Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Kiến nghị về Đại hội XIII Tác giả: Nguyễn Trung



Tác giả: Nguyễn Trung
(Văn bản tiếp theo thư ngày 25-04-2019 gửi
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và  toàn thể
các Ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ ĐCSVN khóa XII)[1]
Xin đặc biệt nhấn mạnh: Phải thực hiện sớm nhất và trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể việc tạo ra cho nước ta điều kiện tiên quyết là xây dựng thể chế chính trị – nhà nước dân chủ! Đó là thách đố số một đối với toàn thể dân tộc ta lúc này – nhất là đối với ĐCSVN với tính cách là người duy nhất nắm mọi quyền lực trong tay và do đó phải chịu trách nhiệm ràng buộc trong nhiệm vụ kiến tạo ra điều kiện tiên quyết này. Chậm trễ, mọi chuyện sẽ trở nên vô nghĩa để nhường chỗ cho mọi hệ lụy tiêu cực và thảm họa.  
… Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ CNH-HĐH đất nước vào năm 2020 và nhiều thất bại nghiêm trọng khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc là do sai lầm của đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước theo ý thức hệ (CNML/CNXH). (Nguyễn Trung)

———————-  
Hà Nội – Võng Thị, tháng 5 năm 2019
Nội dung
  1. Một số nhận định về tình hình mới 2
  2. Phải làm gì sớm tạo ra điều kiện tiên quyết để thích nghi với tình hình mới? 10
(II.1) Nỗi đau về hòa hợp dân tộc và về giác ngộ yếu kém yếu tố dân tộc và yếu tố dân chủ.                                                                      Tr. 11
(II.2) Sự thật là 43 năm xây dựng CNXH và định hướng XHCN, ĐCSVN đã thất bại trong chiến lược phát huy sức mạnh số một của quốc gia: Yếu tố con người!                                                            Tr. 16 (II.3) Sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước của chúng ta sau 30 năm chỉ đạt được kết quả phát triển kinh tế đất nước theo chiều rộng, chính vì lẽ này xây dựng CNXH / định hướng XHCN ở nước ta đã bị trệch hướng thành CNTB thân hữu.                                       Tr. 20
(II.4)  Với tất cả sự thận trọng của mình, tôi vẫn cho rằng trong 43 năm độc lập thống nhất vừa qua nước ta vấp phải những thất bại rất nghiêm trọng trên mặt trận ngoại giao.                                                      Tr.  26
  • Đại hội XIII khởi xướng sự nghiệp cải cách, bắt đầu từ thay đổi ĐCSVN về đường lối và về tổ chức                                           27
(III.1) Bàn về đường lối                                                                 Tr. 27
(III.2) ĐCSVN cần được tổ chức và hoạt động như thế nào trong một thể chế chính trị mới?                                                                    Tr. 29
(III.3) Mọi việc của cải cách bắt đầu từ Đại hội XIII                    Tr. 39
                                                          Lời kết                                              Tr. 46
Một số nhận định về tình hình mới[2]
Đất nước ta đã hoàn tất từ nhiều năm nay thời kỳ phát triển theo chiều rộng – hiểu theo nghĩa mọi yếu tố cho xu thế phát triển này đã được khai thác tới mức cạn kiệt và chưa hoàn thành CNH-HĐH. Cuộc sống đất nước hôm nay đòi hỏi cấp thiết phải chuyển sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Càng để chậm, đất nước sẽ càng lún sâu vào những ách tắc và bất cập mới, càng tụt hậu và lạc hậu. Thậm chí sự chậm trễ hiện nay đang tích tụ những vấn đề mới, đến lúc nào đó không xa có thể xô đẩy đất nước vào tình thế nguy hiểm vượt khả năng xử lý của thế chế chính trị – nhà nước hiện tại.
[1]Ngày 20-05-2019 bản Kiến nghị này đã được gửi đến: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng, và toàn thể các Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN khóa XII. Bản bạn đọc đang có trong tay được xem lại và bổ sung thêm một số chi tiết để làm rõ những vấn đề được trình bầy. Tôi rất biết ơn bạn đọc nếu nhận được những phản biện, phê phán đúng / sai, những bổ khuyết cho nội dung được nêu trong kiến nghị này, để chúng ta cùng nhau góp bàn những vấn đề của đất nước.
[2] Tham khảo thêm:
Nguyễn Trung, “Đại hội XIII…” http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_DaiHoiXIII.html
Thực tế nêu trên của đất nước lại diễn ra trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung chi phối quyết định sự vận động của thế giới đa cực đầy biến động phức tạp hôm nay. Thực ra chiến tranh lạnh II mang tính chất mở màn cho một giai đoạn phát triển mới của thế giới đã bắt đầu ngay từ khi Nga chiếm Ukraina (2014) và việc TQ kiểm soát trên thực tế và hoàn tất quân sự hóa Biển Đông từ đầu thập kỷ 2010s. Với đối đầu Mỹ – Trung, sự khai hỏa là chiến tranh thương mại giữa 2 nước (bắt đầu từ 2018), cục diện quốc tế đi vào một giai đoạn mới, kết thúc giai đoạn trước đó xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới II (1945).      
 Như đã trình bày trong thư ngày 25-04-2019 gửi Bộ Chính trị, trong cục diện mới của thế giới do đối đầu Mỹ – Trung chi phối, và trong tình hình Biển Đông đang bên miệng hố chiến tranh, hôm nay nước ta đứng trước thách thức:  
Làm sao đất nước ta không phải lặp lại một lần nữa con đường đau khổ đầy xương máu trở thành trận địa của 2 phe – như nước ta đã từng bị đẩy vào trong thời kỳ chiến tranh lạnh I (bắt đầu từ 1945 kể từ sau chiến tranh thế giới II)? Quan trọng hơn nữa, làm sao bảo toàn được những thành quả của 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên để đất nước ta có thể phát triển tiếp?
Trước khi bàn về những thách thức sẽ đến với nước ta trong 2 câu hỏi nêu trên, xin trình bầy đôi điều dưới đây về bối cảnh chung của quốc tế và khu vực liên quan trực tiếp với mọi quyết định và bước đi của nước ta trong thế giới hôm nay.
Nói giản lược, về hình thái ý thức hệ, giai đoạn chiến tranh lạnh I (1945-1991) là giai đoạn đối đầu giữa phe XHCN và phe đế quốc chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới II; song trên thực tế đó là giai đoạn đối đầu giữa 2 đế chế Xô – Mỹ, kết thúc với sự sụp đổ của các nước LXĐÂ cũ, phe XHCN tan rã 1989-1991. Sau đó sự vận động của thế giới chủ yếu là do xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới dẫn dắt, các nước phương Tây giữ vai trò chủ đạo và do Mỹ dẫn đầu.
CHNDTH ra đời 1949, với tư cách là hậu duệ của đế chế lớn nhất, đông dân nhất và lâu đời nhất trong lịch sử thế giới – đế chế Trung Hoa. Sau mấy thập kỷ liên tiếp trỗi dậy bằng mọi giá với mọi thử nghiệm đầy xương máu trong đối nội cho đến thời Đặng Tiểu Bình, cuối cùng TQ đã nắm bắt được xu thế vận động của thế giới, và đã tìm được con đường phục hưng đế chế Trung Hoa trong cao trào của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới bắt đầu từ thập kỷ 1980s. Trong vòng 4 thập kỷ, khởi thủy từ vai trò “công xưởng của thế giới”, hôm nay CHNDTH trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 sau Mỹ và sẽ sớm vượt Mỹ trên phương diện này.
Nắm giữ một tiềm lực to lớn, lại vào lúc có khủng hoảng ở các nước phương Tây, cơ cấu kinh tế thế giới đang có những thay đổi sâu sắc trong quá trình toàn cầu hóa và trong sự phát triển vũ bão của KHKT và công nghệ, dẫn tới CMCN 4.0 hiện nay, TQ Tập Cận Bình tại đại hội 19 của ĐCSTQ  (2017) cho là thời cơ đã đến, quyết định thách thức vai trò số một của Mỹ nhằm tạo ra một trật tự quốc tế mới  không có M – với khát vọng thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” – nghĩa là phục hưng đế chế Trung Hoa[1], dưới lá cờ “CNXH đặc sắc TQ kỷ nguyên mới”!
Trên thực tế, kể từ đại hội 18 của ĐCSTQ năm 2012, với 3 công cụ chiến lược trong tay là (1)sức nặng kinh tế TQ đã mang lại cho TQ những lợi thế thâm nhập nguy hiểm, (2)đã hoàn tất việc chiếm trên thực tế và quân sự hóa Biển Đông làm bàn đạp, và (3)chiến lược “vành đai – con đường” (BRI) đã bủa lưới trên một diện rộng ở châu Á, châu Phi, châu Úc và  đang lan sang châu Âu, TQ đã quyết định khởi sự cho “giấc mộng Trung Hoa. Những bước mở đầu quan trọng TQ đã giành được là: (1)lũng đoạn đáng kể nhiều quốc gia và nhiều thể chế quốc tế và khu vực, (2)giành được ở châu Phi và châu Á những thành công vượt xa chủ nghĩa thực dân mới của phương Tây thời thế kỷ 20, và (3)đã chia rẽ được ở mức đáng kể giữa Mỹ và một số nước EU quan trọng (vì những nước này coi TQ là khách hàng lớn không thể thiếu cho nền kinh tế của họ). Qua đó TQ ngày nay trở thành vấn đề của cả thế giới, vì bản chất của nó là xâm chiếm không ngừng không gian sinh tồn để tồn tại và phát triển, quan hệ với mọi quốc gia theo nguyên tắc mục tiêu biện minh cho biện pháp, muốn thiết lập một trật tự quốc tế thiên triều–chư hầu, đối kháng với phương thức “win – win”, đi ngược lại trào lưu tự do dân chủ và quyền con người trên thế giới. Bản thân CHNDTH là một trại giam khổng lồ đối với các sắc tộc ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông, thực hiện đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến, phong trào Pháp luân công… Những nội dung này hiển nhiên sẽ là những mầu sắc của một trật tự quốc tế mới do TQ muốn dựng lên và dẫn dắt, đi ngược hẳn với xu thế phát triển của thế giới.
Các tổng thống Mỹ từ thời Nixon đến Obama đã mơ hồ và thất bại trong mọi nỗ lực mở cửa cho TQ cùng phát triển với cả thế giới. Mỹ mở cửa nhiều nhất và trở thành thị trường TQ khai thác có hiệu quả nhất, vì Mỹ nuôi hy vọng: Trở thành một cường quốc kinh tế, TQ sẽ cùng với Mỹ hình thành G2 để chia sẻ trách nhiệm dẫn dắt thế giới. Song kết quả lại là TQ trở thành kẻ đối kháng số 1 của Mỹ. TQ hôm nay chẳng những thách thức vai trò số 1 của Mỹ, đã lên kế hoạch đánh đổ hàng hóa công nghệ cao của Mỹ vào năm 2025, mà còn thách thức trực tiếp các giá trị làm nên nước Mỹ,  phân hóa / chia rẽ nghiêm trọng các mối liên minh chiến lược của Mỹ, theo đuổi ý đồ hình thành một trục chống Mỹ bao gồm Nga – Thổ – Iran – TQ, tập hợp các lực lượng khác theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chống Mỹ, với mục đích cuối cùng hình thành một thế giới do TQ dẫn dắt. Mỹ nhận định: Thách thức của TQ hôm nay đối với Mỹ nguy hiểm hơn và vượt xa thách thức của thời LX trước kia Chưa nói đến mối nguy nhiều thập kỷ nay Mỹ nhập siêu từ TQ hàng trăm tỷ USD/năm, nhiều sản phẩm công nghiệp Mỹ bị hàng TQ giá rẻ xóa sổ, từng mảng công nghiệp lớn của Mỹ bị hút vào thị trường TQ (hiện tượng outsourcings) gây ra nhiều xáo động trong kinh tế và trong xã hội Mỹ (đặc biệt là vấn đề việc làm và cơ cấu kinh tế). Trong những thập kỷ gần đây TQ thành công đáng kể trong việc hình thành những mạng lưới gián điệp khác nhau dưới mọi dạng (bao gồm một khối lượng hàng chục nghìn sinh viên và cán bộ TQ học tập, nghiên cứu và làm việc ở Mỹ, thiết lập các mối quan hệ với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế, thành lập hàng chục viện Khổng Tử, “mua” được một số tình báo và nhân vật Mỹ…). Điều tra năm 2018 của chính quyền Trump về thiệt hại do bị TQ ăn cắp công nghệ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ước khoảng 600 tỷ USD[2],  một số học giả Mỹ đã cho rằng TQ làm chiến tranh thương mại bẩn (ăn cắp…) đối với Mỹ từ hàng chục năm nay rồi, v… v…
Khi lên cầm quyền 01-2017, việc đầu tiên Trump thực hiện trong quan hệ với TQ là quét mạng lưới gián điệp của TQ trên đất Mỹ và đồng thời coi TQ là kẻ thù số 1 của Mỹ vì những lý do nêu trên, đặt vấn đề nhất quyết phải làm thất bại khát vọng phục hưng đế chế  Trung Hoa. Trump cho rằng trong quan hệ thương mại với TQ từ hàng chục năm nay Mỹ thiệt hàng trăm tỷ USD/năm, phải chấm dứt tình trạng này[3].
Mục tiêu chiến lược số một của Trump là Làm cho nước Mỹ vỹ đại trở lại!” (Reagan) – “Nước Mỹ trước hết!”. Trong tính toán, Trump chủ trương lôi kéo Nga để chống TQ, hoặc không để xảy ra Nga – Trung liên kết chống Mỹ. Trump đã làm nhiều việc theo hướng này (bao gồm cả việc mặc nhiên thừa nhận vai trò của Nga ở Syrie…). Tuy nhiên cho đến nay Trump vấp phải nhiều trở ngại lớn, ngay trong nội bộ nước Mỹ (một bộ phận Mỹ đứng đầu là phe Dân chủ / Pelosi muốn phế truất Trump). Trong khi đó  EU lại muốn qua NATO cô lập ảnh hưởng của Nga… Song hiện nay Trump vẫn đang quyết liệt xắp xếp lại lực lượng và các liên minh theo ý định của mình – bao gồm cả đàm phán lại và ký kết lại nhiều  hiệp định song phương hay đa phương Mỹ trước đây đã ký với đồng minh, đi những bước chưa từng có như vấn đề tên lửa vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, xúc tiến tứ giác Ấn Độ – Thái Bình Dương chủ yếu nhằm vào TQ, điều chỉnh quan trọng những mối liên minh ở Trung Đông và tăng cường vai trò Israel để cô lập Iran nhằm loại bỏ mọi nguy cơ hình thành trục chống Mỹ, thúc giục NATO và EU phải tự lo cho mình nhiều hơn chứ không thể một chiều dồn gánh nặng cho Mỹ, rút bỏ những hiệp ước về hạn chế các loại vũ khí chiến lược Mỹ đã tham gia, chủ trương ráo riết tăng cường sức mạnh quốc phòng của Mỹ, lần đầu tiên đưa việc xử lý những vấn đề liên quan đến TQ trên Biển Đông vào Luật Ngân sách quốc phòng năm 2019 (NDAA)…
Tất cả nói lên Trump đang xắp xếp lại các mặt trận, thay đổi nhiều nguyên tắc truyền thống trong ngoại giao Mỹ trước Trump, nhằm tạo ra “cuộc chơi mới, luật chơi mới” để thay đổi cục diện thế giới hiện tại, trọng tâm số 1 nhằm vào TQ, chiến dịch mở màn là tiến hành chiến tranh thương mại, với đòn phủ đầu bắt tại Canada CEO tài chính Mạch Vãn Châu của tập đoàn Huawei[4]. Chính quyền Trump coi vấn đề công nghệ 5G và tập đoàn Huawei  mang tính nghiêm trọng, trở thành vấn đề địa chính trị đối với Mỹ còn nguy hiểm hơn cả sự kiện Liên Xô năm 1957 là nước đầu tiên phóng vệ tinh Sputnik (nghĩa là Mỹ bị giật mình!), nên Trump đánh TQ quyết liệt trên mặt trận chiến tranh thương mại – trong đó Huawei là 1 trọng điểm, bằng những phương thức chưa từng có, kể cả những biện pháp không nương nhẹ với các đồng minh của Mỹ để tạo mũi nhọn tập trung vào TQ[5].
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mới bắt đầu được 1 năm (04-2018) song kinh tế TQ đã sớm bộc lộ nhiều yếu kém, tăng trưởng kinh tế tụt sâu nhất (kể từ 30 năm nay tăng trưởng thường xuyên ở mức 2 con số, nhưng  GDP 2018 còn +6,5%), đồng Nhân dân tệ mất giá… Tại hội nghị bất thường lãnh đạo cấp cao cả nước họp ở Bắc Kinh 21-01-2019 Tập Cận Bình thừa nhận: “TQ đang phải đối mặt với những thử thách dài hạn đối với quyền lực lãnh đạo lâu dài của Đảng, cũng như cải cách và mở cửa một nền kinh tế định hướng thị trường trong những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài… …  … …Đảng đang phải đối mặt với những hiểm họa hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm như tinh thần chểnh mảng, thiếu năng lực, xa rời nhân dân, thụ động và tham nhũng. Đây là đánh giá chung dựa trên tình hình thực tế hiện nay…” (theo Tân Hoa Xã cùng ngày). Trong thực tế, TQ phải xuống thang trong đàm phán thương mại với Mỹ, tại hội nghị cấp cao “vành đai – con đường” (BRI) ở Bắc Kinh (25-27/04/2019) Tập Cận Bình phải thanh minh nhiều điều và hứa công khai minh bạch… Nhưng hiện nay (05-2019), TQ lật kèo lần thứ hai, rút lại những thỏa thuận quan trọng đã đạt được sau 2 tháng đàm phán thương mại với Mỹ, vì tính toán thời gian của Trump không còn nhiều, dọa nếu Trump leo thang TQ sẵn sàng trả đũa… Nhưng Trump lại siết mạnh hơn! Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung “vừa đánh vừa đàm” chắc chắn sẽ tái đi tái lại, sẽ bên sứt đầu bên mẻ trán. Những tác động nghiêm trọng của nó có thể chia cắt quá trình toàn cầu hóa hiện nay thành các khối, hoặc gây ra những hiện tượng “giải toàn cầu hóa” (de-globalization, Nouriel Roubini). Các chuyên gia Mỹ đánh giá kinh tế Mỹ đang lên, nên Trump sẵn sàng chấp nhận chứ không xuống thang, có thể lan sang các lĩnh vực chính trị, quân sự (trong đó có Biển Đông), có nhiều dự báo Trump với những việc đã làm được sẽ có nhiệm kỳ II…
Nội trị TQ luôn có những vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, và xã hội;   tuy nhiên trong tầm nhìn có thể có được, hầu như chưa có những dấu hiệu về sự sụp đổ hay tan rã của TQ như một số học giả dự báo, vì bản thân TQ là một thế giới tự nó, và nó quá lớn để có thể tự sụp đổ, nguy cơ tan rã tuy là thường trực nhưng vẫn khó xảy ra. Song cũng trong tầm nhìn có thể có được – nghĩa là trong nhiều thập kỷ tới, hầu như không thể xuất hiện một trật tự quốc tế mới do TQ dẫn đầu; nghĩa là ngay hôm nay có thể khẳng định: Giấc mộng Trung Hoa trong tầm nhìn như vậy sẽ vỡ mộng, trước hết (1)vì những nguyên nhân xuất phát từ bản chất đế chế TQ như đã nói ở trên đi ngược với xu thế vận động của thế giới,  (2)vì Mỹ tuy sẽ không làm vai trò “sen đầm thế giới” (world gendarme) nữa, song vẫn là quốc gia dẫn đầu và cùng với thế giới tiến bộ là những lực lượng tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của thế giới. Trong đối đầu Mỹ – Trung, giới nghiên cứu nói nhiều đến nguy cơ cái bẫy Thucydides[6] – nói ngắn gọn, đấy là nguy cơ đối đầu Mỹ – Trung có thể dẫn tới chiến tranh thế giới III do nghi ngờ nhau giữa 2 bên. Thực ra ngày nay khả năng hủy diệt lẫn nhau quá lớn, nên hầu như nguy cơ cái bẫy Thucydides khó xảy ra. Đối đầu Mỹ – Trung lúc căng thẳng, lúc thỏa hiệp, tạm thời hoặc dài hạn hơn, với Trump và sau Trump, hoàn toàn có thể với những phương thức khác nhau tùy theo mỗi đời tổng thống và xu thế lớn ở Mỹ, bối cảnh quốc tế… Giới nghiên cứu ở Mỹ cho rằng chính giới Mỹ hôm nay (cả Cộng Hòa và Dân chủ) nhìn chung có nhận thức rõ hơn và thống nhất hơn về sự thách thức mang tính đối kháng của TQ đối với Mỹ, song vẫn còn những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề – ví dụ giữa một bên là phe Cộng hòa và một bên là phe Dân chủ. Mới đây nhất Trump đã phê phán Biden (nguyên là phó của Obama) – ứng cử viên cho tranh cử tổng thống khóa tới – là vẫn còn ảo tưởng về TQ! Chưa nói đến đối đầu Mỹ – Trung còn phải chịu sự chi phối ngược trở lại và những tác động tổng hợp của cục diện thế giới đa cực đầy biến động hỗn loạn, bởi vì thế giới hôm nay đa dạng và đa cực – ví dụ bây giờ đang nóng bỏng mối quan hệ Mỹ – Iran, tới mức không một yếu tố riêng lẻ nào dù lớn đến đâu có thể đơn  nhất chi phối sự vận động của thế giới. Tập đã phát động trong nước “cuộc vạn lý trường chinh chiến tranh thương mại” để trả đũa Mỹ.  
Đối đầu Mỹ – Trung chỉ có thể kết thúc một khi trên thế giới đã định hình ra được một khung khổ trật tự mới hiện chưa tiên đoán được. Chiến tranh thế giới III khó xẩy ra, song không có nghĩa tuyệt đối không thể xảy ra, vẫn có những ý kiến cho là chiến tranh Mỹ – Trung là không tránh khỏi – trong đó có Graham Allison / Harvard.  Nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông là thường trực, không loại trừ diễn biến đột xuất. Trong những biến động không lường trước được của cục diện thế giới đa cực hôm nay còn phải tính đến không ít nguy cơ xảy ra tình huống bất khả kháng (force majeure) có thể bất ngờ đảo ngược nhiều thứ. Tuy nhiên thực tiễn năm đầu tiên đối đầu Mỹ – Trung kể từ khi Trump tiến hành chiến tranh thương mại cho thấy: Kiềm chế hay đẩy lùi  được khát vọng giấc mộng Trung Hoa đế chế, khả năng tranh thủ được hòa bình sẽ tăng theo[7].
Đối kháng giữa 2 đế chế có nền kinh tế lớn nhất thế giới, một mặt sẽ dẫn tới xắp xếp lại trật tự quốc tế và mọi mối quan hệ kinh tế toàn cầu, mặt khác sẽ rỡ bỏ hoặc phải thiết kế lại hầu hết các thể chế quốc tế và khu vực đã có được như là kết quả chiến tranh thế giới II (trước hết do Mỹ thiết kế) nhưng nay đã bị TQ thao túng sâu sắc và trở nên lỗi thời, Trump muốn có khung khổ mới thay thế. Trong tình hình như vậy, cục diện thế giới đa cực với nhiều biến động hỗn loạn làm cho đối kháng Mỹ – Trung càng thêm quyết liệt và phức tạp. Thực tế này chi phối sâu sắc sự vận động của thế giới trong nhiều thập kỷ tới hoặc kéo dài hơn nữa, tác động quyết liệt vào mọi quốc gia – đặc biệt là những quốc gia vì những lý do địa lý tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị trở thành nước bên thứ ba với nguy cơ biến thành trận địa trực tiếp của đối đầu Mỹ – Trung, hoặc phải hứng chịu mọi hệ lụy “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, trong đó có Việt Nam tọa độ ngay trên điểm nóng nguy hiểm nhất của chiến tuyến đối đầu Mỹ – Trung: Biển Đông!
Song khác với thời làm Cách Mạng Tháng Tám và phải sống trong chiến tranh lạnh I trong quá trình kháng chiến giành lại độc lập thống nhất đất nước, hôm nay VN là một nước độc lập có chủ quyền, có một nền kinh tế của gần 100 triệu dân, có quan hệ kinh tế – thương mại năng động với hầu hết mọi nước công nghiệp và nhiều quốc gia khác ở cả 5 châu lục, trong đó nhiều nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của nước ta. Nghĩa là Việt Nam hôm nay không phải là một nước nhỏ, giành được vị thế quốc tế và khu vực tương ứng với tầm vóc của đất nước.
Với tính cách là một quốc gia như vậy trong cục diện thế giới sang trang hôm nay, VN hoàn toàn đủ tư cách và có đủ thế và lực tự quyết định lấy vị thế quốc gia mình trong tình hình mới này. Với cương vị là một quốc gia như vậy, VN hôm nay cần vứt bỏ lối tư duy tiểu nhược quốc « theo ai? chống ai? », những suy nghĩ của cảm xúc « bài Trung, thoát Trung – hoặc theo Mỹ / chống Mỹ… ». Trong tình hình thế giới sang trang hôm nay, đối với nước ta tiếp tục ngoại giao đu dây sẽ đồng nghĩa với tự sát, bởi vì mọi diễn biến trong đối đầu Mỹ – Trung đều có tính đối kháng quyết liệt, phức tạp, thậm chí có thể bất ngờ và không dự đoán được, các nước bên thứ ba hoặc sẽ không thể ứng phó kịp theo phương thức quả lắc,  đu dây.., hoặc có thể bị rơi vào tình thế “việc đã rồi! (fait accompli!) và thường là sẽ quá muộn để có thể cứu vãn mà VN đã phải nếm trải trong quá khứ…
Là nước có chủ quyền và theo đuổi quan điểm chiến lược là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với mọi quốc gia trên thế giới, VN cũng không phải cần tới thứ ngoại giao tránh né rất thụ động « 3 không »[8], mà cần khẳng định dứt khoát trước toàn thế giới: Vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng các quốc gia trên thế giới, VN cùng với cả cộng đồng thế giới quyết dấn thân cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, đồng thời quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình bằng mọi giá!
Trước tình hình thế giới và khu vực hôm nay như đã trình bầy trên, Việt Nam cũng cần khẳng định trước thế giới như một cam kết của mình quyết tâm cùng với cộng đồng ASEAN xây dựng nên một Đông Nam Á của hòa bình,  hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Tôi nghĩ (1)với vị trí địa đầu của nước ta tại khu vực do địa lí tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị khách quan tạo ra cho nước ta, (2)dựa vào thế và lực của nước ta tích lũy được hôm nay, và (3)vị thế hiện nay nước ta đã giành được trên trường quốc tế – đấy là 3 yếu tố vừa cho phép, vừa đòi hỏi nước ta phải thực hiện một nền ngoại giao dấn thân như đã trình bầy trên, vì 3 lẽ cơ bản sau đây:
  • Nước ta dứt khoát phải vứt bỏ thân phận quân cờ trên bàn cờ thế giới và khu vực hôm nay để tự quyết định vận mệnh quốc gia của mình, nhất quyết không để cho đất nước mình lại trở thành trận địa cho sự giành giật lẫn nhau giữa các siêu cường.
  • Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển phải tự mình dấn thân giành lấy, phải cùng với cả cộng đồng thế giới dấn thân cùng nhau giành lấy, không thể có chuyện ăn không (no free lunch!), cũng như không thể một mình đi xin mà có được, cũng không thể đơn độc một mình giành lấy được!
  • Xây dựng đất nước phát triển và thực hiện nền ngoại giao dấn thân là con đườngsống và phát triển của đất nước trong mọi tình huống của một thế giới sang trang đầy xáo trộn và đầy biến động nguy hiểm hiện nay; thế và lực hiện đã tích lũy được hoàn toàn cho phép VN theo đuổi mục tiêu chiến lược này.
Điều kiện tiên quyết cho hoàn thành mục tiêu chiến lược nêu trên là VN phải có một thể chế chính trị / nhà nước dân chủ, đoàn kết được toàn dân tộc phát huy mọi tiềm năng của mình, nhất trí cùng nhau đứng lên nắm lấy cơ hội đồi đời đất nước bây giờ mới có.  
Trước thực tế quyết liệt như trên, xin hỏi: ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của mình, có dám nhận về mình trách nhiệm lịch sử trước đất nước là tiên phong đi cùng với toàn dân tộc, xả thân phấn đấu tạo ra điều kiện tiên quyết nói trên để mở ra con đường sống cho đất nước hay không? Đấy là con đường tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình, chủ động chặn đứng nguy cơ “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” đang lăm le ập đến nước ta một lần nữa, – [lần trước đây là con đường nước ta đã bị đẩy vào kể từ sau Cách Mạng Tháng Tám, với 4 cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 3 thế hệ đổ vào đất nước!] Hơn nữa, chủ động giành lấy cơ hội tự quyết định lấy vận mệnh quốc gia mình trong bối cảnh quốc tế và khu vực hôm nay là con đường chủ động bảo toàn mọi thành quả cách mạng đã giành được, có vị thế mạnh để giữ hòa bình và hợp tác, mở ra cho đất nước ta con đường phát triển mới.
Xin nhắc lại một lần nữa để thấy rõ mối tương quan giữa 2 thời kỳ và so sánh:
  • Khi chiến tranh thế giới II kết thúc mở ra cục diện quốc tế mới thời đó, Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định làm Cách Mạng Tháng Tám, dựng lên nước VNDCCH, bắt đầu con đường giành lại thống nhất đất nước và xây dựng nên CHXHCNVN hôm nay.
  • Trong tình hình thế giới sang trang hôm nay đang hình thành dần một trật tự quốc tế mới, ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của nó lựa chọn gì cho đất nước? Trả lời được câu hỏi này, sẽ nhận thức được tầm vóc nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho Đảng ngay tại Đại hội XIII này, không thể trì hoãn được! Giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi mục tiêu chiến lược mới, đường lối mới, và phương thức vận động mới!
Xin đặc biệt nhấn mạnh: Phải thực hiện sớm nhất và trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể việc tạo ra cho nước ta điều kiện tiên quyết là xây dựng thể chế chính trị – nhà nước dân chủ! Đó là thách đố số một đối với toàn thể dân tộc ta lúc này – nhất là đối với ĐCSVN với tính cách là người duy nhất nắm mọi quyền lực trong tay và do đó phải chịu trách nhiệm ràng buộc trong nhiệm vụ kiến tạo ra điều kiện tiên quyết này. Chậm trễ, mọi chuyện sẽ trở nên vô nghĩa để nhường chỗ cho mọi hệ lụy tiêu cực và thảm họa.

  1. Phải làm gì sớm tạo ra điều kiện tiên quyết để thích nghi với tình hình mới?
 Để trả lời câu hỏi phải làm gì và làm thế nào?”, rất cần phát huy dân chủ thảo luận xây dựng trong cả nước và toàn Đảng về những yếu kém phải vượt qua và làm rõ những việc mới sẽ phải làm.
 [Chỉ xin đề nghị: Trong đánh giá những công việc đã làm, nên thống nhất với nhau là quá khứ không thể lặp lại được, và lịch sử cũng không có chữ nếu”song cần nhìn nhận sự vật bằng con mắt của trí tuệ và ý chí hôm nay, để rút ra những bài học và kinh nghiệm. Ở đây chủ yếu đánh giá, phân tích những thiếu sót, thất bại. Việc đánh giá và ca ngợi những thành tích đạt được không đặt ra trong kiến nghị này.]
Trong thư ngày 25-04-2019 gửi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ Chính trị khóa XII tôi đã khái quát tình hình đất nước kể từ khi giành được độc lập thống nhất, và đưa ra nhận định tổng thể:  Mọi thắng lợi hay thất bại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc 4 thập kỷ vừa qua là do ĐCSVN đã vận dụng thành công yếu tố dân tộc và yếu tố dân chủ, hay là đã xâm phạm hai yếu tố quan trọng này.
Xin bàn tại đây một số ý như sau:        
(II.1)Nỗi đau về hòa hợp dân tộc và về giác ngộ yếu kém yếu tố dân tộc và yếu tố dân chủ.
 Có thể nhận xét tổng hợp: Nếu như nguyên nhân cơ bản về đường lối dẫn tới thắng lợi của 4 cuộc kháng chiến chống xâm lược là đường lối cách mạng dân tộc và dân chủ, thì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ CNH-HĐH đất nước vào năm 2020 và nhiều thất bại nghiêm trọng khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc là do sai lầm của đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước theo ý thức hệ (CNML/CNXH).
          Khái quát lại có thể nói: 4 cuộc chiến tranh xâm lược chống lại nước ta (đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh TQ, đánh Khmer đỏ) đều do các thế lực đế quốc mạnh hơn nước ta nhiều lần tiến hànhChiến thắng cả 4 cuộc chiến tranh xâm lược này nói lên VN là một nước mạnhvà khẳng định đường lối đúng của ĐCSVN thời kỳ này: Phát huy sức mạnh của dân tộc và dân chủ, nhờ đó đã động viên được sức mạnh toàn diện của dân tộc, và đồng thời tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ để giành toàn thắng!
          Có một vấn đề tối quan trọng và rất nhạy cảm cho đến hôm nay ĐCSVN vẫn một mực tránh né: Trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngoài việc bao hàm trên thực tế một số cuộc chiến tranh ủy nhiệm khác, còn có một cuộc nội chiến khốc liệt chưa từng có giữa một nửa đất nước chống lại một nửa đất nước, kéo dài suốt 3 thế hệ, với tất cả sự tương tàn thảm khốc một cuộc nội chiến có thể có – một cuộc nội chiến giữa hai quan điểm yêu nước khác nhau! Nội chiến quyết liệt đến mức mỗi bên đều coi bên kia là kẻ phản quốc! Bối cảnh quốc tế vừa là nguyên nhân gây ra, vừa tác động làm cho cuộc nội chiến này vô cùng phức tạp[9]. Cuộc nội chiến này tạo ra vết thương dân tộc mà thời Trịnh – Nguyễn phân tranh cũng không thể so sánh được, và đến hôm nay vết thương này vẫn chưa hàn gắn được – mặc dù gần một nửa thế kỷ sau chiến tranh đã làm dịu được phần nào nỗi đau cắt da cắt thịt này.  Nhưng trước sau vết thương dân tộc này còn nguyên vẹn! Nói là “chỉ làm dịu được phần nào…”, bởi vì đến hôm nay ĐCSVN vẫn không thừa nhận có cuộc nội chiến này, và vì thế không cần hòa giải dân tộc để hàn gắn vết thương này của dân tộc.[10]     Lúc khác xin bàn kỹ thêm những hệ quả nguy hiểm về sự trối bỏ có cuộc nội chiến này. Chỉ xin nói ngay tại đây: Chừng nào còn khăng khăng phủ nhận sự tồn tại cuộc nội chiến này, chừng đó còn tồn tại trên thực tế một sự thật trần trụi tiếp tục gặm nhấm không buông tha đất nước và dân tộc ta: Nước Việt Nam là của riêng người chiến thắng cuộc chiến tranh này! – với tất cả hệ lụy khốn khổ cho nhân dân cả nước, dù là Nam hay Bắc, sống ở trong nước hay nước  ngoài!
Hôm nay, hòa giải dân tộc cho cuộc nội chiến đẫm máu này chưa làm xong, dưới chế độ toàn trị do chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa tư bản thân hữu hiện nay tạo dựng lên ở nước ta (sản phẩm của trệch hướng trong xây dựng đất nước theo định hướng XHCN) lgiữa những người cai trị và những người bị cai trị! [Thực ra coi mâu thuẫn này thuộc phạm trù mâu thuẫn dân tộc là cách nhìn rất khoan dung, vì tôi không muốn khép hiện tượng này vào phạm trù mâu thuẫn mang tính đối kháng. Xin được bàn kỹ sau để khỏi loãng chủ đề đang bàn.]
 Trở lại vấn đề đang bàn: Vì không thừa nhận có cuộc nội chiến, nên sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước, ĐCSVN đã bỏ lỡ cơ hội không bao giờ có thể lặp lại nữa: Thực hiện hòa giải dân tộc, thu giang san về một mối, phát huy sức mạnh toàn dân tộc hàn gắn vết thương chiến tranh, lãnh đạo cả nước đoàn kết dốc lòng xây dựng một nước Việt Nam mới giầu mạnh, tự do, hạnh phúc. Giả thử ngay sau 30-04-1975 làm được như vậy, chẳng những sẽ đáp ứng nguyện vọng ngàn đời của dân tộc và vì mục tiêu vỹ đại này nhân dân ta đã hy sinh chiến đấu ngoan cường trong 4 cuộc kháng chiến trải dài 3 thế hệ liên tiếp vừa qua, mà còn thỏa lòng mong mỏi của bạn bè khắp 5 châu đã mấy thập kỷ liên tiếp ra sức ủng hộ / hậu thuẫn cho kháng chiến chính nghĩa của nhân dân VN – điều này cũng có nghĩa sự nghiệp xây dựng đất nước giầu mạnh, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta như vậy cũng sẽ thu phục tiếp được thiện cảm và sự đồng tình ủng hộ của cả thế giới tiến bộ!
Xin nhấn mạnh: Không ai có thể làm nhiệm vụ hòa giải dân tộc sau nội chiến tốt hơn là chính người chiến thắng cuộc chiến tranh này. Thậm chí còn phải nói: Hòa giải dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng người chiến thắng nhất thiết phải chủ động làm! Đấy chính là điều đã diễn ra sau cuộc nội chiến Bắc – Nam của Mỹ 1861-1865, nhờ đó và từ đó mới có những giá trị tạo dựng nên được nước Mỹ hôm nay! So với đòi hỏi hòa giải này của quốc gia, người cộng sản Việt Nam chiến thắng sau 30-04-1975 quả thực là bé nhỏ! Xin lưu ý cho, không dưới một lần trong lịch sử nước ta, sau khi chiến thắng ngoại xâm, ông cha ta ta đã tìm cách hòa giải ngay với kẻ thù xâm lược, và đồng thời cũng tìm cách khép lại những gì không mong muốn đã xảy ra trong lòng đất nước thời quá khứ.
Thử hình dung,  nếu thực hiện được hòa giải dân tộc ngay sau 30-04-1975, dân tộc ta và đất nước ta mất gì? được gì? Lòng người trong nước và bạn bè thế giới sẽ ra sao!.. Quan trọng hơn tất cả, nếu hòa giải được như thế ngay sau 30-04-1975, nhân dân ta sẽ trưởng thành lên như thế nào trong thế giới hôm nay, và sẽ được cả thế giới nhìn nhận ra sao?! Mà hơn bao giờ hết, đứng trong thế giới quyết liệt hôm nay, dứt khoát dân tộc ta phải là một dân tộc trưởng thành!
Thật khó mà hình dung hết được ý nghĩa nhân văn sâu xa và vỹ đại của giá trị hòa giải này mà nhân dân ta lẽ ra có thể tạo ra được cho chính mình   ngay sau 30-04-1975! Một dân tộc nào, một đất nước nào không cần một giá trị nhân văn như thế! Một dân tộc, một đất nước nào sẽ là gì nếu có giá trị nhân văn ấy làm nên lẽ sống và sức sống của nó trong thế giới hôm nay? Tinh túy, cốt cách của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi chính là cái hồn của giá trị nhân văn này! Xin từng người Việt ta đừng bao giờ quên mình là ai! Và cũng xin từng người Việt ta đừng để cho ai và cũng không để cho bất kỳ thứ “chủ nghĩa” nào lấy đi mất ta là người Việt!
          Đương nhiên trong đà chiến thắng mãnh liệt sau 30-04-1975, với sự ngự trị của tư duy đấu tranh giai cấp của CNML, với ý chí đốt cháy giai đoạn để tiến thẳng lên CNXH, với tư tưởng kiêu binh nữa, rồi nhìn ra trên thế giới phe XHCN lúc ấy (1975) vẫn chưa đổ, v… v.., rõ ràng giả định về cơ hội không thể lặp lại được này là hoàn toàn duy lý và ảo tưởng vào lúc ấy.  Song chính giả định duy lý này lột trần cho chúng ta thấy yếu kém nghiêm trọng nhất của chính mình: Với bất kể lý do gì, vì không thực hiện hòa giải, người chiến thắng rõ ràng đã tự tay mình ném đi thành quả lớn nhất của kháng chiến và của dân tộc, tự tay mình chuốc về cho đất nước sau chiến tranh những tổn thất và đau thương mới! Bởi vì kháng chiến không phải chỉ là để chiến thắng, mà trên hết cả là để làm nên một sự nghiệp mới cho quốc gia! Xin đừng ai quên điều này! Giác ngộ được cái mất không thể lấy lại được này, chúng ta cũng sẽ ngộ thêm ra hôm nay quyền lực và ý thức hệ của ĐCSVN cũng như những yếu kém của chính mỗi bản thân chúng ta đang hàng ngày ném đi những điều quý báu nhất của dân tộc, của đất nước, của văn minh nhân loại,  của chính mỗi chúng ta… – đó là: dân chủ, sự hài hòa bền vững của ý thức “tự do của mọi người là điều kiện phát triển tự do của mỗi người” (K. Marx) để có một môi trường xã hội văn minh, sức mạnh của đoàn kết, sức giải phóng của tự do tư duy, tính sát phạt không thể thiếu của phản biện, khát vọng của trí tuệ, ý chí dám đứng lên là chính mình.., vân vân… Đồng thời ở một vế ngược lại,  trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng đang phải đối mặt với thực tế có không ít những sự việc đang được nhìn nhận là tốt, nhưng thật ra đấy là những sự việc đáng loại bỏ, đáng lên án.., đơn giản vì chúng ta có ý thức hoặc vô ý thức đang dùng những chuẩn đo chứa đựng trong nó quá nhiều sai lệch!
          Thiết nghĩ, vừa mới bước ra khỏi chiến tranh, lúc ấy nhiều thứ mong muốn đương nhiên là không thể! Nhưng ở thời điểm sau gần một nửa thế kỷ như hôm nay, có trấn tĩnh nhìn lại cái đã đánh mất vô cùng cao quý và thiêng liêng không bao giờ lấy lại được nữa, mới ngộ ra được lối ra đúng cho hôm nay, mới ý thức được sâu sắc hơn về chính bản thân mình... Vả lại đến hôm nay ĐCSVN vẫn chưa chấp nhận hòa giải dân tộc cho cuộc nội chiến này cơ mà! Vô cảm như thế làm sao hiểu được khát vọng dân tộc? Vô cảm như thế làm sao vì nước được?
          Khi nào, và sẽ làm được gì để hàn gắn vĩnh viễn vết thương dân tộc đã xảy ra này sẽ còn phải tính tiếp với tất cả hiểu biết, cái tâm và sự chuẩn bị chu đáo, [xin sẽ được bàn sau, tuy nhiên ngay tại đây có thể dự báo cải cách chính trị sẽ có thể mở ra quá trình hòa giải dân tộc cả nước mong đợi]. Nhưng ngay trước mắt không nên làm bất cứ việc gì khoét sâu thêm nữa vết thương này. Quan trọng hơn nữa, ngay từ bây giờ ĐCSVN phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm là đảng đang cầm quyền chứ không phải là ngồi trên dân, phải từ nỗi đau này của dân tộc, để biết đau nỗi đau của dân tộc, để có ý thức đầy đủ chăm lo gìn giữ khối đại đoàn kết dân tộc như gìn giữ con ngươi của chính mình – như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường căn dặn cán bộ, đảng viên… Trong thế giới quyết liệt thời sang trang hôm nay, hơn bao giờ hết nước ta cần có sức mạnh  bất khả xâm phạm và không gì lay chuyển nổi của đại đoàn kết dân tộc – đó cũng chính là sức mạnh bất khả chiến bại và nguồn nghị lực vô tận của quốc gia. Và lịch sử đất nước đã cho chúng ta bài học nằm lòng: Có dân chủ thật sự, sẽ có đại đoàn kết dân tộc thực sự, đất nước này là tổ quốc yêu dấu của mọi người con Việt Nam chúng ta!
          Xin thưa: còn một tồn tại khác quan trọng không kém vấn đề hòa giải dân tộc đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được: Kháng chiến giành lại được độc lập thống nhất đất nước, nhưng nhân dân vẫn chưa có tự do và chưa được hạnh phúc sống theo những giá trị thiêng liêng mình tin tưởng, gửi gắm.., thì kháng chiến để làm gì?
          Nhưng tại thời điểm chuẩn bị Đại hội XIII, tư duy và đường lối của ĐCSVN về cơ bản vẫn còn cố thủ nguyên vẹn trong 2 “lô-cốt” kiên cố, đó là: (1)trong thâm tâm vẫn tiếp tục phủ nhận vấn đề hòa giải dân tộc – vì không thể chấp nhận có một cuộc nội chiến trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ, và (2)tiếp tục vứt bỏ ngọn cờ dân tộc và dân chủ nhân danh kiên trì CNML và nhân danh “độc lập dân tộc gắn với CNXH là sự lựa chọn của nhân dân ta” – thật ra chỉ để bảo toàn quyền lực của Đảng và chế độ toàn trị!
Phải chăng, để tạo ra điều kiện tiên quyết là một nhà nước mạnh của một dân tộc mạnh như tình hình và nhiệm vụ của đất nước hôm nay đòi hỏi, việc đầu tiên là ĐCSVN phải tự giải phóng chính mình ra khỏi 2 “lô-cốt” nêu trên?
Lý tưởng nhất là ĐCSVN hôm nay phải đặt ra cho mình chuẩn mực tổ quốc trên hết để tự giải phóng mình khỏi 2 “lô-cốt” này, nếu không làm nổi thì dựa hẳn vào nhân dân để làm, và như thế chắc chắn sẽ làm được.
Xin nhắc lại, các bậc tiền bối sáng lập ra ĐCSVN – kể từ Hồ Chí Minh,  đều xuất thân từ các tầng lớp trên, họ đặt Tổ quốc trên hết để tự thoát ly tất cả những gì trói buộc và níu kéo họ, và họ đều phải tự giải phóng chính mình trước khi tham gia cách mạng và thành lập Đảng! Đây chính là sự giác ngộ của trí tuệ và ý chí.
Hôm nay, tự giải phóng mình như thế khỏi mọi tha hóa, hèn kém, lỗi lầm và tội lỗi chính là con đường trước mặt từng đảng viên ĐCSVN hôm nay phải tự mình lựa chọn, để dứt khoát bác bỏ con đường tha hóa tiếp và ngày càng đối kháng lại lợi ích quốc gia. Xin hãy suy xét:
  • Ngày trước, đó là giác ngộ để có sự lựa chọn tự giải phóng mình để tham gia vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
  • Ngày nay, đó là sự lựa chọn tự giải phóng chính mình khỏi mọi tha hóa để tham gia vào sự nghiệp bảo tồn đất nước trong thế giới sang trang hôm nay và mở ra con đường phát triển mới của đất nước, gìn giữ danh dự của Đảng như Đảng đã tuyên thệ trước tổ quốc khi thành lập!
Hôm nay phải nói cho hết nhẽ: Người cộng sản Việt Nam chân chính của ngày 03-02-1930, của Tuyên Ngôn Độc Lập, của 4 cuộc kháng chiến anh hùng bất khuất chỉ có tổ quốc và nhân dân, không có gì khác ngoài tổ quốc và nhân dân!
Nếu ĐCSVN hôm nay không bằng mọi cách tự giải phóng mình ra khỏi 2 “lô-cốt” nói trên, đất nước sớm muộn sẽ đứng lên tự mình đi tìm con đường khác – điều này là khẳng định. Bởi vì đây không phải là vấn đề thế giới quan, quan điểm, ý thức hệ, hay lập trường… như lâu nay vẫn nghĩ. Đây là vấn đề sống còn: Yếu tố dân tộc và yếu tố dân chủ là điều kiện phải có đối với bất kỳ nước nào muốn tồn tại và phát triển được trong thời đại ngày nay. Ở vào quốc gia vị trí địa đầu của khu vực như nước ta, ĐCSVN lại càng phải nắm vững điều này! Chính vì lẽ này Võ Văn Kiệt trong thư ngày 09-08-1995 đã kiến nghị với Đảng: Toàn bộ sự nghiệp hôm nay của Đảng đối với đất nước phải bắt đầu từ thay đổi Đảng về đường lối và về tổ chức, để có thể dẫn dắt đất nước cùng đi với cả thế giới, cùng phát triển với xu thế tiến bộ của cả thế giới.
 (II.2)Sự thật là 43 năm xây dựng CNXH và định hướng XHCN, ĐCSVN đã thất bại trong chiến lược phát huy sức mạnh số một của quốc gia: Yếu tố con người!
          Khỏi phải nói gì thêm về VN có sức mạnh tuyệt vời bất khả chiến bại là yếu tố con người! Sức mạnh tuyệt vời này nhiều thập kỷ độc lập thống nhất vừa qua không được phát huy đúng mức, và đang có xu hướng ngày càng mai một. Thật đau lòng và tổn hại cho quốc gia, trong lòng không ít người Việt – nhất là giới trí thức, giới kỹ trị, tầng lớp trung lưu, giới lao động có kỹ năng… – hôm nay đang âm thầm xuất hiện tâm lý sống trên đất nước mà vẫn cảm nghĩ là mình đang tha hương, vì đang xảy ra hàng ngày nhiều thứ khiến mình ghẻ lạnh với đất nước của mình. Ngay trong khi đứng trên đất nước mình mà vẫn ước ao, mưu cầu một cuộc sống khác, một cuộc sống nơi khác!.. Chế độ chính trị đã tha hóa họ, và hoàn cảnh như vậy cũng thúc đẩy họ tự tha hóa! Ai tính được những tổn thất của đất nước vì nguồn nhân lực của đất nước nói chung và bộ phận năng động nhất của nguồn nhân lực đang bị kìm hãm sức sống như vậy? Ai tính được nạn chảy máu chất xám, nạn chảy máu tay nghề, thậm chí nạn chảy máu nguồn nhân lực… đang gây ra cho đất nước thiệt hại gì? Thậm chí chảy máu ngay trên đất nước mình!..
          Cho đến hôm nay, mọi chuyện thường được đổ lỗi cho sự thất bại của nền giáo dục nước nhà. Điều này đúng, nhưng mới chỉ là một nửa sự thật. Nửa sự thật còn lại là những nguyên nhân của thể chế chính trị – nhà nước, do tự bản chất của nó đối lập với sự vươn lên của con người, và vì thế nó không thể dung nạp một nền giáo dục vì con người!
          Xin nói nửa thứ hai trước: Thể chế chính trị – nhà nước của ta có không ít vấn đề đối lập với yếu tố phát triển con người và nền giáo dục tiên tiến nhằm phát triển con người; hoặc không làm ra được bao nhiêu những giá trị gắn bó công dân của mình với chế độ chính trị, do đó tạo ra những tâm lý hững hờ, bàng quan.., tệ hơn nữa là xa lánh chế độ, nếu sự việc nghiêm trọng tới một mức nào đó họ có thể mang tâm trạng coi đất nước không còn là của mình nữa – gọi đúng tên: Đấy là tâm trạng kẻ bị tước đoạt mất đất nước!Xin nhớ cho: Tự do và tổ quốc gắn liền với nhau! Phải mổ xẻ đến cùng như vậy để thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề khi bàn về yếu tố con người và nguồn nhân lực ở nước ta, ngoài ra những khó khăn trong đời sống kinh tế càng gây thêm những phức tạp khác.
Trong cuộc sống hàng ngày có không biết bao nhiêu chuyện đau lòng minh họa cho tình trạng nêu trên: sự thống trị của dối trá, nạn chạy chức chạy quyền, tệ nạn con ông cháu cha, sự phân biệt đối xử, con đường “cơ cấu” và tệ nạn làm quan tắt, bằng giả, sự trấn áp tự do tư duy và áp đặt những cái sai, sự lên ngôi của quyền lực, chính sách ngu dân, sự chà đạp công lý, sự lũng đoạn của tham nhũng, những cuộc mua bán linh hồn, v… v… Nạn gian lận điểm thi tốt nghiệp trung học vừa qua tại vài nơi đã gây xôn xao cả nước. Thế nhưng từ nhiều năm nay triết lý giáo dục đúng đắn của một vài trường đại học tư thục, không ít những quan điểm và nội dung giáo dục hiện đại và những hoạt động tương tự trong nhiều nhà trường khác đã bị bóp chết trong im lặng và hầu như không gây ra phản ứng xã hội nào! Hãy thử tìm hiểu xem đang lặng lẽ tồn tại bao nhiêu cái lệnh “cấm” các loại cùng nội dung như thế từ trên xuống – thành văn hay không thành văn trong các nhà trường!? Nền giáo dục chân chính nào, đạo đức nào của con người có thể tồn tại đúng với chức năng của nó dưới sự lộng hành bằng quyền lực tuyệt đối của những “phản giá trị” như vậy hiện nay ở nước ta?..
Tóm lại, việc phát huy yếu tố con người cho sự ngiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi trước hết thể chế chính trị – nhà nước một mặt phải hậu thuẫn tốt nhất toàn bộ sự vận động của đời sống đất nước trong việc thường xuyên gìn giữ và làm ra những giá trị xã hội, đồng thời bản thân thể chế chính trị – nhà nước ấy phải loại bỏ hết mức có thể trong hệ thống của chính nó và ngoài xã hội những mầm mống gây ra những tệ nạn và tội ác làm băng hoại đạo đức xã hội. Đây là vấn đề cần được hết sức quan tâm.
Về nền giáo dục của nước nhà: Xin hãy lắng nghe những nhà giáo và những nhà khoa học chân chính trong suốt mấy thập kỷ vừa qua liên tiếp kể từ thời giáo sư Tạ Quang Bửu cho đến hôm nay, đã không mệt mỏi nói lên những sai lầm, yếu kém của nền giáo dục nước nhà được mácxít-lêninít hóa theo định hướng XHCN (nói cho sang trọng là như vậy, nói cho hết nghĩa đen: đó là nền giáo dục bị quyền lực và đồng tiền vô đạo đức hóa”!), đã kiến nghị thẳng thắn phải làm gì để có được nền giáo dục đất nước hôm nay đòi hỏi!.. Chúng ta không thiếu trí tuệ và hiểu biết (know how) cho việc hình thành một nền giáo dục nhân văn và hiện đại mà đất nước và từng người dân chúng ta đang rất cần. Song quả thực thể chế chính trị của chúng ta có quá nhiều cái tai không biết nghe hoặc điếc đủ sức làm ngơ tất cả, và đúng là họ có khả năng làm hỏng tất cả! Xin nhắc lại tại đây Võ Văn Kiệt lúc là đương kim Thủ tướng đã cùng với không ít nhà giáo và nhà khoa học chân chính phải chịu thất bại thảm hại trước những cái tai như thế! Kể lại chuyện đau lòng này chỉ cốt để nói lên cải cách giáo dục ở nước ta khó như thế nào với một thể chế chính trị / nhà nước như hiện tại – ngay từ cái rào định hướng XHCN không được phép vượt qua trong nội dung của giáo dục, cho đến việc hình thành đội ngũ cán bộ, những điều kiện vật chất kỹ thuật… Nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu đổ mọi tội lỗi cho cái nghèo – nhưng đổ lỗi cho cái hư, cái dốt và cái ác[11] của thể chế chính trị thì đúng! [Nhiều lúc tôi đã phải thốt lên: Cải cách giáo dục ở nước ta thực chất là vấn đề cải cách chế độ chính trị! Nên mọi chuyện cứ như húc đầu vào đá!]
Như vậy, chúng ta sẽ phải tiếp cận theo 2 hướng đồng thời: Một hướng là từ thể chế chính trị – nhà nước phải chủ động thay đổi chính mình và tạo hậu thuẫn cho cải cách giáo dục – trước hết là trân trọng và nâng niu các giá trị xã hội, chứ không phải là chà đạp chúng! Hướng thứ hai là bản thân ngành giáo dục phải tự vươn lên cải cách chính mình và lấy ngay những thành quả giành được phục vụ đất nước, phục vụ cải cách thể chế chính trị – nhà nước.
Xin cho phép tôi tại đây chỉ lưu ý đôi điều:
  • Dứt khoát không được giáo dục, đào tạo con em chúng ta thành những robots, mà phải xây dựng con em chúng ta làm người với tất cả khát vọng và ý chí làm người! Con người tự do là như vậy! Làm được như vậy, ngay từ khi còn ở trong học đường con em chúng ta đã có thể cống hiến rất nhiều cho cuộc sống với nghĩa là nguồn sinh lực mới cho đất nước và cho cả thể chế chính trị – nhà nước, kể cả với chức năng là người phản tỉnh cho hệ thống chính trị và xã hội, qua đó các em tự trau giồi, phấn đấu cho phẩm chất làm người và làm chủ của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường… Khi vào đời, được giáo dục như thế, con em chúng ta sẽ có được những điều kiện không thể thiếu cho tư cách là người chủ của đất nước.
  • Xin bỏ ngay quan điểm và hành động coi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một công cụ của quyền lực, là cánh tay của Đảng và đang sử dụng / đối xử với Đoàn như vậy (đã xảy ra rất nhiều trường hợp lạm dụng, tầm thường hóa Đoàn sai trái vô cùng, rất đáng lên án!) – vì đây chính là quan điểm coi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một thứ robot. Làm như thế là tước đoạt quyền làm người và không tôn trọng thế hệ trẻ của chúng ta. Bởi vì một khi là robot thì không còn là người với đúng nghĩa được nữa (anh ta / chị ta nếu thành đạt trên con đường công danh sau này, thì cũng sẽ chỉ là con người được lập trình, hoặc là sẽ trở thành kẻ cơ hội!); sau này một robot có địa vị càng cao trong xã hội thì chỉ càng có ích cho duy trì một chế độ nô lệ mà thôi. Như vậy sẽ có việc phải xác định lại vai trò của Đoàn (ví dụ: Đoàn là một tổ chức của thanh niên giúp nhau và cùng nhau phấn đấu làm người trưởng thành, chủ nhân ông tương lai của đất nước, vì hạnh phúc của chính mình và của nhân dân, của đất nước tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vì một Việt Nam rất đỗi tự hào và quang vinh…), và sẽ phải xây dựng lại tôn chỉ và mục đích của Đoàn… Nhân đây xin nhấn mạnh ĐCSVN phải thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận trách nhiệm của mình đối với thế hệ trẻ của đất nước, nhất là phải thấy rõ những hệ lụy của mọi yếu kém trong 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên đã ăn lẹm quá nhiều vào tương lai, để lại cho các thế hệ kế cận của chúng ta nhiều di sản tai hại và gánh nặng lớn.
  • Nền giáo dục nước nhà phải được xây dựng trên nền tảng của tự do trong học thuật, lấy chân – thiện – mỹ làm chuẩn mực phấn đấu, lấy khoa học và lẽ phải làm chân lý, lấy việc vun đắp trí tuệ, những giá trị và truyền thống tốt đẹp của quốc gia, của dân tộc làm mục đích, thâu nạp tinh hoa của văn hóa nhân loại, xây dựng nên cho tổ quốc chúng ta con người nghĩ và làm (thinker and doer)… Đặc biệt là nền giáo dục nước nhà phải sớm xây dựng nên được đội ngũ trí thức đảm nhiệm được vai trò là chỗ dựa và là người dẫn dắt trí tuệ của đất nước! Cả nước phải chung tay vào nhiệm vụ này. Vấn đề cốt lõi là thể chế chính trị của đất nước có thu phục được lòng người và giang san về một mối, thì mới có khả năng thực hiện được nhiệm vụ này! [Xin đừng nhầm đây chỉ là vấn đề đãi ngộ vật chất hoặc tinh thần, dù rằng không ít trí thức có thể mua được! Song mua được thì cũng có thể mua đi bán lại hoặc vứt bỏ được, nhưng chỗ dựa của đất nước thì không thể và không được phép mua đi bán lại!]
  • Một thách thức quyết liệt của CMCN 4.0 đang gõ cửa đất nước ta: Một số doanh nghiệp gia công lớn của VN đã bắt đầu phải giảm 10%, 20% và trong tương lai không xa còn có thể sẽ phải giảm tiếp nữa số lao động trong doanh nghiệp của họ; đơn giản vì giá thành và chi phí với nguồn lao động như đang có từ một thập kỷ nay tăng lên 50%, trong khi đó giá bán sản phẩm hầu như tăng không bao nhiêu hoặc có những sản phẩm giảm! Một số doanh nghiệp gia công ở nước ta đã phải đưa robots và phương thức quản lý mới vào để giảm giá thành, qua đó dư dôi ra ngày càng nhiều lao động không cần đến nữa. Làm gì với số lao động dôi dư ra trong quá trình này, nhất là phần đông số họ không được hưởng một quá trình giáo dục và đào tạo nghề có căn bản!? Chưa nói đến cả nước hiện nay mới chỉ có 11% lao động được đào tạo nghề chuyên môn, nhiều ngành nghề mới chưa có lao động được đào tạo… Gánh nặng lại đè lên ngành giáo dục và đào tạo. Thể chế chính trị của ĐCSVN hiện tại dù có phép tiên cũng không giải quyết nổi những vấn đề lớn này. Nghĩa là tầm vóc những vấn đề nước ta phải giải quyết trong nền kinh tế quốc dân và trong nền chính trị quốc gia, cũng như trong những vấn đề văn hóa xã hội khác, trong bối cảnh thế giới hôm nay… đang ngày càng vượt xa năng lực và phẩm chất của thể chế chính trị toàn trị hiện thời của ĐCSVN! Chỉ còn một lối thoát duy nhất: Phải cải cách thể chế chính trị hiện nay của ĐCSVN, để giải phóng mọi năng lượng của nền kinh tế quốc dân và nghị lực sáng tạo của dân tộc; nghĩa là phải chuyển hẳn từ nắm quyền sang cầm quyền, để thực hiện tốt nhất sự nghiệp giải phóng nguồn nhân lực của đất nước, bắt đầu từ một nền giáo dục mới! Hôm nay, và từ nay về sau và mãi mãi, một nền giáo dục chân chính luôn luôn là yếu tố quyết định vận mệnh đất nước!
(II.3)Sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước của chúng ta sau 30 năm chỉ đạt được kết quả phát triển kinh tế đất nước theo chiều rộng, chính vì lẽ này xây dựng CNXH / định hướng XHCN ở nước ta đã bị trệch hướng thành CNTB thân hữu.
Đấy là đánh giá của tôi đã trình bày trong thư ngày 25-04-2019 gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ chính trị khóa XII. Xin được nói rõ thêm sau đây.
Loại bỏ yếu tố thời giá, năm 1986 nước ta có GDP p.c là khoảng 200 USD, năm 2018 đạt 2400 USD, tăng khoảng 12 lần, đạt mức quốc gia có thu nhập trung bình (thấp). Như vậy ta so với ta thành tích đạt được không thể nói là nhỏ. Tuy nhiên thành quả này quá đắt so với công sức và cơ hội đã bỏ ra, và quá nhỏ bé vì cùng khoảng thời gian này (1986-2018) – ví dụ TQ tăng 25 lần, Hàn Quốc tăng 40 lần, v… v..!  Càng chạy đua như vậy, ta đang càng rớt lại phía sau[12].
Vấn đề đặt ra cho nước ta không phải chỉ có bản kết toán quá đắt nêu trên, mà còn nghiêm trọng hơn ở chỗ tiếp tục con đường đất nước đang đi sẽ dẫn tới ngõ cụt – bởi vì không gian và điều kiện cho phát triển kinh tế theo chiều rộng về cơ bản đã tận dụng hết. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế không mang lại sự phát triển tương xứng cho đất nước, những giá trị xã hội mới tạo ra được cho đất nước quá ít và mong manh, song có quá nhiều giá trị nguồn gốc và giá trị truyền thống của đất nước bị chủ nghĩa tư bản thân hữu và chủ nghĩa tư bản hoang dã hủy hoại, đạo đức xã hội xuống cấp chưa từng thấy, môi trường tự nhiên bị phá hủy nặng nề. Đất nước thực sự đứng trước nghịch lý: Mức sống vật chất của đất nước cao hơn nhiều so với khi chiến tranh kết thúc, nhưng do mọi nguyên nhân phát triển của chủ nghĩa tư bản thân hữu và của chế độ chính trị đã bị biến tướng thành chế độ toàn trị, sức đề kháng hôm nay của đất nước bị suy yếu, đất nước tích tụ ngày càng nhiều ách tắc mới, căng thẳng mới, lại vào lúc thế giới đi vào một cục diện mới đầy những thách thức nguy hiểm, lòng dân phân tán.
Phải nói 30 năm CNH-HĐH (1986-2018) như vậy làm suy kiệt đất nước thì đúng hơn, bởi vì đường lối sai, thể chế chính trị bất cập, chính trị của quyền lực Đảng tuyệt đối can thiệp quá sâu vào kinh tế, nên một mặt đã dẫn tới những quyết định kinh tế sai lầm gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế đất nước, mặt khác khiến cho CNTB thân hữu xuất hiện làm khuynh đảo toàn bộ đời sống đất nước; và toàn bộ thực trạng này vừa gắn liền với và vừa thường xuyên tạo ra cơ hội cho sự lũng đoạn sâu sắc của quyền lực mềm TQ [rất đáng mổ xẻ mối quan hệ hữu cơ giữa sự xuất hiện CNTB thân hữu ở nước ta và sự can thiệp của quyền lực mềm TQ]. CNH-HĐH như vậy đã gây ra lãng phí và tổn thất rất lớn cho quốc gia, tham nhũng chẳng những đã cướp đi cơ hội phát triển của đất nước mà còn gây ra bao nhiêu bất công xã hội và tội ác mới, giam hãm tiếp đất nước trong lạc hậu, tụt hậu và cái nghèo. Thử nhìn xem: Nguồn lực huy động cho CNH-HĐH to lớn như vậy hầu như không một nước đang phát triển nào trên thế giới này dám mơ tới, thế mà sau 30 năm CNH-HĐH ta vẫn là nước đi làm thuê, làm không đủ ăn, nợ ngày càng nhiều; hàng chục năm nay mỗi năm có khoảng 10 tỷ USD kiều hối mà đất nước hôm nay không có nổi khoảng 6 tỷ USD để làm đường cao tốc Bắc-Nam – và đang có ý kiến muốn vay tiếp và mời TQ vào làm[13] (!?).  
Một ví dụ nữa: Nghị quyết số 23 ngày 22-03-2018 của Bộ Chính trị vạch ra CNH-HĐH đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn hiện đại hóa đến năm 2045. Thế nhưng chỉ vài tuần sau, ngày 16-04-2018, Quốc hội họp muốn ban hành bằng được Luật về 3 đặc khu kinh tế, bị cả nước phản đối quyết liệt.
Nên hiểu hai sự việc mâu thuẫn nhau này như thế nào? 
Thật không thể hiểu nổi: Đây là chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hay đây là ý muốn và cách của QH thực hiện NQ 23? Mà nếu NQ 23 và ý muốn như vậy của QH là thống nhất thì vô cùng nguy hiểm cho Đảng và cho đất nước! ĐCSVN dứt khoát phải xem xét lại rạch ròi toàn bộ sự việc này để nhìn lại chính mình.
Vân vân…
Sự thật đất nước đang ngày càng đi sâu vào nghịch lý: Càng phát triển, chế độ chính trị và đạo đức xã hội càng xuống cấp, ĐCSVN tiếp tục suy thoái, phát sinh ngày càng nhiều vấn đề nan giải. Nguy hiểm nhất là sự phân hóa xã hội trong quá trình tha hóa của chế độ toàn trị hiện nay một mặt gây ra ngày càng nhiều các “vùng trắng” với những lỗi lầm và tội ác xói mòn an ninh, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, mặt khác bản thân chế độ chính trị bất công đang gây ra ngày càng nhiều sự việc tích tụ  những mâu thuẫn nội tại có tính bùng nổ đối kháng, tất cả đang hình thành dần dần một thứ nội xâm có lẽ còn nguy hiểm hơn ngoại xâm!
Hôm nay có đủ thực tiễn 3 thập kỷ CNH-HĐH của đất nước để nói: Thể chế chính trị của chế độ toàn trị ở nước ta như hiện nay không thể hoàn thành được sự nghiệp CNH-HĐH và không thể phát triển đất nước. Chất lượng nền kinh tể quốc dân hiện nay (2019 và những năm tới) chủ yếu vẫn là tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng – trước hết với nghĩa tăng trưởng chủ yếu do đầu tư mới với công nghệ thấp hiện có, chứ không phải do năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao, cho nên sắp tới dù có muốn đổ thêm bao nhiêu công sức, tiền của và cơ hội vào nữa cũng không thể thay đổi được xu thế phát triển này nếu không có cải cách chính trị. Vì thế tôi lo rằng NQ 23 của BCT sẽ khó thoát khỏi số phận các NQ trước đây của ĐCSVN về CNH-HĐH. Thật ra giữ cung cách làm ăn như hiện nay, sắp tới hầu như chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ là tích tụ thêm ách tắc mới, và sẽ vỡ nợ, để kéo theo đổ vỡ tất cả! Trong 30 năm qua hầu như đã bán hết mọi thứ có thể bán được để tiêu sài. Hôm nay lấy gì và ở đâu ra mà đổ thêm vào nữa? Xin đừng quên quá thiên về phát triển kinh tế lấy tăng trưởng GDP làm thước đo, mà không có được chất lượng cao của tăng trưởng như hiện nay, sẽ luôn luôn đồng nghĩa với tự tích lũy ách tắc mới, tạo ra nấc thang xuống cấp mới của xã hội, để cuối cùng sẽ tạo ra khủng hoảng, đổ vỡ! Dân gian  mỉa mai: Càng nhiều công trình mới càng có cái ăn! Hiệu quả kinh tế không quan trọng!.. Đã có những tiếng nói cảnh báo xác đáng: Với thể chế này, cái bẫy “quốc gia thu nhập trung bình” là không tránh khỏi!..
Không hoàn thành được nhiệm vụ CNH-HĐH vào năm 2020 nói đúng tên của sự việcĐó là thất bại nghiêm trọng của giai đoạn phát triển đầu tiên của đất nước sau khi giành được độc lập thống nhất, cần được tổng kết, đánh giá nghiêm túc mọi mặt để mở đường cho những bước phát triển tiếp theo của đất nước, rất mong huy động trí tuệ cả nước làm được việc này.
Không phải ai khác, sau khi VN gia nhập ASEAN (1995) Lý Quang Diệu sau nhiều lần trao đổi với Võ Văn Kiệt đã kết luận: VN là nước có nhiều điều kiện nhất trở thành con hổ kinh tế ở Đông Nam Á. Ông Lý đưa ra những khuyến nghị cụ thể: Tận dụng lợi thế nước đi sau – nhất là những bài học thành / bại của các quốc gia, những kinh nghiệm tránh nguy cơ bãi rác và kinh nghiệm lựa chọn con đường công nghiệp hóa, phát triển nguồn lực con người là yếu tố số một, quản lý đất nước bẳng luật pháp và công khai minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình…  Sau này, vì thất vọng, chính ông Lý nói thẳng với giới báo chí những thất bại của VN. [Tôi không kiểm chứng được có tin nói rằng ông Kiệt bị chất vấn việc muốn mời ông Lý làm cố vấn.]
Phải chăng tuyên giáo và báo chí lề phải hình như không biết, hay đang cố tình làm ngơtrước toàn bộ tình hình phát triển của đất nước trong 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên như được khái quát sơ lược trên đây? Chỉ thấy tuyên giáo và báo chí lề phải đang cố khuếch trương quá khứ lịch sử hào hùng, và đang tâng bốc các thành tích tăng trưởng, bỏ qua những vấn nạn đất nước đang phải đối mặt,  nịnh bợ cấp trên, giấu dân và giấu Đảng sự thật phũ phàng nêu trên, nhưng vẫn tiếp tục trấn áp những tiếng nói của sự thật. Nội dung tuyên giáo và báo chí như thế sẽ đưa đất nước về đâu trong thế giới quyết liệt hôm nay?
Đề nghị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nên chỉ thị cho tuyên giáo đứng ra tổ chức những diễn đàn công khai trong cả nước, không áp đặt một chiều, mà phát huy dân chủ và tinh thần yêu nước, huy động trí tuệ cả nước đánh giá thực trạng quốc gia, nhận thức đúng đắn tình hình và nhiệm vụ mới, thống nhất ý chí và quyết tâm của cả nước trước những vấn đề sống còn đang thách thức đất nước. Nhìn thẳng vào sự thật có nghĩa là như thế! Năm 1986 ĐCSVN đã làm được như thế. Vì dân vì nước thì hôm nay phải làm như thế!
          Toàn bộ thực tế vừa trình bầy trên khẳng định: Cải cách thể chế chính trị là điều kiện tiên quyết để xúc tiến tiếp CNH-HĐH, và chỉ như thế mới hy vọng thành công, xây dựng nên một quốc gia hiện đại.
          Một vấn đề hệ trong là Đảng cần tạo ra nỗ lực chung của cả nước xây dựng đội ngũ doanh nhân của nước nhà với tính cách là những người lính tiên phong của đất nước trên mặt trận kinh tế. Họ và đội ngũ trí thức của đất nước – trước hết là những người làm khoa học – kỹ thuật, sẽ là những người trực tiếp góp phần quan trọng hình thành đường lối chính sách phát triển kinh tế đất nước, lập nên những tập đoàn kinh tế tư nhân có vai trò làm rường cột cho nền kinh tế quốc dân, và đồng thời đại diện cho thương hiệu của Việt Nam trên thương trường quốc tế với 2 nội dung (1)chất lượng, và (2)chữ tín. Toàn bộ công việc này chính là sự khởi nghiệp của quốc gia hôm nay, do các doanh nghiệp tư nhân lớn của nền kinh tế quốc dân gian khổ xây dựng nên; thể chế chính trị – nhà nước có nhiệm vụ hậu thuẫn cho quá trình từ những doanh nghiệp lớn này tạo hợp thành đầu tầu dẫn dắt nền kinh tế quốc dân của một nước Việt Nam mới[14]. Xin mạo muội tóm tắt: Đó là quá trình trí tuệ và ý chí cả nước cùng với sự hậu thuẫn của hệ thống chính trị quốc gia vào cuộc, với tất cả khát vọng và nghị lực của mình thế hệ này qua thế hệ khác, với tất cả kiên trì và mục đích rõ ràng, tạo nên thương hiệu “made in Vietnam trên thương trường thế giới! Chắc chắn, đây sẽ phải là nhiệm vụ của “nghiên cứu” (bao gồm cả nghiên cứu chính sách, luật pháp, và R&D) “cởi trói”, “tháo gỡ những vướng mắc”, “hậu thuẫn”, “vận động xã hội”… và phải thực hiện thường xuyên liên tục qua các thế hệ, nhưng phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Chắc chắn đây sẽ phải là nhiệm vụ của một dân tộc hòa giải, đoàn kết, thấm thía sâu sắc con đường đầy máu và nước mắt mình đã phải trải qua để thành đạt được bước đầu tiên là có đất nước độc lập thống nhất, và hôm nay phải đi bước tiếp theo là cùng nhau xây dựng nên thương hiệu của đất nước để sống. Còn gì đúng đắn hơn nếu ĐCSVN hôm nay dựa vào trí tuệ và mong muốn tỉnh táo của cả nước quyết thay đổi chính mình, để tạo ra cho mình phẩm chất mới và năng lực mới phục vụ thành công một sự nghiệp như vậy của đất nước, của dân tộc!?
Chỉ vì 30 năm CNH-HĐH vừa qua không làm được như vậy, nên đã để cho làm ăn chụp giựt dựng lên ở nước ta CNTB thân hữu làm khuynh bại tất cả! Suy cho cùng, nhất thiết phải thay đổi thể chế chính trị của đất nước! Xin đừng làm việc này theo kiểu “phong trào”, đại ngôn họp hành hội nghị để động viên, kêu gọi… Làm như thế, chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội, đầu cơ..!
Nhiều ý kiến xác đáng vẫn nói: ĐCSVN không thể thay đổi được, nó chỉ có tự sụp đổ hoặc bị lật đổ, để sau đó đất nước có thể đi trên con đường phải đi của mình! Ý kiến này không sai, hoàn toàn hiện thực, nếu ĐCSVN bất chấp tất cả, chỉ lấy tự bảo vệ sự tồn tại của mình làm lẽ sống! Nhưng đây sẽ là kịch bản thảm họa! Ai muốn chọn?
Vẫn còn một con đường khác nữa!
Hôm nay, trước sau tôi vẫn kiên trì con đường Võ Văn Kiệt: Sự nghiệp của ĐCSVN hôm nay đối với đất nước phải bắt đầu từ xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức! Đem tôi ra bắn, tôi vẫn sẽ nói như vậy! Từ mấy chục năm nay tôi vẫn nghĩ như vậy.
          Trên bầu trời kinh tế VN đang manh nha một ánh sáng mới: Từ vài năm nay một số quả và thực phẩm của VN từ những địa phương khác nhau trong cả nước ngày càng được yêu thích ở những quốc gia kén chọn nhất! Nói hình ảnh: Người nông dân Việt Nam  qua sự kiện này đã từ đồng ruộng của mình đi thẳng tới các siêu thị khó tính nhất của thế giới! Bước đi ngoạn mục này là thành quả tổng hợp của (a)không biết bao nhiêu nỗ lực ở các khâu công việc khác nhau, (b)của không biết bao nhiêu mắt xích kết nối những khâu  công việc này lại thành một chuỗi liền mạch của các cung đoạn khác nhau để trở thành một hệ thống hoàn chỉnh, từ các điểm vào khác nhau của đầu vào, đến điểm đến cuối cùng của đầu ra là siêu thị, (c)của những nỗ lực và biết bao nhiêu việc không tên để vượt qua n loại trở lực khác nhau – trong đó không ít rào cản hay bất cập của thể chế, chính sách và một số luật hiện hành – đặc biệt trong đó có vấn đề đất đai, vần đề bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, vấn đền bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề vốn… – và (d)của bàn tay bà đỡ của bộ máy nhà nước mà ông trời yêu thương run rủi cho sản phẩm này (nghĩa là bàn tay này hãy còn bé quá, khiêm tốn quá, và không phải / chưa phải là thường trực), (e)còn cộm lên những gì chưa làm được, những tồn tại, (f)còn phải làm những gì nữa để bảo hiểm và bảo đảm mỗi bước đi mới, mỗi mạo hiểm mới?!.. V… v… Tổng hợp những liên kết đã hình thành con đường như vậy đi từ đồng ruộng VN đến siêu thị trên thế giới chính là sự phác họa ra con đường phát triển đất nước nên đi, phải đilà sự  hình dung hay những gợi ý quan trọng cho hình thành chiến lược kinh tế nước ta cần lựa chọn!..  Xin đầu tư thỏa đáng chất xám và nghị lực cho công việc tổng hợp này để hình thành nên chiến lược và những quyết sách của quốc gia từ thực tiễn cuộc sống như thế của đất nước. Cách làm này tốt hơn việc ngồi ở phòng họp soạn thảo nghị quyết như đang làm để chuẩn bị cho Đại hội XIII. Thời gian vẫn hoàn toàn đủ và cho phép chuẩn bị Đại hội XIII theo cách phải làm này. [Nhưng ai làm? Câu hỏi này đạo đức không trả lời được. Người trả lời phải là quyết tâm chính trị từ lãnh đạo cấp cao nhất cả nước.]
Sau Vinamilk, TH Milk… đối với tôi những ví dụ nêu trên đây là tin vui lớn, hy vọng lớn. Vài hôm nay có tin nói Vietel đã có bước đi thành công bằng con đường riêng của mình xây dựng công nghệ 5G cho đất nước không đi qua con đường hợp tác với Huawei – nếu đúng, tôi hy vọng là thế – sẽ càng rõ kinh tế VN hoàn toàn có thể đi trên thương trường thế giới bằng đôi chân của chính mình! Chắc chắn kinh tế nước nhà còn nhiều những ánh sáng đẹp như thế, mong sao sớm tạo thành một bầu trời sáng của VN!
Có thể nói những bài học thành / bại, những gợi ý, những know how, những ví dụ cụ thể, những cases studies… mà VN đang rất cần cho thiết kế được con đường phát triển của mình phía trước… tất cả đều có sẵn trong thực tiễn kinh tế gian lao của VN 43 năm qua. Cần chắt lọc ra từ chính cuộc sống của đất nước ta, và cần được cập nhật với trí tuệ của thế giới hôm nay, để có một con đường phát triển đúng đắn! Không có lý do gì trí tuệ của VN không xây dựng nổi cho đất nước mình chiến lược phải có trong thế giới hôm nay và trong những thập kỷ tới… Lẽ dĩ nhiên phải có dân chủ và có tự do tư duy, phải minh bạch, làm ăn theo pháp luật, chịu trách nhiệm giải trình…  Vì thế cải cách chính trị là bắt buộc!
Nói cho cùng: Chỉ còn thiếu ý chí của ĐCSVN dám nhìn thẳng vào sự thật!
Ở thời đại CMCN 4.0 hôm nay không thể tránh né hoặc nấn ná được nữa. Bởi vì sức mạnh số một của nước ta là nguồn lực con người, song đây vẫn là điểm yếu nhất và bất lợi nhất của đất nước: Cho đến hôm nay cả nước vẫn còn tới 78,3% lao động không có nghề; lao động nông nghiệp chiếm 40% lao động cả nước trong tình hình ruộng đất vô cùng manh mún (cả nước có 13,8 triệu nông dân song có tới trên 7 triệu mảnh ruộng với diện tích khoảng trăm đến vài trăm… m2/mảnh!), chất lượng lao động có trình độ chuyên môn xếp hạng thứ 81 trên thế giới (so với trong ASEAN: VN xếp sau Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan), có dịp là ồ ạt xin đi làm thuê ở nước ngoài… Hiển nhiên: Ưu tiên phát triển kinh tế dựa vào  chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ cao, với thể chế chính trị – kinh tế – xã hội phục vụ tốt nhất mục tiêu chiến lược này, đây chính là lối ra của đất nước hôm nay, nhất thiết phải lựa chọn.
«Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và World Bank xây dựng rất công phu, có nhiều gợi ý tốt, rất đáng được quan tâm tại Đại hội XIII sắp tới. Báo cáo đặc  biệt nhấn mạnh bây giờ là lúc VN cần giải quyết 6 vấn đề dài hạn,  “… bao gồm (i) hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; (ii) xây dựng năng lực sáng tạo quốc gia; (iii) quản lý đô thị hóa nhằm tăng hiệu quả kinh tế; (iv) tăng cường tính bền vững môi trường và nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu; (v) tăng cường bình đẳng và hòa nhập xã hội; (vi) xây dựng thể chế hiện đại vì một nhà nước có hiệu quả.”  Báo cáo này nhấn mạnh: VN cần thực hiện cách mạng tư duy với quyết tâm chính trị cao để thành công!
(II.4)Với tất cả sự thận trọng của mình, tôi vẫn cho rằng trong 43 năm độc lập thống nhất vừa qua nước ta vấp phải những thất bại rất nghiêm trọng trên mặt trận ngoại giao.
chủ đề này quá nhạy cảm, không thể viết ra trên giấy trắng mực đen ở đây được, xin được bàn kỹ vào dịp thuận tiện. Song về nhiệm vụ đối ngoại của đất nước hiện tại và sắp tới, xin dược lưu ý một số điểm sau đây.
  1. Cần gìn giữ mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với TQ, nhưng nhất thiết phải thiết kế lại mối quan hệ với TQ theo đúng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình mà TQ và Ấn Độ đã đề xướng 29-04-1954 (tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, 2. không xâm lược lẫn nhau, 3.không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, 4.bình đẳng và cùng có lợi, và 5.cùng chung sống hòa bình). Thực tiễn ngoại giao VN cũng cho thấy phải cùng đi được với cả thế giới thì mới có thể xây dựng được quan hệ với TQ theo tinh thần đang nói trên đây. VN không có một lợi ích nào chống TQ, song cũng phải làm cho phía TQ hiểu (1)phía VN không thể chấp nhận sự xâm phạm biển đảo và sự can thiệp của quyền lực mềm như hiện nay của TQ đối với VN, (2)khuyên TQ đối xử đúng đắn với VN, vì điều này chẳng những có lợi cho cả 2 nước mà còn có lợi cho việc cải thiện hình ảnh của TQ đối với thế giới, (3)thông báo cho phía TQ biết vì lợi ích của cả 2 bên, VN sẽ thực hiện ngoại giao nói thẳng, nói thật và công khai minh bạch giữa 2 nước. Về quan hệ với các nước khác và những vấn đề đối ngoại khác xin được bàn vào dịp thuận tiện. Hơn nữa, Phần I của kiến nghị này đã cố gắng trình bầy một số vấn đề quan trọng trên thế giới và khu vực liên quan đến nước ta, với hàm ý khuyến nghị những vấn đề nước ta cần quan tâm và hướng lựa chọn đối sách, với ý chủ đạoVN phải lựa chon con đường tự quyết định lấy vận mệnh đất nước mình trong thế giới sang trang hôm nay, dứt khoát vứt bỏ ngoại giao đu dây và thân phận làm quân cờ trên bàn cờ thế giới, VN cần có một nền nội trị mạnh để thực hiện. Chưa bao giờ VN có cả thế giới đứng về phía mình như hôm nay, ngoại trừ TQ. Nếu chế độ chính trị của đất nước có dân sẽ giải quyết được vấn đề TQ, nhưng không phải theo cách đã làm như từ hội nghị Thành Đô đến nay!
  2. Cần chuẩn bị cho đất nước khả năng ứng phó hiệu quả với tình huống bất khả kháng (force majeure) xẩy ra với nước ta từ bất kề nguyên nhân đối ngoại nào và dưới bất kỳ hình thái nào (kinh tế, chính trị, chiến tranh, thảm họa môi trường…), kể cả từ phía TQ, tình hình khu vực đang ngày càng nóng lên. Đây phải là sự nghiệp của toàn dân và cả nước, phải dựa vào ý chí và sức mạnh của toàn dân và cả nước để ứng phó. Do đó cần chuẩn bị thỏa đáng và có trí tuệ cho nhân dân ta khả năng ứng phó hiệu quả tình huống bất khả kháng ngay trong lúc đang có hòa bình. Dứt khoát không che giấu nhân dân, nhất quyết không để cho nhân dân bị động[15].
  3. Cần xây dựng một nền ngoại giao dựa trên một nền nội trị mạnh, đoàn kết và thống nhất của toàn dân tộc, phát huy được các giá trị tốt đẹp – bao gồm các các giá trị về tự do, dân chủ quyền con người[16], bảo vệ môi trường.., thậm chí nên coi đây là những thế mạnh của một nền ngoại giao văn minh, có thực lực, có sức mạnh mềm, và dấn thân. Thể chế chính trị – nhà nước phải đủ phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ này. Thế mạnh của nước ta là có chính nghĩa, ngoài nhiệm vụ bảo vệ những lợi ích chính đáng của đất nước mình theo đúng luật pháp quốc tế nước ta không có một lợi ích chiến lược nào xâm phạm những nước khác, do đó ta có thế mạnh lớn trong thực hiện một nền ngoại giao công khai, minh bạch, nói thẳng, nói thật, dựa vào ý chí của nhân dân và đồng thời tranh thủ sự hậu thuẫn của bạn bè trên thế giới. Chỉ có những yếu kém trong chế độ toàn trị đang lấy đi mất thế mạnh của đất nước và cản trở đất nước thực hiện nền ngoại giao dấn thân.
III. Đại hội XIII khởi xướng sự nghiệp cải cách, bắt đầu từ thay đổi ĐCSVN về đường lối và về tổ chức
(III.1)Bàn về đường lối 
Toàn bộ phần II của Kiến nghị này đã nêu lên một số nội dung mới về đường lối, ĐCSVN nên cân nhắc và quyết định. Về nhiều mặt những nội dung này khác đến 180so với tư duy truyền thống trong Đảng hiện nay, có một số điểm mới…
Quan điểm gốc về yếu tố dân tộc và yếu tố dân chủ nêu ra tại đây được đúc kết từ thực tiễn thành công và thất bại trong toàn bộ quá trình vận động cách mạng của ĐCSVN kể từ ngày thành lập cho đến hôm nay (tham khảo thêm thư ngày 25-05-2019 gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ Chính trị). Trong lịch sử Đảng, đã có những thời kỳ và trong một số vấn đề đường lối cách mạng dân tộc và dân chủ được vận dụng thắng lợi, mang lại nhiều thành tựu quan trọng cho đất nước, rất tiếc không có tổng kết, và sau này vì nhiều lý do  đã để cho CNML, CNXH và định hướng XHCN lấn át tất cả.
Vào cuối những năm 1970s, rồi 1980s, và đầu 1990s theo yêu cầu của lãnh đạo đã có một số cuộc họp của những anh được mời (trong đó có các anh Việt Phương, anh Phan Đình Diệu, Hà Nghiệp…), bàn về đánh giá lại CNML, đường lối của ĐCSVN.., rất tiếc chúng tôi không tìm được bút tích, mà thường chỉ được nghe anh Việt Phương, anh Phan Đình Diệu, anh Hà Nghiệp… kể lại đôi điều. Nhận định về Đảng, tại một trong những cuộc họp như vậy năm 1992, anh Việt Phương đã trình bầy trực tiếp “Trước xu thế đổi mới của thời đại và thế giới, trước đòi hỏi và tiềm năng đổi mới của dân tộc, Đảng ta hiện đang đuối tầm toàn diện, lạc hậu về lý luận, kém cỏi về trí tuệ, suy thoái về phẩm chất, cổ hủ về phương thức và phong cách làm việc. Mà lại không tự nhận biết được như vậy, có thấy và nói về sai sót thì còn dưới xa sự thật, trong khi tự nhận thành tựu thì quá thổi phồng...”  Trong một số cuộc họp khác anh Việt Phương đã nhận định ĐCSVN đã suy thoái, đặt vấn đề Đảng phải bỏ quyền cai trị để trở về làm nhiệm vụ lãnh đạo, phải chống lại việc biến Đảng thành một thứ siêu nhà nước đứng trên đất nước, nhắc lại để cảnh báo người nghe việc Lênin đã vạch ra 3 căn bệnh nguy hiểm của ĐCS là “kiêu ngạo cộng sản, ngu dốt, tiếm quyền đứng trên dân”, việc Lênin ngăn cản Stalin lên nắm quyền nhưng không thành…[17]
Ấn tượng nhất đối với tôi trong những ý kiến của anh Phan Đình Diệu  là những điều anh nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Anh Diệu phê phán những cái sai của CNML, cái sai ở nước ta, những lỗi của hệ thống, và từ lý thuyết hệ thống anh Diệu đã dự báo rất sớm sự sụp đổ của CNXH ở các nước LXĐÂ…  Một trong những câu nói rất đáng ngẫm nghĩ của Phan Dình Diệu là (đại ý): Việc ĐCSVN hoàn thành sự nghiệp lãnh đạo nhân dân giành độc lập thống nhất đất nước thật là vỹ đại. Nhưng ĐCSVN sẽ vỹ đại hơn nữa nếu sau chiến thắng trao lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân! Tôi nghĩ, hôm nay nội dung cơ bản của sự nghiệp cải cách chính trị ở phía trước của ĐCSVN là tạo mọi điều kiện để nhân dân làm chủ đất nước của mình!..
Lúc tôi mới nghỉ hưu, anh Võ Văn Kiệt giao cho tôi nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới xây dựng Đảng với câu hỏi anh Kiệt đặt raCách mạng Tháng Tám cả nước chỉ có 5000 đảng viên mà làm nên cơ đồ, bây giờ (hồi cuối thập niên 1990s) với 3 triệu đảng viên mà như thế này, thay đổi thế nào? – Đến hôm nay, tôi vẫn canh cánh món nợ nghĩa vụ chưa trả được! Chưa nói đến đã có không ít những lão thành cách mạng sớm nhìn ra những sai lầm của đường lối và lỗi của hệ thống, đã trực tiếp nói thẳng với lãnh đạo Đảng, và đã dám chấp nhận mọi hệ lụy, kiên cường dấn thân cho điều mình tin tưởng. Một trong những anh ấy tôi có may mắn được tiếp xúc đôi lần là tướng Trần Độ[18]!..  Xin kể lể như vậy để chia sẻ cùng nhau: Đổi mới tư duy là một cuộc đấu tranh quyết liệt của ta với chính ta! ĐCSVN hôm nay đang phải bước vào cuộc đấu tranh như thế để thay đổi đường lối của mình, cũng có nghĩa là từng đảng viên phải tự thay đổi chính mình.
Chỉ xin “gút” lại: Nói thay đổi về đường lối của Đảng, trước hết là nói về phát huy yếu tố dân tộc và yếu tố dân chủ, để xây dựng nên ở nước ta một thể chế quốc gia của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự, với cái đích tạo dựng nên cho nước ta một nhà nước mạnh của một dân tộc mạnh, hình thành và thực hiện được chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tạo ra thế và lực cho phép tồn tại được và giành được chỗ đứng xứng đáng trong thế giới sang trang hôm nay.
(III.2)ĐCSVN cần được tổ chức và hoạt động như thế nào trong một thể chế chính trị mới?
Kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự là 3 hệ thống rường cột của một quốc gia văn minh. Nội dung cốt lõi của thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự là (a)vai trò quyết định của dân chủ và luật pháp trong đời sống của đất nước, (b)sự tôn trọng tuyệt đối các quyền tự do dân chủ của cá nhân – bao gồm quyền sở hữu tư nhân, những quyền con người.., tất cả những quyền này được bảo vệ bằng hiến pháp, (c)sự bình đảng của mọi cá nhân trước pháp luật.
Trong kinh tế thị trường điều cốt lõi là cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ. Đương nhiên quốc gia nào cũng phải có những luật chuyên đi kèm, nhằm bảo đảm được điều cốt lõi này, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, thực hiện được công khai minh bạch, bảo vệ lợi ích quốc gia… Trong kinh tế thị trường cần nhấn mạnh: tuyệt đối không có Bộ hay các cơ quan “chủ quản”,  mọi doanh nghiệp đều chịu sự quản lý của toàn bộ hệ thống luật pháp của quốc gia do các cơ quan chuyên môn của bộ máy nhà nước thực hiện; không cơ quan hay đoàn thể hoặc đảng phái chính trị nào được phép làm kinh tế hoặc kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào, mọi hoạt động kinh tế hoặc kinh doanh dù là tập thể hay cá nhân đều phải có pháp nhân doanh nghiệp, và pháp nhân doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước luật pháp của quốc gia.
Trong nhà nước pháp quyền điều cốt lõi là điều hành đất nước bằng luật pháp, công khai minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình; thể chế nhà nước được xây dựng theo nguyên tắc tam quyền phân lập, có 3 nhánh là: lập pháp,  trong đó quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, do nhân dân lựa chọn và bầu cử những người đại diện có phẩm chất và năng lực, các nhà kỹ trị, những người kiệt suất của đất nước… – không có vấn đề “đảng cử dân bầu”, không có vấn đề Bộ Chính trị là cấp trên của Quốc hội như hiện nay; hành pháp (chính phủ), do quốc hội cử ra, và hệ thống chính quyền, tất cả hoạt động theo luật và không có vấn đề đảng phái chính trị đứng trên hay đứng trong chính quyền, mặt trận cũng không được phép có vai trò gì), và tư pháp (hệ thống độc lập của quốc gia bảo vệ việc thực thi hiến pháp bao gồm tòa án hiến pháp, hệ thống tòa án), được phân quyền rõ ràng cho từng nhánh, đồng thời 3 nhánh cùng chịu trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau, và cùng kiểm soát nhau, tất cả trên nền tảng của hiến pháp. Tam quyền phân lập có những nhược điểm tất yếu, song trí tuệ con người chưa sáng tạo được cái gì khác tốt hơn (thật ra là không thể, vì sự sống nói chung và phát triển nói riêng luôn luôn là bất phương trình), vì thế phải được bổ khuyết bằng những nguyên tắc như công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, dân được làm những gì luật pháp không cấm, v… v… Thể chế tam quyền phân lập sẽ được cải thiện theo các bước tỷ lệ thuận với sự phát triển của dân trí, của kinh tế, văn hóa, xã hội…  
Trong nhà nước pháp quyền cũng không có đảng xuất xứ đứng trên hoặc đứng trong chính quyền, mà chỉ có đảng cầm quyền với những chức vụ ủy nhiệm được giao cho thông qua bầu cử để thực thi những nhiệm vụ đã được luật  pháp hóa. Ý chí và ý muốn của đảng xuất xứ chỉ có thể thông qua quá trình luật pháp hóa rồi cuối cùng đảng cầm quyền của đảng xuất xứ thông qua những chức vụ ủy nhiệm tìm cách thực hiện. Trong toàn bộ hệ thống nhà nước ở cả 3 nhánh chỉ có 2 yếu tố cấu thành (a)các chức vụ được ủy nhiệm(thông qua bầu cử hoặc sự lựa chọn được pháp luật quy định) và  (b)luật pháp – được hiểu là trong hệ thống nhà nước ở cả 3 nhánh hoàn toàn không được phép có vai trò các đảng phái hoặc cá nhân với tính cách là một thực thể cấu thành của hệ thống nhà nước, và cũng vì lẽ này các đảng phái, đoàn thể hay cá nhân không có bất kể một quyền hành nào hay tiếng nói có thẩm quyền đối với nhà nước. Với nội dung như vậy, đảng cầm quyền được hiểu là đảng có số ghế đáng kể hoặc số ghế đông nhất được bầu để có chức vụ được ủy nhiệm trong quốc hội và sau đó được phân bổ theo những quy định của luật pháp vào các nhánh / các bộ máy của hệ thống nhà nước. Bản thân đảng cầm quyền không có bất kể một quyền hành nào khác đối với hệ thống nhà nước ngoài những quyền hành được hình thành nên từ các chức vụ được ủy nhiệm, hoạt động theo và trong khung khổ của luật pháp; đảng xuất xứ của đảng cầm quyền hoàn toàn không có quyền hành gì đối với hệ thống nhà nước. Ý chí hay ý muốn của đảng xuất xứ chỉ có thể trở nên có ý nghĩa đối với nhà nước sau khi (a)có các đảng viên của mình thắng cử để trở thành đảng cầm quyền, và (b)đưa các ý chí và ý muốn của mình  thông qua các quy trình và quá trình vận hành của hệ thống nhà nước và của luật pháp để trở thành luật pháp – nghĩa là trở thành ý chí của nhân dân, được nhân dân ủy nhiệm cho nhà nước thực thi (gọi đây là quá trình luật pháp hóa); với tính cách như vậy nó không còn là ý chí riêng của đảng xuất xứ này nữa; cũng theo chuẩn mực này trong hệ thống nhà nước ngoài đảng cầm quyền ra không có sự có mặt dưới bất kỳ hình thức nào của đảng xuất xứ. Điều cực kỳ quan trọng này phản ánh nội dung và ý nghĩa cơ bản của nhà nước của dân, do dân, vìdân”.   [Nghĩa là nhà nước của dân, do dân, vì dân sẽ không còn tồn tại nữa, nếu nó do quyền hành của đảng xuất xứ chi phối không qua quá trình luật pháp hóaĐấy sẽ là nhà nước bị tiếm quyền, và ngay tức khắc nhà nước như vậy trở thành nhà nước của đảng – do đảng – vì đảng, như hiện nay nước ta đang có.]
Trong xã hội dân sự điều cốt lõi là nó trở thành nơi nhân dân trực tiếp thực thi quyền làm chủ đất nước của mình, trực tiếp có tiếng nói với quyền lực nhà nước hay kiểm soát quyền lực nhà nước – thông qua những quyền công dân đã được ghi trong hiến pháp (ví dụ Luật báo chí, luật các quyền của công dân về thông tin, Luật lập hội…). Xã hội dân sự được phát triển đúng đắn sẽ là trường học không thể thiếu để nâng cao quyền năng con người trong một quốc gia. Trong xã hội dân sự, để thực hiện những ý muốn hoặc lợi ích của mình, các cá nhân hoặc các nhóm dân cư khác nhau được phép hình thành các tổ chức, hiệp hội, đảng phái chính trị… của mình theo quy định của pháp luật – được thể hiện trong hiến pháp và trong những luật cụ thể khác (ví dụ: Luật lập hội). Tất cả các tổ chức trong xã hội dân sự đều không được phép làm kinh tế hoặc những hoạt động kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào, không được nhận sự phân bổ hay sự chu cấp bất kể khoản tài chính nào từ ngân sách quốc gia – nói nôm na là từ thuế của dân. Toàn bộ nguồn tài chính phải có để mọi tổ chức trong xã hội dân sự có thể hoạt động, kể cả những đảng phái chính trị, chỉ được phép có từ 2 nguồn: (a)sự đóng góp nguyệt phí hay hội phí của các thành viên của tổ chức, và (b)sự quyên góp thiện nguyện theo Luật của các cá nhân hay doanh nghiệp, các dự án nước ngoài tài trợ được nhà nước cho  phép..; toàn bộ những hoạt động tài chính này (cho và nhận, thu và chi của tổ chức XHDS) đều phải thực hiện công khai  minh bạch và trách nhiệm giải trình, và phải chịu sự kiểm soát theo các Luật về tài chính-thuế khóa của nhà nước. Xin lưu ý: (1)với những điều trình bầy tại đây, xã hội dân sự chính là nơi hình thành, và là môi trường rèn luyện, hoạt động và phát triển của các đảng phái chính trị, sống gắn bó với dân, vận động dân.., nghĩa là đảng phái chính trị phải sống trong lòng XHDS để giành được chỗ đứng trong nhân dân; (2)thực tế này cũng được hàm nghĩa là: môi trường của hệ thống nhà nước là nơi các đảng phái chính trị thông qua quá trình luật pháp hóa  và chức năng đảng cầm quyềnthực hiện những ý chí và mong muốn của mình đối với quốc gia. Đảng phái chính trị cần nắm vững 2 đặc điểm này (1 và 2) để xây dựng những phương thức tối ưu cho tổ chức và cho hoạt động của đảng mình.
Trên đây là sự trình bầy giản lược những điều cốt yếu nhất về kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự với tính cách là một hệ thống rường cột của quốc gia. Đương nhiên cuộc sống thực rất sinh động và phong phú, tồn tại nhiều yếu tố văn hóa – xã hội – kinh tế – chính trị khác tác động nhân quả lẫn nhau, những vận động chồng chéo mâu thuẫn nhau của các nhóm lợi ích khác nhau rất phức tạp… Song nắm vững những điều cốt yếu của hệ thống rường cột này, cuối cùng vẫn có thể hình thành nên một hệ thống quản trị quốc gia đơn giản, rành mạch, thông xuốt và minh bạch có lợi cho người dân, có lợi cho đất nước, thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt của đất nước, giảm thiểu ở mức có thể mọi chồng chéo, trung gian, ách tắc, tổn phí và lãng phí..; đây cũng là phương thức tổ chức và quản trị nhà nước tránh tham nhũng có hiệu quả nhất (chứ không phải là hoàn toàn tránh được), là chỗ dựa tốt nhất cho phát huy kiệm liêm cần chính, chí công vô tư, khuyến khích mọi người dám nghĩ dám làm vì lợi ích của chính mình và của đất nước. ĐCSVN nên căn cứ vào hệ thống rường cột này của quốc gia để tổ chức lại chính mình, để có năng lực phấn đấu trở thành đảng cầm quyền với đúng nghĩa như trình bầy trong phần này. Như vậy, lãnh đạo không phải là nắm quyềnvì mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, mà là cầm quyền theo tinh thần thông qua quá trình luật pháp hóa của hệ thống nhà nước để Đảng có những chức vụ ủy nhiệm giúp đỡ nhân dân thực hiện tốt nhất mọi quyền của người làm chủ đất nước.
Nói rành rẽ: Đảng không được làm các việc của Quốc hội, Chính phủ và hệ thống tư pháp, càng không được đứng trên hay đứng trong 3 nhánh này của hệ thống nhà nước, mà phải thông qua phấn đấu trong XHDS trở thành đảng từ nhân dân mà ra[19]của nhân dân – do nhân dân – vì nhân dân,  và là người đi tiên phong của dân tộc trong sứ mệnh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, qua đó giành được tín nhiệm qua bầu cử  để trở thành đảng cầm quyền, để thực hiện chức vụ được ủy nhiệm trong 3 nhánh của hệ thống nhà nước – trong đó hiến pháp trở thành tối thượngĐấy là tinh thần và nội dung cốt lõi của  nhà nước pháp quyền: Ý muốn của nhân dân trở thành quyết sách và pháp luật của nhà nước, mà như thế sẽ không được có bất kỳ thứ “chủ nghĩa” nào được phép đưa vào nhà nước pháp quyền dân chủ. Yêu cầu này đòi hỏi hơn bao giờ hết đảng cầm quyền phải làm cho ý muốn này hàm chứa được ở mức độ cao nhất ý chí của dân tộc và tinh thần dân chủ trong thời đại toàn cầu hóa quyết liệt ngày nay. Lãnh đạo là như vậy! Làm như vậy, nội dung nhiệm vụ xây dựng Đảng về đường lối và về tổ chức sẽ hoàn toàn mới và phải khác hẳn phương thức như đang làm! Con đường này vô cùng gian khổ và khó hơn rất nhiều so với con đường hiện nay ĐCSVN đã có sẵn quyền lực trong tay, đứng ra ban phát, xắp đặt đủ mọi thứ của đất nước theo ý chí và ý muốn của Đảng như cho rằng “độclập dân tộc gắn liền với CNXH”, “CNXH là sự lựa chọn của nhân dân ta!”, vân vân…
Không có vấn đề Đảng nắm sẵn trong tay quyền lực như vậy, sức mạnh của nhân dân sẽ  được giải phóng, sẽ giảm thiểu ở mức tốt nhất có thể tệ nạn quan liêu, tham nhũng, và mọi tha hóa khác. Làm như vậy, Đảng cũng không có sẵn ghế để mà chia, sẽ bớt luôn được nạn chạy ghế và bằng giả.., sẽ khắc phục được nguồn gốc của mọi tội lỗi là hiện trạng nước ta đang có một hệ thống chính trị – nhà nước “3 trong 1” (Đảng, chính quyền, mặt trận) nhân danh quyền lực chính trị là thống nhất, song thực ra là một hệ thống rối rắm, chồng chéo, sự thật là “1 trong 3, và 1 chi phối cả 3”, qua đó ĐCSVN đứng trên hiến pháp, được hợp thức hóa bằng Điều 4.  
Cùng với hoàn thành việc chuyển ĐCSVN nắm quyền thành đảng cầm quyền, sẽ phải xây dựng để sẽ đưa vào hiến pháp những chuẩn mực của đảng cầm quyền làm nền tảng pháp lý cho thể chế chính trị đa nguyên.
[Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ hệ thống lưỡng đảng và hệ thống nhiều đảng ở một số nước phát triển trên thế giới. Song dựa vào thực tiễn đã có ở VN, suy nghĩ khái quát của tôi là không nên có nhiều đảng phái chính trị ở nước ta. Đã có lần trước Đại hội XII tôi đề nghị nên quay lại thời kỳ VNDCCH có 3 đảng: ĐLĐVN, ĐDC, ĐXH, rồi thời gian sẽ cho tiếp những lời khuyên xác đáng. Một xã hội dân sự phát triển và một Hiến pháp đúng với nhà nước pháp quyền dân chủ có lẽ là 2 điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thể chế chính trị quốc gia như vậy hoạt động vì lợi ích đất nướcXin được bàn kỹ vấn đề này vào một dịp khác. Điều quan trọng là cần sớm nhất trí là cuộc sống nước ta 43 năm độc lập thống nhất vừa qua đã cung cấp đủ lý lẽ không thể tiếp tục duy trì thể chế chính trị 1 (một) đảng như hiện nay, để từ đó thống nhất quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ là lẽ sống còn. Vận dụng lợi thế nước đi sau, ngay từ đầu nước ta nên cố tránh ở mức tối đa thứ dân chủ đa nguyên bầy đàn (có thể dựa vào những kinh nghiệm sẵn có của một số nước phát triển như Đức có 4 đảng, Mỹ là chế độ lưỡng đảng…). Nên thông qua việc vận động xây dựng hiến pháp mới hình thành một thể chế chính trị đa nguyên với những quy chế sao cho cuối cùng bầu cử sẽ dẫn tới chỉ có 3 đảng đủ điều kiện tham chính… Tôi tin rằng là nước đi sau, chúng ta có thể vận dụng những tiến bộ hôm nay của tư duy nói chung, của các ngành khoa học xã hội và của khoa học kỹ thuật và công nghệ nói riêng để có thể phát triển một hệ thống kinh tế – chính trị – nhà nước – xã hội hài hòa hơn, bớt khuyết tật, đỡ tốn kém, minh bạch hơn, hiệu quả hơn… Vận dụng như vậy là sáng tạo chứ không phải là rập khuôn hay bắt chước. Muốn như vậy, hiển nhiên giáo dục sẽ phải là mặt trận đầu tiên, mặt trận thường xuyên và có tính quyết định cả nước phải bước vào. Ngay từ bây giờ lãnh đạo đảng và nhà nước nên cởi trói giải phóng khát vọng và mọi nguồn lực của nhân dân cho đại sự giáo dục. Thực lòng tôi rất muốn nhấn mạnh: Tương lai của chúng ta và của đất nước trước hết phụ thuộc vào dân chủ và ý chí học tập của mỗi chúng ta! Lợi thế số một của nước đi sau là dân chủ và học tập!]
Tôi hình dung, dự trù, dự đoán và dự báo giai đoạn I của cải cách là thực hiện chuyển đổi ĐCSVN từ đảng nắm quyền trở thành đảng cầm quyền trong những điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, có thể hoàn thành trong thời gian của khóa Đại hội XIII, để sau đó chuyển sang giai đoạn II là thực hiện việc cải cách hệ thống chính trị – nhà nước hiện tại trở thành nhà nước pháp quyền của dân – do dân – vì dân, sẽ hoàn thành trong thời gian khóa Đại hội XIV (dự trù tổng cộng cả 2 giai đoạn này sẽ là khoảng 10 năm). Đây phải là cuộc cải cách chính trị của học tập trong phạm vi cả nước, phải học thực sự, phải huy động thực sự trí tuệ cả nước mới làm được! Với ý thức như thế, là nước đi sau Việt Nam hôm nay may mắn có đủ thành quả trí tuệ của văn minh nhân loại cho phép tự chắt lọc ra cho mình những hiểu biết để xây dựng nên và thực hiện thành công một dự án cải cách chính trị vô tiền khoáng hậu của đất nước! Một hoài bão của hiểu biết và ý chí, hay là ảo tưởng?! Tôi không biết nên trả lời thế nào, nhưng có niềm tin sắt son: Tiến hành được cuộc cải cách này, mỗi chúng ta sẽ tìm lại được chính mình trên mảnh đất của tổ quốc mình!
Riêng về giai đoạn II, trong thư ngày 25-04-2019 gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ Chính trị, tôi đã đề nghị : ĐCSVN sau khi chuyển đổi thành một đảng mới sẽ hoạt động theo mô hình Đảng đã từng có trong lịch sử VNDCCH kể từ khi ra đời 02-09-1945 cho đến ngày 19-12-1946, trong đó tiêu biểu là Hiến pháp 1946 (nghĩa là cho đến khi tiến hành kháng chiến chống Pháp, bởi vì khi đi vào thời chiến mọi chuyện đều hoàn toàn khác thời bình), và kết hợp với tham khảo mô hình hoạt động của Đảng Hành động Nhân dân (People Action Party, do Lý Quang Diệu sáng lập) của Singapore để vận động cả nước xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền của dân – do dân – vì dân, theo mô hình của Singapore, đương nhiên phải “việt-nam-hóa” cho phù hợp với quốc gia 100 triệu dân trong thế giới hôm nay. Không ít học giả và báo chí thế giới vẫn coi mô hình Singapore là thể chế chính trị đa nguyên của độc tài, nhưng tôi tán thành, vì nó có những thiết chế rõ ràng: Mô hình này có có dân chủ để phát huy yếu tố con người, đồng thời có dân chủ và đa nguyên đủ bảo đảm kiểm soát được quyền lực nhà nước[20].
Tính toán các mặt, tôi nghĩ ĐCSVN hiện nay hoàn toàn có đủ điều kiện chuyển đổi sang mô hình thuộc đảng cầm quyền: (a)lấy xã hội dân sự làm môi trường sống, phát triển và hoạt động để phấn đấu trở thành đội ngũ tinh hoa của dân tộc, (b)với tính cách mới như vậy trở thành lực lượng chính trị có ảnh hưởng và uy tín rộng lớn trong xã hội, để thông qua bầu cử trở thành đảng cầm quyền, (c)đảng phí của đảng viên và các nguồn thu từ đóng góp thiện nguyện là nguồn tài chính hoàn toàn có khả năng cung cấp đủ những điều kiện vật chất kỹ thuật cho hoạt động của ĐCSVN sau khi đã chuyển sang đảng mới với tính cách là đảng cầm quyền, ngân sách của nhà nước pháp quyền không cho phép có những khoản chi cho các đảng phái.
Về các bước đi và thực hiện những công việc cụ thể để chuyển đổi hệ thống chính trị – nhà nước “3 trong 1” hiện nay sang thể chế nhà nước pháp quyền, tôi nghĩ nhiệm vụ này nên được chuẩn bị những bước đi đầu tiên ngay trong thời gian của khóa Đại hội XIII, được triển khai toàn diện và hoàn tất trong thời gian của khóa Đại hội XIV.
Quỹ thời gian như vậy (khoảng 10 năm) được dự trù cẩn trọng, hoàn toàn cho phép giải quyết xong mọi vấn đề liên quan đến con người, biên chế và thể chế theo tinh thần:
  • duy nhất biên chế thuộc nhà nước pháp quyền được có lương từ ngân sách nhà nước,
  • giải quyết xong số lượng người dư dôi ra do biên chế của thể chế nhà nước “3 trong 1” không còn tồn tại nữa,
  • kịp đào tạo nguồn nhân lực kỹ trị để đưa vào các bộ máy thuộc thể chế nhà nước pháp quyền hình thành trong quá trình cải cách này,
  • đồng thời cũng đủ quỹ thời gian xây dựng toàn bộ phần mềm của nhà nước pháp quyền, bao gồm: hiến pháp mới, hệ thống luật pháp mới, phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền, các thể chế hành chính sự nghiệp của hệ thống chính quyền, vân vân..,
  • xây dựng diễn đàn XHDS (xã hội dân sự) thành trường học nâng cao dân trí và quan trí phục vụ cho sự nghiệp cải cách, từng bước hình thành mới một XHDS với tính cách là nơi nhân dân trực tiếp thể hiện quyền năng của mình là người chủ đất nước theo những chuẩn mực của một quốc gia văn minh, hiện đại với những giá trị tiên tiến[21],
  • ngay từ hôm nay (2109) thông qua thực hiện các quyền tự do dân chủ của dân vận động cả nước bắt tay vào cải cách giáo dục, để trong quá trình cải cách chính trị (tổng công 10 năm) sẽ hình thành được một thế hệ công dân mới và đội ngũ trí thức mới của một quốc gia có một nhà nước mạnh của một dân tộc mạnh.
Ngay bây giờ có thể khẳng định: Nhiệm vụ mở đường cho sự nghiệp cải cách chính trị và đồng thời cũng là nhiệm vụ khó nhất của toàn bộ sự nghiệp cải cách này là xây dựng lại ĐCSVN về đường lối và về tổ chức như đã sơ lược phác họa bên trên. Nhiệm vụ đổi mới xây dựng ĐCSVN như vậy là nhiệm vụ khó nhất kể từ khi thành lập ĐCSVN mà Đại hội XIII phải dũng cảm hoàn thành trong khóa Đại hội này. Thực hiện được nhiệm vụ mở đường này, sự nghiệp cải cách toàn bộ hệ thống chính trị – nhà nước để mở ra một nước Việt Nam mới, coi như chắc chắn thành công không thể đảo ngược được!
Thiết nghĩ, chấp nhận những điều trình bầy trên đây, sẽ hình dung được về cơ bản nội dung cụ thể các nhiệm vụ cải cách phải làm cho đến các bước đi, và cả nước trong đó trước hết là ĐCSVN hôm nay sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình, ai sẽ phải làm gì?..
Sẽ có rất nhiều việc phải làm cho thực hiện toàn bộ đại dự án cải cách, với những nỗ lực tinh thần và vật chất phải được huy động ở mức cao nhất của toàn thể cộng đồng dân tộc ta mới có thể hoàn thành được – đúng với ý nghĩa cải cách chính trị là sự nghiệp của toàn thể dân tộc. Nhìn vào đại dự án này, mỗi người con của đất nước chắc chắn đều sẽ thấy chỗ đứng của mình và việc mình có thể làm, phải làm, ý chí sắt đá của cả nước vì cải cách bắt nguồn từ đây!.. Song sự nghiệp khởi nghiệp này của quốc gia nhất thiết nên đóng khung thời gian là 10 năm để hoàn thành, kéo dài nữa sẽ lê thê và thất bại, và có những việc cần bắt đầu thực hiện ngay từ hôm nay (2019), một giờ cũng không nên chậm!
Chắc chắn cải cách là sự nghiệp vô cùng gian khó, nhưng làm đúng sẽ là những năm tháng hào hùng và bừng tỉnh, toàn dân cả nước người với người gắn bó với nhau là con một nhà, tổ quốc là đại gia đình lớn của tất cả chúng ta, sẵn sàng đối mặt với bối cảnh thế giới quyết liệt![Từ đáy lòng tôi muốn nói: Chỉ cần Đảng và nhà nước làm đúng vai trò đầy tớ nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hòi, trả lại cho nhân dân quyển của họ làm chủ đất nước, điều tốt đẹp này sẽ tới! Đừng để cho nhân dân phải tự đứng lên giành lại quyền chính đáng của mình!] Sau 10 năm cải cách này, đất nước nhất thiết phải chuyển sang thời kỳ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Quy định khung thời gian như vậy có thể giảm thiểu phần nào do có những bước đi xuất sắc, nhưng nhất thiết làm việc nào xong dứt điểm việc nấy không phải làm đi làm lại,  không đốt cháy giai đoạn, không ăn sống nuốt tươi.
Ngay từ bây giờ lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp 2013 để thu nhân tâm về một mối, nhờ đó huy động được sự gánh vác của cả nước, để có đủ trí tuệ và ý chí thiết kế chu đáo chiến lược cải cách, để vận động cả nước học tập, giác ngộ thực hiện, để cùng nhau bảo vệ cải cách chính trị trước bất kể âm mưu hay hành động phá hoại nào!
Thời gian từ nay đến khi họp Đại hội XIII hoàn toàn cho phép chuẩn bị chu đáo chiến lược cải cách, với mục tiêu rõ ràng phải đạt được, nội dung các nhiệm vụ phải làm, lộ trình thực hiện.., để tới khi Đại hội XIII công bố trước cả nước và thế giới nhiệm vụ cải cách chính trị, ngay tức khắc sẽ dấy lên một khí thế cả nước đứng lên làm nhiệm vụ đổi đời đất nước như thời Cách Mạng Tháng Tám[22]. Nếu ĐCSVN ngay từ hôm nay làm được như vậy để chuẩn bị cho Đại hội XIII, chính là ngay từ giờ phút này (2019) Đảng đã bắt đầu giác ngộ và đi vào thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của đảng cầm quyền. Xin đặt vấn đề ra trước cả nước và toàn Đảng như vậy, khi có quyết định cải cách sẽ xin bàn tiếp.
Sẽ có thể có những băn khoăn chính đáng từ phía nhân dân, ví dụ:
  • Sắp xếp lộ trình 2 giai đoạn thế này (I và II), ĐCSVN lợi quá, đã là lực lượng chính trị mạnh nhất trong cả nước, lại còn được ưu tiên đi bước trước: Cải cách xong chính bản thân đảng của mình, rồi mới cho mở cửa toàn xã hội tham gia tiến hành cải cách chính trị – xã hội của đất nước!.. Vâng! Sự thật đúng là như vậy, đơn giản vì quốc gia không cho phép có khoảng trống quyền lực. Ngay trong thời gian khóa Đại hội XIII, quá trình xây dựng lại ĐCSVN về đường lối và về tổ chức phải đồng thời gắn liền với công việc xắp xếp lại toàn bộ hệ thống chính trị – xã hội, hệ thống chính quyền và hệ thống anh ninh / quốc phòng hiện có của đất nước. Hơn nữa ĐCSVN với quyền lực đang có trong tay, nên phải là người chịu trách nhiệm chính và ràng buộc trước đất nước về thiết kế và tổ chức thực hiện thành công cải cách chính trị như trình bầy tại đây, cải cách phải thông qua quá trình học tập, trong hòa bình, trong đoàn kết và hòa giải dân tộc, cải cách phải gắn liền với những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn / thách thức của đất nước đang phải đối phó và tạo ra thành tựu mới cho phát triển kinh tế và xã hội, trong mọi điều kiện tốt nhất của bảo vệ quốc phòng và an ninh quốc gia.
  • Có gì đảm bảo ĐCSVN sẽ thực hiện cam kết đúng như công bố về cải cách chính trị?
  • Một thể chế chính trị hôm nay có những kẻ phải đưa vào “lò” chiếm những địa vị quan trọng của chế độ, như từ UV BCT, Phó thủ tướng, đến hàng chục các tướng lĩnh, quan chức cao cấp… mà “đốt” vẫn chưa xuể, liệu còn đất cho cải cách chính trị được nữa không?
  • Đảng cam kết tiến hành cải cách như công bố, nhưng cuối cùng Đảng vẫn truội như bao lần đã truội lâu nay, còn tin được không?Lấy cái gì bảo đảm?
  • Đảng cứ khăng khăng dùng bạo lực trị bất đồng đến cùng và quyết không cải cách thì sao?
  • Đảng nói dzậy, nhưng không phải dzậy đâu! Trên đời này làm gì có chuyện tự lấy đá ghè chân mình!
  • Ăn của dân không từ thứ gì thì còn đạo đức và trí tuệ nào mà cải cách?
  • Vân vân…
Thiết nghĩ, những câu hỏi nêu trên cũng là những câu hỏi đặt ra cho từng đảng viên từ Tổng bí thư đến đảng viên thường, tất cả phải trả lời trước chính bản thân mình, và trước nhân dân! Không trả lời, hay không trả lời được, đâu còn tư cách người đảng viên chân chính nữa!? Nếu mà như thế, số 4,3 triệu đảng viên hiện nay có thể sẽ giảm đi nhiều đấy, có lẽ hàng triệu! (Báo chí nói số đảng viên hiện nay đã lên đến 5 triệu?) Trong việc chuẩn bị Đại hội XIII, lãnh đạo ĐCSVN hôm nay nên có một hộp thư riêng chuyên đề cho những câu hỏi đại loại nêu trên, và nên tìm cách thuyết phục dư luận trên diễn đàn XHDS mọi vấn đề liên quan đến cải cách.
Xin tóm tắt thô thiển, cải cách chính trị như vậy cuối cùng là để xây dựng nên một thể chế minh bạch của quốc gia, bao gồm những mối quan hệ giữa một bên là nhân dân và một bên là nhà nước, tất cả phải trên nền tảng của hiến pháp, theo tinh thần để xây dựng nên: Một nhà nước mạnh của một  dân tộc mạnh.
          (III.3)Mọi việc của cải cách bắt đầu từ Đại hội XIII
          Thời gian từ nay đến khi họp Đại hội XIII là hoàn toàn đủ để Bộ Chính trị và toàn Đảng cân nhắc mọi bề, hoàn thành chuẩn bị, và đưa vấn đề cải cách thể chế chính trị của đất nước trở thành quyết định chính trị trọng đại của đất nước, do Đại hội XIII công bố trước đất nước và thế giới.
          Về đại thể, cải cách nên có 2  giai đoạn:
  1. Chuyển đổi đảng CSVN nắm quyền hiện nay thành đảng cầm quyền. Nên hoàn thành trong thời gian khóa Đại hội XIII, với Cương lĩnh và Điều lệ mới. – GIAI ĐOẠN I.
  2. Chuyển đổi thể chế chính trị – nhà nước “3 trong 1” hiện nay sang thể chế nhà nước pháp quyền với thể chế chính trị dân chủ đa nguyên. Nên là nhiệm vụ của Đại hội XIV, được hoàn thành với Hiến pháp mới và bầu cử Quốc hội đầu tiên của nhà nước pháp quyền dân chủ kể từ sau 30-04-1975 (trước đó chúng ta đã có một Quốc hội như thế của VNDCCH). – GIAI ĐOẠN II.
Nhiệm vụ của giai đoạn 1 rất nặng: Huy động trí tuệ và sức mạnh từ nhân dân và từ trong Đảng làm xong 3 việc lớn: (1)xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức phù hợp với nhiệm vụ mới trong thời kỳ mới của đất nước; (2)xây dựng và phát huy vai trò xã hội dân sự để huy động sự tham gia trực tiếp của nhân dân vào quá trình xây dựng Đảng nói trên và đổi mới thể chế quốc gia, xác lập tiếng nói và quyền của nhân dân; (3)xắp xếp lại bộ máy chính quyền hiện có theo hướng sẽ thích nghi với hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ được tạo dựng nên trong nhiệm kỳ khóa XIV (hoạt động theo luật pháp nhà nước, công khai minh bạch, chịu trách nhiệm giài trình, trong hệ thống chính quyền nhà nước sẽ dần dần không còn vai trò đảng trị và vai trò của Mặt trận).
Kết thúc nhiệm kỳ khóa XIII phải đạt được những mục tiêu: (1)Đảng trở thành đảng của dân tộc và dân chủ và từ khóa XIV không xử dụng nguồn tài chính từ ngân sách quốc gia [theo chế độ tài chính này, mỗi khi có bầu cử Quốc hội, ngân sách nhà nước chỉ một lần duy nhất chi một khoản trợ cấp theo Luật dành cho các đảng phái chính trị đủ tiêu chuẩn tham gia tranh cử]; (2)bộ máy chính quyền được xắp xếp lại để có tính chuyên nghiệp và kỹ trị sẽ thích nghi được với thể chế nhà nước mới sẽ được hình thành trong khóa Đại hội XIV; (3)xã hội dân sự tạo ra được nền móng cho phát triển một xã hội văn minh của học tập và dân trí cao; trí tuệ được phát huy của cả nước phải làm xong nhiệm vụ nghiên cứu và thiết kế được thể chế chính trị – nhà nước pháp quyền dân chủ để sẽ được đưa vào thực thi trong khóa Đại hội XIV; công dân cả nước xây dựng cho mình những giá trị và những chuẩn mực văn hóa phù hợp với cuộc sống dân sự trong một thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ và văn minh.
Đặc biệt là: Vận dụng lợi thế nước đi sau thông qua phát triển xã hội dân sự lấy phát huy tự do, dân chủ và tinh thần yêu nước để giải phóng sức mạnh của dân tộc và dân chủ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cho đến nay Đảng vẫn lấy xây dựng liên minh công nông và trí thức làm chỗ dựa cho mình, tất cả dưới cái thể chế chính trị “3 trong 1”. Từ nay Đảng nên lấy phát triển xã hội dân sự trên nền  tảng của học tập và thường xuyên nâng cao dân trí làm môi trường sống của Đảng với nhân dân, là nơi Đảng phát triển và rèn luyện bản lĩnh chiến đấu của mình, đi tiên phong trong những vấn đề của đất nước và chịu trách nhiệm về những vấn đề mình đưa ra, tất cả trong khung khổ nhà nước pháp quyền dân chủ, Hiến pháp là tối thượng, Đây còn là yếu tố quan trọng  bảo vệ sự nghiệp cải cách và phòng ngừa / loại bỏ nguy cơ dân chủ bầy đàn và chủ nghĩa dân túy. Nói cho cùng, trong quốc gia độc lập của nhà nước pháp quyền dân chủ, đảng phái chính trị nào muốn làm nên sự nghiệp cho quốc gia cũng đều phải lấy XHDS làm môi trường sống của mình, để trở thành đảng từ nhân dân mà ra, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cần đặc biệt chú ý tranh thủ đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo thế hệ cán bộ kỹ trị sẽ đưa vào hệ thống nhà nước và chính quyền của nhà nước pháp quyền dân chủ sẽ được hình thành trong nhiệm kỳ khóa XIV.
Ngay từ bây giờ (2019) trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII, Đảng và nhà nước phải trả xong “món nợ” các luật dân sự đã ghi trong Hiến pháp 2013, trước hết là ban hành Luật biểu tình, Luật về hiệp hội, Luật về thông tin báo chí, sửa đổi Luật an ninh mạng đã ban hành… để ngay từ đầu phát huy được sự tham gia trực tiếp của toàn dân vào quá trình tiến hành cải cách chính trị, qua đó nhân dân sẽ coi cải cách chính trị là sự nghiệp của chính mình. Bước đi đầu tiên của cải cách là ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII, ĐCSVN cần đứng ra tiến hành những cuộc vận động sâu rộng trong xã hội lấy học tập để phát huy trong toàn dân ý thức quyền gắn với trách nhiệm và lòng yêu nước, thấm nhuần nội dung Tổ quốc gắn liền với tự do, nâng cao ý chí vì một Việt Nam tự quyết định lấy vận mệnh của mình trong thế giới sang trang hôm nay, tạo ra sự giác ngộ chính trị cao nhất trong việc thực hiện những Luật về những quyền công dân mới được ban hành này, từ đó tạo ra sức mạnh chính trị và sự đồng thuận dân tộc cho sự nghiệp cải cách chính trị đổi đời đất nước! 5 triệu đảng viên của ĐCSVN hiện nay phải được học trước, học kỹ, cùng với các trí thức, các cá nhân tâm huyết và các tổ chức trong XHDS khắp cả nước làm nên cuộc vận động sâu rộng Cả nước học tập để thực hiện cải cách thành công! Gắn cuộc vận động cải cách với mọi hoạt động trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước. Chung cuộc, cải cách chính trị bên cạnh nhiệm vụ tạo dựng nên nhà nước pháp quyền dân chủ, có nhiệm vụ phải đồng thời đem lại cho đất nước ta một xã hội dân sự của những giá trị, của văn minh và của phát triển – con người là trung tâm; đây là một mục tiêu chiến lược như một tiền đề tất yếu của nước phát triển. Huy động toàn bộ lực lượng báo chí truyền thông phục vụ cuộc vận động trọng đại này… Trước khi Đại hội XIII họp nên trả lại tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến (được gọi là tù nhân lương tâm) đang bị giam giữ, coi như một cử chỉ đầu tiên của hòa hợp dân tộc, tạo mọi điều kiện để họ cùng với cả nước tiến hành sự nghiệp cải cách đổi đời đất nước.  
Có thể nói cải cách chính trị lần này sẽ phải là một cuộc vận động xã hội chưa từng có ở nước ta, với những nội dung thiêng liêng nhất của chủ nghĩa yêu nước và tự do: Mỗi người dân có trí tuệ và ý chí tự đổi đời để làm chủ chính mình, và từ đó để làm chủ đất nước của mình! Trong cuộc vận động vỹ đại này chúng ta cần đề phòng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhưng hơn bao giờ hết cải cách chính trị phải đem lại cho mỗi công dân của đất nước giác ngộ cao nhất về ý chí của dân tộc Việt Nam và về dân chủ, đem lao động sáng tạo và nghị lực phấn đấu không ngừng giành lấy cho tổ quốc chúng ta chỗ đứng xứng đáng trong thế giới quyết liệt hôm  nay! Chấm dứt vĩnh viễn từ nay thân phận đất nước là quân cờ, là quốc gia leo dây!.. Chắc chắn chúng ta sẽ làm được, vì tổ quốc là của chúng ta![23]
Cũng ngay từ bây giờ (2019), việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho khóa Đại hội XIII phải lấy việc phục vụ thành công sự nghiệp cải cách chính trị làm chuẩn mực cao nhất để lựa chọn, bố trí. Trong quá trình chuẩn bị cho cải cách thể chế chính trị – nhà nước của khóa Đại hội XIII, cần làm xuất hiện từ phấn đấu trong cuộc sống của đất nước những cá nhân xuất sắc trong hàng ngũ cán bộ cấp chiến lược, và đồng thời cần bồi dưỡng, thử thách họ, để chuẩn bị cho họ nhiệm vụ  chính trị mới của Đảng trong tương lai, để từ khóa Đại hội XIV họ trở thành những nhân vật chủ chốt của Đảng khi Đảng đã thay đổi thành đảng mới – Nghĩa là ngay từ bây giờ (năm 2019) đã phải làm mọi việc sao cho từ khóa Đại hội XIII trở đi đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng là do phấn đấu trong cuộc sống đất nước trưởng thành lên – nghĩa là do cuộc sống lựa chọn; dứt khoát nên bãi bỏ lối làm công tác cán bộ theo “quy hoạch” hiện nay! Cũng ngay từ bây giờ (2019), ĐCSVN lấy việc xây dựng và thực hiện chương trình tiến hành cải cách chính trị là nhiệm vụ chính trị số một của khóa đại hội XIII và khóa Đại hội XIV.
Có thể nói hoàn thành được 3 nhiệm vụ trên đây của nhiệm kỳ khóa XIII, Đảng sẽ trở thành một đảng mới trong thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ ngay trong khóa nhiệm kỳ XIII này, đồng thời về cơ bản Đảng đã đặt xong nền móng cho xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ, để sẽ hoàn thành được trong nhiệm kỳ khóa XIV. Làm được những việc như vậy trong khóa Đại hội XIII, sự nghiệp cải cách chính trị chắc chắn thành công.
Nhiệm vụ giai đoạn 2: Mục tiêu cơ bản là (1)tạo ra sức sống năng động của thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ dựa trên hệ thống rường cột của quốc gia là “kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự”, (2)đất nước có con người mới cho sự vận động của hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ cũng như có những công dân đáp ứng được những đòi hỏi mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, (3)xây dựng nên những giá trị mới, khát vọng mới trở thành động lực thôi thúc sự phát triển của đất nước trong tình hình mới, làm xuất hiện những tư tưởng và con người có vai trò hướng dẫn sự phát triển của đất nước. Xem như vậy, giai đoạn 2 bao gồm những nhiệm vụ mang tính đòi hỏi gắt gao của học tập, rèn luyện, giải phóng tư duy, xây dựng nhân cách con người của đất nước văn minh – bắt đầu từ giải phóng chính bản thân mỗi cá nhân công dân, và tất cả để giải phóng năng lượng quốc gia. Cũng có thể nói, giai đoạn 2 chính là sự mở đầu sự nghiệp giải phóng sức mạnh dân tộc cho phát triển đất nước ở giai đoạn mới; vai trò của thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ là hậu thuẫn đắc lực quá trình giải phóng này; vai trò của đảng cầm quyền là đi tiên phong trong quá trình giải phóng này.
Những nhiệm vụ cụ thể sẽ là: (1)xây dựng xong toàn bộ phần mềm cho sự hoạt động của hệ thống rường cột “kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự”, bắt đầu từ hiến pháp và những thể chế phải có dành cho sự vận động của toàn bộ đời sống kinh tế – chính trị – xã hội – văn hóa của đất nước, phương thức và nguyên tắc vận động của toàn bộ bộ máy chính quyền nhà nước trong thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ, phương thức hoạt động của những tổ chức trong xã hội dân sự của một quốc gia văn minh..; (2)giải quyết xong toàn bộ vấn đề nhân sự trong quá trình chuyển đổi từ chế độ chính trị hiện nay sang thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ,  để có được bộ máy nhà nước và hệ thống chính quyền “của dân, do dân, vì dân” về mặt nội dung và về bản chất chính trị, và mang tính chuyên nghiệp và kỹ trị ngày càng cao về mặt chuyên môn, vớ2 tiêu chí duy nhất là (a)bảo đảm thực hiện quyền làm chủ đất nước của nhân dân, và (b)đáp ứng cao nhất những đòi hỏi phát triển của đất nước và những thách thức đất nước phải đối mặt; (3)song song với nhiệm vụ hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2030, xây dựng nên và phát triển sức mạnh mềm của đất nước, được tạo ra từ các giá trị mới được hình thành trong quá trình công nghiệp hóa này; thành tựu kinh tế của hoàn thành công nghiệp hóa cùng với sức mạnh mềm giành được này sẽ là động lực phát triển của đất nước thời kỳ 2030 – 2045.
Nói vắn tắt: Mục tiêu chính trị của giai đoạn 2 là tạo mọi điều kiện cho đất nước cất cánh!  Và từ đây trở đi cải cách và đổi mới sẽ trở thành thực tiễn thường trực và thường xuyên như một động lực mới của  toàn bộ sự vận động của quốc gia. [Tôi vẫn thường tâm sự với con cháu trong nhà: Đất nước chúng ta có tất cả, chỉ còn thiếu duy nhất một chế độ chính trị – nhà nước đúng với nghĩa của dân – do dân – vì dân để phát huy!]
Xin phác họa dự án cải cách chính trị tôi nghiền ngẫm kể từ khi có bức thư 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là như vậy, để cả nước và toàn Đảng tham khảo. Thời gian giúp tôi ngày một nhìn rõ hơn những vấn đề trong / ngoài  của đất nước, và tôi cũng ngày một vững tin hơn về khát vọng cải cách của mình. Mặt khác tôi về hưu rất lâu rồi, không tránh khỏi lạc hậu và phiến diện, mong dự án này được bổ khuyết. Tuy nhiên vẫn phải thú nhận là không biết bao nhiêu lần tôi đã phải nén lòng vượt lên chính mình mới có thể trung thành với sự lựa chọn con đường cải cách như đã trình bầy trên đây – một sự lựa chọn hoàn toàn không dễ dàng gì đối với chính bản thân tôi. Chưa nói đến dự án cải cách 10 năm là quá dài so với tuổi tác của tôi! (Biết làm thế nào!?) Có thể trí tuệ cả nước sẽ có kịch bản khác hoặc những kịch bản khác thuyết phục hơn.  Song dù sao, nhất thiết xin đề nghị phải làm mới hoàn  toàn việc chuẩn bị cho Đại hội XIII, lấy thực hiện cải cách chính trị là nhiệm vụ trụng tâm của toàn Đàng trong thời kỳ khóa XIII và khóa XIV. Đây cũng là nguyện vọng cháy bỏng của tôi.
Tại đây xin nhắc lại để nhấn mạnh một điều: Như đã nêu trong phần II.3., nguyên nhân quyết định không thể hoàn thành được nhiệm vụ CNH-HĐH vào năm 2020 là trong quá trình này đã không tiến hành đồng thời việc cải cách chính trị ngay tức khắc kể từ khi thực hiện Đổi mới 1986, để cho đảng trị vẫn tiếp tục quyết định tất cả; do đó quá trình CNH-HĐH tất yếu đổ ngã sang phát triển theo chiều rộng với làm ăn chụp giựt, tham nhũng nặng nề, bất công xã hội và khoảng cách giầu nghèo rất lớn. Quá trình đảng trị này tự nó làm nảy sinh CNTB thân hữu như một hệ lụy tất yếu khách quan không thể tránh được. Thực tế này khuynh loát hoàn toàn con đường xây dựng đất nước theo  định hướng XHCN suốt 30  năm qua; do đó cuối cùng đất nước chỉ gặt hái được chế độ toàn trị như đang có hôm nay, không oan uổng gì cả, cũng không một đạo đức nào có thể ngăn cản hay đảo ngược được thực tế này! Lỗi hệ thống chỉ có thể khắc phục được bằng sửa hệ thống: Thay đổi thể chế đảng trị hiện nay bằng thể chế nhà nước pháp quyền dân chủ!   
Vì thế hôm nay phải tiến hành cải cách chính trị đồng thời với  xúc tiến tiếp tục nhiệm vụ CNH-HĐH là bài học đầu tiên rút ra từ cuộc sống đất nước, và đây chính là con đường dẫn tới hoàn thành sự nghiệp CNH-HĐH vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 23 của BCT; sau đó mới có thể hy vọng đi tiếp được để trở thành nước phát triển hiện đại vào năm 2045. Không làm được như vậy, Nghị quyết 23 của BCT sẽ chỉ là duy ý chí một lần nữa, với thất bại tất yếu hôm nay đã thấy trước – như kinh nghiệm 43 năm qua đã chỉ ra. Không những thế, không có cải cách chính trị, chế độ sẽ còn tha hóa tiếp, ngày càng không thể cứu vãn được.
Song nhiệm vụ phía trước vô cùng gian khó, ví dụ: GDP p.c. năm 2018 của VN khoảng <1/3 của TQ, bằng 1/3 của Thái Lan, bằng ¼ của Malaysia, và khoảng >1/30 của Singapore. Vào năm 2030 – khi hoàn thành CNH theo tinh thần Nghị quyết 23 của BCT, nếu VN tăng được GDP p.c. của mình hiện nay lên 3 lần (một mục tiêu rất cao) thì cũng chỉ tương đương với GDP p.c. của TQ và của Thái Lan hôm nay (2019) mà thôi, nghĩa là nước ta vẫn tụt hậu tiếp kinh khủng. Tuy nhiên, nếu cũng vào năm 2030 nước ta hoàn thành được cải cách chính trị, sẽ đạt được 2 điều quan trọng: (a)chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chắc chắn sẽ tốt hơn, bền vững hơn, bên cạnh tăng trưởng về vất chất còn có sự tăng trưởng của các giá trị tinh thần, chất lượng mới của thể chế nhà nước.., và (b)có trong tay điều kiện quyết định nhất để thực hiện bước đi tiếp là hiện đại hóa đất nước – đó là có một VN của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự!   
Hiển nhiên cải cách để chuyển đổi một đảng toàn trị như hiện nay thành đảng cầm quyền, và chuyển đổi thể chế chính trị – nhà nước đảng trị như hiện nay thành thể chế nhà nước pháp quyền là một cuộc đổi đời thực sự của quốc gia. Và quan trọng không kém, đây còn là một cuộc đổi đời của mỗi con người chúng ta: Từ công dân là đối tượng của chế độ toàn trị, nay trở  thành người chủ của đất nướcĐiều này có nghĩa: Cải cách chính trị hôm nay sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng số 1 lẽ ra chúng ta đã phải thực hiện ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ giành lại độc lập thống nhất đất nước cách đây 43 năm – nhiệm vụ mà chính nó là mục tiêu cao cả nhất, thiêng liêng nhất của Cách Mạng Tháng Tám và của toàn bộ sự nghiệp của ĐCSVN kể từ ngày thành lập đến nay[24]!
Ngày đêm tôi ấp ủ suy nghĩ trên, và hình dung cải cách chính trị sẽ mở ra Mùa xuân đầu tiên[25] của tổ quốc chúng ta và dân tộc ta kể từ sau khi mất nước vào tay thực dân Pháp! Sau những thất bại đẫm máu của phong trào Cần Vương với hàng chục cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp đất nước, cuộc khởi nghĩa của Đề Thám, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học.., đất nước ta bước vào con đường trường chinh mới, bắt đầu từ ngày 03-02-1930, với sự khởi nghiệp của quốc gia 02-09-1945, với bao nhiêu hy sinh xương máu và mồ hôi nước mắt của 4 cuộc kháng chiến, với trải qua không biết bao nhiêu đoạn trường đau khổ chưa từng có của những đúng / sai của bốn, năm thế hệ dân tộc ta bao gồm cả 43 năm độc lập thống nhất, để đi tới hôm nay: Mở ra trang sử mới đưa nước ta trở thành nước phát triển! Không một ai được phép chặn đứng mùa xuân này của đất nước! Xin mỗi người con Việt Nam chúng ta hãy cùng nhau giành lấy mùa xuân này cho chính mình và tổ quốc mình!
Tôi nghĩ, dù mình mới chỉ có thể hình dung được phần nào sự phức tạp, tính quyết liệt và triệt để, và quá trình gian khổ của cuộc cải cách chính trị nước ta sẽ phải thực hiện này, song ít nhiều tôi đã ý niệm được các bước đi, cách thực hiện, mường tượng những việc nhất định phải làm, với niềm tin chắc chắn nước ta hiện nay và ĐCSVN hôm nay hoàn toàn có đủ mọi điều kiện cần thiết cho thực hiện thành công sự nghiệp cải cách chính trị trọng đại này, dựa hẳn vào nhân dân sẽ hoàn toàn làm được! Tôi rất mong trí tuệ và ý chí của cả nước và của toàn Đảng sớm vào cuộc, cùng nhau xây dựng nên chiến lược thực hiện công cuộc cải cách vỹ đại đáng mong đợi này của đất nước.
Xin cho phép tôi chia sẻ: Nhiệm vụ của cải cách chính trị như đang đặt ra tại đây là đòi hỏi bức thiết có tính quyết định vận mệnh sống còn của đất nước, bắt buộc không cho phép khước từ mỗi công dân chúng ta và toàn thể đảng viên ĐCSVN phải tìm cách thực hiện, phải vượt lên chính mình để thực hiện! 43 năm độc lập thống nhất mà vẫn lạc hậu và tụt hậu như thế là quá đủ rồi! Năm tháng qua đi, tôi đã vấp phải bao nhiêu thất bại trong kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần đề ra nhiệm vụ cải cách không thể tránh né này, (cũng có thể những kiến nghị của tôi còn quá sơ lược và chưa đủ sức thuyết phục). Tôi cũng không ít thất bại như thế trong trao đổi với những bậc đàn anh của mình – những lão thành cách mạng cả tuổi đời cũng như tuổi đảng hơn tôi hàng chục tuổi, giữ những cương vị rất cao trong hệ thống chính trị của đất nước, một số anh đã đi xa… Có anh đã nói …Võ Văn Kiệt lúc còn sống nói còn không ai nghe, bây giờ còn ai nói được họ nữa!?.. Cũng có anh nói …Cải cách sẽ đụng vào những chuyện nhạy cảm không thể nói ra được, đành chết mang theo và để cho cuộc sống dậy bảo mọi người vậy!.. Tôi cứ như húc đầu vào đá! Cuộc sống đã dậy tôi: Phải khép lại quá khứ, phải vượt lên quá khứ, bắt đầu từ hòa giải đoàn kết dân tộc!..  Phải vượt lên cái bóng của mình mà đi! Trên con thuyền quốc gia mọi người phải chăm lo gìn giữ cả con thuyền trên đại dương sóng gió để tới bến chứ không phải chỉ chăm chăm gìn giữ chỗ mình ngồi trên con thuyền!.. Tôi không thể bỏ cuộc được. Thiết nghĩ hôm nay mỗi chúng ta cùng nặng lòng vì nước, quyết vượt lên nỗi sợ của chính mình chắc chắn sẽ làm được![26]  Cam tâm chìm đắm tiếp trong quá trình tha hóa trên con đường đang đi hiện nay sẽ đồng nghĩa với tự sát!
Trước đòi hỏi phát triển của đất nước trong thế giới đã sang trang đi vào một thời kỳ mới, nếu ĐCSVN hôm nay trối bỏ cơ hội đổi đời của đất nước và trách nhiệm ràng buộc của mình phải tiến hành cuộc cải cách chính trị mang ý nghĩa lịch sử này, sẽ có nghĩa là trối bỏ đất nước và sự nghiệp của chính mình, mong Đại hội XIII cân nhắc thấu đáo. Tồn tại hay không tồn tại đối với ĐCSVN là ở lẽ này! Xin nhấn mạnh: Tình hình thế giới và bối cảnh lịch sử của đất nước hôm nay khách quan đặt ra cho ĐCSVN sự lựa chọn như vậy. Vận mệnh đất nước không biết chờ đợi!
Lời kết
Cơ hội lịch sử đổi đời đất nước do cục diện thế giới xoay vần mang lại  thật là chưa từng có, thách thức phía trước vô cùng quyết liệt còn hơn cả thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, những nhiệm vụ phải làm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở thời kỳ thế giới sang trang hiện nay chẳng những khó khăn phức tạp hơn mà còn mang tính thử thách mất còn quyết liệt hơn so với 30 năm CNH-HĐH không thành công vừa qua. Vì vậy, đã đến lúc cả nước phải ra khỏi cơn mê ngủ xây dựng đất nước theo định hướng XHCN, nhìn thẳng vào cơ hội và thách thức phía trước, thông qua cải cách chính trị tự giải phóng chính mình, quyết xây dựng đất nước dân chủ và giầu mạnh trên vùng đất địa đầu của khu vực, giành lấy thế và lực tự quyết định lấy vận mệnh của mình, và đồng thời dấn thân cùng với cả cồng đồng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Ý chí Việt Nam, đoàn kết Việt Nam sẽ làm được, cải cách chính trị sẽ là những bước đi đầu tiên.
Sức mạnh của dân tộc và dân chủ là bền vững, bất khả chiến bại, và đồng thời là nguồn nghị lực sáng tạo vô tận của mỗi quốc gia thời đại ngày nay; lịch sử cận đại của nước ta cũng khẳng định điều này – đây là con đường Đại hội XIII phải lựa chọn! Với ý chí như vậy, ĐCSVN cần phát huy sức mạnh của dân tộc và dân chủ, để giành thắng lợi trong công cuộc cải cách chính trị đổi đời chính mình thành đảng của dân – do dân – vì dân, để từ đó cùng với toàn thể dân tộc tiến hành cải cách đổi đời đất nước, mở ra cho nước ta một thời kỳ phát triển mới. Tổ quốc chúng ta trong thế giới hôm nay đòi hỏi cả nước và ĐCSVN bắt buộc phải lựa chọn như vậy!     
Tôi trân trọng đề nghị:
Đứng trước những đòi hỏi sống còn của đất nước trong cục diện quốc tế mới hiện nay, Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cả nước đoàn kết một lòng, khép lại quá khứ, cùng nhau  đem hết tâm trí và nghị lực tiến hành cải cách chính trị thành công. Đề nghị  Đồng chí nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Đảng Cộng Sản Việt Nam long trọng tuyên bố trước toàn thế giới: Việt Nam quyết hoàn thành thắng lợi cuộc cải cách này để phát triển quốc gia mình, và đồng thời để làm tròn nghĩa vụ một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
          Tôi có niềm tin khẳng định: Giương cao ngọn cờ cải cách chính trị đổi đời đất nước, Chủ tịch nước –Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả nước và toàn thể đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ nhất tề sát cánh cùng nhau đem về  cho đất nước thắng lợi vẻ vang, mở ra từ nay một trang sử mới cho tổ quốc vô vàn yêu quý của mọi người con Việt Nam chúng ta! Chúng ta quyết dấn thân cùng với cả thế giới tiến bộ! Cả thế giới tiến bộ đứng về phía chúng ta!
Hết                                                            
[1] Một số học giả trên thế giới gọi đấy sẽ là một quốc gia giám thị thế giới kiểu Orwell (an orwellian surveillance State). Nên tham khảo thêm G. Orwell: “Trại súc vật: Một truyện cổ tích” và “Nineteen_Eighty-Four”.
[2] Tham khảo thêm sách trắng của FBI về các hoạt động ăn cắp công nghệ của TQ tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở Mỹ, xuất bản năm 2018, dưới tựa đề CHINA: THE RISK TO ACADEMIA”,https://www.research.psu.edu/sites/default/files/FBI_Risks_To_Academia.pdf,  file:///C:/Users/MyPC/AppData/Local/Temp/(U)%20China%20–%20The%20Risk%20to%20Academia%20(Handout)-2.pdf –  or more information, contact your local field office at https://www.fbi.gov/contact-us/field-officesCONTACT … Từng thời gian báo chí Mỹ lại rộ lên những tin thức nổi bật, ví dụ:  Ủy ban Cox 05-1999 đã trình Lưỡng viện Mỹ những bằng chứng TQ thực hiện chương trình tình báo đánh ăn cắp một số mẫu bom khoảng thời gian cuối những năm 1970, bản thiết kế bom W-88 tiên tiến nhất của Mỹ, cũng như thiết kế chế tạo vũ khí phóng xạ cải tiến – bom neutron..; năm 2009, tờ Wall Street Journal đưa các tin tức: Tình báo TQ đánh cắp được dữ liệu tuyệt mật về dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) trị giá 300 tỷ USD có khả năng đánh bại máy bay chiến đấu loại mới F-35 Lightning II..,  tướng James Cartwright tố cáo  Quân đội Trung Quốc (PLA) theo đuổi chiến lược “Chiến tranh Điện tử Mạng Tích hợp (INEW)” và tiến hành “do thám mạng”, thâm nhập vào các mạng vi tính của các cơ quan chính phủ cũng như các công ty tư nhân của Mỹ… Vân vân…
Ngày 26-04-2019 giám đốc FBI  Christopher Wray báo cáo trước Hội đồng Đối ngoại Mỹ: Không có nước nào đe dọa nước Mỹ nhiều mặt và có hoạt động tình báo gây hại nhiều cho Mỹ như TQ, toàn bộ sự việc nói lên TQ quyết tâm bằng con đường ăn cắp đẩy mạnh kinh tế nước mình và nước Mỹ phải trả giá (“…Put plainly, China seems determined to steal its way up the economic ladder at our expense…”) – Charlotte Gao,  The Diplomat 29-04-2019.
[3] Tham khảo thêm:  Lê Quốc, Donald John Trump – ông là ai?” http://tieng-dan-weekly.blogspot.com/2019/02/donald-john-trump-ong-la-ai.html
[4] Tham khảo: Huyền Đạo Khánh,  “Một tòa cao ốc không có nền móng”. | viettin.de
[5] Tham khảo: (1) TS. Phạm Đỗ Chí Thương chiến: “Thế Cờ Vây Mỹ Xiết Chặt”
(2) MỸ Khánh: NHỮNG ĐÒN TẤN CÔNG LIÊN TIẾP CỦA DONALD TRUMP TỪ HUAWEI TỚI BIỂN ĐÔNG” Nguồn: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=9602
[6] Cái bẫy Thucydides: Tìm hiểu lịch sử La Mã 460 – 395 trước công nguyên.
[7] Tham khảo: Hoàng Anh Tuấn:  Donald Trump và 5 cuộc chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới
http://nghiencuuquocte.org/2018/10/14/donald-trump-5-cuoc-chien-dinh-vi-my-the-gioi/
 Và Nguyễn Quang Dy: Trung Quốc và 3 thách thức lớn trong thế kỷ 21
 http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_TQ3ThachThuc.html
[8] Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
[9] Tìm xem: Nguyễn Trung, tiểu thuyết Dòng đời, NXB Năn Nghệ, TPHCM 2006, tập II, trang 497.
[10] Phải thẳng thắn thừa nhận trong lòng đất nước và không ít kiều bào ở nước ngoài từ rất sớm đã có nhiều tiếng nói chân thật nhắc nhở Đảng thiếu sót nghiêm trọng này, song không được lắng nghe. Võ Văn Kiệt là người duy nhất trong lãnh đạo một lần công khai nói lên được nỗ đau này “…đất nước có một triệu người vui, thì cũng có một triệu người buồn!..” Song cho đến hôm nay, trên thực tế quan điểm về sự tồn tại một cuộc nội chiến như thế đều bị coi là dị giáo, là phản động! Có cán bộ mới chỉ đụng vào vấn đề này đã mất chức!
[11] Cái ác lớn nhất của chế độ là cấm đoán con người và thậm chí cả dân tộc tự do tư duy!
[12] TQ và Thái Lan năm 2018  có GDP p.c. cao hơn của nước ta gấp 3 lần, được xếp hạng quốc gia có mức thu nhập trung bình. Ngoài ra xin lưu ý, loại bỏ yếu tố thời giá, toàn bộ input tính theo đầu người của nước ta đổ vào 30 năm CNH-HĐH 1986-2018 cao ít nhất gấp đôi của Hàn Quốc thời CNH-HĐH 1960-1988. Song kêt thúc thời kỳ này Hàn Quốc trở thành NIC, hôm nay là thành viên của nhóm G20. Còn VN hôm nay vẫn chưa phải là NIC; Nghị quyết số 23 ngày 22-03-2018 của Bộ Chính trị ấn định VN sẽ hoàn thành CNH-HĐH vào năm 2030 và sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu của ASEAN về công nghiệp (Malaysia, Thailand, Vietnam?).
[13] Một số trí thức đã lên tiếng cảnh báo và phản đối: Cho đến nay chỉ có TQ mặn mà và muốn chộp lấy những dự án giao thông thuộc cao tốc Bắc-Nam và tuyến đường sắt quốc gia của ta; và “phía ta” có những dấu hiệu sẵn sàng “phối hợp 2 bên cùng nhau đi đêm” – để cùng nhau nhập nhèm và cùng nhau tham nhũng (cái “bẫy nợ”). Trong khi đó giới đầu tư phương Tây hầu như không quan tâm đến những dự án này, bởi vì họ cho là phía ta thiếu công khai minh bạch, không có bảo lãnh của chính phủ về doanh thu, về tỷ giá… Tại cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì bàn về phát triển kinh tế tư nhân, tiến sỹ Trương Gia Bình phát biểu: Giao những công trình này cho doanh nghiệp tư nhân của VN sẽ đỡ tốn kém hơn và hoàn thành nhanh hơn!
[14] Nhất thiết nên giải thể bằng mọi cách các tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc các xí nghiệp quốc doanh nhà nước không cần nắm giữ, chỉ cần duy trì một vài đơn vị mà an ninh quốc gia đòi hỏi.
[15] The Diplomat 14-05-2019 có bài “Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight”   của Derek Grossman, chuyên gia lâu năm phân tích về quốc phòng của RAND-Corporation, cho rằng: TQ vì nhiều lý do – trong đó có lý do VN thực hiện “ngoại giao 3không khiến cho sự can thiệp của Mỹ khó xảy ra.., do đó TQ có  thể sẽ tránh Đài Loan, nhưng muốn chọn đánh VN sao cho Mỹ không can thiệp để “hâm nóng” sức chiến đấu quân đội TQ. Giới nghiên cứu nước ta nên tham khảo bài báo này và một số bài các báo khác rất phong phú. https://thediplomat.com/2019/05/vietnam-is-the-chinese-militarys-preferred-warm-up-fight/
[16] Thật phi lí chỉ vì những yếu kém của chế độ toàn trị hiện thời mà lãnh đạo của đất nước đã và đang vứt bỏ những giá trị quan trọng này có thể làm nên sức mạnh mềm của quốc gia!
[17] Trong bài viết về Lý luận Mác và Tư tưởng Hồ Chí Minh, anh Việt Phương trình bầy: “…Ở hội thảo quốc tế tại Paris kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, có ý kiến là: trong toàn bộ các tác phẩm của Mác, kể cả những bức thư riêng, nếu lấy một câu thôi, câu có giá trị nhất, thì là câu  “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của mọi người”.  Rõ ràng, câu ấy là cá nhân – cộng đồng, chứ không phải chỉ là cộng đồng thôi. Vì vậy lý thuyết Mác nếu đặt tên đúng thì là “chủ nghĩa cá nhân – cộngđồng”. Communism theo tinh thần này là “chủ nghĩa cộng đồng”, bị dịch sai thành “chủ nghĩa cộng sản”, rồi cái tên sai ấy vào Việt Nam và bây giờ nó thiêng liêng lắm rồi, biết là sai nhưng không chữa được nữa…” (Bài này là gỡ băng từ các buổi nói chuyện của anh Việt Phương với Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng lý luận TƯ. Sau đó, 12-2007, anh Việt Phương tự tay ghi lại từ gỡ băng viết thành bài này và vẫn giữ nguyên dưới dạng khẩu ngữ.
[18] Một số quan điểm của anh Trần Độ: “Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp.“. … “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp…”  Tìm đọc thêm:  Trần Độ “Nhật ký rồng rắn”…
[19] Như trong câu của bài hát Vì nhân dân quên mình thời kháng chiến chống Pháp: Đoàn vệ quốc chúng ta từ nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần…
[20] Nên tham khảo Constitution Party of PAP, Singapore: https://www.pap.org.sg/party-constitution (Điều lệ Đảng Hành Động Nhân Dân, Singapore).
[21] Bởi vì việc quốc gia, việc của Đảng có việc nào không phải là của nhân dân? nhân dân không được biết, không được bàn?.; một XHDS như thế sẽ có khả năng gìn giữ và phát huy các giá trị – đạo đức truyền thống của dân tộc.., tránh được những khuynh hướng tiêu cực của chủ ghĩa dân túy, dân chủ bầy đàn, sức mạnh đám đông; trong XHDS cần phát huy đúng đắn các quyền tự do dân chủ của công dân và những quyền con người ghi trong hiến pháp, cần huy động sự tham gia tích cực của trí thức và những người dấn thân trong xã hội dân sự; việc tham gia hết mình vào XHDS, coi đây là môi trường hình thành và rèn luyện Đảng trở thành đảng của dân – do dân – vì dân, qua đó được tín nhiệm thành đảng cầm quyền, hay là loại bỏ sân chơi XHDS?, đấy sẽ là hòn đá thử vàng làm sáng tỏ ĐCSVN hôm nay dám hay thoái thác cải cách chính trị.
[22] Xin đề nghị các sử gia, các thầy giáo, các nhà văn , các nghệ sỹ… sưu tầm lịch sử và những sự việc đã diễn ra trong cả nước và làm sống lại khoảng thời gian hào hùng này từ sau Cách Mạng Tháng Tám (19-08-1945) cho đến khi tiến hành kháng chiến chống Pháp (19-12-1946). Có thể nói, hồi đó khắp cả nước mỗi người đều lớn lên từng ngày trong tham gia vào mọi công việc của quốc gia, mọi phong trào của đất nước khoảng thời gian này, tất cả trong tinh thần bình đẳng – đoàn kết – nhiệt thành, cùng nhau làm mọi việc cho đổi đời chính bản thân mình và đổi đời đất nước, đúng với ý nghĩa: Mọi việc là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân!
[23] Sau một thập kỷ dò dẫm, chuẩn bị, SLORC và tổng thống Thein Sein (Myanmar) với những bước đi thích hợp và cân nhắc thấu đáo đã thực hiện xong tất cả những việc chuẩn bị cần thiết như ban hành luật biểu tình, luật báo chí, thả trên 2000 tù chính trị.., dẫn tới cuộc bầu cử mỹ mãn 2016, đưa Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) và bà Aung San Suukyi lên cầm quyền. Tuy nhiên, hiện nay quân đội vẫn cản trở không cho soạn thảo hiến pháp mới, mặt khác sự can thiệp của quyền lực mềm TQ đang ráo riết quay lại, vấn đề tộc người Rohingya không có lối thoát, nạn sắc tộc chia rẽ các bang.., tất cả đang uy hiếp nghiêm trọng những thành quả dân chủ đã đạt được sau cuộc bầu cử 2016.
[24] Nhiều người, trong đó có Việt Phương, thường nhắc lại câu nói mộc mạc nhưng vô cùng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước có độc lập, mà nhân dân không được tự do, không có hạnh phúc thì độc lập để làm gì! Việt Phương thường nhấn mạnh: Hồ Chí Minh là dân tộc, dân chủ, là đại đoàn kết dân tộc, là không có gì quý hơn độc lập tự do, là người thấm nhuần tư tường “của dân, do dân, vì dân” (của Pericles, Hy Lạp, 495-429 BC), nhà nước là đầy tớ của dân
[25] Mùa Xuân đầu tiên (1976) bài hát để đời nhưng đi trước thời gian của Văn Cao – ước mơ của mọi người Việt Nam. Bài hát này có tuổi đời 43 năm rồi, song hôm nay vẫn còn ở phía trước, cả nước phải dấn thân đi tới!
[26] Nguyễn Trung, loạt bài Thời cơ vàng – hiểm họa đen góp ý với Đại hội X của ĐCSVN, 01-2006, tìm xem trong “Thời cơ vàng của chúng ta, Vietnamnet – NXB Trẻ, Hà Nội 2006 và trong “Tranh luận để đồng thuận, NXB Tri Thức, Hà Nội 2006. và
Nguyễn Trung, “Vượt lên nỗi sợ –  www.viet- studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_VuotLenNoiSo.htm, Hà Nội 01-2012