Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Những kiểu bao biện phi lý cho sự tráo trở của Phan Huyền Thư



Hà Thủy Nguyên

Nhiều ngày nay báo chí xôn xao nghi án Phan Huyền Thư đạo thơ, và bài thơ ấy nằm trong tập thơ được trao giải của Hội nhà văn Hà Nội. Báo chí đã lên tiếng nhiều ném đá Phan Huyền Thư và dồn ép cô ta phải nói lời xin lỗi. Thiết nghĩ, sự việc đến đó có thể chấm dứt. Nhưng nếu đọc thư xin lỗi của Phan Huyền Thư trên Tiền Phong và các lời bênh vực, biện bạch của cô ta thì tôi lại cảm thấy cần phải viết một điều gì đó về sự việc này. Tôi tự hỏi, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lên tiếng bảo vệ cô ta đang tư duy kiểu gì vậy? Vì tình riêng có thể “chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có” được hay sao?

VỀ THƯ XIN LỖI CỦA PHAN HUYỀN THƯ

Khi đọc tựa đề của bài báo trên Tiền Phong, tôi cứ nghĩ Phan Huyền Thư đã dám sai dám nhận, nhưng thực ra cô ta vẫn không thừa nhận, chỉ mượn cớ xin lỗi để bao biện một cách ngạo mạn hơn, làm ra vẻ ta ở trên dư luận của đám đông. Nhưng nếu theo dõi sự nghiệp thơ văn và đọc kỹ lá thư của Phan Huyền Thư sẽ thấy cô ta ngụy biện với thái độ coi thường người đọc.

Trong thư xin lỗi, Phan Huyền Thư viết:

“Tôi đã làm các bạn thất vọng khi ngay thời điểm hiện tại xảy ra những thắc mắc của công luận và tác giả Phan Ngọc Thường Đoan về bài thơ “Bạch Lộ”, tôi chỉ có các bản thảo cũ mà ngay lập tức chưa có đủ chứng cứ xuất bản, in ấn tại nước ngoài để chứng minh, bảo vệ cho giá trị hợp pháp của tác phẩm gốc được viết từ năm 1996 của mình.”



“Sau vụ việc đáng tiếc này xảy ra, ngay lập tức tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ các bản thảo tác phẩm của mình đã và chưa xuất bản để đi đăng ký tại Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam, tránh mọi sự cố về văn bản có thể xảy ra sau này. “

Những luận điệu này đã phủi sạch mọi tội lỗi đạo thơ, nhập nhằng giữa ăn trộm và trùng lặp. Phan Huyền Thư cho rằng bài thơ “Bạch lộ” của cô, cô đã sáng tác từ năm 1996, nhưng xuất bản. Câu hỏi đặt ra là: Từ năm 1996 đến nay đã gần 20 năm, Phan Huyền Thư đã xuất bản không biết bao nhiêu tập thơ, tại sao một bài thơ mà cô phải giữ gần 20 năm mới xuất bản. Hơn nữa, trước khi in tập thơ, bài thơ cũng không được đăng ở bất cứ tờ tạp chí văn nghệ hay website văn chương nào. Bài thơ cũng không có gì là nhạy cảm để phải giữ khư khư 20 năm trong tủ bản thảo như thế. Phan Huyền Thư nói rằng cô đã gửi bài thơ này sang Mỹ để đăng tải, lập luận này không khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao không đăng thơ trong nước mà phải gửi sang Mỹ để xuất bản? Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng khẳng định: “Hội chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin bài thơ mà Phan Huyền Thư gửi sang Mỹ như lời cô ấy nói. Chúng tôi đã tìm các tạp chí Thơ, trong 27 số tạp chí thì có đến hơn chục số có thơ Phan Huyền Thư từ những năm 1997, nhưng chưa tìm thấy bài Bạch lộ”.

Năm 2007, Phan Huyền Thư trong Ngày Thơ Việt Nam đã từng “đạo văn” hai lần khi viết poster về Thanh Tâm Tuyền và Ngô Kha. Poster về Thanh Tâm Tuyền, cô lấy từ văn bản của hai tác giả Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc- hai học giả hải ngoại; còn poster về Ngô Kha thì cô lấy từ bài viết của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ của Quân đội Nhân dân. Sau đó, trên báo chí chính thống, Phan Huyền Thư trả lời đó là cô sưu tầm. Tại sao “Sưu tầm” không ghi rõ là “sưu tầm”? Nếu ai đọc Talawas sẽ thấy, Phan Huyền Thư đã gửi thư xin lỗi tới ông Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9436&rb=0101 . Thậm chí, mới đây còn có nghi án cô ta đạo thơ của Du Tử Lê nhưng vẫn cao giọng trịch thượng. Xem tại đây:http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoc/phan-huyen-thu-co-dao-tho-cua-du-tu-le-hay-khong-244473.html

Phan Huyền Thư hứa rằng sẽ rà soát lại toàn bộ tác phẩm để đi đăng ký tại Trung tâm Bản quyền Hội nhà văn Việt Nam. Tôi cũng tự hỏi tại sao cô không rà soát tác phẩm của mình từ cách đây 8 năm. Chúng ta đều biết việc kiểm soát dữ liệu tác phẩm để xác định vi phạm ở nước ta không tốt. Nếu như cô ta cứ đem tác phẩm đi đăng ký ồ ạt, rồi sau đó lại có người phát hiện ra vi phạm, thì Trung tâm bản quyền sẽ xử lý như thế nào? Cô ta sẽ rà soát kiểu gì nếu cứ hết lần này đến lần khác “trùng lặp” và “sưu tầm” thơ hoặc văn của người khác. Như vậy, tờ chứng nhận bản quyền vô tình trở thành tấm lệnh bài để cô ta thả sức đạo văn, đạo thơ hay sao?

NHỮNG LỜI BÊNH VỰC PHI LÝ

Trên Vietnamnet, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng việc thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư là chưa “hợp tình hợp lý”. Chứng cứ đã rõ ràng, bào chữa của Phan Huyền Thư thiếu căn cứ. Nếu như Phan Huyền Thư cứ khăng khăng không nhận lỗi về mình, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vì ngại phiền toái không kiện ra tòa, thì chẳng lẽ giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội cứ thể ttrao cho Phan Huyền Thư. Sau một thời gian, dư luận nhạt đi, rồi Phan Huyền Thư vẫn cứ thế đạo văn, đạo thơ, đạo kịch bản và cao giọng trịch thượng đọc thơ, bàn luận về sự phát triển của văn chương … trong những năm sắp tới.

Ông Thiều còn tâm sự trong bài phỏng vấn của mình rằng:

“Trong ba trường hợp bị đạo văn thì có một trường hợp tôi đã quyết định trao bản quyền cho người đã dùng bài thơ của tôi thành của họ. Bởi tôi đã hiểu lý do tại sao người kia lại làm thế. Chính vậy mà tôi đã tuyên bố một cách hạnh phúc rằng, tôi chuyển quyền sử dụng vĩnh viễn bài thơ cho người đó. Cái tôi được lớn gấp trăn ngàn lần giá trị của bài thơ nhỏ bé tôi đã viết. Bởi người này dùng bài thơ của tôi không vì mục đích in sách, không vì mục đích mua danh hay lợi ích vật chất mà dùng bài thơ này cho một mục đích tình cảm vô cùng đặc biệt và thiêng liêng.”

Vậy không lẽ ở trường hợp này bà Phan Ngọc Thường Đoan cũng phải noi gương ông Thiều trao bản quyền cho cô Phan Huyền Thư để cô ta tùy nghi nhận giải thưởng. Người viết thơ có thể không vì mục đích in sách hay nổi tiếng mà vì “tình cảm vô cùng đặc biệt và thiêng liêng”; nhưng độc giả thì cần sự công tâm. Độc giả không thể chấp nhận việc để những kẻ dối trá, không biết xấu hổ, ngang nhiên chiếm lĩnh văn đàn bằng tác phẩm của người khác được. Ông Thiều khi nói những lời này có nghĩ đến sự công tâm với độc giả và gìn giữ sự trong sạch của giới văn chương, hay chỉ thích khoe mẽ cá nhân? Những lời của ông không khỏi khiến người ta phải tự hỏi ông đang ngấm ngầm ẩn ý gì, phải chăng là gợi ý cho bà Đoan bỏ qua chuyện này vì “mục đích tình cảm vô cùng đặc biệt và thiêng liêng”. Ông Nguyễn Quang Thiều là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn hai khóa, vậy mà tại sao ông có thể có những phát ngôn vô trách nhiệm và phi lý như vậy?

Lướt trên facebook, tôi tình cờ đọc được status của anh Nguyễn Ngọc Thuần với cái nhìn rất ngây thơ:

“Vâng, tới bây giờ mình vẫn nghĩ, làm sao PHT có thể ngu đến mức lấy thơ của cô Đoan mà nghĩ là không ai phát hiện trong thời đại internet này. Chưa kể lại in sau cả 10 năm, và tác giả còn sờ sờ ra đó. Với ai đó thì mình còn tin, chứ với một người như PHT thì mình lại càng thấy khó tin. Mình chỉ nghĩ đơn giản là bạn đã lậm rồi, đọc nhiều quá, đọc ngày đọc đêm, đọc đến mức nhập tâm và thế là một lúc nào đó vô thức mà viết nó ra nó lại cứ tưởng là của mình. Khi bị phanh phui mà không hiểu tại sao – trước một chứng cứ cụ thể – thế là chống chế theo phản xạ tự nhiên. Thế là vùng vẫy không chịu nhận lỗi như mọi người vẫn muốn.”

Người ta có thể vô thức một lần, lậm một lần, nhưng không thể hết lần này đến lần khác “lậm” như thế được. Mà cứ cho là Phan Huyền Thư bị “lậm” nhiều đến thế thì cũng thấy là thơ ca của Phan Huyền Thư hóa ra chỉ giống người này một tí, giống người khác một tí, không có gì mới mẻ và sáng tạo. Như thế thì , Phan Huyền Thư cũng không xứng đáng được giải thưởng thơ của Hội nhà văn Hà Nội. Đành rằng Phan Thị Ngọc Đoan không bắt bẻ Phan Huyền Thư, bài thơ cũng không vì tranh chấp này mà nâng cao, nhưng không thể vì thế mà chấm dứt truy cứu cho đến khi nào Phan Huyền Thư cúi đầu nhận lỗi.

Xưa nay với mỗi vụ phạm tội, người Việt ta thường lấy cái tình để khoan dung. Nhưng cái “tình” chỉ nên khoan dung với những người đã biết hối lỗi, chứ không phải khoan dung với những kẻ già mồm cãi cố, lại còn lên giọng tỏ vẻ bề trên, coi thường dư luận. Sự truy cứu này có thể thiếu sự khiêm hòa, nhưng cần thiết để lên án và răn đe đòi lại công bằng.

Người ta nói nhiều đến việc xót thương cho Phan Huyền Thư, và thậm chí có thể là cho rằng đám đông thiếu nhân tính. Nhưng họ có nghĩ đến vinh quang Phan Huyền Thư có được trong hơn chục năm vừa rồi từ đâu mà có? Vinh quang đã hưởng, giờ đến lúc phải đền bù cho các góc khuất của vinh quang ấy. Đã dấn thân vào con đường văn chương, tự đắc với sự nổi tiếng của bản thân thì càng phải biết trung thực giữ mình, không làm những việc đáng hổ thẹn. Còn khi đã trơ tráo đạo văn, đạo thơ, bị dư luận ném đá, đám đông bài trừ, thiết nghĩ đó là nhân quả, mình làm mình chịu. Các vị có thể xót thương vì tình cảm bạn bè, các vị cứ xót thương, nhưng đừng bắt những độc giả bị phản bội niềm tin phải xót thương và cũng đừng lên giọng phán xét đám đông.

Nếu sự việc của Phan Huyền Thư không bị truy cứu đến tận cùng thì chính cái tình của các vị làm vấn đề pháp lý bị coi thường, và đạo văn đạo thơ vẫn được coi như chuyện hiển nhiên.

Hà Thủy Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét