Hiển thị các bài đăng có nhãn MỘT ĐỜI THỰC HƯ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn MỘT ĐỜI THỰC HƯ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Nhập xác- Phần 2 : Thần quyền


Các bạn đã bao giờ nghe đến Thần Quyền hay còn gọi là Võ thần chưa? Có thể hiệu việc học võ này là do việc cầu các vị thần về nhập xác để luyện, khi thần xuất ra thì người luyện nhớ và tập lại bài quyền thần vừa nhập về dạy. Ấy cái chuyện khó tin này, từ nhỏ tôi đã được nhìn thấy bởi người anh trai thứ ba của tôi đã học loại võ này. Anh đã luyện được ấn chứng của môn phái Bạch Hổ. Theo thần quyền thì chỉ những người luyện được ấn chứng thì mới có thể truyền thụ cho người khác.
Vùng đất quê tôi,  ngay chính khu tôi ở, gọi là khu S của Thị xã Tây ninh trước giải phóng khá nổi tiếng vì tập trung nhiều danh gia võ thuật của tỉnh ngày đó, đặc biệt là Thần quyền.
Ông nội tôi, bắt đầu khai phá vùng đất năm 1906, đến đời chúng tôi đã hình thành thị tứ, vết tích hoang dã còn lại là một số cây cổ thụ to 3, 4 người ôm chưa giáp trên mảnh đất rộng 1,2 hecta nhà tôi và đối diện là khu động mã hoang vu đáng sợ với diện tích 3hec ta( giờ đã được giải tỏa và nhà phố đã lấp đầy).Những người đặt chân đến khu S này đều là hảo hán tứ xứ,để đến đời con cháu còn lại như thầy Hai Diệp cạnh nhà tôi với môn phái Thiếu lâm, cách vài trăm mét là phái võ của ông Thái Xung mà học trò ông tay chân đều xâm hình những lá bùa ngoằn nghèo và đặc biệt là võ thần của bà Ba...Tôi chỉ biết có ông Thái Xung, còn những người kia đã mất từ bao giờ.
Ông nội tôi mất, bà nội tội sống bằng lương của ông( Ông nội tôi quốc tịch Pháp) và huê lợi của mảnh vườn. bà Nội tôi cho cất nhiều dãy nhà tranh vách đất cho học trò thuê đi học( lúc đó, tỉnh chỉ có duy nhất một trường Nam và một Nữ trung học). Học sinh ở các huyện về tỉnh học phần lớn đều thuê nhà trọ của nội tôi. Anh Quang- ở Gò Dầu- anh là việt kiều Cam-pu-chia có lẽ là lớp học sinh đầu tiên ở trọ nhà nội tôi. Tôi chưa bao giờ gặp anh nhưng những câu chuyện về anh, tôi thường nghe anh chị kể lại, nhất là câu chuyện anh bị thần hành điên loạn. Anh là người đã truyền dạy Thần quyền cho người anh ba tôi. Hôm đó, cả khu nhà trọ đều náo loạn, anh chạy điên loạn và vung quyền đánh vào bất cứ gì cản trở. Chị hai tôi cũng chứng kiến, chị bảo cây mít bên nhà tôi trái nào cũng to đùng thế mà bị anh đánh văng tung đi hàng chục mét. Nhiều người cố giữ anh đều bị anh đánh ngã và chỉ đến khi anh lao đầu vào gốc Thị cổ thụ bất tỉnh thì mới đem anh vào nhà được. Anh Ba tôi lúc đó đã là học trò của anh, phải lập đàn cúng xin tội. đến tối anh mới tỉnh lại. Hỏi ra mới biết, lúc sáng anh đi nhậu đã bị trát ăn phải vài miếng thịt chó.
Thần quyền cấm kỵ ăn nhiều món, kỵ nhất là thịt chó và chui sào đồ. Chuyện tôi cũng nghe kể nhiều là việc ăn khế, mà nạn nhân là anh Ba tôi. Cây khế ngọt nhà tôi rất ngon ,mà ngày nhỏ mỗi lần về thăm nội tôi đều bắt anh tôi hái cho tôi cả giỏ. Chị Hai tôi bảo cứ ngày nào sáng thức dậy thấy mặt thằng Trọng( tên gọi ở nhà của anh Ba tôi) sưng vù là biết nó lén ăn khế.
Chuyện Võ thần mà anh ba tôi học được Ba tôi cũng không tin. Hôm anh về Sài Gòn, tối hôm đó Ba tôi bảo anh biễu diễn cho Ba xem. Nhà tôi ở Sài gòn bé tẹo, ngang chỉ được 3,5 m và đồ đạc bàn ghế để đầy. Anh Ba tôi lấy khăn bịt mắt lại, rồi khấn nhập thần đi quyền. Đó là lần duy nhất tôi được nhìn thấy. Nhiều lúc cứ thấy anh vung quyền đánh thẳng vào tủ thế mà dường như có con mắt điều khiển quyền chưa vung đến đã dừng lại. Quyền lực xuất ra rất mạnh,tắt cả những ngọn đèn cầy mà Ba tôi thắp lên để kiếm chứng. Khoảng chừng 3 phút, anh đã đi trọn bài quyền trong phạm vi 2 m vuông mà không động chạm đến đồ vật nào.Tôi chỉ há hốc mồm mà thán phục anh. Ngày đó, với thằng bé chưa tròn 8 tuổi là một điều thật lớn lao, kinh khủng. Mấy ngày sau, tôi chạy chơi, bị lận mắt cá sưng vù không đi được. Anh về,má tôi nói, anh kêu tôi rồi đốt 3 cây nhang, bắt ấn vẽ lên mắt cá chân của tôi ( trong võ thần gọi là khoán). Chỉ ngay hôm sau, tôi đã hết đau và đi lại bình thường. cái chuyện khoán trị bệnh , sau này tôi được biết chú năm Anh, nguyên là chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng của tỉnh, sau khi về hưu chú khoán trị bướu cổ cho nhiều người và cũng hiệu nghiệm, tiếng đồn lan đi rất xa nhưng không biết có phải là từ Võ thần mà ra không?
Thế nhưng, anh Tư tôi thì lại học không được. Anh kể,  anh có đến bà Ba để học, nhai nuốt đến 7 cái bông vạn thọ mà chẳng có vị thần nào nhập, Sau anh đi học Thái cực đạo
Bản thân tôi,lúc còn làm báo tôi bị suy nhược nặng dẫn đến co thắt vành cơ tim và bị tê bại cánh tay trái. Anh Chói vốn là anh ba con của tôi, đến thăm rồi bảo tôi luyện võ thần( bản thân anh cũng từng học nhưng anh chưa luyện được ấn). Anh dẫn tôi đến sư phụ của anh là anh Nhựt ( anh Nhựt thuộc phái Thanh Long). Vốn cũng là chòm xóm của nhau, anh Nhựt đồng ý rồi anh hẹn tôi đến ngày rằm sang anh xem có cơ duyên học được hay không? Tôi cũng chẳng có cơ duyên để học dù tôi cũng đã phải nhai nuốt luôn 3 cái bông Vạn Thọ. Lúc khấn vái, thần không nhập, anh Nhựt bảo tôi : Trúc có người độ mạng lớn lắm đó nhưng anh không biết là ai.
Trong 2 đệ tử của anh Nhựt, có anh Cò là học đạt được ấn chứng. Nhà anh ở Trảng bàng, lúc tôi đảm trách tờ Tây ninh cuối tuần ở Sài Gòn thường hay ghé anh chơi ( anh thân với gia đình tôi vì lúc nhỏ ở trọ học trung học). Mỗi lần ghé, anh đều bảo tôi cỡi áo để anh bấm huyệt truyền nhân điện cho vì lúc đó sức khỏe của tôi kém và làm việc nhiều.Mỗi lần anh bấm huyệt, tôi đều thấy nóng ở vùng huyệt đạo đó. Anh cũng thường hay trị bịnh cho bà con trong vùng bằng phương pháp này. Riêng tôi, cơ duyên nên tôi lại được anh bảy Long truyền cho nội công tâm pháp của Thiếu lâm Hình-Ý-Quyền và tôi luyện hơn năm thì khỏi hẳn bịnh suyễn, tim trở lại bình thường và tay trái tôi cũng không còn đau nhức tuy có yếu đi.
Anh Ba tôi, những ngày đầu lưu lạc đất Mỹ, anh đã phải dạy võ để kiếm tiền học đại học. Anh có một người đệ tử là người Mỹ, khi anh về nước anh ấy cũng có về chơi cùng anh tôi. Võ thần việc tiếp thu đệ tử rất hiếm. Mỗi một sư phụ hình như chỉ tối đa là được thu nhận 2 người.
Anh Quang , sau này đi Biệt động quân và anh đã chết trận.
( còn tiếp)

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

NHẬP XÁC-Phần 1 Chị tôi






Chị tôi

Chị Hai tôi đột nhiên ngã bệnh nằm ở bệnh viện Cao lãnh 4 tháng dù các bác sĩ đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không sao xác định được căn bịnh của chị tôi. Thỉnh thoảng, chị lại run bần bật, bắt đầu từ dưới chân và những lúc như vậy chị tôi gần như hôn mê. Ngày đó, má tôi đã đi tu và cũng đã là Sadi. Má thăm chị rồi đưa chị về bệnh viện chợ rẫy. Ban đầu các bác sĩ chuẩn đoán chị bị sốt thương hàn nhưng sau cùng vẫn không xác định được căn nguyên bịnh của chị. Mọi thứ thuốc điều đã được sử dụng nhưng vô hiệu quả. Những lúc không co giựt chị tỉnh táo, ăn uống trò chuyện bình thường. Rồi một ngày, má tôi nghe lời một vị hòa thượng đưa chị về nhà tôi. Má tu,nên lập một am thờ và má quyết định qui y cho chị. Chị tôi cũng đồng ý. Ngày chị tôi qui y, má tôi khấn vái thế nào không rõ, đột nhiên chị tôi khóc òa, nước mắt ràn rụa, gọi má, gọi  chính chị tôi : chị hai ơi! Khi cơn xúc động qua đi, má tôi hỏi: con là ai? Đến lúc đó, chị tôi vừa nghẹn ngào vừa nói : Con là Thanh Thủy đây Má ơi. Bao nhiêu năm nay con đi tìm gia đình, tìm riết mới tìm được chị hai mà con không nhập xác được- giọng chị tôi nghe như một đứa trẻ. Má tôi không cầm được nước mắt, ôm chị tôi mà khóc. Tôi có đứa em gái,nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Em sanh ra được tháng thì mất. Chính chị hai tôi đã đem em đi chôn. Thoạt đầu mấy anh em tôi đều không tin, Anh hai- chồng chị tôi cũng vậy.  Chúng tôi đến hỏi em có nhận ra ai không?  Chị tôi lắc đầu. Cũng phải, em mất trong bệnh viện. Ngày đó, Khi em ra đời cho đến lúc mất cũng chỉ có má và chị tôi. Rồi má bảo em ra khỏi xác chị. Em cứ khóc níu má bảo đừng bỏ e, hãy cho em ở lại. Má tôi hứa và đốt nhang bảo em lạy trước bàn thờ phật xin tu hành.
Em xuất ra, chị tôi tỉnh lại. Má hỏi chị có nhớ gì không?Chị rơi nước mắt, rồi nói: Con nghe hết má, tội nghiệp Thanh Thủy. Chị cũng khóc.
Sau ngày đó, khi chị thấy chân mình lạnh co giựt, chị lại cười rồi nói với Má. Thanh thủy nó muốn nói chuyện. Vậy là, Má và anh em tôi lên bàn thờ phật để chị thắp nhang xin cho em nhập xác. Em về, nói huyên thuyên, đôi lúc em kể chuyện cứ như người sống. Em bảo,em bé lắm, hình hài lúc mất thế nào giờ cũng vậy không có lớn. Em hồn nhiên đến mức bảo mẹ tôi em thèm được bú mẹ. Chị tôi lúc ấy đã 50 tuổi. Kể từ sau ngày em tôi nhập được xác, chị tôi khỏi hẳn và cũng bắt đầu làm chủ được việc xuất nhập xác của em tôi. Kể từ ngày đó, không chỉ riêng linh hồn của em tôi nhập vào xác chị, mà còn có những người trong họ nhà tôi, đặc biệt là người chết “oan khuất” nhứ Bác hai tôi- ông treo cổ tự vẫn  khi mười bảy tuôi nơi căn phòng tôi đang ở. Ông Năm là em ông nội tôi bị cướp bắn chết ngay trên gian nhà trên của chúng tôi. Chuyện xy ra được giấu kín, chỉ có người trong gia đình tôi, vài người bà con và những những người chòm xóm cùng theo mẹ tôi tu hành. Chị tôi vẫn đi làm ở Hội phụ nữ tỉnh và thỉnh thoảng khi có người thân cần điều gì muốn hỏi thì nhờ chị tôi nhập hồn người muốn gọi về. Dù thấy tận mất, tôi và người anh thứ Tư đều không tin mấy, thâm tâm lại lo chị tôi mất phải bệnh tâm thần nhưng chị tôi thật bình thường. Cho đến một hôm, má tôi sai người bảo tôi xuống am của má. Tôi xuống thì má tôi vừa khóc vừa nói, Ba con gọi con nói đôi lời rồi Ba đi . Nhắc đến Ba, tôi rợn cả lòng và cũng đã không cầm được nước mắt. Chi tôi ngồi hai mắt nhắm nghiền, chị bảo : Trúc con ráng vượt qua, Ba đi không ở bên con được nữa ( Trúc là tên gọi ở nhà của tôi). Tôi cố nén xúc động, thâm tâm tôi cũng chưa tin đó là Ba nên tôi hỏi ông về một chuyện mà chỉ tôi và ông biết. Đó là chuyện, cũng vào đúng năm 17 tuổi, tôi đã uống thuốc tự vẫn và Ba phát hiện kịp. Lúc đó Ba đến bên tôi rớt nước mắt, nói : Tại sao con phải làm vậy? Con không thương Ba sao?”. Chị tôi đã nói đúng câu nói đó. Đó là câu nói đã cứu sống tôi. Tôi đã bật dậy, rồi đón xe vào bệnh viện để được cấp cứu.  Rồi Ba quay sang má tôi căn dặn: Bà phải coi chừng thằng Trúc,mọi ác nghiệp của bao đời trước chỉ có riêng thằng Trúc là phải gánh trả.
Ba đi, Má tôi bảo Ba đã được lên cõi trên.
Tôi đã bắt đầu thực sự tin có linh hồn.
Sau này,bạn thân tôi – Kim Hoàng- có 2 người anh chết trong chuyến tranh Cam-pu-chia nhưng gia đình không tìm được xác. Tôi bảo Hoàng đến nhờ chị. Thế là chị tôi đã gọi hồn của 2 anh Hoàng về và hai anh chỉ nơi các anh hài cốt của hai anh bị chôn lấp. Hoàng đã làm theo và đã tìm được hai bộ hài cốt của hai anh trai mình.
Về phần tôi, có một chuyện cũng kỳ lạ. Nguyên nhà tôi có một bức tranh vẽ truyền thần Quan Công cưỡi ngựa cầm đao mà từ nhỏ tôi rất thích, bức họa cũng đã hơn 100 năm vẽ bằng mực tàu. Hôm đó, tôi chuẩn bị khai trương lại quán cà phê Nhật Nguyệt, tôi đã lấy bức tranh lau chùi để đem treo. Đột nhiên, chi dâu tôi chạy lên hớt hãi bảo tôi xuống gấp, má gọi. Tôi xuống thì thấy chị tôi như đang diễn hát bội của một người cưỡi ngựa. Má tôi bảo, ông Quan Công muốn gọi tôi và bắt tôi chắp tay vái lạy. Tôi đành nghe lời má tôi vì có lạy cũng là lạy chị mình- người mà tôi luôn yêu quí. Đến lúc đó chị mới thôi cưỡi ngựa ngồi xếp bằng rồi phán : Ngươi có duyên với ta nên nay ta thu nhận ngươi làm đệ tử.Tôi quả thật thắc mắc, sao chị ở dưới này lại biết tôi có ý định sử dụng bức tranh Quan công. Vậy là, má tôi hối thúc tôi quì lạy để được Quan ngài thâu nhận và độ trì. Tôi cũng chìu theo ý má tôi. Thế là bức tranh với dự định chỉ treo làm cảnh thì lại được lập trang thờ. Sau này, khi tôi bỏ nhà ra đi, má tôi lập ngôi miếu nhỏ thờ ông đến giờ.
Còn một chuyện liên quan đến việc tôi qui y cửa phật sẽ kể sau vậy, Chuyện này liên quan đến người anh kế tôi.
Đến giờ chị tôi vẫn khỏe mạnh, đã nghĩ hưu và cũng ngoài 60 mươi. Chuyện nhập xác tôi cũng khôn nghe nhắc đến nữa, dù sau tôi cũng đã rời gia đình cũng 10 năm. Chị tôi sống ở Sài Gòn và tôi cũng không bao giờ hỏi chị về chuyện nhập xác. Tôi nghĩ, em tôi cũng đã tu hành và siêu thoát
( còn tiếp)

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

XIN THẦY TÍ HUYẾT





Mười bảy tuổi, tuy đang là học sinh chuyên toán  nhưng tôi đành phải bỏ học để đi làm công nhân bởi có tiếp học tôi cũng không thể học được. Tôi đã gây ra một chuyện động trời làm xôn xao cả cái tỉnh lỵ nhỏ bé quê tôi. Chúng tôi đã trùm mền để nện cho lão hiệu trưởng một trận ra trò, còn trói lão vào chiếc xe đạp quẳng lão xuống ruộng. Vào cái năm 80, chuyện như vậy quả là chuyện kinh thiên động địa. Công an đã điều tra hàng tháng trời và tôi đã nhiều lần bị mời xét hỏi nhưng vẫn không có đủ chứng cứ để buộc tội tôi. Chỉ đến một hôm , chính tay tôi đã đập cửa phòng Hiệu trưởng , phơi bày bộ mặt vô đạo đức của lão trước hàng trăm con mắt học sinh lẫn giáo viên và tôi đã công khai nện luôn vào mặt lão một quả đấm.
Tôi suýt bị truy tố vì cái tội đánh thầy giáo, nếu như không được thầy cô trong trường bênh vực và một phần cũng nhờ vào quen biết của ba mẹ tôi với chính quyền tỉnh lúc bấy giờ. Hẳn bạn nghĩ tôi là một thằng mất dại. Không, ngược lại, tôi học giỏi và được nhiều thầy cô, học sinh trong trường yêu mến. Chắc bạn phải thắc mắc tai sao tôi làm vậy? Ha.. . hôm đó tôi nhanh tay thôi không thì cũng có học sinh khác nện lão hiệu trưởng trường tôi.
Không biết có phải tôi không may mắn hay không, nhưng năm đó trường tôi liên tục xảy ra những chuyện mà người nghe sẽ khó tin. Thầy giáo hiếp dâm học trò, thầy giáo chôm xe đạp bị học trò phát hiện, hiệu trưởng cặp với học sinh, ăn ở ngay trong trường. Chuyện ông Đăng và ông Nam có hiếp dâm không thì bọn học trò tôi không biết chính xác nhưng chuyện gia đình Nga – lớp chuyên văn- làm đơn tố cáo thì rõ mười mươi. Chỉ biết sao đó một tháng lão Đăng và Nam biến mất khỏi trường, nghe đâu về Bắc vì hai lão là giáo viên chi viện. Chuyện Thầy Mỹ trộm xe thì không thể chối cãi được vì chiếc xe bị mất lại được tìm thấy trong phòng của thầy, Thầy cũng là người hiền lành, nhưng sao thầy làm vậy? Thầy bộ đội phục viên, một vợ 3 con nheo nhóc, sống trong 1 căn phòng học bỏ hoang của trường. Thầy nghèo và con thầy đói, cái khổ chủa gia đình thầy bày ra trước mắt chúng tôi. Ngày đó chúng tôi không thể nào giải thích được, chỉ thấy đau xót và phẩn uất!
Riêng dư luận lão hiệu trưởng cặp bồ với con Kim 11A thì râm ran đã lâu nhưng bọn tôi cũng không có cơ sở xác định, chỉ biết đùng một cái con Kim được tuyển vào lớp chuyên văn và có luôn học bổng khiến nhiều đứa choáng váng. Rồi thì lại thấy lão Hiệu trưởng cùng con Kim tối tối đèo nhau khi thì trên chiếc xe Phượng Hoàng, hay chiếc Honda  Dame ( thời đó có được chiếc honda thì đã xem là giàu có)  dạo phố.
Tôi lại tiếp tục thất vọng về trường học, chẳng còn tâm trí nào để học hành và chỉ thích rong chơi, phá phách. Ừ, dường như tôi không có duyên với trường học thì phải? Tôi bắt đầu thất vọng về trường học có lẽ là năm lớp 8,khởi nguồn từ  Cô H., dạy Anh văn- chủ nhiệm lớp chúng tôi( Thời đó, chẳng ma nào quan tâm đến cái tiếng nói đế quốc Mỹ cả, còn có tin là sẽ dẹp hẳn luôn, chuyển sang học tiếng Nga, nên vào giờ cô dạy chúng tôi rất lơ đễnh). Hôm đó, Vào giờ cô, Sơn và tôi không biết làm gì để có thể nuốt trôi hết ruột bánh mì (  mỗi sáng chúng tôi được phát nửa ổ bánh mì, ăn riết ngán quá chỉ ăn phần vỏ ngoài) nên Sơn dùng ruột bánh mì nắn con cò , con trâu chơi. Thấy nó nắn, tôi lại nổi hứng thế là nắn theo. Hai thằng tôi say sưa với những tác phẩm của mình thì bị cô phát hiện. Cô gọi chúng tôi đứng lên và đọc bài,Tôi thì còn bập bẹ tiếng đực tiếng cái, còn Sơn thi chỉ chỉ biết nhướng cặp mắt một mí của nó đứng trơ ra. Dù sao, tôi cũng là lớp phó học tập nên cô H. có  phần dễ dãi hơn, cô cho tôi ngồi xuống, riêng Sơn thì cô nổi giận, chẳng buông tha. Sơn vốn tính thật thà nó cũng chỉ có một câu mà trả lời câu hỏi của cô : “ Dạ, không biết”. Thế là cô lại chửi Sơn vô lễ ,rồi bỏ lớp đi. Hai đứa chúng tôi toát mồ hôi lạnh, lật đật gom mấy tác phẩm của chúng tôi cất vào học bàn.Nào ngờ, khoảng mười phút sau, cô trở lại lớp bảo Sơn đem những con vật đã nắn bày lên bàn, cô không kêu tôi. Chưa hết ngạc nhiên thì thầy hiệu phó lù lù vào lớp tôi.Cả lớp chúng tôi đứng dậy chào thầy, vừa ngồi xuống thì cô H. chỉ ngay vào Sơn bảo “ Anh xem nó mất dạy đến mức này, tôi rầy nảy giờ nó vẫn không thèm dẹp”.. Nghe cô nói vậy, tai tôi như ù lên. Sơn còn ngỡ ngàng, thì tôi đã bật dậy mà hét :" Sao cô lại có thể nói láo như vậy ? ". Rồi chẳng nói chẳng rằng, tôi đứng lên đi thẳng ra khỏi lớp. Không ngờ, Sơn cũng đi theo tôi , rồi nhiều đứa bạn  cũng đi theo.
Từ lúc đó, hình ảnh người thầy trong mắt tôi đã không còn đẹp đẽ nữa. Tiếp đến, cũng vào năm đó, chỉ mới 1 phần 3 học kỳ, tôi đã gây một cú sốc trong trường khi tuyên bố không cần phải vào lớp học môn toán. Thầy dạy toán chúng tôi lúc đó tên T. . Thầy thường xuyên lên lớp muộn nhất là nhửng tiết đầu buổi học. Vì vậy thầy dạy nhanh, và thường cháy giáo án nên thầy hay bảo: “ có gì mấy em xem  sách giáo khoa thêm”.. Kiểu dạy của thầy không mấy đứa hiểu được bài, nên cứ níu lưng tôi mà hỏi.  Buộc lòng,tôi yêu cầu thầy giảng lại. Tôi đã 3 lần, nhờ thầy giảng lại nhưng lần nào thầy cũng có một câu : “ Mấy em xem thêm sách giáo khoa”. Thế là tôi nỗi khùng, xin thầy cho phép tôi khỏi vào lớp giờ thầy nữa và ở nhà học sách giáo khoa.
Nghe tôi nói điều này, thoạt đầu thầy có vẻ tức giận, nhưng rồi thầy thản nhiên bảo từ nay đến giờ thầy tôi cứ việc ra ngoài. Vậy là, xem như tôi bị đuổi dù không chính thức.  Trong thời gian đó, đến giờ thầy là tôi ra ngoài, không biết phải làm gì tôi leo rào ra quán nước. Cũng chính từ ngày đó, tôi chỉ học trong sách và đến lớp chỉ duy nhất một cuốn tập. Khi đến tai Ban giám hiệu, thầy K. hiệu phó- gọi tôi lên hỏi sự việc. Thầy thương tôi vì tôi luôn là học sinh giỏi , chí thì cũng dưới mắt thầy.Sau khi nghe tôi trình bày, thầy bảo tôi phải vào lớp học trở lại. Ít ngày sau, vào giờ thầy T, tôi đã bị khảo bài đúng 2 giờ, với lý do lấy điểm học kỳ cho tôi. Những bài toán thầy cho tôi đều giải đúng nhưng phần lý thuyết thì khi phát biểu các định lý tôi chỉ phát biểu theo cách hiểu của tôi
Thầy xem tập của tôi, chỉ thấy tôi ghi chép lộn xà ngầu các môn, Vậy là thầy, nổi nóng cho tôi 5đ tất cả học kỳ. tôi về bàn mình quên luôn cuốn tập. Thầy không nói không rằng quẳng luôn tập tôi xuống đất nói:"cái này mà gọi là tập học đây hả”. Tôi đứng dậy đi lên không cúi nhặt tập của mình mà còn đá luôn cuốn tập bay ra khỏi lớp. Thầy giận điên lên cho tôi 2 cái zero, bảo tôi phải đứng lên và hỏi : : "tôi cho em 2 điểm không có xứng đáng với hành vi của em không? ". Tôi gật đầu, nhưng lại nói : “ Xin phép thầy cho em được nói với tư cách giữa người và người. Thầy đã không tôn trọng em thì đừng buộc em phải tôn trọng thầy.”. Thế là tôi ra khỏi lớp. Thầy sững người khi nghe câu nói của tôi. Tôi trở thành một học sinh cá biệt nhất trường, từ đó. Cũng may, năm đó tôi lại đậu học sinh giỏi toán . (Sau này, thầy và tôi vn thường nhậu với nhau. Thầy nghỉ dạy, làm đủ ngh, có lúc phải chạy xe ôm để kiếm sống, nuôi vợ nuôi con.)
Từ đó, tôi bắt đầu bỏ học những giờ thầy cô dạy mà tôi không kính trọng, không chỉ vậy một số bạn bè trong lớp bị ảnh hưởng theo tôi. Cũng may, đến cuối năm chúng tôi vẫn đủ điểm lên lớp.
Tôi vào cấp 3, với trạng thái không cần học nữa. Rồi những chuyện xảy ra chỉ khiến tôi muốn bỏ trường. Sự việc dẫn đến chúng tôi trùm mền đánh hiệu trưởng không chỉ gì mối quan hệ mờ ám của lão với cô học sinh chuyên văn mà còn là vì chúng tôi muốn trả thù lão khi lão đã cố đẩy bạn tôi vào tù. Hôm đó, vào giờ chơi, tôi bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng, thì P. đi theo tôi.Lúc đứng bên ngoài, nhìn hàng chữ Đại hội công đoàn nó tái máy bôi luôn chữ “g” ở chữ công và “ an” ở chữ đoàn. Đúng lúc lão Hiệu trưởng bước ra, nhì thấy, mặ lão hầm hầm  hét toáng lên : “ Kêu công an bắt nó, đồ mất dại:.  Lát sau công an vào , còng và dẫn Phúc . Phúc bị đuổi học và bị đưa đi cải tạo 3 tháng. 
Tôi đã tham gia cùng mấy ông anh thuộc loại quậy ở khối 12 , t chức trùm mền đánh lão Hiệu trưởng. Đêm đó, vào chiều thứ bảy, lão hẹn K. đi chơi. Nhà K. ở Hòa thành và muốn về trường phải qua đoạn dốc  Ao hồ, chung quanh ruộng lúa tối om. Chúng tôi đã kiên nhẫn đợi và đến lúc lão cong lưng đạp lên dốc thì ập ra trùm mền vào lão mà đá , mà đánh.
Sau lần đó, tuy tôi không bị bắt nhưng tôi luôn bị lão Hiệu trưởng nhòm ngó. Cứ thấy mặt tôi trong trường là lão hô hoán "kêu công an bắt nó”. 
 Tôi thường ở lại trong trường, ngủ ở phòng thầy Đ.- thầy dạy tôi môn Lý. Một tối,  tôi ngồi nơi cửa sổ chơi đàn, thì thấy lão hiệu trưởng chở K. về. Có lẽ, lão nghỉ đã khuya nên trong trường không còn ai. Và lão đưa K. vào phòng. Tôi đã theo dõi. Đợi đến gần 3 giờ, tôi đã dùng ổ khóa khóa cửa trước và dùng dây kẽm gai cột luôn cửa sổ.
Sáng hôm sau, tôi thông báo với học sinh trong trường rồi lên văn phòng mời cô hiệu phó đến phòng hiệu trưởng. Một số giáo viên thấy học sinh tụ tập đông cũng đến xem, lúc đó tôi mở khóa cửa. Lão Hiệu trưởng xông ra, mặt mày đỏ gay. Thấy tôi lão chửi ngay : "Thằng mất dạy, mày khóa cửa nhốt ông à? Kêu công an bắt nó". T nhảy vào phòng lão và lôi K. trước sư chứng kiến của mọi người. 
Vậy là ,công an lại xuống và  đưa về Ty công an.  Ba tôi phải bảo lãnh cho tôi về nhà. Ông đã biết rõ mọi chuyện và nói gì cả. Còn tôi , xem như bỏ học , chỉ quanh quẫn bên ngoài sân trường. Một tháng sau, chúng tôi được tin lão Hiệu trưởng bị kỹ luật đưa về Bắc. Ngày lão đi,  chúng tôi  đón lão ngoài cổng trường định nện cho lão một trện. nhưng bị các thầy cô ngăn cản.
 Tôi đi làm công nhân khi mới 17 tuổi.

HOA KHÓI





Sau cái vụ “ Xin thầy tí huyết”, tôi xem như đã chính thức từ bỏ học đường, Ba tôi bảo tôi đi làm công nhân. Có lẽ, ông muốn môi trường công nhân sẽ rèn luyện tính khí ngang tàng vốn có của tôi. Tôi cũng không muốn mẹ tôi cứ phải cằn nhằn khi thấy tôi long bong, lêu bêu ngoài đường. Ngày đó, người anh thứ Tư của tôi đang là trưởng ca sản xuất ở nhà máy đường Bình Dương tỉnh Sông Bé và là bí thư Đoàn của nhà máy. Anh xin cho tôi vào làm hợp đồng. Chắc có lẽ vì nể tình anh tôi, hay có thể vì kiêng nể cậu Sáu- bà con với gia đình tôi hiện là phó Tổng giám đốc Liên hiệp mía đường lúc bấy giờ và thêm ông anh bà con đương quyền bí thư tỉnh, ủy viên trung ương đảng- nên nhận tôi vào làm mà không biết nhét tôi vào chỗ nào. Tôi được điều vào làm chỗ anh Hoàng- anh là kỹ sư hóa, tốt nghiệp ở Đài Loan- để xây dựng cột nấu rượu. Ngày đầu trình diện, anh chỉ hỏi tôi : “ em  Mạnh Thu à?”. Tôi lễ phép trả lời : “ Dạ”. Anh cười, Ông Đoàn muốn kéo anh em về phía ổng nên mới nhận em vào thời điểm trái vụ này, rồi phân em vào cái chỗ bị đì này”. Tôi không hiểu gì cả. Sau này mới biết, anh Hoàng vốn là tổng điều độ một ca sản xuất, không biết gì sao mà anh đã đánh ông phó giám đốc một bạt tay và anh bị kỷ luật điều về làm cái công việc xây dựng cột chế biến rượu này. Chỉ có tôi và anh. Ngày đầu tiên, tôi không biết làm gi chỉ loanh quanh khu vực, ngồi và ngáp. Còn anh Hoàng thì cũng biến đâu mất.
Cả tháng trời, mỗi ngày tôi đều phải dậy sớm, theo xe đưa rước của nhà máy đi làm việc nhưng thực ra là cũng chẳng làm gì. Một hôm, thấy tôi ngáp vắn, ngáp dài, anh Hoàng bảo tôi em thích đi đâu thì đi trong phạm vi nhà máy thôi, còn không thì kiếm chỗ mà ngủ. Vậy là tôi làm theo ý anh. Lên nhà máy không ngủ thì tôi la cà qua bên xưởng cơ khí trò chuyện với công nhân bên đó, có việc gì thì tôi cũng phụ làm. Không lâu, mọi người cũng mến và tôi cũng có được vài người bạn thân. Nói là bạn chứ họ đều là đàn anh vì lúc đó tôi mới có 17 tuổi, được xem là nhỏ nhất nhà máy.
Một buổi sáng,tôi đang nằm trên bàn của anh Hoàng mà ngủ, thì chú Đoàn phó giám đốc vào, thấy tôi nằm trên bàn la toáng lên. Tôi chưa hoàn hồn, thì anh Hoàng vào và ông ta quay sang la  anh Hoàng tới tấp. Anh Hoàng lặng thinh, đợi ông ta đi rồi, anh ngó tôi cười : “ Sao , em muốn làm không?”. Tôi trả lời : “ Thì em đâu biết gì, anh bảo gì em làm đó. Mà sao, không làm gì hết vậy anh. Ở không ăn lương cũng kỳ lắm. Ông ấy chửi cũng phải. “.  Anh nói : “ Tại em chưa hiểu thôi. Thôi được, em qua bên xưởng cơ khí học hàn đi.”.
Tôi qua xưởng, gặp mấy công nhân hàn và xin học, mọi người vui vẻ đồng ý ngay. Những ngày đầu hàn điện, hai con mắt tôi sưng vù về nhà là phải đắp chanh. Rồi cũng quen cho đến khi tôi có thể hàn được vết hàn vảy cá. Vậy là anh Hoàng kêu tôi về, hai anh em lui cui khiêng trụ khoan, bắt ốc, hàn …Anh Hoàng tuy là kỹ sư hóa nhưng anh lại rất khéo sử dụng ròng rọc để di chuyển vật nặng. Có lúc chỉ hai anh em, chúng tôi di chuyển những bình vài tấn. Dần dần cái khung của cột rượu cũng được tạo thành. Ông Đoàn thỉnh thoảng lại ghé, rồi lại quát tháo bảo anh Hoàng phải hoàn thành gấp. Chúng tôi được chi viện thêm một thợ hàn bậc 5/7. Vậy là ba anh em chúng tôi đã cặm cụi làm cật lực gần 6 tháng sau thì cột rượu hoàn thành theo như đúng bản vẽ được phê duyệt. Trong quá trình làm, anh Hoàng cứ căn dặn anh em chúng tôi phải hêt sức cẩn thận vì đôi lúc chúng tôi phải đứng hàn, lắp ráp đường ống ở độ cao gần 20m.
Khi đường ống cuối cùng được lắp nối xong, anh Hoàng cho mời ông phó giám đốc xuống để kiểm tra. Khi kiểm tra xã hơi vào , mọi việc điều êm xuôi. Ông Đoàn không còn nói gì nữa. 
Đùng một cái, sau một tuần, ông Đoàn kiểm tra, tôi thấy giám đốc cùng nhiều người, có lẽ là cán bộ của Liên hiệp xuống chỗ chúng tôi. Ông Đòan thao thao bất tuyệt nói về giới thiệu cột rượu. Anh Hoàng chỉ lặng yên. Khi ông Đoàn kêu anh Hoàng mở van thử cho hơi vào( hơi được dẫn từ lò hơi bên nhà máy qua), anh bảo tôi ra mở van.  Tôi mở một vòng để cho hơi vào. Khoảng vài phút, anh kêu tôi mở vài vòng nữa. Hơi tràn vào rất mạnh, chạy trong ống tạo âm thanh vo ve. Âm thanh ấy ngày càng lớn dần và rồi những sợi khói hơi  bắn ra tung khắp trời như một pháo hoa vậy. Tôi ngơ ngẩn nhìn và không biết làm gi cho đến khi anh Hoàng bảo tôi đóng van hơi lại. Gương mặt của ông Đoàn lúc ấy như đổ màu chàm. Anh Hoàng vẫn thản nhiên, anh bảo : “ Những mối hàn đều không chịu được áp suất lớn”.
Sự việc xảy ra như một xì –căng –đan lan khắp nhà máy. Nhiều người bảo tôi kể lại mà ôm bụng cười lăn. Hôm sau, anh Hoàng được ban giám đốc triệu tập, cuộc họp kéo dài đến tận tan ca. Anh về, tôi hỏi anh tình hình thế nào, mình có bị kỷ luật không? Anh đáp: “ em không phải lo, anh là người chịu trách nhiệm. Em đã rất giỏi rồi.”.
Tôi cảm thấy chán, tôi làm đơn xin nghỉ việc. Khi tôi làm đơn xin nghỉ, anh Hoàng bảo tôi về nhà anh chơi. Nhà anh ở chợ Bún, có cả một vườn trái cây. Hai anh em chúng tôi ngồi lai rai, tôi hỏi anh : “ Ngày trước sao anh lại đánh ông Đoàn”. Anh nhún vai đáp : “ ông ta dốt nhưng lại muốn tỏ ra có quyền.”. Rồi anh kể, do chạy theo thành tích, muốn tăng sản lượng ông ta đã thúc đẩy quá trình nấu đường nhanh hơn. Hôm đó, đúng vào ca sản xuất của anh nên anh không đồng ý. Ông ta vẫn ra lệnh làm theo ý ông ta và anh đã không kiềm được cơn giận tát ông ta một bạt tay rồi bỏ về. Kết quả, toàn bộ mẽ đường bị hư. Anh bị kỷ luật.Ông Đoàn chỉ là thợ cơ khí bậc 7/7 mà thôi.
Sau này, tôi nghe ông Đoàn bị kỷ luật thôi giữ chức phó giám đốc, còn anh Hoàng thì trở lại làm tổng điều độ ca. Anh có nhắn anh tôi gọi tôi về làm nhưng lúc đó tôi đã đi thanh niên xung phong.
Hình ảnh Hoa khói ấy tôi không bao giờ quên được.
 

MÓN NỢ ĐẦU ĐỜI






 


Từ giã cuộc sống công nhân, tôi trở về bước vào cái cảnh của thằng thanh niên vô công rồi nghề. Đã vậy lại thêm cái sự chán đời, cái sức trai tràn ngập trong tôi cứ muốn nhảy ra ngoài mà đập phá. Mà phá cái gì, đập cái gì? Những thằng như chúng tôi ngày đó cũng chẳng biết, duy có điều là không thể ở nhà để bị mẹ la.
Để có tiền tiêu vặt,, Tôi- Phúc và An mở một chỗ sửa xe đạp, nơi dốc Cầu Quan. Cây cầu 3 nhịp được xây dựng từ thời Pháp, bắc ngang con rạch Tây ninh.Vì sao cây cầu có cái tên như vậy, chúng tôi cũng đâu có thời gian để mà thắc mắc.Phúc và tôi là bạn học, còn An thì sống cùng xóm với Phúc, cái xóm ven sông tập trung nhiều người Chàm nên có tên gọi  là xóm Chàm. An lớn hơn chúng tôi, là bộ đội xuất ngũ sau chiến tranh 
Cam-Pu-chia. Tuy vậy, từng đoàn quân tình nguyên  vẫn đưa qua và thỉnh thoảng những xe Cam-nhông  trùm kín bạt lại về ngang qua cây cầu này. Đó là những xe chuyển xác . Tôi biết về cái sự sống chết của con người cũng từ cuộc chiến này, khi mà những trái pháo từ bên kia bên giới pháo sang một cách vô tội vạ chỉ nhằm vào mục đích giết người. Ngày đó chúng tôi luôn có ý nghĩ, cuộc đời thật ngắn ngủi, và cũng không biết mình có thể chết lúc nào nữa.
Vốn dĩ đã gan góc, lại coi sống chết không là gì đã khiến 3 chúng tôi trở thành những thanh niên nổi cộm lên ở Thị xã lúc bấy giờ với hàng loạt những trận đánh nhau với những lý do thật đơn giản :Thích thì chìu.Vậy thôi !Không bao lâu, dân anh chị trong khu vục cũng phải kiêng dè chúng tôi mấy phần.
Cái việc sửa xe đó , tôi chỉ là đứa phụ vặt nhưng thường thì chẳng có mấy khách, nên phần lớn thời giờ là tôi nằm ngủ để An và Phúc làm. Chỉ những ngày lễ, họa hoằn chúng tôi mới kiếm dược chút đỉnh, đủ nhậu một bữa ra trò.An tụ tập quanh mình một đám em út vô công rỗi nghề, một vài thằng công tử nhà giàu học đòi làm anh hùng hảo hán và cả những đứa không nhà lang thang, để được tôn làm đại ca, oai oai một chút cho cái cuộc sống không có ngày mai. Hẳn, tôi và Phúc cũng được xem như vậy vì ba chúng tôi thân với nhau như anh em. Vậy là vô vàn những cuộc đánh nhau từ những chuyện vặt vãnh của bọn nhóc, từ những thằng công tử bột gây ra. Bản thân cả ba chúng tôi ít gây chuyện, mà có chuyện gì để gây, khi cuộc sống chỉ có giá trị bởi những tranh chấp không đâu, có khi chỉ là vì một đưa con gái, vì một câu chửi thề nơi quán nhậu, vì một gương mặt vất hất, vì cái thằng ỷ tiền khinh người…, hay ho lắm là vì một chuyện bất bình.Tôi tham gia vào những cuộc đánh nhau ấy gần như vô thức và mỗi lần khi công an ập xuống, bao giờ Phúc và An cũng đứng ra bao che, chịu tội thay tôi.Phúc bảo: " Có gì thì mày cứ chối, để tao hay và thằng An gánh cho. Tụi tao bị nhốt cũng quen rồi."Mỗi lần bị bắt vì cái tội đánh lộn, An hay Phúc bị phạt lao động thường là làm vệ sinh công viên, quét đường, quét chợ… và chúng tôi gọi đùa là “ làm công đức”. Thế nhưng, sự hiện diện của chúng tôi, cũng phần nào giúp được những người nghèo buôn bán về đêm, dọc con rạch,đen đúa ngày đó chút yên ổn không bị lưu manh quậy phá
Trước giải phóng, cái xóm Chàm nghèo hèn  còn có cả dãy nhà “năm căn” và còn có tên gọi là xóm đĩ. Hẳn nhiên sau giải phóng thì không còn nữa, còn chăng là những dãy nhà lụp xụp, che chắn tạm bợ.Nơi một trong những căn nhà đó Hoa đã lớn lên. Lúc đó Hoa lớn hơn tôi một tuổi. Ba mẹ Hoa không may, trong một lần đi đánh trái trên sông, trái nổ khiến ba của Hoa bị thương mất đi một tay và một chân. Thế là gánh nặng gia đình đều đặt trên đôi vai của mẹ Hoa với gánh xôi chè rong ruổi sáng và đêm,nhưng chẳng bao giờ lấp liếm đủ 6 miệng ăn trong thời điểm khó khăn và đói lúc đó.
Hoa lớn lên như hoa dại, đẹp và hoang dã. Cô bước vào cái nghề bán trôn nuôi miệng cũng tự nhiên như cô đã sống và lớn lên.
Thỉnh thoảng, về đêm ,Hoa tụ lại nơi cái lô cốt chân cầu để nhậu cùng chúng tôi.  Hoa, Phúc, An vốn cùng xóm và những đêm khuya về nhà cô đều đi qua chúng tôi. An thì coi Hoa như em gái vậy, Phúc thì tôi không rõ., còn với tôi thì chẳng bao giờ tôi muốn gần gũi với Hoa cả, bởi Hoa đẹp và hát hay.
Một buổi tối, tôi và Phúc mệt nhoài nằm trên nóc cái lô cốt mà ngắm trời. Mấy hôm nay chúng tôi ngh làm vì An bị bắt và lần này thì không đơn giản, bởi một trong những thằng em út đã đâm một người bị thương trong một trận đánh ẩu đả. Cả ngày, hai thằng chúng tôi chẳng muốn làm gì và cũng không ăn gì, bởi số tiền trong túi đã vứt hết vào cuộc nhậu buồn bả, nặng nề tối qua.
Tôi bảo với Phúc : ‘’ Hay tụi mình về nhà một thời gian đi”. Phúc nói : “ Về đâu, về nhà mày à?’”. Tôi đáp: Ừ. Nó nói: ; Cũng được, mà mày đi không về chắc cũng hơn cả tháng rồi, tôi sợ Bác Tám chửi. Tôi nói : Thì bả có chửi rồi cũng thôi. Tao với mày ra dẫy cỏ mì, trồng lang thì má tao vui rồi. “. Phúc nói : ‘’ Còn thằng An thì sao?”. Tôi đáp: Cùng lắm thì nó bị đưa đi cải tạo thôi. Có cơm mà ăn, có việc để mà làm. “. Phúc chửi : Mày thì có vào bao giờ mà biết. Mẹ, tụi nó ni hứng là bạt tay mình.”. Tôi bảo: “ sao mày không đánh lại ?”. Phúc hỏi: Đánh ai? Mấy thằng quản giáo à? Mày vào mà đánh.” Tôi cười. Lúc đó, Hoa đi lên. Có lẽ từ nhà ra. Thấy tôi và Phúc nằm trên nóc lô cốt, Hoa hỏi tôi : “ Anh Thu sáng giờ ăn gì chưa? Em nghe nói anh An bị bắt rồi hả?.’ Phúc đáp : “ hết tiền, làm biếng ăn” vừa nói nó vừa nhổm dậy hỏi Hoa; “ Còn thuốc không, cho tụi anh vài điếu.? “. Hoa đáp : E cũng mới ở nhà ra, có đâu?. Rồi Hoa đi.
Lát sau, thằng Nhị chạy đến. nó dựng xe đạp rồi leo lên nóc lô cốt với chúng tôi. Trên tay nó cầm bọc bánh mì, miệng nói : Chị Hoa bảo em đem cho hai anh ăn đó. Có gói thuốc nữa. Phúc nhổm ngồi dậy , nó lấy bánh mì ra và đưa tôi một ổ.Nó nói : Ăn đi mày. Con Hoa nó thương mày thiệt đó.”. Nhị lên tiếng : Tội nghiệp, chị Hoa mới hết bịnh vậy mà đi khách liền.”. Tôi bật dậy : Hoa bịnh khi nào ? Nhị nói : Mấy bữa nay rồi, anh không biết hả? Phúc nhìn tôi cười nói :" mày quan tâm nó rồi hả? Thôi, có thì ăn đi.” Tôi cầm ổ bánh mì lòng xót xa vô cùng. Từ lâu, tôi biết Hoa thương tôi và vì vậy mà tôi luôn tránh né Hoa.
Nhị lên tiếng : "Anh Thu ăn đi.Chị còn đưa em 10 ngàn đưa anh nè." Nó móc túi lấy tiền đưa tôi.Bất giác cơn giận trong lòng tôi bùng lên dữ dội. Tôi nhảy xuống bảo Nhị. : Mày chở tao về nhà coi”. Thằng Nhị lật đật nhảy xuống, đẩy xe chở tôi đi. Cả đoạn đường nó không dám lên tiếng.
Tháng sau, tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong vì lý lịch của tôi không tham gia quân đội được. Lúc đó, gia đình tôi chưa nhận được tin tức của anh tôi nên trong lý lịch tôi vẫn khai : Trung sĩ lính ngụy mất tích.”.
Sau này, Tôi về Phúc cho tôi biết Hoa bỏ đi làm xa, không biết đi đâu.
Phúc giờ, theo vợ qua Mỹ làm tài xế tắc xi. Còn An nghe đâu sau vài lần ra vào tù rồi cũng lấy vợ sinh con nhưng ở đâu tôi vẫn không rõ.
Cái xóm ven sông cũng không còn nữa, đã được giải tỏa. Nghe nói Hoa cũng tìm được anh chồng Việt kiều và đã ra nước ngoài. Còn gia đình thì cũng đã dọn đi nơi khác.
Cây cầu Quan đã được đập, xây mới tuy vẫn giữ lại cái dáng cầu 3 nhịp thời xưa. Riêng cái lô cốt- nơi tôi vẫn ngã lưng ngắm sao trời thì không còn nữa.
Ngày đó, tôi không ăn ổ bánh mì, nhưng trong lòng tôi đã nhận một món nợ ân tình cho dù người trao nó mãi mãi không bao giờ cần tôi phải trả. Món nợ ấy đã theo tôi bao năm nay và tôi đã không thể quên

NHÁT DAO VỀ CỘI





Tuổi trẻ niềm tin không còn chẳng khác nào một con thú hoang ,lạc bầy đến vùng đất xa lạ, hoảng sợ và điên cuồng cắn xé bất cứ thứ gì chắn trên đường đi của nó. Những đứa chúng tôi là vậy. Đánh nhau đã là điều mà chúng tôi thấy thích thú để giải quyết mọi vấn đề, cho dù đó là vấn đề cỏn con, hay đúng hơn là những bất bình nho nhỏ.
Tối đó, như mọi hôm tôi lên bãi hát chơi khi có đoàn cãi lương về hát. Lúc tôi đang ngồi nơi tủ thuốc lá của Thủy tán chuyện thì Phúc chạy vào, vẽ mặt rất tức giận. Thấy tôi, nó hỏi ngay : 
-" Thằng An lên chưa?"- Tôi đáp : " Chưa. Chuyện gì vậy?". Phúc vừa thở vừa nói : " Mẹ nó, mấy thằng nó vây đánh tao". Tôi đưa nó điếu thuốc, hỏi luôn: " Sao đánh?".
-  Đ.m., tao trên đường lên thấy tụi nó ghẹo gái, vỗ đít mấy con nhỏ ở xóm. Tao cự, chửi tụi nó.
-  Tụi nó mấy thằng?. -tôi hỏi
- Bốn năm đứa, có thằng cha già nữa, nó đánh tao hai tát.
- Mày nhớ mặt tụi nó chứ?
- Nhớ- Vừa lúc đó, Phúc nhìn dòng người đi vào bãi hát, lên tiếng- Nó kìa. 
Tôi nhìn thấy một thanh niên chạy xe đạp, ánh sáng trên con đường vào bãi hát lờ nhờ nên chẳng trông rõ mặt. Đi qua chúng tôi, nó dừng lại tủ thuốc của Sương mua thuốc cách chúng tôi khoảng 10 mét . Tôi nói : " Chơi nó".
- Còn mấy thằng nữa, coi nó có đi chung không?- Phúc bảo và nhìn quanh tìm kiếm. Khi biết chắc là thằng đó chỉ đi một mình, Phúc ra hiệu tôi và tiến đến.
Tôi và Phúc tiến đến ra vẽ mua thuốc hút, rồi bất ngờ Phúc ra tay. Cú đánh đã hất người thanh niên văng khỏi xe té xuống đất cạnh tôi.
Tôi cũng đã không ngần ngại cắm luôn chỏ mình vào đầu anh ta. Cú đánh ác hiểm đó khiến người thanh niênco giựt người giãy lạch bạch. Phúc còn bồi thêm hai đá nữa thi người thanh niên ngất lịm, bất động.  Tôi hốt hoảng, vội áp tai vào ngực xem anh ta còn thở không. Dòng người xôn xao, có người la ó lên. Nghe lộn xộn, anh Thành là kiểm soát quân sự đang trực gác cửa bãi hát chạy ra. Thấy tôi anh hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Tụi em lỡ tay đánh nó không biết có sao không?
Anh đưa tay ấn mạch máu cổ của người thanh niên bị chúng tôi đánh, rồi chửi ;
- Nó chết giấc thôi, đm... hai thằng mày đứng đó làm gì nữa.Muốn bị nhốt hả?
Nghe anh bảo vậy tôi và Phúc vội bỏ đi vào luôn bãi hát. Anh và chúng tôi thân nhau.Tôi biết người thanh niên sẽ không sao nên cũng an tâm.


Khoảng một tiếng sau, An vào bãi hát tìm chúng tôi, nó bảo: " Tụi nó kéo lên tìm hai thằng bây, đang đón ngoài cửa đó."
- Mày tìm thằng Phi, kêu nó nó lên chơi luôn- Phúc nói
- Trong đó có mấy thằng tao quen. Thôi thì dàn hòa đi.
- Tùy mày- tôi nói với Phúc.
- Mày ra đi- An nói với tôi- để thằng Phúc ra mắc công lớn chuyện thêm.
- Ừ- tôi không chút do dự đáp.
- Đm.. mày ra trước xem sao, rồi tụi tao ra - Phúc nói với An


Mười phút sau tôi và Phúc đi ra. Hai bên đã dàn trận rồi và chỉ đợi chúng tôi. Tôi thấy bên chúng tôi cũng khá đông với nhiều gương mặt quen thuộc.Bên kia đường là một nhóm. Trong đó có một người luống tuổi- cha già mà Phúc nói.
Nhóm chúng tôi đứng ở bên này đường.Tôi nhìn thấy người thanh niên mà chúng tôi đánh. Đứng cùng với anh ta còn có Bảy Gon, cầm đầu nhóm anh chị ở bến xe. Thấy tôi và Phúc , bảy Gon bước qua, vừa nói:
- Chỗ quen biết không, tụi bây cũng bỏ qua đi cho. 
Cùng lúc đó, lão già cũng đi theo cùng, lớn tiếng chửi
- Địt mẹ, tụi mày ăn hiếp nó
Nghe giọng Bắc kỳ và thái độ xấc xược, tôi đã dị ứng, thì Phúc đã lên tiếng
- Đ.m.. già còn vỗ đít gái.- An đã vội cản Phúc.
Bảy Gon quay lại xô lão già, lớn tiếng:
- Anh để tôi dàn xếp. Hay muốn đánh nhau
- Đ.m.tụi này cũng đâu có ngán- Phúc đã sấn ra- Tôi ôm Phúc cản nó lại. Đúng lúc tôi xoay lưng để cản ,đẩy Phúc trở về.
- Bình- Tôi nghe đau thấu ở lưng- biết đã bị đâm. An và Phúc lao ra. Phúc la lớn :
- Nó đâm thằng Thu rồi.
 Cuộc ẩu đã xảy ra loạn cả lên. Tôi đưa tay bịt vết thương nơi lưng, máu đã thấm ra ướt cả lưng chiếc áo lính tôi mặc. Tôi bỏ đi về phía tủ thuốc của Thủy và gọi :
- Thằng nào lấy xe chở tao vào bệnh viện coi.
Lúc đó, tôi không cảm thấy sợ hãi hay căm giận. Một ý nghĩ thoáng qua về cái chết, về ba tôi, khiến tôi bình tỉnh đến lạ thường.
Hẳn nhiên bên tôi thắng thế và  rượt đuổi . Lúc đó, Tâm mới  lấy xe chở tôi đi. Nó vừa đạp, lính quýnh hỏi:
- Mày có sao không?
- Không biết có sâu không?- tôi trả lời.


Cũng may, nhát dao đâm trúng xương và không đủ mạnh để lệch qua vào phổi. Băng vết thương xong tôi tr ra bãi hát.  Bọn chúng tôi vẫn còn tụ lại khá đông. Có lẽ, chờ tin tôi. Thấy tôi về có vẽ bình an, cả bọn nhẹ nhỏm.
Không thấy Phúc và An, tôi hỏi : 
-Thằng An, thằng Phúc đâu
- Anh An với anh Phúc đuổi theo thằng đâm anh rồi.
- Thằng nào chạy tìm kêu tụi nó về đi- tôi nói- Bảo tao dặn không có trả thù.-Tôi lại kêu Tâm chở tôi về nhà.
Trên đường Tâm hỏi tôi tính trả đũa thế nào, tôi cười đáp:
- Cũng may vết thương nhẹ thôi. Đánh nó nặng vậy nó đâm mình cũng phải.
Trong lòng tôi như thức tỉnh. Tôi nghĩ về gia đình tôi, về ba tôi và về tôi , rồi tự hỏi : " Không lẽ cuộc đời của tôi lại tệ đến như vậy, chết trong một  vũng lầy"
Mấy ngày sau, người thanh niên đâm tôi đã tìm đến nhà tôi để xin lỗi, xin tôi bỏ qua và đền tiền thuốc cho tôi. Cái chuyện tôi bị đâm khiến hầu hết các nhóm hoang đàng đều muốn tìm anh ta trả thù. Dù sao tôi cũng được đám giang hồ quý mến. Tôi chỉ cười,nói với anh ta lời tôi đã nói với Tâm. Tôi đã nhận ra thù hận trả qua trả lại khó mà chấm dứt. Tôi tìm An và Phúc nói ngưng việc tìm trả đũa và nói tôi sẽ trở về đi học lại.


Sau cái ngày đó, tôi đã về nhà. Rồi tôi quyết định đi học trở lại. Tôi trở lại trường sau 3 năm cách biệt. Thỉnh thoảng tôi mới ra thăm An và Phúc. Kể từ đó, tôi đã thật sự thoát ly khỏi cái thế giới giang hồ không có ngày mai. Khi tôi đi làm báo, đôi lần tôi đã giúp được vài đứa trong giới quay trở lại với cuộc sng lương thiện nhưng trong số đó đã có những đứa gây ra tội lỗi, để phải chấm dứt cuộc sống với bản án tử hình. An và Phúc, sau này cũng bị tù vài năm cũng vì tội đánh người gây thương tích. Ra tù rồi , tụi nó cũng  đủ trưởng thành để hiểu mình phải tiếp tục sống một cách đàng hoàng.
Vết thương nơi lưng tôi đã để lại vết sẹo cho tôi nhớ mãi về một cái chết  và cuộc sống vô nghĩa





THÙNG BIA TỐT NGHIỆP




Dù đi học trở lại nhưng tâm trạng của tôi vẫn luôn u ám, chán chường và chưa bao giờ tôi nghĩ đến tương lai. Ước mơ vào đại học cũng không còn trong tôi, cho dù tôi đã theo kịp việc học hành và vẫn đậu vào lớp học sinh chuyên toán của trường. Ngày đó, trong lý lịch của tôi có một người anh thứ ba là đang sống ở bên Mỹ. Với cái lý lịch đó muốn đậu vào đại học tôi phải thi hơn 18 điểm ở 3 môn. Tôi biết sức học của mình, ngoài môn toán khả dĩ thôi chứ các môn còn lại tôi chỉ học cho có. Trước đây, khi chưa nhận được thư của anh ba- tôi khai lý lịch là có người anh là trung sĩ lính ngụy đào ngũ mất tích. Trưa ngày 30/4 anh còn ở nhà. Tôi còn nhớ,  mẹ tôi rầy anh khi anh ngồi trước cửa gảy đàn. Thế là, chiều anh đi rồi biệt tích. Mãi đến năm 79, gia đình tôi mới nhận được thư anh từ Mỹ gửi về. Cũng bởi cái phần lý lịch đó, giữa năm học lớp 11 sau những vụ tôi gây ra ở trường, tôi nghỉ học để xin vào học ở trường Công nhân kỹ thuật điện ở Hóc Môn. Tôi kéo cả đám bạn hơn 10 đứa trong lớp theo tôi đi học nghề. Thế nhưng chỉ chỉ được học 1 tháng, Ban tuyển sinh của tỉnh đã gọi tôi về không cho học gì cái lý lịch không rõ ràng của anh tôi. Điều đó đã đẩy tôi bước ra đường phố.


Cuối cùng rồi cũng đến ngày thi tốt nghiệp năm 1984. Lúc đó, tôi còn nhớ rõ cho thi 4 môn toán, văn, sinh, ngoại ngữ ( Tôi học tiếng Anh). Riêng môn ngoại ngữ học sinh được quyền chọn đổi sang thi môn Địa lý.
Tôi đi học lại và cũng như trước thân với các thầy trong trường, nhất là các thầy ở tập thể. Có thể do tôi chơi thể thao khá lại biết uống rượu, thuốc lá.Năm 12, gần như tôi ở trong trường chung với thầy Hòa ( Thầy là giáo viên dạy văn). Giữa tôi và thầy có điều thú vị là  tôi đã từng rũ thầy đánh lộn tay đôi. Lúc tôi nghỉ học và đi làm công nhân . Hôm tôi về phép, Tấn- bạn thân- học chung với tôi từ lớp 4 kể tôi nghe về những chuyện của lớp tôi, đặc biệt nó ấm ức vì bị thầy Hòa "đì" khi nó có thái độ ra mặt trước việc thầy cố nâng đỡ Thu Sang- bạn cùng lớp với chúng tôi. Đúng hơn là Thầy Hòa cặp bồ Sang. Sang là con gái Bắc, học chung với tôi từ năm lớp 6. Sang đẹp - vốn là hoa khôi của trường.Thoạt đầu, tôi không tin là có chuyện cặp bồ đó, nhưng tối hôm sau, Tấn rũ chúng tôi uống cà phê trước cổng trường và thấy thầy Hòa chở Sang đi chơi. Lúc đó cả Đình Thanh, cũng là bạn học lớp tôi( tôi  và Thanh cùng bỏ học một lượt). Sáng hôm sau, giờ ra chơi tôi vào thăm lớp ( tôi rất được bạn bè trong lớp yêu mến, nhất là con gái), và tôi cố tình rũ Sang đi uống nước. Lúc chúng tôi xuống cầu thang, chạm mặt Thầy Hòa, tôi chẳng nói chẳng rằng kéo Sang vào lòng mình và hôn lên má cô nàng luôn( Sang chơi thân với tôi  và tôi vẫn thường đùa như vậy). Quả nhiên thầy Hòa có thái độ tức giận ra mặt, còn Sang thì mặt mày xanh mét. Thầy bước đến nạt Sang bảo con gái để con trai ôm hôn giữa trường như vậy. Sang vừa đẩy tôi ra vừa phân bua.: " thằng quỷ Thu nó giỡn mà thầy". Tôi thì khinh khỉnh bảo : " Ê, ghen hả". Sang chạy lên lớp, tôi cũng ra về. Lúc tôi ra cổng trường thầy Hòa đi theo, kêu tôi lại hỏi : "Thế mày muốn gì ". Tôi tỉnh queo trả lời : " đánh anh đó". Thầy Hòa tuổi cũng chỉ mới 22- 23 lúc đó, nghe tôi nói vậy thì hất mặt bảo : " Mày muốn chơi kiểu nào tao chìu". Tôi lại cười đi ra chỉ nhắn lại " Tối gặp nha".
Tối hôm đó, tôi cùng Thanh vào trường và tìm đến phòng thầy Hòa gõ cửa. Mở cửa thấy tôi, thầy khựng người rồi kéo tôi lại hành lang nói chuyện. Tôi bảo : " Sao, anh muốn chơi không xuống sân trường tôi với anh tay đôi thôi". Có lẽ, thấy tôi hai đứa, nhất là Thanh người chắc nịch, thầy có lẽ ngán nên nhỏ nhẹ phân bua và ra vẽ mình cũng là dân chơi. Đúng lúc thầy Liên đi qua, thấy tôi thầy hỏi ngay : " ê, cái thằng này đi đâu đây". Tối nói luôn: " Định vào rũ thầy Hòa pặc-co tay đôi  nè thầy.". Nghe tôi nói thầy bật cười, cái giọng Huế của thầy đặc sệt bảo :" Mẹ, thằng Hòa mà xuống dưới thằng Thu nó đánh cho gãy xương ". Tôi cười, ghẹo luôn : " Thầy làm trọng tài nha". (Thầy Liên dạy tôi môn Địa lý và chơi thân với tôi vì thầy rất mê võ, còn tôi thì cũng vốn bước ra từ khu S- nơi mà nổi tiếng võ nghệ ở tỉnh. ). Nghe vậy thầy nói luôn vi thầy Hòa : " Tao chơi sòng phẳng với nó còn chưa biết hạ nó nỗi không nói chi mày. ( Thầy ở trong trường có tiếng về võ Bình định ai cũng biết.). Nghe vậy, thầy Hòa càng ngán hơn xuống nước luôn, kéo thầy Liên vào để mong giảng hòa. Thầy Liên nghe chuyện cười nói " Mày phải dẫn chầu ca phê mới được"- Thầy nói với Thầy Hòa.Nghe vậy thầy Hòa đồng ý ngay. Thầy Liên kéo tôi ta , kề tai nói nhỏ : " Mày định kiếm chuyện thật hả." Tôi gật đầu. Thầy lắc đầu nói : Chưa biết đó chứ thằng Hòa coi vậy mà chơi được." Vậy là chúng tôi đi uống cà phê. Lúc về, Thanh nói với tôi : Cha Hòa đẹp trai vậy con Sang mê cũng phải. Tôi cười đáp : Nó dụ chả thì có. 
Sau, Tấn bảo tôi nó chẳng bao giờ bị điểm Văn dưới trung bình nữa.
Buổi sáng tôi vào trường định xin học lại thì chạm mặt ngay thầy Hòa. Tôi thật không ngờ thấy tôi, thầy vui vẻ gọi ngay : Ê, Thu đi đâu vậy. Tối đáp : dạ, em vào xin học lại thầy. Nói xong , tôi cảm thấy ngỡ ngàng với cái lễ phép và cách xưng hô của tôi khi nhớ lại chuyện cũ. Trong lúc tôi còn ái ngại , Thầy đã vui vẻ cặp cổ tôi kéo lên phòng hiệu trưởng vừa đi vừa nói : Lên gặp cô Đào, tao xin cho. Bề ngoài nhìn, có thể nghĩ tôi và thầy là hai người bạn thân lâu ngày gặp lại vậy.
Khi tôi còn học cô Đào là hiệu phó và hẳn nhiên cô quá rành về một học sinh cá biệt như tôi. Thầy Hòa lên lớp, tôi ở lại phòng Hiệu trưởng. Cô  hỏi thăm tôi thời gian nghỉ học làm gì. Tôi kể cô nghe tôi đi thanh niên xung phong và đưa quyết định xuất ngũ của tôi cho cô đọc. Cô chỉ đọc lướt qua, rồi hỏi thăm gia đình tôi , về ba tôi. Ba tôi đã vào trường vài lần vì tôi. Khi biết tôi không còn học bạ cấp ba, cô lấy trong tủ ra một học bạ mới, ký tên và đóng mộc của trường vào rồi bảo tôi gặp các thầy cô cũ xin điểm ký lại, còn thầy cô nào đã đổi đi thì để trống cô giúp cho. Tôi cầm học bạ cám ơn cô ra về.
Các thầy cô cũ đều vui khi tôi đi học lại, nên chỉ tuần sau tôi đã vào lớp. lúc đó cũng vừa hết học kỳ 1 lớp 11.
Đi học lại, tôi vẫn như xưa là thường cúp giờ ngồi quán cafe và lui tới với các thầy nhậu nhẹt. Thầy Hòa cũng thích chơi bóng chuyền và chiều tôi hay ở lại trường đánh bóng chuyền cho đến tối mịt. Thế là chúng tôi thân nhau vì tôi đánh cầu hai giỏi thường nâng bóng cho thầy Hòa đập rất ăn ý. Đến năm 12, tôi không ở nhà vào ở hẳn phòng Thầy Hòa, cơm nước chung luôn.
Đến cuối năm trong lúc nhậu chia tay, Thầy đùa bảo với lớp tôi nếu tôi mà đậu được tốt nghiệp loại khá thầy sẽ chung một thùng bia. Thầy biết thắng chắc vì biết tôi đã không xin chuyển qua thi địa lý, mà môn anh văn thi tôi dốt đặc. Chật vật lắm tôi mới đủ điểm trung bình môn này cuối năm. 
Tôi cũng không quan tâm đến việc có đậu tốt nghiệp hay không nhưng mấy đứa trong lớp kéo nhau đến nhà tôi mà học ôn thi. Vậy là tôi cũng phải học.
Buổi thi đầu tiên là môn toán, tôi làm dễ dàng chỉ khoảng nửa tiếng là xong. Gác thi môn toán là một cô giáo trẻ - cô giới thiệu tên Phong Lan.Sau khi làm bài xong, tôi không biết làm gì, nên ngồi lấy giấy nháp mà vẽ chơi. hẳn nhiên tôi vẽ cố giáo gác thi xinh đẹp.  Cô đi chỗ tôi và khi thấy tôi vẽ cô, cô có vẻ ngạc nhiên ( bởi tôi cũng không dấu ) hỏi tôi làm bài xong chưa. Tôi gập đầu và xin nộp bài sớm. Cô đồng ý cho tôi nộp bài dù còn một tiếng nữa mới hết giờ. Cô bảo tôi có thể ra khỏi lớp đứng ngoài hành lang nếu thích. Vậy là tôi ra ngoài hành lang hút thuốc  và trò chuyện với thầy Huynh là giám thị phòng tôi, thầy dạy tôi môn Lý. Môn sinh vật và môn văn cũng ổn, tôi đều làm bài dư thời gian khá nhiều. 
Buổi trưa hôm đó trời mưa tầm tả tôi phải đội mưa đi để thi nốt môn anh văn. Nhà tôi cách trường cây số, tôi không có xe mà đi bộ, nên khi đến trường tôi gần như ướt sũng. Cô giáo gác thi môn anh văn phòng tôi lại là cô Phong Lan. Cô xinh đẹp, nhỏ người và chắc cũng chỉ hơn tôi một hai tuổi.
Sau khi chép đề xong, tôi đọc đi đọc lại vài lần và biết chắc là tôi không thể làm được. Thế là tôi chỉ biết ngó ra ngoài trời để ngắm mưa. Tôi cũng không có cảm giác ân hận hay lo âu khi tôi phải rớt tốt nghiệp. Không học nữa thì tôi kiếm việc mà làm. Mẹ tôi cũng không mong muốn gì hơn ở một đứa con được xem là hư hỏng như tôi. Chỉ có cảm giác buồn chán tràn ngập trong tôi. Một tâm trạng chán đời, chán sống luôn ám ảnh tôi. Tôi lấy tờ giấy nháp viết luôn mấy câu thơ :

" Tôi lại làm học sinh
Tôi trốn cuộc đời trong sách vỡ mộng mơ
Tôi học làm người
Người dạy tôi làm thú dữ dã man

Tôi học yêu người
Người dạy tôi những điều ti tiện, hận thù..."


 
Thời gian cứ chậm chạp trôi đi chung quanh tôi các học sinh khác cũng hầu như chỉ biết cắn bút. Có lẽ đề thi quá khó. Hơn một tiếng trôi qua, cô Lan đi lên xuống xem học sinh làm bài, thấy tôi không viết gì cả, cô đến bên hỏi nhỏ : "Sao bạn không làm bài". Tôi nhún vai : Không biết gì để làm". Cô hỏi tôi : My môn kia bn làm thế nào? . Tôi đáp: Thưa cô ổn. Cô có vẽ ngẫm nghĩ gì đó rồi nói : Bạn không làm bài bị điểm không sẽ rớt tốt nghiệp. Tôi cười gượng bảo : " Đành chịu". Có lẽ, thái độ thản nhiên ấy của tôi khiến tôi tò mò, cô hỏi : "Sao bạn không chuyển qua thi địa ?". Tôi đáp : "Em học Anh mà cô. Tại mình không học thì chịu". Cô cầm lấy tờ nháp của tôi, đọc mấy câu thơ và hỏi : " Của bạn viết?". Tôi gật đầu. Cô cầm tờ giấy nháp của tôi đi lên. Lát sau tôi thấy cô ngồi viết  rồi cô đi ra ngoài nói chuyện với giám thị và cố ý tạo sự dễ dãi cho học sinh làm bài. Tôi lại ngắm mây trời. Bầu trời chiều hôm ấy dù mưa đã tạnh nhưng vẫn xám xịt.
Khi trống trường điểm báo 15 phút nữa hết giờ. Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Đúng lúc đó ,cô  Lan xuống bàn  trả lại tôi tờ nháp và nói : "Bạn làm bài đi". Tôi nhìn vào tờ nháp thấy chữ cô rất đẹp. Đó là bài dịch Anh sang Việt.  Tôi ngỡ ngàng chần chừ nhìn cô. Cô nói khẽ : "Đừng để rớt tốt nghiệp như vậy". Rồi cô quay sang nói với lớp : "Các bạn cố gắng tranh thủ làm nhanh rồi nộp bài". Nói xong cô bỏ ra ngoài. Dường như có sự đồng tình của cả cô giám thị. Thế là cả phòng nhốn nhào. Tôi nhún vai, thở dài chép bài dịch 5 điểm đó.
Hết giờ chúng tôi nộp bài. Tôi xuống cổng trường đợi cô gửi một lời cám ơn. lát sau cô mới xuống khi mọi người như dã về hết. Cô loay quay bên chiếc xe đạp mini, tôi bước đến chào và nói lời cám ơn cô. Cô chỉ cười rồi hỏi tôi : "Lúc nảy Trúc Thu có nhìn thấy cái chìa khóa xe  tôi không ?". Tôi hơi giật mình khi nghe cô gọi tên mình. Tôi đáp : "Dạ không .  Mất chìa khóa xe hả cô?"- Tôi hỏi . Cô bối rối đáp: "không biết đâu mà tìm hoài không thấy". Tôi bước đến nhìn thấy cái ổ khóa vòng Trung quốc. Tôi bảo : " để em mở cho". Tôi móc túi lấy con dao xếp nhiều lưỡi mà tôi vẫn thường có thói quen đem theo bên mình và mở khóa. Một tiếng tách vang lên, cần khóa nhảy ra. Cô nhìn tôi đầy vẽ kinh ngạc. Tôi đẩy xe cho cô và lại nói cám ơn cô lần nữa. Khi biết tôi đi bộ cô bảo cho tôi đi nhờ, cô đưa về, vì nhà cô ở Hòa thành đi ngang qua nhà tôi. Tôi do dự rồi lên xe chở cô. Tôi mời cô uống nước và cô đồng ý. Vậy là chúng tôi vào quán cà phê, cô hỏi thăm về tôi rất nhiều, tôi cũng chỉ trả lời chặng dừng thôi. Cô lớn hơn tôi hai tuổi. Rồi chúng tôi ra về. Tôi cũng không quên đưa lại cô tờ nháp mà cô đã viết bài dịch cho tôi.
Vậy là năm đó tôi đậu tốt nghiệp với tổng số điểm là 28. Môn anh văn tôi được 5 điểm. Ngày vào nhận bằng tốt nghiệp bọn tối kéo đến phòng thầy Hòa nhậu và thầy đành phải móc túi mua thùng bia đãi tôi. Sau này Thầy cũng bỏ nghề giáo về làm ở đài truyền hình Việt nam. Lúc thầy vào làm phóng sự về người lao công ở trường tôi, chúng tôi có gặp nhau và sau ln đó tôi cũng không liên lạc với thầy nữa. Phim phóng sự năm đó của thầy được huy chương vàng toàn quốc. Giờ, nghe đâu thầy đã là vụ trưởng một vụ của đài truyền hình Việt nam. Cô Phong Lan ,tôi cũng không có dịp gặp. Nghe nói, cô và gia đình đã định cư ở Mỹ.
Tôi đã may mắn tốt nghiệp phổ thông như thế đấy!

 

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

MỘT ĐỜI THỰC -HƯ ( Phác thảo)

CHƯƠNG 1: NGUỒN CỘI





                Tôi sinh ra trong một gia đình nửa trí thức nửa nông dân. Họ nội vốn là quan lại triều Nguyễn. Ba bảo, họ nhà tôi đã không theo Triều Nguyễn qui thuận Pháp mà tham gia kháng chiến nhưng đến đời  ông Cố tôi thì  làm quan cho Pháp. Ngày nhỏ nhìn bức ảnh chụp toàn thân ông mặc sắc phục chống ba-toong trông rất oai vệ nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác kiêu hãnh về ông.Ông nội tôi là dân Tây học, ảnh chụp bán thân ông mặc vét trông rất đẹp. Ông mất khi tôi chưa ra đời.
 
               Họ ngoại nhà tôi mấy đời là nông dân. Đến đời ông ngoại cũng tích lũy được chút đất thoát khỏi cái ách làm tá điền. Tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy ông bà ngoại, có chăng chỉ là những bức ảnh thờ mà đến giờ tôi cũng không hình dung được hình ảnh của ông bà. Mẹ tôi thứ tám trong nhà còn một người em nữa.
 
               Ba tôi thỉnh thoảng cũng kể cho tôi về ông nội . Mấy cái móng cọp tôi hay lấy chơi, cặp sừng nai treo ở gian trước là do ông nội săn được ở cách nhà tôi bây giờ vài trăm mét. Mẹ bảo, ông nội giỏi võ, hồi đó làm trọng tài đá banh lỡ tay đánh chết thằng lưu manh,nhưng không b tội tù vì nội mang quốc tịch pháp!Bà nội tôi cao người , đẹp lão nhưng rất khó tánh. Mẹ nói, lúc ba bịnh mẹ về hỏi mượn tiền nội mà nội không cho.
        Ông bà nội có sáu người con nhưng tôi chỉ biết có mỗi mình ba tôi, còn lại chỉ thấy bài vị. Tất cả đều chết trẻ.Riêng Bác Ba thì hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.Ngày nhỏ chẳng mấy khi tôi dám lên gian nhà trên ( nhà ni là một căn nhà ngói ba gian ngang 15m dài 30m), nhất là phải nhìn thấy ảnh thờ Bác Hai. Bác Hai tự t chết khi mười tám tuổi vì giận bà nội. Ba tôi giống bác,  đẹp như bức ảnh thờ, khổ nỗi bức ảnh trắng đen lâu ngày  rổ mờ ,chỉ có phần đôi mắt là sáng lấp lánh trông như người sống. Sau này,lớn rồi nhìn ảnh bác tôi cũng ni da gà. Tiếng đồn nhà tôi có ma lan cả vùng.

               Ông nội,ông ngoại thì tôi không còn được gặp, nhưng tôi đều gặp được hai người vợ hai của hai ông mà tôi gọi là bà nội nhỏ, bà ngoại nhỏ. Hai bà cũng thương tôi . Người già ai thấy con nít không thương, với lại là thằng bé kháu khỉnh, láu táu như tôi.
                 Lúc nhỏ, mỗi lần về quê ăn tết, mẹ đều dẫn tôi thăm bà ngoại nhỏ. Bà ở một mình trong một túp lều nhỏ gần nghĩa trang. Lần nào mẹ dẫn tôi đến thăm, bà mừng lắm. Bà ngoại lớn mất lúc mẹ tôi còn nhỏ, ông ngoại mới cưới bà ngoại nhỏ. Bà đã chăm sóc mẹ tôi và dì Út cho đến khi mẹ tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, thoát ly vào chiến khu. Ông bà ngoại có đến 11 người con mà tôi chỉ biết có mấy người. Cậu Hai hy sinh trong kháng chiến chống pháp. Cậu Năm, cậu Sáu cũng tham gia kháng chiến cho đến năm 1954 Pháp rút mới trở về. Cậu Năm làm nghề dạy học, còn cậu Sáu lại tiếp tục làm nghề nông. Dì Ba, dì Út cũng làm nghề nông ở cùng phần đất ông ngoại để lại. Bà ngoại nhỏ ở với ông ngoại không có con. Bà mất lúc nào tôi cũng không biết. Mẹ tôi không biết có biết không nữa nhưng tôi chưa bao giờ hỏi.
                  Mẹ vẫn hay nói, nghiệp chướng bên nội tôi rất nặng. Căn nhà ngói âm dương ba gian của nội vốn là đình Hiệp Ninh, lúc ông nội xây đình mới thì dỡ đình cũ đem về dựng nhà, từ năm 1913.Sau này, căn nhà mục nát, tôi sửa nhà, thợ mộc leo lên dỡ đòn giông phải lật đật leo xuống mua nhang đèn trái cây mà cúng. Cây đòn giông dài 15m cứ cách vài tấc thì được đóng từng chùm đinh nhỏ. Lúc thợ mộc cất nhà cho nội đã buộc phải yếm. Trước tôi chỉ nghe nhưng đến lúc tháo dỡ cây đòn giông thì mới tin cái chuyện thợ mộc yếm bùa là có thật. Cất nhà được vài năm thì ông Năm bị cướp bắn chết ngay trong gian nhà trước.
                Ông cố tôi ,nói làm quan cho pháp cho oai, thực ra ông là ông đội, làm cai ngục. Cái chuyện đó có liên quan gì đến cái ác nghiệp mẹ nói không tôi cũng không rõ. Có điều, đến đời nội thì chỉ còn lại mình ba tôi. Mẹ nói, lúc nhỏ ba cũng phải cơn bịnh thập tử nhất sinh.Sau khi qua khỏi, ông nội vội đưa ba tôi về Sài gòn ở luôn mãi đến khi bà nội mất ba mới về lại tiếp quản căn nhà và mảnh vườn của nội.
                Ông cố có mấy người con tôi không rõ, chỉ biết có ông Ba, Bà Năm và Bà Út.Ông nội tôi thứ Hai. Bà Năm lấy chồng Tây, về già mới về lại Việt Nam. Bà đến ở với nhà tôi một thời gian rồi đi. Hẳn lúc trẻ chắc bà đẹp lắm nên về già nét đẹp vẫn còn lưu giữ. Bà nghiện ma túy, tôi vẫn thường thấy bà hít cần sa. Sau này, bà mất ở trại dưỡng lão. Bà có con không tôi không nghe Ba mẹ tôi nhắc đến.

Sau giải phóng, Bà Út về ở với Ba tôi. Bà có chồng và chồng mất. Bà cũng không có con, lại bị thương mất một cánh tay mọi người gọi bà là Bà Út cụt tay. Tuy có một tay, nhưng bà xòe bài tứ sắc rất khéo, bởi bà mê bài từ lúc còn trẻ. Lúc nhỏ, tôi vẫn thường làm bà giận bởi cái kiểu ăn nói phang ngang bửa củi được coi là hn hào của tôi. Rồi bà đi tu, bệnh mất ở chùa. Ông Ba thì ở trên phần đất  của ông nội. Ông có hơn mười người con nhưng chỉ có hai trai. Khi về tiếp quản đất ba tôi làm  giấy cho ông luôn phần đất mà ông đang ở.Ông mất do bệnh già.
                 Ông nội tôi sống với bà nội nhỏ có một người con là cô Bảy. Hồi còn ở Sài Gòn, nhà tôi nằm trong một con hẻm,còn nhà cô Bảy thì ở mặt tiền đường Trần Quốc Toản( nay là đường 3-2). Ngày đó có được một căn nhà đúc hai tầng lầu đã được xem là giàu có ở đất Sài gòn. Tuy từ nhà tôi ra nhà cô đi bộ cũng chưa hết 5 phút nhưng Ba mẹ tôi ít qua lại. Dượng Bảy là Thuyền trưởng và kiêm luôn cái nghề làm thầy pháp.  Sau này, Dượng làm đến giáo chủ giáo phái vô vi- một giáo phái mà hầu hết tín đồ phần đông là dân làm ăn giàu có.Có lẽ vậy mà ba tôi không thân thiết. Cô cũng chẳng mấy khi vào nhà tôi, mặc dù lúc về Sài gòn học cô ở với ba mẹ tôi. Khi ông Nội tôi chuyển ra Bà Rịa làm việc thì mới gặp bà nội nhỏ. Cô bảy cũng sinh ra ở đó.
                 Ba tôi từ nhỏ đã yêu văn thơ nên viết văn, viết báo rất sớm. Rồi ba tham gia kháng chiến chống Pháp. Lúc bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ba có làm bài thơ sau này được tuyển chọn vào tập thơ Thi Nhân Việt Nam hiện đại của nhà văn Thái Bạch biên soạn
                Ba tham gia kháng chiến, đến năm 49 giữ chức vụ là Chánh văn phòng Ty công an của tỉnh. Cái năm đó xảy ra vụ việc đau lòng và ba tôi là người đã ký những bản án thủ tiêu những người tham gia kháng chiến bị tình nghi, kết tội làm gián điệp cho Pháp. Ba không nói nhưng mẹ lại nói tôi nghe những khi mẹ giận dỗi, đau buồn. Rồi đến lúc ba tôi cũng bị bắt, bị nghi là gián điệp cho Pháp, bị tra tấn đủ điều. Ba đã tự tử trong tù, cũng may được phát hiện và rồi được giải oan. Tôi nhớ, lúc nhỏ mẹ thỉnh thoảng đọc bài thơ ba  gởi về cho mẹ  :

                        " Hai mươi tháng bảy ngày nay,
                          Hồn anh nát với cỏ cây núi rừng
                          Bước đi lòng vẫn ngập ngừng,
                          Thương em nước mắt lưng lưng hai tròng.
                          Trời ơi, ai thấu nỗi oan
                          Của người chiến sĩ trung cang một lòng.
                          Không a dua cũng chẳng a tòng
                          Thấy sao nói vậy mích lòng mặc ai..."
                      
 Bài thơ còn dài, nhưng thôi chỉ ghi ra như vậy. Anh em tôi ai cũng nhớ , cũng thuộc ít nhiều  câu trong bài thơ này còn hơn cả bài thơ đã đem lại cho ba tôi cái vinh dự của người cầm bút.
                 Đến năm 1954, hòa bình lập lại, ba mẹ tôi được điều về Sài gòn hoạt động nội thành.Ba tôi trở lại với nghề làm báo và âm thầm hoạt động cách mạng. Đến năm 1960, ba tôi bị bắt và bị giam  cùng nhà văn Vũ Hạnh  tại bót Chí Hòa.
                Lúc bé, ba tôi cũng ít khi ở nhà, hay đúng hơn là khi tôi ngủ rồi ba mới về. Ba chỉ ở nhà khi bệnh hoặc tờ báo bị đóng cửa. Ba tôi bị hen suyển nặng. Mẹ nói đó là do năm 49 ba bị bắt, bị tra tấn bằng cách đổ xà bông vào lổ mũi. Ba không bao giờ nhắc đến chuyện bị tra tấn như thế nào. Ba tôi làm cho nhiều tờ báo, nhưng rõ nhất là tờ Phụ nữ diễn đàn phụ trách mục bình thơ với bút danh là Hoài Trinh.Đó là bút danh chính của ba tôi và còn có một bút danh khác là Mặc Tường Ly. Ngày đó Sài Gòn cũng có nhà báo lấy bút danh là Hoài Trinh ,nên để phân biệt mới ghép 2 bút danh của ba tôi lại mà gọi là Hoài trinh -Mặc tường ly. Cái khác nhau giữa hai người cùng ký bút danh Hoài Trinh là ba tôi thì được xem là thành phần thân Cộng sản,còn người kia thì ngược lại -là dân chống cộng.Lúc tôi bắt đầu biết nghe chuyện, thì ba tôi làm Tổng thư ký cho tờ Đại dân tộc- chức vụ như là tổng biên tập báo bây giờ vậy.Ba tôi rất thương và cưng chiều tôi, từ bé.
Có lần mẹ tôi bảo, bài thơ " Kiếp nào có yêu nhau" được Phạm Duy phổ  nhạc là của ba tôi . Cô Bảy tôi cũng vậy, còn nói đã từng bảo ba tôi kiện nhưng bao tôi vẫn im lặng. Mẹ tôi thì nói, giữa ba tôi là cô Hoài Trinh hẳn có tình với nhau. Có điều, sau khi bài hát " kiếp nào có yêu nhau " ra đời, ba tôi bỏ hẳn bút danh Hoài Trinh
               Ra tù, ba tôi có tiếp tục hoạt động cách mạng nữa hay không tôi không rõ lắm nhưng ba vẫn giữ mối quan hệ với nhiều nhà hoạt đông cách mạng trong báo giới và văn giới của thành ủy Sài gòn. Ngày đó, những cơ sở cách mạng bị bắt thì xem như đã bị lộ rồi. Sau này,lúc Ba mất rồi, chú Thái Bạch có kêu tôi về Sài gòn và làm giấy xác nhận cho ba tôi vẫn tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng.Tôi có làm nhưng chỉ cất giữ. Anh em tôi chưa bao giờ khai lý lịch điều này. Lúc sống ba tôi đã không cần và ba cũng không muốn chúng tôi cần đến điều đó.
                Ba tôi mất năm 1986, đó là nỗi đau khổ lớn nhất trong đời tôi. Đám tang ba tôi, tôi đã được nhìn thấy những giọt nước mắt chân tình từ những bạn bè của ba.Những giọt nước mắt từ những người mà mái tóc đã bạc trắng.Lúc sống, ba chẳng mấy khi dạy tôi. Lúc chết, Ba lại dạy tôi thật nhiều điều. Từ đó, tôi hiểu tôi phải sống thế nào.Trước mộ ba tôi, bạn bè đã đưa tiễn ba tôi bằng những bài thơ. Ngày đó, một đám tang như ba tôi thì thật lạ lùng, nhất là ở một tỉnh lẽ. Tin ba tôi mất được đăng trên mục cáo phó của báo tỉnh, thế nhưng bạn bè ba tôi ở Sài gòn về rất đông .Đám giỗ đầu ba tôi chú Sơn Nam, chú Thanh việt Thanh về trước một ngày . Đêm đó, qua mấy chú tôi lại biết thêm vài điều về ba tôi, về cái ngày Ký giả ăn mày ( chú Thanh Việt Thanh là tác giả bài thơ Ký giả ăn mày) và về cái chí khí của ba tôi. Trên tờ Miền Nam còn bức ảnh chụp ba tôi dẫn đầu đoàn biểu tình " ngày ký giã ăn mày " , xung quanh được sinh viên, học sinh bao bọc bảo vệ.

Lúc nhỏ, mẹ từng kể chuyện ba bị một ông chủ bút quỵt tiền làm việc cả năm không trả lương. Chuyện được thưa ra tòa và ba được trả số tiền bồi thường khá lớn. Mẹ tôi mừng lắm,bởi ngày đó gia đình tôi nghèo, mẹ vẫn phải thường xin cơm xã hội để nuôi chúng tôi. Vậy mà, khi phiên tòa kết thúc, ba chỉ bước đến tát ông chủ bút một bạt tay rồi ra về.  Mẹ tôi chỉ lặng lẽ mà khóc, bởi mẹ biết cho dù ông chủ bút có trả ba cũng không nhận.Không biết có phải do câu chuyện đó đã ảnh hưởng đến khiến tôi đã không xem trọng tiền bạc, đến đổi một vài người bạn của tôi phải nói:" tiền với nó chỉ là rác".
               Ba tôi mất, chị Hai tôi trích một câu trong tác phẩm " Vững niềm tin" của ba tôi, để xem như là di chúc ba để lại : " Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà những năm tháng ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học. Mong rằng, sau này các con luôn là người hữu ích cho xã hội.". Ba tôi mất đột ngột do nhồi máu cơ tim từ chứng hen suyễn. Cuốn tiểu thuyết đó ba viết trước lúc tôi ra đời và tôi cũng chưa bao giờ được đọc.
                    Những năm cuối đời, ba tôi bị cườm mắt và phải mổ nhưng cũng không tỏ hẳn. Sau ngày mổ mắt xong, ba hay ngồi viết nhưng hầu hết ba đều bỏ dở. Rồi trong những trang viết dang dỡ đó của ba, một nỗi xót xa khi ba nghĩ một mai ba ra đi nghiệp dĩ rồi sẽ lụi tàn theo ba. Chị Hai tôi thời trung học đã viết văn, làm thơ đăng báo với bút danh Mặc Thùy Trang nhưng rồi chị đành bỏ đi ước nguyện của mình. Chị học Văn khoa, nhưng vì nhà nghèo chị đành bỏ học đi làm phụ mẹ nuôi em. Rồi chị lấy chồng và an phận.
                Những dòng chữ đó đã khiến tôi thay đổi, hay đúng hơn nỗi ân hận của tôi đối với ba đã khiến tôi đi vào nghiệp cầm bút. Ngày đó, tôi đã hai mươi hai tuổi và sống trong sự thất vọng, tràn ngập sự chán chường. Đáng tiếc, tôi chưa bao giờ làm cho ba  tôi vui. Đám giỗ ba tôi, cũng là ngày xả tang, mấy chú hẹn nhau về rất đông. Chú bảy Vân An tuy là nhà văn nhưng lại rất thích họa thơ, bèn khởi xướng và khích lệ anh em chúng tôi đối họa.Không khí ngày giỗ rất đầm ấm và vui, rồi bất chợt khi chú Thanh Việt Thanh đọc bài thơ họa đã không cầm được nước mắt. Ba mất đã một năm, nhìn những giọt nước mắt của những người già đó tôi càng hiểu câu thơ ba viết: "  Chết còn hơn sống mất". Sau này, lúc tôi về Sài gòn làm tờ báo cuối tuần của tỉnh, chú Thanh Việt Thanh, chú Sơn Nam, chú Kiên giang và chú Trang Thế Hy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Không chỉ những người vốn là bạn bè ba tôi mà cả những ai trong giới báo chí Sài gòn ngày xưa, khi biết tôi là con trai của Hoài Trinh- Mặc tường Ly đều có cái nhìn thiện cảm về tôi. Tôi còn nhớ, lúc tìm đến chú Dương Lâm để tìm cách phát hành báo, chú đã thẳng thắn nói, nếu cháu làm thì cho sẽ lo cho mọi mặt kể cả vốn nhưng của ông Dương Hà ( tác giả Bên dòng sông Trẹm) thì chú phải xem lại, cho dù đó là lần đầu tiên tôi gặp chú.Tôi càng hiểu hơn về nhân cách của ba tôi và lúc đó tôi cũng hiểu cái nợ ân tình sâu nặng như thế nào.
                Năm 1960, ba tôi bị bắt thì mẹ tôi cũng không liên lạc với tổ chức cách mạng nữa, mà cũng không ai dám liên lạc với mẹ tôi. Lúc đó, tôi chưa ra đời.Ba mẹ tôi cưới nhau trong chiến khu, chỉ hơn năm thì Ba tôi bị bắt.Chi hai tôi sinh năm 1953, rồi đến anh Ba, anh Tư và anh thứ năm chỉ cách nhau hai tuổi. Riêng tôi nhỏ hơn anh kế của tôi đến 5 tuổi. Em gái tôi cũng kém tôi 5 tuổi.
                   Tôi sanh năm 1964 vào ngày 30 tháng 1, đó cũng là ngày Nguyễn Khánh đảo chánh. Hẳn nhiên mẹ tôi lại đi biển một mình. Cái ngày sanh đó, cộng với lúc mẹ còn bồng, chú Lê Phải người chuyên giải điềm đoán mộng trên Tạp chí Phụ nữ diễn đàn thường qua nhà tôi- lúc đó ba tôi thuê nhà ở ga Hòa hưng- hay nưng niu tôi và chú lại nói " Thằng nhỏ này thông minh nhưng chân mày xanh gian hùng lắm đây". Sau này, mỗi lần giận tôi cãi nhau với mẹ, bà thường chi tôi là thứ "chân mày xanh".
                  Mẹ tôi, không biết tôi nói thế nào về mẹ tôi cho thật chính xác. Ba tôi là người cho tôi lẽ sống, niềm tin và sự tích cực,còn mẹ thì ngược lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự tiêu cực của tôi. Nhưng sau này, tôi mới hiểu và yêu quý mẹ tôi hơn. Với mẹ tôi con cái là tất cả và sự hy sinh của mẹ tôi thật lớn lao. 
                 Tôi có một người anh cùng cha khác mẹ, bằng tuổi với người anh kế của tôi nhưng lớn tháng hơn. Mẹ kể, mẹ biết được khi ba tôi đang ngồi tù.Dì Phương dắt anh tôi vào nhà tù thăm ba thì gặp mẹ tôi. Nhà dì ở Ban mê thuộc, về sau mẹ đưa anh về sống hẳn với chúng tôi , lúc đó anh dường như đã 10 tuổi. Sau hoàn cảnh khó khăn quá mẹ tôi cho anh về nội ở với anh Ba của tôi. Rồi anh đăng lính. Sau giải phóng anh không trở về, tôi nhớ đến mãi năm 1980 anh về tìm ba mẹ. Anh bảo mẹ anh đã đi ra nước ngoài không còn ở Việt nam và anh xin ba mẹ tôi lo cho anh vượt biên. Mẹ tôi đã chạy vạy tiền bạc đưa cho anh nhưng chỉ năm sau anh lại về và bảo anh vượt biên không thành. Ngày đó tôi đã là một thanh niên và tôi phát hiện ra anh nghiện ma túy. Đêm đó, anh đã mở tủ lấy hết vàng vòng của mẹ tôi dành dụm rồi bỏ đi. Anh đã thật sự hư hỏng. Đến đám cưới anh Tư tôi anh lại về và lên tiếng xúc phạm ba. Lần đó tôi đã đánh anh rất nặng tay vì hận anh đã gạt gia đình và lại xúc phạm Ba. Sau ngày đó anh đi, cho đến ngày anh Tư nhận được tin anh bị bắt và bị giam ở Bố Lá. Anh Tư đã tìm lên thăm anh nhưng rồi sau đó tôi không còn nghe tin tức về anh nữa. Có lẽ, anh đã chết một nơi nào rồi. Cả dì Phương gia đình tôi cũng không có tin tức .
                   Sau cái năm 1949 ác nghiệt ấy, ba tôi đã không còn được trọng dụng cho dù đã được giải oan. Mẹ nói  nếu ngày đó, chú Lê Đình Nhơn không đem kịp lệnh của xứ ủy Nam kỳ về chắc Ba tôi đã bị xử bắn cùng với mười mấy người, phần lớn đều là những cán bộ cấp cao của kháng chiến Tây ninh. Từ ngày đó, lại thêm cái xuất thân của dòng họ tôi, ba tôi không còn được nhận những nhiệm vụ quan trọng nữa. Với Ba tôi đó là nỗi ưu uất đeo đẳng suốt cuộc đời, và kể từ ngày về Sài gòn trở lại ba đã xem mình là" kiếp sống thừa". 
                    Sau giải phóng, Ba lại một lần bị bắt. Lúc đó là năm 1976, tôi còn nhớ rất rõ tối hôm đó rất nhiều bộ đội đã ập đến nhà tôi với cả súng ống. Tư Ròm, ngày đó là Thị đội trưởng đã nói " Tôi đến đây để bắt ông". Ba hỏi : " anh bắt tôi có lệnh của Viện kiểm sát không?". Tư Ròm đã móc súng lên đạn chĩa vào ba tôi , bảo : " Tôi nhân danh quân đội Việt nam đến bắt ông". Hình ảnh và câu nói đó đã hằn sâu trong ký ức tuổi thơ của tôi. Lúc đó ba tôi đã nói:" Nếu anh nhân danh Quân đội Việt nam đến bắt tôi thì tôi đi." Vậy là họ còng ba tôi dẫn đi về nơi Thị đội đóng quân- Bây giờ là chợ Thị xã. 
                 Việc bắt ba tôi xảy ra thật bất ngờ, bởi chiều hôm đó mẹ tôi và chị Tư Trắng gây gổ nhau. Chị Tư là con của Cô Năm là cháu ruột của bà nội tôi. Cô là con của Bà Tư, chị của bà nội. Bà nội thứ Bảy. Quê bà nội ở Tầm Long, lúc chiến tranh gay gắt, bà Tư và cô Năm chạy giặc về cất nhà ở trên mảnh đất của nội. Đất của nội rất rộng, hơn 1 hecta, dạo đó bà con chạy giặc đều về tá túc rất đông. Cô dượng Năm đã canh tác trên diện tích hơn 3 công đất với cái nghề hầm than, tôi không biết từ năm nào. Sau giải phóng, Nội mất mẹ tôi đã nhiều lần yêu cầu cô dượng trả đất lại mà về quê nhưng gia đình họ cứ dây dưa. Lần đó, mẹ tôi từ Sài gòn về nghĩ lễ 2/9 thì thấy chị Tư chặt phá  đám mẫn cầu, mẹ tôi ngăn cản thì đôi bên cãi nhau to tiếng. Chiều đó, ba đi nhậu với mấy người bạn, trong người cũng đã có rượu nghe mẹ tôi kể, ba tôi giận con cháu hỗn láo nên đi xuống nhà cô Năm. Cả nhà cô đang ăn cơm, ba mới lên tiếng hỏi thì thái độ dượng Năm rất xấc xược, ba đã không kiềm được nóng giận nên lấy cái dĩa trên bàn đánh vào mặt dượng Năm làm rách mi mắt, rồi bỏ về. Vậy là tối hôm đó Tư Ròm dẫn lính đến bắt ba tôi- Tư Ròm là con rễ của Cô Năm , chồng chị Hai Sơn.
                   Sáng sớm mẹ dẫn tôi đi thăm Ba, đêm đó tôi ngủ chập chờn thức giấc và nhiều lần hỏi mẹ tôi ba  đâu. Lính gác không cho mẹ vào, chỉ cho tôi mang gói xôi và nước uống cho ba. Ba tôi bị còng trong một cái sạp, khi tôi đưa đồ ăn cho ba thì ba bảo tôi đem về và ba sẽ không ăn. Tôi nói cho mẹ tôi nghe, mẹ càng lo quýnh quáng lên. Mẹ bảo ba sẽ tuyệt thực, tôi đã khóc sướt mướt. Ngày đó tôi chỉ là thằng bé 8 tuổi. Mẹ tôi đã chạy khắp nơi, gõ cửa những bạn bè của ba mẹ thời kháng chiến nhưng lại ngay ngày lễ các chú đều bận cả.  Mãi đến trưa ngày 3/9 chú Tư văn,  chú bảy Vân An lúc đó đều là thường vụ Tỉnh Ủy đã ra tận Thị đội đưa ba tôi về nhà. Ba cũng đã không ăn không uống hơn ngày. Tất nhiên, Tư Ròm bị kỹ luật rất nặng và không lâu sau thì gia đình cô Năm dọn đi để trả đất lại cho gia đình tôi. Mẹ trách ba  nóng nảy gây chuyện, ba chỉ nói, không làm vậy tụi nó chịu trả đất cho bà sao?
                    Kể từ đó mối quan hệ đôi bên gần như cắt đứt, mãi nhau này khi anh Chín Khoa được điều về làm phó tổng biên tập báo, nơi tôi làm việc thì từ mối quan hệ của chúng tôi,  gia đình bên tôi và cô Năm mới hòa thuận lại. Anh Chín là chồng chị bảy Nhi con cô Năm. Tôi ghi lại điều này không phải để trách móc hay có ý gí khác, chẳng là cái hình ảnh những người bộ đội dí súng vào ba tôi đã để lại trong trí óc non nớt tuổi thơ của tôi dấu ấn nặng nề về sự áp bức, cộng thêm sự yêu thích tự do mà ba tôi đã trao cho tôi, khiến  hình thành tính cách hay cái ý thức chống đối quyết liệt với cái mà tôi cho là áp bức, là bất công.
                Vì con, mẹ tôi sẵn sàng quên cả bản thân chấp nhận tất cả với sự lạnh lùng đáng sợ. Anh Ba tôi bị bắt lính, rồi anh bị thương về phép. Tôi còn nhớ rất rõ trong bữa cơm, anh kể về trận chiến và những người lính cộng sản điên cuồng lao lên và bị bắn chết từng đợt từng đợt, thì ba nỗi giận cắt ngang và chửi anh. Sau đó, anh tôi đào ngũ và để thoát khỏi trại lính anh đã làm gì tôi không rõ nhưng bị cảnh sát săn lùng phải trốn tránh. Nghe đâu anh đã đánh chết một lính Mỹ. Anh Ba tôi rất giỏi võ, anh học Thần quyền. Thứ võ chẳng rõ thực hư thế nào nhưng ngày nhỏ tôi vẫn thường thấy anh đốt nhang cầu thần về đi quyền. Và còn nhớ một lần tôi bị bong gân cổ chân, anh đã lấy nhang khoáng cho tôi. Tôi đã có cảm giác hết đau và vài ngày sau thì khỏi hẳn. Lúc đó, mẹ tôi đã tìm gặp dì Phương và đưa dì về Tây ninh sống với ba tôi.Tôi và em gái tôi cũng theo về. Còn anh Đạt - con dì Phương và ba- thì ở lại Sài gòn với mẹ tôi. Mỗi lần mẹ về thăm, thì ngủ chung trên bộ ván rộng,ba tôi nằm giữa, tôi và em gái tôi nằm hai bên ba. Rồi mẹ nằm cạnh em gái tôi còn dì Phương nằm bên tôi. Sau này, tôi mới biết là em trai của dì Phương lúc đó là trưởng nha cảnh sát ở tỉnh và nhờ vậy mà mẹ tôi đã làm được giấy tờ thay đổi tên cho anh ba tôi. Tôi không nhớ, thời gian bao lâu, dì Phương bỏ đi và mượn của cô Năm một số tiền không nhỏ nhưng cũng là chuyện trước giải phóng.
                     Sau giải phóng, Ba ở hẳn Tây ninh, nhiều bạn bè thời kháng chiến đến thăm ba, nhiều người có chức vụ khá cao ở tỉnh và cả ở Bộ.  Chú Thái Bạch, chú Trang Thế Hy nói với tôi đã nhiều lần đề nghị ba về sài Gòn làm báo văn nghệ nhưng ba đều từ chối. Rồi có lẽ, vì nể nang chú Bảy Vân An nên năm 1978 Ba vào làm Biên tập cho Đài phát Thanh tỉnh Lúc đó chú bảy Vân An là trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng, tổng biên tập cả Báo và Đài và kiêm cả Tổng biên tập báo Văn nghệ. Đến khi ba bị bệnh mắt thì mới nghỉ. 
                        Chú Bảy Vân An hẳn là quý mến ba tôi lắm , nên những năm đó những nhà văn ở miền bắc vào thăm chú, chú đều đưa đến thăm ba tôi như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi...Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là hình ảnh nhà văn Nguyễn Tuân đã ngồi thâu đêm bàn chuyện với ba. Cái bóng của ông hiện trên bức bình phong to đùng. Ngày ấy tôi chỉ mới lên học lớp 6 hay lớp 7 gì đó tôi không nhớ rõ lắm. Sau lần đó, tôi đã đọc ngấu nghiến" Vang bóng một thời" để cái máu phiêu lưu vốn có trong tôi sớm bốc cháy.
                         Trong những trang viết ba tôi để lại, ba cho mình là người cầu toàn và do vậy cho đến cuối đời sự hoài nghi dường như luôn ám ảnh ông. Thể hiện rõ nhất là ông để lại một tùy bút " Rừng và cây" và sau khi ông mất tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần để tìm ra lời giải đáp cho chính tôi. Khi vào làm ở hội văn nghệ tỉnh, tôi đã đưa chú bảy Vân An đọc và gần một tháng sau, chú mới gọi tôi trả lại nhưng chú đã không bình luận gì. Nhưng sau đó, chú đã đồng ý để tôi thực hiện đề tài sưu tầm văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Tây ninh. Cả tôi và chú điều hiểu cái chủ đích mà tôi đi tìm đó là sự kiện 1949.

                      Nhiều lần, công an Tây ninh đề nghị ba tôi chấp bút viết về lịch sử Công an Tây ninh và ba tôi chỉ đồng ý với đều kiện ghi nhận lại sai lầm của năm 1949 và tìm cách phục hồi danh dự cho những người đã chết oan uổng. Dù sao, ba tôi cũng là một trong những người xây dựng  lực lượng công an tại Tây ninh. Vấn đề đó đã giằng co không thống nhất cho đến lúc ba tôi mất. Tôi đã mất một khoảng thời gian tìm hiểu và ghi chép, sau này tôi có trao lại cho chú Trần Kim Tấn, chú nguyên là Trưởng ty công an thời kháng chiến. Mẹ kể, ngày ba tôi bị bắt, chú Tấn đang tắm ở sau và nhờ vậy chú mới chạy thoát. Rồi vào một buổi sáng, chú và chú Mai Ngữ( chú là phó ty công an thời kháng chiến , lúc ba bị bắt chú đang đi học) đến nhà tôi, Hai chú thăm bàn thờ ba tôi, thắp nén nhang. Mục đích của  chú là thông báo cho tôi biết việc viết Lịch sử Công an Tây ninh đã được thống nhất và điều ba tôi yêu cầu đã được chấp nhận. Sau này sách in, gia đình tôi được tặng. Trong sách đoạn viết về năm 1949 không nhiều và chỉ có đoạn ngắn thừa nhận sự sai lầm của cách mạng khi bị tình báo Pháp gài bẩy dẫn đến một cuộc thanh lọc nội bộ. Chỉ có vậy , cũng an ủi được phần nào vong linh ba tôi, tiếc là người am hiểu và là chứng nhân rõ nhất là ba tôi đã không còn để viết ra một sự thật khá đau lòng. Ai là người oan ức trong cuộc thanh lọc đó đến giờ còn là dấu hỏi? Người rõ nhất là ba tôi cũng đã mất rồi.



CHƯƠNG 2:
THẾ GIỚI SÁCH



Ba tôi là nhà báo. Ông viết báo thế nào tôi không rõ bởi khi tôi biết hiểu chữ nghĩa thì ông đã không viết báo nữa rồi. Chuyện viết báo của ông chỉ nghe má tôi kể. Ông giỏi viết bài chửi, chửi từ thằng trọc phú đến mấy ông quan chức chính phủ tham nhũng, rồi chửi cả cái chính quyền Sài gòn: " liếm giày đế quốc! cái câu này thì tôi từng được nghe từ chính miệng ông khi thằng cha Bê- đại úy không quân- ở cạnh nhà tôi- cứ mỗi sáng nổ máy xe honda nẹt bô xả khói sang nhà tôi. Ba tôi có mặt ở nhà là ông bước ra chửi: " Đồ thứ liếm giày đế quốc". Cái cha Bê tuổi cũng hơn chị hai tôi chừng chục tuổi, chỉ cười khinh khỉnh rồi phóng xe vọt đi. Lão Bê khoái làm chuyện xả khói sang nhà tôi cũng bởi chứng bịnh hen suyển của ba tôi không chịu được khói. Mẹ bảo, ba tôi có được chứng bịnh này là nhờ vào sự tra tấn của những người đồng chí của ông trong kháng chiến chống pháp khi ông bị nghi ngờ là gián điệp. Lúc đó, ông giữ chức vụ phó Ty Công an mới ghê chứ !

Bởi ba tôi hay chửi nên tờ báo nào ba tôi làm tuổi thọ giỏi lắm cũng được vài năm thì bị đóng cửa, may mắn thì ba tôi không phải ngồi tù. Ngày nhỏ, có lúc ba tôi vắng nhà hàng tháng, sau này lớn rồi tôi mới biết lúc đó ông tạm trú trong khám " Chí hòa".

Lương tháng của ba tôi hẳn là cao nên lần nào ông được lãnh lương là anh em tôi được đưa đi ăn nhà hàng bù lại bao ngày má tôi phải xin thêm cơm và thức ăn xã hội. Điều mà tôi khoái nhất là sách.Má tôi vẫn hay cằn nhằn: Tiền lương đâu không thấy chỉ thấy toàn gửi sách". Gì chứ, cứ vài ngày là có người đem sách đến biếu, thôi thì đủ loai cả. Ba tôi có lúc thì mở ra xem , có khi chẳng buồn ngó bảo với má tôi : " bà đem mà cân ký, đừng để cho bọn nhỏ đọc." Riêng truyện kiếm hiệp thì mấy ông anh của tôi luôn dành lại.

Khi tôi chưa biết đọc, ông anh kế tôi cũng ham đọc sách ( anh lớn hơn tôi 5 tuổi) phải thay má dỗ tôi ngủ, nên nghỉ ra cái cách tiện lợi là đọc sách cho tôi nghe. Tôi khoái anh đọc Tề thiên đại thánh nhưng thường thì chỉ được trang là tôi ngủ mất. Sáng ra, tôi cũng chẳng nhớ gì.
Má tôi sanh tôi khi ở Hòa hưng, lúc tôi còn chưa thói bú, xóm nhà tôi bị cháy. Má hay kể, lúc mọi người la ầm lên cháy nhà, nhìn ra thấy lửa bén đến nhà bên cạnh, má luýnh quýnh một tay bồng tôi, một tay dắt anh tôi mà chạy. Ra ngoài má réo ba tôi gom đồ. Lúc lửa cháy đến nhà mới thấy ba tôi ra ôm khư khư mấy chồng sách chưa kịp bỏ vào thùng. Má phải bắt ba bồng tôi và coi chừng anh tôi để chạy vào gom đồ. Chật vật lắm má mới đẩy ra được cái bàn máy may Singco - một phương tiện kiếm tiền đắc dụng nhất của má tôi thời đó. Còn lại cháy sạch. Sau này, ai hỏi mua cái máy may má một mực không bán và những lúc ấy má lại kể cái chuyện cháy nhà. Ba nghe má nói, thì bảo : Nói không biết chán à? Má lại được dịp: không có nó tụi nhỏ chết đói cả rồi. Sau này, chị hai lấy chồng, má cho chị như là của hồi môn.

Khi tôi bắt đầu biết bập bẹ nhìn mặt chữ, bên cạnh tôi lúc nào cũng có những cuốn truyện tranh.Nhưng tôi chỉ thích xem hình, còn thường là bắt anh chị tôi đọc cho tôi nghe.Lúc đó, tôi đã biết ghét hai mẹ con Cám và thường hai lấy phấn lúi húi vẽ gương mặt của mụ dì ghẻ với cái cằm nhọn đót và những lúc giận dỗi sau khi bị má đánh đòn, tôi thường mếu máo mách với ba tôi, bảo mẹ tôi là mụ dì ghẻ . Giờ thấy lạ, dường như cái tôi ghét tôi lại nhớ dai hơn.

Nhà bên Hòa hưng bị cháy ( cũng may chỉ là nhà thuê,), má thuê nhà bên hẻm Văn Vĩ. Căn nhà nằm trong một cái ngỏ cụt, tối om om vì mấy ngôi nhà lầu cao tầng đẩu ngỏ luôn che khuất mặt trời. Tôi bắt đầu đi học từ căn nhà này.Tuy vậy, việc dỗ tôi ngủ trưa anh tôi vẫn phải đọc Tây du ký cho tôi nghe. Mẹ tôi thì ru tôi bằng những bài ca dao. Giọng mẹ thanh thoát và dìu dặt khiến tôi bao giờ cũng dễ ngủ. Khi đã biết nghe, tôi hay đòi mẹ hát để dỗ tôi ngủ bởi mẹ tôi hát rất hay. Nhờ vậy mà tôi như thuộc nằm lòng bài Hòn Vọng phu 1 từ lúc năm sáu tuổi.

Khi tôi đã có thể tự mình rong chơi, sách với tôi không có hấp dẫn bằng đường phố và nếu như tôi vẫn lớn lên ở cái đất Sài gòn thì không biết bây giờ tôi tôi có còn sống không nữa. Sau khi bà nội mất, ba đưa tôi về ở hẳn Tây ninh. Thế giới đường phố của tôi mất đi thay vào đó là vườn cây cùng sự tỉnh lặng. Tôi lại trở về với sách và trở nên đam mê. Tôi có thể đọc quên ăn, quên ngủ khi vớ phải một cuốn truyện hay. sau giải phóng, Ba tôi lập lại tủ sách và không bao lâu nó trở nên đồ sộ. Tôi thực sự đọc từ lúc học lớp 7. Tối ngấu nghiến tất cả mà không hề kén chọn thể loại nào nhưng nhiều nhất trong cái tủ sách hơn ngàn cuốn của Ba tôi vẫn là sách văn học. Tôi tiếp nhận tư tưởng phương tây thật dễ dàng, cùng với cách giáo dục có phần không giáo dục gì cả của ba tôi khiến tôi mau chóng trở thành một học sinh cá biệt, chẳng giống ai khi tôi chỉ mới học lớp 8.
Thế giới sách tác động vào tôi khá mạnh mẽ và cuốn sách đầu tiên góp phần khiến tôi sớm "hư hỏng" chính là cuốn " Tâm hồn cao thượng" của nhà văn Ý Edmondo De Amicis.
Trong lần tổ chức sinh nhật đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi cho đến giờ, cô chủ nhiệm đã tặng tôi cuốn sách này cùng với sự tự do mà ba tôi đã cho tôi, cái " chủ nghĩa anh hùng cá nhân" trong tôi nhanh chóng hình thành và tôi mê Paven của Ruồi trâu, yêu Maika trong Thép đã tôi thế đấy, kính phục cô gái điếm trong Viên mỡ bò, thương Thằng gù nhà thờ Đức Bà Pa-ri, ám ảnh bởi bác sĩ Noe trong Đèn không hắt bóng, với Andray trong Chiến tranh và hòa bình ...Tôi thích Đostoixki, Macxim Gorki, Sechpia, L.Tonxtoi, Aimatop, Solokhop,Vichto Huygo, Banzach, Jac Lonđon, Hemingway, O. Henry, Remark, Stefan Zweig, Macket...tôi không tài nào nhớ hết. Đối với văn học phương đông tôi chỉ được đọc Lỗ tấn, Tagore...bởi trong tủ sách của ba tôi cũng không có nhiều sách của văn học phương đông. Đối với văn học Việt nam thì hầu hết các nhà văn thời tiền chiến tủ sách của ba tôi đều có và tôi cũng đọc không bỏ cuốn nào nhưng tôi chỉ thực sự thích chỉ mỗi có Nam Cao, Tô Hoài.và Nguyễn Tuân. Trong tủ sách của ba tôi cũng có rất là nhiều thơ nhưng tôi chẳng bao giờ chịu khó đọc quá 10 trang. Đó cũng là lý do đến giờ tôi không thuộc được một bài thơ nào, giỏi lắm cũng chỉ là nhớ được 4 câu. Duy chỉ có thơ của ba tôi là tôi còn thuộc chút đỉnh, trong đó bài thơ tôi thuộc nhiều nhất là bài Ba tôi viết gửi nhà văn Trang Thế Hy

Tay bút run run lòng bỡ ngỡ
Đề thơ tâm sự gửi người xa
Từ thưở biệt nhau nơi xóm nhỏ
Người đi ôn mộng một kinh kha
Không tiếng trúc đưa người chí cả

Ngậm ngùi ta hát tặng bài ca
" Tráng sĩ hề tráng sĩ
Ra đi hề xông pha
Cứu nước non hề cơn loạn lạc
Đem phong ba hề chống phong ba..."

Đường trần mù mịt bao la
Bóng ngươi thui thủi canh tà quanh hiu
Thời gian vỗ cánh cô liêu
Sắt son chết cả trên điều thê nhi
Dẫu cùng đôi bạn cố tri
Ngươi thì sương gió ta thì lụa nhung
Dám đâu hẹn buổi tương phùng
Biệt ly đây buổi cuối cùng đôi ta
Tiễn ngươi một chén quan hà
Ngươi đi đi nhé từ rày trở đi
Đời ta giờ chẳng còn gì
Mua cơm đổi áo nhạt rồi nguyền xưa...


Bài thơ rất dài nhưng đến giờ tôi cũng chỉ thuộc có bao nhiêu đó và đó cũng là bài thơ mà tôi thuộc nhiều câu nhất.
Ngày đó, ở cái tuổi mười lăm tôi đã ngốn ngần ấy sách. cái tâm hồn trong trắng của tôi đã tiếp nạp vô tội vạ mọi nguồn tư tưởng nhưng cũng may cái tính chất nhân văn của văn học thực thụ như thấm vào trong tôi cho dù tôi đã trở thành một thằng nhỏ kỳ lạ, lập dị nhưng không xấu xa được.
Một truyện ngắn của L.Tonxtoi đã cho tôi câu trả lời " Con người ta sống bằng gì?" và một truyện ngắn khiến tôi hiểu về tình yêu thánh thiện của người phụ nữ " 24 giờ trong đời người đàn bà" của nhà văn áo Stefan Zweig- tác giả của tác phẩm Đônkihotê nổi tiếng.
Ngày ấy, tuy còn nhỏ nhưng tôi chỉ cảm thấy thực sự được thoải mái chỉ khi tôi đắm mình trong thế giới sách của tôi và có lẽ cũng nhờ vào đọc sách mà hầu như môn văn tôi không cần phải học hành cho lắm. Tôi đã gây ra không ít sự kinh ngạc cho các giáo viên dạy môn văn.
Tôi nhớ, trong một lần dự giờ khá quan trọng của một tiết văn năm lớp 8, tôi đã làm thấy dạy văn của tôi lúng túng khi tôi phản bác truyện cổ " cái giếng thần".Không chỉ thầy dạy của tôi mà cả các giáo viên dự giờ cũng ngạc nhiên khi tôi cho rằng cái chết của Đambơri là xứng đáng với tội ác của anh ta vì anh ta đã tàn sát quá nhiều người lính làng của chúa đất khiến máu chảy thành sông. Tôi chưa bao giờ được xem là một học sinh giỏi văn ( Phần lớn các giờ văn tôi đều trốn học) nhưng đến kỳ thi tốt nghiệp tôi đã đạt điểm tối đa cho bài luận văn : 9,5 điểm. Trường đã phải họp tổ văn chấm lại lần 2 và giữ nguyên điểm. Tôi bị trừ 0,5 điểm vì viết sai chính tả. Có lẽ, đó là điều duy nhất tôi làm cho ba tôi vui.
Thế nhưng, tôi luôn bị ám ảnh về cái chết, về nhân vật Andrây ( Chiến tranh và Hòa bình) lúc nào ra trận cũng sẵn sàng mong được trúng đạn, được chết. Tôi luôn thắc mắc về việc tự sát của Jac London, Hemigway...và không ít lần tôi đã hỏi ba tôi nhưng những giải thích của ông vào lúc đó không tài nào tôi hiểu được rỏ ràng.
Tôi bắt đầu đọc văn học Việt nam hiện đại của các nhà văn cách mạng có lẽ bắt đầu từ một sự tình cờ với "Người không mang họ" của nhà văn Chu Lai. Với tôi lúc ấy, đó là một tác phẩm mà tôi xem là "người" nhất của Văn học cách mạng lúc đó.
Thế giới sách luôn gắn liền với cuộc sống của tôi cho dù bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những lúc đau đớn và cô độc. Sau này, tôi cũng tập cho con tôi đọc sách nhưng nó chẳng có hứng thú.Nó háo hức với máy vi tính hơn và lớp 6 nó đã tự học và thi lấy được bằng A . Không biết đó có phải là điều may mắn hay không? Bước ra ngoài thế giới của sách,tôi luôn thấy mình cô đơn và cho đến bây giờ...


Chương 3 : Nhà trường