quảng Đức mỗi đêm trước khi ngài tự thiêu. Ông khẳng định tâm nguyện của ngài là tự thiêu để yêu cầu chính phủ thực hiện bình đẳng tôn giáo.


Lời khai của các nhân chứng có nhiều trùng lặp về các dữ kiện đã biết như việc tấn công vào các chùa và bắt giam tăng ni, Phật tử. Riêng nhân chứng thứ mười là một người bị thương trong cuộc tấn công vào chùa Xá Lợi đêm 20-8-1963 và vẫn còn đang phải điều trị lúc được Phái đoàn phỏng vấn. Vị này cho biết chỉ riêng ở chùa Xá Lợi có 3 vị tăng và một sư cô bị thương trong vụ này. Trong khi phỏng vấn nhân chứng, Phái đoàn trực tiếp nhìn thấy được hai vết thương đang còn băng bó ở gót chân và trên bắp vế. Những thương tích này đã phải điều trị trong bệnh viện suốt hai tháng qua. Khi được hỏi về thương tích của những người khác, nhân chứng trả lời không được biết nhiều, nhưng trong số đó có một người đứt lìa 4 ngón chân và một người khác bị bỏng cả 2 chân. Khi được hỏi về quyền tự do sau khi ra khỏi bệnh viện và được trở về chùa, nhân chứng trả lời: “Khi quý vị đến chùa Ấn Quang, tôi có mặt ở đó với 3 người bị thương khác, nhưng tôi không được phép đến gặp. Tôi không có tự do tín ngưỡng.” Phái đoàn đã gạn hỏi: “Điều gì ngăn cản ông đến gặp chúng tôi lúc ở chùa Ấn Quang?” “Tôi nhìn thấy các vị đi qua cửa, nhưng nhân viên an ninh lập tức đóng cửa lại.”


Các nhân chứng thứ 11, 12, 13 và 14 được phỏng vấn cùng lúc tại một ngôi chùa cổ hơn 300 năm tuổi ở Huế. Một trong các nhân chứng đã trao cho Phái đoàn nhiều văn bản khác nhau, trong đó có một lá thư. Ông Amor, một thành viên Phái đoàn, đã đọc lên đoạn sau đây:




“Tôi ký tên dưới đây là ... khẩn cầu quý vị mang ánh sáng công lý soi rọi vào tình hình Phật giáo tại Việt Nam.


“Trong 5 năm qua, Phật tử Việt Nam chúng tôi đã phải chịu đựng một chế độ vô cùng tồi tệ. Người đứng đầu Chính phủ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã không kiểm soát được cấp dưới của ông ở các tỉnh, đặc biệt là ở miền Trung Việt Nam, và hàng trăm người đã là nạn nhân của chế độ vô nhân đạo này.


“Sự viếng thăm của quý vị đã mang đến cho chúng tôi niềm vui rất lớn. Chúng tôi khẩn cầu quý vị, trong thẩm quyền những người đại diện của Liên Hiệp Quốc, những người bảo vệ nhân quyền, hãy giải cứu người Phật tử Việt Nam ra khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng mà tăng ni và tín đồ đang phải chịu đựng.


“Không cần thiết phải dài dòng về vấn đề này, vì quý vị đã biết rõ những gì đang xảy ra trên đất nước chúng tôi... ...”


Các nhân chứng kể lại chi tiết về những sự kiện đã xảy ra ở Huế, đồng thời khẳng định rằng phong trào đấu tranh đòi bình đẳng của Phật giáo hoàn toàn không liên quan đến yếu tố chính trị.


Khi được hỏi về việc treo cờ Thiên Chúa giáo, các nhân chứng xác nhận trước ngày Phật đản một tuần điều này đã xảy ra bình thường ở Huế, nhân một cuộc lễ của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Vào ngày 5 tháng 5, cờ Thiên Chúa giáo cũng được treo tự do ở Đà Nẵng nhân lễ mừng Đức cha Phan Lạc.


Các nhân chứng cho biết họ đã từng khiếu nại lên Chính phủ vào những năm 1960 và 1961 đòi xóa bỏ những hạn chế đối với hoạt động của Phật giáo nhưng không kết quả. Các nhân chứng được hỏi về cuộc biểu tình ngày 3-6-1963 tại Huế. Họ cho biết có hơn 60 người bị thương khi chính quyền đàn áp bằng cách tạt a-xít vào đám đông. Các nhân chứng cũng cho biết họ bị bắt giữ vào khoảng 3 giờ sáng ngày 21-8-1963 khi quân đội nổ súng và phá cổng chùa xông vào . Họ cũng chỉ cho Phái đoàn xem cổng chùa bị phá và các dấu vết đập phá trên tường. Họ cho biết, “mọi thứ trên bàn thờ bị đập phá và mang đi”
Các nhân chứng thứ 15, 16 và 17 đều là những vị sư từng bị bắt vào đêm 20-8-1963. Họ bị giam giữ 12 ngày trước khi được thả ra. Những người này cho biết, vụ bắt giữ đã tạo một không khí lo sợ lan rộng. Ngôi chùa có 7 vị sư thường trú, nhưng hiện chỉ còn 3 người, những người khác lẩn tránh quanh đó vì sợ. Khi được phái đoàn yêu cầu, một vị sư đã đi báo với hai vị sư khác nữa nhưng một người trong số họ từ chối không dám đến gặp Phái đoàn. Các nhân chứng cũng cho biết sau khi biết có những vụ bắt bớ, số Phật tử về chùa giảm mạnh. Vào mỗi ngày chủ nhật, thông thường có khoảng hơn 100 Phật tử về chùa, nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 20 người.


Phúc trình cũng ghi lại nội dung buổi phỏng vấn tại Trại Lê Văn Duyệt, hay “trung tâm cải huấn”, là nơi giam giữ và “cải huấn” hàng ngàn sinh viên học sinh tham gia biểu tình bị bắt. Thông qua nội dung này, chúng ta hiểu được phần nào cơ chế hoạt động của hệ thống “cải huấn” thuộc Chính phủ Ngô Đình Diệm. Khi được hỏi về mục đích của trại, viên Giám đốc trả lời: “Trung tâm của chúng tôi được lập ra để rèn luyện thanh thiếu niên, dạy cho họ biết mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản và nền tảng của Chính phủ VNCH. Mục đích trước tiên là như thế, cũng như chỉ ra những âm mưu lật đổ Chính phủ, để thanh thiếu niên ý thức được những nguy hiểm trong việc họ đang làm. Mục đích thứ hai là chỉ ra những nỗ lực của Chính phủ VNCH để mang lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân. Mục tiêu chính của chúng tôi là dạy cho tuổi trẻ hiểu biết về tổ quốc của họ, biết phụng sự tổ quốc và đặt quyền lợi tổ quốc lên trên tất cả.”


Vị trưởng đoàn đi thẳng vào vấn đề: “Vậy những thanh thiếu niên vào đây học tập là tự nguyện hay bị bắt buộc?” Viên Giám đốc đáp lại: “Thật ra, tất cả học viên ở đây đều là những người bị bắt và đưa đến đây nhằm mục đích cải huấn. Họ được đưa vào đây để học tập và trở thành những công dân tốt.”


Có khoảng 65 người bị giam trong trại vào lúc đó, tuổi từ 17 đến 25. Thời gian để “cải huấn” là khoảng 15 ngày, nhưng sau khi bị bắt các sinh viên bị giam giữ ở những nơi khác, rồi khi vào đây họ tiếp tục bị giam cho đến khi lớp “cải huấn” được mở ra với số lượng nhất định. Vì thế, thời gian giam giữ của mỗi sinh viên đều khác nhau và không xác định được. Chỉ khi nào “cải huấn” thành công, trở thành người tốt theo ý Chính phủ, sinh viên mới được trả về cho gia đình của họ. Phái đoàn cũng đặt những câu hỏi về ban giảng huấn, về phương pháp giáo dục... và do đó được biết tất cả thầy giáo ở đây đều “tự học”, không qua bất kỳ một lớp đào tạo chuyên nghiệp nào. Họ tự thảo luận với nhau để soạn ra chương trình và phương pháp “cải huấn” trong 15 ngày đối với tất cả sinh viên học sinh bị bắt giữ. Thành phần các sinh viên cũng được xác định tất cả đều là Phật tử, không có Thiên chúa giáo


Từ thực tế này, ông Amor, thành viên Phái đoàn, đã hỏi thẳng: “Xin ông cho chúng tôi biết tại sao các sinh viên trẻ này bị bắt vì lý do hoạt động tôn giáo mà khi đưa vào đây các ông lại cố gắng cải huấn họ theo một chương trình chính trị?”
Giám đốc trả lời: “Những người bị bắt không nhất thiết chỉ là hoạt động tôn giáo. Nhiều người có mục tiêu chính trị, một số đối nghịch với Chính phủ.”


Vị Trưởng đoàn chất vấn: “Nếu là vì lý do chính trị, lẽ ra phải có cả những tôn giáo khác, vì sao tất cả đều là Phật tử?”


Trước những chất vấn của Phái đoàn, cuối cùng vị Giám đốc vẫn nêu ra quan điểm như Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố, đó là những người Phật tử bị cộng sản kích động, xúi giục gây bạo loạn và biểu tình.
Sau đó Phái đoàn đã tiếp xúc và phỏng vấn một nhóm khoảng 20 sinh viên. Về lý do bị bắt,họ trả lời: “Chúng tôi là Phật tử, chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ các nguyện vọng của Phật giáo và bị bắt.”


Vị Trưởng đoàn hỏi: “Chính phủ đã chèn ép Phật giáo như thế nào?”


Một sinh viên trả lời: “Chẳng hạn như ở Sài Gòn này, khi người Phật tử đến chùa để tụng kinh cầu nguyện, họ bị xô đẩy và đánh đập bởi cảnh sát. Vì thế, những người ủng hộ Phật giáo đã xuống đường phản đối và đòi bồi thường.”


Một sinh viên khác: “Khi tôi đi chùa cầu nguyện, cùng với nhiều người Phật tử khác, chúng tôi có thể bị bắt giữ sau đó... Khi có biến cố xảy ra ở Huế sau khi chính phủ từ chối không phát sóng chương trình của Phật giáo, Phật tử đã đứng lên chống lại quyết định đó, và rồi quân đội đã mang xe tăng cùng các vũ khí khác đến, viện cớ rằng sự kiện này do Việt cộng kích động.”
Vị Trưởng đoàn hỏi lại: “Từ khi đến đây, chúng tôi có viếng thăm nhiều chùa chiền và thấy người Phật tử tụng kinh cầu nguyện ở đó. Phải chăng tình hình hiện giờ đã thay đổi?”


Đáp: “Chỉ là vẻ ngoài thế thôi, nhưng tôi không tin là vấn đề đã được giải quyết.”
- “Tại sao?”







- “Vì trong hàng ngũ sinh viên chúng tôi vẫn còn nghe được nhiều bàn luận, và từ những bàn luận đó, có vẻ như vấn đề rồi sẽ lại nổi lên.”



Một sinh viên khác kể ra trường hợp cụ thể hơn: “Một ví dụ khác nữa là ở Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, người ta xin phép tổ chức tang lễ một vị sư đã tự thiêu. Chính quyền đã cho phép, nhưng rồi khi tang lễ đang diễn ra thì cảnh sát kéo đến với dùi cui và đánh đập người tham dự. Vào ngày đó có 30 người bị thương.”
Nhiều sinh viên cũng như những nhân chứng tiếp theo đều lặp lại các nội dung cáo buộc. Nhân chứng số 27 nói rõ ràng nhất về các mục đích khi anh ta tham gia biểu tình: “Thứ nhất, tôi muốn có sự bình đẳng giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo trong các hệ thống hành chánh, quân đội v.v... Thứ hai, tôi muốn được tự do hơn trong việc thực hành theo tôn giáo của tôi. Thứ ba, tôi muốn tất cả những vụ bắt bớ, sách nhiễu khác phải chấm dứt. Những biện pháp đàn áp phải được bãi bỏ.”
Trong các cuộc phỏng vấn, một số sinh viên cũng cho biết việc họ bị đánh đập sau khi bị bắt. Một số khác chỉ bị giam giữ rồi thả ra. Đặc biệt, nhân chứng thứ 33 cho biết anh đã bị đánh bằng roi điện, không để lại dấu vết thương tích gì.
Nhân chứng thứ 45 sau khi cung cấp nhiều thông tin liên quan đến thực trạng đã và đang diễn ra tại Việt Nam, đã đưa ra một nhận định rất đáng chú ý, sau khi nhắc lại là những điều này phải được tuyệt đối giữ bí mật:




Nhân chứng: Nếu những lời của tôi được tuyệt đối giữ kín, tôi muốn nói thêm điều này. Đây là một vấn đề chính trị. Trong những năm vừa qua, tình hình chính trị ở Việt Nam rất khó khăn. Có sự xen vào phá hoại của Cộng sản và Chính phủ sử dụng việc này như một cái cớ để chèn ép những đòi hỏi chính đáng của người dân. Điều này đã tạo ra sự bất mãn không chỉ riêng với những người Phật tử mà cả với những người Thiên Chúa giáo. Và đây là cơ hội để sự bất mãn đó bùng phát. [Do đó,] về bản chất thì sự mâu thuẫn không phải là vấn đề tôn giáo, không phải là vấn đề Phật giáo. Phật giáo không phải là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, mà [phong trào Phật giáo] chỉ là hệ quả của những vấn đề chính trị [nói trên].


Mr. Correa Da Costa: Có phải ý ông muốn nói rằng, vì có sự bất mãn rộng khắp, nên khi cuộc đấu tranh của Phật giáo nổi lên trên bình diện thuần túy tôn giáo thì mọi người dân đã xem đó như một cái cớ để vùng dậy chống đối Chính phủ, bao gồm cả tín đồ Thiên Chúa giáo và những tôn giáo khác?


Nhân chứng: Đúng là như vậy.


Nhận định trên đã cho ta một phác thảo về bức tranh chính trị toàn cảnh vào thời điểm đó, dưới sự điều hành của Chính quyền Ngô Đình Diệm, và nó giải thích hợp lý những biểu hiện vui mừng rõ rệt của đa số người dân Sài Gòn ngay sau khi cuộc đảo chánh thành công, như lời của Đại sứ Mỹ Cabot Lodge mô tả trong Điện văn gửi về Washing ton ngày 2-11-1963: “Người ta bảo tôi rằng sự vui mừng hân hoan trên đường phố còn vượt hơn cả niềm vui ngày Tết.”
Phái đoàn cũng đến viếng Bệnh viện Duy Tân, nơi đã và đang điều trị các nạn nhân của cuộc tấn công vào chùa Xá Lợi đêm 20-8-1963. Tại đây, Phái đoàn đã phỏng vấn bác sĩ điều trị và ông Phó Giám đốc Bệnh viện. Phái đoàn xác nhận được sự thật là có 5 vị sư và 4 ni cô bị thương được đưa vào điều trị trong đêm 20-8-1963. Các nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện bằng xe cứu thương của cảnh sát. Thương tích nhẹ nhất được điều trị trong 3 ngày và trường hợp nghiêm trọng nhất phải điều trị trong 60 ngày. Vị sư bị thương nặng nhất đã được xuất viện, nhưng vừa phải trở lại bệnh viện do không được khỏe và do đó có mặt trong bệnh viện lúc Phái đoàn đến.


Nhân chứng thứ 41 đặc biệt chuẩn bị một văn bản dài 15 trang, được ngụy trang bằng cách kẹp vào giấy bìa của một quyển tạp chí. Theo lời nhân chứng, anh ta đã cố chuyển văn bản này ra nước ngoài nhưng không thể được, vì hành lý sinh viên bị lục soát rất kỹ. Theo nhận định của Phái đoàn thì văn bản này “đưa ra chứng cứ về rất nhiều vấn đề”.. Vì thế, Phái đoàn đã quyết định tóm tắt hoặc trích nguyên văn nhiều phần của văn bản này đưa vào thành Phụ lục số 16 của bản Phúc trình.


Để chứng minh sự phân biệt tôn giáo từ cấp cao nhất của Chính phủ, thay vì chỉ ở các địa phương như nhiều cáo buộc khác, văn bản này nêu ra:


“Theo Điều 1 của Dụ số 10, tất cả các tổ chức tôn giáo đều được xem như các hội đoàn, nhưng [Điều 44 của Dụ này] đặt Thiên chúa giáo ra thành ngoại lệ.


“Theo Điều 7 của Dụ này, Chính phủ có quyền đình chỉ hoạt động của các “hội đoàn” vì lý do an ninh.
“Theo Điều 10 của Dụ này thì các tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa giáo, là đối tượng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của bất kỳ cơ quan Chính phủ nào.


“Theo Điều 14 và Điều 28 của Dụ này thì các tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa giáo, chỉ được nhận tiền đóng góp từ tín đồ theo quy định thích hợp, và chỉ được thiết lập các cơ sở vật chất khi hết sức cần thiết.


“Hơn thế nữa, theo Sắc lệnh số 116/TTO/TTKI từ Văn phòng Tổng Thống ngày 23-9-1960 thì những bất động sản của các “hội đoàn” (bao gồm Phật giáo) dù nhỏ nhặt đến đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng Thống, nếu không thì tổ chức sở hữu vẫn phải trả thuế giống như các chủ sở hữu cá nhân khác.


“Theo các điều khoản như thế, chúng tôi thấy rõ rằng có sự bất bình đẳng tôn giáo trong chế độ dân chủ này và thực tế đã đi ngược lại với mục đích theo đuổi của Chính phủ trong chính sách Ấp Chiến Lược, được cho là nỗ lực xóa bỏ sự bất hòa.


“Dụ số 10 ban hành năm 1950 dưới chế độ quân chủ. Từ khi chế độ ấy bị lật đổ vào năm 1954, chúng tôi đã đặt vấn đề tại sao Dụ số 10, vốn không phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa, lại vẫn tiếp tục được duy trì? Chúng tôi yêu cầu Chính phủ phải hủy bỏ Dụ số 10 và thay thế bằng đạo luật khác.


“Ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng quê, các viên chức Chính phủ hành xử sai trái hoặc theo cách phân biệt tôn giáo. Chúng tôi đã đệ trình việc này lên Tổng Thống và Quốc hội, nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi không hề nhận được câu trả lời. Chúng tôi đã yêu cầu Tổng Thống chấm dứt ngay những hành vi sai trái này và cho thành lập một ủy ban điều tra để thẩm sát lại một cách chuyên trách, khách quan và đáng tin cậy đối với những hồ sơ khiếu nại của người Phật tử, để bảo đảm sự an toàn cho các vị lãnh đạo Phật giáo, tăng sĩ cũng như cư sĩ, và cho phép người Phật tử trong hàng ngũ quân nhân cũng như các viên chức dân sự được thực hành theo tôn giáo của họ.


“Thêm nữa, ông Paul Hiếu, Bộ trưởng Công Dân Vụ đã có lần nói trong một hội nghị các quan chức rằng: Phật giáo là kẻ thù công khai số một.”


Ngoài những cáo buộc như trên, văn bản của nhân chứng này còn đặc biệt đề cập đến những ngược đãi đối với Phật giáo từ trước năm 1963, đã được Thượng tọa Thích Trí Quang nhắc lại trong buổi họp ngày 18-5-1963 với nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ. Theo đó, tại các vùng phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên và miền Trung, nhiều Phật tử đã bị bắt bớ, đàn áp. Các vụ việc này đã được ghi nhận thành hồ sơ khiếu nại gửi lên Chính phủ và Quốc hội, nhưng không rõ vì sao người Phật tử không hề nhận được sự phản hồi. Chi tiết này cho thấy sự kiện ngày 8-5-1963 hoàn toàn không phải là điểm khởi đầu, mà trong thực tế chỉ là “giọt nước tràn ly” làm bùng vỡ những bất mãn từ rất lâu của người Phật tử đối với Chính phủ Ngô Đình Diệm.


Một chi tiết đặc biệt khác được thấy trong văn bản của nhân chứng này là đoạn trích nguyên văn một bài bình luận được đăng trên tạp chí Anh ngữ Newsweek ngày 27-5-1963, được cho là đã bị cảnh sát lùng sục để tịch thu. Nguyên văn Anh ngữ (kèm bản dịch) như sau:




“Những người Phật tử (ước tính khoảng 10 triệu) từ lâu đã phẫn uất đối với các quan chức ở Huế và nhóm thiểu số Thiên Chúa giáo nắm quyền hành. Người Phật tử đặc biệt tức giận trước một loạt những hạn chế do Tổng thống Diệm áp đặt lên quyền tự do tôn giáo của họ.


“Hầu hết các quan chức cao cấp của Chính phủ Ngô Đình Diệm, các vị Tỉnh trưởng và sĩ quan quân đội đều là tín đồ Thiên Chúa giáo, và hầu hết các sĩ quan trẻ trong quân đội đều tin rằng ít nhất họ phải trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo trên danh nghĩa nếu muốn ngoi lên cao hơn quân hàm đại úy. Ông Diệm có vẻ tin chắc rằng (vì lý do nào đó) những tín đồ Thiên Chúa giáo trung thành với cá nhân ông hơn và cũng tận tụy hơn trong cuộc chiến chống Cộng. Vì lý do đó, Thiên Chúa giáo đã trở thành biểu tượng cũng như điều kiện tiên quyết cho sự thăng tiến...


Những người Phật tử nói rằng hầu hết nguồn cung cấp từ Chính phủ đều thông qua bàn tay Thiên Chúa giáo và được phân phối chủ yếu đến những tín đồ Thiên Chúa giáo. Một viên Cố vấn Mỹ đã báo cáo rằng, trong quân đội Nam Việt Nam, các chỉ huy tiểu đoàn là tín đồ Thiên Chúa giáo nhận được trang thiết bị và vũ khí tốt hơn so với những người không phải tín đồ Thiên Chúa giáo. Ở miền quê có những ngôi làng do các cha xứ kiểm soát và duy trì quân đội riêng của họ. Quân đội này trực tiếp chịu trách nhiệm trước cha xứ và nhiệm vụ chính là bảo vệ nhà thờ và cha xứ. Họ được vũ trang bằng vũ khí của Hoa Kỳ và được huấn luyện ít nhất là một phần bởi các cố vấn Mỹ.


Nguồn cung cấp thực phẩm cứu trợ khổng lồ của Hoa Kỳ (gồm lúa mì, bột mì, gạo, dầu ăn...) được phân phối ở miền Nam thông qua các Cơ quan Cứu trợ Thiên Chúa giáo đến cha xứ ở các tỉnh. Một số người Việt Nam tin rằng rất nhiều trong số nguồn thực phẩm này không bao giờ đến tay người nhận như dự tính. Thay vì vậy chúng được đưa ra bán ở thị trường chợ đen.”


Nhân chứng này cũng trích nguyên văn một văn bản quan trọng khác là Thông Cáo của Đại diện Chính phủ mới tại Trung phần được công bố vào ngày 2-6-1963, trong đó có 5 điểm nghiêm cấm cho thấy rõ không khí kiểm soát hết sức căng thẳng vào thời điểm đó:

1. Mọi hình thức hội họp đều bị nghiêm cấm.


2. Việc sử dụng hệ thống loa phóng thanh phải xin phép trước từ Thị trưởng.


3. Việc xin phép hội họp phải được chấp thuận trước từ Thị trưởng.


4. Tất cả các tài liệu, khẩu hiệu, bích chương hoặc diễn văn đều phải được kiểm duyệt trước khi đưa ra trước công chúng.


5. Việc tàng trữ hay lưu hành bất kỳ ấn phẩm, truyền đơn hay tài liệu nào đều là bất hợp pháp.


Phản ứng theo sau bản Thông Cáo đầy áp chế này là cuộc biểu tình ở Huế ngay hôm sau đó, 3-6-1963. Hàng trăm sinh viên học sinh đã tham gia biểu tình ôn hòa đòi hỏi Chính phủ đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của Phật giáo. Chính quyền giải tán bằng vòi rồng phun nước nhưng thất bại vì người biểu tình ngồi yên tại chỗ để cầu nguyện. Họ liền thay thế các vòi nước bằng a-xít với nồng độ mạnh. 54 người bị thương tổn nghiêm trọng, những người còn lại phải bỏ chạy tan hàng. Ngay hôm đó, Thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã gửi một lá thư lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong đó nêu rõ 10 hành vi đàn áp của Chính phủ đang diễn ra. Những điểm này cũng được nhân chứng trích dẫn nguyên văn trong cáo buộc gửi Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc:


1. Nhiều tổ chức, hội đoàn Phật giáo đã bị ép buộc phải ký vào những bản kiến nghị lên án phong trào đấu tranh của Phật giáo với những từ ngữ hung hăng, thô bạo.


2. Việc đi lại của tăng ni giữa các vùng trong nước với thủ đô bị cản trở trên nhiều tuyến đường để ngăn chặn không cho họ về điều trị ở các bệnh viện thuộc Sài Gòn.


3. Hành lý mang theo của các vị tăng ni từ Sài Gòn trở về các tỉnh sau khi tham gia tuyệt thực đã bị lục soát và tất cả những ai mang theo các tài liệu của Phật giáo đều bị bắt giam.


4. Nhân viên an ninh được bố trí khắp các nhà hàng, quán nước và trên đường phố để dò xét và bắt giữ bất cứ ai đề cập đến vấn đề Phật giáo.


5. Cảnh sát dã chiến, nhân viên an ninh, chiến sĩ thanh niên cộng hòa, quân cảnh và quân nhân trang bị súng trường, máy truyền tin đóng chốt quanh các ngôi chùa để khám xét chư tăng và đe dọa khủng bố những Phật tử muốn đến chùa.


6. Tất cả quân nhân là Phật tử không được ra khỏi phạm vi doanh trại.


7. Những ai tham gia tích cực vào cuộc vận động đấu tranh của Phật giáo đều bị truy tố và bắt giam.


8. Các tài liệu của Việt cộng được lén lút đưa vào trong xe của Phật tử hoặc vào trong các chùa để tạo chứng cứ giả nhằm bỏ tù tăng ni, Phật tử.


9. Những cuộc biểu tình chống Phật giáo được tổ chức với nhiều nhân viên an ninh giả dạng chư tăng và Phật tử.


10. Thành viên của các ủy ban Phật giáo bị ép buộc phải ký tên vào những kiến nghị này khác...


Một nội dung quan trọng khác được trích dẫn trong văn bản của nhân chứng này là bản Chương trình hành động của Ủy ban Sinh viên Ủng hộ Phật giáo, được phân phát rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Nhân chứng nhận được văn bản này vào ngày 16-9-1963. Theo nội dung trong bản Chương trình hành động này thì phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh được phác thảo qua 5 giai đoạn:


- Giai đoạn 1: Sinh viên, học sinh viết thỉnh nguyện thư gửi đến Nguyên thủ quốc gia, Tổng thư ký và các vị tướng lãnh, nêu rõ 5 nguyện vọng [của Phật giáo].


- Giai đoạn 2: Sinh viên, học sinh bắt đầu đấu tranh bằng cách tuyệt thực trong phạm vi sân trường, thời gian 12, 24 hoặc 48 giờ, tùy theo tình hình.


a. Trong thời gian tuyệt thực 12 giờ, các khẩu hiệu tranh đấu sẽ được viết trên giấy và dán lên tường hoặc bất cứ nơi nào dễ được nhìn thấy.


b. Trong thời gian tuyệt thực 48 giờ và sau đó, ngoài các khẩu hiệu đã có, những câu sau đây sẽ được dùng như khẩu hiệu:


1. Ai đã tấn công vào các chùa và bắt giam tăng ni, Phật tử?


2. Ai đã giết chết những sinh viên đầy lòng yêu nước?


3. Có phải Chính phủ đang bảo vệ tự do báo chí bằng cách tống giam các phóng viên báo Tự Do và phóng viên nước ngoài?


4. Phụ nữ Việt Nam tự hào có được những người như Mai Tuyết An, Lê Thị Hạnh, và vô cùng xấu hổ khi đứng chung hàng ngũ với bà Ngô Đình Nhu.


5. Quân nhân không thể bị lạm dụng để bảo vệ ngai vàng chế độ.


Những khẩu hiệu nêu trên sẽ được sinh viên dán lên bất cứ nơi nào.


Cảnh báo:


- Trong suốt thời gian đấu tranh tuyệt thực, cổng trường phải được đóng chặt và có người canh giữ.


- Nếu bị người của Chính phủ tấn công, hãy giữ bình tĩnh. Dùng khăn vải tự trói tay mình và lặng lẽ lên xe cho họ bắt.


- Khi bị đưa vào trại tập trung, hãy tiếp tục cuộc đấu tranh. Chỉ chấp nhận về nhà khi tất cả mọi người khác đều được thả ra.


- Nếu trường học bị đóng cửa, hãy biến các thư viện, rạp chiếu bóng, nhà hàng... thành nơi tranh đấu.


- Giai đoạn 3: Tất cả sinh viên, học sinh đồng loạt rủ nhau đi vào các nhà tù của Chính phủ.


- Giai đoạn 4: Tất cả sinh viên, học sinh đều có quyền tự do chọn lựa các hình thức [đấu tranh như] mổ bụng, tự thiêu hay tuyệt thực.


- Giai đoạn 5: Là giai đoạn cuối cùng và khẩn cấp. Phát động tổng đình công và lật đổ chính quyền.


Phần cuối cùng trong văn bản của nhân chứng này là một câu chuyện sinh động cung cấp cho chúng ta bức tranh cụ thể về phương thức hành xử của Chính quyền nhằm phản ứng lại cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh nổ ra sau vụ tổng tấn công các chùa vào đêm 20-8-1963. Đây là câu chuyện xảy ra với chính bản thân nhân chứng khi anh ta bị bắt giữ:


“Vào sáng thứ Bảy ngày 24 tháng 8 năm 1963, sinh viên tụ tập ở khoa Luật để gặp ông Vũ Văn Mẫu, người có bằng Thạc sĩ Luật học tại Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao và là Giáo sư Khoa Luật tại Đại học [Sài Gòn]. Ông đã đưa đơn từ chức Bộ trưởng lên Tổng thống Ngô Đình Diệm.


“Khi ông Mẫu vừa rời khỏi xe lúc 9 giờ sáng, các sinh viên reo hò chào đón. Trong sân trường trước Khoa Luật, sinh viên ngồi bệt ngay trên mặt đất để lắng nghe ông nói chuyện, nhưng vì quá đông người nên phải dùng đến loa phóng thanh. Một số sinh viên đi vào giảng đường lớn nhất, trong khi số còn lại ngồi yên trong sân. Sau khi nghe ông Vũ Văn Mẫu và vị Khoa trưởng Khoa Luật cho một số lời khuyên, [đại diện] sinh viên đã đưa ra một bản Tuyên bố. Bản Tuyên bố được tất cả sinh viên tán thành và vỗ tay vang dội, một số người quá phấn khích đã cởi giày ra và đập mạnh lên mặt bàn, làm hư hỏng một số.


“Trong khi mọi việc đang diễn ra như thế thì quân đội tràn vào Khoa Luật. Ông Vũ Văn Mẫu đã yêu cầu họ rút lui, các sinh viên nhờ đó có thể rút êm mà không gặp sự cố.


“Khi ấy, tôi cùng 200 sinh viên khác đi đến chỗ Phân khoa Khoa học để vận động sinh viên ở đó không tham dự kỳ thi tuyển vào Phân khoa Dược. Các thí sinh đã hưởng ứng, xé bỏ và đốt giấy làm bài thi. Thế rồi xảy ra xô xát giữa sinh viên với cảnh sát. Cảnh sát lúc đó đã bắt giữ ba phóng viên người Mỹ.


“Trên đường quay trở lại, khi còn cách Khoa Luật khoảng 100 mét, tôi nghe có tiếng la lớn: ‘Nó kìa, nó kia kìa! Bắt lấy nó!’ Tôi vừa quay lại thì bất ngờ bị đấm mạnh hai lần vào đôi mắt rồi bị xô té nhào, đập mặt xuống sàn một chiếc xe jeep. Một quân nhân ra lệnh: “Đưa khăn tay cho tao.” Tôi làm theo. Ông ta dùng khăn bịt mắt tôi lại, rồi dùng dao găm kề sát cổ tôi đe dọa: ‘Mày mà la lên tao sẽ giết ngay.’


“Chỉ trong chốc lát đã có ba người khác bị đẩy lên xe và cũng bị đối xử hệt như với tôi. Chúng tôi bị bịt mắt nằm trên sàn xe đưa đi. Khoảng một tiếng rưỡi sau thì xe dừng lại. Có tiếng quát: “Bước ra và đi theo tao.’ Chúng tôi vâng lệnh bước ra, nhưng mỗi đứa bị dẫn đi theo một hướng khác nhau. Một người kề dao găm sát bên sườn tôi, đe dọa: “Bọn tao là Tình báo quân đội, mày không được nói dối. Mày có phải thành viên trong Ủy ban Liên khoa không?’ ‘Không, không... cũng giống như các sinh viên khác, tôi chỉ đi đến Phân khoa Khoa học thôi.’ ‘Thẻ căn cước của mày đâu?’ “Trong túi sau của tôi.’ Ông ta sờ soạng trong túi tôi một lát rồi nói: ‘Tốt lắm... mày có cần đến tờ một trăm đồng trong ví không?’ ‘Không, không... thưa ông.’ ‘Vậy thì tốt, ở yên đây nhé. Mày mà chạy là tao bắn bỏ.’


“Một lát sau, chiếc xe jeep vọt đi. Tôi giật cái khăn bịt mắt ra. Tôi đang ở trong một đồn điền cao su. Tôi cố hết sức la lớn: ‘Xin chào, có ai ở đây không?’ Có tiếng trả lời: ‘Chúng tôi ở đây.’ Tôi chạy về phía đó và hết sức vui mừng khi gặp được hai sinh viên khác. Không nói được lời nào, chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Hai người bạn tôi áo rách bươm và vấy máu. “Sao các bạn đến nỗi này?’ Một người giải thích: ‘Họ xé áo tôi, rồi dùng dao găm rạch trên ngực tôi. Xem này.’ Vừa nói anh ta vừa mở nút áo vạch ngực ra cho tôi xem, máu tươi vẫn còn rỉ chảy từ các vết cắt trên ngực anh. Tôi hỏi hai người: ‘Còn một bạn nữa đâu rồi?’ ‘Chúng tôi không biết.’ Người bị thương nói: ‘Bây giờ tôi phải băng bó vết thương, rồi chúng ta sẽ đi tìm bạn ấy.’

“Tôi đã học được cách sơ cứu khi tham gia hướng đạo sinh. Tôi liền cởi áo thun, xé ra và tìm ít lá cây có tác dụng cầm máu rồi băng bó vết thương cho bạn. Xong, chúng tôi cùng nhau đi tìm anh bạn còn lại nhưng vô ích, không thấy chút dấu vết nào của anh ấy. Mặt trời bắt đầu lặn dần xuống khuất sau những cây cao su. Một người bạn tôi nói: ‘Có lẽ anh ấy bị bọn lính bắt đi theo. Bây giờ chúng ta phải rời khỏi rừng cao su này thôi.’


“Chúng tôi đi bộ về hướng tây dọc theo đường lô cao su, sau hơn một giờ đồng hồ thì gặp quốc lộ 15. Chúng tôi đang ở cách Sài Gòn 50 ki-lô-mét, trên con đường Sài Gòn-Vũng Tàu. Lát sau, chúng tôi đón được một chiếc xe khách và lên xe. Khi về đến Sài Gòn, chúng tôi chẳng còn đồng nào để trả tiền xe, vì bọn Tình báo quân đội đã cướp sạch tiền của chúng tôi. Thấy tình cảnh chúng tôi như thế, người chủ xe cũng thôi không hỏi tiền.


“Khi tôi về đến nhà thì đã 7 giờ tối, mới phát hiện ra là [mấy cú đấm đã làm] cả vùng da quanh mắt tôi bầm tím.”


Câu chuyện do chính nhân chứng kể lại đã cho chúng ta nhiều chi tiết rõ nét về thực trạng diễn ra trong phong trào đấu tranh vào lúc đó. Bức tranh đàn áp của Chính phủ Diệm không chỉ có những nét phản dân chủ, mà còn bị bôi đen một cách thê thảm bởi cách hành xử của những người thi hành công vụ theo lối côn đồ, công khai hành hạ và cướp giật tiền bạc của người dân một cách thô bạo, thiếu văn hóa. Điều này giải thích vì sao mỗi ngày người dân thủ đô đều phải “suy tôn Ngô Tổng Thống” nhưng chỉ ngay sau khi chế độ sụp đổ thì họ lập tức bày tỏ niềm vui mừng vô hạn và công khai bày tỏ sự ủng hộ những người đảo chính.



5. NHỮNG THÔNG TIN TRÁI CHIỀU


Trong số 47 nhân chứng được phỏng vấn, ngoài những người do chính Phái đoàn chọn lựa và tìm gặp, còn có một số tự nguyện tìm đến gặp Phái đoàn để cung cấp thông tin. Đó là các nhân chứng từ số thứ tự 36 đến 43. Chúng ta có thể tìm thấy những thông tin trái chiều được cung cấp từ một số trong các nhân chứng này. Tuy nhiên, có vẻ như các thông tin này chiếm tỷ lệ quá ít để có thể làm thay đổi nhận thức về sự thật. Hơn nữa, hầu hết các thông tin này đều được đưa ra theo cách võ đoán, một chiều và không có những chứng cứ xác thực đi kèm. Thông tin trái chiều cũng được thấy ở một vài nhân chứng thuộc nhóm đối tượng khác, thường là biểu lộ sự vô cảm, không quan tâm đến cuộc đấu tranh đang diễn ra của Phật giáo. Chúng tôi đặc biệt lưu ý thấy điều này ở các nhân chứng là thành viên của Ủy ban Liên hiệp Bảo vệ Phật giáo Thuần túy, vốn là một Ủy ban gồm 7 thành viên do Chính phủ Diệm vận động dựng lên vào ngày 24-8-1963, ngay sau khi họ đã tiến hành chiến dịch bố ráp và bắt giam hầu hết các vị lãnh đạo Phật giáo.


Khi được hỏi rằng Chính phủ và quân đội có can thiệp gì trong hoạt động ở chùa của họ không, các vị sư này đã trả lời là không. Dù vậy, họ thừa nhận là vào đêm 20-8-1963, cả thảy 30 vị sư trong chùa đều bị bắt đi. Tuy nhiên, sau đó tất cả đều được thả ra sau một cuộc xét hỏi ngắn. Khi được hỏi về nội dung tra xét, họ cho biết Chính phủ đã hỏi họ đứng về phía những người biểu tình hay về phía Chính phủ. Họ trả lời họ không tham gia gì, không có quan hệ gì với những người biểu tình và họ muốn duy trì quan hệ tốt với Chính phủ.






Khi được hỏi về tự do tôn giáo, họ nói: “Không có trở ngại hay áp lực gì cả. Chúng tôi hoàn toàn được tự do.” (No obstacles or pressure in any way. We had complete freedom.)


Một thông tin trái chiều khác được đưa ra bởi nhân chứng thứ 18, đặc biệt với sự hiện diện của nhiều người nhưng chỉ duy nhất nhân chứng này là người trả lời các câu hỏi của Phái đoàn


Ông Mr. Correa Da Costa: Có bất cứ quyền tự do nào của quý vị bị xâm phạm hay không?


Nhân chứng: Ở đây không có bất kỳ sự hạn chế nào cả. Chúng tôi được tự do hoàn toàn trong sự tu tập theo tôn giáo của mình.


Trưởng đoàn: Có hạn chế nào ở những chùa khác thuộc những nơi khác trong nước hay không?


Nhân chứng: Cho đến lúc này thì không có bất kỳ khó khăn nào cả.


Trưởng đoàn: Ở đâu cũng vậy sao?


Nhân chứng: Từ khi thành lập Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Phật giáo ở đất nước này đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Hiện đã có đến 1.000 ngôi chùa trên khắp nước.


Khi được hỏi về các vấn đề đang diễn ra với Phật giáo Việt Nam, nhân chứng này bộc lộ rõ sự thờ ơ vô cảm. Ngôi chùa này không có ai bị bắt.






Vị Trưởng đoàn: Quý vị ở đây cảm thấy thế nào về những vụ bắt bớ diễn ra ở nhiều nơi khác?


Nhân chứng: Chúng tôi chỉ cảm thấy là, nếu họ bị bắt thì đó là chuyện của họ. Có thể họ có vấn đề với Chính phủ - có thể họ vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận thực tế ấy và điều đó không ảnh hưởng đến chúng tôi.


Vị Trưởng đoàn: Có phải thực tế là đã có một số vị tăng tự thiêu?


Nhân chứng: Cũng giống như các ông, chúng tôi chỉ nghe nói thôi. Chúng tôi không nhìn thấy điều đó.


Vị Trưởng đoàn: Cả thế giới đều biết việc này và Chính phủ cũng đã thừa nhận. Ông cảm thấy thế nào về việc này?


Nhân chứng: Vị sư tự thiêu thuộc về một tông phái khác, không phải tông phái này. Tông phái này được thành lập từ rất lâu, đến 200 năm trước. Những người tự thiêu nhân danh tông phái của họ. Không có mối liên hệ nào giữa những vụ tự thiêu đó với tông phái này.


Vị Trưởng đoàn: Từ góc độ con người, các vị cảm thấy thế nào về những vụ tự thiêu này?


Nhân chứng: Có lẽ họ có một lý do để tự thiêu, nhưng chúng tôi không hiểu được lý do này. Trong lịch sử gần đây, không có trường hợp tự thiêu nào cả. Điều này có thể đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng không phải gần đây.


Vị Trưởng đoàn: Cảm xúc của ông thế nào khi nghe biết việc những vị sư này, những người đồng đạo của mình đã tự thiêu thân?


Nhân chứng: Tất nhiên, theo niềm tin của chúng tôi, mỗi khi nghe những chuyện như thế thì chúng tôi lấy làm tiếc và chúng tôi cầu nguyện cho hương linh của họ được siêu thoát.


Nhân chứng thứ 36 là một người tự nguyện đến gặp Phái đoàn. Anh ta cung cấp một loạt thông tin hoàn toàn lặp lại những quan điểm của Chính phủ mà chúng ta đã tìm hiểu. Đó là, Việt cộng đã lợi dụng vấn đề của Phật giáo, đã xen vào kích động, xúi giục người Phật tử. Đây là lời khai của nhân chứng này:




Những người Cộng sản, như quý vị đã biết, đang cố xâm nhập vào đất nước này, và vì quý vị đang điều tra sự thật, rõ ràng không nghi ngờ gì nữa, theo sau những biến cố của Phật giáo, Việt cộng đã cố lợi dụng tình thế này...






... Còn về những vụ tự thiêu và biểu tình, đó là do sự kích động của những người Cộng sản. Chính phủ đã ban hành tự do tín ngưỡng; Chính phủ không có đàn áp Phật giáo.


Tuy nhiên, phái đoàn không chỉ lắng nghe một chiều, họ cũng chất vấn những điểm không hợp lý. Vì nhân chứng cho rằng Chính phủ hoàn toàn tôn trọng tự do tín ngưỡng, một thành viên Phái đoàn đã đặt câu hỏi:






Mr. Koirala: Chúng tôi được biết, và Chính phủ cũng đã thừa nhận, rằng hiện có hàng trăm Phật tử còn bị giam trong tù. Ông giải thích điều này thế nào?


Nhân chứng: Các thầy tu chỉ có một việc duy nhất để làm là ở yên trong chùa lo tụng kinh. Nếu họ đi ra ngoài và gây rối, điều tự nhiên là phải nhốt họ vào một nơi để họ không thể gây rối nữa.


Mr. Koirala: Chẳng phải Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, một bậc thầy đáng kính nhất của Phật giáo cũng bị bắt đó sao?


Nhân chứng: Trong lúc Chính phủ đang nỗ lực chiến đấu cho tự do ở đất nước này, thì bất cứ ai tạo ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia đều phải bị nhốt hết vào tù.


Có vẻ như tính khách quan của nhân chứng đã bị nghi ngờ sau những thông tin một chiều mà anh ta cung cấp. Vì thế, một thành viên trong đoàn chất vấn:






Mr. Gunewardene: Ông đã lặp lại không ít hơn 6 lần rằng ông là Phật tử. Có gì cần thiết để ông phải nhấn mạnh với chúng tôi quá nhiều lần việc ông là Phật tử?


Nhân chứng: Bởi vì tôi muốn nhấn mạnh với các ông sự thật rằng tôi là Phật tử và rằng ở đất nước này Phật tử có thể thực hành tôn giáo của họ.


Hầu hết những thông tin trái chiều chỉ là sự lặp lại các lập luận do Chính phủ đã đưa ra trước đó về sự can thiệp của những người Cộng sản, đồng thời phủ nhận hoàn toàn sự phân biệt và đàn áp của Chính phủ đối với Phật giáo. Và như đã nói, theo như ghi nhận trong bản Phúc trình thì những thông tin loại này chiếm một tỷ lệ rất thấp và không có tính thuyết phục.

NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐÃ ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO? ( phần 1)




Nguyễn Minh Tiến

PHÚC TRÌNH A/5630
PHÚC TRÌNH CỦA PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA LIÊN HIỆP QUỐC
TẠI NAM VIỆT NAM
(REPORT OF THE UNITED NATION FACT-FINDING MISSION TO SOUTH VIET-NAM)

III. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

Phần 1

1. Hợp tác điều tra từ phía Chính phủ

Bản Phúc trình cho biết, trong suốt quá trình điều tra, phía Chính phủ VNCH nhiều lần nhắc lại cam kết sẽ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho công việc điều tra của Phái đoàn. Trong buổi họp đầu tiên của Phái đoàn với Bộ Ngoại giao VNCH vào ngày 24-10, đại diện Chính phủ đã “cam kết là Phái đoàn có thể tự do đi đến bất cứ nơi đâu tùy ý và hứa sẽ làm tất cả mọi việc để tạo điều kiện dễ dàng cho nhiệm vụ điều tra sự thật của Phái đoàn”
Tuy nhiên, song song với cam kết này là một số hạn chế mà Phái đoàn đã thực sự vấp phải trong thực tế như được ghi nhận sau đây:

- Ngày 25-10-1963, chuyến viếng thăm chùa Ấn Quang bị hoãn lại và sau đó hủy bỏ, với lý do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Sư cô Diệu Huệ “không được khỏe”. Tuy nhiên, sau đó sự thật được biết rõ là cả hai vị đều đã chờ suốt buổi chiều 25-10 để tiếp đón Phái đoàn.

- Chính phủ từ chối việc tiếp xúc của phái đoàn với các nhân chứng được xem là “đối lập chính trị” (political opponent), nhưng tiêu chí để phân loại không được xác định rõ. Vì thế, chính phủ có thể dựa vào lý do này để ngăn cản sự tiếp xúc của Phái đoàn với bất cứ ai. Trong thực tế, một số nhân chứng tại Huế và Sài Gòn đã không được Chính phủ cho phép tiếp xúc dựa vào lý do này.

- Chính phủ nhiều lần từ chối việc Phái đoàn tiếp xúc Thượng tọa Thích Trí Quang với lý do đang trong tình trạng “tỵ nạn chính trị” (asylum). Ngoài việc lên tiếng đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo theo một phương thức ôn hòa, bất bạo động, Thượng tọa Thích Trí Quang chưa hề tham gia bất kỳ hoạt động chính trị, đảng phái nào và cũng chưa chính thức bị kết án bởi bất kỳ tòa án nào. Việc Thượng tọa vào tỵ nạn trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ là kết quả của cuộc truy bắt, bố ráp hoàn toàn vô cớ của Chính phủ trong đêm 20-8-1963, chứ không phải do hoạt động đấu tranh chính trị. Một số vị tăng sĩ ở chùa Xá Lợi cũng phải trốn vào Trụ sở Ngoại giao đoàn Hoa Kỳ trong khi họ không có tội gì cả. Như vậy, lý do từ chối của Chính phủ là không chính đáng.

- Chính phủ nhấn mạnh việc tiếp xúc với Thượng tọa Thích Trí Quang chỉ có thể thực hiện nếu Tòa Đại sứ Mỹ “giao nộp Thượng tọa cho Chính quyền” (if the monk was delivered to the authorities). Trong khi “chiến dịch tấn công các chùa” đêm 20-8 đang là một trong các mục tiêu điều tra của Phái đoàn, thì Chính phủ cho thấy họ không hề thay đổi quan điểm, không hề thừa nhận hành vi vô cớ bắt giữ tăng ni và Phật tử là sai trái, mà vẫn tiếp tục giữ ý định bắt giam Thượng tọa Thích Trí Quang.

- Việc Chính phủ công khai cho cảnh sát vũ trang bảo vệ quanh khách sạn Majestic, nơi Phái đoàn cư ngụ, có thể là ý tốt để bảo vệ an ninh cho Phái đoàn, nhưng đã là rào cản khiến cho rất nhiều nhân chứng e ngại không dám đến gặp. Trong thực tế, các lực lượng canh gác có vũ trang của Chính phủ đã chặn lại và xét hỏi tất cả những ai đi vào khách sạn trong thời gian Phái đoàn hiện diện ở đó.

Ngoài những điều kể trên, việc đề xuất chương trình làm việc của Chính phủ ngay khi Phái đoàn vừa đến Sài Gòn cũng là một điểm đáng chú ý. Phụ lục V của bản Phúc trình ghi lại chi tiết chương trình đề xuất do Chính phủ gửi đến (kèm theo đề nghị chi trả mọi chi phí ăn ở, đi lại), được ghi nhận chi tiết như sau:

- Sau 2 ngày làm việc với các bộ ngành của Chính phủ (kể cả ngày vừa đến: 24 và 25), ngày 26 được đề xuất dự lễ Quốc khánh và sau đó nghỉ trọn ngày.

- Ngày 27-10-1963 đi Vũng Tàu, thăm Chùa Mới và các điểm du lịch trong vùng , sau đó ăn trưa với Tỉnh trưởng và trở về Sài Gòn, dự tiệc chiêu đãi buổi tối ở Bộ Ngoại giao. Ngoài ra không có hoạt động nào khác.

- Ngày 28-10 đi Đà Lạt bằng máy bay đặc biệt (special plane), dự lễ khai trương Viện Nghiên cứu Ứng dụng hạt nhân. 3 giờ chiều nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình Phật giáo. 5 giờ đi thăm một ngôi chùa và tiếp xúc với Phật tử. 8 giờ dự tiệc tối do Thị trưởng Đà Lạt chiêu đãi.

- Ngày 29-10 viếng thăm đập Đa Nhim (du lịch) trọn ngày. Không có hoạt động nào khác.

- Ngày 30-10 đi Huế bằng máy bay đặc biệt. Thăm xã giao (courtesy call on) các đại diện Chính phủ tại Huế. 3 giờ chiều nghe báo cáo ngắn gọn về Phật giáo. 5 giờ thăm chùa Từ Đàm. 8 giờ dự tiệc buổi tối do đại diện Chính phủ chiêu đãi. Ngoài ra không có hoạt động nào khác.

- Ngày 31-10 viếng thăm Hoàng thành và các điểm du lịch (Visit to the Imperial City and to tourist sites) gồm có chùa Thiên Mụ, Văn miếu, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng. Buổi tối đi dạo ven bờ sông Hương. Ngoài ra không có hoạt động nào khác.

- Ngày 1-11, đi Phan Rang bằng máy bay đặc biệt. 10 giờ sáng nghe trình bày ngắn gọn về tình hình chung và Phật giáo. 12 giờ bay đi Phan Thiết, ăn trưa với Tỉnh Trưởng. 3 giờ chiều viếng thăm một ngôi chùa và tiếp xúc Phật tử. 5 giờ 30 bay về Sài Gòn. Buổi tối nghỉ.

- Ngày 2-10 đi Ba Xuyên và Vĩnh Bình bằng máy bay. 9 giờ sáng nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình chung và Phật giáo. 12 giờ 30 dùng cơm trưa do Tỉnh trưởng Ba Xuyên chiêu đãi, kết hợp tiếp xúc với tăng ni Phật tử gốc Khmer. 5 giờ bay về Sài Gòn. Buổi tối giải trí tại Nhà hàng vũ trường Anh Vũ.

- Ngày 3-11 - Nghỉ trọn ngày.

- Ngày 4-11 - Buổi sáng thăm Ấp chiến lược Củ Chi, chiều gặp gỡ chia tay với Tổng thống. 8 giờ tối lên đường về New York.

Trong toàn bộ chương trình này, dự kiến chỉ có 4 lần nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình Phật giáo, mỗi lần không quá 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra đều là các hoạt động du lịch, chiêu đãi, thăm viếng, giải trí và... nghỉ trọn ngày. Các ngày 27, 29, 31 tháng 10 và ngày 3, 4 tháng 11 hoàn toàn không có hoạt động nào liên quan đến công việc điều tra của Phái đoàn.

Nếu chấp nhận chương trình đề xuất này, chắc chắn Phái đoàn sẽ chẳng ghi nhận được bất kỳ một kết quả điều tra trung thực nào. Rất may là Phái đoàn điều tra đã nhận ra ngay điều đó và có 2 quyết định sáng suốt. Thứ nhất, không chấp nhận đề nghị chi trả mọi phí tổn ăn ở và đi lại từ phía Việt Nam. Thứ hai, không chấp nhận bản chương trình đề xuất này mà tự nghiên cứu đưa ra chương trình làm việc chi tiết và phù hợp. Chỉ riêng điểm này cũng đã cho chúng ta thấy được tính khách quan và đáng tin cậy của hoạt động điều tra. Với chương trình làm việc thực tế đã được Phái đoàn áp dụng, chúng ta thấy rõ những hoạt động điều tra, tiếp xúc, phỏng vấn, thu thập thông tin đã diễn ra liên tục. Thậm chí phái đoàn còn quyết định chia đôi nhân sự để cùng lúc thu thập thông tin ở Huế nhưng vẫn tiếp tục hoạt động điều tra tại Sài Gòn.

2. Thu thập thông tin từ phía Chính phủ

Thông tin từ phía Chính phủ được cung cấp qua hai nguồn chính: một văn bản Chính thức do Thiếu tướng Trần Tử Oai trực tiếp trao cho Phái đoàn và các buổi tiếp xúc tuần tự được ghi nhận nội dung với Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần, các thành viên Đại diện Chính phủ tại Huế, Tư lệnh Quân đoàn 1 và một số quan chức khác. Riêng cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao nhằm mục đích thu xếp một cuộc phỏng vấn với Thượng tọa Thích Trí Quang, được vị Trưởng đoàn kể lại nội dung trong một báo cáo riêng.

VĂN BẢN CHÍNH THỨC

Văn bản do Thiếu tướng Trần Tử Oai chuyển đến Phái đoàn thể hiện quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Vì thế, trong các buổi phỏng vấn trực diện với những thành viên cao cấp khác trong Chính phủ, nội dung ghi nhận hầu như cũng đều xoay quanh những quan điểm này. Một số điểm nổi bật được nêu ra là:

- Vấn đề bất ổn giữa Chính phủ và Phật giáo Việt Nam “bắt nguồn từ các sự kiện xảy ra ở Huế vào đầu tháng 5-1963” . Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phủ nhận những cáo buộc về phân biệt đối xử với Phật giáo trước thời điểm này.

- Những người chết và bị thương trong sự kiện ở Huế là do “Cộng sản đã lợi dụng cơ hội cho nổ 2 quả mìn plastic làm 8 người chết” và do đó không có sự đàn áp của quân đội bằng súng máy, xe tăng và lựu đạn như các nguồn tin loan truyền.

- Phong trào đấu tranh Phật giáo không hoàn toàn do người Phật tử đứng lên, mà có sự núp bóng xúi giục của “những kẻ đối lập chính trị và Việt cộng”

- Do sự kích động của Việt cộng nên những cuộc biểu tình dần phát triển vượt quá giới hạn cho phép của luật pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội và nhất là làm suy giảm khả năng của Chính phủ trong cuộc chiến tranh chống Cộng. “Trong giai đoạn từ ngày 8-5 đến 19-8-1963, có 159 cuộc biểu tình đã diễn ra: Huế: 25, Sài Gòn: 32, Đà Nẵng: 10, Quảng Trị: 8, Quảng Nam: 7, Quảng Ngãi: 18, Nha Trang: 13, v.v...” có sự trợ giúp của bộ máy tuyên truyền khoa học khổng lồ của cộng sản , được đẩy lên đến đỉnh điểm vào ngày 18-8-1963 khi các lãnh đạo Phật giáo đưa ra tối hậu thư yêu sách đối với Chính phủ trước một đám đông 20.000 người tụ tập trước chùa Xá Lợi. Mặt khác, theo một kế hoạch định trước thì các lãnh đạo Phật giáo sẽ tổ chức những cuộc biểu tình đẫm máu với một tốc độ phát triển khá nhanh tiếp nối trên các địa phương từ Huế đến Sài Gòn, như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận . Để đối phó với nguy cơ này, các tỉnh miền Trung đã yêu cầu Sài Gòn tăng viện . Nguy cơ bị Việt cộng tấn công ngay tại Sài Gòn lên cao do thiếu lực lượng bảo vệ.

- Trước tình hình nguy hiểm đến an ninh quốc gia, ngày 20-8-1963, các tướng lãnh đã đồng tâm nhất trí đề nghị và thúc ép Tổng thống ban hành tình trạng thiết quân lực, giao cho Quân đội trách nhiệm bảo vệ nền Cộng hòa và đất nước . Trong khi đó, Cộng sản đã sẵn sàng tấn công Sài Gòn để lật đổ chế độ ngay khi phong trào đấu tranh của Phật giáo tạo thành một sự hỗn loạn lan rộng. Họ dự kiến điều này sẽ diễn ra vào cuối tháng 8-1963.
- Những lý do nêu trên buộc Chính phủ phải đồng ý cho Quân đội tiến hành chiến dịch đêm 20-8-1963. “Quân đội đã khám phá được trong nhiều ngôi chùa một số lượng lớn vũ khí và tài liệu quan trọng, thêm một lần nữa chứng tỏ rằng các nhà sư quá khích đang theo đuổi một mục đích chính trị với sự trợ giúp của một bên là Việt cộng và một bên khác nữa là các nhóm đối lập chính trị.”

- Mặc dù chiến dịch được tiến hành quyết liệt nhưng không hề gây đổ máu và thương vong. . Qua đó, quân đội đã thành công trong việc tái lập trật tự, mang lại sự bình yên cho các chùa, giải phóng tăng ni Phật tử thuần thành khỏi sự khống chế của các nhà sư cực đoan
- Trên khắp nước có hàng loạt những cuộc biểu tình, tụ tập của Phật tử, các tầng lớp trí thức và bình dân, các giai tầng xã hội khác nhau, bày tỏ niềm tin và sự ủng hộ Chính phủ lên án những kẻ phản quốc . Cụ thể là ở Huế có hơn 80.000 người, ở Sài Gòn có hơn 120.000 người, và ở các tỉnh thành khác đều có nhiều chục ngàn người.

- Cuối cùng, nhờ các biện pháp sử dụng quân đội như đã trình bày trên, Chính phủ đã tái lập được trật tự, giải quyết mọi bất ổn, và do đó Chính phủ đã cho phép mở cửa lại những chùa chiền bị phong tỏa, trả tự do cho tất cả các tăng sĩ bị bắt, đưa trả các sinh viên học sinh bị bắt giữ về với gia đình.

Văn bản của Chính phủ được kết luận một cách lạc quan và phủ nhận hoàn toàn những bất ổn đang tồn tại:

Chính phủ [Việt Nam Cộng Hòa] tự xét thấy có quyền hy vọng rằng các quốc gia thân thiện với Việt Nam sẽ giúp làm sáng tỏ công luận trong Thế giới Tự do về vấn đề này, vì Chính phủ xem như đã giải quyết xong.

Bản văn do ông Trần Tử Oai trực tiếp trao cho Phái đoàn dài hơn 5.000 chữ, có nhiều đoạn trình bày chi tiết về các sự kiện, biện pháp xử lý bất ổn v.v... Tuy nhiên, nội dung chính yếu có giá trị bác bỏ những cáo buộc mà Phái đoàn của điều tra Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận và chuyển đến cho Chính phủ thì không ngoài các ý chính đã được chúng tôi tóm lược như trên. Trong thực tế, nếu Chính phủ có khả năng chứng tỏ một cách khách quan những gì trình bày trên đây là đúng thật, thì cuộc điều tra của Phái đoàn hẳn không cần phải tiếp tục nữa. Tuy nhiên, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những gì Chính phủ nêu ra đều chỉ có giá trị một chiều, tự biện và không có bất kỳ một chứng cứ cụ thể nào. Giả thuyết về sự can thiệp của Việt cộng là một ví dụ. Chính phủ không xem đây là một giả thuyết, mà xác quyết như vậy, nhưng lại không đưa ra bất kỳ chứng cứ nào.

Khi Chính phủ nói rằng theo kết quả giám định của các chuyên gia y tế thì các nạn nhân [của sự kiện Đài Phát thanh Huế] bị chết do chất nổ plasstic [của Việt cộng] thì Phái đoàn đồng thời cũng nhận được các cáo buộc ngược lại từ phía các nhân chứng là Chính phủ đã bỏ tù Bác sĩ Lê Khắc Quyến chỉ vì ông từ chối không chịu ký vào các biên bản giám định không đúng sự thật được làm sẵn. . Câu hỏi đặt ra ở đây là, cáo buộc của các nhân chứng có thể thiếu chứng cứ là điều dễ hiểu, nhưng tuyên bố chính thức của Chính phủ tại sao không kèm theo chứng cứ xác nhận (chẳng hạn như biên bản giám định) khi họ có thừa khả năng làm điều đó?

Chính phủ cũng có sự mâu thuẫn khi cáo buộc các cuộc biểu tình ôn hòa của Phật giáo là “gây rối loạn trật tự”, trong khi tự cung cấp thông tin là có biểu tình ủng hộ Chính phủ lên đến 120.000 người ở Sài Gòn (gấp 6 lần số người họ cho là đã tụ tập trước chùa Xá Lợi vào thời điểm căng thẳng nhất) nhưng lại không ảnh hưởng gì đến trật tự trị an. Sự cường điệu của Chính phủ về con số người ủng hộ đã lộ rõ khi cuộc đảo chính diễn ra thành công ngay sau đó và điện văn số 875 của Đại sứ Cabot Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 2 tháng 11 năm 1963 đã mô tả không khí Sài Gòn như sau:

“Hãy tin rằng cần nhấn mạnh đến sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc đảo chính này. Hôm nay, mọi người Việt Nam đều tươi cười. Người ta bảo tôi rằng, niềm hân hoan được thấy trên đường phố còn vượt hơn cả niềm vui ngày Tết.”

Và sau khi cái chết thê thảm của hai anh em ông Diệm và ông Nhu được xác nhận có cả hình ảnh, ngày 4-11-1963, Cabot Lodge gửi điện văn số 917 trả lời Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng ông Ngô Đình Cẩn như sau:

“Về vấn đề ông Ngô Đình Cẩn, tướng lãnh Việt Nam ở Huế vừa điện báo rằng một đám đông rất lớn và đầy thù nghịch đang vây quanh ngôi nhà ông Cẩn sống với người mẹ, rõ ràng ông ta bị căm thù vì sự tàn ác của ông trong quá khứ và đám đông này đang muốn lột da ông...”

Cáo buộc về những cuộc “biểu tình đẫm máu” cũng hoàn toàn vô căn cứ vì trong thực tế tuy đã có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra khắp nơi, nhưng tất cả đều ôn hòa và chỉ có thương vong khi bị Chính phủ đàn áp, còn tự thân những người tham gia biểu tình chưa từng có hành vi bạo động.

CÁC BUỔI TIẾP XÚC TRỰC TIẾP

Phần lớn các buổi tiếp xúc không nhận thêm được thông tin gì khác hơn nhiều so với đã nêu trong văn bản chính thức. Chúng tôi chỉ ghi nhận lại dưới đây những điểm khác biệt, bổ sung. Tổng thống Ngô Đình Diệm khi tiếp xúc với Phái đoàn và nói về cuộc đấu tranh của Phật giáo đã đưa ra hai thông tin không được nhắc đến ở bất kỳ một nguồn tư liệu nào khác:

1. Phật tử đòi hỏi cờ Phật giáo phải được treo cao hơn quốc kỳ Việt Nam.
2. Tổng hội Phật giáo Việt Nam đang cố ép buộc các bộ phái khác phải chấp nhận cùng một lá cờ Phật giáo quốc tế.

Không biết ông Diệm đã nhận những báo cáo như thế nào để hiểu về phong trào Phật giáo theo cách như thế. Điểm thứ nhất về việc đòi hỏi treo cờ cao hơn là quá ngây ngô, chưa từng có. Điểm thứ hai là một sự ngộ nhận hoàn toàn, vì cờ Phật giáo được đồng thuận sử dụng ở tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, nên không phải là lựa chọn riêng của bất kỳ tông phái Phật giáo nào.

Buổi tiếp xúc với Cố vấn Ngô Đình Nhu ghi nhận nhiều thông tin hơn, nhưng hầu hết là những giải trình chi tiết của ông Nhu về các chính sách của Chính phủ hơn là trả lời thẳng vào các vấn đề cáo buộc do Phái đoàn đưa ra. Vị Trưởng đoàn đã đặt những câu hỏi nhằm khai thác thông tin đúng hướng. Căn cứ vào báo cáo của Chính phủ là qua đợt bố ráp 20-8-1963 đã triệt phá được hết “những phần tử kích động”, ông đặt vấn đề về sự cải thiện mối quan hệ giữa Chính phủ với Phật giáo như vậy liệu đã có hy vọng tốt hơn hay chưa? Ông Nhu đã trả lời hết sức mơ hồ: “Chính phủ không bắt hết được những kẻ âm mưu. Hầu hết bọn chúng được điều khiển từ nước ngoài và chúng tôi không thể bắt hết được chúng.” Trong văn bản chính thức nói rằng Chính phủ đã bố ráp thành công và “vấn đề đã được giải quyết”, thì bây giờ ông Cố vấn lại đưa ra một viễn cảnh đấu tranh mở rộng đối tượng buộc tội không chỉ là Việt cộng mà còn có yếu tố “nước ngoài”. Và khi vị Trưởng đoàn hai lần gặn hỏi về số người thực sự đã bị bắt vẫn còn bị giam trong tù, ông Cố vấn đã trả lời “Khoảng 200 đến 300 người. Việc này hãy hỏi ông Bộ trưởng Nội vụ.” Trong văn bản của Chính phủ thì tuyên bố Chính phủ đã trả tự do cho tất cả những người bị bắt!

Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ không có thêm thông tin mới vì ông này tuyên bố không có ý kiến gì khác hơn đã nêu trong văn bản của Chính phủ . Tuy nhiên, khi vị Trưởng đoàn đặt câu hỏi tại sao Phật giáo cáo buộc Chính phủ không tôn trọng bản Thông cáo chung thì ông thừa nhận: Họ “cáo buộc rằng Chính phủ tiếp tục bắt giữ các nhà sư và ngăn cản những buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân...” Những cáo buộc này là hoàn toàn có thật theo quan sát trong thực tế của Phái đoàn, cũng như qua thông tin được cung cấp từ chính các thành viên Chính phủ.

Khi được yêu cầu nhận định về phong trào đấu tranh của Phật giáo, ông Phó Tổng thống cũng không kiên định theo lập trường của Chính phủ là do Việt cộng can thiệp từ đầu trong sự kiện ngày 8-5-1963, mà nói một cách mơ hồ hơn rằng “ban đầu đó là một phong trào đấu tranh thuần túy tôn giáo, nhưng cuối cùng có lẽ đã có một số liên hệ nào đó với cộng sản” . Có lẽ ông Thơ đã thực sự nghĩ như vậy.

Phái đoàn đã lặp lại yêu cầu cung cấp các chứng cứ với ông Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương:

Nhiều quan chức của Chính phủ Việt Nam đều tuyên bố rằng có một số tài liệu đã được Chính phủ và quân đội tìm thấy trong các ngôi chùa và cơ sở Phật giáo. Những tài liệu này chắc chắn là có tầm quan trọng trong việc xác định những sự thật nhất định, hoặc ít nhất là mang đến khả năng xem xét thích hợp đối với tình hình trong việc xác định sự thật mà Phái đoàn đang tìm kiếm.

Yêu cầu này đã được đưa ra nhiều lần, với nhiều chứng cứ khác được nêu trong những lần tiếp xúc với các quan chức Chính phủ, và Phái đoàn luôn nhận được lời hứa là sẽ được cung cấp đầy đủ. Ông Lương trả lời rằng các giấy tờ này đang được photocopy hoặc đánh máy lại, và tất cả sẽ được trao cho Phái đoàn trước ngày thứ Hai tuần sau đó, ngày mà Phái đoàn dự tính rời Việt Nam. Vị Trưởng đoàn lưu ý rằng nếu Phái đoàn hoàn tất được việc điều tra và rời Việt Nam ngay, có thể sẽ sớm hơn dự tính Vì thế, ông mong rằng sẽ nhận được các giấy tờ này trước để Phái đoàn “không phải chờ đợi chỉ vì những văn bản mà Chính phủ đã đồng ý trao cho” . Ông Lương đã đồng ý về điều này.

Một điểm quan trọng khác trong buổi nói chuyện với ông Bộ trưởng Nội vụ là vị Trưởng đoàn đã đặt câu hỏi nguyên văn như sau:

(Có một số quyền tự do được đề cập đến trong đoạn văn thứ nhì của tài liệu “Vấn đề Phật giáo ở Việt Nam” vốn được xem là những quyền tự do thông thường, miễn là không có sự kích động bạo lực. Làm sao Chính phủ lại có thể đề cập đến [việc thực hiện] những quyền tự do thông thường này như là một âm mưu?)

Trả lời câu hỏi này, ông Lương nói rằng Chính phủ đã bắt một người tên Đặng Ngọc Lựu và ông này khai rằng những gì Phật giáo thể hiện là một âm mưu của cộng sản đã được chuẩn bị trước từ năm 1960,và đó là lý do Chính phủ xem đây như một âm mưu . Một lần nữa, để xác thực những thông tin này, Phái đoàn tiếp tục đưa ra yêu cầu được nhìn thấy tờ khai của Đặng Ngọc Lựu. Ông Lương đã hứa sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu của Phái đoàn gồm nhiều văn bản liên quan khác nữa.

Trong thực tế, Phái đoàn xác nhận trong Phúc trình là họ không nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía Chính phủ như đã hứa mặc dù thời gian lưu lại của Phái đoàn trước ngày đảo chính là thừa khả năng để Chính phủ đáp ứng việc này, chưa xét đến yếu tố Chính phủ đã chủ động mời Phái đoàn đến thì những văn bản liên quan thuộc loại “chứng cứ” hẳn phải được chuẩn bị từ trước mới hợp lý.

Không nhận được những giải thích rõ ràng và hợp lý từ các thành viên đã tiếp xúc, vị Trưởng đoàn đã tiếp tục nêu một câu hỏi có phần cụ thể hơn với ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Phủ Tổng thống: “Chính phủ nói rằng không bao giờ bắt giữ những người theo đạo Phật chỉ vì lý do duy nhất rằng họ là Phật tử. Chúng tôi muốn biết, vậy thì làm thế nào mà tất cả những người bị bắt, các sinh viên và những thành phần khác, lại chỉ toàn là người theo đạo Phật, bao gồm cả các vị tăng sĩ đã tham gia đàm phán cùng Chính phủ trước đó?
Ông Thuần đã loanh quanh không giải thích được điểm này và đẩy vấn đề trở lại cho ông Bộ trưởng Nội vụ, rằng ông Bộ trưởng Nội vụ nhất định là đã đưa ra cho Phái đoàn tất cả những giải thích cần thiết về vấn đề này. Trong thực tế, Phái đoàn đã gặp ông Bộ trưởng Nội vụ trước đó và không nhận được lời giải thích thỏa đáng về việc bắt giữ hàng loạt tăng ni Phật tử trong đêm 20-8-1963.

Ngày 31-10-1963, vị Trưởng đoàn cùng một thành viên trong đoàn là ông Correa da Costa đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao để cố gắng thu xếp việc phỏng vấn Thượng tọa Thích Trí Quang. Nỗ lực không thành vì quan điểm của Chính phủ vẫn không thay đổi, khăng khăng là Tòa Đại sứ Mỹ phải giao nộp Thượng tọa Thích Trí Quang cho Chính phủ trước khi bất kỳ cuộc tiếp xúc nào có thể được thực hiện. Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc này, vị Trưởng đoàn đã ghi nhận lại trong báo cáo một số quan điểm của Chính phủ do ông Bộ trưởng Ngoại giao trình bày. Trước hết, phía Chính phủ nhất định cho rằng Thượng tọa Thích Trí Quang là người của Việt cộng vì các lý do:

- Ông có tham gia phong trào cộng sản vào năm 1945. Ông cũng có thành lập một Hội Phật giáo có quan hệ chặt chẽ với Mặt trận của Cộng sản.

- Ông có 2 lần bị người Pháp bắt, đồng thời có biểu lộ ủng hộ tư tưởng cộng sản. Trong một lần thuyết giảng trước đám đông ở Huế, ông nói rằng không có gì khác biệt giữa Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông có khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa Marx.

- Mặc dù những điểm trên chưa đủ yếu tố để kết luận, nhưng Chính phủ còn có những dữ kiện chính xác khác. Trước hết, cách đây khoảng 25 năm, Thích Trí Quang từng có liên hệ với Lê Đình Thám, một người hiện làm việc cho cộng sản ngoài Bắc. Thứ hai, năm 1954 ông có tiếp xúc với một bác sĩ cộng sản người Pháp tại Đà Lạt. Thứ ba, tất cả các thỉnh nguyện thư mà Chính phủ nhận được hiện nay đều phản ánh một cách chính xác lối suy nghĩ của Thích Trí Quang, chứng tỏ ông là người đứng sau mọi việc chứ không phải Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.

Những lập luận này của Chính phủ rõ ràng cố gắng làm vững thêm cáo buộc của họ rằng ngay từ đầu biến cố ngày 8-5-1963 ở Huế vốn đã là một âm mưu được tính trước của Việt cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là người dân cũng như giới lãnh đạo Phật giáo không ai tin vào lập luận buộc tội này, bởi chúng hoàn toàn mang tính chủ quan và thiếu chứng cứ cụ thể. Chúng ta đều biết, đạo luật 10/59 cho phép Chính phủ ông Diệm thẳng tay trừng trị bất cứ ai có dính líu đến Cộng sản và hình phạt nặng nhất có thể là tử hình. Vì thế, việc họ chấp nhận chỉ “đấu võ mồm” với Thượng tọa Thích Trí Quang đã là một chứng cứ rõ ràng cho thấy họ không có đủ căn cứ để buộc tội.

Về các vụ tự thiêu của Phật giáo, ông Bộ trưởng Ngoại giao đưa ra những lập luận của Chính phủ như sau:

- Các vụ tự thiêu vừa qua phải được xem là những vụ giết người có tổ chức bởi vì các nạn nhân tự thiêu bị cung cấp những thông tin sai lệch, rằng Chính phủ đã giết chết Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đã giết chết Sư bà Diệu Huệ, đã dìm chết trong nước hàng trăm nhà sư, đã đốt cháy chùa Xá Lợi, và vì thế nạn nhân bị thúc bách phải tự thiêu để phản đối những hành động này.

- Về trường hợp tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, ông Bộ trưởng được báo trước một tuần và đã muốn ngăn chặn. Ông Bộ trưởng tiếp tục dựng lên những mô tả hoàn toàn vô căn cứ về một diễn tiến mà ông cũng thừa nhận là Chính phủ không biết gì lúc xảy ra. Dù vậy, ông Bộ trưởng đã kể giống như tận mắt chứng kiến: “Ông sư không tự đi mà được trợ giúp bởi hai ông sư khác, họ xốc nách ông đưa đi. Trông ông ấy như say thuốc. Mấy ông sư kia tưới xăng lên người ông ta.” Chưa hết, ngoài những chi tiết tô vẽ không biết do ai kể lại, ông Bộ trưởng còn thêm vào những suy diễn của mình: “Nạn nhân lấy ra một cái bật lửa để tự châm lửa, nhưng bật lửa không cháy. Một trong hai ông sư kia đánh một que diêm và đốt lửa bùng lên. Tại sao cái bật lửa không cháy? Đây là điều chúng ta phải tự đặt nghi vấn. Phải chăng ông sư đã lấy đá lửa ra trước đó?”

Với cách nhìn nhận về việc tự thiêu của chư tăng ni như thế, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao việc thương thảo giữa Phật giáo với Chính phủ không đi đến kết quả. Chỉ có điều đáng nói là, qua sự ghi nhận của rất nhiều nhân chứng trong cũng như ngoài nước, thì những gì mà Chính phủ nhận hiểu, hay cố ý nhận hiểu, đều hoàn toàn không đúng với sự thật. Bởi vì cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức có hàng trăm người trực tiếp chứng kiến nên sự thật không khó tìm hiểu. Ngoài ra, cũng không thấy chính phủ có nỗ lực nào tìm hiểu thêm cuộc tự thiêu nầy thông qua hai thông tín viên quốc tế có mặt tại hiện trường là Malcolm Browne của Associated Press và David Hamberstam của New York Times.

3. Tiếp nhận và xử lý cáo buộc bằng văn bản

Mặc dù hoạt động chính của Phái đoàn được diễn ra cụ thể qua chuyến đi điều tra tại Việt Nam, nhưng các nguồn thông tin thu thập được rất đa dạng, không chỉ giới hạn trong phạm vi thu thập tại Việt Nam. Bức tranh đa dạng này sẽ cho chúng ta thấy rõ sự quan tâm của rất nhiều người đến các sự kiện bất ổn tại miền Nam Việt Nam vào lúc đó.

Trong suốt thời gian hoạt động, bên cạnh việc trực tiếp thu thập thông tin từ những người được phỏng vấn, Phái đoàn điều tra cũng nhận được cả thảy 116 nguồn thông tin bằng văn bản. Trong số này, có 49 văn bản cáo buộc nhận được tại Việt Nam trong thời gian điều tra. 67 văn bản còn lại đã được gửi đến Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Trong số 67 văn bản này, có 24 được gửi từ Việt Nam, ngoài ra là được gửi từ các quốc gia khác, cụ thể là: Hoa Kỳ: 16, Ấn Độ: 6, Nhật Bản: 5, Belgium: 3, Ceylon: 3; và Anh, Úc, Canada, Tiệp Khắc, Pháp, Đức, Malaysia, Nepal, New Zealand, Venezuela, mỗi nước đều có 1 văn bản.

Trong số 49 văn bản cáo buộc nhận được tại Việt Nam, có cáo buộc cho biết người gửi đã cố đến gặp nhưng “anh ta đã bị ngăn cản không cho tiếp xúc với các thành viên của Phái đoàn” . Hai trường hợp khác, người gửi “nhấn mạnh những khó khăn trong việc đến gặp Phái đoàn”

Toàn bộ 116 văn bản đều đã được Phái đoàn xem xét, phân tích kỹ về nội dung và hệ thống hóa thành các nhóm như sau:

CÁO BUỘC VỀ NHỮNG SỰ KIỆN TRƯỚC NGÀY 8-5-1963:

a. Dụ số 10 ban hành từ năm 1950 (vẫn còn hiệu lực) cho phép Chính phủ áp dụng theo cách thiên vị, dành nhiều ưu đãi cho Thiên Chúa giáo trong khi siết chặt và gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tín ngưỡng của Phật giáo. “Cộng đồng Phật giáo phải xin phép Chính quyền khi tổ chức các buổi lễ, trong khi Thiên Chúa giáo thì không chịu ảnh hưởng quy định đó.” Thiên Chúa giáo có nhiều ngày lễ được công nhận chính thức hơn. “Nhiều vấn đề hôn nhân gia đình đang dần dần được luật hóa theo hướng gần với Thiên Chúa giáo và đi ngược với tập tục, niềm tin của người Phật tử”

c. Các ngày lễ của Thiên chúa giáo được tổ chức lớn, “cờ Vatican tung bay khắp nơi, tất cả các viên chức Chính phủ, ngay cả những người không theo Thiên Chúa giáo cũng bị buộc phải đến tham dự. Ngược lại, các ngày lễ Phật giáo tổ chức ở nơi công cộng luôn bị hạn chế và quấy nhiễu bằng đủ mọi cách.” Năm 1957, Chính phủ đã cố “loại bỏ lễ Phật đản ra khỏi các ngày lễ chính thức” . Mặc dù từ năm 1954 đến nay có nhiều chùa được xây mới hoặc tu sửa, nhưng tất cả đều “là nỗ lực của tín đồ Phật giáo, không có bất kỳ trợ giúp đáng kể nào của Chính phủ”

d. Từ tháng 10-1960, chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, các quan chức Chính quyền địa phương đã “cố ép buộc một số tín đồ Phật giáo cải đạo theo Thiên Chúa giáo bằng cách đe dọa đưa vào các trại cải huấn, hoặc trở thành đối tượng bị cưỡng bức lao động vì nghi ngờ là theo cộng sản” ). Đối với những người đã bị đưa vào trại cải huấn, họ dụ dỗ “bằng cách hứa sẽ được tha sớm nếu chịu cải đạo” , hoặc bằng cách “đe dọa sẽ gây khó khăn cho gia đình họ”Những Phật tử chống lại bị bắt buộc phải giao nộp thẻ căn cước cho Chính quyền, một số khác bị ép buộc di cư đi nơi khác. . Một số trường hợp tồi tệ hơn, những người Phật tử “bị bắt cóc, bị giam giữ, tra tấn, và có một trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi được kể lại là đã bị chôn sống.” Nhiều lãnh đạo Phật giáo bị bắt và sau đó không ai biết họ ở đâu. Một vị sư ở tỉnh Phú Yên phản đối rất mạnh mẽ và đã bị sát hại. Với sự áp đặt các biện pháp như thế, kết quả là “trong giai đoạn 1956-1963, có đến 208.000 người bị buộc phải cải đạo theo Thiên Chúa giáo” , trong khi “trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1954 chỉ có tổng cộng 450.000 người theo Thiên Chúa giáo”

CÁO BUỘC VỀ NHỮNG SỰ KIỆN VÀO CÁC NGÀY 6, 7 VÀ 8-5-1963

- Nguyên nhân ban đầu của các vụ phản đối được cho là bắt nguồn từ Công điện số 9195 ngày 6-3-1963 của Tổng Thống, nghiêm cấm việc treo cờ và các biểu tượng tôn giáo. Mặc dù chỉ thị nêu việc nghiêm cấm đối với các tôn giáo nói chung, nhưng việc ban hành ngay trước ngày Phật đản có ý nghĩa rõ ràng là nhắm vào Phật giáo.

- Thông tin phù hợp trong tất cả các văn bản nhận được là vào sáng ngày 8-5-1963 có một số biểu ngữ phản đối các hạn chế áp đặt đối với Phật giáo và Thượng tọa Thích Trí Quang đã có bài diễn văn được ghi âm nêu rõ sự phản đối này cũng như bày tỏ những nguyện vọng, yêu cầu hợp pháp. Chính quyền đã từ chối việc phát sóng bài diễn văn này vào buổi tối như thông lệ hằng năm. Đám đông đã tụ tập khi biết được điều này. Chính quyền đã sử dụng vòi rồng phun nước nhưng không giải tán được đám đông. Sau đó là súng máy, lựu đạn và xe tăng được dùng đến.

- Xe tăng của quân đội đã cán trực tiếp lên người dân gây thảm sát. “Bác sĩ Lê Khắc Quyến của bệnh viện Huế được yêu cầu ký giấy xác nhận sai lệch là nạn nhân chết do chất nổ plastic của Việt cộng. Ông này từ chối không chịu ký và đã bị bắt giam.”
.
CÁO BUỘC VỀ GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 5 ĐẾN THÁNG 9 NĂM 1963

- Từ ngày 8-5 đến ngày ra Thông cáo chung 16-6-1963: Rất nhiều cuộc biểu tình phản đối ôn hòa của Tăng Ni Phật tử đã diễn ra ở Sài Gòn, Huế và nhiều địa phương khác, và đã bị đàn áp nghiêm trọng bởi cảnh sát và quân đội, nhiều ngôi chùa bị phong tỏa bằng dây kẽm gai bao quanh, nhiều tín đồ Phật giáo bị ngăn cản không được đến chùa. Rất nhiều Phật tử bị bắt giam chỉ vì đã ủng hộ Tuyên bố ngày 10 tháng 5 của Phật giáo đòi hỏi thực thi 5 nguyện vọng bình đẳng tôn giáo. Các lãnh đạo Phật giáo đã hết sức nỗ lực để kêu gọi sự kiềm chế của đám đông.

- Từ ngày 16-6 đến cuộc tấn công các chùa đêm 20-8-1963: Chính phủ không hề thực thi các điểm nêu trong Thông cáo chung mà họ đã thỏa thuận với các lãnh đạo Phật giáo. Chính phủ còn phát động một chiến dịch rộng khắp để thuyết phục người dân rằng phong trào đấu tranh của Phật giáo là do cộng sản kích động. Nhiều người ở các địa phương khác nhau đã bị buộc phải tham gia chống lại Phật giáo. Các quy định khắt khe trong Dụ số 10 vẫn tiếp tục được áp dụng nhắm vào Phật giáo. Việc treo cờ Phật giáo vẫn chỉ được chấp nhận duy nhất trong phạm vi các chùa và không được treo ở những nơi khác. Các vị tăng sĩ bị hạn chế việc đi lại. Nhiều Phật tử bị bắt trước đó vẫn chưa được thả ra, một số khác trước khi được thả ra đã bị buộc phải ký tên vào một số giấy tờ do nhà cầm quyền viết sẵn nội dung. Ngày 17-7-1963, một cuộc biểu tình ôn hòa của Tăng ni Phật tử diễn ra trước chùa Xá Lợi đã bị đàn áp thô bạo, rất nhiều người bị bắt trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

- Cuộc tấn công các chùa đêm 20-8-1963 và sau đó: Hầu hết các vị lãnh đạo Phật giáo, trừ Thượng tọa Thích Trí Quang, đều bị bắt trong trận tấn công này hoặc ngay sau đó. Có ít nhất 2 vị sư bị giết tại Sài Gòn trong đêm đó và 2 vị sư khác cũng bị giết tại Huế. Nhiều lãnh đạo Phật giáo đã bị đánh đập, tra tấn. Một số vị sư được thả ra sau đó nhưng bị quản thúc trong phạm vi chùa và bị người của Chính phủ canh gác. Rất nhiều Kinh sách, pháp khí, tượng thờ cùng tiền bạc, vật dụng của nhà chùa bị đập phá hoặc cướp mang đi. Những cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu trong tháng 7 và phát triển mạnh mẽ nhất vào tháng 8, đã bị đàn áp rất thô bạo. Có khoảng 3.000 sinh viên đã bị bắt. Một số trong đó bị đánh đập, tra tấn và bị giam giữ ở những nơi rất tồi tệ. Vào thời điểm Phái đoàn đến Việt Nam, vẫn còn khoảng 2.000 sinh viên đang bị giam giữ. Các sinh viên cho biết có một số sinh viên Thiên Chúa giáo cũng bị bắt nhưng họ được thả ra dễ dàng và được yêu cầu hợp tác với cảnh sát. Một số bản cáo buộc nói rằng Chính phủ đã ngăn cản khiến cho người dân không thể đến gặp Phái đoàn và cảnh báo việc có thể có nhiều thông tin sai lệch được gửi đến nhằm đánh lạc hướng điều tra của Phái đoàn. Một số cáo buộc khẳng định rằng ngay trong thời gian Phái đoàn đang ở Việt Nam vẫn xảy ra những vụ bắt bớ sinh viên đấu tranh được thực hiện vào ban đêm.

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Con người là gì ? Một câu hỏi vô nghĩa







Nói "con người là thế này hay thế nọ" là một thái độ "phi nhân" ...

§§§§§§§§§§§§§

Câu hỏi "con người là gì ?" trong bản chất không khác tảng đá là gì, cây soài là gì và con chó là gì ? Suy đến tận cùng, thì câu hỏi ấy không có câu trả lời. Chúng ta chỉ tiếp cận sự vật theo nhiều khía cạnh mà không bao giờ đạt được đến sự hiểu biết trọn vẹn về nó. Bất quá, chúng ta có thể hình dung được cái nó "không là". Và từ cái "không là" này sang cài "không là" khác, hy vọng đến gần cái "nó là" (phủ định và phủ định của phủ định ...).

Con người được tách biệt khỏi sự vật trong thiên nhiên, ở một điểm quan trọng : anh "là" những gì anh "làm", là hành vi của anh. Đành rằng anh bị quy định, bởi các genes, bởi môi trường xã hội, tâm lý, thiên nhiên v.v..., nhưng bên cạnh sự quy định ấy anh có thể chọn cái anh là. Hệ thống quy định tuy chặt chẽ, nhưng vẫn dành cho anh một khoảng trống, một khoảng Hư Vô, trong đó anh có thể quyết định sự trở thành của mình.

Điều này đưa đến hai hệ luận :

1) Không thể biết "Con Người là gì", khi chưa xác định muốn nói đến con người nào (địa chỉ, số điện thoại, E Mail, số thẻ "chứng minh nhân dân", v.v...), và vào lúc nào đặt câu hỏi ấy, vì cái "tôi là", chính là một sự trở thành liên tục, có thể thay đổi trong thời gian.

2) Làm sao biết được có sự hiện hữu của khoảng hư vô vừa được nói ? Có thể đó chỉ là một niềm tin ? Tựu trung, tin vào Thiên Chúa thì khác gì tin vào một khoảng hư vô, vì chẳng ai biết Thiên Chúa ra sao cả, nên cái khoảng trống để mình hình dung Thiên Chúa cũng có thể là một khoảng hư vô trong đó mình đặt vào hình ảnh của chính mình ...

Dù sao, điều quan trọng cần lưu ý là : nói "con người là thế này hay thế nọ" là một thái độ "phi nhân", vì nó gán cho mọi người một hình ảnh cố định, một cách giáo điều, độc đoán. Tức là nó hạn chế con người trong một số quy định (kiểu như "con người là con vật đi hai chân không có lông vũ" - a biped without feather), và từ chối không cho con người được Tự Do quyết định sự trở thành của mình, vào mỗi giây phút.

Thái độ ngược lại, thì là một thái độ Nhân Bản, trong đó con người tách khỏi thiên nhiên qua khả năng Tự Do quyết định cái "mình là" vào mỗi thời điểm. Tảng đá, cây soài, con chó, không có sự tự do ấy.

Khi nó hành sử quyền tự do, thì một con người có thể làm những điều mà bạn không đồng ý, thậm chí chống lại, hay lên án ... nhưng điều ấy không có nghĩa là phải tước đoạt sự tự do của nó, nhân danh một xã hội trật tự, an bình ... theo ý bạn, và đem con người kia vào quy chế tương đương với con chó, hay cây soài ...

(Tranh minh họa : Picasso)

Nguyễn Hoài Vân

AI BUÔNG TIẾNG GỌI GIỮA ĐỜI THIẾT THA?




Nguyễn Xuân Chiến



I.- TIẾNG GỌI LÀ GÌ?



a).- Năm 1913, lúc đó Mohandas Gandhi, vừa mới 44 tuổi, từng bị bắt, bị đánhđập đến đổ máu và bị bỏ tù nhưng vẫn nhất định tranh đấu đến cùng. Trong hơn 7 năm gian khổ, Gandhi đã vào tù ra khám nhiều lần. Lần này, người vợ Gandhi là bà Kasturbai được phép vào ngục thăm viếng. Trông bà có vẻ già hơn ông nhiều đến nỗi những người mới gặp lần đầu cứ ngỡ đây là người mẹ của Gandhi!

Thấy ông Gandhi gầy còm, trơ xương với da, bà xúc động quá, nói:

- Anh ơi, nhìn anh, em chịu không nổi. Sao thế anh? Họ còn tiếp tục hay chăng và anh còn đeo đuổi con đường này hay chăng?

Mặc dù cơ thể chưa hồi phục, Gandhi ung dung trả lời:

- Chính quyền Anh Quốc đại diện cho quyền lực của vô minh, dĩ nhiên họ còn tiếp tục mãi mãi. Bàn tay sắt máu của bạo lực, ngu dốt sẽ tồn tại trường kỳ. Họ không thể dừng lại!

Bà Kasturbai hỏi:

- Còn anh, anh có thể dừng lại không?

Gandhi rất yếu, nhưng vẫn ráng cười với vợ:

- Anh ư? Anh cũng không thể dừng lại, dù sẽ chết bởi đánh đập và bỏ đói. Vì sao ư? Em à, hãy nghe đây, Anh là đại diện cho tiếng gọi của Chân lý và Con người. Không bao giờ dừng bước, đầu hàng, bởi vì Chân lý và Con người luôn luôn có sức mạnh bất biến.

Và Gandhi đã hành động theo tiếng gọi của Chân lý và Con người. Hay nói đúng hơn, tiếng gọi Chân lývà Con người đã cất lên trong lòng Gandhi, đồng nghĩa với “Sau rốt, Chân lý và Con người sẽ phải thắng”.

Nhờ vậy, người ta thường trân trọng gọi ông là Mahatma Gandhi. “Gandhi, bậc đại nhân”. Một người đã chấp nhận sống chết trọn vẹn, trong Tiếng gọi của Chân lý và Con người.



b).- George Washington (1732 - 1799) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã lãnh đạo người Mỹ chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với tư cách là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa năm 1775–1783, và ông cũng đã trông coi việc viết ra HIẾN PHÁP HOA KỲ năm 1787. Ông hiện nay được biết như vị cha già của nước Mỹ.

Có lần cuộc chiến đấu với quân đội Hoàng gia Anh chưa ngã ngũ, phe của quốc gia non trẻ Hoa Kỳ có vài người nẩy ý định buông súng, nhưng George Washington nói với các tướng lãnh:

“Nếu đầu hàng phen này thì vĩnh viễn chúng ta không cất đầu lên được. Không! Phải tiếp tục chiến đấu. Tiếng gọi của đất nước Hoa Kỳ đang vang vọng ở trong tôi!”

Và George Washington đã sống theo Tiếng gọi của đất nước Hoa Kỳ, và cùng mọi người hình thành nên một quốc gia thịnh vượng, tự do, dân chủ.






* * *

“Tiếng gọi”, ngươi là ai? ngươi là cái chi? Mà ngươi có sức mạnh và ảnh hưởng ghê gớm đến thế?

“Tiếng gọi” đã vạch lối chỉ đường cho biết bao anh hùng, hào kiệt, đã định hình một phong cách sốngdũng cảm kiên cường, và làm trưởng thành biết bao số phận. Có thể tiếng gọi giúp chúng ta hoài bão đại chí và giúp chúng ta vượt qua bao thử thách để rồi ngẩng cao đầu trở nên bất khuất. “Tiếng gọi” đã làm cho Chân lý và Con người trở nên sắt son, tươi xanh như vĩnh cửu, hòa điệu cùng vũ trụ không lời.

Tiếng gọi?



II.- NHữNG TIẾNG GỌI Ở TRONG TA

Chúng ta thực sự chỉ sống theo những tiếng gọi trong ta. Chấm hết.

Thuở thanh niên, các bạn đang ở trong giai đoạn khí huyết phương cương, tâm hồn rất mãnh liệt, chỉ nghe theo tiếng gọi tình yêu mà thôi, và bạn đang yêu. Yêu chết bỏ. Yêu cuồng si, và không có sức mạnh nào có thể ngăn trở.

Nhưng mười năm kế tiếp, bạn lập gia đình và chuyên chú kinh doanh lớn nhỏ. Lúc này, bạn chỉ biết nghe theo tiếng gọi của sự nghiệp, công danh, tiền bạc, vân vân.

Lúc trung niên, bạn bắt đầu mỏi mệt, hơi chán chường thế sự, bây giờ lại trổi lên tiếng gọi của bạn bè, rượu chè, ăn chơi… không màng tới những tiếng gọi khác! Nhưng cũng có những người thao thức tâm linh thì lắng nghe tiếng gọi giải thoát, của thức tỉnh, của tình thương xả kỷ, và bắt đầu tìm cầu thiện tri thức để học hỏi và hành trì. Lúc này đây, các tiếng gọi khác vẫn còn hiện hữu nhưng hiện hữucho những người khác, chứ không phải cho bản thân mình.

Thật vậy, giữa cuộc sống bình thường chúng ta luôn luôn bị chi phối bởi vô số tiếng gọi, vô số âm thanhđang bàng bạc khắp mọi nơi trong vũ trụ. Tại lòng ta, tâm ta luôn dày đặc, lổn chổn những tiếng gọi – đương nhiên tiếng gọi nào cường liệt nhất sẽ hướng dẫn và điều động cuộc đời ta. Thế thôi!

Giáo lý nhà Phật tạm chia ra mười thứ tiếng gọi (ở ngay trong tâm chúng ta) như sau:

1.- Tiếng gọi của Phật: còn gọi là Phật Âm, Sư tử Hống Âm, Đại Vân Lôi Âm, Vô Lậu Âm, Pháp ThânViên Mãn Âm... gồm đủ tám đặc tánh:

a. Cực hảo âm: tức là tiếng tối thắng bậc nhất trên đời.

b. Nhu nhuyến âm: tiếng dịu dàng, êm đềm, tha thiết.

c. Hòa thích âm: tiếng gọi hòa thuận, dễ nghe, dễ rung cảm.

d. Tôn huệ âm: tiếng gọi khiến chúng sanh phát khởi lòng tự tín và mở bày trí tuệ

e. Bất nữ âm: tiếng gọi dũng mãnh, hùng hồn của đấng trượng phu.

f. Bất ngộ âm: tiếng gọi chắc thật, dứt khoát, rõ nét, nghe chẳng lẫm lẫn, lộn xộn.

g. Thâm viễn âm: tiếng gọi sâu thẳm, vang vọng, gần hay xa đều nghe rõ.

h. Bất kiệt âm: tiếng gọi bền bỉ, vĩnh cửu, không dứt bặt. Mãi mãi ở trong ta, không bao giờ bị thời gian và không gian làm cho hư hoại.

Tiếng gọi của Phật, bậc giác ngộ, lúc nào cũng tương ứng với tâm toàn giác, chánh biến tri, đại biđại trí tuệ, vô lượng vô biên công đức của tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, tứ vô úy, thập lực, thập bát bất cọng...

2.- Tiếng gọi của Bồ-tát: còn gọi là Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm, tiếng gọi bố thí ba la mật, tiếng gọi trí tuệ vượt bờ, tiếng gọi thiền định đưa ta sang tận mé bờ kia, tiếng gọi trì giới qua khỏi bờ mê… v.v...

Tiếng gọi của Bồ-tát lúc nào cũng tương ứng với mười hạnh nguyện vĩ đại của Phổ Hiền, mười hai hoằng thệ nguyện của Quán Thế Âm. Tiếng gọi của Bồ-tát chính là tiếng gọi thoát khổ, cứu khổ cứu nạn. Tiếng gọi của Bồ-tát luôn luôn ban phát sự vô úy cho chúng sanh, khiến chúng sanh cắt lìa cái Tưởng của Sợ Hãi, Dày Vò, Bức Xúc... Vì thế, kinh Pháp Hoa nói:

Diệu Âm, Quán Thế Âm

Phạm Âm, Hải Triều Âm

thắng bỉ thế gian âm

thị cố tu thường niệm ...

3.- Tiếng gọi của Thanh Văn: là tiếng gọi giải thoát của những bậc Thánh, lấy tâm vô ngã quán sát tứ diệu đế, đắc A La Hán. Đây là tiếng gọi của sự ly dục, sự từ bỏ, sự cắt lìa tham ái, tiếng gọi của Niết bàn vắng lặng.

4.- Tiếng gọi của Duyên Giác

Là tiếng gọi thanh tịnh vô vi của những bậc Thánh dùng tâm Vô Ngã quán sát thập nhị nhân duyên. Là tiếng gọi giải thoát, của những bậc thánh đã dứt trừ phiền não, đoạn tận tham sân si, xóa sạch ngã chấp, không còn lưu luyến sinh tử.

5.- Tiếng gọi của Cõi Trời

Là tiếng gọi của sự ham thích khoái lạc, dù là khoái lạc của tứ thiền, bát định cho đến khoái lạc của thiên đường cõi Dục, đều là những thứ an ổn giả tạo, hạnh phúc có điều kiện của chư thiên, chư tiên, nghĩa là những kẻ được triển hạn trầm luân. Mà lao ngục của họ dẫu được kiến tạo bằng thứ nguyên liệu vật chất có vẻ vi tế hơn, lộng lẫy hơn, nhưng cũng vẫn là kiếp sống đọa đày trong chiếc lồng son. Chúng sanh thường bị dày xéo bởi tám khổ, nên khao khát khoái lạc này rồi mê say lắng nghe, khiến trôi chìm sanh tử mãi.

6.- Tiếng gọi của Loài Người

Trong pháp giới, chỉ có Cõi Người là được chư Phật chư Bồ-tát thường xuyên vào ra thị hiện để thuyết pháp giáo hoá. Bởi lẽ loài người có đủ trí tuệ và tỉnh thức để thực hiện sự nghiệp tâm linh, có thể tiến bộ trên con đường giải thoát.

Nhưng loài người vốn bị quấy rầy bởi tình yêu (ái), của khát vọng (dục), và cho nên tiếng gọi của loài người cũng là tiếng gọi của thị phi, nhân ngã, bỉ thử (phân biệt trí). Đôi khi còn là tiếng gọi của tám khổ. Nhưng, trong phiền não khốn khổ ấy không loại trừ Nhân Tính, và Phật Tánh, khuynh hướng làm cho con người giải thoát, hoặc đạt đến niết-bàn và cứu độ chúng sanh.

7.- Tiếng gọi của A tu la

Là tiếng gọi của sự tranh đấu, hơn thua, của lòng kiêu mạn, sân hận. Nghĩa là tiếng gọi của những kẻ làm việc thiện với ngã chấp kiên cố sâu dày. Đó là tiếng gọi của siêu nhân, anh hùng hào kiệt, tiếng gọi chọc trời khuấy nước vì tràn đầy những âm thanh gậy gộc giáo mác. Tiếng gọi khiến kẻ khác nuốt lệ căm hờn, vì chứa đựng âm thanh giết chóc, náo loạn, ghê gớm của bom hạch tâm, của quyền lực thống trị.

8.- Tiếng gọi của Quỷ Đói

Là tiếng gọi của sự thèm khát mà không được thỏa mãn, của sự thiếu thốn mà không được đáp ứng. Hừng hực. Bực bội. Ấm ức. Tiếng gọi của lòng tham được phát triển quá độ hóa thành sư bỏn sẻn, ích kỷ. Tiếng gọi của những linh hồn co ro cô độc, không ai quan tâm, chẳng ai cúng kiến, hoặc của loài dã quỷ lẩn thẩn nơi chốn hoang dã mịt mù.

9.-Tiếng gọi của súc vật, thú vật

Là tiếng gọi của sự sướng khổ vì cảm giác nhục dục, của "con lợn lòng", của những khoái lạc nhầy nhụa, trâng tráo, dơ bẩn, u mê. Đây là tiếng gọi của loài bốn chân, hai cánh, bẩm tánh ngu si, nếp sống tồi tàn, hôi hám, trần truồng ... như tiếng khọt khẹt của khỉ, be be của dê, à uôm của hổ báo, gâu gâu của chó, meo meo của mèo. Trong tiếng gọi của súc vật, ta thường cảm nhận chúng nó luôn luôn rên rỉ, ngậm hờn, u uất, sợ hãi, đó là những âm thanh bế tắc, tuyệt vọng, nghẹn tức trong yết hầu mà nói không ra được.

10.- Tiếng gọi của Địa Ngục

Là tiếng gọi của sự tối tăm, mù lòa, của vô minh hoàn toàn. Đây là tiếng gọi thảm thiết, khốc liệt nhất của thế gian, là thứ âm thanh phát xuất từ lao tù, hình phạt, dụng cụ hành quyết, tra tấn.

Tiếng gọi của địa ngục còn là Tiếng gọi của tàn nhẫn, dửng dưng, lạnh nhạt. Tiếng gọi của lòng vô cảm, của máy móc, của chiến tranh bấm nút, của sản xuất dây chuyền, của sức mạnh tập thể.

Tóm lại, tiếng gọi của địa ngục là những âm thanh thuần khổ, âm thanh cảm ứng với mười điều cực ác, những tư tưởng ngăn che sự sáng, những ý niệm chống báng đạo lý như thực, rời xa chánh pháp.



III.- TIẾNG GỌI NÀO THIẾT THA?



Năng lực của Tâm thì thường có tác dụng như một Tiếng Gọi. Tiếng Gọi là tên khác năng lực tâm. Nói nôm na vắn tắt, Tiếng gọi là sức mạnh của Tâm. Nó thôi thúc, giục giã chúng ta phải làm một cái gì. Nó hướng dẫn chúng ta nên đi về đâu, quay theo đường hướng nào. Nếu chúng ta bị vấp váp, té xiêu lật ngửa thì tiếng gọi sẵn sàng nâng đỡ ta dậy. Chúng ta có khi sợ hãi tính đường thối lui thì tiếng gọitrong ta sẽ vỗ về, an ủi, khiến chúng ta yên lòng vững chân tiến tới.




Có khi nào Tiếng gọi tỏ ra bế tắc, chùn bước không?

Khi con người trở nên lững thững, sống nhạt thếch, sống chẳng ra hồn – thì khi ấy tiếng gọi trở nên “câm nín”, “dứt bặt”.

* * *

Kể chuyện thực để nghe chơi:

Tôi biết một cô gái Hà Nội tuổi mới hai mươi ba. Sinh trưởng trong gia đình khá giả, quyền thế. Cha mẹ chỉ có hai gái. Người chị là bác sĩ nội trú, cô ta là em út, cũng vừa tốt nghiệp ngoại thương, nên được chiều chuộng rất mực. Cha mẹ dùng quyền và cả tiền bạc để kiếm cho một chỗ làm tốt, lương cao. Nhưng, cô ta có vẻ không màng đến, đi làm mấy hôm bèn xin nghỉ việc ngang xương. Gia đình lại chạy vạy một chỗ làm khác ngon lành hơn, nhưng cô vẫn không chịu vâng theo. Rồi không biết bao nhiêu lá áp lực, dọa nạt, khuyên nhủ, vỗ về… cô ta chịu miến cưỡng đi làm, nhưng chỉ nửa tháng lại bỏ việc. Chỉ nói: Chán lắm! Vớ vẩn!

Cả gia đình đều cực kỳ lo lắng, ngại cô ta bị bệnh thần kinh. Đưa đến bệnh viện tâm thần và khám kỹ lưỡng. Một vị bác sĩ lớn tuổi khám xong, nói với hai bậc sinh thành rằng: “Bình thường. Có thể chưa có người yêu nên cô bức xúc mà không biết giãi bày với ai. Có thể, nỗi cô đơn vì thiếu bạn hoặc người tình làm cô ta trở nên “lờ khờ, dở hơi” như vậy!”. Thói đời, cha mẹ nào mà không cưng chiều con cái hết mức, hỏi:

- Hay là… bố mẹ kiếm cho con một người yêu?

- Vớ vẩn!

Rồi bố mẹ đem cô ta đến bệnh viện Đông Y. Sau khi vọng, văn, vấn, thiết và chẩn trị bằng máy móc tối tân của Trung Y, các thầy thuốc Tàu đành thúc thủ, tìm không ra bệnh trạng.

- Cứ cho cô ta đi du lịch một thời gian để giải tỏa ức chế, may chăng?

Gia đình bèn mua vé máy bay cho cô ta vào Saigon, vui chơi thoải mái - tiếp theo là đi Huế, Đà Nẵng, dự tính phải một tháng. Té ra, chưa đầy tuần lẽ sau cô ta đã mò về nhà. Cô ta nhếch môi: “Saigon thì ô nhiễm, bụi bặm đầy. Đà Nẵng thì cũng không khác gì. Huế loanh quanh lẩn quẩn mấy cái mồ mã các ông vua đã chết lâu đời, và thành quách, cung điện bé tí như đồ chơi bọn trẻ. Sông Hương thì như cái ao làng. Không cần đi đâu cả! Vớ vẩn!”

Hoàn toàn tuyệt vọng. Một giải pháp đều “Vớ vẩn”!

Gia đình không biết làm gì hơn là để mặc cô ta, phó thác cho trời đất. Làm chi bây giờ?

Bế tắc.

Từ đó đến nay, cô ta buổi sáng điểm tâm xong, cô ta chưng diện đàng hoàng, rồi tha thẩn đi loanh quanh các công viên, các khu giải trí công cọng như Hồ Gươm, hồ Bảy mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Ba mẫu… rồi lững thững về nhà. Đọc sách qua loa. Chiều lại tiếp tục như thế. Bố mẹ mướn người theo dõixem cô ta có hẹn hò bí mật với ai không? Kết quả: Không có ai cả. Cô ta luôn luôn lững thững đi một mình và cũng lững thững về một mình. Công cốc!

* * *

Có thể xem như “tiếng gọi ở trong cô ta chưa định hình”, nghĩa là cô ta chưa tha thiết một tiếng gọi nào - dĩ nhiên là còn mờ nhạt nên cô ta không dám sống theo một tiếng gọi duy nhất. Một khi tiếng gọi nào đó đủ mạnh thì cô ta đã dũng cảm sống theo nó. Chỉ dám đi tửng tửng cả ngày như vậy mặc dù không hề biết để làm chi?

Phải chăng, trong vài kiếp sống vừa qua, cô ta tuy có thao thức ít nhiều, nhưng hời hợt và không dám sống thật với cái bên trong của mình. Lười biếng phản kháng, vẫn còn ưa tuân phục những sức mạnh bên ngoài. Thiếu dứt khoát, kém nồng nhiệt, có cơ hội không dám nắm bắt, chông chênh giữa hai cực đoan. Chính vì vậy, cô ta ru mình trong một “Trạng thái lừng khừng” dĩ nhiên là không rõ nét, làm việc chi cũng lở dở lương ương.

Rồi đời sống qua mau, đến khi chuyển kiếp cô ta phải mang hành trang “lừng khừng” tới kiếp sống mới, nhưng lòng cô ta thì vẫn như xưa, vẫn lừng khừng như cũ. Và không một ai có thể thay đổi cái bản chất lừng khừng ấy cả. Trừ phi, cô ta phải chuyển hóa tư tưởng và cả đời sống bên trong.

Tiếng gọi, ngươi ở đâu? Gần hay xa?



* * *

Trước khi tiếng gọi thực sự cất lên cùng chúng ta, thì chúng ta vẫn sống bình thường, vì Tiếng gọi còn câm nín, chưa ra tay hành động, chưa buông những âm thanh tha thiết. Như Paul Gauguin chẳng hạn.

Từ cái thế giới chật chội của một nhân viên bưu điện, chàng Paul Gauguin đã ngoài bốn mươi tuổi, tầm thường, nhàn nhạt, thậm chí hơi…cù lần, lố bịch. Đột nhiên một ngày kia anh biến mất: anh cả gan bỏ nhà đi Paris. Và thiên hạ, dĩ nhiên, kháo nhau cho là anh bỏ vợ con đi theo một cô nàng nào đó. Người đại diện được gia đình nhờ tới Paris để tìm.

Khi người đại diện gia đình gặp Gauguin ở trong căn nhà trọ tồi tàn ở Paris thì, dĩ nhiên, trước hết ông phát hiện Paul Gauguin đang sống… một mình, chẳng có cô nàng nào cả.

Paul Gauguin thản nhiên từ chối trở lại gia đình: con ông cũng lớn, vợ ông đủ sức tự lập, Ông tin rằng không có ông thì vợ, con ông vẫn đủ sức bươn chải một mình… Và đây là lúc ông có thể và phải sống cuộc đời của riêng ông mà ông ấp ủ từ lâu.

Paul Gauguin tuyên bố ngắn gọn:

“Tôi vẽ”. “Tôi phải vẽ”.

Anh chỉ trả lời cụt ngủn như thế với người đại diện gia đình. Bởi vì anh không quen dài dòng vô ích. Giấc mộng rất lớn của Paul Gauguin, khát vọng của anh, hay nói cách khác: Tiếng gọi tha thiết trong anh chỉ được thốt ra bằng lời ngắn gọn thế thôi. Nhưng nó sẽ được bàn tay anh, khối óc anh “nói” lên bằng những kiệt tác hội họa sau này…

Tiếng gọi của nghệ thuật! Ai dám sống theo?



IV. - TIẾN TRÌNH NHÂN – DUYÊN – QUẢ

Các câu chuyện được trích dẫn trong bài viết này, đều nói lên Tiến trình Nhân Duyên Quả của Tiếng gọi.

Tất cả vũ trụ này đều là tiến trình nhân duyên quả, thông qua ba đời, Quá khứ, Hiện tại, Vị lai - thì tiếng gọi cũng như thế!

Như thái tử Tất đạt đa từng ngàn muôn ức kiếp gieo nhân duyên giải thoát và cứu độ chúng sanh, cho nên kiếp này dẫu vua Tịnh Phạn tìm mọi cách để níu kéo, ngăn trở, nhưng cái quả là Ngài phải ra đi.

Nếu Tâm ta khuynh hướng về Tự do, Công bằng, Dân chủ, Bác ái, và suốt đời hy sinh cho những cứu cánh ấy, như luôn luôn đòi hỏi nhân quyền, chuyên đi làm từ thiện, cứu trợ những người khốn khó, hoặc viết sách khuyến khích “học làm người”, dạy dỗ và thuyết giảng về các đề mục như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… thì ta đã phát ra tiếng gọi của con người – dĩ nhiên đã và đang sum vầy trong cảnh sống của con người. không thể khác được.

Nếu chúng ta ưa hơn thua, ưa tranh giành địa vị trong một tầng lớp nào đó, ưa bày mưu lập đảng để tranh đấu vì một điều không bao giờ hiện hữu trên trái đất mà dẫn dụ chúng sanh xem như là chân lý(giả tạo)… tức là chúng ta tạo nghiệp nhân của A tu la, đồng nghĩa cất lên tiếng gọi A tu la, chắc hẳn chúng ta sẽ gặt quả báo của loài A tu la, chuyên tranh chấp, giành giật để rồi sống trong cảnh giới hơn thua, đấu đá nhau mãi.

Nếu chúng ta ưa những trò chơi rẻ tiền và lén lút xem những phim Sex bậy bạ, mê đắm những trò “xuống xóm mua vui”… thì chúng ta tạo một trong những nhân tố để làm loài bàng sanh, loài súc vật. Còn gọi là Tiếng gọi của súc sanh, bàng sanh.

Nếu chúng ta sống với tình yêu thương vô phân biệt, sẵn sàng nghe ai khổ sở, bức bối, bị áp chế… liền đến ngay để giúp đỡ, chia xẻ, an ủi. thì tâm ta đang sống trong tiếng gọi của Bồ-tát Quán thế âm, “năng dữ chúng sanh chi lạc, năng bạt chúng sanh chi khổ”, chuyên giải trừ tất cả mọi khổ nạn, tai ách của chúng sanh.

Nếu nhân duyên là cuộc sống chúng ta, thì cái quả là Tiếng gọi. Nếu tiếng gọi là nhân duyên thì cuộc sống chúng ta sẽ là cái quả. Bây giờ muốn phát ra Tiếng gọi nào, thì chúng ta cứ nhìn vào cuộc sống của ai đó, xem y hành xử thế nào, chí hướng đi về đâu, và công phu tu tập ra sao?



V.- CHÚNG TA PHÁT RA TIẾNG GỌI NÀO?

Nếu Tâm lúc nào cũng rung cảm theo tiếng rống uy hùng của Sư Tử Chúa tràn trề Phật lực, mang tính chất đại bi đại trí, giải thoát viên mãn, vô lượng quang, vô lượng thọ, thì đương nhiên Tâm đang ở trong cảnh giới thù diệu trang nghiêm của chư Phật, bởi vì chúng ta đang dõi theo âm thanh của Đấng Giác ngộ.

Theo lời Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm, âm thanh của đức Phật tức đấng giác ngộ, có mười thứ vô lượng.

1) Âm thanh Phật như Hư Không giới vô lượng vì âm thanh ấy trải khắp mọi nơi.

2) Âm thanh Phật như Pháp Giới vô lượng, vì không chỗ nào mà âm thanh ấy chẳng khắp.

3) Âm thanh Phật như chúng sanh giới vô lượng, vì âm thanh ấy khiến tất cả tâm hoan hỷ.

4) Âm thanh Phật như các nghiệp vô lượng, vì âm thanh ấy giải thích quả báo của nghiệp.

5) Âm thanh Phật như vô lượng phiền não vì âm thanh ấy có khả năng diệt trừ mọi phiền não.

6) Âm thanh Phật như ngôn âm của chúng sanh vô lượng, vì tùy theo sự hiểu biết của chúng sanh mà làm cho nghe được.

7) Âm thanh Phật như dục giải của vô lượng chúng sanh, vì âm thanh ấy quán sát cứu độ khắp chúng sanh.

8) Âm thanh Phật như tam thế vô lượng vì âm thanh ấy vô biên tế (không có giới hạn).

9) Âm thanh Phật như trí huệ vô lượng vì âm thanh ấy phân biệt tất cả.

10) Âm thanh Phật như Phật cảnh giới vô lượng, vì âm thanh ấy nhập vào Phật pháp giới.

Như vậy, tiếng gọi của Phật chính là âm thanh của Phật, có đặc chất “vô lượng”. Gồm có mười sắc thái Vô lượng như đã nói ở trên, được chứa đựng trong Danh hiệu Phật.

Vả lại, chúng ta cũng thừa hiểu rằng: tất cả tiếng gọi của thế gian đều dẫn đến chỗ trói buộc, phiền lụyvà chìm trôi sinh tử không dứt. Vì bản chất của thế gian là vô minh do đó tiếng gọi của thế gian là tiếng gọi hoàn toàn vô minh.

Chỉ có tiếng gọi của thánh nhân là mang nhiều đặc chất minh triết, hạnh phúc, bẻ gãy xiềng xích ngũ dục, là khô cạn biển khổ vô minh.

Nhưng duy chỉ có tiếng gọi của Phật là bậc nhất, là rốt ráo, là giải thoát tròn đầy, khắp đến tất cả, vang vọng mười phương pháp giới, không bị chướng ngại, không bị biến đổi, sinh diệt. Vì sao?

Vì tiếng gọi của Phật chính là danh hiệu Phật. Danh hiệu Phật chính là Đức Phật, với đầy đủ vô lượng vô biên đức tướng và năng lực Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác.

Kinh Hoa Nghiêm nói tiếp:

".... Nếu có những chúng sanh

chưa phát tâm bồ đề

được nghe danh hiệu Phật

quyết định thành chánh giác…”



Nhưng, làm thế nào để được “thường xuyên nghe Danh Hiệu Phật”? làm thế nào để mãi mãi “tiếp nhận Tiếng Gọi của Như Lai”?

Muốn tiếp nhận Tiếng Gọi của Như Lai, thì không chi hơn là xướng niệm danh hiệu Đấng Giác Ngộ. Hay là cất lên âm thanh tràn đầy Phật lực, âm thanh của Vô lượng thọ, âm thanh của Vô lượngquang…

Giáo sư, thi sĩ Phạm Công Thiện cũng đã viết trong cuốn Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở VềSự Im Lặng:

… sau cùng chỉ cần niệm Phật thôi, chẳng cần vãng sinh Cực Lạc gì cả, lúc ấy Tha Lực đột nhiên chuyển hóa thành Vô Lực; Vô Lực chuyển thành Diệu Lực của Không Tính, và tất cả mọi Ý Lực đã được hủy diệt, và tiếng “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” “Namo Amitàbhàya Buddhàya” trở thành tiếng kêu của kẻ Giác Ngộ, …



Tiếng kêu của kẻ Giác Ngộ?

Hay:

Ai buông Tiếng gọi giữa đời thiết tha?



Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật…