Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

“HÔN NHÂN DỊ CHỦNG”


LÊ MINH QUỐC

Ngày nay, có những phụ nữ Việt sẵn sàng “nâng khăn sửa túi” cho chồng là người nước ngoài. Trong mắt mọi người, “hôn nhân dị chủng” đã trở nên bình thường. Chẳng ai rỗi hơi đàm tiếu, bình luận này nọ. Miễn họ sống hạnh phúc, chẳng làm phiền đến ai, vậy can cớ gì mà mình phải ý kiến ý cò xen vào? Nhiều phụ nữ Việt cảm thấy tin cậy, ấm áp khi “nương bóng tùng quân” là ông Tây to đùng, nói năng rổn rảng, đi đứng hiên ngang. “Ngó vậy chứ ổng hiền khô à”- một chị bạn đã không ngần ngại “khoe” chồng trước bạn bè.







Thử đặt câu hỏi, có phải hôn nhân là chuyện của hai người, là sự lựa chọn của riêng đôi bạn trẻ? Chưa chắc, bởi họ còn ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác. Đôi lúc sự việc trở nên oái ăm từ bên nhà vợ hoặc nhà chồng, do không phải ai cũng hiểu nếp văn hóa của người phương Tây. Mãi đến bây giờ, anh bạn Tây của tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ đến ngày ra mắt gia đình bên vợ.

Lúc ấy, với tâm trạng hào hứng, đôi uyên ương đánh ô tô từ Sài Gòn về Long An. Đến nơi, sau phần lễ đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi vào bàn tiệc, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự? Thôi thì, đành uống. Xã giao một vài ly, chỉ nhấp môi có được không? Ai lại làm thế, phải trăm phần trăm cho đúng điệu. Thấy anh khổ sở, nhăn nhó quá, cô vợ chạy ra can anh em, họ hàng, bạn bè “tha” cho chồng mình. Mọi người cười đùa như bảo rằng, có thương nhau, quý nhau mới mời chứ có ai ép uổng gì đâu (!?). Hơn nữa, hôn nhân là ngày trọng, chú rể phải say tới bến, say quắt cần câu thì mới vui (?!).

Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xay xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc. Bèn tìm mọi cách thoái thác cho bằng được. Vợ thương chồng nên không nỡ ép. Mà đã xong đâu, không thấy anh theo vợ về, mọi người xì xào, bộ thằng chả ỷ người nước ngoài giàu có chê họ hàng, xóm giềng mình nghèo hèn nên không thèm về chứ gì? Sự hiểu nhầm ấy, cô vợ phải phân trần hết lời, chẳng ai chịu nghe. Bực quá, cô vợ tỉ tê tâm sự với chồng nhưng cả hai không tìm được tiếng nói chung. Thế là đôi bên mặt nặng mặt nhẹ vì cái chuyện lãng xẹt đó.

Mới đây thôi, cậu em trai kết nghĩa từ Hà Nội “nấu cháo” điện thoại gần cả nửa tiếng đồng hồ, hỏi tôi phải nên “xử lý” như thế nào? Chuyện rằng, với phụ nữ mắt xanh, tóc bạch kim thì ngày Tết cổ truyền của ta không hẵn có ý nghĩa quan trọng lắm. Do đó, Tết con ngựa tới đây, cô vợ nằng nặc đòi chồng tranh thủ 9 ngày nghỉ đặt tour du lịch nước ngoài, đặng thư giản suốt một năm cật lực, mệt mỏi với công việc. Khi hay tin, lập tức bố mẹ cằn nhằn ra mặt: “Ơ hay, vợ con là dâu cả, ngày Tết ngày nhất phải ở nhà quán xuyến bếp núc, lễ giỗ ông bà chứ?”. Khổ nổi, em trai tôi là con độc nhất, chẳng biết nhờ cậy ai thay thế giúp. Vậy phải làm sao cho trong ấm ngoài êm?

Lại có trường hợp, dù hai con và đang ở riêng, nhưng thỉnh thoảng bố mẹ từ quê vẫn lên chơi dăm ba ngày, tiện thể trông nom cháu. Sự thể hiện tình cảm ruột rà này là bình thường. Thế nhưng cô vợ Tây chẳng hài lòng chút nào bởi nhà cao cửa rộng, máy lạnh cả ngày nhưng ông bố vẫn hiên ngang với ống điếu thuốc lào phì phò như khói như khói tàu. Chiều đi làm về, mở cửa bước vào nhà là cô muốn dội ngược ra ngoài! Biết vợ không ưng ý với thói quen của bố nhưng khi anh vừa thốt lời “góp ý”, lập tức ông bố tự ái bỏ ra ga đón tàu về quê ngay tấp lự.

Đời sống của một gia đình “vận hành” như thế nào là do quy ước của hai người. Thế nhưng, nhiều bà mẹ cảm thấy “nóng mặt” khi con trai mình bị “hành hạ” quá thể. Chà, nó ở tận đẩu tận đâu, tiếng Việt không rành mà nó tưởng giàu có, xinh đẹp là có quyền “ăn hiếp”, “bắt nạt” con trai cưng của bà à? Đừng hòng. Ai đời, đàn ông đàn ang gì sau khi cơm nước xong lại xộc tay vào rửa chén bát, chưa hết, có lúc nó còn phải lau nhà nữa đấy! Nếu biết tiếng Tây thì bà cũng rổn rảng vài câu cho nhẹ người, khổ nổi phải giữ ấm ức mà không thể thốt nên lời. Với quan niệm Á Đông những chuyện “hèn mọn” này là nhiệm vụ của người vợ, đàn bà trong nhà. Nói thì nói thế, bà đâu biết, con dâu của bà phải làm những việc gì trong nhà mà mắt bà không thấy. Hơn nữa, sự phân công ấy do cả hai tự nguyện thỏa thuận, mình can thiệp làm gì?

Để mọi việc “dễ chịu” hơn, thiết nghĩ cả hai cần trao đổi, giải thích về phong tục, tập quán, văn hóa của nhau để tự ý thức và có cách ứng xử phù hợp. Có như thế, 2 người trong cuộc “hôn nhân dị chủng” mới dễ dàng thích ứng và có khả năng đối phó với các tác động từ bên ngoài.

Kim Ngưu chơi vơi

Nguyễn Thị Uyển Di







Có những ngày tôi thấy mình thật cô đơn
Giữa dòng người lướt qua hối hả
Những cánh chim chiều đã mỏi
Tôi với khung trời lãng đãng mây trôi

Tôi hỏi đời tôi có phải của tôi
Hay của ai, của người cõi tạm
Trả hết cho xong một đời vay mượn
Tôi có được về với vui tươi?

Tôi đếm những âm ba trong tôi
Nơi sâu kín tôi muốn gì nhiều nhất
Muốn được yêu thương trân trọng?
Muốn được ôm ấp vỗ về?

Hay muốn nhiệt tình với đam mê?
Với Kim Ngưu cuồng nhiệt vô đối?
Với ái ân ngọt ngào tắm gội?
Với thiên thai nồng ấm môi cười?

Bao nhiêu giằng xé cao vời
Có bao giờ tôi ổn thỏa
Để sống cho kỳ hết
Kỳ hết
Những đam mê cháy bỏng tuyệt vời

Mải miết tôi hỏi trời
Cái mơ ước chính tôi cũng chưa định hình được
Có lúc nó thu lại thật bé nhỏ
Nơi vòng tay nhỏ nhắn ấp ủ khuôn mặt tôi
Có lúc phình to ra
Như bầu trời tháng ba bừng lên rạng rỡ
Có lúc mong manh như tơ lụa
Tôi liêu trai khoác mặc giữa đêm
Có lúc nồng rực môi mềm
Tôi thấy được dắt theo muôn ngàn tiếng gọi
Có lúc huyền ảo biến mất
Như chưa bao giờ được sinh ra

Nên tôi xin được thứ tha
Hỡi những người đã dành cho tôi cảm tình tuyệt đối
Những người đã làm cho tôi ít nhiều bối rối
Giữa lúc ngắt từng chiếc lá nhỏ xíu
Yêu-Không?
Yêu người khi trái tim tôi đi rong
Giữa dòng nước tôi lắc lư giữ nhịp
Đến khi lá rong trôi xuôi ra biển
Tôi chết đi không một tiếng đáp lời
Vị mặn chát của cuộc đời
Đã dìm tôi ngất ngư trong hoảng loạn
Tôi đã quên dòng sông mát lạnh
Thuở lắc lư quên hết sự đời

Và tôi lại tiếp tục quãng đường chơi vơi...

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

VỚI ANH QUA EMAIL


Bùi Thị Thu Hằng


Email anh nhé!
Gửi giùm em bản thảo
Cho một cuộc chơi
Thời gian khỏi đi lùi
Sao con bò bị trói gối ở đầu hẻm
Cứ tru lên, uốt… buột… ruột mà không gặm tạm cơn gió?
Gió, những mầm cỏ nguyên cớ đè lên nhau
Cỏ cũng tôn vinh nhau
Ban mai còn căng cái dạ dày
Mặc kệ hoàng hôn ốm mệt
Anh trả lời giùm em
Tại sao Sơn Ca mẹ vỡ ối ở giờ P
Lại líu ríu líu lô ở giờ Q
Loài người muốn ủ tiếng hót thành rượu
Để chôn nhau quên rằng mai sẽ chết
Hình như anh ơi hoa cau đang rơi
Cuối mùa hè rồi nên hoa cau buồn
Người đừng đùa em kiểu ngày xưa chuồn chuồn cắn rốn
Em vẫn tin vào cơn dông
Dẫu cơn dông làm xước ba phần tư thế giới
Người ta lấy cái lưỡi làm mặt bằng
Cái lưỡi có hình con cá sấu
Thế mới xoa dịu nỗi đau kiếp trước và cộng hưởng niềm vui kiếp này
Phố xá ùn tắc
Mặc phố đông ùn tắc
Ta thẫn thờ góc cạnh cuộc đời.

Hành Tinh Hạnh Phúc









Trần Nam Phương



Khắp địa cầu những chu trình bí ẩn
Dưới mỗi dáng hình
Đều có tình yêu
Hạnh phúc viên tròn
Hạnh phúc thuộc về nỗi đau
Trượt vào nhau vừa vặn



Phương trình
Hạnh phúc của mình- hạnh phúc của người = tham vọng
Ham muốn độc chiếm mình
Ham muốn có điều không thể biết những bến bờ
Bỏ hết nghe anh
Ngã mình xuống cỏ mềm
Xuống em
Anh sẽ thấy
Thiên đường và mặt đất gần như đôi môi anh đặt lên đôi môi em
Rung chuyển một tình yêu chạm khẽ và bùng nổ
Nhỏ bé một tình yêu
Nhỏ bé hai sinh linh
Đã tìm ra nửa thiếu của mình
Trái đất chỉ tồn tại vì những cuộc tình như thế
Khi chan hoà vào nhau thành một khối hồn
Hành tinh nhân xanh màu hạnh phúc

Báu vật của đời "của Mạc Ngôn - lên bờ xuống ruộng trước khi được giải Nobel


 Trần Đình Sử




Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có lời kêu gọi nhà văn sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật lớn xứng đáng với dân tộc và thời đại. Đó là một ý kiến rất hay. Nhưng làm thế nào để có được tác phẩm hay? Số phận nó sẽ như thế nào? Tôi xin kể số phận lên bờ xuống ruộng của kiệt tác Báu vật của đời của nhà văn Mác Ngôn để cùng suy ngẫm.

Mạc Ngôn kể, khi bắt đầu sáng tâc, động cơ của ông cũng rất tầm thường. Ông muốn có một chiếc đồng hồ đeo tay. Các bạn bè của ông đều có, mà ông thì không sao kiếm được vì trong túi không có tiền. Ông nghĩ, sáng tác tác phẩm văn học đăng báo, nếu được đăng thì có nhuận bút và đồng hồ cũng có. Nhưng các bài tập ban đầu đều không thành công. Bố mẹ ông đã phải bán một con bò để mua cho ông chiếc đồng hồ.

Nhưng tìm tòi học hỏi khi sang tác đã nhen nhóm trong ông tình yếu văn học. Đúng lúc đó mở cửa khai phóng, sách văn học nước ngoài được dịch rất nhiều. Ông vô cùng biết ơn văn học dịch, nhờ nó mà ông tiếp nhận được nhiều loại sáng tác đa dạng của thế giới, đặc biệt là tiểu thuyết của các nhà văn châu mĩ La tinh, nhất là Marquez. Ông đọc đủ loại từ Faulkner, Kafka, Tolstoi, Solokhov, Grass, các tác phẩm của Kawabata, Kenzaburo. Họ mở ra cho ông những con đường mới lạ. Và càng thúc đẩy ông sáng tác. Ông trở thành nhà văn tiền phong chủ nghĩa của Trung Quốc.

Tất nhiên để có tác phẩm Báu vật của đời, ông đã trải qua 20 năm sáng tác, tích lũy đầy mình tri thức, kinh nghiệm và bản lĩnh.

Cấu tứ của tiểu thuyết Báu vật của đời bắt đầu từ một hôm, khi ông rời tàu điện ngầm ở Bắc Kinh đi lên đường. Ông cứ bước theo bậc tam cấp đi lên, cho tới khi sắp ra khỏi bậc thang thì trước mắt ông là một người mẹ gầy đen, đang ngồi, ôm hai con nhỏ, mỗi đứa ngậm một đầu vú day day, tay kia thì sờ ngực mẹ. Ông đứng lặng người, nhìn trân trân, bất giác nước mắt ứa ra, mặc cho mọi người đi qua ngạc nhiên nhìn ông như quái vật. Cho đến khi có người đến vỗ vai, là một người bạn, hỏi vì sao lại khóc. Ông cho biết ông nhớ lại thời ấu thơ và thương mẹ mình. Ông là con út, mẹ thương cho bú đến năm tuổi. Ông nhớ tới những năm sáu mươi, làng xóm đói to, không có gì ăn, phải hái rau dại ngoài đồng mà ăn. Có gì ngon mẹ đều cho con, có lần đói quá mẹ ông đã ăn sống rau dại giữa cánh đồng. Thế là ông quyết tâm sẽ viết một tiểu thuyết để kính tặng mẹ. Ông nghĩ đến mẹ , đến người phụ nữ, đến đất mẹ nuôi dưỡng con người. Cái ông nghĩ ra đầu tiên là cái tên tiểu thuyết. Phong nhũ phì đồn. Phong nhũ nghĩa là vú to, phì đồn là mông nần nẫn, ông nghĩ đó là biểu tượng của phụ nữ, của sinh thực mà ai ai cũng thích, nếu không thì là có vấn đề. Nhân vật chủ chốt là người mẹ giàu sức sinh nở và giàu khả năng thương khó. Nội dung tiểu thuyết phải là số phận của những con người, đặc biệt là phụ nữ. Ông dự định viết trong mười năm, nhưng rút cuộc chỉ viết trong chín mươi ngày là xong. Khi thức thì ngồi dậy viết, khi ngủ thì viết trong mơ. Ông viết rất vui, đến nỗi khi viết xong ông lên 10 kg.

Khi tiểu thuyết đem đến nhà xuất bản, vấn đề dầu tiên là ban biên tập không chịu cái nhan đề kia, nó có tính khêu gợi tình dục quá. Nhưng nhà văn kiên quyết không thay đổi, cuối cùng ban biên tập phải nhượng bộ. Khi in ra rồi, búa rìu mới bắt đầu đổ xuống đầu ông. Tại sao quân quốc dân đảng lại được miêu tả tốt, tại sao người cộng sản lại tả xấu, tại sao công kích đảng cộng sản. Người ta thành lập một tiểu ban đến làm việc với ông suốt ngày đêm. Họ chia nhau mỗi người một chương, đọc kĩ và phê phán những chỗ sai trái của ông về quan điểm, lập trường. Ban đầu ông không chấp nhận, nhưng trong số những người làm việc có một người phụ nữ bụng chửa đã vượt mặt, khi trao đổi, ông như nhìn thấy cả đứa bé trong bụng kia đang dẫy đạp. Ông nghĩ đứa bé kia tội tình chi mà cả hai mẹ con đều khổ. Thế là ông chấp nhận. Bao nhiêu bài mà thành viên tổ nghiên cứu viết ra để phê phán ông, ông đều kí tên nhận lỗi hết. Tưởng thế là xong, song cấp trên không muốn thế, họ muốn phải có cái gì xử lí chứ. Thế là lại tiểu tổ ấy đến vận động ông viết thư đến nhà xuát bản, đề nghị ngưng xuất bản, còn sách đã in thì phong lại đem tiêu hủy. Ban đầu Mạc Ngôn kiên quyết không chịu. Việc cấm đoán là của các ông, còn tôi, tôi không rút lui tác phẩm. Tiểu tổ lại làm việc với ông cả đêm lẫn ngày. Cái cô bụng chữa kia lại đến thuyết phục nhiều lần. Ông thấy thương cô ấy, nghĩ, cuốn sách là cái quái gì, nó quý bàng cái sinh mệnh trong bụng người đàn bà kia không. Thế là ông viết đúng như họ yêu cầu. Nhưng nhà xuất bản vừa tuyên bố sách cấm, phải thu hồi thì trên thị trường sách in lậu phát hành tràn lan khắp cả nước, không ai ngăn được. Trong lúc đó thì trên các báo chí quan phương nhan nhản các bài phê phán ông với những quy chụp, tội danh, lời dạy đời y như thời kì đại cách mạng văn hóa mấy chục năm trước. Ông bảo tôi hết sức khinh bỉ các bài đó, không chỉ đạo đức tầm thường, trình độ văn hóa thấp kém, hiểu biết nông cạn, mà thái độ lại thô bỉ. Đặc biệt là các nhà văn lão thành, sức sáng tác đã cạn thì lòng đố kị càng hăng, lời lẽ càng ác độc, ông càng coi thường. Một số nhà văn trẻ thì lại do nhu cầu riêng luôn miệng nhân danh nhân dân, tổ quốc, tự coi mình là đại diện cho nhân dân, thiếu một nỗi là khi ra đường thì dán hai chữ nhân dân lên mặt nhằm đánh dấu thân phận mình cho xã hội biết.

Chính trong lúc phong trào phê phán tiểu thuyết đang lên cao thì có một nhóm nghiên cứu sinh văn học của trường Đại học Cát Lâm tổ chức một cuộc tọa đàm về tiểu thuyết Báu vật của đời. Sự phân tích sâu sắc, thấu tình đạt lí và đánh giá cao tác phẩm của Mạc Ngôn, coi đó là thành tựu của văn học Trung Quốc đương đại. Kế đó có một tờ báo nhỏ dũng cảm đem đăng các bài đó lên. Dư luận loang ra, cuộc phê phán đã có chiều thay đổi. Giá trị văn học nằm ở trong tim người, không nằm ở những lời đánh giá có định hướng. Tác phẩm tuy bị cấm nhưng vẫn cứ lưu hành. Nó được dịch ra nhiều thứ tiếng và cuối cùng được nhận giải Nobel.

Nhà văn Việt Nam muốn có tác phẩm lớn, hãy suy nghĩ và biết tự tin, tự trọng, sẽ có ngày thành công.

Một chút Liêu trai

 Nguyễn Thế Duyên




Nguyễn là người đất Hà thành, tính tình phóng khoáng ưa chuyện phong tình nhưng cũng chưa thấy một ai nói gã là con người hư hỏng. Nguyễn đọc nhiều biết rộng, những khi đàm luận văn chương thường đưa ra đuợc những ý khác hẳn với những nhận định thông thường làm cho mọi người phải bội phục.
Bình sinh gã thích đọc thơ Đường. Nói đến Đường thi mọi người ai cũng xúm vào ca ngợi Hoàng Hạc lâu hay Đằng Vương các. Riêng gã, gã thích Đỗ Mục mà lại chỉ thích mỗi một bài của thi nhân này đó là bài “Khiển hoài”.
Lạc phách giang hồ tải tửu hành
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Dinh đắc thanh lâu bạc hạnh danh
Gã vẫn thường bảo “ Riêng cái tên của bài thơ đã thấy Đỗ Mục khác đời. Cái mà đời muốn dấu kín đi thì ông lại muốn đuợc nói ra mới cảm thấy nhẹ lòng. Lời thơ cao ngạo. Tứ thơ phóng túng. Mười năm mà chỉ như một giấc mộng thì chỉ có ái tình mới làm đuợc. Chao ơi! Giá như ta cũng có một giấc mộng như thế!”


Có người nghe gã nói vậy thì bảo.
- Tưởng bác mộng cái gì chứ mộng thành nghèo đói đến cái mức bụng thì lép kẹp, tay nhẹ bẫng không tiền thì mộng mà làm gì!
Đấy là người ấy lấy một câu của một học giả có tiếng dịch câu “Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh” là nói cảnh Đỗ Mục vì lêu lổng ở Dương Châu mà thành tiền không (chưởng trung khinh) người đói (Sở yêu tiêm tế). Nghe người ấy nói vậy gã cười hỏi lại.
- Đã nghèo đói không tiền thì liệu có thể thành danh chốn thanh lâu đuợc không?
Người ấy chịu không sao trả lời đuợc. Lúc ấy gã mới từ từ bảo.
- Dương Châu nằm ở phía nam Trung Quốc. Gái phương nam nổi tiếng xinh đẹp, dáng người thanh mảnh. Câu thơ ghép hai tích, một tích nói về Sở tương vương vì thích những người eo nhỏ nên có những cung nữ nhịn đói đến chết để giữ cho eo của mình thon thả để đuợc vua yêu, còn một tích về Triệu Phi Yến người thon nhỏ tưởng như có thể múa đuợc trên bàn tay mà thành. Tôi thì tôi cho rằng câu thơ này nói về những cô gái đẹp chốn thanh lâu đất Dương Châu thì hợp lý hơn. Vì chỉ có những cô gái đẹp như thế mới có thể thu ngắn thời gian mười năm thành một giấc mộng. Người kia phải chịu là gã nói đúng.
Đấy là về thơ. Còn văn thì gã thích mỗi Bồ Tùng Linh. Gã bảo “Chuyện hay thì có nhiều nhưng chuyện mà đọc xong khiến người ta cứ mơ màng như lạc vào cõi mộng thì chỉ có mỗi Bồ Tùng Linh là làm đuợc”. Chả thế mà thỉnh thoảng, người ta lại thấy hắn như người mộng du lang thang một mình trong đêm miệng lúc thì cười cười, lúc thì lẩm bẩm một mình như đang nói chuyện với một ai đó.
Mùa thu năm ấy gã dành dụm đuợc một ít tiền nên quyết định đi Hàng Châu du ngoạn. Gã đến Hàng Châu đã và cuối thu, hàng phong ven hồ đã ngả sang mầu đỏ rực. Gió thu hiu hắt sóng nước mênh mông gieo vào trong gã một nỗi buồn tàn thu cũng mênh mang như trời đất. Bất giác gã buột mồm ngâm “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”Tiếng ngâm vừa dứt, đột nhiên có một trận gió nổi lên bứt những chiếc lá phong bay lả tả xuống mặt hồ. Những chiếc lá phong đỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nước được gió thu thổi cứ từ từ trôi xa dần chỗ gã đứng làm cho gã chợt liên tưởng đến Vu Hựu bèn ngâm tiếp.
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy
Thập tải ưu tư mãn tố hòa
Kim nhật khước thành loan phượng hữu
Phương tri hồng điệp thị lương môi
Ngâm xong, trong đầu gã lại mơ màng như mình đang đuợc sống trong chốn “Liêu trai”. Gã thuê một chiếc thuyền bơi ra ngoài đảo, một mình lững thứng đi dưới hàng dương đang xõa mái tóc xanh mượt của mình xuống mặt hồ trong xanh.
Đi một lúc đã thấy mệt nhoài gã bèn ngồi xuống dưới một gốc liễu tựa vào gốc cây thiu thiu ngủ. Thốt nhiên thấy một bà lão đi đến bên gã quỳ xuống van xin:
- Xin công tử cứu tiểu thư của già
Gã vội vàng đứng lên đỡ bà cụ đứng dậy
- Xin cụ đừng làm thế khiến vãn sinh tổn thọ. Chẳng hay cụ là ai và tiểu thư của cụ làm sao mà cần phải cứu?
Bà cụ liền bảo.
- Già là Giả Di nhũ mẫu của Tô tiểu thư.
Nghe nói, gã thất kinh hỏi lại.
- Phải chăng người bà nói là Tô Tiểu Tiểu tiểu thư? – Bà lão gật đầu. Gã sững sờ mất một lúc mới có thể hỏi tiếp – Chẳng phải là Tô tiểu thư đã chết từ hàng ngàn năm nay rồi sao?
Bà lão thở dài, gật đầu bảo.
- Đúng vậy! Tiểu thư của già mất đã hàng nghìn năm rồi nhưng nỗi hận đàn ông trong tiểu thư của già không tan nên linh hồn của nàng không thể siêu thoát. Lúc nãy già nghe công tử ngâm thơ biết công tử là người trọng tình nên mạo muội đến đây cầu xin công tử cứu tiểu thư của già.
Gã nhìn bà lão nghi hoặc:
- Sao Tô tiểu thư lại có thể hận đàn ông đuợc? Tuy vãn sinh là kẻ hậu bối nhưng cũng đuợc biết hai người đến với Tô tiểu thư đều là những bậc chính nhân quân tử. Trọng tình trọng nghĩa. Một người chỉ vì cha mẹ ngăn cấm còn một người đuổi theo đám ma ôm quan tài mà khóc. Đời một người đàn bà có đuợc hai mối tình như vậy còn hận nỗi gì?
Bà lão thở dài nói:
- Người đời ai cũng nghĩ như vậy. Họ đâu có biết rằng trong chuyện tình cảm có cha mẹ nào ngăn cấm đuợc con cái đâu. Ngay đến Trác Văn Quân phận nữ lưu ngoài cha mẹ ngăn cấm còn bị người đời chê cười là bỏ nhà theo giai mà còn không ngăn cản đuợc huống gì đến Nguyễn Uất đường đường là một trang nam tử. Vả lại, nếu cha mẹ có ngăn cản thì cũng chỉ ngăn cản khi cưới chính thất còn thêm thê, nạp thiếp có ai nghĩ đến môn đăng hậu đối nữa đâu. Còn người đàn bà khi đã vì tình thì đâu có nghĩ gì đến chuyện chính danh. Là vợ, là thê hay là thiếp với họ đâu có gì là quan trọng. Với họ chỉ cần có một chữ “Tình” mà thôi. Vậy nên nói Nguyễn Uất vì bị cha mẹ ngăn cấm chỉ là một cách nói để tự bào chữa cho mình. Tiểu thư của già làm sao mà không hận cho được?
- Thế còn với Bào Nhân?
Gã hỏi. Bà lão nhìn xa xăm ra ngoài hồ với ánh mắt u buồn, chậm rãi trả lời.
- Chẳng lẽ công tử chưa bao giờ nghe đuợc câu “Nhi nữ tình trường”? Với Bào Nhân, thực sự tiểu thư của già không có tình cảm gì. Chẳng qua hình dạng bên ngoài của Bào Nhân giống với kẻ bạc tình nên tình xưa trỗi dậy mà ra tay cứu giúp. Còn chuyện Bào Nhân đuổi theo xe tang ôm quan tài mà khóc đấy không phải là vì một chữ “Tình” mà chỉ vì một chữ “Ơn”, chữ “Nghĩa” mà thôi.
Nghe bà lão kể, Nguyễn trong lòng đầy cảm thán. Chao ôi! Tài sắc nức tiếng một thời chỉ vì một chữ “Tình” mà ôm hận ngàn đời không siêu thoát.
- Vậy vãn sinh phải làm sao mới có thể giúp cho Tô tiểu thư siêu thoát đây?
Nghe Nguyễn hỏi bà lão buồn bã lắc đầu:
- Già cũng không biết. Từ khi mất đi, tiểu thư của già mối hận khôn nguôi nên cứ đến đêm rằm tháng mười hàng năm nàng lại hiện nguyên hình cưỡi một con thuyền nhỏ đi trong hồ này để quyến rũ những tao nhân mặc khách thưởng trăng. Đêm nay là đêm rằm, canh ba đêm nay tiểu thư của già sẽ đến nơi đây. Lúc nãy nghe công tử ngâm thơ không hiểu sao già linh cảm thấy chỉ có công tử mới là người có thể cứu nổi tiểu thư của già. Chỉ cần công tử bằng cách nào đó làm tan đi mối hận đàn ông của tiểu thư là công tử có thể cứu được nàng.
Gã gật đầu đồng ý.
- Thôi được để vãn sinh thử xem sao.
Nghe gã nói vậy bà cụ vui mừng chắp tay vái tạ rồi vội vã bỏ đi. Bà cụ đã đi xa, Nguyễn mới chợt nhớ ra chưa hỏi xem thuyền hoa sẽ đậu nơi đâu nên vội vàng chạy theo để hỏi thì vấp vào một hòn đã ngã lăn xuống đất. Sực tỉnh, thấy mình đang nằm dưới gốc liễu. Thì ra đấy là một giấc mơ. Nguyễn bán tín, bán nghi nên không đi dạo nữa mà trở về nhà trọ đợi trời tối.
Canh ba đêm đó, Nguyễn tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề rồi gọi chủ nhà dậy để họ mở cửa cho mình. Người chủ nhà trọ hỏi
- Giờ này rồi mà cậu còn định đi đâu?
Nguyễn bảo:
- Trăng đêm nay đẹp quá. Tôi định đi ra bờ hồ ngắm trăng.
Người chủ nhà mặt thất sắc:
- Cậu không biết gì sao mà lại định ra hồ đêm nay?
Nguyễn ngạc nhiên hỏi lại:
- Biết gì?
Người chủ nhà trọ trả lời:
- Đêm rằm tháng mười năm nào cũng có một người chết đuối ở hồ này.
Nguyễn cười bảo:
- Chuyện ma quỷ chỉ là những chuyện tào lao mà sao ai cũng tin là có thực.
Nói rồi mở cửa bước ra ngoài đường. Nguyễn đi ra ngoài hồ, tìm đến chỗ mấy chiếc thuyền chài đang đậu ở ven hồ đánh thức chủ thuyền dậy.
- Tôi muốn ra ngoài đảo ngắm trăng. Xin ông chở tôi ra ngoài đó.
Vừa nói Nguyễn vừa móc túi lấy ra mấy tờ giấy bạc đưa cho ông lão. Ông lão lắc đầu nguây nguẩy từ chối:
- Chịu thôi! Tôi chẳng dám chở khách ra đảo đêm nay đâu.
Nguyễn tưởng ông lão chê ít bèn móc ra thêm mấy tờ bạc nữa đưa cho ông lão ngư phủ. Ông lão vẫn từ chối.
- Không phải là tôi chê tiền ít đâu cậu mà là chẳng ai dám bơi thuyền ra hồ đêm nay. Cậu nhìn xem. – Vừa nói ông lão vừa chỉ tay ra ngoài hồ. – Đêm nào thuyền đưa khách đi du ngoạn cũng tấp nập suốt đêm. Chỉ có đêm nay là không.
Nguyễn nhìn theo tay ông lão chỉ. Quả thật hồ vắng ngắt không một bóng thuyền. Lúc này thì Nguyễn mới tin là ông chủ nhà trọ của mình nói thật. Thế nhưng Nguyễn vẫn không hề nao núng.
- Nếu thế cụ cho cháu thuê chiếc thuyền nan nhỏ này. Cháu sẽ tự chèo ra ngoài đảo.
Ông cụ thuyền chài gàn Nguyễn.
- Nguy hiểm lắm cậu ạ. Không biết đã có bao nhiêu người chết đuối ở hồ này vào đêm rằm tháng mười rồi. Nếu cậu muốn ngắm trăng thì hãy để đến đêm mai, tôi sẽ đưa cậu đi.
Nguyễn lắc đầu kiên quyết.
- Không! Cháu nhất định phải ra đảo đêm nay.
Biết là không thể ngăn đuợc, ông lão đưa cho Nguyễn một chiếc mái chèo.
- Tôi đã nói rồi. Cậu đừng trách là tôi biết mà không bảo đấy.
Nguyễn cầm lấy cái mái chèo leo sang chiếc thuyền nan nhỏ chèo ra ngoài đảo.
Đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, gió thu hiu hắt. Một làn sương mỏng mờ mờ giăng kín mặt hồ. Đột nhiên Nguyễn nghe thấy tiếng đàn tỳ bà xuyên qua làn sương mỏng ai oán như than như khóc. Tiếng đàn nhỏ từng giọt thê lương xuống mặt hồ làm mặt hồ đen thẫm lại, giá buốt, thăm thẳm sâu như nỗi đau của người đàn. Mặt hồ run rẩy gợn từng con sóng nhỏ. Không gian như ngưng đọng lại, lặng đi rồi đột nhiên òa vỡ trong tiếng đàn gấp gáp, giận dữ như một trận cuồng phong chợt cuộn lên mang theo một nỗi hận đến khôn cùng. Từ trong làn sương trắng một chiếc hoa thuyền đèn đuốc sáng choang từ từ hiện ra như một ảo ảnh. Đầu thuyền, một người đang cầm một chiếc mái chèo nhẹ nhàng khuấy nước, gã nhận ra ngay đấy chính là bà lão mà gã đã gặp buổi trưa nay. Qua chiếc rèm thưa, bóng một giai nhân xõa tóc ôm đàn mắt dõi về rặng núi phía xa bàn tay nhỏ nhắn lướt trên cần đàn.
“Phừng!” Gã còn kịp nhìn thấy năm ngón tay gảy đàn của nàng như muốn bấu đứt dây đàn để tạo ra một tiếng “Phừng” đầy giận dữ. Lòng đầy cảm khái, Nguyễn cầm một thanh trúc nhỏ gõ lên mạn thuyền mình mà hát rằng:
Trăng mộng hề!
Thuyền hoa mộng hề.
Mộng bất thành hề giai nhân hận.
Thiên thu hề! thiên tình hận.
Tan hề trong tình thiên thu.
Tiếng hát của gã dứt, tiếng đàn cũng ngưng bặt. Một khoảng lặng kéo dài rồi gã chợt nghe thấy một tiếng cười nhạt phát ra sau tấm rèm thưa của chiếc hoa thuyền.
- Xin mời công tử lên thuyền.
Một tiếng oanh thánh thót vang lên. Gã điềm nhiên bước lên hoa thuyền vén rèm cửa bước vào. Cô gái đứng dậy cúi mình thi lễ. Đẹp! Sắc đẹp của cô gái làm cho gã ngơ ngẩn. Một nét đẹp buồn toát ra từ cô gái và có lẽ chính cái nét buồn ấy làm cho cô gái càng trở nên quyến rũ hơn. Gã cũng chắp tay xá một xá.
- Tô tiểu thư! Danh nghe đã lâu bây giờ mới gặp thật là vạn hạnh.
Mặt cô gái thoáng biến sắc xong rất nhanh, cô gái lấy lại ngay vẻ mặt bình thường.
- Hóa ra công tử đã biết tiểu nữ là ai. Vậy công tử không sợ chết hay sao?
Nguyễn mỉm cười nhìn thẳng vào cô gái ánh mắt không hề dấu diếm vẻ ngưỡng mộ.
- Chết trong lòng mĩ nhân là cái chết nặng tựa thái sơn còn chết trong tình mĩ nhân là cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tại hạ có việc gì mà phải sợ?
- Có vẻ công tử tự tin là sẽ chiếm đuợc chữ “Tình” của thiếp chăng?
Nghe cô gái hỏi gã điềm nhiên gật đầu.
- Tiểu thư vì một chữ “Tình” mà chết chứng tỏ tiểu thư là một người trọng tình còn ta vì một chữ “Nghĩa” mà không sợ chết lẽ nào một người như thế lại không thể chiếm đuợc chữ “Tình” trong lòng tiểu thư ?
Cô gái cười nhạt hỏi lại gã.
- Tiểu nữ không hiểu :Vì một chữ “Nghĩa” mà công tử vừa nói
- Có gì mà không hiểu. – gã đáp. – Tiểu thư vì một chữ “Hận” mà không thể siêu thoát còn ta lại muốn làm tan đi chữ hận ấy để tiểu thư có thể siêu thoát chẳng phải là một việc nghĩa hay sao?
Cô gái nhìn gã, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Môi nàng mấp máy định nói nhưng lúc ấy người vú nuôi Giả Di bưng khay trà vén rèm bước vào nên nàng không nói nữa. Giả Di đặt khay trà xuống bàn, rót nước ra chén. Cô gái nâng chén trà lên mời gã:
- Mời công tử dùng trà.
Gã giơ tay đỡ lấy chén trà mà cô gái đưa. Hình như cô gái cố ý để cho bàn tay của mình chạm vào tay gã. Gã rùng mình. Một xúc cảm trỗi dậy khiến cho bàn tay cầm chén trà của gã run run làm nước trà nóng sánh xuống tay cô gái. Gã vội vàng đặt chén trà xuống bàn, một tay cầm lấy tay cô gái còn tay kia rút chiếc khăn tay định lau những giọt nước trên bàn tay ấy. Một nụ cười nhạt rất mờ nhạt hiện ra trên đôi môi hồng tươi của cô gái. Gã nhận ra ngay điều đó nên vội vàng buông tay cô gái ra lúng túng nói:
- Xin lỗi tiểu thư
- Không sao! – Cô gái lạnh nhạt. – Nhưng công tử định dùng cách này để làm tan chữ “Hận” trong lòng tiểu nữ sao?
Gã vội vàng dịch chiếc ghế đang ngồi ra xa một chút rồi nghiêm nghị nhìn cô gái hỏi:
- Vậy theo tiểu thư phải dùng cách nào mới có thể làm tan đi mối hận ấy?
Cô gái cười.
- Dễ lắm! Chỉ cần đêm nay tâm công tử không động là mối hận trong lòng tiểu nữ sẽ tan ngay.
- Tiểu thư sai rồi! – Gã điềm tĩnh nói. – Trời sinh ra âm dương là để cho âm dương giao hòa. Âm dương gần nhau thì hút nhau. Đấy là Đạo trời. Trong Kinh dịch có câu “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong (Thuận theo Đạo trời thì sống, trái với Đạo trời thì chết). Tiểu thư hoa nhường nguyệt thẹn. Ta sao có thể trái với Đạo trời để tâm không động đây?
Cô gái cười gằn, nét mặt bỗng đanh lại:
- Những kẻ hạ lưu kẻ nào cũng nói như công tử để biện minh cho hành động khốn nạn của mình. Công tử nói “Âm dương giao hòa” vậy thế nào là giao hòa? Có phải là trong âm có dương, trong dương có âm không? Còn như trong âm có dương còn trong dương không có một chút âm nào thì gọi là gì đây? Và công tử nói thế nào về Liễu Hạ Huệ?
- Tiểu thư lại sai nữa rồi. – Gã lắc đầu. – Người ta khen Liễu Hạ Huệ là chính nhân quân tử, còn với ta, Liễu Hạ Huệ cũng chỉ là một ngụy quân tử mà thôi. Người quân tử yêu thì nói là yêu, ghét thì nói là ghét. Còn như trong bụng thì thích ngoài miệng lại nói không thì những kẻ như thế không đáng để cho ta bàn đến.
Trong ánh mắt của cô gái lộ rõ vẻ hoang mang pha lẫn với một chút thích thú. Nàng cười nhẹ hỏi.
- Sao công tử lại nói như vậy?
- Liễu Hạ Huệ ôm cô gái trong lòng mà mắt không dám nhìn xuống cơ thể tuyệt mĩ của nàng là cái tâm của ông ta đã động. Ông ta không dám nhìn là vì sợ sẽ đến một lúc mình không thể kiềm chế được cái tâm đang động của mình mà đi đến động thân. Trời sinh ra ngũ giác để mà cảm nhận cái hay, cái đẹp của cuộc đời. Cái đẹp bày ra trước mắt mà không dám cảm nhận, chẳng phải là ngụy quân tử sao? Chỉ có thế nói Liễu Hạ Huệ không động thân thôi chứ quyết không thể nói ông ta không động tâm được. Còn điều tiểu thư hỏi về “Trong âm có dương nhưng trong dương không có một chút âm nào” thì... – Nói đến đây gã phải dừng lại suy nghĩ một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt cô gái thẳng thắn thừa nhận. – Đấy không phải là giao hòa mà đấy là một sự chiếm đoạt. Một hành động đê tiện.
- Chắc công tử cho là mình cũng có thể làm đuợc như Liễu Hạ Huệ chăng?
Cô gái hỏi gã với một giọng đầy châm biếm. Gã gật đầu.
- Ta hơn hẳn Liễu Hạ Huệ một bậc. Vừa gặp nàng tâm của ta đã động nhưng ta vẫn có thể gối đầu vào lòng nàng, ngắm nhìn cơ thể tuyệt mĩ của nàng mà chẳng hề động thân.
- Ta sẽ thử xem.
Cô gái đứng dậy đi vào phòng trong, chỉ một thoáng cô gái quay trở ra. Gã nhìn lên. Toàn thân gã nổi gai, người gã cứng đơ. Mắt gã dán chặt lên người cô gái. Cô gái đã cởi bỏ toàn bộ nội y chỉ khoác hờ lên trên mình một tấm xoa trắng mỏng. Cô gái đi lại bên bàn, ngồi xuống duỗi đôi chân thon, mịn, trắng ngần dùng tay vỗ vỗ vào đùi mình bảo gã.
- Công tử có thể gối đầu lên đây nghe tiểu nữ gảy đàn được không? Vừa nói, cô gái vừa vươn tay với lấy cây đàn làm cho tấm xoa hơi trễ xuống. Một bên vú lộ hẳn ra tròn đầy, săn chắc như chưa hề bị một bàn tay nào động vào.
Gã cắn môi đi lại bên cô gái, nằm dài trên tấm thảm gối đầu lên chiếc đùi thon. Một mùi hương từ cơ thể cô gái thoát ra làm cho gã ngây ngất. Từ trong lòng cô gái ngước nhìn lên gã thấy nét mắt cô gái đoan chính một cách khác thường không hề có lấy một chút tà dâm trái ngược hẳn với tấm thân như ngọc, như ngà mờ mờ hiện dưới làn xoa mỏng. Chính cái nét mặt đoan chính ấy càng làm cho nỗi khát thèm trong gã trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Răng hắn lún sâu thêm vào môi chút nữa. Tiếng đàn bắt đầu dìu dặt cất lên. Tiếng đàn như một bàn tay thiếu nữ nhẹ mơn man lên khắp cơ thể gã. Tiếng đàn thầm thì nói về nỗi khát khao thiếu nữ. Tiếng đàn không hề có khúc nào mạnh mẽ, cuồng nhiệt làm cho con người có thể bùng lên đột ngột như một ngọn núi lửa chợt phun trào mà tiếng đàn chậm rãi, nhẹ nhàng, miên man như một ngọn lửa cứ liu riu thiêu đốt lòng người khiến cho đôi bàn tay như muốn cựa quậy. Tiếng đàn thầm thì, trách móc, gợi cảm. Mùi hương con gái tràn ngập khắp phòng. Mầu hồng của da thịt mờ mờ dưới làn xoa. Dịch xuống, áp sát ngay vào mặt gã, một vệt đen mượt như nhung cũng mờ mờ dưới tấm xoa như khêu gợi như mời gọi. Toàn thân gã rạo rực trong tiếng đàn ma mị. Trong tấm thân ma mị. Trong làn hương ma mị của đời.
- Tiểu thư! Đừng đàn nữa. – Người vú già bỗng hoảng hốt kêu lên - Nhìn công tử kìa!
Trong suốt cả quá trình đàn, cô gái không hề cúi nhìn xuống gã dù chỉ một lần. Nghe người vú kêu. Tiếng đàn dừng lại. Cô gái cúi nhìn xuống. Từ làn môi rách nát của gã một dòng máu kéo dài qua mép nhỏ đúng xuống chỗ vệt đen đang mờ ảo hiện dưới làn xoa mỏng ngang thân cô gái tạo thành một vết đỏ tươi trên nền trắng của xoa
Cô gái bỏ cây đàn xuống quay sang bảo người vú già.
- Vú ra ngoài đi và khép cửa lại!
Người vú già đi ra ngoài khe khẽ khép cánh cửa hoa phòng. Đợi người vú đi ra rồi, cô gái mới nhẹ nhàng gỡ bàn tay đang bấu chặt cứng lấy chân bàn của gã từ từ đặt nó vào chỗ bầu vú đang để trần của mình.
- Thả lỏng người thư giãn đi chàng! Trong thiếp đã có chàng rồi.
Nến phụt tắt. Bầu trời và mặt đất gặp nhau.
*
* *
Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy, gã thấy mình đang nằm ôm một nấm mộ. Nhìn vào tấm bia đá thấy đề “Tiền Đường Tô Tiểu Tiểu chi mộ”. Một trận gió nổi lên, những chiếc lá phong đỏ rực rơi xao xác. Gã ngước nhìn lên bầu trời. Một làn mây trắng đang từ từ dâng lên cao và tiếng đàn tì bà đang dạo khúc Phượng cầu hoàng thánh thót từ đám mây trắng vọng xuống như một lời tiễn biệt.
Tây Hồ Hàng Châu 17-10-2012
Tây Hồ Hà Nội 27-10-2012

Nếu Tô tiểu thư có thật trên cuộc đời này xin nàng đại xá!

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Ngụy quân tử



Nguyễn Việt Hà
 Ai cũng có thể phân biệt chính/ tà nếu hai việc xuất hiện cùng lúc. Tuy vậy, việc phân biệt kẻ tiểu nhân trá hình quân tử và người chính nhân quân tử không phải lúc nào cũng dễ. Có một bức tranh hoạt họa vẽ hai chân dung giống nhau và ghi chú khác nhau, một bên là tội phạm và một bên là thánh nữ, và câu hỏi ở giữa: Có gì khác nhau? Những bộ phim bình dân thường cho khán giả biết ngay người ngay kẻ gian qua cách ăn mặc, hay nét mặt, thái độ, cách ăn nói, hoặc dáng vẻ. Nhưng ở mức độ khá hơn, đạo diễn sẽ đi gần với thực tế hơn, khán giả không dễ dàng nhận ra kẻ tội phạm cho đến hồi kết cuộc. 



Ở tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, ngoài những tình tiết phiêu lưu ly kỳ những chiêu thức đánh nhau ngoạn mục, thì có một điều làm văn ông hồi hộp khác hẳn những cây bút viết “chưởng” khác, đó là việc tiên sinh dần dần từng tí kiên nhẫn vạch trần những đàn ông mang vẻ cao đạo. Độc giả thót tim nhẹ nhõm thở phào khi thấy lần lượt các mặt nạ Nhân, Nghĩa, Lẽ, trí, Tín của mấy tay đạo đức giả từ từ tụt xuống, đặc biệt có kẻ còn lộ nguyên hình là thằng mặt người dạ thú. Để có được bút lực gai sắc thâm hậu ấy, người đọc lương thiện đồ rằng, cuộc đời của tiên sinh chắc phải thăng trầm đa đoan lắm. Bởi từ xưa đến nay, để nhìn cho thấu chân diện của một ngụy quân tử là việc thiên nan vạn nan kinh khủng khó.

Đàn ông đạo đức thật vốn dĩ đã không hề đơn giản, do trót có tài năng có phẩm hạnh, họ thường bị đùn đẩy kẹt giữa những đỉnh cao ngóc ngách của các mối quan hệ xã hội. Hành trình hướng Chân Thiện Mỹ của họ liên tục đứt đoạn lổn nhổn đúng sai đa tầng đa nghĩa, và thật nông nổi hời hợt khi vội vàng xét đoán thành kiến đánh giá. Thế nhưng độ phức tạp ở họ vẫn chưa là gì nếu phải so với những đàn ông đang tha hóa trở thành đạo đức giả. Và mọi sự càng chồng chất phức tạp hơn khi đám đạo đức giả ấy tiếp tục dùng trí thông minh tự xây cho mình những giá trị nhang nhác giống hệt như đạo đức. Nôm na có thể nói, ngụy quân tử chính là những kẻ có đạo đức giả hai lần.



Chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần là điển hình lối lạc cho đám ngụ quân tử. Cái tham vọng mụ mị điên cuồng muốn làm thiên hạ đệ nhất cao thủ được tỉnh táo khôn khéo che giấu dưới cái vỏ bọc chí công vô tư không thèm danh lợi. Giống như nhan nhản đàn ông cao đạo thời nay, mồm thì nói không cần nhưng đít âm thầm phấn đấu.

Những đàn ông đó thích ra vẻ dè bỉu đám đông nhưng trong sâu luôn bị ám ảnh dằn vặt bởi cái hư danh do vẫn cái đám đông ấy lẫn lộn phong tặng. “Bất quần” theo nghĩa đen là chẳng thiết số nhiều, vì thế khi đám ngụy quân tử xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tất thảy trông đều rưng rưng cô đơn đẫm đầy cô độc. Bọn họ phẫn nộ nói về các hiện tượng đang tự đánh bóng tên tuổi rồi chua chát thở dài là phong khí học thuật bây giờ nhố nhăng quá. Sau một hồi nhiệt huyết diễn thuyết, bọn họ rút môbai gọi về cho vợ hiền con ngoan là tối nay vẫn bận họp rồi ủ dột đi theo vài ba Mạnh thường quân dung tục thẳng tiến ra bãi biển Đồ Sơn. Trong bữa nhậu ê hề hải sản, họ bật khóc khi ti vi đang chiếu cảnh bão lũ miền Trung và họ thành thật tự thú rằng miếng tôm hùm hôm nay đắng ngắt như miếng nhút. Lúc vào phòng karaoke hoặc mát xa, họ trân trọng gọi các nữ tiếp viên là con gái, giở ví cho xem đứa út cũng ngang tuổi các “con” đang du học ở Mỹ. Tối muộn quay về phòng riêng, họ cau mặt khi thấy trong phòng xuất hiện một thiếu nữ trẻ. Sau một hồi cân nhắc lương tâm, họ tặc lưỡi là đêm nay sẽ mất kiềm chế vì buổi chiều trót uống nhiều quá. Tất nhiên, do có đạo đức dày gấp hai lần người bình thường, họ cẩn thận đòi xem chứng minh thư. Bất hạnh thay, cô bé vẫn đang ở tuổi vị thành niên, họ đau đớn lên án bọn tú ông tú bà buôn người, vật vã nuốt lệ cho phép gái trẻ ngồi lên lòng mình rồi không làm gì sang sảng kể cho thiếu nữ nghe về tấm gương của ông Liễu Hạ Huệ ở bên Tàu. Bình minh lên, dưới ánh mặt trời rạng rỡ, họ thanh thản tự hào, không hiểu sao mà mình lại vĩ đại nhân văn đến thế.

Ở từ vựng của Nho giáo, khái niệm quân tử, là một khái niệm “quân tử” là một khái niệm “quân tử” thanh sạch cốt để chỉ một đàn ông có phẩm hạnh trong trắng, có nhân cách thành thực hoàn thiện. Thuở ban sơ thời Thương - Chu (khoảng một nghìn năm tr. CN) khái niệm quân tử mặc định chỉ người có vị thế tôn quý, đối lập với tiểu nhân là đám thảo dân không có địa vị gì. Phải đến thời Khổng Tử khái niệm này mới vượt thoát khỏi thông tục. Khổng Tử cho rằng, dẫu bần cùng khổ sở, quân tử vẫn là cao thượng quân tử còn tiểu nhân tuy có quyền chức sang trọng vẫn là hèn hạ tiểu nhân.

Người quân tử đại loại là “Tâm tính thanh minh, biết điều gì thì càng ngày càng tinh thâm thuần thục. Họ dốc lòng làm việc nghĩa không để ý đến nhỏ nhen danh lợi. Cái bụng người người quân tử tự nhiên thành thực, hòa với mọi người nhưng không về hùa với người. Lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên chứ không như tiểu nhân, thế nào cũng là điều bậy bạ. Với trời đất họ thận trọng kính cẩn, với người họ nhân hậu từ ái.” (Nho giáo Trần Trọng Kim). Đương nhiên những người như thế thì thiên hạ (tất nhiên có phụ nữ) yêu thương kính trọng lắm. Chính vì vậy mà vô số đàn ông cứ mở mồm là nói đạo đức đều ra sức phấn đấu để mong được người đời coi mình là quân tử. Và khi phải cố đạt điều gì, người ta thường giả dối với chính mình. Ngụy quân tử ra đời.

Thành ngữ chuyện “chưởng” cay đắng cảm thán “chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử”. Ở xã hội đương đại đang tươi đẹp của chúng ta, nhỡ có đông đông tiểu nhân một tí thì cũng đừng nên bi quan đấy là tai họa.

Sự lặp lại



Bùi Chát



Tôi gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn người
Mặt trăng nhe ra một nụ cười nham hiểm

Tôi che thân mình bằng tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh

Đi hết khu rừng
Tôi chui vào một căn nhà tranh
Sưởi ấm cùng một cô gái
Bếp lửa bập bùng, suối tóc bập bùng
Bức tường lờ mờ, đôi mắt dại

Sau khi làm tình chúng tôi nhận thấy
Tất cả mọi sự đều lặp lại


Tôi lại gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn người
Mặt trăng nhe ra một nụ cười nham hiểm

Tôi che thân mình bằng tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh

Đi hết khu rừng
Tôi chui vào một căn nhà tranh
Sưởi ấm cùng một cô gái
Bếp lửa bập bùng, suối tóc bập bùng
Bức tường lờ mờ, đôi mắt dại

Cô ta vẫn rất muốn làm tình
Nhưng tôi bắt đầu ái ngại
Chúng tôi nói goodbye
See you again

Cuối cùng thì vô hại

BÀI TOÁN CỦA TIẾNG VIỆT




Nhà ngữ học Ferdinand de Saussure đã nói: "Tư tưởng con người là 'theo giòng' [linéaire]"

[Chữ trinh kia cũng có 5, 7 đường [không có 7, 5 đường đâu nhé !] Huống chi là cái chữ "không trinh' … e là có cả 5,7 chục đường; mấy thằng chồng hay ghen chắc phải chạy đua lòng dòng không theo kịp mấy cái xa lộ mất trinh đó !

Mà thật thế : người ta ai cũng nói 1, 2 … 2, 3 ...3, 4 ... 4, 5 …5, 6 … v..v.. hay là hai ba, đôi ba, chứ không bao giờ nói hai, một hay là ba hai, ngay cả khi không biết rõ là bao nhiêu, ông bà ta cũng nói là 7, 8 cái chi đó / không ai dám nói 8, 7 cái đó chi !

Ủa, tư tưởng là tự do nói kia mà sao cả 85 triệu người chẳng ai dám nói 2, 1 thằng …3, 2 con… 4, 3 cái, 5, 4 cú …6, 5 con ? Mà ngay cả khi nghĩ thầm trong bụng mấy ổng cũng chỉ dám nghĩ là “đi ngoại tình một đôilần“, chẳng dám nghĩ là đôi một lần!

Lọa chưa !, lọa thật đó, trong cái ngôn ngữ mà cũng có kỹ luật riêng tư, hay nhỉ, huống chi là làm chíng chị chíng em, nhưng rồi thì cũng có ngoại lệ [năm ba cái …không có ba năm cái bao giờ !]

Các bạn biết không, đếm chi cho lắm, người Khmer xưa không ra khỏi cái bàn tay năm ngón… , họ đành phải nói

prăm muôi [5+1] là 6

prăm bi [5+2] là 7

prăm bây [5+3] là 8

prăm buôn [5+4] là 9

Nhưng mà anh chàng Giao chỉ thì tiến lên một cách ngon lành từ 10 cho đến 999,999 cho dù bàn tay mấy ngón cũng kệ nó, ông bà ta không hề chịu bó buộc vào mấy ngón tay để mà tiến bước trên “con đường tính toán”.

Không có hệ thống gọi tên mấy con số nào độc đáo cho bằng của tiếng Việt, một “tiếng nói của toán học“.

Tiếng Pháp thì ú ớ với mấy con số, một cách thảm hại [soixante dix, quatre vingt, quatre vingt dix, …] chao ôi là chán, làm toán mà đếm kiểu đó hèn chi bị phó thủ tướng văn hoá Nhật chê là : tiếng Pháp không biết đếm!' Cũng đúng thôi.

Rời bỏ ba con số toi vật tật voi đó, giờ mình nói chuyện lắt léo trong tiếng Việt nghe chơi…

Ai đời chợt với bất chợt cũng vậy,

thà với chẳng thà cũng thế thôi,

thình lình với bất thình lình thì cũng thình lình như nhau !

quá lắm với bất quá thì cũng không ai quá chi hơn ai

huống chi, huống hồ, huống những. huống lại, huống gì, huống nữa, thì cũng thế

Tại sao mà cái tiếng Việt nó "lôi thôi" làm vậy, xin xem lời giải thích trong "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" sẽ rõ, có cả giải thích "lôi là gì mà thôi" là gì luôn!

Không có cái tiếng nào mà "ba" với "cà" nhiều cho bằng tiếng Việt !

Nào là ba bị, ba bột, ba de, ba hoa,

ba kẹ, ba chớp ba nháng, ba láp,

ba lăng nhăng, ba lia, ba lếu, ba lơn,

ba nhe, ba que xỏ lá, ba rọi, ba trợn,

ba xàm ba láp, ba xạo, ba xí ba tú,

……

ba lơn, ba láp, ba xàm,

Cũng không có tiếng nuớc nào mà cà cho nhiều bằng tiếng Việt

cà lăm cà cặp, cà chớn, cà đột,

cà đước, cà gật, cà huớc, cà giật,

cà giựt, cà kê, cà kheo, cà khêu,

cà khệch, cà khịa, cà khiễng,

cà lăm cà cặp

cà lo, cà mâu, cà mèng, cà na, cà ná,

cà niễng, cà ninh, cà nhắc, cà nhong,

cà nhót, cà nhông, cà nhổng, cà rà,

cà rá, cà ràng, cà rật, cà rịch cà tang,

cà riềng, cà rỏn, cà rỡn, cà rùng,

cà sa, cà tàng, cà teo, cà tong,

cà tửng, cà thọt, cà vệt, cà xóc, cà xon

Tất cả đều có lý do và có nguồn gốc đàng hoàng, xin xem trong " Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" không sót một tiếng nào trên đây mà không có dẫn chứng về gốc gác , ủa ! mà "gác" là gì vậy ta?

Tiếng Việt kỹ luật đến mức cho nên nói

to lớn mà không dám nói lớn to

kêu gọi --- gọi kêu ---

năm mới, ngày mới --- tháng mới

vui chơi " chơi vui khác ý nghĩa

hơn thua mà không nói thua hơn

uớc ao, ao uớc, uớc muốn thì được mà không nói muốn uớc !

làm lấy khác với lấy làm

làm được " được làm

làm luôn " luôn làm

làm đi " đi làm

làm mới " mới làm

lớn con " con lớn

lớn tiếng " tiếng lớn

mau lên " lên mau

Như một bàn cờ tư tưởng của 85 triệu người người việt, cái linh động của ý nghĩ làm ra cái sắp đặt truớc sau của tiếng ghép như là một thứ "ý sắp đặt cho lời" mà các tiếng nói Anh Pháp chạy theo không kịp, họ cũng có fire wood và wood fire nhưng mà ít hơn trong tiếng Việt rất nhiều.

Cả ngàn tiếng như vậy, có truớc có sau, không hề lộn xộn, vì đã có "sách trời định" rồi ![nói theo kiểu "Lý thuờng Kiệt". Cũng như Tàu nói là vĩ đại, đâu dám nói đại vĩ [Khổng tử cũng chịu thua, không dám]

Tàu cũng ghép tiếng, Việt cũng ghép tiếng nhưng mà không ai giống ai, xin đừng đánh lộn sòng mà cho là cái tiếng Tàu "nó sao" thì cái tiếng Việt "nó vậy", như các cụ Hán Việt xưa đã "bé cái lầm".

Qua > 2000 năm, tiếng Việt tiếng Tàu đã lặp đi lặp lại của nhau đến nhàm chán, giờ đây, người Việt đã bắt đầu bỏ đi những từ ngữ Tàu không cần xài làm gì nữa có cả ngàn tiếng Tàu dư thừa mà xưa người ta dùng, nay đã lỡ thời, có cho vàng cũng không ai dám nói và viết như vậy nữa!



dòng thanh thủy, nay mọi người đều chỉ nói là dòng nuớc trong

thu phong, cổ độ, …….. gió thu, bến cũ

cựu tình nhân …….. người tình cũ

vạn cổ sầu …….. buồn muôn thuở

hàn mặc, …….. bút mực

chủng đức, chủng thực …….. ở cho có đức, trồng trọt

Còn cả hàng ngàn tiếng Tàu hết thời như thế, ai thấy thì quét sạch giùm cho, làm sạch sẽ thêm cho tiếng Việt sau này !

Cũng bởi vì người Việt nghĩ xuôi mà người Tàu nghĩ ngược : đại ốc và nhà lớn không cách gì chung sống với nhau được, chẳng qua là bị ép buộc mà thôi, nhưng, thấy chưa ! ở đời không ai ép buộc ai mãi được !

Cũng bởi vì người Tàu họ chỉ có mỗi một cách nói đó thôi, không nói thì lấy gì mà nói, còn người Việt thì đã có tiếng Việt mà nói, lại đeo bòng thêm tiếng Tàu, như một người mù cõng một người què. Cõng riết rồi tưởng đâu cái thằng ngồi trên lưng mình là cha mình luôn … nên mới tưởng là hi sinh vì tổ quốc là tiếng của mình, té ra mình đã nói chết cho đất nuớc lại bày đặt nói lặp thêm một lần nữa, mà cũng vậy thôi, cũng kiểu như nửa đêm giờ tí canh ba , vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi [sic] học lóm được chữ nào đem ra khoe hết. cũng kiểu như : bởi thế cho nên rằng thì là mà…..Ai nói như vậy? Hỏi tức là trả lời!

Mấy ông văn khoa bên nhà chỉ biết học ba cái chữ Tàu và ba cái chữ Nôm mà không hiểu rằng như thế không phải là học tiếng Việt , muốn được là văn khoa Việt thì phải tìm hiểu và biết cái riêng của nó, nó không hề là một cái rập khuôn của tiếng Tàu bao giờ cả, nó vẫn không chịu ép mình vào cái “khuôn khổ“ của tiếng Tàu bao giờ, dù qua 2 ngàn năm bị lấn luớt.

Có một em sinh viên bên này nói rằng: "tiếng Hán Việt tuy khó hiểu nhưng nghe nó văn chương hơn" [sic] [tôi nghiệp cho cái ý nghĩ tầm thường đó, chưa hiểu, khó hiểu thì làm sao mà biết là văn chương hay không ?]

Cái ý nghĩ đó cũng đã đè bẹp đầu óc của nhiều nhà tho nhà văn hiện nay không ra khỏi được cái chuồng vănHán Việt vì quen ngửi cái mùi ấy mất rồi.

Cái thèm thuồng làm đầy tớ chữ nghĩa cho người ta thật xứng với câu thơ diễu:

"ai xui Trung "cuốc" gọi vào hè"

"cái nóng nung người, nóng…nóng ghê !

Thấy mà buồn 5 phút cho cái đầu óc nô lệ bất cứ cái gì của Tàu!

Dám thách ai làm tho cho hay bằng 200 năm truớc đây :

"ruợu là com bữa, gái là bướm đêm !" @ Thiên nam ngữ lục để biết cái ngang ngửa của tiếng Việt



Tưởng vậy mà không phải vậy !

Nên biết rằng tiếng Tàu cũng mượn các tiếng khác khá nhiều nhưng mà lờ đi cái chuyện vay mượn đó

Diêm [trong Diêm vương, Diêm chúa, Diêm la, Diêm phủ có nghĩa là sự chết cái chết chứ chẳng phải là "địa ngục" đâu nhé. Nó là <gốc Sanskrit > chứ không phải là tiếng Tàu, Tàu nó mượn của tiếng Ấn độ đó, hóa raDiêm vuơng là Thần chết, Tử thần chứ không phải là "vua địa ngục" đâu như các cụ Hán Việt đã lầm tưởng

Sa- mạc là tập trung tư tưởng, định thần , từ chữ "samadhi" / meditative incantation <gốc Pali>

Á tế Á là bắt chước đọc theo "Asia" tiếng Hy lạp !

yên si phi lý thuần là nhại theo "inspiration"

câu lạc bộ là học đòi nói theo "club" tiếng Anh

Ả phù dung, a phiến, nha phiến, á phiện là do "aphyon" # opium<gốc Turkey>

Còn cả ngàn tiếng Tàu như vậy, đều là bắt chước nói theo người ta, đâu phải gốc Tàu hồi nào đâu mà khoe ?

Tiếng Tàu xưa đã vay mượn nhiều tên gọi các cây trái thổ sản miền Nam, xứ nóng của các sắc dân phía nam sông Dương tử mà nói theo, mượn mà dùng rồi lâu ngày chúng nó tưởng đâu là tiéng của chúng nó nên lờ đi cái nguồn gốc bản xứ luôn.

Cũng như cả 90 % tiếng Pháp là bắt chước nói theo Latinh và Hy lạp, có gì lạ đâu, còn ta thì bắt chước nói theo Tàu một đống từ Hán Việt, gì đâu mà phải mặc cảm.

Mượn qua mượn lại là chuyện thuờng thấy giữa những thứ tiếng trên thế giới, có lợi cho cả hai bên, tiếng Anh Mỹ đã vay mượn như điên nên bây giờ mới xứng đáng là thứ tiếng mạnh nhất thế giới, làm cho tiếng Pháp phải ganh tị, vì có một thời, tiếng Pháp đã làm le không đúng cách, không chịu vay mượn thêm từ ngữ mới vì cứ khư khư cho là phải bảo vệ cái 'quan niệm giả tạo "pureté de la langue francaise" cho nên bây giờ bị tụt hậu và phải vay mượn thêm rất nhiều tiếng Anh Mỹ của khoa học thời nay mà nói, làm thành một thứ franglais chẳng đặng đừng, khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào.

Riêng về tiếng Việt, ta cần tìm hiểu thêm các tiếng nói của dân Bách Việt đã cho ta mượn rất nhiều từ ngữ, khi ta thấy một âm lạ một nghĩa lạ thì đừng vội nói theo đuôi cụ Trần trọng Kim mà cho rằng nó là tiếng "đệm" một cách vô tội vạ, thí dụ như lỡ làng thì thật ra đó là gốc Nùng vì trong tiếng Nùng, làng là lở dịpkhông có dịp để kịp làm một việc gì …vì vậy khi bị lở tàu, lở chuyến xe thì người Nùng họ gọi là làng tàu, làngxe [sic]

Cũng như khi ta nói cái thằng đó mà hát hỏng gì thì hỏng là hát, tiếng Thái, chứ đâu có phải là tiếng đệm vô nghĩa như sự tin tưởng của cụ Kim đâu !

Có cả thảy 42% tiếng Việt là gốc Lào Thái, nói rõ cho ta biết cái ý nghĩa gốc của chúng nó thay vì phải ép bụng mà cho rằng cái chi cũng đệm lên đệm xuống theo cách giải thích so sài và kì cục kiểu Trần trọng Kim

Trong tiếng Anh tiếng Pháp thì cold, colder, less cold và froid, plus froid, moins froid nhưng mà tiếng Việt nhấn khi mạnh khi nhẹ vào cái tính chất của sự vật màu sắc một cách dồi dào không ngờ được : đo đỏ, tim tím, mằn mặn, nong nóng, lành lạnh, cả ngàn cách như vậy, cho nên ta phải tìm thêm cho đầy đủ để mà ‘vui học tiếng Việt“, những giờ dạy tiếng Việt phải dạy cho vui như thế để gây chú ý và thích thú nói tiếng Việt với nhau cho các em nhỏ, chứ không phải là nghiêm trang viết cho đúng "hỏi ngã" hay cho đúng t, c cuối chữ , hoặc như người Bắc, lo làm sao đừng có lầm lẫn s / x / cùng là gi / d, những cái đó không quan trọng, cái cần thiết làphải nói tiếng Việt cho trôi chảy.

Dạy tiếng Việt phải là dạy nói 90% nhiều hơn là dạy viết cho ngay cho đúng, đó phải là nguyên tắc su phạm đầu não cho tương lai các lớp dạy tiếng Việt để có kết quả tốt đẹp, bên này cũng như bên nhà

Nhưng mà nếu có đầu óc làm đầy tớ không công cho Tàu thì cứ lải nhải là tiếng Tàu là "số dách" trong khi nhắm mắt mà bắt chước không cần nghĩ lại nghĩ đi làm gì!

Cái tiếng của người ta có gì hay, tiện, lợi cho mình thì nói theo, cái gì rảm, rởm, kì cục không cần đến thì bỏ đi, đừng có nhắm mắt mà nói lặp theo, mượn tùm lum mà nói tiếng người ta như những con két con vẹt, trong khi đó thì lại làm biếng nhác nhớm không thèm tìm hiểu tiếng Việt cho thấu đáo :

Một nhà ngoại giao hàng đầu của VN cọng hòa đã nói khi được phỏng vấn :

"như tôi đã với anh ! [hết sẩy]

Còn bọn văn nô thì nổi tiếng với mấy chữ "giặc cái" giặc lái", xuởng đẻ xuởng đái, phản ánh, phản sáng gì gì đó nữa, thật xấu hổ cho cái tiếng Việt của chúng.

Vậy mới thấy cái sức sống mạnh mẽ, vươn lên của tiếng Việt, không dễ gì bắt nó đi vào khuôn vào phép của những mẫu mực giả tạo của cái loại văn phạm ngữ pháp ngoại lai

Huống chi , ta nói tiếng Việt một cách khôn ngoan mà không bao giờ nhắm mắt bắt chước tiếng Tàu,

Ta chỉ nói siêu năng lực mà không chịu nói uu lực mẫn

Dòng nuớc trong mà không thèm nói thanh thủy

Bến cũ thay cho cổ độ

Người tình cũ thay vì cựu tình nhân

Người xưa, người cũ mà không còn nói là cố nhân nữa

Ta có dư thừa tiếng để mà nói chứ không phải tiếng Việt là một bản rập khuôn, một cái clone của tiếng Tàu bao giờ cả

Tiếng Việt ta quả thật là một luồng hơi sống tự do cho một triệu người Giao chỉ hồi xưa và cũng là cái nếp sống cho ý nghĩ của 85 triệu người Việt ngày nay trên khắp quả đất này, tự do như mây như gió mà cái văn phạm của Tàu chỉ biết lẽo đẽo đi theo cái cách ăn nói của chúng nó từ ngàn xưa mà không bao giờ bắt kịp.

Nhà trống đôi ba gian, một thầy một cô một chó cái.

Học trò năm bảy đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.

trong căn nhà ấy, sống một gia đinh

Nay ta đã sống trong một thế giới "núi cao, biển rộng, sông dài, … lại được hoàn toàn sống cuộc sống tự do mà 83 triệu đồng bào ta bên nhà vẫn hằng mong uớc.

Ta nên sống sao cho xứng đáng một đời tự do, và nên cố gắng đóng góp, mỗi người tùy theo khả năng và công sức của mình vào sự sống còn của tiếng Việt

Bạn hãy vui miệng tìm thêm những đường nét nói phô rất lạ và riêng rẽ của tiếng Việt ta để thấy rằng tiếng Việt không hề nghèo như ta tưởng mà trái lại rất dồi dào, chỉ vì chúng ta đang "nghèo" tiếng Việt lắm đó thôi , theo lời ông Gustave Hue, một người Pháp rất kính nể tiếng Việt, trong quyển từ điển Việt Pháp Hoa của ổng ! Năm 1937

BS Nguyễn Hy Vọng

Jean Baudrillard và XÃ HỘI ẢO





Jean Baudrillard (1929-2007) xã hội học người Pháp, đã có những nhận định sôi nổi về xã hội hiện đại. Dĩ nhiên xã hội mà Baudrillard bàn đến là xã hội tân tiến Âu Tây vào cuối thế kỷ thứ hai mươi, nhưng với sự hội nhập hoàn cầu hóa cũng là về những trạng thái tương lai hay đã có rồi ở xã hội của những quốc gia hậu tiến hay trên đà phát triển công nghệ kỹ thuật.


Để bàn tới những nhận định của Baudrillard, trước hết xin nhắc lại, trong triết học Hegel, con người và xã hội là những hiện thể mà chúng ta có khái niệm trong sự tổng quát của lý tính: Hiện Sinh, Hư Vô, Hiện thành (Being, Nothingness, Becoming); tức là những hiện thể khái niệm, hiện sinh đến từ hư vô, ở tận cùng trở về với hư vô,nhưng tồn tại sinh động và hiện thành, mà chúng ta nhận định những quy định hay những thuộc tính, nhưng chỉ có thể là hữu hạn, tự phủ định hay đúng hơn mang sẵn những mâu thuẫn để bị giải cấu (de-construction, trong cái nghĩa là phá giải để cấu tạo ) hay tự giải cấu, qua lịch trình biện chứng pháp.



Trong sự hiện thành của xã hội theo Baudrillard, có bước ngoặt chính yếu: tiền hiện đại với hiện đại. Xã hộitiền hiện đại là xã hội thân bằng bộ lạc, trao hoán thực phẩm và công cụ, giao lưu tặng phẩm; một xã hội thần linh, tôn giáo. Xã hội hiện đại bắt đầu từ thời khai sáng (le siècle de lumières), để bây giờ chủ yếu là kỹ nghệ sản suất tư liệu thực dụng cho con người. Động cơ chính yếu của xã hội hiện đại là tư bản chủ nghĩa và khoa học kỹ thuật. Bước ngoặt đó là một sự thăng hoa. Lịch sử theo Hegel là lịch trình tiến triển của tinh thần nhân loại, vượt qua từng bước những mâu thuẫn bản thể để tới con người và xã hội ở giai tầng cao độ trên.



*************



Xã hội hiện đại bắt đầu bởi khai sáng (thế kỷ thứ XVII-XVIII), là duy lý và nhân bản chủ nghĩa. Chủ thể là con người, nhân bản tự do lý trí; con người lý giải và thiết lập xã hội, chinh phục thiên nhiên, đưa tất cả vào guồng máy sản xuất vật chất thực dụng vị lợi ích nhân sinh. Từ chế độ quân chủ phong kiến, qua quân chủ lập hiến rồi tới xã hội tự do dân chủ, là những bước tiến quá trình lịch sử theo triết học Hegel. Những quy định xã hội hữu hạn, với những mâu thuẫn, những đối lập phải giải cấu. Xã hội tự do dân chủ của thế kỷ thứ 19 là xã hội tư bản mà mâu thuẫn hiển nhiên là sự bất công xã hội, đối lập giữa tầng lớp tư sản với giai cấp lao động công nhân vô sản. Chủ nghĩa xã hội Marxit trên lý thuyết giải cấu mâu thuẫn đó bằng xã hội độc tài của giai cấp vô sản; dĩ nhiên xã hội Marxit hàm chứa những mâu thuẫn, hơn nữa với ý thức hệ hoang tưởng, phi lý tuyệt đối, nên càng đổ vỡ và phá sản, lý thuyết xụp đổ của xã hội cộng sản Đông Âu!



Duy lý và nhân bản chủ nghĩa, trong buổi đầu lạc quan về chủ thể con người. Tư bản chủ nghĩa, tự do dân chủ chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa Marxit…đều là những lý thuyết khai sáng duy tôn lý trí tinh thần nhân loại. Nhưng sự sa lầy của Marxit chủ nghĩa, cùng những mặt trái của tư bản chủ nghĩa, và những khuyết điểm của dân chủ tự do chủ nghĩa đưa tới tâm thức hậu hiên đại của thế kỷ thứ 20; những tư tưởng gia, những nghệ sĩ hậu hiện đạinhận định phải phản tư đối kháng và giải cấu cái thực trạng hiện hành của xã hội. Baudrillard thuộc về trào lưu tư tưởng này.



Theo trào lưu tư tưởng này (đặc biệt của trường phái Francfurt: T.Adorno, M.Hokkeimer…), Baudrillard thấy cần phải nhận ra cái không tưởng của mọi chủ nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội. Với sự xụp đổ của xã hội chủ nghĩa Marxit, dân chủ tự do phóng khoáng Âu Tây dù có khải hoàn hưng thịnh qua chiến tranh lạnh vẫn không phải là chủ nghĩa tối hậu của nhân loại. Cái xã hội hiện đại dân chủ tự do thật là tư bản chủ nghĩa, với những mâu thuẫn nội tại, thiết lập một nền văn hóa kỹ nghệ: khai sáng mà ngu muội quần chúng. “ Công cuộc khai sáng, như chúng ta hiểu hiện đại, trong cái ý cao siêu nhất là sự triển khai lý tính con người, đặt con người lên địa vị chủ thể của sự vật, thật hiện thành rồi với những dự báo của ngày mạt thế” (T.Adorno). Nền văn hóa kỹ nghệ thị trường lợi nhuận, đẩy con người vào hầm u tối với nhu cầu vật chất luôn luôn khuếch trương vô thức, nông cạn thỏa mãn bằng những tư đồ ảo dụng. M.Heidegger với tâm thức rất hậu hiện đại cũng đã nói trước :“Xã hội như càng sán lạn, kinh tế tiền bạc càng ngày càng giàu thêm bằng những vật thừa vô dụng. Nhưng ai biết rằng quả báo đang chờ đợi, rồi sẽ bùng nổ trong tương lai; loài người sẽ chìm đắm trong đêm sâu tuyệt vọng, cái đêm sâu mà có lẽ chúng ta như đã dự báo rồi trong tiềm thức”.

(Xin đọc thêm: “Tâm thức Hậu Hiện Đại”, tiểu luận Ngô Văn Tao. www.gio-o.com)



*********



Baudrillard chia sẻ những cảm nhận hậu hiện đại trên, nhưng hơn nữa với xã hội tâm lý học trình diễn những nhân tố của sự suy tàn xã hội. Theo Baudrillard, chúng ta đang sống một xã hội bội hiện thực (hyper-reality),thế giới ảo.

Mọi lý thuyết xã hội, chính trị, kinh tế đều không còn thích ứng; vấn đề nhân sinh xã hội không còn là vấn đề của đại ngôn ( des grands récits). Tỉ như xã hội dân chủ tư bản chủ nghĩa và xã hội học Marxit coi động cơ của đời sống xã hội là cơ giới công nghệ sản xuất thực dụng và lợi nhuận, theo Baudrillard chính điều này chứng tỏ những chủ nghĩa trên đã lỗi thời. Xã hội nay chìm đắm dưới những tư đồ thừa thãi. Khoa học và kỹ nghệ thống trị xã hội con người. Việc sản xuất những vật liệu thực dụng không còn là vấn đề của xã hội. Với kinh tế thị trường, toàn bộ đầu óc khoa học kỹ thuật nay có trọng tâm là đưa quần chúng bội dụng và bội xài những tư đồ tiểu xảo lấp lánh ảo ảnh mang phù hiệu đến cho mỗi người. Chủ thể con người thoái hóa trước vật chất. Mỗi người tự tìm thấy trong muôn ngàn hàng hiệu những phù hiệu cho bản thân, những phù hiệu ảo ảnh như những huân chương tự ban cho nhau, treo đầy ngực của những hỏa đầu tự ngắm nhìn mình trong gương.



Xã hội đã đi quá độ trong lịch trình kỹ thuật hóa đời sống con người ở mọi trạng thái. Tỉ như chiếc đồng hồ đeo tay, không còn là một tư vật thực dụng, nhưng nay được sản xuất chiêu hàng với muôn ngàn hình dạng; người mua có thể mua hàng trăm cái, tìm ở nó những phù hiệu ảo tượng cho chính mình: giàu sang, kiêu sa, đãng tử, quá độ thời thượng…Chúng ta sống trong thế giới ảo, thế giới hình thức, ai cũng đóng một vai trò trình diễn, có sẵn những biểu tượng để khẳng định mình…Chìm đắm dưới những tư vật, chúng ta bị lôi cuốn bằng những phương tiện truyền bá cấp tiến, kỹ thuật siêu hạng, để bội thu và bội dụng, cùng lúc có ảo tưởng tự do, chủ thể cá nhân.



Lịch trình kỹ thuật hóa đặt lại vấn đề nhân sinh xã hội. Cần phải có một suy luận mới về kinh tế, về chính trị. Chủ nghĩa Marxít, trong cái cực đoan lý thuyết, không thể cải hóa, nên đối với xã hội hậu hiên đại bây giờ thật là một lý thuyết lỗi thời. Con người nay sống với kỹ thưật thông tin, tới tấp tín hiệu, thế giới của internet, của e-mail @, có những suy tư, những nhu cầu bội vật chất, bội hiện thực (hyper-materalist, hyper-realist). Những xu hướng nhân sinh, tưởng là qua phương tiện truyền thông có thể quy định, nhưng thật thêm lệch lạc, thêm bất xác định. Beaudrillard nhận định hơn bao giờ, xã hội học cần đến xã hội tâm lý học.



************



Khoa học kỹ thuật cải thiện đời sống của chúng ta. Xã hội càng ngày càng giàu có, đồ vật thực dụng thừa thải. Sự giàu sang phù hợp với bản chất con người; chúng ta đâu có ra đời để làm việc như cái máy, suốt ngày ở đồng ruộng, ở xưởng máy làm những cử chỉ lập đi lập lại vô ý thức, mà động cơ kỹ thuật nay biết làm thay chúng ta. Sự hoang phí tiêu xài cũng là bản chất của con người. Nhưng vấn đề là đại chúng hóa sự dư rả đưa đến tâm thức phổ quát tiểu tư sản mới giàu (des nouveaux riches), bảo thủ trong căn hộ đầy tiện nghi, thừa thãi tiểu xảobội dụng, bội thu. Con người ôm giữ những đồ vật, nay mang phù hiệu của cá nhân chủ nghĩa, biểu tượng ảo cho chính mình. Cái gì người ta thường nói: “the american dream”, ước mộng của người Mỹ, có một căn nhà, có đủ tiện nghi, có đủ mọi đồ thục dụng….Nhưng đâu biết, “ước mộng” đó chỉ làm con người không còn là chủ thể mà là nô lệ của vật chất. Sự hoang xài của quần chúng đây là sự bội phí và bội thu với những hàng hiệu, diễu bầy những biểu tượng ảo; nhưng thật sự hoang phí đó ẩn dụ một bản chất nhỏ bé, con người mấtmọi triển vọng cao siêu (the loss of transcendence); hơn nữa, theo Baudrillard, con người mất bản chất tuyệt vời, bản chất dương khí mặt trời (the solar principle); với tiềm năng, sức mạnh lý trí của con người, con người phải hoang phí năng luợng như mặt trời để chiếu tỏa khắp nơi, trên đồng bạn, trên thiên nhiên loài vật, một cách vô tư không vì lợi nhuận không vì một đạo lý tự mãn tự tôn nào. Sự hoang phí nay của chúng ta qua những đồ vật tiểu xảo lại chỉ là sự hoang phí thỏa mãn tâm tư nói cho cùng của hư vô chủ nghĩa!



Những tư tưởng gia hậu hiện đại ở đầu thế kỷ 20 đã không chứng kiến sự đột phá của công nghệ số học thông tin, nhưng chính sự đột phá này thật đặt lại tất cả vấn đề xã hội chính trị, kinh tế, nhân sinh hiện đại. Nó là một động cơ cho sự hoàn cầu hóa, là phương tiện sáng lập những công ty kỹ nghệ, kinh tế thương mại khổng lồ, những sức mạnh không hình hài, không bộ mặt nhưng chi phối đời sống xã hội của cả loài người. Tuy nhiên, với sự chuyển tải cấp tốc thông tin, mang muôn ngàn tín điện đến cho mỗi người, tạo cho con người tự cảm, tự tin là có mặt trong sự hiện thành những quy luật của thế giới. Nhất là với sự thành lập những “blog, facebook, twitter” quần chúng có thể lập thành từng nhóm để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sự nhận định chỉ có thể hời hợi, bề ngoài, không chiều sâu, bình dân túy; và như thế chìm đắm trong những tín điện, chia sẻ nhau những ý tưởng nhậy cảm tức thời, con người sống trong thế giới ảo, mà bản chất không liên quan tới thế giới thật mà những quy định đặt ra bởi những bộ máy, tập đoàn người anh cả kỹ thuật. Theo Baudrillard chính đây là nhân tố cắt nghĩa sựphân liệt (schizophrenia) tâm thần của xã hội, sự thoái chí trong tiềm thức của con người đối phó với sức mạnh của hỏa tiễn, máy bay không người…



Không thể phủ nhận kỹ thuật số học thông tin đã cho khoa học gia, học giả điều kiện vô cùng thuận tiện tham khảo, thảo luận hợp tác trên những vấn đề khoa học, những vấn đề chuyên nghiệp. Một mặt khác phổ quát là giúp quần chúng tức khắc tiếp xúc những tác phẩm văn nghệ, nhưng chính ở lĩnh vực nghệ thuật -mà nghệ thuậthơn bao giờ hết phải là nền tảng tâm lý của con người trước sự khống chế của khoa học kỹ thuật- sự tiếp xúc qua tín học lại là một điều tiêu cực. Với tinh thần điện tử thông tin cấp tốc (internet), những tác phẩm thường đi đến quần chúng dưới hình thức sơ lược tổng kết, với đoạn trích ngắn gọn; đó là hình thức của “Reader’s digest” (Giản lược các truyện giúp độc giả), đã làm hại bao nhiêu người đọc, vì làm mất sự hồn nhiên, bất ngờ kinh ngạc để tìm hiểu thâm sâu và tự mình tiếp nhận và thông diễn giải tác phẩm của Tolstoy, của Balzac, hay của những đại văn hào khác. Hơn nữa, cũng trong tinh thần đại chúng hóa của số học thông tin, nhiều đoạn văn thơ, khúc nhạc, mẩu tranh hội họa được đưa ra như những mẫu từ, những nhịp khúc, những mẩu vẽ để mọi người có thể sửa đổi sao chép đúc kết thành một tác phẩm của mình. Ta không phủ nhận trong kiến trúc, xây cầu dựng tháp, sự góp nhặt sơ đồ kiến trúc cộng với phép tính kỷ hà học qua số học tín hiệu đã giúp xây dựng những công trình quá sức tưởng tượng của một người. Cũng như có những bức tuyên truyền ký họa bằng số học tín hiệu có giá trị thích ứng cho xã hội. Nhưng dù sao, những tác phẩm đó không có sự vật lộn của tâm tư chủ thể văn nghệ sĩ, bản chất là chủ thể đơn côi trong sóng gió của cuộc sống, nên nó có thể đẹp, có thể hoàn hảo, nhưng không có cái nhiệm mầu vô khả định tâm hồn nghệ sĩ; mà chính sự nhiệm mầu đó phải là tiêu chuẩn của những tác phẩm văn nghệ chân chính.



Kỹ nghệ thông tin (internet) cho phép đại quần chúng tiếp nhận tới tấp tin tức và hùa nhau phản ứng cập nhật tức thời. Nhưng chính kỹ thuật đó lại có mặt tiêu cực là tạo dựng sự xô bồ, sự a dua , cái hiện tượng của nắm tuyết lăn trên tuyết càng ngày càng lớn (effet de la boule de neige); đại quần chúng hùa theo nhau, dễ dàng bị lôi kéo vào trào lưu bình dân túy. Một tác phẩm văn nghệ, một ý tưởng chính trị, xã hội nông cạn lợi dụng được hay lêch lạc tình cờ nắm được cơ hội, có thể trở nên một sức mạnh đè bẹp mọi suy tư chân chính cá nhân của con người. “ Chuyện thằng bé biết la lên: Ô đức vua không mặc quần!” là một chuyện càng ngày càng hy hữu trước sức mạnh lớn lao, qua tín học thông tin tới tấp, của lễ hội cộng đồng hò vui hưởng ứng của ngàn ngàn người, của phong trào liên hoan tuyên dương bởi triệu triệu người. Chúng ta chắc chắn có thêm điều kiện để tự do nhận xét qua những thông tin cập nhật tới tấp của kỹ nghệ tín học; nhưng trong sự bội ứng dụng của kỹ nghệ thông tin, theo Baudrillard, chúng ta chìm đắm trong thế giới ảo, bội hiện thực, cái tự do mà chúng ta có ở đó cũng là tự do ảo, vì làm sao chúng ta mỗi người có thể giữ nguyên vẹn suy tư cá tính, nhân bản trước sự xô bồ, áp lực nông cạn không thể tránh được của đại quần chúng. Chính đại quần chúng này cũng chỉ là một hiện tượng ảo trong cái ảo vô cùng của thế giới ảo mà chúng ta thấy trên màn phim ảnh, trên máy truyền hình!



*********



Thế giới ảo bắt buộc phải như bong bóng để rồi bể vỡ! Heidegger, Adorno, Baudillard… đều cảm nhận vậy. Cảm nhận vậy, theo Baudillard, rất nhiều người cũng chia sẻ và chính vì vậy hân hoan khi thấy “Đế Quốc Mỹ”, tiền phong trong sự cấu tạo thế giới ảo, đang như càng ngày càng suy thoái, vì chính đó là biểu tượng cái suy thoái của toàn xã hội nhân sinh hiện đại. Nói một cách khác, như Heidegger, như Adorno đã nghĩ, chúng ta càng ngày càng thấy triệu chứng của sự đột phá tan vỡ nội tạng ( an implosion) của xã hội.



Một sự kiện mà chúng ta trong tiềm thức đều hoảng sợ chờ đợi. Khoa học kỹ thuật triển khai không cùng, cơ giới càng ngày càng mãnh liệt để ta điên cuồng chinh phục thiên nhiên, để ta có thể giết hại lẫn nhau bằng vũ khí đủ sức mạnh tàn phá cả quả địa cầu. Cái đà phát triển không cách gì kìm giữ, thoát khỏi sự kiểm xoát của loài người; chúng ta đã chót mở cái hòm chứa Pandora, để con quỷ thoát rồi không còn cách gì bắt nó lại. Cũng như thế, kỹ thuật càng ngày càng đột phá trong sự chế tạo không ngừng đồ vật tiểu xảo cho trẻ con của cả thế giới thi nhau có cả đống đồ chơi, cho người lớn người già thi nhau có những đồ vật bội dụng, những đồ vật không cần thiết nhưng vì một lý lẽ hoang xài tiềm thức, mỗi người cũng phải chất đống. Chất đống rồi phế bỏ để cả địa cầu chìm đắm dưới những phế liệu. Do đấy, cùng với sự bội dụng năng lượng khoáng sản của trái đất, đưa đến cái hiểm họa sinh thái, mà trong cái đà phát triển ngoài tầm tay của loài người sẽ chỉ mang lại, cái hiểm họa sinh thái có nguy cơ tàn phá không chỉ xã hội nhân sinh mà chính sự sống còn của loài người trên trái đất.



Tuy nhiên cái điều Baudrillard nhấn mạnh chính là vấn đề nhân bản. Chúng ta đã bị phân liệt, không còn biết thế nào là chủ thể, khi khoa học kỹ thuật, phát triển qua lý trí của con người, lại đưa đến thế giới bội hiện thựckhống chế bởi vật chất. Chúng ta mất mọi triển vọng cao siêu (the loss of transcendence), mất dương khí mặt trời (the solar principle), chúng ta thoái hóa, trở nên nhỏ bé, bị phân liệt bởi những hoàng quang ảo ảnh của minh tinh bề ngoài nông cạn bình dân túy, của vật chất, của sức mạnh máy móc, của robot điện tử. Với sự tới tấp tín hiệu, sự hò reo của màn ảnh của thư mạng, chúng ta không còn tâm trí để tĩnh lặng tự tìm tòi chậm rãi suy tư, bản chất chính yếu để hiện hành bản thân làm người. Nhưng Baudrillard không hoàn toàn bi cực, vẫn tin ở khả năng tự giải thoái của con người, một chủ thể cá biệt. Một tiếng nói dù đơn độc vẫn có thể là điểm dựng ( le point d’appui) cho loài người của ngày mai. Cái gì làm cho mỗi người chúng ta tự ly khai ra khỏi cái xã hội hiện đại đang sa lầy, chính là biết phản kháng đảm nhận lấy vị chí chủ thể của bản thân. Phải không rơi vào cái dòng a dua, xô bồ, bình dân túy, phải không chìm đắm dưới đống đồ tư liệu sa hoa ảo ảnh, bội thu bội dụng, phải không thoái vị trước sức mạnh bạo lực máy móc cơ giới nhân tạo, chúng ta đảm nhận lại cương vị chủ thể của mình, chủ thể trưởng giả và quý phái!



Có lẽ trước hết là mãnh liệt khẳng định lại bản chất nguyên sơ tiền hiện đại; duy trì lễ độ bảo thủ, quả quyết tiếp cận với những biểu tượng linh thiêng tiền sử, tin rằng có đấng tối cao mà lý tính con người không bao giờ đạt thấu được. Có rất nhiều tư tưởng gia chỉ trích Baudrillard đã như thế tán đồng với “quá khích bảo căn đế”(fondamentalisme extrêmiste). Nhưng thật chủ thể trưởng giả và quý phái là biết sống trên vòng tầm thường đại chúng. Chỉ dùng những tư đồ cần thiết, hơn nữa luôn luôn ở bất cứ vật thể nào thu dụng tìm cho ra bàn tay sáng tạo không máy móc của nghệ sĩ; tránh xa sự rộn ràng mà trái lại không ngần ngại sống hàng ngày trong cô đơn tĩnh lặng, nhìn xung quanh với đôi mắt kiêu sa, sẵn sàng phản tư diễn giải phê bình hay tìm hiểu; đọc những tác phẩm văn học in thành sách quý bìa dầy, để nghiền ngẫm với đầu óc hồn nhiên chân thành nhưng chiết trung (éclectique); hy sinh tiền của để có tác phẩm nghệ thuật -cũng có thể một phần là để hỗ trợ nghệ sĩ trong hành trình sáng tác nhân bản- để treo trên tường và có cơ hội suy tư, tìm hiểu nghệ thuật dù rất có thể mấy tháng sau nhận ra một khía cạnh yếu kém nào nên rỡ tác phẩm xuống cất vào kho….Chủ thể trưởng giả và quý phái là luôn luôn giữ triển vọng hình nhi thượng cao siêu, là hồn nhiên rộng lượng đài các với dương khí của mặt trời.



*********



Xã hội Việt nam mới vừa bước vào thế giới hiện đại, khoa học kỹ thuật, công nghệ thi trường hoàn cầu hóa…Nên chúng ta chưa hẳn sống thế giới ảo bội thu bội dụng, bội hiện thực mà Baudrillard phản kháng. Chúng ta còn cảnh bà ba miền tây nam bộ của Nguyễn Ngọc Tư lang thang ngoài chợ làng với áo cánh trắng sờn tay sờn vai, còn bà mẹ răng đen nhai trầu bán hàng rong ngoài bắc; chúng ta còn những công nhân làm mười tiếng một ngày không đủ ăn, ở tụm năm tụm ba trong căn phòng 12 thước vuông, cuối năm không đủ tiền về quê thăm nhà….Nhưng tuy nhiên cao ốc chọc trời xây dựng khắp nơi, một tầng lớp trưởng giả mới giàu học làm sanghình thành phô trương diễu hành trong xã hội; cái thế giới ảo bội hiện thực âu tây hiện hình rồi, sẵn sàng đưa đại quần chúng sa lầy vào ảo tưởng. Khái niệm chiết trung, trưởng giả quý phái không phải là không cần thiết cho chủ thể nhân bản trong xã hội đang phát triển ở Việt nam chúng ta. Nhất là nữa, cái xã hội này trong giai đoạn lịch sử vàng thau lẫn lộn, đảng trị mờ ám, che đậy và dối trá, không bao giờ hết mỗi người chúng ta phải biết trong phòng kín làm “thằng bé biết kêu lên: Ôi! Lãnh tụ không mặc quần”; trưởng giả quý phái cũng là đức tính chủ thể can đảm tự nhận ra sự thật, trước cái a dua, cái xô bồ, cái hời hợt chỉ biết hưởng thụ bội thu và bội dụng mà khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường hiện đại đang lôi kéo đắm chìm dần đại quần chúng.


Ngô Văn Tao