Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Tội phạm: hoàn cảnh hay bản chất?




BookHunter: Trong khi dư luận đang tranh cãi về bãi bỏ án tử hình nhưng chưa có tranh luận nào đi sâu vào tâm lý tội phạm, chúng tôi xin giới thiệu một cuốn sách nghiên cứu về chủ đề này.

Bài viết này sẽ phân tích và mở rộng ý tưởng từ cuốn “Inside Criminal Mind” của bác sĩ tâm lý học Samenow, từ đó trả lời câu hỏi: tội phạm là người như thế nào? Việc trả lời câu hỏi này là có ích trong việc cải tạo tội phạm và xây dựng xã hội ít tội phạm hơn..

Mở đề: Tôi xin miêu tả vài nét về một nhóm người. Các bạn hãy xem nhóm người này có nét gì giống mình không:

Họ nghĩ đúng hay sai phụ thuộc vào góc nhìn
Một thứ là không nên làm nếu nó quá rủi ro hoặc quá dễ, không đáng làm
Họ không quan tâm tới cảm xúc của người khác, nhất là khi người khác không hiểu họ
Họ sống vì bản thân mình
Họ khác người, độc nhất và vượt trội
Họ được làm mọi thứ

Đây là những suy nghĩ thường có của tội phạm, theo Samenow. Tác giả nhấn mạnh thêm, tội phạm khác người thường về lối nghĩ, họ không tư duy như đa phần người dân. Trong khi đó, nhiều phương pháp ngăn chặn và cải tạo tội phạm vẫn giả định họ là người thường, bị áp lực từ môi trường đẩy vào con đường bất nghĩa, vì thế các phương pháp này tốn kém và không hiệu quả. Sau đây là phần tóm tắt ý tưởng của sách:

Học thuyết truyền thống về tâm lý tội phạm cho rằng họ là người bình thường, nhưng có những chấn động tâm lý xuất phát từ bạo hành gia đình, mất công bằng xã hội, phân biệt chủng tộc, vấn đề về tình cảm…, từ đó trở thành tội phạm. Hoặc cũng có thuyết cho rằng gen chính là nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội. Xuất phát từ giả thuyết khoa học trên, các nhà nghiên cứu phỏng vấn tội phạm theo hướng tìm về quá khứ, hoặc tìm hiểu về gen và não của tội phạm. Với dữ liệu thu thập được, họ tìm ra hàng trăm yếu tố tăng khả năng phạm tội, từ các hành vi của thành viên trong gia đình, cán bộ trong trường học đến những thay đổi về khí hậu, thực phẩm. Theo học thuyết này, tội phạm lại trở thành nạn nhân của môi trường, và việc phạm tội không còn là lỗi của họ.

Tác giả chỉ trích các thuyết này là thiếu thực tế. Với kinh nghiệm tiếp xúc với tội phạm Mỹ trong mấy chục năm của mình, ông nhận thấy tội phạm không hề có biểu hiện là nạn nhân,bị điều khiển bởi môi trường. Thay vào đó, họ luôn chủ động, quyết đoán, tính toán hành vi của mình. Ông phỏng vấn những người xung quanh tội phạm và thấy rằng những lời đổ lỗi cho môi trường của tội phạm thường là lời nói dối, nhằm đổ trách nhiệm cho người khác, chứng minh bản thân vô tội, tạo thiện cảm với bác sĩ tâm lý và tòa án. Bác sĩ muốn nghe những câu chuyện quá khứ, nhân quả, tội phạm hiểu và thỏa mãn nhu cầu đó của bác sĩ.

Một ví dụ rõ ràng nhất là về quan hệ giữa tội phạm và gia đình. Rất nhiều thiếu niên hư hỏng đổ lỗi cho bố mẹ đánh, chửi, hoặc bỏ rơi mình. Thậm chí chúng còn lợi dụng luật bảo vệ trẻ em để trình báo với cảnh sát rằng bố mẹ bạo hành mình, nhằm đưa bố mẹ ra tòa. Trong khi đó, khi phỏng vấn bố mẹ của tội phạm, tác giả nhận ra họ luôn tìm cách bảo vệ con, hướng dẫn con. Họ đầu tư cho con vào trường tốt, nếu con gặp vấn đề về tâm lý thì họ đưa con đến gặp bác sĩ. Đứa con có cơ hội nói dối với bác sĩ về bố mẹ mình, rằng bố mẹ quá nghiêm khắc, bạo lực, xa lánh con cái. Trong khi đó, chính đứa con mới có những hành vi bạo lực như đập phá, bắt nạt các em, đánh bố mẹ, hoặc chính chúng tự xa lánh gia đình. Tội phạm luôn cho rằng bố mẹ mình đương nhiên phải bảo vệ mình, phải thuê luật sư thật tốt để bào chữa cho tội ác của mình, phải chi tiền tại ngoại cho mình, còn chúng không cần phải làm gì để đền ơn.

Theo thuyết truyền thống, bạn bè được cho là nguồn gây nên áp lực khiến trẻ em trở thành tội phạm. Samenow phủ nhận điều này và cho rằng bạn bè chỉ là yếu tố thúc đẩy chứ không quyết định con đường phạm tội của trẻ. Những đứa trẻ trước khi vào trong nhóm hư hỏng thì đã có xu hướng phạm tội rồi. Chúng có tư duy rằng mình đặc biệt, không thể chơi với những người bình thường. Vì vậy, chúng tự tách biệt với số đông và tìm đến những nhóm chuyên bỏ học, uống rượu, hút thuốc và phá phách. Khi ở trong nhóm hư hỏng, chúng lại càng phải chứng minh sự đặc biệt của mình bằng cách trở nên táo tợn hơn, bạo lực hơn, “ngầu” hơn. Chúng chọn những điều này với sự vui sướng và hứng thú chứ không hề bị ép buộc.

Chất gây nghiện cũng chỉ là yếu tố kích thích phạm tội chứ không phải là nguyên nhân khiến người tốt trở nên độc ác. Người có xu hướng phạm tội hay người bình thường đều có thể đã thử chất gây nghiện. Nhưng nhóm người thứ nhất bị hút vào tác dụng của loại chất này, vì nó làm họ quên đi sự nhàm chán của cuộc sống, khiến họ cảm thấy mình khác biệt, khiến họ tự tin hơn, hấp dẫn hơn. Chất gây nghiện trở thành mục tiêu mới của cuộc đời tội phạm: họ sử dụng nó, nghĩ về nó, nói về nó, kiếm tiền để có nó. Khi không có chất gây nghiện, họ trở nên táo tợn hơn, bạo lực hơn, dễ phạm tội hơn.

Trong học tập và công việc, tội phạm luôn cảm thấy có sự nhàm chán nhất định. Họ không chịu được sự lặp đi lặp lại và thường làm điều gì đó để chống đối hệ thống. Có những người bỏ học và bỏ việc, cho rằng chúng quá tầm thường, và luôn mơ ước mình có thể làm điều gì đó thật vĩ đại, thành công nhanh chóng. Có người xây dựng mặt nạ đẹp đẽ, rồi lợi dụng lòng tin của người khác để thực hiện tội ác (ví dụ như vay rồi bỏ trốn, làm cha sứ để xâm hại tình dục trẻ em…). Tội phạm không thiếu tiền hay tình dục, những gì họ muốn là sự thích thú khi thống trị và lợi dụng người khác, họ muốn chứng minh mình giỏi hơn hệ thống, người khác không thể từ chối mình.

Từ việc tìm hiểu cuộc sống và suy nghĩ của nhiều tội phạm, tác giả đưa ra nhận định chung về nhóm người này. Tội phạm có những xu hướng sau:

Cho mình là duy nhất, là số một, người khác phải phục tùng mình.
Làm điều ác nhằm xây dựng hình tượng độc nhất của mình. Đè nén người khác bằng lừa dối, bạo lực và đe dọa.

Không chịu nổi sự mâu thuẫn nhỏ với thế giới, nhưng lại làm tổn thương người khác nhiều lần. Mọi va chạm đều như đang thách thức vị trí độc tôn của tội phạm.

Đổ lỗi cho người khác, nhìn mình như người tốt. Khi gây nên hành vi phạm pháp thì có thể tự đưa ra lí do phạm tội nhằm lấn át lương tâm của mình. Nếu họ bị bắt và bỏ tù thì chỉ trách mình thiếu thận trọng, hoặc luật sư bào chữa vô trách nhiệm.

Tác giả khẳng định, tội ác rất ít khi tự phát sinh từ áp lực. Nhiều người phải chịu áp lực khi làm việc, nhưng họ có nhiều cách giải tỏa áp lực như nói chuyện với bạn bè, đi chơi, hoặc bàn luận với sếp để đưa ra giải pháp có tính xây dựng. Người đem súng đến xả vào đồng nghiệp rồi tự sát không giống người bình thường: điều tra cho thấy, những người thực hiện các vụ xả súng có quá khứ phạm tội, hoặc đã tưởng tượng về việc xả súng trong thời gian rất dài, có thể từ thời thiếu niên.

Tác giả cũng tìm ra liên hệ giữa tội phạm và khủng bố hay bạo chúa. Hitler, Biladen, Zarqawi đều có những hành vi bạo lực và ám ảnh về vị trí độc tôn trước khi nắm quyền lực. Tư tưởng như Hồi giáo chỉ tạo cho tội phạm cái cớ để mở rộng phạm vi của mình. Nhóm cực đoan thường lôi kéo không phải người sùng đạo mà là tội phạm từ khắp nơi trên thế giới bằng việc nhấn mạnh vào yếu tố vui vẻ, hào hứng, kích động khi tham gia nhóm. Các hành vi của nhóm đôi khi đi ngược lại chính những lý tưởng mà nhóm sử dụng.

Từ việc miêu tả tội phạm là người như thế nào, tác giả chứng minh những giải pháp hiện tại nhằm răn đe và cải tạo tội phạm là không hiệu quả. Nhà tù thường không làm cho tội phạm thấy hối hận, mà chỉ khiến chúng cảm thấy tiếc vì mình quá bất cẩn. Chúng sử dụng thời gian trong tù nhằm học hỏi kinh nghiệm, lập kế hoạch, kết bè kết đảng, uy hiếp người khác. Các hoạt động cải tạo như dạy nghề, dạy văn hóa là không hiệu quả vì không thay đổi lối suy nghĩ của tội phạm.

Chương trình cải tạo tội phạm cần phải thay đổi tư duy của họ, ví dụ như chương trình mà thầy của tác giả, bác sĩ tâm lý học Yochelson, đã thực hiện. Trong chương trình này, mỗi tội phạm phải ghi chép lại những suy nghĩ của mình trong một ngày để trình bày lại trong nhóm điều trị. Bác sĩ sẽ lắng nghe suy nghĩ của từng tội phạm, rồi phân tích một cách khách quan về các suy nghĩ đáng chú ý, chỉ ra những điểm cho thấy đối tượng hay lừa dối bản thân và lừa dối người khác, không kiềm chế được nóng giận, lợi dụng người khác, tự cho mình đặc quyền…. Bác sĩ và tội phạm cần hoạt động tích cực trong vài năm đề khiến người tội phạm tự biết cách điều chỉnh suy nghĩ của mình.

Nhận xét cá nhân về ý tưởng trong cuốn sách:

Tác giả đưa ra một thuyết mới về tội phạm, nhấn mạnh rằng tội phạm tự đưa ra quyết định và có thể tự thay đổi bản thân khi và chỉ khi thay đổi tư duy của mình ,trái ngược với thuyết cũ cho rằng tội phạm là do môi trường tác động. Trong hoạt động răn đe và cải tạo tội phạm, thuyết mới hiệu quả hơn thuyết truyền thống vì nó không khuyến khích tội phạm nói dối, bào chữa cho các hành vi của mình. Thêm nữa, dù cho tội phạm có bị tác động bởi môi trường hay không thì khi bị bắt họ thường đã lún sâu vào lối sống phạm tội. Họ hào hứng với việc gây tội ác, thành thạo trong việc khai thác điểm yếu của môi trường, rất dễ nổi nóng với người xung quanh. Họ không tin tưởng vào các quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, chọn lối sống cô lập , khép kín. Khi tội phạm đã quen với lối sống này, việc chỉ ra nguyên nhân từ môi trường, hay cải thiện môi trường của họ không giúp họ thoát ra khỏi con đường phạm pháp. Chỉ khi họ tự thay đổi lối nghĩ, tự giám sát bản thân, điều đó mới trở thành hiện thực.

Kiến thức trong cuốn sách cũng giúp chúng ta hiểu thêm về lối nghĩ của tội phạm và xác định xem ai có thể là tội phạm. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu rằng tác giả cố gắng nhấn mạnh, cường điệu hóa các đặc tính nhằm chuyển tải ý tưởng một cách rõ ràng hơn. Trên thực tế, không phải tội phạm nào cũng có đủ các đặc tính đã nêu và cũng đều khó cải tạo, và không phải người nào có một vài đặc tính giống tội phạm đều là tội phạm. Thêm nữa, cuốn sách dựa vào kinh nghiệm của tác giả khi hoạt động tư vấn tại Mỹ, nên chưa chắc đã đúng với Việt Nam. Chúng ta chưa thể chắc chắn rằng tội phạm Việt cũng là những người có suy nghĩ giống như trên, hay sẽ có những đặc tính khác.

Một điểm mà tác giả chọn bỏ qua không nêu ra trong cuốn sách là lý do khiến con người trở thành tội phạm. Trong công việc cải tạo tội phạm, có thể điều này không cần thiết. Tuy nhiên chúng ta cần mở rộng phạm vi ra toàn bộ xã hội. Tại Mỹ, vào năm 1982 có 394.380 phạm nhân, năm 2011 có 2.266.800 phạm nhân, chưa kể đến 4.814.200 người trong diện quản chế hoặc tha bổng. Chi phí cho một phạm nhân ở tù 1 năm lên tới vào chục ngàn USD (tại nhà tù New York: 167.000 USD, tại nhà tù New Jersey: 44.000 USD). Những còn số này cho thấy: 1. Số tù nhân tăng rất nhanh; 2. Chi phí cho tù nhân rất cao, làm tổn hao nguồn lực của xã hội. Tốc độ tăng tù nhân khó có thể hoàn toàn là do tăng dân số, luật pháp siết chặt hơn, hệ thống bắt tội phạm hiệu quả hơn. Chúng ta có thể nghi ngờ việc xã hội Mỹ chứa yếu tố khiến cho số lượng tội phạm nhiều lên. Nếu không tìm ra nguyên nhân này, số lượng tội phạm sẽ tăng nhanh hơn khả năng cải tạo tội phạm theo phương pháp thay đổi tư duy mà tác giả đưa ra (để có một dự án hiệu quả (cải tạo được 5 – 10 tội phạm), cần ít nhất một bác sĩ tâm lý hiểu vấn đề, kiên nhẫn lắng nghe, đưa nhận xét, liên tục giám sát tội phạm trong vòng vài năm).

Tôi chú ý tới việc tội phạm thấy chán trường học, công việc, khi phải nghe lệnh từ người khác, nhưng lại không hề thấy mệt mỏi hay chán nản khi thực hiện các hoạt động không được cho phép. Họ đặc biệt tinh tường trong việc nhận ra các điểm yếu của hệ thống hay của con người,và thực hiện những hành vi này một cách vô thức như người thường lái xe. Tội phạm còn đề cao cá tính của mình (sự độc nhất, sự vượt trội, người khác không thể không tuân theo) và phản ứng một cách quyết liệt khi thấy bất cứ hành động nào thách thức cá tính đó. Nhằm giải thích các đặc tính này, tôi xin đưa ra một giả thuyết: tội phạm vốn là người nhạy cảm hơn người khác. Họ cảm nhận được sự khác biệt giữa mình và người khác và họ tự hào về nó. Họ phá phách để chứng tỏ sự hơn người, nhưng môi trường xung quanh lại thấy rằng họ là một đối tượng dị biệt cần phải uốn nắn cho giống với người khác. Bị bắt thay đổi bởi bố mẹ và thầy cô, họ thấy mình cần phải bảo vệ cá tính của mình bằng cách dựng lên bức tường ngăn cách giữa mình và người khác. Để đạt được điều gì đó, họ không giao tiếp mà sử dụng hành vi tiêu cực (hò hét, đập phá) để đòi cái lợi về cho mình. Càng bị ép buộc, họ càng trở nên cực đoan và cho rằng mình là số một, người khác không hiểu mình, sợ mình, và phải tuân theo mình. Một số tội phạm rơi vào giữa trạng thái tiêu cực tột độ, nghĩ rằng mình nên tự tử vì thế giới này không cần mình, và tích cực tột độ, nghĩ rằng mình là bá chủ, người khác không thể chống lại mình.

Có rất nhiều vòng tương tác khiến cho tội phạm chìm sâu hơn. Ví dụ, việc tách biệt dẫn đến người khác không hiểu được bản thân, dẫn đến càng tách biệt hơn. Việc tức giận vì thứ nhỏ dẫn đến không chịu hiểu nguyên do và không tìm giải pháp, dẫn đến càng nóng giận hơn. Việc không làm việc, không học tập dẫn đến thiếu khả năng hòa nhập xã hội, dẫn đến bỏlàm việc và học tập. Việc chơi với bạn xấu, hay sử dụng chất kích thích cũng khiến tội phạm ngày càng khó rút khỏi con đường phạm pháp (cơ chế đã nêu ở phần trước).

Tóm lại, thuyết này cho rằng tư duy và môi trường cùng tương tác để tạo nên con người tội phạm. Khi tội phạm đã đạt đến một điểm nhất định, họ rất nhanh chóng bị cuốn vào các vòng tương tác khiến họ không thể quay trở lại. Để ngăn chặn sự gia tăng tội phạm, cần phải giảm thiểu các yếu tố khiến cho nhóm người khác biệt cảm thấy họ cần phải tự cô lập bản thân để tránh bị đồng hóa.

Trong xã hội phát triển, những yếu tố đó chính là tính tổ chức quá cao, đẩy con người vào một quy trình: học, làm, nghỉ hưu, chết. Tính tổ chức tạo nên xã hội phát triển nhanh, nhưng giữa những xã hội này cũng xuất hiện những con người chống lại sự tổ chức, chống lại lối nghĩ của phần đông, lợi dụng những điểm yếu của hệ thống để trục lợi. Việc tuân theo hệ thống làm đám đông thấy an tâm còn tội phạm thấy nhàm chán, trong khi đó việc chống lại tổ chức trở thành nỗi sợ của đám đông và niềm vui của cá nhân tội phạm.

Tại sao chúng ta lại quá chú trọng việc có tổ chức hoặc phá tổ chức đến vậy? Trong khi đó, các yếu tố như theo đuổi nghệ thuật, theo đuổi sự thật, hay cái khác không hề được nhắc tới trong các gia đình có tội phạm được nêu trong sách. Bố mẹ của các trẻ em có hành vi tội phạm đều rất lo lắng, đưa con đi chữa trị, giáo huấn, nhưng những vị bố mẹ này liệu đã nghĩ tới việc con mình sẽ chống lại nỗ lực quản lý của mình? Vì sao họ không từ bỏ việc quản lý và tự tìm mục đích sống khác?

Một tín hiệu tích cực là việc một số tội phạm có khả năng nghệ thuật khá cao. Trong các nhà tù, các hoạt động vẽ tranh, triển lãm, biểu diễn âm nhạc lại được hưởng ứng. Theo tác giả, những hoạt động này không thay đổi tư duy của những tội phạm vì họ đã quen với cuộc sống phạm pháp. Nhưng nếu các hoạt động này được triển khai sớm hơn, từ trước khi các đứa trẻ trở thành tội phạm, có thể chúng đã trở thành nghệ sĩ.

Những điều trên mới chỉ là một thuyết về tâm lý tội phạm. Tôi mong sẽ có nghiên cứu để kiểm nghiệm thuyết này. Một hướng nghiên cứu có thể là tìm hiểu về tuổi thơ của tội phạm, về cách nuôi dạy con, và về đặc tính của những đứa trẻ có tương lai phạm tội. Từ đó chúng ta có thể tìm hiểu xem liệu chúng có thể được biến chuyển thành con người có tính xây dựng hơn, thay vì trở thành tội phạm của xã hội. Trong trường hợp thuyết này bị bác bỏ, điều cần thiết đối vẫn là tìm cách giảm thiểu số người phạm tội, nhằm giảm chi phí và tổn thất cho xã hội.

Nguyễn Phương Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét