Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Quan "ăn" đất

Vì sao các "quan" hay "ăn" đất?Một câu hỏi "xưa như trái đất" và có vẻ ngớ ngẩn - vì quan có tiền, có quyền chứ sao? Ví như không làm quan thì thử hỏi những mảnh đất nõn nà, hốt ra bạc tỉ ở các bãi biển Đồ Sơn, Phú Quốc có lọt vào tay họ không? Cũng không có quyền, có tiền thì liệu hàng chục, hàng trăm hécta đất, rừng có vào tay các quan chức ở Tây Ninh, Đồng Nai, Sóc Sơn... hay không? Và cũng không có quyền, có tiền thì làm sao có thể phù phép hàng trăm suất đất của dân vào tay các quan như ở Quán Nam (Hải Phòng)? Dĩ nhiên, theo nghĩa đen đất thì chả ai ăn được. Nhưng các quan "ăn" đất kiểu khác. Quan ở không xuể, trồng rừng hay canh tác cũng chả có sức, tóm lại là vì từ đất sẽ mua đi bán lại, rồi đẻ ra vàng, ra đôla. Từ vàng, đôla lại đẻ ra đất mới... Các quan "ăn" hết đất ven đô, đất thị xã, thị tứ, khu du lịch rồi ôm tiền tỉ quay về thủ đô hoặc những đô thị lớn để "ăn" tiếp... đất! Chưa có một cuộc điều tra chính thức, nhưng không hiếm quan chức cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí cấp xã đều ít nhiều có sở hữu nhà, đất ở nội đô Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác... Họ mua nhà cho con cái học hành, mua nhà để làm bãi đáp khi hạ cánh an toàn.


Song ngoài tiền và quyền, cũng còn một số nguyên do khác khiến chuyện "ăn" đất của các quan bùng phát như một thứ dịch bệnh. Thứ nhất, "ăn" đất thì có vẻ kín đáo, chứ không trắng trợn như chuyện ăn cắp tỉ bạc từ công quỹ. "Ăn" đất nếu biết khéo nguỵ trang có khi lại được tiếng thơm là khai hoang, khẩn hoá, là cán bộ thức thời gương mẫu làm kinh tế! Và nếu "ăn" khéo thì chả ai biết quan "ăn" bởi nó có thể biến báo "ba đầu, sáu tay", đứng tên ông này, ẩn danh ông nọ. Nếu có bị phát giác thì các quan thí tốt hoặc cùng lắm là đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho tập thể! Thứ hai, luật pháp của ta còn nhiều kẽ hở, mà các quan tham thì tỏ tường và thông thạo cái ngón lách luật để đục khoét. Chả thế mà trả lời báo chí gần đây, không ít quan chức ở những nơi bị phát giác tiêu cực đất đai đều có câu cửa miệng: Lỗi một phần do cơ chế! Nhưng gì thì gì vẫn phải chỉ ra một nguyên nhân cơ bản khác: Chính nhờ cái cơ chế "đất đai là sở hữu toàn dân, sở hữu của nhà nước" - một cơ chế vốn rất tốt đẹp của chế độ ta - mà những tên quan tham mới dùng quyền, dùng tiền để chiếm được cái của "cha chung không ai khóc" ấy!

Xử quan "ăn" đất không khó, nhưng vừa qua ta xử quá nhẹ. Ngoài hai vụ Phú Quốc và Đồ Sơn, các quan phải đối mặt ở pháp đình, thì hầu hết những vụ khác các quan chỉ bị xử lý hành chính, nặng thì cảnh cáo, mất chức, nhẹ thì khiển trách, phê bình rút kinh nghiệm... Nhiều vị dính dáng đến đất đai chưa làm cho minh bạch vẫn được bầu vào chức nọ, danh kia. Phép nước không nghiêm, ai dám chắc sẽ không đẻ ra nhiều quan "ăn" đất khác, tinh vi và táo tợn hơn!

Thuận Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét