Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Từ xưng hô và sự sa đọa của văn hóa Việt


Chu Mộng Long – Trong “túi khôn” của dân tộc Việt có hai câu đối lập về kinh nghiệm phát ngôn: 1. Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. 2. Thuốc đắng dã tật, Sự thật mất lòng. Câu 1 thực sự là khôn, khôn lỏi, bởi vì không phải tốn tiền mà lời nói có thể mua được lòng người, hiển nhiên kéo theo mua được mọi thứ. Câu 2, vì nói thật mất lòng, thậm chí mất nhiều thứ, kể cả mất đầu, nên nhanh chóng bị loại bỏ ra khỏi túi khôn, và tất nhiên, trong thời buổi quá nhiều kẻ khôn nói láo thì nói thật thành ngu.


Mình mua quyển sách chỉ vì cái bìa ghi Lưỡng quốc Tiến sĩ!

Cái sự sàng lọc bỏ ngu chọn khôn này lâu nay chỉ thấy được tán dương mà lẽ ra phải báo động đỏ về sự sa đọa của văn hóa Việt. Bài viết này chỉ xoay quanh thế giới của từ xưng hô, nơi thể hiện rõ nhất cái ranh giới mập mờ khôn – ngu của người Việt, và đặc biệt chính nó phản ánh sâu sắc nhất thực trạng ứng xử của giới trí thức hiện đại.


1. Tiếng Việt thuộc loại giàu có nhất về từ xưng hô. Chỉ riêng đại từ xưng hô ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai đã có đến cả vài mươi từ tùy theo quan hệ: Tao với mày, ta với mi, ông với tôi, bố với con, mẹ với con, ông với cháu, bác với cháu, chú với cháu, anh với em, chị với em,…, Không kể những từ vốn là đại từ thay thế, từ chỉ danh phận, chức phận, danh xưng, chức xưng… được gán vào cho đối tượng xưng hô ở ngôi thứ hai, thứ ba: cu, bướm, ông chủ, con sen, đồng chí, bí thư, thủ tướng, chủ tịch, bộ trưởng, giáo sư, v.v…, có khi tự xưng luôn ở ngôi thứ nhất: Tôi tên…, hay tôi là… Tiến sĩ, Nhạc sĩ, Nhà thơ, Nhà văn… Bùi Kim H đây!.
Tôi từng bật cười khi đọc một cái đơn viết: Tôi tên là Tiến sĩ Nguyễn AQ. Dễ nhầm tưởng anh ta họ Tiến!!!
Người lớn tự hào về sự giàu có của từ xưng hô tiếng Việt, nhưng trẻ con thì nó ứ thích, nên mới có câu đồng dao từng mỉa mai cái quan hệ cù nhầy trong cộng đồng Việt: Kì đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kì nhông, kì nhông là ông kì đà, kì đà là cha cắc ké…, Chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em bồ các, bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu…
Trước khi đi vào bản chất của sự rối rắm đến thành sa đọa trong quan hệ ứng xử của người Việt qua từ xưng hô, xin bắt đầu bằng câu chuyện rất thật. 


Ngày 20 tháng 11, quý bà phụ huynh khệ nệ mang túi quà đến nhà cô giáo, trân trọng kính tặng cô. Cô giáo nhận quà vui vẻ, cám ơn và khen: chà năm nay trông chị trẻ đẹp hơn năm ngoái. Quý bà phụ huynh mới vừa nhoẻn nụ cười sung sướng thì thằng bé trong nhà lũn cũn bước ra nhìn nhìn tận mặt quý bà và nói: đẹp gì mà đẹp, con thấy mặt bà giống như mặt ngựa! Chuyện cứ như trong cổ tích Bộ quần áo hoàng đế của Andersen, nhưng khác nỗi là thằng bé lập tức bị ăn ba cái tát. Ba cái tát đầu đời ấy dạy nó, từ nay không được nói thật, phải lựa lời mà nói cho vừa lòng người ta, con ạ!
Từ xưng hô bộc lộ sâu sắc mối quan hệ phân biệt tôn ti, đẳng cấp và thái độ ứng xử của người Việt trong cộng đồng Việt: cao hay thấp, già hay trẻ, bề trên hay bậc dưới, gần gũi hay xa cách, trân trọng hay coi thường, cầu cạnh hay bất cần… Xưa, nó dừng lại ở giới hạn của sự cầu thị, tôn kính để còn được xem là văn hóa. Nay, càng ngày nó càng bộc lộ rõ sự háo danh, cầu cạnh và nịnh nọt của con người hiện đại, nhất là bọn trí thức nửa mùa trong sự sa đọa nghiêm trọng của môi trường văn hóa mới.
Xác định tôn ti, đẳng cấp trong xưng hô như thế cũng phản ánh sâu sắc truyền thống của sự độc tài, toàn trị: người được cho ở vị trí cao nhất thường trở thành trung tâm điều hành của cả một hệ thống. Ở gia đình phụ quyền, người chồng là trung tâm; ở cộng đồng làng, già làng, trưởng bản là trung tâm; rộng ra các cấp khác nhau của xã hội phi dân chủ, lãnh đạo là trung tâm. Kẻ dưới chỉ bằng lời xưng hô thiếu tôn kính chứ chưa nói đến phê phán, chỉ trích bề trên đã có thể bị xem là phạm thượng và ắt bị trừng phạt nghiêm khắc!
Tao với mày, ta với mi, ông với tôi từng thể hiện quan hệ dân chủ, bình đẳng chừng như đang dần bị cấm, mặc dù người ta đang kêu gào về quyền dân chủ và bình đẳng. Nếu lỡ mồm mà xưng hô như thế giữa công đường, lập tức phải xin lỗi vì bị quy là hỗn, hoặc vô văn hóa. Đơn giản, nếu là một cấp dưới đối với cấp trên mà chỉ xưng hô tôi với ông thôi, cấp trên đã cảm thấy khó chịu. Phải gọi là thủ trưởng, sếp, hoặc đàng hoàng hơn là gắn với đủ thứ nhãn mác của các loại chức vụ, chức danh để kính thưa: Kính thưa Bộ trưởng, Kính thưa Thứ trưởng, Kính thưa Tổng biên tập, Kính thưa Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Nhà văn, Nhà thơ… (các loại nhà, cứ như buôn địa ốc vậy!).
Ngôn ngữ là bộ mặt của mọi quan hệ đời sống và trở thành diễn ngôn lịch sử. Không có cách mạng đích thực khi các hoạt động của nó bị tách ra khỏi ngôn ngữ.
Từ khi đảng Cộng sản ra đời, cách xưng hô tôi với đồng chí được xem là một cuộc cách mạng vươn tới quan hệ bình đẳng. Nó bình đẳng mà vẫn trang trọng, bắt đầu từ trong tổ chức đảng, sau mở rộng ra phạm vi toàn dân, cặp quan hệtôi – đồng chí trở thành an toàn khu cho mọi tình huống, mặc dù trong thâm tâm chẳng có gì là đồng chí đúng nghĩa, bởi vì các đồng chí vẫn chửi nhau, mạ lị nhau là chuyện thường ngày!
Cũng vì đại từ xưng hô đồng chí bình đẳng trong tính cách mạng của nó, và vì khi nó đã được toàn dân hóa thành bình dân, nên đến lúc tự nó lại bộc lộ sự phản cách mạng của nó bằng cách xóa ngay sự bình đẳng ấy. Đó là lúc nó buộc phải trang trọng hóa bằng cách đính kèm thêm chức danh, chức phận để làm sáng danh loại đồng chí nó muốn đội lên đầu: đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch, đồng chí bộ trưởng, đồng chí hiệu trưởng, đồng chí trưởng phòng, đồng chí giám đốc… như là để phân biệt với các loại đồng chí tầm thường khác. Thế là công cuộc cách mạng 70 năm trở về điểm xuất phát như đúng tinh thần văn hóa tôn ti, đẳng cấp truyền thống của người Việt.
Bản chất của văn hóa tôn ti này xuất phát từ tâm lí háo danh, tự ti đi liền với tự tôn từ hai phía tầng lớp dưới và bề trên trong một xã hội phân biệt đẳng cấp. Ngoài gắn nhãn chức vụ, chức danh vào tên hoặc thay thế hoàn toàn cho tên gọi để làm sang, người Việt thích dùng một danh xưng nào đó gán vào hoặc thay thế hoàn toàn cho tên gọi: Cụ Chánh, bà Hội đồng, cụ Tiên chỉ, cụ Tam nguyên, ông Lưỡng quốc trạng nguyên, (và nay tự dưng đẻ ra ông Lưỡng quốc tiến sĩ),… đến mức bây giờ một ông chủ tịch xã kí giấy tờ hành chính cũng phải gắn vào phía trước tên của mình các học vị khoa học làm cho dân quê ít học tưởng mấy ông này họ Thạc hay họ Tiến là lạ mà lâu nay họ chưa nghe; họ nghĩ có lẽ cách mạng đã giúp cho mấy ông này quên hẳn tổ tông để chuyển sang họ mới.
Đại từ xưng hô của người Việt vì thế trở thành phi lịch sử, dù có làm một trăm cuộc cách mạng thì sự thật quan hệ trong cộng đồng Việt vẫn không có gì thay đổi.

Xưng hô thế nào, hành động thế ấy!
2. Cốt yếu của vấn đề vẫn là giá trị thực dụng của sự xưng hô không mất tiền mua để được nhiều thứ này chứ không phải ý nghĩa tinh thần trên kia. Khoảng cách xưng hô càng cao, giá trị càng lớn. Người bề trên cảm thấy thật đề cao, người cấp dưới tự thấy thật hạ thấp, sự nâng tầm và hạ mình ấy sẽ đổi lấy tiền tài, danh vọng mà bề ngoài cứ lẻo lẻo về sự tự do dân chủ và bình đẳng.
Trong một cuộc họp hay một cuộc gặp gỡ với cấp trên, cách cúi đầu thưa gửi: Thưa thủ tưởng cho em xin ý kiến, thưa sếp cho em xin… một cách ngọt ngào sẽ làm cho thủ trưởng hay sếp vui, hay đúng hơn là tự hào, kiêu hãnh thì dễ mua được những cái phải mua bằng rất nhiều tiền. Trong một đại hội hay đại tiệc, giới thiệu chức danh của cấp trên theo cách: kính thưa đồng chí bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, giáo sư tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà thơ… càng dài càng làm cho cấp trên sung sướng, tự mãn và tiếng vỗ tay càng to và giòn, để… hiển nhiên, sau này cấp trên tạo nhiều điều kiện nâng đỡ và cho không (của chùa) nhiều thứ không phải mua.
Công đường trở thành văn hóa chợ, dùng lời nói thay tiền mua bán. Tư cách công dân trong xã hội dân chủ của người Việt bị hủy diệt với kinh nghiệm và trào lưu lựa lời mà nói. Sự hủy diệt ấy bộc lộ ở sự tự ti quá mức và sự tự cao quá đáng giữa bậc thấp và bậc cao, cấp dưới với bề trên. Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống (Tố Hữu), thứ ngôn ngữ uốn gối khom lưng kia làm cho lãnh đạo hay bề trên trở thành những độc tài bạo chúa, còn dân đen bị khinh bỉ thành kẻ hèn hạ, ti tiện như nó đáng bị khinh bỉ bởi vị thế của sự xưng hô hèn hạ, ti tiện.
Học trò viết đơn xin nghỉ phép, vì tôn sư trọng đạo cứ phải xưng em với thầy để mong thầy gia ân. Một công dân viết đơn lẽ ra đường hoàng đề nghị giải quyết một vấn đề nào đó về quyền lợi bình đẳng theo luật định cũng cứ phải kính thưa bề trên và cúi đầu thật thấp xưng em để được chiếu cố. Gần đây, một tập thể sinh viên viết thư cho Chủ tịch nước mà cứ phải xưng hô bác với cháu, làm như cái khổ nhục kế để cầu xin ấy sẽ động lòng bề trên, để bề trên có thể bước qua mọi ranh giới pháp lí mà cho cái sự xin hèn mọn ấy?
Một thực tế sống động cho thấy tính chất thực dụng đến quên mất vị thế công dân ngay trong giới trí thức, mà trí thức cao cấp ở trường đại học. Sự tôn kính quá mức càng bộc lộ bản chất của sự ti tiện. Trong các cuộc họp, khi phát biểu về vấn đề nào đó, rất nhiều cán bộ chủ chốt xưng em với thầy Hiệu trưởng mà quên rằng đó là một hội đồng dân chủ. Mà nữa, Hiệu trưởng là một chức vụ, còn thầy là một nghề nghiệp. Làm gì có khái niệm kép: thầy Hiệu trưởng. Trong cách xưng hô này vừa cố tình tỏ ra quan hệ “tôn sư” của đạo thầy trò (mặc dù ông ta chưa từng dạy mình nửa chữ), vừa đặt mình đứng dưới thắt lưng của kẻ có chức vụ cao hơn. Khi đã xưng hô như thế thì làm sao có được tiếng nói bình đẳng, trung thực, thẳng thắn, nếu không nói chỉ là phát ngôn vuốt đuôi hoặc cầu xin nịnh nọt. Đấy cũng là chỗ chết của các sếp, ít khi nghe được lời nói thẳng. Mà chừng như sếp nào cũng tỏ ra đắc chí, vì các ông này nghĩ mình là thầy của tất cả các thầy. Và vì ảo tưởng mình là thầy của các thầy, nên các ông này rất cao ngạo coi thường những kẻ gọi mình bằng thầy để có lúc đối xử như đối xử với những kẻ ti tiện: mạt sát, sỉ mắng, xua đuổi… Tất nhiên trong số này, có những người không hề mang bản chất ti tiện, mà chỉ là nạn nhân hay công cụ của ngôn ngữ ti tiện, đúng hơn là do diễn ngôn quyền lực sắp đặt cho họ vị thế ti tiện. Không biết những người này đã bao giờ thấm thía cái giá phải trả cho sự ti tiện này chưa?
Các lãnh tụ cộng sản cho dân xem quan là “đầy tớ”, nhưng dân lại muốn đứng dưới tầm đầy tớ thì 3000 năm nữa cũng chưa có dân chủ!
3. Nên nhớ văn hóa đẳng cấp chưa hẳn đã mang lại lợi ích mà bao giờ cũng chứa nghịch lí hai mặt. Càng được cho nhiều bao nhiêu càng bị khinh hạ bấy nhiêu. Trong khi một thực tế là bọn côn đồ giả danh trí thức bắt đầu tỏ ra khôn hơn, chúng cứ gọi thủ trưởng là “ông anh” và tự xưng là “thằng em”, tuy vẫn được tiếng là có khoảng cách tôn ti, nhưng lại gần gũi đến mức, nếu cần “thằng em bắn cho ba phát đạn” là chúng lại được “ông anh” kinh sợ và cho nhiều thứ hơn, kể cả sức mạnh đè đầu cỡi cổ người khác!!! Té ra luật giang hồ có tôn ti mà lại dân chủ hơn theo cách của nó, tốt hơn là cái văn hóa dân chủ mà bọn trí thức thứ thiệt chưa hiểu đầy đủ nghĩa của từ mà đã to mồm đòi dân chủ!
Hình như từ sau vụ án Năm Cam nổi tiếng, những cách xưng hô truyền thống của phía Nam được khôi phục lại ngay trong giới chức sắc của chính quyền như một cái mode: anh Năm, anh Bảy, anh Ba… Nghe chừng gần gũi thân mật nhưng thực chất cách xưng hô đó đã giang hồ hóa bộ máy chính quyền. Đi đâu cũng nghe nhan nhản một lũ quan chức quèn loe nhoe khoe khoang vừa mới gọi điện hay nói chuyện với Năm Hà, Bảy Dương, Hai Thanh hay Sáu Hải… đang chức rất to nào đó mà rờn rợn, vì cứ như gặp phải “đàn em” nhỏ của các “đại ca” nhớn trong băng nhóm giang hồ!
Xem ra, sự sinh sôi giàu có của từ xưng hô tiếng Việt không phải do văn hóa nào quy định mà do cái lưỡi cao su của người Việt uốn éo trăm chiều đã tạo ra để làm rối loạn đời sống đúng hơn là xác lập một trật tự đúng nghĩa của sự tự do dân chủ!
Dân Việt đối mặt với ngoại xâm thì tự tôn, tự đại, nhưng đối mặt với nội xâm thì tự ti. Goethe nói: chỉ có kẻ ti tiện mới tự ti.Không bao giờ có dân chủ khi người dân vẫn mang trong mình căn bệnh tự ti. Và như vậy, món quà lớn nhất để Làm người là Dân chủ trong nghĩa tự do bình đẳng chẳng ai cho không biếu không mà phải chịu nhục cúi đầu xin xỏ. Món quà ấy phải tự giành lấy, có khi bắt đầu bằng cuộc cách mạng về sự xưng hô, ít nhất biết nhục khi rơi vào tập quán xưng hô tôn kính nhưng thực chất là biểu lộ sự ti tiện của con người mình. Bởi lẽ, con người không chỉ là chủ thể của ngôn ngữ mà còn là công cụ của ngôn ngữ, bị thói quen ngôn ngữ điều hành một cách vô thức. Thứ diễn ngôn quyền lực sắp đặt nên thứ trật tự của món văn hóa bất bình đẳng ấy đã đè lên cuộc sống bao đời nay mà người dân chúng ta chưa thoát ra khỏi nó!
Không có gì đáng tự hào khi tỏ ra ti tiện trước quyền lực. Hãy tập cho dân ta biết nhục bởi sự ti tiện mà những kẻ đứng trên đầu ta đang ung dung hưởng thụ trên sự ti tiện đó!
https://chumonglong.wordpress.com/2012/11/16/tu-xung-ho-va-su-sa-doa-cua-van-hoa-viet/#more-1980

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét