Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Nợ con






1- Từ khi thằng Huy Hoàng bỏ học ngang, bắt đầu cuộc làm ăn lớn năn nỉ gần như ép uổng cha coi sóc mấy dãy nhà trọ nhưng Năm Xưa, cha nó cứ khư khư bám mấy thước vuông đất thuê dưới gầm Cầu Mới bày ra buôn bán vặt, bán lẻ: toàn hột giống hoa màu và phân bón thay cho thứ thuốc Gò Vấp lúc ông mới vừa nghỉ hưu.

Tuy có thay đổi mặt hàng mua, bán, tên “Ông già bán thuốc Gò Cầu Mới” hãy còn đeo đẳng theo Năm Xưa khá lâu. Tuổi thất thập, tóc chóp đuôi gà ngả bạc, chân mày bạc, mỗi ngày một buổi sáng, ông già cỡi chiếc xe đạp cũ kỹ, khệnh khạng cộ theo những túi hột cải, cà, đậu xanh, ngò gai, đậu đũa, hành, hẹ, rau muống… lẫn phân bón bán lẻ tới gầm Cầu Mới chỗ thường túm năm, dụm ba những người nông dân từ trong quê ra chợ…

Nhìn sông? Ôm ấp kỷ niệm nền đất dựng lên túp chòi lợp lá dừa nước làm nơi tá túc với thằng bạn học chí cốt Bảy Phấn.

Đúng vậy. Bảy Phấn cùng lớp, cùng trường, đồng cảnh ngộ: Nghèo kiết xác; gạo thóc từ Kinh Ngang, Rạch Ổ Chim chuyển ra; tiền xài, thức ăn, bệnh hoạn… tự lực. Không cách nào khác… Đất rộng, người thưa. Túp chòi dựng lên ẩn náu trong đám cây tạp, dưới một tàn gừa rợp bóng mát, mặt hướng ra ngã ba sông. Điện, đường, trường, trạm nằm bên kia sông cùng với khu chợ sầm uất. Ngã ba sông đất lở, nước ròng bỏ bãi lòi ra những chiếc quan tài mục ruỗng, nước lợn cợn, đục ngầu nhô ra hộp sọ, lóng xương người. Mỗi ngày đi học qua mấy lần đò ngang, đò dọc. Ngoài giờ học, Xưa, Phấn móc cua, thục hang cá thòi lòi, gí bắt con chù ụ rang muối làm món mặn, ăn cơm.

Bốn, năm khóa học liền lạc, nai vạc móng, chó le lưỡi cũng vì nghèo. Việc đổi lấy con chữ đối với người vùng sâu, vùng xa lúc bấy giờ khó khăn, vật vã tuồng như không thể vượt qua được! Sau đó, Năm Xưa lẩn tránh đi lính “Quốc gia”, về quê nhảy theo phe Cách mạng. Bảy Phấn còn học thêm bị địch bắt ép sau trở thành sĩ quan Quân nhu thuộc Sư đoàn 21, Vùng IV chiến thuật (ĐBSCL).

Giải phóng (30/4/1975) diễn ra cuộc hội ngộ giữa hai người bạn học cũ trên nền đất cũ lúc bấy giờ thành dãy phố san sát, đông đúc ven sông. Họ ôm chầm lấy nhau trông rõ người cao, người thấp như đôi đũa lệch, mắt ngân ngấn nước, đôi vai rung lên. “Mầy ốm quá!”. Giọng ồm ồm của Năm Xưa cất lên. “Bình thường. Tao khỏe. Còn mầy không khác hồi đó bao nhiêu”. Phấn tiếp, giọng khẽ khàng: “Tóc mày có chóp đuôi gà, khi nghe lịnh Sếp, tao ngắm khẩu súng ngắn chĩa thẳng cầu Băng Ky, thị tứ Sông Đốc nơi có tốp quân Giải phóng, trong đó có mày, làm gì, đầu trần, chạy qua?”. Năm Xưa giật mình: “Làm phó Ban Binh vận huyện, đi tiếp quản thị tứ biển. Trận đó trước 30/4/1975 một năm, có mặt mày?”. Phấn đáp nhanh: “Tao đứng sát cửa sổ nhà chứa đầy mì tôm, sữa bột, thuốc hút Quân tiếp vụ… cạnh cầu Băng Ky!”. “Sao mày không bắn tao?”. Năm Xưa hỏi. Phấn nhún vai, nói: “Bắn chớ… Nhưng tao bắn chỉ thiên cho vừa bụng Sếp. Rồi chỉ một, hai phút sau, nửa gian nhà kho bị cháy. Tao mở đường máu chạy xuống chiếc phum chạy ra biển, thoát thân…”. Phấn thở phào nhẹ nhõm...



2- Mười năm trôi qua… Năm Xưa nghỉ hưu, dừng vĩnh viễn chức danh nguyên Phó Ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc UBND tỉnh, ngang ngang Phó đầu ngành tỉnh. Trên hai mươi năm thời chiến lẫn thời bình, Năm Xưa vẫn làm “Phó” từ xã lên huyện, lên tỉnh vì bị cái “phốt” tự mình bôi bẩn: Dư biết hình ảnh người chiến sĩ Cách mạng giơ hai tay đầu hàng giặc khi vũ khí giắt lưng là không đẹp, đúng hơn, là yếu hèn, mất khí tiết, nhưng vì muốn “bảo tồn” lực lượng, cống hiến tuổi xanh xuân, sau mấy giây một mũi chĩa sắc nhọn từ nắp hầm bí mật đặt gần nhà người yêu cũ cắm phập xuống xoay xoáy trượt vai chui thẳng theo sống lưng nghe ớn óc, Năm chui lên “trình làng”… Biết trách ai đây? Chỉ ngại cánh Truyền hình vô tình lia ống kính quay cận cảnh, trình chiếu hình ảnh Năm Xưa e rằng dân chúng họ phản ứng. Năm không nản, cung cúc làm việc, làm hết mình, làm “Phó” cho tới ngày Năm nghỉ hưu.

So với thằng bạn chí cốt Bảy Phấn, Năm Xưa sướng hơn nhiều về mặt vật chất lẫn tinh thần. Còn Bảy Phấn sau khi học tập, cải tạo, phải bay sang Mỹ theo diện HO (chính sách đãi ngộ của Mỹ dành cho những người tham gia ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn) thui thủi một mình trải qua mười sáu giờ bay mặc dù trước đó ba năm, danh sách đăng ký đi diện HO đủ bốn thành viên gia đình: Vợ ông mất do bệnh xuất huyết dạ dày cấp trong lúc thiếu thuốc men phải bám xóm Ổ Chim làm lúa ngắn ngày kiếm cái ăn. Hai anh em, thằng Non, con Út Dịu Hiền hoảng quá không đợi được tới ngày cha về đành nhắm mắt vượt biên sang Mỹ dẫn đến việc Dịu Hiền gặp nạn cướp biển gần Trại tị nạn BananiKhoh (Thái Lan). Còn lại ở Việt Nam một thân, một mình thằng Nước trông coi vườn tược, mồ mả ông bà…

Gác lại chuyện thằng Nước với mẹ nó không có mặt chuyến sang Mỹ, con tim ông nhói đau khi ghé mắt qua ô cửa kính máy bay nhìn xuống biển. Biển xanh ngăn ngắt một màu, hiển hiện mỗi mình con Dịu Hiền của ông đang oằn oại, tả tơi như xơ mướp chống đỡ với một bầy cướp biển hằn hộc, thèm khát dục vọng trong lúc anh nó bị buộc tay, trói chân trong cabin trên con tàu định mệnh mỏng manh, đứt mũi, đứt lái khi vượt qua bão tố lênh đênh trên biển nước.

Bù lại tai nạn khủng khiếp giáng xuống con gái ông, khi đặt chân lên đất Mỹ, ông có sẵn nơi ăn, chốn ở và sở làm. Nhà hộp. Từ ngôi nhà hộp vuông vắn trong con hẻm nhỏ được ngăn ra ba phòng, ba hộp, chứa chấp ba nhân khẩu gia đình người Việt trên đất phía Nam California, trên bốn tháng trong năm không thấy mặt trời, duy chỉ mươi mười ngày loe lóe ánh sáng trời trong màn sương mù dày đặc. Mùa đông ở đây thật dài…

Bảy Phấn vùi đầu vào công việc tại nhà máy Priessennaircraf (chuyên sản xuất phụ tùng máy bay dân dụng), vừa làm, vừa học: học tiếng Anh, tập lái xe, tập nhịn rượu dành ngày chủ nhật ngồi lai rai với thằng Non trong gian nhà hộp, tập ngủ sai múi giờ trên đất lạ lạnh cóng, tập rít thuốc lá thật sâu, thật nhanh kịp giờ làm, tập ăn nhanh, uống nhanh…

Hai tháng lương đầu tiên ông gởi hết về cho thằng Nước mua xe máy vì xóm Ổ Chim, Kinh Ngang đã có đường lát pê-tông. Tháng lương thứ tư, ông phụ làm đám gả đứa con gái Út. Nhà chồng con Út Dịu Hiền cất trên đồi cát đá trống hoang, trống hoác, đường đi lượn vòng. Ông tới nhà thằng rể Út trên đồi cát đá một lần coi như chia xa Dịu Hiền thường ưu tư trong gian nhà hộp. Ngậm ngùi không tả xiết!

Khi đó, thằng con trai chưa đầy năm sum hợp trên đất khách đã hết chuyện nói với cha. Tính tình thằng Non đổi khác. Nhiều lần ném con dao xẻ thịt mướn vào xó bếp, mặt đỏ gay vì say rượu, đánh một giấc tới sáng liền túm con dao đi làm mặc cho cha cụ bị cơm, thức ăn dồn hết vào chiếc gàu mên vượt bốn mươi cây số, qua nhiều dãy phố nhà chọc trời tới chỗ làm.

Dịu Hiền đi rồi, gian nhà ba hộp thu nhỏ thành hai hộp. Ông Bảy Phấn sống phấp phổng, lo toan, vò võ canh thâu. Người đọc nhiều sách như ông lóe ra trang viết của Go. Gmarquez (Colombia): “Cái cô đơn được hiểu là mặt trái của sự chia sẻ và lòng thương yêu của con người”. Ông tự nhủ, tự bằng lòng gia cảnh hiện tại, cố vươn lên trong cuộc sống. Buồn…

“Phải Năm Xưa đó không vậy? Tao là Bảy Phấn xóm Ổ Chim đây”. Ông Bảy “a” lên một tiếng, hỏi. Ở đầu dây tít mù bên kia vẳng lên tiếng người đáp: “Đúng rồi, Năm Xưa đây!...Mầy khỏe không, Bảy Phấn?”. “Khỏe, nhưng… mầy ơi!..”. Phấn nói. Năm Xưa vẻ mừng rỡ, chân tình: “Ta nói rồi. Ta cản mi rồi mà mi cứ đi… Bên này mở cửa, đổi đời, sướng!”. Bảy Phấn phân trần: “Mỗi cây mỗi trái, mỗi nhà mỗi cảnh… Mầy hiểu tao còn sống một khúc cho con…”. Năm Xưa chùng xuống, thỏ thẻ: “Tưởng một mình mầy có con thôi hả? Còn tao mắc thằng Huy Hoàng, mầy biết chớ? Sanh con chớ ai sanh lòng?”. Rồi sau đó, máy tự nhiên tắt ngấm…

Nội dung hỏi, đáp giữa hai người bạn già bị thằng Non nghe trộm. Không hiểu sao có một ngày chủ nhật Non quấn quýt bên cha. Và chính lúc đó thằng Non thỏ thẻ với cha về việc nó muốn lấy vợ, phải là con vợ người Việt gốc quê Ổ Chim, Kinh Ngang - một cô gái có một con, ly dị chồng, làm tiếp viên quán bia, rượu bến tàu thị xã đi Rạch Ổ Chim - dịp nó về thăm thằng Nước lần đầu tiên ghé quán rượu, có mặt thằng bạn Huy Hoàng…

Thế là sang Mỹ chưa ngồi nóng đít, một mình ông Bảy quày quả trở về Việt Nam. Thằng Non chưa theo về được vì mua chưa nổi hai vé máy bay khứ hồi.

Một công, nhiều việc. Đám thành hôn cho thằng Non bày ra chút hình thức xôm tụ tại nhà hàng đặc sản trong thị xã tỉnh lỵ. Đám cưới giả. Chú rể không phải là thằng Non mà là thằng bạn thân thời tuổi nhỏ với Non - thằng Huy Hoàng, con trai độc nhất của Năm Xưa.

Khoác bộ veston, áo sơ mi trắng thắt cavat, tóc dài, bộ râu mỏng, thưa bò quanh mép, đẹp trai khiến ông Bảy hài lòng… Nhưng túi rỗng tiền. Còn mấy trăm đôla làm lộ phí, ông Bảy đổi lấy tiền Việt cho mỗi người một một ít lấy thảo nhân dịp Việt kiều Bảy Phấn về nước thăm lại phố cũ, trường cũ và xóm Ổ Chim, Kinh Ngang…

Dừng lâu la trên nền đất vài mét vuông dưới gầm cầu Mới, Bảy Phấn ca cẩm mỗi cây cầu Mỹ Thuận đẹp đến xiêu lòng, hoành tráng và chắc chắn. Năm Xưa cắt ngang, nói: “Ở đâu, nói đấy nghe. Cầu Mới cuối nước có cái hay của Cầu Mới. Nhìn qua sông kia, thấy bảng hiệu “Trúc Lâm” chưa? Trại đóng xuồng, đóng tàu của thằng bạn thân năm Đệ thất học dở ẹc, sau ngồi lớp Đệ tứ, phất lên rồi tới nay làm ăn lớn! Nhìn kia, chỗ chiếc ghe sơn xanh neo đậu, cũng một thằng bạn học thường ghé đò, rước khách. Nuôi hai con học Đại học bằng nghề đưa đò. Đố mầy biết đó là thằng nào?”. Năm Xưa dẫn chuyện. Bảy Phấn quên quên, nhớ nhớ… Vốn ưu tư, ít nói, suy gẫm, Bảy Phấn ngơ ngơ, ngác ngác rồi tự nhiên bị cuốn theo chuyện gia cảnh hiện giờ của thằng bạn chí cốt Năm Xưa…

Té ra, Năm Xưa chẳng an bài, hạnh phúc như Bảy Phấn tưởng. So với thằng Nước, thằng Non con Bảy Phấn sống khép nép, Huy Hoàng vừa núp bóng Phó đầu ngành tỉnh vừa phản bác cha làm ăn cò con, manh nha, thúc thủ, nhảy nguyên con vào cuộc làm ăn bạc tỷ: sản xuất tôm giống, nuôi tôm công nghiệp, trồng cây keo lai, nuôi chim yến, kinh doanh xáng hút bùn, xe cuốc, xây nhà trọ, thuê đất rừng mở ra khu du lịch sinh thái… nhưng tất cả những thứ mang danh “Hoàng Nổ” đều trút sông, trút biển.

Năm Xưa một phen cứu cánh cho thằng con trai bị lâm nợ, phạm pháp đến đổ bịnh tai biến nhẹ, đi đứng khập khà khập khiễng… Khổ nỗi, mẹ bênh con, đứng về phe Hoàng Nổ chống trả lại ông quyết liệt. Từ một người đàn bà ăn nói chừng mực, ít lời bỗng nhiên lớn lối, xúc xiểm: “Ông có đi thì đừng quay về nhà này nữa đa nghe! Nếu quay về lúc răng long, tóc bạc có mọp người sát đất từ trước cổng vô tới nhà, vẫn không…”. Như một gáo nước lạnh tạt vào mặt, hơn cả xúc phạm, Năm Xưa ly thân vợ… Gia đình còn lại hai mẹ con. Huy Hoàng được dịp thực hiện ước mơ gỡ nợ tiến lên làm giàu bằng nhiều cách. Chỉ trừ việc chưa lên rừng hạ gỗ sưa, Hoàng Nổ lao vào bài bạc, đá gà, chạy xe phân khối lớn, cưa pô, khoét nòng đi đòi nợ thuê, trấn lột, cá độ bóng đá… “Hoàng Nổ” thành người ngòai hành tinh!

Ngồi nghe chuyện, Bảy Phấn chỉ biết thở dài và an ủi bạn…


(Ảnh Internet)


3- Lại bay qua biển lớn…

Con trai ông đã đi làm, về muộn, bằng chứng chiếc túi vải ka-ki túm con dao xả thịt chưa xếp vào xó bếp. Day sang việc sửa soạn, cụ bị đi làm, không dám nghỉ mất một buổi trừ vào đồng lương, ông Bảy xách gàu mên lên xe tiến thẳng hướng Nhà máy cũ…

Mắt ông đã mờ. Xe ra khỏi nhà một đỗi, ông nhác thấy ai giống hệch con Dịu Hiền đi thang thang ngoài phố. Không dừng đột ngột. Không tiện quay đầu xe. Xe vẫn lướt lên chỗ thuận để quay đầu trở lại …

“Đi đâu giác này Hiền ơi, con ơi?! Ba đây!”. Ông Bảy lên tiếng giữa lúc như có sức ép trong lồng ngực, khó thở. Giọng nói kham kháp lạc đi nhưng rõ nghe. Dịu Hiền đứng sững. Ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, lưng đeo chiếc ba lô đựng con gấu bông, Hiền trừng mắt về phía cha, nhận ra cha. Mất năm phút, ông già túm kéo đứa con gái lên xe liền chạy thẳng về nhà.

Thế là gian nhà thu hẹp hai hộp nay nới ra ba hộp. Hiền trở lại làm chủ gian hộp riêng, tự nấu nướng, ăn uống, sống như chiếc bóng mờ. Hậu quả tai nạn bị bọn hải tặc trên biển cưỡng hiếp chuyến vượt biên, cộng những tháng năm theo bên chồng sống thui thủi, lặng lẽ trên đồi cát đá trông thấy mỗi hàng cây xương rồng trong khi mọi việc ăn, uống, sắm sanh, chi xài, vui chơi, giải trí của tất cả thành viên trong gia đình thu tóm về một mối do bà già chồng gốc người Quảng Ngãi chi phối. Chồng Dịu Hiền là con trai Út trong gia đình nền nếp, khắt khe, khuôn khổ xưa cũ sang Mỹ trước năm 1975. Con dâu muốn mua đôi dép cao gót phải ngửa tay ra xin tiền mẹ chồng. Con trai Út trong nhà được mẹ mua con gấu bông làm quà tặng đứa cháu nội, Út cảm động rớt nước mắt… Cộng cảnh sống trên đồi cát đá, cách biệt với thế giới bên ngoài khiến tâm hồn con người đắng ngắt sinh ra bệnh trầm cảm nặng…

Từ lúc Dịu Hiền trở về gian nhà hộp, được Út đồi đất đá dẫn theo đứa con trai lên năm tuổi, bụ bẫm, có mặt bố, mẹ chồng tới thăm nhiều lần. Thuốc men thừa mứa. Nhiều lần nhập viện, ra viện… nhưng sức khỏe Dịu Hiền ngày càng xấu đi… Rồi không lâu sau đó, con gái Út Bảy Phấn biến thành Cục Gỗ. Anh trai thay mẹ, thay cha chăm sóc em. Cơm nước, thức ăn chống đói, sữa dinh dưỡng, có cả cây tăm xỉa răng được Non xếp trên kệ bàn. Đói, khát, Dịu Hiền ôm em (con gấu bông) tới ăn, tới uống rồi hóa thành Cục Gỗ. Mỗi lần từ chỗ làm về nhà, và nhiều lần trong đêm, ông Phấn mắt ngân ngấn nước không rời Cục Gỗ kết dính con gấu bông ngồi bất động…

“Phải Bảy Phấn đó không vậy”. Năm Xưa đây, cho Năm gặp chút coi! Có chuyện…”. Giọng Năm Xưa bên kia đầu dây lộ vẻ trịnh trọng, khẩn thiết lọt vào tai Cục Gỗ. Ông Bảy đoán cú điện thọai đường dài, chưa kịp đặt chiếc gàu mên lên bàn bèn bước thẳng tới cầm ống nói: “Phấn đây! Phấn đây! Nói đi… Ta nghe…”. Bảy Phấn giục. Năm Xưa hạ thấp giọng, hỏi: “Bảy mầy hay gì chưa vậy? Thằng Nước bị té xe nghe hôn. Đừng lo, có thằng Huy Hoàng con tao bao xe bốn bánh chở nó lên nhà thương Chợ Rẫy, Sài Gòn. Nhập viện rồi…Không sao!...”. Cắt. Máy cắt ngang do Cục Gỗ dòm mặt cha lộ vẻ không ổn, cộng sẵn tính không quan tâm, vô cảm với bất cứ ai, chụp ống nói ném mạnh xuống nền gạch…

Thế là ông Bảy Phấn hứng lấy thêm việc hệ trọng: Làm đơn xin tạm nghỉ đi làm, đăng ký vé máy bay, chờ hai tháng tới ngày bay, mất mười sáu giờ bay, thêm chặng đường năm, sáu trăm cây số ngồi ô tô về tới quê nhà.

Thằng Nước xuống tóc, đầu trọc lóc sau ca phẩu thuật chấn thương sọ não do xỉn rượu cỡi hon-đa qua cầu Ổ Chim; xe va đập vào lan can cầu té ngửa từ trên dốc cao tụt xuống... Thấy cha về thăm hiện ra trước mặt sờ sờ, Nước nói không nên lời, chỉ cười như mếu. Bảy Phấn cố nén, mà ít khi thấy con người trải đời này mềm lòng, nhưng giờ khóc nức lên…



4- Tiếp nữa, nhiêu khê chuyện con: Cục Gỗ bước đầu biết sợ anh Hai Non thường mang kè kè bên mình chiếc túi ka-ki đựng con dao xả thịt lên ánh thép nhoang ngoáng, sắc lẻm. Thức ăn, thức uống do anh Hai Non sắp sẵn trên bàn, phòng khi đói, khát. Cục Gỗ bước tới nơi tự ăn, tự uống. Nhưng có lần Non lỡ tay làm lật thau nước làm ướt sũng con gấu bông ngồi chung bàn khiến Cục Gỗ biến ra người đàn bà tóc dài xả xượi lên cơn thịnh nộ: Hất hàm về phía Non, môi giật, toàn thân run rẩy, quát: “Mầy giết con tao hả? Mấy ác. Số mầy ở đồi, ở biển, quay về đồi, về biển sống chung với lũ ác. Cút mau!”. Cục Gỗ khua tay, múa chân, mặt tím tái, nghinh nghỉnh về phía chiếc túi ka-ki đựng con dao xả thịt. Non chùng xuống, đứng loay hoay một chỗ chờ đứa em vơi dần cơn giận dữ vô cớ…

Tới phiên ông Bảy Phấn nhảy vào. Vốn chịu đựng, kiên nhẫn, mềm mỏng, trên bàn ăn của Cục Gỗ thường được bày ra hai khẩu phần ăn, khi hai tô mì, khi hai tô nước súp…Cha dửng dưng với phần ăn của riêng cha. Con gái nhìn cha làm gì, con bắt chước làm theo như cái máy. Cha lấy lược gỡ tóc. Con gái giành lược xở gỡ mớ tóc rối đanh , rối bù… Vắng ông Bảy, con gái biến thành Cục Gỗ. Một lần đi làm về ông bị hoa mắt trước đống đồ đạc quăng tứ tung trong phòng. Liền khi ấy, ông Phấn cúi lượm lên từng món dồn hết vào cái thau giặt giũ quần áo. Thấm nước pha xà-phòng toàn bộ đồ đạc chứa trong thau, có đủ quần lót, áo ngực, quần ngắn, quần dài…Chà xát qua một lượt bằng bàn chải với đôi bàn tay già nua, yếu ớt, nước thải nhuộm màu đỏ bầm xông lên mùi khăm khẳm. Ông Bảy phát hiện ra đứa con gái ông trải qua lần kinh nguyệt…

Thấy vậy, thằng Non chạy vạy thuê người giặt giũ đồ đạc cho em nhưng vô vọng. Ông Bảy cắm cúi bên thau nước, tay cầm chiếc bàn chải chà đi, xát lại vào mảng vải dày cộm do bị khắn dính thứ máu đặc sánh phất mùi khăm khẳm. Nước thải tối om, đùng đục lan đỏ trên nền gạch nhá nhem ánh điện. Một không gian lạnh lẽo, rối rắm bao trùm…Ước gì có mẹ nó xuất hiện đâu đây, chia sẻ với ông chăm lo cho con Hiền cưng nhất nhà vì nó là con gái Út…

Thế là mỗi tháng, tùy thời điểm kinh nguyệt trồi, sụt của Cục Gỗ, ông thu xếp nghỉ đi làm một, hai ngày. Những ngày khác ông không dám rời Nhà máy PriessenAircraf. Đồng lương đối với ông lúc này cần hơn bao giờ hết: Thằng Non đòi về Việt Nam thăm vợ, thăm em. Con Dịu Hiền bệnh tình không suy giảm. Thằng Nước chắc không qua khỏi cơn chấn thương sọ não bị vợ bỏ. Đứa cháu nội (con trai lớn của Nước) mới lên chín, mười tuổi buộc phải bỏ học ở nhà đẩy xe lăn, chăm sóc cha…

Dẹp ngang trong óc chuyện bên này, dành cho chuyện bên kia. Hỏi thăm hết chuyện con cái, ông Bảy như vẫn còn sốt ruột nói như thổi vào máy: “Biết tình hình cha con thằng Nước vậy rồi, còn Huy Hoàng của Năm Xưa ra sao, nói đi…”. Năm Xưa không giấu bạn, giãi bày một thôi dài…

Thì ra, Huy Hoàng đi nước cờ gỡ nợ cuối cùng bằng cách cá độ bóng đá. Gà mơ. Mấy lần theo dõi Câu lạc bộ Barcelona (Tây ban nha) có Mecxi lùn tịt nhưng nhanh như sóc, Inesta trán hói thu hồi bóng tuyệt vời, Xavi mạnh mẽ khi toàn Đội bóng tả xung, hữu đột đều khắp trên sân cỏ, uyển chuyển, ma mảnh, đột phá bất ngờ, đá đẹp, nhất thế giới… Chưa vào tới chung kết Cúp Châu Âu danh giá, Huy Hoàng nhất quyết chọn Barcelona đặt cược. Chết tươi. Mới hai trận Bán kết lượt đi, lượt về, đối thủ ByerMunich (Đức) hủy diệt Barcelona tới 7- 0. Bể trận. Hoàng Nổ thua đắng!

Nhằm bên thắng cược thuộc nhóm “Xã hội đen” chui nhủi sống ngoài vòng pháp luật, Năm Xưa nhát hít (giống như lúc từ dưới hầm bí mật, vũ khí giắt lưng, chui lên “trình làng”) thực hiện ngay nội dung tin nhắn với yêu sách: “Không bỏ ra tỷ bạc thanh toán nợ sẽ không còn Hoàng Nổ trên cõi đời này?!”. Bà Năm hung hăng với chồng, nghe tin liền suy sụp, hòa hoãn, ngọt lạt, xin ông đồng ý ký bán đứt ngôi nhà cơi lên ba thớt, có hòn non bộ trước sân do ông, bà tích cóp đời người.



5- Dành một khúc lo cho con, ông Bảy sống khắc khoải vừa đi làm vừa trông tới ngày nghỉ hưu trở về nơi chôn nhau, cắt rốn Ổ Chim, Kinh Ngang. Tính ra, tròn hai mươi sáu năm sống trên đất lạ, chưa rảnh rang bước chân tới Trung tâm thương mại Wstmingtermall nơi gần nhất, huống hồ có dịp ngó sơ qua thiên đường giải trí Lasvegas, cầu Cổng Vàng SanFrancisco, đảo Hawai xinh đẹp trong khi lo lắng, ưu tư chồng chất tuổi già. Cố dẹp qua chuyện đen đủi nhưng trong óc ông cứ hiện ra Cục Gỗ, tới thằng Nước ngồi xe lăn, đứa cháu nội bỏ học khiến có nhiều lúc ông suy sụp nhưng cố gượng dậy…

Thấy đứa con gái Út có phần tươi tỉnh sau khi đối đáp, chuyện vãn với thằng chồng trên đồi cát đá dẫn đứa con trai về thăm, ngẫm ra sách nói có lý: đối thoại, giãi bày cũng là phương pháp điều trị hữu hiệu chứng bệnh trầm cảm, ông mừng. Nét mừng hiện rõ trên gương mặt xương xương, ngăm ngăm lúc Cục Gỗ biết nhấc ống nghe thu thập hết thông tin từ xa rằng, cô dâu Việt sắp bay sang Mỹ, đoàn tụ gia đình…

Người mừng hơn ông Bảy chính là thằng Non mỏi mắt trông vợ. Non lái xe ra tận sân bay… Chiều trong ngày, cô dâu Việt về tới gian nhà hộp, dắt theo đứa bé trai hồi lâu chưa hết ngơ ngác… Ngoài thằng bé được nhiều người biết trước, có thêm người đàn ông tóc dài, áo veston, chân mang giày khiến ông Bảy lúc đầu trố mắt nhìn… Nhưng chỉ chốc sau, nhớ ra bộ đồ, đôi giày bóng lộn, mái tóc dài quen quen năm làm đám cưới giả cho thằng Non, ông “ồ” lên tiếng mừng khách quý.

Không ai khác hơn, khách quý là người đồng hương Huy Hoàng! Chàng rể “giả” chưa nói câu nào, điện thoại ông Bảy đổ chuông: “Phải Bảy Phấn đó không?...”. Ông Bảy trố mắt nhìn số lạ… Năm Xưa tiếp: “Máy bàn nhà tao. Tao về nhà rồi. Thằng Huy Hoàng muốn tham quan nước Mỹ học hỏi cách làm ăn thực dụng, hiệu quả. Đi ngày đường, học sàng khôn… Tốt. Huy Hoàng con tao sẽ gặp bác Bảy Phấn của nó… Tao gởi nó cho mày lo một khúc, nghe… Chừng nghỉ hưu, mầy kéo hết cánh mầy về, tao lo… Phải có mặt con Hiền, vợ chồng thằng Non, nghe… Phải về, nghe…”.

Ông Bảy đứng thẫn người hồi lâu trong lúc quên mất việc đáp lại lời thằng bạn chí cốt; ông già quên mất tiu vì vừa mừng vừa nghĩ có lắm sự đời biến hóa, quanh co, gập ghềnh, náu ẩn không ai ngờ, nó đến!

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét