Khi bàn sang Lão Giáo chúng ta vẫn có thể giữ gần như y nguyên những quan niệm tổng quát Thiên Nhân Hợp Nhất và Vạn Vật Đồng Nhất Thể đã được trình bày trong bài Nho Giáo. Ngoài vài khác biệt trong cách dùng chữ (thí dụ chữ Đạo được hiểu hơi khác một chút), Lão Học có vẻ được xây dựng trên cùng một căn bản với Nho Giáo. Tuy vậy, người ta luôn đặt Lão với Nho trong những tư thế đối nghịch nhau: một đàng xuất thế, một đàng nhập thế, một đàng dẹp bỏ Danh Hiệu, một đàng lại lấy “Chính Danh” làm mẫu mực cho hành vi, một vị có vẻ lè phè bất chấp việc đời, ai hỏi tới thì bảo “vô vi”, vị kia lúc nào cũng loay hoay bận bịu lo cho dân, cho nước, cho thiên hạ, luôn hô hào “làm bổn phận”… Cùng một khởi điểm nhưng vào thực tế lại đi về hai phía khác nhau, đó là Nho và Lão. Ta hãy thử bàn qua vài điểm chính của Lão Học rồi sẽ trở lại vấn đề này sau.
I) Chú trọng ở Bản Thể Tuyệt Đối:
Lão Trang nhìn thẳng vào Bản Thể Tuyệt Đối của sự vật chứ không chú trọng đến những hình thức biểu hiện tương đối, thiên hình vạn trang của Bản Thể này. Các nhà Lão Học thường cho là sự vật ở đời luôn biến hoá, lúc thế này, lúc thế khác, vô cùng phức tạp, cho nên, thay vì chạy theo cái luôn biến hoá, họ chủ trương đi tìm cái cố định, thường hữu, bất biến, trong đó. Cái bất biến này là Bản Thể Tuyệt Đối của sự vật.
II) Trí Thức “cục phân”:
Câu phát biểu « tử tế » này thường được gán cho ông Lê Nin (thư gửi Gorki-1919). Lão Tử nghe được không chừng cũng khoái chí vì ông thường cho là sự suy luận của trí thức không những không thể tìm đến Bản Thể Tuyệt Đối của sự vật được, mà còn có thể làm cho người ta xa rời Bản Thể ấy hơn.
Lý do vì hoạt động của trí thức đặt trên căn bản “phân biệt”: phân biệt tốt xấu, phải trái, cao thấp, lớn nhỏ, cái này cái kia, ta với không ta v.v… trong khi Bản Thể Tuyệt Đối của sự vật thì thuần nhất, không có đối tượng, và cũng không có gì để phân biệt. Vì thế, ngay từ bước đầu, hoạt động của trí thức đã quay lưng lại Đạo, và càng đi tới, càng rời xa Đạo.
III) Tuyệt Thánh khí Trí – Tuyệt Nhân khí Nghĩa:
Không quan tâm tới hoạt động của trí thức, Lão Học thành ra coi nhẹ những khái niệm Luân Lý, Nhân Nghĩa, v.v… vì những thứ này chỉ là sản phẩm của óc phân biệt, của tri thức. Khi các nhà luân lý phân biệt đúng sai, phải trái, để rồi lúc nào cũng lo Đạo bị sai, bị mất, thì Trang Tử vặn lại như sau:
“Đạo giấu ở đâu mà đúng với sai? Lời nói ẩn chỗ nào mà phải với trái? Đạo đi đâu mà cho là không còn? Lời nói còn tồn tại ở đâu mà cho là không thể? ”
Ông cũng nêu lên tính cách tương đối của việc vận dụng tri thức mà biện luận:
“Lấy làm phải điều người khác cho là trái, và lấy làm trái điều người khác cho là phải”.
Cách giải quyết những quan điểm đối nghịch, theo ông, là DUNG HOÀ để tìm thế QUÂN BÌNH như chúng ta đã nói trong bài Nho Giáo :
“Thánh Nhân hoà điều phải điều trái, mà gửi vào cái lý quân bình của Trời Đất”.
Trang Tử nói rõ hơn:
“Ở ngoài thế giới hiện tượng thì Thánh Nhân giữ lấy mà không luận bàn.
Ở trong thế giới hiện tượng thì Thánh Nhân cũng bàn bạc vậy, nhưng không quyết định thiên về bên nào cả”.
Không thiên về bên nào cả vì bên nào cũng có phần đúng, cũng diễn tả một phần của Đạo, hay ngược lại, bên nào cũng có phần sai, cũng không diễn tả được sự thật tuyệt đối.
IV) Vô Vi :
Đã “chê” các hoạt động của trí thức, lại không muốn đặt vấn đề Nhân Nghĩa, phải trái v.v… thì các nhà Lão Học làm gì trong cuộc sống của họ? Nói cách khác, làm gì cho đúng khi đối với họ, không còn đúng với sai? Làm gì cho phải, khi không còn phải với trái?
Câu trả lời có thể là: “Không làm gì cả”. Đó là thuyết Vô Vi. Tuy nhiên, nếu nói “không làm gì cả” là đúng, “có làm gì” là sai, thì lại rơi vào sự đối chọi đúng – sai. Vì thế, Vô Vi của Lão Học thường được giảng là “Vô Vi nhi Vô Bất Vi” tức: “không làm gì cả nhưng không gì không làm”.
Điều này có thể được hiểu như sau :
Chính quan niệm « thường Đạo » như quy luật tối thượng và thường hằng của sự vật đã dẫn tới thuyết Vô Vi. Lão Tử nói: “Trời Đất coi con người như thảo giới”, với ý nghĩa cái định luật của vạn vật lúc nào cũng thản nhiên vận chuyển, bất chấp những vui buồn, ước mong, cầu khẩn, của con người, như nghĩa chữ « thường » Đạo. Trong bối cảnh ấy, Vô Vi là đừng làm gì chống lại định luật của Trời Đất, là « Vi » trong cái « Vô Vi » ấy, chứ không phải là không làm gì hết.
Nói cách khác, Vô Vi là không làm gì theo lòng tư dục của mình, mà chỉ nương theo luật tự nhiên của Trời Đất, để định luật điều hành Vũ Trụ tự động “làm” qua mình. Đó cũng là buông thả để dòng chuyển lưu của Đạo cuốn lôi mình theo sự vận hành tự nhiên của mọi việc. Vô Vi nhi vô Bất Vi, như thế, đi liền với tinh thần quả dục (giảm thiểu ham muốn) của Lão Học.
V) Phương pháp tu tập “huyền bí” của Lão Học:
Để đạt đến Bản Thể Tuyệt Đối của vạn vật, để không làm gì mà không gì không làm, để không ra khỏi cổng mà biết hết việc thiên hạ, để điều khiển được sự sống, để đi trên bộ mà không sợ hổ báo, tê giác, vào trận tiền mà không cần chuẩn bị giáp binh, và vài “tài mọn” khác, Lão Học đề nghị cho chúng ta một trương trình tu tập có thể được tóm tắt trong bốn giai đoạn như sau (theo Trang Tử – Đại Tôn Sư):
1) Giai đoạn một: phải gạt thiên hạ ra ngoài, gọi là ngoại thiên hạ, tức loại bỏ những gì có thể cảm nhận được bằng giác quan hay có thể được gợi lên bằng ý tưởng. Sách vở cho là trong ba ngày có thể làm được việc này.
2) Giai đoạn hai: phải rời quan niệm về vật, gọi là ngoại vật. Chữ này hơi khó hiểu, xin đề nghị một chiều hướng giải thích : đã vứt bỏ thiên hạ đi rồi thì chỉ còn có mình ta. Như vậy, “Vật” đây chính là phần vật chất của mình. Cũng phải bỏ nó đi, để tập chung nơi phần còn lại của “cái tôi”, tức là Tâm. “Ngoại Vật” là quay về Tâm. Giai đoạn này cần 7 ngày.
3) Giai đoạn ba: phải ra ngoài sự sống, gọi là ngoại sinh. Ngoại sinh chắc cũng không đến nỗi phải là Hara Kiri (rất hại sức khoẻ !), mà có lẽ nên hiểu là không tham sống, không bám lấy sự sống với lòng tư dục vị kỷ. Sống là dục vọng căn bản của mọi sinh vật. Vì vậy, trong một chương trình diệt tư dục, người ta không thể quên cái dục vọng nền tảng này. Tham sống, dù là sự sống đời này hay sống đời sau, sống đời tạm bợ hay đời vĩnh cửu, đều là bám víu lấy “cái tôi”. Vì thế ngoại sinh cũng là diệt ngã. Môn ngoại sinh cần 9 ngày, coi như khó nhất trong các giai đoạn đã kể.
4) Ngoại sinh rồi, ta mới đạt được đến một trạng thái gọi là Triêu Triệt. Ở trạng thái này, người ta thấy được cái “Một”, tức bản thể tuyệt đối của vạn vật. Trong đó không còn thời gian tức không còn sự phân biệt quá khứ với tương lai. Hễ không còn phân biệt được sự đã qua với điều sắp tới thì không còn vấn đề sống chết. Thật vậy, đối với kẻ đang sống thì chết nằm ở tương lai, đối với kẻ đã chết thì sống nằm trong quá khứ. Nếu không có quá khứ, không có tương lai, thì đâu là sống, đâu là chết? Nói cách khác, lúc nào cũng sống, mà lúc nào cũng chết. Tất cả đều nằm trong khoảnh khắc, và khoảnh khắc cũng là vô tận.
VI) Lão và Khổng:
Như đã nói ở đầu bài, Lão và Khổng khởi từ một vũ trụ quan rất gần nhau. Từ khởi điểm ấy, hai học phái có vẻ như đi về hai phía đối nghịch. Nói chung chung ta có thể coi như các nhà Lão Học tìm cách từ địa vị người thường trở thành bực thánh siêu phàm, quán chiếu bản thể tuyệt đối của sự vật, còn Nho Gia thì ngược lại, đem thánh nhân xuống địa vị người thường bằng cách đề ra những gì thánh nhân sẽ làm nếu ở vào địa vị của mỗi người chúng ta, với những ràng buộc gia đình, bạn bè, tổ quốc v.v… Một đàng từ người thường hướng lên, một đàng từ thánh nhân hướng xuống, “xuất thế” của Lão Trang đối lại với “nhập thế” của Khổng Mạnh là ở chỗ đó.
VII) Triết lý chính trị của Lão Trang:
Vì “xuất thế” nên Lão Học đương nhiên là ít bàn về chính trị hơn Nho Giáo. Tuy vậy, ta cũng có thể nhận thấy nơi Lão Trang vài nhận định chính trị quay quanh ý niệm:
tôn trọng quy luật tự nhiên
không chấp nhận lấy một hệ thống tư tưởng, luân lý, v.v… để uốn nắn xã hội, bắt mọi người phải tuân theo một đường lối, một quy củ.
Thật vậy, cứ cuống quýt cho là xã hội đồi truỵ, con người suy thoái, rồi nhất định đem những hệ thống tư tưởng, những chủ nghĩa chính trị của mình ra để cố công sửa chữa, thì, theo Lão Học, sẽ có hại nhiều hơn là có lợi. Hại vì lấy ý riêng của mình áp đặt vào việc chung. Cái mình cho là tốt, điều mình cho là hay, chưa chắc đã tốt, đã hay, với người khác. Vì thế Trang Tử khuyên:
“Nên thuận theo tính tự nhiên của mọi vật, chứ đừng theo ý riêng của mình, thì thiên hạ có thể được trị, tức được yên ổn”.
(Thuận vật tự nhiên, nhi vô dụng tư, nhi thiên hạ trị hỹ – Ứng Đế Vương)
Nhà cầm quyền hiếu động, thích làm ra vẻ mình giỏi, nhiều sáng kiến, cũng ví như người chiên cá, càng lật qua lật lại thì cá càng nát (Trị đại quốc, nhược phanh tiểu tiên – Đao Đức Kinh). Ta gặp lại tư tưởng quả dục và diệt ngã đã nói ở trên.
Quan điểm của Lão Trang về chính trị rất có tính cách hiện đại, vì nó tiềm ẩn trong những suy nghĩ về dân chủ, về đa nguyên, về tự quản trị, về thị trường tự do.
VIII) Pháp Gia:
Trong khi tư tưởng chính thống của Lão Trang chủ trường gần như đứng ngoài cuộc đời để vươn lên địa vị của bực Thánh thì một số quan điểm của truyền thống này đã được biến chế ra để áp dụng vào việc quản trị xã hội, bởi một học phái quan trọng, là Pháp Gia.
Thay vì quan niệm một quy luật tự nhiên của Trời Đất, một định luật của Vũ Trụ có tính cách trừu tượng, thì Pháp Gia đề nghị làm ra một hệ thống pháp luật rõ ràng minh bạch, ai cũng phải theo. Rồi, để “giúp” mọi người “sốt sắng” tuân theo luật pháp ấy, họ đặt ra những thưởng phạt rõ rệt, nghiêm minh.
Quan niệm vô vi cũng được cụ thể hoá để trở thành phương pháp cai trị của bậc quân vương. Nhà lãnh đạo, theo học phái này, không nên làm gì cả, mà chỉ dựa trên pháp luật để giữ việc thưởng phạt cho chính đáng. Thật vậy, nếu lấy sức một người để làm việc của cả nước, thì dù tài ba cách mấy cũng không thể cáng đáng được. Vì thế phép cai trị khéo léo nằm ở chỗ biết phân phối trách nhiệm cho nhiều người khác, rồi theo dõi việc làm của họ để thưởng phạt đúng như luật pháp đã quy định. Làm được như vậy thì một người có thể điều khiển muôn người, đúng theo nguyên tắc « vô vi nhi vô bất vi » đã nói ở trên.
Lão Học chủ trương hành vi chỉ cần tự nhiên. Khi bàn về cách cư xử của người dân và giới quan lại, thì Pháp Gia cũng nói: hễ luật pháp rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh, thì người ta sẽ tự nhiên làm đúng bổn phận của mình. Lý do vì ai cũng sợ bị phạt và muốn được thưởng nên mọi người đều tự động chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ của mình và không dám làm những điều bị cấm.
Pháp Gia đã giúp nhà Tần thống nhất Trung Quốc, rồi suốt trong các triều đại sau đó, tư tưởng của họ vẫn được triệt để áp dụng (mặc dù không được chính thức công nhận), chứng tỏ học phái này có một sức mạnh rất đáng kể.
IX) Phê bình Pháp Gia:
Lý thuyết Pháp Gia khi được áp dụng một cách cực đoan thường mau chóng đem lại sự hùng cường, như trường hợp nước Tần với Thương Ưởng và Lý Tư. Tuy nhiên sự sụp đổ cũng rất mau chóng.
Thật vậy, Pháp Gia có nhiều khuyết điểm, xin thử duyệt qua một cách vắn tắt:
Pháp Gia không giải quyết vấn đề ai đặt ra luật pháp. Điều này có thể đưa đến việc luật pháp được đặt ra chỉ để phục vụ cho một cá nhân, gia đình hay bè phái, không phù hợp với quyền lợi chung.
Hệ thống cai trị của Pháp Gia đặt trên quyền lực của nhà vua, nhưng lại không định được một cách rõ ràng những phương thức để kiểm soát và chế tài nhà vua, bắt vua phải giữ đúng vai trò của mình. Vì thế khi chẳng may gặp phải vua lười biếng, vua dốt nát, vua bạo ngược v.v… người ta thường vẫn phải cúi đầu phục tùng. Khi có kẻ dám nổi dậy chống lại, thì, dù thành công hay thất bại, cũng đều gây nên nhiều chết chóc, đổ vỡ, rất tai hại cho xã hội.
Bản tính con người thích phóng khoáng tự do, nên muốn cho người dân phục tùng khuôn khổ do một nhóm cầm quyền đặt ra thì bắt buộc phải dùng hình phạt nghiêm khắc, để cai trị trên căn bản sợ sệt. Hình phạt nghiêm khắc quá trớn thì thành ra tàn ác, gây thù hận. Người dân dưới chế độ này dễ có khuynh hướng oán ghét tầng lớp lãnh đạo, không thành thật cộng tác, với nhiều người sẵn sàng vùng vẫy để thoát khỏi sự ràng buộc áp bức.
Thật ra, ba khuyết điểm vừa được nêu có thể được quy vào một điều duy nhất: đó là Pháp Gia quan niệm con người một cách quá lý thuyết, không đúng với thực tế:
Họ cho là phải đẽo gọt con người như cây gỗ, cho đúng với những khuôn mẫu thực dụng, như lời Hàn Phi Tử : “Đợi cho có cây thẳng rồi mới làm tên bắn thì đời nào mới có tên? Đợi cho gỗ tròn mới làm bánh xe thì bao giờ mới có xe đi?” Đẽo gọt như thế nào, thì họ dựa vào pháp luật với sự thưởng phạt nghiêm minh. Pháp luật ví như cái thước, cái cân, để đo đạc, cân lường lòng người rồi cứ dùng sự thưởng phạt để sửa chữa, dư thì cắt bớt, thiếu thì chắp thêm cho đúng với khuôn mẫu cần dùng.
Chúng ta phải công nhận là những nhận định trên đều thiếu thực tế, vì con người nào phải khúc gỗ mà hòng dễ dàng đẽo gọt? Và lòng người cũng nào phải như vật vô tri mà hòng đo đạc, cân lường với những tiêu chuẩn máy móc?
X) Kết luận:
Về Lão Giáo:
Trong thực tế, ngay cả đối với kẻ phàm phu, Lão Giáo có thể đem lại những lợi ích gì?
Đóng góp quan trọng nhất có lẽ là nhận định của Lão Giáo cho rằng mọi việc đều tương đối, luôn biến hoá, không có tư tưởng, giáo điều, chủ thuyết, nào đúng mãi hoặc sai mãi.
Xin khai triển điều này một cách cụ thể hơn :
Ở trên chúng ta đã nhận xét là Lão Giáo có cùng khởi điểm với Nho Giáo, nhưng vào thực hành thì lại chọn hướng đi đối nghịch. Nếu cứ ví chuyện nhân sinh như cái xe thì Nho Giáo và các lý thuyết hữu vi nhập thế có thể được ví như các số máy để xe chạy tới. Còn Lão Giáo là “số de”để lùi lại. Thật vậy, những hoạt động trong cuộc đời có khi đưa ta vào ngõ cụt, hoặc vào những con đường mông lung không biết sẽ đến đâu? Những lúc ấy, Lão học khuyên ta nên chấp nhận gài “số de”, chứ đừng vì tự ái mà xông xáo bừa bãi sẽ có hại.
Không phải chỉ khi ta lâm vào thế kẹt Lão học mới có lời khuyên, mà mỗi khi ta làm việc gì Lão Học đều luôn ở bên cạnh để nhắc ta rằng: “công việc này ông cho là đúng vì nó là việc của ông, ông tự ái nên nhất định nghĩ thế, chứ bây giờ hãy thử dẹp bớt “cái tôi” đi, xét lại với mắt nhìn hồn nhiên xem nó có hoàn toàn đúng hay không? Công chuyện ông bỏ công sức làm ngày hôm nay, thử nghĩ xem ngày mai còn giá trị gì? Lý thuyết ông học được ở chỗ này, hãy xét lại xem sang chỗ khác có còn thích hợp hay không?” Đại khái đó là những lời khuyên rất giản dị, không có chi là thông thái cả, nhưng khi chìm trong hành động, với tất cả niềm hăng hái, bầu nhiệt huyết, lòng ưu tư việc nước việc dân, cộng với sự tự ái, người ta thường hay quên mất. Dẹp bớt tự ái, hạ thấp “ý riêng”, để luôn chú tâm theo dõi chiều hướng tự nhiên của công chuyện, rồi nương theo đó mà hành động, chính là một chìa khóa của thành công và an lạc mà người ta có thể tiếp nhận được từ Lão Giáo.
Một sắc thái khác của cái “số de” mà Lão Giáo đề nghị là: đến một lúc nào đó trong cuộc đời hoạt động, nên biết thối lui, tìm nơi yên tĩnh mà sống nhàn hạ tự nhiên. Người mình có cụ Nguyễn Công Trứ, là một nhà Nho ưu hạng, cực kỳ hăng hái hoạt động, giúp nước giúp dân. Cụ hay khuyên người ta xông xáo gánh vác việc đời, nào là:
“Phải hăm hở ra tay kinh tế
Người thế trả nợ đời là thế”
rồi:
“Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan sẻ núi lấp song
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”
Hay:
“Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương”
Nhưng cụ vẫn không quên:
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương”
Nhưng cụ vẫn không quên:
“Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười”,
trong khi chờ đợi “tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn”, để mà:
“Giắt lỏng giang sơn vào một túi
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu
Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu
Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy”
Và nhất định là không quên “gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” để dưới mái tóc bạc như tuyết, vẫn còn tự hỏi:
“Cái tình là cái chi chi?
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình”…
Khi nói “hành tàng bất nhị kỳ quan” (ra làm quan với về ở ẩn không phải là hai chuyện khác nhau), phải chăng cụ có ý khuyên người đời: ra làm quan với về ở ẩn chẳng qua chỉ là hai “đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay” mà thôi, đừng gắn bó vào con đường này hay con đường kia một cách mù quáng. Phải biết “gài số de” khi cần, để « kiếm chuyện khác chơi ». Chơi trò nào cũng có cái hay riêng,
Tuy cũng phải:
“Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay…”
Quả đất tròn, Nho với Lão mỗi ông đi về một phía nhưng chắc gì đã không gặp nhau ở phía bên kia trái cầu?
Về Pháp Gia:
Ở cuối thế kỷ 20, bàn về Pháp Gia có lỗi thời hay không? Các khuyết điểm có tính cách kỹ thuật của Pháp Gia, như ai đặt ra luật pháp, phương pháp nào để chế tài người lãnh đạo, v.v… phần lớn đều đã có chiều hướng giải quyết dù là chưa ổn thoả, và ngày nay, ít ai còn tự hỏi nên có pháp luật hay không như ở thời Tiên Tần. Tuy vậy, căn bản của vấn đề vẫn còn y nguyên: đó là việc gán cho con người một hình ảnh trừu tượng, xa rời thực tế.
Pháp gia của thời đại chúng ta là những chủ thuyết, những ý thức hệ, những hệ thống giáo điều được đặt ra để sửa sang xã hội, đẽo gọt con người, bắt mọi người phải tuân theo một khuôn khổ chủ quan, duy ý chí, xa rời thực tại. Các chủ thuyết này, như Pháp Gia xưa, cũng cho con người như khúc gỗ, có thể cắt xén, đẽo gọt. Vì nhận định con người một cách sai lầm, những chủ thuyết ấy bị gọi là PHI NHÂN. Đối lại, là quan niệm NHÂN TRỊ, được khai triển trong một bài viết riêng.
Ngày nào còn con người trong trời đất thì sự đối nghịch giữa cách đối xử Phi Nhân và quan niệm Nhân Trị vẫn còn mãi. Kinh nghiệm của người xưa về “Đạo Nhân” luôn hợp thời, luôn mãi soi sáng những ai muốn “LÀM NGƯỜI” một cách xứng đáng.
Nguyễn Hoài Vân
1991
Nguồn: nguyenhoaivan.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét