Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

 

CHỮ VÀ NGHĨA TRONG BÁT PHỞ.

Nguyễn Xuân Quang.


PHỞ

Ai cũng biết Phở là món ăn Quốc Hồn Quốc Túy của Việt Nam và sau năm 1975 đã trở thành món ăn quốc tế. Khắp nơi trên thế giới ngay cả ở vùng không có người Việt cũng có Phở.

Đã có rất nhiều tác giả viết về nhiều khía cạnh khác nhau của Phở với đủ loại văn: văn xuôi, văn vần, thơ, ca, câu đối. Tôi cũng đã viết một truyện ngắn Pho về Phở vùng hải đảo Caribe (xem truyện này).

Bài này tôi viết về một đề tài chưa ai viết. Đó là Chữ và Nghĩa Trong Tô Phở. Tôi cố gắng truy tìm, tầm nguyên nghĩa ngữ các từ liên hệ tới Phở. Hy vọng giúp người đọc sau khi đọc xong tìm được một tô phở ngon đúng ý nghĩa của nó.

.Phở

Phở nghĩa là gì?

Từ Phở được giải nghĩa khác nhau tùy theo môn phái tin vào nguồn gốc món Phở.

Có nhiều tranh cãi, bất đồng về nguồn gốc ra đời của Phở nên nghĩa của Phở cũng còn tranh cãi.

Có ít nhất ba trường phái.

-Môn phái theo Tàu cho rằng từ phở phát từ nguồn món ngưu nhục phấn, món ăn nấu bằng thịt bò với bún làm bằng bột gạo của Tầu. Tiếng Quảng Đông phấn thành phẳn, phảnh rồi thành phở.

-Môn phái theo Tây cho rằng Phở là do tiếng Pháp ngữ Feu, lửa.

Tác giả Nguyễn Phát (amthucviahe.com) viết theo lời kể của ông Võ Văn Côn nguyên là Chef Bếp Việt của Vua Bảo Đại thì vào năm 1910, nhiều thanh niên Việt Nam đi lính Pháp. Họ phải sang mẫu quốc để phục vụ một thời gian, trong số đó có một người từng làm phụ bếp cho Toàn quyền Saigon tên Huỳnh. Đơn vị ông Huỳnh đóng quân ở Marseille và ông được giữ chức Bếp trưởng của binh đoàn toàn lính người An Nam. Sáng nào ông Huỳnh cũng ra lệnh đốt bếp lò thật sớm bằng cách hô to: “Feu! Feu!” có nghĩa là nổi lửa lên ! để nấu súp thịt bò cho binh sĩ ăn điểm tâm với bánh mì khô. Thấy binh sĩ người Việt bỏ ăn sáng hơi nhiều vì chán món súp bò của Pháp nên ông Huỳnh bèn nghĩ ra một món mới. Ông dùng gia vị bằng hương liệu Á châu và thay bánh mì bằng “bánh tài phảnh” mua của người Tàu ở Khu Chinois. Món ăn được hưởng ứng nhiệt liệt và ngay cả người Pháp cũng ăn và gọi là món Feu.

Khi hồi hương một vài cựu quân nhân Pháp gốc Việt này nấu món Feu thành Phở bán.

Ở Dalat năm 1930 có phở Gare xe lửa là tiêm Phở Bò đầu tiên của Dalat do con đầu bếp Huỳnh làm chủ. Tên Tô Xe lửa (Tô lớn) phát xuất từ đây mà ra. Phở Gare Dalat sau 1960 dời về Phú Nhuận Saigon lấy tên là Phở Bắc Huỳnh. Ở Quận Cam, Little Saigon Nam Cali trước đây cũng có tiệm phở cùng tên.

Ngày trước bị ành hưởng Tây có người dịch phở là pot-au-feu nhưng món này là một món hầm thịt bò với rau quả.

-Môn phái theo Ta dựa vào tên nôm.

Tác giả Vương Trung Hiếu (facebook.com/notes/vương-trung-hiếu/nguồn-gốc-của-phở) chứng minh hai nguồn gốc Tầu Tây ở trên cho là không vững. Ông dựa vào chữ nôm phở: “Theo những tự điển mà chúng tôi tham khảo, từ phở xuất hiện trong phở lở gồm có ba chữ (𡂄 và 㗞 đều thuộc bộ khẩu; , thuộc bộ hiệt); còn từ phở trong bánh phở  có một chữ (, thuộc bộ Nhật, âm Hán Việt là phổ); riêng từ phở với nghĩa là món phở thì gồm hai chữ Hán ghép lại: mễ phả .

…..

Bây giờ, xét về ngôn ngữ, chúng ta xem thử những chữ Nôm phở (𡂄, 㗞, 頗, 普) có liên quan gì với chữ Hán phấn  trong ngưu nhục phấn 牛肉粉 không, đặc biệt là chữ phở trong món phở? Xin thưa, chẳng có liên quan gì cả.

…..

Tóm lại, chữ Nôm phở hay phở bò cho thấy rằng người Việt xưa rất chủ động trong cách dùng từ, mục đích nhằm khẳng định rằng “phở” là một món ăn hoàn toàn Việt Nam, chẳng dính dáng gì tới ngưu nhục phấn 牛肉粉 của Trung Quốc.

Vậy phở có nguồn gốc từ đâu?

Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng phở có nguồn gốc từ món xáo trâu rất phổ biến ở miền bắc, đặc biệt là ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20”.

Như vậy theo môn phái Ta này phở có nguồn gốc từ món xáo trâu của Việt Nam.

Vậy thì cũng nên biết thêm xáo hay sáo có nghĩa gì? Xáo, sáo có gốc Sa- liên hệ với Phạn ngữ -sara, saras, nước. Các cô gái Tây phương được đặt tên Sarah có nghĩa là Nước, nữ thần Nước, Mẹ Nước mang nghĩa tạo hóa, sinh tạo. Nước là mẹ sự sống. Serum là huyết thanh…

Việt ngữ sa như sa mù (sương và mây), sả liên hệ với nước như sả nước, sối sả, chim sả… Chim sả là chim bói cá, thằng chài, phí thúy “nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu, nào hố bẫy hươu nai, nào lưới dò chim sả” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo). Theo s = ch = tr, sả = trả. Chim trả là chim sả:

Con chim tra trả, ai vay mà trả,

Bụi gai sưng, ai vả mà sưng.

Đấy người dưng, đây cũng người dưng,

Cớ chi nước mắt cứ rưng rưng nhỏ hoài.

(Hò Miền Nam).

Cỏ sả (lemon grass) dùng đun nước làm trà, tắm gội và dùng làm hương vị nấu ăn. Chim sáo liên hệ với nước nên có câu ‘con sáo sang sông’, ‘chẻ tre bện sáo cho dầy’ (sáo là một dụng cụ bắt cá liên hệ với nước), sáo đen là chim biểu tượng của nước (Bồ Nông là Ông Bồ Cắt)…

Món ăn nấu có nhiều nước như canh gọi là xáo (sáo): xáo vịt, xáo măng, trăm voi không được bát nước sáo. Món chiên với dầu mỡ có nước nhưng ít gọi là xào. Xáo với xào khác biệt ở chỗ có nhiều hay ít nước. Xào với xáo vì thế hay xào xáo với nhau! Gạo nấu với nhiều nước gọi là cháo. Theo s = g (sối = gội) ta có sáo = gạo, làm hàng sáo là làm nghề gạo. Gạo vốn là cây lúa dại mọc dưới nước. Lúa sạ là lúa nước, mọc ngoi lên theo mực nước dâng cao hàng ngày…

Như thế ta có ít nhất ba nguồn gốc của phở. Phở là phấn (phẳn, phảnh), là Feu và là Phố.

Chắc ai cũng cho mình có lý cả. Biết theo ai?

Theo lối ba phải thì có lẽ là cả ba gộp lại!

Nước Lèo

Phần nước phở gọi là nước lèo có nghĩa là nước béo nấu bằng xương. Theo biến âm kiểu lêu bêu, lều bều, lang bang (l = b), ta có lèo = béo. Ta cũng có từ lèo bèo. Qua câu ‘bụng lèo bèo những mỡ’ là bụng béo xệ, ta có lèo = béo. Rõ hơn qua câu ‘cái bụng như thùng nước lèo’ chỉ bụng to béo xệ giống như bụng con heo Việt Nam đầy mỡ ba chỉ mà người Mỹ gọi là Vietnamese pot-bellied pig. Trong Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, tác giả Nguyễn Hy Vọng cũng xác thực: lèo (mỡ lèo, nước lèo giống như nước béo, nước mỡ. Thái p-lèo, miếng, lát mỡ; p-lèo mú, mỡ heo.

Như thế nước lèo của phở là nước béo, nước mỡ nấu bằng xương tủy bò. Về sau dùng rộng nghĩa ra gọi là nước dùng. Nhưng lưu ý nước lèo không nên dùng để gọi nước nước nấu món chay.

Bánh phở

Như đã nói ở trên bánh phở làm bằng bột gạo, Hán Việt là phấn, Quảng Đông là phẳn, phảnh. Anh ngữ là rice noodle.

Phần Thịt

-Phở Bò.

.Bò

Bò ruột thịt với Gael ngữ , Pháp ngữ boeuf, Latin bos, Hy Lạp ngữ bous. Phạn ngữ go, bò. Theo g=c, Phạn ngữ go = cow (bò cái) /cao/ đọc thêm hơi vào thành châu, trâu (nghĩa lệch), trong khi đó buffalo có bu- = bò (nghĩa lệch). Nhật ngữ gyu có gốc Phạn go là bò. Wagyu là thịt bò Nhật, người Nhật cổ gọi là người Wa.

.Nạc

Là phần thịt không có xương (hết nạc vạc tới xương) và không có mỡ. Thịt nạc là thịt đi kèm với xương có sơ, có sợi, có thớ (cơ vân) (dùng làm ruốc thịt, thịt chà bông). Thịt nạc bò cắt trái thớ ăn rất dai. Nạc biến âm với nạt (nuộc nạt), lạt (dây tre có thớ, sơ dùng để cột).

Anh ngữ nạc là lean có một nghĩa là gầy. Việt ngữ có câu gầy xác, gầy xơ.

.Chín

Hán Việt thục, Anh ngữ well done.

Chín có một nghĩa là nấu chín (cooked) là do nấu bằng lửa và cũng có nghĩa là không sống, không còn xanh đã chín (ripen) của hạt hay quả do lửa trời, do nắng.

Theo qui luật từ đôi đồng nghĩa của Nguyễn Xuân Quang chín rục ta có chín = rục. Theo r = th như rụt = thụt; rồi = thôi, r Việt = th Mường như răng = thang, ta có rục = Hán Việt thục (chín).

Chin ngược với tái, Hán Việt gọi là sinh (sống) (xem Tái).

Ăn phở chín thì phải là chín nạm mới ngon vì thịt có những đường gân, mỡ (xem dưới), hơn là ăn chín nạc toàn sơ thấy miếng thịt xác xơ trong miệng như sơ lạt tre.

.Tái

Tái là thịt chín một phần, Hán Việt sinh, Pháp ngữ saignant, Anh ngữ rare.

Tái là mầu nhợt nhạt, xanh mét không có máu, thiếu máu như tái xanh, tái mét, tai tái khi sợ, bị lạnh hay bị thiếu máu, Thịt bò sống đỏ máu khi đổ nước sôi lên chín phần mặt làm mầu đỏ máu phai đi thành mầu tái nhưng phần dưới vẫn còn máu nên Pháp ngữ gọi là saignant và thịt còn sống (chưa chín) nên Hán Việt là sinh.

Phần nước máu của thịt trụng nước sôi gọi là tái nước huyết, những người thiếu máu thường ăn vì cho là bổ máu.

.Nạm

Nạm là thịt vùng bên sườn (flank) dưới bụng

Nạm chia ra nạm sườn (dính vào xương sườn), nạm bụng, nạm bụng sau phía mông. Thịt có thớ và có đường gân, mỡ.

Việt ngữ nạm có một nghĩa là khảm, cẩn như nạm bạc, nạm vàng.Những dải gân-mỡ trắng trông như được cẩn, nạm vào miếng thịt.

Để dễ nhớ nên gọi là thịt nạm gân-mỡ.

Gầu Anh ngữ brisket point.

Gầu là phần thịt ngực dưới hay ứcnhìn từ trước là phần giữa hai chân trước. Anh ngữ gọi là brisket point. Người Bắc Âu gọi là gristle hay cartilage (sụn), Cổ ngữ Anh brushk, tough (dai).

Thịt gầu gồm hai lớp mặt và lớp dưới. Vì bò không có xương đòn gánh (quai xanh) thịt gầu phải chống đỡ khoảng 60% trọng lượng thân thể khi con vật đứng và di động. Vì thế gầu có một lượng mô liên kết (connective tissue) đáng kể.

Gầu thường cứng dai vì có nhiều thớ sợi giao (collagen). Collagen là thành phần chính của mô liên kết. Tùy theo độ khoáng hóa (mineralization), mô collagen có thể cứng (xương), mềm dẻo (compliant) như gân hay từ cứng tới mềm dẻo (sụn). Collagen thủy phân hóa (hydrolyzed) thành gelatin. Tên collagen phát xuất từ Hy Lạp ngữ kolla có một nghĩa là chất keo (glue). Việt ngữ cồn (dán) ruột thịt với Kol-. Nấu chất collagen trong da và gân thú vật để làm chất keo a giao (các họa sĩ dùng a giao tráng khung vải để vẽ tranh sơn dầu). Nấu xương, sừng, mai rùa làm cao (cao hổ cốt, cao ban long, cao qui bản) .

Tùy theo thành phần chất giao, cao của collagen và cách nấu với độ keo hóa (gelatinize) của collagen thịt gầu sẽ cứng, dai, mềm hay dòn. Gầu có một lớp mỡ mũ phủ ở trên (fat cap) nên trông giống nửa nạc nửa mỡ. Mỡ này giúp cho gầu không bị khô khi nướng và thêm vị ngậy béo.

Hàng phở gọi là mỡ gầu là gọi chung cả phần gầu và phần mỡ. Mỡ gầu đi chung với chất giao, mô liên kết nên là thứ mỡ dòn, ngậy, bùi và không hoi mùi mỡ nước bò. Hán Việt gọi là võng du. Tục ngữ có câu ‘Thứ nhất mỡ nầm, thứ nhì mỡ cối thứ ba mỡ gầu’.

Gầu cần phải nấu trong nước để thủy phân hóa collagen thành chất giao, cao.

Như vậy một miếng gầu ngon tùy vào thành phần của mô liên kết, vào lượng chất collagen, phải chọn thứ mềm như gân, dòn như sụn non có mũ mỡ béo ngậy, phải biết cách nấu đúng độ keo hóa, cao hóa (nấu lâu quá hóa dai), phải biết cắt vừa độ mỏng và phải có nước dùng ngon húp chung. Ăn vào thấy mềm dòn, dẻo như gân, sần sật như sụn non và béo, ngậy, thơm mùi mỡ gầu, vị ngọt, đậm đà của nước phở.

Hiểu rõ như vậy, thưởng thức một miếng gầu tuyệt cú mèo rồi thì ta sẽ hiểu nghĩa của từ gầu.

Ta có gầu là chất giao, chất cao, chất collagen. Theo biến âm g = c như gài = cài ta thấy gầu = cao = keo = cồn = kolla = collagen… Dân gian chẳng biết gì về mô liên kết, collagen nhưng thấy thứ thịt khi nấu nhừ có chất keo, cao thì gọi là gào, gầu.

Kiểm chứng thêm ta có từ gầu (dandruff) với nghĩa các vẩy trắng tróc ra ở da đầu. Một trong những yếu tố tạo ra gầu đầu là do chất dầu, sáp (sebum) do các tuyến chất này (sebaceous glands) tiết ra, khô lại, tróc ra thành các vẩy mỏng (flake, pellicule). Dân gian gọi là gầu đầu có thể nhầm chất dầu, sáp với chất keo của da đầu.

.Gân

Hán Việt cân, Anh ngữ tendon, ligaments.

Gân là dây, sợi, đường, vân như gân thịt xương, gân máu, gân gỗ…

Gân thịt xương là sợi dây chất collagen cột các bắp thịt vào xương hay xương vào xương… Theo g = c như gài = cài, ta có gân = Hán Việt cân.

Anh ngữ tendon có ten-, dây ví dụ:

.toenia, tenia, sán, sán sơ mít, lải, lãi, liên hệ với Hy Lạp ngữ tainia, băng, dây cột, Pháp ngữ cổ tenie, dây cột, dải băng cột đầu tóc, với Latin linea, lineus có nghĩa gốc là dải, dây làm bằng sợi cây gai. Toenia là loại ký sinh trùng ruột có hình dài và dẹp như dây, dải. Theo l = d = t, con lải, con lãi = con dải, con dây vì vậy Anh ngữ phổ thông gọi là tapeworm. Con lãi thân như dây, dải có đốt, các đoạn trông như sợi dây sên, dây xích (chain, Pháp ngữ chaine) nên gọi là con sên (khác với con ốc sên) con sán, hay sán sơ mít. Sán ruột thịt với sên.

.tennis, quần vợt là môn thể thao lúc mới đầu đánh quả banh qua một dải dây (sau là cái lưới) ở giữa sân.

.tentacle, vòi, tua.

.Sách

Hán Việt bách diệp, Anh ngữ Bible tripe, omasum, manyplies.

Sách là ngăn thứ ba trong bốn ngăn của dạ dầy loài nhai lại, Anh ngữ là Bible tripe, omasum, manyplies có nhiều nếp, phiến như trang giấy nên gọi là sách.

Sách thời sử xanh gồm nhiều thẻ tre trên viết chữ giống như những trang sách. Các thẻ này cũng gọi là sách.

Tiếng Anglo-Saxon bóc là vở, có nghĩa gốc là cây beech, tấm vỏ cây này dùng để viết, liên hệ với gốc Phạn ngữ bhag, bóc ra.

Điểm lý thú là từ bóc của Anglo-Saxon giống từ Việt ngữ bóc lấy vỏ cây làm vở, sách.

Theo b = v, có bo- của bóc, book = vở. Nguyên thủy vở làm bằng vỏ cây, lớp bọc của cây. Vở = vỏ. Book liên hệ với bhurgja, loại cây birch (cây phong), vỏ cây dùng làm giấy và với Phạn ngữ pusta, book.

Hán Việt sách còn có nghĩa là hàng rào hàm nghĩa bao, bọc, vây quanh. Với nghĩa này sách liên hệ với book /búc/ là bọc và vở có một nghĩa là vỏ, bao. Ta có từ vợ (chồng) ruột thịt với vỏ, lớp bọc, lớp áo, với vớ, bao chân, người Bắc gọi là bít tất có một nghĩa là bịt túc (che đậy chân). Vợ ruột thịt với vờ, xác bọc ngoài, con vờ phù du lột xác nên có câu xác như vờ. Vợ ruột thịt với vở nguyên thủy làm bằng vỏ cây… Như thế vợ là người có vỏ bao, có vớ bọc, có vờ, xác bọc thân, có vở, áo cây, nói chung lại vợ là người có túi, có nang, có Nường trong khi chồng có chông, có chống (gậy), có cọc…, có .

Sách gọi là lá sách chứ không gọi là tờ sách hay trang sách, Tại sao? Gọi lá sách là gọi theo các nhà nho, theo Hán Việt bách diệp, trăm lá.

Lá sách phải nấu thế nào khi ăn dòn chứ không dai như… quai guốc (một phần của túi bao từ loài nhai lại).

.Vè dòn.

Vè là vành như vè xe biến âm với wheel, bánh xe. Vè dòn là thịt vành nạm (skirt flank). Có hai loại vè dòn và vè dai, mềm.

.Ngầu pín.

Quảng Đông: ngầu pín, Hán Việt ngưu tiên, Anh ngữ bull pizzle.

Tiên ở đây không phải là người ở trên núi: ông tiên, bà tiên, nàng tiên. Hán Việt còn có những chữ tiên có nghĩa là nêu (cọc), mốc, roi… Cọc là cược, c…c. Vì thế tiên cũng có nghĩa là chim. Dân gian hay ngôn ngữ trẻ em gọi bộ phận sinh dục nam là chim. Qua từ đôi đồng nghĩa chim chóc ta có từ chim = chóc = cọc, cược (h câm). Thái ngữ nok = cọc là chim. Tiên có một nghĩa là chim trong ngôn ngữ của người Khả (Khmu) nói cùng hệ ngôn ngữ Môn Khmer với người Việt (Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam, ông gọi là Khả Lá Vàng). Phở ngầu pín là phở cọc bò, nói cho thanh lịch là Phở chim bò.

Phở ngầu pín là món lôi hút mấy ông cần mà ngại xin toa bác sĩ viết cho Viagra thích ăn. Họa hoằn mới thấy một vài dương nữ ăn phở chim bò.

.Nước béo

Nước mỡ trên mặt nồi nước phở. Qua từ đôi hay từ láy béo bở ta có béo = bở. Thành tố láy ‘bở’ ở đây không phải là bở có nghĩa là dễ rời ra (khoai bở) mà chính là Pháp ngữ ‘beurre’. Bơ là một chất béo nên láy với béo. Bơ chính là Việt ngữ ‘bồ’ có nghĩa là chất béo như thấy trong các từ đôi bồ hòn, bồ hôi, bồ hóng, bồ kết… Theo b=m, ta có bồ hôi = mồ hôi, bồ hóng = mồ hóng… mồ chính là mỡ. Bồ hòn là “hòn bơ”, “hòn mỡ”, quả bơ, quả mỡ, thứ quả dùng làm xà phòng, Pháp ngữ gọi cây bồ hòn là ‘savonier’, Anh ngữ là ‘soapberry tree’; bồ hôi, mồ hôi do tuyến nhờn như dầu mỡ ở da tiết ra (có người có mồ hôi dầu) chính là ‘bơ hôi’, ‘mỡ hôi’; bồ hóng, mồ hóng là chất như dầu đen do khói đọng lại; bồ kết là quả ‘kết’ bơ, mỡ, dầu dùng gội đầu.

Nước béo là nước bơ, nước mỡ.

.Xí quách

Tiếng Quảng Đông xí quách là trư cốt, xương heo hầm làm nước lèo, sau nói rộng ra gọi chung cho xương hầm của tất cả các loài động vật khác.

Giang hồ gọi là món ‘cải mả’, ‘bốc mộ’ là món ưa chuộng của những người khoái gậm xương, mút tủy.

-Phờ Gà.

Dùng gà đi bộ hay gà trống thiến. Cái ngon chính của phở gà là cách luộc gà.

.Gà

Việt ngữ gà, Mường ngữ ca biến âm với cà, Hán Việt kê (chuyện con cà con kê, chuyện cà kê).

Gà trống với trống là chống (que nâng đỡ), chông (cọc nhọn), trống là đực, nọc (heo nọc là heo đực). Que, chống, chông, nọc, cọc (“Quân tử có thương thì đóng cọc, Xin đừng mân mó nhựa ra tay”, hay “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”, Hồ Xuân Hương). Con cọc là con cock, coq (Pháp ngữ) con cược, con c…c. Từ cock vì thế còn có nghĩa là bộ phận sinh dục nam.

Ta có từ đôi đồng nghĩa gà qué với gà = qué. Qué biến âm mẹ con với que. Theo qu = c= k (quộn = cuộn, quẽo quẹt = kẽo kẹt), con gà là con qué, con que, con ke. Ke có một nghĩa chỉ bộ phận sinh dục nam (Alexandre de Rhode, Từ Điển Việt-Bồ-La). Cổ ngữ Việt ké cũng có nghĩa là gà như “trói thúc ké” là trói ghịt cánh gà. Ké ruột thịt với kê (Hán Việt). Tóm lại con cock, con coq (Pháp ngữ) là con cọc, con c…c, con que, con qué, con ké, con nọc (đực, trống).

Có người thích ăn phở gà trống thiến mập béo nhiều mỡ.

Gà biến âm với ga- của gallinaceae, gallinae, loài gà, Latin gallina, gà mái, gallus, gà trống, Tây Ban Nha ngữ gallina, gà mái, gallo, gà trống, gallito, gà con, Bồ Đào Nha ngữ galinha, gà mái, galo, gà trống….

. Nước mắm Gừng.

Gà ăn riêng thường chấm nước mắm gừng.

Gừng là loại củ có hình sừng hươu nhiều nhánh (staghorn). Theo g = s như gội = sối, ông gầm = ông sấm, ta có gừng = sừng. Anh ngữ ginger, gừng có gốc Phạn ngữ çriđgavera, gừng, theo nghĩa đen có nghĩa là ‘hình sừng”, có çriđga, sừng và vera, vóc, dáng (çringa có çing- = sừng và vera = vóc). Ginger có ging- = gừng. Gừng và ginger ruột thịt với Phạn ngữ çriđga, çira, sừng.

Hán Việt Khương là sừng. Theo kh = s như khẽ = sẽ, khít = sít, khoang = soang = xoang ta có khương = sừng.

CÁC THỨ ĂN KÈM KHÁC.

Rau:

Giá

Đậu nha, bean sprouts.

Đậu nha là mầm đậu. Mầm đậu khi mới nhú ra mầu trắng trông như răng mới mọc nên gọi là nha (răng). Khi mọc dài ra giống răng voi (ngà voi). Theo biến âm kiểu nhà = gia, ta có nha (mầm đậu) = giá.

Nhìn kỹ ta thấy quả đúng giá trông giống ngà voi tí hon.

Có người ăn giá sống nhưng có người không thích vị tanh tanh của hạt đậu thích ăn giá trụng.

-Húng

Húng là hương (thơm). Húng lìu là hương liệu, vật liệu có mùi thơm. Lạc rang (đậu phụng, phọng rang) húng lìu.

Rau húng là rau thơm có:

./Rau mùi

Rau mùi là rau có mùi thơm. Mùi ta (coriander, cilandro) (khác với mùi Tây) còn gọi là ngò rí là một thứ rau thơm. Rau mùi ruột thịt với Phạn ngữ bhida, coriander, có bid- = mùi Trung Nam gọi là rau ngò.

./Húng quế

Húng quế ăn phở thường dùng húng quế mầu tím cay nồng. Anh Mỹ gọi là húng quế Thái (Thailand basil). Húng quế được chọn ăn với phở bò vì tính cay nồng mạnh che lấp đi mùi oi của thịt bò, mỡ bò và cũng hòa hợp với vị cay cay của quế trong nước lèo. Ở những nơi không có quế, hùng quế rất hữu ích trong phở bò.

Người Bắc còn gọi là húng chó vì ăn với tiết canh chó.

./Ngò gai

Lá có gai còn gọi là mùi Tây, thường ăn với phở gà vì mùi thơm nhẹ nhàng hơn húng quế. Có một loại húng quế chanh (lemon basil) có mùi thơm chanh ta có thể dùng ăn phở gà thay lá chanh.

-Tương đỏ, tương ớt.

Tương ớt ăn phở nổi tiếng là tương ớt hiệu Sri Racha làm bằng ớt hiểm (Scuds bird’s-eye chillies) của ông David Tran (Trần Đức) hãng thực phẩm Huy Fong (Huy Phong lấy theo tên con tầu rời Việt Nam năm 1979). Tên Sri Racha gần với tên tỉnh Si Racha, Thái Lan, là nơi cũng có món tương ớt nổi tiếng trong vùng (dĩ nhiên không có thương hiệu nào trùng tên với tương Con Gà của Hãng Huy Fong).

-Tương đen, tương phở.

Tiếng Quảng Đông Hoisin jiang có hoisin là Hải Tiên (Đồ Biển Tươi, fresh sea foods) và jiang, tương, nước chấm.

Tương đen hoisin lúc đầu làm với hải sản, đường mía, tỏi, dấm và ngũ vị hương, có khi làm với mắm ruốc. Về sau bỏ hải sản đi nhưng vẫn giữ tên hải tiên hoisin. Thật ra không phải làm ra để dùng cho đồ biển, ở nam Trung Quốc nguyên thủy dùng để xào và chấm các món thịt. Hoisin dùng trong thịt vịt Bắc Kinh, cuốn thịt heo, gà bằm (moo shu pork, chicken) và rồi người Việt miền nam dùng ăn phở.

Người Bắc chê dân Nam ăn phở với tương đen cho là làm mất hương vị phở Bắc chính cống Bà Lang Trọc. Dân Nam ăn phở với tương đen cũng có lý do. Phở miền Bắc xứ lạnh dùng rất nhiều hương liệu phở có những thứ ăn vào làm nóng người lên. Nếu ăn phở Bắc loại này ở miền Nam trời nóng ăn xong vã mồ hôi hột. Phở Nam vì thế ít hương liệu nồng nực nhiều khi phải dí mũi vào tô phở mới ngửi thấy mùi phở. Trong khi phở Bắc ở đầu đường đã ngửi thấy mùi phở. Vì vậy phở Nam phải ăn với tương đen có ngũ vị hươngtiểu hồi hương (fennel)… có những thứ có trong hương liệu phở [có hoa hồi (star anises), tiểu hồi hương, quế, thảo quả, hạt mùi, đinh hương] thay cho sự gia giảm hương liệu trong nước phở. Ở hải ngoại có nơi người Việt nấu phở bằng cách chế biến từ ngũ vị hương. Một điểm lợi nữa là người ăn có thể điều chỉnh hương vị phở theo ý mình thích. Trường hợp này cũng giống như ăn kèm với húng quế như đã nói ở trên. Dân di cư 54 vào Nam ăn phở Bắc nấu kiểu Nam trong đất Nam ăn kèm với tương đen và rau quế ít nhiều tùy theo nhiệt kế mỗi ngày ở trời miền Nam nóng bức, chẳng có gì là đáng chê. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

…..

Hiểu rõ chữ và nghĩa của các từ trong bát phở rồi thì khi ta gọi một tô phở loại nào nhìn vào bát phở là ta biết ngay có thật sự là thứ phở ta đã gọi không, là ta biết ngay tiệm phở đó có chuyên nghiệp, có ngon không, là ta biết ngay là phở thứ thiệt hay là phở phét, phở fake (fake có một nghĩa là phét, fake = phét, fake news là tin nói phét, phét lác, tin nói láo, láo phét)…

Đi tới đâu tôi cũng cố tìm nếm món phở. Ở tất cả những ngóc ngách thế giới mỗi khi thấy chữ Phở tôi đều ghé vào. Chờ ăn đủ 100 thứ phở thế giới sẽ viết một bài 100 Vị Phở Thế Giới.

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

TÌNH YÊU THẬT SỰ

 

Đừng kể về quá khứ
đừng nói đến tương lai
bởi với anh em mãi là hiện tại
người đàn bà nồng cay
Hãy gieo hạt mầm từ máu tim hoang dại
cho tình đâm lộc nẩy chồi
bén duyên rồi ta hãy dưỡng nuôi
yêu thương này bằng bản năng và trí tuệ
Bản năng như là nắng
trí tuệ như là mưa
nhận hay cho biết mấy là vừa
hãy để đam mê xin được lần thừa
Tình cao tỏa bóng đời ta dựa
hạnh phúc trong lành dưới tán lá xanh...

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

TRANG TỬ TÂM ĐẮC- YUZAN -LỜI GIỚI THIỆU

 



Sách Trang Tử, còn có tên là Nam hoa kinh của Trang Chu không chỉ là
bộ kinh điển của bách gia chư tử, mà còn là bộ sách hội tụ tinh hoa của triết
học và văn hóa Trung Quốc.
Lỗ Tấn, cha đẻ của nền văn học hiện đại Trung Quốc, từng nhận xét về
Trang Tử như sau: "Bao la vạn khoảnh, biến hóa khôn lường, trong hết thảy
các nhà chư tử cuối đời Chu, không nhà nào có thể vượt qua Trang Tử vậy".
Hồi còn là Nghiên cứu sinh tại Đại học Nam Kinh, tôi từng nghe Giáo sư mỹ
học Phan Tri Thường nói: "Nếu nội trong một đêm, mọi sách vở về văn hóa
Trung Quốc biến mất khỏi mặt đất, trước sự kiện này có một học giả được
báo trước, đồng thời cho phép ông ta chọn mười đầu sách kinh điển nhất để
lưu lại, thế thì trong mười đầu sách ấy sẽ có Luận ngữ của Khổng Tử, Đạo
đức kinh của Lão Tử, Nam hoa kinh của Trang Tử,
Đàn kinh của Huệ Năng, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần,... Nhưng
nếu chỉ được phép chọn một đầu sách duy nhất, thì chỉ có thể chọn Nam hoa
kinh, vì còn Trang Tử thì còn có thể trùng kiến lại văn hóa Trung Quốc, mất
Trang Tử đồng nghĩa với việc văn hóa Trung Quốc diệt vong. Bởi vì triết học
nhập thế của Khổng Tử ở đời thường dễ có, triết lý Thiền tông vẫn có thể sản
sinh nếu có sự gặp gỡ giữa Phật giáo và tư tưởng của Đạo gia, nhưng triết học
ngoạn thế của Trang Tử thì thực không dễ có".
Từ những điều trên đây có thể thấy rõ tầm quan trọng cũng như sức ảnh
hưởng to lớn của Trang Tử đối với văn hóa Trung Quốc, thậm chí đối với cả
nền văn hóa Đông Á nói chung. Văn nhân Trung Quốc xưa đối với việc xuất
sĩ làm quan, trọng tư tưởng nhập thế của Khổng Tử; đối với việc tu tâm
dưỡng tính, thường ký thác nơi quan điểm xuất thế của Đạo gia. Cuộc đời
con người ta ắt cần đến công danh, nhưng công danh không phải là tất cả;
 
ngoài công danh, con người ta bất cứ lúc nào cũng phải đối mặt với vô vàn
vấn đề to lớn, như sống chết, tự do, bất tử,… Chìa khóa để vượt qua tất cả
những điều này, theo chúng tôi có lẽ không thể tìm ở đâu khác ngoài Trang
Tử.
Giáo sư Vu Đan là một trong những học giả nổi danh ở mảng văn hóa
truyền thống Trung Quốc, những bài giảng của bà về Nam hoa kinh của 

Trang Tử và Luận ngữ của Khổng Tử phát trên Đài truyền hình Trung ương
Trung Quốc luôn chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả Việt Nam và tin rằng quý độc
giả sẽ tìm thấy rất nhiều điều tâm đắc sau khi đọc xong quyển sách này.
Nguyễn Đình Phức

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

ƯU ĐÀM HOA

 Rừng em có âm u

rừng em có lắm sương mù hay không?

để tôi đốt đuốc vào trong
thăm cô tiên nữ chữa chồng động hoa
Thiên nhai ở cõi a tu la
ưu đàm có tỏa tình ra dương trần...?

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Kỹ thuật thơ Việt Nam hiện đại và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ





Đoạn 1. CÁCH HỢP VẬN
Nguyên tắc: vần bằng hợp với vần bằng, vần trắc hợp với vần trắc. (Trong âm nhạc, bằng có thể hợp vận với trắc, thí dụ: nhà hợp vận với nhá).
Âm vận: Cách hợp vận trong thơ không có căn bản ngữ âm (phonetics) nào cả, ở đây tôi chỉ dựa theo cách hợp vận cổ truyền mà phân biệt như sau.
Âm vận có 2 loại toàn vận và bán vận.
Toàn vận: 2 từ chỉ khác nhau về phụ âm đầu. Thí dụ: a) tình, mình, khinh, linh. b) ta, mà, la, tha.
Bán vận: 2 từ khác nhau trong nguyên âm hay trong nguyên âm và phụ âm cuối.
A.- Bán vận trong nguyên âm: Những âm họp thành nhóm sau đây hợp vận với nhau:
1/ a, ă, â, o, ơ, ô, u, ư, oa, ua, ưa. Thí dụ: a) tha, mo, lu, thư, thoa, qùa, cua, thưa. b) lạ, thố, thụ, thóa, qụa, thủa, thửa, lựa. c) chang, rằng, nằm, lầm. d) thôn, mun,
2/ i, e, ê, oe, ue, uê, uy. Thí dụ: a) thi, me, ve, que, quy. b) thí, lẹ, thế, nhuệ. c) thịt, khét, chết. d) em, quen, đêm.
3/ ai, ay, ây, oi, ôi, ơi, oai, ui, ưi, ươi, uôi. Thí dụ: a) thai, chay, khoai, mòi, thôi, lơi, thui, người, nguôi. b) thái, cậy, mọi, đổi, củi, ngửi, lưới, đuối.
4/ i, uy, uya
5/ ia, uya.
6/ i, e, ê, iê, uyê. Thí dụ: a) tin, men, lên, thiên, thuyền. b) tịt, lét, tết, khiết, khuyết, tuyệt, tiếc, tích.
7/ a (+phụ âm), o (+phụ âm), ô (+phụ âm), u (+phụ âm), ư (+phụ âm), ươ (+phụ âm). Thí dụ: chang, trong, nung, lưng, chương, chuông; trọng, chúng, thượng, chuộng, nướng; nóc, được.
8/ oa (+phụ âm), uâ (+phụ âm), uô (+phụ âm). Thí dụ: a) loan, luân. b) thoát, khoác, luật, thuốc. c) loang, khuôn, chuông, khuân, khuâng.
9/ ao, âu.
10/ eo, oeo, êu, iêu, yêu, iu.
Tóm tắt, nguyên âm chia làm 2 nhóm chính có âm phân biệt: (a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư ) và (i, y, e, ê) . Nếu 2 nhóm này mà hợp vận với nhau thì bằng cách bắc cầu từ âm nọ qua âm kia, thì bất cứ 2 âm (2 nguyên âm hay 2 nhóm nguyên âm trong một từ) nào cũng có thể hợp vận với nhau.
B. Bán vận trong nguyên âm và phụ âm cuối. Nguyên âm thì theo nguyên tắc trên. Phụ âm cuối có thể thay đổi như sau:
1/ c, ch, t, p. Thí dụ: lắc, trách, tát, chập.
2/ n, nh, m. Thí dụ: a) than, cành, chàm. B) cận, thánh, cám.
3/ n, ng. Thí dụ: a) than, thong, không, thằng. B) cận, thắng, cống.
Thơ tự do rất hợp với bán vận. Trong thể thơ này, vần hợp nhau chan chát (thí dụ: hình, tình) làm câu thơ kém hay.
Điều tối kỵ trong âm vận : dùng 2 chữ giống nhau trong 2 vần kế tiếp hay trong 3 câu lục bát kế tiếp, ngoại trừ trường hợp nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh. (Nguyên tắc chung là tránh điệp ngữ). Thí dụ:
Nhà em mái tranh
Trắng giàn dây mơ
Bây giờ hoa cũ
Rụng hoài trong mơ
(Phạm Thiên Thư - Giàn mơ)
Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào, rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế
(Nguyên Sa - Tuổi 13)
Những câu thơ lạc vận :
Thơ lạc vận có rất nhiều trong các tạp chí và Web sites, không tiện trích dẫn ra đây.
Thỉnh thoảng trong bài thơ có một hai chỗ lạc vận thì còn có thể bỏ qua. Chứ cả đoạn lạc vận thì bài thơ không còn giá trị.
Ngay cả những nhà thơ nổi tiếng cũng có những câu lạc vận, do vô tình hay cố ý. Thí dụ:
Từ ngày đàn rẽ đường tơ,
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan .
Kéo dài một chiếc áo len ,
Tơ càng đứt mối, nàng càng nối dây.
Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã vỡ, nay tình còn nguyên.
(Thâm Tâm - Gửi T.T.Kh)
Buồm lên biển tím chênh vênh,
Một đêm gã bỏ tình nhân lại bờ.
Lòng qùy nhớ mặt trời xa,
Vào quán biển hỏi thăm người xa xưa
(Phạm Thiên Thư - Quán rượu ven biển)
Con chim én cùng với thơ bay trong nắng
Trên môi anh dường có ngọn cỏ thơm
Là ngón tay nào trong mười ngón tay em
Có cả nụ hôn đầu quanh quất đó...
Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố
Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non
Tháng Giêng chờ một chút lượng xuân em
Nụ cười đó, anh chờ xuân vĩnh viễn
(Nguyên Sa - Tháng giêng và anh)
Sao hương sắc lên mắt mình tình tứ
Và đôi mắt nhìn tôi ngập nhừng chim sẻ
(Nguyên Sa - Tuổi 13)
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
(Nguyên Sa - Áo lụa Hà Đông)
Có phải tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em?
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm mắt nhớ thương?
(Nguyên Sa - Tương Tư)
Đoạn 2. HÌNH THỨC THƠ
I. Sự chọn lựa thể thơ
Thể thơ có nhiều: thơ đều chữ, không đều chữ và thơ tự do. Ở đây tôi không nói đến thơ Đường luật mà chỉ nói đến các thể thơ mới.
1/ Thơ đều chữ thay đổi từ 2 đến 8 chữ trong một câu.
Loại 2 chữ cũng như loại 3 chữ khiến hơi thơ ngắn, và bài thơ cũng thường ngắn, không nói gì được nhiều. Người dùng loại thơ này nhằm mục đích nói lên những âm thanh ngắn như tiếng nức nở, tiếng mưa rơi...
Thí dụ:
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
Nhưng hơi
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào...
(Nguyễn Vỹ - Sương rơi)
Loại 4 chữ phổ biến hơn, nhưng coi chừng dễ biến thành vè. Thế nào là vè? Vè là thơ dân gian, loại thường thấy là Sớ Táo Quân. Vè có thể là thơ 2 hay 3 chữ, nhưng thường dùng thể 4 chữ hay lục bát. Vè 4 chữ dùng liên vận, tức là 2 câu liền nhau vần với nhau, thay đổi giữa bằng và trắc. Vè không chia bài thơ thành từng đoạn 4 câu.
Loại 4 chữ chia từng đoạn 4 câu và dùng cách vận (giống 4 câu đầu của thể thất ngôn) thì hay hơn liên vận.
Loại 5 chữ thường chia đoạn 4 câu và dùng cách vận.
Loại 6 chữ cũng ít được dùng, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy trên thi đàn.
Xuân hồng có chàng tới hỏi
- Em thơ chị đẹp em đâu?
- Chị tôi hoa ngát cài đầu
Đi hái phù dung trong nội!
(Huyền Kiêu - Tình sầu)
Thể thơ từ 4 đến 6 chữ cho hơi thơ trung bình, thích hợp với phong thái nhẹ nhàng, trang trọng.
Loại 7 chữ rất phổ biến. Niêm luật không còn trói buộc, miễn là đọc lên, câu thơ không trúc trắc. Thể thơ này thích hợp với phong thái trang nghiêm, cổ kính.
Loại 8 chữ là thể thơ hoàn toàn Việt nam, dùng liên vận, nhưng cũng ít được dùng. Thể thơ này thường diễn tả những tình cảm tha thiết, hùng tráng. Điển hình nhất là bài "Hổ nhớ rừng" của Thế Lữ. Gần đây Nguyên Sa hay dùng thể thơ này.
Dĩ nhiên câu thơ càng dài thì có tính cách kể lể nhiều hơn và không cần xén bớt từ.
Thơ đều chữ biến thể có chêm ít câu không đều chữ, hoặc thay đổi số câu (thay vì thông thường là 4) trong đoạn. Thể thơ này thường xảy ra với loại 4, 5 hay 6 chữ.
Thí dụ về thay đổi số chữ trong câu:
- thơ 5 chữ
Khoảng thời gian loãng đó
Không có mặt nàng
Mưa đỏ miền cao nguyên
Núi đồi sầu lụn bại
Khi tôi trở về
Thành phố lạnh khoang xe
Mây sương lòng thung lũng
Và ngàn thông co ro
(Nguyễn Vũ Văn - Trên con đường nhà thờ)
- thơ 8 chữ
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn (9 chữ)
Nếu em sợ thời gian dài vô tận
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống (9 chữ)
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong tỏa đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm (9 chữ)
(Nguyên Sa - Tháng sáu trời mưa)
Thay đổi số câu trong đoạn:
Anh đứng đây là đâu
Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao
Anh đứng đây là đâu
Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu
(Hoàng Cầm - Chuyện trăm năm)
Cô đơn bằng Thượng Đế,
Yếu đuối như linh hồn,
Làm sao tôi trèo lên
Vực thẳm tờ bản thảo
Trắng im lìm giá băng.
Ngó thấy tự đằng xa,
Cuộc đời hàm tiếu thật.
Tôi lỡ daÏi ôm ghì
Làm dập hoa, sướt gai
Còn gì tuổi trẻ nữa?
(Tô Thùy Yên - Thân phận của thi sĩ)...
hỡi bé lang thang vùng thảo nguyên
như ta ngày xưa. thời thơ dại
áo vắt vai đi qua rừng sim
lội trong cỏ may ngập đầu gối
biển cỏ mênh mông sóng dập dờn
hò ơi giong thuyền về bến đợi
cho ta theo nhé về đêm nay
đêm trong nhà xưa. đêm mát rượi
xin bát canh rau ăn rất hiền
chong ngọn đèn dầu mẹ dệt cửi
đọc chuyện thạch sanh lòng hân hoan
có khi mong được làm thằng cuội
trong giấc ngủ mơ không thấy tiên
chỉ thấy vườn xưa cây trĩu trái
tan mơ. mở cửa ra nhìn sao
muôn ánh sao mờ dòng lệ chảy
đêm khuya rì rào trong cây xanh
nghe bên láng giềng gà tre gáy
sáng mai ta bước ra ngoài sân
nhìn quanh hiên rụng đầy hoa bưởi
năm năm ta qua vùng thảo nguyên
đến nay vang vang mùa hạ gọi
mùa hạ cùng ta phơi áo biếc
bên hàng dâu rũ lá mong manh
mùa hạ cùng ta đi hài đỏ
qua cầu tơ liễu lá vàng trong...
(Thảo nguyên - Nguyễn Xuân Thiệp)
2/ Thơ không đều chữ có lục bát và song thất lục bát.
Song thất lục bát không còn được dùng.
Lục bát là loại phổ biến nhất vì dễ làm, nhưng người mới làm thơ cũng dễ biến nó thành vè. Dễ làm nhưng khó sửa. Làm câu nào là chết câu ấy. Bài thơ làm xong rồi, muốn thêm bớt một đoạn là cả một vấn đề bởi vì vần thơ cấu kết với nhau theo kiểu liên hoàn, vừa yêu vận (vần nằm giữa câu) vừa cước vận (vần ở cuối câu).
3/ Thơ tự do.
Loại thơ này rất thông dụng nhưng đòi hỏi kỹ thuật và sự sáng tạo nhiều nhất. Nhiều người cho rằng người mới làm thơ nên làm các loại thơ khác trước khi làm thơ tự do, để nắm vững kỹ thuật và âm điệu.
Một loại thơ tự do đặc biệt là thơ xuôi, có hình thức như văn xuôi. Loại thơ này cần hơi thơ dài, mặc dù bị cắt thành từng câu ngắn, và dường như không chú ý đến âm vận.
Thí dụ:
Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng hôn màu khói nhạt. Hôm nay quê hương từ bỏ, anh đau đớn làm đứa con hoang đầu xó chợ...
Hỡi Liên, những Liên và Liên
Dù một chút đau thương, từ chối, tổ quốc ta chạy dài trên địa ngục, xòe mở hai bàn tay anh khóc đó - những cánh tay gầy trơ xương, chọn. Con đường đi buổi chiều hấp hối, ôi buổi chiều sương mù.
(Thanh Tâm Tuyền - Liên, những bài thơ tình thời xa cách)
Tôi giữ em lại trên một hè phố đông người. Em đừng ngần ngại. Tôi bảo rằng: tôi yêu em.
Tôi nói không thẹn thùng, không đắn đo dò xét. Bởi vì em ơi tôi không phải là gã lái buôn hỏi giá hàng trong một buổi chợ chiều hỗn loạn. Cũng không phải là ngưoòi thư ký già ngồi mân mê vài chiếc đinh ghim và mưu toan làm chủ sự...
(Nguyên Sa - Ngỏ ý)
II. Cách xuống dòng và chấm câu
Về cách xuống dòng, có tác giả trình bày thơ theo một quan điểm hội họa hoặc nội dung bài thơ. Như Nguyễn Vỹ chẳng hạn, trình bày bài thơ Hoàng Hôn theo hình dáng một đàn cò.
Có người thay đổi chỗ xuống hàng trong các thể thơ đều chữ hay lục bát, như ngắt đôi câu 8 trong thể lục bát chẳng hạn. Đó là những cái cầu kỳ không tác dụng.
Trong thơ tự do, chỗ xuống dòng là để qua một ý thơ khác, để thay cho một dấu chấm hay dấu phẩy, để ngắt hơi thơ, để nhấn mạnh một chữ hay cụm từ hoặc để thể hiện một thanh âm...
Dưới đây là thí dụ về sự nhấn mạnh bằng cách xuống hàng:
Hôm nay
Nghe lời hát quen quen
Người đàn bà ấy mang tên
Lời từ biệt
Trên một sân ga vắng
Tiếng kèn trầm của một chuyến ô-tô-ray
Đầy dĩ vãng
(Thanh Tâm Tuyền - Bao giờ)
Những câu "Hôm nay", "Lời từ biệt" và "Đầy dĩ vãng" được xuống dòng để nhấn mạnh.
Dấu phẩy rất cần thiết cho ý nghĩa cũng có thể bị tước bỏ. Trong câu dưới đây, tác gỉa muốn nói chờ đợi nhiều người chứ không phải một người:
Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)
Về cách chấm câu, cũng mỗi người một ý. Có người chấm câu rất cẩn thận, có người không chấm câu. Người ta cho rằng việc xuống dòng không có dấu chấm phẩy bao hàm sự kéo dài ý nghĩa của câu thơ, "những khoảng trống có ý nghĩa".
Theo ý tôi, thơ lục bát nên có chấm câu vì mỗi ý thường chỉ gói tròn trong 2 câu lục và câu bát kế tiếp.
Lại có người không viết hoa ở đầu câu, làm như bài thơ chỉ là một trích đoạn.
Cũng có người chấm câu ở giữa dòng mà không xuống hàng. Nguyễn xuân Thiệp chẳng hạn, chấm câu giữa dòng và không viết hoa:
hỡi gió mùa
đã thổi từ cội nguồn xa tới cửa hiện thời
thổi qua những rặng núi. những dòng sông. những xóm làng. thành phố quê hương tôi
(Nguyễn xuân Thiệp - Tôi cùng gió mùa)
Dù sao, cách chấm câu cũng chỉ là tiểu tiết, không ảnh hưởng đến phẩm chất bài thơ.
Đoạn 3. NỘI DUNG
1/ Dàn ý
Ít nhà thơ nào làm thơ có dàn bài (plan). Tuy nhiên, với những bài thơ có phân đoạn, hoặc thơ tự do, việc sắp xếp lại các câu thơ cho có trình tự hợp lý là điều cần thiết.
2/ Ý thơ
Bài thơ hay phải có ý thơ mới lạ. Mới lạ trong chi tiết, trong cách so sánh, cách liên tưởng... Ý thơ có thể rất tinh tế, sát với thực tế, nhưng cũng có thể rất cường điệu.
Để tả sự trống vắng trong tâm hồn:
Sao tuổi trẻ qúa buồn
Như bàn ghế không bầy
(Thanh Tâm Tuyền - Dạ khúc)
Để diễn tả vẻ buồn:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
(Nguyên Sa - Nga)
Để diễn tả mái tóc vàng và đôi mắt nâu:
Tôi sẽ sang thăm em
Để những mái tóc màu củi chưa đun
Mầu gỗ chưa ai ghép làm thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa...
Hay đôi mắt màu thóc đang say
Mầu vàng khô pha lẫn sắc nâu gầy
(Nguyên Sa - Tôi sẽ sang thăm em)
Để diễn tả mái tóc mun:
Mùa tóc mun
Đẹp những khu rừng không bóng cây
(Thanh Tâm Tuyền - Mai)
Để diễn tả bàn tay trắng nõn, đôi mắt long lanh và đôi mắt ngọc bích:
Những ngón tay dài ướp trọn mấy ngàn thu
Mà men sáng trong xanh màu trăng vời vợi...
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng Đế đưa sao mang gửi về khóe mắt?...
Mắt dịu ngọt đúc từ rừng ngọc bích
Hay linh hồn trăm phiến đá chân tu?
(Nguyên Sa - Đẹp)
Để diễn tả bước chân nặng nề và nỗi lòng chất chứa:
Ta về từng bước chân là núi
Thăm thẳm lòng mang một biển sâu
(Khoa Hữu - Trở về)
Để diễn tả sự đành tâm chia ly:
Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
Để diễn ta tình trạng giải phóng, tự do cá nhân:
Tôi chờ đợi
Cười lên sặc sỡ
La qua mái ngói
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)
Buồn vì tuổi trẻ bất lực:
Hôm nay
Tuổi nhỏ khóc trên vai
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)
Vân vân.
Để kết thúc đoạn này, tôi xin nhắc đến loại thơ tượng trưng. Trong bài thơ loại này, tác giả có thể dùng bất cứ cái gì để tượng trưng cho đối tượng mà tác giả ngầm nói tới.
Thí dụ bài này:
Cánh đồng con ngựa chuyến tàu
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a! cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu
(Tô Thùy Yên)
Bài này nói về kiếp số con người. Chuyến tàu là thời gian, cánh đồng là đời người, con ngựa là con người.
Hy vọng
Con bướm lạc vào cánh đồng
Đóa hoa thành ruộng lúa
Con bướm khóc giữa cánh đồng
Hồn hoa thành đứa nhỏ
Con bướm chết trong bàn tay
(Nguyễn Vũ Văn)
Bài này nói về niềm hy vọng bị bóp chết bởi sự lừa dối.
Đoạn 4. TỪ NGỮ
Bài thơ hay không nên dùng những từ ngữ đã dùng nhiều trong văn thơ, nhất là tính từ, tỉ dụ như: (lòng) tê tái, (dài) lê thê, não nùng... Tuy nhiên, ta có thể làm mới những từ ấy bằng cách dùng nó theo ý nghĩa khác đi một chút. Thí dụ chữ "thăm thẳm" thường dùng để chỉ chiều sâu, Tô Thùy Yên dùng cho tiếng chó tru (trong bài "Góa phụ") để nói lên âm thanh dài và cao. Thanh Tâm Tuyền dùng "điệu nhạc gầy" để nói lên những nốt nhạc cao ("Dạ khúc").
Thanh Tâm Tuyền còn dùng từ "cười sặc sỡ" ("Bài ngợi ca tình yêu"). Không biết ông muốn nói "cười sặc sụa", "cười muôn màu, đủ mọi kiểu", hay là "cười điên dại" ("điên dại" thì có liên quan gì đến "sặc sỡ"?):
Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu).
Một bài thơ bình dị, không có từ mới, vẫn có thể là bài thơ hay, rất hay, miễn là có góc cạnh mới lạ, lời thơ giản dị, trong sáng, hay nồng nàn, thành khẩn... Thí dụ:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Aùo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
(Phạm Thiên Thư - Ngày xưa Hoàng thị)
Hay là:
Nhớ chăng Barbara
Hôm ấy mưa rơi hoài xuống Brest
Anh gặp em ở phố Xiêm
Em mỉm cười
Và anh cũng mỉm cười
(Thanh Tâm Tuyền - Barbara, dịch thơ Jacques Prévert)
Hay là:
Đón em suốt bãi sông Hằng
Cát muôn kiếp mãi nhớ lần gặp xưa
Hẹn về dù nắng dù mưa
Hẹn về dù sớm dù trưa cũng về
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)
Sáng tạo
Ngoài ra, thơ hay cần từ ngữ sáng tạo. Thi sĩ mất nhiều thì giờ ở điểm này. Sáng tạo không phải là chế ra chữ mới, mà dùng chữ đã có với nghĩa khác thường. (Chế ra chữ mới cũng được thôi, nhưng nếu người đọc không hiểu thì lại thành thơ bí hiểm).
Hãy xem những từ gạch dưới:
Em về, cát bụi òa lên
Trăm thương nghìn nhớ vỡ rền thế gian
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)
Tiếng kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
(Thanh Tâm Tuyền - Dạ khúc)
Người đàn ông trở dậy sau giấc ngủ trưa
Mặt trời sáng lòa
Một người nào đội nón đi ra
Tiếng guốc bốc cháy lên hàng cây tù tội
(Nguyễn Vũ Văn - Cảm giác buổi chiều)
Tô Thùy Yên phục hồi cổ ngữ. Một cách làm mới thơ? Hãy xem:
Đêm nằm, lệ chảy mòn tay
Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều
(Hái rau)
Đòi phen toan đẩy cửa liều
Ra cùng thiên hạ vui chiều ngửa nghiêng
(Suốt bãi sông Hằng)
Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình
(Góa phụ)
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không bên kia sông
(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)
Dưới đây là những chữ do tác giả sáng chế ra, để độc giả tự tìm hiểu:
Rừng đưa mái võng treo triền
Như quằn chiều sánh, như lền gió qua.
(Tô Thùy Yên - Hái rau)
Nổi chìm, lệ lợ máu lền
Đau thương thôi đã pha rền tử sinh
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)
Những ý thơ thách đố độc giả:
Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu
(Hoàng Cầm - Chuyện trăm năm)
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
(Hoàng Cầm - Đêm thổ)
Vừa khi vuốt tóc nhìn chênh bến
Chợt thấy dài xanh ngất nước mây
Hoa khô xây bậc cho thềm ngọc
Một phím đàn đôi bốn cánh bay
Ngự đỉnh dài ánh nguyệt xuyên xanh
Đón chào nữ chúa khóc vô thanh
(Hoàng Cầm - Ngã ba sông)
Biểu tượng
Thi ca thường dùng biểu tượng, thí dụ mùa xuân hay mầu hồng chỉ sự tốt đẹp, mùa đông hay màu xám chỉ sự buồn rầu, chết chóc. Biểu tượng có tính cách phổ quát, được mọi người chấp nhận. Thơ hay cũng cần làm mới biểu tượng.
Thí dụ, Trần Dạ Từ dùng hoa và trái thay cho mùa xuân:
Hoa và trái một đêm nào thức dậy
Nghe mộng đời xao xuyến giấc xuân xanh
(Mộng đời)
Riêng Thanh Tâm Tuyền có lối dùng biểu tượng rất độc đoán:
Sao tuổi trẻ qúa buồn
Như con mắt giận dữ
(Dạ khúc)
Giận dữ không thể là biểu tượng cho cái buồn. Con mắt giận dữ có thể buồn, nhưng buồn không nhất thiết có nét giận.
Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng hay sang Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Đầu Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
(Bao giờ)
Những đoạn đường nói trên cũng không buộc phải là đoạn đường độc hành.
Điệp ngữ
Nguyên tắc chung là tránh điệp ngữ trong cùng một câu hay trong những câu liên tiếp, như dưới đây:
Quê nhà ôi những đêm tàn lửa
Phía mặt trời ai gọi lửa lên
(Khoa Hữu - Trở về)
Hay là:
Mười năm thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
(Tô Thùy Yên - Ta về)
Những trường hợp dùng điệp ngữ:
1- để nói đến ý của chính chữ đó:
Ôi, mê hoặc ngày ta trở lại
Núi còn đây tưởng núi hoang đường
(Khoa Hữu - Trở về)
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi
(Tô Thùy Yên - Ta về)
2- để nhấn mạnh:
Mặt trời mọc!
Mặt trời mọc!
Rưng rưng mùa hoa gạo
(Quách Thoại - Trăng thiếu phụ)
3- để diễn tả một động tác kéo dài hay lập đi lập lại:
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
(Tô Thùy Yên - Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)
4- để tạo âm hưởng đặc biệt:
Ở đây ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây...
Dòng sông hiền triết trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm...
(Tô Thùy Yên - Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu
(Nguyên Sa - Tháng sáu trời mưa)
5- để mở rộng ý phụ:
Dưới đây là một bút pháp nhằm mở rộng một ý mà vẫn giữ tính cách thống nhất của ngữ pháp:
Nhân danh dân chủ tự do
Chúng bán đầy đường súng đạn
Chúng bán đầy đường sinh mạng
Dạy nhau cách giết người
Lấy tội ác viết tiểu sử
(Nguyễn Vũ Văn - Vì sao)
Trong đoạn thơ trên, câu thứ 3 nhằm mở rộng ý của câu thứ 2 (súng đạn = sinh mạng) mà vẫn giữ được chữ "Chúng" làm chủ từ (subject) cho 2 câu cuối cùng.

Đoạn 5. BÚT PHÁP
Bút pháp là cách hành văn, bao gồm cả cú pháp (syntax, syntaxe), lối viết (style) và cách diễn đạt (tournure, turn of phrase).
Bút pháp thơ thật là đa dạng. Có những cách mà các nhà thơ đều dùng để cô đọng thơ, so sánh đối tượng, làm mới thơ... Ở đây tôi xin nói đến một số bút pháp chung và bút pháp đặc biệt.
A.BÚT PHÁP CHUNG
1. Dùng từ đồng cách (apposition)
Đồng cách từ là bút pháp phổ biến nhất để giải thích, so sánh, mở rộng ý nghĩa của một từ...
Thí dụ:
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
(Thanh Tâm Tuyền - Lệ đá xanh)
= Cánh tay em là vòng ân ái.

Trán mênh mông, cánh sông dài
Thổ ngơi xuôi mái, hồn ngoài châu thân
(Viên Linh - Nghi hoặc nỗi gì)
= Trán mênh mông như cánh sông dài
2. Xén bớt những từ để cô đọng lời thơ
Xin đọc đoạn thơ này:
Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu khuya mỏi nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn...
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em
(Tô Thùy Yên - Góa phụ)
Bạn có thể nhận thấy những từ gọt bỏ nếu diễn ý như sau:
Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu, về khuya, vì mỏi nên nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm làm ngây ngất thiên địa
Trên mái ngói nghiêng triền, trái rụng lăn xuống...
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian trên mái tóc em
Thí dụ 2:
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
(Thanh Tâm Tuyền - Lệ đá xanh)
Diễn ý:
Đôi khi anh muốn tin
Rằng ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa là cánh tay em quyến rũ
Thí dụ 3:
Hồn thảo mộc giấc ngủ
Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng
(Thanh Tâm Tuyền - Mai)
Diễn ý:
Trong giấc ngủ, hồn như hồn của thảo mộc
Nằm mơ những ngôi sao và mặt trăng
Thí dụ 4:
Tao nhớ mày những rừng giang đồi sắn
Điếu thuốc lào tê tái lúc tinh mơ
Ngọn rau hoang tô canh ảm đạm
(Nguyễn Vũ Văn - Nhớ người vượt biển)
Diễn ý:
Tao nhớ mày cùng những rừng giang, đồi sắn
Cùng điếu thuốc lào tê tái lúc tinh mơ
Cùng ngọn rau hoang làm nên tô canh ảm đạm
3. Xén bớt từ để làm mới thơ
Những từ trong ngoặc dưới đây đã được lược bỏ để làm mới cú pháp:
Nhớ em một đóa thanh tao
Kết tinh nữ sắc từ (khi) vào trần gian.
(Nguyễn Vũ Văn - Sợi tóc)
Ngàn (năm) xưa ai từng ở nơi này
Rồi đến (năm) ngàn sau ai đến đây
(Phạm Thiên Thư - Liềm trăng) v.v...
4. Thêm từ
Nhiều từ được thêm vào cho ý thơ có vẻ mới lạ, nhưng thật ra không có thêm ý nghiã gì.
Thí dụ những từ gạch dưới trong các câu này:
Hôm nay
tuổi nhỏ khóc trên vai
(Thanh Tâm Tuyền)
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
(Trần Dạ Từ - Nụ hôn đầu)
Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
(Phạm Công Thiện - Ngày sinh của rắn)
5. Đổi chữ
Thay vì "tôi chờ đợi lớn lên như giông bão":
Tôi chờ đợi
Lớn lên cùng giông bão
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu
Có ý kiến cho rằng câu này không có đổi chữ, mà có nghĩa "Tôi chờ đợi lớn lên cùng chiến cuộc" (giông bão = chiến cuộc). Nhưng chẳng lẽ tác giả cũng chờ đợi chiến cuộc lớn lên?
6. Mượn cái này tả cái khác:
Để tả nỗi khao khát ra biên giới mà vùng vẫy:
Đường nào ra biên giới
Gió vẫy vùng cỏ cây
(Nguyễn Vũ Văn - Cỏ úa)
7. Liên tưởng: kết hợp ý của các mệnh đề độc lập (independent clauses).
Thí dụ 1:
Khúc tình ca thần nữ
Người con gái khỏa thân
Vung lên từng chuỗi ngọc
Trong miền sương mong manh
(Nguyễn Vũ Văn - Trên con đường nhà thờ)
Câu thứ nhất độc lập với các câu sau về ngữ pháp, nhưng kết hợp với ý của các câu đó thành một chi tiết duy nhất.
Thí dụ 2:
Chiếc cửa sổ nào ai mở ra
Tiếng dương cầm bâng khuâng một thời dĩ vãng
(Nguyễn Vũ Văn - Cuối thu)
Hai câu trên hàm ý tiếng đàn thoát ra từ cánh cửa sổ mở rộng.
8. Cụ thể hóa những cái trừu tượng
Đây là nỗi buồn lởn vởn:
Nỗi buồn như bầy chiên
Vây quanh chàng mục tử
(Nguyễn Vũ Văn - Những cánh tay của gió)
9. Trừu tượng hóa những cái cụ thể
Nghe thiên thu cũng trở trời
Áo phơi mùa trước như lời bỏ quên
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)
Sợi tóc đen như một chuỗi cười
Trên chùm môi lá biếc
(Thanh Tâm Tuyền - Tháng giêng)
10. Dùng đảo ngữ
Đảo ngữ thường được dùng với mục đích:
- thỏa mãn âm vận hay âm điệu:
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
(Thanh Tâm Tuyền - Lệ đá xanh)
Quản chi lớp lớp hư hình
Dài đêm đăm đắm mắt nhìn quầng thâm
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)
Vừa khi vuốt tóc nhìn chênh bến
Chợt thấy dài xanh ngất nước mây
(Hoàng Cầm - Ngã ba sông)
- thay đổi bút pháp:
Người về như sóng
Buồn tôi quanh năm...
Bóng hình chia đôi
Sầu tôi lụ khụ
(Du Tử Lê - Một bài thơ nhỏ)
B.BÚT PHÁP RIÊNG
I.BÚT PHÁP NGUYÊN SA
Nguyên Sa có một lối viết đặc biệt, luôn luôn nghĩ ra những chi tiết rất nhỏ, ngộ nghĩnh, vẩn vơ, đôi khi chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đó lại là chất thơ của ông.
Bầu trời mây ở dưới áng mây cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?...
Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và môt chút vai em cho huệ trắng...
Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc...
(Tháng giêng và anh)
Em có đứng ở bên bờ sông
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
(Paris có gì lạ không em)
Nguyên Sa ưa dùng công thức: "A hay là B", "sao không A mà như có A", "sao không A để cho tính cách/hậu qủa của A", và "có phải A nên có tính cách/hậu qủa của A".
1. "A hay là B"
Đôi khi B chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là ý tưởng vơ vẩn.
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?
(Tương tư)
Nắng thu vàng có liên quan gì đến gió lạnh và màu áo? Nếu nắng thu vàng là màu áo thì có liên quan gì đến gió lạnh?
Hay là:
Muôn vì hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
Người về trên một dòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh?
(Tiễn biệt)
Sông vắng nước để cho nước cạn, người không đi xa. Sông đi quanh để cho thuyền đi vòng trở lại.
2. "Sao không A mà có như có A"
Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan?
(Tiễn biệt)
3. "Sao không A để cho có tính cách/ hậu quả của A"
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu?
Sao người không là một cung đàn
Cho tôi mềm lòng trong tiếng than
(Tiễn biệt)
4. "Có phải A nên có tính cách/ hậu quả của A"
Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng Đế đưa sao mang gửi về khóe mắt?
(Đẹp)
Nguyên Sa cũng hay hỏi tại sao:
Tay anh dài sao em không gối mộng
Thơ anh say sao chẳng uống cho đầy
Mắt thuyền trôi anh chèo cả hai tay
Sao chẳng ngự cho hồn anh xuống nhạc
(Người em sống trong cô độc)
Bút pháp này gợi nhớ đến bài Tống biệt hành của Thâm Tâm:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Trời chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
II. BÚT PHÁP THANH TÂM TUYỀN
Những chữ "vậy em biết không" dưới đây tạo ra một âm hưởng đặc biệt, tha thiết:
Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không. Mà tổ quốc ngàn đời nín thở vì t rời th ì xanh mà khổ đau nói sao cho hết. Chẳng là anh chót yêu em vậy em biết không? Mà khi yêu nhau, trong những đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau.
(Thanh Tâm Tuyền - Liên, mặt trời tìm thấy)
Nếu bạn muốn khóc cho những cuộc tình tan vỡ mà không ra được nước mắt, bạn sẽ viết như thế nào? Còn Thanh Tâm Tuyền thì mượn đôi mắt của người khóc:
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
(Thanh Tâm Tuyền - Hãy cho anh khóc bằng mắt em)
Nói đến một con người tội lỗi trong cái "tôi":
Tôi xin một chỗ qùy thầm kín
Cho đứa nhỏ linh hồn
Sợ chó dữ
Con chó đói không màu...
Em bé quàng khăn đỏ ơi
Này một con chó sói
Thứ cho sói lang thang
(Phục sinh)
Nỗi buồn vì tuổi trẻ bất lực:
Hôm nay
Tuổi nhỏ khóc trên vai
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)
Thanh Tâm Tuyền có một bút pháp rất "Tây". Hãy xem ông diễn tả :
- Người đàn bà nhớ lại những câu thơ cũ:
Những lời thơ rất cũ
Gõ cửa trái tim nàng
(Mai)
- Một người đàn bà đã ra khỏi đời mình:
Người đàn bà ấy mang tên
Lời từ biệt
(Bao giờ)
Một bút pháp đặc thù Thanh Tâm Tuyền hay sử dụng là dùng một đối tượng khác để diễn tả đối tượng mình đang nói tới. Bạn buồn ư? Đừng nói "tôi buồn", mà nói "trời buồn" hay "con ngựa buồn".
Thật vậy, để diễn tả nỗi buồn trong đôi mắt, TTT dùng mắt ngựa thay cho mắt đối tượng. Bạn có thể thay bằng một con vật khác và ý thơ không thay đổi:
Con ngựa buồn
Lửa trốn con ngươi
(Bài ngợi ca tình yêu)
Để diễn tả một sự tương thuộc, TTT dùng cỏ và hoa thay cho hai đối tượng, nhưng bạn cũng có thể thay bằng hai cái gì khác:
Cỏ của hoa và hoa của cỏ
Những ngón tay những ngón chân những nụ cười
(Cỏ)
III. NGUYỄN XUÂN THIỆP: THƠ TÙY BÚT
Tùy bút là một thể loại hồi ký ngắn ghi lại những cảm nghĩ liên quan đến một ngoại cảnh nào đó.
Trong một số bài, Nguyễn xuân Thiệp làm thơ như viết tùy bút, như văn xuôi có vần, không dùng biểu tượng, không thắc mắc về từ ngữ mới, và không dùng các bút pháp thông thường của thi ca như đã đề cập trong đoạn này. Lời văn giản dị. Ý thơ tinh tế, cái tinh tế của thể tùy bút.
Hãy đọc:
này em. chưa đan xong chiếc áo len quàng cổ
thì gió mùa đêm nay đã đến đầy phòng
thổi rung liếp cửa
em có nghe tình ta âm vang dưới bầu trời hun khói
âm vang qua đồng cỏ tranh
lại gặp nhau
tôi cùng gió mùa
để đêm nay có người lục lại gối chăn trong hòm cũ
tìm lại chiếc gương xưa
để sớm mai
hồng má trẻ con
se môi thiếu phụ
để người đi xa một sớm quay về
(Tôi cùng gió mùa)
khi bầy chim ngủ đỗ ở những ngọn cây bên bìa rừng
cùng cất tiếng hót
đợi ngày lên
chúng tôi. những tình nhân thất laÏc nhau trên mặt đất
không được nhìn thấy nhau
chỉ nghe tiếng nói. như từ giấc mơ nào
của dòng sông. đã lãng quên
(Mùa cuối)
IV. HOÁN VỊ TỪ NGỮ
a/ LÊ ĐẠT
Lê Đạt gọi thơ ông là thơ haikâu (thay vì hai câu?). Ông lựa chữ sao cho người đọc có thể đảo lộn vị trí các từ để tạo câu thơ mới. Thí dụ:
Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay
(Phả Lại, tập "Ngó Lời", trang 18)
có thể đổi thành:
Vườn lá răm gió bay mùa hoa cải
Bóng ngày phả lại nắng mắt đắng cay
hay:
Bóng nắng mắt răm gió ngày phả lại
Vườn lá bay mùa hoa cải đắng cay
hay:
Vườn mắt bay mùa hoa ngày phả lại
Nắng bóng răm gió lá cải đắng cay v.v...
Theo Thụy Khê (trong Tạp Chí Thơ số 12), với sự thay đổi vị trí trong hai câu thơ trên, dường như ta đứng trước một không gian ảo: thiên nhiên mang tâm cảm và thị giác con người đang phân thân làm nhiều mảnh, rồi tự xếp lại thành những cảnh khác, tình huống khác...
Theo ý tôi, đây là một trò chơi chữ. Trước hết nó hạn chế chiều dài của bài htơ và khả năng truyền đạt của thi sĩ (hay thợ thơ?). Sau, sự đảo lộn vị trí từ ngữ sẽ khiến câu thơ trở nên trúc trắc, khó hiểu. Xưa nay, những trò chơi chữ trong thi ca rất khó thành công và không tồn tại lâu dài.
b/ DU TỬ LÊ
Cũng một chủ trương hoán vị như trên, Du Tử Lê dùng ký hiệu gạch chéo (slash) để đánh dấu những chỗ hoán vị.
Thí dụ:
Rừng/ tôi/ sâu/ thở/ nốt chân trời (nguyên văn)
có thể đọc là:
tôi rừng sâu thở nốt chân trời (hoán vị 1)
sâu rừng tôi thở nốt chân trời (hoán vị 2)
thở nốt chân trời rừng tôi sâu (hoán vị 3)
Hoán vị 1 và 2 còn có ý nghĩa, chứ hoán vị 3 thì có nghĩa gì?
Thí dụ khác:
tình yêu/ đường xá/ ghế, bàn/ ngọn đèn/ đêm tối:
hát cho tôi nghe
bởi chúng thấy tôi
vật lãng quên, lớn nhất
(Hoán vị - Du Tử Lê)
Ở đây, tôi xin chúng ta lại trở về với mục đích của thi ca: truyền đạt tình ý của nhà thơ đến với độc giả, hay là để người đọc dự phần trong sáng tác? Với bất cứ bài thơ nào, độc giả cũng có thể hoán vị một số từ, nếu muốn, cần chi phải chỉ ra cho họ? Hơn nữa, sự hoán vị cần giữ lại âm điệu cho hay và âm vận cho đúng, không thể hoán vị bừa bãi.
V. CHẺ CHỮ ĐỂ THÊM NGHĨA
Du Tử Lê chủ trương chẻ đôi các từ kép (như chia ly và khô héo trong thí dụ dưới đây) để diễn tả hai hành động kế tiếp nhau riêng rẽ chứ không còn giữ nguyên một ý nghĩa của từ kép:
sương, trần thân mây chia, ly (chia rồi ly)
nhập chung nỗi chết: sầu khô, héo về (khô rồi héo)
(Khúc 19 tháng 9 - Du Tử Lê)

Đoạn 6. ÂM ĐIỆU
Tiếng Việt là một ngôn ngữ tự nó đã có âm điệu, 6 thanh tạo nên một thang âm trầm bổng. Cho nên bài thơ nào cũng có âm điệu, chỉ có vấn đề là hay hoặc dở. Âm điệu phụ họa được với ý thơ là hay, âm điệu trúc trắc là dở.
Người biết ngâm thơ có thể ngâm bất cứ bài thơ nào. Tuy nhiên, có những bài thơ chỉ để đọc hoặc chỉ nên đọc, chứ không ngâm bởi vì âm điệu gần như văn nói. Thí dụ như một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhất là trong tập "Tôi không còn cô độc". Hãy xem một bài:
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
(Thanh Tâm Tuyền - Phục sinh)
Thơ Việt nam hay hơn thơ Tây phương về âm điệu, diễn ngâm không nhất thiết cần lấy giọng và làm điệu bộ như kịch sĩ, bài thơ hay tự nó đã chứa âm điệu phù hợp với nội dung. Những lời thơ trong Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm chẳng hạn, là chứng minh hùng hồn cho âm điệu tuyệt tác.
Thơ mới cũng không thiếu những âm điệu đủ mọi phong thái. Thí dụ:
Âm điệu hùng tráng:
Sóng lớp lớp rượu ba tuần thuở ấy
Tiếng vang vang như thần kêu qủy hét,
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét
Gọi qúa khứ vị lai những u hồn
Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết
(Lý đông A - Chính khí Việt)
Âm điệu hào sảng, khí khái:
Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
Âm điệu dồn dập:
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu...
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
(Tô thùy Yên - Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)
Âm điệu tha thiết:
Hỡi Liên những Liên và Liên
Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa kia long lanh hỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng hôn bàng hoàng màu khói nhạt. Hôm nay quê hương từ bỏ, anh đau đớn làm đứa con hoang đầu đường xó chợ...
(Thanh Tâm Tuyền - Liên, mặt trời tìm thấy)
Âm điệu trầm buồn, từ cao xuống thấp dần rồi nghẹn lại:
Bây giờ là mùa thu trời xuống thấp buồn vô cùng
(Thanh Tâm Tuyền - Khai từ một bản anh hùng ca)
Âm vận và ngữ âm là những yếu tố của âm điệu.
Âm vận gồm nhiều vần trắc có âm thái sắc cạnh có khả năng diễn tả những tình cảm mạnh. Thí dụ:
Một ngày lạnh nước người không tri kỷ
Ta vỗ án hét thành ca chính khí
Đông thê thê như gió thổi u hồn
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.
(Lý đông A - Chính khí Việt)
Bài thơ có nhiều âm bằng cho âm điệu ngang ngang phù hợp với tâm trạng buồn bã, hoang mang, bàng hoàng... Thí dụ:
Sương lan mờ, bờ sông tường gần nhau
Sương lan mờ và hồn tôi nghe đau
(Xuân Diệu - Sương mờ)
Sài Gòn chiều nay trời còn mưa không em
Đường về hình như nhà ai đang lên đèn
Sầu tư nghe về nghìn trùng trong tim
Trời còn mưa, mưa hoài, mưa trong đêm
(Huy Phương - Mưa chiều)
Phần lớn những bài thơ loại này có ý thơ sáo rỗng, gượng gạo, vì cố tìm cho ra những âm bằng.
Sự thay đổi nhịp trong thơ lục bát
Nhịp là chỗ ngắt giọng thoáng qua trong một câu thơ để làm rõ ý nghiã của câu thơ.
Du Tử Lê viết trong Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng: "Căn bản, tôi chia lại nhịp đi của thể lục bát. Thay vì giữ lại nhịp 2/2/2 hoặc 3/3 trong câu sáu và nhịp 2/2/2/2 hoặc 4/4 trong câu tám, tôi dùng nhịp lẻ (như nhịp chỏi/syncope của âm nhạc)"
Thí dụ:
phố cao, gió nổi, bóng mờ (nhịp 2/2/2)
đêm lu, trời lặng, tôi gù lưng, đi (nhịp 2/2/3/1)
(Bài cuối - Du Tử Lê)
Tôi thiết tưởng nhịp thơ không bó buộc nhà thơ. Nhịp thơ trong câu sáu lục bát không nhất thiết phải là 2/2/2 hoặc 3/3 và trong câu tám cũng không nhất thiết phải là 2/2/2/2 hoặc 4/4. Người làm thơ có thể thay đổi nhịp thơ theo nhu cầu của ý thơ, cho nên việc "cách tân" của Du Tử Lê chẳng có gì mới lạ.
Hãy xem nhịp 3/3/2 trong các câu 8 dưới đây:
Mịt mùng gió lửa hiu hiu,
Bóng nào khóc, bóng nào kêu, não nùng...
Quê người lạ chỗ gối đầu
Lạ trăng sao, lạ cả màu chiêm bao
(Hái rau - Tô Thùy Yên)
Hay là:
Đổ thêm nước vào nồi canh
Bớt củi nồi cá, chậm, nhanh, từ từ (nhịp 4/1/1/2)
(Bùi Giáng)
Sự thay đổi thanh trắc trong thơ lục bát
Du Tử Lê nói rằng ông là người đầu tiên đổi âm trắc "bắt buộc" của chữ thứ tư trong câu sáu của thể lục bát ra âm bằng:
sương, trần thân mây chia, ly
nhập chung nỗi chết: sầu khô, héo về
(Khúc 19 tháng 9 - Du Tử Lê)
Ở đây tôi xin mượn mấy câu do Hoài Tâm trích dẫn trong Tập San Thi Ca số 20 ra tháng 11/99 để nói rằng cố gắng của Du Tử Lê cũng chẳng mới lạ gì trong thi ca:
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
(Gửi T.T. Kh - Thâm Tâm)
Đàn ai trầm cung mênh mang
Nguồn đau thương vọng từ hàng lệ rơi
(Hoài Khanh)
Sự thống nhất âm điệu
Thơ lục bát và thất ngôn có âm điệu trầm bổng đặc biệt. Còn thơ tự do có âm điệu gần với văn nói hơn. Một câu thơ 6 chữ trong thể lục bát với một câu thơ 6 chữ trong thể tự do có âm điệu khác hẳn nhau. Khi ta làm thơ, chính âm điệu của câu thơ đầu tiên dẫn đến các câu sau theo một thể thơ nào đó.
Một số người cho rằng bài thơ không như bản nhạc, cần thống nhất âm điệu để có một âm hưởng thuần nhất. Do đó không nên xen lẫn hai thể thơ trong một bài, như chêm mấy câu lục bát hay thất ngôn trong một bài thơ tự do.
Phân biệt âm điệu và hơi thơ
Hơi thơ ví như khoảng cách giữa những dấu lặng hoặc chỗ ngân dài trong một bản nhạc. Hơi thơ góp phần thay đổi âm điệu, có thể là những chỗ xuống dòng hay dấu chấm câu trong bài thơ. Cũng có khi một hơi thơ bao gồm cả mấy dòng thơ, tùy theo ý thơ.
Thể thơ là yếu tố chính của hơi thơ. Thể thơ càng dùng câu thơ dài thì hơi thơ càng dài. Hơi thơ ngắn dùng để diễn tả những âm thanh ngắn như lời tán thán, hô khởi, tiếng nức nở, nghẹn ngào, tiếng mưa rơi, vân vân. Hơi thơ dài dùng để diễn tả những tình ý tha thiết, lời kêu gọi hùng hồn, vân vân. Như đã nói trong thể thơ.
KẾT LUẬN
Ta có thể rút ra những yếu tố của một bài thơ hay theo thứ tự ưu tiên:
1. Ý mới, chi tiết mới.
2. Bút pháp chọn lọc.
3. Không dùng từ ngữ cũ. Từ ngữ mới càng hay.
4. Hợp vận.
5. Âm điệu và hơi thơ thích hợp.
6. Dàn ý hợp lý.
Ý thơ và bút pháp là những yếu tố quan trọng nhất.
Ý niệm "mới" hay "cũ" đề cập ở trên là dựa vào kinh nghiệm đọc thơ nhiều.
Đó là tiêu chuẩn xét một bài thơ hay về phương diện khách quan. Về phương diện chủ quan, đánh giá một bài thơ hay còn tùy thuộc trình độ kiến thức của người đọc. Tốc độ cảm nhận thơ cũng vậy, nhưng nó còn tùy thuộc cả kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đọc thơ. Người có kiến thức rộng, người đã từng trải hoàn cảnh như trong bài thơ và người đọc thơ nhiều sẽ cảm nhận bài thơ mau chóng hơn những người khác.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để có thể đánh giá một bài thơ là bài thơ phải có thể hiểu được. Vâng, không hiểu thì làm sao biết thơ hay?
Nói cách khác, bài thơ phải tự giải thích được, không cần tác giả giảng nghĩa. Với những bài thơ khó hiểu, tác giả cần phải tự hỏi mục đích làm thơ của mình là gì: để thưởng thức riêng mình hay cho người khác cùng thưởng thức. Nếu có một vài người khác tự họ hiểu được bài thơ, thì cũng coi như bài thơ có thể hiểu được. Còn không ai có thể hiểu được thì nhà thơ nên đặt lại vấn đề: có thể diễn tả một cách dễ hiểu hơn mà vẫn giữ được bản sắc kỹ thuật của mình hay chăng? Nếu không thì tác gỉa sẽ muôn đời cô độc.
Thơ của Thanh Tâm Tuyền là một thí dụ. Tôi chắc rằng ông đã tự đặt những câu hỏi như trên và đã trả lời được những câu hỏi trên cho nên thơ của ông, từ những bài rất khó hiểu ban đầu, đã có những bài mà mọi người đều thú vị.
Nguyễn Vũ Văn