Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Người thầy giữ tiếng Việt trong sâu thẳm trái tim






Thầy giáo Lê Quốc Vi (sinh năm 1955), một Việt kiều thuộc thế hệ đầu tiên sang Thái Lan sinh sống từ khi còn nhỏ. Những tưởng rằng, văn hóa và tập quán sinh hoạt ở xứ người sẽ làm thầy Vi quên đi tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, không phải vậy, được sự quan tâm của cha mẹ, thầy Vi không những biết được tiếng Thái mà còn vẫn nói tiếng Việt một cách rất trôi chảy.



Thầy giáo Lê Quốc Vi


Điều đặc biệt quan trọng là thầy đã “truyền lửa” cho các em nhỏ, học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Thái Lan yêu thích và duy trì ngôn ngữ quê hương.

Bảo tồn ngôn ngữ quê hương qua lớp học tại gia

Với hình thức học tập bằng cách cha mẹ truyền đạt tiếng Việt cho con, cháu thông qua việc mở lớp Tiểu học vụ với chương trình dạy học từ lớp 1 đến lớp 7, người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít, lớp học do gia đình thầy Vi tổ chức đã thu hút sự tham gia học tập tích cực từ các thành viên.

Không những duy trì ngôn ngữ tiếng Việt ngay cho những người trong nhà, gia đình thầy Lê Quốc Vi còn hướng dẫn và truyền đạt cách thức học tập cho những người đồng hương khác.

Là thế hệ người Việt đầu tiên tại Thái Lan và được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của lớp học Tiểu học vụ, sau khi học hết lớp 7, lúc bước sang tuổi 15, thầy Vi lại nối bước cha mẹ dạy lại cho lớp đàn em của mình. Cứ như thế, sau này vừa đi làm thợ điện, thầy vẫn không ngừng trau dồi ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và không quên dạy lại cho thế hệ người Việt Nam tiếp theo sang Thái Lan sinh sống.

Thầy Lê Quốc Vi còn nhớ như in những năm 1970, việc học tiếng Việt ở Thái Lan tương đối khó khăn và gián đoạn một thời gian dài vì chiến tranh hay những lý do khác nhưng những người từng giấu sách tiếng Việt sau vạt áo đi học, từng giữ tiếng Việt trong sâu thẳm trái tim mình vẫn nỗ lực bền bỉ để duy trì và bảo tồn tiếng nói quê hương.

Trăn trở từ cuộc sống gấp gáp…

Mãi sau này, khi Thái Lan mở rộng chính sách học tiếng Việt như một ngoại ngữ trong nhà trường, nhu cầu học tiếng Việt đột ngột trở nên mạnh mẽ trong chính cộng đồng người bản địa. Giao lưu kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển thì nhu cầu học tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh càng phát triển trong các trường trung học, đại học của nước bạn.

Thế nhưng, khi có điều kiện dạy học tiếng Việt tốt hơn trước thì xuất hiện một số khó khăn lớn trong việc duy trì tiếng nói quê hương trong từng gia đình. Đó là ở đa số gia đình người Việt hiện nay, trẻ em đi học cả ngày ở trường, tối về lại ra sức làm bài tập, không còn khoảng trống thời gian nào để học tiếng Việt nữa.

Khi cha mẹ nói với con cái bằng tiếng Việt mà chúng không hiểu thì lại nói bằng tiếng Thái cho tiện và thói quen duy trì tiếng mẹ đẻ dần mai một. Cho dù đã qua thời tiếng Việt bị “ngăn sông cấm chợ”, nhưng việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại đang đối mặt với thách thức mới của nhịp sống công nghiệp gấp gáp.

Trong lớp học tiếng tại trường Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani, học sinh Thái Lan luôn chiếm áp đảo so với học sinh người Việt. Thế nhưng, không phải tiếng Việt giờ đã dễ dàng đến với người Việt trên đất Thái. Bởi vì ở hiện nay, có khoảng 100.000 Việt kiều sinh sống ở Thái Lan nhưng nước bạn đang có chính sách Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nên kêu gọi người dân ở khu vực nào thì sẽ học tiếng gần miền đó. Ví dụ như người dân sinh sống ở miền Nam Thái Lan thì sẽ được học tiếng Malaysia, ở phía Tây thì học tiếng Myanmar. Còn ở vùng Đông Bắc thì có lớp học dạy tiếng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chính vì những yếu tố trên mà không phải là tất cả người dân nào sang sinh sống ở Thái cũng dễ tiếp cận với việc học tiếng Việt một cách dễ dàng. Đặc biệt là khi hiện nay, việc dạy tiếng Việt còn một số bất cập như số lượng giáo viên còn ít, giáo trình giảng dạy còn thiếu thốn và chưa có nhiều cải biên, nâng cao chất lượng.

Được sự tín nhiệm, từ năm 2000 cho đến nay, thầy Vi được Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani mời làm Ủy viên cố vấn Ban Quan hệ Quốc tế, thỉnh giảng, giảng viên cho những sinh viên, nhân viên đang học tập, làm việc tại trường. Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Việt, thầy Vi còn là Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Công việc của Hiệp hội đã khiến thầy có thêm cơ hội giao lưu, tìm hiểu về các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Hầu hết những lần gặp gỡ nào, thầy Vi đều tranh thủ kêu gọi, hướng dẫn cho bà con ý thức giữ gìn và bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ Việt. Vì vậy, người dân đều tích cực cho con cháu tham gia học tiếng Việt cũng như nhiệt tình tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và phong tục Việt Nam.

Dù công tác giảng dạy ở trường học còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi có cơ hội được tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, trường học từ phía Thái Lan và Việt Nam, thầy Lê Quốc Vi đều tranh thủ đề xuất hỗ trợ cho việc dạy và học ở nước bạn cũng như bày tỏ nguyện vọng, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình học tiếng Việt.

Với hơn 40 năm giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan và người dân nước bạn, thầy Lê Quốc Vi mong muốn tiếng nói quê hương sẽ được người dân bảo tồn và phát huy cũng như được bạn bè trên thế giới sử dụng rộng rãi.

Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Nam Phi



Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban ASEAN tại Pretoria, Đại sứ Indonesia tại Nam Phi, ông Sjahril Sabaruddin đã chính thức trao chức Chủ tịch Ủy ban cho Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi, ông Lê Huy Hoàng, trước sự chứng kiến của Đại sứ các nước Thái Lan, Sinhgapore, Malaysia, Philippines và Myanmar.




Đại sứ Lê Huy Hoàng nhận chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Pretoria. (Ảnh: Minh Đức/Vietnam+)



Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Sabaruddin chúc mừng Đại sứ Lê Huy Hoàng trên cương vị mới và bày tỏ hy vọng Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, nhất trí và sự hợp tác chặt chẽ trong Cộng đồng ASEAN tại Pretoria, đồng thời thúc đẩy quan hệ mọi mặt giữa các nước ASEAN với nước sở tại.


Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Phi, Đại sứ Lê Huy Hoàng cho rằng đây là một vinh dự, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn đối với cá nhân Đại sứ và tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam.


Đại sứ cho biết trong nhiệm kỳ 6 tháng tới, với vai trò điều phối viên, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi sẽ cùng các Đại sứ quán khác của ASEAN tại Nam Phi tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của các nước thành viên ASEAN.


Song song với những hoạt động đó, Ủy ban ASEAN tại Pretoria sẽ tổ chức quảng bá về tiềm năng đầu tư, thương mại và du lịch.


Trước mắt, trong dịp Tổng thống Nam Phi, ông Zacob Zuma đọc thông điệp quốc gia tại Quốc hội vào đầu năm 2014, Ủy ban ASEAN sẽ tiến hành gặp mặt lãnh đạo Quốc hội và Đoàn Ngoại giao tại Nam Phi để trao đổi thông tin, bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác.


Một hội chợ ASEAN cũng dự kiến sẽ được tổ chức trong nhiệm kỳ này.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than


Vicki Convington (sinh ngày 22/10/1952) là một tiểu thuyết gia nổi tiếng của miền Nam Hoa Kỳ (Về dưới mái nhà/ Gathering Home, Chim thiên đường/ Bird of Paradise, Chuyến đêm về nhà/ Night Ride Home, và Nhà trọ cuối cho đàn bà/ The Last Hotel for Women).

Nhà văn Vicki Covington - Ảnh: internet


Cuốn sách gần đây nhất của bà, Chẻ: chuyện về một hôn nhân/ Cleaving: The Story of a Marriage, là một tác phẩm phi hư cấu mang tính sáng tạo bà cùng viết với chồng là Dennis Covington.

Những truyện ngắn của bà từng xuất hiện trên Tạp chí Người New York (The New Yorker); bà cũng viết cho nhiều tạp chí văn học, như là Shenandoah [tên một con sông ở Tiểu bang Virginia], Tạp chí Nhân văn Miền Nam (Southern Humanities Review), Giáp mặt (Confrontation), và Thăng tiến (Ascent). Bà từng là người nhận được tiền tặng thưởng cho một nghệ sĩ cá thể từ Hội đồng Nghệ thuật của tiểu bang Alabama và Hiệp hội Thư viện Alabama. Chẻ: chuyện về một hôn nhân được Tạp chí Thư viện gọi là một trong những cuốn sách hay nhất của năm 1999.

Hiện thời, Convington đang dạy viết văn hư cấu ở Đại học Alabama tại Birmingham (UAB), tại đó bà cũng hướng dẫn các khoá giảng trong Chương trình Danh dự của UAB. Bà cống hiến những buổi đọc văn và là một diễn giả công cộng cũng như cổ động cho Hiệp hội Alzheimer cho những người bị bệnh suy não ở Trung tâm Alabama và Hệ thống Hỗ trợ Gia đình cho những người mang bệnh Alzheimer của Đại học UAB.

Bà có hai cô con gái. Cô Ashley, mười bảy tuổi, là người viết tiểu thuyết, luận văn, và là người nghiên cứu về gia phả học lành nghề. Cô này đang theo trường Mỹ nghệ Alabama và bây giờ đang là học sinh năm chót của Trung học Homewood. Cô kia Laura, mười lăm tuổi, đã nhận được nhiều giải thưởng về văn viết trong mọi lĩnh vực – đặc thù là thơ. Cô này cũng hoạt động tích cực trong Phân bộ Kịch nghệ của trường Homewood và đoàn Kịch nghệ địa phương. Cả hai cô gái này đều là nhạc sĩ giống như mẹ và cha mình, ông Dennis Covington, tác giả của cuốn Cứu chuộc trên núi cát/ Salvation on Sand Mountain, một tiểu thuyết được vào chung kết Giải thưởng Sách Quốc gia.


VICKI COVINGTON


Tôi sống tại một ngõ cụt (cul-de-sac). Tôi quý những người láng giềng của mình. Trong số bảy người đàn bà chúng tôi, có hai luật sư, ba giáo viên, một điều dưỡng, và một nhà văn. Gom lại, chúng tôi có mười bảy đứa con. Một tối kia những người đàn bà tụ tập quanh một cái bàn bếp cho một bữa tối đón tiếp láng giềng. Tôi nói, “Tôi tò mò. Bao nhiêu người trong các bạn đã có lần nào khóc trong suốt bốn tám tiếng vừa qua?”

Mọi người ai cũng thú nhận đều có cả.

Vốn là, chúng tôi đang trong những tình trạng khác nhau của dòng chảy nội tiết - có người mang bầu, có người đang cho bú, những người khác tiền mãn kinh. Thêm nữa, chúng tôi đang trong những tình trạng khác nhau của dòng chảy nghề nghiệp - hầu hết chúng tôi làm việc bán thời gian. Nhưng hãy gạt sang một bên những tuyến nội tiết và công việc, tôi nghĩ điều quan tâm là, vào một đêm tháng Tám, chúng tôi tất cả đã khóc trong vòng hai ngày qua.

Chúng tôi là những người con gái của giấc mơ Mỹ hậu Thế chiến II. Nhiều người trong chúng tôi cũng như mẹ mình mong muốn được giống cha chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được làm con trai. Chúng tôi mong muốn được làm đàn ông. Chúng tôi mong muốn sự đối xứng của đàn ông: da, xương, những giấc mơ.

Chúng tôi đã hoàn thành kì công hoá thân này. Những cặp xách thế chỗ những yếm làm bếp. Những thẻ tín dụng, những bộ đồ lớn màu đen, quyền lực, những dặm bay miễn phím và bệnh tim mạch hợp với chúng tôi. Mọi sự đều tốt lành. Chúng tôi đã trở thành những cha của mình hệt như chúng tôi đã hoạch định và lịch sử đang được kiến tạo.

Rồi chúng tôi mang bầu. Và bất kể bạn cứu xét nó cách nào, bất kể bạn phủ nhận nó cách nào, bất kể bạn muốn làm người trung giới tồi tệ thế nào, thì chỉ đàn bà mới có thể tạo trứng, đau đẻ, sinh sản, và tạo sữa. Và bất kể làn đường chạy nhanh cảm thấy tốt ra sao, chất liệu khác này khiến chúng tôi cao hơn.

Trong cuốn sách, Khoan làm mẹ (Motherhood Deferred), Anne Taylor Fleming than rằng sự không con của bà là kết quả từ sự trì hoãn có con. Fleming, một phóng viên của tờ New York Thời báo (New York Times), nói rằng phong trào phụ nữ không chịu trách nhiệm về tình cảnh của bà, nhưng bà không thể nhịn việc nghiên cứu cái nó đã tác động lên đời sống của bà. Trong trường hợp của bà, ý tưởng rằng đàn bà có mọi sự đơn giản là không hiệu quả. Trong nhiều cung cách, chuyện của bà cũng là chuyện của tập thể chúng tôi: thập niên sáu mươi và bảy mươi, cuộc cách mạng tính dục, tử cung trống rỗng, đổi một đứa con lấy một danh hiệu trên báo chí.

Trong một tiểu luận nhan đề “Khinh mẹ, Khinh mình,” Orania Papazoglou nói rằng, “Bạn không thể giảm giá trị việc làm mẹ mà không giảm giá trị mọi thứ khác đàn bà làm. Bạn không thể đào tạo cả thế hệ đàn bà trong sự khinh miệt mẹ của họ mà không đào tạo họ trong sự khinh miệt chính họ.”

Nữ quyền, tại một thời điểm, dường như có sự khinh miệt việc làm mẹ. Khi chúng tôi còn trẻ, và chúng tôi bắt đầu chạy trốn việc làm mẹ. Chúng tôi vẫn còn chạy trốn nó, nhưng bây giờ với những đứa con đeo trên lưng. “Bạn phải là hơn một người mẹ,” bọn tôi đang gọi với chúng khi chúng đeo lấy bọn tôi, gắng sức bám chặt những bà má rồ dại. Tôi biết chúng muốn bọn tôi ngừng lại. Chúng biết bọn tôi không thể. Bọn tôi nghĩ bọn tôi đang làm điều này vì chúng, và có lẽ bọn tôi như thế thực. Bọn tôi đã thích nghĩ rằng mình là những khuôn mẫu tốt. Chúng thấy cát bụi bọn tôi dấy lên, nhưng chúng cũng ngửi ra nỗi âu lo.

Một người láng giềng của tôi, là luật sư, kể câu chuyện về việc chị thức dậy một buổi sáng để đáp một chuyến bay lúc 5: 50 tới thành phố Atlanta [thủ phủ của bang Georgia] ra sao. Chị sắp đi tới bang Florida để soạn một vụ án sẵn sàng cho phiên toà xét xử. Ở nhà có hai cô con gái, một bị bệnh và đứa kia bị gãy tay. Chị tới văn phòng của mình trong ánh sáng nhạt nhoà buổi rạng đông, thu thập giấy tờ, và đi ra phi trường. Ở đó, chị gặp người đồng sự và trao cặp xách vào tay anh ta. “Đi đi,” chị bảo anh. “Tôi không thể.” Chị nêu điều này như điểm xoay chuyển trong đời. Chị muốn lấy lại đời sống của mình.

Một lần, tôi lao vào một buổi họp của những trợ tế tại nhà thờ trước đây của mình. Ở đây, tôi là một trong bốn người đàn bà giữa một thế giới đàn ông. Lúc đó 6 giờ, và các ông đang ngồi điềm nhiên trong những bộ quần áo ba mảnh. Tôi thì trong quần ngắn áo thun, vừa mới quăng một mớ mì sợi vào đĩa của lũ con và lao vội, với những tiếng thét của chúng đuổi sau lưng, “Tôi ước bạn không phải là một trợ tế. Thật là ngu xuẩn!” Khi tôi ngồi vào một cái ghế phía sau và cầm bản báo cáo tài chính lộn ngược, tôi tự nghĩ, “Những đứa trẻ sẽ ổn thôi mà.” Đúng lúc tôi đi xuống Câu lạc bộ Phù luân hội (Rotary Club) ở phố chính nơi đàn bà là một thiểu số dễ nhận biết đặc thù. Tôi nghĩ, “Không ai biết cái sáng nay tôi đã trải qua để tới đây. Tôi là một kẻ giả mạo. Đây là một trò cười.” Suốt đời tôi mong muốn được ở trong một thế giới của đàn ông. Họ đã cho tôi vào. Và suốt thời gian ở cùng với họ, tôi chỉ mong muốn trở về mái nhà. Tôi chỉ mong muốn lại làm một người đàn bà.

Và việc xảy ra như thế cho chúng tôi.

Gần đây tôi đã có một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, tôi thấy cái tôi ngỡ là con hươu, hay có lẽ con linh dương: đen, cháy sém, trong một hố nướng thịt cũ. Tôi tiếp tục nói với chính mình, điều này không thể được sinh ra từ một người đàn bà. Nhưng đúng là vậy. Trong nhiều tuần, tôi tiếp tục tự hỏi con thú này là con gì. Tôi nhìn vào những hình ảnh động vật. Nó là con hươu, heo rừng chăng? Không, không hoàn toàn vậy. Linh dương? Không. Tuần lộc? Không. Cuối cùng, tôi quên phứt chuyện đó cho tới khi cô con gái mang đến cho tôi một cuốn sách về động vật của Tạp chí Địa lí Quốc gia (National Geographic). “Coi những thứ này nè mẹ,” con bé nói. Tim tôi dồn dập. Đó là một đám linh dương đầu bò, hàng trăm con trong bọn chúng, dấy lên một cơn lốc bụi, đang phi nước đại băng qua Thảo nguyên Serengeti của châu Phi. “Những thứ này đã ở trong giấc mơ của mẹ!” Tôi kêu lên. “Đúng rồi. Chúng là hươu, linh dương, những con vật cháy sém trong giấc mơ của mẹ.” Cuốn sách nói rằng hơn một triệu con linh dương đầu bò cùng nhau di cư mỗi năm. 1300 cây số. Hành trình dài trắc nghiệm kĩ năng của linh dương đầu bò như một loài bơi lội, một loài chạy nhanh, một kẻ sống sót. Nếu nó yếu đi hoặc chạy chậm, nó sẽ gặp rắc rối. Nó không thể ngừng chạy. Nó không thể. Nó lâm cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã chọn việc chạy. Quá trễ để nghĩ lại mọi điều. Chắc chắn, chúng tôi có thể giảm bớt công việc, làm bán thời gian, uyển chuyển thời khoá biểu, về nhà lúc ba giờ chiều, hoặc nghỉ việc luôn. Nhưng dù sao quân xúc sắc đã gieo rồi. Chúng tôi thì, như Emmylou Harris đã hát trong ca khúc, “Sinh ra để chạy” (Born to Run). Chúng tôi là con gái của cha mình, sống trong một thế giới của đàn ông, mang thân thể của đàn bà, giao tranh với tự nhiên.

Không lạ gì khi chúng tôi tụ tập quanh một bàn bếp, hỏi nhau điều gì sai trật đây và tại sao chúng tôi không thể ngừng khóc.

(Trích trong cuốn Tập tiểu luận: “Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than” của Vicki Covington, Ấn quán Đại học Alabama xuất bản, 2002.)

Hồ Liễu dịch

Em không viết nữa


Vũ Thiên Kiều


em không viết nữa nỗi đau tựa ngàn năm nước mắt
vì biển sông
trời đất
dù sóng gió chia ngọn ngành muôn ngả
vẫn vịn mùa bay bay bay bay

Em không viết nữa về khoảng trống vây tâm hồn rách nát
vì bút mực thơm
hoa hồng
và ngọc bám bàn chân người phụ nữ gánh hàng rong

Em không viết nữa tháng ngày chật chội và đằm đẵm cỏ hoang
vì cá chép môi
cơn mưa lách ngược
trứng gà son cục tác tiếng gà trưa

Em không viết nữa những tội đồ được mất
vì mùa rộn
khởi luống cày
lẫm lẫm ổ khoai xinh

Em không viết nữa vết sạm vào đêm hằn sâu gò má
vì ngụm nước chạm đời
vung vẩy lòng xuân
và anh đến
bên em
nữa nữa

Dòng sông anh

PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO




Dịu dàng dải lụa quấn quýt em
Dòng sông Anh
Món quà số phận
Thượng đế chọn em trao ai đoán được bao giờ

Phấp phỏng em
Trái xanh yêu
Cuồng nhiệt anh
Mọng nắng chiều

Ngày anh đến cỏ cây loang ngực gió
Nhành yêu nào tím ngắt thảo nguyên xanh
Ngan ngát tóc ai mềm hơi thở…

Ngày anh đến
Mùa yêu như bừng dậy
Tay sông dài ôm ấp giọt phù sa
Nắng như thiêu cả miền xanh nhựa ứa
Em hóa thân tro bụi giữa bãi bồi

Mùa mùa anh ập đến trong đời
Mặc dòng đời bão giông nắng lửa
Vẫn xuân về
Nứt hạt
Nẩy mầm…
Em.

Sapa huyền ảo



Sapa huyền ảo
Ảnh: Minh Được

Thơ trẻ - nhìn từ thể loại



LƯỜNG TÚ TUẤN

Chỉ có những sự liên hệ được ngôn ngữ thừa nhận
mới được coi là phù hợp với hiện thực.

F. de Saussure

Ảnh: internet


Tiến trình thơ Việt nhìn chung là quá trình “đánh đắm hành ngôn văn học1”. Phá vỡ cấu trúc thẳng, cấu trúc của văn xuôi, thứ hành ngôn mù quáng mà ở đó từ bị rút hết chất sống chỉ còn lại là những ký hiệu sống một đời sống của công cụ. Thơ cổ điển với những lề thói niêm luật và cái quyền uy của một thứ khế ước xiềng xích đã trói buộc những xúc cảm của con người trong những khuôn mẫu vững như bàn thạch. Và cá nhân, trước sức mạnh đè nén của văn phạm, trong bao nhiêu thế kỷ không cách gì thành thật được với chính mình. Cần phải phá tan bức tường giam hãm của những lề luật tư tưởng ấy bằng con đường khai hóa một thứ văn phạm mới. Văn phạm của thơ tự do.

Thơ tự do là gì? “Không lấy vần điệu làm đơn vị cấu trúc để tạo nên hình tượng âm thanh, thơ tự do thực hiện chức năng thi ca của ngôn từ bằng nhịp điệu của hình ảnh (các từ ngữ hoạt động trong cấu trúc liền mạch hoặc đứt đoạn tự chúng dựng dậy chuỗi hình ảnh song hành hoặc tương phản, những ám tượng bình thường và đột biến, gần gũi và bất ngờ làm nảy sinh trong đầu người xem những tư tưởng - giống như “thủ pháp Montage” của điện ảnh); ngôn từ không còn là phương tiện biểu đạt mà trở thành chất liệu tạo hình trực tiếp (như đường nét, màu sắc của hội họa, hình khối của điêu khắc) để thực hiện sự tự do của mộng tưởng, sự phiêu lưu bất tận của tâm hồn2”.

Điều này đồng nghĩa với việc con người, đặc biệt là thi ca hoàn toàn có thẩm quyền sáng tạo nên những thực tại mới. Và con đường của nó là gì? Là thiết lập một lối viết mới/khác. Chỉ có lối viết này với sự bôi xóa những liên kết đã đông cứng của cấu trúc cú pháp cổ điển, tạo dựng một thứ ngữ pháp mới, “ngữ pháp thơ” (Jakobson), mới mong kiến tạo một thực tại xa lạ, một thế giới chưa từng được tri kiến. Nhìn bề ngoài, thực chất của những phá phách và dựng xây này chính là công cuộc khai sinh những thể loại mới cho thi ca.

Thể loại là “các khuôn mẫu rắn chắc nhất định để đúc kết kinh nghiệm nghệ thuật3”. Nó đồng nghĩa với cái nhìn. Thể loại là con mắt, là lăng kính của văn học. Mỗi hình thức sẽ là một thực tại. Cố gắng của Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng hay sớm hơn nữa ở Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi chính là nỗ lực xác lập một hình thức mới cho văn chương nhưng sâu bên trong là cả một cuộc cách mạng nhận thức lại cuộc đời, kiến thiết lại hữu thể. Đó là một bước ngoạt lớn của hoạt động tinh thần trong thơ ca.

Sự thức nhận lại này không chỉ tìm thấy nơi những cây bút “Sáng tạo” hay “Nhân văn” mà còn xuất hiện ở những nhà thơ trẻ với nỗi đam mê khám phá một thực tại người, một thế giới tâm thức sâu thẳm mà ở đó những chập chờn, những chiêm bao, những mộng tưởng tứ tán có lúc đồng hiện xô đẩy nhau trong “Một hỗn độn đẹp xô bồ say dậy” (Bích Khê).

Người ta đã nói tới Thơ Mới như một sự bứt phá khỏi thi pháp cổ điển, thiết lập nên thơ tự do. Chúng tôi e rằng nhận định ấy có phần vội vàng. Gọi thơ của lớp thi nhân Việt Nam đầu thế kỉ XX là thơ tự do đồng nghĩa với việc chỉ quan tâm tới bề mặt của thể loại. Thơ Xuân Diệu, thậm chí thơ Hàn Mặc Tử hay Bích Khê cùng lắm chỉ là sự nới rộng biên độ của thơ cổ điển. Đóng góp của nó là thông qua việc đưa ngôn ngữ của đời sống vào văn chương đã cho phép thơ nói được nhiều hơn, rộng hơn và thật hơn. Cái tôi cá nhân qua đó có cơ hội đứng vụt dậy bộc lộ tất cả những hỉ nộ ái ố mà nó đã phải chịu đè nén hàng ngàn năm qua. Biến “thời đại chúng ta” thành thời của chữ Tôi. Cá nhân được giải phóng. Nhưng bên cạnh đó vần vẫn thống trị thơ, cái du dương, nhịp nhàng vẫn là một tiêu chuẩn mĩ học lớn. Cấu trúc khép kín và tính chất “chuyện kể” vẫn phủ lên trên một hình thức có vẻ như tự do. Hành ngôn thơ mới, vì vậy, vẫn là một thứ hành ngôn chịu sự chế ước của ngữ pháp; và do đó những “mảng hiện thực” trong thơ vẫn phải tuân theo logic của văn phạm. Logic không những chưa hề bị phá bỏ mà ngược lại vẫn đóng vai trò trung tâm, thậm chí còn chặt chẽ hơn cả Đường thi. Cấu trúc của Đường thi là cấu trúc gián đoạn, cấu trúc cách li trong khi đó thơ Mới đầy những liên từ, hư từ và những hình thái cú pháp ẩn tàng.

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngã nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết

(Vũ Hoàng Chương - Say đi em)

Không có tự do trong những câu thơ này. Những câu dài ngắn với sự mất cân đối bề ngoài có vẻ như tự do nhưng nhìn sâu vào văn phạm thì ta vẫn dễ dàng nhận ra một cấu trúc chặt chẽ với đủ thứ quan hệ ngữ pháp được xác lập mà thông qua đó hiện thực được tái tạo. Điều này đồng nghĩa với rằng cái hình thức tự do ở đây chỉ là một hình thức giả hiệu. Nó không mang lại cho ta một thực tại mới. “Tuyến tính của năng biểu” đã không phá tan được trật tự sở biểu. Tư duy thơ vì vậy vẫn là một thứ tư duy đơn tuyến chìm ngập trong thế giới quyền uy của văn xuôi hay đúng hơn của tính liên kết văn phạm.

Cần phải xóa sạch cái tự do giả dạng, nâng cuộc đời trên đôi cánh của trực giác huyền đồng. Một trực giác hòa điệu cùng những câu thơ đứt đoạn được ghép nối trong sự ngượng ngùng phi cú pháp. Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly… là những người đang cố mang lại cho thơ cái tự do của một “vũ điệu không vần” (Khế Iêm) ấy.

Tung rợp trời những con chim xòe cánh chữ “V”
Ngày lồng khung chân dung đức hạnh
Tôi bước khỏi bức tranh
Hối hả khai hóa để hồi quy trinh bạch

(Vi Thùy Linh - Sinh năm 1980)

Sự nối kết giữa những câu thơ trên là tự do! Nó chối bỏ logic hay ít ra cũng là sự chối bỏ logic của một lý trí đã cằn cỗi. Nó không thèm đếm xỉa đến một chuyển vận “có lý” nào giữa “những con chim xòe cánh chữ V” với “ngày lồng khung chân dung đức hạnh”. Từ tự do mang tính định lượng chuyển ngược vào trong hướng đến cái tự do của tâm thức. Và một thế giới với đầy những dị biệt được kéo lại, đẩy vào sống chung trong ngôi nhà thơ. Thơ tự do, như thế, cần phải được nhận thức từ trong bản chất của sự tái thiết lại cuộc đời. Câu chữ không làm nên tự do cho thơ. Chỉ có cách tri nhận thực tại qua thơ bằng những lăng kính mới, lăng kính của tưởng tượng, của chiêm bao, của vô thức, đưa đến một sự lắp ghép mang tính “sinh sự” mới thật sự vượt thoát khỏi cái tự do bề mặt, cởi trói cho cái tâm thức bất kham, giúp nó thâu nạp đủ mọi hỗn độn của cuộc đời vào trong một ánh nhìn bao chứa.

Khác với cái hối hả của Vi Thùy Linh là nỗi buồn hoang dại, đằm sâu của Phan Huyền Thư.

Tôi còn đau
Bọn trẻ hoang
Mùi nắng dại
Nỗi buồn vó bè
Lơ lửng thương đêm
Thiếu phụ chong đèn
Khâu đợi chờ thành tấm chăn
Ủ men ái tình hương cốm

(Phan Huyền Thư - Chia sẻ)

Đọc những câu thơ này ta bỗng giật mình thấy thấp thoáng bóng Hoàng Cầm trên trang giấy.

Bất chấp quy luật tư duy kiểu logic học Aristotle các nhà thơ trẻ Việt đã mạnh dạn sáng tạo ra một thế giới phi tuyến tính. Tôi, bọn trẻ, mùi nắng, nỗi buồn, thiếu phụ cứ thế xuất hiện trong tính tự phát đầy ngẫu hứng, bỏ quên luật tư tưởng, thiết lập một trật tự mới cho thế giới hiện tồn. Đó là thế giới của tự do. Và thơ tự do xét cho cùng là cố gắng xây dựng cái trật tự mới ấy. cần phải làm “rỗng ngực” những kẻ “cơ tâm” (Lão Tử), xóa đi cái tự động máy móc của, những nền tảng mĩ học đã trở nên cứng đờ. Những câu thơ như:

Hoa mướp bồng áo con
Ru hời
Thoại Khanh - Châu Tuấn
Đun nấu sụt sùi đứt ruột ống bơ

(Phan Huyền Thư - Rỗng ngực)

quả là một sự mới mẻ. Xúc cảm được giải phóng qua một hữu thể vừa được kiến tạo tức thì. Tự do đã đạt tới đích.

Nhưng có một thực tế rằng những thi phẩm cập bến tự do nơi những cây viết trẻ này chưa nhiều. “Thơ tự do không đơn giản là tự do hình thức với lượng câu chữ dài ngắn khác nhau, mà quan trọng hơn là ở chất lượng biểu đạt: một nỗ lực thoát ra khỏi cơ chế tự động (hay thói quen) của ngôn ngữ tự nhiên và cả cơ chế tự động về âm luật của các thể thơ truyền thống4”.

Từ những tiêu chí thi pháp ấy soi vào những câu thơ:

Khỏa thân trong chăn
Thèm chồng
Thèm có anh ở bên
Chỉ cần anh gối lên đùi
Mình ôm lấy Anh ôm mình
Biết sự bình yên của mặt đất

(Vi Thùy Linh)

ta vẫn thấy thiếu một tự do thật sự. Nó giống với những câu văn xuôi được cắt khúc nhiều hơn là sự tập trung của thi tánh. Tính liên kết, sự đổ dồn của cú pháp vẫn giữ vai trò chi phối. Và như vậy hành ngôn cổ điển vẫn thống trị trong chiều sâu của một diễn ngôn mang nặng tính văn xuôi. Không có một sự gián cách nào để tạo ra những khoảng trống cho sự tung hoành của chữ.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói tới một thể loại khác cũng hiện diện chững chạc trong thơ trẻ: thơ văn xuôi.

Khi người ta viên nỗi buồn của một cô gái trẻ thành một cục tròn
tròn rồi mỗi ngày gặm nhấm một ít thì cô gái ấy sẽ vui hay sẽ điên
lên? Tôi không biết rõ - tôi chỉ biết cô gái sẽ không cảm thấy đau
cái nỗi buồn ấy mà chỉ thấy đau từng sợi tóc của cô ta
Một ngày cô ta dứt đứt hai mươi chín sợi tóc rồi lấy tay vân vê cảm
giác sừn sựt của sóng tóc. Rồi quẳng tóc xuống đất sau khi thỏa
mãn cảm giác sừn sựt ở da tay.
Tóc tích tụ thành một mớ rối rít chui xuống gầm giường âm thầm
sừn sựt ở gậm giường
Ở ngoài trời đêm nào cũng mưa mưa rối rít
Ở trong phòng nhỏ nhỏ cũng mưa mưa đêm nào cũng
cô gái mưa mưa từng sợi tóc
Mưa ngoài trời không bao giờ dứt nhưng tóc cô gái không kịp mọc
để cô gái tiếp tục tự mưa mưa mình
tự mưa mưa mình

(Ly Hoàng Ly - Lô lô)

Đây không phải là những thể nghiệm, lối thơ này Đặng Đình Hưng đã làm cách đây hơn 20 năm. Có lẽ chúng ta cũng nên quan niệm như Thụy Khuê gọi đây là “thơ tự do làm thể văn xuôi5”. Có những dị biệt về cấu tứ và cấu trúc nhưng không khác với thơ tự do mà chúng ta đang tìm hiểu là bao. Nó cũng mang nặng một hoài bão phá vỡ lối tư duy thơ cũ, đạt tới sự tự do trong những kết nối dị biệt, buộc thế giới phải phơi mình trong một thực tại phi nhân tính. Và như vậy, thơ văn xuôi về thực chất là nằm trong địa hạt của thơ tự do. Một tự do được sinh thành qua cuộc hôn phối của lối biểu đạt chắp nối và cuộc phiêu lưu của trí tưởng. Sự nhào trộn của các thể loại văn học không phải là điều gì bất thường. Chính M. Bakhtin đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: “Một vấn đề rất quan trọng và lý thú nữa là sự tác động qua lại giữa các thể loại trong tổng thể thống nhất của văn học từng thời kì. Ở một số thời đại (…) tất cả các thể loại, ở mức độ nhất định, đều bổ sung hài hòa cho nhau và toàn bộ nền văn học như một phức hợp thể loại ở mức độ đáng kể hiện ra như một chỉnh thể hữu cơ hết sức trật tự6”. Sự xâm lấn của văn xuôi vào thơ như đã thấy thực ra là một đòi hỏi được giải thoát. Đi sâu vào trong bản chất của thể loại chúng ta có quyền gọi thể thơ văn xuôi này là một biến thể của thơ tự do.

So sánh với những cách tân của Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng thì những nhà thơ trẻ của chúng ta chưa thật sự triệt để. Cái mới của họ có lẽ được tập trung trên phương diện “cái được biểu đạt” nhiều hơn là “cái biểu đạt”. Đó là sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân, sự hiện hữu của sex, tóm lại là một khát vọng được thành thật. Như vậy nếu dùng mô hình chức năng sáu nhân tố trong lý thuyết thông tin của Jakobson để định danh thơ trẻ ta sẽ nói rằng thơ trẻ là thơ biểu hiện. Tức là sự ưu thắng của ngôn ngữ khi hướng vào nhân tố “người phát thông điệp”. Cái táo bạo, cuồng nhiệt và “liều lĩnh” thật ra được khởi lên từ chức năng biểu hiện này của ngôn ngữ thi ca trẻ. Nhà thơ, vì vậy có lúc ồn ào và nhiều lời. Thơ nhiều khi cần cái im lặng, cái khoảng trống cho sự phát nghĩa, biến cấu trúc thơ thành cấu trúc biểu nghĩa. Có lẽ cái cuồng nhiệt và bấn loạn của tuổi trẻ trong một thời đại đầy những hoang mang đã buộc các nhà thơ không thể không “hét tên tôi cho nguôi giận” (Thanh Tâm Tuyền). Thành ra cái được cho đời sống thì nhiều mà cái tổn thất với thơ cũng lắm.

L.T.T
(SH287/01-13)



........................................
1. R. Barthes, Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Văn học.
2. Châu Minh Hùng, Tự do thơ tự do, Tạp chí Sông Hương số 240, tháng 2, 2009.
3. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du.
4. Châu Minh Hùng, Tự do thơ tự do, Tạp chí Sông Hương, Số 240, tháng 2/2009.
5. Thụy Khuê, Cấu trúc thơ, thuykhue.free.fi
6. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du

Tâm Cảnh


MAI SƠN

Anh định không sống nữa. Ý nghĩ đó nhẹ nhàng len vào đầu anh cùng một cảm giác dễ chịu vào khoảnh khắc sắp thức giấc sáng nay.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu


Anh muốn thốt lên thành tiếng: “Tôi định không sống nữa.” Và suýt bật cười khi nhớ tới một câu chuyện tiếu lâm... Một chiếc xe tải thắng gấp vì có một bóng người lao vào đầu xe. Trong thoáng chốc anh tài xế biết mình may mắn kịp tránh được một tai nạn. Anh mở cửa buồng lái nhảy xuống, thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi đang đứng lớ ngớ trước đầu xe. Anh lao tới, nắm cổ áo hắn, giật giật, gầm lên: “Mày muốn chết hả?” Tay thanh niên tỉnh bơ đáp lại: “Bộ ông tưởng tôi muốn sống à?”

Nhưng anh sẽ không bao giờ làm vậy. Anh không chấp nhận sự điên rồ dưới bất kỳ biểu hiện nào, dù anh hiểu rằng không ai tự mình dấn bước vào một cơn điên, mà ngược lại cơn điên nó len lỏi và bất ngờ chiếm ngự hoàn toàn tâm trí người ta. Chỉ có kẻ điên mới không sợ đau đớn. Và có thể nói, chàng thanh niên kia đã chết thực sự, vì đã mất hết cảm giác, cảm xúc trước lúc lao vào đầu chiếc xe tải kia. Nghĩ đến đây anh mới chợt nhận ra cái ông nhà văn hiện sinh Camus có vẻ cũng không bình thường khi triết lý rằng vấn đề hệ trọng nhất của con người là “tự tử hay không tự tử”. Ông ta dường như quên rằng, chỉ một khoảnh khắc ông bị con muỗi nhỏ xíu cắn vào cánh tay lực lưỡng của mình, bản năng ông đã dồn hết sức mạnh vào lòng bàn tay để đập chết con muỗi, đã hư vô hóa… cái đau, mà cách nào đó có thể coi là biểu tượng cho cái chết mới bắt đầu manh nha.

Nhưng nói gì thì nói anh định không sống nữa, chỉ đơn giản vì anh chẳng còn thấy mình có ích với ai cả, chẳng còn mối dây liên lạc thiết yếu với ai nữa cả.

Bây giờ, theo thường lệ, anh đi rửa mặt, súc miệng, tắm táp, cạo râu. Có thể không làm vậy được không? Không. Không thể mang cả cái thân thể nặng nề, nhớp nháp sau một đêm ngủ chập chờn mộng mị ma quái này ra mở cửa để tiếp bà bán ve chai. Phải rồi, khoảng từ 8 giờ đến 9 giờ sáng nay, theo hẹn một lần vào chủ nhật cuối mỗi tháng, bà bán ve chai sẽ vào phòng anh thu dọn đống báo cũ, sách cũ, vỏ lon, chai, và các thứ linh tinh. Anh sẽ phải giúp bà một tay. Còn nửa tiếng nữa bà ấy sẽ tới. Nếu vì lý do gì đó phải đến trễ, chẳng hạn vì kẹt một hai vụ mua bán ngon lành bất ngờ dọc đường từ tầng một lên đến tầng sáu này, bà sẽ nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho anh. Rất đàng hoàng. Bà bán ve chai đàng hoàng và lương thiện! Có thể cảm nhận được sự lương thiện như một vầng hào quang toát lên quanh bà. Hoặc sự hiện diện đơn độc của bà tỏa ra chung quanh một không khí lương thiện. Những kẻ chen chúc nhau trong các công sở, công ty không thể “tỏa hương” như vậy được. Họ từng giờ từng phút di chuyển chậm chạp nặng nề trong một guồng máy, và mỗi người thấm ướt khắp người mình một thứ dầu nhớt quan liêu quái đản giúp họ trơn tru với nhau, bao bọc lấy nhau, thúc đẩy nhau, và nếu chẳng may có kẻ nào mới xuất hiện và chưa kịp thấm thứ dầu nhớt cộng sinh đó, hắn ta sẽ bị đẩy ra ngoài như một người khách lạ không mời mà đến. Anh là kiểu khách lạ đó, đi đến đâu cũng bị đẩy ra, trật chìa. Khi rời một cơ quan nhà nước với quá nhiều ràng buộc mất tự do, anh hy vọng tìm được một chỗ làm dễ thở hơn ở các công ty tư nhân. Nhưng anh đã lầm. Những kẻ tập tành học đòi làm ăn theo kiểu tư bản, chạy theo thị trường chỉ thở ra sự man rợ của con thú sổng chuồng đi lạc vào phố xá. Như người ta thường nói, “con thú có thể đã rời khỏi rừng, nhưng bản năng rừng rú chưa rời bỏ con thú”. Anh lúc nào cũng có cảm giác mình đang bị săn đuổi hay sắp bị nuốt chửng tới nơi vào cái miệng lông lá gang thép kia, hay cặp vú cả miệng nọ.

Anh định không sống nữa. Một ý định lớn lên từng phút rất mãnh liệt, nhưng kỳ lạ là nó không thúc đẩy thành một hành vi nào cụ thể. Anh không biết làm thế nào thực hiện ý định đó, hay nói cách khác, làm thế nào để không sống nữa, ngay lập tức, vì mỗi lần nghĩ tới điều đó, bóng tối hư vô tràn khắp linh hồn anh, và mọi vật linh tinh trong căn phòng độc thân của anh bỗng trở nên xa lạ, như ai mới quẳng vào đây, không rõ công dụng của chúng là gì. Nhưng rồi anh hiểu vì sao. Anh không còn sức lực nữa. (Một bức thư ai ném qua khe cửa, rớt xuống nằm cạnh đôi giày nâu, sáng giờ anh vẫn chưa buồn đến nhặt lên.) Anh không đủ sức thực hiện ý định đó, cũng như không đủ sức đẩy lùi sự lan tràn âm u của ý định đó. Cái anh thiếu là sức mạnh thể chất và tâm lý. Anh đã từng ngạc nhiên không hiểu vì sao có kẻ hết ngày này qua ngày khác viết lên, thốt ra những ý tưởng phản kháng cuộc đời một cách quyết liệt mà không kiệt sức, hay, không biến thành Nietzsche? Những kẻ đó có gì đó giống anh chàng Sisyphe dễ thương cứ hì hục đẩy tảng đá lên, vừa chớm đến đỉnh núi anh ta trượt tay, tảng đá lăn quay cuồng trêu ngươi xuống chân núi, anh lại lủi thủi đi bộ xuống để bắt đầu đẩy nó lên lại từ đầu. Sisyphe là tất cả chúng ta. Nhưng Sisyphe chắc chắn không phải là thằng khốn nạn mới hôm qua còn nhìn anh như một quái vật vì anh không biết kê khai cho đầy đủ, hợp lệ chứng từ thanh toán. Anh đứng trước mặt hắn, không nói nên lời, chợt thấy Kafka nói cấm có sai: guồng máy công sở - quan liêu - tha hóa - xa lạ - đuổi bắt… Vâng, những từ khóa để hiểu tiểu thuyết Kafka và hiện hữu cá thể Trung Âu một trăm năm trước. Bây giờ những từ khóa và những ổ khóa khổng lồ đó tái hiện sinh động hơn nhiều. Hạng người như anh Kafka gọi là gì nhỉ? À, một gã K nào đó bị chén mất bữa điểm tâm dành riêng cho mình ngay trong phòng mình và sau đó bị điệu đi không vì nguyên cớ gì rõ ràng cả. Camus gọi là kẻ xa lạ, kẻ đứng bên lề. Vì trú xứ của mình đã bị chiếm mất. Sisyphe không phải là hắn. Sự tồi tệ của hắn anh không thể nào nắm bắt được bằng ngôn ngữ, vì cặp mắt soi mói của hắn cùng vẻ mặt láng bóng thỏa thuê trơn tuột đánh rớt mọi cái nhìn từ ai khác của hắn. Anh có thể dùng chữ “dễ dàng như trở bàn tay” để nói về âm mưu và sự thân thiện của hắn, lật qua là âm mưu, lật về là thân thiện, dẫu vậy rất ít khi hắn chịu lật về. Nhưng thật ra mấy từ đó đâu có nói lên được gì bản chất của hắn. Nhưng sao sáng nay anh lại bực dọc về hắn? Sao không khoan dung cho hắn để lòng mình bình yên?

Anh cúi xuống nhặt lá thư lên, cảm thấy cái lưng của mình cong oằn rõ rệt. Một cái thiệp cưới. Thôi, đơn giản là không đi hoặc tìm cách gởi phong bì đến. Anh lơ đãng mở ra. Đám cưới con gái của thằng bạn. A, thằng bạn này là một khối bức xúc chực bùng nổ, và bùng nổ thường xuyên, gây sát thương ngay cả những ai kề cận hắn. Hắn gần như điên loạn, cắt xẻo chính bản thể mình từng ngày qua con dao chữ nghĩa. Bài thơ nào cũng nhiều náo động, nhưng không như người ta tưởng có thể làm nó nguôi khuây, trái lại, anh đọc thấy từng bài thơ là từng hành vi tự thương, tự đánh đắm mình vào chỗ đau buồn, mệt mỏi. Nhưng lạ lùng sao những đứa con của hắn! Đứa nào cũng hiền lành, giỏi giang, đứa con gái tốt nghiệp trường Y, thằng con trai tốt nghiệp Bưu chính Viễn thông, toàn những ngành nghề danh giá trong xã hội. Anh từng nghe nói những đứa con chỉ có thể lớn lên tự tin và thành công nếu được cha mẹ yêu thương đằm thắm. Yêu thương chứ không phải chăm ẵm. Chắc thằng bạn anh là một bậc làm cha mẹ như vậy. Hắn đâu có gì để chăm ẵm con cái. Nhưng ngược lại, không phải vì như thế nên chỉ còn biết cách yêu thương. Khi phóng cái nhìn ra ngoài, ánh mắt hắn dữ dội. Còn khi quay nhìn những đứa con, hắn trìu mến tột bực, một cách tự nhiên. Chỉ lạ một điều là hắn không buồn liếm những vết thương của hắn, nhưng hắn lại cứ hồi hộp lo sợ có điều gì không may xảy đến với con mình. Không chút mặc cảm với hàng đống đổ nát trong tâm hồn và trên đường đời, hắn lặng lẽ yêu thương các con mà không kéo các con vào chung một viễn tượng bao trùm cha chú. Thứ bảy tuần sau. Anh sợ một tuần là quá dài để một nỗi tin yêu tha thiết không bị lay đổ. Nhưng anh hình dung thấy khuôn mặt hồn nhiên ngu ngơ của thằng bạn giữa đông người. Mất một hồi lâu anh mới có thể tưởng tượng có anh trong đám đông đó.

Anh có ý định không sống nữa. Chính xác là từng chữ như thế rạch từng vệt rành mạch trong đầu anh từ hôm qua. Có đúng thế không? Cả tối hôm qua đầu óc anh trống rỗng, và một trận bóng đá không gay cấn (nghĩa là không có đội bóng Chelsea hay Real Madrid ưa thích và những đối thủ đáng ghét MU hay Barcelona) khiến anh muốn kiệt sức. Trưa hôm qua, trong căn phòng nóng bức này (chiếc quạt máy để dưới đất chỉ đủ làm mát những cái chân của hai người, chứ không đủ làm mát hai cái đầu chất chứa những ý nghĩ tan nát về nhau) và trong tiếng piano không dứt chuỗi sonatas của Beethoven anh và nàng gặp nhau lần cuối. Thật ra họ đã chính thức chia tay từ lâu. Nàng đến để lấy lại những bộ quần áo và những thứ linh tinh dành cho phụ nữ. Cuối cùng, anh đã nói một câu ngu ngốc rằng “hai đứa mình phải chia tay nhau thôi, vì em không quên được chồng em, còn anh thì không quên được vợ. Chúng ta sẽ không làm phiền nhau nữa.” Anh cứ thích ăn nói màu mè đại loại như vậy với nàng. Lẽ ra nếu muốn tỏ ra sâu sắc hơn, anh phải nói rằng chính âm nhạc Beethoven vang lên giữa khung cảnh ấy mới là nguyên cớ tối hậu. Nó xác nhận anh bị vây bủa bởi chính tâm hồn mình, không thoát ra được để đến với nàng trọn vẹn. Và quả nhiên nàng bĩu môi, quay bước đi ra khỏi nhà, vội vã đến mức đạp cái chân giày cao gót lên chân trần anh đau điếng, anh “á” lên khiến nàng quay nhìn nhưng không biểu lộ điều gì, thản nhiên đẩy cánh cửa sập lại, không quá mạnh nhưng không như bao lần, trước mặt anh. Trong khoảng gần một giờ trong căn phòng mà mấy năm qua nàng đã sắp xếp lại mọi không gian - đồ vật và bắt anh phải làm quen với chúng, nàng di chuyển như một nhà vận trù học từ chỗ này đến chỗ kia, lấy cái này cái nọ, thu xếp lại những gì xáo trộn do tác động lấy đi - tháo gỡ của nàng gây ra. Chính xác và gọn gàng. Anh đọc thấy sự dứt khoát tư tưởng trong mỗi cử chỉ của nàng. (Không phải phim ảnh đã dạy cho anh ít nhiều về tâm lý học đó sao?). Đôi lúc, cặp mông ngon lành và cái eo yêu kiều đập vào mắt anh khi nàng làm một việc gì đó phải quay lưng về phía anh khiến anh phải nén tiếng thở dài. Khi nàng cúi xuống nhặt mấy mảnh rác trên sàn nhà, khuôn ngực ngọt ngào sáng lên với một hai giọt mồ hôi lấm tấm không phải mời gọi anh mà là nhắc nhở anh bài học về sự vô thường của cái đẹp, không phải cái đẹp sẽ tàn tạ, không, cái đẹp như thế này sẽ còn mãi, mà là sẽ có một kẻ chiêm ngắm khác thay thế anh. Mâu thuẫn không thể giải hòa giữa anh và nàng là gì? Hình như là quá nhiều nhưng lâu nay anh vẫn tưởng đó là gia vị, là chất kích thích của cuộc sống và tình yêu và tình dục. Chẳng hạn, anh nghĩ mình đã và đang chìu chuộng nàng. Anh từng nói rõ với nàng là anh sẽ “chìu” em (chứ không phải “chiều”, dù hai từ có thể đồng nghĩa) đến những đường cong nhỏ nhất, thì bây giờ nàng bảo đó là sự cẩn thận chi li đến tàn nhẫn của một kẻ lái buôn đam mê đếm những đồng xu của mình. Sao lại có thể có được một ý tưởng như vậy nhỉ? Hoặc, khi nàng kể lể về bi kịch của mình những ngày đầu tiên sau ngày chồng mất, anh xua tay bảo nàng thôi đi, anh không chịu được, vì quả thật anh không chịu được những gì liên quan đến máu (anh sẽ xỉu khi thấy máu, ngay cả trên màn ảnh), anh không chịu được sự khốn khổ và tuyệt vọng và bạo động, cũng có nghĩa là anh chia sẻ với nàng tận bản thể yếu đuối của anh, thì bây giờ nàng bảo anh không biết lắng nghe. Thật là khó hiểu. Anh muốn điên lên không phải vì sự hiểu lầm của nàng, mà vì thực ra những điều nàng nói chất chứa những ý nghĩa lạ lùng không dò la dấu vết được. Hồ như chúng thoát thai từ bao la đêm tối của bản năng và tâm hồn nàng. Như người ta thường nói, thế giới của Eva. Hay từ một cõi âm u còn mênh mông dày đặc bội phần chia đều cho những kẻ mặc cảm? Nhưng nàng đâu có mặc cảm gì với anh. (Nàng có thể không hồn nhiên yêu anh thôi. Hai điều đó có khác nhau không?). Nàng thấy rõ anh có một thế giới riêng và đếch thèm để ý tới. Giống như một kẻ nhập cư nghèo mà không hèn vô tư đi ngang qua một tòa nhà tráng lệ giữa Sài Gòn, và lơ đãng như không khạc một bãi nhỏ xuống vỉa hè láng bóng. Rồi đi tiếp. Bỏ quên hoàn toàn sau lưng cái việc bậy bạ mình đã làm đó. Không vương vấn. Chứ không như một tay nhập cư khác vừa nghèo vừa hèn, vừa khó chịu vì không dám khạc cái miếng nhầy nhụa trong cổ họng của mình ra vừa có ham muốn tột đỉnh là vênh mặt bắn thẳng cái viên đạn hào sảng của mình vào những biểu tượng của thời hiện đại giăng mắc trước mặt. Hắn đang căng thẳng giữa đường biên. Bên này đường biên, hắn chỉ cần dừng lại là yên tâm, bài đồng dao đang chờ hắn hòa giọng, và khẩu phần chơi và sống hoang sơ thiếu thốn của hắn lúc nào cũng còn đó. Nhưng chẳng lẽ lại yên phận như vậy? Bên kia đường biên cũng không còn quá bí mật, nhưng bước qua đó là cả một cuộc phiêu lưu bất trắc và tuồng như vô phương nữa. Nhưng chẳng lẽ tự đánh mất căn cước tinh thần Rousseau của mình vào cái thế giới văn minh điên loạn này? Khổ nỗi cái trạng thái căng bức giữa đường biên đó không làm khổ hắn (hắn còn đang thủ dâm khoái trá với một đống tư tưởng lộn xộn của mình), mà làm khổ người khác. Vì đột nhiên hắn không nói gì với ai nữa. Hắn im lặng. Hắn thở ra toàn mùi thuốc súng. Lâu lâu nói ra vài câu mang vẻ cách ngôn còn khó hiểu hơn Zarathoustra, tuyệt mật hơn Sphinx. Zarathoustra khi xuống núi có uốn éo không? Sphinx khi chặn những người cổ đại Hy Lạp (sau cùng là anh chàng Oedipe) đi qua ngọn đèo hoang vu đó có uốn éo không? Hình như không. Vì ngôn ngữ của vị tiên tri và con nhân sư này đã quá uẩn khúc quanh co rồi. Nhưng hắn thì uốn éo. (Nàng chiếm đoạt tâm hồn anh ngay lần đầu tiên bằng sự uyển chuyển của cả dáng điệu và tinh thần, từ đó anh thường hình dung cách xuất hiện ở đời của người này người kia bằng những chuyển động: thẳng, tròn, dích dắc, xoắn ốc, ngang như cua…). Cái tư thế tinh thần uốn éo của hắn được dệt nên bằng sự im lặng làm bộ làm tịch chứ không phải sự im lặng của bà gia sư người Anh (Jodie Foster) làm điếc tai quân vương Thái Lan (Châu Nhuận Phát) trong phim “The King and I” và sự uốn éo của những con chữ co rút lại như bàn tay mắc bạo bệnh.

Tình thế tuyệt vọng đến mức như không khí trong phòng đã bị rút hết theo nàng từ hôm qua chỉ còn những làn hơi mỏng manh thoát ra từ lá phổi yếu ớt của anh là khi anh xâu chuỗi một vài sự kiện và biết rằng nàng sắp ngã vào vòng tay của một kẻ như vậy. Và ngay tức khắc anh hình dung dễ dàng nàng cùng với người đàn ông uốn éo vào nhau thành một con rắn. Nhìn kỹ hơn anh thấy con rắn mang hình dáng và chuyển động của hắn. Vậy là hắn đã nuốt nàng vào bụng mình. Quả là một bữa no nê cho hắn, vì lâu nay hắn phải cắn cái đuôi của mình mà sống qua ngày.

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

người đàn bà sống dậy lúc nửa đêm


Bùi Kim Anh




ta đánh mất chính mình khi choàng mặt nạ giả bộ
ẩn sau sự giả bộ là gì
rất thực phần người bẩm sinh phần người tái tạo
có nhiều điều để mất và phạm sai lầm
có nhiều điều khiến rùng mình khi nghĩ về thực giả



ta len vào trang viết sự giả bộ đắm đuối tuổi đôi mươi
người đàn bà sống dậy lúc nửa đêm lò mò trong thế giới ngôn từ
những bóng kỳ dị chấp chới trắng đen vờn ý nghĩ
chấp chới cười xô dạt cười vào đêm sáng tối
thai nghén chưa lần nào đủ ngày đúng tháng
non nớt
chưa bao giờ đủ yêu đủ hận để vực mình vượt qua chính mình



những người đàn ông đã yêu ta lại sản sinh triệu triệu nỗi buồn ném vào thi tứ
những người ta đã yêu lại gieo những hạt mần của dối trá của ghét ghen trên những luống thơ đời
sự giả bộ che dấu ta
những câu thơ phơi bày ta
nhắm mắt lại nhớ về ngày hôm qua
ta bỏ những thứ lạ chưa kịp làm
ta mài nhẵn mình trong những thứ quen thuộc
ta dựa vào thơ hay thơ dựa vào ta không biết nữa
sự giả bộ hình thành tên gọi bài thơ
sự giả bộ hình thành tên gọi nhà thơ

CỐC ĐÊM


Nguyễn Bính Hồng Cầu


Ta rót vào cốc đêm
thứ dung dịch của mười tám tầng địa ngục
cái chất đen trong tâm quỉ dữ
vĩnh viễn không có ánh ngày.

Ta hớp một ngụm
hun hút chua cay
hun hút đắng
cốc đêm đặc quánh.

Ta bơi lặn
giữa mười tám tầng địa ngục
mười ngón tay tóe máu
bới tro tàn thắp lửa sao mai.

Ngày với đêm vòng quay trời đất
ta với ta vòng quay miệng cốc
thiên đường địa ngục
ta nốc cạn!