Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Sự lặp lại



Bùi Chát



Tôi gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn người
Mặt trăng nhe ra một nụ cười nham hiểm

Tôi che thân mình bằng tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh

Đi hết khu rừng
Tôi chui vào một căn nhà tranh
Sưởi ấm cùng một cô gái
Bếp lửa bập bùng, suối tóc bập bùng
Bức tường lờ mờ, đôi mắt dại

Sau khi làm tình chúng tôi nhận thấy
Tất cả mọi sự đều lặp lại


Tôi lại gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn người
Mặt trăng nhe ra một nụ cười nham hiểm

Tôi che thân mình bằng tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh

Đi hết khu rừng
Tôi chui vào một căn nhà tranh
Sưởi ấm cùng một cô gái
Bếp lửa bập bùng, suối tóc bập bùng
Bức tường lờ mờ, đôi mắt dại

Cô ta vẫn rất muốn làm tình
Nhưng tôi bắt đầu ái ngại
Chúng tôi nói goodbye
See you again

Cuối cùng thì vô hại

BÀI TOÁN CỦA TIẾNG VIỆT




Nhà ngữ học Ferdinand de Saussure đã nói: "Tư tưởng con người là 'theo giòng' [linéaire]"

[Chữ trinh kia cũng có 5, 7 đường [không có 7, 5 đường đâu nhé !] Huống chi là cái chữ "không trinh' … e là có cả 5,7 chục đường; mấy thằng chồng hay ghen chắc phải chạy đua lòng dòng không theo kịp mấy cái xa lộ mất trinh đó !

Mà thật thế : người ta ai cũng nói 1, 2 … 2, 3 ...3, 4 ... 4, 5 …5, 6 … v..v.. hay là hai ba, đôi ba, chứ không bao giờ nói hai, một hay là ba hai, ngay cả khi không biết rõ là bao nhiêu, ông bà ta cũng nói là 7, 8 cái chi đó / không ai dám nói 8, 7 cái đó chi !

Ủa, tư tưởng là tự do nói kia mà sao cả 85 triệu người chẳng ai dám nói 2, 1 thằng …3, 2 con… 4, 3 cái, 5, 4 cú …6, 5 con ? Mà ngay cả khi nghĩ thầm trong bụng mấy ổng cũng chỉ dám nghĩ là “đi ngoại tình một đôilần“, chẳng dám nghĩ là đôi một lần!

Lọa chưa !, lọa thật đó, trong cái ngôn ngữ mà cũng có kỹ luật riêng tư, hay nhỉ, huống chi là làm chíng chị chíng em, nhưng rồi thì cũng có ngoại lệ [năm ba cái …không có ba năm cái bao giờ !]

Các bạn biết không, đếm chi cho lắm, người Khmer xưa không ra khỏi cái bàn tay năm ngón… , họ đành phải nói

prăm muôi [5+1] là 6

prăm bi [5+2] là 7

prăm bây [5+3] là 8

prăm buôn [5+4] là 9

Nhưng mà anh chàng Giao chỉ thì tiến lên một cách ngon lành từ 10 cho đến 999,999 cho dù bàn tay mấy ngón cũng kệ nó, ông bà ta không hề chịu bó buộc vào mấy ngón tay để mà tiến bước trên “con đường tính toán”.

Không có hệ thống gọi tên mấy con số nào độc đáo cho bằng của tiếng Việt, một “tiếng nói của toán học“.

Tiếng Pháp thì ú ớ với mấy con số, một cách thảm hại [soixante dix, quatre vingt, quatre vingt dix, …] chao ôi là chán, làm toán mà đếm kiểu đó hèn chi bị phó thủ tướng văn hoá Nhật chê là : tiếng Pháp không biết đếm!' Cũng đúng thôi.

Rời bỏ ba con số toi vật tật voi đó, giờ mình nói chuyện lắt léo trong tiếng Việt nghe chơi…

Ai đời chợt với bất chợt cũng vậy,

thà với chẳng thà cũng thế thôi,

thình lình với bất thình lình thì cũng thình lình như nhau !

quá lắm với bất quá thì cũng không ai quá chi hơn ai

huống chi, huống hồ, huống những. huống lại, huống gì, huống nữa, thì cũng thế

Tại sao mà cái tiếng Việt nó "lôi thôi" làm vậy, xin xem lời giải thích trong "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" sẽ rõ, có cả giải thích "lôi là gì mà thôi" là gì luôn!

Không có cái tiếng nào mà "ba" với "cà" nhiều cho bằng tiếng Việt !

Nào là ba bị, ba bột, ba de, ba hoa,

ba kẹ, ba chớp ba nháng, ba láp,

ba lăng nhăng, ba lia, ba lếu, ba lơn,

ba nhe, ba que xỏ lá, ba rọi, ba trợn,

ba xàm ba láp, ba xạo, ba xí ba tú,

……

ba lơn, ba láp, ba xàm,

Cũng không có tiếng nuớc nào mà cà cho nhiều bằng tiếng Việt

cà lăm cà cặp, cà chớn, cà đột,

cà đước, cà gật, cà huớc, cà giật,

cà giựt, cà kê, cà kheo, cà khêu,

cà khệch, cà khịa, cà khiễng,

cà lăm cà cặp

cà lo, cà mâu, cà mèng, cà na, cà ná,

cà niễng, cà ninh, cà nhắc, cà nhong,

cà nhót, cà nhông, cà nhổng, cà rà,

cà rá, cà ràng, cà rật, cà rịch cà tang,

cà riềng, cà rỏn, cà rỡn, cà rùng,

cà sa, cà tàng, cà teo, cà tong,

cà tửng, cà thọt, cà vệt, cà xóc, cà xon

Tất cả đều có lý do và có nguồn gốc đàng hoàng, xin xem trong " Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" không sót một tiếng nào trên đây mà không có dẫn chứng về gốc gác , ủa ! mà "gác" là gì vậy ta?

Tiếng Việt kỹ luật đến mức cho nên nói

to lớn mà không dám nói lớn to

kêu gọi --- gọi kêu ---

năm mới, ngày mới --- tháng mới

vui chơi " chơi vui khác ý nghĩa

hơn thua mà không nói thua hơn

uớc ao, ao uớc, uớc muốn thì được mà không nói muốn uớc !

làm lấy khác với lấy làm

làm được " được làm

làm luôn " luôn làm

làm đi " đi làm

làm mới " mới làm

lớn con " con lớn

lớn tiếng " tiếng lớn

mau lên " lên mau

Như một bàn cờ tư tưởng của 85 triệu người người việt, cái linh động của ý nghĩ làm ra cái sắp đặt truớc sau của tiếng ghép như là một thứ "ý sắp đặt cho lời" mà các tiếng nói Anh Pháp chạy theo không kịp, họ cũng có fire wood và wood fire nhưng mà ít hơn trong tiếng Việt rất nhiều.

Cả ngàn tiếng như vậy, có truớc có sau, không hề lộn xộn, vì đã có "sách trời định" rồi ![nói theo kiểu "Lý thuờng Kiệt". Cũng như Tàu nói là vĩ đại, đâu dám nói đại vĩ [Khổng tử cũng chịu thua, không dám]

Tàu cũng ghép tiếng, Việt cũng ghép tiếng nhưng mà không ai giống ai, xin đừng đánh lộn sòng mà cho là cái tiếng Tàu "nó sao" thì cái tiếng Việt "nó vậy", như các cụ Hán Việt xưa đã "bé cái lầm".

Qua > 2000 năm, tiếng Việt tiếng Tàu đã lặp đi lặp lại của nhau đến nhàm chán, giờ đây, người Việt đã bắt đầu bỏ đi những từ ngữ Tàu không cần xài làm gì nữa có cả ngàn tiếng Tàu dư thừa mà xưa người ta dùng, nay đã lỡ thời, có cho vàng cũng không ai dám nói và viết như vậy nữa!



dòng thanh thủy, nay mọi người đều chỉ nói là dòng nuớc trong

thu phong, cổ độ, …….. gió thu, bến cũ

cựu tình nhân …….. người tình cũ

vạn cổ sầu …….. buồn muôn thuở

hàn mặc, …….. bút mực

chủng đức, chủng thực …….. ở cho có đức, trồng trọt

Còn cả hàng ngàn tiếng Tàu hết thời như thế, ai thấy thì quét sạch giùm cho, làm sạch sẽ thêm cho tiếng Việt sau này !

Cũng bởi vì người Việt nghĩ xuôi mà người Tàu nghĩ ngược : đại ốc và nhà lớn không cách gì chung sống với nhau được, chẳng qua là bị ép buộc mà thôi, nhưng, thấy chưa ! ở đời không ai ép buộc ai mãi được !

Cũng bởi vì người Tàu họ chỉ có mỗi một cách nói đó thôi, không nói thì lấy gì mà nói, còn người Việt thì đã có tiếng Việt mà nói, lại đeo bòng thêm tiếng Tàu, như một người mù cõng một người què. Cõng riết rồi tưởng đâu cái thằng ngồi trên lưng mình là cha mình luôn … nên mới tưởng là hi sinh vì tổ quốc là tiếng của mình, té ra mình đã nói chết cho đất nuớc lại bày đặt nói lặp thêm một lần nữa, mà cũng vậy thôi, cũng kiểu như nửa đêm giờ tí canh ba , vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi [sic] học lóm được chữ nào đem ra khoe hết. cũng kiểu như : bởi thế cho nên rằng thì là mà…..Ai nói như vậy? Hỏi tức là trả lời!

Mấy ông văn khoa bên nhà chỉ biết học ba cái chữ Tàu và ba cái chữ Nôm mà không hiểu rằng như thế không phải là học tiếng Việt , muốn được là văn khoa Việt thì phải tìm hiểu và biết cái riêng của nó, nó không hề là một cái rập khuôn của tiếng Tàu bao giờ cả, nó vẫn không chịu ép mình vào cái “khuôn khổ“ của tiếng Tàu bao giờ, dù qua 2 ngàn năm bị lấn luớt.

Có một em sinh viên bên này nói rằng: "tiếng Hán Việt tuy khó hiểu nhưng nghe nó văn chương hơn" [sic] [tôi nghiệp cho cái ý nghĩ tầm thường đó, chưa hiểu, khó hiểu thì làm sao mà biết là văn chương hay không ?]

Cái ý nghĩ đó cũng đã đè bẹp đầu óc của nhiều nhà tho nhà văn hiện nay không ra khỏi được cái chuồng vănHán Việt vì quen ngửi cái mùi ấy mất rồi.

Cái thèm thuồng làm đầy tớ chữ nghĩa cho người ta thật xứng với câu thơ diễu:

"ai xui Trung "cuốc" gọi vào hè"

"cái nóng nung người, nóng…nóng ghê !

Thấy mà buồn 5 phút cho cái đầu óc nô lệ bất cứ cái gì của Tàu!

Dám thách ai làm tho cho hay bằng 200 năm truớc đây :

"ruợu là com bữa, gái là bướm đêm !" @ Thiên nam ngữ lục để biết cái ngang ngửa của tiếng Việt



Tưởng vậy mà không phải vậy !

Nên biết rằng tiếng Tàu cũng mượn các tiếng khác khá nhiều nhưng mà lờ đi cái chuyện vay mượn đó

Diêm [trong Diêm vương, Diêm chúa, Diêm la, Diêm phủ có nghĩa là sự chết cái chết chứ chẳng phải là "địa ngục" đâu nhé. Nó là <gốc Sanskrit > chứ không phải là tiếng Tàu, Tàu nó mượn của tiếng Ấn độ đó, hóa raDiêm vuơng là Thần chết, Tử thần chứ không phải là "vua địa ngục" đâu như các cụ Hán Việt đã lầm tưởng

Sa- mạc là tập trung tư tưởng, định thần , từ chữ "samadhi" / meditative incantation <gốc Pali>

Á tế Á là bắt chước đọc theo "Asia" tiếng Hy lạp !

yên si phi lý thuần là nhại theo "inspiration"

câu lạc bộ là học đòi nói theo "club" tiếng Anh

Ả phù dung, a phiến, nha phiến, á phiện là do "aphyon" # opium<gốc Turkey>

Còn cả ngàn tiếng Tàu như vậy, đều là bắt chước nói theo người ta, đâu phải gốc Tàu hồi nào đâu mà khoe ?

Tiếng Tàu xưa đã vay mượn nhiều tên gọi các cây trái thổ sản miền Nam, xứ nóng của các sắc dân phía nam sông Dương tử mà nói theo, mượn mà dùng rồi lâu ngày chúng nó tưởng đâu là tiéng của chúng nó nên lờ đi cái nguồn gốc bản xứ luôn.

Cũng như cả 90 % tiếng Pháp là bắt chước nói theo Latinh và Hy lạp, có gì lạ đâu, còn ta thì bắt chước nói theo Tàu một đống từ Hán Việt, gì đâu mà phải mặc cảm.

Mượn qua mượn lại là chuyện thuờng thấy giữa những thứ tiếng trên thế giới, có lợi cho cả hai bên, tiếng Anh Mỹ đã vay mượn như điên nên bây giờ mới xứng đáng là thứ tiếng mạnh nhất thế giới, làm cho tiếng Pháp phải ganh tị, vì có một thời, tiếng Pháp đã làm le không đúng cách, không chịu vay mượn thêm từ ngữ mới vì cứ khư khư cho là phải bảo vệ cái 'quan niệm giả tạo "pureté de la langue francaise" cho nên bây giờ bị tụt hậu và phải vay mượn thêm rất nhiều tiếng Anh Mỹ của khoa học thời nay mà nói, làm thành một thứ franglais chẳng đặng đừng, khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào.

Riêng về tiếng Việt, ta cần tìm hiểu thêm các tiếng nói của dân Bách Việt đã cho ta mượn rất nhiều từ ngữ, khi ta thấy một âm lạ một nghĩa lạ thì đừng vội nói theo đuôi cụ Trần trọng Kim mà cho rằng nó là tiếng "đệm" một cách vô tội vạ, thí dụ như lỡ làng thì thật ra đó là gốc Nùng vì trong tiếng Nùng, làng là lở dịpkhông có dịp để kịp làm một việc gì …vì vậy khi bị lở tàu, lở chuyến xe thì người Nùng họ gọi là làng tàu, làngxe [sic]

Cũng như khi ta nói cái thằng đó mà hát hỏng gì thì hỏng là hát, tiếng Thái, chứ đâu có phải là tiếng đệm vô nghĩa như sự tin tưởng của cụ Kim đâu !

Có cả thảy 42% tiếng Việt là gốc Lào Thái, nói rõ cho ta biết cái ý nghĩa gốc của chúng nó thay vì phải ép bụng mà cho rằng cái chi cũng đệm lên đệm xuống theo cách giải thích so sài và kì cục kiểu Trần trọng Kim

Trong tiếng Anh tiếng Pháp thì cold, colder, less cold và froid, plus froid, moins froid nhưng mà tiếng Việt nhấn khi mạnh khi nhẹ vào cái tính chất của sự vật màu sắc một cách dồi dào không ngờ được : đo đỏ, tim tím, mằn mặn, nong nóng, lành lạnh, cả ngàn cách như vậy, cho nên ta phải tìm thêm cho đầy đủ để mà ‘vui học tiếng Việt“, những giờ dạy tiếng Việt phải dạy cho vui như thế để gây chú ý và thích thú nói tiếng Việt với nhau cho các em nhỏ, chứ không phải là nghiêm trang viết cho đúng "hỏi ngã" hay cho đúng t, c cuối chữ , hoặc như người Bắc, lo làm sao đừng có lầm lẫn s / x / cùng là gi / d, những cái đó không quan trọng, cái cần thiết làphải nói tiếng Việt cho trôi chảy.

Dạy tiếng Việt phải là dạy nói 90% nhiều hơn là dạy viết cho ngay cho đúng, đó phải là nguyên tắc su phạm đầu não cho tương lai các lớp dạy tiếng Việt để có kết quả tốt đẹp, bên này cũng như bên nhà

Nhưng mà nếu có đầu óc làm đầy tớ không công cho Tàu thì cứ lải nhải là tiếng Tàu là "số dách" trong khi nhắm mắt mà bắt chước không cần nghĩ lại nghĩ đi làm gì!

Cái tiếng của người ta có gì hay, tiện, lợi cho mình thì nói theo, cái gì rảm, rởm, kì cục không cần đến thì bỏ đi, đừng có nhắm mắt mà nói lặp theo, mượn tùm lum mà nói tiếng người ta như những con két con vẹt, trong khi đó thì lại làm biếng nhác nhớm không thèm tìm hiểu tiếng Việt cho thấu đáo :

Một nhà ngoại giao hàng đầu của VN cọng hòa đã nói khi được phỏng vấn :

"như tôi đã với anh ! [hết sẩy]

Còn bọn văn nô thì nổi tiếng với mấy chữ "giặc cái" giặc lái", xuởng đẻ xuởng đái, phản ánh, phản sáng gì gì đó nữa, thật xấu hổ cho cái tiếng Việt của chúng.

Vậy mới thấy cái sức sống mạnh mẽ, vươn lên của tiếng Việt, không dễ gì bắt nó đi vào khuôn vào phép của những mẫu mực giả tạo của cái loại văn phạm ngữ pháp ngoại lai

Huống chi , ta nói tiếng Việt một cách khôn ngoan mà không bao giờ nhắm mắt bắt chước tiếng Tàu,

Ta chỉ nói siêu năng lực mà không chịu nói uu lực mẫn

Dòng nuớc trong mà không thèm nói thanh thủy

Bến cũ thay cho cổ độ

Người tình cũ thay vì cựu tình nhân

Người xưa, người cũ mà không còn nói là cố nhân nữa

Ta có dư thừa tiếng để mà nói chứ không phải tiếng Việt là một bản rập khuôn, một cái clone của tiếng Tàu bao giờ cả

Tiếng Việt ta quả thật là một luồng hơi sống tự do cho một triệu người Giao chỉ hồi xưa và cũng là cái nếp sống cho ý nghĩ của 85 triệu người Việt ngày nay trên khắp quả đất này, tự do như mây như gió mà cái văn phạm của Tàu chỉ biết lẽo đẽo đi theo cái cách ăn nói của chúng nó từ ngàn xưa mà không bao giờ bắt kịp.

Nhà trống đôi ba gian, một thầy một cô một chó cái.

Học trò năm bảy đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.

trong căn nhà ấy, sống một gia đinh

Nay ta đã sống trong một thế giới "núi cao, biển rộng, sông dài, … lại được hoàn toàn sống cuộc sống tự do mà 83 triệu đồng bào ta bên nhà vẫn hằng mong uớc.

Ta nên sống sao cho xứng đáng một đời tự do, và nên cố gắng đóng góp, mỗi người tùy theo khả năng và công sức của mình vào sự sống còn của tiếng Việt

Bạn hãy vui miệng tìm thêm những đường nét nói phô rất lạ và riêng rẽ của tiếng Việt ta để thấy rằng tiếng Việt không hề nghèo như ta tưởng mà trái lại rất dồi dào, chỉ vì chúng ta đang "nghèo" tiếng Việt lắm đó thôi , theo lời ông Gustave Hue, một người Pháp rất kính nể tiếng Việt, trong quyển từ điển Việt Pháp Hoa của ổng ! Năm 1937

BS Nguyễn Hy Vọng

Jean Baudrillard và XÃ HỘI ẢO





Jean Baudrillard (1929-2007) xã hội học người Pháp, đã có những nhận định sôi nổi về xã hội hiện đại. Dĩ nhiên xã hội mà Baudrillard bàn đến là xã hội tân tiến Âu Tây vào cuối thế kỷ thứ hai mươi, nhưng với sự hội nhập hoàn cầu hóa cũng là về những trạng thái tương lai hay đã có rồi ở xã hội của những quốc gia hậu tiến hay trên đà phát triển công nghệ kỹ thuật.


Để bàn tới những nhận định của Baudrillard, trước hết xin nhắc lại, trong triết học Hegel, con người và xã hội là những hiện thể mà chúng ta có khái niệm trong sự tổng quát của lý tính: Hiện Sinh, Hư Vô, Hiện thành (Being, Nothingness, Becoming); tức là những hiện thể khái niệm, hiện sinh đến từ hư vô, ở tận cùng trở về với hư vô,nhưng tồn tại sinh động và hiện thành, mà chúng ta nhận định những quy định hay những thuộc tính, nhưng chỉ có thể là hữu hạn, tự phủ định hay đúng hơn mang sẵn những mâu thuẫn để bị giải cấu (de-construction, trong cái nghĩa là phá giải để cấu tạo ) hay tự giải cấu, qua lịch trình biện chứng pháp.



Trong sự hiện thành của xã hội theo Baudrillard, có bước ngoặt chính yếu: tiền hiện đại với hiện đại. Xã hộitiền hiện đại là xã hội thân bằng bộ lạc, trao hoán thực phẩm và công cụ, giao lưu tặng phẩm; một xã hội thần linh, tôn giáo. Xã hội hiện đại bắt đầu từ thời khai sáng (le siècle de lumières), để bây giờ chủ yếu là kỹ nghệ sản suất tư liệu thực dụng cho con người. Động cơ chính yếu của xã hội hiện đại là tư bản chủ nghĩa và khoa học kỹ thuật. Bước ngoặt đó là một sự thăng hoa. Lịch sử theo Hegel là lịch trình tiến triển của tinh thần nhân loại, vượt qua từng bước những mâu thuẫn bản thể để tới con người và xã hội ở giai tầng cao độ trên.



*************



Xã hội hiện đại bắt đầu bởi khai sáng (thế kỷ thứ XVII-XVIII), là duy lý và nhân bản chủ nghĩa. Chủ thể là con người, nhân bản tự do lý trí; con người lý giải và thiết lập xã hội, chinh phục thiên nhiên, đưa tất cả vào guồng máy sản xuất vật chất thực dụng vị lợi ích nhân sinh. Từ chế độ quân chủ phong kiến, qua quân chủ lập hiến rồi tới xã hội tự do dân chủ, là những bước tiến quá trình lịch sử theo triết học Hegel. Những quy định xã hội hữu hạn, với những mâu thuẫn, những đối lập phải giải cấu. Xã hội tự do dân chủ của thế kỷ thứ 19 là xã hội tư bản mà mâu thuẫn hiển nhiên là sự bất công xã hội, đối lập giữa tầng lớp tư sản với giai cấp lao động công nhân vô sản. Chủ nghĩa xã hội Marxit trên lý thuyết giải cấu mâu thuẫn đó bằng xã hội độc tài của giai cấp vô sản; dĩ nhiên xã hội Marxit hàm chứa những mâu thuẫn, hơn nữa với ý thức hệ hoang tưởng, phi lý tuyệt đối, nên càng đổ vỡ và phá sản, lý thuyết xụp đổ của xã hội cộng sản Đông Âu!



Duy lý và nhân bản chủ nghĩa, trong buổi đầu lạc quan về chủ thể con người. Tư bản chủ nghĩa, tự do dân chủ chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa Marxit…đều là những lý thuyết khai sáng duy tôn lý trí tinh thần nhân loại. Nhưng sự sa lầy của Marxit chủ nghĩa, cùng những mặt trái của tư bản chủ nghĩa, và những khuyết điểm của dân chủ tự do chủ nghĩa đưa tới tâm thức hậu hiên đại của thế kỷ thứ 20; những tư tưởng gia, những nghệ sĩ hậu hiện đạinhận định phải phản tư đối kháng và giải cấu cái thực trạng hiện hành của xã hội. Baudrillard thuộc về trào lưu tư tưởng này.



Theo trào lưu tư tưởng này (đặc biệt của trường phái Francfurt: T.Adorno, M.Hokkeimer…), Baudrillard thấy cần phải nhận ra cái không tưởng của mọi chủ nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội. Với sự xụp đổ của xã hội chủ nghĩa Marxit, dân chủ tự do phóng khoáng Âu Tây dù có khải hoàn hưng thịnh qua chiến tranh lạnh vẫn không phải là chủ nghĩa tối hậu của nhân loại. Cái xã hội hiện đại dân chủ tự do thật là tư bản chủ nghĩa, với những mâu thuẫn nội tại, thiết lập một nền văn hóa kỹ nghệ: khai sáng mà ngu muội quần chúng. “ Công cuộc khai sáng, như chúng ta hiểu hiện đại, trong cái ý cao siêu nhất là sự triển khai lý tính con người, đặt con người lên địa vị chủ thể của sự vật, thật hiện thành rồi với những dự báo của ngày mạt thế” (T.Adorno). Nền văn hóa kỹ nghệ thị trường lợi nhuận, đẩy con người vào hầm u tối với nhu cầu vật chất luôn luôn khuếch trương vô thức, nông cạn thỏa mãn bằng những tư đồ ảo dụng. M.Heidegger với tâm thức rất hậu hiện đại cũng đã nói trước :“Xã hội như càng sán lạn, kinh tế tiền bạc càng ngày càng giàu thêm bằng những vật thừa vô dụng. Nhưng ai biết rằng quả báo đang chờ đợi, rồi sẽ bùng nổ trong tương lai; loài người sẽ chìm đắm trong đêm sâu tuyệt vọng, cái đêm sâu mà có lẽ chúng ta như đã dự báo rồi trong tiềm thức”.

(Xin đọc thêm: “Tâm thức Hậu Hiện Đại”, tiểu luận Ngô Văn Tao. www.gio-o.com)



*********



Baudrillard chia sẻ những cảm nhận hậu hiện đại trên, nhưng hơn nữa với xã hội tâm lý học trình diễn những nhân tố của sự suy tàn xã hội. Theo Baudrillard, chúng ta đang sống một xã hội bội hiện thực (hyper-reality),thế giới ảo.

Mọi lý thuyết xã hội, chính trị, kinh tế đều không còn thích ứng; vấn đề nhân sinh xã hội không còn là vấn đề của đại ngôn ( des grands récits). Tỉ như xã hội dân chủ tư bản chủ nghĩa và xã hội học Marxit coi động cơ của đời sống xã hội là cơ giới công nghệ sản xuất thực dụng và lợi nhuận, theo Baudrillard chính điều này chứng tỏ những chủ nghĩa trên đã lỗi thời. Xã hội nay chìm đắm dưới những tư đồ thừa thãi. Khoa học và kỹ nghệ thống trị xã hội con người. Việc sản xuất những vật liệu thực dụng không còn là vấn đề của xã hội. Với kinh tế thị trường, toàn bộ đầu óc khoa học kỹ thuật nay có trọng tâm là đưa quần chúng bội dụng và bội xài những tư đồ tiểu xảo lấp lánh ảo ảnh mang phù hiệu đến cho mỗi người. Chủ thể con người thoái hóa trước vật chất. Mỗi người tự tìm thấy trong muôn ngàn hàng hiệu những phù hiệu cho bản thân, những phù hiệu ảo ảnh như những huân chương tự ban cho nhau, treo đầy ngực của những hỏa đầu tự ngắm nhìn mình trong gương.



Xã hội đã đi quá độ trong lịch trình kỹ thuật hóa đời sống con người ở mọi trạng thái. Tỉ như chiếc đồng hồ đeo tay, không còn là một tư vật thực dụng, nhưng nay được sản xuất chiêu hàng với muôn ngàn hình dạng; người mua có thể mua hàng trăm cái, tìm ở nó những phù hiệu ảo tượng cho chính mình: giàu sang, kiêu sa, đãng tử, quá độ thời thượng…Chúng ta sống trong thế giới ảo, thế giới hình thức, ai cũng đóng một vai trò trình diễn, có sẵn những biểu tượng để khẳng định mình…Chìm đắm dưới những tư vật, chúng ta bị lôi cuốn bằng những phương tiện truyền bá cấp tiến, kỹ thuật siêu hạng, để bội thu và bội dụng, cùng lúc có ảo tưởng tự do, chủ thể cá nhân.



Lịch trình kỹ thuật hóa đặt lại vấn đề nhân sinh xã hội. Cần phải có một suy luận mới về kinh tế, về chính trị. Chủ nghĩa Marxít, trong cái cực đoan lý thuyết, không thể cải hóa, nên đối với xã hội hậu hiên đại bây giờ thật là một lý thuyết lỗi thời. Con người nay sống với kỹ thưật thông tin, tới tấp tín hiệu, thế giới của internet, của e-mail @, có những suy tư, những nhu cầu bội vật chất, bội hiện thực (hyper-materalist, hyper-realist). Những xu hướng nhân sinh, tưởng là qua phương tiện truyền thông có thể quy định, nhưng thật thêm lệch lạc, thêm bất xác định. Beaudrillard nhận định hơn bao giờ, xã hội học cần đến xã hội tâm lý học.



************



Khoa học kỹ thuật cải thiện đời sống của chúng ta. Xã hội càng ngày càng giàu có, đồ vật thực dụng thừa thải. Sự giàu sang phù hợp với bản chất con người; chúng ta đâu có ra đời để làm việc như cái máy, suốt ngày ở đồng ruộng, ở xưởng máy làm những cử chỉ lập đi lập lại vô ý thức, mà động cơ kỹ thuật nay biết làm thay chúng ta. Sự hoang phí tiêu xài cũng là bản chất của con người. Nhưng vấn đề là đại chúng hóa sự dư rả đưa đến tâm thức phổ quát tiểu tư sản mới giàu (des nouveaux riches), bảo thủ trong căn hộ đầy tiện nghi, thừa thãi tiểu xảobội dụng, bội thu. Con người ôm giữ những đồ vật, nay mang phù hiệu của cá nhân chủ nghĩa, biểu tượng ảo cho chính mình. Cái gì người ta thường nói: “the american dream”, ước mộng của người Mỹ, có một căn nhà, có đủ tiện nghi, có đủ mọi đồ thục dụng….Nhưng đâu biết, “ước mộng” đó chỉ làm con người không còn là chủ thể mà là nô lệ của vật chất. Sự hoang xài của quần chúng đây là sự bội phí và bội thu với những hàng hiệu, diễu bầy những biểu tượng ảo; nhưng thật sự hoang phí đó ẩn dụ một bản chất nhỏ bé, con người mấtmọi triển vọng cao siêu (the loss of transcendence); hơn nữa, theo Baudrillard, con người mất bản chất tuyệt vời, bản chất dương khí mặt trời (the solar principle); với tiềm năng, sức mạnh lý trí của con người, con người phải hoang phí năng luợng như mặt trời để chiếu tỏa khắp nơi, trên đồng bạn, trên thiên nhiên loài vật, một cách vô tư không vì lợi nhuận không vì một đạo lý tự mãn tự tôn nào. Sự hoang phí nay của chúng ta qua những đồ vật tiểu xảo lại chỉ là sự hoang phí thỏa mãn tâm tư nói cho cùng của hư vô chủ nghĩa!



Những tư tưởng gia hậu hiện đại ở đầu thế kỷ 20 đã không chứng kiến sự đột phá của công nghệ số học thông tin, nhưng chính sự đột phá này thật đặt lại tất cả vấn đề xã hội chính trị, kinh tế, nhân sinh hiện đại. Nó là một động cơ cho sự hoàn cầu hóa, là phương tiện sáng lập những công ty kỹ nghệ, kinh tế thương mại khổng lồ, những sức mạnh không hình hài, không bộ mặt nhưng chi phối đời sống xã hội của cả loài người. Tuy nhiên, với sự chuyển tải cấp tốc thông tin, mang muôn ngàn tín điện đến cho mỗi người, tạo cho con người tự cảm, tự tin là có mặt trong sự hiện thành những quy luật của thế giới. Nhất là với sự thành lập những “blog, facebook, twitter” quần chúng có thể lập thành từng nhóm để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sự nhận định chỉ có thể hời hợi, bề ngoài, không chiều sâu, bình dân túy; và như thế chìm đắm trong những tín điện, chia sẻ nhau những ý tưởng nhậy cảm tức thời, con người sống trong thế giới ảo, mà bản chất không liên quan tới thế giới thật mà những quy định đặt ra bởi những bộ máy, tập đoàn người anh cả kỹ thuật. Theo Baudrillard chính đây là nhân tố cắt nghĩa sựphân liệt (schizophrenia) tâm thần của xã hội, sự thoái chí trong tiềm thức của con người đối phó với sức mạnh của hỏa tiễn, máy bay không người…



Không thể phủ nhận kỹ thuật số học thông tin đã cho khoa học gia, học giả điều kiện vô cùng thuận tiện tham khảo, thảo luận hợp tác trên những vấn đề khoa học, những vấn đề chuyên nghiệp. Một mặt khác phổ quát là giúp quần chúng tức khắc tiếp xúc những tác phẩm văn nghệ, nhưng chính ở lĩnh vực nghệ thuật -mà nghệ thuậthơn bao giờ hết phải là nền tảng tâm lý của con người trước sự khống chế của khoa học kỹ thuật- sự tiếp xúc qua tín học lại là một điều tiêu cực. Với tinh thần điện tử thông tin cấp tốc (internet), những tác phẩm thường đi đến quần chúng dưới hình thức sơ lược tổng kết, với đoạn trích ngắn gọn; đó là hình thức của “Reader’s digest” (Giản lược các truyện giúp độc giả), đã làm hại bao nhiêu người đọc, vì làm mất sự hồn nhiên, bất ngờ kinh ngạc để tìm hiểu thâm sâu và tự mình tiếp nhận và thông diễn giải tác phẩm của Tolstoy, của Balzac, hay của những đại văn hào khác. Hơn nữa, cũng trong tinh thần đại chúng hóa của số học thông tin, nhiều đoạn văn thơ, khúc nhạc, mẩu tranh hội họa được đưa ra như những mẫu từ, những nhịp khúc, những mẩu vẽ để mọi người có thể sửa đổi sao chép đúc kết thành một tác phẩm của mình. Ta không phủ nhận trong kiến trúc, xây cầu dựng tháp, sự góp nhặt sơ đồ kiến trúc cộng với phép tính kỷ hà học qua số học tín hiệu đã giúp xây dựng những công trình quá sức tưởng tượng của một người. Cũng như có những bức tuyên truyền ký họa bằng số học tín hiệu có giá trị thích ứng cho xã hội. Nhưng dù sao, những tác phẩm đó không có sự vật lộn của tâm tư chủ thể văn nghệ sĩ, bản chất là chủ thể đơn côi trong sóng gió của cuộc sống, nên nó có thể đẹp, có thể hoàn hảo, nhưng không có cái nhiệm mầu vô khả định tâm hồn nghệ sĩ; mà chính sự nhiệm mầu đó phải là tiêu chuẩn của những tác phẩm văn nghệ chân chính.



Kỹ nghệ thông tin (internet) cho phép đại quần chúng tiếp nhận tới tấp tin tức và hùa nhau phản ứng cập nhật tức thời. Nhưng chính kỹ thuật đó lại có mặt tiêu cực là tạo dựng sự xô bồ, sự a dua , cái hiện tượng của nắm tuyết lăn trên tuyết càng ngày càng lớn (effet de la boule de neige); đại quần chúng hùa theo nhau, dễ dàng bị lôi kéo vào trào lưu bình dân túy. Một tác phẩm văn nghệ, một ý tưởng chính trị, xã hội nông cạn lợi dụng được hay lêch lạc tình cờ nắm được cơ hội, có thể trở nên một sức mạnh đè bẹp mọi suy tư chân chính cá nhân của con người. “ Chuyện thằng bé biết la lên: Ô đức vua không mặc quần!” là một chuyện càng ngày càng hy hữu trước sức mạnh lớn lao, qua tín học thông tin tới tấp, của lễ hội cộng đồng hò vui hưởng ứng của ngàn ngàn người, của phong trào liên hoan tuyên dương bởi triệu triệu người. Chúng ta chắc chắn có thêm điều kiện để tự do nhận xét qua những thông tin cập nhật tới tấp của kỹ nghệ tín học; nhưng trong sự bội ứng dụng của kỹ nghệ thông tin, theo Baudrillard, chúng ta chìm đắm trong thế giới ảo, bội hiện thực, cái tự do mà chúng ta có ở đó cũng là tự do ảo, vì làm sao chúng ta mỗi người có thể giữ nguyên vẹn suy tư cá tính, nhân bản trước sự xô bồ, áp lực nông cạn không thể tránh được của đại quần chúng. Chính đại quần chúng này cũng chỉ là một hiện tượng ảo trong cái ảo vô cùng của thế giới ảo mà chúng ta thấy trên màn phim ảnh, trên máy truyền hình!



*********



Thế giới ảo bắt buộc phải như bong bóng để rồi bể vỡ! Heidegger, Adorno, Baudillard… đều cảm nhận vậy. Cảm nhận vậy, theo Baudillard, rất nhiều người cũng chia sẻ và chính vì vậy hân hoan khi thấy “Đế Quốc Mỹ”, tiền phong trong sự cấu tạo thế giới ảo, đang như càng ngày càng suy thoái, vì chính đó là biểu tượng cái suy thoái của toàn xã hội nhân sinh hiện đại. Nói một cách khác, như Heidegger, như Adorno đã nghĩ, chúng ta càng ngày càng thấy triệu chứng của sự đột phá tan vỡ nội tạng ( an implosion) của xã hội.



Một sự kiện mà chúng ta trong tiềm thức đều hoảng sợ chờ đợi. Khoa học kỹ thuật triển khai không cùng, cơ giới càng ngày càng mãnh liệt để ta điên cuồng chinh phục thiên nhiên, để ta có thể giết hại lẫn nhau bằng vũ khí đủ sức mạnh tàn phá cả quả địa cầu. Cái đà phát triển không cách gì kìm giữ, thoát khỏi sự kiểm xoát của loài người; chúng ta đã chót mở cái hòm chứa Pandora, để con quỷ thoát rồi không còn cách gì bắt nó lại. Cũng như thế, kỹ thuật càng ngày càng đột phá trong sự chế tạo không ngừng đồ vật tiểu xảo cho trẻ con của cả thế giới thi nhau có cả đống đồ chơi, cho người lớn người già thi nhau có những đồ vật bội dụng, những đồ vật không cần thiết nhưng vì một lý lẽ hoang xài tiềm thức, mỗi người cũng phải chất đống. Chất đống rồi phế bỏ để cả địa cầu chìm đắm dưới những phế liệu. Do đấy, cùng với sự bội dụng năng lượng khoáng sản của trái đất, đưa đến cái hiểm họa sinh thái, mà trong cái đà phát triển ngoài tầm tay của loài người sẽ chỉ mang lại, cái hiểm họa sinh thái có nguy cơ tàn phá không chỉ xã hội nhân sinh mà chính sự sống còn của loài người trên trái đất.



Tuy nhiên cái điều Baudrillard nhấn mạnh chính là vấn đề nhân bản. Chúng ta đã bị phân liệt, không còn biết thế nào là chủ thể, khi khoa học kỹ thuật, phát triển qua lý trí của con người, lại đưa đến thế giới bội hiện thựckhống chế bởi vật chất. Chúng ta mất mọi triển vọng cao siêu (the loss of transcendence), mất dương khí mặt trời (the solar principle), chúng ta thoái hóa, trở nên nhỏ bé, bị phân liệt bởi những hoàng quang ảo ảnh của minh tinh bề ngoài nông cạn bình dân túy, của vật chất, của sức mạnh máy móc, của robot điện tử. Với sự tới tấp tín hiệu, sự hò reo của màn ảnh của thư mạng, chúng ta không còn tâm trí để tĩnh lặng tự tìm tòi chậm rãi suy tư, bản chất chính yếu để hiện hành bản thân làm người. Nhưng Baudrillard không hoàn toàn bi cực, vẫn tin ở khả năng tự giải thoái của con người, một chủ thể cá biệt. Một tiếng nói dù đơn độc vẫn có thể là điểm dựng ( le point d’appui) cho loài người của ngày mai. Cái gì làm cho mỗi người chúng ta tự ly khai ra khỏi cái xã hội hiện đại đang sa lầy, chính là biết phản kháng đảm nhận lấy vị chí chủ thể của bản thân. Phải không rơi vào cái dòng a dua, xô bồ, bình dân túy, phải không chìm đắm dưới đống đồ tư liệu sa hoa ảo ảnh, bội thu bội dụng, phải không thoái vị trước sức mạnh bạo lực máy móc cơ giới nhân tạo, chúng ta đảm nhận lại cương vị chủ thể của mình, chủ thể trưởng giả và quý phái!



Có lẽ trước hết là mãnh liệt khẳng định lại bản chất nguyên sơ tiền hiện đại; duy trì lễ độ bảo thủ, quả quyết tiếp cận với những biểu tượng linh thiêng tiền sử, tin rằng có đấng tối cao mà lý tính con người không bao giờ đạt thấu được. Có rất nhiều tư tưởng gia chỉ trích Baudrillard đã như thế tán đồng với “quá khích bảo căn đế”(fondamentalisme extrêmiste). Nhưng thật chủ thể trưởng giả và quý phái là biết sống trên vòng tầm thường đại chúng. Chỉ dùng những tư đồ cần thiết, hơn nữa luôn luôn ở bất cứ vật thể nào thu dụng tìm cho ra bàn tay sáng tạo không máy móc của nghệ sĩ; tránh xa sự rộn ràng mà trái lại không ngần ngại sống hàng ngày trong cô đơn tĩnh lặng, nhìn xung quanh với đôi mắt kiêu sa, sẵn sàng phản tư diễn giải phê bình hay tìm hiểu; đọc những tác phẩm văn học in thành sách quý bìa dầy, để nghiền ngẫm với đầu óc hồn nhiên chân thành nhưng chiết trung (éclectique); hy sinh tiền của để có tác phẩm nghệ thuật -cũng có thể một phần là để hỗ trợ nghệ sĩ trong hành trình sáng tác nhân bản- để treo trên tường và có cơ hội suy tư, tìm hiểu nghệ thuật dù rất có thể mấy tháng sau nhận ra một khía cạnh yếu kém nào nên rỡ tác phẩm xuống cất vào kho….Chủ thể trưởng giả và quý phái là luôn luôn giữ triển vọng hình nhi thượng cao siêu, là hồn nhiên rộng lượng đài các với dương khí của mặt trời.



*********



Xã hội Việt nam mới vừa bước vào thế giới hiện đại, khoa học kỹ thuật, công nghệ thi trường hoàn cầu hóa…Nên chúng ta chưa hẳn sống thế giới ảo bội thu bội dụng, bội hiện thực mà Baudrillard phản kháng. Chúng ta còn cảnh bà ba miền tây nam bộ của Nguyễn Ngọc Tư lang thang ngoài chợ làng với áo cánh trắng sờn tay sờn vai, còn bà mẹ răng đen nhai trầu bán hàng rong ngoài bắc; chúng ta còn những công nhân làm mười tiếng một ngày không đủ ăn, ở tụm năm tụm ba trong căn phòng 12 thước vuông, cuối năm không đủ tiền về quê thăm nhà….Nhưng tuy nhiên cao ốc chọc trời xây dựng khắp nơi, một tầng lớp trưởng giả mới giàu học làm sanghình thành phô trương diễu hành trong xã hội; cái thế giới ảo bội hiện thực âu tây hiện hình rồi, sẵn sàng đưa đại quần chúng sa lầy vào ảo tưởng. Khái niệm chiết trung, trưởng giả quý phái không phải là không cần thiết cho chủ thể nhân bản trong xã hội đang phát triển ở Việt nam chúng ta. Nhất là nữa, cái xã hội này trong giai đoạn lịch sử vàng thau lẫn lộn, đảng trị mờ ám, che đậy và dối trá, không bao giờ hết mỗi người chúng ta phải biết trong phòng kín làm “thằng bé biết kêu lên: Ôi! Lãnh tụ không mặc quần”; trưởng giả quý phái cũng là đức tính chủ thể can đảm tự nhận ra sự thật, trước cái a dua, cái xô bồ, cái hời hợt chỉ biết hưởng thụ bội thu và bội dụng mà khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường hiện đại đang lôi kéo đắm chìm dần đại quần chúng.


Ngô Văn Tao

Đêm Nhảy Mình Ra Khỏi Xác







Ngô Nhân Đước






Đêm ủ giấc mơ thành gió
Tôi về
Nỗi buồn như sóng nước lia thia
từng viên cuội lướt
ngày ướt bốn bề gió hú giật từng cơn
em mắt tím cộng môi hồng
làm bầm nát con gió trên hè đường buổi chiều nhiều lá rớt
vàng vọt những ngón tương tư điên dại chống vào đêm chếnh choáng
mụ người
và mỗi ngày biến thành những đêm dài vô vọng như cơn mộng tinh nửa chừng bị phá rối bởi một kẻ người vô ý giẫm bàn chân
và mỗi đêm điên dại cũng trở thành tội ác
trách nhiệm bắt đầu từ những ý niệm trên con ngươi trắng dã trong con mắt thui nòng dưới những mũi tên nơron khát vọng
tôi tự biến mình thành người-quên-kí-ức thành kẻ-nhớ-những-kiếp-đã-qua-đi thành tên-đứng-bên-lề-cuộc-chơi-sấp-ngửa
và em hóa hình làm nữ hoàng của những thành cát tôi xây
những ngón chân riết róng dí vào ngọn cỏ trong thành
bỗng nhiên nhàu nát
tôi nhảy mình ra khỏi xác
bỗng thấy kẻ đối diện nhăn nhở cười với hai hàm răng khỉ đột
trắng nhỡn như đêm

...

Ái ân


 


đêm bao la nghìn trùng
đêm mịt mùng sương khói
đêm trở trăn chăn chiếu
đêm tĩnh mịch đất trời
có tiếng thở dài của loài bướm đêm
tiếng phấn lùa hương của loài hoa lạ
ôi nỗi nhớ sao thật thiết tha
bàn tay ai lay động ngàn lá
ánh trăng ngà tan loãng đến vô biên
ôi niềm ái ân dẫu ngọt ngào
đêm đen vẫn dâng bao mạch sầu đau khổ
không còn chỗ cho hạnh phúc lên men

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tham nhũng là gì?


Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân, là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ sở cho các hành vi tiêu cực. Tham nhũng và tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân/đầu người thấp. Tại các nước này con người thường có ý đồ nắm các cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo để tham nhũng. Vậy phải chăng tham nhũng là điều không thể tránh khỏi đối với Việt Nam khi vừa mới bước sang ngưỡng cửa của một quốc gia có thu nhập ở mức trung bình so với thế giới? Hơn thế nữa, xã hội biến đổi liên tục kèm theo sự thay đổi về các chuẩn mực đạo đức. Nền kinh tế biến đổi ắt sinh ra tham nhũng mà thôi! Vậy tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, một xu hướng của xã hội? Hay là những hành vi mang tính chủ quan cá nhân của những người có chức, có quyền? Bởi chỉ có những người như thế thì mới có thể thực hiện những hành vi này.
Và bởi vì như thế, khi hành vi tham nhũng xảy ra nó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Tham nhũng không chỉ là những hành vi thể hiện sự suy đồi, biến chất của đạo đức con người, đặc biệt của những người có chức có quyền thường đã từng được nhân dân tin yêu. Tham nhũng còn làm thất thoát một tài sản khổng lồ trong ngân sách của nhà nước mà ngân sách nhà nước được hình thành từ sự đóng góp của nhân dân. Cho nên khi có hành vi tham nhũng, sẽ làm mất lòng tin của nhân dân và gây bức xúc trong dân. Hàng năm những con số thống kê về mức độ tham nhũng của các quốc gia sẽ được tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá và xếp hạng. Liệu rằng có nhà đầu tư nào, nhà kinh doanh nào muốn bỏ tiền của của mình trên một đất nước có mức độ tham nhũng cao? Liệu có quốc gia nào muốn xây dựng quan hệ ngoại giao với một quốc gia luôn có hiện tượng tham nhũng? Và như thế thì đất nước không thể phát triển được nếu hiện tượng tham nhũng xảy ra.
Vì “tham nhũng không phải là một thảm họa tự nhiên, đó là những khoản ăn cắp tài sản xã hội được tính toán từ những kẻ tham lam”(1). Do vậy, sẽ có cách để giải quyết tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng luôn là vấn đề “nóng” dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng ta đã xây dựng rất nhiều kênh để thực hiện việc phòng, chống tham nhũng như: xây dựng và ban hành luật phòng chống tham nhũng, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động rất quyết liệt. Nhưng thực sự để tham nhũng không còn rơi vào tình trạng bế tắc như hiện nay nữa thì “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng”. Và hơn thế nữa, khi phát hiện hành vi tham nhũng xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ cấp độ nào, chúng ta cần có những biện pháp trừng phạt nghiêm minh để “những ai đó” không muốn, không dám và không thể thực hiện hành vi vi phạm này nữa.
Ms.Nanu

Tưởng Tượng Không Có Ngôn Ngữ*



Lê Bi




tưởng tượng thế giới này không có ngôn ngữ
có thể em sẽ trần truồng
như anh

trái táo sắp chín
con rắn ngoằn ngoèo
đợi mãi

ngay đầu trang thánh kinh
ngôn ngữ là khởi thủy
nặn ra hình người

tưởng tượng thế giới này không có thiên đường
giữa hoa và tĩnh vật
chỉ sinh đẻ thêm ảo tưởng

làm thi sĩ ít ràng buộc hơn thượng đế
đốt thơ
dễ hơn thánh kinh

thật ra thơ là một cuộc trốn chạy
khi biết nhau không có thật
anh vẫn muốn ôm em

tưởng tượng thế giới này không có lịch sừ
bớt đi các triết gia
giải thích cho anh những đêm sống vội

thơ cũng như con thơ
may mắn khác mình
làm thế hệ di dân thứ nhất

tưởng tượng thế giới này không có ngôn ngữ
không lịch sử
không ai cần quay trở lại.

Người yêu của kẻ nghèo



Dùng chanh để trang điểm là điều duy nhất mà cô gái dám tiêu sang. Vì vậy mà da cô trắng mịn như mùi thơm rất thanh tân. Cô cắt quả chanh làm tư, mỗi ngày lấy một miếng chanh ấy vắt lấy nước bôi lên mặt. Ba miếng còn lại cô lấy giấy mỏng bịt kín vết cắt, cất đi để dành. Hàng ngày phải ướp lạnh làn da bằng mùi thơm tươi mát của nước chanh, cô mới thực sự cảm thấy buổi sáng của một ngày. Cô xoa nước vắt trái cây ấy lên vú và đùi mà không cho người đàn ông biết. Anh ta vừa hôn cô vừa nói :

-Chanh à. Em là cô gái bơi trong giòng sông chanh đến. Nếm vị chanh rồi muốn ăn cam quá.

Cô đáp “Vâng” rồi đem một đồng bạc trắngnăm xu đi mua một quả cam mang về. Như thế là cô đành phải hy sinh niềm vui cảm thấy có chanh trên làn da sau khi tắm ra. Ngoài đồng bạc trắng và mùi chanh, họ chẳng có gì cả. Thế rồi người đàn ông ngồi trước đống tạp chí cũ chồng lên làm thành bàn mà viết kịch, một vở kịch ế ẩm, mà lại dài lòng thòng nữa chứ.

-Trong vở kịch này anh sẽ dành một màn riêng có cảnh một rừng chanh cho em. Anh chưa thấy rừng chanh bao giờ nhưng đã từng thấy cả một quả núi vàng rực với những vườn quýt mikan ở Ki-i. Mùa thu, vào đêm trăng sáng, nhiều người từ mạn Osaka kéo đến xem đông lắm. Những quả quýt như những ngọn lửa ma quái nổi bật lên đây đó dưới ánh trăng, cứ như là đang nằm mơ thấy mình ở giữa một biển những ngọn đèn thắp sáng trong đêm. Màu vàng của quả chanh lại sáng hơn quýt nhiều, sẽ là những ánh lửa thật ấm áp. Trên sân khấu nếu bài trí sao cho có vẻ như vậy…

-Vâng..

-Em thấy chán lắm hả? Tất nhiên anh bây giờ thì không thể viết được vở kịch nào có nội dung tươi sáng như cảnh sắc miền nam. Muốn được thế, phải có danh vọng hẳn hoi cơ..

-Tại sao mọi người ai cũng muốn leo lên đài danh vọng thế nhỉ?

-Không thế thì không sống nổi. Thế nhưng anh bây giờ thì không mong gì có thể leo lên đài danh vọng được.

-Em không cần danh vọng đâu. Có danh vọng rồi thì được gì cơ chứ ?

-Riêng về điều này thì em cũng tân thời đấy nhỉ. Ví dụ như sinh viên thời nay, họ ghét cái chỗ đứng của họ, hay cho dù chưa đến nỗi ghét thì cũng hoài nghi. Họ phải phá bỏ nó đi, và họ biết là cái chỗ đứng ấy của họ rồi cũng sẽ bị sụp đổ. Kẻ leo lên đài danh vọng là kẻ bắc thang trên cái bệ mà họ biết là sẽ sụp đổ, nhưng họ cứ leo lên cái thang ấy. Càng leo cao lại càng nguy hiểm. Dù biết vậy, mọi người chung quanh và ngay chính hắn vẫn cứ ép hắn leo lên cái thang ấy. Ngoài ra bây giờ muốn có danh vọng thì không được có lương tâm. Đấy mới là khuynh hướng thời đại. Nghèo rồi sinh ra yếm thế như anh là cổ hủ. Nghèo mà vẫn tươi rói như quả chanh, mới là tân thời.

-Thế nhưng, em chỉ là người yêu của kẻ nghèo. Đàn ông ai cũng có danh vọng là thấy đủ rồi, và họ toàn chỉ nghĩ đến danh vọng thôi. Nhưng đàn bà, chỉ có hai loại đàn bà thôi, đó là người yêu của kẻ nghèo và người yêu của kẻ giầu.

- Em đừng có làm tàng đấy nhé.

-Thế nào rồi anh cũng có danh vọng đấy. Thật mà. Em có mắt nhìn đàn ông, giống như Thần May Mắn, không bao giờ nhầm được. Đương nhiên là anh rồi sẽ có danh vọng.

-Và rồi anh sẽ bỏ rơi em sao ?

-Chắc là sẽ như vậy thôi.

-Vì vậy mà em muốn ngăn cản không cho anh có danh vọng phải không?

-Không phải thế đâu. Lâu nay, hễ người nào có được danh vọng, em đều mừng cho họ cả mà. Em nghĩ mình như cái tổ chim, ấp quả trứng danh vọng, cho đến khi trứng nở.

-Em đừng than thở nữa. Làm anh lại nhớ đến những người yêu cũ của em, chẳng có thú vị chút nào cả. Em cũng có một điều đáng gọi là vào hàng danh gia vọng tộc, là dùng chanh trang điểm đấy là gì

-Chuyện ấy thì có gì đâu. Một quả chanh có 10 xu, đem cắt làm tư thì mỗi miếng chỉ đáng giá 2 xu rưỡi. Mỗi ngày của em chỉ có 2 xu rưỡi thôi mà.

-Vậy khi em chết, anh sẽ trồng cây chanh nơi mộ địa của em nhé ?

-Vâng. Em hay nghĩ ngợi mông lung lắm. Khi chết chắc là là em còn nghèo rũ chẳng đủ tiền dựng bia mộ, nhưng có lẽ sẽ có nhiều người mặc tang phục sang trọng đi xe ô tô tới thăm mộ em.

-Thôi em đừng nói chuyện về bọn đàn ông thành đạt nữa, hãy đuổi những bóng ma danh vọng ấy đi.

-Thế nhưng, ngay cả anh rồi cũng sẽ thành đạt mà.

Đúng như lời cô gái, niềm tin vào số mệnh của cô vững lắm, không sao lay chuyển được. Cô đúng là có con mắt của Thần May Mắn khi nhìn đàn ông, không bao giờ sai. Vì vậy chưa bao giờ cô thử yêu một gã đàn ông nào không có tài năng gì để đem danh vọng lại cho hắn.

Ông anh họ, người yêu đầu tiên của cô, đã đính hôn với một người chị em họ giàu có. Anh ta bỏ vị hôn thê giàu có này và sống với cô trên gác hai của nhà trọ nghèo nàn như một chiếc áo yukata cũ mèm. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ta dự thi kỳ thi tuyển quan chức bộ ngoại giao và đỗ hạng ba, được cử đi công tác ở đại sứ quán Nhật tại La mã. Anh ta tới gặp bố của người chị em họ giàu có kia, để xin cưới. Thế là cô đành rút lui. Người yêu thứ hai của cô là một sinh viên y khoa nhà nghèo, đã bỏ cô đi lấy vợ để có tiền xây bệnh viện. Người yêu thứ ba là người chủ một hiệu bán radio nghèo nàn trong ngõ hẻm, anh ta bảo vành tai cô có tướng làm cho tiền bạc đội nón mà đi, nên anh đã dời cửa hàng ra mặt đường lớn. Căn nhà ngoài mặt đường là nhà của vợ bé. Cô bị anh ta bỏ rơi lại cùng với căn nhà trong hẻm khi anh ta còn nghèo. Người yêu thứ tư..Rồi người yêu thứ năm...

Nhà viết kịch nghèo nàn người yêu của cô, từ khi giao du với những nhà nghiên cứu xã hội học có tư tưởng cấp tiến, cuối cùng cũng viết được một vở kịch dài. Anh ta cũng đã viết vở kịch có rừng chanh như đã hứa với cô. Nhưng anh ta đã không tìm thấy rừng chanh trong đời sống thực. Rừng chanh chỉ có trong hồi kết của kịch bản. Rừng chanh là màn cuối nơi đôi nam nữ trò chuyện trong thế giới lý tưởng, sau khi lật đổ cái bệ mà anh ta đã từng nói tới. Thế nhưng cũng vì vở kịch này mà anh ta và nữ diễn viên số một của ban kịch mới đã phải lòng nhau. Cô gái của những quả chanh lại phải rút lui như mọi lần. Đúng như cô đã đoán trước, anh ta lại thành đạt, anh đã bước lên nấc thang danh vọng.

Người yêu sau đó của cô là một anh thợ nói năng hùng hổ thỉnh thoảng tới nhà của người viết kịch người yêu của cô. Nhưng lần này không hiểu sao giác quan bén nhạy mà Thần May Mắn ban cho cô đã bị cùn nhụt đi hay làm sao ấy.

Người đàn ông này đã không thành đạt. Chẳng những thế mà anh ta còn bị mất việc vì là một người xách động biểu tình. Cô cũng đã mất đi cái giác quan biết nhìn đàn ông. Có lẽ đấy cũng là giác quan khiến cô cảm thấy mình đang sống. Với cô, như thế là hết. Hay là cô đã mệt mỏi với danh vọng rồi chăng? Hay là cô đã nhầm lẫn điều gì sâu sắc lắm.

Vào ngày tang lễ của cô, nhà viết kịch đã bước lên sân khấu vinh quang rực rỡ. Trong câu thoại do nữ diễn viên người yêu mới của anh đóng vai chính, anh thấy cô ta đang lập lại lời của người yêu cũ có mùi chanh. Vở kịch vừa kết thúc thành công rực rỡ, anh đã vội vã tới mộ địa của người yêu lúc còn nghèo, với một xe chất đầy những quả chanh ở cuối của vở kịch.

Nhưng trước bia mộ của cô gái, không biết có ai đã đem đến, có một đống những chiếc lồng đèn sáng như màu chanh.

Nhà viết kịch lẩm bẩm :

“ Ở đây đã có một rừng chanh rồi ư “


Nguyên tác: Hinja no koibito, của Kawabata Yasunari
Người dịch: Quỳnh Chi 

Cây thước kẻ gãy đôi



Từ Sâm



Thằng Tài, bạn học cùng xóm, giờ là Việt kiều. Mới về nước, nó rủ tôi bằng giá nào cũng tìm thăm thầy giáo cũ. Sau hai ngày, chúng tôi đã đến ngôi nhà nhỏ nằm bên suối, mái tranh ẩn dưới vườn cây. Sân rộng, thầy ngồi trên ghế băng. Vài ba cái bàn bằng gỗ ván để thô. Khoảng chục đứa trẻ mười, mười một, xanh xao vàng vọt như chúng tôi ngày trước. Chúng vừa thiếu ăn, như vừa qua đợt sốt rét rừng, co ro quanh thầy vòng quanh ngọn lửa.

“Trò nào chưa ăn sáng thì ăn”, thầy vừa nói vừa bưng rổ bắp luộc đang bốc khói đặt lên bàn. Dăm ba đứa vừa cạp bắp vừa đùa giỡn. “Trò An làm gì mà mọc sừng thế kia”. Thầy kéo thằng An ốm như cò hương vào lòng và xoa lên đầu nó. “Dạ hôm qua con ra suối trượt chân té vào đá, mẹ con bóp nước tiểu hết đau rồi”. “Sáng nay thầy có khách các trò nghỉ”, thầy dặn.

Bọn trẻ đã về hết. Thầy đút cái thước kẻ vào vách tranh như đút gươm vào vỏ. “Dạ con là Tài và đây là Sĩ ở làng Nguyệt Ánh xã Tân Minh thầy nhớ không”. “Sĩ thì thầy hơi quên nhưng Tài thì thầy làm sao quên được, thực tình thầy cũng muốn gặp em. Già rồi, lực bất tòng tâm mà tìm em thì bóng chim tăm cá”. Mắt thầy mọng nước. Mấy chục năm rồi. Thầy như con hạc gầy trong gío đông. Ôn lại những ngày cũ, ký ức còn vẹn nguyên.

“Hôm đó, gía mà con quay lại”. Tài nói, giọng run rẩy “thầy tha lỗi cho con”. “Chuyện đã qua rồi“, thầy an ủi.

Thầy chủ nhiệm lớp tôi. Tài “khỉ đột”, biệt danh của nó. Ngồi bàn đầu, thầy có ý cho nó nhìn lên, ai ngờ nó chuyên nhìn xuống. Cái thằng tính nào tật ấy, khi thầy viết bảng nó quay mặt lại ném cục đất ướt vào đứa này, vứt con thằn lằn chết vào đứa nọ làm cả lớp hoảng sợ. Nhắc đến lần thứ ba nó vẫn không chừa, thầy giơ cây thước gõ vào đầu nó, cây thước gãy đôi rơi xuống sàn khô khốc. Mắt thầy khờ dại, đờ đẫn, tay run rẩy, buông xuôi. Mắt nó đỏ lựng rồi chuyển sang tím tái. Nó chạy ra cửa. Thầy gọi theo, bóng nó xa dần.

Nó là con một, được cưng chiều, mà lại con của cán bộ huyện phụ trách văn xã.

Thấy con về sớm, hỏi ra, biết chuyện. Mẹ nó sờ lên đầu thấy cục u bằng quả trứng gà thêm cái miệng rống như tiếng trống, thế là có chuyện. Chuyện vỡ ra như tổ ong. Thầy im lặng không nói gì. Buổi sáng chào cờ sau đó một tuần, thầy hiệu trưởng đọc quyết định, trong đó có câu “không thể chấp nhận người thầy như thế dưới chế độ tươi đẹp XHCN...”.

Sau này tôi mới biết, thầy bị đuổi và ghi vào lý lịch nên không bao giờ được ở trong ngành giáo dục.

Thầy nở nụ cười hằn nếp nhăn quá khứ. “Thầy về quê, không ruộng, không vườn, lại mang án kỷ luật nên không thể vào bất cứ cơ quan nào. Hết đường làm ăn, thầy đi kinh tế mới và chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Cái lớn nhất mà thầy có được là vẫn theo nghề dạy học, dù dạy không lương, không biên chế”.

“Trước khi bàn giao thầy chủ nhiệm mới, thầy có ghi vào học bạ của Tài “Thầy xin lỗi em và gia đình sự việc vừa qua, nếu được uốn nắn em sẽ trở thành người có ích sau này”, thầy chậm rãi. “Khi hết cấp chuyển học bạ con mới biết, mẹ con cũng ân hận lắm. Nhờ cái thước của thầy mà con tiến bộ dần. Con tìm thầy để giải tỏa nỗi đau mấy chục năm nay khi nghĩ về thầy. Hôm đó con chọi đá với mấy đứa xóm dưới. Cái thước bằng gỗ thông mỏng dính, gõ nhẹ mặt ngang là gãy liền, hồi đó con còn nông cạn …”. “Thầy cũng nghĩ như thế, nhưng cuộc đời tình ngay lý gian, trọng chứng hơn trọng cung”.

Nói đoạn, thầy vào nhà lấy trong hòm gỗ cũ một thanh gói gém cẩn thận. Lớp giấy báo cuối cùng được gỡ ra. “Thầy coi nó là một kỷ niệm và lấy đó răn mình khi xử sự”. Thằng Tài không tin nổi mắt mình, nó cầm hai mảnh gỗ nhẹ tênh, mỏng dính gắn vào nhau. Vết gãy được hàn gắn, liền thành một khối, như vết thương được băng bó lành lặn - cây thước kẻ gãy đôi.

Cái thước kẻ làm thay đổi cuộc đời nó và cũng làm thay đổi cuộc đời thầy.

Ngoài kia suối vẫn trong vắt, nắng vẫn ngập tràn. Lũ trẻ ríu rít từ trường về nhà như bầy chim mới ra ràng.

Tôi lương 3 triệu vẫn giàu hơn khối người tiền tỷ



Quan niệm giàu nghèo mỗi người mỗi khác. Người coi việc lương hàng tháng cao, có hàng hiệu, xe hơi là giàu. Còn có người chỉ cần có gia đình vui vẻ, ăn đủ sống, tiết kiệm có dư chút đỉnh gọi là giàu.



Bạn có 1 tỷ đồng trong tài khoản là bạn giàu? Đúng là bạn giàu hơn người có vài trăm triệu thật, nhưng bạn lại nghèo hơn người có 10 tỷ đồng rồi.

Nhiều người có 10 tỷ đồng nhưng tinh thần không thoải mái, lúc nào cũng dằn vặt vì tiền. Như tôi đây, một công chức tỉnh lẻ, lương 3 triệu nhưng có thời gian chăm sóc cha mẹ thì tôi vẫn cảm thấy mình giàu có.

Theo dõi loạt bài về vấn đề giàu nghèo tôi thấy mọi người hầu như chỉ chú trọng về tiền bạc, ai tiền nhiều mới gọi là giàu, ai ít tiền là nghèo.

Quan điểm của tôi thì khác. Giàu hay nghèo do mỗi người tự cảm nhận về cuộc sống của mình có đầy đủ hay chưa? Đầy đủ về mặt vật chất và cả tinh thần, theo tôi mặt tinh thần lại quan trọng hơn vật chất.

Giàu về mặt vật chất là giàu như thế nào? Bạn có 1 tỷ trong tài khoản là bạn giàu? Hay 10 tỷ? Bạn có 1 tỷ thì bạn giàu hơn người có vài trăm triệu, nhưng bạn nghèo hơn người có 10 tỷ. Ý tôi nói ở đây là tính tương đối của vấn đề nên đừng nên đặt nặng việc phân biệt giàu nghèo về mặt vật chất.

Giàu về mặt tinh thần là sao? Tôi có thể làm nhân viên ăn lương nhà nước ở tỉnh lẻ. Lương nhà nước theo mặt bằng xã hội dù sao cũng là tính tương đối, tức là tôi giàu hơn rất nhiều người và nghèo hơn rất nhiều người ở đây, ở tỉnh khác, ở thành phố...

Nhưng tôi cảm thấy mình giàu rồi vì tôi đã chọn đúng, tôi đã chọn tỉnh lẻ ở quê nhà để có cơ hội chăm sóc bà tôi, phụ giúp chuyện gia đình tôi. Tôi rất giàu vì tôi có vợ cũng hiện đang làm gần với tôi, chiều đi làm về có thể chở nhau đi dạo một tí rồi phụ việc kinh doanh của cha mẹ.

Quan niệm giàu nghèo mỗi người mỗi khác. Người coi việc lương hàng tháng cao, có hàng hiệu, xe hơi là giàu. Còn có người chỉ cần có gia đình vui vẻ, ăn đủ sống, tiết kiệm có dư chút đỉnh gọi là giàu.

Có người chỉ cần trả được số nợ 3 triệu đồng đã nợ gần chục năm chưa trả được vẫn coi là mình đã giàu.

3 triệu đồng với các bạn chỉ được một chầu nhậu, mua một cái điện thoại "dỏm" là hết. Nhưng nhiều người ta đã khóc rất to, khóc nức nở vì hạnh phúc khi trả được 3 triệu nợ.

Có bao giờ các bạn nghĩ hay gặp những trường hợp sau:

- Bạn nghĩ sẽ cố gắng bươn chải nơi thành phố để kiếm thật nhiều tiền rồi lo cho ông bà cha mẹ. Ông bà, cha mẹ mình còn sức khỏe mà, mình cứ cày trước chục năm, 15 năm rồi chăm lo mọi người sau cũng được. Nhưng bỗng nhiên, lý do nào đó (bệnh tật, tai nạn, hay thậm chí người nhà bạn có bệnh nhưng giấu) qua đời đột ngột. Bạn chưa kịp làm gì, chưa kịp tăng một món quà nhân ngày đầu lãnh lương hay lên chức thì sao? Bạn đã bỏ qua cơ hội làm người cháu, người con hiếu thảo rồi đó.

- Bạn là đôi vợ chồng trẻ, có chí muốn làm giàu, muốn có nhà nhanh, có xe đẹp, iPhone... nên chấp nhận làm việc xa nhau để có mức lương cao. Vợ ở một tỉnh, chồng một tỉnh, cuối tuần gặp nhau một lần, rồi công việc nhiều hơn, quan hệ xã hội nhiều hơn, thời gian gặp nhau, số lần gặp nhau bị giãn cách ra.

Chồng nhớ vợ, vợ nhớ chồng, hay chồng đi nhậu vợ điện thoại không bắt máy, vợ buồn, suy nghĩ ghen tuông này nọ dẫn đến mất tin tưởng lẫn nhau, tình cảm có dấu hiệu phai nhạt... Vậy thì theo bạn, mỗi người làm lương cao để làm gì? Bạn có thật sự hạnh phúc? Bạn có là người giàu không?

Bạn là cặp vợ chồng trung niên, có con cái đầy đủ? Bạn là chủ doanh nghiệp, trưởng phòng... Lương bạn rất rất cao, một tháng thu nhập của bạn có thể mua được chiếc xe. Nhưng vì quá lo làm việc bạn cứ tung tiền cho con cái tự đi học, tự đi chơi rồi hư hỏng hết. Ngày nào đó bạn thấy con bạn lên tivi vì tội "đập đá" chẳng hạn thì bạn là người giàu chăng?

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, cảm nhận về cuộc sống mỗi người không giống nhau nên đừng quá áp đặt suy nghĩ của mình về vấn đề giàu nghèo lên người khác.

Chỉ có những người làm giàu không chính đáng, những người có sức lao động nhưng không sử dụng hay những người làm thì ít nhưng có tâm lý muốn hưởng thụ, mượn tiền đầu này, vay tiền đầu kia để sống xa hoa lãng phí thì mới đáng trách.

ANH MINH