"Con ơi, nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan".
Trên là câu ca dao của dân Việt vào thời kỳ chế độ phong kiến, còn ngày nay, nếu ai nghe câu chuyện của ông Thân Văn Truyện- một người đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất- một người cha của liệt sĩ Thân Văn Phùng (Huân chương kháng chiến hạng 3) chắc sẽ phải ngậm ngùi và sợ hãi như tôi để thốt lên: " Con ơi nhớ lấy câu này. Giặc quan ăn cướp cả ngày lẫn đêm".
Đời cha đi kiện chưa xong ủy quyền cho đời con tiếp tục kiện (tròn 30 năm).
Người dân ở xã Hòa Hiệp-Tân Biên- Tây Ninh hầu như đều nghe chuyện của ông Truyện. Ông đã bị đứa cháu vợ là Lưu Văn Quỳ - người mà ông đã cưu mang giúp đỡ- trắng trợn cướp trên 1 ha đất và nhà của ông Truyện mà lúc sống ông với thân già bệnh tật đã kiên trì hơn 10 năm đi kiện nhưng vẫn phải "thua kiện".Quá ấm ức, biết mình không qua khỏi bệnh, ông làm giấy ủy quyền lại cho con trai ông là Thân Văn Trung tiếp tục khiếu kiện, tố cáo Lưu Văn Quỳ đã cấu kết với vài quan chức địa phương cướp đất của ông.
Lá đơn mới nhất của ông Thân Văn Trung thay mặt người cha đã khuất năm 2015 này là lá đơn thứ 55, bao gồm những đơn của người cha khi còn sống và của ông từ khi được người cha ủy quyền đến nay cũng tròn 30 năm! (từ 1985-2015).
Tóm tắt nội dung vụ kiện
Từ năm 1973, Ông Thân Văn Truyện( sinh năm 1918) đã mua một 1,2 ha đất (chưa đo đạc) có căn nhà gỗ lợp lá của ông của ông Đặng Văn Thuận là cán bộ tập kết, cơ sở cách mạng tại xã Hòa Hiệp huyện Tân Biên (đây là vùng đất giáp biên giới Việt- Miên năm 1973 được xem là vùng "xôi đậu" ). Ông Truyện đưa gia đình về sống ở đây cho đến sau giải phóng 1975 và ông có đăng ký nhà đất với Ban Nông hội xã. Giấy CMND của ông cũng được cấp theo địa chỉ này. Sau đó, các con ông tách riêng ra, chỉ còn vợ chồng ông và người con gái là Thân Thị Hiền.
Năm 1980, ông cho người gia đình người em vợ là Lưu Văn Dậu về tá túc và cho ông Dậu cất nhà ở tạm kế bên nhà ông, canh tác một phần đất. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Ông Truyện đưa vợ con về Thị xã lánh nạn cho đến khi tình hình ổn định ông mới quay về.
Ông Dậu và vợ ông cũng lần lượt qua đời trên căn nhà cất tạm tại đất của ông Truyện (ông Dậu mất năm 1982 và vợ ông mất năm 1985). Vợ chồng ông Truyện tuổi cao, thường xuyên trở bệnh phải đến bệnh viện điều trị hàng tháng, nên để tiện cho việc chăm sóc sức khỏe, ông bà đến ở tạm nhà người bà con tại Thị trấn Tân Biên, chỉ cách xã Hòa Hiệp khoảng 20 km. Bà Thân Thị Hiền vẫn ở tại ngôi nhà dù thường xuyên vắng nhà để chăm sóc cho cha mẹ ở bệnh viện. Trong thời gian này, ông Thân Văn Trung là con ông Truyện vẫn thường xuyên về trồng trỉa trên một phần diện tích đất, riêng phần còn lại thì cho con ông Dậu sản xuất.
Đến năm 1986, ông Truyện về làm thủ tục đăng ký Quyền sử dụng đất thì té ngửa ra khi cán bộ địa chính xã cho biết: Đất này đã được ông Lưu Văn Quỳ (con của ông Lưu Văn Dậu) đăng ký rồi, với lý do là vợ chồng Ông Truyện đã cho Ông Lưu Văn Dậu? Với lý lẽ đó, Cán bộ địa chính xã đã không cho ông Truyện đăng ký, mà chờ giải quyết "tranh chấp Quyền sử dụng đất".
Năm 1987, khi Luật Đất đai ra đời, Ông Truyện đến UBND xã Hòa Hiệp làm thủ tục kê khai đất thì Ban địa chính xã từ chối với lý do: Đất này ông Truyện đã tặng cho Ông Lưu Văn Dậu (không có giấy cho nhận của ông Truyện). Ông Truyện làm đơn khiếu nại đến UBND huyện, UBND tỉnh nhưng không được xem xét giải quyết.
Mãi đến năm 1993, Luật Đất đai mới ban hành, Ông Truyện tiếp tục làm đơn khiếu nại.
Về nguồn gốc đất mua đất của ông Truyện được con gái của Ông Đặng Văn Thuận và Ông cựu chủ tịch Xã Hòa Hiệp chứng thực.
Người dân tứ cận xung quanh cũng chứng thực việc ông Truyện không hề cho ông Lưu Văn Dậu đất và nhà của ông như lời ông Lưu Văn Quỳ khai báo với chính quyền xã Hòa Hiệp.
Bất chấp những chứng thực của người dân, bất chấp pháp luật, ngày 10/01/1994 UBND xã Hòa Hiệp ra Quyết định giao Quyền sử dụng 1,2 ha đất của ông Truyện cho ông Lưu Văn Quỳ!
Không cần phải nói cũng thấy được sự "Lộng quyền" của ông Nâu chủ tịch xã này.
Bằng vào Quyết định này, ông Lưu Văn Quỳ lập tức cho người tháo dỡ căn nhà gỗ lợp lá của ông Truyện mà mục đích không gì hơn là phi tang chứng cứ sự hiện diện của gia đình ông Truyện trên miếng đất này, hòng dẫn tới lập luận mà sau này tỉnh và cơ quan luật pháp lấy làm cơ sở bác bỏ Quyền sử dụng chính đáng của ông Truyện: ông Truyện đã bỏ đi không canh tác 14 năm !
Từ quyết định này, bắt đầu cuộc hành trình khiếu kiện kéo dài hơn 20 năm, từ đời cha cho đến đời con.
Thấy gì qua việc xử lý đơn khiếu kiện của ông Truyện và ông Trung?
Ông Truyện khiếu kiện, năm 1994 được Phòng Địa chính kết hợp UBND xã tiến hành hòa giải chia đôi mảnh đất này. Ông Quỳ đồng ý nhưng ông Truyện thì không. Ông tiếp tục kiện.
Vụ kiện mãi đến năm 1996 mới được UBND huyện Tân Biên xử lý. UBND huyện Tân Biên ban hành QĐ số 86 ngày 20/5/1996 bác đơn của ông Truyện với lý do ông không sử dụng đất đến nay đã 14 năm (từ 1977-1993) mà giao cho ông Lưu Văn Quỳ sử dụng!
Ông Truyện tiếp tục kiện.
Ngày 9/5/1997 Sở Địa chính có Báo cáo số 140/BC-ĐC nội dung đề nghị UBND tỉnh công nhận QĐ của UBND huyện và ngày 15/7/1997 Tỉnh cho ý kiến đối với báo cáo của Sở địa chính là chia hai phần đất trên.
Ngày 12/11/1997 và 9/3/1998 Sở Địa chính có làm việc với UBND huyện Tân Biên, UBND xã hai lần theo ý kiến của UBND tỉnh nhưng xã, huyện không thống nhất. Đúng là điều thật buồn cười, bởi ý kiến chỉ đạo của tỉnh là chia hai phần đất cho ông Truyện và ông Quỳ để giải quyết tranh chấp của đương sự. Không biết xã, huyện có liên quan gì mà chấp nhận hay không chấp nhận việc chia đôi phần đất?
Ngày 23/9/1998 UBND tỉnh họp giải quyết nhưng không thống nhất, do đó giao cho Thanh tra tỉnh phúc tra lại, nhưng UBND huyện xin để Huyện hòa giải lần cuối, cũng không thành.
UBND huyện Tân Biên đã ra quyết định giao toàn bộ diện tích đất của ông Truyện cho ông Quỳ theo QĐ số 86 ngày 20/5/86 rồi thì tại sao lại phải hòa giải? Như vậy, chứng tỏ Quyết định 86 của UBND huyện là không đúng!
Ngày 27/9/1999 Thanh tra Tổng cục Địa chính có ý kiến với UBND huyện là giữ cho Ông Quỳ sản xuất và bác đơn ông Truyện.
Vậy là, ngày 10/10/2000 UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 115/QĐ-CT với nội dung như sau:
-Nay công nhận QĐ số 89/QĐ-UB ngày 20/5/1996 của UBND huyện Tân Biên về việc giải quyết tranh chấp 1,536 ha đất tọa lạc tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên giữa ông Thân Văn Truyện và Ông Lưu Văn Quỳ.
-Công nhận cho ông Lưu Văn Quỳ được tiếp tục sử dụng diện tích 1,536 ha đất tranh chấp và bác đơn khiếu nại của ông Truyện.
Lý do chính của tỉnh để công nhận Quyết định 86 của UBND huyện Tân Biên và bác đơn của ông Truyện là phù hợp với Điều 1 và Điều 2 Luật đất đai năm 1993.
Hãy xem Điều 1 và điều 2 Luật đất đai năm 1993 :
Điều 1
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.
Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong Luật này gọi chung là người sử dụng đất.
Nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất.
Điều 2
1- Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3- Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp có đất sản xuất.
Đất của ông Truyện được mua vào năm 1974 vốn là sở hữu tư nhân, sau giải phóng đến năm 1979 gia đình ông vẫn cư ngụ trên mảnh đất này (theo văn bản của tỉnh). Nếu như Nhà nước muốn giao cho người khác thì phải có Quyết định thu hồi. Vì sao không xem xét nguồn gốc đất của ông Truyện (Đây không phải là đất bỏ hoang).
Ông Truyện không hề giao đất cho Ông Dậu nên không thể căn cứ vào mục 2- điều 2 của Luật Đất đai để không thừa nhận việc đòi lại đất của ông Truyện.
Việc ông Truyện không giao đất cho Ông Dậu được người dân tứ cận chứng thực và nó cũng thể hiện khá rõ ràng khi ông đến tạm trú tại Thị trấn Tân Biên chỉ cách nhà ông khoảng 20km. Thử hỏi có ai có tài sản lại đem cho người khác và đi ở nhờ hay không? Huống chi, con gái ông là bà Thân Thị Hà vẫn chưa có nhà ở! Đó cũng là lý do Ông Quỳ không thể đưa ra một bằng chứng nào xác thực Ông Truyện đã giao đất cho Ông Dậu. Vì sao ông Dậu hay vợ ông (Ông Dậu mất 1982 và bà Dậu mất năm 1985) không đi đăng ký kê khai diện tích đất này khi còn sống nếu như được ông Truyện cho?
Khi Ông Quỳ tiến hành kê khai đất và bảo là được Ông Truyện cho cha mẹ ông mà không có giấy tờ gì chứng thực, Ban Nông hội xã, cán bộ địa chính xã không tìm ông Truyện để xác thực?
Ở đây đã có một âm mưu chiếm đoạt phần đất này của ông Truyện mà người trực tiếp thực hiện là ông Lưu Văn Quỳ. Hẳn nhiên để thực hiện âm mưu này phải có sự tiếp tay của kẻ có quyền lực tại địa phương.
ÔNG THÂN VĂN TRUYỆN LUÔN THỰC HIỆN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA ÔNG VÀ ĐÃ GIAO CHO ÔNG LƯU VĂN DẬU SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG DÂN SỰ: CHO MƯỢN, CHO THUÊ VÀ ÔNG DẬU CÓ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC
Ông Truyện tiếp tục đi kiện và khi ông mất, con ông là Thân văn Trung được sự ủy quyền của cha lại tiếp tục kiện.
Âm mưu chiếm đoạt phần đất này của ông Truyện bị gia đình ông phản ứng gay gắt. Điều đó khiến mãi đến năm 2008 thì UBND huyện mới cấp Quyền sử dụng đất cho Ông Lưu Văn Quỳ (8 năm sau QĐ của UBND tỉnh) và thật kỳ lạ là chỉ cấp có 4.282m2, phần còn lại hơn 1 ha thì đến nay vẫn không biết thuộc về ai?
Ông Thân Văn Trung vẫn tiếp tục gửi đơn kiện đến nhiều nơi và nhiều lần được Tòa án cấc cấp từ chối thụ lý đơn của ông với lý do: ÔNG TRUNG KHÔNG CÓ QUYỀN KHỞI KIỆN! (còn tiếp)
Sau nhiều lần trả lại đơn khiếu kiện của ông Trung, ngày11/10/2012 Tòa án nhân dân Tây Ninh ra quyết định số ...../QĐ-GQKN với nội dung như sau:
Xét thấy: Thông báo trả lại đơn khiếu kiện số 90/TB-TA ngày 1/10/2012 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây ninh đã xác định khởi kiện của ông thuộc trường hợp: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện và sự việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án bằng vụ án hành chính được qui định tại điểm a, e Điều 109 Luật Tố tụng hình chính.
Đến nay, Ông trung vẫn tiếp tục gửi đơn kiện và vẫn chưa được chính quyền cũng như cơ quan luật pháp của tỉnh xem xét xử lý. Ông chỉ còn cách phải gửi đơn đến các cơ quan cấp cao hơn.
Tố Tụng hình sự một việc sẽ sáng tỏ, chấm dứt vụ kiện và những kẻ chiếm đoạt tài sản phải chịu trừng phạt.
Trong quá trình xem xét vụ kiện, chính quyền Tây ninh đã cố tình "lờ" đi Căn nhà gỗ lợp lá của ông Truyện. Vì sao?
Có thể thấy từ năm 1974 đến năm 1979, Ông Truyện và vợ con đã ở trong căn nhà gỗ đã có trên phần đất của ông đã mua. Khi vợ chồng ông Dậu về ở đậu đã cất nhà riêng bên cạnh để ở. Ông Truyện lên thị trấn tạm trú và giao cho ông Dậu ở lại cai quản nhà đất chứ ông không hề cho tặng như chính quyền xã, huyện, tỉnh đã "cố ý gán ghép".
Ông Quỳ khi tiếp quản đất, đã cố tình khai man mưu đồ chiếm đoạt đất của ông Truyện. Chính ông Quỳ đã tháo dỡ "căn nhà gỗ" và đây là hành vi "phá hoại tài sản công dân". Đáng tiếc, vào thời điểm đó, Ông Truyện đã không thực hiện tố tụng hình sự vì dù sao Ông Quỳ cũng là cháu ruột của ông.
Đã 2 lần chính quyền tỉnh đề nghị chia đôi phần đất hẳn phải có lý do! Và lý do đó hẳn chính đáng hơn lý do "ông Truyện bỏ đất 14 năm và sau cho ông Dậu - cha ông Quỳ"
Người dân địa phương đặt vấn đề: Vì sao Ông Quỳ chỉ được cấp sổ đỏ hơn 4 công đất khi mà về mặt luật pháp ông Quỳ được Nhà nước giao 1,5 ha đất của ông Truyện.
Nếu cơ quan điều tra tiến hành tố tụng theo hướng mới "tố tụng hình sự" vì dấu hiệu vi phạm hình sự của ông Quỳ quá rõ ràng qua việc tự ý tháo dỡ "căn nhà gỗ" của ông Truyện.
Chỉ cần khởi tố hình sự chúng ta sẽ biết ngay vì sao: 1,1 ha đất còn lại của ông Truyện không được cấp cho Ông Quỳ. Phải chăng phần đất này vốn được thỏa thuận chia chác giữa ông Quỳ và những kẻ có chức quyền giúp đỡ ông Quỳ thực hiện mưu đồ chiếm đoạt nhà đất của ông Truyện?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét