Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

"Bản toát yếu" Thuyết dung thông và đạo làm người

 



(Viết thể theo yêu cầu một số độc giả, sau khi đã xem 2 PHẦN ngót mấy chục trang trên VCV về "Thuyết Dung Thông & Đạo làm người", nay muốn liếc mắt nắm gọn cốt lõi. Ngoài ra các bạn chưa đọc cũng muốn trước khi khởi đọc cà 2 PHẦN đó, thì sơ qua cái tóm tắt thật ngắn về nó.)

Sự vận động di chuyển để truyền đạt (DUNG), để giao lưu, liên thông, kết nối (connection) một cách thường xuyên, thuận nghịch, nhiều tầng, nhiều chiều và thông suốt (THÔNG). Điều này đã được tác giả chứng minh là một quy luật phổ biến, tổng quát nhất của toàn bộ thế giới hữu hình và ẩn hình: từ toàn vũ trụ, các sinh vật, đến các ‘hạ-hạt’ nguyên tử (học thuyết vật lý hiện đại ‘Bootstrap’ của Geoffrey Chew) trong trời đất, từ toàn xã hội đến từng cá thể kể cả tinh thần, tiềm thức, tâm hồn... Mọi vật thể, mọi hiện tượng là một khối, trong đó tính chất của phần này được xác định bởi tất cả các phần kia.

‘Dung thông’ thực ra là nguồn căn, bản chất, sự phát triển và động lực phát triển của vạn vật và sự sống. ‘Dung thông’ lại là bản chất, ý nghĩa, mục đích, lý tưởng, niềm vui và hạnh phúc của mỗi con người ta.
Dung thông từ chỗ là một quy luật phổ quát của tự nhiên, xã hội và con người như nêu trên đã được tác giả chứng minh đáng được bản thân mỗi người thấm nhuần thành một nhân sinh quan, một triết lý sống, làm cốt lõi cho một hệ thống các cách thức thực hành rèn luyện tu dưỡng từ gốc tâm hồn đạt đạo làm người, đạo lý xử thế trong sáng mà giản dị (với bản thân và mọi người) kể cả cách xử lý hiệu quả nhất đối với stress, giữ “tâm hồn thanh thản”, nâng cao kiến thức và văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu thương và đạo đức (nhất là chống lòng tham), rồi trách nhiệm nhập cuộc, nối các giai đoạn tuổi đời, và kiến tạo tình yêu, chia sẻ, hạnh phúc, và cả thái độ đối với cái chết.

Trong các mặt ứng dụng vừa nêu, lấy một ví dụ “ĐẠO LÀM NGƯỜI THEO THUYẾT DUNG THÔNG” giúp mỗi người tự thức tỉnh, xem lại mình mọi lúc của mỗi ngày và suốt toàn bộ cuộc đời: có lúc nào thụt lùi về giác ngộ dung thông thuận-nghịch không? Nếu chỉ một chiều ích kỷ dòng dung thông tích luỹ nhận vào (từ sinh thành, vật chất, tinh thần, yêu thương, v.v…) rồi khư khư giữ riêng cho mình, không dòng dung thông sẻ chia ra cho ai cả; không làm việc, sáng tạo, đóng góp đáp trả đời (kể từ công đức mẹ cha tổ tiên, dân tộc…, đến mọi người đang sống trên tổ quốc và thế giới) như ‘quỵt’ công vậy, thì rõ ràng phải đánh giá là không đàng hoàng công bằng sòng phẳng tử tế và phải đạo, phạm quy tắc có đi có lại, được-cho, nhận-trả (kể cả NHẬN của quá khứ phải TRẢ cho hậu dụê).
Thuyết Dung Thông & Đạo làm người :Tóm lược của chính tác giả GsTs Nguyễn Huy Dung.VCV không có đề mục phù hợp tuy nhiên VCV đã giới thiệu anh như một nhà thơ và hy vọng bạn đọc chia xẻ với anh về học thuyết này mà anh là tác giả.

[Cuốn sách đã được đăng ký bản quyền tác giả 7-2003]

Việc rèn luyện từ gốc-tâm-hồn ai cũng nên, cần và có thể tiến hành, duy một điều phải ý niệm rõ: đây là công việc rất nghiêm túc, rất công phu, đòi hỏi quyết tâm + chịu khó + kiên trì vì lẽ nó không những mang tính khoa học, nghệ thuật mà còn là một đạo lí.

Nói đúng hơn, đích cao mà rèn luyện này nhằm đạt tới là tầm cao một đạo lí, nó là chỗ dựa cho lòng tin, tinh thần, hành vi của mỗi người, mỗi xã hội. Rèn luyện càng tốt có nghĩa là tiếp cận càng gần hơn nữa tới đạo lí ấy: đạo làm người dựa trên Thuyết DUNG THÔNG.

Chữ ‘dung’ có rất nhiều nghĩa, ở đây ‘dung thông’ hạn chế trong chữ dung “/ ” là ‘lưu thông, lưu chuyển, chảy trôi để truyền đi’; cũng có nghĩa ‘sáng sủa’, còn có nghĩa ‘biến sang thể khác (thể lỏng)’. Thông “/ ” là ‘thoáng, đi xuyên qua được’; còn hàm nghĩa ‘tạo nên sự hoà hợp’. ‘Dung thông’ cũng gần nghĩa với ‘Giao lưu’ nhưng nhấn hơn về mức di chuyển, mức thông suốt (một cách trọn vẹn và toàn diện), mức liên tục, phổ quát. Sơ bộ cũng đã thấy đạo ‘dung thông’ coi sự vật chỉ tồn tại trong các mối tương tác và trong tình trạng chuyển động, trong tiến trình của nó.

Tiếp sau đây ta lần lượt chứng minh dung thông là quy luật phổ quát trong tự nhiên, trong xã hội, quy luật mà chúng ta không thể không dựa vào để tạo nên một hệ thống tu dưỡng tâm hồn, xây dựng một triết lí sống, một đạo lí xử thế (với bản thân và mọi người), một tâm đạo. Nếu đúng như vậy thì dung thông là điều cốt yếu, cốt lõi của mọi cốt lõi, có nó ta sẽ không bị lan man mà dần nắm trọn vấn đề.

NHỮNG VẠCH NỐI

Ở khuôn khổ của bài tóm lược này, chỉ xin vắn tắt những điều cơ bản về dung thông mà chúng tôi đã chiêm nghiệm, viết, ứng dụng trong gần bốn chục năm nay. Một trong các cốt lõi của dung thông là vấn đề ‘những vạch nối’:

Người ta ai cũng muốn sống xứng đáng, muốn thành công hạnh phúc, cho nên không thể không rèn luyện. Ai ai cũng hiểu sự cần thiết phải ra sức rèn luyện. Nhưng rèn luyện, xét đến cuối cùng, phải từ nền tảng đích thực, từ bản chất con người. Có nghĩa rằng phải từ Gốc, tức từ tâm hồn. Rèn luyện tu dưỡng tâm hồn là cơ bản nhất trong rèn luyện và khởi đầu rèn luyện cũng phải từ tâm hồn. Nó làm nền tảng, làm hạt nhân cho rèn luyện. Chúng ta sẽ vững vàng đi từ TÂM đến mọi mặt của THỰC TẠI, sẽ bình tĩnh, kiên tâm xuất phát từ bên trong lòng ta, thực sự ‘đi’ từ tâm hồn!

Chúng ta đã thấy không ít những thất bại ê chề của tham vọng thực dụng đến cực đoan dạy ‘thành công’ (chỉ cốt thành công thôi, “thành công” bằng mọi giá!) bằng ki xảo tỉ mỉ tinh vi nhưng giả dối, thậm chí bằng ‘chân thành dỏm’. Ôi, có thể lừa được người đấy, nhưng ngắn ngủi thôi. Con người ta “thức khuya mới biết đêm dài”, “đi đêm có ngày gặp ma”. Cuối cùng rồi mà coi, trăm lần cái ‘ngọn’ hình thức giả dối bề ngoài, chẳng bằng một cái ‘gốc’ chân chất sâu bền từ bên trong tâm hồn chân chính. Tập “luôn đeo mặt nạ”(!), tập mặt dày, vô cảm, mất tính người, đạo đức giả thì dù biện minh (xin miễn nêu tên tác giả này) bằng lời lẽ mĩ miều, cao siêu và gì gì đi nữa thì vẫn là khập khiễng, chưa chính danh, không chính trực.

Còn rèn luyện tu dưỡng từ cái Gốc-tâm-hồn, đã nêu từ đầu, thực chất là gì? Là tăng trưởng tâm hồn đồng thời phát triển tâm hồn bằng cách cho tâm hồn chủ động học chứ không thụ động chịu sự giáo dục. Tâm hồn phải tự học, tự rèn … là do động cơ, mục đích, mục tiêu gì? Do mục đích để có động lực sống xứng đáng, để ‘làm người’ vậy. Mà ‘làm người’ bao hàm nghĩa biết xử thế với xung quanh, với đời (và với chính bản thân). Tức là biết xử lí tốt các vạch nối với xung quanh.

Vạch nối cũng tựa như con kênh cho dòng giao lưu. Vậy hệ thống rèn luyện tu dưỡng tâm hồn để đạt đạo lí dung thông, trước hết là phải làm sao cho hiểu ra được, ý thức được và giác ngộ được những vạch nối với xung quanh ấy. Cao hơn nữa, biết tạo ra được những ‘vạch nối’ tốt với xung quanh, tức tạo những kênh giao lưu tốt cho tâm hồn.

Đó quả thật là một việc to lớn, có phạm vi thật mênh mông, có thể nói liên quan với hầu hết mọi vấn đề nhân văn hiện nay của lòai người chúng ta. Sự nghiên cứu và bàn bạc của chúng ta tất nhiên rất giới hạn về một đề tài không có giới hạn. Một vấn đề không dễ chút nào. Như đã chứng minh, rèn luyện tâm hồn có những nét của nghệ thuật, thì trong đó khó nhất là nghệ thuật tạo những vạch nối tốt ấy.
Gọi là vạch nối tốt có nghĩa rằng giao lưu phải hanh thông, trọn vẹn và liên tục không ngừng. Lại phải hai chiều thuận nghịch. Rồi lại hai hướng: ngang và dọc; tức là các vạch nối gồm 2 nhóm – nhóm vạch nối ngang và nhóm vạch nối dọc.

NHỮNG VẠCH NỐI NGANG là với mọi người cùng thời và cả thiên nhiên cùng muôn loài (giao lưu đồng đại). Giao lưu ngang trên bình diện đồng đại gồm ‘đa hướng’: với nhiều cá thể, nhiều cộng đồng, nhiều quốc gia, châu lục, nhiều nền văn hoá, giữa các khối tôn giáo-sắc tộc (điều cuối này, như thực tế cho thấy, là khá khó khăn).

NHỮNG VẠCH NỐI DỌC là với quá khứ, tương lai (giao lưu lịch đại). Dòng giao lưu dọc chảy thông suốt, không cắt khúc, từ đầu đời tận cuối đời mỗi cá thể, từ thăm thẳm quá khứ nhân loại-dân tộc-gia tộc xuyên dọc tới mỗi cá thể đương đại để còn xuyên suốt thời gian vị lai nhân loại e còn mênh mông hơn.

TRONG VẠN VẬT

Tạm rời vấn đề rèn luyện đạo lí làm người thông qua những vạch nối của sự giao lưu ấy, để nhìn rộng ra vạn vật.

Quan điểm nhận-thức-luận của đạo lí dung thông coi mỗi vật thể và sự vật là luôn trong tiến trình, lưu thông, chuyển động, tự biến chuyển, biến hoá trong sự giao lưu (thông qua những vạch nối) với những vật thể và sự vật tương ứng.

Bên trong mỗi vật thể và sự vật ấy lại không ngừng diễn ra sự giao lưu nội tại (cũng luôn biến chuyển) thông qua rất nhiều những ‘vạch nối’nội tại, chính điều này quyết định sự tồn tại (và biến chuyển) của vật thể như một “chỉnh thể”. Cần phải coi mỗi vật thể là một khối thống nhất là vì vậy.

Mỗi vật thể, sự vật tồn tại (và biến chuyển) là khi có mặt âm và dương (hai mặt đối lập – mâu thuẫn – nhưng không nhất thiết đối kháng) nội tại trong bản thân nó và giữa nó với bên ngoài. Nên nhớ, chẳng còn gì gọi là âm và dương (“cô âm” và “cô dương”) nếu không có mối liên hệ, tương quan, tương tác giữa chúng: tất cả là ở ‘vạch nối’, ‘sự kết nối’ ‘sự giao lưu’ qua lại giữa chúng.

Cách tiếp cận này rõ ràng là ngược với cách tiếp cận siêu hình chỉ chia tách, cắt rời, chẻ nhỏ mãi sự vật, không thấy rằng khi cắt các ‘mối liên hệ và giao lưu nội tại’ nói trên thì vật thể chẳng còn các đặc điểm của chính nó nữa.

Ta chú ý, nhận-thức-luận của đạo lí dung thông lại luôn xét các bình diện cứ cao hơn, rộng hơn mãi: mỗi vật và sự vật (đúng hơn, mỗi tiến trình của vật thể và sự vật) luôn có những ‘vạch nối’ chằng chịt nhiều tầng, nhiều cung bậc với các tiến trình của các vật xung quanh… Lại có thể coi mỗi tiến trình của mỗi vật thể tự mình cũng là một dạng vạch nối trong một bình diện lớn hơn.

Nội dung của dung thông (nội tại hay với chung quanh) nêu trên là: những mối liên hệ, kết nối, tương quan, thậm chí là những tương tác (có thể là tương kết: tương hỗ, đồng vận, đồng thuận; hoặc là tương phản: mâu thuẫn đối kháng…).
Kết quả của sự dung thông ấy là sinh ra động lực duy trì sự giao lưu của vật thể hoặc tạo ra dạng chuyển động giao lưu mới. Có khi trong nội dung của dung thông có thể có bản thân những dòng chảy trao đổi hoặc đổ vào nhau, hoà nhập vào nhau với kết quả là sự nối liền, sự tự biến thành ‘nhất thể’, thành dạng mới khác v.v…

Tóm lại, mọi vật thể và mọi sự vật khi hình thành - tồn tại, khi tăng trưởng - phát triển, khi chuyển dạng sang trạng thái khác v.v.., thảy đều do sự dung thông không ngừng, như vậy là nhờ ở những ‘vạch nối’ phong phú.

Sự giao lưu theo nghĩa rộng như nêu trên cần được gọi là ‘dung thông’. ‘Dung’ với nội dung như đã nêu trên, là: lưu thông, chuyển động, truyền đạt trao đổi qua lại, là biến đổi hoặc biến hóa sang thể khác. Như vậy dùng chữ ‘dung’ để bao hàm quan niệm vạn vật luôn chuyển động (tiến trình, dòng chảy) và luôn biến đổi, song cần hiểu do động lực gì? Đó là do kết quả của ‘thông’, của tương tác (đồng vận hoặc/và đối kháng) với những tiến trình khác liên quan.

TRONG TRỜI ĐẤT, vạn vật từ cái nhỏ nhất, ví như một hạt điện tử (electron, proton, nơtron, positron…) nằm trong một nguyên tử, phân tử, hoặc như một ti lạp thể trong một tế bào sống, cho đến những cái to lớn vĩ đại như một nước, toàn cầu, các hành tinh, toàn vũ trụ.., thì nguồn gốc, bản chất, sự tồn tại, sự vận động và phát triển (và cả động lực cho sự vận động-phát triển ấy)… đều chứa đủ hoặc nằm trọn trong sự giao lưu - dung thông ấy. Mỗi vật và sự vật ấy luôn nhận những tác động liên tục từ nhiều phía và thông lưu hai chiều thuận-nghịch (vào-ra) với nhiều phía.

CÁC PHẦN TỬ CỦA VẬT CHẤT, như khoa học hiện đại cho thấy, chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể; “thế giới bên ngoài và thế giới bên trong chỉ là hai mặt của một mạng lưới duy nhất… gồm vô số những mối liên hệ tác động lẫn nhau”. Rồi phần rất nhỏ của vật chất là nguyên tử cũng gồm nhiều hạt (nơtron, proton, positron… trong nhân, và các electron chung quanh) chuyển động không ngừng trong tương tác và giao lưu–dung thông chặt chẽ. Và sự tiến bộ vượt bậc của vật lí học hiện đại không những làm phá sản hẳn ý niệm những hạt (electron, proton…) trong nguyên tử như đơn vị nhỏ nhất của vật chất, mà còn làm phá sản ý niệm rằng phải có hạt cơ bản (nhỏ nhất) hay ‘trường cơ bản’, để khẳng định các hạt ‘hạ nguyên tử’ cũng chỉ là những dạng chuyển tiếp, luôn biến dịch, hầu như không hiện hữu, vậy phải coi là tiến trình chứ không chỉ là vật thể, và động năng có thể biến hoá thành khối lượng. Nhưng, dẫu có thêm nhiều phát kiến lớn lao, mới mẻ như thế, tất cả các phát kiến hiện đại ấy không bác bỏ mà chỉ thêm củng cố, chứng minh sâu hơn quy luật dung thông, càng khẳng định sự phong phú của những dạng dung thông.

Đỉnh cao ‘vật lí hạt’ hiện nay là quan điểm của Geoffrey Chew, gọi là thuyết “Bootstrap” (dải quấn dày) về hạt. Thuyết này đã phát biểu bằng xác suất phản ứng trong thuyết ma trận S (Scattering) và đã thống nhất cơ học lượng tử (Bohr và Heisenberg) và thuyết tương đối (Einstein) trong một thuyết, nhấn mạnh ‘tính liên hệ nội tại’, sự dung thông của mọi sự vật. Cuối năm 2001, trong 10 phát minh khoa học hàng đầu thế giới có phát kiến từ Canada rằng không phải mặt trời phát ra quá ít nơtron (như lâu nay tưởng) mà do các hạt này đã biến đổi chuyển sang dạng khác trong hệ hạt hạ nguyên tử. Bản thân hiện tượng ở đây và bản thân thuyết Geoffrey Chew xét kĩ đều minh chứng quy luật dung thông.

Thế là, hiện nay một số nhà bác học vật lí lí thuyết, từ bỏ phương pháp tư duy chia cắt, chẻ nhỏ và cơ giới hoá vốn ngự trị hàng mấy ngàn năm trong khoa học phương Tây. Họ khâm phục các trường phái đạo học phương Đông (cổ Ấn Độ, cổ Trung Hoa) giải thích tính nhất thể của vũ trụ và mối quan hệ qua lại (tương tác) rất ‘động’, trong đó mọi sự vật đều đang không ngừng đổi thay, hình thành, tái hình thành…. Có nghĩa rằng ở cái ‘thực tại cuối cùng này’ tự bao giờ vẫn luôn có quy luật dung thông (dung thông đến mức hoà thành Một) và do đó tạo ra biến dịch. Sự biến thiên -thay đổi là đặc tính chủ yếu, quan trọng nhất của Tự nhiên.

Tóm lại, sự dung thông nằm trong quy luật cơ bản của Tự nhiên. Cái gì thuận theo quy luật dung thông ấy thì tiến triển và không bị ngược dòng chảy của vạn vật.

Còn SỰ SỐNG LÀ GÌ?
Từ năm 1950, chúng tôi được học sự sống, ngay ở dạng sinh vật đơn bào biển, hay nhỏ hơn, ở dạng virut, thì cũng luôn luôn là một dạng của sự trao đổi chất (tức giao lưu, chuyển động, dung thông vậy) của protein. Bản chất và nguyên lí của sự sống ở dạng đơn sơ nhất và của sự sống nói chung là: dung thông.

Trong sinh vật học, y học, rồi tâm lí học gần đây đều ứng dụng được lí thuyết hệ thống (system theory) theo mẫu hình từ toán học, vật lí học hiện đại. Cũng có nghĩa rằng dung thông (sự vận động trong tương tác với chằng chịt mối quan hệ (vạch nối) nội tại của hệ thống) là quy luật phổ quát cho sự sống. Cho dễ hiểu, lấy một ví dụ như cơ thể chúng ta là khối thống nhất, phải được xem như là một hệ thống hoàn chỉnh trong đó từng bộ phận có mối dung thông chằng chịt luôn ảnh hưởng tác động lẫn nhau (xúc tiến, kìm chế, giữ cân bằng nhau, hỗ trợ, bổ sung…).


TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Ở đây có vô vàn những mối tương quan thuận nghịch (hai chiều), từ nhiều phía, nhiều hướng, nhiều tầng ví dụ giữa ta với vũ trụ, giữa nước ta với thế giới, giữa một người với cộng đồng xã hội, giữa một tâm hồn với mọi tâm hồn…Tương quan ấy có thể là tương phản, mâu thuẫn đối kháng, có thể là tương kết, tương hỗ, đồng vận, đồng thuận (liên kết nhau ở những điểm tương thích, phù hợp), có khi còn liên thông, hoà nhập vào nhau thành một dạng tồn tại mới.

Những trao đổi thông suốt, trọn vẹn và qua lại, đa phương tạo nên những chuỗi nối liền nhau trong toàn xã hội. Và những chuỗi nối liền nhau trong thời gian nữa. Sự dung thông ấy không ngừng, không dứt, cứ mải miết lưu liên.

Một cốt lõi trong sự dung thông ấy là sự truyền đạt kiến thức. Mà truyền đạt kiến thức thì quá quan trọng. Quan trọng dến mức L.Tolstoi so sánh: “Toàn bộ sự khác nhau giữa cuộc sống loài người và cuộc sống loài vật là kết quả của sự truyền đạt kiến thức, truyền đạt bằng khoa học và nghệ thuật. Nếu không có truyền đạt khoa học và nghệ thuật thì đã chẳng có cuộc sống con người”.

Mong sao những dòng dung thông cứ hanh thông như nước chảy, trôi đều, xuyên suốt, không một chướng ngại nào có thể mảy may cản ngăn sự chuyển vận sẻ chia kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, tư tưởng, trí tuệ, tinh thần, tình cảm, nhân ái. Dung thông như nước (thuỷ): nước thì đâu cũng đến được, tràn khắp mọi nơi. Nhờ đó khoa học cùng những tinh hoa chân-thiện-mĩ cốt lõi nhất, ưu việt nhất của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng hiện tại và của nền văn hiến và bản sắc dân tộc tự ngàn xưa cứ thế luân lưu, lưu truyền mãi.

Xã hội tiến nhanh hay chậm lên hiện đại văn minh là phụ thuộc tốc độ sự dung thông đó. Những yếu kém quản lí, những suy đồi đạo đức, những sai lầm kinh tế, thậm chí những độc quyền, hủ tục v.v... mà cản trở dòng dung thông nọ thì đều kìm hãm sự tiến lên của xã hội trong từng thời kì.

Trước nay ta biết ở những vùng sâu vùng xa, đường giao thông mở ra đến đâu thì văn hóa - văn minh lan rất nhanh tới đó. Cũng vậy, ngày nay khoa học kĩ thuật số cùng mạng internet làm bùng nổ thông tin đầy ắp những kênh chằng chịt đang giúp nhân loại trên khắp toàn cầu một phương tiện quá hữu hiệu để dung thông nhanh chóng, tức thì, rộng lớn, đầy đủ, nhiều hướng, nhiều mặt và hai chiều, nhiều tầng, nhiều cung bậc không những liên tục cập nhật hoá và có tổng hợp, mà còn phân loại một cách bài bản. Nó như chứng minh sự thông tin- dung thông tốt tự nó đẻ ra kiến thức và thông tin mới thậm chí đẻ ra của cải vật chất nữa. Vấn đề là phương tiện internet ‘thần thông’ này phải được tận dụng cho nhu cầu của quy luật dung thông, nhưng phải chú trọng về chất lượng của nội dung và phải được trình độ trí tuệ và tâm hồn phân biệt nhuần nhuyễn rành rõ phải/quấy và phân biệt rõ động cơ sâu xa của một số loại thông tin.

Đó là mấy minh chứng thật dễ thấy của vai trò dung thông ở thời hiện đại. Còn vai trò và nguyên lí của dung thông thì đã có mặt trong trời đất từ khai thiên lập địa; và đã có mặt tự xa xưa trong xã hội loài người.

ĐỐI VỚI MỖI CÁ THỂ, sống là đồng nghĩa với dung thông, có dung thông mới là tồn tại; khi giảm dung thông tức là có dấu hiệu đang già đi; nếu dung thông bị ngưng lại hoàn toàn có nghĩa là đã chết; sau khi qua đời mà tư tưởng, đạo đức vẫn dung thông tức là vẫn còn tiếp tục tồn tại.
Ở đời, mỗi cá thể muốn “sống cho ra trò” không thể không coi trọng thực hiện tốt các dung thông.
Nói cách khác: không có những kết nối thì làm gì có sự sống.

Cao hơn thế nữa, muốn làm người cho xứng đáng, muốn tự rèn luyện, tu dưỡng hoàn thiện hơn, muốn ứng xử có văn hoá đẹp và thành công thì phải vận dụng tốt nhất quy luật dung thông đã được nâng lên thành kim chỉ nam cho mọi hành vi, thành cả một con đường đi - dung thông đạo.

ĐỐI VỚI MỖI TÂM HỒN của mỗi cá thể thì bản chất, nguồn gốc, sự tồn tại, sự phát triển tâm hồn và cả bản thân động lực vĩnh cửu của sự vận động-phát triển liên tục ấy... đều do quy luật dung thông chi phối.
Loài người là cao quý chính vì có khả năng tự hoàn thiện và biết coi trọng việc không ngừng tự hoàn thiện mình, nhất là hoàn thiện tâm hồn.

Phương cách tự hoàn thiện là dung thông. Dung thông (hai chiều) với xung quanh, với quá khứ của nhân loại và cả qúa khứ của bản thân.

Con người đã từng bước nhờ dung thông như thế để tích luỹ rồi tận dụng kinh nghiệm trong suốt cuộc đời của mình trải qua xiết bao chông gai và thử thách, giằng xé và xung đột... Nhờ đó mà ‘nên người’, mà ngày càng hoàn thiện.

Hoàn thiện về nghề nghiệp và về mọi mặt khác. Kể cả hoàn thiện phương pháp học tập (và dạy học cũng thế): Cứ nói ngay như nếu trình độ dung thông không tốt thì làm sao đánh giá tác dụng của mỗi lời người nói qua ánh mắt nét mặt người nghe mà luôn có những cải tiến tức thì?. Chính dung thông là cốt lõi của sư phạm hiện đại, lấy người học làm trung tâm, đào tạo tích cực với ‘phương pháp hoạt động’ động não và trao đổi.

Cao hơn nữa, bản thân dung thông cũng là một trong các mục tiêu của rèn luyện tâm hồn: bởi vì mục tiêu phía trước mặt của rèn luyện tâm hồn lại chính là để phát ra được dòng giao lưu, dung thông tiếp tục.

Trong nội dung rèn luyện tâm hồn đó có những vấn đề lớn như trau dồi nhân cách, lương tâm và lòng vị tha, đấu tranh cho hạnh phúc, say mê học tập, triệt để phát triển tài năng tiềm ẩn, diệt kiêu ngạo, đố kị và cả stress nữa, rồi lại liên tục xác định lí tưởng (cùng lẽ sống, lí do tồn tại và ý nghĩa cuộc đời) v.v... Tất cả các việc trên đều nhờ sự tiếp nhận tốt các dòng dung thông và tất cả lại cũng đều có nhằm mục tiêu (cái đích) tiếp tục phát ra những dòng dung thông với xung quanh, vì người khác (của hiện nay và cả của mai sau nữa). Bởi cái đạo nghĩa dung thông ‘sống đâu chỉ vì mình’, còn vì người khác, vì nhân quần lâu dài, do đó cái đích luôn luôn trước mặt ta phải là những hành động dung thông với những đối tượng đó.
Bởi vậy mới nói “dung thông vừa là nguồn gốc, vừa là động lực của phát triển tâm hồn, lại vừa là đích của phát triển tâm hồn”.

*
Trên lữ trình rèn luyện từ gốc tâm hồn đó, ta sẽ từng bước hoà nhập mạng dung thông, có thu có phát.
Không những ta chỉ tò mò học hỏi tức tiếp nhận (có kiểm tra) dòng dung thông từ quá khứ và từ khắp mọi nơi.

Mà còn phát đi luồng dung thông tới mọi người và cả hậu thế nữa, nếu được.
Vâng, ‘cả hậu thế nữa’ vì mỗi chúng ta được thừa hưởng rất nhiều thành quả từ các thế hệ đi trước, tự mình phải làm sao góp phần cho những lớp đến sau được khá hơn, sung sướng hơn chúng ta. Đó là một dạng của ‘lòng vị tha’ trong đạo lí dung thông. Mà cũng là đạo sống có trước có sau, có đi có lại một cách sòng phẳng ở trong lẽ dung thông.

Cũng trên lữ trình đó một tâm hồn thấu đạt lẽ dung thông, khi tiếp cận đánh giá mọi vấn đề, thường bao dung, không thành kiến, không phiến diện, không cực đoan mà nhìn nhận chính xác vạn sự trong nhân sinh bằng con mắt tổng quan, coi bản chất sự sống của mỗi cá thể, của bản thân và của toàn nhân loại muôn thuở là tổng hoà những mối dung thông từ biết bao kênh vạch nối kia.

Ví dụ để đánh giá phẩm chất, đặc điểm một con người, một dân tộc v.v.. lẽ dung thông hướng ta tránh cái sai lầm quên căn cứ vào vị trí (‘toạ độ’ giao điểm) của họ trong phức hệ các dòng dung thông chằng chịt.

Chợt nhớ lại câu của kẻ xâm lược ‘năm xưa’ (chữ ‘xưa’ vừa hoà hiếu vừa đúng thực tế đã gần 4 thập kỉ rồi còn gì) “đánh cho Việt Nam trở lại thời đồ đá!”. Ở góc độ đạo lý dung thông, thấy câu ấy tuy láo xược mà vẫn đáng thương thay sự u mê về lẽ dung thông nên chưa bén tới trình độ hiểu ra ‘tổng hoà những mối dung thông’. Họ chưa hiểu hết được con người Việt Nam chân chất hiền hoà, bé nhỏ kia sự thực là giao điểm những dòng dung thông nào. Trong đó chí ít cũng có dòng dung thông từ lời ‘tuyên ngôn’ hào hùng “Nam quốc sơn hà nam đế cư …” thuở Lý Thường Kiệt. Điều này cố vấn Kissinger chợt nhận ra khi thăm bảo tàng lịch sử Việt Nam năm 1993.



NỘI DUNG MỖI DÒNG DUNG THÔNG

Chất lượng của sự dung thông là phải đầy đủ, trọn vẹn, thông suốt và ngày càng tốt đẹp hơn. Đầy đủ, trước hết là bao gồm ba loại dung thông:
• Dung thông tư duy, tư tưởng, phát minh, kinh nghiệm và kiến thức (nhất là kiến thức khoa học ki thuật công nghệ về sản xuất).
• Dung thông tình cảm, ý chí, văn hoá, phong tục, đạo đức (sự công bằng, trong sạch, lòng trung thành, …) và lòng nhân từ-bác ái (tình thương, coi trọng việc từ thiện, vị tha, không sống chỉ vì mình). Trong dung thông tình cảm nêu trên, có khi đơn giản chỉ là một lời khích lệ đối với người nhút nhát, một đồng cảm đối với kẻ đang cô đơn bị bỏ rơi…; nhưng đáng chú trọng nhất là dung thông tình yêu! và sự dung thông (hai chiều) tình yêu này, lạ thay cứ xuôi dòng chảy lưu liên ngàn đời. Ví dụ như tình mẹ yêu thương con vô bờ vô bến, dịu dàng sung sướng chẳng gì sánh nổi, thì lạ thay người con ấy sau này lại yêu con mình cũng như thế, và cứ thế vô tận trong nhân loại.
• Dung thông cả sản phẩm, của cải vật chất …
Mẫu số chung cho cả 3 loại dung thông trên là quan tâm quý trọng người khác như bản thân mình, mong muốn cho họ nhận được những điều tốt lành như mình hằng mơ. Lật sách xưa, thấy Khổng Tử cũng có ý tưởng đó: “Những gì muốn tạo lập cho mình thì cũng muốn cho người; những gì mình muốn thông đạt, thì cũng muốn cho người được thông đạt; xử với bản thân như thế nào thì cũng xử với người xung quanh như thế.”

Nếu may mắn đã sẵn có một tầm hiểu biết nhất định (do hòa nhập vào mạng dung thông đã khá lâu và khá hiệu quả) nên có được những ý kiến của riêng mình thì càng say mê đóng góp với đời sự dung thông với chất lượng sâu sắc hơn.

Và như vậy góp phần nhỏ bé làm trọn vẹn hơn mãi vòng dung thông đồng đại – sự hoà nhập thế giới hiện đại ngày nay, và làm trọn vẹn hơn vòng dung thông lịch đại – sự hoà vào dòng thác chảy liền một mạch thông suốt ‘quá khứ - hiện tại - tương lai’. Nhằm phần nào sòng phẳng đóng góp đáp trả lại với đời:
“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
(… …)
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”
(Nguyễn Công Trứ, bài ‘Chí khí anh hùng’)
Có khi chưa là dâng hiến đóng góp gì như trên mà giản đơn chỉ là một nỗi mong được thổ lộ tâm tình với nhiều tấm lòng bè bạn:
“Con người cần sự sẻ chia
Như đi rừng- cần sao Bắc đẩu”
(Lê Trung Nguyệt, ‘Ngược gió’ Nxb Văn học,1991,tr14)
Nỗi mong như thế ai cũng có thể có, nó xốn xang rất nên thơ lại thật thiêng liêng, thực chất nó là sự mong hoà nhập được mạng dung thông, nó do chính sự thôi thúc của cái lẽ dung thông phổ quát nói trên đã trở thành gần như sự cuốn hút của một bản năng sinh học.

QUY LUẬT, LÍ LUẬN,ĐẠO LÍ DUNG THÔNG

Như vậy là mọi vật thể và mọi sự vật khi hình thành-tồn tại, khi tăng trưởng-phát triển, khi chuyển dạng sang trạng thái khác v.v.., thảy đều do QUY LUẬT DUNG THÔNG chi phối.
Quy luật tức là mang tính bao trùm, tính phổ quát.

Muôn vật và mọi việc đâu đâu cũng chịu ảnh hưởng quyết định của quy luật dung thông. Quy luật này phổ biến trong vạn vật vô tri, trong muôn loài sinh vật, trong xã hội, trong đời sống hằng ngày, trong tri thức-tình cảm-tình yêu-tâm hồn nữa.

Bản chất, nguyên lí và quy luật của sự sống chúng ta, của tồn tại và phát triển xã hội cũng là dung thông.
Mục tiêu, mục đích, ý nghĩa, lí tưởng, hạnh phúc và thành công trong cuộc đời cũng nằm trong sự dung thông đó. Cách tự hoàn thiện của mỗi cá thể, mỗi cộng đồng, mỗi nghề nghiệp cần dựa vào quy luật dung thông.

Lại nói ví dụ, làm người ai cũng thường suy nghĩ tự hỏi “ý nghĩa sự tồn tại trên đời của mình, và cả của mỗi cộng đồng nữa là gì?”.

Thì nay lời đáp: chính là dung thông. Sống là gì? “Sống là dung thông”: từ nhỏ lớn lên, học hành … trưởng thành: chủ yếu là dòng dung thông đi vào; rồi lao động, chuyên tâm trong công việc …: chủ yếu là dòng dung thông đi ra. Nói chung mọi đặc trưng của sống đẹp như ‘lửa nhiệt tình’, không ngừng say mê, vui đời, lửa thiêng lưu truyền thế hệ v.v… và v.v… đều là dung thông tất cả.
Câu hỏi muôn thuở ở cửa miệng mọi người ‘đời là gì?’

Thì nay xét đến cuối cùng, lời đáp gọn: đời chính là dung thông. Hồ Chí Minh đã giải giùm chúng ta: “Ở đời và làm người là phải thế nào? Là phải thương dân, thương nước, thương nhân quần đau khổ bị áp bức…”, mà ‘thương’ chính là dung thông tình cảm và hành động, là cốt lõi của đạo dung thông vậy.
*
Ngoài tính phổ quát như vừa nêu, quy luật (Dung thông), còn phải mang tính khái quát. Lại vì chỉ là ở mức khái quát, nên việc vận dụng quy luật dung thông vào mỗi hoàn cảnh cụ thể đều đòi hỏi sự sáng tạo dựa trên trình độ thấu hiểu thực tiễn!
*
Tổng hợp tất cả cái cốt lõi nhất từ những điều đã trình bày về quy luật Dung thông thành lí luận thì có thể gọi là DUNG THÔNG LUẬN. Dung thông luận có phương pháp luận, có cơ sở triết học, dựa trên truyền thống văn hoá nhân loại, đi tới nội dung một hệ thống lí luận hoàn chỉnh.

Dung thông luận bàn về chân lí, về lẽ đương nhiên của Tự nhiên và xã hội nên mang tính tất yếu. Nó lại như nguyên lí tuyệt đối, nguyên khởi.
Đối với nhân quần, Dung thông luận còn vạch một con đường chính đại dẫn dắt ta cho nên mang tính dẫn dụ, nghĩa là Dung thông luận thực sự là Con Đường (Đạo), một đạo lí: ĐẠO LÍ DUNG THÔNG (Đạo lí làm người dựa trên Dung thông).

Nắm được (thấu đạt được) đạo lí dung thông và làm thuận theo đạo lí đó thì mới dần đạt tới con đường đúng (đạo). Ôi, đạo lí - vấn đề quá lớn mà cổ kim ai chẳng “mê say” “nghe”, “chở”, đàm đạo và xây đắp:
“Triều văn đạo, tịch tử khả hĩ” (sáng nghe đạo lí, chiều dẫu chết cũng được rồi) (Khổng Tử)
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”
(Nguyễn Đình Chiểu)
“Bén mùi đạo lí bén càng say”
(Nguyễn Hữu Chỉnh)
Riêng bản thân chúng tôi thời gian khá dài được hưởng đôi chút sự cuốn hút đó; một lần trả lời câu hỏi của nhà báo đã thú thực: “Từng bước, từng bước lần tìm cốt lõi tâm đạo mong truyền lại cho con cháu nhà là niềm mê say tuyệt đỉnh nửa cuối đời mình.”

Trước tiên, “đạo lí dung thông” đòi hỏi 2 điều. Điều thứ nhất là bản thân mình phải tự giác không sống chỉ vì mình, còn vì sự đóng góp hiệu quả và tốt đẹp nhất cho những người thân yêu nhất, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp, cộng đồng nhỏ & lớn, cho Tổ quốc, đồng bào, cho nhân quần, cho nghề nghiệp chuyên môn, cho khoa học và cho vị lai nữa nếu được (vị lai của bản thân, của con cháu, của nhân quần). Không phải quá tham hoặc cao xa mà vì đạo công bằng (hưởng của quá khứ, phải trả sòng phẳng cho tương lai) và vì dung thông là vị tha (mà một dạng của lòng vị tha là lo cho các thế hệ tiếp nối).

Điều thứ hai “đạo lí dung thông” đòi hỏi là mỗi dòng dung thông phải toàn diện (cả vật chất và tinh thần, cả kinh nghiệm, tay nghề, tri thức, tư duy, tư tưởng và tình cảm, nhân từ và bác ái), phải hai chiều (tức qua lại, thuận nghịch), phải đa phương (nhiều hướng) cả hướng ngang và hướng dọc (dọc thời gian với quá khứ và với hậu thế) mà với nhiều kênh, có khi lại nhiều tầng, phải triệt để (trọn vẹn hanh thông, xuyên suốt …)
*
Yêu cầu như trên của dung thông là ở mức rất cao, mức lí tưởng: có thế mới là đạo. Dù giác ngộ sâu sắc đạo lí dung thông, vẫn khó thực hiện vượt các mức ấy, có thể tiệm cận tới, rồi tiệm cận gần hơn nữa, gần hơn mãi mà không bao giờ vượt quá được. Chúng tựa như đích vòi vọi, ai cũng trông thấy để cố vươn tới. Chúng như kêu gọi mọi con người, đời này qua đời khác hãy phấn đấu không ngừng hướng theo mục tiêu mang tính tuyệt đối, tính lí tưởng ấy. Như vậy là đạo lí dung thông dẫn dắt sức trẻ PHƠI PHỚI của tâm hồn chảy thông suốt không mảy may ngăn cách, ngày càng tiếp cận càng gần hơn nữa tới sự dung thông trọn vẹn, cứ “tiệm cận” mãi (như khái niệm trong hình học) tới gần sự trọn vẹn, có nghĩa là luôn phấn đấu đời đời kiếp kiếp để gần thêm, gần thêm mãi sự trọn vẹn, mà sự tuyệt đối trọn vẹn luôn ở phía trước, cho nên đạo lí dung thông một phần nào CÓ TÍNH CHẤT GẦN NHƯ MỘT TÍN NGƯỠNG, MỘT TÔN GIÁO, nhưng một tôn giáo trong đó không thần linh.

Tính chất tôn giáo đó còn ở chỗ đòi hỏi tính giác ngộ. Mà sự giác ngộ đạo lí dung thông không thể chỉ nhờ lí trí phân tích để hiểu biết, mà do nhờ nếm trải từng bậc của cả một tiến trình kinh nghiệm lâu dài.
Đạo lí dung thông nếu mang một khía nhỏ sắc thái tôn giáo là rất quý và cần thiết trong thực tiễn đời sống con người. Bởi lẽ nhân loại luôn có những nhu cầu về mặt đời sống tâm linh. Quảng đại dân chúng lại luôn cần thiết có điểm tựa tinh thần hoặc sự cứu rỗi.

Nếu gác qua một bên các tranh luận về góc độ tôn giáo thường bị tầng lớp thống trị lợi dụng, gác qua một bên các khảo cứu nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo (không lí giải nổi những thân phận, những thiên tai những bất công …) hoặc nguồn gốc tâm lí (quá quá mong muốn – sống tiếp sau khi qua đời – đến nỗi coi điều quá mong mỏi tự ngàn đời là sự thật đương nhiên khỏi cần suy xét không được phép chứng minh) thì điều còn lại rất quý là mọi tôn giáo đều hướng thiện, nói chung đều dạy:

Chủ động làm điều thiện, nhằm ngăn chặn hành vi xấu, đều giúp tự kiểm soát chặt chẽ mà tự giác (dù không ai hay biết tội đó). Người Việt Nam ta hay nói ‘có quỷ thần hai vai chứng giám’. Chúng ta cứ thử nghĩ coi, cai trị theo ‘pháp trị’ tuy là điều không thể thiếu, nhưng toà án của pháp luật làm sao có thể cao và đáng kính hơn toà án lương tâm và đạo lí thiết lập trong tâm linh mỗi người, nó buộc người ta luôn tự giác phải làm điều thiện và tránh điều ác. Nhờ đó duy trì được thuần phong mỹ tục và sự cân bằng đạo đức tình cảm trong phát triển. Nếu không thì dễ nảy sinh độc ác tàn bạo, phạm tội, mất luân thường, loạn li... Nó như một nhu cầu về ổn định đời sống, thậm chí làm nền tảng xã hội.

Mọi tôn giáo đều hướng tới sự cứu rỗi con người, và tựa như là chỗ dựa về tinh thần và đạo đức... Chính vì vậy mà quảng đại dân chúng đã bao đời nay cần và dễ đi theo tôn giáo.

Nhân loại chấp nhận và tôn trọng tôn giáo vì điều cao đẹp này: điểm xuất phát và bản chất mọi giáo thuyết tôn giáo đều nêu tình thương yêu, lòng vị tha, thậm chí ở mức độ lòng từ bi bác ái (chính khía cạnh này càng rõ nét trong đạo lí dung thông như một cốt lõi cơ bản nhất vậy).
Nếu các bậc thánh hiền, trí giả đều có nhu cầu về con đường đi quang minh (đạo), thì quảng đại dân chúng, kể cả trong nhiều thế kỉ tới, có nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng là chính. Nhu cầu này rất to lớn, tựa hồ như không thể thiếu.


Từ ngàn đời, và mãi mãi sau này, phía trước mỗi con người vẫn treo lửng lơ cái mong muốn (mà tâm lí dễ đánh đồng với cái thực có), mong muốn được tồn tại sau sự hữu hạn của cuộc đời mỗi cá thể. Do đó nảy sinh biết bao cách lí giải cho ‘câu hỏi của mong muốn’ đó của quá đông đảo con người, của quá quá nhiều thế hệ qua hun hút mênh mang thời gian, lí giải bằng muôn hình vạn trạng của cách tưởng tượng rất có hệ thống của từng tín ngưỡng tôn giáo, của riêng mỗi cộng đồng nhân loại, cách tưởng tượng rất khác nhau mang đậm đặc tính thể chất, màu da, phong tục từng chủng tộc.



Cái nhu cầu của đời sống tinh thần và tâm linh ấy là thực sự, nhất là vào những nguyên kỉ thiên tai, những thời đại nghẹt thở bị đè nén quá mức, trái tim và tinh thần bị coi nhẹ.

Nhu cầu tâm linh ấy rất nghiêm túc, rất quan trọng (sự ‘tảng lơ’ nó chỉ là do sợ chuyện tử sinh, hoặc do không trung thực) và đã khiến cho nhân loại nói chung chấp nhận tôn giáo.

Xã hội văn minh tôn trọng tín ngưỡng, tự do tín ngưỡng, vẫn có xu hướng dựa vào nó để nâng đỡ đời sống tâm linh và để hướng quảng đại cộng đồng vào điều thiện.

*

Nhưng sang thời đại tin học với kinh tế tri thức hiện nay, khoa học kĩ thuật và công nghệ cao đẩy lùi dần những mê tín dị đoan phi khoa học (nhiều khi quá mức đến thực sự buồn cười) đòi hỏi một khái niệm mới khác về tôn giáo. Bức xúc nhu cầu một tôn giáo phù hợp tiến bộ như vũ bão của cách mạng khoa học hiện nay mà sắp tới khoa học sẽ còn phát triển một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Sự bức xúc ấy càng nổi cộm cũng hơn bao giờ hết khi xã hội hiện đại toàn thế giới lại đang đối mặt với biết bao bất ổn và khủng hoảng chưa từng thấy về nhiều dạng mất quân bình, với tâm hồn dần cạn kiệt đến trở thành vô cảm, với ‘nhắm mắt tôn thờ vật chất’, dại dột ‘đánh mất một nửa mình’, mất đức tin, thậm chí tha hoá lúc nào chẳng hay...



Nếu ‘Con đường’(đạo) xử thế mới sẽ ra đời ấy mà vẫn mang chút ít tính chất tôn giáo truyền thống, nhưng trong đó không có thần linh, không xây dựng trên nền những tư tưởng thần học, mà lại xây dựng trên nền tảng khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên, tương ứng phù hợp những phát minh khoa học hiện đại (ví dụ ‘vật lí hạ hạt’), thì sẽ càng thích hợp, cần thiết và có sức thuyết phục.

Đạo lí dung thông phù hợp với mọi tôn giáo hiện có và đặc biệt quý báu cho những người không tin phép lạ, ma quỷ, dị đoan, hoặc không thuộc tôn giáo nào.



CÔNG DỤNG CỦA DUNG THÔNG

“Thời-không gian vô biên

Dung thông – thuyền vô địch” (HD)

Dung thông có công dụng rất lớn. Nhưng công dụng lớn lao ấy diễn ra hết sức tự nhiên, như không khí vậy, nhìn không thấy, lắng không nghe, nên ta thường không ý thức về nó.



Nay ta biến nó trở thành nếp suy nghĩ và phong cách sống, lao động, sáng tạo, yêu thương thật sự của ta. Ta chủ động ý thức về nó, hiểu nó là Đạo lí, lấy nó làm kim chỉ nam tự kiểm soát mình và luôn tự biết đang đi về đâu. Ta đạt mức giác ngộ đạo dung thông và cứ trên Con Đường (đạo) ấy ung dung chủ động thẳng tiến, phát triển mãi. Nếu làm được như thế thì tức là ta hành động thuận theo quy luật, nên hiệu quả hơn mà hợp nhân nghĩa hơn.



‘Hiệu quả hơn’, thành công hơn, nhưng tất không khoe, không tự kiêu, vì hiểu việc ‘thuận theo quy luật’ đâu là chuyện để kiêu và khoe khoang tầm thường.

Đạo dung thông tạo nhiều tác dụng tốt đẹp, ta xét từ cái đơn giản nhất:



1. STRESS. Nó giúp mỗi người tự giải thoát các stress, các rối rắm trăm sự trên đời, đầu óc trở nên trong trẻo lạ lùng, do đó tạo được chất lượng sống và hiểu được ân sủng hưởng sự sống giữa cuộc đời không bao giờ nhàm chán:



Dung thông – ngọn suối mát lành

Cao nguyên lồng lộng mãi xanh bầu trời. (HD)

Nếu không biết dung thông qua lại và đa phương thì làm sao giải toả được (bằng giải quyết và quên lãng) các stress, các giả dối vớ vẩn nhố nhăng, các bực bội buồn phiền luôn đeo đẳng níu kéo. Không chỉ xử lí stress, rèn luyện tâm đạo dung thông còn tạo sự đề kháng cao đối với mọi stress, giúp tâm an tịnh trước mọi khen chê, được thua, thành bại, mọi bước thăng trầm. Không là để trang điểm mà chính là để lập lại quân bình tình cảm - trí tuệ. Chúng tôi thường nghĩ:



Rốt cuộc lại cái mà đời mỗi người phải đạt tới là sự thanh thản tâm hồn. Về ý này, F. De Sales (1567-1622, Thụy Sĩ) có câu: “So sánh với sự thanh thản của tâm hồn thì mọi vật ở thế gian này phỏng có nghĩa lí gì.”



2. KIẾN THỨC. Khi chúng ta bắt đầu thực hiện đạo dung thông, ta có thể nửa tin nửa ngờ, khi thì làm theo, khi thì bỏ. Nhưng nếu ta ứng dụng một cách nghiêm túc, bền bỉ thì từ đó ta sẽ nghiệm thấy tác dụng lớn lao về rất nhiều mặt, ngay như kết quả việc học hành. Đạo dung thông làm đầu óc như sáng láng hơn, tiếp thu kiến thức sâu hơn, gắn với nhiều thực tiễn, chọn lọc hơn. Sự tiếp thu kiến thức theo đạo dung thông không được thụ động, phải như sự trao đổi (dung thông) qua lại năng động, lại kèm dung thông với các kiến thức đã có, với các thực tế liên quan, thậm chí biết nghi vấn và kiểm tra. “Mỗi con người có thể sử dụng và nhất thiết phải sử dụng tất cả những gì lí trí tổng hợp của loài người đã tạo ra, nhưng đồng thời cần vận dụng lí trí riêng mình mà kiểm tra lại …” (L.Tolstoi). Và cao hơn nữa, góp chút bổ sung sáng tạo nâng cao, nếu được. Sự sáng tạo rất nhỏ nhưng có thể rất sâu rộng vì đã được xây dựng trên nền tảng tri thức toàn nhân loại cho đến thời điểm đó, hay như cách nói hình ảnh của Newton, “vì đứng trên vai người khổng lồ”. Sự tiếp thu kiến thức chủ động như thế trong đạo dung thông hoàn toàn xa lạ với cách học lười biếng, giả tạo, dối trá, hợm hĩnh, và càng xa lạ hơn với sự thâm độc sử dụng kiến thức cho ý đồ đen tối nữa. Rồi qua đạo dung thông, khi hiểu kiến thức đương thời luôn vươn đến đích cao phía trước ta cần cập nhật mãi, khi ta biết nhận thức rằng mình còn dốt (nhiều kiến thức cần mà chưa biết, cái đã biết lại sai hoặc ‘phản-hiểu-biết’) tức là ta tiến một bước dài dẫn dần đến sự hiểu biết thực sự. Thấm đạo dung thông, ta càng rõ Hiểu Biết là sức mạnh, lại làm ta khiêm tốn, không bao giờ bảo thủ, tự mãn để không ngừng đổi mới tư duy.



Kiến thức, hiểu biết còn trực tiếp làm thuần nhất tâm hồn, trong khi sự ngu dốt dẫn đến sự hỗn độn tâm hồn. Tuy từ chỗ hiểu đời tới chỗ sử dụng được vốn đó còn rất xa, nhưng tầm nhìn đã rộng lớn hơn, đến như bao trùm ngay cả việc làm cho tâm hồn ta trở nên bao dung và độ lượng hơn biết bao, tránh được thói thường hẹp hòi, kì thị, thành kiến, thù ghét khi ta thấu hiểu những kẻ lầm lỗi nhất như ta tự hiểu chính ta, nhân vô thập toàn, và cũng không ai hoàn toàn xấu.



Trong sự tiếp thu kiến thức, nhờ luôn luôn đối chiếu, gắn kết, dung thông giữa trí và tâm nên không phiến diện và cực đoan. Trau dồi trí tuệ biết đủ mọi việc, nhưng không thể chỉ biết có trí, mà còn phải phối hợp trau dồi tâm do đó hạn chế việc sử dụng trí với mục đích tiêu cực, tạo sự thăng hoa của trí, có khi giúp tạo nên ý chí sống cho bản thân nữa. Điều này quả thật bất ngờ, quan trọng, và lí thú. Cho nên, con người ta rồi có thể nhàm chán tất cả trừ kiến thức.



3. VĂN HOÁ. Đạo dung thông còn thúc đẩy ta luôn nỗ lực dung thông hai chiều (vào và ra, nhận và trả) làm giàu tư tưởng, văn hoá’, còn làm giàu nghệ thuật và khoa học cho bản thân mình và góp phần nhỏ cho đời. Và chính phương pháp sáng tạo nghệ thuật và khoa học bao giờ cũng là sự tận dụng tốt nhất các vạch nối dung thông giữa các vẻ đẹp (nghệ thuật), giữa các hiện tượng hoặc quá trình (khoa học). Và cả cách nâng cao phương pháp học tập và dạy học cũng là tận dụng tốt nhất các vạch nối dung thông giũa các đối tượng học.



Văn hóa được nâng lên sẽ mang lại kho báu thật hứng khởi, tạo niềm vui và hạnh phúc. Nó buộc ta phải biết nhuần thấm sâu bền tinh hoa từ truyền thống dân tộc đã liên tục chắt lọc, thử thách qua thời gian; biết nhiệt tình đón nhận có chọn lọc tinh hoa từ các dân tộc khác, từ thế giới hiện đại, tiến kịp bằng người mà không lai căng rởm đời mất gốc. Cũng có nghĩa rằng nó buộc con người phải biết thưởng thức mọi cái đẹp, thưởng thức tinh tế cuộc sống, chống lại chủ nghĩa khắc khổ của tâm hồn nghèo nàn, khô cứng. Ai không thích, không biết thưởng thức cuộc sống thì có thể coi như đã chết từ lâu, hoặc đã chết suốt cả đời mình.



Trong việc làm phong phú tư tưởng, văn hoá và khoa học, đạo dung thông buộc ta theo cách chan hoà, hoà nhập vào thiên nhiên. Nhà thơ Ấn Độ Tagor vĩ đại khuyên ta mỗi sáng thức dậy hãy cảm ơn Thiên nhiên cho ta một ngày mới, một hiện tại diệu kỳ. Và chan hoà, hoà nhập vào xã hội và những cộng đồng, vào thực tế sản xuất. Các việc hoà nhập, chan hoà, giao hoà, giao lưu, … như vừa nêu đều là những khía cạnh bao hàm trong lẽ dung thông. Nó coi trọng sự giao tiếp, mà nếu không có, ta làm sao thấu hiểu mỗi người nói riêng và nhân tình nói chung. Nó dạy ta trong các giao tiếp ấy, không chỉ sử dụng lí trí, mà cả con tim nữa, luôn cố đi vào tâm hồn người đối thoại, thường do biết mở rộng lớn lòng mình trước, nhưng ít phạm lỗi lầm, sẽ tránh đổi bạn thành thù mà có thể đổi thù thành bạn. Giao tiếp đó phù hợp phong tục của người Việt Nam “người năng chào thì quen”.



4. BỒI DƯỠNG ĐẠO ĐỨC. Việc tự đào tạo đạo đức tức “bù chỗ bất cập, bớt chỗ dư - chỗ thái quá để mà lập lại” (như cách nói của Lão Tử), thì cứ tự nhiên mà đạt được là nhờ ở ‘dòng-dung-thông-chiều-đi-vào’ đi từ bên ngoài vào bên trong lòng mình. Trong rèn luyện ấy, sự điều chỉnh mọi thái quá và bất cập, tức lập lại cái quân bình hoàn thiện hơn để đạt sự tiến hoá, diễn ra dễ dàng chính là nhờ nguyên lí dung thông đó.



Với ‘dòng-dung-thông-chiều-đi-ra’ đi từ bên trong ra bên ngoài, ta chủ động kiểm soát toàn bộ đạo xử thế và uốn nắn động cơ mọi hành động không cho biến thành thiếu trong sáng: nào tư dục, vụ lợi, đạo đức giả, lừa đảo, đố kị, kiêu ngạo. Đạo dung thông không tạo kiêu hãnh ngu ngốc của điệu bộ mà tạo tự hào chính đáng của tâm hồn. Đạo dung thông dạy ta phải khiêm tốn, hiểu mình chỉ là một phần tử vô cùng nhỏ bé của cộng đồng, một cái “không gì cả”(‘un rien’ như Kristnamurti ở Ấn Độ thường nói).

Xử thế này phải lấy kết quả sự tự giác làm gốc là vì vậy.



5. LÒNG THAM vô đáy do “bất tri túc, tri chỉ” (Lão Tử) (không biết đủ, biết dừng), thì sẽ bị nhục. Rồi lại do vị ngã, thậm chí lòng ‘ích kỉ hại nhân’ gây ‘nghẽn tắc dung thông’, không nhìn ra trước-sau, trên-dưới thì sẽ là một đại họa trong đời, không có gì đáng sợ hơn, nó chính là nguồn gốc bao tai họa cho cá thể và bao người xung quanh. Chuyện ‘pháp đình’ những tên tham nhũng ‘hiện đại’ liên tục mấy năm nay (và mấy năm tới đây) đến rởn gáy là những minh chứng hùng hồn. Với lòng yêu nước nồng nàn, phải ghét cay ghét đắng, biết chống lại các xấu xa vơ vét trên mồ hôi nước mắt và cả sức khoẻ tính mạng đồng loại do không tường đạo dung thông ấy, thì mới biết yêu sâu sắc các đức hạnh. Kẻ bạo ngược hung tàn khác bậc đức độ hiền nhân, thực chất là ở chỗ không hiểu tâm đạo dung thông.



Với đạo dung thông, có thể nào chấp nhận thực dụng kiểu chỉ ích kỉ lo cho phần mình, còn mặc mọi người khác ‘sống chết mặc bay’? Nói chuyện thế giới và xã hội cũng vậy, xưa và nay bao giờ cũng là thế giới và xã hội dung thông, nhiều hay ít mà thôi, trong đó khác nào một cơ thể sống, bất cứ tế bào nào cũng hỗ trợ, ảnh hưởng tới các tế bào khác hoặc ngược lại có thể phá huỷ các tế bào khác. Vậy nên nếu cứ thái độ mặc nước khác ‘sống chết mặc ai’, thậm chí không tôn trọng quyền lợi, chủ quyền, bản sắc của dân tộc khác thì thực tế việc ‘toàn cầu hoá’ bị sai lệch.



6. TÌNH THƯƠNG. Vấn đề ích kỉ / vị tha trong lẽ dung thông vừa nêu là cùng một hàng (bình diện) với những vấn đề ác / thiện, thù hận / tình thương đã muôn đời nằm trong cốt lõi tất cả các tôn giáo. Đạo dung thông nhấn mạnh hàng đầu sự dung thông tình thương vì điều cơ bản nhất mỗi người là lòng nhân. Cũng như trong Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, triết học Lão Tử nêu “đầu hết là một chữ Từ”. Đạo dung thông là cơ sở cho mọi Từ thiện và từ bi bác ái nữa. Nếu người này không giúp đỡ người kia, thì làm sao sống đàng hoàng ra Con người được. L.Senèque ở La Mã thế kỉ 1 từng khẳng định: “Người ta sinh ra đời là để sống cùng nhau”, còn R. Descartes ở Pháp thế kỉ 17 thì nhấn mạnh: “Ta sẽ không có giá trị gì hết nếu không hữu ích cho ai cả”. Chúng tôi muốn kéo dài câu trên bằng mệnh đề “… thậm chí không quan tâm, không tinh thần trách nhiệm đối với ai cả!” Đạo dung thông hoàn toàn đối kháng cách sống không phát đi sự dung thông nhân ái lại cứ ăn ở bất nhân. Dung thông là nghệ thuật quên mình và thi hành cái thiện.



Nhưng những công việc từ thiện cụ thể phải xuất phát từ trong lòng, và không chỉ ở bố thí tiền bạc, mà cốt ở sẵn sàng cứu giúp những người gặp hoạn nạn, khó khăn, ở cử chỉ của từ tâm thực sự với mong muốn làm vơi bớt những thống khổ:

Bác ái lặng dung thông

Mới hiện hồng nhân phẩm. (HD)



7. TRÁCH NHIỆM NHẬP CUỘC. Xử thế theo đạo dung thông không thể dửng dưng ngồi bên ngoài xem (quan sát viên trên khán đài) mà phải tự giác trách nhiệm nhập cuộc để đáp trả dung thông: trực tiếp tham gia, gặp gỡ, cảm thông, chung vai gánh vác.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

(Nguyễn Công Trứ, bài Nợ tang bồng)



Danh đây không phải là danh lợi kể công, mà tức là phải có đóng góp gì dung thông “với núi sông”, với tổ quốc (đồng bào, tổ tiên và hậu duệ), với đồng loại. Công ăn việc làm dầu đơn giản nhất (có khi chưa đủ nuôi sống cho bản thân) vẫn không được “như con trâu cày không hiểu ruộng của ai” (cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng), mà phải hiểu ý nghĩa cao quý đóng góp dù một phần rất nhỏ với nước nhà, với đồng loại…, bày tỏ sự tri ân đền đáp tổ tiên, gia đình, tổ quốc… vậy, vì lẽ mỗi cá nhân đều là tổng hoà những dòng dung thông ấy. Và sự giác ngộ tâm đạo Dung thông càng sâu thì càng có lương tâm đền đáp bằng ‘nhất nghệ tinh’ ngày càng trau dồi để có sáng tạo. Nói chung con người ta khi đã tìm ra và khẳng định được việc (hoặc nghề) chính cho cả đời mình cần làm tốt (ví dụ nghề y khoa, kinh doanh, hay thơ…) thì phải bằng Dung thông tinh tế biến nó thành lẽ sống, thành ‘bạn đồng hành’ của đời mình, phải vì đích Dung thông làm nó thật tốt bằng tất cả tâm hồn, nhiệt huyết, tài trí, kể cả mọi khả năng khác. Còn nếu chẳng nghề nghiệp gì, hoặc không làm gì hết, hoặc khoẻ mạnh mà chỉ ăn bám - hưởng thụ ân sủng người khác dù là tiền ‘nước ngoài gửi về’ hoặc gia tài ông bà cha mẹ để lại, thì tức là sống vô trách nhiệm, quên nghĩa vụ, ‘quỵt’ sự dung thông đáp trả, không sòng phẳng với đời vậy.



Hoặc giả một đời lao động trí óc hoặc chân tay tích lũy được nhiều kinh nghiệm mà không dung thông truyền lại, ‘chết đem đi’ thì làm sao nhắm mắt trong thanh thản bình yên được?



8. TUỔI NÀO CŨNG LÀ MỘT KHÂU TRONG CHUỖI DUNG THÔNG. Nếu quay trở về những năm tháng của thuở ấu thơ mà nhìn lại, ta thấy đạo dung thông buộc “tuổi nhỏ phải chăm học” cho giỏi, kể cả công nghệ tin học hiện đại, ngoại ngữ… để liên thông tiếp thu tốt được từ quá khứ và từ thế giới đương đại nhằm nâng tiềm năng dung thông sau này, để sẽ luôn gặt hái nhiều thành quả,

Xuân hạ, sợi kim còn dũa chẳng ngơi

Nên đông đời mùa vụ tới bời bời. (HD)

không chỉ để ‘trả nợ’, mà hiến dâng đời một cách đích đáng nhất. Và như thế, cuộc đời-học hành-phấn đấu đi liền một mạch, là một chuỗi dung thông liên hoàn không đứt khúc kể từ ấu thơ:

Luôn ngờ ngợ ta là

Thoáng dư âm “đồng ấu” lớp xưa xa. (HD)

Trong chuỗi dung thông ấy, những đọan trước (và cả những đoạn của tương lai) đều dung thông với hiện tại và tạo dựng hiện tại. Cần phải để cho những ngày những quãng, những ký ức đẹp nhất của tâm hồn luôn dung thông tạo nên sự tự hài lòng và sức mạnh tinh thần.



9. TÌNH YÊU. Đạo dung thông coi tình yêu chân chính là nghệ thuật của hai con tim tạo nên mối dung thông hai chiều hanh thông, trọn vẹn, đằm thắm nhất, không phải chỉ về tình dục bản năng nhất thời mà tình yêu trong dung thông vừa thiêng liêng, cao cả, vừa mỗi ngày mỗi tinh tế thêm về tình dục, và có thể còn quan trọng hơn nhiều, về toàn bộ đời sống tâm hồn, tinh thần, sở thích, tâm lí, và về lí tưởng, quan niệm, tập quán nữa. Chẳng thế mà nhiều khi Yêu say đắm sâu sắc là do dung thông được vẻ đẹp tâm hồn đích thực xuyên vượt qua được cả những khiếm khuyết hình thức có thể có.‘Vi nhân nan’ (làm người – khó) thì trong đó ‘tình yêu vô cùng quyến rũ nhưng lại càng vô cùng khó’.



10. CHIA SẺ. Dung thông là đạo công bằng với nguyên lí sẻ chia của đạo dung thông. Nguyên lí này thiêng liêng vì nếu dung thông tích luỹ vào mà khư khư giữ riêng cho mình, không dung thông sẻ chia ra cho ai là không sòng phẳng, không công bằng, phạm quy tắc chỉ một chiều, thiếu thuận-nghịch có đi có lại, được-cho, nhận-trả kể cả nhận của quá khứ (ví dụ nhận công đức tiền nhân bao thế hệ) phải trả cho hậu thế, tuyệt đối không vong ân bội nghĩa. Nguyên lí này rất là hữu ích, và không thể thiếu:

Dung thông khát khao chia sớt

Vơi nhẹ bớt cô đơn. (HD)



Thu nhận vào đầy ắp mà không sẻ chia ra được thì con tim khối óc có khi không thể chịu nổi, như muốn vỡ tung ra. Hơn nữa sẻ chia, hiến dâng, cho người khác – không phải là mất đi mà là nhân lên, trước sau vẫn trong dòng lưu chuyển của dung thông. Lão Tử xưa, trong đoạn chót tác phẩm chính của mình là Đạo Đức kinh từng có câu:

“Càng vì người, mình càng thêm có,

Càng cho người, mình càng thêm nhiều.”

Như vậy đích thực vì người, mà kết quả cũng tốt đẹp cho mình: càng giàu thêm, nhưng là giàu hi sinh, giàu lòng nhân ái, giàu cái đức sáng thêm mãi, giàu vì ‘tri túc’ không thèm muốn. Tức cũng giàu hạnh phúc.



11. HẠNH PHÚC là trạng thái tinh thần tình cảm và thể chất (tạm nói gọn là ‘tâm thể’) khi hưởng quyền yêu và được yêu, một dạng đặc thù của dung thông hai chiều; nội dung của cái dung thông trao cho nhau ở đây lại chính là hạnh phúc. Hạnh phúc cũng là khi biết san phần thụ hưởng của mình cho người khác. Cho nên thói vị kỷ đòi cho riêng mình thứ hạnh phúc tuyệt đối là điều không tưởng vậy. Dung thông dạy Hạnh phúc chỉ là một khái niệm tương đối, nó chính là điều bình dị, là chỗ trung dung (không cực đoan). Cứ bình thường, kín đáo, tế nhị là tốt nhất, là hạnh phúc vậy. Trong “trạng thái tâm thể” của hạnh phúc nêu trên phải nói là có cảm giác hài lòng, có sự biết tự hài lòng đã phấn đấu (bằng nhân, đức, hi sinh) đạt được điều đó.



Với quan niệm Hạnh phúc là dung thông, có một cách nói gọn và hình tượng: “hạnh phúc là khi dung thông nhiều hạnh phúc cho người khác” (bạn, người yêu, con cái, đồng bào, nhân quần...). Định nghĩa hạnh phúc đó, ở bình diện rộng, đã từng được phát biểu: “Người hạnh phúc nhất là người dung thông nhiều hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Cho nên dù trải bao gian khó, thiếu thốn và cả oan trái, bị hiểu sai … các bậc đại đức đại trí cải tạo xã hội, giải phóng dân tộc, xây dựng triết học, phát minh khoa học kĩ thuật, sáng tác tác phẩm văn nghệ đồ sộ cho nhân loại… vẫn cảm nhận đỉnh cao hạnh phúc.

Vậy đích của đạo dung thông bao la nhường ấy, đâu có là sự thu mình bo bo vào cái ‘tôi’, ‘bản ngã’(the ‘self’), dù cho có là ‘bản ngã đích thực’(‘the true self’) đi chăng nữa.



12. TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG. Đạo dung thông giúp ý niệm được phong phú cả ý chí, tinh thần, tâm hồn, ý thức, tâm thức, phương pháp luận … và những vấn đề trừu tượng khái quát hơn nữa của triết học kể cả thế giới quan, nhân sinh quan. Mà “triết học chính là ‘y khoa’ thực sự của tâm hồn vậy” (Ciceron - 2 thế kỉ trước CN). Triết học của đạo dung thông dễ dàng tẩy trừ những nhân sinh quan yếm thế, cô độc và hoài nghi, bởi vì đã luôn có dung thông cụ thể với đời xung quanh tức là những ‘chất đánh dấu’ những dấu ấn tốt đẹp, thú vị.



Đầu thế kỷ 21, khoa học hiện đại, nhất là tin học, đạt những bước tiến khổng lồ, nhưng bộ mặt nhân loại chưa cải thiện tương xứng là vì thực sự có sự khủng hoảng triết học, khủng hoảng về giá trị đạo đức và tinh thần. Có một sự mất cân đối, một sự khập khiễng mà tự ngộ nhận đã thực sự văn minh. Có nguy cơ cái văn minh hiện đại ấy đến một lúc nào đó có thể đáng được gọi là một “nền văn minh ngộ nhận”. Chính vì đòi hỏi thực tế của tình hình ấy mà nghiên cứu, xác lập và thực hành đạo Dung thông càng mang tính thời sự cao.



Muốn làm tốt bất cứ nghề gì, nhất là nghề y, đều cần phải nắm triết học của đạo dung thông. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Việt Nam) từng nói “Không thông hiểu ‘thiên, nhân, địa’ không thể nói đến... chuyện làm thầy thuốc”. Thời hiện đại có bác sĩ Watanabe (ở Nhật, tác giả “Đèn không hắt bóng”) vẫn nêu “Người thầy thuốc chân chính phải vừa là triết gia, vừa là kẻ tuyên truyền đạo lí làm người”.

Nói rộng ra tâm đạo dung thông là cốt lõi mọi “triết lý cuộc sống”. Ví dụ như về các nhà khoa học, các bậc cải tạo xã hội, các nhà yêu nước trong lịch sử nhân loại và nước nhà vừa nêu trên (mục 11), vì sao họ chịu đựng nổi và vượt qua bao khổ ải đến cùng cực ngoài cả trí tưởng tượng, ta sẽ không thể nào hiểu nổi nếu không hiểu sức mạnh của lạc quan tin tưởng nhờ dung thông trong triết lý cuộc sống của họ.



13. Còn RÈN LUYỆN TÂM HỒN, về thực chất, là gì nếu không phải là khoa học và nghệ thuật để hoàn thiện sự dung thông hanh thông trọn vẹn và thuận nghịch tới mức nhất thể hoá, hoà nhập với thiên nhiên và thế giới chung quanh. Hoà nhập bằng nhiệt tình, say mê và vui đời không ngừng, bằng sức trẻ phơi phới của tâm hồn đi liền một mạch suốt cả cuộc đời, bằng thiện-nhân và lương tâm, trách nhiệm, bằng lao động, tinh thần, tri thức, trí tuệ, văn hoá, cái đẹp và thiên nhiên.



Đạt dần sự hoà nhập mà không phô trương, chỉ lương thiện và thành thật tới mức toả sáng rộng khắp mọi nơi và có mãnh lực thu hút huyền diệu sự dung thông từ biết bao tâm hồn bạn.

Như thế là nhờ dung thông mà tâm hồn luôn được khởi động, phấn khích tức là được rèn luyện, sống vui và hữu ích, không bị rơi vào tình trạng u trệ, vô cảm, nghèo nàn, thờ ơ thành tàn tạ. Trong chúng ta cũng nhiều người có khi than cuộc đời sao ‘vô vị’ và ‘vô nghĩa’: nhờ tâm đạo dung thông ta sẽ dễ tìm lại niềm tin và thấy khúc thời gian dành cho ta thật đáng sống thay!

• Rèn luyện - nuôi dưỡng tâm hồn là sự dung thông để lập lại quân bình tinh thần - tình cảm đúng và đẹp trong những tình huống gian khó, thất bại, tai nạn, khổ luỵ, tật bệnh... Những lúc này cần:

Giữ trong mắt một vì sao mới

Dẫn đường mơ ước tới niềm tin. (HD).

• Trợ giúp cho sự rèn luyện ấy là những bài học từ dung thông tình cảm đẹp của bản thân và của xung quanh mà cuộc đời ai cũng đã trải nghiệm hoặc từ mảng đề tài “Cửa sổ tâm hồn” (cửa sổ cũng chính là vạch nối thuận nghịch hai chiều qua lại của dung thông luận) với những câu chuyện giản dị mà cảm động, sâu sắc.

• Hơn nữa, sự rèn luyện tâm hồn tức là sự dung thông có mang tính triết và luôn cần tính triết ấy, chính vì thế mà dung thông đã dần giúp ta ý niệm được triết lý cuộc sống với nội dung như vừa nêu ở mục 12.

• Và đến một lúc nào đó khi tuổi đã cao, đạo dung thông đem đến cho ta cách nhìn tin tưởng lớp trẻ kế tiếp:

Thực đức thực tài, muôn mái tóc xanh

Kế thừa, dung thông - nối thành vô tận. (HD)



14. Và cả ĐỐI VỚI CÁI CHẾT nữa. Trong công dụng của đạo dung thông về rèn luyện tâm hồn có thể đặc biệt nhấn mạnh kết quả quý báu về thái độ tâm hồn đối với cái chết. Đạo dung thông cũng là Đạo về thái độ đối với cái chết, và có công dụng xử lí thực sự tuyệt vời, không chỉ ở thời điểm đối diện với cái chết mà bằng toàn bộ nội dung suốt cả đời dung thông lí thú và hữu hiệu.



Đừng ngây thơ tưởng vấn đề cái chết là chuyện nhỏ và đã giải quyết xong xuôi từ lâu. Vấn đề này chẳng bao giờ cũ! Cố tình tránh suy nghĩ về cái chết là sai, chính con người khác thú vật ở chỗ “có khả năng thỉnh thoảng suy nghĩ về cái chết”(J.Renard). Có thể chính nhờ vậy, suốt đời luôn giữ được tâm hồn ở mức cao đẹp. Chớ nên trốn tránh vấn đề cái chết bằng cách giả bộ tảng lờ (trong khi tiềm thức thì bàng bạc lo lắng suốt đời!).



Với đạo dung thông, tâm hồn ta giải quyết rốt ráo tận gốc thái độ về cái chết và đạt bình thản cao độ. Nhưng vấn đề là mỗi người phải tự mình chiêm nghiệm đạo dung thông trong xử sự với cái chết và tự ứng dụng lấy, không ai làm thay cho mình được.



Trước hết, tuy chưa phải là cơ bản nhất, sự sợ chết là sợ không được hưởng sự sống ở những ai chưa biết thực sống bao giờ: chưa bao giờ biết quan sát và chiêm ngưỡng thưởng thức trọn (một cách đồng bộ, toàn vẹn, theo dung thông ngang và dọc) vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống trong mỗi thời điểm, mỗi thời kỳ và giai đoạn đời.



Cơ bản hơn là do vẻ bi thảm của cái chết sẽ mờ nhạt hẳn bên cạnh cái đích dung thông đã được sôi nổi thực hiện đầy đủ và toàn bộ, toàn diện cả một đời. “Chết không đáng buồn, chỉ buồn nếu đến chết chưa làm được gì bổ ích cho ai” (Lã Khôn). Giác ngộ dung thông đạo có nghĩa là chủ động không để xảy tình trạng đến khi chết mà chưa dung thông chút gì ích lợi cho nhân gian, không chấp nhận chết buồn chết chán vì ‘nỗi chán chường của hư vô’. Có những tấm gương dung thông lớn của nhân loại khi chết còn chủ động để lại “lòng son rạng sử xanh” (đan tâm chiếu hãn thanh) (Văn Thiên Tường). Không chỉ vì ý thức rõ ràng rằng tất cả mọi con người chúng ta, theo luật đương nhiên, đều sẽ “trở về cát bụi” (Cựu ước), “từ cổ, người đời ai không chết” (nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử), mà cơ bản vì một đời chủ động dung thông đầy hứng khởi nên “cái chết nhẹ tựa lông chim hồng” (Tư Mã Thiên). Một cuộc sống dung thông với đời được nhiều việc thì, như Leonardo Da Vinci nhấn mạnh, cái chết thật thanh thản, khác nào giấc ngủ ngon sau một ngày làm tròn nhiều việc. Mà dung thông được nhiều ít là đo bằng hành động và tư tưởng chứ không phải đo bằng tuổi. Bản thân thi sĩ Tản Đà quan niệm chết cũng như tính sổ (những dung thông):

“Trăm năm rũ áo chốn trần gian,

Còn gì mới là được”.

Nếu như ‘tính sổ’ vẫn chưa thấy dung thông được gì cho ai cả, tức là đã chẳng đóng góp gì với đời, thì Goethe cho rằng “một cuộc sống vô ích là một cái chết trước thời hạn”. Còn Shakespeare đánh giá còn nặng nề hơn: “Con người còn ra gì, nếu đem tất cả phần tinh tuý và giá trị của đời mình vào việc ăn và ngủ”. Một số ý tưởng người xưa trên đây như minh chứng vai trò của dung thông trong vấn đề sống-chết.

Cao hơn thế nữa những cuộc đời đạt dung thông đẹp, phong phú có thể còn tiếp nối hành trình dung thông. “Những-người-chết sống cho đến bao giờ còn có những kẻ sống để nghĩ tới họ” (E.Henriot). Lỗ Tấn thì nói: “Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác”. Nói rộng ra, với quan điểm dung thông chúng ta gặp tư tưởng của Gs-Bs Hồ Đắc Di “Tương lai của con người là con người. Con người là bất tận”.



TÓM LẠI Nhờ CÁC CÔNG DỤNG nêu trên của đạo dung thông mà con người sống có tâm hồn cao đẹp, phong phú, đĩnh đạc, biết yêu thương, hiếu thảo,

Đời mẹ cha gieo neo thật ảo

Ấm lòng bởi hiếu thảo tình con. (HD)

Và biết thích nghi, thoát khỏi ích ki và đố kị, trọng trách nhiệm và nhân cách, thực sự khiêm tốn, có lí tưởng-mục tiêu-ý nghĩa sự tồn tại giữa nhân gian trời đất, với tư cách ‘làm Người’, xứng đáng với danh hiệu Con Người.

Nhờ đạo dung thông mà con người chủ động hướng thiện, vị tha, đem lại niềm vui, biết cảm thông chia sẻ với những cảnh đời khác, nên trở thành người biết yêu và được yêu tức là trở thành người hạnh phúc, thành công, tiến bộ và phát triển không ngừng, biết tạo thư thái, nhẹ nhàng trong lòng, tự do và giải thoát.

Tác dụng tốt đẹp là đến nhường ấy. Đạo dung thông là như vậy.



KẾT LUẬN

Vậy tóm lại, chúng ta vừa chứng minh được điều đã nêu trong mục tiêu khảo cứu ở đầu bài viết này: dung thông từ chỗ là một quy luật phổ quát của tự nhiên và xã hội đã được ứng dụng trong hệ thống rèn luyện tu dưỡng tâm hồn, rồi đã chứng tỏ đáng được mỗi người coi là một triết lí sống, và hơn thế nữa, một đạo lí xử thế (với bản thân và mọi người), một tâm đạo – đạo dung thông với tác dụng tốt đẹp thật lớn lao.



Chúng tôi đã tạm mượn ba âm tiết ‘đạo dung thông’ đó để gọi cho gọn khi trình bày, chứ thực ra Đạo rộng lớn bao trùm cả đời người, khó có tên thích hợp. Mà nó cũng chỉ như một tri kiến trải nghiệm mà chúng tôi cố gắng phân tích, chứng minh và phác ra như một sơ đồ gần đúng thôi, tuy rằng chân lí của nguyên lí ‘đạo dung thông’ của trời đất và của xử thế thì quá hiển nhiên và to lớn.



Thực hiện đạo dung thông không dễ. Nó đòi hỏi nỗ lực liên tục, nhưng nếu thường xuyên rèn luyện, nó sẽ trở thành nếp sống đương nhiên của mỗi người. Phải chịu khó suốt đời dung thông tất cả tinh hoa từ quá khứ và từ mọi người mọi nơi, nâng lên có sự đóng góp của bản thân, rồi dung thông tất cả trở lại cho đời. Một quá trình gian nan nhưng vô cùng ý nghĩa, hào hứng và tự tin.



Ta hãy lắng nghe một niềm tin vào công việc của mình (ở đây đúng là công việc dung thông cho nhân loại và dung thông cho người nghèo khổ), niềm tin của L.Pasteur, một tâm hồn cao thượng:

“Khoa học và hoà bình sẽ thắng dốt nát và chiến tranh;

Tương lai thuộc về những… hoạt động… vì nhân loại đau khổ”.

Trong thực thi đạo, cần cảnh giác khi ‘đắc chí’ vì: Giữ vững được đạo trong hoạn nạn đã khó, giữ vững được đạo trong thành công lại còn quan trọng hơn.

Tâm đạo mãi dung thông yêu thương với mọi người, ứng xử thích đáng với từng người, với gia đình, với Tổ quốc.



Đã làm người ở trên đời, phải giác ngộ đạo dung thông, kiên trì theo đuổi thực thi nó, trên cơ sở không ngừng chịu khó về tư duy, về rèn luyện đức hạnh, nuôi dưỡng tâm hồn. Và tất nhiên được bù đắp bằng phần thưởng lớn lao là tiến xa trên con đường của đạo dung thông - vốn như âm nhạc đang làm cho cuộc sống ta thành bản hòa tấu bất tuyệt - và thực sự thanh thơi khi từ giã cõi đời.

Để khép lại trang cuối bài “tóm lược Thuyết Dung thông và đạo làm người” này, chúng tôi xin nêu niềm tin mãnh liệt rằng DUNG THÔNG sẽ trợ giúp tâm hồn mọi con người, mọi lúc của mỗi ngày và của toàn bộ cuộc đời: tự thức tỉnh, xem lại mình, rèn luyện từ gốc. Như vậy luôn vươn tới gần, gần hơn nữa, gần hơn mãi sự ra đời một thế giới có khuôn mặt Người hơn, và ngày càng Người hơn nữa.

Tp. Hồ Chí Minh, 1991-2004.


Huy Dung

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

MỪNG SINH NHẬT EM




Ta lặng lẽ chúc mừng sinh nhật
ngắm ngọn lửa tình cháy nỗi nhớ em
tháng giêng nắng còn chưa ấm
xuân đâu về để gửi nụ hôn

Chiều nay phố nở tím hoàng hôn
ta kiếm môi thơm góc đợi chờ
em có nghe bờ ru sóng vỗ
giấc mơ yêu hạnh phúc tự trầm

Trăm năm chiếc bánh  phận duyên
Ta nào được cắt cùng tiên giáng trần

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

NẮNG SAY






Sáng nay nắng say lảo đảo
trời ửng hồng môi mắt khát khao
tóc em vương trên cành mai nở
ta ngẩn ngơ đời lạc bước mơ

Mùa đông khép cửa vu vơ thở
con bướm hớn hở vờn búp non tơ
xiêm y nhè nhẹ khoe da thịt
kích thích tình rần rật máu tim

Tách cà phê son trông ngọt lịm
hơi ấm chan hòa phố lim dim
có con chim líu ríu bình minh
ta say tình nắng cũng say em