Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Vấn Nạn Ngôn Từ Trong Giới Truyền Thông





Hoàng Hữu Phước, MIB

Một sự việc trước đây tôi đã nêu ra có liên quan đến bản tham luận của tôi tại Hội Nghị Quốc Gia về Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt, khi một gã tiến sĩ đang giảng dạy tại Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh đăng đàn kích bác tôi xúc phạm tiếng Việt trong khi y có bản tham luận không được chọn đăng trong kỷ yếu hội nghị cũng như không được mời lên thuyết trình về đề tài của y. Gã tiến sĩ đó tuyệt đối dốt ngoại ngữ nên không sao hiểu nổi dù tôi đề xuất chi li – và được Ban Tổ Chức hiểu, đánh giá cao, qua việc chọn đăng vào kỷ yếu – nên có sự làm cho tương thích giữa văn phạm tiếng Việt và văn phạm tiếng Anh nhằm giúp người Việt học tiếng Anh đẳng cấp cao hơn và chính xác hơn, đồng thời giúp người nước ngoài học tiếng Việt dễ hơn khiến tiếng Việt lan tỏa toàn thế giới. Tất nhiên với tư cách bậc trưởng thượng từ lúc mới lòng mẹ đến nay, tôi sau đó không đăng đàn phân bua làm chi như đàn gảy tai trâu mà phát biểu phản bác cái kiến nghị của y về việc nên đưa vào dạy tiếng Hoa từ cấp tiểu học trên toàn quốc, và tôi đã xổ nhiều câu đối Hán-Việt trong đó có những câu chẳng hạn như Thị Tại Môn Tiền Náo, Nguyệt Lai Môn Hạ Nhàn, hoặc sử liệu vềRút Ruột Vương Tam Phân Thiên Hạ, Chặt Đầu Tây Tứ Hải Thái Bình đủ để làm cả hội trường ngạc nhiên thích thú và thuyết phục về sự thật rằng tôi là một thạc sĩ kinh doanh quốc tế không thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học Tiếng Việt nhưng đã nắm vững cái ngành của gã tiến sĩ đó hơn là gã biết gì đó về lĩnh vực ngôn ngữ Anh của tôi, chứng minh cho cả hội trường thấy rằng qua tôi thật sự văn hóa Hán-Việt được thưởng lãm trong kho tàng văn học Việt Nam, nhưng không vì vậy mà đề xuất Nhà Nước đầu tư số tiền khổng lồ đào tạo giáo viên tiếng Hoa rồi áp đặt vào chương trình giáo dục tiểu học, loại bỏ tiếng Anh tiếng Pháp. Tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ Việt mà còn có trình độ thấp kém như thế thì bảo sao ở Việt Nam cách chi không có vấn nạn ngôn từ trong giới truyền thông.

Trong các ngôn ngữ Âu Mỹ đang thống trị toàn cầu về học thuật hàn lâm thì luôn có nhiều loại từ được phân hạng trong tự điển của họ như hạng trang trọng, hạng bình dân, hạng cổ xưa, hạng văn nói, hạng thơ ca, hạng tiếng lóng, hạng tiếng bẩn, v.v. Đây là lý do có sự sử dụng thích hợp các hạng từ cho những ấn phẩm báo nói báo viết báo hình: chỉ có từ ngữ hạng trang trọng formal được sử dụng, còn phong cách thì thuộc thể loại báo chí nghĩa là phải đáp ứng cho đủ lượng chữ được hạn chế bởi số cột số trang. Trong khi đó, Việt Nam tại bị vì bởi chiến tranh nên đã hoàn toàn bỏ phế chuyên ngành văn phạm học tiếng Việt, bỏ mất dấu gạch nối đặc thù của tiếng Việt, bỏ luôn các phân hạng từ trong từ vựng tiếng Việt, dẫn đến việc sử dụng từ vô tội vạ, hoàn toàn sai, hoàn toàn bậy bạ trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Người ta vô tư phát những bản tin về những nghệ sĩ nhí, về sự lựa chọn không tồi khi một Đảng ở Mỹ đề nghị ứng cử viên tổng thống, về sự găm hàng, về đi phượt, về ngáo đá, về bật mí, về y xì, về gậy tự sướng, và về vô thiên lủng thứ, cứ như thể tất cả những từ lóng và hạ cấp đó đương nhiên là từ chính quy không cần sự sàng lọc của thời gian và của giới học thuật hàn lâm về ngôn ngữ để được phép sử dụng đại trà trong văn chính quy chính thức. Thậm chí có tờ báo còn đăng ý kiến của nhà học thật nào đó rằng nên bổ sung ngay các từ mới xuất hiện trong xã hội vào từ điển tiếng Việt, chẳng khác nào một anh đi thu gom rác y tế ở phường đề nghị cách vi phẫu thuật thần kinh vậy. Đọc những bài báo, xem những game show hay nghe những bản tin tức thời sự chính thống, học sinh Việt Nam sẽ tự nhiên xem bản thân mình cũng có quyền dùng các từ lóng đó trong bài luận văn của mình tại lớp, trong thư từ gởi ông bà cha mẹ, và trong đối thoại với nhau hoặc đối đáp với Chủ Tịch Nước. Đây là thảm họa.

Không ai nhận thức được rằng nghệ sĩ thiếu niên nhi đồng mới là từ được phép sử dụng chính quy trong học tập và truyền thông.

Không ai nhận thức được rằng quyết định của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp kéo pháo ra khỏi trận địa Điện Biên Phủ là một quyết định không tồi là nội dung chỉ được viết nên hay phát biểu bởi kẻ mất dạy.

Tương tự, chỉ cần những người công tác biên tập của các tòa soạn báo Việt Nam đọc báo chí đẳng cấp cao bằng tiếng Anh của giới tài phiệt truyền thông Âu Mỹ đang thống trị toàn thế giới là có thể nhận ra ngay rằng không bao giờ nhà báo của họ dùng những tiếng lóng kiểu như phượt, găm hàng, ngáo đá, bật mí, v.v. trong toàn bộ các bài viết dày cộm dồi dào tràn ngập trong báo và tạp chí tuyệt đẹp tuyệt mỹ tuyệt vời của họ như Time hay Newsweek.

Là tiến sĩ giảng dạy đại học mà dốt ngoại ngữ, hoặc học ngoại ngữ không đến nơi đến chốn cho tương xứng với trình độ tiến sĩ luôn đòi hỏi sự dày công nghiên cứu thường xuyên tư liệu tiếng nước ngoài, thì rõ là văn bằng tiến sĩ ắt do nhờ người khác thi hộ hoặc do Nhà Nước phát ban mới có.

Là nhà biên tập của giới truyền thông chính quy mà không biết có sự khác nhau giữa các hạng từ, không biết sử dụng hạng từ duy nhất thích hợp cho báo chí thời đại toàn cầu hóa nghĩa là phải vươn lên ngang tầm với người ta về đẳng cấp dùng từ, thì chẳng khác nào biến báo hình ngang đẳng cấp tiết mục tấu hài, biến báo chữ ngang đẳng cấp tờ rơi quảng cáo khu nhà thổ, biến báo mạng ngang đẳng cấp trang web khiêu dâm.

Hãy học ngoại ngữ Âu Mỹ rồi đem áp vào cách hành văn tiếng Việt cho chính xác tương hợp, vì rằng khi một vị lãnh đạo Việt đọc diễn văn rằng “Là tương lai của đất nước, tôi cho rằng thanh niên nên…” thì theo văn phạm Âu Mỹ, cụm từ “là tương lai của đất nước” chỉ bổ nghĩa cho chữ “tôi”, khiến câu nói tiếng Việt như thế sẽ biến thành câu tiếng Anh mang nghĩa khôi hài rằng “chính tôi là tương lai đất nước và chính tôi cho rằng…”; vì vậy nhất thiết phải viết lại câu phát biểu ấy thành “tôi cho rằng: là tương lai đất nước, thanh niên nên…” mới có sự chính xác tương hợp giữa văn phạm tiếng Việt và tiếng Anh. Khi áp văn phạm Âu Mỹ vào tiếng Việt để cho ra các khai niệm tương hợp về mệnh đề chính và mệnh đề phụ, truyền thông sẽ không còn đưa tin như “mặc dù đã…, tuy nhiên….” hoặc “dù…, nhưng…” mà người nước ngoài học tiếng Việt sẽ không tài nào hiểu được vì câu ấy có hai mệnh đề phụ hoặc một phụ một độc lập, không có mệnh đề chính, mà đã là phụ thì chúng bổ nghĩa cho cái gì, hoặc đã là độc lập thì chúng càng không nhận sự bổ nghĩa của cái gì, vì lẽ ra một khi đã dùng “mặc dù” thì mệnh đề theo sau trở thành mệnh đề chính nên không được phép tùy tiện có chữ “tuy nhiên” của mệnh đề độc lập, còn khi đã dùng “dù” bắt đầu một mệnh đề phụ thì “nhưng” lại bắt đầu một mệnh đề độc lập khiến tất cả trở thành những thứ rất tồi tệ về văn phạm mà tiếng Anh gọi là dangling modifiers tức những thứ lòng thòng lửng lơ chẳng dính đâu vào đâu cả.

Bảo vệ sự trong sáng kiểu gì mà thay cụm từ Hán-Việt đầy uy lực sử dụng công lộthành cụm từ đầy sơ hở tham gia giao thông khiến tình trạng xe cộ chạy loạn xạ làm nhục quốc thể như hiện nay.

Bảo vệ sự trong sáng kiểu gì mà thay cụm từ Hán-Việt đầy hấp dẫn cao đẳng kỹ thuật cung cấp cho đời biết bao cán sự kỹ thuật tài ba bằng cụm từ cháo pha cơmcao đẳng nghề thấp kém khiến xã hội luôn thiếu những người mà sự bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt dìm xuống thành thợ.

Và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt kiểu gì mà thay thế từ thuần Việt đĩ và từ Hán-Việt mại dâm vốn bao đời giúp đĩ cứ tự do hành nghề nhưng trong tư thế luôn cúi gầm mặt trong xã hội thành từ thuần Việt trang trọng trân trọng đầy tôn kính tôn vinh gái bán hoa khiến đĩ trở nên vinh diệu vác mặt lên trời đầy kiêu hãnh, trở thành phong cách sống của các nữ celebrity, thậm chí được các nhà sử học tự phong và các vị thạc sĩ tiến sĩ trên trời rơi xuống chụp lấy như đề tài quý báu để dồn trí tuệ tâm huyết lên báo chí kiến nghị lập khu nhạy cảm, nhằm biến mại dâm nữ thành một nghề chính thức chính quy cần phát triển nhân rộng trong cả nước, kể cả bên cạnh đền thờ Bà Triệu, Bà Trưng.

Hãy dừng ngay cái sự nhí phượt ngáo tồi hạ đẳng ấy rồi bắt đầu đi học ngoại ngữ Âu Mỹ để nhà biên tập báo chí không còn vô tình viết nên những cấu trúc lòng thòng hạ cấp để thực sự giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đúng theo tinh thần tinh hoa cao trọng nhất của ngôn từ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng Sản Việt Nam thực sự mong muốn ước muốn hằng muốn song nhiều chục năm nay chẳng mấy ai hiểu thấu hiểu rõ mà chỉ có hiểu lầm.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế


Tham khảo:
Hoàng Hữu Phước: Tham Luận: Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt-Anh Và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
Hoàng Hữu Phước: Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Chẳng Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến
Hoàng Hữu Phước: Tham luận: Những Phân Tích Mới L‎ý Giải Vấn Nạn Bất Tương Thích Giữa Đào Tạo & Sử Dụng Nhân Lực Trình Độ Đại Học và Các Biện Pháp Cách Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét