Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Một vùng non nước Tây Ninh - Quê hương sáng tác của Nguyễn Đức Thiện




(Toquoc)- “Nguyễn Đức Thiện hôm nay bệnh không đi đâu ra khỏi nơi đang dưỡng bệnh, thế mà anh vẫn viết. Viết cho mình trên blog cá nhân. Viết cho các báo từ trung ương đến địa phương. Phải chăng một thời anh đã sống với sống còn của Khu Gang Thép Thái Nguyên mà con người anh có gang có thép để kiên định sống và làm việc vào lúc khó khăn này.” (Trích bài viết của Họa sĩ Văn Thao).

Riêng đối với tôi, Nguyễn Đức Thiện sống và viết trên quê hương thứ hai, mảnh đất Tây Ninh trung dũng kiên cường này là vì nghĩa tình và ý chí, nghị lực của một nhà văn vốn “mắc nợ” vùng đất cưu mang từ khi anh bước chân đến. Nguyễn Đức Thiện còn coi đây là quê hương sáng tác của anh. Mà thật vậy, năm 1985 anh vào Tây Ninh, gia tài sáng tác chưa có gì, tính đến nay đã tròm trèm gần 30 năm, anh đã có cho mình 11 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn và vừa, 2 tập thơ, 1 tập phê bình, tiểu luận và 1 tập bút ký. Một số lượng tác phẩm đáng nể!

Một vùng non nước Tây Ninh với 23 bút ký trải dài từ năm 1995 đến nay, một thay lời bạt của tác giả, một thống kê những giải thưởng và cuối cùng là bài viết của họa sĩ Văn Thao, người bạn cũ ở Thái Nguyên của Nguyễn Đức Thiện, như một khẳng định về những trang viết và nỗ lực của nhà văn. Sách dày 360 trang, ngổn ngang những cảm xúc, những ghi nhận tai nghe, mắt thấy, cùng những hân hoan vui mừng, cũng như những trăn trở khát khao về một quê hương đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng và đổi mới…




Tập bút ký ra đời còn ghi dấu ấn một kỷ niệm đẹp với đồng chí Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Phuông đã đến thăm viếng, động viên nhà văn nhân dịp tết Quý Tỵ 2013 vừa qua, cùng với món quà 10 triệu đồng để in tập sách. Nguyễn Đức Thiện đã “hoàn trả” món nợ ân tình ấy bằng tập sách, bằng tấm lòng của một nhà văn…

Một vùng non nước Tây Ninh không phải là một tác phẩm như địa chí, cũng không phải là tác phẩm giới thiệu du lịch, song cũng đầy ắp những tư liệu về con người và quê hương Tây Ninh, với những danh lam thắng cảnh như Núi Bà, sông Vàm Cỏ Đông, những rạch Tây Ninh, rạch Trảng Bàng, rạch Sóc Om… Rừng Quốc gia Lò Gò, Căn cứ Trung Ương cục và những con người trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong bảo vệ biên giới… đó là Năm Ngà, là mẹ Lê Thị Mới, là anh hùng Bùi Văn Thuyên cùng nhiều cái tên khác. Anh đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo như ông Sáu Thượng, ông Hai Bình, ông Tư Rốp, ông Phan Văn, bà Tư Minh v.v…

Gần phân nửa các trang viết của tập bút ký là những lời bình cho các phim phóng sự tài liệu, nhân vật… với lối viết sắc sảo, chuyên nghiệp của một phóng viên truyền hình, hòa quyện cùng với tâm hồn nhà văn. Nguyễn Đức Thiện đã có những trang viết đẹp: “Lại thêm một lần nữa chứng kiến cảnh những người nghệ sĩ dân gian bên bếp lửa hồng. Đâu có phải lửa nào cũng nướng được bánh. Củi nhiều, than nhiều mà sao người ở đây lại dùng vỏ đậu phụng để nung lửa…” (Trảng Bàng bánh trang phơi sương, trang 174), hay như bút ký “Hồ nước xanh, con kênh xanh… trang 161”: “Ngày chặn sông Sài Gòn, Tây Ninh như có hội. Khắp nơi, ở đâu cũng nhắc đến công trình hồ nước Dầu Tiếng. Những người không được tận mắt chứng kiến giây phút lịch sử, dòng sông Sài Gòn bị chặn lại, thì háo hức đợi chờ nước đến ngay ở quê mình…” Đi nhiều và viết nhiều, những trang viết về Tân Châu một vùng đất trẻ, rồi Chuyện ở Đập Đá, Nông dân đất Trảng, Ấn tượng một khu rừng… để lại cho người đọc những niềm vui, tin ở tương lai.

Một mảng đề tài khác trong bút ký đó là việc khắc họa chân dung những nhà doanh nghiệp trẻ, bước ra từ cuộc chiến, một lòng xây dựng tương lai tỉnh nhà. Đó là Nguyễn Minh Họa, Võ Thị Mượt, Định Khuê, Hùng Diệp, Huỳnh Phát, Khương Huê… Đặc biệt là người thương binh Trần Việt Hùng trong Tiếng đàn bên sông Vàm Cỏ với hạnh phúc tràn đầy, tự hào là người tàn nhưng không phế!

Ở bút ký Cuộc chiến thầm lặng, dấu chân của người làm phim truyền hình lại âm thầm lặng lẽ bám theo những người lính công binh để vào trận địa là những bãi bom mìn còn sót lại trong chiến tranh. Họ đến Hòa Thạnh, rồi Tân Lập, trên suốt dọc tuyến biên giới, rồi Bến Cầu… từng giây phút, đối diện với cái chết, nhưng chẳng hề run sợ. Cái kết thúc bài viết, cánh đây trên 10 năm, Nguyễn Đức Thiện đã “tổng kết”: Đến nay, Tây Ninh còn 32.000 hecta đất vẫn còn những trái mìn, trái bom lúc nào cũng sẵn sàng phát nổ, vì thế chúng tôi lại hành quân. Cuộc hành quân bền bỉ, kéo dài vì những mảnh đất không còn cái chết núp náu, rình rập…

Còn nhiều nữa những đề tài mà nhà văn quan tâm như chuyện học hành, con chữ, chuyện bảo vệ rừng, chuyện phát triển truyền thông Tây Ninh, cụ thể là Đài phát thanh truyền hình nơi anh công tác v.v… Nguyễn Đức Thiện viết bằng mạch cảm xúc của một nhà văn ghi nhận những sự kiện mang tính lịch sử, chỉ tiếc là bút ký không còn mang tính thời sự bởi sự tiến bộ và phát triển liên tục dời đổi, những nhân tố điển hình mới, những thành công, thất bại luôn song hành và không ngừng nghỉ. Tất cả bây giờ chỉ còn mang tính tư liệu tham khảo, bởi những cái cũ vừa xóa đi, cái mới đã kịp thời thay thế. Non nước, con người ngày càng khởi sắc và bước vào vận hội mới. Thị xã rồi sẽ lên Thành phố. Nhiều khu đô thị mới, công nghiệp mới rồi sẽ mọc lên. Những danh lam thắng cảnh cũng sẽ từng ngày thay da đổi thịt… Và với cảm xúc của một nhà văn, tôi tin anh cũng sẽ có những trang viết mới. Non nước Tây Ninh vẫn luôn mới, rạng ngời trong từng trang viết của nhà văn Nguyễn Đức Thiện…

Trần Hoàng Vy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét