Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Đêm Nhảy Mình Ra Khỏi Xác







Ngô Nhân Đước






Đêm ủ giấc mơ thành gió
Tôi về
Nỗi buồn như sóng nước lia thia
từng viên cuội lướt
ngày ướt bốn bề gió hú giật từng cơn
em mắt tím cộng môi hồng
làm bầm nát con gió trên hè đường buổi chiều nhiều lá rớt
vàng vọt những ngón tương tư điên dại chống vào đêm chếnh choáng
mụ người
và mỗi ngày biến thành những đêm dài vô vọng như cơn mộng tinh nửa chừng bị phá rối bởi một kẻ người vô ý giẫm bàn chân
và mỗi đêm điên dại cũng trở thành tội ác
trách nhiệm bắt đầu từ những ý niệm trên con ngươi trắng dã trong con mắt thui nòng dưới những mũi tên nơron khát vọng
tôi tự biến mình thành người-quên-kí-ức thành kẻ-nhớ-những-kiếp-đã-qua-đi thành tên-đứng-bên-lề-cuộc-chơi-sấp-ngửa
và em hóa hình làm nữ hoàng của những thành cát tôi xây
những ngón chân riết róng dí vào ngọn cỏ trong thành
bỗng nhiên nhàu nát
tôi nhảy mình ra khỏi xác
bỗng thấy kẻ đối diện nhăn nhở cười với hai hàm răng khỉ đột
trắng nhỡn như đêm

...

Ái ân


 


đêm bao la nghìn trùng
đêm mịt mùng sương khói
đêm trở trăn chăn chiếu
đêm tĩnh mịch đất trời
có tiếng thở dài của loài bướm đêm
tiếng phấn lùa hương của loài hoa lạ
ôi nỗi nhớ sao thật thiết tha
bàn tay ai lay động ngàn lá
ánh trăng ngà tan loãng đến vô biên
ôi niềm ái ân dẫu ngọt ngào
đêm đen vẫn dâng bao mạch sầu đau khổ
không còn chỗ cho hạnh phúc lên men

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tham nhũng là gì?


Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân, là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ sở cho các hành vi tiêu cực. Tham nhũng và tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân/đầu người thấp. Tại các nước này con người thường có ý đồ nắm các cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo để tham nhũng. Vậy phải chăng tham nhũng là điều không thể tránh khỏi đối với Việt Nam khi vừa mới bước sang ngưỡng cửa của một quốc gia có thu nhập ở mức trung bình so với thế giới? Hơn thế nữa, xã hội biến đổi liên tục kèm theo sự thay đổi về các chuẩn mực đạo đức. Nền kinh tế biến đổi ắt sinh ra tham nhũng mà thôi! Vậy tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, một xu hướng của xã hội? Hay là những hành vi mang tính chủ quan cá nhân của những người có chức, có quyền? Bởi chỉ có những người như thế thì mới có thể thực hiện những hành vi này.
Và bởi vì như thế, khi hành vi tham nhũng xảy ra nó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Tham nhũng không chỉ là những hành vi thể hiện sự suy đồi, biến chất của đạo đức con người, đặc biệt của những người có chức có quyền thường đã từng được nhân dân tin yêu. Tham nhũng còn làm thất thoát một tài sản khổng lồ trong ngân sách của nhà nước mà ngân sách nhà nước được hình thành từ sự đóng góp của nhân dân. Cho nên khi có hành vi tham nhũng, sẽ làm mất lòng tin của nhân dân và gây bức xúc trong dân. Hàng năm những con số thống kê về mức độ tham nhũng của các quốc gia sẽ được tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá và xếp hạng. Liệu rằng có nhà đầu tư nào, nhà kinh doanh nào muốn bỏ tiền của của mình trên một đất nước có mức độ tham nhũng cao? Liệu có quốc gia nào muốn xây dựng quan hệ ngoại giao với một quốc gia luôn có hiện tượng tham nhũng? Và như thế thì đất nước không thể phát triển được nếu hiện tượng tham nhũng xảy ra.
Vì “tham nhũng không phải là một thảm họa tự nhiên, đó là những khoản ăn cắp tài sản xã hội được tính toán từ những kẻ tham lam”(1). Do vậy, sẽ có cách để giải quyết tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng luôn là vấn đề “nóng” dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng ta đã xây dựng rất nhiều kênh để thực hiện việc phòng, chống tham nhũng như: xây dựng và ban hành luật phòng chống tham nhũng, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động rất quyết liệt. Nhưng thực sự để tham nhũng không còn rơi vào tình trạng bế tắc như hiện nay nữa thì “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng”. Và hơn thế nữa, khi phát hiện hành vi tham nhũng xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ cấp độ nào, chúng ta cần có những biện pháp trừng phạt nghiêm minh để “những ai đó” không muốn, không dám và không thể thực hiện hành vi vi phạm này nữa.
Ms.Nanu

Tưởng Tượng Không Có Ngôn Ngữ*



Lê Bi




tưởng tượng thế giới này không có ngôn ngữ
có thể em sẽ trần truồng
như anh

trái táo sắp chín
con rắn ngoằn ngoèo
đợi mãi

ngay đầu trang thánh kinh
ngôn ngữ là khởi thủy
nặn ra hình người

tưởng tượng thế giới này không có thiên đường
giữa hoa và tĩnh vật
chỉ sinh đẻ thêm ảo tưởng

làm thi sĩ ít ràng buộc hơn thượng đế
đốt thơ
dễ hơn thánh kinh

thật ra thơ là một cuộc trốn chạy
khi biết nhau không có thật
anh vẫn muốn ôm em

tưởng tượng thế giới này không có lịch sừ
bớt đi các triết gia
giải thích cho anh những đêm sống vội

thơ cũng như con thơ
may mắn khác mình
làm thế hệ di dân thứ nhất

tưởng tượng thế giới này không có ngôn ngữ
không lịch sử
không ai cần quay trở lại.

Người yêu của kẻ nghèo



Dùng chanh để trang điểm là điều duy nhất mà cô gái dám tiêu sang. Vì vậy mà da cô trắng mịn như mùi thơm rất thanh tân. Cô cắt quả chanh làm tư, mỗi ngày lấy một miếng chanh ấy vắt lấy nước bôi lên mặt. Ba miếng còn lại cô lấy giấy mỏng bịt kín vết cắt, cất đi để dành. Hàng ngày phải ướp lạnh làn da bằng mùi thơm tươi mát của nước chanh, cô mới thực sự cảm thấy buổi sáng của một ngày. Cô xoa nước vắt trái cây ấy lên vú và đùi mà không cho người đàn ông biết. Anh ta vừa hôn cô vừa nói :

-Chanh à. Em là cô gái bơi trong giòng sông chanh đến. Nếm vị chanh rồi muốn ăn cam quá.

Cô đáp “Vâng” rồi đem một đồng bạc trắngnăm xu đi mua một quả cam mang về. Như thế là cô đành phải hy sinh niềm vui cảm thấy có chanh trên làn da sau khi tắm ra. Ngoài đồng bạc trắng và mùi chanh, họ chẳng có gì cả. Thế rồi người đàn ông ngồi trước đống tạp chí cũ chồng lên làm thành bàn mà viết kịch, một vở kịch ế ẩm, mà lại dài lòng thòng nữa chứ.

-Trong vở kịch này anh sẽ dành một màn riêng có cảnh một rừng chanh cho em. Anh chưa thấy rừng chanh bao giờ nhưng đã từng thấy cả một quả núi vàng rực với những vườn quýt mikan ở Ki-i. Mùa thu, vào đêm trăng sáng, nhiều người từ mạn Osaka kéo đến xem đông lắm. Những quả quýt như những ngọn lửa ma quái nổi bật lên đây đó dưới ánh trăng, cứ như là đang nằm mơ thấy mình ở giữa một biển những ngọn đèn thắp sáng trong đêm. Màu vàng của quả chanh lại sáng hơn quýt nhiều, sẽ là những ánh lửa thật ấm áp. Trên sân khấu nếu bài trí sao cho có vẻ như vậy…

-Vâng..

-Em thấy chán lắm hả? Tất nhiên anh bây giờ thì không thể viết được vở kịch nào có nội dung tươi sáng như cảnh sắc miền nam. Muốn được thế, phải có danh vọng hẳn hoi cơ..

-Tại sao mọi người ai cũng muốn leo lên đài danh vọng thế nhỉ?

-Không thế thì không sống nổi. Thế nhưng anh bây giờ thì không mong gì có thể leo lên đài danh vọng được.

-Em không cần danh vọng đâu. Có danh vọng rồi thì được gì cơ chứ ?

-Riêng về điều này thì em cũng tân thời đấy nhỉ. Ví dụ như sinh viên thời nay, họ ghét cái chỗ đứng của họ, hay cho dù chưa đến nỗi ghét thì cũng hoài nghi. Họ phải phá bỏ nó đi, và họ biết là cái chỗ đứng ấy của họ rồi cũng sẽ bị sụp đổ. Kẻ leo lên đài danh vọng là kẻ bắc thang trên cái bệ mà họ biết là sẽ sụp đổ, nhưng họ cứ leo lên cái thang ấy. Càng leo cao lại càng nguy hiểm. Dù biết vậy, mọi người chung quanh và ngay chính hắn vẫn cứ ép hắn leo lên cái thang ấy. Ngoài ra bây giờ muốn có danh vọng thì không được có lương tâm. Đấy mới là khuynh hướng thời đại. Nghèo rồi sinh ra yếm thế như anh là cổ hủ. Nghèo mà vẫn tươi rói như quả chanh, mới là tân thời.

-Thế nhưng, em chỉ là người yêu của kẻ nghèo. Đàn ông ai cũng có danh vọng là thấy đủ rồi, và họ toàn chỉ nghĩ đến danh vọng thôi. Nhưng đàn bà, chỉ có hai loại đàn bà thôi, đó là người yêu của kẻ nghèo và người yêu của kẻ giầu.

- Em đừng có làm tàng đấy nhé.

-Thế nào rồi anh cũng có danh vọng đấy. Thật mà. Em có mắt nhìn đàn ông, giống như Thần May Mắn, không bao giờ nhầm được. Đương nhiên là anh rồi sẽ có danh vọng.

-Và rồi anh sẽ bỏ rơi em sao ?

-Chắc là sẽ như vậy thôi.

-Vì vậy mà em muốn ngăn cản không cho anh có danh vọng phải không?

-Không phải thế đâu. Lâu nay, hễ người nào có được danh vọng, em đều mừng cho họ cả mà. Em nghĩ mình như cái tổ chim, ấp quả trứng danh vọng, cho đến khi trứng nở.

-Em đừng than thở nữa. Làm anh lại nhớ đến những người yêu cũ của em, chẳng có thú vị chút nào cả. Em cũng có một điều đáng gọi là vào hàng danh gia vọng tộc, là dùng chanh trang điểm đấy là gì

-Chuyện ấy thì có gì đâu. Một quả chanh có 10 xu, đem cắt làm tư thì mỗi miếng chỉ đáng giá 2 xu rưỡi. Mỗi ngày của em chỉ có 2 xu rưỡi thôi mà.

-Vậy khi em chết, anh sẽ trồng cây chanh nơi mộ địa của em nhé ?

-Vâng. Em hay nghĩ ngợi mông lung lắm. Khi chết chắc là là em còn nghèo rũ chẳng đủ tiền dựng bia mộ, nhưng có lẽ sẽ có nhiều người mặc tang phục sang trọng đi xe ô tô tới thăm mộ em.

-Thôi em đừng nói chuyện về bọn đàn ông thành đạt nữa, hãy đuổi những bóng ma danh vọng ấy đi.

-Thế nhưng, ngay cả anh rồi cũng sẽ thành đạt mà.

Đúng như lời cô gái, niềm tin vào số mệnh của cô vững lắm, không sao lay chuyển được. Cô đúng là có con mắt của Thần May Mắn khi nhìn đàn ông, không bao giờ sai. Vì vậy chưa bao giờ cô thử yêu một gã đàn ông nào không có tài năng gì để đem danh vọng lại cho hắn.

Ông anh họ, người yêu đầu tiên của cô, đã đính hôn với một người chị em họ giàu có. Anh ta bỏ vị hôn thê giàu có này và sống với cô trên gác hai của nhà trọ nghèo nàn như một chiếc áo yukata cũ mèm. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ta dự thi kỳ thi tuyển quan chức bộ ngoại giao và đỗ hạng ba, được cử đi công tác ở đại sứ quán Nhật tại La mã. Anh ta tới gặp bố của người chị em họ giàu có kia, để xin cưới. Thế là cô đành rút lui. Người yêu thứ hai của cô là một sinh viên y khoa nhà nghèo, đã bỏ cô đi lấy vợ để có tiền xây bệnh viện. Người yêu thứ ba là người chủ một hiệu bán radio nghèo nàn trong ngõ hẻm, anh ta bảo vành tai cô có tướng làm cho tiền bạc đội nón mà đi, nên anh đã dời cửa hàng ra mặt đường lớn. Căn nhà ngoài mặt đường là nhà của vợ bé. Cô bị anh ta bỏ rơi lại cùng với căn nhà trong hẻm khi anh ta còn nghèo. Người yêu thứ tư..Rồi người yêu thứ năm...

Nhà viết kịch nghèo nàn người yêu của cô, từ khi giao du với những nhà nghiên cứu xã hội học có tư tưởng cấp tiến, cuối cùng cũng viết được một vở kịch dài. Anh ta cũng đã viết vở kịch có rừng chanh như đã hứa với cô. Nhưng anh ta đã không tìm thấy rừng chanh trong đời sống thực. Rừng chanh chỉ có trong hồi kết của kịch bản. Rừng chanh là màn cuối nơi đôi nam nữ trò chuyện trong thế giới lý tưởng, sau khi lật đổ cái bệ mà anh ta đã từng nói tới. Thế nhưng cũng vì vở kịch này mà anh ta và nữ diễn viên số một của ban kịch mới đã phải lòng nhau. Cô gái của những quả chanh lại phải rút lui như mọi lần. Đúng như cô đã đoán trước, anh ta lại thành đạt, anh đã bước lên nấc thang danh vọng.

Người yêu sau đó của cô là một anh thợ nói năng hùng hổ thỉnh thoảng tới nhà của người viết kịch người yêu của cô. Nhưng lần này không hiểu sao giác quan bén nhạy mà Thần May Mắn ban cho cô đã bị cùn nhụt đi hay làm sao ấy.

Người đàn ông này đã không thành đạt. Chẳng những thế mà anh ta còn bị mất việc vì là một người xách động biểu tình. Cô cũng đã mất đi cái giác quan biết nhìn đàn ông. Có lẽ đấy cũng là giác quan khiến cô cảm thấy mình đang sống. Với cô, như thế là hết. Hay là cô đã mệt mỏi với danh vọng rồi chăng? Hay là cô đã nhầm lẫn điều gì sâu sắc lắm.

Vào ngày tang lễ của cô, nhà viết kịch đã bước lên sân khấu vinh quang rực rỡ. Trong câu thoại do nữ diễn viên người yêu mới của anh đóng vai chính, anh thấy cô ta đang lập lại lời của người yêu cũ có mùi chanh. Vở kịch vừa kết thúc thành công rực rỡ, anh đã vội vã tới mộ địa của người yêu lúc còn nghèo, với một xe chất đầy những quả chanh ở cuối của vở kịch.

Nhưng trước bia mộ của cô gái, không biết có ai đã đem đến, có một đống những chiếc lồng đèn sáng như màu chanh.

Nhà viết kịch lẩm bẩm :

“ Ở đây đã có một rừng chanh rồi ư “


Nguyên tác: Hinja no koibito, của Kawabata Yasunari
Người dịch: Quỳnh Chi 

Cây thước kẻ gãy đôi



Từ Sâm



Thằng Tài, bạn học cùng xóm, giờ là Việt kiều. Mới về nước, nó rủ tôi bằng giá nào cũng tìm thăm thầy giáo cũ. Sau hai ngày, chúng tôi đã đến ngôi nhà nhỏ nằm bên suối, mái tranh ẩn dưới vườn cây. Sân rộng, thầy ngồi trên ghế băng. Vài ba cái bàn bằng gỗ ván để thô. Khoảng chục đứa trẻ mười, mười một, xanh xao vàng vọt như chúng tôi ngày trước. Chúng vừa thiếu ăn, như vừa qua đợt sốt rét rừng, co ro quanh thầy vòng quanh ngọn lửa.

“Trò nào chưa ăn sáng thì ăn”, thầy vừa nói vừa bưng rổ bắp luộc đang bốc khói đặt lên bàn. Dăm ba đứa vừa cạp bắp vừa đùa giỡn. “Trò An làm gì mà mọc sừng thế kia”. Thầy kéo thằng An ốm như cò hương vào lòng và xoa lên đầu nó. “Dạ hôm qua con ra suối trượt chân té vào đá, mẹ con bóp nước tiểu hết đau rồi”. “Sáng nay thầy có khách các trò nghỉ”, thầy dặn.

Bọn trẻ đã về hết. Thầy đút cái thước kẻ vào vách tranh như đút gươm vào vỏ. “Dạ con là Tài và đây là Sĩ ở làng Nguyệt Ánh xã Tân Minh thầy nhớ không”. “Sĩ thì thầy hơi quên nhưng Tài thì thầy làm sao quên được, thực tình thầy cũng muốn gặp em. Già rồi, lực bất tòng tâm mà tìm em thì bóng chim tăm cá”. Mắt thầy mọng nước. Mấy chục năm rồi. Thầy như con hạc gầy trong gío đông. Ôn lại những ngày cũ, ký ức còn vẹn nguyên.

“Hôm đó, gía mà con quay lại”. Tài nói, giọng run rẩy “thầy tha lỗi cho con”. “Chuyện đã qua rồi“, thầy an ủi.

Thầy chủ nhiệm lớp tôi. Tài “khỉ đột”, biệt danh của nó. Ngồi bàn đầu, thầy có ý cho nó nhìn lên, ai ngờ nó chuyên nhìn xuống. Cái thằng tính nào tật ấy, khi thầy viết bảng nó quay mặt lại ném cục đất ướt vào đứa này, vứt con thằn lằn chết vào đứa nọ làm cả lớp hoảng sợ. Nhắc đến lần thứ ba nó vẫn không chừa, thầy giơ cây thước gõ vào đầu nó, cây thước gãy đôi rơi xuống sàn khô khốc. Mắt thầy khờ dại, đờ đẫn, tay run rẩy, buông xuôi. Mắt nó đỏ lựng rồi chuyển sang tím tái. Nó chạy ra cửa. Thầy gọi theo, bóng nó xa dần.

Nó là con một, được cưng chiều, mà lại con của cán bộ huyện phụ trách văn xã.

Thấy con về sớm, hỏi ra, biết chuyện. Mẹ nó sờ lên đầu thấy cục u bằng quả trứng gà thêm cái miệng rống như tiếng trống, thế là có chuyện. Chuyện vỡ ra như tổ ong. Thầy im lặng không nói gì. Buổi sáng chào cờ sau đó một tuần, thầy hiệu trưởng đọc quyết định, trong đó có câu “không thể chấp nhận người thầy như thế dưới chế độ tươi đẹp XHCN...”.

Sau này tôi mới biết, thầy bị đuổi và ghi vào lý lịch nên không bao giờ được ở trong ngành giáo dục.

Thầy nở nụ cười hằn nếp nhăn quá khứ. “Thầy về quê, không ruộng, không vườn, lại mang án kỷ luật nên không thể vào bất cứ cơ quan nào. Hết đường làm ăn, thầy đi kinh tế mới và chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Cái lớn nhất mà thầy có được là vẫn theo nghề dạy học, dù dạy không lương, không biên chế”.

“Trước khi bàn giao thầy chủ nhiệm mới, thầy có ghi vào học bạ của Tài “Thầy xin lỗi em và gia đình sự việc vừa qua, nếu được uốn nắn em sẽ trở thành người có ích sau này”, thầy chậm rãi. “Khi hết cấp chuyển học bạ con mới biết, mẹ con cũng ân hận lắm. Nhờ cái thước của thầy mà con tiến bộ dần. Con tìm thầy để giải tỏa nỗi đau mấy chục năm nay khi nghĩ về thầy. Hôm đó con chọi đá với mấy đứa xóm dưới. Cái thước bằng gỗ thông mỏng dính, gõ nhẹ mặt ngang là gãy liền, hồi đó con còn nông cạn …”. “Thầy cũng nghĩ như thế, nhưng cuộc đời tình ngay lý gian, trọng chứng hơn trọng cung”.

Nói đoạn, thầy vào nhà lấy trong hòm gỗ cũ một thanh gói gém cẩn thận. Lớp giấy báo cuối cùng được gỡ ra. “Thầy coi nó là một kỷ niệm và lấy đó răn mình khi xử sự”. Thằng Tài không tin nổi mắt mình, nó cầm hai mảnh gỗ nhẹ tênh, mỏng dính gắn vào nhau. Vết gãy được hàn gắn, liền thành một khối, như vết thương được băng bó lành lặn - cây thước kẻ gãy đôi.

Cái thước kẻ làm thay đổi cuộc đời nó và cũng làm thay đổi cuộc đời thầy.

Ngoài kia suối vẫn trong vắt, nắng vẫn ngập tràn. Lũ trẻ ríu rít từ trường về nhà như bầy chim mới ra ràng.

Tôi lương 3 triệu vẫn giàu hơn khối người tiền tỷ



Quan niệm giàu nghèo mỗi người mỗi khác. Người coi việc lương hàng tháng cao, có hàng hiệu, xe hơi là giàu. Còn có người chỉ cần có gia đình vui vẻ, ăn đủ sống, tiết kiệm có dư chút đỉnh gọi là giàu.



Bạn có 1 tỷ đồng trong tài khoản là bạn giàu? Đúng là bạn giàu hơn người có vài trăm triệu thật, nhưng bạn lại nghèo hơn người có 10 tỷ đồng rồi.

Nhiều người có 10 tỷ đồng nhưng tinh thần không thoải mái, lúc nào cũng dằn vặt vì tiền. Như tôi đây, một công chức tỉnh lẻ, lương 3 triệu nhưng có thời gian chăm sóc cha mẹ thì tôi vẫn cảm thấy mình giàu có.

Theo dõi loạt bài về vấn đề giàu nghèo tôi thấy mọi người hầu như chỉ chú trọng về tiền bạc, ai tiền nhiều mới gọi là giàu, ai ít tiền là nghèo.

Quan điểm của tôi thì khác. Giàu hay nghèo do mỗi người tự cảm nhận về cuộc sống của mình có đầy đủ hay chưa? Đầy đủ về mặt vật chất và cả tinh thần, theo tôi mặt tinh thần lại quan trọng hơn vật chất.

Giàu về mặt vật chất là giàu như thế nào? Bạn có 1 tỷ trong tài khoản là bạn giàu? Hay 10 tỷ? Bạn có 1 tỷ thì bạn giàu hơn người có vài trăm triệu, nhưng bạn nghèo hơn người có 10 tỷ. Ý tôi nói ở đây là tính tương đối của vấn đề nên đừng nên đặt nặng việc phân biệt giàu nghèo về mặt vật chất.

Giàu về mặt tinh thần là sao? Tôi có thể làm nhân viên ăn lương nhà nước ở tỉnh lẻ. Lương nhà nước theo mặt bằng xã hội dù sao cũng là tính tương đối, tức là tôi giàu hơn rất nhiều người và nghèo hơn rất nhiều người ở đây, ở tỉnh khác, ở thành phố...

Nhưng tôi cảm thấy mình giàu rồi vì tôi đã chọn đúng, tôi đã chọn tỉnh lẻ ở quê nhà để có cơ hội chăm sóc bà tôi, phụ giúp chuyện gia đình tôi. Tôi rất giàu vì tôi có vợ cũng hiện đang làm gần với tôi, chiều đi làm về có thể chở nhau đi dạo một tí rồi phụ việc kinh doanh của cha mẹ.

Quan niệm giàu nghèo mỗi người mỗi khác. Người coi việc lương hàng tháng cao, có hàng hiệu, xe hơi là giàu. Còn có người chỉ cần có gia đình vui vẻ, ăn đủ sống, tiết kiệm có dư chút đỉnh gọi là giàu.

Có người chỉ cần trả được số nợ 3 triệu đồng đã nợ gần chục năm chưa trả được vẫn coi là mình đã giàu.

3 triệu đồng với các bạn chỉ được một chầu nhậu, mua một cái điện thoại "dỏm" là hết. Nhưng nhiều người ta đã khóc rất to, khóc nức nở vì hạnh phúc khi trả được 3 triệu nợ.

Có bao giờ các bạn nghĩ hay gặp những trường hợp sau:

- Bạn nghĩ sẽ cố gắng bươn chải nơi thành phố để kiếm thật nhiều tiền rồi lo cho ông bà cha mẹ. Ông bà, cha mẹ mình còn sức khỏe mà, mình cứ cày trước chục năm, 15 năm rồi chăm lo mọi người sau cũng được. Nhưng bỗng nhiên, lý do nào đó (bệnh tật, tai nạn, hay thậm chí người nhà bạn có bệnh nhưng giấu) qua đời đột ngột. Bạn chưa kịp làm gì, chưa kịp tăng một món quà nhân ngày đầu lãnh lương hay lên chức thì sao? Bạn đã bỏ qua cơ hội làm người cháu, người con hiếu thảo rồi đó.

- Bạn là đôi vợ chồng trẻ, có chí muốn làm giàu, muốn có nhà nhanh, có xe đẹp, iPhone... nên chấp nhận làm việc xa nhau để có mức lương cao. Vợ ở một tỉnh, chồng một tỉnh, cuối tuần gặp nhau một lần, rồi công việc nhiều hơn, quan hệ xã hội nhiều hơn, thời gian gặp nhau, số lần gặp nhau bị giãn cách ra.

Chồng nhớ vợ, vợ nhớ chồng, hay chồng đi nhậu vợ điện thoại không bắt máy, vợ buồn, suy nghĩ ghen tuông này nọ dẫn đến mất tin tưởng lẫn nhau, tình cảm có dấu hiệu phai nhạt... Vậy thì theo bạn, mỗi người làm lương cao để làm gì? Bạn có thật sự hạnh phúc? Bạn có là người giàu không?

Bạn là cặp vợ chồng trung niên, có con cái đầy đủ? Bạn là chủ doanh nghiệp, trưởng phòng... Lương bạn rất rất cao, một tháng thu nhập của bạn có thể mua được chiếc xe. Nhưng vì quá lo làm việc bạn cứ tung tiền cho con cái tự đi học, tự đi chơi rồi hư hỏng hết. Ngày nào đó bạn thấy con bạn lên tivi vì tội "đập đá" chẳng hạn thì bạn là người giàu chăng?

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, cảm nhận về cuộc sống mỗi người không giống nhau nên đừng quá áp đặt suy nghĩ của mình về vấn đề giàu nghèo lên người khác.

Chỉ có những người làm giàu không chính đáng, những người có sức lao động nhưng không sử dụng hay những người làm thì ít nhưng có tâm lý muốn hưởng thụ, mượn tiền đầu này, vay tiền đầu kia để sống xa hoa lãng phí thì mới đáng trách.

ANH MINH

Bi kịch của trẻ em khi cha mẹ nghiện Facebook



Cuộc sống càng hiện đại, con người ta càng đắm chìm vào thế giới ảo mà quên đi thế giới thật. Máy tính càng ngày càng nhỏ gọn, tiện dụng cho việc mang đi xa, điện thoại di động thì ngày càng thông minh, tích hợp nhiều công năng hơn. Xã hội ảo đang dần dần lấn sang xã hội thật, xuất hiện những căn bệnh mà chỉ có thế hệ @ mới hiểu được.


Bệnh đang lây lan rất nhanh là bệnh nghiện máy tính, nghiện Facebook. Chỉ ở thời đại @ mới có những chuyện thật nghe như đùa, có người phải thuê người tát vào mặt mình để cai nghiện Facebook, chú rể ngắt cả lời linh mục để cập nhật tình trạng hôn nhân của mình lên Facebook.

Thậm chí đau xót hơn, 'bận rộn' với trò chơi trên Facebook, Shannon Johnson, 34 tuổi ở bang Colorado, Mỹ, bỏ mặc con trai một tuổi chết đuối trong chậu nước. Một cặp vợ chồng người Hàn Quốc cũng vì mải mê chat trên mạng xã hội này mà để con mình chết đói.

Theo Cossette, trung bình một người dùng vào Facebook 20 lần/ tuần, mỗi lần trên 1 tiếng, như vậy có nghĩa một ngày trung bình chúng ta dành cho Facebook 3 tiếng đồng hồ. 3 tiếng đó chúng ta lấy ở quỹ thời gian nào? Tranh thủ lúc làm việc ở cơ quan ư? Hay là vào Facebook khi về nhà?

Nếu dùng ở cơ quan thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến công việc. Còn nếu dùng ở nhà thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Nhiều công ty đã nhận ra thủ phạm khiến công việc trì trệ nên đã chặn luôn Facebook trong giờ làm việc. Thế là các "facebooker" dành thời gian lượn lờ mạng xã hội tại nhà.

Một khảo sát của Anh mới đây đã phát hiện ra rằng, Facebook phải chịu trách nhiệm cho trên 20% vụ ly hôn ở đất nước này. Khảo sát đó được thực hiện trên 5.000 đơn xin ly hôn và phát hiện 989 trường hợp có nhắc đến các mối quan hệ trên mạng.

Đấy là các cuộc hôn nhân, còn với trẻ em thì Facebook ảnh hưởng thế nào?

Theo chuyên gia tại đại học Oxford (Anh), não của trẻ em không phát triển đúng cách sau khi được tiếp xúc nhiều với mạng xã hội. Các phản hồi của giáo viên tiểu học ở Anh cũng cảnh báo rằng, tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội làm giảm khả năng tập trung của trẻ.

Còn tại BV Nhi Đồng 1, 45% trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đến khám do chậm nói. Một trong những nguyên nhân chính là do cha mẹ không trò chuyện cùng con cái. Phải chăng vì bố mẹ bận đi làm nên không có thời gian nói chuyện với con? Nhưng ghi nhận thực tế tại khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, bác sĩ trưởng khoa Thái Thanh Thủy cũng nhận xét, phần lớn trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm nói... đến đây điều trị đều sinh ra trong những gia đình khá giả.

Vậy do đâu tỷ lệ trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ càng ngày càng tăng cao? Do trẻ phải chia sẻ cha mẹ mình cho những thú vui khác của bố mẹ như chơi game, chat chít, lượn "fây"...

Ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, lứa tuổi hình thành nhân cách và học qua giao tiếp trong gia đình, cảm nhận cuộc sống qua bố mẹ và người thân. Các bé sẽ học được gì khi bố mẹ chơi với con nhưng tay vẫn nhăm nhăm cầm điện thoại, thấy màn hình sáng lên báo có người vừa cập nhật Facebook là vội vàng vào xem ngay?

Và với bản tính của trẻ con, bé cũng muốn cầm điện thoại chơi vì rõ ràng đó là một món đồ tuyệt vời vì ba mẹ luôn kè kè nó suốt ngày. Để rảnh rang cho việc "lượn fây", bố mẹ sẵn sàng đưa cho con chiếc điện thoại khác, hoặc máy tính bảng... Và thế là gia đình ta thành gia đình công nghệ, mỗi thành viên đều có một đồ chơi công nghệ để giải trí. Không ai ảnh hưởng đến ai. Con thì ngoan, không quấy khóc đòi hỏi nhiều.

Nhưng có ai biết đấy là kẻ thù vô hình khiến trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ tăng cao. Theo giáo sư Baroness Greenfield, giáo sư về dược lý học tại đại học Oxford (Anh): bộ não con người đã tiến hóa để phù hợp với môi trường xung quanh và cần một "môi trường kích thích” để tăng trưởng và phát triển tốt. Vậy các em sẽ tăng trưởng thế nào khi làm bạn với đồ chơi công nghệ?

Cũng theo giáo sư Baroness Greenfield, trẻ em dưới 5 tuổi sẽ học qua cách giao tiếo bằng mắt với cha mẹ, người thân. Nếu trẻ không được rèn luyện cách nhìn vào mắt người khác, "dịch" ngôn ngữ cơ thể của họ và sử dụng các giao tiếp phi ngôn ngữ hợp lý, trẻ sẽ chậm nói, sợ người lạ, rút vào thế giới riêng của trẻ và dần dần thành trẻ tự kỷ.

Các bé sẽ "dịch" gì từ ngôn ngữ cơ thể bố mẹ khi bố mẹ vừa nói chuyện với mình nhưng mắt thì chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại, màn hình máy tính? Và chắc chắn bé không thể giao tiếp bằng mắt với bố mẹ được.

Máy tính bảng có thể làm cho bé ngồi yên một chỗ nhưng không dạy bé nói, không dạy bé giao tiếp. Thế giới của bé chỉ xoay quanh các trò chơi trên máy tính, điện thoại của bố mẹ.

Dần dần các bé sẽ xa rời với thế giới thật, bé sẽ chỉ muốn quay lại thế giới ảo, bé sẽ khóc lóc đòi điện thoại, máy tính... món đồ chơi quen thuộc của bé. Cha mẹ thấy phiền lòng vì con quấy khóc, cản trở mình bèn đáp ứng yêu cầu của bé rồi yên tâm ngồi ôm máy tính của mình lòng rất vui vì con mình ngoan, biết chơi một mình không bám lấy bố mẹ.

Bất cứ ai khi làm cha, làm mẹ thì đã trở thành những nhà giáo dục. Nếu làm giáo dục mà không chuyên tâm thì chúng ta sẽ đào tạo ra những sản phẩm vô cùng tồi tệ. Làm sao chúng ta có thể chuyên tâm khi vừa nói chuyện với con, mắt vừa chăm chăm đọc trạng thái (status) cô bạn mới viết. Làm sao chúng ta có thể chuyên tâm trả lời câu hỏi của con khi đang mải chơi game?

Vì tương lai con em chúng ta, hay chúng ta đề nghị Mark Zuckerberg hạn chế người dùng Facebook có con dưới 5 tuổi? Trước khi đợi Zuckerberg thay đổi Facebook, chúng ta hãy tự ép mình "cai" Facebook, "cai" các đồ chơi công nghệ đã:

- Khi định bật máy tính bạn phải trả lời được các câu hỏi sau: bật máy tính để làm gì? Có cần thiết phải bật máy lên không?

- Trước khi bật máy tính bạn hãy ra chơi với con 15' - nửa tiếng.

- Đặt lịch lên Facebook ( trong khung giờ bé đã ngủ).

Chỉ cần thực hiện đúng 3 bước này trong 1 thời gian, chắc chắn bạn sẽ cai được Facebook, đồ chơi CN.

Theo MEGAFUN

Khoa học Việt Nam kẹt trong phi chuẩn mực, tư duy ăn xổi



Việt Nam là nước đi sau về khoa học và công nghệ (KH-CN). Ta du nhập cách làm KH-CN, ban đầu từ các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu (ở miền Bắc), gần đây từ các nước tư bản Âu-Mỹ. Ý thức hệ và thiết chế của hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, song tư duy và cách nghiên cứu khoa học lại khá giống nhau.





Học họ, nhưng ta chẳng giống ai, có chăng chỉ là những bề nổi bên ngoài, như các danh hiệu giáo sư, tiến sỹ, còn cốt lõi bên trong thì theo cách tư duy của mình- GS Phạm Duy Hiển.


Từ chối chuẩn mực phổ quát trong nghiên cứu khoa học

Ở nước ngoài, chức danh tiến sỹ khẳng định anh đã vượt qua những đòi hỏi gắt gao về học thuật để có thể bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hoặc giảng dạy đại học. Ở ta, thiếu tấm bằng tiến sỹ chẳng những không vênh vang được với thiên hạ mà không thể chen chân vào nhiều chức quan. Có nơi còn quy định 50% cán bộ thuộc thành ủy quản lý phải có bằng tiến sỹ (TuanVietnam.net, 29/10/2012).

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 Việt Nam phải có sáu vạn tiến sỹ để đáp ứng quy mô mở rộng hệ thống đại học với 450 sinh viên trên một vạn dân, không cần biết hiện có bao nhiêu người hướng dẫn và phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu.

Cách quy hoạch ngược đời này đang lạm phát ồ ạt bằng tiến sỹ, thực học không cần, chuẩn mực khoa học bị gạt bỏ, chưa kể bằng dởm, viết luận án thuê, đang tràn lan (ANTĐ, 28/10/2012).

Ở nước ngoài, giáo sư phải là người sáng tạo ra tri thức mới qua hàng loạt công trình được đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới trích dẫn và sử dụng. Ở ta, trong Quy chế bổ nhiệm giáo sư mới sửa đổi gần đây để tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế vẫn chưa có điểm sàn tối thiểu, chẳng hạn yêu cầu giáo sư phải có một vài bài báo quốc tế.

Giáo sư ở ta được tính điểm khoa học chủ yếu dựa trên 900 ấn phẩm nội địa, nhưng chưa có tạp chí nào trong số này, kể cả những tạp chí tiếng Anh, lọt vào Web of Knowledge của Thomson Reuter (ISI). Đây là cơ sở dữ liệu chứa những thông tin cơ bản về các công trình khoa học có phản biện quốc tế đăng trên một vạn tạp chí hàng đầu, bao quát mọi ngành khoa học, kỹ thuật, xã hội, nhân văn và nghệ thuật.

Tuy không đâu quy định chính thức, song ISI được giới khoa học khắp nơi xem như chuẩn mực, một bộ lọc bảo đảm chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học, qua đây khẳng định chỗ đứng của nhà khoa học trên mặt tiền thế giới.

Các tổ chức quốc tế cũng dựa vào số bài báo có phản biện quốc tế và số bằng sáng chế để xếp hạng đại học, trình độ khoa học và năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Cách làm này chưa thể xem là tuyệt hảo, song tương tự như GDP, tuy còn khiếm khuyết vẫn được dùng làm thước đo sức mạnh của nền kinh tế. Cho nên né tránh các diễn đàn khoa học quốc tế chẳng khác nào vận động viên cấp quốc gia chê đấu trường Olympic.

Mãi gần đây, công bố quốc tế mới được dùng làm căn cứ để đánh giá các đề tài khoa học cơ bản. Nhưng công bố quốc tế lại không đòi hỏi đối với các nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật, xã hội, nhân văn chiếm hầu hết ngân sách và nguồn nhân lực khoa học của đất nước, lại có tác động trực tiếp đến quốc kế dân sinh.

Các ngành xã hội nhân văn chiếm ba phần tư số ấn phẩm khoa học nội địa hầu như không có mặt trên các tạp chí quốc tế. Các kết quả nghiên cứu này đúng sai đến đâu, rất khó biết. Trong nhiều thập kỷ gần đây diện mạo khoa học xã hội nhân văn trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn nhờ có sự xâm nhập của toán học và các khoa học tự nhiên.

Nhiều hướng nghiên cứu đa ngành xuất hiện, khoa học tự nhiên và xã hội đan xen nhau, không thấy đâu phân chia riêng rẽ như ở ta. Khoa học xã hội nhân văn của ta đang lạc lõng khỏi thế giới.

Vì sao cho đến nay các diễn đàn khoa học quốc tế không được chấp nhận? Trong số các giáo sư được bổ nhiệm mấy năm gần đây chỉ những người làm Toán và Vật lý có 4-5 bài báo quốc tế trở lên, đa số những giáo sư nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật và xã hội, nhân văn chỉ công bố công trình trong nước.

Nhiều người trong số này lập luận rằng nghiên cứu ứng dụng cốt mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, cần gì những mục tiêu hàn lâm. Lập luận này phù hợp với quan điểm nhiều người trong giới quản lý và các cơ quan cấp kinh phí, nên có tác động đến chính sách.

Trên thực tế rất khó đánh giá một công trình nghiên cứu mang lại “lợi ích kinh tế thiết thực” bằng cách nào (xem phần sau). Vả lai, trong số hàng triệu công trình nghiên cứu hàng năm trên thế giới chỉ một số rất ít có tiềm năng trực tiếp tạo ra những ứng dụng nào đó.

Trong khi đó, nghiên cứu khoa học có sứ mạng tìm ra tri thức mới, mà cái mới lại rất dễ khẳng định qua bài báo có phản biện quốc tế. Những khám phá trong khoa học cơ bản là tri thức mới đã đành, những quy luật tự nhiên, xã hội ở Việt Nam mà thế giới chưa biết, những phiên bản ứng dụng có thêm phát hiện mới trong điều kiện cụ thể ở nước ta … vẫn cứ rất mới với thế giới, miễn là nhà khoa học phải am tường mọi kết quả nghiên cứu và phương pháp luận hiện đại nhất, từ đó tìm được chỗ đứng dành cho kết quả nghiên cứu của mình trên mặt tiền khoa học.

Cũng phải thừa nhận rất khó tìm được chỗ đứng trên mặt tiền khoa học nếu không có thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Chính khó khăn này giải thích tại sao công bố quốc tế của Việt Nam nghiêng hẳn về Toán và các môn lý thuyết.

Số bài báo quốc tế về khoa học thực nghiệm, ứng dụng và kỹ thuật quá ít, không tương xứng với quy mô nhân lực và đầu tư, và ít hơn hẳn các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia.

Bước đột phá trong chiến lược KH-CN 2011-2020
Gần đây lãnh đạo Bộ KHCN đã tạo ra bước đột phá rất đáng mừng, chính thức khẳng định công bố quốc tế là thước đo năng lực nghiên cứu khoa học của đất nước. Chiến lược KH-CN 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) nêu rõ mục tiêu (thứ hai) tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giớí.

Tăng số lượng công bố quốc tế 15-20%/năm là mục tiêu hoàn toàn khả thi, Ngay trong mười năm 2000-2009 chúng ta đã đạt tốc độ 15-16%/năm, ngang với Thái Lan và Malaysia, chỉ kém Trung Quốc (20%/năm), nhưng nhanh hơn Philippines và Indonesia (5,7%/năm).

Song số lượng công bố quốc tế chưa phản ảnh đầy đủ năng lực nghiên cứu và hiệu quả đầu tư cho khoa học của một quốc gia. Phân tích các công bố quốc tế của Việt Nam và 11 nước Đông Á cho thấy chất lượng các bài báo (dựa trên chỉ số trích dẫn trung bình) của Việt Nam còn thấp, nhiều ngành trực tiếp liên quan đến quốc kế dân sinh chưa có công bố quốc tế, và phần lớn đồng tác giả Việt Nam không đóng vai trò chính trong các công trình.

Số công trình do nội lực chỉ chiếm 30%, vào loại thấp nhất khu vực, so với 90% ở Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan (xem bài “A comparative study of research capability of East Asian countries and implication for Vietnam” đăng trên Higher Education, Vol. 60, trang 615-625, bản dịch tiếng Việt trên Tia Sáng, 22/06/2010).

Bước đột phá trong “Chiến lược” sẽ đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng lạc lõng bấy lâu nay để sớm sánh vai với các nước, nhanh chóng tiếp cận mặt tiền khoa học. Song muốn đạt được các mục tiêu trong “Chiến lược” cần có những đột phá mới để khoa học Việt Nam khỏi bị mắc kẹt trong những tư duy, cơ chế và cơ cấu tổ chức bất cập hiện nay.

Hành chính hóa hoạt động nghiên cứu khoa học

Chỉ bám vào nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước, lại thiếu chuẩn mực nghiêm túc, hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào tình trạng hành chính hóa, do các quan chức hành chính cầm cân nẩy mực.

Họ là những người chưa hề nghiên cứu khoa học, hoặc nếu xuất thân từ giới khoa học, họ sẽ ném ngay “hòn gạch gõ cửa” sau khi lọt vào chốn quan trường (Lỗ Tấn, Khổng Phu tử ở Trung Quốc đời nay, bản dịch Phan Khôi). Đối với nhiều người trong số họ, khoa học giờ đây chỉ còn là chiếc áo khoác bên ngoài, bên trong là danh, quyền và tiền, những cạm bẫy rất ít ai thoát khỏi.

Hành chính hóa nghiên cứu khoa học đặt ra luật chơi hành chính. Đề tài các cấp vận hành theo kiểu hợp đồng kinh tế như ra đầu bài, đấu thầu, tuyển chon, kiểm tra tiến độ v.v…Kinh phí được quyết toán dựa trên số ngày công khai báo cho từng thành viên tham gia, số trang dịch thuật, tiền thuê mướn nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao v.v…

Sản phẩm phải mục sở thị như quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn nhà nước, phần mềm, số cơ sở sử dụng các kết quả v.v.... Để được nghiệm thu lại phải có đầy đủ các chứng từ, hóa đơn thanh toán hợp “lệ”. Chỉ có bài báo quốc tế là không đòi hỏi.

Bởi bài báo quốc tế yêu cầu cao hơn hẳn. Đó là phát hiện mới (new findings), tính độc đáo (originality), góp phần đẩy hướng nghiên cứu lên phía trước (significant advances in field) và phương pháp luận hiện đại (state-of- the art approach).

Không cần hội đồng đông người, chỉ một trong hai phản biện lắc đầu, bài báo sẽ bị từ chối. Rõ ràng từ đề tài được Bộ KH-CN nghiệm thu đến bài báo quốc tế được chấp nhận là một khoảng cách rất xa, đầy thách thức, nhiều người đành bỏ cuộc vì không còn kinh phí và thời gian, họ phải lao tiếp vào đề tài mới để tồn tại.

Song những đề tài, luận án nói trên lại được dùng làm căn cứ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Theo Quy chế, giáo sưphải hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Các tân giáo sư sẽ được phân vai mới trong hệ thống hành chính, chủ trì các đề tài, dự án, chương trình nhà nước, có tiếng nói nặng cân hơn trong các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu. Cuộc chơi trên sân nhà có thêm vai diễn mới, không thấy hồi kết.

Hành chính hóa nghiên cứu khoa học bộc lộ nhiều lỗ hổng làm nơi ẩn chứa cơ chế xin cho, ban phát, vốn là sản phẩm của thời bao cấp. Thời nay, mỗi đề tài, dự án cấp Bộ trở lên thường được cấp từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng, nên không còn ai ban phát vô tư nữa, kẻ cho người nhận đều phải biết hành xử theo “luật thị trường”.

Có hội đồng khoa học để xét duyệt và nghiệm thu, nhưng hội đồng lại do chính bộ máy hành chính lập ra để dễ dàng hợp thức hóa các ý định của mình. Hội đồng chỉ bàn về học thuật không tham gia xét duyệt kinh phí cho đề tài, việc này thường được dàn xếp giữa người ban phát và người nhận. Tiếng nói chính trực thường là thiểu số và sẽ không có cơ hội trong các lần sau.

Dễ hiểu tại sao nạn gian dối – điều tối kỵ nhất trong khoa học - lại lên ngôi trong những năm gần đây. Khai gian, khai khống các khoản chi là chuyện thường tình. Mọi người đều gian dối nên không ai phải xấu hổ. Bịa số liệu, đạo văn, thuê viết luận án …ngày càng phổ biến.

Nhóm lợi ích hình thành qua các đề tài dự án, che chắn nhau rút ruột kinh phí nhà nước. Phi chuẩn mực và hành chính hóa làm cho môi trường học thuật ở nước ta ngày một tù mù, vàng thau lẫn lộn, nghiên cứu khoa học trở nên tùy tiện, đề tài nào, công trình nào cũng xem là nghiên cứu, hội thảo nào cũng có thể gán thêm mác khoa học. Báo chí và xã hội không phân biệt được thực và giả, nhà khoa học đích thực với những người khoác áo khoa học.

Từ môi trường học thuật này không thể xuất hiện đỉnh cao mà chỉ có số đông làng nhàng, thiếu chuyên nghiệp. Lao vào quan trường là con đường tiến thân độc đạo, số người theo đuổi học thuật đến cùng hiếm dần, thành phần ưu tú ngày càng vắng bóng trong lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học và ngay ở những cơ quan đầu não về KH-CN. Rất đông tài năng trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài không tìm thấy đất dụng võ khi trở về nước. Thực trạng này liệu các nhà lãnh đạo có biết?

Không thành công trong nội địa hóa công nghệ
Nhà nước có chủ trương nội địa hóa công nghệ, nhưng thiếu quyết sách. Hàng điện tử và công nghệ cao là mũi nhọn xuất khẩu, dự kiến đến 2020 kim ngạch lên đến 45% để minh chứng cho mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại của đất nước. Riêng chín tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu lên đến 15 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch.

Song phần lớn là sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài, và đằng sau những con số ấn tượng trên là một sự thật ê chề: “trong mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam nhập 100% linh kiện nước ngoài…, phần nội địa hóa chỉ là vỏ nhựa, thùng các tôn và xốp” (SGGP, 25/9/2012).

Về cơ khí, nội địa hóa công nghiệp ô tô trong hơn hai thập kỷ qua chỉ đạt vài phần trăm (Vneconomy, 03/07/2012), xem như thất bại. Công bằng mà nói, thành tích nội địa hóa công nghệ ấn tượng nhất chính là mấy con tàu trọng tải 50 nghìn tấn được VINASHIN cho hạ thủy và xuất khẩu. Nhưng VINASHIN vỡ nợ, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Các học giả có dịp ném đá vào đống đổ nát mà ít ai quan tâm nhặt ra từ đó bài học nội địa hóa công nghệ thành công hay thất bại.

Có nhiều lợi thế hơn VINASHIN, nhưng TKV và EVN cũng không chịu nội địa hóa công nghệ. Theo Quyết định 167/2007/QĐ- TTg, hàng chục nhà máy chế biến alumina sẽ được xây dựng từ năm 2007 dến 2025 trên Tây Nguyên, nhưng không có từ ngữ nào nhắc đến lộ trình nội địa hóa công nghệ, trong khi Việt Nam sở hữu một tiềm năng bô xít lớn thứ năm thế giới.

Chính phủ cũng không yêu cầu TKV hứa hẹn đến bao giờ sẽ có công nghệ Việt Nam. Mẻ alumina đầu tiên đang chậm tiến độ hơn hai năm, và trên thực tế cả đại dự án bô xit đang gặp bế tắc, chính phủ phải rút quy mô chỉ còn hai nhà máy thí điểm. Một kết quả nhãn tiền, bởi không chỉ công nghệ, mà cả khoa học cũng đứng ngoài. Bao nhiêu bài toán kinh tế, kỹ thuật, môi trường, xã hội … chưa được nghiên cứu thấu đáo trước khi ra Quyết định.

Hàng chục nhà máy điện chạy than được EVN xây dựng trên khắp cả nước đều rơi vào tay nhà thầu nước ngoài. Không biết đến bao giờ mới thấy tua bin và máy phát điện do người Việt tự chế tạo. Trong khi đó, EVN đi tắt đến thẳng điện hạt nhân, đề xuất đưa vào vận hành hàng chục lò phản ứng từ 2020 đến 2030.

Nhiều ý kiến phản bác hoặc đề nghị đình hoãn kế hoạch mạo hiểm này sau khi xảy ra thảm họa Fukushima. Nhưng chúng đều lọt thỏm trong luồng dư luận phải làm điện hạt nhân mới có quốc phòng mạnh, mới có nước Việt Nam hiện đại vào năm 2020.

Thành ra hiện đại hay không là ở người tiêu dùng. Nói nôm na, với chiếc iphone 5S bên tay lái Mercedes ngày một phổ biến trên các xa lộ nước ta, người Việt cũng hiện đại không kém người Mỹ, người Đức. Đó là nhờ ta biết đi tắt đón đầu, đúng như lời một vị Bộ trưởng dõng dạc thuyết phục Quốc Hội trước đây ba năm: “xây dựng đường sắt cao tốc Bắc –Nam chính là phương án đi tắt đón đầu lên thẳng hiện đại”.

Không có bằng sáng chế

Không có sản phẩm từ công nghệ Việt Nam, bằng sáng chế cũng không có nốt. Việt Nam hầu như không có bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ (US Patent and Trademark Office, US PTO). Trong khi đó, năm 2011 Indonesia và Philippines sở hữu hàng chục bằng, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc còn nhiều hơn gấp bội.

Báo chí đổ lỗi cho 9000 giáo sư/ phó giáo sư (VietNamNet, 5/11/2012) khiến mọi người có dịp mang các vị ra đàm tiếu mà không biết rằng nghiên cứu khoa học khác nghiên cứu công nghệ. Sản phẩm nghiên cứu khoa học là tài sản chung cho mọi người cùng sử dụng, bằng sáng chế là bí quyết công nghệ của doanh nghiệp được bảo vệ và mua bán thông qua cơ quan đăng ký. Chính doanh nghiệp, chứ không phải tác giả, phải bỏ tiền ra để đăng ký bằng sáng chế và hưởng lợi từ việc mua bán nầy.

Đâu phải làm thơ, nhà khoa học lấy đâu ra bằng sáng chế khi doanh nghiệp không yêu cầu. Thiếu bằng sáng chế chứng tỏ trình độ quá thấp của nền công nghiệp nước nhà. Chúng ta chỉ du nhập công nghệ từ nước ngoài để sản xuất, mà không nội địa hóa để có công nghệ của mình. Nếu cần thay thế công nghệ, doanh nghiệp sẽ đi mua, hơn là đầu tư nghiên cứu.

Tư duy ăn xổi
Dù sao, thiếu bằng sáng chế cũng đặt ra dấu hỏi về tính thiết thực và hiệu quả của nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam hai thuật ngữ khoa học và công nghệ luôn gắn với nhau, thậm chí đồng nhất với nhau trong cùng một khái niệm như thị trường khoa học công nghệ, hội chợ khoa học công nghệ v.v…

Chính sự nhập nhằng này trong tư duy làm cho nghiên cứu công nghệ đích thực vẫn là bãi đất trống. Đây là hệ quả của tư duy ăn xổi, muốn nghiên cứu khoa học phải cho ra ngay sản phẩm trên thị trường.

Khoa học và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau, nghiên cứu khoa học tạo ra mảnh đất cho công nghệ phát triển, và ngước lại. Tuy nhiên ngay trong số hàng triệu bài báo khoa học công bố hàng năm trên thế giới, rất ít công trình có tiềm năng tạo ra công nghệ hay dịch vụ.

Nếu có, còn phải trải qua nhiều khâu, đòi hỏi thời gian, công sức và kinh phí. Kết quả nghiên cứu phải được kiểm nghiệm và củng cố bằng nhiều nghiên cứu mới tiếp theo, bảo đảm chất lượng (QA), prototype, quy mô pilot, thử sai (trial by error) nhiều lần trước khi đưa ra ứng dụng.

Tư duy ăn xổi bỏ qua các khâu quan trọng này, nên nghiên cứu khoa học sinh ra những đứa trẻ đẻ non, chết yểu, làm thất thoát nguồn kinh phí lớn của nhà nước.

Bao nhiêu đề tài chế tạo thiết bị với tính năng “chẳng kém nước ngoài”, nhưng chỉ là đơn chiếc mang trưng bày ở triển lãm, hội chợ, sau vài năm mất hút. Số trẻ đẻ non, chết yểu này nhiều lắm, cứ chọn ra một số đề tài, dự án lớn được Bộ KHCN nghiệm thu từ 5 đến 10 năm trước đây sẽ thấy ngay.

Tư duy ăn xổi không thể tạo ra những đỉnh cao khoa học, những hướng nghiên cứu mũi nhọn có thể sớm bứt phá lên mặt tiền khoa học thế giới. Các quan chức muốn thấy thành tích ngay trong nhiệm kỳ của mình, lại phải ban phát, rải đều quả thực cho mọi người, năm nay anh có đề tài, sang năm đến lượt anh khác, người làm khoa học giống như dân du canh, không chuyên sâu vào một hướng nhất định.

Trong khi đó, khoa học phát triển được nhờ tích lũy và kế thừa, công trình đẻ ra công trình, thành công lẫn thất bại trong công trình trước đều để lại dấu ấn trong các công trình sau. Biết tích lũy và kế thừa, tri thức sẽ tăng tốc theo cấp số nhân, được lưu lại trong đầu con người qua các thế hệ, trở thành một dạng chứng khoán (stock) của các doanh nghiệp, thành truyền thống của phòng thí nghiệm và hình hài của nền khoa học.

Qua cơ chế tích lũy và kế thừa, người tài mới xuất hiện, người khác đứng trên vai họ (stand on the shoulder of giants) để nhìn rõ chân trời phía trước. Nhờ đó các nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành và phát triển, các thế hệ khoa học sinh ra và trưởng thành nối tiếp nhau.

Theo “Chiến lược”, năm 2020 nước ta sẽ có 60 nhóm nghiên cứu mạnh. Hy vọng họ, và những người lãnh đạo của họ, sẽ làm nên hình hài nền khoa học nước nhà. Thế giới sẽ biết khoa học Việt Nam qua họ. Các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến thế hệ hiện nay qua các công trình khoa học của họ.

Mấy bước đột phá thay lời kết
Chỉ cần cố gắng làm giống như các nước khác, KH-CN Việt Nam sẽ thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Nghiên cứu khoa học chỉ được xem là đích thực khi tìm ra tri thức mới. Những người cầm quân, như giáo sư, chỉ được bổ nhiệm khi có chỗ đứng nhất định trên mặt tiền khoa học.

Công bố quốc tế phải được dùng làm thước đo thay cho các chuẩn mực hành chính. Làm được những việc này sẽ tạo ra bước đột phá lớn đẩy lùi tệ nạn xin cho, ban phát và những tiêu cực trong môi trường học thuật hiện nay.

Sản phẩm nghiên cứu khoa học là đỉnh cao văn hóa, làm tăng vốn tri thức của đất nước, tác động đến chính sách và nâng cao mặt bằng dân trí, từ đó tạo nên sức mạnh tác động đến phát triển kinh tế xã hội. Trường đại học là nơi gánh vác tốt nhất sứ mạng này.

Từ trường đại học tri thức khoa học lan tỏa ra cộng đồng, do đó phải tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên – những người lan tỏa tri thức – được tiếp thu tri thức mới trực tiếp từ những nhà khoa học có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học.

Nghĩa là phải ưu tiên tập trung nghiên cứu khoa học về các trường đại học và xây dựng lên tại đây những nhóm nghiên cứu mạnh. Chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội rồi, giờ đây không được chậm trễ nữa.

Nghiên cứu công nghệ khác với nghiên cứu khoa học và cần có chỗ đứng trong phát triển kinh tế. Nên cho qua đi niềm tự hào Việt Nam là nơi thu hút vốn FDI, ODA nhiều nhất, thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất….

Không thể mãi mãi làm người tiêu thụ mà phải bước lên bục cao hơn của những người tạo ra tiện ích cho xã hội. Con đường duy nhất là nội địa hóa công nghệ, sau đó tiến lên đổi mới để cạnh tranh.

Cho nên rất cần một quyết sách từ phía nhà nước, đừng để doanh nghiệp mãi chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên lợi ích lâu dài của dân tộc. Và sau quyết sách là tầm nhìn và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo KH-CN. Bởi tìm ra cách đi hợp lý trước trăm bề ngổn ngang hiện nay, thật không dễ chút nào.

GS PHẠM DUY HIỂN 

Người thầy giữ tiếng Việt trong sâu thẳm trái tim






Thầy giáo Lê Quốc Vi (sinh năm 1955), một Việt kiều thuộc thế hệ đầu tiên sang Thái Lan sinh sống từ khi còn nhỏ. Những tưởng rằng, văn hóa và tập quán sinh hoạt ở xứ người sẽ làm thầy Vi quên đi tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, không phải vậy, được sự quan tâm của cha mẹ, thầy Vi không những biết được tiếng Thái mà còn vẫn nói tiếng Việt một cách rất trôi chảy.



Thầy giáo Lê Quốc Vi


Điều đặc biệt quan trọng là thầy đã “truyền lửa” cho các em nhỏ, học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Thái Lan yêu thích và duy trì ngôn ngữ quê hương.

Bảo tồn ngôn ngữ quê hương qua lớp học tại gia

Với hình thức học tập bằng cách cha mẹ truyền đạt tiếng Việt cho con, cháu thông qua việc mở lớp Tiểu học vụ với chương trình dạy học từ lớp 1 đến lớp 7, người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít, lớp học do gia đình thầy Vi tổ chức đã thu hút sự tham gia học tập tích cực từ các thành viên.

Không những duy trì ngôn ngữ tiếng Việt ngay cho những người trong nhà, gia đình thầy Lê Quốc Vi còn hướng dẫn và truyền đạt cách thức học tập cho những người đồng hương khác.

Là thế hệ người Việt đầu tiên tại Thái Lan và được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của lớp học Tiểu học vụ, sau khi học hết lớp 7, lúc bước sang tuổi 15, thầy Vi lại nối bước cha mẹ dạy lại cho lớp đàn em của mình. Cứ như thế, sau này vừa đi làm thợ điện, thầy vẫn không ngừng trau dồi ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và không quên dạy lại cho thế hệ người Việt Nam tiếp theo sang Thái Lan sinh sống.

Thầy Lê Quốc Vi còn nhớ như in những năm 1970, việc học tiếng Việt ở Thái Lan tương đối khó khăn và gián đoạn một thời gian dài vì chiến tranh hay những lý do khác nhưng những người từng giấu sách tiếng Việt sau vạt áo đi học, từng giữ tiếng Việt trong sâu thẳm trái tim mình vẫn nỗ lực bền bỉ để duy trì và bảo tồn tiếng nói quê hương.

Trăn trở từ cuộc sống gấp gáp…

Mãi sau này, khi Thái Lan mở rộng chính sách học tiếng Việt như một ngoại ngữ trong nhà trường, nhu cầu học tiếng Việt đột ngột trở nên mạnh mẽ trong chính cộng đồng người bản địa. Giao lưu kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển thì nhu cầu học tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh càng phát triển trong các trường trung học, đại học của nước bạn.

Thế nhưng, khi có điều kiện dạy học tiếng Việt tốt hơn trước thì xuất hiện một số khó khăn lớn trong việc duy trì tiếng nói quê hương trong từng gia đình. Đó là ở đa số gia đình người Việt hiện nay, trẻ em đi học cả ngày ở trường, tối về lại ra sức làm bài tập, không còn khoảng trống thời gian nào để học tiếng Việt nữa.

Khi cha mẹ nói với con cái bằng tiếng Việt mà chúng không hiểu thì lại nói bằng tiếng Thái cho tiện và thói quen duy trì tiếng mẹ đẻ dần mai một. Cho dù đã qua thời tiếng Việt bị “ngăn sông cấm chợ”, nhưng việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại đang đối mặt với thách thức mới của nhịp sống công nghiệp gấp gáp.

Trong lớp học tiếng tại trường Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani, học sinh Thái Lan luôn chiếm áp đảo so với học sinh người Việt. Thế nhưng, không phải tiếng Việt giờ đã dễ dàng đến với người Việt trên đất Thái. Bởi vì ở hiện nay, có khoảng 100.000 Việt kiều sinh sống ở Thái Lan nhưng nước bạn đang có chính sách Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nên kêu gọi người dân ở khu vực nào thì sẽ học tiếng gần miền đó. Ví dụ như người dân sinh sống ở miền Nam Thái Lan thì sẽ được học tiếng Malaysia, ở phía Tây thì học tiếng Myanmar. Còn ở vùng Đông Bắc thì có lớp học dạy tiếng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chính vì những yếu tố trên mà không phải là tất cả người dân nào sang sinh sống ở Thái cũng dễ tiếp cận với việc học tiếng Việt một cách dễ dàng. Đặc biệt là khi hiện nay, việc dạy tiếng Việt còn một số bất cập như số lượng giáo viên còn ít, giáo trình giảng dạy còn thiếu thốn và chưa có nhiều cải biên, nâng cao chất lượng.

Được sự tín nhiệm, từ năm 2000 cho đến nay, thầy Vi được Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani mời làm Ủy viên cố vấn Ban Quan hệ Quốc tế, thỉnh giảng, giảng viên cho những sinh viên, nhân viên đang học tập, làm việc tại trường. Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Việt, thầy Vi còn là Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Công việc của Hiệp hội đã khiến thầy có thêm cơ hội giao lưu, tìm hiểu về các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Hầu hết những lần gặp gỡ nào, thầy Vi đều tranh thủ kêu gọi, hướng dẫn cho bà con ý thức giữ gìn và bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ Việt. Vì vậy, người dân đều tích cực cho con cháu tham gia học tiếng Việt cũng như nhiệt tình tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và phong tục Việt Nam.

Dù công tác giảng dạy ở trường học còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi có cơ hội được tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, trường học từ phía Thái Lan và Việt Nam, thầy Lê Quốc Vi đều tranh thủ đề xuất hỗ trợ cho việc dạy và học ở nước bạn cũng như bày tỏ nguyện vọng, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình học tiếng Việt.

Với hơn 40 năm giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan và người dân nước bạn, thầy Lê Quốc Vi mong muốn tiếng nói quê hương sẽ được người dân bảo tồn và phát huy cũng như được bạn bè trên thế giới sử dụng rộng rãi.