" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015
Người đàn bà lấy cắp cơn mưa
Tôi đi Lisbon (1) công tác khá đều. Tôi đáp máy bay đến đó, nếu không phải là hàng tháng, thì ít nhất là tháng rưỡi hay khoảng đó một lần. Nhờ đã có thời gian hồi còn là thiếu niên và thanh niên ở Brazil, nơi mà cha mẹ tôi sống một số năm vì lý do nghề nghiệp, nên tôi biết tiếng Bồ khá đủ để không cần đến thông dịch viên.
Tôi cũng khá rành về thành phố này. Nhiều nơi mà chúng tôi thường đến sau cùng đã bắt đầu trở nên quen thuộc, ít ra là bề ngoài, cho dù ở một mức độ sâu hơn hầu như mọi chuyện về chúng còn cho chúng tôi cảm giác xa lạ.
Cũng là tự nhiên thôi, khi mà nhiều chuyện khác thường xảy ra ở Lisbon không còn làm tôi ngạc nhiên, như thể tôi đã chuẩn bị chờ đón chúng. Vì thế tôi đã không bực bội lắm (hay ít ra là tôi đã không biểu lộ sự bực bội) khi tôi biết khách sạn (năm sao) của tôi đã được đăng ký chỗ hết sạch, và căn phòng của tôi được công ty tôi trả tiền đã có người đến trước tôi ở.
Tuy nhiên, ông quản lý khách sạn thì rất hào phóng trong việc xin lỗi về nhầm lẫn này – việc mà ông không chịu trách nhiệm – và cách ông giải quyết vấn đề rất hoàn hảo, là cho tôi tùy ý sử dụng mà không tính thêm một khoản tiền nào, cả một dãy phòng mà tôi nghe ông gọi là “dành cho tổng thống”, và đó là dãy phòng trên cùng của khách sạn.
Tôi mỉm cười khi nhìn thấy nơi tôi lên đến, thầm cám ơn sự thiếu sót của khách sạn, một sự thiếu sót mà ông quản lý có vẻ đổ thừa cho vận số. Tôi bây giờ là người cư trú độc nhất của dãy phòng xa hoa lộng lẫy có thể ở cả một đoàn tùy tùng, và rõ ràng đó là nơi ở của tổng thống nhiều quốc gia khác nhau và của những người cho mình là VIP chỉ vì tầm cỡ tài khoản của họ ở ngân hàng. Đối với tất cả những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau đó (từ bóng đá hay điện ảnh, từ ngân hàng, từ chính trị hay đại doanh nghiệp), mọi thứ trong dãy phòng đó đã lên tiếng với họ, như đã lên tiếng với tôi, qua sự xa hoa, tiện nghi, và những bao lơn mở ra một khung cảnh thành phố rực rỡ.
Không tệ, tôi thầm nhủ, và không nghĩ thêm về chuyện này nữa (mà thật sự đâu cần phải nghĩ gì thêm) để chuyển sang nghĩ những vấn đề khác. Như thường lệ, hai ngày trọ của tôi trôi qua nhanh chóng, mỗi ngày trải qua theo một tiến trình những cuộc hội họp kinh doanh, và kết thúc là dự tiệc chiêu đãi, điều đó có nghĩa là tôi trở về khách sạn trễ hơn tôi muốn. Tôi gần như không có thời gian để lưu tâm đến dãy phòng, vì tôi ít khi ở trong phòng.
Chỉ buổi sáng cuối cùng tôi mới có thể hưởng thụ đôi chút sự sung sướng của gian phòng xa hoa mà tôi cư trú. Tôi đã ngâm mình thật lâu trong cái bồn tắm mà miêu tả cho chính xác hơn thì phải nói là cái hồ tắm, hưởng thụ một trận mát-xa thủy lực theo cách Jacuzzi (2) rất đặc biệt, cạo râu trước một bức tường lắp toàn kính, và yêu cầu dùng bữa điểm tâm ngoài bao lơn. Sau đó tôi mặc quần áo và thong thả sắp xếp đồ đạc, lúc ấy chỉ mới 9 giờ 5, thời gian đăng ký lên máy bay đến 10 giờ 20 mới bắt đầu, và tôi biết taxi bình thường không mất hơn 15 phút từ khách sạn đến phi trường.
Được một lúc chợt tôi nhận ra với một chút ngạc nhiên là không phải chỉ có một mình tôi trong dãy phòng. Có hai người phụ nữ – hai người dọn phòng da đen – mà tôi chợt thấy khi nhìn qua khung cửa mở một nửa – họ đang làm vệ sinh gian phòng khách đại sảnh kế phòng ngủ của tôi. Có lẽ họ đã vào phòng từ cửa hông, có một cửa khác ở đó, có lẽ sau khi đã dọn nhiều phòng ngủ, phòng tắm, phòng trang điểm và 2 hoặc 3 phòng khách trước khi đến gian phòng mà họ đang có mặt. Họ không biết đến sự hiện diện của tôi, vì bận làm việc với mấy cái máy hút bụi, bận đẩy mấy chiếc xe chất đầy bột giặt, đồ dùng phòng tắm, khăn lông sạch, chính tôi cũng không thấy và không nghe tiếng họ vào phòng cho tới lúc ấy.
Trong một thoáng, tôi muốn bảo họ ra khỏi phòng rồi trở lại sau khi tôi đi rồi, nhưng sau đó tôi quyết định ngược lại. Dù sao thì tôi cũng sẽ rời phòng trong chốc lát nữa thôi. Tôi muốn đi tản bộ một chút trên con đường dưới tán những cây lan dạ hương, rồi quay trở lại khách sạn để lấy hành lý và gọi một chiếc taxi. Tôi quay lưng về phía họ và bước tới tủ quần áo, dọn mấy bộ đồ tôi đã mang theo.
Đó là lúc tôi nghe họ nói chuyện. Một trong hai người nói là chính, người kia thỉnh thoảng đệm một câu hỏi hay thốt ra một tiếng tán thán. Giọng của hai người khác nhau.
Cơn mưa, tôi nghe một trong hai người nói. Chính là vì cơn mưa.
Tôi sắp cái áo cộc tay vào va ly, bộ đồ vét và đồ lót, rồi bắt đầu gấp chiếc áo sơ mi. Tôi nghe được tiếng người đàn bà khá rõ.
Chính là vì cơn mưa, chị ta lặp lại.
Trời đã không mưa một thời gian dài, mọi vật đã bắt đầu chết. Cả cây và chim cũng chết. Người ta vấp xác chim chết khắp nơi.
Tôi gấp chiếc sơ mi thứ hai và sắp cả hai vào va ly. Tôi đóng va ly và cài khóa mã bằng một dãy số mới.
Mọi thứ khô cằn, đất nứt nẻ. Tôi nghe người đàn bà nói. Vì thiếu nước. Mặt đất rạn ra. Thú vật hấp hối. Lá khô rúm trên cây, rồi thì cây cũng khô.
Tôi nhìn qua khung cửa. Người đàn bà đang nói đã thôi dọn phòng. Người kia cũng thôi và đang nhìn người nói. Vào lúc đó, có vẻ như tấm trải sàn, bột giặt và xe chất đồ linh tinh không tồn tại đối với họ.
Rồi dân làng bắt đầu bàn tán, người phụ nữ tiếp tục nói, lần này lớn tiếng hơn. Hay có thể là tiếng chị lớn hơn vì tôi hướng về phía chị.
Có người sẽ bị kết tội vì trời hạn hán. Dân làng bắt đầu nói rằng người đàn bà đó sẽ bị kết tội.
Nhiều người khác nói không. Không ai chắc chắn điều gì. Nhưng cơn hạn cứ tiếp tục và mọi thứ đang chết.
Rồi họ mời một pháp sư. Họ đốt một đống lửa và đốt thảo mộc, pháp sư uống bất cứ thứ gì ông phải uống và thức suốt đêm lầm bầm những lời không ai hiểu được. Đến sáng, những Già làng đến, pháp sư bảo họ rằng đó là tội lỗi của người đàn bà. Đó là những gì ông ấy nói và mọi người nghe được. Người đàn bà đó đã lấy cắp cơn mưa.
Khi ấy các Già làng hiểu những gì sẽ xảy ra và họ cúi nhìn xuống đất vì cảm thương cho người đàn bà sống một mình ở ngoài rìa làng. Chồng của chị đã bỏ chị từ lâu, kế đến là con trai chị chết và chị đã khóc đến mức cơ thể quắt queo, mắt chị cạn khô, chị đã trở thành một con người héo hon, lưng còng xuống đất. Chị bỗng giống như thú hoang, không còn nói nữa, chỉ rên rỉ và thỉnh thoảng vào ban đêm, chị rú.
Người đàn bà đó, pháp sư nói trong khi nhìn xuống đất. Ông đốt một tẩu thuốc và chầm chậm nhả khói. Chị ta lấy cắp cơn mưa.
Nhưng không ai muốn giết chị. Ngay cả pháp sư cũng nói đó là điều ông không muốn.
Những Già làng và pháp sư tụ tập ở đó, như chờ đợi điều gì. Tất cả dân làng ngồi dưới một thân cây chờ đợi. Thời gian cũng dừng trôi.
Người phụ nữ đang kể chuyện dừng lại một lúc, như thể chị cũng đang đợi. Người phụ nữ kia không hỏi gì, vẫn lặng thinh, chờ nghe câu chuyện ra sao.
Thế rồi có một người thanh niên tình nguyện. Tôi sẽ đi, anh ta nói. Cứ như thể giết người đàn bà và bị giết thì cũng như nhau.
Người phụ nữ lại dừng lời. Họ như ở đâu đó, ở một chỗ nào khác, ở chỗ câu chuyện thu hút họ. Tôi mở cửa rộng hơn và tò mò nhìn ra họ. Bây giờ tôi chắc chắn họ sẽ không chú ý đến tôi.
Người phụ nữ đang nói mập mạp, khuôn mặt phị. Chị có giọng nói khỏe, ngân nga và thể hiện cử chỉ bằng tay và thân mình. Thỉnh thoảng chị thay đổi nét mặt và giọng nói, như thể chị đang nhập những vai khác. Người phụ nữ kia cột một cái khăn trùm đầu, gầy và trẻ hơn, có vẻ ít bình tĩnh hơn người phụ nữ kể chuyện.
Anh ta đi tới lều của chị ấy và sống đêm đó với chị ta. Anh ta ngủ và làm tình với chị ta. Anh ta đè chị xuống đó, vuốt ve vú và tóc chị ấy, dịu dàng ấp ủ chị ấy và rồi siết chị ấy trong vòng tay anh, như thể anh ta lại làm tình với chị ấy nữa, anh siết cổ chị càng lúc càng chặt cho tới khi chị ngạt thở. Rồi anh bế xác người đàn bà ra khỏi lều, đặt chị nằm trên đất, và mọi người lặng lẽ đi quanh xác chị.
Người phụ nữ dừng kể một lúc và lau mồ hôi trán bằng cánh tay.
Và rồi trời bỗng bắt đầu mưa, người phụ nữ nói. Rồi trời bỗng bắt đầu mưa.
Hai người phụ nữ nhìn nhau không nói. Rồi họ lắc lắc đầu, thở dài và tiếp tục công việc dọn phòng.
Tôi nhìn đồng hồ tay vì không biết đã trải qua bao lâu. Tôi nhận ra chỉ mất mấy phút. 7 phút. Tôi nghĩ mình chẳng cần đến 7 phút ấy. Tôi vẫn còn thừa thời gian. Nhưng tôi cảm thấy không thoải mái.
Tôi xách va ly, mở tung cửa, cố tình gây ra một tiếng động lớn và oai nghi bước qua mặt hai người phụ nữ đang trố mắt nhìn tôi kinh ngạc, phát ra một tiếng “Á” hoảng sợ, như thể họ thấy một con ma.
Tôi ném cho họ một câu gọn lỏn: “Chào buổi sáng”, và đi tới thang máy.
Đăng ký lên máy bay lúc 10 giờ 20, tôi nghĩ thầm trong khi ấn nút và cảm thấy thang máy bắt đầu chạy xuống. Có một cái gì đó trong toàn bộ câu chuyện làm tôi hơi mất ổn định, một cái gì đó trong toàn bộ cuộc trò chuyện kinh khủng của phụ nữ, mà tôi đã vì lý do phi lý nào đó, lại lắng nghe. Tôi chưa bao giờ nghe lén những cuộc trò chuyện, nhất là những cuộc trò chuyện của phụ nữ. Tôi lại nhìn đồng hồ tay và tính xem tôi cách bao nhiêu thời gian với thành phố tôi sống, ở một nơi khác thuộc châu Âu.
Chỉ khi phi cơ cất cánh tôi mới bắt đầu nhìn thấy nhiều việc theo cách khác. Tôi đã trải qua hai ngày ở Lisbon và, với cái giá của phòng tiêu chuẩn, tôi nhủ thầm, tôi đã chiếm cả một dãy phòng lớn, chắc phải đến 15 phòng, đã chiếm những bao lơn lớn và một phòng tắm kích cỡ bằng một hồ tắm. Và rồi đột nhiên, tôi đã mở một cánh cửa và thấy ở phòng kế cận, một mảnh đời châu Phi, hoàn toàn nguyên sơ, như một vùng rừng trinh nguyên. Trong 7 phút, chính xác là 7 phút, tôi đã lạc giữa rừng già.
Tôi mỉm cười, nghĩ rằng chuyện này mà kể với ai khác, ví dụ như kể cho người khách bên cạnh tôi hay cho cô tiếp viên vừa đem lại cho tôi ly uýt-ky. Họ sẽ nghĩ là tôi say hay là khùng điên.
Nhưng tôi không say hay khùng điên, tôi nghĩ, tôi lại mỉm cười và ngả mình vào ghế. Tôi không có sai lầm gì cả. Chỉ có thể là Lisbon lạ lùng.
(Từ The Woman Who Stole the Rain)
Teolinda Gersão (Bồ Đào Nha)
Võ Hoàng Minh (dịch)
Teolinda Gersão sinh tại Coimbra, Bồ Đào Nha. Bà học ngôn ngữ Đức, Anh và Rôman (Romance) tại các trường đại học Coimbra, Tuebingen, và Berlin. Rồi làm giảng viên Bồ Đào Nha tại Đại học Technical Berlin, và là giáo sư tại New University of Lisbon, tại đây bà dạy Văn học Đức và Văn học So sánh cho đến năm 1995. Sau đó, bà dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác. Bà là tác giả của 12 tập tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Tiểu thuyết đầu tiên của bà, O Silencio (Sự im lặng), in năm 1981, được giải thưởng PEN Club, và được vinh danh là “Sách của năm”, sau này được xếp vào danh sách “100 tác phẩm Bồ Đào Nha hay nhất” của thế kỷ XX. Bà được một giải thưởng PEN nữa về sáng tác năm 1989 và được giải Grand Prix của Hội Nhà văn Bồ Đào Nha, giải thưởng Critic Award của Hội Phê bình Văn chương Quốc tế (ICLA), và giải thưởng về Truyện ngắn Grand Prix Camilo Castello Branco. Tác phẩm của bà cũng vào chung khảo giải thưởng về Tiểu thuyết European Prize Aristeion. Bà đã sống 2 năm ở São Paulo và một thời gian ở Mozambique, nơi là bối cảnh tiểu thuyết A Árvore das Palavras (Cây Chữ) năm 1997 của bà. Cây Chữ – The Tree of Words – là tiểu thuyết đầu tiên của bà được in bằng tiếng Anh.
Những tác phẩm của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ý, Rôman, Ả Rập, Bulgaria, Czech và Croatia.
Truyện ngắn dưới đây được Margaret Jull Costa dịch từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Anh. Bản Việt dịch theo Margaret Jull Costa.
(1) Lisbon: thủ đô Bồ Đào Nha.
(2) Jacuzzi: bể tắm, mát-xa bằng thủy lực.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét