Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Người đức hạnh


Người đức hạnh



AdministratorStaff Member

Thông thường mọi người quan niệm rằng: “Mình tốt khi mọi người xung quanh mình tốt, hay mình trở nên đức hạnh chỉ khi mọi người xung quanh mình có đức hạnh”. Đây là quan niệm sống của người tầm thường và không thể xem là quan niệm sống của người đức hạnh.


​  

Người đức hạnh vượt lên trên cách sống, quan niệm của người tầm thường, không cho rằng: “Mình tốt chỉ khi người khác tốt với mình”. Đức tính của người đức hạnh không phải vậy, vì người đức hạnh sẽ luôn luôn giữ vững, sống trọn vẹn một đời sống đức hạnh dầu cho người xung quanh có đối xử với mình ra sao đi nữa.

Khi bạn sống trong một cộng đồng hay trong xã hội và gần hơn nữa là ngay trong gia đình của bạn, trong chùa chiền, thiền viện mà bạn đang sống và hành đạo. Bạn phải cố gắng làm sao, sống cho phù hợp với mọi người xung quanh. Thậm chí, khi sống một mình, bạn cũng phải sống hòa hợp với chính bạn.

Người đức hạnh là người sống có chánh niệm và trí tuệ, có tình yêu thương đối với mọi người. Được trang bị bởi ba đức tánh trên, người đức hạnh tự thiết lập sự hòa hợp khi sống cùng người cũng như thành tựu sự hòa hợp trong chính mình.

Sống một đời sống có chánh niệm và trí tuệ, có tình thương yêu, chính là căn bản của sự sống hòa hợp. Sự sống này không chỉ áp dụng trong xã hội loài người, mà thậm chí chư thiên ở các cỏi trời hoặc các cỏi khác cũng không ngoại lệ.

Chuyện kể rằng: “Khi vua trời Đế Thích sắp hết tuổi thọ. Vua buồn lắm, lòng vua bất an và rối bời. Tâm của Đức Vua lúc này tràn ngập sự ganh tỵ và sầu muộn. Ganh tỵ khi người khác sẽ thừa hưởng ngôi vị đế vương của mình. Sầu muộn khi phải từ bỏ tất cả, từ bỏ ngai vàng, từ bỏ những gì mà mình đang thừa hưởng. Ôi cung điện! ôi tiên nữ…! tất cả sẽ không còn. Đau đớn! thật sự đau đớn. Sầu muộn! quá sức sầu muộn. Vua trời chỉ còn biết tìm Đức Phật để giải tỏa nỗi lòng, để cho con tim bớt khổ, để tìm chổ nương nhờ, bằng lời hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, bậc thầy của Tam Giới, đầy thương xót muôn loài. Xin Ngài bi mẫn giảng giải cho con được hiểu: Tất cả chúng sanh đều mong muốn hạnh phúc, bình an, thịnh vượng, muốn vượt thoát khổ đau trong đời. Nhưng vì sao, tại như thế nào mà họ lại không đạt được như thế? Vì sao họ vẫn chìm ngập, quằn quại trong muôn ngàn thống khổ, không thoát ra được?” Vua trời Đế Thích vừa hỏi xong, Phật ôn tồn giảng giải: “Sở dĩ chúng sanh không đạt được những điều mong muốn ấy là vì ganh tỵ, keo kiết gây nên.”

--Khi bạn cảm thấy khó chịu trước sự thành công của người khác hoặc sự may mắn của tha nhân, đó là ganh tỵ.

--Khi bạn cảm thấy không hài lòng vì nguời khác tiến bộ và thành công hơn bạn trong Phật Pháp, đó cũng là ganh tỵ.

--Khi bạn cảm thấy không vui đối với sự thành công của người khác liên quan đến công việc làm ăn, học hành, nhà ở, xe cộ…, đó là ganh tỵ.

Bạn chỉ được vui và thật sự hài lòng khi thấy hoặc nghe người khác gặp phải những điều bất hạnh. Sống như thế, bạn đã tự đánh mất sự bình an trong tâm của bạn rồi.

Khi bạn nắm chặt những gì mình đang sở hửu mà không chịu buông bỏ, cho ra, đó là keo kiết. Người sống trong tâm trạng này cũng sẽ không bao giờ gặt hái được niềm vui, hạnh phúc. Thế nên, để có được một đời sống lành mạnh, an vui bạn phải hoan hỷ với sự thành công hay sự may mắn của kẻ khác, và cũng phải biết cho ra để phát triển tình thương, niềm hạnh phúc. Nhưng có mấy ai hiểu được như thế! Và làm được như vậy! Phần đông chỉ biết sống trong những trạng thái tâm tiêu cực, khó chịu khi người khác hơn mình và từ chối giúp đỡ người cần sự giúp đỡ, mà không hiểu được rằng đó là nguyên nhân của lo toan, sầu muộn, của rối rắm, bất hạnh.

Là hành giả đang bước trên con đường hướng đến suối nguồn của sự giác ngộ giải thoát, của bình an hạnh phúc, hành giả cần phải nhận diện rõ bộ mặt thật và mối hiểm họa ẩn tàng trong hai trạng thái tâm lý ganh tỵ và keo kiết này.

Ganh tỵ là biểu hiện của trạng thái tâm khó chịu, mà khó chịu chính là Sân. Chết với tâm sân sẽ gặt hái quả xấu khốc liệt. Khốc liệt vì phải bị đọa đày trong cảnh giới địa ngục thống khổ vô vàn. Keo kiết là vì Tham. Chết với tâm tham thì, eo ôi! phải bị đọa đày trong kiếp ngạ quỷ đói khát.

Khi một người đã thoát ra khỏi tâm ganh tỵ, keo kiết, người ấy sẽ gặt hái sự bình an ngay lập tức. Bởi vì, trong giây phút đó, trong khoảng khắc đó, tham sân hoàn toàn vắng bóng trong tâm trí của người ấy.

Giờ đây, bạn đến trung tâm này hành thiền để làm gì? Có phải chăng là để hướng đến mục đích đoạn tận tham sân? Đúng vậy! Tuy nhiên, trong lúc hành thiền, tham sân vẫn tiếp tục sanh khởi. Chúng sanh khởi khi bạn ăn, uống, thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm…v.v. Thậm chí, khi tâm ở trong trạng thái yên tỉnh, hỷ lạc hay sự hành thiền được tiến triển tốt đẹp thì bạn cũng có thể rơi vào trong cạm bẩy của tham vì phát sanh tâm ưa thích với chúng. Và khi tâm phóng túng, bất an hay khi mọi việc không trôi chảy như bạn muốn thì bạn cũng có thể sa vào hầm hố của sân vì phát sanh tâm khó chịu với những điều này. Như vậy, mục đích bạn tu thiền là để đoạn tận tham sân, nhưng tham sân vẫn tiếp tục sanh khởi, vẫn tiếp tục đày đọa bạn.

Thế nên, muốn sống một đời sống mà không thấm đượm màu mè của tham sân quả thật là một nghệ thuật sống đầy kinh nghiệm. Nghệ thuật sống ở đây có nghĩa là biết chấp nhận tất cả, dầu tốt hay xấu để quan sát, học hỏi và để được trưởng thành.

Ví dụ: Khi một đối tượng không hài lòng hay một điều bất như ý khởi sanh, nếu bạn cảm thấy khó chịu thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc là cuốn gói ra khỏi rừng thiền sớm. Và khi một đối tượng vừa ý, đẹp lòng xuất hiện, nếu bạn không ghi nhận nó kịp thời thì chắc sẽ bị đắm chìm, dính mắc trong đó, chẳng khác nào đi vào lối mòn xưa cũ của ma vương.

Để gặt hái niềm hạnh phúc thực sự thì khuyên bạn hãy dấn thân vào cuộc hành trình trau dồi thiện pháp mà căn bản là biết cho ra (bố thí), giử giới và hành thiền (thiền định và thiền tuệ). Hãy tinh tấn trong thiện pháp đừng để tham sân xâm nhập và làm hại tâm trí. Hãy cố gắng thực hành liên tục thiện pháp để đoạn tận toàn bộ bất thiện pháp trong tâm. Nói khác hơn, trong mọi cử chỉ hành động, lời nói, suy nghĩ, bạn phải biết tạo cơ hội cho mình để tích lũy và phát huy thiện pháp.

Những ai quá chú trọng đến việc tình cảm, ăn, uống, ngủ nghỉ…v.v., nếu mọi việc đi nghịch lại ý muốn của mình, người ấy sẽ phản ứng một cách mãnh liệt. Phản ứng như thế là thái độ sai lầm hay thái độ không chơn chánh. Thái độ không chơn chánh không phải là lối sống, tư cách của người đức hạnh. Nhưng khi người ấy sống với chánh niệm và trí tuệ thì những trạng thái tâm lý mang chiều hướng tiêu cực, sai lầm sẽ không hiện khởi. Và khi được ngập tràn với tình thương yêu, người ấy sẽ rất khoan dung, độ lượng, sẳn sàng tha thứ lỗi lầm của kẻ khác.

Một cái cây sẽ ban tặng bóng mát cho người tiều phu cho đến khi nó bị đốn ngã. Gỗ chiêm đàn được người dùng làm que mồi lửa, tiếp tục tỏa hương cho đến khi nó bị thiêu đốt thành tro bụi. Cũng vậy, người đức hạnh dẫu có mất mạng cũng không bao giờ bỏ rơi kẻ thù của mình mà không giúp đở. Câu chuyện sau đây sẽ minh họa cho điều này một cách tuyệt vời, sống động và đầy ấn tượng.

Trong một kiếp của cuộc hành trình dài thăm thẳm để thực hành công hạnh Ba-La-Mật, Bồ Tát, tiền thân của Phật Thích Ca tái sanh làm con khỉ chúa. Một hôm, lúc đang kiếm ăn, nghe tiếng kêu cứu bi thảm của người thợ săn lầm đường và bị rơi dưới đáy vực sâu. Khỉ chúa đã bỏ qua sự sống chết của mình để cứu ông ta. Cõng người thợ săn ra khỏi đáy vực cũng là lúc khỉ chúa kiệt sức. Nó nhắm mắt nằm nghỉ, dưỡng sức trên vế của người thợ săn. Vào thời khắc ấy, nhìn khỉ chúa, người thợ săn nghĩ rằng: “Cả ngày nay ta chưa săn được gì cả, tốt hơn là giết chết con khỉ này.” Nghĩ thế, hắn liền dùng tảng đá đập mạnh vào đầu khỉ chúa. Ôi! độc ác làm sao! Vô ơn làm sao! Bất nhân làm sao! Khi đối xử quá tàn bạo với ân nhân đã cứu mình. Kinh hoàng! Thật sự kinh hoàng! Đớn đau! Thật sự đớn đau! Khỉ chúa với đầu máu me ràn rụa nhảy thót lên cây. Nhưng khỉ chúa đành bỏ đi được sao? Nếu bỏ đi ắt người thợ săn sẽ bị hổ, báo, sài lang ăn thịt. Cho nên, nén nhẫn cơn đau, xâm xoàng cùng cực, đau đớn vô cùng, khỉ chúa cố gắng đưa người thợ săn ác độc ra khỏi khu rừng an toàn bằng những vết máu đỏ loang dài trên mặt đất của mình. Người đức hạnh, cũng vậy, sẽ giúp đỡ kẻ thù của mình dẫu cho sự giúp đỡ ấy có trộn lẫn mồ hôi, máu, và tánh mạng.

Để trở thành người đức hạnh, bạn phải trau dồi cái tâm đức hạnh của mình, trau dồi cho đến hơi thở cuối cùng. Người đức hạnh không phải chỉ đức hạnh khi người khác đối xử tốt với mình. Người đức hạnh kiểu này không phải là người đức hạnh chơn chánh. Người đức hạnh chơn chánh luôn sống một đời sống chánh trực, tốt đẹp với chính mình và tha nhân bất luận là họ tốt hay xấu.

Thực hành đời sống có chánh niệm là nhân tố quan trọng tạo thành người đức hạnh. Chánh niệm giúp cho bạn phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng một cái tâm hiền thiện, tốt lành, tràn ngập tình thương yêu. Và khi trí tuệ được phát triển, tâm vị kỷ, nhiễm ô sẽ không còn chổ dung thân, không còn cơ hội tác oai tác quái, và quấy nhiễu bạn được nữa. Đến đây, bạn sẽ sống một đời sống an lành, hòa hợp đối với chính bạn cũng như với mọi người xung quanh bạn.

Sādhu! Sādhu! Sādhu
Lành thay! Lành thay! Lành thay!


Tưởng niệm ân đức của Hòa Thượng Shwe Oo Min
Bhikkhu Santicitto phỏng dịch​

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét