Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

VỀ TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA CỦA PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM




Tôi quan ngại sâu sắc về trình độ văn hóa của phong trào dân chủ Việt Nam. Việc nó giống phong trào dân chửi hơn phong trào dân chủ thì nhiều người đã nói rồi, không cần nhắc thêm nữa. Văn hóa đấu đá nội bộ, bòn rút công quỹ, chat sex, lừa tình và đánh ghen của phong trào thì cũng đã quen thuộc. Giờ sẽ bàn về thị hiếu sách vở, cùng gu âm nhạc và thẩm mỹ của các nhà đấu tranh.

Các nhà dân chủ Việt Nam đang đọc gì? Mấy năm gần đây, có hai cuốn sách được cả phong trào săn đón, truyền tay, tụng ca và tôn sùng như kinh thánh. Đầu tiên, phải kể đến cuốn "Bên Thắng Cuộc". Khi cuốn sách này ra mắt, nhiều nhà hoạt động tai to mặt lớn đã vỗ đùi đen đét rồi viết trên mạng: "Ai chưa đọc Bên Thắng Cuộc thì chưa thể coi là thức tỉnh!", "Phải làm sao cho mọi người Việt Nam đều được đọc Bên Thắng Cuộc!", "Chưa đọc Bên Thắng Cuộc thì chưa biết Việt Nam!". Trong mọi cuộc gặp gỡ, người ta hỏi nhau "đã đọc bên thắng cuộc chưa" như một câu chào. Nhìn cảnh này, ta không khỏi nghĩ rằng Bên Thắng Cuộc là một kiệt tác hội tụ toàn sự thật và chân lý.

Nhưng thực tế ngược lại. Bên Thắng Cuộc, khách quan mà nói, chỉ là một cuốn hồi ký kèm ghi chép đồn đại về những chuyện thâm cung bí sử trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Các nhà hoạt động chống Cộng coi truyện thâm cung bí sử của đảng Cộng sản là ngọn nguồn thức tỉnh, là cuốn sách mà mọi người Việt Nam phải đọc, đó đã là một chuyện hết sức buồn cười. Nhưng càng buồn cười hơn, khi cuốn hồi ký này được viết không khách quan cho lắm. Nhìn nội dung sách và tiến trình hoạt động của Huy Đức mấy năm gần đây, ai cũng hiểu Bên Thắng Cuộc chẳng khác gì cuốn phúc âm mà một người phe Võ Văn Kiệt viết ra để vừa rửa tội, vừa tâng bốc ông này và phe này. Tính toán chính trị của Huy Đức và phe cánh đứng đằng sau đã quá lộ liễu. Vậy mà phong trào dân chủ vẫn võ đùi hét lên "Sự thật đây rồi!", rồi tôn thờ nó là "cuốn sách mà mọi người Việt Nam đều phải đọc", thì chỉ có thể có ba trường hợp. 
Thứ nhất, là đa số các nhà dân chủ quá gà và dốt, không biết gì về chính trị, nên dễ dàng bị Huy Đức dắt mũi kéo đi. 
Thứ hai, là nhiều nhà dân chủ chiếu trên hoặc bị mua chuộc, hoặc là chân gỗ do phe Võ Văn Kiệt cài vào để giật dây phong trào. 
Thứ ba, là các nhà dân chủ biết nhưng cứ giả đò không biết.
 Bên Thắng Cuộc có phản ánh sự thực không, họ không quan tâm, họ chỉ cần biết rằng cuốn sách này cho họ cái cớ để chửi rủa và bêu xấu Cộng sản.

Trường hợp đầu tiên buộc chúng ta phải kết luận rằng các nhà dân chủ Việt Nam ngu như bò, chỉ đọc toàn những văn hóa phẩm hạng bét, nên mới gặp Bên Thắng Cuộc đã vội thờ như thánh kinh.

Trong trường hợp thứ hai, chúng ta nên đổi tên phong trào dân chủ Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Dân chủ Võ Văn Kiệt cho đúng thực tế. Và để cho đúng thực tế, cuốn Bên Thắng Cuộc cũng nên đổi tên thành Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện, hoặc Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Võ Chủ Tịch.

Trong trường hợp thứ ba, ta đành phải kết luận rằng các nhà dân chủ Việt Nam bất chấp thủ đoạn, phong trào dân chủ Việt Nam khinh rẻ sự thật và tri thức. Loại người này chuyên lấp liếm sự thật và bóp méo lịch sử để củng cố quyền lực. Và thực tế cho thấy dù còn lâu mới nắm được quyền bính, các nhà dân chủ Việt Nam đã thường lấp liếm sự thật và bóp méo lịch sử như một thói quen.

Kinh thánh thứ hai của phong trào dân chủ là cuốn Từ Dân Chủ Đến Độc Tài. Cuốn này được viết bởi một vị có cả rổ liên hệ với CIA, dựa trên lời cố vấn của một cựu sĩ quan quân đội Mỹ. Tên sách là Từ Dân Chủ Đến Độc Tài, nhưng nói một cách khách quan thì đây là sách dạy lật đổ. Nội dung chính của sách là những kỹ thuật sách động đám đông, điều khiển đám đông, và lật đổ chính quyền bằng đám đông. Ai hiểu cuốn sách, sẽ thấy những kỹ thuật này dùng để lật đổ chính quyền nào cũng được, bất kể dân chủ hay độc tài. Còn việc xây dựng một thể chế dân chủ phức tạp ra sao, thì không thấy sách phân tích mấy.

Theo tôi, những vị tôn thờ cuốn sách này nên đổi tên nó thành Từ Lật Đổ Đến Lật Đổ, hoặc để cho gọn ghẽ hơn, thành Đường Kách Mệnh.

Cá nhân tôi tin rằng so với cuốn Từ Lật Đổ Đến Lật Đổ, thì bộ sách về lý thuyết chuyển đổi chế độ mà ông Quang A đang dịch và quảng bá nhiều lần đáng đọc hơn. Nó tương đối khách quan, đa chiều và hữu dụng cho tiến trình thay đổi của đất nước. Trong khi đó, Từ Lật Đổ Đến Lật Đổ của Gene Sharp chỉ đơn thuần là một sách dạy kỹ thuật phá hoại và đóng kịch để giành chính danh. Nó dạy người Việt Nam trở thành một công cụ của Mỹ hơn là một tác nhân mang lại đổi thay tích cực và lâu dài cho đất nước.

Nếu phong trào dân chủ vẫn coi cuốn này là thánh kinh, thì ta đành kết luận rằng các nhà dân chủ Việt Nam chỉ có trình độ văn hóa của những con người công cụ.

Trong bộ bí kíp cướp chính quyền mang tên "Từ Độc Tài Đến Dân Chủ", Gene Sharp có đề cập đến việc sử dụng âm nhạc đường phố để tập hợp, sách động và điều khiển đám đông. Rập khuôn lời dạy của đức thánh hiền, phong trào dân chủ Việt Nam quyết tâm nặn ra bằng được một nghệ sĩ đường phố. Vị này, người trong phong trào đều đã quen tên: Tạ Trí Hải.

Nhưng tôi e rằng ông Hải không phải là nghệ sĩ đường phố, mà là người hát rong.

Thứ nhất, ông Hải không có kĩ năng chơi nhạc của một người nghệ sĩ thực sự. Thẳng thắn và khách quan mà nói thì ông chơi dở như hạch, không thể thưởng thức, nghe chỉ tổ hại lỗ tai. Ngay đến một yêu cầu tối thiểu là không chơi sai nốt nhạc, ông Hải cũng chưa thể làm. Vậy thì sao có thể tự phong là một nghệ sĩ?

Thêm nữa, trên mọi vỉa hè của thế giới, có lẽ chẳng có "nghệ sĩ đường phố" nào lại lạm dụng loa, và bật loa to khủng khiếp như ông Hải. So tiếng saxophone trên vỉa hè Paris với tiếng loa inh ỏi của ông Hải ở một góc hồ Hoàn Kiếm, đố ai không thừa nhận ông Hải không giống nghệ sĩ đường phố, mà giống một gã đẩy xe hàng hát rong. Tôi chẳng mong ông Hải đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền, tôi chỉ ước ông đấu tranh chống ô nhiễm tiếng ồn ở Hà Nội.

Thứ hai, công việc của nghệ sĩ đường phố là mang cái đẹp đến cho mọi người. Trong những bản nhạc mà ông Hải hay chơi, tôi chưa từng thấy bài nào có giai điệu đẹp. Hơn nữa, ông Hải cũng không chơi nhạc vì cái đẹp. Theo lời quảng cáo của các nhà dân chủ Việt Nam và lời thừa nhận của chính ông Hải, thì ông chơi nhạc vì mục đích chính trị, âm nhạc chỉ là công cụ để phục vụ lí tưởng chính trị của ông. Trên điểm này, ông Hải không giống một nghệ sĩ đường phố, mà giống một cái loa tuyên truyền gào thét trên vỉa hè.

Thứ ba, người nghệ sĩ đích thực phải tạo ra cái mới. Ông Hải không sáng tác được, thì chỉ là một nhạc công chưa thạo việc thôi, không nên tự phong là một nghệ sĩ thực thụ.

Bởi vậy, thay vì nói rằng phong trào dân chủ Việt Nam có một nghệ sĩ đường phố, ta phải nói rằng nó có một cái loa tuyên truyền hát rong.

Ngoài ra, tôi thấy ông Hải không hề nổi tiếng nhờ tài năng nghệ thuật của mình. Thẳng thắn với nhau đi, chắc bạn cũng thầm cho rằng ông này nổi tiếng nhờ ăn ảnh. Hôm nọ ông Quang A thách chính quyền Việt Nam, thì giờ tôi xin học theo mà thách ông Hải. Tôi thách ông Hải cạo râu nhẵn nhụi và vĩnh viễn không đội cái mũ cao bồi của ông. Nếu chẳng còn ai chú ý đến ông sau khi ông mất râu và mũ, thì hẳn là người ta thích ông không phải vì tài năng nghệ thuật, mà chỉ vì ông có mũ đẹp dâu dài rồi. Ô hô, nghệ sĩ đường phố đích thực của phong trào dân chủ Việt Nam không phải con người, mà chỉ là một bộ râu và một cái mũ!

Chỉ như vậy mà hội này, đoàn nọ xúm xít khen hay, rồi phong làm "tiếng đàn yêu nước của dân tộc", thì gu thẩm mỹ âm nhạc của phong trào dân chủ Việt Nam quả thực đáng sợ.

Thật vậy, trong những "bài hát yêu nước" mà phong trào tua đi tua lại mỗi lần hội họp, như "Việt Nam tôi đâu" và "Triệu con tim", cả tính nghệ thuật lẫn cái đẹp đều tuyệt đối vắng bóng. Chúng là những giai điệu và ca từ kinh khủng, được chơi bằng lối hòa âm kinh khủng và giọng hát kinh khủng. So những bài hát này với vài ca khúc đỉnh cao trong kho tàng nhạc thời chiến của đảng Cộng sản, như "Người Hà Nội", "Hướng về Hà Nội", "Trường ca sông Lô" hoặc "Mùa xuân đầu tiên", ta lập tức hiểu rằng trình độ văn hóa của phong trào chống Cộng Việt Nam hẵng còn kém xa Cộng sản.

Nhưng bài hát mà các "biểu tình viên" tua đi tua lại nhiều nhất lại là một bài thơ Tố Hữu: "Dậy mà đi".

Nhưng thôi, cũng chẳng trách làm gì, vì chuyện này có lẽ họ không biết.
[Nhà Dân Chủ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét