Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Hồi Giáo và Phương Tây




Tôn Thượng 


HỒI GIÁO

Trong số các Abraham giáo, Hồi giáo xuất hiện trễ nhất nhưng phát triển và bành trướng với tốc độ vũ bão. Từ một nhóm người du mục sống trong một ốc đảo heo hút giữa sa mạc đã mau chóng biến thành những con người đầy quyền lực tung hoành từ Cận Đông đến Âu Châu và từ Bắc Phi đến tận các nước Châu Á, ngăn chặn bước tiến của Kitô giáo Tây phương, khiến hai tôn giáo lớn nhất thế giới này luôn luôn xung khắc với nhau, gây ra chiến tranh triền miên, cướp đi sinh mạng của nhiều triệu con người và có khi phá hủy những phần quý giá của văn minh nhân loại. Cuộc tranh chấp này tiếp diễn cho đến ngày nay và chưa thấy có triển vọng đình chỉ, ngược lại ngày càng khốc liệt, có thể đưa đến thế chiến thứ III.

TỪ QURAYSH ĐẾN MUHAMMAD
Trên sa mạc Syro-Ả Rập ở miền bắc bán đảo Ả Rập rộng hơn 500,000 cây số vuông gần bằng diện tích nước Pháp (552,000 Km2), bao gồm một phần Syria, Iraq, Jordan và Ả Rập Saudi, những bộ lạc Bedouin và Quraysh (tổ tiên của ngôn sứ Muhammad) sống nghề du mục, nhưng cây cỏ ngày càng cằn cỗi. Sang đến tk VI, bộ lạc Quraysh bỏ nghề du mục để tổ chức những đoàn lữ hành (caravan) buôn đường xa, thu hút hàng trăm người và rất nhiều ngựa, lạc đà để chở hàng hóa lương thực, lều vải, vũ khí. Về sau có những đoàn lữ hành tăng lên đến nhiều ngàn người. Để tự vệ, họ phải luyện tập võ nghệ, sử dụng gươm giáo cung tên. Ngoài ra, do nhu cầu buôn bán, họ học địa lý và phong tục tập quán, ngôn ngữ của các nước lân cận, do đó trở thành những người đa tài, đa năng và đa hiệu.

Chỉ nội 1 thế kỷ, người Quraysh đã khiến thủ phủ Mecca của họ thành một trung tâm thương mại lớn nhất Trung Đông, được bảo vệ chống chuyện cướp bóc bởi các quốc gia lân cận như Yemen, Syria, Persia (Ba Tư), Abyswsinia (sau thành Ethiopia). Chính người Quraysh cũng đã trút bỏ được lốt dân du mục quê mùa để thành những người văn minh giàu có. Bộ lạc Bedouin có tiếng hung dữ thấy thế cũng bắt chước bỏ nghề du mục đi buôn.

Vào thời kỳ này, năm 570, Muhammad (có nghĩa là rất được ca ngợi), không biết tên thật của ông là gì, sinh ra trong thị tộc nghèo Hashemite thuộc bộ lạc Quraysh giầu có. Một thị tộc khác của Quraysh là bộ tộc quý phái Umayyad cai trị và phú quý nhất Mecca. Cha Muhammad là Abdullah, chết trong một chuyến lữ hành từ Mecca đi Damascus trước khi ông ra đời. Mẹ ông, Amina, rất ốm yếu, gửi ông cho vợ một người Bedouinn chăn cừu. Khi lên 6, ông quay về với mẹ trước khi bà chết, ở với ông nội Abd al-Muttahib cùng với 16 người con của ông nội và các con của họ, được ông nội yêu nhất nhưng rồi ông nội cũng chết, may được chú Abu Tahih, một lái buôn kiêm người thu thuế nên có ít nhiều thế lực, đỡ đầu cho đi theo và thành trưởng đoàn lữ hành của chú và được tín nhiệm vì tính thật thà nên được gọi là El-Amin. Một lần đi Syria, ông gặp và được tu sĩ Kitô giáo Bahira truyền cho khái niệm độc thần giáo. Ông còn đến tham vấn Bahira nhiều lần nữa. Ông cũng tiếp xúc với bộ lạc Do Thái Himyarite lúc ấy cai trị Yemen. Năm 25 tuổi (595) ông nhận đưa hàng lên miền bắc cho Khadija bint Khuwaylid, một góa phụ giàu có già hơn ông 15 tuổi. Khadija cảm phục ông và đề nghị kết hôn. Ông nhận lời, nhờ thế được nhận vào thượng lưu xã hội. Họ sinh được 2 trai nhưng đều chết yểu và 4 gái: Zaynab, Ruqayyah, Umm Kulthūm, và Fāṭimah. Khadija có người anh em họ Waraqa là Kitô giáo Coptic sùng đạo. Chịu ảnh hưởng Kitô giáo và Do Thái giáo, ông có khuynh hướng độc thần giáo, trái với các tôn giáo đa thần địa phương và có ý niệm về một thánh kinh mà hai tôn giáo này đều có nhưng người Ả Rập không có. Khoảng năm 40 tuổi, ông lên một hang trên núi Hira, ngoại ô Mecca, ngồi tĩnh tâm. Thiên thần Gabriel hiện xuống bảo ông là ngôn sứ của Chúa (hình dưới đây). Ông hoảng sợ, không tin vào tai mình, rét run, chạy về nhà bảo vợ đắp thêm chăn. Khadija đưa ông đến gặp Waraqa. Waraqa xác nhận là đúng. Muhammad gọi đạo của ông là Islam thường hiểu lầm là “hòa bình” do từ ngữ salam, thực ra có nghĩa là thần phục, hàng phục, liên tưởng đến việc Abraham thần phục tuân lời Chúa hy sinh con Isaac trên giàn hỏa, những người theo ông là Muslim, nghĩa là người hàng phục.

Ông được một số người theo. Vợ Khadija và chú Abu Talib cùng mất năm 619. Ông một chồng một vợ với Khadija suốt 25 năm là hiếm thấy thời bấy giờ ở thế giới Ả Rập, nhất là đối với người có địa vị như ông. Nhưng khi bà chết rồi, liền năm sau ông cưới Aisha bint Abi Bakr, con gái của bạn ông, phú gia Abu Bakr, mới 6 tuổi, được ông cưng nhất. Tiếp theo ông cưới thêm 10 bà nữa vào những năm 620, 623, 625, 625, 626, 627, 627, 628, 628, 628, 629. Theo Anas ibn Malik, đêm nào ông cũng phục vụ đủ 11 bà vì ông có năng lực tình dục của 13 người đàn ông. Vì thế ông còn thêm 3 nô lệ tình dục tuyển vào những năm 627, 629 và 1 người không rõ năm. Ngoài ra ông còn 4 bà nữa cưới vào những năm 630, 630, 630 và 631 nhưng về sau ly dị. Hậu cung (harem) của Muhammed có một phụ nữ Kitô giáo copte tên Mary do cộng đồng Kitô giáo Ai Cập gửi làm quà. Cũng như mọi người nhiều vợ, Muhammed trải qua cảnh đa thê đa… mệt. Sau một cuộc hành quân, người ta không thấy vợ cưng của ông Aisha đâu. Hóa ra bà bỏ lều đi tìm cái dây chuyền quý giá bị mất. Khi bà về thì đoàn quân đã nhổ trại, ngồi chờ qua đêm không thấy ai đến, mãi sáng mới có Safwan ở lại thu dọn đón bà lên ngồi lưng lạc đà, còn hắn đi đất tháp tùng. Những địch thủ của Hồi ở Medina biết chuyện này bày đặt thêm đồn thành vụ tai tiếng. Mohammad tin Aisha vô tội nhưng tức giận vụ tai tiếng. Luật Hồi phạt người vu cáo người vô tội 70 hèo.

Tục đa thê (polygamy) Hồi hợp pháp có lẽ theo gương “anh dũng” của ngôn sứ, được kinh Kor’an cho phép nhưng hạn chế đến 4 vợ thôi. Dù sao dâm dục cũng là một đặc tính Hồi. Cho đến nay, các nạn nhân của khủng bố Hồi không mấy ai thoát cảnh hãm hiếp dù chỉ ít tuổi như Aisha khi thành hôn với Muhammad. Jannah, thiên đàng Hồi, nơi có tất cả những gì mà phàm nhân có thể tưởng tượng và thèm khát, đặc biệt phái nam ngoan đạo được thưởng 72 trinh nữ (hur, tiếng Anh là houri) mắt to. Không thấy nói phái nữ được thưởng cái gì vì Hồi giáo không chấp thuận đa phu (polyandry).
Đấy là mặt tiêu cực của định chế đa thê Hồi. Nó cũng có mặt tích cực, có lẽ để giải quyết một cách nhân đạo vấn đề số vợ góa con côi quá nhiều vì chiến tranh. Muhammad cũng dùng hôn nhân cho mục đích chính trị. Trong 4 caliph Hồi đầu tiên thì 2 là nhạc phụ của Muhammad và 2 là con rể của ông. Ngoài ra còn mục đích kinh tế. Các vợ của Muhammad, mỗi người một nhà và phải làm việc, ai không muốn làm việc ông chu cấp đầy đủ và cho về với gia đình. Là một chính trị gia, Muhammad có óc thực tiễn cao độ.

Muhammad công nhận Jesus là vị tiên tri đứng hàng thứ hai sau chính ông, nhưng phủ nhận tính cách thiêng liêng và cái chết trên thập giá của Jesus, khẳng định người Do Thái không giết và không đóng đinh Jesus.

Muhammad ác cảm với Công giáo vì đạo này thờ ảnh tượng, vi phạm điều răn thứ hai của Moise và theo đa thần giáo như thuyết Thiên Chúa ba ngôi, đi ngược lại chủ thuyết độc thần của tổ phụ Abraham. Muhammad cũng ghét đạo Do Thái vì Do Thái gọi Thiên Chúa bằng số nhiều Elohim (số nhiều của El), đạo Hồi gọi Thiên Chúa bằng số ít. Danh từ El trong tiếng Ả-rập là Il. Đi liền với Il có chữ “ah” là một mạo tự (article) trong ngôn ngữ Ả-rập. Il-ah, khi chuyển sang Anh ngữ, các chữ I thành A, vì thế Il-ah thành Allah (cũng như Ibrahim trong tiếng Ả-rập đổi thành Abraham trong tiếng Anh). Ngày nay, các giáo sĩ Hồi (muezzin) trên tháp ở majsid (mosque = giáo đường) hát (gọi đọc kinh) “La ilaha illa Allah! Muhammadun rasulu Allah!” (Không có thần nào trừ Chúa. Muhammad là ngôn sứ của ngài). Chiến sĩ khi chặt đầu đối thủ thì la lớn “Allahu akbar!” (Chúa vĩ đại).

Các thương gia Quraysh.giàu có và thế lực ở Mecca vốn thờ các ngẫu tượng và hôn tảng đá đen, có lẽ là một vẩn thiết, ở đền Kaaba và múc nước ở giếng Zamzam được quản trị bởi chú của Mohammad là Al-Abbas sau theo Hồi giáo và thành lập dòng caliph Abbasid. Vì Mohammad đả phá đa thần giáo và thờ ngẫu tượng, họ mất quyền lợi trong việc khai thác hành hương và ý thức được sự cạnh tranh của Hồi giáo. Họ hùa nhau tống xuất Muhammad và những người theo ông ra khỏi Mecca. Năm 622, các tín đồ kéo nhau đi định cư ở ốc đảo Yathrib, quê ngoại Muhammad, 250 dặm về phía bắc Mecca. Ở Yathrib có ba bộ tộc Do Thái Himyarite tranh chấp vũ trang. Mohammad đứng ra hòa giải được hai bộ tộc và theo lời ông, họ đồng ý, các tranh chấp sẽ được “Chúa và Mohammad” giải quyết trong hòa bình. Cách xử sự trung gian này tỏ rõ tính cách của một hoàng đế, chứ không phải của một người theo chủ nghĩa đế quốc chia để trị bằng cách gây chiến tranh. Tác phong của Mohammad ảnh hưởng lớn đến việc bành trướng Hồi. Cũng trong chiều hướng ấy, ông đổi tên Yathrib thành Medina, có nghĩa là “đô thị”, ngụ ý kinh đô của đế quốc Hồi, và gọi năm 622 là Hegira nghĩa là “Năm Di Cư”, đánh dấu năm đầu của âm lịch Hồi (anno Hegirae) của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Hồi, giống Kitô giáo lập ra lịch mới anno domini đánh dấu kỷ nguyên Kitô. Cũng tại đây ông thành lập ummah nghĩa là cộng đồng hay quốc gia Hồi, cái nôi của đế quốc Hồi vĩ đại sau này. Ông đặt ra “năm trụ cột của Hồi giáo”: 
1) Tuyên xưng đúc tin,
 2) Mỗi ngày đọc kinh ở nhà hay nơi công cộng ít nhất 5 lần, hướng về Kaaba ở Mecca,
 3) Nghỉ ngày Thứ Sáu,
 4) Bố thí, ăn chay trong suốt tháng Ramadan, 
5) Hajj tức hành hương Mecca ít nhất một lần trong đời nếu có phương tiện, Có người cho Jihah là cột trụ thứ 6.

Ngày càng nhiều người theo Mohammad ở Medina. Họ sống bằng nghề cướp (ghazu = piratical raid) những đoàn lữ hành của người Quraysh.ở Mecca, để có tiền đồng thời trả thù vì bị người Mecca cướp hết tài sản. Nhóm Do Thái thứ ba gọi là Qurayzah cộng tác với Mecca chống Hồi bị Muhammad thanh toán nốt sau 25 ngày bao vây. Từ 6 đến 7 trăm đàn ông Do Thái bị giết, đàn bà bị bán và tài sản của họ phân phát cho các chiến sĩ Hồi. Hận thù hai bên không hòa giải được.

Công tố viên trưởng Mecca, Abu Jahl (cha những xảo ngôn), dẫn một đạo binh 1000 người Mecca tiến về Medina. Mohammad tiến thối lưỡng nan, vì ông chủ trương tránh chiến tranh, nhưng vì phải bảo vệ Hồi giáo và tín đồ, ông phải dấy binh, chỉ tụ tập được khoảng 300 quân hỗn tạp thiếu khí giới. Ngày 13.3.624, ông dẫn quân đến Badr, một đồng bằng cát cắt ngang bởi một con suối nên có lợi thế là kiểm soát được nguồn nước. Khi địch quân tiến tới với quân số áp đảo, ông vốc một vốc cát và ném vào quân của Một cơn bão cát nổi lên, địch quân tan hàng. Abu Jahl ngã ngựa và bị đập đầu bởi chính cây đại đao của ông. Abu Sofian lên thay, đầu hàng Muhammad và được tha mạng. Muhammad tỏ ra là một tướng cầm quân tài ba và nhân từ.

Trận Badr là một trong số rất ít được ghi trong kinh Kor’an. Nó cũng được thuật lại trong hadith (có nghĩa là truyển thống, những chuyện do thân nhân của ngôn sứ, như Aisha, nhớ và kể lại). Nó ghi sự can thiệp của Chúa hay tài thao lược của “tướng” Muhammad. Từ năm 623 đến 632, ông chỉ đạo 100 trận.

Muhammad dẫn quân từ Medina về Mecca, dọc đường nhiều người Bedouin theo, quân số lên đến 10,000, năm 630 chiếm Mecca. Ông chỉ bắt dân Mecca phá hủy các ngẫu tượng. Tính độ lượng tôn giáo của Mohammad cũng là một yếu tố cho việc bành trướng Hối. Zainab là con gái cả của Muhammad và Khadijad có chồng là Abu al-Aas ibn al-Rabee không theo Hồi giáo còn chiến đấu chống Muhammad trong chiến tranh Badr thế mà Muhammad không bắt ly dị. Thế tại sao ngày nay người ta thấy đạo của ông cố chấp, cuồng tín, hung dữ, độc ác, dã man? Vấn đề quan trọng này sẽ được bàn tới sau.

Các bộ lạc Ả Rập, nhất là Quraysh và Bedouin, lợi dụng tình thế, dùng tôn giáo làm phương tiện bành trướng lãnh thổ để thay đổi môi trường sống tại bán đảo Ả Rập quá cằn cỗi.

Mohammad đương nhiên thành nguyên thủ Ả Rập, sứ đoàn các nước Ả Rập đến xin quy phục. Ông gửi sứ thần đi La Mã, Ai Cập, Ba Tư, Abyssinia <*> để bành trướng thế lực <**>.

Muhammad mất ngày 8.6.632, thọ khoảng 60 tuổi. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng thời đã diễn ra hai biến cố trọng đại có vẻ mâu thuẫn nhau, thay đổi không những thế giới Hồi mà gián tiếp cả cục diện toàn cầu, trực tiếp vùng Trung Đông:
– Tranh chấp ý thức hệ khiến Hồi phân lập thành nhiều giáo phái.
– Việc này tuy ảnh hưởng nhưng không hoàn toàn làm đình trệ việc bành trướng thần tốc của Hồi, bắt đầu bằng thời kỳ bành trướng của Đế quốc Ả Rập – Thời kỳ Caliph.

ĐẾ QUỐC Ả RẬP – THỜI KỲ CALIPH

Những lãnh tụ kế nghiệp Muhammad tự xưng là caliph. Caliph (tiếng Ả Rập là khalīfah) nghĩa là đại diện của Muhammad cai trị caliphate (tiếng Ả Rập là khilāfa) với nhiệm vụ quan trọng nhất là chỉ huy quân đội, đồng thời cũng là imam, lãnh đạo tinh thần, nhưng không thể là người kế vị tinh thần của Muhammad, vì Muhammad là ngôn sứ cuối cùng. Trong lịch sử, caliph cai trị ở Baghdad đến năm 1258 và rồi ở Ai Cập đến năm 1517 thì caliphate bị Ottoman xâm chiếm. Các quân vương (sultan) Ottoman giữ tước vị caliph cho đến 1924 khi Ataturk bãi bỏ. Hai danh từ caliph và caliphate có nghĩa đặc biệt như thế nên thường không dịch ra các ngôn ngữ khác.

Muhammad mất, được 4 caliph liên tiếp kế vị. Họ được coi là rashidun, “vị được hướng dẫn đúng”. Trong 30 năm, họ phát huy đạo của Muhammad ra một vùng rộng lớn:
Abu Bakr (632-634) là một thương gia giàu có và có uy tín bậc nhất ở Mecca. Ông là cánh tay mặt của Muhammad và gả con gái ông là Aisha cho Mohammad. Trước tình trạng hỗn loạn vì không một ai được đa số tín đồ Hồi tín nhiệm bầu lên làm nguời kế vị Muhammad, tự động đứng lên dành quyền lãnh đạo, ra lệnh khẩn cấp tuyệt đối cấm không một tín đồ nào được rời bỏ cộng đồng Hồi và không ai được tự xưng là ngôn sứ vì Muhammad là vị ngôn sứ cuối cùng của Thiên Chúa trên thế gian này. Do đó ông đánh tan được các âm mưu chia rẽ cộng đồng Hồi và chỉ sau 2 năm, toàn bán đảo Ả Rập gồm Ả Rập Saudi, Yemen, Quatar, Omar và Emerite đã theo đạo Hồi. Ông qua đời ngày 23.8.634. Ông là caliph duy nhất trong 4 calph khai quốc công thần không bị ám sát.
Umar ibn al-Khattab (634-644) là thân phụ của Ḥafsa bint Umar (605-665), vợ của Khunais ibn Hudhaifa đến năm 624 thì góa chồng, năm sau đụợc cha gả cho Muhammad. Khi Abu Bakr chết, Umar được bầu làm caliph. Ông là một thiên tài quân sự kiệt xuất trong lịch sử Hồi, đã ban hành trên toàn lãnh thổ Ả Rập những biện pháp sau đây: Để bảo toàn lực lượng Hồi, các bộ lạc trong Cộng đồng Hồi tuyệt đối không được đánh nhau; nam giới trong các bộ lạc trên lãnh thổ bán đảo Ả Rập đều là binh sĩ, tất cả đều được huấn luyện quân sự và được tổ chức thành các đơn vị quân đội. Umar tự xưng là “tư lệnh của các tín đồ” (một tước vị các lãnh tụ Hồi đến nay vẫn còn tranh nhau). Sau hai năm huấn luyện các binh sĩ và trang bị cho họ vũ khí đầy đủ, Umar bắt đầu mở mang nước Chúa bằng sức mạnh quân sự: năm 636, chiếm Iraq và Syria; năm 637, chiếm đế quốc Sasanian (Ba Tư) và thành phố lớn nhất của đế quốc Byzantine là Anatolia; năm 638, chiếm Palestine và thánh địa Jerusalem; năm 641, chiếm Ai Cập, Algeria, Tunisia và Maroc. Một ngày tháng 11.644, trong khi đang cầu nguyện trong đền thờ tại Medina, Umar bị một tù binh người Ba Tư đâm chết.
Uthman (644-656) là một trong những người giầu nhất Medina, cưới liên tiếp hai con gái của Muhammad — là Ruqayyah và sau khi Ruqayyah chết, Umm Kulthum — nên được gọi là Dhul Nurayn nghĩa là “người có hai nguồn sáng”. Ông là cánh tay mặt và phục vụ dưới trướng của Umar 10 năm, học được nhiều kinh nghiệm về tài thao lược quân sự của người tiền nhiệm. Vào lúc nầy, Hồi đã tịch thu được rất nhiều chiến lợi phẩm quân sự và tích lũy được rất nhiều tài nguyên kinh tế dự trữ tại các vùng chiếm đóng. Trong 12 năm, dưới sự lãnh đạo tài ba của Uthman, quân Hồi chiếm Hy Lạp và nhiều nước phía đông Địa Trung Hải, chiếm Libya, chiếm Armenia, tiến vào miền Caucase của Nga, tràn xuống chiếm Bắc Ấn Độ (tức A Phú Hãn và Hồi Quốc ngày nay). Quân lính Ả Rập Hồi chiến đấu lâu năm, bất mãn. Năm 656, một nhóm bất thần trở về Medina vây bắt và giết chết Uthman tại chỗ. Nhóm này đưa Ali Talib lên làm vị Caliph thứ tư của Hồi.
Ali Talib (656-662) là em họ đồng thời là con rể của Muhammad, gặp phải sự chống đối của người nhà của Uthman là Muawiyah, lúc đó là quan toàn quyền Hồi cai trị Syria. Ali mang quân đánh Muawiyah nhưng hai bên đánh nhau khá lâu không phân thắng bại nên phải ngưng chiến. Năm 662, Ali bị phe Muawiyah chém trọng thương trong khi cầu nguyện ở Kufa, 2 ngày sau mới chết.

Những người Hồi thân Ali gọi chung là shiatu ali, “đảng Ali”, sau thành Shiite. Số tín đồ Hồi Giáo còn lại tin rằng Hồi giáo phải dựa trên sunnah nhgĩa là “gương mẫu, tác phong” của Ngôn sứ, nên được gọi là Sunni, còn có nghĩa là “đa số”. Hồi giáo chia làm hai phái chính từ đây. Giáo phái Sunni màu lục chiếm từ 87 đến 89% tín đồ; giáo phái Shiite màu đỏ chiếm từ 11 đến12% tín đồ. Trải qua trên 13 thế kỷ, hai giáo phái thường xuyên xung đột nhau nhiều trận khốc liệt. Số người tử trận cả hai bên có thể lên tới nhiều chục triệu. Đây là một thảm họa lớn nhất trong lịch sử thế giới Hồi.

Sở dĩ có cuộc tranh chấp thù oán vì năm 660 hai phe tổ chức bắt quân đội thề trung thành. Quân ở Mecca, Medina và Somalia kéo về thề trung thành với Muawiya trong khi quân ở trại lính Kufa chỉ thề trước Ali.

Muawiyah (662-680) tự xưng là caliph lãnh đạo cộng đồng Hồi, vốn là quan toàn quyền cai trị Syria, năm 660 thiên đô từ Medina về Damascus, thủ đô Syria. Muawiyah cai trị cộng đồng Hồi rộng lớn trong 19 năm bằng sức mạnh quân sự, biến những người theo ông thành một giai cấp quí tộc binh gia (military aristocracy). Muawiyah bị Amr giết ở Damascus để trả thù, để lại một triều đại Hồi kéo dài đến 6 thế kỷ. Đó là triều đại Umayyad (661-1250), còn gọi là Omayyad, là triều đại Hồi đầu tiên, khi cực thịnh cai trị 15 triệu km2, là đế quốc có diện tích lớn nhất lịch sử loài người.

Năm 680, khi Muawiyah chết, con ông là Yazid đến Medina chặn bắt và giết con trai của Ali là Husayn và nhiều người thuộc giáo phái Shiite. Năm sau (681), Yazid mang quân trở lại Medina tàn phá và dìm thánh địa này trong biển máu. Để trả thù, giáo phái Shiite mang quân chiếm thánh địa Mecca và tàn phá nặng nề thành phố này.

4 trong 5 caliph đầu tiên bị ám sát. Sự kiện này biểu hiện cho tính bạo lực Hồi, thể hiện bằng các thể hình quy định trong kinh Kor’an.gọi là hudud, số nhiều là hadd, theo nghĩa thông thường là khoảng cách, trở ngại, cực, kết thúc, điểm, cạnh, giới hạn, ranh giới, như ném đá kẻ ngoại tình, đánh bằng roi người cáo gian ngoại tình, người uống rượu, chặt tay kẻ trộm cắp, chặt tay và chân hay đóng đinh trên thập ác kẻ cướp đường. Hudud là phần đòi hỏi của Thượng Đế nên bất khả xâm phạm, bất di bất dịch, không thể xin ân xá, mua chuộc. Có một giai thoại về việc thi hành hudud. Có một người tố giác kẻ cắp nhưng thương tình nó bị chặt tay xin Mohammed tha. Ngài nổi giận mắng rằng không ai, kể cả chính ngài, được can thiệp vào “phần của Thượng Đế”. “Pháp bất vị thân”. Mohammad đúng là minh quân. Tuy nhiên, về sau một số luật gia Hồi thấy luật pháp tàn nhẫn quá, nghĩ cách đi vòng để giảm khinh hudud bằng phương pháp shubba nghĩa là “tương tự”, không sai nhưng không đúng hẳn, có thể dùng tiếng Nhà Phật, “phương tiện thiện xảo” để dịch. Aristotle dùng một ẩn dụ có thể mô tả cách áp dụng luật tùy tiện này: con ong hút nhị hoa nhưng cái hoa vẫn nguyên vẹn không suy suyển.

Luật Hồi tuy nghiêm nhưng lại bình đẳng, tự do và thân ái, hấp dẫn người nghèo, nô lệ, thợ thủ công, một số người Quraysh trẻ và các bộ lạc nhược tiểu. Vì thế đạo Hồi thành mối đe dọa cho đa thần giáo cổ truyền và sinh lực của thế giới Hồi hùng hậu đến độ việc phân hóa trầm trọng và những nhược điểm nội tại nghiêm trọng vẫn không cản được việc bành trướng vũ bão của nó.


Chú thích:
<*> Abyssinia thời đó gồm những phần lãnh thổ của Ethiopia, Érythrea, Soudan, Somalia, Djibouti và Yemen.
<**> Một số công hàm giữa Hồi và Tây phương chứng minh là nghi thức ngoại giao (protocole) ngày xưa giống ở chợ cá ngày nay:
1/ Sultan thứ 19 Thổ Nhĩ Kỳ Mehmed IV (1648-1687) gửi Hoàng đế La Mã Thần thánh là Leopold I:
“Ta tuyên bố với ngươi rằng ta sẽ là ông chủ của ngươi. Ta quyết định không để mất thời gian, làm với đế quốc La Mã Thần thánh những gì ta muốn, và để lại trong đế quốc này một ký ức về thanh kiếm khủng khiếp của ta. Ta sẽ truyền tôn giáo của ta và tróc nã vị Thiên Chúa bị đóng đinh câu rút của ngươi. Tương xứng với ý chí và khoái lạc của mình ta sẽ vùi lấp những tên linh mục của ngươi và lột trần bộ ngực những người đàn bà của ngươi cho những cái mõm chó và những con thú khác. Đủ để nói cho ngươi hiểu những gì ta sẽ làm với ngươi – nếu ngươi có đủ thông minh để hiểu tất cả những điều này”.

2/ Thư của sultan Mehmed IV gửi những người Kazak:
“Trẫm, sultan và chủ nhân của Cổng Huy hoàng, con trai của Muhammad, người anh em của thần Mặt Trời và Mặt Trăng, cháu và sứ giả của Chân chủ trên mặt đất, chúa tể của các vương quốc Macedonia, Babylon, Jerusalem, Đại và Tiểu Ai Cập, hoàng đế của các hoàng đế, chúa tể của các chúa tể, hiệp sĩ không có đối thủ, chiến binh bất khả chiến bại, chủ nhân của cây sinh mệnh, người bảo vệ kiên định mộ của Giê-su Ki-tô, người giám hộ được chính Thượng đế chọn, niềm hy vọng và an ủi của người Hồi giáo, người gieo rắc nỗi kinh hoàng và người bảo vệ vĩ đại của người Ki-tô giáo, ra lệnh cho các ngươi, những người Kazak Zaporozhe, phải đầu hàng trẫm tự nguyện và không có bất kỳ kháng cự nào, và ngừng quấy rầy trẫm bằng các cuộc tấn công của các ngươi”.
3/ Trả lời của những người Zaporozhe gửi Mehmed IV
“Những người Kazak Zhaporozhe gửi sultan Thổ Nhĩ Kỳ!
Ngươi – con quỷ satan Thổ Nhĩ Kỳ, anh em và bạn bè của quỷ sứ đáng nguyền rủa, và tên thư lại của chính quỷ Lucifer! Ngươi là hiệp sĩ cái quái quỷ gì mà cái mông trần của ngươi ngay cả một con nhím cũng không chọc được? Con quỷ bậy ra cho quân đội của ngươi xực hết. Đồ chó đẻ, ngươi sẽ không thu phục được những người con Ki-tô, chúng ta không sợ cái đạo quân của ngươi, trên bộ và trên biển chúng ta sẽ đánh nhau với các ngươi, đâm thủng mông của quỷ.

Ngươi là kẻ bồi bếp ở Babylon, kẻ đóng xe ở Macedonia, kẻ nấu bia ở Jerusalem, kẻ thiến dê ở Alexandria, kẻ chăn lợn của Đại và Tiểu Ai Cập, con lợn Armenia, kẻ trộm tại Podolia, kẻ đồng tính luyến ái Tartary, tên đao phủ Kamyanets, và thằng hề của khắp trần gian và địa ngục, và đối với Chúa của bọn ta ngươi chỉ là một thằng ngốc, cháu của con rắn độc và là bộ hạ của chúng ta. Đồ mặt lợn, đồ mông ngựa, súc sinh của lò mổ, đứa trẻ không được rửa tội, nguyền rủa!

Những người Zhaporozhe trả lời ngươi như vậy, hỡi đồ vô tích sự! Ngươi không xứng đáng với những con lợn trong đàn súc vật của người Ki-tô! Bây giờ bọn ta kết thúc, vì bọn ta không biết ngày tháng và không có lịch, tháng ở trên trời, năm ở trong sách, còn ngày thì chỗ bọn ta thế nào thì chỗ các ngươi cũng vậy, và vì điều đó hãy hôn mông bọn ta !

Đã ký: Tổng chỉ huy Ivan Sirko cùng toàn quân Zhaporozhe.

HỒI BÀNH TRƯỚNG THẦN TỐC

Hồi bành trướng mạnh trong 5 thời kỳ: thời kỳ caliph (632-662), triều đại Umayyad (661-1250), triều đại Abbbasid (750-1258), triều đại Mongul (1206-1368), triều đại Ottoman (1299-1922).

Thời kỳ caliph là thời kỳ Hồi giáo mới thành lập đã được trình bầy rồi. Sau đó đến triều đại Umayyad và kế tiếp.

Mohammad tạ thế năm 632. Cũng vào thời kỳ này, hai đế quốc cường thịnh:

1/ Đế quốc Byzantine, hậu thân của đế quốc La Mã, do Constantine đại đế thành lập năm 330 đặt thủ phủ ở hải cảng Byzantine của Hy Lạp, theo Kitô Chính Thống giáo


2/ Đế quốc Ba Tư Sasanian (224-651) theo Bái Hỏa Giáo (Zoroastrianism) thay phiên nhau thống trị toàn vùng Trung Đông và Bắc Phi, tranh chấp nhau trong chiến tranh triền miên suốt 4 thế kỷ (780-1180) khiến cả hai đều kiệt quệ, tạo một khoảng trống quyền lực, mở rộng cửa cho những đoàn kỵ binh Hồi Ả Rập tiến như vũ bão vào chiếm đóng và thành lập một số quốc gia Hồi.

Chỉ trong 30 năm sau khi Mohammad băng hà, dưới thời kỳ caliph (632-662), Hồi Ả Rập đã chiếm trọn bán đảo Ả Rập, Iraq, Syria, Palestine, Ai Cập và phía Tây Ba Tư.

Sau đó, trong 363 năm dưới triều đại Umayyad, đế quốc Hồi lan rộng trên một diện tích chưa từng có trong suốt lịch sử cho đến bây giờ. Trong phần trước đã nói về thời kỳ caliph, nay xin nói đến triều đại Umayyad

TRIỀU ĐẠI UMAYYAD (661-1250) – MỘT THỜI SUNNI
Abdu Manaf bin Qusay, thuộc bộ lạc Quraysh là bộ lạc giữ chìa khóa đền Kaaba ở Mecca, sinh ra 6 người con, trong đó có Abdu Shams và Hashim.

Abu Shams, thuộc tộc Banu Umayyad là tộc mạnh thứ nhì của bộ lạc Quraysh, sinh ra Harb. Harb sinh ra Abu Sufyan. Abu Sufyan sinh ra Hazrat Amir Muawiyah. Muawiyah có nghĩa là “sói con”.

Hashim, thuộc tộc Banu Hashim là tộc mạnh nhất của bộ lạc Quraysh, sinh ra Abd al-Muttalib. Al-Muttalib ra sinh 4 người con, trong đó có Abd Allah và Abu Talib. Abd Allah sinh Muhammad. Abu Talib sinh Ali ibn Abu Talib. Ali kết hôn với Fatima, con gái Mohammad.

Như thế Muawiyah, Mohammad và Ali cùng thuộc thế hệ thứ V sau cố tổ Abdu Manaf bin Qusay. Muhammad và Ali là con chú con bác đồng thời là bố vợ con rể.

Abu-Sufyan là một trong những lãnh tụ ở Mecca chống Muhammad mãnh liệt và dai dẳng nhất nên con ông, Muawiyah, không theo Hồi giáo. Cho đến năm 630 khi quân của Muhammad tiến vào Mecca, Abu-Sufyan quy thuận Hồi giáo, Muawiyah thành bí thư của Muhammad và nổi tiếng khi được caliph Abu Bakr phái đi đánh chiếm Syria. Ông người cao, trắng, đẹp trai, có tài hùng biện, kiên nhẫn, trang nghiêm và phong cách tốt, một chính trị gia và nhà ngoại giao xuất sắc, một toán học gia và thư pháp gia thượng thặng. Ông chiến thắng nhờ miệng lưỡi hơn là cây kiếm.

Nhờ những thành tựu quân sự, ông được bổ nhiệm làm thống đốc Damascus, rồi, dưới triều caliph Umar, thành toàn quyền Syria và phục vụ trong chức vụ ấy 20 năm liền. Dân Syria theo Kitô giáo. Muawiya vỗ về họ, nhận cho họ phục vụ trong triều, còn cưới một bà vợ là người sắc tộc Kalb nên dân địa phương phục tùng. Trị quốc rồi ông bình thiên hạ.

Để củng cố vị trí quân sự, ông chiếm Ai Cập rồi tấn công Ả Rập, Iraq và Yemen, Trong 2 năm 648 và 649, ông chiếm Carthage và Tunisia. Ông củng cố Syria thành một căn cứ quân sự và hải quân hùng hậu rồi chinh phạt vùng Tiểu Á Tế Á Byzantine, Cyprus, Rhodes và duyên hải Lycia.

Một biến cố khiến ông trở thành lãnh tụ cộng đồng Hồi.

Năm 655, caliph Uthman, người có công cuộc lật đổ triều đại Ba Tư Sassanids năm 651, bị loạn quân từ Ai Cập và Iraq ám sát vì cho là ông có biệt nhãn với thân tộc Umayyad. Họ đưa Ali ibn Abu Talib lên làm tân caliph. Ali không trừng phạt những kẻ hạ sát caliph Uthman còn sa thải những công chức do Uthman bổ nhiệm. Vì thế Muawiya là cháu (nephew) của Uthman và là người mạnh nhất của bộ lạc, theo phong tục Ả Rập, được coi là có bổn phận phải trả thù cho Uthman. Chính vợ Uthman gửi cho ông cái áo đầy máu của Uthman. Ông có đủ lý do để không công nhận Ali là caliph. Ông còn được Aisha, vợ yêu của Muhammad, về hùa.

Bà đích thân ngồi trên lưng lạc đà có lọng che trướng rủ, uy nghi chỉ huy quân phiến loạn chống Ali ở gần Basra, Iraq, nên cuộc chiến này gọi là “Chiến tranh Lạc Đà”, nhưng bà thua và rút quân về nghỉ. Đây là cuộc nội chiến (fitnah) đầu tiên.

Địch thủ đáng gờm hơn là Muawiya muốn cướp ngôi ông. Ali đem quân từ Iraq chinh phạt Syria, gặp Muawiya tại mặt trận Siffin từ tháng 5 đến tháng 7.657, hai bên lâm chiến từ ngày 26 đến ngày 28.7 ở Ar-Raqqah, trên bờ sông Euphrates, Syria ngày nay. Muawiya lấy cớ là cuộc tranh chấp không thể giải quyết bằng quân sự mà phải thỉnh ý Chúa. Những người trọng tài phán là vì Othman không hề phạm tội nên giết ông là bất hợp pháp. Muawiya thắng.

Ali có 2 người con là Hassan và Hussayn. Sau khi Ali bị ám sát năm 662, Hassan thành caliph “được hướng dẫn đúng” (rashidun) thứ năm. Để tránh nội chiến và vì yếu hơn Muawiyah, ông ký hòa ước nhường quyền cho Muawiyah với điều kiện là ông này phải công bình với dân, giữ cho họ được an toàn và bảo đảm, và sau khi chết không được lập ra một triều đại. Năm 661 Muawiyad được tấn phong tại Jerusalem. Ông tuyên bố: “Hỡi thần dân, nhân danh Allah, chuyển núi còn dễ hơn là theo cách hành sử của Abu Bakr và Umar. Nhưng ta đã theo các ứng xử của các ngài trừ những người đi trước ta, nhưng không ai đi sau ta bằng ta được về phương diện ấy”.

Nhưng người em, Hussayn, vẫn hậm hực tìm cách phá.

Muawiyah chết ngày 29.4 hay 1.5.680. Khi trước, ông xách nước cho Muhammad và được ngài cho chiếc áo. Ông để dành mặc lúc lâm chung và chôn theo. Trước khi chết, ông chỉ định con là Yazid làm thừa kế, do đó lập ra truyền thống cha truyền con nối đế quốc Hồi, trái với điều kiện hòa ước ông đã hứa.

Do đó, việc nối ngôi trở thành cuộc nội chiến Hồi thứ nhì. Yazid yêu cầu thống đốc các tỉnh phải tuyên thệ trung thành (bai’ah) với mình. Husayn (còn viết là Husain, Hussain hay Hussein) ibn Ali (cháu nội Muhammad) và Abdullah ibn Zubayr (cháu nội Abu Bakr) không tuyên thệ. Anh em thúc bá với Yazid, Waleed bin Utbah bin Abu Sufyan, là thống đốc Madinah, nơi Husayn bin Ali và gia đình Hashimite cư trú cùng với Abdullah ibn Zubayr. Yazid cử bin al-Hakam thuộc tộc Umayyad, nguyên thống đốc Hijaz, là tể tướng (vizier) cho Muawiyah rồi bây giờ cho Yazid, đi gặp Waleed bin Utbah bin Abu Sufyan trao lệnh bắt Husayn, Abdullah ibn Umar (con của Umar) và Abdullah ibn Zubayr phải tuân lệnh tuyên thệ. Chỉ có Husayn trình diện nhưng nói quanh chưa chịu tuyên thệ. Marwan yêu cầu Waleed bỏ tù Husayn và chỉ thả khi chịu tuyên thệ. Husayn chửi bới rồi bỏ ra ngoài. Bên ngoài đã có bộ hạ võ trang chờ bảo vệ. Waleed không chịu bắt viện cớ làm đổ máu mất lòng Chúa. Abdullah ibn Zubayr, rời Medina đi Mecca ban đêm. Waleed cho một toán 8 kỵ binh truy kích nhưng không kịp. Husayn ibn Ali cũng đi Mecca thoát không tuyên thệ.

Husayn ibn Ali nhận được thư từ Kufa, một thị trấn đồn trú thuộc Iraq bây giờ, hứa hỗ trợ nếu ông giành quyền làm caliph. Ông phái em họ là Muslim ibn Aqeel đi trước thăm dò tình thế. Được tin thuận lợi, ông chuẩn bị đi Kufa nhưng Abdullah ibn Umar, Abdullah ibn Zubayr và Abdullah ibn Abbas không đồng ý với kế hoạch, nếu ông nhất quyết đi Kufa thì để vợ con ở lại. Husayn cứ đi mang theo vợ con, dọc đường được tin Muslim ibn Aqeel chết dưới tay Ubayd-Allah ibn Ziyad, thống đốc Basrah và dân Kufa bây giờ trung thành với Yazid chống lại ông. Ubayd-Allah ibn Ziyad cảnh cáo dân không được nổi loạn. Theo lệnh Yazid, ông gửi thông điệp cho Husayn: “Ông không được đi Kufa và không được về Mecca, còn thì muốn đi đâu thì đi”. Husayn và gia đình cứ đi Kufa, đến Karbala thì đụng độ Shimr Ibn Thil-Jawshan và bị giết và chặt đầu cùng với gia đình và những người đi theo, tổng cộng khoảng 72 người và mấy phụ nữ và trẻ con. Chỉ còn Ali là con của Husayn đang được ông ẵm là sống sót. Lính bêu đầu Husayn trên ngọn giáo đem về Kufa dâng cho Ubayd-Allah ibn Ziyad trưng bày vài ngày rồi chuyển về cho Damascus cho Yazid. Trước khi chết, Husayn bảo: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Hàng năm Hồi làm lễ Ashura gọi là Maqtal al-Husayn (tưởng niệm al-Husayn), nhiều người than khóc có người tự quất bằng roi.

Cái chết của ông có một tầm quan trọng đặc biệt, kích động lòng căm căm thù của người Hồi Shiite luôn luôn có mặc cảm bị đàn áp và quyết tâm đòi độc lập, khiến cho Nhà Umayyad cuối cùng bị lật đổ. Từ đó, Sunni và Shiite thành kẻ thù không đội trời chung.

Năm 683, Yazid phái một đạo quân dẹp phe đối lập ở Medina. Đại tự ở đấy bị cháy hư hại nặng và bị hôi của, thành một vết nhơ cho triều đại Umayyad.

Không có chính nghĩa, Muawiya không có hậu thuẫn tôn giáo. Ông chuyển chính phủ Hồi từ thần quyền trị (theocracy) ra một tầng lớp quý tộc bộ lạc Ả Rập do một hệ thống hành chánh theo kiểu Ba Tư và Byzantine điều hành. Nhờ sự cai trị khôn khéo và tài cầm quân lỗi lạc, ông phát triển một đế quốc, gọi là Dar al-Islam (Nhà Hồi) rộng 13 triệu km2 vào năm 720 gồm những lãnh thổ ở Phi Châu, Á Châu và Âu Châu. So sánh với diện tích Âu Châu 10,392,855 km2, Tàu 9,641,144 km2, Hoa Kỳ 9.6 km2.

Triều đại Umayyad chia làm 2 thời kỳ, thời kỳ Damascus và thời kỳ Córdoba, cộng chung được 363 năm (661 đến 1024). 14 đời caliph ở Damascus gồm có Muawiya I (661-680), Yazid I (680-683), Muawiya II (683-684), Marwan I (684-685), Abd al-Malik (685-705), al-Walid I ibn Abd al-Malik (705-715), Sulayman ibn Abd al-Malik (715-717), Umar ibn Abd al-Aziz (717-720), Yazid II (720-724), Hisham ibn Abd al-Malik (724-743), al-Walid II (743-744), Yazid III ibn al-Walid (744), Ibrahim ibn al-Walid (744), Marwan II ibn Muhammad (744-750). Nhà Umayyad tồn sinh ở Córdoba (sẽ nói đến sau).

Masjid Al-Aqsa ở Jerusalem

Dưới thời Abd al-Malik (685-705), đế quốc Umayyad theo chủ nghĩa trung ương tập quyền. Ông lập nhà đúc tiền và dùng tiếng Ả Rập để Ả Rập hóa cả đế quốc. Ông đích thân dẫn quân đi hành quân. Vị tướng tài của ông, Hasan ibn Nu’man, năm 693 chiếm Tunis, bắc Phi, cải hoá dân Berber theo Hồi giáo, chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Âu Châu, Ông tài trợ việc xây nhà thờ Hồi Vòm Đá Thiêng (Masjid Al-Aqsa – Dome of the Rock) ở Jerusalem, hoàn thành năm 692. Jerusalem là nơi Abraham sinh tế con Isaac, nơi có đền vua Solomon và là nơi Muhammad lên trời nên là thánh địa thứ ba của Hồi, sau Mecca và Medina. Gần đấy có Mộ Thánh (Holy Sepulchre), nơi người Kitô giáo tin là Chúa Jesus bị đóng đanh trên cây thánh giá, xây năm 335 theo lệnh vua Constantine của Byzantine, bị Ba Tư phá năm 614, tái thiết năm 628. Ở đây người Do Thái có Haram al-Sharif (the Noble Sanctuary). Nơi này thành thánh địa của 3 độc thần giáo.

Dưới thời al-Walid ibn Abd al-Malik (705-715) tức Abd al-Malik I, một thánh tích thứ tư của Hồi được khởi công năm 701 và hoàn thành nam 705: đại tự Umayyad ở Dasmacus thủ đô Syria và là thủ đô của đế quốc Hồi Umayyad.

Năm 712, ông chiếm trọn Iran (Ba Tư) và dùng nước này làm bàn đạp tiến quân đánh chiếm các nước Trung Á ở phía nam nước Nga. Năm 734, caliph Hisham (724-743) chiếm Hy Lạp rồi chiếm vùng Bắc Ấn rộng lớn (nay là Hồi Quốc và A Phú Hãn) chuyển hóa một số Phật tử theo Hồi giáo. Quân Hồi xâm nhập phía Tây nước Tàu và ngày 10.7.751 đụng độ với quân Nhà Đường (khi ấy đang bị loạn An Lộc Sơn) tại trận Talas (Đát La Tư hội chiến), bắt được khoảng mười ngàn tù binh, đưa về Samarqand (1 tỉnh của Uzbekistan từng được coi là trung tâm giao thương chính trên con đường tơ lụa xưa kia giữa Tàu và phương Tây, có những kiến trúc Hồi đẹp nhất thế giới), học được các phát minh vây hãm thành trì của Tàu như máy bắn đá, những công cụ rất hữu ích khi họ tấn công các thành phố của người Byzantine năm 1091.

Al-Walid I được tiếng là “Cha của các vua”. Bốn con ông thay phiên nhau nối ngôi ông. Trừ có Umar ibn Abd al-Aziz (717-720) tức Umar II đạo đức, còn thì sống sa hoa và sa đọa trong triều đình tráng lệ.

Ngay sau khi Hisham ibn Abd al-Malik (724-743) lên ngôi, Khalid al-Qasri được cử vào chức vụ quan trọng, thống đốc Iraq cho đến 738, coi cả vùng Đông Hồi. Khalid cử em Asad làm thống đốc Khurasan (đông bắc Iran, A Phú Hãn và Turmenistan ngày nay) để làm căn cứ qua Sông Oxus tấn công vào Transoxiana (Trans nghĩa là băng ngang –sông Oxus), là vùng Uzbekistan, Tajikistan và tây nam Kazakhstan ngày nay.

Về phía tây, thống đốc Ai Cập cử nhà xâm lược nổi tiếng Uqba ibn Nafi đánh Bắc Phi tấn công những căn cứ phòng thủ của Byzantine ở tận Algeria cực tây.

Đại đa số trong đế quốc là dân phi-Hồi gọi là dhimmi không bị bắt cải đạo nhưng phải đóng một số thuế còn người Ả Rập Hồi được lãnh lương (stipend). Nô lệ là thành phần thấp nhất trong xã hội thường là tù binh chiến tranh, cũng bị mua bán như một thứ hàng hóa. Đến tk VIII, đế quốc gặp vấn đề tài chánh. Thu không đủ chi. Quân đội không được trả lương vì không có chiến tranh, làm loạn ở nhiều tỉnh.

Năm 750, Umayyad bị thua một trận nặng nề với đế quốc Abbasid. Người Abbasid mở dạ tiệc ở Damascus mời 80 lãnh tụ cao cấp nhất của Nhà Umayyad đến dự rồi đập đầu cho chết hết. Caliph Marwan II (744-750) phải chạy sang Ai Cập vẫn bị bắt và giết. May có Abd al-Rahman I (756-788) lúc đó mới 19 tuổi nhẩy qua cửa sổ trốn thoát, bơi qua sông Euphrates, hóa trang ẩn náu trong 6 năm rồi mới chạy được sang Tây Ban Nha phát triển triều đại Umayyad ở Córdoba.

Đế quốc Umayyad đạt tới diện tích rộng nhất dưới thời caliph al-Walid I (705-15). Năm 711, ông sai tướng người Berber al-Tariq Ibn Ziyad dẫn quân người Berber và người Ả Rập (gọi chung là Moors tiếng Anh hay Maures tiếng Pháp) vượt eo biển Jabal Tariq người Âu đọc là Gibraltar, đổ bộ lên mũi Tarf al-Gharb (vạt phía Tây) người Âu đọc là Trafalgar, sau 7 năm thôn tính toàn bộ al-Andalus (bây giờ là Andalousia) tức bán đảo Iberia, lãnh thổ của dân Vandal là phần đất trù phú nhất của Đế quốc La Mã, đến tk V thì bị quân Đức Visigoth đô hộ cho đến khi bị Hồi xâm lăng. Đế quốc Umayyad, từ vùng này lan sang Caucasus vào Trung Á, đóng đô ở Kurtuba, Córdoba ngày nay, thời đó là đô thị đông dân cư nhất thế giới. Khi Abd al-Rahman I trốn thoát sang (như đã nói trên đây), ông thống nhất dân Moor ở đây tái lập triều đình Umayyad ở Córdoba. Triều đình này chia làm bốn thời kỳ:

– 8 tiểu vương (emir) Umayyad ở Córdoba: Abd al-Rahman I (756-788), Hisham I (788-796), al-Hakam I (796-822), Abd al-Rahman II (822-852), Muhammad I (852-886), al-Mundhir (886-888) , Abdallah ibn Muhammad (888-912), Abd al-Rahman III (912-929). Các tiểu vương phải triều cống Caliph ở Damascus cho đến ngày 16.1.929 emir Abd ar-Rahman tự xưng caliph, chống lại Nhà Fatimid nổi lên ở Ai Cập trong khi Nhà Umayyad Damascus suy thoái.

Đền Al-Munastir ở tỉnh Huelva do emir Abd al-Rahman II (822-852) kiến tạo

– 8 caliph ở Córdoba: Abd ar-Rahman III (929-961), Al-Hakam II (961-976), Hisham II (976-1008), Muhammad II (1008-1009), Sulayman II (1009-1010), Hisham II lên lại (1010-1012), Sulayman II ldên lại (1012-1016), Abd ar-Rahman IV (1017).

– Gián đoạn bởi 4 vua triều đại Hammudid gồm: Ali ibn Hammud al-Nasir (1016-1018), Al-Qasim ibn Hammud al-Ma’mu (1018-1021),Yahya ibn Ali ibn Hammud al-Mu’tali (1021-1023), Al-Qasim ibn Hammud al-Ma’mu lên lại (1023).

– 4 caliph Umayyad lấy lại quyền: Abd-ar-Rahman V (1023-1024), Muhammad III (1024-1025), giữa nhiệm kỳ (interregnum) Yahya ibn Ali ibn Hammud al-Mu’tali (1025-1026), Hisham III (1026-1031).

Năm 732, emir Abdul Rahman Al Ghafiqi dẫn khoảng 80,000 quân vượt dẫy Pyrénées cướp phá tiểu quốc Aquitaine ở phía nam Pháp. Vua Odo của Aquitaine cầu cứu vua dân Frank Charles Martel (Charles Cái Búa: 680-781). Charles dùng mưu chặn quân Hồi tại trận Tours nên Âu Châu không bị hoàn toàn Hồi hóa. Nhưng chỉ thế thôi, không chặn được Nhà Umayyad ở Córdoba cực kỳ hưng thịnh trong suốt 275 năm (756-1031).

Sau khi calph Hisham III (1026-1031) chết, các con ông tranh quyền gây cuộc nội chiến “fitnah Córdoba” khiến caliphate Umayyad phân chia thành nhiều công quốc (principality) Hồi gọi là taifa chiến tranh triền miên và triều đại Umayyad diệt vong khi bị Kitô giáo tiêu diệt trong chiến dịch gọi là Reconquista.

Giáo sư tiến sĩ Nazeer Ahmed nhận định chi tiết về sự suy tàn của Córdoba, tóm lược như sau:

Dưới caliphate Córdoba của Nhà Umayyad (929-1032), Tây Ban Nha trở thành một xã hội có văn hóa, đô thị hóa và là lãnh đạo thế giới trong việc phát triển nghệ thuật, khoa học và văn hóa. Đô thị hóa làm mất những đức tính cam đảm, dũng mãnh, nghị lực, tinh linh tính, tài lãnh đạo và đoàn kết đã giúp nó tồn sinh và thịnh vượng chống lại sự đe dọa Kitô giáo từ miền bắc. Caliphate Umayyad ở Cordoba suy vi năm 1032.

Tây Ban Nha chia thành nhiều công quốc: Saragossa, Toledo, Seville, Malaga, Granada, Almeria, Denia và Valencia. Mỗi công quốc do một tiểu emir cai trị. Sự suy vi của caliphate Umayyad là một dấu hiệu cho các Thập tự chinh Kitô giáo phát động về phía nam.

Tiếp theo một hỗn tạp (free-for-all) trong rối loạn, Toledo, cố đô Tây Ban Nha của Visigoth rơi vào tay Alfonso VI của Castile năm 1085… Giáo hoàng Eugene III tuyên bố Thập tự chinh thứ nhì (1145-1146) với ba gọng kìm quân sự chống Damascus ở Syria, Tripoli ở Bắc-Phi và Andalus ở Âu Châu. Damascus và Tripoli cố thủ được nhưng Lisbon (Hishbunah Ả Rập) thất thủ và Thập tự quân chiếm bắc-Bồ Đào Nha năm 1145… Năm 1212, liên quân Leon, Castile, Bồ Đào Nha và Aragon, được các Thập tự quân ở Pháp và Đức tăng cường thắng Al Muhaddith một trận quyết định ở Las Novas de Tolosa. Tình hình ở Á Châu cũng nguy kịch. Genghiz Khan [Thành Cát Tư Hãn] tàn phá Trung Á và vùng Ba Tư (1219-1222) và ngay cả Baghdad cũng bị đe dọa.

Các đô thị chính ở Á Châu bị tàn phá có nghĩa là các khả năng quân sự Hồi bị loãng ra và không thể hỗ trợ cho nhau được. Thấy có cơ hội lịch sử, các lực lượng Kitô giáo tìm liên minh với Mông Cổ để đánh Hồi. John de Plano Carpini, một tu sĩ dòng Phanxicô đến kinh đô Korakorum của Mông Cổ năm 1245 và trở về với lời hứa sẽ được viện trợ quân sự. Trong khi Thành Cát Tư Hãn tàn phá Samarqand và Bukhara, quân đội Đức xâm lặng Ai Cập (1218-1221). Thế giới Hôi phải đối phó với hai gọng kìm của trục Mông Cổ-Thập tự chinh. Cuộc công kích toàn diện, với mục đích xâm chiếm Hồi và tiêu diệt Hồi giáo.

Năm 1230, kỵ binh Mông Cổ phóng vào đông-Anatolia và phá xập cổng thành Delhi. Ở Tây Ban Nha, các emir xin liên minh với các lực lượng Kitô giáo để chống nhau. Các Thập tự quân sẵn sàng giúp họ chống nhau. Các công quốc Castile, Aragon và Tây Ban Nha Hồi chỉ còn Castile, Aragon và Bồ Đào Nha để bị tấn công và chế ngự. Valencia mất năm 1200. Quần đảo Balearic ở phía tây Địa Trung Hải thất thủ năm 1230, Nam Bồ Đào Nha năm 1231, Cordoba năm 1236, Seville năm 1248. Chỉ còn Granada trong tay Ibn Ahmar, chư hầu của Castile… Giữa năm 1219 và 1260, Hồi mất hơn một nửa lãnh địa.

Năm 1260, liên quân Mông Cổ, Thập tự quân và người Armenia đến trước cửa Jerusalem chỉ có Ai Cập và Hejaz kháng cự. Mất Tây Ban Nha là thảm họa Hồi nhưng là lợi lớn cho Kitô giáo. Qua Tây Ban Nha và Sicily, học vấn Hồi thu thập và bổ túc trí tuệ Hy Lạp, Ấn Độ và Ba Tư Cổ rồi truyền sang Âu Châu. Năm 1126, tổng giám mục Raymond thiết lập trường dịch thuật ở Toledo (thất thủ năm 1085). Năm 1132, Roger II mời các học giả Hồi đến Sicily. Nhà địa lý học trứ danh al Idrisi làm việc ở triều đình Sicily. Năm 1150 thành lập Đại Học Paris và năm 1167, Đại Học Oxford, theo sau là Cambridge năm 1200. Năm 1204 vương cung thánh đường Chartres ở Pháp hoàn thành.

Năm 1215, Đại Học Salamanca thành lập. Năm 1258 Roger Bacon dạy ở Oxford. Vậy học vấn đươc đào tạo ở Baghdad, Cairo và Samarqand rồi truyền cho Âu Châu Kitô giáo qua Toledo và Palermo. Cho đến khi Hối bị trục xuất năm 1492, Âu Châu bị tắc nghẽn ở tây nam… Andalus thất thủ phản chiếu qua nhiều thế kỷ việc Âu Châu khám phá Mỹ Châu, buôn nô lệ từ Tây Phi và thực dân hóa Á Châu (The Fall of Cordoba).

Nhà Umayyad suy tàn mở đường cho triều đại Abbasid dẫn đến sự phân tán và suy thoái toàn bộ Hồi khiến cho Hồi có mặc cảm bị nhục mạ, đối xử bất công và phản ứng bằng khủng bố, mối đại họa cho nhân loại. Nếu tin vào thuyết nhân quả thì có thể suy luận rằng Tây phương chịu hậu quả tai hại nhất của tình trạng này vì nó có một phần trách nhiệm không nhỏ. Chính Tây phương đã nhờ tay Mông Cố thiếu văn hóa diệt Hồi với nền văn minh huy hoàng khiến nhân loại bị thiệt thòi không ít. Nếu không, xã hội loài người có thể đã tiến bộ hơn nhiều so với ngày nay, không những về phương diện khoa học kỹ thuật mà còn cả về tư tưởng, đạo đức. Và Hồi đã không có những phần tử cực đoan, dã man, tàn nhẫn, vô nhân đạo như bây giờ. Kỳ sau sẽ nói đến văn minh Hồi thời đó.


Chú thích :

Triều đại Umayyad chia làm 2 thời kỳ, thời kỳ Damascus và thời kỳ Córdoba, cộng chung được 363 năm (661 đến 1024).
– 14 đời caliph ở Damascus gồm có Muawiya I (661-680), Yazid I (680-683), Muawiya II (683-684), Marwan I (684-685), Abd al-Malik (685-705), al-Walid I ibn Abd al-Malik (705-715), Sulayman ibn Abd al-Malik (715-717), Umar ibn Abd al-Aziz (717-720), Yazid II (720-724), Hisham ibn Abd al-Malik (724-743), al-Walid II (743-744), Yazid III ibn al-Walid (744), Ibrahim ibn al-Walid (744), Marwan II ibn Muhammad (744-750). Nhà Umayyad tồn sinh ở Córdoba
– 8 tiểu vương (emir) Umayyad ở Córdoba: Abd al-Rahman I (756-788), Hisham I (788-796), al-Hakam I (796-822), Abd al-Rahman II (822-852), Muhammad I (852-886),
al-Mundhir (886-888), Abdallah ibn Muhammad (888-912), Abd al-Rahman III (912-929). Các tiểu vương phải triều cống Caliph ở Damascus cho đến ngày 16.1.929 emir Abd ar-Rahman tự xưng caliph, chống lại Nhà Fatimid nổi lên ở Ai Cập trong khi Nhà Umayyad Damascus suy thoái.
– 8 caliph ở Córdoba: Abd ar-Rahman III (929-961), Al-Hakam II (961-976), Hisham II (976-1008), Muhammad II (1008-1009), Sulayman II (1009-1010), Hisham II lên lại (1010-1012), Sulayman II ldên lại (1012-1016), Abd ar-Rahman IV (1017).
– Gián đoạn bởi 4 vua triều đại Hammudid gồm: Ali ibn Hammud al-Nasir (1016-1018), Al-Qasim ibn Hammud al-Ma’mu (1018-1021),Yahya ibn Ali ibn Hammud al-Mu’tali (1021-1023), Al-Qasim ibn Hammud al-Ma’mu lên lại (1023).
– 4 caliph Umayyad lấy lại quyền: Abd-ar-Rahman V (1023-1024), Muhammad III (1024-1025), giữa nhiệm kỳ (interregnum) Yahya ibn Ali ibn Hammud al-Mu’tali (1025-1026), Hisham III (1026-1031).

Nhà Abbasid cài bẫy giết cả Nhà Umayyad, chấm dứt Triều đình Umayyad Damascus (661-750). Bài trước đã nói đến vụ cài bẫy này: “Năm 750, người Abbasid mở dạ tiệc ở Damascus mời 80 lãnh tụ cao cấp nhất của Nhà Umayyad đến dự rồi đập đầu cho chết hết. Caliph Marwan II (744-750) phải chạy sang Ai Cập vẫn bị bắt và giết. May có Abd al-Rahman I (756-788) lúc đó mới 19 tuổi nhẩy qua cửa sổ trốn thoát, bơi qua sông Euphrates, hóa trang ẩn náu trong 6 năm rồi mới chạy được sang Tây Ban Nha lập triều đình Umayyad ở Córdoba”.

Nhưng có một thuyết khác: Triều đại Sunni Umayyad kỳ thị dân Ả Rập với những dân phi-Ả Rập theo Hồi giáo, bị coi như “phó thường dân” (mawali), làm mất lòng họ, nhất là dân Ba Tư. Người Ả Rập Shiite bất mãn với Nhà Umayyad vì cho rằng Nhà này tiếm quyền và chỉ có con rể cùng tộc Banu Hashim với Muhammad là có tư cách giữ chức caliph. Với sự hỗ trợ của Aisha, vợ yêu của Mohammad, họ đồng lòng nổi lên chống lại nhà Umayyad và dùng thủ đoạn quỷ quyệt để đuổi Nhà Umayyad ra khỏi Damascus. Năm 748, lãnh đạo Abbasid là Abul `Abbas as-Saffah chiếm thành phố Kufa, gần Baghdad ở Iraq, tự xưng caliph, là caliph đầu tiên của Nhà Abbasid. Năm 750, Abu Muslim và as-Saffah đụng độ với caliph Marwan II của Nhà Umayyad tại trận Zab gần sông Tigris. Marwan II bại trận bỏ chạy bị giết. As-Saffah chiếm Damascus, căn cứ địa của Nhà Umayyad, và giết toàn gia Nhà này, trừ Abd al-Rahman chạy thoát xây dựng triều đại Córdoba huy hoàng tại Tây Ban Nha như đã thuật trên đây.

TRIỀU ĐẠI ABBASID (750-1258)- MỘT THỜI SHIITE

Chú út của Muhammad là Al-Abbas, người quản trị giếng nước Zamzam ở Mecca, trước kịch liệt chống Muhammad, sau theo Hồi giáo và thành lập triều đại Abbasid huy hoàng lâu dài đến 5 thế kỷ, lúc cực thịnh là đế quốc rộng nhất lịch sử, tiếp xúc với Tàu, Ấn Độ về phương đông, với Byzantine về phương tây, phát huy nền văn minh pha trộn các truyền thống Ả Rập, Ai Cập, Âu Châu nổi tiếng là “thời đại hoàng kim”.

Triều đại Abbasid gồm hai thời kỳ: triều đình Baghdad và triều đình Cairo <**>.

Giữa hai thời kỳ này, xẩy ra hai biến cố quan trọng: Mông Cổ xâm lăng và nạn kiêu binh Mamluk. Chính nhờ có kiêu binh Mamluk ở Ai Cập nên Nhà Abbasid mới có nơi tá túc và kéo dài thêm được Thời kỳ Cairo. Để khỏi gián đoạn xin trình bầy hai triều đình Abbasid trước. Vả lại Triều đại Abbasid đến năm 1517 thì diệt vong, đế quốc Mông Cổ và Mamluk còn tồn tại và gây chiến với nhau lâu về sau.

TRIỀU ĐÌNH BAGHDAD (750-1262) – MỘT THỜI HOÀNG KIM

Sau khi chiến thắng Nhà Umayyad, caliph as-Saffah (750-754), thiên đô từ Damascus, Syria sang Baghdad, trên bờ sông Tigris ở Iraq. Năm 762, ông xây dựng thành phố Madinat as-Salam (thành phố hòa bình) tức thủ đô Baghdad, đặt ra chức tể tướng (vizier). Trong 4 năm cầm quyền, ông bình định nhiều đám nổi loạn ở Syria và Lưỡng Hà. Ông độ lượng, dùng cả người Do Thái, người Ba Tư, người Kitô Cảnh giáo (Nestorian), cho vào làm việc trong chính phủ. Ông cải tổ quân đội, năm 751 đưa quân sang Trung Á, đụng quân Nhà Đường ở trận Talas (Đát La Tư hội chiến), bắt tù binh Tàu về lập nhà máy làm giấy ở Samarkand, trung tâm sản xuất giấy đầu tiên, một phương tiện truyền bá Hồi giáo vô cùng hữu hiệu. Hồi có sáng kiến thêm rẻ rách làm tăng phẩm chất giấy, xuất cảng sang Baghdad (793), Cairo (900), Xàtiva (nay là San Felipe, Tây Ban Nha năm 1056) và Pháp đầu tk XIV, làm phương tiện phát triển nghành in trên giấy, do đó số lượng ấn phẩm tăng gấp bội, truyền bá tư tưởng sâu rộng, phổ biến văn hóa và văn minh nhân loại. Harun al-Rachid bắt dùng giấy trong các cơ quan hành chánh đế quốc. Hiện nay ở Samarkand có nhà máy giấy Meros sản xuất theo phương pháp cổ ruyền, không dùng hóa chất nên giấy có thể bền 300-400 năm.

Tướng Abu Muslim được bổ nhiêm cai trị Iran and Transoxiana, bị nghi là có ý thoán nghịch, bị as-Saffah cho ám sát chết. Trước khi chết vì bệnh đậu mùa ngày 10.6.754, as-Saffah chỉ định em là Abu Ja’far al-Mansur nối ngôi làm caliph (754-775).

Năm 756, al-Mansur gửi 4,000 lính đánh thuê Ả Rập sang giúp nhà Đường dẹp loạn An Lộc Sơn. Tàu gọi họ là hēiyī Dàshí (Hắc y Đại thực, tức Ả Rập áo đen. Tazi/Đại thực tiếng Ba Tư là Ả Râp). Sau chiến tranh, họ ở lại Tàu. Al-Mahdi (775-785) nối ngôi rồi truyền cho Al-Hadi. Al-Hadi truyền ngôi cho Harun al-Rashid, một nhân vật lỗi lạc của Nhà Abbasid.
*
Harun al-Rashid (786-809) sinh tại Tehran, Ba Tư, trị vì thời cực thịnh của triều đại Abbasid. Ông có đúng 35 vợ. Dưới thời ông có sự tích “Nghìn lẻ một đêm” đã làm mê mẩn nhiều thế hệ, do công chúa Scheherazade kể trong ấy có những truyện bất hủ cây đèn thần Aladdin, thủy thủ Sinbad, tiều phu Alibaba với câu thần chú “Vừng ơi mở cửa”. Nhưng thành tích của ông không phải chỉ có thế thôi. Trước khi lên ngôi, năm 780 và 782 ông lãnh đạo cuộc viễn chinh chống kẻ thù truyền kiếp của caliphate là đế quốc Byzantine lúc đó do nữ hoàng Irene gốc Athens trị vì, tiến đến sát Constantinople.

Ông lập quan hệ ngoại giao với Tàu. Tàu gọi Harun al-Rashid là A-lun, kiến trúc sư xây thành Bagdad Abu Jafar là A-p’u-ch’a-fo, Abul Abbas là A-bo-lo-na. Vào thời ấy ở Âu Châu có một đế quốc hùng mạnh, “Thánh triều La Mã” (Holy Roman Empire) gồm Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Áo, Croatia ngày nay và một phần Tây Ban Nha lấy lại của Hồi được cai trị bởi Charlemagne (748-814) là cháu nội Charles Cái Búa, người đã chặn bước tiến của Hồi ở trận Poitiers/Tours, cai quản. Ông là người bảo trợ Tòa thánh La Mã nên được gh Leon III phong vương vào ngày lễ giáng sinh năm 800 sau được phong thánh.

Harun al-Rashid và Charlemagne giao du thân hữu. Charlemagne tặng Harun ngựa Tây Ban Nha, chó săn, áo choàng sặc sỡ của vùng Frisia (Hòa Lan). Năm 802, Harun gửi tặng Charlemagne lụa, chân đèn bằng đồng, nước hoa, nhựa thơm, quân cờ bằng ngà, một cái lều vĩ đại với cửa màn nhiều mầu, một con voi tên là Abul-Abbas, một đồng hồ nước điểm giờ bằng cách thả những quả bóng bằng đồng xuống một cái bát, mỗi giờ, cửa bé tí mở ra, có một hiệp sĩ khác nhau xuất hiện rồi cửa lại đóng. Tây Âu chưa từng thấy những món quà như thế bao giờ. Chúng ảnh hưởng mỹ thuật Pháp cổ.
Khi nữ hoàng Irene bị hạ bệ, Nikephoros I lên ngôi, không chịu triều cống nữa. Harun nổi giận, viết thư cho hoàng đế Byzantine: “Nhân danh Thiên Chúa chí nhân từ, ta, Amir al-Mu’minin Harun ar-Rashid, chỉ huy các tín đồ, gửi Nikephoros, con chó của người Roman. Ngươi sẽ không nghe, ngươi sẽ thấy ta trả lời”. Sau chiến dịch Tiểu Á Tế Á, Nikephoros phải ký hòa ước với những điều kiện nhục nhã. Harun thiên đô về Ar Reqqah, giữa sông Euphrates, gần Byzantine, để tiện kiểm soát Syria, căn cứ địa của Nhà Umayyad mà ông muốn tiêu diệt. Trong khi ấy, tại Ai Cập có những vụ nổi loạn chống Nhà Abbasid vì thuế bất công.

Nhà Umayyad đã cố định ở Tây Ban Nha năm 755, kiểm soát cả vùng Bắc-Phi gồm Nhà Idrisid do Idris ibn Abdallah (788–791), hậu duệ của Ali ibn Abi Talib và Fatimah, thành lập ở Morocco năm 788, Nhà Aghlabid thành lập ở Ifrfiqiya (Tunisia ngày nay), năm 800. Harun phải đánh dẹp những vụ nổi loạn ở Yemen, ở Khorasan. Để rảnh tay, ông giao cho Yahya bin Khalid bin Barmak làm tể tướng (vizier) toàn quyền coi việc triều chính trong 27 năm. Ông bổ nhiệm Ali bin Isa bin Mahan làm thống đốc Khorasan ở vùng ba biên giới, đông bắc Iran, nam Turkmenistan và bắc A Phú Hãn ngày nay. Việc này gây bất mãn trong vùng và cuộc nổi dậy của Rafi ibn al-Layth ở Samarqand khiến ông phải thiên đô về Khorasan. Ông tống giam Ali bin Isa bin Mahan nhưng vẫn không dẹp được loạn quân. Ông tử trận tại đấy.

Ông có hai người con: Al-Ma’mūn là anh, con người vợ Ba Tư, và al-Amin con người vợ hoàng gia Abbasid. Ông chỉ định Al-Ma’mũm nối ngôi nhưng triều đình chia làm 2 phe. Một phe ủng hộ đưa al-Amin lên làm caliph (809-813), gây ra nội chiến năm 811. Năm 813 al-Amin thất trận, bị chặt đầu. Al-Ma’mũn lên làm caliph (813-833) trị vì được 20 năm tương đối bình yên. Đến thời caliph Al-Mu’tasim (837–842) trở đi, tình hình rất xáo trộn, cho đến thời caliph al-Muqtafi (1136-1160) mới phục hồi được độc lập quân sự nhờ công lao của tể tướng (vizier) Ibn Hubayra. Califph al-Nazir (1180-1225) nhờ các tổ chức Sufi futuwwa tức là Sufi tư cách tốt (ādāb) mà tái lập quyền hành cho caliphate khắp Iraq. Ông cũng muốn liên minh với Thành Cát Tư Hãn để chống lại sự đe doạ của Muhammad II, vua Khwarezm (ngày nay là Uzbekistan, môt phần Kazakhstan và một phần Turkmenistan).

Từ bán thập niên 1200, Baghdad mất hết hào quang, các caliph chỉ còn là những vua bù nhìn, lo hưởng thụ thú vui vật chất hơn là phục vụ Chúa. Quân đội chỉ để bảo vệ caliph. Bắt đầu từ năm 1241, họ phải hàng năm triều cống các hãn Mông Cổ để được yên thân. Caliph cuối cùng al-Mustansir (1261-1262) xây trường Mustansiriya. Năm 1258 Húc Liệt Ngột (Hulaku) dẫn quân Mông Cổ phá Baghdad, al-Mustansir được sultan Mamluk ở Ai Cập đưa về làm caliph ở Cairo năm 1261. Năm 1262, ông dẫn một đội quân định thu hồi Baghdad nhưng bị Mông Cổ phục kích giết chết, chấm dứt triều đình Abbasid Baghdad.

TRIỀU ĐÌNH CAIRO (1262-1517) – MÔT THỜI HƯ VỊ

Triều đình Cairo bắt đầu từ caliph al-Hakim (1262-1302). Có người cho ông là Chúa hóa thân, có người cho ông kỳ dị, thất thường, quan tâm đến những chi tiết tỉ mỉ của hạnh kiểm thần dân, ra lệnh cho họ phải làm cái này, không được làm cái kia, được ăn cái này không được ăn cái kia, rồi đổi ý ngược lại, cấm phụ nữ ra ngoài, rửa mặt ngoài đường, mặc đồ sặc sỡ, dự tang lễ, người Do Thái và Kitô giáo phải mặc y phục đặc biệt, đặt luật lệ cho nhà tắm công cộng, cấm ra khỏi nhà sau khi mặt trời lặn…

Các caliph Assabid Cairo chỉ là bù nhìn để cho các sultan Mamluk có được chính danh cai trị, không có công trạng gì đặc biệt. Ngày 20.1.1517, sultan Selim I của đế quốc Ottoman hạ sultan Mamluk đặt Ai Cập dưới nền đô hộ của đế quốc Ottoman. Caliph Abbasib cuối cùng Al-Mutawakkil III dâng kiếm và áo bào cho Selim I và cùng với gia đình bị đày đi Constantinople, tức Byzantium, tức Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, cho giữ hư vị nghi lễ đến chết năm 1543, chấm dứt triều đại Abbasid.

THẬP TỰ CHINH (1095-1272)-MỘT THỜI CHÚA RA TRẬN

Thập tự chinh (TTC) gọi là thánh chiến (bellum sacrum) Kitô giáo, tiền thân của jihad Hồi ngày nay. Có 8 cuộc TTC, theo mô tả thì không “thánh” ở chỗ nào cả nhưng nhờ đó mà Nhà Mamluk ra đời.

TTC I (1095-1100): do Gh Urbain II kêu gọi được khoảng 100,000 quân. Năm 1099 Thập tự quân (TTQ) đánh úp Jerusalem lúc đó do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Sử gia Công giáo Lebanon Maalouf trích dẫn hai tác giả Ả Rập cổ. Ibn al-Athir: “Dân chúng Thánh Đô bị đâm chém, TTQ Frank tán sát người Hồi trong 1 tuần, giết hơn 70,000 người trong đến al-Aqsa”. Ibn al-Qalanisi: “Người Do Thái bị dồn vào đền thờ và người Frank thiêu sống họ. Chúng cũng phá các đền các thánh và mộ Abraham”. TTQ hôi của trong đền al-Aqsa tức đền Vòm Đá còn gọi là đền Umar, caliph đã chiếm Jerusalem 4 thế kỷ rưỡi trước đó. Maalouf so sánh: Trong đến Mộ Thánh (holy Sepulchrer), thượng phụ mời Umar trải đệm cầu kinh ngay chổ ông đứng. Umar từ chối bảo, “Nếu tôi làm thế, người Hồi sẽ bảo ‘Umar cầu nguyện ở đay’ và chiếm lấy địa điểm”, và cầm đệm ra ngoài trải và quỳ xuống cầu kinh. Quả nhiên, đúng tại chỗ ấy cái đền mang tên ông được kiến tạo và bị người TTQ tàn phá.

Godfrey de Bouillon, quận Công Lorraine hạ được cử làm toan quyền Vương quốc La Mã Jerusalem. Em ông là Baldwin thay ông được phong vương coui luôn cả Palestine, Lebanon và nhiều phần Syria ngày nay.

TTC II (1147-1149): Năm 1144, Thổ chiếm Édesse ở Tiểu Á Tế Á và giết người Kitô giáo. Năm 1145, gh Eugène III ra tông huấn tổ chức cuộc TTC mới, hứa ai tham dự tội lỗi sẽ được tha và và nợ nần sẽ được xí xóa. Vua Đức Conrad III và vua Pháp Louis VII tham dự. Vì hoàng hậu Pháp Eleanor xứ Aquitaine mang tiếng ngủ với chú ở Antioch, bị vua cất kỹ suốt cuộc chiến. Chưa ra quân đã bị sui thế nên ông bị Nhà Seljuq đánh bại tan tành ở Damascus và quân Đức bị tiêu hao ở Thổ. Năm 1187, Saladin chiếm Jerusalem.

TTC III (1189-1192): Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần Thánh Frederick I biệt danh Frederick Râu Nâu (1183 – 1190), vua Pháp Philippe Auguste (1180- 1223) và vua Anh Richard the Lionheart (1189-1199) lãnh đạo. Richard, một người đồng tính luyến ái, độc ác với Do Thái, lấy việc nhổ răng Do Thái để mua vui, đưa đến việc Do Thái tự tử tập thể để khỏi bị hành hạ dã man. TTQ lần này phải đối phó với Salah al-Din (1137-1193) mà Tây phương gọi là Saladin, người Kurd. Ngày 4.7.1187, Saladin đè bẹp quân frank do vua Jerusalem Guy de Lusignan chỉ huy. Vua và quý tộc sống sót bị bắt làm tù binh. Hôm sau, thay vì tấn công Jerusalem, ông chiếm lâu đài Tibériade và các cảng vương quốc Jerusalem để chặn tiếp viện cho TTQ. Ngày 8, Josselin III de Courtenay đầu hàng và ngày 10, dâng thành Saint-Jean ở Acre cho Saladin. Ngày 2.10, Saladin chiếm Jerusalem. Ngày 1.9, hải quân TTQ vây Acre nhưng không đủ quân số để chiến thắng Taqi ad-Din, cháu Saladin.

Ngày 4.10, TTQ tấn công nhưng thất bại, đại sư dòng Templar Gérard de Ridefort bị bắt và xử tử tại trận. Xác quân hai bên gây bệnh thời khí. Saladin bị bệnh kiết lỵ. Ông kêu gọi thế giới Ả Rập hưởng ứng jihad. Ngày 27.5.1190, TTQ trang bị tháp di động tấn công, bị thợ lặn (tổ tiên của “người nhái” Mỹ) của Saladin lặn xuống phá. Frederick Râu Nâu đem từ 200 đến 260,000 quân tiếp viện. Saladin phái một toán quân đánh chặn. Frederick chết đuối ngày 10.6. Ngày 25.7.1290, khi quân của Saladin quay về, TTQ bận hôi của không kịp đối phó, một nửa bị tàn sát.. Tàn quân tan rã bởi bệnh dịch. Nhờ chiến công này, Saladin tuy là Sunni được caliph Shiite al-Adid chọn làm tể tướng (vizier). Ông thành sultan Ai Cập và Syria đầu tiên, được thế giới Hồi coi là anh hùng bậc nhất. Thời thế tạo anh hùng. Một thổ dân Kurd hạ một lúc ba vua và cả Đế quốc La Mã Thần Thánh.

TTC IV (1202-1204): Thay vì giải phóng Thánh Địa và thồng nhất giáo hội La Mã và Byzantine như gh Innocent III kêu gọi, TTQ hôi của thành Kitô giáo Zadar ở Tiệp Khắc, rồi năm 1203, chiếm và hôi của Constantinople. Hết hy vọng thống nhất. Thánh chiến thành Đạo tặc chiến.

TTC V (1217-1221): Vua Hung Gia Lợi Andrew II và vua Jerusalem John of Brienne không thành công trong việc chiếm Cairo.

TTC VI (1228-1229): Gh cất phép thông công nhiều lãnh đạo TTC như Philip và Frederick II, hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh. Năm 1228, Frederick điều đình để Jerusalem, Bethelem và Nazareth giao cho người Kitô giáo được 16 năm lại rơi vào tay Hồi, gây ra TTC VII.

TTC VII (1248-1254): Ngày 6.6.1249, vua Pháp Louis IX tức Saint Louis (1214-1279) khởi sự cuộc Thập tự chinh thứ 7 với 15,000 quân và 3,000 hiệp sĩ, tấn công Ai Cập, đổ bộ ở Damietta, cửa sông Nile, để lập hậu cứ chống lại Hồi Syria và tái chiếm Jerusalem.

Đúng lúc ấy, sultan Ai Cập al-Salih Ayyub (1205-1249), cháu nội của Salah al-Din Ayyub (Saladin), chết vì ung thư và lao phổi. Con ông là Touran-shah, phó vương Lưỡng Hà và Ai Cập đang đối phó với Louis IX. Vợ ông là Shajar al-Durr (chuỗi ngọc trai) gốc nô lệ người Armenia, quyết định dấu tin ông chết, e quân đội tan hàng. Bà được thái giám trưởng Jamal al-Din Mohren coi nôi bộ cung đình và Fakhr al-Dim coi an ninh cung đình, ủng hộ. Bà phao tin sultan bệnh và chỉ định con Turan-shah nối ngôi và Fakhr làm tổng tư lệnh. Bà cho gọi Taran-shah cấp tốc về Ai Cập. Hai tháng sau Taran-shah mới về tới. Trong khi ấy, tháng 3.1250, vua Louis IX bị quân Mamluk bắt ở Mansourah, Ai Cập, phải nhận trả tiền chuộc 400,000 livres và được thả cho về nhưng quịt một phần, ở thêm 4 năm, 1254 về Pháp. Turan không biết ơn và tưởng thưởng những người đã có công bảo vệ vương quốc cho ông khiến Mamluk bất mãn. Turan say rượu doạ nạt và nguyền rủa họ. Khi Turan vu cho Shajar chiếm đoạt kho báu của cha ông, bà cầu cứu Mamluk. Ngày 2.5.1250, khi Turan dự tiệc về, chỉ huy hung dữ nhất Mamluk là Baibars cầm kiếm trần xông vào chém Touran bị thương nhưng cố chạy thoát ra môt cái tháp gỗ gần sông Nile. Mamluk nổi lửa đốt tháp. Turan nhẩy xuống sông xin tha tội và thoái vị. Baibars nhấy xuống sông đâm ông chết, tôn Shajar lên làm sultan Ai Cập nhưng dân chúng phản dối một phụ nữ làm sultan. Caliph al-Musta’sim ở Ai Cập cũng không công nhận. Shajar chỉ định Aybad al-Turkmani gốc Thổ giữ chức Atabeg (chỉ huy trưởng). Ngày 2.5.1250 Shajar al-Durr thoái vị, nhường ngôi cho Aybad al-Turkmani và cưới ông này, kết thúc Nhà Abbasid, lập ra Triều đại Mamluk.

TTC VIII (1268-1272): Vua Pháp Saint-Louis lại kêu gọi gh Clement IV phát động TTC VIII và cuối cùng, mới tới Tunis năm 1270 thì chết. Vua Anh Edward I (1272-1307) thắng trận Acre và Haifa, ký hòa ước với Hồi, chấm dứt 175 năm chinh chiến tàn khốc giữa hai tôn giáo thờ cùng một Chúa.

TRIỀU ĐẠI MAMLUK (1250-1817)-MỘT THỜI KIÊU BINH

Caliph al-Ma’mun (813-833) và em kế nghiệp al-Mu’tasim (833-842) mua nô lệ (ghilman) đủ giống người, Thổ, Mông, Kurd, Kitô giáo… giáo dục tronh những nhà ngủ tập thể và huấn luyện quân sự gian khổ cho quen chiến trận đế lập ra một đạo binh gọi là Mamluk (nghĩa là nô lệ của vua) phi-Ả Rập, trung thành với caliphate. Đến thời caliph al-Radi (934–940), Mamluk hạn chế hầu hết các chức năng của hoàng gia. Năm 936 quyền hành giao hết cho một mamluk là amir al-umara (“chỉ huy các chỉ huy” tức tể tướng) Muhammad ibn Ra’iq. Năm 938 caliph al-Radi bị các tướng Thổ Nhĩ Kỳ hạ bệ, năm 941 được phục hồi địa vị cho đến chết năm 942.

Kiêu binh Mamluk nắm trọn quyền quân sự, sô sát với dân Baghdad. Caliph al-Mu’tasim phải thiên đô lên Samarra, 125 km về phía bắc Baghdad trên bờ sông Tigris. Mamluk mua nô lệ Armenia, Thổ, Coptic Ai Cập làm nòng cốt quân đội và cả hệ thống hành chánh. Tể tướng đầy quyền uy Badr al-Jamali (1015-1094) là một Mamluk quê ở Armania. Mamluk thành một giai cấp được ưu đãi. Chỉ có nô lệ bị mua bán mới được nhận là Mamluk. Ở Ai Cập phần lớn nô lệ vốn theo Kitô giáo. Họ bỏ đạo, xoay sở để được bán làm nô lệ để thành Mamluk. Họ sống trong trại, được huấn luyện quân sự gian khổ đến thành thục và thiện chiến. Các sultan <*> Mamluk trị vì không quá 7 năm rồi bị sát hại bởi chính quân Mamluk hỗn tạp.

Đế quốc Mamluk chia làm 3 triều đại:

1) Triều đại Mamluk Ấn Độ gọi là sultanate Delhi do tướng Thổ Nhĩ Kỳ Qutb-ud-din Aybad thành lập năm 1206 kéo dài đến năm 1290.

2) Triều đại Mamluk Ai Cập chia làm 2 thời kỳ:

-Thời kỳ Bahri (nghĩa là “thuộc về sông, biển”: 1250-1382) ở Ai Cập (1250-1382) phần lớn là người Thổ và Mông, kéo dài cho đến thời al-Salih Salah Zein al-Din Hajji II năm 1382, tàn tạ vì sống khoe khoang, xa hoa. Năm 1258, triều đại này phải đối phó với nạn xâm lăng Mông Cổ (sẽ nói sau).

– Thời Burji (nghĩa là “thuộc về tháp” ám chỉ họ cai trị từ thành trì ở đông Cairo) phần lớn là người Circassian (bắc Caucasus) lấy từ quân trú phòng ở Cairo, trị vì Ai Cập (1382-1517), là một thời hỗn loạn đổ máu và phản bội. Ngày 24.8.1516, bắt đầu chiến tranh giữa sultan Mamluk Al-Ashraf Qansuh al-Ghawri với Selim I (1465-1520), sultan Ottoman (1512-1520), ở trận Marj Dabiq, phía bắc Aleppo. Al-Ghawri bại trận, bị chặt đầu. Ngày 20.1.1517, Selim I chiếm Cairo, chấm dứt sultanate Mamluk Cairo.

3) Triều đại Mamluk Iraq trị vì Iraq từ 1704 đến 1831 dưới thời đế quốc Ottoman, do Damad Hasan Pasha (1704–1723), gốc Georgia, được chỉ định làm toàn quyền Iraq từ1704, thành lập. Triều đại này được 8 đời, đến đời Dawud Pasha (1816–1831) là hết. Năm 1830, ông bị sultan Ottoman thứ 30 Mahmud II (1789-1839) hạ lệnh truất phế. Tháng 9.1831, Ali Ridha Pasha dẫn một đạo quân hạ thành Baghdad, ra một sắc lệnh (firman) tự xưng là toàn quyền Iraq, vẫn cho những mamluk còn ở lại giữ chức vụ ở Acre, (Sulayman Pasha al-Adil: 1805-1819 và Abdullah Pasha ibn Ali:1819-1831), rồi năm 1834 thôn tính nốt Basra ở miền nam là căn cứ cuối cùng của Mamluk, do đó chấm dứt nền cai trị của Mamluk, tái lập nền trực trị bởi đế quốc Ottoman.

Ở Acre có hai đời sultan Mamluk: Sulayman Pasha al-Adil (1805-2819) và Abdullah Pasha ibn Ali (1819-1831).

Triều đại Mamluk được vị nể vì đánh bại cả Mông Cổ lẫn Kitô giáo. Chính nhờ chiến tranh với Thập tự chinh mà họ chấm dứt được triều đại Abbasid ở Cairo và lập ra sultanate Mamluk năm 1250. Ngoài Thập tự chinh, triều đại Mamluk còn phải đối phó với đế quốc Mông Cổ và sau cùng với đế quốc Ottoman.


Chú thích:
<*> Sultan tiếng Ả Rập là sulṭah có nghĩa là mãnh lực, uy quyền, quyền cai trị dùng để chỉ vị thống đốc một tỉnh dưới quyền một caliph. Sultanate tiếng Ả Rập là salṭanah. Amir hay emir nghĩa là người ra lệnh, cũng là tước vị của những nhà cai trị thấp hơn sultan.
<**> Triều đại Abbasid gồm hai thời kỳ:

1) Triều đình Baghdad có các caliph sau đây: Abu’l Abbas As-Saffah (750–754), Al-Mansur (754–775), Al-Madi (775-785), Al-Hadi (785–786), Harun al-Rashid (786–809), Al-Amin (809–813), Al-Ma’mun (813–833), Al-Mu’tasim (833–842), Al-Wathiq (842–847), Al-Mutawakkil (847–861), Al-Muntasir (861–862), Al-Musta’in (862–866), Al-Mu’tazz (866–869), Al-Muhtadi (869–870), Al-Mu’tamid (870–892), Al-Mu’tadid (892–902), Al-Muktafi (902–908), Al-Muqtadir (908–932), Al-Qahir (932–934), Al-Radi (934–940), Al-Muttaqi (940–944), Al-Mustakfi (944–946), Al-Muti (946–974), At-Ta’i (974–991), Al-Qadir (991–1031), Al-Qa’im (1031–1075), Al-Muqtadi (1075–1094), Al-Mustazhir (1094–1118), Al-Mustarshid (1118–1135), Ar-Rashid (1135–1136), Al-Muqtafi (1136–1160), Al-Mustanjid (1160–1170), Al-Mustadi (1170–1180), An-Nasir (1180–1225), Az-Zahir (1225–1226), Al-Mustansir (1226–1242), Al-Musta’sim (1242–1258), Al-Mustansir (1261–1262).

2) Triều đình Cairo có các caliph sau đây: Al-Hakim I (1262–1302), Al-Mustakfi I (1303–1340), Al-Wathiq I (1340–1341), Al-Hakim II (1341–1352), Al-Mu’tadid I (1352–1362), Al-Mutawakkil I (1362–1383), Al-Wathiq II (1383–1386), Al-Mu’tasim (1386–1389), Al-Mutawakkil I (restored) (1389–1406), Al-Musta’in (1406–1414), Al-Mu’tadid II (1414–1441), Al-Mustakfi II (1441–1451), Al-Qa’im (1451–1455), Al-Mustanjid (1455–1479), Al-Mutawakkil II (1479–1497), Al-Mustamsik (1497–1508), Al-Mutawakkil III (1508–1517).

Theo: Nghiencuulichsu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét