Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Những hướng phát triển của dân tộc học

 Những hướng phát triển của dân tộc học

Đối với nhiều người, việc ngành nhân học đang có giá trị quan trọng đến vậy trong tư duy hiện đại có vẻ như là một nghịch lý. Ngành khoa học này hiện rất phổ biến, bằng chứng không chỉ là việc có nhiều phim và sách về thám hiểm, mà còn là mối quan tâm của nhiều trí thức đối với bản thân ngành nhân học.
Vào cuối thế kỷ 19, trong nỗ lực hiểu biết triết học về con người và xã hội, đầu tiên người ta vời đến sinh học, sau đó đến xã hội học, lịch sử và triết học.
Trong vài năm trở lại đây, nhân học đã đảm nhận vai trò này, và ngày nay người ta mong đợi là nó sẽ cung cấp những tư tưởng cũng sâu sắc như thế về thế giới của chúng ta, về triết học của hiện tại và tương lai.
Cách tiếp cận như vậy đối với nhân học dường như bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Là một quốc gia trẻ đang tìm cách tạo ra học thuyết nhân văn của riêng mình, Hoa Kỳ đã đoạn tuyệt với tư duy truyền thống của châu Âu. Họ thấy không có cơ sở gì để chỉ ngưỡng mộ các nền văn minh Hy Lạp và La Mã mà bỏ qua các nền văn minh khác. Chuyện đó xảy ra là vì ở Cựu Thế giới trong thời kỳ Phục hưng, khi Con người được công nhận là đối tượng quan trọng và cần thiết nhất của khoa học, chỉ có mỗi hai nền văn minh này là đã được nghiên cứu đầy đủ.
Trong thế kỷ 19 và đặc biệt là trong thế kỷ 20, hầu như tất cả các xã hội loài người đều có thể tiếp cận được để nghiên cứu. Nhận thức được điều này, chúng ta không nên giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình. Xem xét nhân loại trong sự thống nhất của nó, chúng ta không thể không thừa nhận rằng trong số 99% xã hội loài người, thực chất là toàn bộ phần hành tinh có người sinh sống, chúng ta sẽ không thể tìm thấy những phong tục, tín ngưỡng hoặc thể chế mà không phải là đối tượng của nghiên cứu nhân học.
Điều này đặc biệt được thể hiện rõ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi những góc chưa được biết đến nhất, xa xôi nhất của địa cầu, đột nhiên xâm nhập vào phạm vi cuộc sống và tâm thức của chúng ta. Đấy là những quốc gia nơi những dân tộc “hoang dã” cuối cùng đã tìm chỗ ẩn náu cho mình: cực bắc của Châu Mỹ, New Guinea, các vùng sâu của Đông Nam Á và một số đảo thuộc quần đảo Indonesia.
Sau chiến tranh, một số địa danh, từng đầy bí ẩn và lãng mạn, còn lại trên bản đồ của chúng ta chỉ đơn giản như là các điểm hạ cánh trên lộ trình của máy bay. Với sự phát triển của hàng không và sự gia tăng dân số nhanh chóng, thế giới đã trở nên nhỏ hơn, và các phương tiện thông tin liên lạc và giao thông ngày càng được cải thiện không cho phép chúng ta phớt lờ các dân tộc khác hoặc thờ ơ với số phận của họ.
Ngày nay, không còn một dân tộc, dù xa xôi và lạc hậu đến đâu, không tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các dân tộc khác. Và những tâm tư, nguyện vọng và nỗi sợ hãi của họ không thể không ảnh hưởng đến an ninh, hạnh phúc và thậm chí là sự tồn tại của những dân tộc mà sự tiến bộ về vật chất đã từng mang lại cho họ cảm giác vượt trội.
Dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể thờ ơ với số phận của những thợ săn da đầu cuối cùng của New Guinea – vì lý do đơn giản là giờ đây họ cũng đang tỏ ra quan tâm đến chúng ta! Nghe thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng kết quả của những cuộc tiếp xúc giữa chúng ta với họ có nghĩa là giờ đây cả hai là thành phần của cùng một thế giới và trong tương lai gần sẽ trở thành thành phần của cùng một nền văn minh.
Bởi vì, ngay cả những xã hội có hệ tư tưởng khác nhau nhất, mà phong tục tập quán của chúng đã phát triển theo những cách khác nhau trong nhiều thiên niên kỷ, kiểu gì cũng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau khi tiếp xúc với nhau.
Ảnh hưởng này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, đôi khi chúng ta nhận thức rõ ràng về nó, và thường thậm chí không nhận ra nó.
Tất cả các nền văn minh được coi là phát triển cao (có thể đúng hoặc sai) – Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo, và theo một bình diện khác, nền văn minh của tiến bộ công nghệ, hiện đang gắn kết chúng lại với nhau – trong quá trình lan rộng, đã hấp thụ các yếu tố của lối sống “nguyên thủy”, tư duy “nguyên thủy”, hành vi “nguyên thủy”, mà luôn là đối tượng nghiên cứu của nhân học. Những yếu tố “nguyên thủy” như vậy đã sửa đổi những nền văn minh này từ bên trong mà ta không hề hay biết.
Những dân tộc được gọi là “nguyên thủy” hay “cổ đại” không biến mất, không hóa thành hư không. Ngược lại, họ bị nền văn minh xung quanh đồng hóa nhanh hoặc chậm. Còn nền văn minh kia, đến lượt nó, có được một tính chất phổ quát.
Vì vậy, sự quan tâm đối với các dân tộc nguyên thủy không những không giảm, mà ngược lại, mỗi ngày một tăng lên. Chúng ta hãy lấy ví dụ này: nền văn minh vĩ đại mà phương Tây vô cùng tự hào, đã bén rễ trong toàn bộ khu vực sinh sống trên hành tinh của chúng ta, thể hiện ở khắp mọi nơi như một loại “lai” (hybrid). Nhiều yếu tố tinh thần và vật chất xa lạ nhập vào dòng chảy của nó, mà nó phải tính đến. Chính vì điều này mà các vấn đề của nhân học đã không còn là chủ đề quan tâm chỉ dành cho một nhóm hẹp các chuyên gia, là thành tựu của các nhà khoa học và nghiên cứu. Mỗi người trong chúng ta đều quan tâm trực tiếp đến chúng.
Vậy thì điều nghịch lý mà tôi đã nói ngay từ đầu là gì? Trên thực tế, có hai nghịch lý, nếu chúng ta xuất phát từ thực tế rằng khoa học của chúng ta chủ yếu quan tâm đến việc nghiên cứu các dân tộc “nguyên thủy”.
Giờ đây, khi công chúng đã hiểu được ý nghĩa thực sự của ngành khoa học này, thì chính đáng để đặt câu hỏi, liệu nhân học đã đi đến giai đoạn không còn gì để nghiên cứu? Bởi lẽ chính những thay đổi, vốn khơi dậy sự quan tâm ngày càng tăng về mặt lý thuyết đối với các dân tộc “nguyên thủy”, thực tế đã dẫn đến sự biến mất của họ. Thật ra, hiện tượng này không phải là mới. Vào năm 1908, khi tác giả cuốn Cành Vàng J. Fraser thành lập bộ môn nhân học tại Đại học Liverpool, ông đã ra sức kêu gọi các nhà khoa học và chính phủ quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra cách đây nửa thế kỷ khó có thể so sánh với sự biến mất nhanh chóng đến kinh ngạc của các dân tộc “nguyên thủy” mà chúng ta đang chứng kiến ​​hiện nay.
Hãy xem vài ví dụ. Vào thời điểm người da trắng bắt đầu đến định cư tại Úc, có 250 nghìn người bản xứ. Bây giờ chỉ còn lại không quá 40 ngàn. Theo dữ liệu chính thức, họ sống trong các khu bảo tồn hoặc gần các mỏ. Trong trường hợp thứ hai, họ từ lâu đã từ bỏ các phương pháp thu lượm lương thực truyền thống và buộc phải tích trữ rác, bí mật lục lọi các hố rác ở sân sau của các làng thợ mỏ. Nhưng ngay cả những người bản địa đã rút lui xa vào sa mạc cằn cỗi cũng không được yên thân: họ cũng bị xua đuổi khỏi đó, vì những khu vực này là cần thiết cho việc xây dựng các căn cứ hạt nhân hoặc bãi phóng tên lửa.
Hoặc lấy ví dụ New Guinea, nước được bảo vệ bởi một môi trường tự nhiên đặc biệt khắc nghiệt. Đất nước này, với dân số bản địa lên đến vài triệu, dường như vẫn là nơi trú ẩn cuối cùng của những người nguyên thủy thực sự. Nhưng cả ở đây, nền văn minh cũng đang xâm chiếm nhanh chóng đến nỗi 600.000 cư dân của khu rừng núi trung tâm, những người mà chúng ta không hề có khái niệm gì vào hai mươi năm trước, bây giờ là nguồn lao động để xây dựng đường xá, còn trong rừng rậm, bạn thường có thể nhìn thấy biển chỉ đường và cột mốc được thả xuống bằng dù! Bây giờ cũng không có gì lạ khi các đội lao động được tuyển dụng từ vùng nội địa của đảo và được vận chuyển bằng đường hàng không đến các mỏ và đồn điền ven biển.
Nhưng cùng với nền văn minh, những căn bệnh chưa từng được biết đến trước đây đã đến những khu vực này, mà người dân địa phương chưa phát triển khả năng miễn dịch. Bệnh lao, sốt rét, đau mắt hột, bệnh phong, kiết lỵ, bệnh lậu, giang mai và căn bệnh bí ẩn được gọi là “kuru” hiện đang hoành hành ở đó và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Kuru là hệ quả của sự tiếp xúc giữa con người “nguyên thủy” với nền văn minh. “Kuru” là một sự thoái hóa di truyền luôn kết thúc bằng cái chết và y học thì bất lực.
Ở Brazil, từ năm 1900 đến năm 1950 có một trăm bộ lạc đã tuyệt chủng. Bộ lạc Kaingang ở bang São Paulo năm 1912 có khoảng 1200 người, đến năm 1916 thì còn lại 200 người. Hiện tại, số thành viên của bộ tộc này chỉ còn 80 người.
Có 20.000 người trong bộ lạc Munduruku vào năm 1925, và còn lại 1200 người vào năm 1950. Bộ lạc Nambikwara, năm 1900 có 10.000 người, năm 1940 chỉ có khoảng một nghìn người sống sót. Có 2.500 người thuộc bộ lạc Kayapo trên sông Araguaia vào năm 1902, đến năm 1950 chỉ còn lại 10 người. Bức tranh tương tự đối với bộ lạc Timbira – 1000 người vào năm 1900 và 40 người vào năm 1950.
Làm sao có thể giải thích một sự tuyệt chủng nhanh chóng như vậy? Trước hết, bằng cách nhập khẩu bệnh tật từ các nước phương Tây, mà cơ thể của người dân địa phương không thể chống lại. Số phận bi thảm của bộ tộc Urubu, một trong những bộ tộc da đỏ ở đông bắc Brazil, rất điển hình về khía cạnh này. Năm 1950, chỉ vài năm sau khi họ được phát hiện, Urubu bị nhiễm bệnh sởi. Trong vài ngày, trong số 750 người có 160 người chết. Một trong những nhân chứng đã để lại mô tả như sau về dịch bệnh này: “Chúng tôi phát hiện ngôi làng đầu tiên bị bỏ hoang. Tất cả cư dân đều rời bỏ nó, bởi vì họ tin rằng bằng cách này họ sẽ có được khỏi bệnh, mà theo quan điểm của họ, là một linh hồn tấn công các ngôi làng. Chúng tôi tìm thấy những cư dân của ngôi làng này trong rừng. Hầu như tất cả họ đều trở thành nạn nhân của căn bệnh này. Kiệt sức, run rẩy vì sốt, họ nằm dưới cơn mưa tầm tã. Các biến chứng về đường ruột và phổi khiến chúng suy yếu đến mức chúng không thể tự kiếm được thức ăn. Họ thậm chí không có nước, và họ chết không chỉ vì bệnh tật, mà còn vì đói và khát. Trẻ con bò trên mặt đất, cố giữ lửa không tắt trong mưa, mong giữ ấm; những người đàn ông, bị đốt cháy bởi sốt, không thể di chuyển; những người phụ nữ đã mê man đẩy ra khỏi mình những đứa trẻ bất lực đang đòi bú.”
Năm 1954, một khu định cư dành cho người da đỏ được thành lập trên sông Guapora ngăn cách Brazil và Bolivia, trong đó có 400 người từ bốn bộ lạc khác nhau tụ họp. Trong vòng vài tháng, tất cả họ đều chết vì bệnh sởi.
Ngoài các bệnh truyền nhiễm, một vấn đề nghiêm trọng là thiếu vitamin và thức ăn, cũng như các bệnh về hệ thống mạch máu, tổn thương mắt và sâu răng. Các bộ lạc địa phương không biết đến những căn bệnh này vào thời điểm họ sống theo lối sống truyền thống, tất cả đều xuất hiện khi người da đỏ bắt đầu sống trong các ngôi làng và ngừng ăn thức ăn thu lượm được trong rừng.
Trong những điều kiện như vậy, ngay cả những biện pháp truyền thống đã được thử nghiệm, chẳng hạn như rắc than bột lên vết bỏng nặng, cũng không còn tác dụng chữa lành. Ngay cả những bệnh đặc hữu cũng có tác động bất lợi đến cơ thể, ví dụ như giun ở trẻ em bắt đầu chui ra qua tai và miệng.
Các yếu tố khác, ít trực tiếp hơn, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của người da đỏ, chẳng hạn như sự sụp đổ hoàn toàn của cấu trúc xã hội và cách sống của họ. Cuộc sống của bộ lạc Kaingang, mà chúng tôi đã đề cập, phải tuân theo các quy tắc xã hội nghiêm ngặt mà tất cả các nhà nhân học đều biết: cư dân của mỗi làng được chia thành hai nhóm và đàn ông từ nhóm này chỉ được kết hôn với phụ nữ từ nhóm khác. Cùng với sự suy giảm dân số, nền tảng của cách sống của họ đã bị phá hủy. Do hệ thống khắc nghiệt của Kaingang, không phải người đàn ông nào cũng có thể tìm được vợ và anh ta sẽ phải chịu cảnh độc thân nếu anh ta kiêng kết hôn trong nhóm của mình (theo họ, cuộc hôn nhân như vậy có nghĩa là loạn luân, anh ta chỉ được phép làm vậy với điều kiện rằng sẽ không có con). Trong tình cảnh như vậy, cả một dân tộc có thể biến mất trong vòng vài năm.
Sau khi xem xét tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng khó khăn hơn không chỉ để nghiên cứu cái gọi là các dân tộc “nguyên thủy”, mà ngay cả việc đưa ra một định nghĩa thỏa đáng về thuật ngữ này. Trong những năm gần đây, ở một số quốc gia có vấn đề về các dân tộc “nguyên thủy”, người ta đã nỗ lực sửa đổi các định nghĩa được đưa ra trong luật bảo vệ các dân tộc này. Cả ngôn ngữ, văn hóa hay ý thức thuộc về nhóm đều không còn có thể là tiêu chí hiệu quả nữa. Dựa trên một cuộc khảo sát do Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện, trong một báo cáo của mình, tổ chức này nhấn mạnh rằng khái niệm văn hóa nguyên thủy (bản địa) đang dần biến mất và bị thay thế bởi các khái niệm nghèo đói và thiếu thốn.
Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề. Có những nơi khác trên thế giới mà dân số, đối tượng truyền thống của nghiên cứu nhân học, lên tới hàng chục và hàng trăm triệu người và tiếp tục tăng; thì một quá trình như vậy đang xảy ra, ví dụ, ở Trung Mỹ, ở dãy Andes, ở Đông Nam Á và ở châu Phi.
Nhưng ngay cả ở những nước này, số phận của các nhà nhân học cũng không khá hơn, mặc dù trong trường hợp này, những khó khăn không nằm ở định lượng, mà ở những thay đổi về chất. Bất kể ý chí và mong muốn của họ như thế nào, các dân tộc này đang trong quá trình biến đổi, và nền văn minh của họ đang tiếp cận với nền văn minh của phương Tây, vốn chưa bao giờ là chủ đề hay lĩnh vực của nhân học. Quan trọng hơn, sự phản đối đối với nghiên cứu nhân học ngày càng gia tăng trong các dân tộc này. Có trường hợp một số bảo tàng nhân học buộc phải đổi tên và bắt đầu được gọi là “bảo tàng nghệ thuật và phong tục dân gian”.
Các nhà kinh tế học, tâm lý học và xã hội học được đón nhận nồng nhiệt tại các trường đại học của các quốc gia trẻ mới giành được độc lập gần đây. Tuy nhiên, không thể nói rằng các nhà nhân học cũng được đón nhận như vậy.
Có vẻ như nhân học đang trở thành nạn nhân của một âm mưu kép của các dân tộc. Một mặt là những dân tộc đang lẩn tránh nó, vì họ đang biến mất khỏi mặt đất theo nghĩa đen. Mặt khác là những dân tộc còn lâu mới chết, mà ngược lại đang trải qua một sự “bùng nổ” về gia tăng dân số, và hoàn toàn thù địch với nhân học vì những lý do tâm lý và đạo đức.
Nhóm đầu không đặt ra bất kỳ vấn đề cụ thể nào đối với các nhà nhân học. Chúng ta chỉ có thể tăng tốc độ nghiên cứu, sử dụng vài năm còn lại theo ý của chúng ta để thu thập càng nhiều tài liệu càng tốt về những hòn đảo đang biến mất của nhân loại. Những tư liệu như vậy có tầm quan trọng thiết yếu đối với chúng ta, bởi vì, không giống như khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn không thể thiết lập một thí nghiệm theo ý mình.
Mọi kiểu xã hội của tín ngưỡng hay thể chế, mọi lối sống đều là một thử nghiệm sẵn có đã được tạo ra qua hàng nghìn năm và là duy nhất về bản chất. Với sự biến mất của các xã hội, tất cả các khả năng nghiên cứu chúng sẽ biến mất vĩnh viễn, và cơ hội làm giàu kiến ​​thức của chúng ta trong lĩnh vực này sẽ không bao giờ xuất hiện nữa.
Đó là lý do tại sao các nhà nhân học coi đó là điều cần thiết, trước khi các xã hội này biến mất và các phong tục xã hội của họ bị phá hủy, việc phát triển các phương pháp quan sát hoàn hảo hơn, giống như các nhà thiên văn học nhờ đến sự trợ giúp của bộ khuếch đại điện tử để bắt được ánh sáng vô tận của các ngôi sao đang lùi dần khỏi chúng ta…
Trong trường hợp thứ hai, ít nghiêm trọng hơn, nó liên quan đến các dân tộc có nền văn minh không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng đối phó với nguy cơ này khó hơn nhiều. Thật vậy, có lẽ sẽ có thể xua tan sự ngờ vực của những người trước đây từng là đối tượng của nghiên cứu nhân học, bằng một đề xuất đơn giản rằng sau này những nghiên cứu này sẽ không còn là “một chiều”? Có lẽ khoa học của chúng ta sẽ lấy lại được vị trí của mình nếu chúng ta mời các nhà dân tộc học châu Phi hoặc Melanesia nghiên cứu chúng ta một cách tự do như chúng ta sẽ nghiên cứu họ.
Sự có đi có lại như vậy sẽ là điều đáng mong đợi, nó sẽ làm phong phú thêm nhân học, mở rộng tầm nhìn và mở ra trước mắt những con đường phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta không được nuôi hy vọng hão huyền giải quyết vấn đề chính theo cách này, bởi vì điều này không tính đến những lý do sâu xa ẩn chứa thái độ tiêu cực đối với nhân học của một bộ phận các dân tộc bị đô hộ vào thời của họ. Họ sợ rằng dưới chiêu bài giải thích nhân học về lịch sử, thứ mà họ cho là không thể dung thứ được, sự bất bình đẳng sẽ được chứng minh là sự đa dạng cần có của nhân loại.
Cho phép tôi đưa ra một mệnh đề, mà mặc dù đến từ một nhà nhân học, nhưng không có gì đáng nhục nhã và là một quan sát khoa học thuần túy. Người dân của thế giới phương Tây sẽ không bao giờ có thể – trừ phi bằng cách đạo đức giả – trở thành “kẻ man rợ” trong mắt những người mà họ đã đàn áp. Đối với chúng ta, những người đó tồn tại vào thời điểm đó chỉ như là đối tượng nghiên cứu khoa học hoặc đàn áp chính trị và kinh tế. Còn chúng ta, theo quan điểm của họ, chịu trách nhiệm về số phận, đối với họ dường như là một lực lượng tích cực mà rất khó để thiết lập quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Cho dù nghịch lý đến đâu, thì cảm giác đồng cảm với các dân tộc này chắc chắn đã khiến nhiều nhà nhân học chấp nhận ý tưởng về đa nguyên, vốn khẳng định sự đa dạng của nền văn hóa nhân loại, đồng thời phủ nhận khả năng phân loại các nền văn hóa thành “cao hơn” và “thấp hơn”.
Đồng thời, chính là những nhà nhân học đó, và nhân học nói chung, hiện đang bị buộc tội là cố tình phủ nhận sự phân chia các nền văn minh này, tìm cách che giấu nó và do đó ít nhiều trực tiếp góp phần duy trì sự phân chia đó.
Do đó, nếu nhân học muốn duy trì vị trí của mình trong thế giới hiện đại, không ngoa khi nói rằng điều này sẽ đạt được với cái giá của những thay đổi sâu sắc hơn nhiều so với việc mở rộng phạm vi hoạt động của nó (cho đến nay là rất hạn chế) bằng cách áp dụng công thức của trẻ con: “Chúng tôi sẽ cho bạn chơi đồ chơi của mình, nếu bạn cho chúng tôi chơi đồ chơi của bạn.”
Nhân học phải thay đổi chính bản chất của nó, phải thừa nhận rằng hầu như không thể vì lý do logic và đạo đức mà tiếp tục coi xã hội chỉ là đối tượng nghiên cứu mà một số nhà khoa học muốn bảo tồn. Giờ đây, những xã hội này đã trở thành những thực thể tập thể và đòi hỏi quyền đối với những thay đổi mà họ cần.
Sự thay đổi của đối tượng của nhân học như vậy đòi hỏi sự thay đổi về mục tiêu và phương pháp của nó. May mắn thay, điều này có vẻ khá khả thi, bởi vì dấu hiệu nổi bật của khoa học chúng ta luôn là quy tắc không coi bất cứ điều gì là tuyệt đối, mà bắt đầu từ mối quan hệ cụ thể giữa người quan sát và người được quan sát, và luôn tính đến sự cần thiết phải thay đổi của các phương pháp khi các quan hệ này thay đổi.
Không nghi ngờ gì, tính đặc thù của nhân học luôn là nghiên cứu các hiện tượng tại chỗ hoặc “từ bên trong”. Thật vậy, lý do cho điều này là không thể nghiên cứu từ xa hoặc “bên ngoài”. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, cuộc cách mạng vĩ đại của thời đại chúng ta là toàn bộ các nền văn minh đang trở nên tự nhận thức và cùng với việc xóa bỏ nạn mù chữ, bắt đầu nghiên cứu quá khứ, truyền thống của họ và mọi khía cạnh độc đáo của nền văn hóa của họ còn tồn tại cho đến ngày nay.
Hãy lấy Châu Phi làm ví dụ. Nếu nó không còn là đối tượng nghiên cứu của người ngoài, điều này không có nghĩa là nghiên cứu khoa học sẽ dừng lại. Trong quá trình nghiên cứu lục địa này, nhà nhân học – người quan sát ngoài – sẽ được thay thế bằng các nhà khoa học địa phương hoặc người nước ngoài hoạt động theo cách giống như các đối tác châu Phi của họ.
Họ sẽ không còn là nhà nhân học, mà là nhà ngôn ngữ học, nhà ngữ văn, nhà sử học nghiên cứu các sự kiện và tư tưởng. Nhân học sẽ sẵn sàng chấp nhận sự chuyển đổi như vậy sang các phương pháp mới, hiệu quả hơn và cải tiến hơn, đồng thời tự tin rằng nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình, lưu giữ nhiều giá trị nhân văn cho tri thức khoa học.
Đối với tương lai của chính nhân học, nó dường như đi theo hai con đường được xác định bởi các vị trí truyền thống của nó. Một mặt, đây là sự mở rộng phạm vi địa lý, vì chúng ta phải thâm nhập ngày càng nhiều vào những vùng xa xôi hẻo lánh để tiếp cận những dân tộc cuối cùng được gọi là “nguyên thủy”, mà hiện nay ngày càng ít đi. Đồng thời nó sẽ phát triển theo nghĩa nhận thức, khi chúng ta trở nên quan tâm đến các thực thể mà chúng ta có một di sản phong phú, và sự hiểu biết về chúng đang đều đặn tăng lên.
Mặt khác, việc xóa bỏ cơ sở vật chất của các xã hội nguyên thủy cuối cùng khiến thế giới bên trong của họ trở thành đối tượng nghiên cứu của chúng ta, chứ không phải vũ khí, công cụ và đồ gia dụng đã biến mất. Khi nền văn minh phương Tây ngày càng trở nên phức tạp hơn và lan rộng ra toàn thế giới, nó bắt đầu có những dấu hiệu khác biệt rõ rệt, vốn luôn là đối tượng nghiên cứu của nhân học, và nhân học chỉ có thể phát hiện ra chúng bằng cách so sánh các nền văn hóa rất khác nhau và xa nhau. Đây chính là chức năng vĩnh viễn của nhân học. Và, như các nhà nhân học khẳng định, nếu có một “sự khác biệt tối ưu” nào đó được coi là điều kiện vĩnh viễn cho sự phát triển của nhân loại, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng, sự khác biệt giữa các xã hội riêng lẻ và các nhóm trong các xã hội này sẽ biến mất chỉ để xuất hiện trở lại trong một hình dạng khác.
Dịch từ bản tiếng Nga.
PHAN PHƯƠNG ĐẠT

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

GIÓ ĐÔNG

 

Gió lướt qua đôi bờ cỏ mộng
liếm những hạt sương tháng mười
đêm qua cô đơn hỏi cưới
mùa thu run rẩy làm rơi
Trong hang dế gáy bời bời
bấc non lơi lã trăng vàng ngã nghiệng
muộn phiền em trút cạn miền
đón mùa đông đến trọn niềm yêu thương
Mặt trời thức giấc còn cương
long lanh nắng ấm đưa đường tình nhân
gió lâng lâng báo tin hoan hỉ
bờ cỏ em đã nở hoa vàng