Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đạo phật qua con mắt thi nhân



Thân Thiện Tâm



Phật giáo du nhập vào nước ta hơn ngàn năm nay. Trải qua bao thăng trầm, tôn giáo từ nước Ấn Độ xa xôi này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam. Một số danh từ Phật giáo đã thành câu nói cửa miệng của mọi người, đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa dân tộc. Chưa hết ! Phật giáo còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, để khi thưởng thức ta không khỏi thốt lên “tuyệt diệu hảo từ”

Lấy chí nhân mà thay cường bạo
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Câu này chắc không lạ gì với chúng ta, của Ức Trai tiên sinh đây mà. Câu này gần giống câu “lấy đức báo oán” của nhà Phật. Có thể có người sẽ cho đây là một sự gán ghép mơ hồ, vì hai câu trên là trong “Bình Ngô đại cáo”. Một trong những bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất cuả nước ta. Thì đây, ta hãy nghe Nguyễn Trãi diễn thơ ý “tâm tức Phật, Phật tức tâm” của Đức Như Lai Giáo Chủ

Thân đà hết lượng thân nên nhẹ
Bụt ấy là lòng, Bụt há cầu
(Mạn thuật 8)


Đọc xong câu này ta thấy Nguyễn Trãi phần nào đã giải thoát. Ông cũng rất tin vào thuyết luân hồi nhân quả

Kẻ thời nên Bụt, kẻ nên Tiên
Tương thấy ba thân đã có duyên
(Tự thán 33)


Nguyễn Trãi cho rằng Phật pháp vô biên độ tất cả chúng sanh. Không những con người mà loài vật cũng cảm ứng được Phật pháp

Trường thiền định hùm nằm chực
Trái thì trai vượn nhọc đem
(Thuật hứng 19)

Ông là nhà Nho mà viết nên hai câu trên, cho ta thấy rằng ông đã dày công nghiên cứu đạo Phật và đây là cảm tưởng của ông khi đọc câu “không tức thị sắc,sắc tức thị không” trong Bát Nhã

Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay thuyết sắc không
(Mộc cận)

Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương đã dùng ngọn bút của mình để đả kích những kẻ giả danh

Nào nón tu lờ, nào mũ thâm
(Sư bị ong châm)
Đầu thì trọc lốc, áo chẳng tà
(Sư hổ mang )

Một cách châm biếm, vậy mà lúc đi qua một cảnh chùa cũng phải thốt lên

Tình cảnh ấy nước non này
Dẫu không Bồng đảo cũng Tiên đây

Tức cảnh thành thơ, chỉ vài nét phác thảo bà đã họa nên bức tranh thơ

Hành sơn mực điểm đôi hàng nhạn
Thứu Lĩnh đen trùm một thức mây
Lấp ló đầu đầu non vừng nguyệt chếch
Phất phơ sườn núi lá thu bay

Cảnh chùa như thế khiến ai đi qua cũng phải dừng chân đứng lại, rồi bước vào một lần để tìm thấy cứu cánh trong tâm hồn. Mà nếu có ai thờ ơ thì bà liền réo gọi

Hỡi người quân tử đi đâu đó
Thấy cảnh sao mà đứng lượm tay

Cửa từ bi luôn luôn “rộng đường phổ độ” cho những ai

Đoái trông thế sự nực cười
Như đem trò rối mà chơi khác gì
(Quan Âm Thị Kính-335-Khuyết Danh)

Cho cả những ai đã ra khỏi nhà nhưng vẫn chưa xuất “phiền não gia”

Một mình những tủi chuyện mình
Nén hương biếng thắp, quyển kinh ngại nhìn
(Phan Trần-240-Khuyết Danh)

Còn những ai đã một lần đến
Cửa thiền sẽ lén chân coi
Trông lên sư cụ ngồi tòa tụng kinh
(Quan Âm Thị Kính-310)

Nếu khéo tưởng tượng một chút sẽ thấy sư cụ như sư Nghiêm thời Đường, ngồi tụng kinh ở chùa Vân Hoa trời làm mưa rơi đầy hoa. Hoặc giả nghe sư thuyết pháp uyên thâm vi diệu, rồi thả hồn một thoáng về cõi xưa thì cảm thấy như mình được nghe đệ tử của Ngài Cưu Ma La Thập. Sư giảng kinh Niết Bàn trên núi Hổ Khưu đúng với tôn chỉ nhà Phật khiến đá núi cũng phải gật đầu.

Mưa phùn ướt áo – Khi đã lờ mờ cảm thụ được hương vị nhiệm mầu của cơm Hương Tích thì dám rũ sạch bụi trần để theo gót Phật lắm

Chẳng thèm ra áng công khanh
Mà đem thân thể làm hình dịch chi
Cho nên mến cảnh từ bi
Dám xin nhờ đức tăng ni mở lòng
(Quan Âm Thị Kính-340)


Đến như Tú Xương, kẻ sinh bất phùng thời, nợ như chúa Chổm. Vay mượn lung tung, vay cả thầy tu ! Vay không được tức mình nổi dóa

Ông bám làm chi đứa trọc đầu
(Vay sư không được)


Vậy mà cũng có lúc cụ Tú nhà mình vắt óc nặn được vài câu nghe tương đối đàng hoàng thì lại liên quan đến nhà Phật

Trẻ vui nhà, già vui chùa, xem tượng mới tô, chuông mới đúc…
Phật tổ độ cho già, tám mươi, chín mươi, mười mươi, A Di Đà Phật

Khi thấy sư ở tù ông cũng ngạc nhiên, ngậm ngùi nhưng rồi bản tính trào lộng cố hữu trong người lại nổi lên

Quảng đại từ bi cũng ở tù
Hay là kiếp trước vụng đường tu
(Sư ở tù)

Sau khi tìm hiểu thì ông biết nhà sư ấy đã

Tụng kinh cứu khổ ba trăm quyển
Ý hẳn còn quên một phép phù
(Sư ở tù)


Ông Tú Vị Xuyên biết các đệ tử của Phật có phép thần thông nếu chứng quả. Nhưng ông không biết Đức Phật khuyên răn các đệ tử của mình phải luôn trung thành giáo huấn tránh vận dụng thần túc thông hay tha tâm thông. Như trường hợp Xá Lợi Phất thi thố thần thông với hàng Lục Sư là ngoại lệ. Còn Đức Phật qua sông chỉ tốn 3 xu tiền đò. Trong khi ông Đạo sĩ nọ phải mất 30 năm tu luyện mới bay qua sông!!!

Nước Pháp tự hào có Balzac, dân Đức vinh dự bởi Goethe. Còn người Việt chúng ta ấm lòng vì Nguyễn Du. Trong hầu hết những tác phẩm của mình ông luôn trân trọng gìn giữ tánh “bản lai” của chúng sinh ở cõi Ta bà

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(Kiều
)

Còn các nhà thơ đương đại có những lý rất người

Con gái ở biển rất hiện sinh
Năm mươi tuổi cũng dễ thất tình như chơi
(Bùi Chí Vinh)

Nhưng cũng có nhà thơ tin rằng hễ gieo nhân nào thì gặt quả nấy

Sè sè nắm đất…trần gian
Bể dâu kiếp trước, đa mang kiếp này
(Đêm Thúy Kiều-Trương Nam Hương)

Kiếp trước chưa thấy thực nghiệp thì phải đầu thai để nhận lãnh phi thực nghiệp

Luân hồi Nguyễn thác…thành ta
Phù du nước mắt, phù hoa nụ cười
(Đêm Thúy Kiều-Trương Nam Hương)

Bây giờ ta hãy xem “kẻ khờ dại” Đỗ Trung Quân chỉ dám đứng bên đường ngó “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” (Chút tình đầu) Hoặc có “to gan” thì chờ đến “Mùa hè leo cổng trường khắc nỗi nhớ lên cây” ( Chút tình đầu) Để rồi trong đêm giao thừa “lão Đỗ” đứng bâng khuâng

Em lễ chùa nào đêm hôm nay
(Áo vàng qua ngõ)

Hàn Mặc Tử – Trong cơn điên loạn tột cùng vẫn mong hồn mình bay tới cõi trời Đạo Lợi, Đâu Suất

Nhớ khi xưa ta là chim Phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
Bay từ Đạo Lợi đến trời Đâu Suất…
(Phan Thiết)

Một hôm Hàn dừng gót phiêu du trước cửa thiền lòng thấy nao nao

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo
Cốt Phật còn, dây chuỗi Phật đâu ?
(Chùa hoang)


Vâng ! Chùa không sư như nhà không chủ, rêu phong giăng đầy. Hàn tiếc một cõi trang nghiêm thế này mà để mặc cho thời gian bào mòn

Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt
Quanh thềm khắc khoải giọng quyên kêu
(Chùa hoang)

Máu lãng tử trong Hàn buộc chàng phải lãng đãng như mây ngàn gió núi. Chàng đi qua một chốn có cái gì khiến phải quay lại

Rừng thiền thấp thoáng dáng quần thoa
Khuê các trâm anh cũng rứa à ?
(Gái ở chùa)

Hàn ngạc nhiên là phải

Đó ! Phật giáo đã hòa nhập vào đời rất nhẹ nhàng ý nhị như thế. Không ồn ào, khoa trương, thật khó mà phân biệt đâu là ý Đạo, đâu là thơ Đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét