Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

CÓ NHỮNG QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN Ở PHƯƠNG ĐÔNG KHÔNG?




NGUYỄN KIẾN GIANG



I.

Xin bắt đầu bài này bằng một kỷ niệm nhỏ nhưng thật sâu lắng đối với tôi. Hồi đó, cách đây chừng hai mươi lăm năm, sống trong cảnh cô đơn ở một góc núi hiu quạnh, đọc lại tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, lòng xúc động lạ thường. Dường như có một sức mạnh cảm thông vào đó nhấc mình lên thật cao, nhìn thấy sâu hơn, rộng hơn cả một “vùng cô đơn” của con người, và lòng cảm thấy đỡ cô đơn hơn... Nhắc lại kỷ niệm nhỏ ấy, tôi muốn nói rằng trong những khoảnh khắc như thế, cái Tôi của một tác giả lớn sống cách đây năm trăm năm (thời thường được gọi là Trung đại) có thể bằng cách nào đó “nhập” với cái Tôi của người đọc tưởng như có thể hòa chung.

Tôi bỗng hiểu ra một điều: cái Tôi hóa ra không phải là một sản phẩm hiện đại, nó là biểu hiện của ý thức về con người cá nhân và với tư cách đó, có lẽ nó đã xuất hiện từ lâu lắm rồi. Về sau này, khi đọc những công trình tâm lý học, đặc biệt là phân tâm học, tôi lại càng thấy như thế. Ðối với C. G. Jung chẳng hạn, ý thức về con người cá nhân - cái Tôi - xuất hiện rất sớm, khi con người thoát ra khỏi “vô thức tập thể” của một cộng đồng bầy đàn, và cuộc vật lộn của ý thức cá nhân để thoát ra khỏi “vô thức tập thể” ấy vẫn còn kéo dài cho đến tận bây giờ.

Như vậy không có vấn đề “có cái Tôi” hay “không có cái Tôi” trong lịch sử triết học và văn học của các nước phương Tây cũng như của các nước phương Ðông. Cái Tôi - ý thức về con người cá nhân của từng cá nhân - bao giờ cũng tồn tại. Xin nói trước đi một chút: ngay cả những phái triết học hay tôn giáo chủ trương “vô ngã” hay “diệt ngã”, mà Phật giáo là một ví dụ, trước khi làm cho các tu sĩ và tín đồ đạt tới chỗ đó, cũng từng khẳng định và phân tích cái “ngã” một cách thật chi li, đến mắc ngày nay một số nhà tâm lý học phải đi tìm trong văn học Phật giáo những lý giải và phân tích về cái Tôi, cái Siêu Tôi để bồi bổ cho những nhận thức của tâm lý học hiện đại trong lĩnh vực này.[1]

Dù rằng vấn đề đó đã được giải quyết, nhưng cần phải nhắc lại, vì cho đến nay, khi thảo luận về các vấn đề văn hóa, có người vẫn phân biệt “con người cá nhân” thời nay và “con người cộng đồng” thời xưa, hoặc phân biệt “con người cá nhân” ở phương Tây và “con người cộng đồng” ở phương Ðông hiện nay. Về một mặt nào đó, sự phân biệt ấy không sai lắm (nếu xét về mục tiêu tồn tại và hoạt động sống của con người). Nhưng sự phân biệt ấy có cái sai căn bản là phủ nhận sự tồn tại của “con người cá nhân” trong suốt chiều dài lịch sử ở bất cứ phương trời nào.

II.

Xin đi sát hơn một chút vào vấn đề đang bàn: khái niệm “con người cá nhân” ở phương Ðông.

Trước hết, ngay cả khái niệm “phương Ðông”, theo tôi, vẫn là một khái niệm chưa thật chuẩn xác về thời gian và không gian. Phương Ðông là gì, ở đâu? Có lẽ để tiện bàn hơn, ta có thể nói tới một vùng không gian chịu ảnh hưởng của mấy nền triết học lớn thời cổ ở châu á: Nho, Lão và Phật. Khoanh lại như vậy rồi, vẫn chưa nói hết tính phức hợp của chính những triết học lớn ấy. Những quan hệ tương tác, giao thoa, hỗn hợp của chúng, những tiến triển theo thời gian và không gian của chúng - quả thật là những điều không dễ gì phân tích và nhất là khái quát. Không, cái gọi là “văn hóa phương Ðông” hay “văn minh phương Ðông”, hay nói hẹp hơn, khái niệm con người ở phương Ðông, là những tập hợp vô cùng lớn và rất không thuần nhất. Trong lịch sử tư tưởng ở vùng này, đã diễn ra biết bao cuộc tranh luận giữa các triết học ấy và ngay trong bản thân mỗi dòng triết học. Tôi thật vô cùng khiếp sợ khi đứng trước những đống sách báo có liên quan tới vấn đề này, mà những gì tôi thấy được (chưa nói đến đọc được) cũng vô cùng nhỏ bé so với nững gì đã có, đang có. Nhiều lắm mỗi chúng ta cũng chỉ có thể nắm bắt một vài mảng, một vài mảnh nào đó mà thôi. Có lẽ đó là điều mà mỗi người nghiên cứu phương Ðông đều cảm nhận rất rõ, và hẳn đều phải tự nhủ mình tránh tình trạng “thấy rừng không thấy cây” hoặc chỉ “nhìn thấy một vài cây mà không thấy rừng”.

Chỉ lấy một ví dụ: ta thường nói tới “Văn hóa Trung Quốc” và ảnh hưởng của nó đối với các nước chung quanh cũng như đối với nước ta. Trong suy nghĩ của không ít người - trong đó có tôi -, một thời gian dài, khái niệm đó gần như đồng nhất với Nho giáo (hiện nay cũng có nguy cơ đó, khi một số người đề cao Nho giáo như nền tảng tinh thần của quá trình hiện đại hóa ở các nước Ðông Á). Trên thực tế, văn hóa Trung Quốc là một khái niệm rộng lớn hơn nhiều, mà Nho giáo chỉ là một bộ phận (tất nhiên là một bộ phận chủ đạo). Mới đây, trên tạp chí Vostok (Nga), số 3 năm 1992, nhà nghiên cứu M. E. Kharkova công bố một bài viết rất có giá trị: “Tính đa dạng văn hóa tộc người của Trung Quốc thời cổ”. Tác giả nhấn mạnh: vào thời Hán (thế kỷ II trước CN - thế kỷ II sau C.N.), nền văn hóa Trung Quốc là một tập hợp của một vài truyền thống văn hóa tộc người lúc đầu khác nhau, trong đó có hai “chất nền” chủ đạo: “trung tâm” và “phương nam” - thừa hưởng hai truyền thống văn hóa lớn của nước Chu và nước Sở Về đại thể, truyền thống văn hóa Chu kết tinh ở Khổng giáo, còn truyền thống văn hóa Sở kết tinh ở Lão giáo. Văn hóa Hán chính là sự tổng hợp của hai “chất nền” văn hóa vừa độc lập vừa giao nhau này.

Hai “chất nền” văn hóa nói trên mang những định hướng khác nhau và đối lập nhau.

Thứ nhất, về những quan niệm vũ trụ, truyền thống văn hóa Chu (“chất nền” trung tâm) có mấy đặc điểm: Phân bố không gian theo bốn phần, có trung tâm ở chính giữa; đối lập trung tâm với ngoại vi như văn minh với dã man. Ðó là mô hình thế giới “theo chiều ngang”. Trong bốn phương, phương Nam được coi là thiêng liêng (chưa rõ nguyên nhân), còn phương Tây thì được coi là “xứ sở tăm tối”. Trong khi đó, truyền thống văn hóa Sở lại cấu trúc không gian theo “trục Ðông - Tây”, và phương Tây được coi là thiêng liêng (vừa là xứ sở của cái chết, vừa là nguồn bất tử).

Thứ hai, quan niệm vũ trụ có liên quan mật thiết với những quan niệm tôn giáo. Văn hóa Sở thờ cúng Thánh Mẫu (Tây Vương Mẫu) gắn liền với tư tưởng về sự bất tử, do đó mang tính chất huyền thoại. Còn văn hóa Chu thờ quyền lực tối cao của Thánh Vương, tạo ra nền tảng cho lý thuyết về “nước” (quốc gia) sẽ được Khổng giáo phát triển về sau này thành khái niệm “lễ” (sách Lễ ký). Từ đó, tâm thức của hai truyền thống văn hóa ấy cũng khác nhau. Truyền thống Chu chú trọng tới hoạt động tạo dựng tích cực và nhằm thiết lập trật tự trong thiên hạ, biểu hiện trước hết ở những nghi lễ cũng như ở những công trình xây dựng đô thị không chỉ mang ý nghĩa thực tiễn mà còn mang ý nghĩa phương thuật - nghi lễ.

Thứ ba, về các quan hệ “con người - xã hội”, văn hóa Chu đặt quyền lợi xã hội lên trên, và các cá nhân chủ yếu được xem xét về mặt sinh hoạt xã hội của nó - từ đó mà đề cao đạo đức, còn những vấn đề bản thể của con người (sống và chết, chẳng hạn) thì nằm ngoài sự chú ý của Khổng giáo. Trái lại, “chất nền” phương Nam lấy việc hướng vào bên trong con người là chính. Nó tập trung vào việc thỏa mãn những nhu cầu tinh thần của cá nhân và giải quyết những vấn đề của cá nhân (phải chăng vì thế mà một số nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Phùng Hữu Lan, nhà triết học nổi tiếng của Trung Quốc đầu thế kỷ XX, đã nói tới một thứ “chủ nghĩa cá nhân” nào đó, bắt nguồn từ chất nền văn hóa này?). Lý tưởng tuyệt đối của nó là “tính tự nhiên” của tất cả những gì hiện có. Tất cả những gì có liên quan với văn minh bị coi như sự vi phạm bản chất ban đầu của từng cá nhân cũng như của cả cộng đồng. ý niệm về bất tử là cái mà nó luôn luôn theo đuổi. (Chính ý niệm này về sau được Ðạo giáo - như một thứ tôn giáo không có liên quan mấy với triết học Lão Tử - tiếp nhận và biến thành cơ sở của nó).

Thứ tư, hai “chất nền” này có những thái độ ngược nhau đối với đời sống thầm kín (tính dục) của con người và đối với phụ nữ. Văn hóa phương Nam vun xới sự quí trọng phụ nữ, vì phụ nữ đẻ ra sự sống mới và gần gũi với thiên nhiên hơn đàn ông. Nhiều huyền thoại của nó kể về các quan hệ tính dục giữa người đàn ông trần tục với người đàn bà tiên thánh. ý nghĩa của quan hệ tính dục rất được coi trọng trong sự hòa hợp âm - dương. Cái “dâm” được hiểu như một nghệ thuật (thuật) hay một học thuyết (kinh), và được coi như một thứ “đạo” và trong thứ “đạo” này người phụ nữ đóng vai trò chủ động. Văn hóa tính dục được hoàn thiện, và về mặt này không có hạn chế đạo đức nào, tự do tính dục được hoàn toàn thừa nhận cho cả nam lẫn nữ. Trong khi đó, hành vi tính dục lại được văn hóa “trung tâm” khoác cho một ý nghĩa thiêng liêng, như sự bắt chước Trời và Ðất giao nhau, nhưng khác với phương Nam, các quan hệ này mang ý nghĩa xã hội quan trọng, vì nó hướng tới sự duy trì trật tự thế giới cũng như bảo đảm sự yên ổn vủa quốc gia. Không phải Khổng giáo coi các quan hệ đó chỉ có những mục đích thực dụng (để sinh con đẻ cái, nối dõi), hay chỉ như một thứ “nghĩa vụ” của người dân, nhưng rõ ràng nó đã vạch ra những giới hạn nào đó (đàn ông không thể có quan hệ tính dục ngoài gia đình, đó là để củng cố đạo đức gia đình và xã hội; phải kìm hãm mọi xúc cảm trong quan hệ với đàn bà). Ðối với đàn bà, Khổng giáo có sự đánh giá hai mặt: một mặt, coi người đàn bà là người giữ tổ ấm gia đình, là mẹ và người giáo dục con cái, người nội trợ và người giúp chồng về sự nghiệp; mặt khác, họ bị coi như kẻ mang những sức mạnh hỗn loạn có hại. Vì thế Khổng giáo yêu cầu phải tuân theo đạo lý trong quan hệ với phụ nữ, không để bị lôi cuốn về mặt tình cảm (những xúc cảm tính dục bị coi như bản năng thú vật).

Cuối cùng là sự khác nhau giữa hai “chất nền” văn hóa ấy về ngôn từ, văn tự và thi ca. ở văn hóa “trung tâm”, ngôn từ được coi là có sức mạnh thần diệu, nhất là khi nó mang hình thức văn tự. Ngôn từ thuộc về “lễ” và dùng ngôn từ là thực hành một “nghi lễ”. Quan niệm về thi ca (thi) của Khổng giáo cũng bắt nguồn từ đó (thinói lên chí của người quân tử). Văn chương không chỉ là giãi bày những gì mỗi cá nhân trải qua, mà phải thể hiện “chí” của cộng đồng. (Truyền thống cá nhân hóa văn chương trữ tình chỉ được khẳng định vào thế kỷ III sau CN). Trong khi đó văn hóa phương Nam coi trọng tính phi ngôn từ, vì không thể dùng lời mà truyền thụ tri thức và xúc cảm được (Ðạo khả đạo phi thường Ðạo: Ðạo mà ta có thể gọi được, không phải là Ðạo). Không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ triết lý của văn hóa phương Nam này chỉ được gói gọn vào vài trăn câu Ðạo đức kinh và Nam Hoa kinh. Hiểu thế giới không phải bằng ngôn từ lôgic mà phải bằng trực giác cảm tính.

Tất cả những phân tích vừa nói đúng đến đâu, điều đó có thể còn tranh cãi. Có một điều khá chắc chắn: cái mà ta thường gọi là “văn hóa” hay”văn minh Trung Quốc” thật ra là một tập hợp lưỡng nguyên, và khi nói tới ảnh hưởng của nó đối với văn minh Cổ đại hoặc Trung đại ở nước ta, phải tính đến toàn bộ tập hợp ấy, không chỉ chú trọng tới Khổng giáo. Theo tôi, cả Khổng giáo lẫn Lão giáo (xin phân biệt với Ðạo giáo về sau) có tác động sâu sắc ngang nhau đối với văn hóa Việt Nam ngày xưa. Mức độ ảnh hưởng của từng trào lưu có thể khác nhau đối với từng thời kỳ và từng tác giả, nhưng nhìn chung là thế.

Và đó là điều cần chú ý khi bàn về khái niệm con người cá nhân trong văn học cổ.

III.

Như đã biết, ngoài Khổng giáo và Lão giáo ra, Phật giáo cũng góp phần rất sâu sắc vào quan niệm về con người cá nhân ở phương Ðông. Ðến nay, có lẽ có ít ai cho rằng Phật giáo không có quan niệm riêng về con người cá nhân. Ðúng, Phật giáo là một tôn giáo (thật ra là một triết học) chủ trương đi tới Vô Ngã (Anatman). Triết lý về Vô Ngã là một trong những lý thuyết trung tâm của Phật giáo. Ðối với nó, mọi sự vật đều mang ba đặc trưng cơ bản: Tạm thời (Anitya, vô thường), Ðau khổ (Duhkha) và Vô Ngã (Anatman), mà đặc trưng thứ ba là quan trọng nhất và cuối cùng. Triết lý Vô Ngã phủ nhận sự tồn tại của một cái Ngã cá nhân, coi cái tôi chỉ là một nhân cách kinh nghiệm, hay nói theo thuật ngữ Phật giáo, là một tập hợp (ngũ uẩn) tạm thời, không thường hằng, do đó, đau khổ. Ngã không thể là bất tử, mà là một tồn tại ước lệ, là kết quả của kinh nghiệm thường ngày. Tất cả những nỗ lực của giới tu hành và tín đồ Phật giáo đều nhằm tới cái đích xóa bỏ Ngã, xóa bỏ những nguyên nhân và điều kiện đem lại đau khổ và sự tồn tại tạm thời của con người, để đạt tới trạng thái Vô Ngã, đồng thời cũng là trạng thái Giải thoát. Walpola Rahula, một Phật tử và một nhà nghiên cứu Phật giáo có uy tín, phân tích rất rõ về điều đó: “Chỉ duy nhất có Phật giáo trong lịch sử tư tưởng loài người đã đứng lên phủ nhận sự tồn tại của một Linh hồn như vậy của Ngã. Theo lời Phật giảng, ý tưởng về Ngã là một sai lầm và tưởng tượng, không hề phù hợp chút nào với hiện thực và đó la nguyên nhân gây ra những ý nghĩ nguy hiểm về “cái tôi” và “của tôi”, những ham muốn vị kỷ và vô độ, những ràng buộc, những căm ghét ác tâm, những ý niệm kiêu căng và những xú ố, dơ bẩn và những điều khác. Nó là nguồn gốc rối loạn của thế giới...”[2].

Nhưng chính vì đi tới Vô Ngã mà Phật giáo, như đã nói, phân tích rất kỹ về Ngã. Không ai cảm thấy rõ hơn Phật về sức mạnh tự bảo vệ và tự duy trì của Ngã. Cũng không ai cảm thấy rõ hơn Phật về sự “khủng khiếp” của một người bình thường khi bỗng nhiên thấy mình không còn Ngã (“ta sẽ không còn nữa, ta sẽ không có nữa”). Một người bình thường chỉ cần nghĩ rằng: “Thế là ta sẽ bị tiêu tan, ta sẽ bị hủy diệt, ta sẽ không còn nữa”, là anh ta hoảng hốt, rên rỉ, đấm vào ngực khóc lóc và trở nên đờ đẫn. Song đối với người theo Phật giáo, một quá trình “biện chứng” diễn ra trong tâm thức anh ta, không thể tránh được, như một nghịch lý: càng hướng tới Vô Ngã thì ý thức về Ngã càng mạnh. Ðó là cái Phật giáo gọi là “Ngã ngã sở” như một phản ứng mạnh mẽ đối với Vô Ngã (“Lìa ta thì chúng sinh đều không, lìa cái của ta thì các pháp đều không cả” - Tăng Triệu, hoặc “Ngã chấp” (chấp trước vào cái ta). Hoặc “Ngã ái” (yêu cái ta). Nói cách khác, trước khi đạt tới Vô Ngã, ý thức về Ngã được khẳng định hơn bao giờ hết. và cho đến khi đạt tới Vô Ngã, ý thức về Ngã vẫn không tiêu vong, nó chỉ đổi dấu, từ dấu + chuyển sang dấu -. Bởi vì khi Ngã bị trừ diệt cũng là khi Ngã được giải thoát. Mục đích cuối cùng của Ngã đã đạt được, ở cõi Vô Ngã. Không phải không có căn cứ khi có người nói rằng đạo Phật chính là đạo “cá nhân chủ nghĩa” nhất, tất nhiên không phải là hiểu theo nghĩa xấu, mà là hiểu theo nghĩa mục tiêu cuối cùng của người theo Phật giáo là giải thoát cho cái Tôi. (Theo lý thuyết Phật giáo, chỉ khi nào hóa thành Phật mới có khả năng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, nghĩa là đem lại lợi ích cho đồng loại (các bồ tát), còn chừng nào chưa đạt tới đó thì sự giải thoát chỉ là riêng (các a la hán). ở đây chúng ta không thảo luận về nội dung đích thực của Ngã là gì đối với Phật giáo vì Phật giáo không thừa nhận Ngã và cho rằng chỉ khi nào một người không nhìn thấy Ngã, không có ý thức về Ngã, tức là cái không hề có ấy, chỉ khi đó mới tự giải thoát. ở đây tôi chỉ muốn đứng về mặt khoa học để tìm hiểu cơ chế đi từ Ngã đến Vô Ngã, biến cái có thành cái không có. Dù cho cái có ấy là “giả” đi nữa, thì trong đời sống hiện thực nó vẫn tồn tại.

Vì vậy, dù Phật giáo có phủ nhận Ngã, tức là phủ nhận con người cá nhân, thì con người cá nhân vẫn tồn tại như một tiền đề và như một cứu cánh. Phải chăng chính vì thế mà có một sự hòa nhập giữa Nho giáo và Phật giáo trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc cũng như Việt Nam? Ðó là một câu hỏi khá lý thú đặt ra về mặt học thuật. Mà câu trả lời có thể tìm thấy ở Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, ở đó Ngô Thì Nhậm thực hiện thật xuất sắc phương châm “Khu Thích dĩ nhập Nho” (Ðưa đạo Phật vào đạo Nho).

IV.

Một cái nhìn lướt nhanh - và vì lướt nhanh, không thể không sơ lược - như được thể hiện trên đây liệu có đủ căn cứ để nói tới những khái niệm về con người cá nhân ở phương Ðông ngày xưa? Ý thức về con người cá nhân, dù để khẳng định nó hay để phủ định nó, hay để không khẳng định cũng không phủ định nó, là một điều hiển nhiên ở phương Ðông hay ở phương Tây, hay ở một chân trời nào khác. Ðiều quan trọng hơn nằm ở chỗ khác: không có một quan niệm đồng nhất và thống nhất về con người cá nhân, mà có nhiều quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chỉ lấy ba trào lưu lớn nhất của triết học phương Ðông, ta thấy quan niệm về con người cá nhân của Nho, Lão và Phật đã hết sức khác nhau rồi. Với những gì đã trình bày, tôi tưởng rằng đó cũng là một điều hiển nhiên.

Vậy thì, những quan niệm về con người cá nhân của phương Ðông có cái gì giống nhau không? Có thể nói tới một mẫu số chung nào đó của chúng không? Những câu hỏi ấy được đặt ra là vì, theo tôi, người ta thường đem so sánh, đối chiếu những quan niệm đó với những quan niệm được gọi là của phương Tây. Thật ra, nếu xem xét kỹ các trào lưu triết học và tôn giáo của phương Ðông và phương Tây, có thể thấy những điểm giống nhau nào đó mà không hẳn trái ngược nhau. Bởi vì trong tiến tình vận động của tư tưởng loài người, nếu xét từ những thời xa xưa nhất, thì phương Ðông và phương Tây có không ít những điểm giống nhau (chưa nói tới những trào lưu này có khi cùng có một nguồn gốc chung nào đó. (Mới đây, một vài nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng Kitô giáo là một nhánh có cùng một nguồn gốc với các tôn giáo phương Ðông, nếu đó là sự thật thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả). Bất cứ ở đâu, ý thức con người (tức là từ khi con người có ý thức) cũng đều có những đối tượng giống nhau: cuộc sống con người (cá nhân và cộng đồng), vũ trụ và nhận thức, hay nói theo Phùng Hữu Lan, nhân sinh luận, vũ trụ luận và tri thức luận. Và vì cuộc sống con người và nhận thức của nó, cũng như vũ trụ xung quanh con người, thật ra không có gì khác nhau căn bản giữa các vùng trên trái đất, nên không thể không có những điểm tương đồng, tất nhiên đó là những tương đồng trong những khác biệt, gắn liền với những khác biệt. Vai trò của các bậc hiền triết mà Platon thời cổ Hy Lạp đặc biệt đề cao về căn bản cũng chẳng khác gì mấy vai trò của những thánh nhân (theo quan niệm Nho giáo), hay của những bậc Ðại giác (theo quan niệm Phật giáo). Cơ chế tâm lý của một người điên ở châu Phi hay của một người điên ở châu Âu, chẳng hạn, cũng không có gì khác nhau lắm dưới ánh sáng của tâm bệnh học. Ðiều đó giải thích rất rõ hiện tượng người phương Tây đi tìm những nguồn nhận thức ở người phương Ðông (đang thịnh hành hiện nay) cũng như người phương Ðông đi tìm những kho tri thức khoa học - kỹ thuật phương Tây (cũng rất thịnh hành hiện nay). Nhân đây, xin phép được bác bỏ thái độ tự cao tự đại của một số “nhà tư tưởng” nào đó ở một số nước Ðông Á, coi những giá trị phương Ðông cao hơn những giá trị phương Tây trong khi chính họ đang học và học rất nhiều ở phương Tây trong tiến trình hiện đại hóa đất nước mình. Khuynh hướng “tự tôn khu vực” này chẳng hứa hẹn điều gì hay ho cả, nó chỉ góp phần tạo ra và đẩy sâu hơn những khác biệt trên thể giới ngày càng được cảm thấy rất bé nhỏ này.

Chỉ nhìn vào khuynh hướng của một trào lưu nào đó ở phương Ðông và của một trào lưu nào đó của phương Tây, rồi khái quát hóa thành những bản chất riêng của tư tưởng mỗi khu vực, đem đối lập chúng với nhau, kiểu như phương Tây “chủ biệt”, phương Ðông “chủ toàn”, đó quả là một việc làm thiếu suy nghĩ đầy đủ. Bởi vì những khác biệt ấy cũng có ngay bên trong mỗi khu vực, thậm chí mỗi nước. Về điều này, Phùng Hữu Lan có một sự phân tích rất hay: “Nhiều người bảo rằng triết học Trung Quốc là triết học thế gian... Nhưng đấy chỉ là cái nhìn sơ sài về vấn đề. Ta không thể hiểu triết học Trung Quốc một cách giản đơn như vậy. Trong bản chất truyền thống thì triết học Trung Quốc không hoàn toàn thuộc về triết học thế gian hay xuất thế gian. Nó thuộc về cả hai. Một đạo học gia đời Tống đã nêu rõ đặc tính triết học Trung Quốc như sau: “Nhật dụng thường hành nào xa cách - Tiên thiên vị hoạch vội đến ngay”. Chính trong mục đích ấy mà triết học Trung Quốc nhắm tới. Với tinh thần ấy, nó vừa rất lý tưởng đồng thời cũng rất hiện thực và hoàn toàn thực dụng, mặc dầu không thiển cận”.[3]

Người viết những dòng này đã đi lạc vấn đề rồi chăng? Không. Tôi chỉ muốn nói rằng, đừng nên đem đối lập một cách tuyệt đối giữa phương Tây và phương Ðông (để tự ti hay tự tôn, như trong lịch sử đã có nhiều ví dụ). Những khác biệt là có thật, nhưng chỉ có ý nghĩa tương đối. Và chỉ với ý nghĩa đó, chúng ta có thể và nên bàn tới những khác biệt, ở đây là những khác biệt về con người cá nhân ở một thời kỳ phát triển lịch sử nào đó.

Những điểm chung (hay mẫu số chung) của những quan niệm về con người cá nhân ở phương Ðông là những gì? Một cách thật sơ lược, có thể nêu lên mấy điểm sau đây:

Thứ nhất, con người cá nhân ở phương Ðông không tìm cách đối lập với tự nhiên, ngược lại, cố gắng hòa với tự nhiên. ở phương Ðông, không có một Ðấng sáng tạo, một Chúa tể thế giới, tương tự Ðức Chúa Trời của Kitô giáo ở phương Tây. Ta không đọc thấy ở Nho giáo, Lão giáo hay Phật giáo một Ðấng sáng thế nào như thế cả. Khái niệm Trời, để từ đó mà có sự đề xướng “theo mệnh trời”, trong Nho giáo chẳng hạn, không được nhân cách hóa thành một Ðấng sáng thế. Trời là một khái niệm siêu hình, chỉ những sức mạnh nằm bên ngoài và vượt ra khỏi những sức mạnh ý chí của con người. Theo Mạnh tử, “biết Trời” tức biết ta là “dân Trời” (thiên dân) để làm điều nhân, đạt tới sự cao cả của con người. Còn trong Lão giáo, con người phải sống theo Ðạo, ứng xử tốt nhất của con người là “vô vi” (không phải với nghĩa không làm gì, mà chỉ có nghĩa là làm ít đi, là hành động không giả tạo và bị cưỡng chế vì giả tạo và cưỡng chế là trái với tự nhiên). Phật giáo không bàn về Thượng đế, chỉ bàn tới Chân lý cuối cùng, về sự giác ngộ chân lý đó, hòa mình với chân lý đó. Thế giới chứa đầy mọi sinh linh, mà đối với mỗi sinh linh ta đều phải tôn trọng, phải thông cảm, nên cũng không thể có sự chống lại vũ trụ hay làm chủ vũ trụ. Nói chung, khác với các thuyết lấy con người làm trung tâm (anthropocentrisme), các triết học phương Ðông coi con người chỉ là một bộ phận của vũ trụ, của tự nhiên và phải hòa chung vào tự nhiên.

Quan niệm về con người và tự nhiên ấy có một ưu điểm rất lớn: sự tôn trọng tự nhiên như vốn có. Ngày nay, ở phương Tây, phái sinh thái học và giới khoa học nói chung đang tiến tới quan niệm ấy trên cơ sở những dữ kiện và phân tích khoa học (có thể coi đó là trở lại với quan niệm phương Ðông nhưng trên một cơ sở khoa học - duy lý tỉnh táo hơn).

Thứ hai, con người cá nhân ở phương Ðông trong các quan hệ với xã hội không phải chỉ hướng theo một vec-tơ đặt xã hội lên trên cá nhân, như có người tưởng. (Thoạt nhìn là như thế, nhưng đi sâu hơn, không hoàn toàn như thế). Ðúng là Nho giáo chủ trương đặt cá nhân vào những mối lệ thuộc vào các quan hệ xã hội rộng lớn hoưn, nhưng Nho giáo không bao trùm toàn bộ tư tưởng phương Ðông. Và ngay trong Nho giáo, cá nhân không bị triệt tiêu bởi lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Nho giáo đề xướng một tôn ti trật tự chặt chẽ, tương ứng với tổ chức xã hội Trung Quốc thời cổ. Qui định vị trí của mỗi cá nhân và xác định thứ bậc giữa các cá nhân. Nhưng ở đây, cần thấy rõ ràng Nho giáo đề cao sự rèn luyện cá nhân (tu thân) như một tiền đề để cá nhân làm đúng vị trí của mình. Nghĩa là cá nhân càng tự giác bao nhiêu về vị trí của mình thì càng phải tu thân bấy nhiêu để giữ đúng vị trí ấy. Ở đây, những quan hệ cá nhân - xã hội theo hướng cá nhân phục vụ (và phục tùng) xã hội, “cá nhân cho xã hội”, không dựa trên sự cưỡng chế, mà dựa vào sự tự giác của cá nhân. Tất nhiên, về mặt chính trị và xã hội, có những bó buộc rất chặt chẽ, bởi vì chế độ chuyên chế thì ở đâu cũng vậy. Nói theo Marx, nguyên tắc cao nhất của chế độ chuyên chế là triệt tiêu con người với tư cách cá nhân. Nhưng xét về mặt ý thức con người, thì cá nhân không phải là đối tượng triệt tiêu, trái lại, là đối tượng giáo hóa, đối tượng “lễ” hóa. Trong lịch sử phương Ðông (đặc biệt ở các nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, không hiếm những tấm gương tự nguyện hy sinh cá nhân cho những lợi ích xã hội. Không cần phải “vua bảo chết, thần chết”, mà chính thần dân nhiều khi chịu chết một cách tự nguyện vì vua. Vì theo quan niệm Nho giáo, vua là “con trời”, là “cha của thiên hạ”. Chết vì vua không phải là chết cho cá nhân nhà vua, mà chết cholý tưởng xã hội kết tinh ở ngôi vua.

Nhưng, như đã nói trên, mối quan hệ cá nhân - xã hội không chỉ đi theo vec-tơ ấy. Còn có một vec-tơ ngược hẳn lại, mà Lão giáo là tiêu biểu. Thật ra, Lão tử là người kế thừa những tư tưởng “vị ngã” cực đoan của Dương Chu, người được Mạnh tử tóm tặt nhân sinh quan một cách ngắn gọn: “Dương Chu chủ vị ngã. Nhổ một sợi lông mà lợi cho thiên hạ cũng không làm”. Tư tưởng “khinh vật trọng sinh” ấy thấm rất sâu vào những tác giả theo phái này. Chính tư tưởng này qui định nhân sinh quan “lánh đời” để giữ mình và tránh điều hại. Nhưng người theo tư tưởng này thường thích ở ẩn (nơi sơn lâm cùng cốc), trốn xã hội, và như vậy là để tránh mọi nổi khổ của nhân thế. Có lẽ thời đại xuất hiện của phái này đầy rẫy những mối hiểm nguy bất trắc cho con người có học muốn “giúp nước phò vua”, chí ít tình trạng xã hội nhiễu nhương cũng làm cho họ chán ngán. Và họ chủ trương “vị ngã” bằng cách rút lui khỏi thế sự. Nhưng sự rút lui về cá nhân mình theo lối tách rời mọi quan hệ xã hội, như cuộc sống cho thấy, là không thể thực hiện được, là ảo tưởng. Cũng ảo tưởng như quan niệm nhập thế tuyệt đối của Nho giáo. Con người, dù ở thời đại nào, bao giờ cũng phải tạo được một sự cân bằng tâm thần (équilibre psychique) để có thể tồn tại bình thường. Không ai cứ “ra” mãi. Cũng không ai cứ “về” mãi được. Chính vì thế, con người cá nhân phương Ðông luôn luôn đi tìm sự cân bằng ấy. Một vài nhà nghiên cứu đưa ra một nhận định có cơ sở: các nhà nho thời xưa, khi ra phò vua giúp nước thì theo Nho, khi bất lực chán chường thì theo Lão. Có lẽ nói như thế này thì đúng hơn: hai tâm thế ngược nhau này luôn luôn tồn tại ở mỗi con người, khi thì cái này trội hơn cái kia, khi thì ngược lại. Cả hai nằm trong một thể thống nhất của con người cá nhân, biến hóa rất linh động có khi trong cùng một thời điểm, thậm chí trong cùng một khoảnh khắc. Có như thế mới giải thích được tại sao ở cùng một tác giả, ngay giữa lúc tham dự triều chính hết sức bận rộn, cũng tìm được một phút “rút lui” về bản thân mình. Phải chăng có thể thấy được hai thứ tâm thế ấy xen kẽ nhau trong bài thơ “Ðề điểu hô nhân đồ” (Ðề bức hoạ “Chim núi gọi người”) của Nguyễn Trãi (xin tạm dịch dưới đây)?

Vắng vẻ rừng sâu chim gọi người, 
Ngắm tranh tưởng thấy thực trên đời, 
Lui triều trưa rỗi treo lên cửa
Vườn cũ xuân về mộng đó thôi

Hay bài “Ðề Ðông sơn tự” cũng của ông:

Nỗi lòng canh cánh chữ quân thân
Lỗi hẹn nguyền xưa thẹn suối rừng
Ba mươi năm lẻ đời trong mộng
Mấy tiếng chim kêu đánh thức lòng[4]

Chừng nào đó, Phật giáo cũng đóng một vai trò gần giống như Lão giáo đối với sự cân bằng tâm thần của con người cá nhân phương Ðông ngày xưa.

Thứ ba, quan niệm con người cá nhân ở phương Ðông đặc biệt nhấn mạnh đời sống tâm linh của chủ thể. Nhận thức của con người về chính bản thân mình không chỉ là nhận thức về những hoạt động sống (đời sống hiện hữu) mà cả về hoạt động tâm linh suy tưởng. Vấn đề không chỉ là coi trọng mặt tinh thần của đời sống, như trau dồi cho mình những đức tính cần thiết. Con người cá nhân phương Ðông ở chiều sâu nhất của nó là con người hướng thượng, hướng thiện, hướng tới cái thiêng liêng và siêu việt. Ðó có thể là “mệnh”, là “đạo”, là “vô thượng”... tùy theo quan niệm của mỗi trào lưu tư tưởng lớn, có khi là tất cả những cái đó, nhưng bao giờ đó cũng là mối ưu tư lớn nhất của con người cá nhân phương Ðông. ở phương Ðông, hình như vấn đề “ý nghĩa cuộc sống” ít được đặt ra (như hiện nay ở phương Tây người ta thường nói tới một biến đổi lớn: từ “xã hội tiêu dùng” sang “xã hội tìm ý nghĩa cuộc sống”). Không phải ở phương Ðông người ta không quen đặt ra những câu hỏi trừu tượng mang tính bản thể luận, như có người nhận xét, mà là vì vấn đề đó đã được giải quyết từ xa xưa, giải quyết đến một chiều sâu ý thức mà sau này không cần phải đặt ra nữa. Con người cá nhân phưong Ðông tỏ ra ít băn khoăn về những nguyên ủy và cứu cánh của cuộc đời con người, của vũ trụ..., mà đó chính là lý do khiến một số người phương Tây nói tới chủ nghĩa thực dụng của con người phưoưng Ðông. Thật ra, đó chỉ là nhìn bề ngoài, nhìn vào một khoảnh khắc mà chưa phải nhìn tận chiều sâu và nhìn vào cái thường hằng của con người phương Ðông. Có thể trong một số thời điểm nào đó, mặt “thực dụng” nổi trội lên khi con người phải đương đầu với những nhu cầu sống tối thiểu của mình (khi đó mặt “đời sống hiện hữu” không thể không được đặt lên hàng đầu), nhưng chỉ cần trở lại bình lặng một chút trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng thì mặt “tâm linh” lại nổi lên mạnh mẽ, bùng cháy như một ngọn lửa khó dập tắt.

Còn có thể nêu lên những nét khác nữa của con người cá nhân phương Ðông, nhưng theo tôi, đó là những nét đậm nhất, sâu nhất. Tôi không nói rằng những nét đó chỉ thấy có ở con người cá nhân phương Ðông; những nét đó từng là, đang là và sẽ là của mọi con người cá nhân trên thế giới. Nhưng rõ ràng chúng biểu hiện khá rõ, khá vững bền ở phương Ðông. Tôi cũng không nói rằng, với những nét đó, con người cá nhân phương Ðông “cao hơn” con người cá nhân phương Tây, như có người đang cố chứng minh. Xét trong toàn bộ tiến trình lịch sử loài người, “cao hơn” hay “thấp hơn” là những phạm trù rất tương đối. Chẳng hạn, nếu xét trên các bình diện phát triển khoa học - kỹ thuật, kinh doanh, dân chủ v.v... thì với những nét nói trên, không thể nói tới trình độ cao hơn của người phương Ðông được. Mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, nói rộng ra, mỗi nền văn minh đếu có những ưu thế và những chỗ yếu của nó: “cao hơn” về mặt này thường đi đôi với “thấp hơn” về mặt khác.

V.

Xin nói đôi lời về “bóng dáng” con người cá nhân phương Ðông trong văn học nước ta ngày xưa. Tuy văn học phản chiếu những quan niệm triết học, thậm chí có những trường hợp “văn - sử - triết bất phân” như người ta nói, nhưng văn học bất cứ thời nào cũng không phải là triết học, sử học. Nghệ thuật là thế, nó có một bản chất độc lập khác thường. Mọi việc gán cho văn học những quan niệm triết học một cách đơn giản đều sai lầm, cũng giống như mọi ý định rút những quan niệm triết học từ các tác phẩm văn học. Ðiều này chỉ đúng về căn bản đối với thứ văn chương thù tạc, ca tụng, mà người ta có thể đọc thấy rất rõ ở đó thứ triết lý “khuôn phép” (conformisme). Và chắc các bạn dễ dàng đồng ý với tôi rằng thói khuôn phép chưa bao giờ là một quan niệm triết học cả.

Tác phẩm văn học là một cơ thể sống được cá tính hóa ở mức cao nhất và khó lòng làm những thao tác phân tích theo sơ đồ. Dù sao, bằng cách này hay cách khác, cũng có thể nắm bắt được “bóng dáng” của những quan niệm triết học nào đó qua các tác phẩm văn học một thời nào đó, ở một địa bàn nào đó. Những quan niệm về con người cá nhân phương Ðông ít hay nhiều cũng ẩn hiện trong những tác phẩm văn học Trung đại ở nước ta và có lẽ không chỉ ở đó. Cả ngày nay nữa, trong tác phẩm này hay tác phẩm khác, vẫn có thể thấy được ảnh hưởng sâu và bền của những quan niệm đó.

Nhưng một lần nữa, xin đặc biệt nhấn mạnh: không thể qui con người cá nhân phương Ðông thành một số đặc trưng đơn giản và thuần nhất. Không, chúng ta cần tránh lối làm quen thuộc là lập ra một sơ đồ khái quát về con người cá nhân phương Ðông, từ sơ đồ “không có con người cá nhân” đến sơ đồ “có một khuôn mẫu cá nhân” cứng nhắc, thậm chí đến những tên gọi có vẻ hấp dẫn nhưng thiếu căn cứ như “chủ nghĩa cá nhân tiểu nông”, hay “cái tôi nhà Nho” với những định ngữ “cô đơn”, “tách ra khỏi cuộc sống xã hội”, “đứng bên ngoài”, “tiêu cực”, thậm chí “phản động”, v.v…

Trong bài này, nếu có đụng tới một số quan niệm nào đó về con người cá nhân phương Ðông, thì đó không phải là để lập ra một “sơ đồ” khép kín, mà như các bạn thấy, chính là để gợi mở, xới xáo ra một số vấn đề với tất cả những mâu thuẫn, những phóng chiếu vô cùng phức tạp của chúng. (Còn làm được điều đó đến đâu lại là chuyện khác, không chỉ vì “lực bất tòng tâm” mà cũng rất có thể lại rơi vào những sai lầm mình muốn tránh.

Một điều tôi cảm thấy rất rõ: những tác phẩm văn học lớn ngày xưa cho đến tận ngày nay vẫn còn làm mình rung động. Cái kỷ niệm nhỏ mà tôi có nhắc tới khi mở đầu bài này có sức âm vang đến tận hôm nay và chắc chắn đến tận cả khi mình không còn trên mặt đất này nữa.


[1] Xin xem Luong Can Liem: Bouddisme et psychiastrie (Phật giáo và tâm bệnh học), L’Harmattan, Paris, 1992.
[2] Walpola Rahula, Lời Phật dạy, Nxb Mũi Cà Mau, 1994, tr. 108.
[3] Phùng Hữu Lan, Ðại cương triết học sử Trung Quốc (tài liệu của Ðại học Sư phạm Huế), 1966, tr. 23-24
[4] Xem Nguyễn Trãi Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 330-331.

NGỌN ĐÈN





Em đừng cố làm tắt đi ngọn đèn
bấy lâu anh đã thắp
dẫu không xua được mùa đông lạnh giá ngoài kia
nó cũng đủ để làm hồng những ngón tay em
và đôi mắt em
như hai vì sao lửa

***

Nếu chỉ một lần
em không chối từ anh nữa
mùa đông sẽ là mùa xuân
bước chân anh sẽ thôi không tần ngần
bên bậc cửa
ngọn đèn thành bếp lửa
đủ để đốt cháy nỗi buồn và thắp sáng niềm vui

***

Nếu chỉ một lần thôi
em không khóc trên vai người đàn ông khác
giọt nước mắt em sẽ hòa lẫn giữa triệu triệu giọt mưa
anh sẽ không để em buồn nữa bao giờ

***

Nếu một lần thôi em không thờ ơ
khi đi qua anh, qua những vần thơ không một lần em đọc
nếu chỉ một lần em nhìn anh trách móc
anh sẽ biến nỗi buồn thành khoảnh khắc của tình yêu

***

Chỉ mong em, mong em
đừng như ngọn gió phiêu lưu
cố làm tắt đi những ngọn đèn
đã vì em
mà sáng…

Nguoiduynhat83

Cho quan tham chuộc mạng là khuyến khích tham nhũng





Tác giả: GS-TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Giám đốc Học viện Tư pháp



Quy định này tạo điều kiện cho kẻ tham nhũng dùng chính ngay số tiền tham nhũng của dân, của nước để đổi lại mạng sống của mình.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) vẫn duy trì hình phạt tử hình cho hai tội tham ô và nhận hối lộ (thuộc nhóm tội tham nhũng). Tuy nhiên, dự luật lại cho phép người bị kết án tử hình đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân.

Đây quả là thông tin rất đáng chú ý. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi thế này là thế nào? Kẻ tham nhũng dùng chính ngay số tiền tham nhũng bất chính (mà đáng ra phải được cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện, thu hồi vào ngân sách nhà nước) để đổi lại mạng sống của mình? Thế có khác gì khuyến khích người ta tham nhũng, vì cứ tham nhũng đi chắc gì đã bị phát hiện, nếu phát hiện chắc gì đã bị tòa tuyên án tử hình, nếu có bị tuyên án tử hình thì chắc gì đã phải bị thi hành án!

Từ chế định “thỏa thuận nhận tội” của Mỹ

Thực ra ý tưởng này không phải là mới mà chỉ là sự tham khảo, tiếp thu chế định “thỏa thuận nhận tội” (plea bargaining) trong pháp luật tố tụng hình sự Mỹ. Theo đó, bị cáo có thể thỏa thuận với tòa án về việc bị cáo sẽ nhận tội nhẹ hơn và sẽ phải chịu hình phạt nhẹ nhất so với truy tố của viện công tố và tòa án sẽ không xét xử bị cáo theo các truy tố nặng hơn đó của viện công tố.




Đây là cách tiếp cận đầy tính thực dụng trong đấu tranh chống tội phạm của pháp luật Mỹ. Bởi người ta cho rằng trong trường hợp này các bên đều có lợi: Viện công tố đỡ được gánh nặng chứng minh tội phạm theo truy tố ban đầu của mình mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ (vì ít nhất thì tội phạm cũng đã được phát hiện và kẻ phạm tội cũng đã bị trừng phạt); tòa án thì không phải tiếp tục phiên tòa nữa, Nhà nước tiết kiệm được khoản kinh phí cho hoạt động của guồng máy tư pháp; còn bị cáo thì tránh được trách nhiệm hình sự theo tội nặng hơn mà viện công tố đã truy tố lúc đầu.

Thực chất của “thỏa thuận nhận tội” là định lại tội danh theo hướng nhẹ hơn cho bị cáo. Ý tưởng trong dự thảo BLHS sửa đổi cũng theo logic “các bên cùng có lợi” vì CQĐT, VKS về hình thức được xem là hoàn thành nhiệm vụ thu hồi tài sản tham nhũng (trên thực tế Nhà nước sẽ nhận lại được tài sản của mình bị kẻ tham nhũng chiếm đoạt), kẻ phạm tội thì tránh được hình phạt tử hình, chỉ chịu hình phạt tù chung thân.

Trừng trị tham nhũng quan trọng hơn thu hồi tài sản

Bản chất câu chuyện ở đây là thay đổi hình phạt nhẹ hơn cho người bị kết án tử hình trên cơ sở kẻ phạm tội tự nguyện giao nộp lại cho Nhà nước 1/2 số tài sản tham nhũng đã không bị phát hiện và bị thu hồi trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Nếu như mục đích chủ yếu trong “thỏa thuận nhận tội” là phá án, phát hiện tội phạm thì ý tưởng trong dự thảo BLHS sửa đổi lại là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.


Mặc dù thu hồi tài sản tham nhũng cũng là vấn đề quan trọng và nan giải trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng theo tôi, trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, vấn đề phát hiện tội phạm tham nhũng, trừng phạt kẻ phạm tội tham nhũng quan trọng hơn vấn đề thu hồi tài sản.

Có thể lấy vụ án tham nhũng của Lã Thị Kim Oanh làm thí dụ: Tài sản tham nhũng hơn 4.000 tỉ đồng nhưng thu hồi không được bao nhiêu. Tuy nhiên, việc phát hiện vụ án tham nhũng và trừng phạt kẻ tham nhũng theo pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu bức xúc của xã hội. Mặt khác, nhiệm vụ phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng không dừng lại cùng với việc kết thúc điều tra vụ án hoặc tuyên án. Vào bất kỳ thời điểm nào có thông tin về tài sản tham nhũng thì Nhà nước vẫn có quyền thu hồi tài sản tham nhũng đó.

Làm tăng ý chí của quan tham

Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng cần được nhìn nhận ở cả hai góc độ: mặt tích cực và mặt hạn chế. Hạn chế của ý tưởng này trong dự thảo BLHS sửa đổi là càng làm sâu sắc thêm ý chí phạm tội tham nhũng. Thủ đoạn che giấu tài sản tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn bởi lẽ tài sản tham nhũng không bị phát hiện, không bị thu hồi trong quá trình điều tra vụ án tham nhũng sẽ được xem như là phao cứu sinh cho kẻ phạm tội. Còn đối với CQĐT, VKS thì quy định này sẽ làm nhẹ hơn nghĩa vụ của họ về phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng, tăng thêm cơ hội cho các hiện tượng trục lợi, tiêu cực và lạm quyền trong quá trình điều tra, truy tố vụ án. (Các nghiên cứu về “thỏa thuận nhận tội” trong pháp luật tố tụng hình sự Mỹ cũng đưa ra nhận định như vậy).

Ngoài ra, nếu ý tưởng này thành hiện thực thì sẽ phát sinh thêm thủ tục tố tụng xem xét thay đổi hình phạt từ tử hình xuống chung thân.

Một lưu ý nữa trong học tập, áp dụng kinh nghiệm nước ngoài là phải tính đến các điều kiện lịch sử – xã hội, kinh tế, truyền thống văn hóa pháp lý ở mỗi quốc gia… Trong một hội thảo quốc tế về tố tụng hình sự tổ chức ở Hà Nội năm 2012, một học giả Trung Quốc khi giới thiệu về việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài (trong quá trình cải cách pháp luật hình sự – tố tụng hình sự ở nước họ) đã nói: Trung Quốc không tiếp nhận quy định “thỏa thuận nhận tội” vì nó xa lạ với truyền thống văn hóa pháp lý của Trung Quốc.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Đọc báo nước ngoài - Vấn đề dân oan tại Mỹ - nghĩ về dân oan tại VN





From: "Mike Wilson"
Date: 3/26/15 7:15 am

Ở đâu cũng có dân oan. Ở Mỹ cũng vậy :

- có khiếu kiện về các vụ trưng dụng nhà đất để dành chỗ cho các công trình công cộng (eminent domain law)

- có những người bị án tù oan sai 10, 20, 30 năm hay bị tử hình oan sai (!)

nhưng không có đám lau nhau nào tại Mỹ
nhận tiền ngoại bang
để biểu tình chống phá chế độ Mỹ - như tại VN !!!

đám lau nhau tại VN
bị ảnh hưởng tuyên truyền xúi giục từ hải ngoại
và do không hiểu thực chất của các quyền công dân
mà các hạn chế là để bảo vệ lợi ích tập thể
trong một xã hội pháp trị, công minh và ổn định.

nth-fl

http://www.miamiherald.com/opinion/opn-columns-blogs/leonard-pitts-jr/article16214435.html

Leonard Pitts Jr.: A prosecutor’s lament for a wrongful conviction

HỒ CHÍ MINH Từ Góc Nhìn Của Học Giả Hoàng Xuân Hãn


Nguyễn Xuân Ba

Tôi có đọc 2 bài phỏng vấn nhan đề: "Hoàng Xuân Hãn và gia đình Ngô Đình" và bài "Học giả HXH nói về Chính phủ Trần Trọng Kim". Người phỏng vấn thuộc diện không ưa Cộng sản, người trả lời có chỗ cũng tỏ ra không thích Cộng sản. Dù vậy, nhưng với sự trung thực của một trí thức (theo cách nhìn của HXH), ông ấy đã cho chúng ta sự so sánh về những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến một giai đoạn của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cả hai bài phỏng vấn trên cho người đọc hiểu nhận định của ông về Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Trọng Kim và cả bản thân ông nữa.



GS Hoàng Xuân Hãn

Trong bài viết này, tác giả xin trích những đoạn ông Hoàng Xuân Hãn nói về các nhân vật trên, có thêm nhận định của mình cho bài thêm phong phú.



Ông Hoàng Xuân Hãn cho biết: ông có mối quan hệ khá gần với gia đình họ Ngô, Ngô Đình Nhu là bạn học, nhưng không thân nhau. Ông nói: "Tôi và Ngô Đình Nhu ít thân nhau dù là bạn học. Mà nói chung các bạn chúng tôi ít đi lại với Nhu. Anh ấy sắc sảo, chặt chẽ lại tính toán nên các bạn không thích. Những người ở xa nói ông ấy khắc nghiệt. Chúng tôi ở gần thì nói anh ấy nhiều chính trị và kỹ thuật mà thiếu tình cảm.

Ông Diệm lại được lòng với các bạn học của ông Nhu. Những lần nhóm bạn cũ gặp nhau, ông Diệm chăm sóc họ, hay cho lời khuyên, và nếu có ai nghe theo và tỏ lòng kính trọng ông Diệm, ông ấy sẵn lòng giúp đỡ".

Trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về những nhà chép sử của Việt Minh nói về Ngô Đình Diệm, ông Hãn nói:

"Những nhà chép sử Việt Minh cũng tố cáo chế độ Diệm bán nước là rất xấu. Về mặt chính trị, hể ghét ai thì nói người đó bán nước. Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài vào phe miền Bắc có chính nghĩa giành độc lập, phe miền Nam không có thế mạnh này"



Cụ Hồ Chí Minh

Ông Hãn trầm ngâm một hồi rồi trả lời câu hỏi tiếp theo:

"Hồi đó bác cũng ủng hộ miền Bắc hơn. Theo Bác, ông Hồ Chí Minh tài giỏi hơn ông Ngô Đình Diệm ở mặt nhanh hơn, táo bạo hơn, biết phân tích và nắm bắt thời cơ. Ông Hồ rất giỏi lôi kéo quần chúng, ông biết cách làm cho người ta phục mình. Ông lại có tài tổ chức đội ngũ. Nếu ông ấy không tài giỏi và lanh lợi, phe Cộng sản đã không giành được chính quyền. Những người bạn tài giỏi nhất của bác (Ông HXH) đều phục ông Hồ".

Năm 1972 ông Hoàng Xuân Hãn có bài viết nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên nội san Sử Địa kể lại lần ông gặp Bác tại Bắc Bộ phủ, vì đăng trên báo ở Sài Gòn nên ông chỉ khen khéo: một cụ già gầy nhưng nhanh nhẹn, phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề của đất nước.

Nay trả lời người phỏng vấn ở nước ngoài là người Việt Nam, ông Hãn có điều kiện khác để nói rõ hơn về Hồ Chí Minh như trên đây. Không gần gũi Bác Hồ, tất nhiên ông Hãn không thể nhìn hết những gì có ở Bác. Nhưng ông đã nói được một số điểm về tài năng của Hồ Chí Minh để so sánh với Ngô Đình Diệm. Dù còn quá ít ỏi.

Nếu so sánh giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, ta thấy hai người rất khác xa về tất cả các mặt.

● Hồ Chí Minh tuy xuất thân trong gia đình quan lại nhưng khác với gia đình quan lại của Ngô Đình Diệm. Thân sinh Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một người nghèo, cố công học mới đổ đạt. Cụ là một người yêu nước, thương dân, không có tư tưởng làm quan, muốn Nguyễn Tát Thành phải lo việc nước hơn chuyện nhà như một lần Bác đi thăm, cha con gặp nhau ở Bình Khê (Bình Định), cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với Bác như thế.

● Ngô Đình Diệm sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên chúa, có truyền thống mấy đời làm tay sai cho Pháp. Cha ông là Ngô Đình Khả là quan võ từ triều Đồng Khánh, theo Nguyễn Thân, một người tay sai của Pháp đàn áp các phong trào chống Pháp như nhóm Văn Thân của ngự sử Phan Đình Phùng ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngô Đình Khôi, con cả Ngô Đình Khả, làm quan dưới triều nhà Nguyễn đến chức Tổng đốc, Ngô Đình Diệm cũng làm quan dưới triều Bảo Đại đến chức Thượng thư Bộ lại, sau bất đồng ý kiến nên từ chức.(1). Ta thấy hai con người này có ảnh hưởng của gia đình, xã hội, bản thân rèn luyện trái ngược nhau: một bên vì dân vì nước, vì người nghèo khổ bị bóc lột áp bức. Một bên sống trong nhung lụa, có truyền thống làm tay sai cho ngoại bang.

● Nguyễn Tất Thành lúc tuổi trẻ học ít hơn Ngô Đình Diệm. Nhưng Người có tinh thần yêu nước, thương nòi, mới 21 tuổi, hai bàn tay trắng dám tìm đường ra nước ngoài học hỏi để trở về giúp dân cứu nước. Suốt 30 năm lân lộn ở nhiều nước Châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Bác làm bất cứ việc gì nuôi sống để đạt tới mục đích của mình: tìm cho được con đường cứu nước. Chính từ cuộc đời của một người cần lao, lòng yêu nước thương nòi, tinh yêu thương những người cùng tầng lớp nghèo càng sâu sắc. Nhờ trải qua tiếp xúc, nhìn nhận từ thực tế, không ngừng học hỏi từ cuộc sống của mỗi tầng lớp người các nước Bác đến đã rèn luyện bản lĩnh, đúc rút, nâng cao tầm trí tuệ, tạo dựng được tư duy của một lãnh tụ, như ông Hãn nhận định về Bác Hồ: giỏi tập hợp, tổ chức đội ngũ quần chúng, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, biết chuẩn bị và chớp lấy thời cơ khi nó xuất hiện.

Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ rằng: Những điều Bác tích lũy được theo năm tháng đi khắp các nước, nhất là từ khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lenin, được chứng kiến tận mắt thực tế trên đất nước Nga xô viết, đã hình thành trong Nguyễn Ái Quốc một tư duy khoa học, có phương pháp dẫn dắt mọi người theo Bác làm cách mạng và giành được thắng lợi.



Anh em Ngô Đình Diệm và ngô Đình Nhu

Còn Ngô Đình Diệm? Chúng ta nghe tiếp nhận xét của ông Hoàng Xuân Hãn:

"Ông Diệm có đức độ, trong sạch, lễ nghi. Ông cẩn thận và cần mẫn, tính toán kỹ lưỡng, nhưng không nhanh khi phải giải quyết các việc gấp. Ông yêu nước, nói chuyện với ông, người ta thấy ông mộ đạo và yêu nước. Trước năm 1945, nhiều người phục ông vì việc ông rút lui để phản đối Pháp. Với sự thôi thúc của vợ chồng ông Nhu, ông Diệm ngày càng tin rằng gia đình ông có thể đem lại lợi ích cho đất nước. Thế là gia đình trị. Chế độ gia đình trị vốn đã làm phật lòng dân chúng, trong chế độ đó ông bà Nhu lại làm người ta ghét chế độ hơn. Trong khung cảnh như thế dân chúng đa số theo đạo Phật càng dễ nghĩ rằng gia đình ông Diệm ưu đãi Công giáo mà đàn áp Phật giáo. Lửa đã bốc lên, không còn ai dập nổi".

Ông Hãn nói tiếp:

"Tính cách của hai anh em ông Diệm và ông Nhu khác nhau. Ông Diệm tôn trọng giềng mối, nề nếp, ông Nhu vì thủ đoạn có thể bất chấp lề thói. Ông Diệm tin người hơn, ông Nhu đa nghi hơn. Ông Diệm chân thành, ông Nhu quyền biến. Ông Diệm muốm xây dựng miền Nam thanh bình ấm no, ông Nhu có tham vọng Phát triển miền Nam thành trung tâm các nước Đông Nam Á rồi dùng sức mạnh kinh tế và kỹ thuật sáp nhập miển Bắc để thống nhất. Thậm chí ông Nhu còn nghĩ đến Liên bang Đông Dương làm phương tiện đương đầu với Tàu sau này."

Hãy khoan đưa tiếp ý kiến ông Hoàng Xuân Hãn để có vài lời bình luận.


Chúng ta biết ông Diệm có thời gian ra nước ngoài, qua Mỹ, ở trong tu viện, dựa vào nhà dòng (2) để thực hiện mục đích của mình. Dưới cái thời chế độ nhà Ngô ở miền Nam, mỗi khi vào rạp xi-nê, trước khi chiếu phim, rạp phải phát bài chào cờ và suy tôn Ngô Tổng Thống. Bài hát có đoạn: "Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do...", ngay thời ấy người dân miền Nam đã không coi ông Diêm là "cứu tinh của dân tộc" mà hướng về ông Hồ Chí Minh, một lãnh tụ đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì người dân Việt yêu quý và tín nhiệm ông Hồ cao quá, nên Tổng thống Eisenhower không dám thực hiện Tổng tuyển cử, sợ ông Diệm thua ông Hồ. Nếu có Tổng tuyển cử thì chắc là như thế. Được Mỹ chọn đưa về nước làm tay sai cho họ, thay Bảo Đại - một tay sai của Pháp không còn dùng được với Mỹ. Nhờ có Mỹ hậu thuẩn bằng những tên tình báo CIA gộc, Diệm mới truất phế được Bảo Đại, dẹp được các phe phái đạo giáo như Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo. Nếu không có hậu thuẩn của Mỹ, cả việc Mỹ gây sức ép với Pháp, để Pháp buộc Bảo Đại chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng,... họ mua chuộc Trịnh Minh Thế đầu hàng Diệm - để rồi bị ám sát trên cầu Tân Thuận - Không có Mỹ hậu thuẩn, dù cho Ngô Đình Nhu có thâm hiểm thế nào cũng không đủ khả năng giúp chế độ Ngô Đình Diệm đánh bại, dẹp nổi quân của các giáo phái.

Tiếp phỏng vấn:

Hỏi: Thưa Bác, Bác nghĩ rằng ông Diệm là một nhà lãnh đạo lớn của dân tộc Việt Nam lúc đó, hay ít nhất là của miền Nam?

Trả lời: Có người so sánh ông Diệm với ông Hồ, theo bác chỉ có ông Hồ mới xứng đáng nhất ở vị trí lãnh đạo. Ông Diệm có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướng bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước. Hơn nữa, ông quá để ý tới các chi tiết lễ nghi và đạo đức. Nếu đất nước thanh bình, ổn định thì ông có thể giữ được giềng mối".

Tôi cảm nhận ông Hoàng Xuân Hãn có tự mâu thuẩn với mình? Ở trên ông cho là ông Diệm là người yêu nước. Ở dưới cụ lại nói: "Ông (Diệm) có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướn bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước".

Theo ông Hãn ông Diệm không có cái tầm vóc một lãnh tụ, thì đã rõ. Nhưng nói ông Diệm yêu nước, ta phải hiểu thế nào cho đúng? Có lẽ nên nói ông Diệm là người yêu đạo của ông và yêu gia đình họ Ngô mới chính xác. Cái chất yêu nước trong ông Diệm nó có quá ít, cũng chỉ vì quyền lợi một số người, chứ đâu có cho toàn dân Việt - như ông Hãn nói: ..."ai nghe theo và tỏ lòng kính trọng ông Diệm, ông ấy sẵn sàng giúp đỡ". Thế thì, ông Diệm là người chưa đủ tầm làm lãnh tụ, và cũng chưa đạt đến mức một người yêu nước, vì lợi ích toàn dân tộc là đúng rồi!

Ông Hãn nói về ông Trần Trọng Kim:


Ông Trần Trọng Kim

"Ông Trần Trọng Kim thì rất có lòng phục vụ Tổ quốc, nhưng ông không đủ tầm vóc hiểu hết các chuyển biến của đại cuộc thế giới. Điều này không thể trách ông vì cả nước Việt Nam mình thời đó chỉ là một thuộc địa. Hơn nữa, lúc ấy ông đã lớn tuổi và không còn tâm lý xông tới.

Trong các ông chỉ có ông Hồ vừa nhìn xa trông rộng, vừa có tài thuyết phục, tổ chức và dẫn dắt quần chúng. Ông ấy thông minh, cương quyết và rất khôn lanh nữa".

Đọc đoạn này của ông Hãn cho chúng ta ba gợi ý thú vị:

- Một là, Nguyễn Ái Quốc ngay từ 21 tuổi đã chọn con đường: ra nước ngoài đến tận Pháp, đi các nước khác xem xem người ta làm ăn thế nào để về nước giúp đồng bào mình cứu nước. Nhờ đi ra nước ngoài nhiều nơi nhiều năm nên Hồ Chí Minh có hiểu biết rộng, nhanh nhạy tình hình, có tầm vóc một lãnh tụ, biết chớp thời cơ giành chính quyền...

- Hai là, Ngô Đình Diệm, Trần Trọng Kim là những người không đủ tầm của một lãnh tụ. Ông Trần Trọng Kim không hiểu hết các chuyển biến của đại cuộc thế giới như ông Hồ Chí Minh.

- Ba là, chỉ có con đường Nguyễn Ái Quốc lựa chọn mới là con đường đúng giúp Nguyễn Ái Quốc được rèn luyện, có đủ các tiêu chuẩn, xứng tầm là một lãnh tụ của cả dân tộc Việt Nam.

Chúng ta nghe ông Hãn tổng kết về ông Diệm, Nhu:

"Ông Diệm gặp nạn lớn là bởi vì người em của ông. Nhưng không có ông Nhu, chưa chắc ông Diệm sau khi cầm đại quyền có thể bình định và phát triển miền Nam".

Chỗ này, như đã phân tích ở trên, ông Hãn "quên" vai trò của hàng tá CIA, của mấy nghị sĩ và Chính phủ Mỹ hậu thuẩn, có cả Hồng y Spellman ráo riết vận động ủng hộ, chế độ Ngô Đình Diệm mới được ổn trong thời gian từ năm 1955 đến 1963. Ông Nhu có công góp xây dựng và làm sụp đổ chế độ Diệm, nhưng không phải chỉ có từ ông Nhu. Chế độ Diệm vững tám năm là nhờ Mỹ. Chế độ Diệm đổ là do nhân dân miền Nam, trong đó có vai trò lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông bà Nhu chỉ góp phần làm cho chế độ nhà Ngô sụp đổ nhanh hơn.

Ông Hãn cho người phỏng vấn biết thêm: "Khoảng thời gian trước khi ông Diệm về nước nắm đại quyền, ông Nhu có nói chuyện với bác (Ông Hãn xưng hô với người hỏi) vài lần. Có những việc chúng tôi đồng ý với nhau, có những việc anh ấy và bác không đồng ý, nhưng bác không có ý kiến gì hay hơn của anh ấy.

Theo bác, ông Nhu mới là một nhân vật rất đặc biệt. Anh ấy có cá tính mạnh, kiến thức rộng, tầm nhìn xa, đặc biệt là tham vọng rất lớn. Cách sống của ông bà Nhu làm người ta không thích, còn nhìn xa về tầm chính trị và các nước cờ sâu sắc của ông Nhu thì bác ngờ rằng các nhân vật cùng thời không hiểu hết. Lúc đó miền Nam một nước nhỏ và nghèo yếu nên dễ bị nước ngoài chi phối và tâm lý dân tộc thì dễ sinh ra vụn vặt, đố kị... Hoàn cảnh đó và thời cuộc đó chẳng những không dùng được những người xuất sắc kỳ lạ, mà còn nghiền nát họ".

Hỏi: Thưa Bác, Bác là bạn học của ông Nhu, bác tự nhận xét bác so với ông Nhu như thế nào?

Trả lời:

"Bác là một người bình thường trong giới có học vấn, còn ông Nhu là một trí thức xuất chúng đặc biệt."

o0o

Phải thêm vài đoạn trích trong bài phỏng vấn "Hoàng Xuân Hãn và Chính phủ Trần Trọng Kim" để bạn đọc hiểu rõ hơn về ông Hoàng Xuân Hãn và chính phủ Trần Trọng Kim; người phỏng vấn không ưa Cộng sản, ông Hoàng Xuân Hãn không thích Cộng sản.

Hỏi: Lúc đó chính phủ không có quân đội lấy gì giữ chính quyền trong khi phong trào Việt Minh đang nổi dậy tranh giành?

Trả lời:

"Thực ra lực lượng Bảo an sẵn sàng trong toàn quốc cũng được 4-5 ngàn, ở Huế độ vài trăm. Khi Nhật đầu hàng họ bàn giúp mộ quân và huấn luyện để giữ an ninh. Lúc đó, chỉ cần hô hào giành và giữ độc lập là mộ được nhiều quân, vận động được nhiều tiền của. Vũ khí thì Nhật sẵn sàng chuyển giao. Về mặt quân sự lúc bấy giờ, phe Việt Minh chưa chắc mạnh hơn phe chính phủ. Chính phủ cũng có uy tín vì mới điều đình thành công với Nhật thu hồi lãnh thổ VN thống nhất. Tuy nhiên, Trần Trọng Kim không muốn các phe phái VN đánh nhau nên chủ trương nhường. Kiến thức chính trị quốc tế của ông không đủ, mối giao thiệp với các nước trên thế giới thì chưa có, còn tuổi tác thì đã khá lớn rồi".

Hỏi: Bác có nghĩ phong trào Việt Minh thắng thế lúc đó là một sai lầm có tính bước ngoặc của dân tộc Việt Nam không?

Trả lời: "Ta khoan nói quá rộng tới quốc dân, hãy nói về lãnh đạo các phe phái. Lúc đó có nhiều thế lực, phe phái... và chính phủ là người có tư thế tốt nhất để tập hợp họ. Nhưng chính phủ lại nhượng bộ Việt Minh chiếm lãnh. (ông Hãn chỉ Chính phủ Trần Trọng Kim). Trong số các phe phái, các phái ngoài Việt Minh và các phái không Cộng sản trong Việt Minh cũng có nhiều người học cao, có kiến thức nhưng họ không có tổ chức chặt chẽ và có tài đấu tranh chính trị như Cộng sản nên phải thua. Về tinh thần họ không có quyết tâm giành chính quyền bằng mọi giá và bằng mọi thủ đoạn như phe Cộng sản. Họ ôn hòa hơn phe Cộng sản vì nghĩ rằng phe nào trong chính người Việt Nam nắm chính quyền thì cũng tốt hơn Pháp.

Lúc đó Việt Minh tương đối chiếm được lòng dân hơn, dù chưa có tư thế hơn Chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc đó Việt Minh thắng thế không có gì sai, chỉ tiếc họ dẫn dắt dân chúng đi theo cuộc chiến tranh quá lớn và quá lâu.

Mà cũng do tâm lý dân tộc mình, nếu dân tộc mình lúc đó không chủ chiến thì chính phủ nào có thể đẩy họ vào một cuộc chiến tranh? Chính hồi đó tôi cũng ủng hộ chiến tranh chống Pháp. Đám cháy đã bùng lên, làm sao dập tắt được? Cái vận nước mình nó là thế!"

Hỏi: Sau này sử Việt Minh nói Chính phủ Trần Trọng Kim bù nhìn bán nước? Bác Hãn cười, trả lời: "Thì Cộng sản vốn vậy. Ai không theo họ đều là người xấu cả. Người càng có kiến thức và đạo đức thì người đó càng xấu!".

Trả lời: Để vấn đề cho thấu đáo, xin trích bài viết: "Hoàng Xuân Hãn với Nội các Trần Trọng Kim" của Phan Hồng Trung, đăng trên tạp chí Xưa&Nay, số 329, tháng 4-2009:



"Giữa những ngày bão tố cách mạng dâng lên sục sôi đó, Hoàng Xuân Hãn có mặt ở thủ đô Hà Nội. Thái độ của ông như thế nào? Trong bài hồi ký sau này, ông kể lại rằng ngay từ ngày đầu tháng Tám, khi chia tay với Phan Anh, ông đã bàn bạc và thống nhất với chủ trương về việc Nội các từ chức để nhường chỗ cho Việt Minh. Tuy nhiên, theo hồi ký của Lê Trọng Nghĩa thì lúc 8 giờ sáng ngày 18-8-1945, Hoàng Xuân Hãn đã một mình tìm đến đại bản doanh của Ủy ban Khởi nghĩa Bắc kỳ ở ngôi nhà số 101 đường Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay), tự giới thiệu là người đại diện cao cấp của Nội các Trần Trọng Kim đến thương thảo về tình hình khẩn cấp. Ông đề nghị Việt Minh hoãn cuộc khởi nghĩa, "cứ nắm tất cả các vùng nông thôn, nhưng nên để chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh trong lúc này...". Là người trự tiếp nói chuyện với ông, Lê Trọng Nghĩa nhận xét: "Qua lời nói và thái độ chân thành của ông, tôi cho rằng không có gì thể hiện một mưu đồ đen tối, thâm độc bất cứ từ đâu. Nhưng lúc đó, tình thế đã không thể đảo ngược. Sau khi lịch sự từ chối, đại diện Việt Minh "trân trọng tiễn vị Bộ trưởng ra về với một bộ dạng coi thật thiểu não, buồn lo hiện trên nét mặt. Ngày hôm sau, 19-8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi trọn vẹn.

Phát biểu thế nào về hành động của Hoàng Xuân Hãn vào thời khắc lịch sử đó tại Hà Nội? Phải chăng ông không hiểu thời thế, không ủng hộ cách mạng, còn cố níu kéo, cố bảo vệ Nội các Trần Trọng Kim trong thế cờ tàn?

Thật không dễ gì tìm ra lời đáp thỏa đáng cho những câu hỏi trên. chắc chắn những người như Hoàng Xuân Hãn không những nắm và hiểu rõ hơn ai hết tình thế thời cuộc lúc đó mà các ông cũng có nhiều nguồn thông tin để nắm được tình hình phát triển của lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, các ông còn ngộ nhận ở hai điểm rất quan trọng:

Thứ nhất, lúc đó các ông còn chưa dám tin vào lực lượng cách mạng của Việt Minh. Dòng hồi ký sau đây của ông Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh được các bạn Thanh Nghị cho hay rằng phong trào cách mạng chống Nhật đã bành trướng từ Cao Bằng đến vùng Bắc Cạn, Thái Nguyên. Họ có tổ chức và có vũ khí Mỹ cho. Chúng tôi hơi yên tâm, nhưng cũng tự hỏi rằng vũ khí Mỹ đã cho có bằng khí giới Nhật sẽ cho khi Mỹ đổ bộ..."

Ngộ nhận thứ hai, ông Hoàng Xuân Hãn và Nội các của ông là về địa vị pháp lý Nội các. Các ông toan tính, đứng ra với tư cách là một chính phủ để "nói chuyện" với Đồng Minh sau khi quân Nhật đã đầu hàng. Đây là một ngộ nhận không những ngây thơ mà còn hết sức nguy hiểm, bởi lẽ không có lý do gì để Đồng Minh công nhận và thương thuyết với một chính phủ như Nội các Trần Trọng Kim. Ngược lại, Nội các đó chắc chắn sẽ bị quân Đồng Minh coi như một chính phủ hơp tác với phe Trục, cần phải bị trừng phạt. Do đó, nếu quân Đồng Minh tiến vào mà chính phủ Trần Trọng Kim chưa bị lật đổ để thay thế bằng một chính phủ của nhân dân, được nhân dân hậu thuẩn, thì nhân dân Việt Nam không có cách gì bảo vệ được nề độc lập dân tộc".

Ông Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Mỹ nghệ của Chính phủ Trần Trong Kim. Trong Chính phủ này có nhiều người sau Cách mạng tháng Tám theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Còn ông Hoàng Xuân Hãn tuy có gặp Bác Hồ nhưng không theo Việt Minh như Trần Trọng Kim. Ông Hãn qua định cư ở Pháp.

Ông Hãn đã cho ta thấy: "Bác là một người bình thường trong giới có học vấn, còn ông Nhu là một người trí thức xuất chúng đặc biệt". Nghĩa là ông rất non về chính trị.



Ông Hãn nhìn vấn đề dưới con mắt của một người hiểu biết không toàn diện. Thể hiện rõ ở hai việc:

- Một là, ông cho rằng "ai không theo họ đều là người xấu cả", là không đúng. Một sự nhìn nhận chủ quan, cảm tính, chứng tỏ ông không hiểu gì mấy đối với người Cộng sản. Chỉ có những người theo giặc ngoại xâm mới bị người Cộng sản cho là xấu, là phản quốc mà thôi.

- Hai là, ông trách Cộng sản dẫn dắt dân tộc làm cuộc chiến tranh lâu dài quá.

Về điểm này, không biết ông nói lấy lòng người phỏng vấn hay ông thiếu thông tin về việc Cụ Hồ phải nhân nhượng với Pháp tới mức không đòi Pháp công nhận Việt Nam độc lập mà chấp nhận tự do, đồng ý Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, ký hiệp định Sơ bộ 9-3-1946 rồi Tạm ước 14-9-1946, nhưng Pháp không thi hành mà tấn công quân ta ở Hải Phòng rồi gửi tối hậu thư đòi tướt khí giới lực lượng vũ trang của Việt Minh ở Hà Nội. Không thể lùi thêm nữa nên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cho nổ súng, kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946.

Khi đất nước độc lập được một nửa, đúng theo tinh thần Hiệp định Genève, tháng 7 năm 1956 phải tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc. Nhưng Ngô Đình Diệm làm tay sai đế quốc Mỹ, bắt bớ, chém giết những người kháng chiến cũ, vi phạm nghiêm trọng hiệp định Genève: không được trả thù người phía bên kia sinh sống trên lãnh thổ mình quản lý, đàn áp phong trào đòi Tổng tuyển cử; xây dựng quân đội hùng mạnh với viện trợ và cố vấn khổng lồ của đế quốc Mỹ nhằm tiêu diệt những người kháng chiến chống Pháp và hô hào Bắc tiến. Khi chính quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Mỹ phải đưa cả hơn nửa triệu quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam tiếp cứu ngụy quân ngụy quyền, nhưng cũng phải chịu thua Việt Cộng, chấp nhận ký Hiệp định Paris 1973, rút quân về nước, bỏ rơi VNCH để Việt Cộng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nếu Cộng sản không tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài như thế làm sao thống nhất được Tổ quốc. Ông Hãn không hiểu, không quan tâm những điều nói trên, hoặc biết mà không nói ra lúc này, thì đây là hạn chế của một trí thức non về chính trị như ông thừa nhận.

Nói như trên cho rõ những gì đã có trong bài phỏng vấn, biết lập trường, quan điểm của người trả lời phỏng vấn ra sao. Tôi dành sự kính trọng chừng mực đối với ông Hãn về sự trung thực của một trí thức trong xem xét đánh giá các nhân vật đề cập trong bài này.

Cần nhắc lại: ông Hãn vì không tiếp cận, không nghiên cứu sâu, hoặc còn biết mà chưa nói hết nhiều điều tốt nữa của Cụ Hồ? Nhưng dù sao những điều ông đã nói cũng giúp cho hậu thế, nhất là người phía bên kia hiểu đúng về Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Trọng Kim và ngay bản thân ông Hãn nữa; chỉ có ông Hồ Chí Minh là người thật sự có tài, xứng đáng làm lãnh tụ dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Xuân Ba

_______________

Chú thích :

(1).- Gia đình họ Ngô Đình:

Cha: Ngô Đình Khả ( ? -1925), từng làm quan võ từ triều Đồng Khánh, theo Nguyễn Thân một tên hợp tác với chính phủ bảo hộ (thuộc Pháp) đàn áp các phong trào chống Pháp như nhóm Văn Thân của ngự sử Phan Đình Phùng ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Mẹ: Phạm Thị Thân

Quê quán: làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Các con:


1. Ngô Đình Khôi ((1885-1945), anh cả Ngô Đình Diệm, làm quan triều Nguyễn đến chức Tổng đốc.

2. Ngô Đình Thị Giao (?-1944), tục gọi là bà Thừa Tùng.

3. Ngô Đình Thục (1897-1984).

4. Ngô Đình Diệm (1901-1963)

5. Ngô Đình Thị Hiệp (1928-2002), thường gọi là bà Cả Ấm, bà là mẹ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

6. Ngô Đình Thị Hoàng, tục gọi là bà Cả Lễ.

7. Ngô Đình Nhu (1910-1963)

8. Ngô Đình Cẩn (1912-1964).

9. Ngô Đình Luyện (con út) (19 14-1990) là luật sư và đại sứ.



(2).- Lúc ở Mỹ, qua Pháp rồi Bỉ, ông Diệm đều lưu trú tại các nhà dòng. Tại Mỹ ông ngụ trường dòng Lakewood ở New Jersey, Ossining New York...

Nguồn: tác giả gửi

Vài lời về những hiện tượng trên báo chí trong thời gian gần đây


Mới đây Bộ nội vụ và Chính phủ dự kiến thực hiện một kế hoạch 6 năm nhằm tinh giản hóa đội ngũ cán bộ, công chức, dự kiến loại bỏ khoảng 100.000 cán bộ, nhân viên ra khỏi các cơ quan công quyền.


Mới đây báo điện tử Vietnamnet có bài đặt nhan đề gọi sự việc Mỹ bỏ bao vây cấm vận Việt Nam là "món quà Tết của Bill Clinton" của tác giả "Huỳnh Phan". Nhiều nơi trên Internet đã đăng bài bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành động thể hiện một tư duy nhược tiểu, một não trạng nô lệ, một tư tưởng dân tộc hạ đẳng này.

Nếu một trang Hoakynet, Nuocmynet hay Americanet mà giật tít như thế thì vẫn sẽ gây phẫn nộ, nhưng trang Vietnamnet lại giật một cái tít như vậy thì không chỉ gây công phẫn, mà còn làm cho người ta nhìn vào với con mắt khinh bỉ tột cùng, giống như con mắt người đời nhìn bọn Việt gian tay sai bán nước trong thời kháng chiến.

Trước hết, hành động bao vây cấm vận của Mỹ là một hành động dùng sức mạnh bá quyền bá đạo, dùng sức mạnh súng đạn để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và các nước, giống như một hành động cho côn đồ vác dao canh trước cửa làng không cho ai tiếp tế hay giao dịch với ngôi làng đó.

Do đó, đây là một hành động lách luật và không phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như với tinh thần của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Trong khi đó VN là một quốc gia bình thường, không phải là một quốc gia gây tội ác diệt chủng hay tài trợ khủng bố, hay đang xâm lược, uy hiếp an ninh của nước Mỹ.

Như vậy đây là một chính sách đi ngược lại luật pháp quốc tế và đạo lý con người nói chung. Sự cực đoan nhân lên khi Mỹ đã tìm cách áp lực và ngăn chặn cả những viện trợ nhân đạo đối với người dân VN, trong lúc người dân VN đang gặp cảnh khó khăn nhất. Nói cách khác, việc bao vây cấm vận là một tội ác của Mỹ. Việc Mỹ bao vây cấm vận Cuba ngày nay cũng vậy, lần biểu quyết tại LHQ nào thì Mỹ cũng đều bị ít nhất trên 95% các quốc gia thành viên LHQ phản đối hành động bao vây cấm vận đó.

Việc Mỹ bỏ bao vây cấm vận VN chính là vì lợi ích của Mỹ. Họ thấy việc bao vây cấm vận không thể bức tử làm sụp đổ được chế độ cộng sản VN, không thể làm cho VN trở thành giống như Liên Xô và Đông Âu.

Một khi VN đã có chính sách Đổi Mới, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và kinh tế nhiều thành phần, kêu gọi đầu tư nước ngoài, hợp tác kinh doanh, thì các nước khác vì lợi ích của họ trước thị trường "béo bở" VN, nên họ đã bất chấp các áp lực của Mỹ mà đáp ứng lời mời gọi của VN mà nhảy vào thị trường này.

Trước nguy cơ "trâu chậm uống nước đục" đó, Mỹ vì quyền lợi kinh doanh của họ, vì lợi ích của các tập đoàn tư bản tài phiệt của họ, đành gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam cho phép và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Mỹ vào VN làm ăn kinh doanh.

Nói cách khác, Mỹ là kẻ thực dụng nên họ đã không chê tiền, không chê tài nguyên và các tiềm năng "béo bở" ở VN, với trên 90% "miếng bánh" chưa khai thác vào thời đó.

Đó là về kinh tế. Còn về chính trị và cả quân sự, theo chiến lược toàn cầu và khu vực của Mỹ, lúc bấy giờ Mỹ đã nhìn thấy dấu hiệu của sự trỗi dậy của Trung Quốc, có thể trở thành một thế lực quốc tế khả dĩ đủ sức đối trọng với Mỹ trong tương lai không xa. Do đó, Mỹ muốn sử dụng Việt Nam làm một quân cờ cản trở, kiếm chế, làm vướng chân vướng tay đối thủ Trung Quốc.

Lâu nay có một số kẻ ở VN muốn đất nước VN trở thành quân cờ đó, nhưng nhờ sự tỉnh táo của những người lãnh đạo Việt Nam, VN đến nay về cơ bản vẫn giữ được thế trung lập, tự chủ, không bị kéo nghiêng về phía nào. Nói cách khác, Việt Nam không chấp chận làm một quân cờ của Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ nước lớn nào để chống lại một nước khác.

Như vậy, Mỹ bỏ bao vây cấm vận VN là vì Mỹ không thể lật đổ được chế độ XHCN ở Việt Nam, đồng thời họ không còn có thể áp lực, vận động, lôi kéo được các nước khác nghe theo họ cấm vận VN trước hiện thực đổi mới ở Việt Nam và tiềm năng thị trường kinh tế ở đây. Họ cũng không muốn bị chậm chân, lép vế trước các nước lớn khác, trước các nền kinh tế lớn khác trong cuộc đua đầu tư vào thị trường mới đầy tiềm năng này. Nói cách khác, họ không thể cấm vận tiếp tục Việt Nam, nên đành phải bỏ!

Như phân tích ở trên, hành động bao vây cấm vận VN của Mỹ là một tội ác, hay ít nhất cũng là một trọng tội, một tội lỗi lớn, một hành động xấu xa, sai trái, phi nghĩa. Việc Mỹ bỏ bao vây cấm vận thực chất là một hành động sửa sai, ngưng kịp thời bàn tay tội ác vốn đã đẫm máu phụ nữ và trẻ em Việt Nam thời trước cấm vận, ngừng kịp lúc một hành động tội ác, sai quấy, dừng lại một lỗi lầm.

Nhưng thay vì thừa nhận điều đó, thay vì phải xin lỗi và bồi thường cho Việt Nam, thì Mỹ lại ăn nói như đây là một cái ơn, một ân huệ, một sự ban phát, bố thí cho Việt Nam. Trong khi thực tế mối bang giao hữu nghị bình thường hóa quan hệ giữa Việt - Mỹ là một mối quan hệ cả hai bên cùng có lợi (win - win).

Nếu Mỹ viện trợ không hoàn lại cho VN thì mới có thể gọi đó là một ân huệ, đàng này đây chỉ là thuần túy bang giao hai bên cùng có những lợi ích chung, không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị.

Như đã nói ở trên, Mỹ muốn sử dụng Việt Nam làm con chốt đầu chống Trung Quốc trong khu vực Đông Dương và Đông Nam Á. Nhưng đồng thời VN cũng "tương kế tựu kế", mượn sức Mỹ, dùng mối quan hệ với Mỹ để quan hệ với Trung Quốc mà vẫn kiềm chế được các hành động nước lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam, đồng thời dùng mối quan hệ với Trung Quốc để kiềm chế các hành động nước lớn của Mỹ đối với VN.

Nhiều chuyên gia ngoại giao quốc tế gọi đó là đường lối "đi dây", "đi trên dây" giữa hai thế lực có ảnh hưởng lớn nhất. Thật ra đây chỉ là đường lối ngoại giao theo trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đã có từ thời tiền kháng chiến. Quyết giữ vững độc lập, tự chủ, và cố gắng trung lập ở mức cao nhất, ngoại trừ với kẻ xâm lược và đồng bọn của chúng.

Việc VN đã giữ được trung lập thành công đối với hai thế lực cường quốc Trung - Xô trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng là một trong những nhân tố lớn đưa đến toàn thắng của Việt Nam trước giặc xâm lược Mỹ năm 1975.

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh là một trong những tài sản lớn nhất mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế.

Việc Mỹ dừng lại tội ác bao vây cấm vận Việt Nam là một hành động đáng khen ngợi nhưng đồng thời cũng đáng trách, vì lẽ ra họ không được phép làm vậy ngay từ đầu, xét theo luật pháp quốc tế và đạo lý nhân loại, lòng nhân đạo tối thiểu của loài người.

Độc ác hơn là họ làm như thế sau hàng trăm cuộc thảm sát, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em và hàng ngàn tội ác chiến tranh khác sau hơn 20 năm xâm lược Việt Nam. Không bồi thường 1 đồng. Không 1 lời xin lỗi.

Hành động không tôn trọng đất nước và con người Việt Nam như vậy tuyệt đối không phải là một món quà, hay một thứ gì đó xứng đáng để ca ngợi. Tôi nghi ngờ nhân cách, phẩm chất và lòng tự trọng của người giật tít như vậy trên báo Vietnamnet và cả người nào cho đăng một cái tít như thế.

Họ đã hô biến một tội ác thành một chuyện bình thường, và biến sự dừng lại bàn tay tội ác thành một.... "món quà", biến hành động không cấm vận, tôn trọng quyền tự do quan hệ ngoại giao của mọi quốc gia dân tộc, vốn là một hành động bình thường, trở thành một hành động đặc biệt, một "món quà" đặc biệt.

Hiện tượng biến chất, biến tướng của một bộ phận không nhỏ báo chí trong nước hiện nay là bắt nguồn từ một bộ phận thân Mỹ tự phong "cấp tiến", "cấp lùi" ngỡ mình là "cấp tiến" trong báo chí Việt Nam.

Hiện nay, những người trung lập trong báo chí, những người kiên trung và phối hợp tốt với đường lối ngoại giao trung lập của Đảng, đã bị thành phần thân Tây, thân Mỹ lấn sân ít nhiều và bắt chước các đài Việt ngữ ăn lương nước ngoài RFA, VOA, BBC, RFI chụp mũ vu khống họ là "bảo thủ", là "thân Tàu", "thân Trung Quốc".

Hiện tượng đó đưa đến các hiện tượng đổi màu, chệch hướng, đổ đốn trong lãnh vực báo chí mà dư luận thường xuyên lên án thời gian qua, nhất là hiện tượng "phục dựng thây ma" vừa qua. Đó là sự chệch hướng chung của xã hội, trong đó có làng báo, kể cả Đảng, trong các chi bộ ở các tòa soạn báo chí, bao nhiêu người còn xứng đáng là một người cộng sản cũng là điều khó nói.

Thật ra ông thích Mỹ cũng tốt thôi, tôi cũng thích Mỹ, tôi rất thích ông Bill Clinton. Tôi thấy VN mình cần tham khảo nước Mỹ nhiều đề tài, nhất là về xã hội. Nhưng tôi không sùng bái Mỹ, vì tôi hiểu lịch sử Mỹ và biết họ tích lũy tài sản này, tư bản này từ đâu, từ một quá trình cướp bóc lâu dài, ăn cướp thuộc địa và bóc lột nô lệ, và còn hợp tác kinh doanh làm ăn với các thế lực giống như thế.

Từ khối lượng tư bản và tài sản được tích lũy từ cướp bóc đó, từ "vốn liếng" khổng lồ đó, họ "đầu tư" khắp nơi, khắp thế giới, tìm kiếm lợi nhuận. Từ nền tảng và điểm xuất phát thuận lợi đó họ trở thành giàu mạnh và phát triển sinh sôi những thịnh vượng và ưu điểm trong xã hội. Họ cũng bơm tiền và viện trợ cho một số đàn em chư hầu trên thế giới kết bè kết đảng, củng cố vây cánh và thế lực.

Họ có rất nhiều mặt phải, nhiều ưu điểm, điểm mạnh để tham khảo, nhưng không có nghĩa Mỹ là cái gì đó để sùng bái, thần tượng đến mức quên cả lòng tự trọng.

Tôi biết nhiều bạn trong Vietnamnet sẽ không bao giờ bảo rằng việc Trung Quốc bỏ bao vây cấm vận Việt Nam (1979-1991) là một món quà. Nhưng Mỹ, cùng một hành động như vậy, thì các bạn lại coi đó là một món quà của Mỹ tặng cho Việt Nam. Các bạn dùng hình ảnh tổng thống Mỹ Bill Clinton để gián tiếp tuyên truyền lên rằng Mỹ đã ban ơn ban phước cho Việt Nam, đã "tha tội", "thứ lỗi" cho Việt Nam.

Thật ra Mỹ trước nguy cơ TQ nhảy vào "kiếm chác" từ thị trường VN, TQ cũng đứng trước nguy cơ Mỹ nhảy vào "kiếm ăn" ở thị trường VN, nên họ đã nhảy vào tìm kiếm lợi nhuận, chứ chả có ma nào là thiện nam tín nữ. Đây là 2 "ông kẹ" chứ không phải 2 nhà từ thiện, nên nhớ điều đó.

Mỹ là kẻ bành trướng toàn cầu, Trung Quốc là thằng bành trướng khu vực. Không có thằng nào là "hiệp sĩ". Giả sử nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ chê tiền, chê tài nguyên, chê lợi nhuận ở Việt Nam thì Nga, vốn đang thân thiện với VN, sẽ nhảy vào một mình hưởng hết. Do đó, việc TQ và Mỹ chấm dứt tội ác bao vây cấm vận VN là vì lợi ích của chính họ, là vì tình thế bắt buộc, chứ không phải là món quà tặng cho VN!

Hành động đó của Mỹ và TQ chỉ là một hành động bớt mất dạy, chứ không phải là một hành động đẹp đẽ đáng tán dương, chứ đừng nói là quà với cáp. Đáng lẽ ra ông không được quyền làm như vậy ngay từ đầu, hoặc nếu vì ăn năn hối hận thì ông đã bỏ cấm vận sớm hơn. Đàng này ông chờ đến khi VN mời mọc cả thế giới vào đầu tư làm ăn kinh doanh, ông không còn ép được người khác ngó lơ VN, sợ các nước đó nhanh chân nhảy vào trước ông, giành phần của ông, cực chẳng đã ông mới "bỏ cấm vận" để được VN cho phép các nhà kinh doanh của ông đi vào kiếm lợi, làm ăn hai bên cùng có lợi, thì đó tuyệt đối không phải là một hành động tốt đẹp, chứ đừng nói là quà tặng!

Người Việt Nam không cần các ông tặng quà, mà cần các ông bồi thường. Trung Quốc đáng lẽ phải bồi thường cho Việt Nam những thiệt hại vật chất và tinh thần mà họ gây ra suốt 1 tháng ở miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979.

Mỹ phải bồi thường chiến tranh cho Việt Nam qua những tổn thất khủng khiếp về vật chất và tinh thần mà họ đã gây ra suốt hơn 20 năm ở cả ba miền Việt Nam, bao gồm hàng ngàn đợt càn quét bắt bớ khủng bố, hàng trăm trận thảm sát, hàng ngàn tội ác chiến tranh mà đến nay vẫn chưa thống kê hết. Những gì Mỹ - Trung gây ra trên đất Việt, cho người Việt, từ kinh tế đến xã hội, con người, là quá lớn. Theo luật pháp quốc tế, họ đã sai khi đơn phương gây ra chiến tranh xâm lược, và theo đạo lý thì họ cũng sai. Sai cả về luật pháp lẫn đạo lý.

Tất cả mọi bên đều vì lợi ích, quyền lợi, miếng ăn, lợi nhuận của chính họ! Và như lịch sử thế giới đã chứng minh, khi cần hy sinh nước nhỏ thì các nước lớn sẵn sàng thí ngay không chớp mắt, nhất là khi lợi ích của họ mâu thuẫn với ta. Cho nên, nước nhỏ mà liên minh với nước lớn để chống lại một nước lớn khác thì trước sau gì cũng sẽ đi đến con đường tự sát!

"Cấp tiến" hay.... "cấp lùi"

Như đã nói một phần ở trên, đây thật ra một dấu hiệu, một nguy cơ chệch hướng chung của một bộ phận xã hội, trong đó có nghề báo, kể cả trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện tượng biến chất, biến tướng của một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay là bắt nguồn từ một bộ phận thân Mỹ tự phong "cấp tiến", "cấp lùi" ngỡ mình là "cấp tiến" trong xã hội Việt Nam.

Hiện nay, trong xã hội và chế độ chính trị Việt Nam, những người trung lập về quan điểm ngoại giao, gần gũi với truyền thống, đã bị "sâu", "rận", và các thành phần thân Tây, thân Mỹ lấn sân ít nhiều. Các đài Việt ngữ ăn lương nước ngoài RFA, VOA, BBC, RFI chụp mũ vu khống những người trung lập và gần gũi truyền thống, trung kiên với các giá trị truyền thống là "bảo thủ", là "thân Tàu Cộng", "thân Trung Cộng". Đồng thời họ "tấn phong", "sắc phong" thành phần thân Tây thân Mỹ là "cấp tiến".

Cần xác định rõ là danh hiệu "cấp tiến" đó là do chính bọn họ tự phong cho nhau, giống như Don Kihôtê nhờ anh hàng xóm phong cho mình danh hiệu "hiệp sĩ". Chúng ta không nên ngộ nhận họ là những thành phần cấp tiến đúng nghĩa thật của nó.

"Cấp tiến" là gì? Cấp tiến là những người tiến nhanh lên phía trước, nghĩa là phải tốt đẹp hơn cái cũ, phải chứng minh được là con đường của họ tốt đẹp hơn những cái cũ.

Đằng này nhìn quanh thế giới nhìn các nước theo mô hình mà họ ước ao thì chỉ thấy chủ yếu là những nước làm giàu nhờ ăn cướp thực dân thuộc địa, bóc lột nô lệ lâu dài từ đời ông sang đời cháu, từ đời bố đến đời con, tích lũy của cải tài sản từ quá trình ăn cướp, khủng bố, diệt chủng đầy tội ác đó. Ngoài ra có một ít quốc gia chư hầu được các nước "đại ca Mafia" đó "bơm máu" giúp giàu nhanh.

Còn lại là những nước cũng bình bình như VN, có nước trội hơn một chút ở một vài điểm, có nước kém hơn VN một chút ở một vài điểm, hoặc những nước đang loạn lạc như Iraq, Libya, Syria, Ai Cập, Aghanistan, Palestine.... Thái Lan không khéo cũng sẽ lọt vào danh sách đó.

Tức là họ chả có bằng chứng gì hết. Họ không chứng minh được gì ráo. Điều này tôi đã đề cập trong bài viết về đề tài chống tham nhũng. Như vậy "cấp tiến" ở đâu ra? Cấp tiến thì phải tốt hơn. Đằng này bọn họ có tốt gì hơn số người còn lại ở VN. Và những gì bọn chúng kêu gào gần đây đã được chứng minh là tốt hơn ở nước nào, xã hội nào, ở đâu?

Như vậy bọn họ là cấp tiến hay cấp lùi? Nếu VN mà trở thành Áp, Iraq, Libya, Syria, Ai Cập thì bọn họ là "cấp lùi" chứ ko phải "cấp tiến". Khái niệm "cấp tiến", cũng như các khái niệm tốt đẹp mỹ miều khác như "nhân sĩ, trí thức", "tự do", "dân chủ", "nhân quyền".... từ lâu đã bị diều hâu Mỹ - tàn dư ngụy cố gắng chiếm làm của riêng và làm méo mó ý nghĩa của nó. Từ đó cứ hễ ai thân Tây-Mỹ, theo Tây-Mỹ thì truyền thông Mỹ và phương Tây gọi đó là những người "cấp tiến", bất kể họ có phải là cấp tiến thật hay không, cấp tiến hay cấp lùi.



Cũng như khái niệm "dân chủ". Bọn chống cộng, bọn rận tự xưng là dân chủ, nhưng thử hỏi có ai có đầu óc dân chủ, có tư tưởng dân chủ, biết tôn trọng dân chủ mà cứ hễ mở miệng ra là chụp mũ, vu khống người khác ý kiến với mình là "CAM", "HVB", "DLV", tức là vu cáo người dân là chắc nhận được tiền bạc hay quyền lợi, bổng lộc gì đó từ chế độ nên họ mới không đồng ý với họ, bác bỏ quan điểm của họ.

Nếu người dân mà là HVB thì đã trói gô họ lại mà thượng cẳng chân, hạ cẳng tay chứ cần gì phải thuyết phục, tận tình hướng dẫn họ, hay lập luận, lý lẽ với bọn họ làm gì cho mất công và tốn thời gian?

Bất cứ ai mà gần gũi với truyền thống và trung lập trong ngoại giao, chủ trương giữ quân bình giữa Trung Quốc với Mỹ & phương Tây thì đều bị truyền thông phương Tây đặt họ vào "danh sách" những người "bảo thủ" hoặc điên khùng hơn, là "thân Tàu", "thân Trung Quốc". Tức là dưới góc nhìn hẹp và thiển cận cực đoan ngu dốt của họ, hễ ai "không thân Tây-Mỹ", "không theo Tây-Mỹ" thì ắt phải là "thân Trung Quốc".

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo đó không hề "thân Trung Quốc" hay "theo Trung Quốc", mà là những người có quan điểm ngoại giao trung lập, đứng giữa các thế lực nước lớn, không nghiêng ngả theo về phe phái quốc tế nào, họ chỉ có thân Việt Nam, theo Việt Nam.

Các bạn "rận" cần phải ngưng ngay cái trò chụp mũ, vu khống dốt nát đó! Cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược 16/2/1979 - 18/3/1979 chỉ mới như ngày hôm qua. Những Hoàng Văn Hoan đều đã bị trục xuất hoặc nghiêm trị từ lâu.

Sau khi Trung Quốc bỏ bao vây cấm vận và Việt Nam bình thường hóa ngoại giao với Trung Quốc cho đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam thân thiện với anh hàng xóm Trung Quốc như bất kỳ nước nào khác trên thế giới, nhưng không lúc nào không đề cao cảnh giác.

Đối với mọi người Việt Nam yêu nước thì "bóng ma" của ngàn năm Bắc thuộc, các cuộc kháng chiến chống Trung Quốc trong Việt sử, và cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 vẫn còn ngay đó. Những người lãnh đạo Việt Nam bị các bạn chụp mũ, vu khống là "thân Tàu", "theo Tàu", chính là những người "thân Việt", "theo Việt", là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao khôn khéo và lão luyện, có ý thức và kiến thức chính trị tốt, theo đúng trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.


✪☭
Vietnamnet lâu nay theo nhiều người là có vấn đề về lập trường quan điểm chính trị - lịch sử và cái tính chất lá cải, hay dùng chủ đề giới tính để câu khách câu view rẻ tiền của nó. Ban đầu tôi rất thích đọc Vietnamnet và báo Thanh Niên, thú thật VNN và TNO từ thời còn ông Khế và ông Tuấn Anh thì chưa đến nỗi nào, vẫn có ít nhiều giá trị nhân văn, từ khi hai ông này đi khỏi thì hai báo này bắt đầu xuống dốc và bị lá cải hóa dần, giá trị nhân văn bị "giá trị" lá cải, giá trị kim tiền thay thế với đường lối chủ trương thực dụng quá đáng.

Tôi từ một người siêng đọc hai báo này thành không còn ghé vào đọc nữa, chỉ khi nào đi đâu thấy ai đó chửi hai tờ báo này vụ gì đó mà có dẫn link thì tôi click vào xem người ta chửi cái gì.

Ngay từ hồi đó Vietnamnet đã cho đăng một số bài "có vấn đề", như loạt bài của các ông Nguyễn Trung, Tương Lai ám chỉ xa gần rằng phải hủy bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Gần đây là bài của Giáp Văn Dương và bài phỏng vấn ông Nguyên Ngọc đòi hỏi phải hủy bỏ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, trong khi tòa soạn thừa biết chủ nghĩa yêu nước VN là vũ khí tư tưởng sắc bén để bảo vệ độc lập dân tộc.

Hay những loạt bài màu mè và "không thể sến hơn" về tranh cử tổng thống Mỹ. Cứ 4 năm 1 lần là Vietnamnet và một số "lều báo" tương tự đăng bài "rùm beng" về tranh cử tổng thống Mỹ, một sự kiện của nước ngoài, thậm chí còn không phải là đồng minh thân cận gì của VN, nhưng họ lại đăng bài với tần suất lớn hơn cả các sự kiện lớn nhất ở trong nước, họ coi sự kiện của nước ngoài lớn hơn các sự kiện trong nước, và họ gián tiếp tuyên truyền cài cắm vào đầu óc độc giả rằng một sự kiện nước ngoài lớn hơn, quan trọng hơn đối với công dân Việt Nam, sự kiện Mỹ tranh cử tổng thống là quan trọng nhất đối với dân Việt.

Như vậy là những tờ báo có tên "Thanh Niên", "Tuổi Trẻ", "Vietnamnet" này vô tình hay cố ý đã và đang đầu độc tư tưởng thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam, hướng các em đến một não trạng vọng ngoại, hèn yếu và nhược tiểu.

Mới đây nhất là bộ phận thân Tây, thân Mỹ, bộ phận chệch hướng trong Vietnamnet đã hùa theo với các bộ phận chệch hướng trong báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, làm một cuộc "tổng phục dựng thây ma" gây phẫn nộ trong cộng đồng mà đến bây giờ đã tháng 2 rồi mà người ta vẫn còn chửi vụ đó.

Phải chăng họ đăng các bài của Nguyễn Trung, Tương Lai là để ám chỉ gần xa hủy bỏ chủ nghĩa xã hội Việt Nam và chống mục tiêu XHCN, đăng các bài của Nguyên Ngọc, Giáp Văn Dương để ám chỉ hủy bỏ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chống mục tiêu độc lập dân tộc?

Phải chăng họ đăng các bài gián tiếp ca ngợi và quảng cáo miễn phí cho tranh cử tổng thống Mỹ, chọn lọc cắt xén những comments có chủ ý đăng lên, cũng như gián tiếp tuyên truyền "tiếp thị" cho chính phủ và tổng thống Mỹ, hình ảnh quốc gia Hoa Kỳ, tiếp tay phổ biến quyền lực mềm của Mỹ tại Việt Nam?

Phải chăng họ viết loạt bài về "hải chiến Hoàng Sa" để "vinh danh Quân lực Việt Nam Cộng hòa", quảng bá "chính nghĩa cờ vàng", xuyên tạc đề tài "hải chiến Hoàng Sa" hòng đánh thức, vực dậy và phục dựng thây ma?

Phải chăng họ muốn ám chỉ phải viết bậy lại lịch sử, biến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đại khối dân tộc Việt Nam thành một cuộc "nội chiến Bắc Nam tương tàn", để chia rẽ dân tộc, gây phẫn nộ, gây cãi nhau, chia 2 phe, ngụy tạo 2 phe, gây xung đột trong lòng dân tộc VN, trong khi bọn "cờ ba que" này vốn đã không có thực chất ngay từ đầu và đã không còn tồn tại gần 40 năm nay, gần nửa thế kỷ nay, phá hoại đoàn kết nhưng lại mạo danh "đoàn kết".

Phải chăng họ làm thế để chạy tội cướp nước của Mỹ, chạy tội bán nước của ngụy, rửa mặt thây ma, phẫu thuật thẩm mỹ thây ma, vực dậy và phục dựng thây ma, xóa bỏ thành tựu của cách mạng Việt Nam, xóa bỏ một công lớn lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ một chiến công đưa đến sự cầm quyền của nhà nước CHXHCN Việt Nam ngày nay, gián tiếp xóa bớt uy tín của chế độ?

Phải chăng họ làm thế còn để ám chỉ rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ngày nay "hèn với giặc - ác với dân" (khẩu hiệu của tổ chức khủng bố Việt Tân) quá, "không dám" giao chiến với Trung Quốc như "QLVNCH anh hùng"?

Phải chăng họ làm thế còn để gây phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã phức tạp với Trung Quốc, tăng cường chia rẽ 2 nước hàng xóm XHCN Việt - Trung như "thế lực nào đó" đứng sau mong mỏi?

Phải chăng họ làm tất cả những điều đó là để làm hài lòng và tìm kiếm "liên minh" với bọn "ngụy dân chủ", "dân chủ ba que" và các thế lực tàn dư ngụy chống phá lưu vong trên đất Mỹ? Hay xa hơn, để làm hài lòng ông chủ nào đó ở bên Tây, bên Mỹ?

Như vậy câu hỏi được đặt ra là: Liệu có phải một bộ phận nào đó trong Vietnamnet và các báo nói trên cố ý muốn chống lại hai mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân? Hoặc/và muốn đi chệch chủ trương đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, trung lập, không nghiêng ngả đi theo một nước lớn này để chống lại một nước lớn kia để sau này bị bọn họ phản bội đem bán, của Đảng và Bộ ngoại giao?

Bởi căn cứ theo tần suất và thời gian họ đăng những bài thuộc thể loại nói trên thì nó như là một hệ thống quy củ, và họ đăng rất nhiều loạt bài, chứ không phải là những trường hợp cá biệt, một bài hai bài.

Hiện tượng nói trên ở một bộ phận báo chí nước nhà đã khiến nhiều người dân phẫn nộ và bày tỏ bất bình trên các trang cá nhân, gần đây nhất là một số bạn bất bình trước hiện tượng "lều báo" lá cải nói trên, đã lập ra trang web Leubao.vn để lên tiếng, góp phần phản biện xã hội một cách lành mạnh, đúng luật, hợp đạo nghĩa, đạo lý và đúng theo định hướng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hiện tượng tiêu cực như đã nói, xảy ra chủ yếu là do một bộ phận báo chí đã dần chuyển mình, biến chất, biến tướng và hình thành những tập đoàn truyền thông, hoặc liên kết với các tập đoàn truyền thông khác, hình thành các lợi ích nhóm của các nhóm lợi ích truyền thông báo chí khác nhau.

Tức là sau một thời gian dài hòa mình vào nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, một bộ phận báo chí Việt Nam đã dần biến mình trở thành các nhóm lợi ích truyền thông phục vụ cho lợi ích tư sản, các liên minh lợi ích cá nhân, tư nhân, phục vụ cho quyền lợi của riêng họ, của các đường dây lợi ích, và đã không còn phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân lao động và của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam.

Các tầng lớp tư sản dân tộc không xấu, họ cũng là một trong những thành phần quan trọng đóng góp vào kinh tế và xã hội Việt Nam. Nhưng nếu có yếu tố nước ngoài, một khi các tầng lớp tư sản này có dấu hiệu của sự hy sinh lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc VN để làm lợi cho chính lợi ích nhóm của họ và cho các thế lực kinh tế, thậm chí cả chính trị của nước ngoài, phục vụ cho các lợi ích nhóm của nước ngoài và một nhóm thiểu số trong nước, thì tức là các tầng lớp này đã lộ diện nguy cơ biến hình trở thành tầng lớp tư sản mại bản bán nước, hy sinh lợi ích chung của nhân dân và đất nước cho lợi ích riêng của cá nhân, nhóm lợi ích, và các thế lực nước ngoài, trong đó có các thế lực nước lớn, tư bản tài phiệt, Mỹ, Trung Quốc, phương Tây.

Vấn đề tinh giản hóa đội ngũ cán bộ, công chức

Tôi nghĩ những sai phạm về chính trị, lịch sử, tư tưởng trong một bộ phận báo chí vừa qua nên được đưa vào diện những đối tượng của các đội ngũ công tác thuộc những người có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết TW 4 của Đảng.

Nói ngắn gọn: Nên chú trọng bắt "sâu", bắt "rận" trong làng báo giống như chú trọng bắt những con sâu, con rận ấy trong Đảng hay các cơ quan, cơ sở, tổ chức quan trọng khác đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Để cho sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước có thực chất hơn, không còn trên danh nghĩa như một số nơi, khi "người ta" tìm đủ mọi cách để "lách", để "né" sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng, địa phương không phục tùng trung ương về công việc.

Điều đó đưa đến một hiện thực là rất nhiều báo chí, nhất là các báo điện tử trên Internet hiện nay trên thực tế đã trở thành các báo chí tư nhân, việc Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý chỉ còn trên danh nghĩa bề ngoài.

Mới đây Bộ nội vụ và Chính phủ dự kiến thực hiện một kế hoạch 6 năm nhằm tinh giản hóa đội ngũ cán bộ, công chức, dự kiến loại bỏ khoảng 100.000 cán bộ, nhân viên ra khỏi các cơ quan công quyền.



Trước hết phải nói đây là một kế hoạch rất hay và nhìn chung là hợp lòng dân, bởi vì lâu nay bàn dân thiên hạ đã than phiền rất nhiều về vấn nạn ngồi không ăn lương từ tiền đóng thuế của nhân dân do Nhà nước quản lý, "sáng cắp ô đi tối cắp về". Biến nơi công quyền nghiêm minh trở thành một nơi "kiếm ăn", "kiếm chác", "đào mỏ" của một số người, trong đó có nhiều người kém tài kém đức và lười biếng không đủ khả năng và siêng năng để tự bươi chải "kiếm cơm", họ dựa vào quan hệ để vào cơ quan Nhà nước "dựa hơi" Đảng. Đưa đến các tình trạng tiêu cực trong việc kết nạp Đảng.

Tuy nhiên, đây là một "chiến dịch" cần phải thực hiện rất thận trọng, sáng suốt và tỉnh táo. Bởi vì cái gì mà đụng chạm đến lợi ích, dù bản chất tốt đẹp đến mấy, thì đều có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu xa, và việc này cũng không ngoại lệ. Đây là một kế hoạch rất lớn, 100.000 người là con số không hề nhỏ.

Mặc dù đã có một số quy định tương đối cụ thể về đối tượng cho về hưu sớm hoặc nghỉ việc, nhưng trong đó vẫn có không ít những vấn đề có thể lợi dụng được để trục xuất người tốt ra đường. Đồng thời nên xác định rõ ràng phải chăng người ta lười nhác muốn ngồi không, hay người ta bị các đường dây đen tối vô hiệu hóa và cố ý cho "ngồi chơi xơi nước"? Không chỉ những người ngồi không, còn những người đang làm thì sao? Chẳng lẽ những người đang làm 100% là những người đạo đức và tài năng?

Tôi nghĩ nên liên kết kế hoạch này với Nghị quyết TW 4 của Đảng. Những người có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết TW 4, những người lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng hiện nay nên cùng Chính phủ và Bộ nội vụ giám sát chặt chẽ công tác thực hiện kế hoạch này trong 6 năm tới. Đồng thời nên có một địa điểm nào đó để cho ai là nạn nhân bị các thế lực u ám, hắc ám lợi dụng kế hoạch này để "cho ra đường" một cách bất công những cá nhân không thuộc các phe cánh lợi ích, các đường dây tham nhũng của họ, còn có nơi chốn để khiếu nại, dĩ nhiên với những lập luận hợp lý và đầy đủ bằng chứng.

Những đối tượng bị cho ra đường trong vòng 6 năm tới, các năm tới nữa và tương lai, không nên chỉ giới hạn trong những người không làm hoặc làm ít, mà còn ở những người làm nhiều nhưng làm bậy, sai phạm, bị kỷ luật, bị nhắc nhở quá nhiều.

Cần liên kết chặt chẽ kế hoạch này với công tác bắt "sâu", bắt "rận" theo Nghị quyết TW 4. Theo đó, những "bầy sâu trong nồi canh" hay "con sâu làm rầu nồi canh", những đối tượng tham ô, biến chất, tha hóa, về kinh tế, về chính trị, về văn hóa, những kẻ có tư tưởng lệch lạc, chệch hướng, phản động, tuyên truyền cạo sửa cào bằng lịch sử, cào bằng các giá trị lịch sử, xuyên tạc lịch sử cách mạng, phủ nhận thành tựu cách mạng, tuyên truyền miễn phí cho các quan điểm của nước ngoài, đặt các quan điểm của nước ngoài lên trên nước nhà, chống phá hoặc đi ngược lại mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đều là những đối tượng cần cho ra đường trong thời gian tới.

Thật là một sự bất công và lãng phí to lớn khi những phần tử này ăn lương từ tiền thuế của nhân dân để làm những hành động hại nước, hại dân. Loại bỏ thành phần đó ra ngoài chính là chống tiêu cực, chống tham nhũng, chống lãng phí, chống bất công, đem lại công bằng hơn cho chế độ và xã hội, trung thành với Nghị quyết TW 4, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, kỷ cương phép nước, niềm tin và lòng dân.

Thiếu Long