Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Đọc Thời đại của những thái cực





Thế kỉ XX ngắn (1914-1991)
của Eric J. HOBSBAWM (1)

Nguyễn Quang


Phần 1

01.01.01 : năm mới, thế kỉ mới, thiên kỉ mới, đời ta sẽ không còn thấy lần thứ nhì. Thế mà tại sao khúc quanh lịch sử này lại diễn ra trong sự thờ ơ lạnh nhạt chung như vậy ? Lẽ ra người ta chờ đợi ai đó làm một bản tổng kết, vạch ra một viễn tượng, nêu lên những suy ngẫm lịch sử. Rốt cuộc hầu như chẳng có gì. Có lẽ đó là triệu chứng cho thấy thế kỉ cũ đã kết thúc một cách tầm thường, các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nhà bác học dường như đã nhường chỗ cho những tướng quân, những tay mồm mép và cánh mãi võ Sơn đông... Vậy mà... Nếu người viết bài này là một nhà báo (khổ một nỗi hắn không phải là nhà báo, các biên tập viên khác của Diễn đàn cũng đều là những người viết nghiệp dư) có một chút can đảm (món này cũng khá hiếm trong ban biên tập (2) ), hắn đã tổ chức ngay một bàn tròn thảo luận về thế kỉ XX vừa chấm dứt. Cũng không tốn sức gì cho lắm, vì hắn có thể dựa vào hai công trình tổng hợp mới xuất bản : Le passé d’une illusion của François Furet (1996) và L’âge des extrêmes của Eric J. Hobsbawm (1994, bản dịch tiếng Pháp ra năm 1999). Cũng phải nói ngay : hai cuốn sách ra gần như cùng một lúc, nhưng khác hẳn nhau về thực chất. Cuốn sách của Furet là một luận văn chính trị và ý thức hệ, phần lịch sử trong đó chỉ được tóm tắt, tác giả nhấn mạnh ông không có ý viết một cuốn sử, mà chỉ muốn viết về lịch sử một ý tưởng, một ảo tưởng (chủ nghĩa cộng sản). Còn tác phẩm của Hobsbawm thực sự là cuốn tổng sử Thế kỉ XX, huy động toàn bộ các lãnh vực liên quan tới sử học (kinh tế học, xã hội học, triết học...). Tại sao phải nhắc tới hai cuốn này ? Là bởi nước Pháp có một đặc sản là những cuộc luận chiến, mà cuộc luận chiến mới nhất có thể tóm tắt như sau : Hobsbawm là một trí thức phái tả, một nhà sử học mác-xít, tuy không “ chính thống ” nhưng vẫn không chịu “ hồi chánh ”, và cách lý giải thế kỉ XX của Hobsbawm lại không “ phải đạo ”, không chịu đi vào khuôn phép đang ngự trị ở Pháp từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (đúng hơn, phải nói từ ngày kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, điều này chẳng mấy ai để ý) ; do đó ông đã bị tẩy chay và cuốn sách không tìm ra nhà xuất bản Pháp ngữ. Bỏ qua cuộc luận chiến này, chúng tôi muốn cùng độc giả “giã từ thế kỉ” bằng cách ngược dòng lịch sử theo nhãn quan của Hobsbawm.


Buổi khai sinh thế kỉ


Đầu sách “ Thời đại của những Thái cực ” tự nó cũng đã rõ nghĩa. Thế kỉ XX quả là thái cực trong mọi lãnh vực. Thái cực trong sáng tạo và tàn phá. Trong hưng thịnh và suy đồi của đạo lí, trong tiến bộ của tri thức cũng như trong sự lan truyền của mông muội, trong sản xuất của cải cũng như trong bất công của sự phân phối... Chẳng cần có một ý niệm gì về triết lí lịch sử (đó là trường hợp của số đông thanh niên ngày nay – Hobsbawm than rằng “ họ sống trong một thứ hiện tại thường trực, không hề có một mối liên hệ hữu cơ nào với quá khứ chung của thời họ đang sống ”, tr. 21), khi nhìn lại diễn trình của thế kỉ XX, người ta không thể không bàng hoàng trước khoảng cách ngày càng to lớn giữa các thái cực. Nói nhìn lại cũng không đúng : thế kỉ XXI chẳng đang tiếp tục cái đà ấy hay sao ? Nói huỵch toẹt, nhân loại hiện nay, một nửa không mong muốn gì hơn là được diễm phúc moi móc thùng rác của nửa kia mà sống. Nhưng thôi, nguyền rủa mà làm gì... (3).


Còn cái phụ đề “ Thế kỉ ngắn XX (1914-1991) ” có lẽ cần được giải thích. Cuốn sách này là đối ngẫu của công trình lớn về Thế kỉ dài XIX(mà Hobsbawm là một chuyên gia lừng danh) gồm ba phần : Thời đại của các cuộc Cách mạng (1789-1848), Thời đại của Tư bản (1848-1875) và Thời đại của những Đế quốc (1875-1914). Shakespeare đã gọi Lịch sử là một vở tuồng đầy âm thanh và cuồng nộ, do một thằng điên viết ra và một thằng ngốc nói lắp. Âm thanh và cuồng nộ, thì Thế kỉ XX không thiếu. Còn phần cuối câu nói của Shakespeare, thì một nhà sử học mác-xít không thể tán thành. Ông phải tìm cho ra sự nhất quán nội tại của mỗi giai đoạn lịch sử, và nếu ta chấp nhận có sự nhất quán đó, thì thời kỳ “ trăm năm ” lịch sử không có lí do gì lại phải bắt đầu từ năm 01 của một cuốn lịch đã được quy định một cách võ đoán. Những niên đại mà Hobsbawm đã chọn làm cột mốc thế kỉ tự nó đã mang đầy đủ ý nghĩa : đối với ông, Thế kỉ XIX đã bắt đầu với Cách mạng Pháp, cuộc cách mạng đã quét sạch các vương quốc già nua của châu Âu và thể hiện những ý tưởng của trào lưu Khai sáng ; và nó kết thúc ở đỉnh cao của Thời đại của các đế quốc, khi các đế quốc này sẽ đụng đầu nhau (và tiêu diệt nhau) trong cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Mở đầu vào năm 1914, Thế kỉ ngắn XX kết thúc năm 1991, khi chế độ xôviết sụp đổ. Nhìn đại thể, có thể chia làm ba giai đoạn : giai đoạn đại hoạ, từ 1914 đến cuối Thế chiến lần thứ nhì, tiếp theo đó là một giai đoạn, khoảng 25-30 năm, đánh dấu bằng sự tăng trưởng kinh tế và những biến đổi xã hội phi thường, một thứ Thời đại Hoàng kim (ít nhất trong cảm nhận của một số người, khi thời kì này chấm dứt, vào đầu thập niên 70). Cuối cùng, giai đoạn thứ ba là thời kì của những bất trắc, khủng hoảng, và ít nhất đối với cả một bộ phận thế giới (Phi châu, Liên Xô và đế quốc xã hội chủ nghĩa), một thời kì đại hoạ.


Tóm lại, ý tưởng trung tâm là : Thế kỉ ngắn XX khai sinh trong cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Luận điểm này không có gì mới, nhưng ở đây, nó được diễn giải tường tận : lò lửa 1914-18 đã tôi luyện nên thế kỉ sắt thép này. Cái nhìn hồi chiếu của nhà sử học mang lại một sự nhất quán cho cuộc bể dâu 31 năm : một “ thời kì đại hoạ ” của nền văn minh Tây phương (do đó, của nền văn minh nhân loại), một cuộc Đại khủng hoảng kinh tế nổ ra giữa hai cột mốc là hai cuộc Đại chiến thế giới, cuộc thứ nhì phát sinh từ cuộc thứ nhất. Thế chiến thứ nhất đã đẻ ra Cách mạng tháng 10 Nga, và Thế chiến thứ nhì đã lập ra trật tự lưỡng cực trên toàn cầu, do phe chiến thắng áp đặt – thế lưỡng cực này kéo dài đến năm 1991. Trong ý nghĩa đó, có thể nói cuộc chiến tranh 1914-45 là cái “ tử cung ”, cái lò bát quái đẻ ra thế kỉ đẫm máu nhất của lịch sử nhân loại.


Ngay cả những người không tán thành luận điểm này cũng phải thừa nhận rằng 1914 là điểm đoạn tuyệt giữa hai thế kỉ. Cuối Thế kỉ dài XIX, thế giới sống dưới sự bá chủ của nền văn minh Tây phương, hay đúng hơn, một hình thái nhất định của nền văn minh Tây phương mà Hobsbawm mô tả như sau : “ về mặt kinh tế là tư bản chủ nghĩa, về bộ máy luật lệ và hiến pháp là tự do, về hình ảnh của giai cấp thống trị là tư sản ; kiêu hãnh với những tiến bộ của khoa học, tri thức và giáo dục, với cả những tiến bộ vật chất và tinh thần ; tin tưởng sâu sắc vào vị trí trung tâm của châu Âu, mẹ đẻ của các cuộc cách mạng, cũng như của khoa học, nghệ thuật và công nghiệp (...), chắc mẩm rằng hệ thống chính trị toàn cầu là do những quốc gia chính ở châu Âu quy định ” (tr. 25). Vậy mà trận động đất 1914 đã đẩy châu Âu vào một cuộc đảo điên 30 năm triền miên “ hết tai hoạ này sang tai hoạ khác ”, đến độ có những lúc “ ngay cả những người bảo thủ thông minh nhất cũng chẳng dám đánh cuộc vào sự sống còn của nó ”. Có thể hiểu được sự âu lo linh cảm của ngoại trưởng Anh Edward Grey khi nước Anh tham chiến : “ Cả châu Âu đã tắt đèn. Đời chúng ta sẽ không được thấy đèn sáng trở lại ”. Mô tả sự tăng tốc bạo liệt ấy của lịch sử, Hobsbawm đã hạ một câu sắc sảo : “ Chủ nghĩa đế quốc hiện đại, ngày nữ hoàng Victoria lâm chung, còn vững chãi và ngạo ngược như vậy, thế mà rốt cuộc lịch sử của nó cũng chẳng kéo dài hơn một kiếp người : chẳng hạn kiếp sống của Winston Churchill (1874-1965) ” (tr.26).


Đối với những người đã phải trải qua cả hai cuộc chiến, có thể cảm thấy chúng khác xa nhau. Thế chiến 1914 đúng là một cuộc chiến tranh đế quốc theo nghĩa đen : chiến tranh giữa đế quốc với nhau. Còn chiến tranh 1939 (và những cuộc chiến tranh “ nhỏ ” tiếp theo) có tính chất “ ý thức hệ ”, một hình thái hiện đại của chiến tranh tôn giáo. Nhưng với khoảng lùi lịch sử, có thể nói cả hai chẳng qua là một cuộc chiến tranh duy nhất bởi vì những người chiến thắng năm 1918 (mặc dầu họ đã toàn thắng) đã không áp đặt được một trật tự quốc tế mới ổn định. Họ đã thất bại vì họ đã muốn loại ra khỏi cuộc chơi chính trị và kinh tế hai cường quốc : nước Đức là nước thua trận, bị hoà ước Versailles “ trừng phạt ”, do đó trở thành “ nạn nhân ”, và Liên Xô bị cô lập bằng một “ vành đai y tế ”. Sự ức chế Đức và sự tẩy chay Liên Xô đã đẩy hai nước này (vốn thù nghịch nhau về hệ tư tưởng, xem phần dưới) xích lại gần nhau về mặt chính trị. Và đến đầu thập niên 30, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đưa chính quyền Đức và Nhật tới “ hình thái chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và của phái cực hữu, quyết tâm phá vỡ thế nguyên trạng (...), thì một cuộc thế chiến mới trở thành một điều dễ tiên liệu, hơn thế nữa, gần như mọi người đều tiên đoán là nó sẽ bùng nổ ” (tr.60).


Không thể hiểu được sự bạo liệt của thế kỉ XX nếu ta quên rằng “ thời đại của những cuộc tàn sát ” đã bắt đầu chính từ năm 1914. 1914 đánh dấu một sự cắt đoạn triệt để, đến mức mà đối với thế hệ đã trưởng thành khi cuộc Thế chiến thứ nhất bắt đầu, trong tâm thức của họ, “ hai chữ ‘hoà bình’ nghĩa là ‘trước 1914’ ; còn sau đó, gì thì gì cũng không xứng đáng được gọi tên bằng hai tiếng ấy ” (tr. 45). Cuộc chiến tranh 1914-18 tiêu diệt một thế hệ (10 triệu người chết và tàn phế, 4 tới 5 triệu người tị nạn) đã vậy, đến cuộc chiến tranh 1939-45, với 54 triệu người chết và tàn tật, 40 triệu người tị nạn, thì sao ? Thế kỉ “ ngắn ” quả là thế kỉ khổng lồ về sự giết người : theo một ước tính gần đây (Brzezinski, 1993), số người bị đồng loại giết chết, hoặc cố tình để cho chết, lên tới 187 triệu. Có thể tranh cãi về con số, về phương pháp tính toán, song có một điều không thể tranh cãi là sự suy thoái đạo lý gắn liền với thời đại tàn sát và nuôi dưỡng nó. Bảo rằng thế kỉ XIX là một thời kì tiến bộ về vật chất, trí tuệ và tinh thần, nghĩa là “ thăng tiến những giá trị của nền văn minh ” (tr. 33) chắc sẽ khiến nhiều “ nhà cách mạng ” phải cười gằn. Song như Hobsbawm đã nhắc lại, bản thân F. Engels, một nhà “ cách mạng có môn bài ”, đã kinh hoảng trước cuộc ám sát khủng bố đầu tiên của các phần tử Cộng hoà Ireland ở Wesminster Hall : là người của thế kỉ XIX, người đồng chí của K. Marx cho rằng không thể gây ra những hành động chiến tranh nơi những người không chiến đấu. Song từ 1914 trở đi “ các cuộc chiến tranh có tính chất toàn diện đã biến thành ‘chiến tranh nhân dân’ theo nghĩa đen của cụm từ này : thường dân và đời sống dân sự đã trở thành mục tiêu xác định, thậm chí chủ yếu, của chiến lược ” (tr. 79). Một thí dụ nữa : đầu thế kỉ XX, châu Âu đã chính thức loại bỏ nạn tra tấn, vậy mà với chế độ nazi và từ sau năm 1945 nhất là trong các cuộc chiến tranh chống giải phóng (Việt Nam, Algérie), tra tấn đã trở thành “ tập tục ” tại ít nhất một phần ba các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (4) (Peters, 1985). Thành thử, theo Hobsbawm, thế kỉ XX đã trở thành quen thuộc với những cuộc tàn sát đại chúng, những cuộc di cư cưỡng bức, những thảm kịch vốn dĩ hiếm hoi, đến mức người ta đã phải tạo ra những cụm từ mới : “ vô quốc tịch ”, “ diệt chủng ”, “ trại tử thần ”, “ goulag ”... Nhân danh những giá trị đạo lí, nhà sử học đã tuyên án nghiêm khắc : “ Thế kỉ này đã dạy chúng ta, và còn tiếp tục dạy chúng ta, rằng những con người có thể tập sống trong những điều kiện ghê gớm, trên lí thuyết là không thể chịu đựng được, thì [đối với những thế hệ trẻ] không dễ gì nhận thức được quy mô sự tái hồi của những gì mà cha ông ta ở thế kỉ XIX gọi là những tiêu chuẩn của sự dã man, một sự tái hồi khốn nỗi đang tăng tốc (...) Tai hoạ mà [cuộc chiến tranh 31 năm] gây ra cho loài người hiển nhiên là tai hoạ lớn nhất trong Lịch sử. Một khía cạnh không kém phần bi thảm của đại hoạ ấy, là nhân loại đã phải tập sống trong một thế giới mà giết chóc, tra tấn, lưu đầy hàng loạt đã trở thành câu chuyện thường ngày không làm ai ngạc nhiên ” (tr. 82).


Bóng đen Tháng Mười


Như đã nói, chiến tranh 1914 là một cuộc chiến tranh đế quốc. Đến năm 1918, một nửa số các đế quốc ấy (những đế quốc bại trận) không còn tồn tại, nửa kia đã mang trong mình những mầm mống chẳng bao lâu sẽ huỷ diệt chúng. “ Rõ ràng là thế giới cũ đã bị lên án. Xã hội cũ, nền kinh tế cũ, những chính thể cũ, nói như người Trung Hoa, đã ‘đánh mất thiên mệnh’ (...). Nhân dân các nước dường như chỉ đợi một dấu hiệu là sẽ vùng lên, để biến những đau khổ vô lí của chiến tranh thành một cái gì tựa như cơn đau của sự sinh nở, sự quằn quại của một thế giới trong giờ thoát thai. Cuộc cách mạng Nga, hay nói đúng hơn, cuộc cách mạng bôn sê vích Tháng Mười 1917 là tiếng còi báo hiệu cho thế giới. Trong lịch sử thế kỉ XX, nó đã trở thành sự kiện trung tâm, tương đương với cách mạng 1789 trong lịch sử thế kỉ XIX. Quả thế, không phải ngẫu nhiên mà lịch sử Thế kỉ ngắn XX này trên thực tế đã trùng hợp với cuộc đời của Nhà nước thoát thai từ cách mạng Tháng Mười ” (tr. 86).


Đây không phải chỗ viết lại lịch sử cuộc cách mạng này, song cũng cần nói tại sao nó lại là cái mốc đánh dấu thế kỉ, là sự kiện trung tâm mà mọi người, những người tán thành cũng như những người chống lại, đều lấy đó làm quy chiếu. Năm 1914, “ ý niệm xã hội chủ nghĩa ” đã trở nên thân quen, và trong phần đông các nước âu Châu, sự tăng trưởng của giai cấp công nhân và sự phát triển của các đảng xã hội dường như đã mở ra khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản. Mà đúng thế, “ mười ngày ” tháng Mười quả đã “ rung chuyển thế giới ” (John Reed, 1919), một cơn địa chấn long trời lở đất, mà những đợt dư chấn còn kéo dài tới cuối thế kỉ, với sự sụp đổ của một đế chế khác. “ Cuộc cách mạng bôn sê vích đã tạo sinh phong trào cách mạng có tổ chức mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại ” (tr. 87). Từ sau các cuộc chinh phục của Islam trong thế kỉ đầu tiên của đạo này, không có phong trào nào có thể sánh kịp sự bành trướng toàn cầu của nó. Chưa đầy 30, 40 năm sau khi Lenin đặt chân xuống nhà ga Phần Lan ở Petrograd, khoảng một phần ba nhân loại (ở châu Âu cũng như ở châu Á) sống dưới chế độ “ mác xít - lê nin nít ”. Hơn thế nữa, mô hình xô viết còn đề ra một hệ thống đầy đủ (kinh tế, xã hội, chính trị, tổ chức) với tham vọng thay thế hệ thống tư bản chủ nghĩa, tự khẳng định là ưu việt so với nó, và được Lịch sử trao cho “ sứ mệnh toàn thắng ”. Nói như Hobsbawm, lẽ ra Thế kỉ ngắn XX phải kết thúc “ dưới cái bóng khổng lồ của Tháng Mười ”, trong một môi trường của sự đụng đầu (thực hay ảo, sẽ bàn ở dưới đây) giữa các thế lực của trật tự cũ và các thế lực của cuộc cách mạng xã hội.


Mọi người đều biết những nét lớn của lịch sử Liên Xô, nhưng có lẽ cũng nên nhắc lại những giai đoạn chính của nó qua con mắt của Hobsbawm :


- giai đoạn giành chính quyền : năm 1914, sức ép của cuộc chiến tranh toàn diện đã đẩy các quốc gia và các dân tộc tới tận cùng của các giới hạn, tới điểm đoạn tuyệt. Khâu yếu nhất là nước Nga sa hoàng đã bị cuộc cách mạng 1905-1906 làm quỵ gối. “ Cuộc cách mạng Tháng Ba 1917 nổ ra chẳng có gì bất ngờ và ngạc nhiên(5), lật đổ chế độ quân chủ Nga và được toàn bộ công luận Tây phương hoan nghênh, ngoại trừ những phần tử phản động truyền thống thâm căn cố đế nhất ” (tr. 88). Điều bất ngờ hơn là sự tàn rữa hoàn toàn của chế độ cũ. Hobsbawm nhấn mạnh, “ nước Nga chín mùi cách mạng xã hội tới mức quần chúng Petrograd đã đồng nhất sự truất phế Sa hoàng với sự đăng quang của tự do, bình đẳng phổ quát và sự kiến lập chế độ dân chủ trực tiếp (...). Thành thử, thay vì một nước Nga liberal và hiến chế, thiên về phương Tây, đã xuất hiện một tình huống cách mạng : một bên là một “ chính phủ lâm thời ” bất lực, một bên là vô số những “ xô viết ” tự phát từ cơ sở ” (tr.93). Sau mấy tháng hỗn độn và bất lực, “ khi giờ [của các phần tử bôn sê vich] đã điểm, thì vấn đề không còn là giành, mà là lượm chính quyền. Người ta kể rằng số người bị thương khi Eisenstein quay cuốn phim vĩ đại ‘Tháng Mười’ còn lớn hơn số người bị thương ngày 7.11.1917 khi chiếm Cung Mùa đông. Không được ai bảo vệ, chính phủ lâm thời đã tan biến ” (tr.94).


- giai đoạn sống còn của Cách mạng : Hobsbawm không giấu giếm sự khâm phục của ông đối với Lenin (6), nhà hành động và thiên tài chính trị, đã biết “ lèo lái cuộc nổi dậy đại chúng mà không ai kiểm soát nổi thành chính quyền bôn sê vích ” (tr. 92). Muốn hiểu tình thế ấy, tưởng cũng nên nhắc lại rằng, đầu năm 1917, vẫn lưu vong ở Thuỵ Sĩ, cũng chính Lenin này còn tự hỏi liệu đến khi nhắm mắt ông ta có được thấy cách mạng nổ ra không. Điều quan yếu là nắm được chính quyền rồi, những người bôn sê vích đã giữ vững được nó trong khi họ phải đương đầu với biết bao nhiêu thù địch họp thành một liên minh vô cùng mạnh mẽ lại được thời cơ thuận lợi : hoà ước Brest-Litovsk do đức áp đặt, sự phân hoá của lãnh thổ đế chế Nga, sự can thiệp vũ trang của các nước phương Tây, cuộc nội chiến giữa hai phe “ đỏ ” và “ trắng ”... đến cuối năm 1920, bôn sê vích đã giành toàn thắng, nhờ ba chủ bài chính :


* trước hết, nhờ có “ một đảng cộng sản tổ chức tập trung, kỉ luật, với 600 000 đảng viên, một công cụ có sức mạnh vô song, gần như là một bộ máy nhà nước phôi thai ” (tr. 37). Hầu hết các chế độ cách mạng thế kỉ XX, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều sẽ theo mô hình tổ chức này.


* hai là, người bôn sê vích quyết chí bảo đảm sự nhất thống của nước Nga như là một quốc gia, “ do đó họ được sự ủng hộ đáng kể của những người ái quốc đối lập với họ về mặt chính trị, thí dụ như sĩ quan thuộc quân đội Nga hoàng, nếu không có những sĩ quan này thì không thể nào xây dựng được Hồng Quân. Đối với họ, cũng như đối với nhà sử học khi xét lại lịch sử, thì ở thời điểm 1917-18, vấn đề không phải là chọn giữa một nước Nga liberal và dân chủ, và một nước Nga không liberal, mà là phải chọn giữa nước Nga và hiểm hoạ sụp đổ ” (tr. 97).


* ba là, cuộc cải cách ruộng đất, nhờ đó mà tới giờ phút quyết định, nông dân vùng Đại Nga, “ hạt nhân cứng của Nhà nước cũng như của Hồng quân ”, đã đứng về phe bôn sê vích (sau này, nông dân sẽ bị thất vọng).


- “ chủ nghĩa xã hội trong một nước ” : như đã nói trên, Cách mạng đã thắng, nhưng đồng thời, nó đã thất bại. Nghĩa là, “ một cách đầy đủ và cứng rắn hơn cả Cách mạng Pháp thời kì Jacobins, Cách mạng Tháng Mười Nga tự coi mình là một sự kiện toàn cầu, chứ không chỉ thu hẹp vào nước Nga. Mục đích của nó không phải là mang lại tự do và chủ nghĩa xã hội cho nước Nga, mà là phát động cách mạng vô sản toàn cầu ” (tr. 88). Song, theo ý kiến chung, kể cả ý kiến của những người mác xít, nước Nga chưa hội đủ các điều kiện cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thậm chí, điều kiện để tiến hành một cuộc cách mạng tư sản liberal cũng chưa có đủ nữa. Cờ đến tay thì phải phất, người bôn sê vích đã nắm chính quyền ở Nga, nhưng cách mạng chỉ có ý nghĩa nếu như nó trở thành cách mạng toàn cầu. Cuối năm 1917, điều này chẳng có gì là không tưởng vì cuộc chiến tranh toàn diện đã đẩy các nước tham chiến vào tình trạng cùng cực, đoạn tuyệt. “ Völkern, hört die Signale ” (Nhân dân các nước, hãy nghe tiếng còi hiệu !), bản tiếng Đức của điệp khúc bài Quốc tế ca đã mở đầu như vậy. Liên tiếp trong hai năm tiếp theo Cách mạng Tháng Mười, một cao trào cách mạng đã diễn ra trên khắp hành tinh : ở Tây Ban Nha, ở Trung Quốc, ở Mexico, ở những nước Âu châu tan tành sau chiến tranh... Nhưng thất bại của cách mạng ở Đức đã gióng hồi chuông báo tử cho những hi vọng của người bôn sê vích. Năm 1920, “ tình hình châu Âu còn xa mới trở thành ổn định, nhưng hiển nhiên ở Tây Âu cách mạng bôn sê vích chưa chín muồi, mặc dầu từ đây ở Nga, chính quyền lê nin nít đã được củng cố ” (tr. 103). Ngôn ngữ các tuyên bố của Komintern (Quốc tế Cộng sản) khi nói chiều này khi nói chiều kia, song “ cuối cùng thì quyền lợi của nhà nước Liên Xô đã áp đảo lợi ích cách mạng thế giới của QTCS, và tổ chức này đã bị Stalin biến thành một công cụ nội chính đơn thuần, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản Liên Xô (...). Cách mạng thế giới trở thành câu chuyện văn chương quá khứ, và trên thực tế, một cuộc cách mạng chỉ được chấp nhận nếu như : a) nó không mâu thuẫn với quyền lợi của Nhà nước xô viết, b) nếu người Liên Xô có thể trực tiếp kiểm soát được nó ” (tr. 106).


- mặt trận chống phát xít : thế là trong thập niên 20, “ duy nhất có một nước, đất rộng mông mênh, lạc hậu, từ nay do cộng sản lãnh đạo, [tiến hành] công cuộc xây dựng một xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản ” (tr. 105). Trong khi đó, ngôi sao Cách mạng Tháng Mười vẫn rực rỡ trong tâm trí các nhóm xã hội cách mạng trên khắp thế giới. “ Và như thế, đối với thế hệ sau 1917, khuynh hướng bôn sê vích đã hoặc thâu nhập tất cả các truyền thống xã hội cách mạng khác, hoặc vứt chúng ra rìa các phong trào cấp tiến ” (tr. 109). Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 (không tác động tới Liên Xô vốn đã bị cô lập) càng củng cố uy tín của mô hình bôn sê vích, tăng phần tin tưởng vào tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch hoá. Tóm lại, trong tình hình suy sụp của thập niên 1930, không có học thuyết nào có thể đưa ra được một cách lý giải thế giới đồng thời vạch ra con đường thay đổi thế giới, hơn là chủ nghĩa Mác-Lê. Chính ở trong thời kì này (khoảng giữa hai thời điểm 1930 và 1940) Hobsbawm đã đặt một sự kiện bản lề của thế kỉ XX, tình huống chứa đựng một nghịch lí lịch sử : hai hệ thống thù địch, hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống cộng sản chủ nghĩa, vượt qua sự đối kháng để chung sức đẩy lui nguy cơ phát xít (nếu như ta bỏ trong ngoặc bản hiệp ước Đức-Xô (7) ). Thậm chí có thể nói “ thành quả lâu bền nhất của Cách mạng Tháng Mười, mà mục tiêu là lật đổ chế độ tư bản toàn cầu, là nó đã cứu mạng địch thủ của nó ” (tr. 27).


- chiến tranh lạnh : cuộc Thế chiến lần thứ nhì vừa kết thúc xong thì nhân loại lại đắm chìm ngay vào cái mà ta có thể gọi là Thế chiến lần thứ ba, dẫu cho đây là một thể loại chiến tranh khá đặc biệt. Cuộc chiến tranh lạnh, như người ta thường gọi, đã hoàn toàn chế ngự sân khấu quốc tế trong suốt nửa sau của Thế kỉ ngắn. Thoạt trông, cuộc đụng đầu dường như không thể tránh khỏi, giữa một bên là phe Liên Xô chiếm toàn bộ nửa phía đông của lục địa Âu Châu, và bên kia là phe Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ mà hai cuộc chiến tranh thế giới đã biến thành cường quốc kinh tế và quân sự số 1. Song sự thật cũng không hoàn toàn giản đơn như vậy. Đúng là châu Âu đã trở thành một lục địa hoang tàn, về mặt vật chất đã đành, mà còn cả về mặt con người (8), phần đông các nhà quan sát đều tiên liệu một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề (kể cả ở Mỹ) như đã xảy ra khủng hoảng sau Thế chiến lần thứ nhất. Tương lai của chủ nghĩa tư bản và của xã hội liberal xem ra khá bấp bênh. Nhưng ở bên phía bên kia, Liên Xô sau cuộc chiến cũng kiệt quệ : Liên Xô đã phải chịu phần hi sinh lớn nhất về nhân lực, nền kinh tế hoà bình của nó đã tan nát, và Liên Xô bắt đầu giải ngũ ngay từ năm 1946. Không phe nào có khả năng và ý muốn can thiệp vào vùng ảnh hưởng trực tiếp của phe kia (biến cố Budapest năm 1956 và Praha năm 1968 đã chứng minh điều này). Còn ở những vùng mà hai phe tranh giành ảnh hưởng, đã nổ ra 3 cuộc giao tranh, nhưng đều không phải là giao chiến trực diện : Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan. Ngoài ra, nói gì thì nói, chiến tranh lạnh thực chất là hoà bình lạnh, một cuộc đi đêm, một sự thoả thuận ngầm xuất phát từ cái thế “ cân bằng của sự khiếp sợ ” (ngay từ năm 1949, Liên Xô đã có vũ khí nguyên tử), một cái thế cân bằng đã căng chùng dây thần kinh của nhiều thế hệ (9). Tóm lại, có thể nói 40 năm chiến tranh lạnh có thể chia làm 4 giai đoạn : (1) có tính bùng nổ cao nhất là giai đoạn bắt đầu từ lúc công bố học thuyết “ đắp đê ” (containment, Truman 1947) cho tới kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1953) ; (2) tranh giành ảnh hưởng ở Thế giới thứ Ba (Đông Dương, Ai Cập, Cuba...) ; (3) giai đoạn “ hoà hoãn ” do Krushev khởi xướng (đầu thập niên 60) ; (4) giai đoạn “ đối đầu ” trở lại, đầu thập niên 70 (kết thúc chiến tranh Việt Nam, khởi đầu chiến tranh Afghanistan...).


Lẽ ra chiến tranh lạnh phải chấm dứt ngay khi mà một trong hai siêu cường (Liên Xô) không còn sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang, nhưng nó chỉ thật sự kết thúc khi mỗi siêu cường thừa nhận rằng siêu cường kia thực tâm muốn “ chung sống hoà bình ”. Trớ trêu của lịch sử là điều này đã xảy ra ở Reykjavik (1986) và Washington (1987), giữa một Tổng bí thư trẻ của Liên Xô, Mikhail S. Gorbatchev, một người thiết tha với công cuộc cải cách (nhưng ngay từ lúc đó đã bất lực, điều này về sau người ta mới hay), và một Tổng thống già của Mỹ, Ronald Reagan, gã cao bồi hồi xuân mà sự nghiệp chính trị được xây đắp trên cuộc “ thánh chiến ” chống “ đế quốc của ác quỷ ”.


- sự “ nổ sụp ” : phải chăng sự kết thúc của chiến tranh lạnh đã dẫn tới sự cáo chung của hệ thống xô viết ? Tuy cách nhau 4 năm về thời gian, hai sự kiện này quả là liên hệ mật thiết với nhau. Đã có quá nhiều bình luận (kể cả trên mặt báo này) về những nguyên nhân chính trị, xã hội dẫn tới sự sụp đổ của “ chủ nghĩa xã hội hiện thực ”. Về những nguyên nhân kinh tế, ta hãy nghe Hobsbawm luận bàn :


“ Chủ nghĩa xã hội xô viết tự mệnh danh là giải pháp thay thế cho hệ thống tư bản toàn cầu. Vì chủ nghĩa tư bản không sụp đổ và cũng không lộ ra những dấu hiệu cho thấy nó sẽ sụp đổ (...), nên viễn tượng của chủ nghĩa xã hội tuỳ thuộc vào khả năng của nó trong cuộc ganh đua với nền kinh tế tư bản quốc tế (...). [Thế mà] từ 1960 trở đi, rõ ràng chủ nghĩa xã hội ngày càng tụt hậu. Nó không còn sức cạnh tranh. Một khi cuộc thi đua diễn ra dưới hình thức một cuộc đụng đầu giữa hai siêu cường chính trị, quân sự và tư tưởng, thì thế yếu trở thành sự kiệt quệ.


“ Cả hai siêu cường đều nhấn ga gầm rú bộ máy kinh tế, đưa kinh tế vào cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt và vô cùng tốn kém, nhưng hệ thống tư bản toàn cầu có thể hấp thu được món nợ 3 nghìn tỉ đô la của nước Mỹ (trước đó, Mỹ là chủ nợ của thế giới). Còn phía bên kia, kiếm đâu cho ra người nào, nước nào có thể giảm nhẹ áp lực của quỹ vũ trang lên ngân sách Liên Xô, quỹ này chiếm một tỉ trọng cao so với Tổng sản lượng quốc gia [có lẽ khoảng 25 %, phía Mỹ là 7 %]. Do một sự trùng phùng vận hội lịch sử và chính trị, Mỹ gặp may là Nhật Bản và Cộng đồng châu Âu đã phát triển mạnh mẽ : đến cuối thập niên 70, trọng lượng kinh tế của Nhật và Cộng đồng châu Âu cộng lại đã hơn Mỹ 60 %. Ngược lại, các nước đồng minh và lệ thuộc Liên Xô không thể đứng vững một mình (...). Về mặt công nghệ học, càng rõ ràng hơn nữa : sự ưu việt của phương Tây tăng trưởng với thời gian theo nhịp luỹ thừa. Tóm lại, chiến tranh lạnh là cuộc đọ sức không cân xứng, ngay từ khởi đầu.


“ Nhưng không phải vì đương đầu với chủ nghĩa tư bản và siêu cường của nó mà chủ nghĩa xã hội đã bị thư hoại. Sự thư hoại xuất phát từ sự kết hợp của hai yếu tố : yếu tố thứ nhất là những khuyết tật nội tại ngày càng lộ liễu, ách tắc của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, yếu tố thứ hai là sự xâm nhập tăng tốc vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu, năng động hơn hẳn, tân tiến và chiếm thế thượng phong (...). Ngoại trừ trường hợp hai bên cùng nhau tự vẫn trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, [chiến tranh lạnh] bảo đảm sự sống sót cho đối thủ yếu thế. Gồng mình cố thủ đằng sau bức màn sắt, nền kinh tế kế hoạch hoá, dù thiếu hiệu quả và èo ọt đến đâu, cũng vẫn sống được : nó có thể suy yếu đi dần dần, nhưng không có nguy cơ sụp đổ ngắn hạn. Chính sự tương tác của nền kinh tế Liên Xô với kinh tế tư bản thế giới từ thập niên 60 trở đi đã làm cho nó trở nên yểu mệnh (...). Nghịch lí của chiến tranh lạnh chính là ở đó : không phải sự đụng đầu, mà chính là sự hoà hoãn đã gây ra sự sụp đổ của nó ”.


Phần 2


Như đã nói trên, cuộc đại biến động 1914 đã đẻ ra thế kỉ XX. Điều này càng rõ nét khi ta nhìn lại thời kì giữa hai cuộc thế chiến : sự kiện trung tâm của thời kì ngắn ngủi này là cuộc đại khủng hoảng năm 1929 và đứa con hoang của nó là chủ nghĩa phatxit, đánh dấu sự đoạn tuyệt triệt để với thế giới liberal (hiểu theo nghĩa chính trị - kinh tế) của thế kỉ XIX.


Đại khủng hoảng


Với khoảng cách thời gian, ngày nay chúng ta có thể thấy rõ, thời kì 1919-1939 đúng là giờ giải lao giữa hai cuộc đại chiến. Những ai đã trải qua cuộc thế chiến 1914-1918, với kinh nghiệm về các cuộc xung đột của thế kỉ XIX, có thể nghĩ khác. Họ có thể hi vọng rằng một khi đã quét dọn xong những hoang tàn của chiến tranh, Lịch sử sẽ tiếp tục dòng chảy “ bình thường ” của nó, cũng như cuộc sống trở lại bình thường sau một cơn phong ba, một trận động đất. Hobsbawm mỉa mai các nhà sử học (trang 84), ông nói họ thua xa dân cá ngựa, vì họ không biết tiên đoán kết quả cuộc chạy đua, chỉ biết phân tích sau khi ngựa về tới đích (của đáng tội, các nhà kinh tế học cũng thế mà thôi). Còn chúng ta, ngồi từ thế kỉ XXI mà nhìn lại, chúng ta đã biết ba con ngựa nào đã về đầu : khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa phatxit, chiến tranh...


Có bao nhiêu học thuyết kinh tế thì có bấy nhiêu cách “ lí giải ” cuộc Đại khủng hoảng kinh tế năm 1929. “ Trong sự vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao giờ chẳng xảy ra những trục trặc đột xuất, và những biến động dài ngắn khác nhau, có lúc rất mạnh, là thuộc tính của cung cách làm ăn [tư bản chủ nghĩa] xử lí công việc của thế giới. Các doanh nhân và các nhà kinh tế thế kỉ xix đều biết là có những “ chu kì kinh tế ” (10), tăng trưởng và suy thoái luân phiên nối tiếp nhau. [Họ] chấp nhận điều đó, như người nông dân chấp nhận thời tiết thất thường sớm nắng chiều mưa ” (tr. 126), nhưng họ đâu ngờ các biến động đó có thể mạnh tới mức đe doạ cả sự tồn tại của hệ thống kinh tế. Điều ấy, chỉ có các nhà kinh tế học mác xít dám khẳng định vì họ cho rằng những chu kì nói trên chỉ là những biểu hiện trông thấy của một quá trình qua đó chủ nghĩa tư bản đẻ ra những mâu thuẫn cuối cùng sẽ huỷ diệt nó. Xém một chút thì năm 1929 lời tiên tri của họ trở thành sự thực : cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, “ cuộc động đất toàn cầu chưa bao giờ xảy ra trên thang đo Richter của lịch sử kinh tế. Nền kinh tế tư bản dường như đang sụp đổ, [không những thế] chẳng ai biết có cách gì cứu vãn nó được ” (tr. 125).


Đối với thế hệ chúng ta, thật khó nhận thức được “ tính chất phổ quát và sự nghiêm trọng cực kỳ của cuộc khủng hoảng đã nổ ra, như cả những người không chuyên về sử cũng biết, vào ngày 29 tháng 10 năm 1929, với cuộc phá sản tài chính của thị trường chứng khoán New York. Chỉ một chút xíu nữa là nền kinh tế tư bản toàn cầu sụp đổ , nó như bị siết chặt trong cái vòng lẩn quẩn, mỗi chỉ số kinh tế tuột dù lại kéo theo sự xuống dốc của tất cả các chỉ số khác ” (tr.130). Muốn hình dung mức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Bắc Mĩ, chỉ cần đưa một vài con số : trong vòng 2 năm 1929-1931, sản lượng công nghiệp giảm đi 1/3 ; doanh số của công ti khổng lồ về điện khí Westinghouse mất đi 2/3 ; sản xuất xe hơi giảm một nửa. Ở qui mô đó, sự suy thoái của kinh tế Bắc Mĩ không thể không “ toàn cầu hoá ” : nhờ chiến tranh, sang thập niên 1920, Hoa Kì đã vượt xa các nước và trở thành cường quốc kinh tế và tài chính số 1 trên thế giới. Chẳng hạn, năm 1929, sản lượng Hoa Kì chiếm 42 % sản lượng toàn cầu trong khi tổng sản lượng của ba cường quốc châu Âu gộp lại chưa tới 28 % – những “ con số thật sự kinh hoàng ” (tr. 138). Trung tâm công nghiệp thứ nhì lâm vào khủng hoảng là nước Đức mà nhược điểm là tài chính (năm 1928, riêng nước đức đã thu hút gần một nửa tổng số vốn xuất khẩu toàn cầu, khoảng từ 20 000 đến 30 000 tỉ mark, trong đó một nửa là những khoản tiền vay ngắn hạn). Thế là từ đó, cuộc khủng hoảng trở thành toàn cầu. Nó lan sang khu vực kinh tế 1, khu vực sản xuất lương thực thực phẩm và nguyên liệu (trong các lĩnh vực này, nhiều mặt hàng sụt giá tới 2/3, thậm chí 3/4), làm chao đảo các nước sản xuất đại trà (mọi người còn nhớ hình ảnh cà phê ế của Brasil được dùng thay than chạy đầu máy xe lửa).


Chúng ta đã sống qua thập niên 80, biết thế nào là kinh tế trì trệ và thất nghiệp triền miên, song cũng khó mường tượng cuộc khủng hoảng 1929 đã gây chấn thương như thế nào đối với “ tất cả những người hoàn toàn không có hoặc không kiểm soát được các phương tiện sản xuất [người nông dân chẳng hạn còn nắm được phương tiện sản xuất], nghĩa là thành phần những người sống bằng đồng lương, [họ phải gánh chịu] hậu quả đầu tiên [của cuộc khủng hoảng] là nạn thất nghiệp qui mô chưa từng có và kéo dài quá mức dự đoán [ở phương Tây, cao điểm từ 25 đến 30 %, riêng ở đức lên tới 44 %]. Tình trạng còn nguy kịch hơn nữa vì chế độ an sinh xã hội (trong đó có trợ cấp cho người thất nghiệp) hoặc không có gì cả (như ở Mĩ) hoặc không thấm vào đâu so với tiêu chí cuối thế kỉ XX, nhất là đối với những người thất nghiệp dài hạn ” (tr. 133). Ngoài hình ảnh cà phê đốt lò xe lửa, kí ức tập thể về những năm tháng đen tối này còn ghi khắc hình ảnh những cuộc “ tuần hành đói ” và hình ảnh phát chẩn xúp cho người thất nghiệp.


Nhưng đối với một sử gia như Hobsbawm chủ tâm truy tìm sự nhất quán của những “ trào lưu lớn ” thì trong “ sự kiện chấn động nhất của lịch sử chủ nghĩa tư bản ”, điều quan yếu cần ghi nhớ là hệ quả lâu dài của nó trên ý thức hệ kinh tế. Nói gọn một câu, cuộc đại khủng hoảng đã triệt tiêu chủ nghĩa liberal kinh tế của thế kỉ XIX, đã phủ định những ý niệm đơn giản (nếu không nói là quá giản đơn (11) ) đã được dùng làm nền tảng tư tưởng cho giai đoạn phát triển của Tư bản (1948-1875) và của các đế quốc (1875-1914) : mậu dịch tự do, qui luật thị trường, Nhà nước không can thiệp vào kinh tế... nghĩa là những dụng cụ hàng hải truyền thống có thể rất phù hợp với các bản đồ thế giới của thế kỉ XIX, nhưng các bản đồ này nay đã quá lỗi thời. “ Ấn tượng đại hoạ, mất phương hướng do cuộc khủng hoảng gây ra cho các doanh nhân, các nhà kinh tế học và các nhà chính trị, có lẽ còn sâu sắc hơn so với đại chúng (...) Giới nắm quyền kinh tế lâm vào một tình trạng bi đát chính vì họ không thấy có một giải pháp khả dĩ nào trong khuôn khổ nền kinh tế liberal cũ (...). Sự lũng đoạn của các đại công ti làm cho từ ngữ “ cạnh tranh hoàn hảo ” trở thành hoàn toàn vô nghĩa, thử hỏi còn gì là “ kinh tế thị trường ” nữa ? Chẳng cần phải đọc Marx, chẳng cần là người macxit, cũng nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản của giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến khác xa nền kinh tế cạnh tranh của thế kỉ XIX ” (tr. 134-146). Để tránh khỏi nguy cơ bùng nổ, chính quyền các nước Tây phương đã buộc phải cấp tốc “ đặt nặng những vấn đề xã hội, thay vì những vấn đề kinh tế, trong việc hoạch định chính sách chính thức ”, đề ra những biện pháp đánh dấu sự đoạn tuyệt với thế kỉ XIX (phần lớn những biện pháp này đều tỏ ra vô hiệu, nhưng đây lại là chuyện khác) : từ bỏ nguyên tắc tự do mậu dịch (Hobsbawm nói mỉa : đối với quan niệm kinh tế của nước Anh, nguyên tắc này cũng “ thiêng liêng ” như Hiến pháp trong đời sống chính trị Hoa Kì), thiết lập hàng rào quan thuế, chính sách trợ cấp nông nghiệp... Trong khi chờ đợi Keynes...


Thời kì bản lề này đã được Hobsbawm tóm tắt như sau : “ Cảnh quan những năm 1929-1933 cũng ví như một cái canyon (hẻm núi) cắt ngang địa hình lịch sử : không thể có, không thể nào mơ tưởng tới một sự quay lại tình thế 1913. Chủ nghĩa liberal kiểu cũ đã chết rồi, hoặc vô phương cứu chữa. Trên bầu trời chính trị và trí thức, từ nay chỉ còn sự lựa chọn giữa ba hướng đi. Hướng thứ nhất là chủ nghĩa cộng sản macxit [đối với thế giới tư bản, sự “ miễn dịch ” của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng kinh tế là cả một sự thách đố]. Hướng thứ hai là một thứ chủ nghĩa tư bản không còn tin tưởng vào tính tối ưu của thị trường, chính thức kết hôn “ vì quyền lợi ” hay bắt bồ, sống chung không giá thú (12) với xu hướng dân chủ xã hội ôn hoà của phong trào công nhân không cộng sản [sau Thế chiến lần thứ hai, hướng đi này tỏ ra có hiệu quả nhất, điều này chúng tôi xin trở lại trong một phần sau]. Hướng thứ ba và cuối cùng : chủ nghĩa phatxit ” (tr. 150).


Chủ nghĩa phatxit và sự sụp đổ của chủ nghĩa liberal


Như đã nói trên, cuộc đại khủng hoảng đã đánh dấu sự đoạn tuyệt vĩnh viễn với thế kỉ XIX. đối với Hobsbawm, nó còn biểu thị sự “ sụp đổ của chủ nghĩa liberal ”, nghĩa là của tư tưởng liberal thế kỉ xix : về mặt kinh tế, như đã trình bày ở trên ; về mặt xã hội, sẽ trình bày ở một phần dưới ; về mặt chính trị, đó là sự đi lên của chủ nghĩa phatxit. “ Trong tất cả những sự kiện đánh dấu Thời đại của những tai hoạ [mà cuộc chiến tranh 1914 đã mở màn] thì cái làm cho những ai đã sống bắt đầu từ thế kỉ XIX bị chấn thương nhất có lẽ là sự đổ vỡ của những giá trị và những định chế của nền văn minh liberal. Trong các giá trị ấy, có sự nghi ngại mọi chế độ độc tài và mọi quyền lực tuyệt đối ; có sự gắn bó với chế độ hiến định có chính phủ và những nghị viện do những cuộc tuyển cử tự do lập ra, bảo đảm cho Nhà nước pháp quyền ; có một loạt các quyền và các tự do dân sự đã được thừa nhận, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí xuất bản và tự do hội họp. Lí trí, thảo luận công khai, giáo dục, khoa học và khả năng cải thiện cuộc sống con người (...), đó là những giá trị tưởng như phải là nền tảng tinh thần cho Nhà nước và xã hội (...). [Thế mà] trong vòng 20 năm trời, từ cuộc Tiến về Roma của Mussolini (năm 1921) đến cực điểm thắng lợi của phe Trục trong Thế chiến lần thứ nhì, người ta đã chứng kiến sự suy vong mỗi lúc một nhanh, càng ngày càng thảm khốc của các cơ chế chính trị liberal ” (tr. 154-155).


Không thể hiểu được chủ nghĩa phatxit (13) nếu trước tiên ta không liên hệ nó với một khuynh hướng cố hữu của phái hữu bảo thủ là phái, ngay từ đầu, đã chống lại triết học ánh sáng. “ [Song] cũng phải giải thích tại sao, sau Thế chiến lần thứ nhất, dưới dạng phatxit, lực lượng phản động phái hữu đã giành được những thắng lợi quyết định như vậy. Ngay từ trước 1914, đã có những phong trào cực đoan của phái cực hữu (...). Sau khi chiến tranh kết thúc, các phong trào này đã gặp thời vận thuận lợi, đó là sự cáo chung của các chế độ cũ, và cùng với các chế độ ấy, là sự sụp đổ của các giai cấp lãnh đạo, của bộ máy cầm quyền, của mạng lưới ảnh hưởng và vị trí bá quyền của các giai cấp này ” (tr. 174-175).


Danh từ “ phatxit ” thường được dùng để gọi toàn bộ các phong trào chính trị, bắt đầu là tổ chức Fasci italiani ở Ý (Mussolini, 1921), rồi tới tổ chức quốc-xã Đức (Hitler, 1933), từ đó đã khích động và ủng hộ các lực lượng chống liberal khác, mang lại cho phái hữu quốc tế một diện mạo lịch sử vững chãi đến mức, trong những năm 1930, tưởng như nó sẽ chiếm ngự tương lai nhân loại.


Có thể nêu ra mấy đặc tính chung : chối bỏ các định chế chính trị liberal ; dựa vào những lực lượng võ biền (quân đội, công an, dân vệ) để thi hành quyền lực bằng hình thức cưỡng bức ; chống lại cách mạng xã hội, nghĩa là chống lại cả chủ nghĩa bônsêvich lẫn chủ nghĩa xã hội dân chủ (hai tiếng “ xã hội ” trong cái tên “ quốc gia - xã hội ” chỉ là một sự treo đầu dê bán thịt chó) ; chủ nghĩa quốc gia... Đại để có thể tóm tắt như vậy, không chính xác cho lắm, nhưng cũng tàm tạm, vì thật ra rất khó xác định học thuyết của những phong trào mà lí luận không phải là mặt mạnh, nhất là các phong trào này lại nhấn mạnh tới các nhược điểm của lí trí, của chủ nghĩa duy lí để đề cao sự ưu việt của bản năng và ý chí (đó là không nói tới những cuồng tín về chủng tộc aryen, những hoang tưởng theo kiểu Wagner là đặc trưng của chủ nghĩa nazi Đức). Tuy nhiên, theo Hobsbawm, cũng cần nhấn mạnh sự khác biệt chủ yếu giữa phái hữu phatxit và phái hữu không phatxit : khác hẳn các phong trào phản động truyền thống, chủ nghĩa phatxit “ nằm trong thời đại của đời sống chính trị dân chủ, nghĩa là nó đã động viên được quần chúng (ở Nuremberg hay Piazza Venezia), dù chỉ để trao hết quyền lực cho lãnh tụ ‘cứu tinh’ (Führer hay Duce) ”.


Nếu không có cuộc đại khủng hoảng, liệu chủ nghĩa phatxit có thể lớn mạnh như vậy trong lịch sử thế giới không ? Có lẽ không. “ Một mình Italia không phải là căn cứ địa hứa hẹn để từ đó lay chuyển cả thế giới ”. Thế giới chỉ thực sự bị rung chuyển khi cuộc khủng hoảng đưa Hitler lên nắm quyền ở Đức “ tức là một quốc gia mà tầm cỡ, tiềm lực kinh tế và quân sự, vị trí địa lí đã cho nó một vai trò quan trọng ở châu Âu, bất luận dưới một dạng thức chính quyền nào ” (tr.180). Trong điều kiện nào đảng nazi đã nắm được chính quyền ở nước Đức khủng hoảng ? Hobsbawm tóm tắt như sau : “ Điều kiện tối ưu để phái cực hữu cuồng tín thắng lợi là một bộ máy Nhà nước già cỗi, với những cơ cấu chính quyền không còn vận hành được nữa : quần chúng công dân chán ngán, mất phương hướng và bất mãn, không còn biết trông cậy vào ai ; các phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ thì doạ dẫm, hoặc có vẻ doạ dẫm, muốn làm cách mạng xã hội mà thực ra không có đủ thế lực ; và tâm lí quốc gia chủ nghĩa bùng lên, oán hận các hoà ước 1918-1920 ” (tr.175-6).


Ở đây, cũng cần nhanh chóng gạt bỏ một số luận điểm không mấy vững chắc về chủ nghĩa phatxit :


* luận điểm thứ nhất (của chính xu hướng phatxit) nguỵ tạo ra một “ cuộc cách mạng phatxit ” vào thập niên 1930. Vẫn biết “ trong các phong trào phatxit, có những nhân tố của phong trào cách mạng, trong chừng mực là chúng đã tập hợp được những người khát khao biến đổi xã hội một cách triệt để, thường khi có cả một chiều kích khá quan trọng chống tư bản và tài phiệt ” (tr. 177). Nhưng ở Italia và Đức, hai căn cứ thực sự của nó, thử hỏi chủ nghĩa phatxit đã đạt được những thành tựu gì trước ngày Thế chiến bùng nổ ? ở Italia, sau khi đã làm thành luỹ chống lại các hoạt động cách mạng sau 1918, phatxit đã nhanh chóng trở thành một chính thể phục vụ quyền lợi của các giai cấp thống trị cũ. ở Đức, chủ nghĩa quốc-xã đã tiến hành “ thành công ” cuộc thanh trừng tận diệt giới thượng lưu và những cơ cấu đế chế cũ, đã thực hiện một phần cương lĩnh xã hội (chế độ nghỉ hè, phát triển thể thao, sản xuất xe hơi “ bọ rùa ” Volkswagen (“ xe nhân dân ”), và nhất là đã chấm dứt nạn thất nghiệp(14)...). “ Nhưng chế độ quốc xã thực ra là một chế độ cũ đã được cải biến và đổi mới chứ không phải là một chế độ mới lạ về cơ bản ” (tr.177).


* luận điểm thứ nhì (của chủ nghĩa macxit Liên Xô chính thống) coi chủ nghĩa phatxit là biểu hiện của “ chủ nghĩa tư bản độc quyền ”. Có điều, như Hobsbawm nói châm biếm, “ giới đại tư bản – thật sự là đại tư bản – sẵn sàng làm ăn với bất cứ chế độ nào không tìm cách truất hữu tài sản của nó (15), và chế độ nào cũng lại làm ăn với nó (...). So với các chính thể khác, phatxit có những ưu điểm lớn [đối với giới tư bản]. Một là, nó đã tiêu diệt hay đập tan cuộc cách mạng xã hội phái tả, và trong thực tế nó làm thành luỹ chống lại cách mạng. Hai là, nó đã loại trừ các công đoàn và phá bỏ mọi sự kiềm chế trong việc quản lí nhân viên của giới chủ. Sự thật là cái nguyên tắc mà phatxit tôn vinh, “ nguyên tắc thủ lĩnh ”, cũng ăn khớp với sự ứng xử của giới chủ và cán bộ cầm đầu xí nghiệp đối với người cộng sự, chủ nghĩa phatxit chỉ mang lại cho nó một sự biện minh nặng kí mà thôi. Ba là, sự huỷ diệt phong trào công nhân đã góp phần làm cho các doanh nghiệp tìm ra lối thoát thuận lợi trong cuộc khủng hoảng ” (tr.179).


* luận điểm thứ ba (mới đây) đánh đồng phatxit và cộng sản, bỏ chung cả hai chủ nghĩa vào rọ “ toàn trị ”. ở đây chúng tôi không trở lại cuộc luận chiến này (16) mà chỉ, như Hobsbawm, tố cáo tính “ bất chính ” của sự đồng hoá này. Những tương đồng bề ngoài – ngôn từ, bộ máy, kĩ thuật cai trị – không thể nào che lấp một điều : đó là hai hệ tư tưởng đối kháng, không thể rút gọn cái nọ thành cái kia được. Trước tiên cũng cần minh xác một vấn đề từ ngữ. Là người của thế kỉ XXI, chúng ta nên phân biệt chủ nghĩa macxit-leninit (đã chết) với chủ nghĩa xã hội macxit (còn sống), mà trong những năm khủng hoảng, phái hữu phản dân chủ đã đánh đồng hai cái. Các giai cấp trung lưu và tư sản (là hai giai cấp đã cung cấp phần lớn người trong hàng ngũ phatxit) “ đã chọn lựa con đường chính trị theo phản xạ hoảng sợ của họ (...) Sự phản kích của phái hữu không phải chỉ nhắm phong trào bônsêvich mà chống lại tất cả các phong trào (trong đó có giai cấp công nhân có tổ chức) đe doạ trật tự xã hội hiện hữu (...). Trong một giai đoạn xã hội đảo điên, không có một đường ranh phân biệt rõ rệt [những người xã hội chủ nghĩa với] những người bôn sê vich ” (tr. 173-4). Xin khép ngoặc vấn đề danh từ.


Trở lại “ tình huống chính trị khác thường ” mà Eric J. Hobsbawm đã lưu ý : mặt trận liên minh giữa Liên Xô và các chế độ dân chủ phương Tây chống lại chủ nghĩa phatxit (từ 1933 đến 1945 (17) ). Trong thời kì chiến tranh lạnh, bộ máy tuyên truyền chống cộng gần như đã làm người ta quên hẳn một cuộc thăm dò dư luận Mĩ năm 1939 : được hỏi trong trường hợp có chiến tranh Xô-đức, 83 % người Mĩ trả lời là họ mong Liên Xô chiến thắng ! Thật đáng kinh ngạc nếu ta nhớ rằng đó là thời điểm kinh khủng nhất của chế độ độc tài Stalin... Phải chăng là trong cuộc chiến tranh lúc đó đang ló dạng, “ đường phân tuyến không tách bạch chủ nghĩa tư bản và cuộc cách mạng xã hội cộng sản, mà ly cách hai gia đình ý thức hệ : một bên là những hậu duệ của Thế kỉ Khai sáng, của các cuộc đại cách mạng trong đó hiển nhiên có cách mạng Nga, và bên kia,[những kẻ ngạo mạn và ngỗ ngược chủ trương] một thế giới xây dựng trên sự lật đổ nền văn minh ” (tt. 97 & 204).


Phần 3


Cuộc đại khủng hoảng suýt nữa đã chôn vùi chủ nghĩa tư bản liberal (hiểu theo nghĩa của thế kỉ XIX). Thậm chí, có thể nói rằng nó đã thật sự chôn vùi chủ nghĩa tư bản liberal trong suốt nửa thế kỉ bởi vì, để có thể sống sót trong thập niên 30 và qua khỏi cuộc thế chiến thứ 2, hệ thống tư bản đã phải trải qua một cuộc biến thiên thâm sâu. đó là “ con đường thứ ba ” đã nói ở trên, một con đường khác chủ nghĩa phatxit và chủ nghĩa xôviêt, con đường mà hệ thống tư bản buộc phải đi theo để tồn tại, và nhờ đó mà “ chủ nghĩa tư bản dân chủ ” đã bước vào Thời đại Hoàng Kim của nó, một điều làm mọi người, kể cả nó, phải kinh ngạc. Cũng chính “ con đường thứ ba” này đã áp đặt nó trở thành ý thức hệ thống trị của cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.


Cuộc “ đổi mới ” của chủ nghĩa tư bản


Tưởng cũng cần nhắc lại, tư duy liberal của thế kỉ XIX chỉ biết có một quy luật là “ quy luật thị trường ”, tóm tắt bằng câu phương châm nổi tiếng của chủ nghĩa tự do mậu dịch kiểu Anh : “ Cứ để cho qua, cứ để cho làm ”. Cho dù “ để cho qua ” là dành phần hơn cho các cường quốc và các nền kinh tế phát triển (như trong sự trao đổi bất bình đẳng giữa hàng hoá công nghiệp - nguyên liệu giữa chính quốc và các thuộc địa, xem phần dưới), thì cũng chẳng sao ! đối với những người mà Hobsbawm gọi là “ các nhà thần học của thị trường ”, đó là một giáo điều, gần như một Chân lí Mặc khải, đụng vào nó, hay tìm cách điều chỉnh nó là đi vào “ con đường nô dịch ” (18). “ Cứ để cho làm ” hàm chứa nền tảng một hệ tư tưởng nhất định về xã hội và Nhà nước. Đối nghịch với quan niệm Nhà nước xã hội chủ nghĩa hay Nhà nước ban phát của chủ nghĩa xã hội dân chủ (và của chủ nghĩa tư bản cải lương), tư tưởng liberal chính thống khẳng định rằng “ về cơ bản, cuộc sống của các công dân không thuộc phạm vi của chính quyền, mà nằm trong lãnh vực của các hội đoàn tư nhân, phi quan phương (tức là “ xã hội dân sự ” (19)). [Do đó, Nhà nước lí tưởng là một] Nhà nước chỉ có nhiệm vụ hoạch định những luật lệ cơ bản cho đời sống kinh tế, cho xã hội dân sự, và cung cấp nhà tù, bộ máy công an và quân đội để khắc phục những nguy cơ bên trong và bên ngoài ” (tr. 193), một quan niệm tối thiểu về Nhà nước, được những người phản bác mỉa mai gọi là “ Nhà nước gácdan ban đêm ”. Cuộc tranh luận này đến nay vẫn chưa kết thúc : không hiểu nó thì không thể hiểu một mảng lớn trong lịch sử Hoa Kì (cuộc chiến tranh Nam-Bắc) và đời sống chính trị Mĩ (sự đối lập giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ). Nó cũng nổi cộm trong quá trình xây dựng châu Âu (liên bang thống nhất hay liên bang đa quốc : fédération/confédération ?).


Bất luận thế nào, cuộc Khủng hoảng kinh tế đã làm rung chuyển rường cột của ngôi đền chủ nghĩa liberal, làm cho người ta không tin được rằng chủ nghĩa tư bản có khả năng tự điều tiết, đó là không nói hệ thống tư bản lại vừa bị chủ nghĩa phatxit đe doạ các định chế vừa bị mô hình xôviết thách thức về ý thức hệ. Nó phải chọn : cải tổ hay suy vong. Và nó đã chọn con đường cải tổ. “ Về ngắn hạn, đó chẳng phải là một chương trình hay chính sách cụ thể gì, mà là một cảm nghĩ, rằng một khi cuộc Khủng hoảng chấm dứt, phải làm thế nào không để cho nó tái diễn nữa (...). [Nhưng] không thể nghi ngờ là chủ nghĩa tư bản đã được cải tổ một cách tự giác, chủ yếu nhờ những người, ở Hoa Kì và Anh, đã nắm giữ vị trí quyết định trong những năm chót của cuộc chiến tranh ” (tr. 151 và 359). Trong đầu óc của đại chúng, nói tới khúc ngoặt của thập niên 1930 là nói tới chính sách New Deal của Mĩ, nói tới John Maynard Keynes (20), ít ai biết tới những biến đổi sâu sắc của chủ nghĩa tư bản. Những ai ra đời sau Thế chiến lần thứ nhì chỉ biết chủ nghĩa tư bản dưới dạng chủ nghĩa tư bản cải lương. Tưởng cũng nên nhắc lại những khác biệt sâu sắc giữa tư bản cải lương và học thuyết liberal thế kỉ XIX. đối với giới quyền lực Anh-Mĩ sau Thế chiến lần thứ nhì, có “ bốn điều rõ ràng. Một là, bất luận thế nào cũng không thể để cho tái diễn cuộc đại hoạ kinh tế đã xảy ra giữa hai cuộc thế chiến, mà cuộc đại hoạ này chủ yếu bắt nguồn từ sự sụp đổ của hệ thống mậu dịch và tài chính toàn cầu, dẫn tới sự chia cắt thế giới thành những nền kinh tế quốc gia hay những đế chế tự cung tự cấp. Hai là, yếu tố tạo ra sự ổn định của hệ thống toàn cầu trước đây là sự bá chủ, hay chí ít, vai trò trung tâm của nền kinh tế Anh Quốc và đồng pound sterling (...). Ba là, cuộc đại khủng hoảng xuất phát từ sự thất bại của một thị trường cạnh tranh không giới hạn, do đó, cần phải bổ sung thị trường, hay đặt thị trường vào khuôn khổ của kế hoạch hoá công cộng và sự quản lí kinh tế. Bốn là, vì những lí do chính trị và xã hội, không thể để cho nạn thất nghiệp tái phát tới mức đại chúng ” (tr. 359-360). Điểm thứ nhì và hệ quả ẩn ngôn của nó – thay thế Anh bằng Mĩ, thay thế đồng pound sterling bằng đồng dollar – dĩ nhiên không được tiếp nhận một cách phấn khởi tại thủ đô các nước, ngoại trừ Washington. Ba điểm kia đều được giới cầm quyền và các nhà tư tưởng phương Tây tán đồng. “ Họ đều mong muốn đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng thương mại quốc tế, sử dụng nhân lực toàn bộ, công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Để đạt mục tiêu đó, nếu cần, họ đều sẵn sàng chấp nhận sự kiểm tra có hệ thống của công quyền, chấp nhận sự quản lí kinh tế hỗn hợp, thậm chí chấp nhận hợp tác với những phong trào công nhân, ngoại trừ phong trào cộng sản ” (tr. 362). Còn các tổ chức công nhân và chính đảng phái tả không cộng sản, vốn không có một giải pháp kinh tế nào khác, đã bỏ phiếu hai tay cho chủ nghĩa tư bản cải lương mới : trừ phi là huỷ bỏ chủ nghĩa tư bản – một điều mà không ai trong họ thấy có cách làm hay thử làm – họ đã “ chấp nhận một nền kinh tế tư bản mạnh mẽ, biết tạo ra của cải để tài trợ cho các mục tiêu [cải cách xã hội] của họ. Thật sự mà nói, một chế độ tư bản cải lương, biết thừa nhận tầm quan trọng của những ước vọng thợ thuyền, xã hội dân chủ, là một chế độ hợp với khẩu vị của họ ”. Và đúng như Hobsbawm đã nhấn mạnh, “ Thời đại Hoàng kim của chủ nghĩa tư bản đã không thể nào có được nếu không có sự đồng thuận là muốn cứu sống nền kinh tế tư doanh ( “ tự do kinh doanh ” nói theo ngôn ngữ thời thượng) thì phải cứu nó ra khỏi vòng tay của... chính nó ” (tr. 362).


Thế mà, không những chủ nghĩa tư bản đã bảo tồn mạng sống của nó, nó còn lợi dụng được ba mươi năm đồng thuận để tiến hành một cuộc “ đổi mới ” (aggiornamento), thiết lập những định chế và phương thức vận hành mà ngày nay chúng ta vẫn chứng kiến. Trên quy mô hành tinh, một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu đã triển khai chung quanh Hoa Kì, mà “ từ trung kì của triều đại nữ hoàng Victoria đến nay, chưa có nền kinh tế nào ít gặp những trở ngại như vậy trong sự giao lưu các nhân tố sản xuất ” (tr. 365), song chúng ta không thể đánh đồng nó với chủ nghĩa tự do mậu dịch cũ, bởi vì, sau “ bài học ” của cuộc Khủng hoảng, các hiệp ước Bretton Woods năm 1944 đã thiết lập một số cơ quan kiểm soát, can thiệp và trọng tài như Ngân hàng Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tổ chức GATT (21)... Cố nhiên các cơ quan này trên thực tế phải tuân phục quyền lợi của kẻ mạnh (chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ biết đánh vần hai chữ vị tha), song chúng cũng đã góp phần ổn định và quy chế hoá một nền kinh tế ngày càng được toàn cầu hoá. Ở một phần dưới, chúng tôi sẽ trở lại quá trình quốc tế hoá này. Ở đoạn này, chỉ xin nêu một ý : nếu như, ít nhất trong thời kì đầu, quá trình quốc tế hoá không chấm dứt sự bất bình đẳng trong các trao đổi quốc tế (cho đến giữa thập niên 70, các nền kinh tế phát triển vẫn tận hưởng nguyên liệu và năng lượng với giá rẻ mạt), thì từ đầu thập niên 70 trở đi, nó cũng tạo ra được một dạng thức phân công mới, có thể đo bằng một con số : tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của các nước Thế giới thứ ba, cho đến năm 1970 vẫn ì ạch ở mức 5 %, thì từ 1970 đến 1980, đã tăng gấp đôi.


Trên quy mô các quốc gia, thì ngoại trừ một số biệt lệ (như Hồng Kông), “ những thành tựu lớn về kinh tế ở các nước tư bản sau đại chiến đều là thành tựu của những cuộc công nghiệp hoá do Nhà nước yểm trợ, chỉ dẫn, lãnh đạo, thậm chí lên kế hoạch và trực tiếp quản lí ” (tr. 356). Kiểu “ kinh tế [công tư] liên hợp ” này cho phép các Nhà nước dễ dàng quản lí công cuộc hiện đại hoá (nhất là bấy giờ họ có được những lợi khí quản lí vĩ mô mới, dựa trên hạch toán quốc gia, hay là những công cụ điều tiết xã hội - kinh tế như gắn liền chỉ tiêu lương bổng với giá cả), thậm chí kế hoạch hoá cuộc hiện đại hoá như trong trường hợp nước Pháp (“ nhiệm vụ bức xúc của kế hoạch ” nói theo ngôn ngữ của chính quyền De Gaulle), Espana, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... song chúng ta không nên quên rằng trong những năm đại chiến, nền kinh tế chiến tranh của các nước Tây phương đã làm quen với khái niệm “ management ” và sự kế hoạch hoá (22), và ngay sau đại chiến, “ hưởng ứng ” các kế hoạch 5 năm của Liên Xô, ngoại trưởng Mĩ Averell Harriman tuyên bố : “ Nhân dân nước ta không còn sợ những danh từ như kế hoạch hoá (...) Họ đã chấp nhận việc chính phủ cũng phải kế hoạch hoá, như là mỗi cá nhân vẫn thường làm ” (1946).


Yếu tố đã làm thay đổi các mối quan hệ kinh tế - xã hội một cách sâu sắc, chính là những biện pháp xã hội “ phòng bệnh ” (chữ của tác giả) mà hệ thống tư bản chủ nghĩa đã buộc phải thực hiện để ngăn ngừa hậu quả (được coi là tối nguy hại) của nạn thất nghiệp đại chúng (23) : đó là việc thành lập các chế độ mới về bảo hộ xã hội. “ Chúng ta đã quá quen với sự tồn tại phổ biến của hệ thống bảo hộ xã hội rộng rãi tại các nước phát triển thuộc khối tư bản chủ nghĩa công nghiệp [ngoại trừ một vài biệt lệ như Hoa Kì, nhưng ngay ở Hoa Kì cũng có những chương trình tối thiểu] nên dễ quên rằng trước Đại chiến thế giới lần thứ nhì, hiếm có những Nhà nước ban phát theo nghĩa mới của cụm từ này (...). Thật ra mà nói, những cụm từ như Welfare State, Nhà nước ban phát (Etat-providence) hầu như chưa được sử dụng trước thập kỉ 40 ” (tr. 136). Hơn thế nữa, từ thập niên này sang thập niên kia, chủ trương chính trị và “ phòng bệnh ” đó dần dà đã trở thành chính bản chất “ của các Nhà nước ban phát theo nghĩa đen của cụm từ này, nghĩa là những Nhà nước trong đó các chi tiêu về xã hội – bảo đảm thu nhập, chi phí y tế, giáo dục vân vân... – trở thành bộ phận lớn nhất trong ngân sách chi tiêu công quỹ (...). Vào cuối thập niên 70, tất cả các Nhà nước tư bản đã trở thành những “ Nhà nước ban phát”. Trong số đó, có 6 Nhà nước dành hơn 60 % ngân sách cho mục tiêu này ” (tr. 375). Các văn kiện lớn của chủ nghĩa cải lương Thời đại Hoàng kim tư bản (24) – tất cả đều được thảo ra trong nửa sau thập kỉ 50 – ít nhiều đều đã xây dựng nền tảng lý luận cho quan niệm “ đối tác xã hội ” (partenariat social, cụm từ này ra đời ở Đức) đã được quán triệt trong vận hành của các nền kinh tế phát triển : “ Đó là sự thoả thuận tay ba trên thực tế, chính quyền chủ trì (một cách chính thức hay không chính thức) các cuộc thương lượng giữa các “ bên đối tác xã hội ” (...). Giới chủ nhân không ngần ngại trả lương cao trong những thời kì dài có nhiều lợi nhuận, họ thấy rõ thuận lợi của cung cách này vì nhờ thế, họ có thể tiên liệu và do đó, dễ hạch toán. Nhân viên được tăng lương đều đặn, được hưởng thêm những lợi ích phụ, và những dịch vụ của một Nhà nước ban phát ngày càng giàu mạnh và rộng rãi. đối với chính quyền, tình hình này bảo đảm ổn định chính trị và những điều kiện quản lí có thể tiên liệu cho việc thực hiện những chính sách kinh tế vĩ mô mà ngày nay mọi Nhà nước đều thi hành ” (tr. 373).


Thời đại Hoàng kim của chủ nghĩa tư bản


Đó là diện mạo của chủ nghĩa tư bản đã được đổi mới trong những thập niên 50-60 : một cuộc hôn nhân có tính toán giữa chủ nghĩa liberal về kinh tế và chủ nghĩa dân chủ xã hội, nói khác đi, trong con mắt các nhà “ thần học ” của “ thị trường thuần tuý ”, nó là một biến tướng của chủ nghĩa xã hội. Không có gì bảo đảm là nó sẽ trường tồn. Bây giờ khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô đã sụp đổ rồi, nói ra tưởng như đùa, chứ cho đến đầu thập niên 60, chủ nghĩa xã hội xôviết vẫn hiện ra như một đối thủ đáng ngại trong cuộc chạy đua sản xuất hàng tiêu dùng. Mọi người còn nhớ lời thách thức của Krushev trước mặt Nixon (25) giữa hai dãy tủ lạnh và máy giặt. Một thủ tướng Anh cũng phải gờm “ cái xung năng kinh tế của một quốc gia [Liên Xô] (...) chẳng mấy lúc sẽ qua mặt xã hội tư bản trong cuộc chạy đua sản xuất của cải vật chất ” (tr. 23). Thực thế, nhờ những nỗ lực vượt bậc trong thập niên 50, khối Đông Âu đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn Tây phương, và Liên Xô đã thành công trong việc xây dựng một nền kinh tế đứng đầu thế giới... nhưng, điều này chẳng mấy lúc mọi người sẽ nhận ra, đó là thế giới của thế kỉ XIX, của sắt thép, máy kéo, và công nghiệp nặng. “ Trong những năm 60, hiển nhiên là người dẫn đầu cuộc chạy đua không phải là chủ nghĩa xã hội, mà là chủ nghĩa tư bản ” (tr. 344).


Từ 1945 đến 1973 (năm của “ cú sốc dầu lửa ” thứ nhì), tức là trong thời kì mà người Pháp gọi là “ 30 năm vinh quang ” (các nước tư bản khác cũng trải qua một giai đoạn tương tự, tuy dài ngắn có thể khác nhau), các nước tư bản đã bước vào thời kì mà ngày nay nhìn lại, đúng là Thời đại Hoàng kim của lịch sử các nước ấy. Hobsbawm tự hỏi : “ Làm sao cắt nghĩa được sự đại thắng phi thường này, một chiến thắng bất ngờ, của một hệ thống trong mấy chục năm liên tiếp dường như đang đứng ven bờ sụp đổ ? điều cần phải lí giải, cố nhiên, không phải là việc hệ thống tư bản đã có một thời kì dài phát triển và phồn vinh, sau một thời kì dài rối loạn về kinh tế và rối loạn nhiều mặt khác (...). điều cần phải lí giải là cái quy mô và tầm cỡ to lớn khác thường của cuộc “ nổ bùng ” thế kỉ, tương ứng với quy mô và tầm cỡ của thời kì khủng hoảng và suy thoái trước đó ” (tr. 355).


Cuộc “ nổ bùng ” kinh tế này là một hiện tượng toàn cầu, cho dù khởi đầu nó đã mang lợi cho các nước phát triển. Vài con số để hình dung ra quy mô cái “ boom ” ấy : từ 1950 đến 1970, tổng sản lượng hàng hoá công nghiệp thế giới đã nhân gấp 4, và kim ngạch thương mãi quốc tế về hàng công nghiệp đã nhân gấp 10. Ấn tượng hơn nữa, các nước tư bản phát triển chiếm 75 % và 80 % hai tổng số kể trên. Nông nghiệp cũng chẳng thua, không phải do tăng diện tích canh tác mà do tăng năng suất : từ 1950 đến 1980, năng suất mỗi hecta trồng trọt đã tăng hơn gấp đôi, đến mức, mặc dầu sức ép dân số toàn thế giới và sự tăng tuổi thọ, sản xuất nông nghiệp đã tăng nhanh hơn dân số toàn cầu, khiến các nước giàu gặp phải những vấn đề sản xuất dư thừa (mọi người còn nhớ hình ảnh những “ núi bơ biển sữa ” của Thị trường Chung Âu Châu)... Tất nhiên, sự bất bình đẳng trong phân phối lương thực trên quy mô toàn cầu đã triệt tiêu một phần ý nghĩa của những con số này, song dầu sao trong nội bộ các nước phát triển, sự “ đối tác xã hội ” và hệ quả của nó (sức mua của người dân được nâng cao), đã đưa xã hội bước vào thời kì “ tiêu thụ đại chúng ” và hệ quả kèm theo là sự “ dân chủ hoá thị trường ”, nghĩa là, một thị trường đại chúng, cung cấp những mặt hàng trước đây được coi là xa xỉ phẩm, là vật phẩm cao cấp : “ Cái trước đây là xa xỉ nay trở thành chuẩn mực về tiện nghi trong tầm tay, ít nhất tại những nước giàu : tủ lạnh, máy giặt, điện thoại [rồi TV, đầu máy hi-fi, và du lịch đại chúng] (...). Từ nay, người dân bình thường ở các nước phát triển có thể sống một cuộc sống mà thời cha mẹ của họ, chỉ có nhà giàu mới được hưởng – cố nhiên, cơ khí hoá đã thay thế người ở trong nhà ” (tr. 350).


Gần như chắc chắn : chính sự tiêu thụ đại chúng ( một kết quả “tích cực” của các cuộc cải tổ cơ cấu ) đã cung cấp cho chủ nghĩa tư bản một trong những động cơ chủ yếu để nó bành trướng. Nhưng vẫn con một điều cần được “ lí giải ”, đó là cái khả năng phi thường của một hệ thống trong việc cải biến mọi tiến bộ khoa học, kĩ thuật, văn hoá thành những canh tân trong lãnh vực sản xuất và tiêu thụ. Chẳng hạn, “ điều nổi bật hơn cả trong giai đoạn này [“ 30 năm vinh quang ”] là sự kiện cuộc cách mạng kĩ thuật đã nuôi dưỡng động lực kinh tế đến độ nào. Không những nó đã cải tiến chất lượng và nhân số lượng các sản phẩm cũ, nó còn đa dạng hoá những sản phẩm mới, kể cả những sản phẩm mà trước đại chiến, hầu như không ai có thể mường tượng ” (tr. 350). Các hợp chất dẻo, sợi tổng hợp, máy điện tử, dược phẩm mới... Người viết bài này đã có ý liệt kê thành danh sách, nhưng cuối cùng đã bỏ cuộc khi thấy rằng có thể ra đường hỏi bất cứ ai, người ấy cũng có thể kể thêm một vài thứ. “ Cách mạng công nghệ học đã ăn sâu vào ý thức người tiêu dùng tới mức trong nghề quảng cáo, cái “ mới ” trở thành lí lẽ chủ yếu để khuyến mãi ”. Tại sao sự “ canh tân ” lại không “ lên men ” trong kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa ? Chỉ xin nêu hai nhận xét thay vì đi vào thực chất vấn đề :


* thứ nhất, công nghệ sử dụng càng phức tạp bao nhiêu thì quá trình đi từ phát minh hay phát kiến tới sản xuất càng nhiêu khê và đắt bấy nhiêu. “ Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đã trở thành yếu tố trung tâm của tăng trưởng kinh tế, nên vì vậy, lợi thế vốn rất lớn của các “ nền kinh tế thị trường phát triển ” so với các nền kinh tế khác càng được củng cố ” (tr. 352).


* thứ nhì, “ đa phần các công nghệ mới là những công nghệ đòi hỏi vốn tập trung cao, dẫn tới hậu quả là tiết kiệm, thậm chí thay thế, nhân lực (ngoại trừ số nhà khoa học và chuyên viên kĩ thuật cao). đặc trưng lớn của Thời đại Hoàng kim là không ngừng đòi hỏi đầu tư nặng, còn con người thì ngày càng trở nên vô ích, trừ khía cạnh nưgời tiêu thụ ” (tr. 353).


Ít nhất đó là hai khác biệt cơ bản giữa kinh tế thế kỉ XIX và kinh tế thế kỉ XX.


Đối với nhà sử học, to lớn và nhanh lẹ hơn cả những biến đổi kĩ thuật, là những biến đổi về mặt xã hội. Chỉ xin ghi lại ở đây những biến thiên xã hội học, trong vòng 30 năm, đã xáo trộn xã hội các nước phát triển, tới mức không một sơ đồ kinh điển nào – kể cả sơ đồ mà Marx đã vạch ra – còn ăn khớp với thực tại mới :


– đầu tiên là giai cấp nông dân hầu như đã diệt vong : năm 1980, số nông dân ở mọi nước Tây phương đều ở dưới mức 10 % mặc dầu sản xuất nông nghiệp vẫn tăng đều.


– sau nữa là sự bành trướng các ngành nghề cần trình độ trung học và đại học. Thí dụ về đại học : trước Thế chiến II, tất cả các nước phát triển (đức, Pháp, Anh) chỉ có 0,1 % sinh viên. Năm 1980, số sinh viên lên tới hơn 2,5 % tổng số dân, và 20 % lứa tuổi 20-24. Sự biến đổi này có tính chất toàn cầu : trong thập niên 70, số trường đại học trên thế giới đã tăng gấp đôi. Hobsbawm giải thích : “ Đối với các nhà hoạch định kế hoạch cũng như đối với các chính quyền, hiển nhiên là nền kinh tế hiện đại đòi hỏi thêm số người quản lí, thày giáo và kĩ thuật viên rất nhiều so với quá khứ ” (tr. 390).


– cuối cùng, sự biến đổi của giai cấp vô sản : trái với một thành kiến khá phổ biến, không có sự giảm sút chung về số lượng (ngoại trừ trường hợp nước Mĩ, ở các nước tư bản phát triển, trong suốt Thời kì Hoàng kim, giai cấp công nhân công nghiệp không bao giờ thấp hơn 1/3 dân số ở trong tuổi lao động, tr. 397), nhưng có những biến chuyển nội bộ đi đôi với quá trình sản xuất. Nói đại để, số công nhân “ mặt đen ” (tượng trưng cho công nghiệp cũ) trở thành ít hơn số công nhân “ cổ cồn xanh ”, và số này trở thành ít hơn số công nhân có bằng. Thêm vào đó, các ngành công nghiệp mới khác lạ tới mức không thể không nổ ra một cuộc khủng hoảng “ căn cước ”, khủng hoảng về ý thức “ ta là ai ? ”. “ Không có khủng hoảng của giai cấp công nhân, mà có cuộc khủng hoảng về ý thức giai cấp. Vào cuối thế kỉ XIX, ở các nước phát triển, nhiều tầng lớp dân chúng khác nhau, rất không đồng nhất như nhau, đã mưu sinh bằng cách bán lao động tay chân của mình đổi lấy đồng lương, đã dần dà tự nhìn mình như họp chung lại thành một giai cấp công nhân duy nhất : đó là yếu tố quan trong nhất xác định vị trí của họ trong xã hội (...) Trong các thập niên của Thời kì Hoàng kim, gần như tất cả các thành phần [của giai cấp công nhân] đều bị tiêu hao. Sự trùng hợp của các yếu tố : sự phát triển suốt một thế kỉ, tình trạng tận dụng nhân lực, xã hội tiêu thụ đại chúng ; ba yếu tố ấy hợp lại đã làm đảo lộn cuộc sống của các giới thợ thuyền các nước phát triển ” (tr. 403).


Nói rõ hơn : giai cấp “ vô sản ” ở các nước công nghiệp, thành phần mà các nhà cách mạng chuyên nghiệp hay những thanh niên say sưa nhiệt huyết của phong trào tháng 5-1968 trông cậy vào để “ đấu tranh này là trận cuối cùng ” đã hoà tan vào sự phồn vinh của Thời đại Hoàng kim mất rồi. Hobsbawm có lí khi ông khẳng định, với đôi chút khiêu khích, rằng đối với các nhà sử học tương lai, cuộc đụng đầu giữa “ chủ nghĩa tư bản ” và “ chủ nghĩa xã hội ” rồi ra sẽ không quan trọng bằng “ quy mô và tác động phi thường của những biến đổi về kinh tế, xã hội và văn hoá [của Thời kì Hoàng kim], đó là những biến đổi to lớn nhất, nhanh chóng nhất và cơ bản nhất của toàn bộ Lịch sử, (...) đó là cuộc cách mạng sâu sắc nhất của xã hội loài người từ thời kì đồ đá đến nay ” (tr. 28 và 38).


Phần 4


Trước khi bước vào giai đoạn kết thúc của Thế kỉ ngắn XX, bạn đọc chắc đã nhận thấy : trong ba phần trước, chỉ thấy Lịch sử của một phần nhân loại, một thứ lịch sử “ dĩ Âu vi trung ”, bỏ ra ngoài lề 3/4 loài người sống ở các nước thuộc 3 châu lục (á, Phi, Nam Mĩ) mà người ta thường gọi một cách chung chung là “ thế giới thứ ba ”. Nguyên thuỷ, cụm từ này có một nội dung chính trị cụ thể (và hẹp), tương ứng với một giai đoạn lịch sử chính xác (phong trào của các nước “ không liên kết ” của thập kỉ 50), nhưng trong tâm tưởng của đông đảo công chúng, “ thế giới thứ ba ” đã đồng nhất với hai đặc điểm của lịch sử các nước này từ đầu thế kỉ XX : cuộc đấu tranh giành độc lập và giải quyết tình trạng chậm tiến.


“ Thế giới thứ ba ” : một lịch sử dẫn xuất


Dành cho Thế giới thứ ba một phần nhỏ nhoi như vậy trong cuốn sách, tất nhiên, là sự chọn lựa cố ý của E. J. Hobsbawm. độc giả của Diễn Đàn có thể thắc mắc là cuộc chiến tranh Việt Nam (kéo dài 30 năm, 2 triệu người chết) chỉ được tác giả viết vỏn vẹn 10 dòng, toàn văn như sau : “ Người Pháp, được sự ủng hộ của người Anh, rồi người Mĩ, đã tiến hành một cuộc chiến tranh tuyệt vọng nhằm tái chinh phục và duy trì một nước (Việt Nam) chống lại cuộc cách mạng trên đà thắng lợi. Bại trận, năm 1954 họ phải rút đi, nhưng Hoa Kì đã ngăn cản sự thống nhất quốc gia để duy trì một chế độ chư hầu ở miền Nam. Khi chế độ này sắp sụp đổ tới nơi thì Hoa Kì lao mình vào một cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm ở Việt Nam. Cuối cùng bị thua, năm 1975 họ phải rút đi sau khi đã ném thả trên đất nước đau thương này một khối lượng chất nổ lớn hơn cả số bom đạn trên toàn thế giới trong cuộc đại chiến lần thứ nhì ” (tr. 287).


Nhưng sự chọn lựa của tác giả – thu nhỏ phần nói về Thế giới thứ ba trong lịch sử thế kỉ XX – cũng dễ hiểu nếu suy xét về mặt quyền lực. Hobsbawm giải thích một cách sáng suốt : “ Trong thế kỉ XIX, một nhúm nước – chủ yếu là những nước ở ven bờ bắc đại Tây Dương – đã chinh phục phần đất còn lại ở các khu vực ngoài châu âu một cách quá dễ dàng như trở bàn tay (...) Các quốc gia Tây phương còn chiếm ưu thế hiển nhiên hơn nữa nhờ hệ thống kinh tế và xã hội, tổ chức và công nghệ học. Chủ nghĩa tư bản và xã hội tư sản đã biến đổi và cầm đầu thế giới. Họ đã đề ra một mô hình – cho đến năm 1917, đó là mô hình duy nhất – cho tất cả những ai không muốn bị đè bẹp dưới cỗ xe của Lịch sử. Sau 1917, chủ nghĩa cộng sản đề ra một mô hình khác : nhưng xét cho cùng, cũng một kiểu, khác chăng là mô hình này không cần tới tư doanh và các định chế liberal. Cho nên, lịch sử thế kỉ XX của thế giới phi Tây phương chủ yếu bị quy định bởi các mối quan hệ của nó với những cường quốc đã trở thành bá chủ hoàn cầu từ thế kỉ XIX. Trong chừng mực đó, lịch sử của Thế kỉ ngắn XX bị bóp méo về mặt địa lí, sử gia muốn viết lịch sử Thế kỉ XX nhất thiết phải tập trung vào động năng của sự biến đổi thế giới [chúng tôi in đậm]. Điều đó không có nghĩa là người viết sử chia sẻ tinh thần tự cao trịch thượng, quan niệm dĩ Âu (Mĩ) vi trung, thậm chí kì thị chủng tộc, và sự tự mãn hoàn toàn vô lối, vẫn còn khá phổ biến ở các nước Tây phương (...). Song sự thật là, trong Thế kỉ ngắn XX, động lực của đại bộ phận lịch sử [của thế giới thứ ba] là một động lực dẫn xuất (dérivé), không phải là động lực căn nguyên (original). Chủ yếu, đó là những nỗ lực của những thành phần ưu tú trong các xã hội [thuộc địa, nửa thuộc địa hoặc lệ thuộc] nhằm sao chép mô hình mà phương Tây là người khai phá : mô hình này, dưới dạng tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, trước hết được coi như khuôn mẫu của những xã hội tạo ra tiến bộ, giàu mạnh và văn hoá nhờ sự “ phát triển ” kinh tế và khoa học kĩ thuật. Gọi nó là “ tây phương hoá ” hay “ hiện đại hoá ” hay gì gì đi nữa, nó là mô hình khả thi duy nhất ” (tr. 266).


Sự phân tích này xem như rất xác đáng cho hai phần ba đầu thế kỉ của lịch sử thế giới thứ ba (giai đoạn đấu tranh giải phóng, xem phần dưới), liệu có còn giá trị cho phần ba cuối của thế kỉ nữa chăng ? Với sự xuất hiện của cả trăm quốc gia độc lập mới (85 % dân số toàn cầu), và trong số ấy, trỗi lên những cường quốc công nghiệp, thương nghiệp hay tài chính mới (Brasil, các nước “ rồng ”, “ cọp ” châu Á, và ngay cả Trung Quốc, mà người ta vẫn báo hiệu sự “ thức tỉnh ” vị lai) ; với sự trì trệ “ mạt kỉ ” của các nền kinh tế và các xã hội Tây phương, một số nhà tương lai học đã không ngần ngại tiên đoán “ quả lắc sẽ quay sang bên kia ” (26). Hobsbawm nhận xét, dù cho “ những cường quốc lớn năm 1914, tất cả đều là những nước Âu Châu, đã biến mất (...) hoặc đã xuống cấp, chỉ còn ở tầm cỡ khu vực, thậm chí tỉnh lẻ (...), song sự đổi thay này có ý nghĩa gì lớn chăng, ngoại trừ đối với các nhà sử học chính trị ? Có lẽ là không, vì nó chỉ phản ánh những biến chuyển thứ yếu trong cục diện kinh tế, trí tuệ và văn hoá thế giới. [Nếu ta coi] Hoa Kì là sự triển khai hải ngoại của châu Âu, gắn liền với Cựu Thế giới dưới ngọn cờ chung “ văn minh Tây phương ” (...), thì đứng về toàn cục mà nói, các nước công nghiệp hoá từ thế kỉ XIX vẫn duy trì tập trung tài nguyên, quyền lực kinh tế, khoa học và kĩ thuật của thế giới, dân chúng các nước này vẫn có mức sống cao hơn hẳn đồng loại. Vào cuối thế kỉ, điều này vẫn hoàn toàn nghiệm đúng, mặc dầu các nước ấy đã phi công nghiệp hoá và di chuyển sản xuất sang các lục địa khác. Trong chừng mực ấy, ấn tượng về một thế giới “ Tây phương ”, “ Âu Mĩ ” đang thoái trào, đi xuống, là một ấn tượng hời hợt ” (tr. 36).


Chẳng lẽ các con “ rồng ” chỉ là những con thằn lằn ? Sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 – và bước sang thế kỉ mới, tình trạng trì trệ vẫn kéo dài – nhiều nhà bình luận, hôm qua còn ca ngợi hết lời, hôm nay hốt hoảng trước sự “ dễ vỡ ”, trước tình trạng “ latinh hoá ” của khu vực Đông Nam Á “ trong một thời gian dài còn lẽo đẽo chạy theo sau ” (27). Sự bi quan quá mức của ngày hôm nay cũng lố bịch như sự lạc quan quá mức của ngày hôm qua. Thế kỉ XXI có phải là thế kỉ của “ rồng ” và “ cọp ” không, điều đó chỉ tương lai mới có thể trả lời. Đó là một khả năng, song còn xa mới là điều chắc chắn


Từ các đế chế đến Thế giới thứ ba


Ta hãy rời tương lai học để trở về với lịch sử. Đối với đa phần các nước thuộc thế giới thứ ba, lịch sử giai đoạn đầu của thế kỉ XX là lịch sử của quá trình giải thực. Trước thế chiến 1914, hầu hết các khu vực châu Á, châu Phi và vùng đảo Caraïbes ở trong tình trạng lệ thuộc, nghĩa là nằm dưới sự chiếm hữu, cai quản hay chỉ huy của một nhúm Nhà nước thuộc bắc bán cầu. Đó cũng là số phận của cả những nước độc lập về danh nghĩa như Trung Quốc – người ngoại quốc được hưởng pháp quyền trị ngoại (droits extra-territoriaux) và trên thực tế đã kiểm soát một số chức năng chủ yếu của Nhà nước – hoặc các nước châu Mĩ Latinh bị Hoa Kì coi là cái “ sân sau ” (học thuyết Monroe). Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã lay chuyển dinh cơ của chủ nghĩa thực dân khi nó phá vỡ hai đế chế (Đế chế Đức và Đế chế Ottoman, bị Anh và Pháp dùng quy chế “ uỷ thác ” để tước đoạt và chia nhau các thuộc địa (28) ) và “ bỏ vào trong ngoặc đơn ” đế chế thứ ba là Đế chế Nga. Song các đế chế còn tồn tại, bề ngoài trông như được củng cố, nhưng bên trong đã bị chấn thương : các cuộc biến loạn đã liên tiếp xảy ra ở các thuộc địa Anh giữa hai cuộc đại chiến (Ireland, Trung đông, và nhất là ấn độ, nếu không có Gandhi chủ trương ôn hoà thì đã nổ ra nội chiến). Sở dĩ hệ thống thuộc địa còn mua thêm được thời gian là vì cuộc đấu tranh chống thực dân do những phần tử ưu tú thiểu số lãnh đạo rất ít khi động viên được đông đảo quần chúng – quần chúng chỉ tham gia khi chính quyền thực dân đàn áp tới mức quá bỉ ổi (ví dụ như cuộc tàn sát ở Amritsar (29) ), khi sự kì thị chủng tộc của thực dân đã tạo ra sự liên đới giữa mọi tầng lớp dân chúng, khi những lãnh tụ có uy tín (như Gandhi) biết vận dụng tinh thần dân tộc và kết hợp được truyền thống với hiện đại... Cuộc đấu tranh chuyển sang một qui mô khác với cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 làm rúng chuyển thế giới thuộc địa : đây là lần đầu tiên nổ ra mâu thuẫn lớn giữa quyền lợi kinh tế của thuộc địa và của chính quốc, giúp cho các tổ chức chống thực dân tạo ra cơ sở vận động quần chúng về mặt chính trị. Lấy trường hợp đế chế Anh giữa hai cuộc thế chiến làm ví dụ, Hobsbawm nhận xét : “ chưa bao giờ nước Anh kiểm soát (một cách chính thức hay không chính thức) được một bộ phận lớn rộng như vậy trên địa cầu, nhưng cũng chưa bao giờ các nhà lãnh đạo Anh lại cảm thấy không chắc có khả năng duy trì ưu quyền đế quốc của họ đến mức ấy ” (tr. 280). Song ông cũng viết : “ tuy sự kết liễu chế độ thuộc địa là một khả năng, nhưng đến năm 1939, khả năng ấy xem ra chưa thực sự gần kề. Cuộc thế chiến lần thứ hai đã làm biến đổi hẳn tình hình ấy. Đại chiến lần thứ hai hiển nhiên là một cuộc chiến tranh phản đế (mặc dầu nó còn có một kích thước lớn hơn thế rất nhiều) và, cho đến năm 1943, các đế quốc thực dân lớn nằm trong phe thua trận (...). Sự kiện người da trắng và Nhà nước của họ có thể bị chiến bại một cách nhục nhã và thảm hại là một đòn chí tử đánh vào chế độ thực dân ” (tr.285-286). Đại chiến đang tiếp diễn, vào đúng năm 1942, Ấn độ, thuộc địa trung tâm của đế quốc Anh, bị lay chuyển bởi cao trào đấu tranh Quit India. Cùng chẳng đã, và cũng phải nói : biết rút kinh nghiệm, người Anh nói chung đành chấp nhận công cuộc giải thực. Khốn nỗi, sau năm 1945, các đế chế khác – Hà Lan và nhất là Pháp – lại dùng quân sự để giữ chặt thuộc địa, gây ra ở Việt Nam, Algé-rie... những cuộc chiến tranh giải phóng trường kì, tàn khốc, tốn kém với biết bao thảm hoạ cho các dân tộc.


Ngoại trừ Đông Dương, cuộc giải thực ở châu Á đã hoàn thành vào đầu thập kỉ 50. Năm 1956, cuộc viễn chinh ở kênh đào Suez thất bại, kết thúc “ thời kì Anh ở Trung Đông ” (tức là chấm dứt bá quyền của đế quốc Anh đã được thiết lập ở vùng này từ năm 1918). đầu thập niên 60, cuộc giải thực ở châu Phi – đổ máu hay dưới dạng “ phòng ngừa ” – cũng kết thúc, trừ một vài “ vùng lõm ” của cái mà Hobsbawm gọi là “ chủ nghĩa thực dân hình thức ” : Angola thuộc Portugal, Nam Rhodesia (ly khai), Nam Phi (phải đến cuối thế kỉ, chế độ apartheid mới bị đập tan), và có lẽ phải kể Israel nữa (30). Thế là “ thời đại đế chế đã chấm dứt. Chưa đầy ba phần tư thế kỉ trước đó, nó trông như còn vững như bàn thạch ” (tr. 293).


Thay thế các đế chế bằng cái gì ? “ Không có gì đáng ngạc nhiên là việc mấy chục nước hậu thuộc địa ra đời sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, cũng như phần lớn các nước châu Mĩ Latinh là những nước đã thuộc lãnh vực của thế giới đế chế và công nghiệp cũ, đã nhanh chóng tập hợp lại dưới danh nghĩa “ thế giới thứ ba ” : cụm từ này dường như được tân tạo vào năm 1952, để đối lập với “ thế giới thứ nhất ” của các nước tư bản phát triển và “ thế giới thứ hai ” của các nước cộng sản (...). Sự chọn lựa này không phải là không có căn cơ trong chừng mực tất cả các nước này đều là những nước nghèo, nước nào cũng bị lệ thuộc, chính phủ nước nào cũng muốn “ phát triển ”, và sau Thời kì đại trì trệ, sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, không một chính phủ nào lại tin được rằng thị trường tư bản hay sáng kiến tự phát của mỗi nước có thể giúp họ đạt được mục tiêu phát triển. Thêm nữa (...), tất cả những ai có một chút tự do hành động đều không muốn gia nhập một trong hai khối liên kết, họ đều muốn lánh xa một cuộc Đại chiến thế giới lần thứ ba mà ai cũng sợ sẽ xảy ra ” (tr. 466). Thế là phong trào các nước “ không liên kết ” đã chính thức ra đời năm 1955 tại hội nghị Bandung (Indonesia), tức là vào lúc mà quá trình giải thực ở châu Á (trừ ba nước Đông Dương) đã hoàn tất. Người sáng lập và nhân vật chủ chốt của phong trào là những nhà cách mạng chống thực dân lão thành (Nehru, Sukarno, Nasser), mỗi người đều có xu hướng xã hội chủ nghĩa theo cách của mình, do đó, mặc dầu về mặt danh nghĩa họ là “không liên kết”, thiện cảm đẩy họ lại gần Liên Xô, hay đúng hơn, làm cho họ xa dần Hoa Kì từ buổi đầu chiến tranh lạnh đã trở thành hậu thuẫn của những chế độ bảo thủ tồi tệ nhất thế giới. Phải nói, năm 1959 (sau ngày cách mạng Cuba thành công), khi nhóm “ không liên kết ” (đầu tiên chủ yếu là á phi) trở thành một tổ chức ba lục địa, thì các nước hội viên châu Mĩ Latinh là những nước ít chịu nổi “ Big Brother ” Hoa Kì (điều này cũng dễ hiểu). Tuy nhiên, các nước “ không liên kết ” không hề muốn đứng vào bên nào trong cuộc đụng độ toàn cầu giữa hai siêu cường, vì họ biết rằng trong một cuộc giao tranh như vậy, họ sẽ ở tuyến đầu (Triều Tiên, Việt Nam, Cuba).


Trong hai thập niên, “ chủ nghĩa thế giới thứ ba ” rất thịnh hành, không những ở các nước chậm phát triển, mà ở cả “ thế giới thứ nhất ”, với những phong trào ủng hộ khá ngoạn mục (nhất là ở các nước Bắc Âu như Thuỵ điển), và ngoạn mục không kém là sự hấp dẫn của nó đối với phong trào thanh niên phản kháng (chân dung của Che được in trên ngực áo T-shirts, khẩu hiệu Ho Ho Ho Chi Minh được hô vang trong mọi cuộc biểu tình), và có lẽ tới cả xu hướng cực đoan và cực kì phi lí của những nhóm thiểu số sinh viên (sau cao trào 1968) đã tiến hành các hoạt động khủng bố thành thị (Lữ đoàn Đỏ ở Italia, Phân bộ Hồng quân ở Đức, Hành động Trực diện ở Pháp...). Điều nghịch lí là ở thời điểm đó (đầu thập kỉ 70), khái niệm thế giới thứ ba không còn cơ sở thực tiễn nào nữa : sự phát triển kinh tế đã làm nổ tung huyền thoại về một thế giới thứ ba thuần nhất. Giữa những nước xuất khẩu dầu mỏ trong tổ chức OPEP, ngồi mát hốt bạc (với sự đồng loã của các đại công ti dầu khí : 1973 là năm cú “ sốc ” dầu mỏ thứ nhì) ; các NPI (các nước mới công nghiệp hoá) một chân còn ở thế giới thứ ba, chân kia đã bước sang thế giới thứ nhất, sau quá trình phát triển với nhịp độ tăng trưởng chưa từng thấy trong lịch sử (bốn con “ rồng ” châu Á Thái Bình Dương, và cả Ấn độ, Brasil, Mexico...) ; và ở phía dưới cùng của bậc thang, các nước gọi là “ đang phát triển ”, một cụm từ mĩ miều do các tổ chức quốc tế tạo ra để chỉ định tập hợp 3 tỉ người (đa số ở châu Phi) sống ở những nước nghèo, càng nghèo lại càng tụt hậu..., giữa các nước kể trên, có còn gì là tương đồng, là mẫu số chung nữa không ? Hầu như không. Bằng chứng là cuộc xâm lăng thậm vô lí của Irak ở Koweit năm 1989.


Hiện đại và chủ nghĩa truyền thống


Ta hãy trở lại quá khứ để nhận ra những tuyến lực xuyên suốt lịch sử thế giới thứ ba trong Thế kỉ ngắn XX, từ cuộc giải thực đến giai đoạn phát triển (hay... không phát triển), một dòng lịch sử đầy gập ghềnh, hỗn loạn. Từ năm 1945, “ thế giới thuộc địa đã biến đổi toàn diện, trở thành một loạt những quốc gia về mặt danh nghĩa có đầy đủ chủ quyền, thành thử sau đó, người ta ngỡ rằng đây là một hiện tượng tất yếu : hơn thế nữa, người ta ngỡ rằng dân chúng các nước thuộc địa đó đã mong muốn như vậy ” (tr. 275). Thực tiễn phức tạp hơn nhiều lắm. “ Khát vọng giải phóng chắc chắn đã tồn tại ở các nước đã có lịch sử lâu đời, có truyền thống tổ chức chính trị : đó là trường hợp các đế chế lớn ở châu Á (Trung Quốc, Ba Tư, Ottoman) nhất là khi các thực thể chính trị ấy được xây dựng trên nền tảng của một Nhà nước - dân tộc [như nhà Hán ở Trung Quốc, hay đạo Islam chiite] (...). Nhưng phổ biến nhất là trường hợp dân chúng hoàn toàn không có ý thức gì về một thực thể chính trị lãnh thổ thường trực, với những biên giới quốc gia cố định, đặt dưới sự cai quản của một chính quyền thường trực duy nhất (tóm lại, ý thức về một quốc gia độc lập, có chủ quyền), hay ít nhất của một chính quyền cấp cao hơn là thôn làng [đó là trường hợp châu Phi và một số vùng Trung đông] ” (tr. 275). Đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng không ổn định ở thế giới hậu thuộc địa, mọi cuộc xung đột có tính chất khu vực (như cuộc diệt chủng ở Rwanda và cuộc chiến tranh vùng Đại Hồ) đều nhằm “ thanh toán ” những vấn đề đường biên giới do đế quốc vạch ra. Cũng vì thế mà trong thời kì đầu của các cuộc đấu tranh chống thực dân, “ nhiệm vụ lớn của các phong trào dân tộc chủ nghĩa [nói chung là của các tầng lớp thiểu số tư sản] là tập hợp được đông đảo quần chúng gắn bó với truyền thống và chống lại những gì là hiện đại, mà lại không tác động tới những dự án hiện đại hoá của họ ” (tr. 276). Điển hình là Gandhi (1869-1948), “ là người đã thành công trong việc huy động hàng chục triệu người ở các làng thôn và khu chợ bazar Ấn độ qua cùng một lời kêu gọi nhắm vào tinh thần dân tộc và tâm linh Hindu, đồng thời lại tranh thủ được sự đồng tình của những người chủ trương canh tân [trong một ý nghĩa nào nó, Gandhi cũng là một người canh tân vì ông phủ nhận chế độ đẳng cấp] ” (tr. 276). Song cuối cùng Gandhi đã thất bại : người ám sát Gandhi là một người theo phái Tilak (31), còn nước Ấn Độ độc lập sẽ đặt dưới quyền của đảng Quốc Đại, là những người “ không màng tưởng gì sự hồi sinh của nước Ấn độ xưa kia ”, họ “ không hề thiện cảm hay cảm thông gì [với những người chủ trương trở về truyền thống], chỉ chú mục vào phương Tây, bị tiến bộ của phương Tây quyến rũ mạnh mẽ ” (Nehru, 1936).


Như vậy là khởi đầu cuộc đấu tranh giải phóng, ở Ấn độ, ở Trung Quốc hay ở Trung Đông, đâu đâu cũng một cung cách : một nhóm nhỏ những người chủ trương canh tân, không phải là đạo sĩ, tìm cách tranh thủ quần chúng vốn thù ghét thực dân nhưng cũng chẳng ưa gì giới tư sản thượng lưu tin tưởng rằng canh tân là cần thiết. Việc giới tư sản thượng lưu lãnh đạo cuộc đấu tranh là một hiện tượng kinh điển, vì tại các nước bị trị, “ hầu như không có những định chế chính trị dân chủ, chỉ có một tầng lớp rất nhỏ mới có đủ tri thức và được đào tạo, hoặc là có những căn bản sơ yếu nhất mà thôi (32) ” (tr. 268).


Câu hỏi thú vị đặt ra là tại sao giới lãnh đạo lại chọn lựa chủ trương canh tân để gặp khó khăn trong việc vận động quần chúng như vậy. Một sự lựa chọn không tự nhiên chút nào. Tự nhiên hơn và dễ dàng hơn, lẽ ra là dựa vào truyền thống (tiếng Pháp hiện hành dùng chữ fondamentalisme) hay tôn giáo (chủ nghĩa toàn thống, intégrisme). Thật thế, điểm lại lịch sử, dù sơ lược, cũng thấy “ không có một phong trào giải phóng thành công ở thế giới lạc hậu trước thập niên 70 lại bắt nguồn hay cảm hứng từ một hệ tư tưởng truyền thống hoặc tân truyền thống. Phải đợi đến những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX mới thấy trỗi dậy chủ nghĩa truyền thống, mới chứng kiến cảnh tượng kì quặc là một số trí thức say mê những cái mà cha ông của họ, có văn hoá, sẽ gọi là mê tín hoặc man rợ ” (tr. 268). Thế hệ cách mạng đầu tiên, rút kinh nghiệm thất bại của các cuộc nổi dậy của nông dân, nhận định rằng canh tân là bảo đảm cho đấu tranh hiệu quả (33), họ chọn sự canh tân vì hiệu quả chứ không phải từ những suy tính về đạo đức : “ Về mặt hệ thống đạo đức mà nói, với những quan niệm về chỗ đứng của con người trong thế gian, nhận chân ra bản chất và quy mô sự huỷ diệt do “ phát triển ” và “ tiến bộ ” đã gây ra, thì các hệ tư tưởng và hệ giá trị tiền tư bản hay phi tư bản thường hơn hẳn những tín điều mà tàu chiến, thương nhân, các nhà truyền giáo và viên chức thực dân đã đem lại. [Nhưng khi các hệ tư tưởng đó] đi ngược lại quá trình phát triển trong thực tiễn, chứ không phải chỉ trên mặt lí thuyết, thì thất bại và thua trận là cái chắc. Dùng phù phép để bẻ cong đường bay của đạn đại liên thì dù tin tưởng mạnh mẽ và thành khẩn tới đâu, cũng ít khi thành công. Điện thoại và điện tín dầu sao cũng là những phương tiện thông tin hiệu quả hơn khả năng thần giao cách cảm ” (tr. 267).


Tóm lại, bất luận các nhà cách mạng đã làm nên lịch sử thế giới thứ ba đã đeo đuổi những mục tiêu tự giác hay không tự giác như thế nào, thì quá trình canh tân (theo mô hình phương tây) đã mang lại những phương tiện cần thiết để đạt mục tiêu đó : hệ tư tưởng, cương lĩnh chính trị, phương pháp sinh hoạt công cộng (báo chí, hội họp, tuyên truyền, vận động quần chúng), tổ chức chính đảng (chính đảng tư sản như đảng Quốc Đại Ấn Độ hay Trung Hoa Quốc Dân đảng, hoặc đảng cộng sản nửa bí mật tổ chức theo mô hình bôn sê vich (34))... Tương tự, sau ngày độc lập, phần lớn các nước thuộc địa cũ đều tổ chức, hoặc bị ép tổ chức theo các hệ thống kinh tế - chính trị rập khuôn của chính quốc cũ. Số nhỏ còn lại (nói chung, xuất phát từ phong trào cách mạng xã hội hoặc cuộc chiến tranh giải phóng trường kì) thì chọn mô hình xô viêt. Thành ra, về mặt lí thuyết, toàn bộ thế giới thứ ba đều theo chế độ “ dân chủ ” (nghĩa là có những nước “ dân chủ ” hơn những nước khác, vì nhiều nước bệ mô hình Tây phương lên cái nền cũ là dạng thức quyền lực thị tộc, vi phiệt (35) hay Khổng giáo). điều cần nhấn mạnh là tất cả đều là những cơ cấu “ nhập khẩu ”, nên Hobsbawm mới nói rằng lịch sử thế giới thứ ba “ dẫn xuất ” (dé- rive) từ lịch sử của hai thế giới kia.


Trở lại lịch sử cuộc giải thực và cuộc khủng hoảng 1929-1933. Như đã nói ở phần trên, chính cuộc khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy quần chúng thuộc địa tham gia cuộc đấu tranh chống thực dân. Sự thúc đẩy này gần như có tính chất của một định luật cơ học. Thật vậy, vào cuối Thời đại các đế chế, nền kinh tế tư bản thế giới (dù ngừng lại ở bên này biên thuỳ Liên Xô) đã thu hút tài nguyên, văn hoá và chính thể của mọi nước vào phạm vi của nó như một con “ bạch tuộc ” (chữ của tác giả). Trong hệ thống ấy, kinh tế thuộc địa giữ một vị trí đặc biệt. đối với thị trường thế giới, “ giá trị [của thuộc địa] chủ yếu là giá trị của người cung cấp vật phẩm cơ bản – nguyên liệu, năng lượng, sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi – và của nơi đầu tư cho tư bản phương bắc, đặc biệt dưới dạng công trái hay xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, thành phố), nếu không có thì không thể khai thác tài nguyên của các thuộc địa ” (tr. 271). Tuy nhiên đầu tư như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chính quốc muốn công nghiệp hoá các nước thuộc địa. Thí dụ như đường bộ hay đường xe lửa (ngày nay vẫn còn được sử dụng) không mang lại công nghiệp cho Việt Nam, và chính quyền thực dân mở mang đường sá cũng không hề nhắm mục đích ấy. “ Phần lớn chính phủ và doanh nhân các nước phương Bắc đeo đuổi một mô hình trong đó thuộc quốc bán sản phẩm cơ bản cho chính quốc và dùng tiền đó để mua hàng hoá công nghiệp của chính quốc. [Quyền lợi tự nhiên của chính quốc và doanh nhân chính quốc] là làm cho thị trường thuộc địa hoàn toàn lệ thuộc vào nền sản xuất của chính quốc (...) [và mặt khác] củng cố độc quyền công nghiệp của những trung tâm sản xuất cổ truyền của chính quốc. Trong chừng mực ấy, người macxit trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến và những nhà lí luận về sự lệ thuộc ở nhiều trường phái khác nhau có đầy đủ cơ sở khi họ tố cáo chủ nghĩa đế quốc, coi nó là phương tiện để duy trì sự lạc hậu của các nước thuộc địa ” (tr. 272-273). Cố nhiên, cơ cấu kinh tế thuộc địa làm cho nó rất dễ bị chao đảo : trong cuộc khủng hoảng, giá cả nguyên vật liệu (nguồn sống của các nước thuộc địa) sụt nhanh và nhiều hơn giá hàng công nghiệp Tây phương. Trước đó, về toàn cục mà nói, thời kì đế chế là một thời kì tăng trưởng hầu như liên tục, với những tác động tích cực của nó, nên trong một ý nghĩa nào đó, chủ nghĩa thực dân có mặt “ chấp nhận được ”. Kinh tế suy sụp làm đảo lộn nền tảng trật tự đó, gây ra mất ổn định trong đời sống chính trị quốc gia cũng như quốc tế. Giới thượng lưu mất đi các ưu quyền đã đành, “ lần đầu tiên (trong những thời kì không có chiến tranh), cuộc sống của người dân bình thường bị đảo lộn như trải qua những động đất, mà rõ ràng đây lại không phải là thiên tai, cầu nguyện cũng vô phương, chỉ còn con đường phản đối ” (tr. 283). Thập kỉ 1930 do đó là những năm tháng then chốt của thế giới thứ ba, “ phần nào vì khủng hoảng đưa tới triệt để hoá về chính trị, nhưng quan trọng hơn, nó tạo dịp tiếp xúc giữa các phần tử chính trị thiểu số và người dân bình thường (...). Những năm khủng hoảng đã cắt đứt mối liên hệ giữa chính quyền thuộc địa và quần chúng nông dân, do đó mở ra một không gian mới trong cục diện chính trị ” (tr. 283-284).


Một khi quần chúng đã bước lên sân khấu chính trị, không dễ gì họ chịu rút lui, mặc dù nhìn về bề ngoài, thấy họ im ắng cam phận trong những thập niên sau ngày độc lập. Trong khi đó, nền kinh tế đế quốc chủ nghĩa đã mang lại nhiều biến đổi trong cuộc sống của giới nông dân, nhất là ở những vùng sản xuất hướng về xuất khẩu (đảo lộn lớn nhất là trong vùng trồng cao su, lợi nhuận cao hơn trồng lúa). Cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành rộng rãi mọi nơi, dưới bất cứ chính thể nào, trong giai đoạn 1945-1960 (tr. 462-463), đã làm cho nông dân thấy ra rằng hiện đại hoá mang lại hứa hẹn hơn là đe doạ. Bất luận chính trị của nền kinh tế thuộc địa là như thế nào, sự phát triển các thị trường địa phương, sau đó là sự phát triển công nghiệp địa phương (đúng như sự tiên liệu của chủ nghĩa Marx về sự triển khai tận cùng của cách mạng công nghiệp, điều này sẽ nói ở một phần dưới) đã tạo ra và thúc đẩy một cuộc di dân khổng lồ từ nông thôn về các đại đô thị mới thành hình ở các nước phương Nam, khai sinh ra một “ nền kinh tế không chính thức ” (économie informelle) khá đặc trưng của thế giới thứ ba, trước khi mà “ sự phân công lao động quốc tế ” mới (giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển, nhưng là trong nội bộ thế giới thứ ba, xem ở dưới) lại tạo ra một cuộc di dân mới, vượt qua những ranh giới khu vực và phân loại. Kết quả những cuộc biến thiên ngấm ngầm ấy, vào những năm bản lề 70-80, các cuộc vận động quần chúng sẽ nổi lên công khai, dưới hai dạng đối lập. Ở các NPI (như Brasil, Hàn Quốc...), những biến đổi cơ cấu trong xã hội đã đưa đời sống chính trị vào con đường quen thuộc của thế giới thứ nhất : sự hình thành những giai cấp công nhân công nghiệp mới đòi hỏi sự tôn trọng quyền lợi thợ thuyền và công nhận các công đoàn. Còn ở những vùng rộng lớn khác của thế giới thứ ba (vừa mất ổn định, vừa dễ bùng nổ), chủ nghĩa truyền thống (đôi khi kết hợp với chủ nghĩa toàn thống) đã hồi sinh mạnh mẽ, với đỉnh cao là cuộc cách mạng Iran (1979) : trong khi động lực của thời đại 1789-1917 (từ Cách mạng Pháp đến Cách mạng Nga) có vẻ như đã mất đà, cuộc cách mạng Islam đang giương cao ngọn đuốc cách mạng xã hội. Nhưng lần này, để chống lại hiện đại.


Phần 4


Ở trên, chúng tôi đã nói tới chủ nghĩa tư bản đầu thập kỉ 70, khi nó đạt tới tuyệt đỉnh quyền lực và vinh quang : một nền kinh tế tiêu dùng đại chúng dựa trên tận dụng nhân lực và tăng trưởng thu nhập (thực sự) đều đặn, được gia cố bằng một hệ thống bảo hiểm xã hội được tài trợ bằng công quĩ ngày càng tăng cao. Như tờ Financial Times đã viết một cách tự hào : nó đã đẻ ra “ một hệ thống sản sinh ra tài nguyên [...] từ nay được mọi người thừa nhận là hữu hiệu nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại ”. Sự thành đạt làm cho người ta trở thành hào phóng : các nhà tuyên giáo của chủ nghĩa tư bản (và chủ nghĩa xã hội) cải lương thấy không cần phải lấp liếm những khiếm khuyết của nó nữa (khuyết điểm chủ yếu là sự bất bình đẳng trong phân phối, nhất là ở quy mô toàn cầu), nhưng họ tin chắc rằng nhờ sự tăng trưởng về kinh tế và sự ổn định về chính trị, số đông nhân loại còn sống ở những khu vực chưa đi vào con đường “ phát triển ” và “ hiện đại hoá ”, cuối cùng cũng sẽ được hưởng những thành quả mà cho đến nay vẫn còn dành riêng cho những nước được ưu đãi.


Kinh tế thời mạt kỉ


1968, cuộc nổi dậy khắp nơi của sinh viên vang lên như một hồi chuông cảnh tỉnh (lẽ ra phải như thế). Sự kiện “ tháng năm 1968 ” nằm ngoài phạm vi kinh tế và chính trị, nó chỉ huy động một thiểu số riêng biệt, chủ yếu ở ngoài lề giới tác nhân “ có trách nhiệm ” của xã hội tiêu thụ : “ Ý nghĩa văn hoá của nó vượt xa ý nghĩa chính trị, và khác hẳn những phong trào tương tự ở các nước thế giới thứ ba và ở các nước độc tài, ý nghĩa chính trị của phong trào 5-1968 ở các nước tây phương phải nói là khá mờ ảo. Tuy nhiên, ít nhất nó có giá trị cảnh báo, nó có thể ví như một tấm hình memento mori (*) cho cả một thế hệ không mấy tin tưởng rằng các vấn đề của xã hội tây phương đã được giải quyết dứt điểm rồi ” (tr. 377).


Hobsbawm nhận xét, nhà sử học cũng không khác gì mọi người : một cuộc trải nghiệm, chỉ khi nào đã kết thúc rồi, họ mới nhận thức được bản chất của nó. Cho nên, ở các nước phương tây, mãi tới đầu thập kỉ 70, nghĩa là khi Thời kì Hoàng Kim của chủ nghĩa tư bản cải lương kết thúc, người ta mới nhận diện được “ Ba mươi năm quang vinh ”. Cuộc khủng hoảng xã hội biểu lộ qua cuộc bùng nổ của sinh viên năm 1968 là dấu hiệu chứng tỏ rằng cái thế quân bình “ phép lạ ” của Thời kì Hoàng Kim không còn có thể kéo dài được nữa. Sự quân bình này dựa trên một loạt tham số không dễ điều tiết với nhau : về mặt kinh tế, là phải điều hành giữa tăng trưởng năng suất và tăng trưởng thu nhập sao cho giữ được ổn định lợi nhuận ; về mặt xã hội, tranh thủ được sự đồng thuận giữa các “ đối tác ” để bảo đảm sự vận hành suôn sẻ của “ Nhà nước ban phát ” và tận hưởng lợi ích của nó ; về mặt chính trị, là sự bá chủ của một siêu cường (Hoa Kì) giữ (dù đôi khi không muốn) vai trò bảo đảm và ổn định công việc làm ăn của thế giới... Thế mà, “ vào cuối thập kỉ 60, tất cả các tham số đó đã biểu lộ dấu hiệu bị xói mòn và rạn nứt ” (tr 376) : vị trí lãnh đạo của Hoa Kì suy sụp trong sự sa lầy ở Việt Nam ; thế lực kinh tế Mĩ cũng suy giảm đi vì thiếu hụt quá mức ; khối lượng tiền tệ thế giới tăng quá nhiều ; lạm phát, quá kích (sur-chauffe) ; năng suất tăng chậm, đòi hỏi tăng lương gia tăng... Hệ thống tài chính quốc tế Bretton-woods sụp đổ năm 1971, nguyên liệu tăng giá (thật ra là điều chỉnh giá) năm 1972-73, hai cú sốc dầu mỏ năm 1973 và 1979 (36)... tất cả những yếu tố đó đã đưa thế giới bước vào một thời kì khủng hoảng mới. “ Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, một lần nữa thế giới tư bản chủ nghĩa lại loạng choạng dưới những gánh nặng tương tự như trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, những gánh nặng mà thời kì Hoàng kim tưởng như đã xua đuổi đi rồi : thất nghiệp đại trà, suy thoái chu kì nặng nề, tương phản ngày càng lộ liễu giữa người nghèo khó và người giàu có, giữa những khoản thu hạn chế của Nhà nước và chi tiêu công quĩ vô hạn định ” (tr.30). Nhưng khác với năm 1929, lần này cuộc khủng hoảng diễn ra trên quy mô toàn cầu, nghĩa là nó không ngừng ở biên giới “ chủ nghĩa xã hội hiện tồn ” : “ Với những nền kinh tế uể oải, yếu ớt, các nước xã hội chủ nghĩa đã phải đi từ đoạn tuyệt này tới đoạn tuyệt khác, nhiều khi rất cơ bản, đối với quá khứ, và như chúng ta biết, quá trình ấy cứ tiếp diễn cho tới ngày sụp đổ. Sự sụp đổ ấy đã kết thúc Thế kỉ ngắn, cũng như cuộc Thế chiến thứ nhất đã khai mạc nó ” (tr.30).


Trong phần đầu của loạt bài này, chúng tôi đã phân tích những nguyên nhân thuần tuý kinh tế dẫn tới sự nổ sụm (implosion) của chủ nghĩa xã hội hiện tồn, nay xin miễn trở lại. Vẫn biết “ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội xôviêt và những hậu quả ghê gớm của nó, những hậu quả hiện nay một phần còn chưa lường hết được, nhưng chủ yếu là tiêu cực, là biến cố bi thảm nhất của giai đoạn bế mạc thế kỉ này ” (tr. 29), nhưng nếu ta chia sẻ quan điểm của Hobsbawm theo đó, tác động dài hạn của Thế kỉ XX đối với lịch sử nhân loại sẽ phát xuất, không phải từ sự đụng đầu giữa “ chủ nghĩa tư bản ” và “ chủ nghĩa xã hội ”, mà từ những biến đổi sâu sắc, không thể đảo ngược, đã diễn ra trong mấy chục năm “ vinh quang ” của Thời kì Hoàng Kim, thì cũng cần xét xem mấy thập niên khủng hoảng tiếp theo đó đã mang lại những thay đổi như thế nào.


Với sự tái hiện của nạn thất nghiệp cục bộ, nếu không nói là đại trà, những ai (như Hobsbawm) từng sống qua cuộc khủng hoảng 1929 đều lo ngại sẽ có một cuộc bùng nổ xã hội... đã không xảy ra. Không xảy ra tất nhiên là nhờ những cơ chế bảo hộ mà Nhà nước ban phát đã xây dựng (trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm bệnh tật, hưu bổng...), song điều nghịch lí là nhằm đúng lúc hệ thống bảo hộ này đang chứng minh hiệu quả của nó, thì nó lại bị những người mà tác giả gọi là “ những nhà thần học thế tục của thị trường ” công kích dữ dội. Những nhà kinh tế học hậu duệ của Von Hayek không ngừng tố cáo rằng chủ nghĩa tư bản cải lương đã đi vào “ con đường nô dịch ”. Sau những màn dạo đầu ở những nước độc tài như Chile dưới thời Pinochet, họ đã nhờ tình trạng kinh tế trì trệ của thời mạt kỉ và cuộc khủng hoảng của Nhà nước ban phát để nhẩy lên sân khấu với nguyên si bài bản của tư duy liberal thế kỉ XIX (37). “ Sau những thất bại hiển hiện của các chính sách kinh tế và xã hội của Thời kì Hoàng Kim, chấm dứt một thời kì dài chính quyền nằm trong tay đảng trung phái và dân chủ xã hội ôn hoà [ở phương tây]. Khoảng năm 1980, những chính phủ hữu phái về tư tưởng, liên hệ mật thiết với một dạng thức cực đoan của sự vị kỉ kinh tế và sự thả dàn, đã lên cầm quyền ở một số nước khác nhau, trong đó đáng kể nhất là chính quyền Ronald Reagan ở Hoa Kì và chính quyền Margaret Thatcher ở Anh. Chủ nghĩa tư bản của hai thập kỉ 50-60 với chế độ bảo hộ xã hội được Nhà nước ban phát che chở, từ năm 1973 trở đi hết thành công về kinh tế, trong con mắt của phái hữu mới, chẳng qua là một thứ biến tướng của chủ nghĩa xã hội ” (tr. 331). Thực ra các nhà tân liberal cực đoan cũng chẳng thành công hơn ai về kinh tế (38), song “ tư duy duy nhất ” của chủ nghĩa tân liberal vẫn chế ngự suốt giai đoạn mạt kỉ để tới khi hệ thống xôviêt sụp đổ, thì nó cất lên tiếng gáy tự mãn. Một sự tự mãn không cơ sở, như sẽ thấy dưới đây, mà Hobsbawm đã phê phán nghiêm khắc : “ Đối với những người như chúng tôi đã trải qua cuộc đại khủng hoảng, thì thật là khó hiểu khi thấy những chủ trương chính thống về thị trường thuần tuý đã lụn bại rõ ràng, đến cuối thập kỉ 80 và trong thập kỉ 90, lại có thể được đem ra thi hành trong một giai đoạn khủng hoảng mà một lần nữa, chúng không thể am hiểu và biết cách xử lí (...). đối nghịch với không tưởng xôviêt, cái phản không tưởng [của chủ nghĩa liberal cực đoan] cũng đã thất bại hiển nhiên. Nền tảng của nó là niềm tin thần học vào một nền kinh tế trong đó thị trường sẽ phân bố tài nguyên theo nguyên tắc cạnh tranh không hạn chế, không hề có một rào cản nào cả (...). Khi người ta thực hiện những đường lối kinh tế thả dàn như vậy nhằm thay thế, trong một thời gian ngắn, chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ bằng những “ liệu pháp sốc ” của các cố vấn Tây phương, thì kết quả kinh tế thật khủng khiếp, còn về mặt xã hội và chính trị cũng tệ hại không kém ” (tt. 146 & 724).


Hai thái cực đều đã dẫn tới thất bại nhãn tiền – chủ nghĩa xã hội xôviêt và chủ nghĩa liberal cực đoan – mà quay trở lại những giải pháp trung gian của Thời kì Hoàng Kim cũng chỉ là một sự hoài cổ không căn cứ. Bởi vì một nhân tố rất mới và cơ bản đã xuất hiện : quá trình quốc tế hoá kinh tế. Trong hai thập kỉ 50 và 60, trụ sở “ trung tâm ” của sự tăng trưởng nằm ở Tây-Bắc Âu và Bắc Mĩ : các nước này trao đổi với nhau 3/4 tổng số xuất khẩu hàng hoá công nghiệp của họ. Sang thập kỉ 70, các nhà quan sát bắt đầu lưu ý tới một sự “ phân công quốc tế lao động ” mới, mà thực chất là thể hiện lời tiên đoán của Marx về sự triển khai của cuộc cách mạng công nghiệp trên toàn cầu. “ Thế giới công nghiệp hoá bắt đầu xuất khẩu đa phần các sản phẩm công nghiệp của nó sang phần còn lại của thế giới, nhưng có ý nghĩa hơn nữa, là tới phiên thế giới thứ ba cũng bắt đầu xuất khẩu quy mô hàng hoá công nghiệp của mình sang các nước công nghiệp phát triển. Vì những sản phẩm xuất khẩu cơ bản cổ truyền (trừ dầu mỏ) bị lép vế, những nước thế giới thế giới thứ ba đã bắt đầu công nghiệp hoá, lúc đầu không đồng đều, sau đó tăng tốc (39) (...). Những nền công nghiệp mới không chỉ nhắm thị trường tiêu thụ địa phương cũng mở rộng nhanh chóng, mà nhắm cả thị trường thế giới : xuất khẩu hàng hoá [thuộc thế hệ 1 của sản xuất công nghiệp, như vải vóc] và tham gia quá trình chế tạo xuyên quốc gia [hiện tượng này được gọi là délocatisation, chuyển dịch địa điểm sản xuất]” (tr. 370). Như vậy là ban đầu, quá trình “ toàn cầu hoá ” đối với các doanh nghiệp là chuyển một phần hay toàn bộ bộ máy sản xuất hay cung ứng từ thế giới công nghiệp cũ sang thế giới thứ ba. Tiếp theo đó, chuyển dịch ngay cả những công nghiệp mũi nhọn (tin học, công nghiệp xe hơi, công nghiệp hàng không, những ngành đã trở thành sở trường của Đài Loan và Nam Hàn) hay những công việc cao cấp (ví dụ như những người Ấn Độ làm chuyên viên kế toán ngay tại Ấn Độ cho những doanh nghiệp đặt trụ sở ở Châu Âu hay Bắc Mĩ, qua trung gian của mạng lưới điện não). Sở dĩ phương thức sản xuất thật sự toàn cầu trở thành hiện thực được và hoạt động hiệu quả (40) là nhờ cuộc cách mạng trong lãnh vực vận tải và giao thông đã triệt tiêu khoảng cách không gian và thời gian.


Ở một phần dưới, chúng ta sẽ sơ bộ xét tới những hậu quả của toàn cầu hoá, nhưng ngay đây, cần lưu ý tới tác động xã hội khủng khiếp của nó trên giới lao động của các nước phát triển là nơi do mức bảo hộ xã hội cao (và cái giá phải trả của hệ thống bảo hộ xã hội), nên không ai có thể nghĩ tới chuyện cạnh tranh trong một số ngành nghề với nhân công bị bóc lột tự do ở thế giới thứ ba. Một số nước công nghiệp cũ như nước Anh đã phản ứng (di sản của bà Thatcher) bằng chính sách dumping (phá giá) xã hội, nhưng rõ ràng đó không thể là một giải pháp lâu bền. Hobsbawm nhấn mạnh, khía cạnh đáng quan ngại của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn mạt kỉ này, là “ sự thắng thế của nó, cũng như sự thắng thế của hệ tư tưởng thị trường không rào cản đã làm suy yếu, nếu không nói là đã hoàn toàn triệt tiêu, phần lớn những công cụ khả dĩ quản lí các tác động xã hội do những đảo lộn về kinh tế gây ra. Kinh tế thế giới là cỗ máy nổ ngày càng mạnh và không được kiểm soát. Có thể kiểm soát nó được không ? và nếu có, thì ai là người kiểm soát ? ” (tr. 733).


Thánh chiến Djihad kình chống McWorld


Câu hỏi mà tác giả đặt ra chẳng có nghĩa lí gì đối với một người sống ở thế kỉ XIX, tức là một thế kỉ đặt dưới sự chế ngự của khái niệm Nhà nước - Dân tộc, “ định chế trung tâm của đời sống chính trị từ Thời đại Cách mạng, một mặt vì Nhà nước - Dân tộc nắm trọn công quyền và pháp luật, mặt khác là vì trong nhiều lãnh vực, hoạt động chính trị thực sự diễn ra trong khuôn khổ Nhà nước - Dân tộc (...) [Cho đến nửa sau của Thế kỉ XX], những tham số của cuộc sống người công dân ở trong các Nhà nước hiện đại được quy định hầu như toàn bộ (không kể trong trường hợp các cuộc xung đột liên quốc gia) bởi sự hoạt động hay thụ động của Nhà nước. Ngay khi các mãnh lực thế giới, chẳng hạn như các cuộc bùng nổ (boom) sản xuất hay suy thoái kinh tế, tác động vào đời sống của người công dân, chúng cũng tác động qua lăng kính của chính trị và của các định chế của từng Nhà nước ” (tr. 738).


Câu hỏi ấy có vẻ kì cục đối với cả người dân sống ở các nước dân chủ phương Tây ngay khi “ Đế chế của Ác thần ” [tức là khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu] vừa sụp đổ, khi mà sự toàn thắng của nền dân chủ liberal (Hobsbawm nói mỉa : đó là hai khái niệm “ mà những nhà quan sát không mấy tinh tế thường có xu hướng đánh đồng làm một ”, tr. 737) như hứa hẹn “ sự kết thúc của Lịch sử ” (41) theo đúng biện chứng của Hegel. Thế nhưng Lịch sử vẫn không chịu kết thúc, và ở buổi bình minh của Thế kỉ XXI, thành tích của những người chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh – chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản – nghe ra như có một dư vị đắng cay : “ Những năm 1980 đi qua, hiển nhiên là cuộc khủng hoảng thế giới không chỉ có tính chất tổng thể về mặt kinh tế mà thôi, nó còn tổng thể trên bình diện chính trị. Sự sụp đổ của các chính thể cộng sản từ bán đảo Istrie [tây bắc Nam Tư] đến Vladivostok, không những đã tạo sinh ra cả một khu vực bất trắc, bấp bênh, hỗn loạn và nội chiến, nó còn phá huỷ cả hệ thống quốc tế có chức năng ổn định quan hệ quốc tế trong suốt bốn chục năm trước. Nó cũng làm lộ rõ tính chất nhất thời của những hệ thống nội trị về thực chất đã được xây dựng trên nền tảng của sự ổn định đó. Những áp lực của nền kinh tế trong cơn khó khăn đã huỷ hoại những hệ thống chính trị của nền dân chủ liberal, dưới dạng đại nghị hay dạng tổng thống chế, từ Thế chiến thứ nhì đến nay đã vận hành trơn tru (...). đến cả các đơn vị cơ bản của chính sinh hoạt chính trị – các Nhà nước - Dân tộc có cương thổ, chủ quyền và độc lập, kể cả những quốc gia lâu đời nhất, ổn định nhất – cũng bị giằng xé bởi sức mạnh của nền kinh tế siêu quốc gia [supranational] hay xuyên quốc gia [transnational], hay bởi các lực lượng nội quốc gia [infranational] của những vùng li khai hay của các tộc người thiểu số ” (tr 30).


Cuộc toàn cầu hoá và chủ nghĩa truyền thống (fonda-mentalisme), hai lực lượng mà Hobsbawm đã nói tới, có những động năng đối kháng nhau, chúng tác động mạnh ngang nhau và nghịch chiều, làm nổ tung Nhà nước - Dân tộc và phá huỷ các định chế dân chủ của nó.


Đó cũng là luận đề mà B. R. Barber triển khai trong luận văn mang tựa đề cố ý khiêu khích Djihad versus McWorld với tiểu đề rõ nghĩa hơn : Toàn cầu hoá và chủ nghĩa toàn thống chống lại dân chủ (42). Đại khái, Djihad là Thánh chiến của đạo Hồi, cũng như Thập tự chiến là Thánh chiến của đạo Kitô, nhưng cũng như cụm từ chủ nghĩa toàn thủ (intégrisme), xin hiểu theo nghĩa mà chúng tôi đã đề nghị cho cụm từ chủ nghĩa truyền thống (fondamentalisme) : phản ứng chống lại hiện đại (cụm từ chủ nghĩa toàn thủ có một nội dung hẹp hơn là “ tôn giáo chính trị hoá ”). Còn tân từ McWorld, nó bao gồm cả cái công ti thế giới “ World Company ” biểu tượng của nền kinh tế xuyên quốc gia mà còn có cả đầu ngữ Mc (của McDonald) biểu tượng của thứ văn hoá hàng hoá toàn cầu mà nó muốn gạ bán cho chúng ta.


Djihad hay McWorld tự nó cũng chẳng có gì mới. Nhưng luận đề theo đó hai lực lượng đối kháng này – Djihad được nuôi dưỡng bằng những nỗi căm thù cục bộ, McWorld bằng tầm cỡ toàn cầu của thị trường – lại hiệp đồng với nhau một cách biện chứng để chống phá dân chủ, quả là một luận đề khá nghịch lí, đáng được nói rõ hơn.


Như đã nói, Djihad là chủ nghĩa truyền thống, nghĩa là sự phủ nhận tính hiện đại bằng cách dựa vào những giá trị truyền thống hay tôn giáo, thậm chí bịa đặt (chẳng hạn như dựa vào một quá khứ tưởng tượng một cộng đồng huyễn hoặc). Lấy tất cả những giá trị ấy làm thước đo, “bản sắc được định nghĩa bằng cách đối lập nó với “ tha nhân ”, với người ngoài, và chính trị thu hẹp thành sự loại trừ, sự uất hận. [Djihad] động viên cộng đồng bằng cách thủ tiêu tinh thần khoan hoà, tương hỗ và tạo ra một thế giới trong đó quyền công dân nhường chỗ cho sự lệ thuộc của mỗi thành viên vào cộng đồng, các mục tiêu tập thể là do những lãnh tụ có hào quang, uy tín áp đặt, thay vì được quyết định thông qua thảo luận dân chủ. Djihad nói đến quyền tự quyết, nhưng hy sinh các quyền tự do của nhân dân trên bàn thờ của nền độc lập chung ” (Barber, tr. 224). Qua những nét phác thảo ấy, người ta có thể nhận ra các thứ giáo sĩ ayatollah (Iran), mollah (Afganistan), rabbin (Israel)... và một lô một lũ Le Pen (Pháp), Haider (Áo), Soljenitsyne (Nga), Milosevic (Nam Tư), Pat Buchanan (Mĩ)... đang đua nhau công kích tính phổ quát của dân chủ và... chủ nghĩa siêu quốc (cosmopolitisme) của McWorld. Djihad còn có những dạng nhẹ hơn, “ bảo vệ sự liên đới và truyền thống chống lại cả xu hướng đa nguyên và pháp lý trừu tượng về Nhà nước - Dân tộc lẫn cái chủ nghĩa đế quốc thương mãi mới của McWorld, [song] không nhất thiết đối nghịch với những điều kiện làm nền tảng cho dân chủ, vì xét cho cùng, dân chủ đã ra đời trước cả Nhà nước - Dân tộc [chẳng hạn như chế độ dân chủ ở thành Athènes Cổ đại Hi Lạp] ” (Barber, tr 236). Người ta liên tưởng tới những cộng đồng sùng tín ở vùng New England bên Mĩ, tới các tổng ở Thuỵ Sĩ, tới mấy thôn làng ở cao nguyên Larzac Pháp..., nghĩa là những thực thể chống Nhà nước, chống hiện đại, song do quy mô nhỏ và sự thuần nhất tương đối, chúng có thể thực hiện một hình thức dân chủ tham gia (démocratie participative) ở cấp độ cục bộ. Khổ nỗi, “ dân chủ làng xã ” không phải là dân chủ (điều này, người Việt Nam hiểu rõ lắm), bởi vì “ óc làng xã ” tuy có truyền thống cộng đồng nhưng nặng tính tôn ti đẳng trật, nặng tinh thần tuân thủ (conformisme), khép kín đối với người ngoài, không chấp nhận sự đa dạng. “ Do họ xác định “ căn cước ” (identité) bằng những gì đã được “ truyền thụ ” (huyết thống, chủng tộc, tôn giáo) nên [các cộng đồng truyền thống] đối nghịch với quan niệm là người ta có thể tự do chọn lựa căn cước của mình cũng như có thể tự do chọn lựa các mối quan hệ xã hội. Cơ cấu tôn ti đẳng trật và sự lệ thuộc vào những lãnh tụ có hào quang, uy tín làm cho họ khó chấp nhận sự bình đẳng và chống lại sự năng động xã hội. Phương thức quan hệ của họ mang tính cá nhân, không dựa trên khế ước, nên họ dễ có thành kiến, vặt vãnh và tham nhũng ” (Barber, tr. 239)(43).


Đó là những nét (tiêu cực) chủ yếu của chủ nghĩa truyền thống, bao gồm các giáo sĩ đạo Hồi chống hiện đại cũng như các “ chiến sĩ ái quốc ” chống thành lập liên bang thống nhất Châu Âu (44) và cả những nông dân chống toàn cầu hoá. Hobsbawm nhận xét khá bi quan : “ Đây không phải lần đầu có sự hỗn hợp giữa một cái gì rỗng tuếch về trí tuệ và một sự xúc động sâu sắc, thậm chí cùng quẫn, của quần chúng, được thể hiện mạnh mẽ như vậy về chính trị, ở một thời điểm khủng hoảng, bất an và đang diễn ra sự suy sụp của những Nhà nước và nhưng định chế ở nhiều vùng rộng lớn trên hoàn cầu. Giữa hai thế chiến, những phong trào tương tự đã đẻ ra chủ nghĩa phatxit. Tương tự như thế, các phong trào phản kháng tôn giáo và chính trị ở thế giới thứ ba, sự khao khát khẳng định bản sắc (căn cước), khao khát thiết lập một trật tự xã hội vững chãi trong một thế giới đang rạn vỡ (lời kêu gọi “ cộng đồng ” thường đi đôi với kêu gọi “ trật tự công cộng ”) là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những lực lượng chính trị [có thể sẽ] lật đổ các chính thể cũ để thiết lập những chính thể mới. Tuy nhiên, những chính thể mới này chẳng thể nào mang lại giải pháp cho thiên kỉ mới cũng như chủ nghĩa phatxit đã không thể nào mang lại giải pháp cho Thời kì đại hoạ của thế kỉ trước” (tr. 728).


Ở thái cực kia, McWorld có thể được coi là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản liberal, là sự triển khai cái lôgic của chủ nghĩa tư bản tới ranh giới của sự phi lí, của “ thiên hướng trao đổi của cải với của cải, của cái với dịch vụ, đồ vật với đồ vật ” (Adam Smith), đến mức muốn xây dựng một hệ thống công nghiệp mà về mặt thực tiễn cũng như về mặt lí luận, có nghĩa là “ loài người, trong mọi sinh hoạt kinh tế – nếu không nói là cả trong sinh hoạt chính trị, trí tuệ và tâm linh – đều được chỉ đạo bởi cái thiên hướng đặc thù ấy mà thôi ” (bình luận của Karl Polanyi, 1945). McWorld với quyền lực vạn năng hiện nay của nó, đã ra đời ngay trong Thời kì Hoàng Kim, khi thế giới đã biến thành một đơn vị thao tác duy nhất, khi mà quy mô các tác vụ kinh tế “ lớn hơn cả những đơn vị tác vụ cũ như là ‘kinh tế quốc gia’”. Hobssbawm mô tả quá trình ấy như thế này : “ Nhất là từ những năm 1960, bắt đầu hình thành một nền kinh tế mà tính chất xuyên quốc gia ngày càng đậm nét, tức là một hệ thống hoạt động kinh tế trong đó các lãnh thổ và biên giới quốc gia không còn là khung cảnh cơ bản nữa, mà còn trở thành những nhân tố gây ra phức tạp. Hầu như đã hình thành một “ nền kinh tế toàn cầu ” không còn cắm rễ hay có đường ranh giới cụ thể nữa, mà còn quy định hay đúng hơn, còn hạn định hoạt động của chính các nền kinh tế quốc gia, kể cả những quốc gia lớn mạnh nhất. Sang tới đầu thập kỉ 1970, nền kinh tế xuyên quốc gia này trở thành một thế lực toàn cầu thực thụ. Từ 1973 trở đi, nó tiếp tục lớn lên, và trong mấy thập kỉ khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng của nó còn nâng cao hơn nữa ” (tr. 366). Muốn hình dung ra thế lực của nền kinh tế xuyên quốc gia, đây là vài con số : đầu thập niên 80, các công ti đa quốc gia Mĩ (hay là Anh) chiếm hơn 75 % (hay 80 %) tổng giá trị xuất khẩu. Song “ trong một ý nghĩa nào đó, những con số ấy chẳng có nghĩa lí gì, bởi vì chức năng chủ yếu của những công ti này là “quốc tế hoá các thị trường, vượt qua các đường biên giới quốc gia”, nghĩa là làm cho các thị trường trở thành độc lập với Nhà nước và lãnh thổ quốc gia. Một bộ phận lớn những hạng mục mà thống kê của các nước còn xếp vào cột nhập khẩu hay xuất khẩu rốt cuộc chỉ là sự giao thương nội bộ của các đại công ti xuyên quốc gia” (tr. 369). Hobsbawm có lí khi ông cho rằng một phần lớn các vấn đề đặt ra trong những năm khủng hoảng là do sự xuất hiện của nền kinh tế xuyên quốc gia : thật vậy, dù cho các công ti đa quốc còn giữ quan hệ mật thiết với quốc gia xuất xứ, ngày nay không còn có thể khẳng định rằng quyền lợi của chúng là đồng nhất với quyền lợi của một chính phủ hay một quốc gia nào. “ Lôgic kinh tế buộc mỗi công ti dầu lửa quốc tế phải toan tính chiến lược và chính sách của mình đối với quốc gia xuất xứ y như hệt đối với Arabia Saudi hay Venezuala : tính toán được-mất, tính toán về so sánh quyền lực giữa công ti và chính quyền ” (tr. 369). Đối với người dân thường cũng như giới lao động, xu hướng của sự trao chuyển tài chính và của các doanh nghiệp muốn vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước - Dân tộc cổ truyền biểu hiện rõ nét nhất là trong những cuộc khủng hoảng tiền tệ (khi các Ngân hàng quốc gia trung ương tỏ ra hoàn toàn bất lực trong việc điều tiết dòng chảy của tư bản) hay khủng hoảng về nhân dụng (khi các doanh nghiệp biến phương thức “ sa thải vì lí do kinh tế ” thành một công cụ quản lí hoặc để đầu cơ trên thị trường chứng khoán (45) ). Sự “ gớm ghiếc kinh tế ” hiển nhiên ấy chỉ là phản ánh sự suy yếu của các Nhà nước - Dân tộc trước cuộc toàn cầu hoá : “ Những hạn chế mà McWorld đặt ra cho chủ quyền quốc gia là kết quả của những lực lượng kinh tế mà mục tiêu tự giác là thực hiện toàn cầu hoá (...). Mọi nhân tố kinh tế nằm ngoài thị trường cũng như mọi dịch vụ công cộng ngày nay đều dễ bị kinh tế hàng hoá xuyên quốc gia xâm nhập. Thị trường gớm ghiếc biên giới cũng như thiên nhiên gớm ghiếc chân không. Trong môi trường tràn lan vô hạn của thị trường, quyền lợi là tư nhân, mậu dịch là tự do, tiền tệ nào cũng có thể chuyển hối, ngân hàng là mở cửa, hợp đồng là phải thi hành (đó là chức năng kinh tế duy nhất được coi là chính đáng của Nhà nước), chủ quyền thuộc về qui luật của sản xuất và tiêu thụ, chiếm thế thượng phong đối với quyền lập pháp và tư pháp (46) ” (Barber, tr. 34). Trong bản tuyên ngôn năm 1990 (phụ lục cuốn sách của Kenichi Ohmae (47) ), một đỉnh cao của sự kiêu ngạo hay lì lợm, ba nhà “ tư vấn ” (tức là ba đại biểu của McWorld) đã công bố cả một “ Tuyên ngôn về sự liên thuộc đối với thế giới năm 2005 ” trong đó họ không ngần ngại kêu gọi các Nhà nước - Dân tộc hãy tự giải thể. Cương lĩnh của họ : “ * để cho mọi cá nhân có thể truy nạp, với phí tổn thấp nhất, những của cải và dịch vụ tốt nhất có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới ; * điều phối hoạt động của các công ti với hoạt động của các chính quyền nhằm giảm thiểu những xung đột xuất phát từ những lợi ích hẹp hòi ; * tránh mọi thay đổi đột ngột trong cơ cấu kinh tế và xã hội cơ bản ” (trích dẫn theo Barber, tr. 147).


McWorld rất xứng đáng với cái tên gọi của mình khi nó muốn thực hiện dự án “ toàn cầu ” mà Polanyi đã tiên đoán từ năm 1945 (sách đã dẫn) về một nền văn hoá tiêu thụ phổ quát : “ Thị trường chung đòi hỏi phải có tiền tệ và ngôn ngữ chung. Chúng tạo ra những cách ứng xử giống y như nhau mà ta có thể gặp ở khắp các đại đô thị (...) Bản thân sự tiêu thụ cũng tạo ra những cung cách ứng xử đồng nhất ở mọi nơi trên trái đất (...) McWorld là một sản phẩm của văn hoá đại chúng dưới tác động của sự bành trướng thương mại. Quy chiếu của nó là Mĩ, bản thân hình thức của nó là một tác phong riêng. Sản phẩm của nó là những của cải vật chất đồng thời tự chúng cũng là những hình ảnh, gam hàng hoá của nó cũng đồng thời là một thứ mĩ học. Đó là văn hoá biến thành hàng hoá, y phục trở thành ý thức hệ (...). Âm nhạc, điện ảnh, kịch nghệ, sách và công viên có chủ đề – những giáo đường mới của một nền văn minh hàng hoá trong đó các trung tâm thương mại trở thành quảng trường công cộng – tất cả đều được thiết kế để phổ biến một hình ảnh, tạo ra một sự mẫn cảm chung cho toàn thế giới, kết cấu bằng những ‘siêu sao’, những bài hát, và những nhãn hiệu, những logo, nhạc hiệu và khẩu hiệu quảng cáo. Đã hết thời mà người ta bắt buộc nữa, bây giờ là thời đại của sự cám dỗ ” (Barber, tr. 38-39). Dự án văn hoá của McWorld không hề giữ kín, Coca Cola chẳng hạn đã không ngần ngại phô trương bằng cách “ mượn tạm ” bài ca phản kháng We are the World (Chúng ta là Thế giới (48)). Cái thứ “ world ” ấy, ngày ngày mỗi người chúng ta có thể trông thấy nó lan tràn trên đường phố đến mức nào. Cuốn sách của Barber liệt kê ra hàng loạt ví dụ. Chỉ xin đơn cử một ví dụ, vì nó thê thảm nhất : những tay “xạ thủ” người Serbia chân đi giầy Adidas, vừa nghe Madonna qua máy “ bộ hành ” (walkman) vừa nhắm bắn thường dân ở Sarajevo (tr. 23).


Một trong những khẩu hiệu sáng giá nhất của McWorld (đây là nói khẩu hiệu khuyến mãi) là “ tự do ” : “ sản phẩm tự do ”, “ chọn lựa tự do ”, tự do chọn lựa những sản phẩm tự do..., cái thứ tự do rất dễ chứng minh là phản dân chủ : “ Cũng như xưa kia các chính thể toàn trị đã tìm cách nhân danh tự do để thuần lí hoá sự thống trị của mình – “ chuyên chính vô sản” có mục đích mở ra một thời đại tự do nhất lịch sử – thì ngày nay các thị trường thuần lí hoá sự thống trị của mình trên mọi lãnh vực của đời sống bằng luận điểm là người tiêu thụ có đầy đủ tự do chọn lựa hàng hoá (...). [Thế mà] các thị trường của McWorld loại bỏ mọi phán đoán về giá trị cũng như khái niệm ý chí tập thể (...). Thực tế là khả năng chọn lựa của cá nhân người tiêu thụ càng mở rộng bao nhiêu thì khả năng chọn lựa trong các vấn đề của xã hội càng bị thu hẹp bấy nhiêu. Cho nên người Mĩ có quyền tự do chọn lựa giữa hàng chục nhãn xe hơi [quyền tự do đó phải chăng đã chôn vùi] tự do chọn lựa giữa phương tiện chuyên chở công cộng và phương tiện chuyên chở cá thể, [còn chủ trương “ xe hơi trên hết ” đã chẳng] trở thành đặc trưng của đời sống đô thị mặc dầu điều này chưa hề được một cấp chính quyền dân chủ nào chọn lựa và quyết định ? ” (tr. 222). Chắc cũng chẳng cần chứng minh gì thêm. Chỉ cần bổ sung bằng một ý thôi : sinh hoạt dân chủ đòi hỏi phải có thời gian, phải có thảo luận, trong khi “ nền văn hoá quảng cáo ” của McWorld là thứ mì ăn liền, ăn tức thời. “ Ấu trĩ là não trạng quý báu của McWorld, đó là não trạng “ Tôi muốn, tôi muốn ! ” và “ Cho tôi đi, cho tôi đi ! ”, điệp khúc trở đi trở lại trong những bài ru con dành cho người tiêu thụ ” (tr. 84).


Giữa hai gọng kìm Djihad và McWorld, nền dân chủ của Thế kỉ XXI ở vào thế kẹt. Do bản chất của nó, vốn dĩ “ nền dân chủ đại biểu rất hiếm khi là phương thức lãnh đạo quốc gia một cách thuyết phục ” (Hobsbawm, tr 190) : không kể tính chính đáng (phải được tín nhiệm trở lại sau mỗi nhiệm kì, nghĩa là không “ vĩnh viễn ” được nhân dân trao phó) và sự đồng thuận chung (mà sự đồng thuận cứ gặp lúc khó khăn là dễ tan biến), chỉ riêng sự phân quyền (nghĩa là các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp kiểm soát lẫn nhau) cũng đủ làm cho hệ thống chính quyền dân chủ có chức năng “ hãm phanh ”, mà nó lại phải đóng vai trò động cơ trong những giai đoạn khẩn cấp. Những năm khủng hoảng đã làm hao mòn sự đồng thuận chính trị đến mức “ chính trị trở thành nghệ thuật đánh trống lảng, các nhà chính trị không dám nói với cử tri những điều cử tri không muốn nghe ” (tr 743). Còn khối cử tri, tức là tổng thể xã hội, thì phải thừa nhận rằng nó đang trở thành cái mà Marx đã tiên tri : nền văn hoá tiêu thụ đang biến nó thành “ một xã hội mà những giá trị chủ đạo là giá trị của chủ nghĩa cá nhân phi xã hội tuyệt đối (...) hợp thành bởi những cá nhân đơn lẻ, vị kỉ đi tìm sự thoả mãn (lợi nhuận, khoái cảm hay gì gì đi nữa) cho riêng mình ” (tr.37), Marx vẫn thường coi chủ nghĩa tư bản là một hình thái cách mạng liên tục và thường trực mạnh mẽ nhất, lâu dài sẽ có khả năng chính nó sẽ huỷ diệt xã hội tư bản chủ nghĩa. Triết gia Gilles Châtelet đã luận bàn về cơn ác mộng của “ homo economicus [thằng người kinh tế], nửa công dân nửa Robinson Crusoë, ích kỉ và thuần lí, đơn độc như một nguyên tử trong dịch vụ và tiêu thụ, ra sức tối ưu hoá một “ best of ” những của cải và dịch vụ, vàhomo communicans [thằng người truyền thông], nửa công dân nửa máy ổn nhiệt [thermostat], cuộn mình trong một cái bong bóng vật vờ trong không gian đậm đà cyber, nơi đây không còn xung đột hay đụng độ xã hội lỗi thời, tự hào mình là phần tử tích cực và tồn tại đơn thuần như một con sán điều khiển học [kénia cybernétique] đút input ở đầu vào, xổ output ở đầu ra ” (49). Nhận định của Eric J. Hobsbawm tuy không tuyệt vọng đến thế song cũng bi quan lạ lùng : “ Đối với nhà thơ T. S. Eliot, “ thế giới này kết thúc như vậy đó, không nổ toang mà trong một tiếng rên ”. Thế kỉ ngắn XX đã kết thúc với cả hai ” (tr 32).






Nguyễn Quang


Bản dịch của Kiến Văn


Diễn Đàn Forum N°105 - tháng 3.2001




Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

HÃY CHÁY BÙNG LÊN, NGỌN LỬA






“ Linh hồn ta ơi, đừng ngóng tận trường sinh miên viễn, hãy kiệt tận miên bạc cứu tận hạn độ khả năng”. Albert Camus



Từ ngày ba mẹ bán nhà vào Nam theo các anh chị, tôi còn lại một mình.

Khu vườn là chỗ trở về. . là chốn nương thân của tôi sau những giờ mệt mỏi trên lớp, cái lớp nổi tiếng hoang nghịch của một trường nhà quê, chỉ im lặng trong giờ tôi dạy ; một nơi cây cối um tùm, là khô rụng đầy trên những lối đi trong vườn, có ngày được quét sạch, có ngày không. Một khoảng không gian rộng đầy tiếng chim cùng tiếng lá khô xào xạc dưới mỗi bước chân là chỗ tôi muốn tìm về sau một tuần dạy học ( một tuần phờ phạc bởi mỗi ngày dậy lúc 5 giờ 30 sáng nấu cơm mang theo, đạp xe 8km, đêm dạy Bổ túc văn hóa đến 11 giờ. những phiên họp kéo lê ở trường, những tiết văn lớp 6 lớp 7, cái lớp chủ nhiệm tôi không thích hợp mặc dù tôi yêu chúng ). Tay trong tay chúng tôi bước trên lối mòn dưới những tàn cây, cây cao bóng cả trong vườn chàng thì nhiều. Nhỡn, đào, mận, sapotier là những cây cao. Trứng gà, bưởi, chanh, thanh trà thấp hơn cho bóng râm và mùi hương, dù cao hay thấp …ở đó trời đất giao hòa, tình yêu của chàng và thiên nhiên vây quanh trong một khung cảnh vắng vẻ thanh bình. Tôi yêu khu vườn anh ấy, cây cối um tùm, cỏ mọc xanh rì sau những ngày mưa.

Thế nhưng… Người đàn ông đã cưới lộn vợ là tôi, nói như vậy cũng được, nói ngược lại cũng không sao. Vợ thời bao cấp là một nội tướng đa khoa, không làm bếp trưởng mà chỉ cần giỏi tài chế biến: nấu hột mì ( là hạt bobo nhập từ Ấn ) sao cho chín, để độn vào cơm hoặc sang hơn, độn với đậu huyết. Làm bánh mì , hoặc biết đỗ bánh tráng cho chồng con ăn sáng, miễn no bụng. Nấu bánh canh không cần tôm, chi cần có mì chính( vị tinh ). Là gia sư kiêm luôn hầu phòng, là người đi chực cửa hàng lúc 4 giờ sáng để mua 13 kilô kể cả gạo, bột mì và bo bo…độn. Thậm chí có cả khoai, sắn…Là người đạp xe mối ngày từ 5 – 10km - không phải là thanh niên xung phong - chỉ đến trường để dạy. Cái quan trọng khi ấy là bao tử, sau đó mới có các thứ khác. Vậy mà tôi đã để dành chút thì giờ sau khi sanh con nhỏ để viết. Nhu cầu viết hay khát vọng bên trong mạnh hơn cái chết. Không đủ sức để tìm hiểu, khi mà cuộc sống vất vả, những giáo án, những buổi họp kéo lê ở trường không cần thiết…( để quản lí cho đủ một ngày 8 tiếng, người ta còn biết làm gì, ngoài việc ngồi họp đây )!?Những bữa ăn thanh đạm, tất cả không giết chết được nhu cầu bức thiết trong tôi khi ấy. Là viết…viết. Tôi viết khi đợi đò ở bến chợ Dinh, khi đi dạy bổ túc văn hóa về trên đường khuya( thực chất là đi xem học trò dạy )! Ở thôn Lại Thế, có vài lần ở thôn Chiết Bi về, tôi mệt lử. Vậy chỉ còn cách viết trong trí giữa đường đêm, trên con đò nhỏ giữa khuya..

Với một vườn trồng cây ăn quả, cái quan trọng là có một phụ nữ sẵn sàng đi chợ bán đồ vườn, biết trèo cây, hái trái , trồng rau. Một phụ nữ quần vo quá gối suốt ngày, nuôi một chục con vừa gà vừa vịt, hết đi chợ lại tất tả ra vườn, đốn cây chuối vào xắt cho heo, nấu cám heo khi chiều xuống, dậy lúc 5 giờ nấu cơm sáng cho cả nhà rồi cho heo, gà vịt ăn. Là học sinh trường tiểu học cộng đồng anh ta biết chẻ sợi lạt, đan giỏ, biết đào ao thả cá, biết cuốc đất trồng rau, đi bứt tót ngoải ruộng về ủ phân heo. Dạy học đã mệt quá rồi, tôi ốm nhom, nghỉ giờ nào tôi tranh thủ soạn bài giờ đó, không còn thì giờ để ngủ. Chồng tôi dạy ở một trường huyện đi về phía núi, tôi ở một trường đi về phía biển. Có bữa hai chúng tôi cùng gặp nhau trước cửa nhà lúc 11 giờ khuya, Một vài phiên họp để bình bầu kiểm điểm ở một trường điểm của huyện kéo dài đến 12 giờ khuya …hay 1 giờ sáng chỉ là chuyện thường tình mà thôi. Định mệnh dun dẩy chúng tôi yêu nhau và lấy nhau,có điều tôi không bao giờ làm lễ kỉ niệm ngày cưới bởi tôi ghét cái ngày ấy. Tiệc cưới chúng tôi được hiệu trường trường điểm tổ chức tại trường, tôi còn nhớ khung cảnh lúc đó. Tôi mặc chiếc áo lụa màu vàng chị dâu ở Sài gòn gởi ra cho, một người bạn gái học cùng lớp đang mang thai đứa con đầu lòng( từ nhà nó đạp xe 9 km mới đến trường), vừa cười vừa nói: “ Tụi tao ở lại làm bánh cưới mừng mi và anh đây”. Bánh cưới là các món bánh Huế: su sê, ít đen, …Kể cũng khá cảm động, giáo viên thời bao cấp phần đông đi xe đạp về trường, mỗi ngày đi vài chục cây số, lương vài chục đồng, bây giờ mỗi người đóng ít nhất 5 đồng hay mười đồng, mừng đám cưới chúng tôi! Văn phòng trường rất rộng, trang hoàng nhiều màu sắc như một sân khấu. Chúng tôi cùng hát chung một bài hát ngắn. Mấy chục năm sau không có cái đám cưới thứ hai như vậy nữa, tôi nghe anh ta nói vậy. Lễ thành hôn tổ chức trên Huế, cô tôi đi từ Hội An ra bằng xe lửa, bước thấp bước cao vào căn phòng tôi ở, là căn phòng nhỏ ở mái tây, tay xách bịch bánh cô tôi làm nhìn rất đẹp mắt. Các thứ bánh Huế như bánh sơn tán làm bằng đậu ngự, bánh hột sen được gói trong giấy gương đủ màu đều ngon. Mẹ từ Saigon ra. Anh em không có ai. Cha sức yếu không thể ngồi tàu lửa hai ngày một đêm như mẹ. Mẹ thức tôi dậy lúc 4 giờ 30 sáng để còn kịp ăn sáng và trang điểm..Lễ rước dâu 7 giờ. Tiệc đưa dâu và tiệc dọn bạn kéo dài đền khuya. Hôm đó trời nắng rồi mưa… Mệt phờ tôi tưởng mình có thể nằm lăn ra giường ngủ một giấc. Té ra suốt đêm tôi không ngủ. Vừa mới chìm vào giấc ngủ say khi gần sáng, chị chồng tôi mở cửa phòng kêu chồng tôi dậy đi đổi tiền, số tiền sau khi đổi tôi không biết còn bao nhiêu, chừng như khoảng vài trăm đồng bạc bắc.

Ba ngày sau, hết phép chúng tôi lao vào việc tổng kết học kì. Ban ngày anh ta ngồi dưới tán cây khế để làm hồ sơ, cọng điểm, đánh giá học sinh. Tôi ngồi trong nhà, nắng hắt lên mái tôn hầm hập.

Ba tháng sau, nghỉ hè, xin được giấy phép vào thăm nhà ở Sài gòn( thời bao cấp việc đi lại trong nước của người dân không được tự do như bây giờ), chúng tôi mới thật sự sống cuộc sống tiền hôn nhân và có những chuyến đi chơi riêng cũng như chung với cô em gái trong nhà ”.

Sau này trong số những miền đất tôi đã đi qua, cái nơi tôi nhớ nhiều nhất là Nha Trang. Kỉ niệm thì nhiều, không sao nhớ hết, chỉ ở những miền biển, chỗ có những cây phi lao rì rào điệu đàn bất hủ là chỗ khó quên. Năm ấy tôi đi Nha Trang cùng một số bạn. Mà ở nơi này bà cô tôi đã mất, tôi muốn về để thăm lại mộ bà. Quang vừa cười vừa hỏi lúc đón tôi ở sân ga: “ Chị về thăm Nhà của Biển sao”? Tôi ừ. Một giàn hoa tim tím leo từ trước ra sau. Nhà nghỉ có phòng khách rộng mở cửa ra hai phía, một hướng đông, phía biển, một hướng tây, chiều tà. Vào lúc mặt trời lên sớm ngoài biển xanh , Quang đi ngang qua phòng kêu tôi dậy đi dạo, lúc đó tôi còn nằm trong giường lười biếng( tôi đã làm việc đến 12g đêm rồi còn gì ). Tôi thích ra biển ngắm những đoàn thuyền đánh cá trở về: cả một bức tranh sống động khi đứng xem ngư dân kéo lưới lúc chiều hôm. Những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn trên những cánh tay màu đồng hun. Những khuôn mặt vui vẻ hoặc khẩn trương. Cá, mực đều tươi xanh. Ở họ có cái gì đó nằm trên sức chịu đựng, có cái gì quả cảm và …rất người. Lúc ấy biển còn hoang sơ lắm, chưa có những resort hiện đại như bây giờ. Biển đẹp biết mấy lúc bình minh và mênh mang vô tận lúc chiều tà. Buổi sáng đi dạo một vòng quanh những con đường nhỏ tráng nhựa ở ngôi làng ven biển, hít sâu vào lồng ngực mùi vị của biển cả, chúng tôi, gồm có hai người bạn nữa thích thú ngắm những cây hoa vàng người ta trồng trong vườn nhà nở hoa. Giống hoa vàng tương tự như Mimosa ở Đà Lạt giống một loại hoa trước đây được trồng trong công viên trước trường Đồng Khánh. Tôi yêu màu vàng của tất cả các loài hoa, chúng trông vui mắt, chúng làm cho tâm hồn thư thái.

Buổi tối tôi trèo lên những bậc thang dẫn đến hành lang rộng nhìn xuống biển, biển đêm có vẻ đẹp riêng. Biển bao la ban ngày, thăm thẳm một màu về đêm. Đứng một lát, nghe âm thanh tiếng dương cầm văng lên bài Sérénate tôi xuống lầu. Hạnh đang trong phòng khách Nhà của Biển, có Minh cùng ngồi, nghe Hạnh đàn. Tôi vốn nhạy miệng, hỏi ngay: “ Minh, sao ông không đàn”? “ Không, tôi đang viết kịch bản, tôi đàn là đắm mình vào đó”. Hạnh ngẩng lên: “ Em chỉ mới tập sự, ông này mới là thầy”. Tuy vậy, Minh không đàn mà bỏ về phòng.



Biển đẹp nhất vào lúc bình minh. Có một lần ngắm cảnh bình minh lên trên cửa Tư Hiền, đoạn ấy tôi viết trong cuốn Bình Minh. Những lúc tâm hồn mệt mỏi tôi thường tìm về với cuốn sách ấy. Một lần, một độc giả trắng trợn gọi điện hỏi tôi:“ Em cho Lá Rừng chết, vì hắn nghèo, còn Vĩnh Tâm giàu thì sống à”? Anh là ai. Là Lá Rừng. Hắn cười hà hà trong máy. Là Lá Rừng, hai mươi sáu tuổi. Tôi đã nhận nhiều cuộc điện đàm nói về cuốn sách. Nó là cuốn sách của tôi, vậy đủ rồi.

Những gì tôi muốn trình bày không đơn thuần chỉ là một chuyện tình. Con người phải làm gì để vượt lên số phận đây. Lòng đam mê quyền lực(có khi lòng đam mê này mạnh hơn bản thân ) là nguyên nhân gây ra bao mất mát điêu linh. Trong một buổi gặp gỡ tại chùa, mười năm sau khi in cuốn sách ấy, anh bạn học cùng lớp ngày xưa hỏi tôi:“ Cô muốn nói cái gì trong cuốn sách ấy thế , bây giờ tôi mới đọc lại ”? Tôi nói cho Hát biết điều đó. Để vượt qua bao nghiệt ngã phi lí, không phải chỉ con đường duy nhất là hướng về nội tâm và tu Thiền. Ít ra , dưới sự đòi hỏi khe khắt của thời đại bây giờ, con người còn phải mạnh nữa.



Sau này có nhiều ngày tôi ngồi viết dưới những tàn cây.

“ Hãy thôi đi ngọn lửa, hãy dập tắt tro tàn, tưới nước lên cho nguội, những gì đã hừng hực cháy từ thuở thanh xuân ”. Tôi nhiều lần tự nhủ tôi như thế. Tưởng chừng đã ném khỏi tôi chiếc áo dài tơ lụa, những son phấn đắt tiền, những chiếc robesac thời thiếu nữ… Nhưng vào những lúc gian nan chật vật nhất, ngọn lửa tưởng chừng đã tắt vụt cháy bùng lên.

Bao giờ vấn đề ấy cũng ám ảnh tâm trí. Chiến tranh và thiên tai. Kant nói chiến tranh giúp lịch sử tiến bộ. Chiến tranh còn hơn cả thiên tai, ở đây con người tàn hoại lẫn nhau. Giữa các phạm trù đối nghịch , bình ổn và điêu linh, sống còn và chết chóc, chiến tranh và thiên tai, nghiệt ngã và phi lí chúng hỗ trợ lẫn nhau, chúng nằm trong nhau gây ra bao nhiêu mất mát đau khổ.

Thèm một chỗ trở về cho trái tim. Được lười lĩnh nằm dài trên cỏ, nghe gió rúc rích trong lá, nghe trời bằn bặt mây mù, nghe sương rả rích trên cỏ, và trăng lai láng khắp vườn. Được nằm lười biếng một ngày không suy nghĩ. Cuộc đời vẫn đẹp sao! Tên một bài hát tôi hay hát khi còn ở Đông Hà năm 1977. Thế nhưng cánh cửa khó mở nhất là cảm thông.

Sau cùng, tôi nhảy thẳng vào ngọn lửa và sáng tạo nghệ thuật giúp con người phục sinh.







“ Buổi sáng như dàn trải rộng thêm, như chở theo cả mây nõn và gió bên ngoài vào căn phòng vắng vẻ u tịch này”. Có ngờ đâu những gì mình viết ra từ năm 76 nay trở thành sự thật.

Vĩnh Tâm không phải là hình ảnh sống đẹp, ông ta rực sáng chỉ vì những gì ông ta làm. Những nhân vật của tôi làm khổ tôi. Tôi sống đời ông( cô )ta, thở hơi của( cô )ông ta. Nửa đêm tôi giật mình thức dậy vì ông ( cô ta ) tìm đến. Ban ngày đạp xe đi nhân vật đuổi theo.

Thời đại bây giờ danh vọng và tiền bạc tác động mạnh tới nhà văn - đến nỗi chuyện, Viết cái gì? bỗng trở nên lỗi thời. Ngay cả việc Viết như thế nào? Chỗ đứng của nó khá mong manh. Cái đêm khao khát đi tìm một chút gió ngoài biển khơi khiến tôi thấy mình gần gũi với Hạnh hơn. Henry Miller nói, viết là trở về ngồi khóc bên nấm mộ thanh xuân. Tôi không muốn trở về ngồi khóc. Đứng dậy sau bao nhiêu phi lí nghiệt ngã đổ xuống đầu, tôi còn con đường mình đã chọn. Là trở về với chính mình, tiếp tục cuộc lên đường ; tiếp tục – cho dù gió bên ngoài và khát vọng bên trong không phải lúc nào cũng hòa hợp cùng nhau!

Phạm ngọc Túy

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Buồn Không Tên - Tản Mạn Về Chữ Nghĩa Trong Thơ, Nhạc





Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh6.php

04-Jan-2019

Quyền lực mềm được sử dụng bởi những ngón tay phù thủy.
Khi nó đi truyền giáo thì không một tu sĩ nào tài ba hơn nó.

Chúng ta từng nghe những tình khúc không tên của Vũ Thành An, từng nói đến một nỗi buồn, mà vì chẳng biết nó bắt nguồn từ đâu; một thứ buồn man mác, nhè nhẹ, và dường như mơ hồ; nên các nhà văn, nhà thơ gọi nó là nỗi buồn không tên.

Vũ Thành An gọi các nhạc phẩm của mình là những bài không tên, là cách gọi sáo, chơi chữ, kỳ thực bài hát nào của ông cũng có thể đặt tên được cả. Chẳng hạn ông viết "Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo".

Không gọi tên cho các tác phẩm là một cách gọi tên. Không gọi tên các tác phẩm, biểu hiện một ham muốn có được tất cả mọi cái tên của nhân thế.

Trong văn nghệ VN, ta thấy nhan nhản những câu văn sáo, sáo đến cả mấy mươi năm vẫn có người tiếp tục sáo, chẳng hạn chùm chữ "ngón tay thiên thần" mà ngay cả nhạc sĩ trứ danh Trịnh Công Sơn cũng đã xài một lần trong bản Lời Buồn Thánh:

Chiều chúa nhật buồn

Nằm trong căn gác đìu hiu

Tôi xin em năm ngón tay thiên thần

Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi

Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn.



Tôi thú thực với các bạn tôi chả hiểu "ngón tay thiên thần" là ngón tay như thế nào cả.

Lúc trẻ hát theo radio, casette, nghe chùm chữ này như nước đổ đầu vịt, rồi cũng hát, cũng lập lại như cái máy, cho ra vẻ theo thời theo mốt với người ta, chứ có ai thấy thiên thần đâu mà biết tay thiên thần như thế nào, còn nếu đúng nghĩa là thiên thần của văn minh thiên chúa giáo thì các bạn cứ lên google mà xem hình các thiên thần ấy, họ như các đứa trẻ con, có hai cánh, nếu các giai nhân của chúng ta mà có 5 ngón tay như các thiên thần này, tôi e rằng không những không đẹp, mà còn dị hợm bệnh hoạn nữa là khác. Ai đời giai nhân có năm ngón tay lùn xịt mập mạp của đứa trẻ căng sữa 7,8 tuổi mà gọi là bàn tay đẹp được ? Bàn tay con nít đẹp theo kiểu con nít, chứ bàn tay như vậy mọc lên người một cô gái thì hẵn cô này bị bệnh down hoàn toàn mất thẩm mỹ !

Nếu thuộc từ "thiên thần" chỉ nhằm diễn tả cái đẹp không thể cưỡng lại, cái đẹp thu hút, cái đẹp hiền dịu nhu luyến, cái đẹp của nữ tính thì tại sao không xử dụng bàn tay "tiên nữ", vốn là hình ảnh truyền thống đầy việt tính, mà lại gọi là thiên thần, một thứ văn hóa Âu châu được truyền vào VN cùng lúc với văn hóa trái táo, như câu hát "Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm" của nhạc Phạm Duy ?

Những lời hát như vậy ít nhiều đã chuyển tải văn hóa ngoại lai về đàn áp văn hóa bản địa, mà người bình dân, vốn như bầy vịt bị lùa, chỉ biết kêu cạp cạp rồi chạy theo đàn, tự mình gỡ từng viên gạch, từng mái ngói ngôi nhà tổ tiên ném đi, mà vẫn hồn nhiên vô tư, tưởng rằng mình rất văn hóa, rất việt. Đó chính là đã lọt vào mặt trận văn hóa siêu thực dân của một bàn tay vô hình đang muốn toàn cầu hóa, thống trị thế giới.

Ta thấy Trịnh Công Sơn có rất nhiều từ vựng của Kitô giáo trong các ca khúc và ngay cả trong tựa đề các nhạc phẩm, như "Lời Buồn Thánh", "chiều chúa nhật" thay vì chủ nhật, "Dấu Chân Địa Đàng", "Phúc Âm Buồn", "năm ngón tay em thiên thần", "vùng ăn năn".... để giết chết mọi văn hóa xưa cũ ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc trước đó như "Bến Xuân", "Tiếng Sáo Thiên Thai", "Chuyện Tình Trương Chi Mỵ Nương", "Chuyện Tình Lan và Điệp", "Hòn Vọng Phu"....

Tôi ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn qua bài Đóa Hoa Vô Thường và nhiều góc cạnh mới mẻ trong cách sử dụng hình ảnh, âm thanh và chữ, nhưng suy cho cùng, trong mọi thời mọi lúc, nếu muốn nổi lên, phải có cái gì đột phá, và cách hay nhất của đột phá là quay lưng lại với những gì xưa cũ, nhập cảng những món hàng mới mà đương thời còn xa lạ. Một khi mặt hàng mới nhâp về được một số nhỏ, nhất là giới trí thức ưa chuộng và lăng xê, thì nó sẽ là một thứ "trái phá" (chữ dùng của TCS) văn hóa, không những nó đưa tác giả lên ngôi, mà còn mạnh tay dẹp bỏ các giá trị xưa cũ. Tôi còn nhớ lúc TCS và Khánh Ly đang làm mưa làm gió ở Sài Gòn, thì ngay Phạm Duy, Thái Thanh cũng phải nhường vài bước.

Thời kỳ họ Trịnh và họ Phạm nhập cảng các hình ảnh Thiên Chúa giáo vào âm nhạc thính phòng VN, thì các bực thầy của họ tại Pháp mà đại diện nhất là triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đang tìm cách gỡ bỏ những thứ này ra khỏi xã hội Pháp, vì họ đã quá ngán ngẫm với chiều dài 1700 năm bị trái táo Adam, vườn địa đàng, kinh phúc âm, lời rên rỉ chúng con là kẻ có tội thống trị, đang như một người bị vướng vào hàng nghìn chiếc màng nhện vây bủa tứ bề, tìm mọi cách để thoát khỏi những cái ổ nhện này, thì các đại trí thức việt nam, nhờ biết chút ít tiếng tây, lại đi nhập cảng chúng về bán cho dân việt mới vừa từ bỏ làng quê lên phố để tìm cách đổi đời; tựa như ngày nay, một số công ty VN sang Nhật, Hàn mua TV hay ôtô cũ về bán lại cho thị trường người lao động thu nhập thấp tại VN.

Dưới thời VNCH những thập niên 60, 70, ai mà biết xử dụng văn hóa trái táo đều được nhìn bằng đôi mắt khâm phục của quần chúng, đến nỗi Phạm Duy sợ rằng chỉ bán vài trái táo thì còn quá rụt rè, lợi nhuận cũng như ảnh hưởng sẽ được nâng cao nếu biết thuận nước đẩy thuyền, nên đã không ngần ngại nói rõ ra luôn "con quỳ lạy chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu", và trong nhạc phẩm ấy, chỗ ăn tiền nhất là chốc chốc, điệp khúc lập đi lập lại "Chúa ơi! Chúa ơi!" vang rền, khiến người ta có cảm tưởng đang đứng trong giáo đường nghe kinh.

Đưa ra những nhận định này không nhằm mục đích hạ bệ hai nhạc sĩ tài ba của âm nhạc VN (dù muốn thì tôi cũng không đủ sức), mà chỉ buồn cho số phận của các dân tộc nhược tiểu. Chúng ta, từ kinh tế đến văn hóa, phải bước lên con đường mà người Âu Mỹ đi qua để dấu lại. Khi ta đến được chỗ đứng của họ hôm nay, thì họ đã cách chúng ta nghìn dặm xa trên các thiên hà.

Người tây phương dùng tĩnh từ "thiên thần" để chỉ cho sự tài ba, từ này bắt nguồn từ câu chuyện ông Vergèce, thường gọi là Ange Vergèce, có tài viết chữ đẹp, chứ chẳng phải do ông có năm ngón tay đẹp. Có khi người ta ví bàn tay tuyệt nghệ là tay quỷ, như người ta khen tài chơi vĩ cầm của Paganini thuộc trường phái lãng mạn. Sao nhóm học đòi người việt không nói tay em mười ngón quỷ sầu ?

Ở phương Tây, khi người ta đưa ai lên ngôi vị "thần", thì chắc chắn người ấy phải có thứ tài năng nào đó vô tiền khoán hậu. Cầu thủ lừng danh Zinedine Zidane có thời kỳ được báo pháp tôn xưng là "le dieu du foot" (thần bóng đá), chẳng phải vì Zidane có các ngón chân thiên thần.

Trường hợp nữ cầm thủ đàn Harp người Anh Claire Jones với các trình tấu độc đáo trong “Royal Harp Strings” có thể được gọi là những ngón tay thiên thần. Tài năng điêu luyện khi những ngón tay phù thủy của cô, một cô phù thủy tóc vàng rất xinh, lướt qua các dây đàn harp, biến sự va chạm vật lý thành huyền thoại âm nhạc đáng để thế giới khâm phục. Nếu gọi đây là những ngón tay thiên thần thì có thể hiểu được, không sáo rỗng như các ngón tay của Trịnh Công Sơn hoặc của các nhạc sĩ đương thời trong các lời hát.

Tôi có cảm tình đặc biệt với tiếng hát Phương Dung chừng 10 năm nay, có lẽ tuổi già thì hay tìm cái gì mộc mạc, chân chất, bình dị, mà chất giọng của Phương Dung lại tràn đầy những vụng về, từ cách phát âm, đến cách diễn đạt. Đặc biệt chính nhờ những vụng về khiếm khuyết ấy, giọng hát của PD hoàn toàn là kết đọng của thiên nhiên gần như không có dấu tay tạo tác của con người, nên cho đến nay, tất cả mọi giọng hát khác đều có thể có truyền nhân, riêng PD không có. PD là viên ngọc không do thợ kim hoàn mài dũa, nên chị có thể tỏa sáng trong thôn cùng ngõ hẽm, trên bến đò bến xe, đem hơi ấm đến những cuộc đời kém may mắn buôn thúng bán bưng, làm thuê gánh mướn, và ngay cả các người lính rày đây mai đó cùng vợ con của họ ở các trại gia binh vào thời bấy giờ. Chị là hiện thân của chiếc áo bà ba chân chất thực thà, chị thay thế chỗ mà tôi ưu ái dành cho Khánh Ly và Lê Thu trước kia. Tuy nhiên, mỗi lần nghe chị hát "ngón tay thiên thần", tôi vẫn có cái gì bị dị ứng (Phố Đêm - Tâm Anh).

Thử đọc 4 câu thơ sau đây, nhắm mắt, đừng nghĩ ai là tác giả, chỉ đọc thơ thôi, bạn thấy cái gì hay ?

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng

Cổ em cao tay mười ngón thiên thần

Tóc em xanh trùng dương sóng lượn

Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

Tôi không gọi đây là thơ, mà là bảng ráp chữ dành cho người lớn, hay nhẹ nhàng hơn một chút, là khung nhà tiền chế được anh chuyên gia ráp lại theo bản vẽ của kiến trúc sư, không một chút rung cảm riêng tư của nghệ thuật, chẳng một hơi hướng đột phá sáng tạo, nào mười ngón thiên thần, nào tóc xanh gợn sóng trùng dương, nào anh đi rồi ai ngắm em đẹp... tưa như thợ sơn đi vẽ tranh bán, nhưng lạ cái lại bán rất được hàng.



Ở Pháp gần 40 năm, đọc văn chương, triết học Pháp, chả thấy ai diễn tả năm ngón tay một thiếu nữ đẹp là ngón tay thiên thần cả (doigts d'ange), mà có câu chuyện thiên thần chui vào bào thai, đặt ngón tay lên miệng của thai nhi để khiến nó quên tất cả những điều nó biết trước khi ra đời, sợ nó sẽ kể cho cuộc đời những bí mật huyền nhiệm của thiên chúa, tựa như chuyện ăn cháo lú trong văn hóa Đông Á, khiến cho khoản giữa môi trên và dưới mũi có một cái ngấn, cái đó tiếng pháp gọi là "le doight de l'ange", là dấu ấn ngón tay của thiên thần, ngài nói: hãy quên hết đi con nhé. Người Pháp cũng có một thứ bánh gọi là bánh doigts d'ange, từa tựa như bánh biscuits của nhãn hiệu Champagne, ai muốn biết những nhà văn hóa VN dùng chùm chữ "ngón tay thiên thần" nó đẹp ra sao, cứ gõ vào Google "biscuit champagne" lập tức sẽ thấy các ngón tay giai nhân nô lệ văn hóa ấy đẹp ra sao.

Chúng ta rất dễ bị xỏ mũi kéo đi theo đám đông, thậm chí còn hãnh diện trên mũi có hai lỗ xỏ. Bởi vì không ai trong chúng ta có phản xạ tư duy độc lập trước khi chạy ùa theo thời thượng.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không nên đi theo kẻ khác. Nói thế chỉ có nghĩa là, khi ta theo cái gì, ít nhất, ta phải biết nó là cái gì.

Có một thành ngữ Việt rất thông dụng là "kỳ đà cản mũi", chả ai biết kỳ đà là con vật sao có khả năng cản được mũi con người. Đến mãi sau này, khi nghiên cứu tử vi đẩu số, tôi mới biết cung mệnh ai bị hai sao Kình Dương, và Đà La, một trước một sau chốt lại, các nhà tử vi thường gọi đó là cách Kình Đà, tức là "số xui", người Việt nghe tưởng là con kỳ đà, thực ra là hai sao của tử vi đẩu số. Có câu “Mã đầu đới kiếm phi yểu chiết tắc hình thương” (người có Kình Dương ở ngọ không yểu thì tàn).

Theo cách ấy, người ta cũng nói đến Nỗi Buồn Không Tên. nghĩa là nghe người ta nói, mình nói theo. Nhưng khi ai hỏi nỗi buồn không tên là gì, cũng không có được cái phản xạ nhanh nhẹn rằng: "đã không tên thì làm sao mà biết? nếu biết thì đã có tên !" Một người bạn thường đọc và phê bình các bài viết của tôi một cách tương đắc, đã đề nghị rằng, nỗi buồn không tên, là nỗi buồn man mác qua thơ văn, như:

Hôm nay, trời nhẹ lên cao,

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...

Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,

Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.

Phất phơ hồn của bông hường,

Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.

Nghe chừng gió nhớ qua sông,

E bên lau lách thuyền không vắng bờ.

Không gian như có dây tơ,

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,

Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn... (Xuân Diệu)

Hoặc như:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,

Củi một cành khô lạc mấy dòng. (Huy Cận)

Hoặc:

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...

Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...

Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...

Tương tư hướng lạc phương mờ...

Trở nghiêng gối nặng hững hờ nằm nghe

Gió về, lòng rộng không che

Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư... (Huy Cận)

Khi đọc một bài thơ hay, nhiều khi muốn run người. Tôi nhớ em trai của Phạm Công Thiện, Phạm Thế Hùng, có một biểu cảm rất lạ lùng, khi nghe tiếng vĩ cầm sánh vai với dương cầm trong tấu khúc Tristesse (Buồn) của Chopin, hay đến nỗi cậu ấy chun trốn dưới gầm gường !

Ngày nay, thế kỷ 21, thơ hay nhạc đều nặng mùi kỹ xảo để câu khách. Nghệ thuật thiên về tự nhiên của ngày xưa bị văn hóa nặng kỹ thuật và nặng tính chỉ huy biến thành những mặt hàng sản xuất phủ kín bằng tấm bằng khen, những tước hiệu, những tấm cát sê dày cộm, thì làm sao có được cái rung lên như chính ta là cây đàn "rơi rơi...dìu dịu rơi rơi, trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...".

Tối nay, bạn hãy hâm một bình trà, bắt cái ghế ra mái hiên, nếu may mắn hơn, bạn có một chái hiên bằng tranh ấm cúng, đợi khi mưa nhỏ giọt, gió thổi dạt những hạt mưa rạt rào trên mái hoặc trên ô cửa, bạn nhắp một ngụm trà, lắng nghe cái gì đó vu vơ, nhè nhẹ, buồn buồn trong ý thơ.

Những người đưa ra được các hình ảnh này và đồng ý đó là nỗi buồn không tên, là những người có chiều sâu suy tư, có một sức thẩm thấu nghệ thuật tuyệt vời. Tôi hoàn toàn đồng ý với người bạn, nhưng đó chỉ là phần thi ca, còn cần đến cái nhìn của đời thường, của văn học và triết học.

Trong đời thường thì ai cũng đã từng buồn, nhưng có khi, lại cũng chẳng biết buồn là gì, tựa như ai cũng biết đọc, nhưng không phải ai cũng sành đánh vần, trừ các trẻ mầm non. Vậy buồn là gì ?

Về nỗi buồn, trong âm nhạc như trên đã nói sơ qua, có nhạc phẩm Tristesse (buồn) của Chopin. Chopin viết nhạc không lời, nên ai cảm nhận thế nào thì đấy là nỗi buồn riêng của người ấy, không bàn ở đây.

Có lời nhạc Việt rất gần với chúng ta, đó là những câu:

Buồn như ly rượu đầy,

không có ai cùng cạn.

Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say.

Buồn như trong một ngày, hai đứa không gặp mặt

Buồn như khi gặp mặt, không còn chuyện để vui. (Y Vân - Tạ Ký)

Nỗi buồn qua bài thơ Tạ Ký cung cách là lạ, và chính vì là lạ mới được Y Vân phổ thành nhạc.

Đầy cũng buồn, cạn cũng buồn; không gặp cũng buồn, gặp cũng chả vui.

Ta sẽ trở lại cái buồn "ba phải" này sau để đưa vào đây một tác phẩm văn học có cái tựa rất buồn, đó là cuốn "bonjour tristesse" của nữ sĩ Françoise Sagan (người Pháp), được ai đó tôi không nhớ, đã dịch ra việt ngữ trước 1975, mà tôi chỉ đọc có cái đầu đề là :"Buồn ơi, chào mi".

Câu chuyện từng được Otto Preminger đóng thành phim tại Hoa Kỳ, và được tái chế thành truyện tranh, như vậy, danh tiếng của Sagan không phải nhỏ.

Câu chuyện "buồn" ấy thế này,

Cécile, một nữ sinh sống mất mẹ sớm ở Paris, là nữ chính trong câu chuyện, thi rớt tú tài khi mới 17 tuổi, về vùng biển phía nam nước Pháp để giải buồn trong ngôi biệt thự giàu có của cha mình, ông Raymond, đang sống ở đây với tình nhân tên Elsa. Cécile và cha rất hạp rơ nhau, ông đã cùng con gái ngày ngày tắm biển tắm nắng, đọc sách, dạo phố và thức khuya để cùng con hàn huyên tâm sự. Cécile cũng mau chóng kết bạn với Elsa, người đàn bà dễ thích nghi và ham mê hưởng thụ vật chất đã quyến rũ tính ngây thơ tò mò muốn làm người lớn của Cécile, hai người phụ nữ trở thành bạn thân không một trở ngại. Cécile lại tràn đầy hạnh phúc khi cô gặp chàng trai Céryl 26 tuổi và hai người yêu nhau.

Hạnh phúc của 4 người đang đều đặn ngày ngày như ở ở chốn địa đàng của chúa, nếu không có sự xuất hiện đột ngột của Anne, một người đàn bà trí thức, nghiêm khắc, thông minh, và sống trách nhiệm được Raymond mời đến nhà. Elsa dần bị đẩy vào vai phụ đối với người nhân tình thì không nói làm gì, ngay cả Cécile cũng bị Anne quyến rũ, cô bị cái thông minh sắc xảo của Anne chinh phục và ngay cả đã để Anne làm gia sư dạy cô ôn luyện bài vở. Khi Raymond tuyên bố đòi cưới Anne, thì Elsa không còn lý do nào ở lại biệt thự. Cécile vừa yêu mến Anne, lại không muốn bất cứ một mất mát nào, cô muốn hạnh phúc của mình biến thành bức tranh tĩnh vật được giữ nguyên các đường nét không sứt mẻ, cái hạnh phúc tuyệt vời ấy phải sững lại trong thời gian và không gian, để cô có thể hưởng thụ đến vô tận những gì đang trong tay mình, thế là cô nghĩ ra một mưu kế, cô bảo tình nhân Céryl giả vờ có tình ý và tán tỉnh Elsa. Cái ý nghĩ trẻ con của Cécile không ngờ đã biến tất cả thành bi kịch, Raymond đã điên tiết khi thấy người tình cũ sánh vai với một gã đàn ông trẻ hơn mình, ông nổi ghen và đúng lúc ấy, do Cécile đạo diễn màn kịch, đã gài cho Anne chứng kiến, và Anne thất vọng về tình yêu của Raymond dành cho mình, bà bỏ ra đi, và chết trong một tai nạn xe hơi mà theo điều tra thì nạn nhân đã tìm cách tự sát.

Cái chết của Anne đã khiến cho Raymond và Cécile luôn cảm thấy mình là hung thủ giết người. Sau một thời gian, khi họ có thể trở lại với cuộc sống bình thường, họ mới chợt nhận ra rằng, người đàn bà tuyệt vời kia vẫn luôn sống trong họ, và hơn nữa, nỗi day dứt về cái chết của Anne cũng chưa bao giờ phai nhạt, chỉ là tất cả đã biến thành một nỗi buồn.

Vậy buồn là gì qua cách nhìn của cô gái mới 18 tuổi Françoise Quoirez ? (Françoise Quoirez là tên thực của Sagan) Xin lưu ý rằng khi Françoise viết tác phẩm đầu đời, cô ấy chỉ vừa tròn 18 tuổi, thuở ấy ở Pháp vẫn còn là gái vị thành niên. Cha cô sợ để tên thực sẽ lắm phiền cho gia đình, nên cô đã lấy tên nhân vật ông Hoàng Sagan (Prince de Sagan) của Marcel Proust mà đặt tên mình.

Theo thiển ý, ai cũng trải qua thời kỳ khủng hoảng tâm lý khi bước qua giai đoạn vị thành niên. Người thì sớm một tí, kẻ thì trễ một tí, nhưng cuộc khủng hoảng ấy có lẽ không ai thoát khỏi, và nồng độ nặng nhẹ cũng khác nhau. Thời kỳ khủng hoảng tâm lý được nói đến nhiều qua các nỗi buồn không nguyên nhân. Tác phẩm "Bonjour Tristesse" là hiện thân của sự khủng hoảng thiên tài ấy trong cô gái Pháp vốn được gia đình chìu chuộng cực độ, từng bị đuổi học và bị "mắng vốn" ở nhiều trường học, nó thành công nhờ sự nổi loạn dám bày tỏ sự tự do luyến ái hơn là các khía cạnh khác của tâm lý.

Cái kết của câu chuyện chỉ là một nỗi buồn sau khi sự đau khổ mất mát đã nguôi ngoai, nên Sagan không gọi đó là nỗi buồn mất mát, chỉ đơn giản gọi nó là nỗi buồn. Đau khổ dã hứng hết tất cả mất mát, và khi đau khổ nguôi đi, mất mát cũng nhạt dần, cuối cùng chỉ còn lại nỗi buồn, một nỗi buồn trống không.

Ta đau khổ khi mất người thân, khi bệnh hoạn, khi mất một món tiền lớn, khi thi hỏng, khi mất việc làm ...chứ ta không buồn, tĩnh từ buồn ở đây quá nhẹ không đủ diễn đạt.

Ta tức giận hay phật ý khi bị nói xấu, bị chê bai hoặc bị lường gạt chứ không hề buồn.

Khi nói tôi buồn anh lắm, anh đã xử tệ với tôi thế này, thế nọ. Kỳ thực đó không phải là buồn, mà là bất như ý, bất mãn; buồn, chỉ là cách nói nhẹ đi, làm loãng đi sự hờn giận.

Ta xúc động khi xem một cuốn phim, hoặc khóc khi đọc một cuốn truyện. Ta nói đó là phim buồn, truyện buồn. Vậy thì buồn là trạng thái đau khổ "giùm" người khác, chứ khi nỗi khổ ấy xảy lên chính bản thân ta, ta lại không thể nhàn nhã để thưởng thức cái cảm xúc buồn. Khi đang viết những giòng này, tôi được tin sóng thần đã giết chết hằng nghìn người ở Indonesia. Tôi đã tìm xem clips quay cảnh tàn khốc khi sóng thần ập đến, đã cảm xúc rướm lệ nghĩ đến nỗi kinh hoàng của những nạn nhân đang khi bất ngờ bị con sóng há miệng nuốt chững. Những giọt lệ của tôi không ứa ra vì buồn, mà vì chia sẽ sự đau đớn.

Theo Tạ Ký thì nỗi buồn có thể là bất kỳ thứ gì, mất thì hẵn là buồn rồi, nhưng được rồi cũng lại buồn. Thế thì buồn là một đứa trẻ được cưng chìu quá trớn, không có đòi cho có, có thì vứt đi và ngồi bệt xuống khóc, muốn lại hoàn không. Sagan thì cho rằng buồn là cái gì còn lại sau khi các vết thương tâm lý đã lành lặn, hết nhức nhối, và sự hoài niệm về niềm đau chính là nỗi buồn.

Tóm lại, buồn dường như là một cảm giác thưởng thức hơn là một cảm giác chịu đựng.

Những tác phẩm lớn của văn chương ít nói về nỗi buồn, mà về những khổ đau, những bi kịch, như Hamlet của Shakespear, Anna Karenina của Leo Tolstoy, Of Mice and Men của John Steinbeck, Of Human Bondage của W. Somerset Maugham, hiếm có bi kịch trở thành một vết sẹo nhỏ và đẹp ở hồi kết như nỗi buồn trong Sagan. Cuộc đời nào cũng có bi kịch, nhưng nếu ta không biết chuyển hóa bi kịch thành nỗi buồn, ta không thể sống ở cuộc đời.

Trúc Phương đi vào Nửa Đêm Ngoài Phố bằng nỗi "buồn vào hồn không tên", nhưng đó là kết quả lắng đọng lại từ cuộc tình tan vỡ của hai người đang yêu nhau nhưng chẳng "duyên thừa" nên đã tan vỡ. Khi mỗi người đường ai nấy đi, một người trong cuộc thường buồn bã đi bách bộ trên con phố xưa lúc nửa đêm để mong ước gặp lại được người kia, nhưng chỉ nghe thấy bước chân lẻ loi cô đơn của chính mình, rồi đêm về trằn trọc ngủ không được với bao nuối tiếc xót xa. Lời nhạc Trúc Phương bình dị kể về câu chuyện tình bình dị. Nhưng đây không phải là nỗi buồn không tên như tác giả khơi mào. Bài hát rất nổi danh vào thập niên 60 nhờ đại danh ca Thanh Thúy thu vào đĩa 45 tours rất thường được yêu mến và nằm trong top của danh sách nhạc yêu cầu lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ mình chỉ mới khoản 11 tuổi, lén lắng nghe Thanh Thúy hát từ chiếc radio Philips 3 band của ông hàng xóm nhà giàu, cứ chiều chiều ông bắt ghế ra hàng giậu vừa hút thuốc vừa nghe nhạc yêu cầu, những người nghèo cũng biết mánh đến dự thính phía bên kia hàng giậu. Khi nào có Thanh Thúy thì ai cũng thót tim lại mà nghe mê nghe mệt. Nửa Đêm Ngoài Phố và Thanh Thúy đến với tôi bằng cách đó. Khi lên trung học tôi lại say mê Khánh Ly và nhạc Trịnh, bỏ hẵn nhạc sến, cũng quên dần Thanh Thúy từ đó.

Buồn không tên, thực ra, là một cách gọi thời thuợng lúc bấy giờ. Thuở ấy, nếu muốn thơ hay, nhạc hay, dù có tên, thì các tác giả cũng cứ làm bộ là không có, để được gọi bừa tác phẩm của mình, nỗi buồn của mình, là không tên.

Lý Thương Ẩn đã đi trước Romanticism Âu châu cả nghìn năm trong tập thơ 17 bài, tất cả đều "vô đề" (không tên). Đọc 4 câu nổi tiếng của một trong những bài không tên ấy cho vui:

無題 相見時難別亦難,

東風無力百花殘。

春蠶到死絲方盡,

蠟炬成灰淚始幹。

Vô Đề

Tương kiến thì nan biệt diệc nan,

Đông phong vô lực bách hoa tàn.

Xuân tàm đáo tử ty phương tận,

Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.

(Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó

Gió đông không đủ sức, để trăm hoa héo tàn

Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ

Ngọn nến cháy hết mới khô nước mắt)

Nữ văn sĩ Dương Thu Hương đã viết "Tiểu thuyết Vô Đề" để đưa ra những hình ảnh thực đầy ô nhục cho cả hai bên trong cuộc chiến Bắc Nam vào khoảng năm 1991.

Giới sáng tác thì tìm những gì lạ, chưa từng có, lập dị, đột phá để nâng cao tác phẩm, còn giới hâm mộ thì lại thích ngồi trước cốc cà phê, ngước kính cận nhìn lên trời, phì phà điếu thuốc vàng tay, cảm thấy trong làn khói quyện với điệu buồn không tên, tỏa ra cho mình một không gian ngập tràn trí thức tây học.

Kỳ thực, nỗi buồn không tên, chính là cảm giác nhẹ hơn tất cả những gì ta vừa phân tích. Nó là màu nhạt nhất của màu buồn. Và như trên đã nói, buồn là một cảm giác thưởng thức, thì nỗi buồn không tên là một mỹ vị chỉ dành cho người thượng lưu, người biết sống từng nhịp đập trôi qua của thời gian, biết quán sát bên ngoài để so chiếu bên trong, biết trọn hưởng những giây phút không có ai bên cạnh, cảm nhận cái hay, cái đẹp trong sự sàn lọc quặng mõ triết học, văn chương, trong thi ca và gần gũi nhất là trong âm nhạc, tùy theo nồng nộ chiêu cảm và phúc báo của tâm mà sự thẩm thấu sâu cạn khác nhau.

William Blake cho rằng con ong chăm chỉ không có thời gian để buồn. (La diligente abeille n'a pas de temps pour la tristesse.) Blake chỉ có lý đối với những ai luôn bận rộn vì mưu sinh, danh vọng hay quyền lực.

Montesquieu nói rằng: nỗi buồn đến từ sự đơn độc của trái tim (La tristesse vient de la solitude du coeur)

Charlie Chaplin lại nói: Hạnh phúc tuyệt vời là cái gì rất gần gũi với nỗi buồn (Le bonheur parfait est quelque chose de très proche de la tristesse.)

Nhạc Việt Nam có khi hát: Có người hỏi tôi tại sao ưa ca bài ca sầu nhớ, ưa ngắm trăng mờ hoàng hôn, ưa đi lặng lẽ trong những đêm gió mưa u buồn, mà nghe cô đơn... (Lẻ Bóng - Anh Bằng)

Rốt cục, dù không muốn, ta cũng phải chấp nhận rằng, cảnh đẹp là cảnh phải đượm đôi chút màu buồn.

Tuy nhiên, nếu nói đến tâm lý buồn phiền, lo âu vô cớ, mà không nói đến Freud thì có vẻ thiếu sót. Theo Freud, chúng ta luôn bị đe dọa bởi ba nguyên nhân, dù chính chúng ta cố che đậy ngụy trang bằng nhiều lý lẽ để tự trấn an. Nguyên nhân thứ nhất là từ chính cơ thể của chúng ta, nó luôn luôn đi dần vào thoái hóa và tan rã. Nguyên nhân thứ hai là thế giới bên ngoài luôn có những lực vô hình khắc nghiệt không ngừng đeo bám và triệt tiêu chúng ta. Nguyên nhân thứ ba là chính những người chung quanh ta, vì mục đích sinh tồn, chúng ta sẵn sàng tàn nhẫn với nhau.

Từ đó Freud kết luận rằng, để lãng quên những đe dọa triền miên ấy, và để sống còn, người nam và người nữ đã ẩn núp trong sự hưởng thụ nhục dục của thân xác. Freud còn đi xa hơn rằng, để quên đi những buồn lo, con người tìm cách trốn mình trong các chất say sưa hoặc ẩn núp vào sự ru ngủ của tôn giáo.

Nhưng nỗi buồn không tên là cả một lịch sử văn học Âu châu được khởi xướng từ cuối thế kỷ 18 tại Anh và Đức, đầu thế kỷ 19 tại Pháp, như một số bài báo trên các trang mạng văn học Việt Nam từng đề cập.

Phong trào lãng mạn 浪漫 đến Việt Nam được dịch từ Hán ngữ với chữ 浪 (lãng) là phóng túng, tự do; chữ 漫 (mạn) là mơ hồ, không gì rõ rệt; cả hai đều rất nhu nhuyễn với bộ thủy 水 , nêu rõ đặc trưng uốn khúc, tan chảy, mềm mại, bốc hơi; nên ít nhiều, nỗi buồn không tên chính là nỗi buồn của cái tôi trữ tình, mơ hồ theo phong thái Âu châu, trộn lẫn không khí thiên nhiên phóng dật của thi ca Đường, Tống, biến thành cơn gió học thuật Âu Á có ảnh hưởng mạnh mẽ trên mọi hoạt động nghệ thuật VN trong giai đoạn quyết liệt chọn lựa La Tinh làm chữ viết chính thức.

Chỉ riêng chủ nghĩa Romantisme, ta đã có được một nền văn học chống lại tư duy thuần lý của thế kỷ Ánh Sáng và những gò bó truyền thống của văn chương Cổ Điển. Nó nhắm đến giải phóng hình ảnh và ngôn ngữ ra khỏi những xiềng xích xưa cũ. Nó ưu tiên cho sự phát biểu nội tâm của cái tôi, vào sự diễn tả thiên nhiên và tình ái. Nó dám nói thực về niềm đau và nỗi sầu của thế kỷ (le mal et la mélancolie du siècle). Một trong những con người tiêu biểu của phong trào lãng mạn đã nói rất thẳng tâm sự của người Âu châu trong thế kỷ ấy như sau:

L'hypocrisie est morte ; on ne croit plus aux prêtres; Mais la vertu se meurt, on ne croit plus à Dieu. (Alfred de Musset - 1850)

Sự giả dối đã chết; người ta chẳng còn tin vào linh mục; Đạo đức đã tiêu ma, người ta chẳng còn tin vào Thiên Chúa.

Những câu thơ trên, nếu được viết cách đó chừng hơn thế kỷ, thì chắc chắn tác giả phải bị cột vào một cái trụ được chất củi chung quanh, có một giám mục đến để phát lệnh thiêu sống kẻ dám xúc phạm đến Chúa và người đại diện cho Chúa.

Có thể nói, nếu cuộc Cách Mạng Pháp là đỉnh cao của cải cách do Thế Kỷ Ánh Sáng nuôi dưỡng, thì trào lưu lãng mạn là đỉnh cao của tự do sáng tác trong văn chương, âm nhạc, và nghệ thuật. Mặc dù nó chống lại tính thuần lý của Ánh Sáng, nó phải cám ơn trào lưu tư tưởng này. Không có Ánh Sáng với cuộc Cách Mạng 1789, không thể có trào lưu lãng mạn. Chính Ánh Sáng (Siècle des Lumières - Age of Enlightenment - luôn viết hoa) đã ban phát tự do cho Lãng mạn.

Cũng có thể gọi văn học lãng mạn là văn học trữ tình, vì bắt đầu từ đây, con người có thể đưa tâm tình của mình can thiệp vào tác phẩm, vào các hoàn cảnh lịch sử và tham dự vào thiên nhiên. Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư là những thi sĩ đi tiên phong cho trào lưu này tại Việt Nam.

Theo nữ học giả Thụy Khuê "Chữ Lãng mạn, nguyên gốc là romanz, xuất hiện giữa thế kỷ XII, có nghiã là ngôn ngữ thông thường, đối ngược với latin (la tinh), ngôn ngữ bác học. Qua các thế kỷ, chữ này biến nghiã và biến dạng nhiều lần. Đến đầu thế kỷ XVIII, Lãng mạn trong nghiã đối lập với Cổ điển, được Stendhal (1783-1842) đưa ra năm 1819 (ông dùng chữ Romanticisme vì muốn giữ nguyên gốc Ý), để chỉ quan niệm tiểu thuyết mới của ông: trình bày cho quần chúng những tác phẩm phù hợp với sự thẩm thức và đức tin hiện hành của họ, ngược lại với Cổ điển (Classicisme) là thứ nghệ thuật của cha ông thời trước" - trích từ [Ảnh hưởng thơ Pháp trong Thơ Mới và thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử].

Từ lãng mạn dễ gây hiểu lầm ngay cả bên Âu châu, khi ta tặng hoa cho bạn gái, ta cho rằng đó là một cử chỉ lãng mạn, thực ra cử chỉ ấy chỉ giống với lãng mạn, nó mang tính tiểu thuyết, mộng mơ (romanesque) nhiều hơn là tính lãng mạn.

Lãng mạn dường như là cái gì rất tự nhiên trong văn chương học thuật Trung Hoa, ngay cả qua các tư tưởng tưởng chừng rất nghiêm túc. Chẳng hạn nếu bạn không biết xuất xứ những câu văn sau đây, thì bạn sẽ nghĩ đó là thơ, hoàn toàn chẳng liên hệ gì đến triết lý:

天何言哉?

四时行焉,

百物生焉,

天何言哉

Thiên hà ngôn tai ?

Tứ thì hành yên,

bách vật sinh yên,

thiên hà ngôn tai.

(Trời có nói gì đâu ! Bốn mùa vẫn vận hành trôi chảy, muôn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu !)

Khổng Tử đã đưa tình cảm vào vũ trụ, một hình ảnh thực sự trữ tình lãng mạn, không xem vũ trụ thiên nhiên là cái gì độc lập và khác với con người. Đây là một thứ lãng mạn thánh, một thứ lãng mạn giải thoát, trời đất có nói gì đâu, chỉ im lặng sinh diệt tiếp nối. Con người được sinh ra từ mặt đất, vốn là một thứ ecosystem, phải tuần hoàn biến hóa để duy trì sự sống, sinh và diệt là đóng mở của bốn mùa tồn sinh hiện hữu, không phải “sinh” là thần linh ban, và “diệt” là “sự dữ” mà thần linh phạt.

Trang Tử còn lãng mạn đến mức tự hỏi mình đã mộng thấy hóa thành bướm, hay bướm đã mộng hóa thành mình.

不知周之夢為胡蝶與?胡蝶之夢為周與 ?

Viết về chủ nghĩa hay trào lưu lãng mạn trên vài trang giấy thì chả khác đem cái cân tiểu ly để cân chiếc xe chở khách tuyến đường Sài Gòn - Hà Nội.

Cái nhìn của tôi vào nỗi buồn không tên có hơi khang khác.

Nó là cái làm ta luôn cô đơn, trống vắng, rỗng không, dù ta đang sống với vợ, với con, với đầy đủ mọi phúc hạnh của trần gian, đạt được bất kỳ mơ ước khó hiện thực nào nhất, rồi khi đối diện với nó, lúc đêm về, ta không dám nhìn nó; nhìn thì hổ thẹn, không nhìn thì ray rức.

Nó thường trực xuất hiện, nhẹ như chuồn chuồn đậu trên mặt nước, chỉ khẻ động thì chuồn bay ngay, nhưng nó sẽ âm thầm trở lại khi mọi sự đều yên tỉnh. Nó không gây đau khổ hay biến thành trầm cảm. Ngay lúc đang vui nó cũng có thể đến nếu tâm hồn lọt vào một khắc của sự lắng yên. Nếu quán sát nó, nó lập tức ẩn mình vào tia nắng, vào ánh đèn, vào tiếng nhạc hoặc vào chiếc lá khô nát đã biến thành màu đất. Mà rất lạ, nó gần như hiện diện trong từng tia chớp của tâm thức. Vừa thức giấc đã thấy nó ngồi đó tự bao giờ với một nụ cười nghiêm khắc. Trước khi ngủ nó lại nằm cạnh bên như ngưòi tình trăm năm nhưng chưa từng ngỏ lời yêu. Nó có mặt cùng khắp để nhắc nhở rằng, những cuộc vui sẽ qua mau, tòa lâu đài hùng vĩ kia chỉ là công trình của lũ dã tràng thích đếm từng hạt vàng trong bọt nước. Trong đau khổ nó lại cho chút ánh sáng của niềm vui, trong hân hoan nó lại khơi lên nỗi dày vò.

Tóm lại, nó như con ma xó luôn nhìn vào cuộc đời ta. Nó rình rập ta, ta cũng rình rập nó. Hai đứa rình nhau, chơi trò cút bắt, thỉnh thoảng ta cũng nắm được chéo áo của nó, nhưng nó giật mạnh và chạy mất để lại trong nắm tay ta chỉ là một mẫu vải rách vô nghĩa. Còn nó, tựa như đùa cợt, và biết rất rõ về ta.

Ngày qua tháng lại, một hôm ta đứng soi vào gương, thấy mình quá già, cất gương đi, thì chẳng thấy già hay trẻ, chợt vỡ ra rằng, đã là ta thì không nhìn, nhìn thì không phải ta.

Paris, lúc trời bắt đầu se lạnh, 2018.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Đầu năm nói chuyện ăn Tết theo dương lịch




Từ độ hơn chục năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi độ xuân về là chúng ta lại phải chứng kiến một bản nhạc cũ mèm được những cái loa rè của đám trí thức thân phương Tây phát đi phát lại không biết nhàm. Ấy là chuyện Việt Nam ta nên ăn Tết theo Tây lịch để được văn minh, hiệu quả về kinh tế và thoát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lập luận về văn minh là rất nhàm, phương Tây ăn Tết theo dương lịch, phương Đông ăn Tết theo âm lịch, người Hồi giáo hay Do Thái giáo đều nghỉ ngơi theo lịch riêng của họ, đằng nào cũng là văn minh và có bản sắc riêng của cả. Lấy cái chuẩn mực nào để nói cái nào văn minh hơn cái nào, thật là thô thiển hết chỗ nói. Như ông bà ta vẫn nhắn nhủ, ấy là cái đám me Tây nên cứt tây cũng thơm. Phương Tây văn minh hơn hết là tư duy từ thời thuộc địa, các đế quốc phương Tây nhồi vào đầu các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ để dễ bề cai trị. Bây giờ các nước Châu Á độc lập tự do, kinh tế cũng đã khởi sắc, cớ gì ngu dại tin vào điều đó nữa.

Lập luận về hiệu quả kinh tế mới nghe thì xuôi tai nhưng kỳ thực là bịp bợm. Họ nói rằng ăn Tết theo dương lịch để cho đỡ gián đoạn việc sản xuất, bán hàng cho phương Tây. Điều này là vô nghĩa, thực tiễn công nghiệp hiện đại cho thấy điều đó được xử lý rất dễ dàng về mặt kỹ thuật, tức là sản lượng hụt đi do nghỉ lễ thì sẽ được làm bù trước đó hoặc sau đó. Bên cạnh đó vẫn còn một khía cạnh nữa mà các nhà giả trí thức bịp bợm của chúng ta lờ tịt đi, ấy là chuyện Việt Nam hiện giờ xuất khẩu đi khắp thế giới chứ không phải mỗi phương Tây, trong đó Trung Quốc cũng là một bạn hàng lớn. Nếu bây giờ lấy cái lập luận về hiệu quả kinh tế đó áp vào thì những người bán hàng cho Trung Quốc sẽ đòi phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc, những người bán hàng cho Ấn Độ sẽ đòi ăn Tết theo lịch Ấn Độ... vậy thì sẽ phải nghe ai. Nếu nghe một người thì những người khác sẽ hỏi lại rằng tại sao tôi phải hy sinh lợi nhuận của mình cho anh kia, anh có chia cho tôi đồng nào không? Thế đấy, những chuyện về kinh tế này chả đi đến đâu hết. Lại còn có một chuyện nữa là người ta kêu ca tết âm với tết dương gần nhau nên người lao động có tâm lý ăn chơi từ tết dương đến tết âm rồi chơi cả tháng giêng, chuyện này cũng vớ vẩn nốt. Thực tế tháng trước Tết âm lịch là tháng làm hàng bù cho kỳ nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp trước Tết đều tăng ca, công nhân thì tích cực vì có thêm lương thưởng. Sau Tết thì hoạt động mua sắm tiêu dùng giảm đi, do đã chi tiêu trước Tết, do vậy các doanh nghiệp đều có sản lượng thấp sau Tết, vì thế người lao động có nhiều thời gian rảnh rang để đi lễ hội hơn. Một ví dụ điển hình là ngành lắp ráp ô tô, trước Tết, hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô đều chạy hết công suất, làm việc 3 ca/ngày, sản lượng ô tô bán ra các tháng trước Tết cực lớn. Tháng sau Tết thì là thảm họa của các đại lý bán xe vì ai mua xe được đã mua từ trước Tết, sau Tết họ chạy đi chơi lễ hội, không mấy ai đi mua xe cả. Các trí giả của chúng ta khi nói về hiệu quả kinh tế cũng lờ tịt đi một khía cạnh thứ ba, họ giả định rằng sự thống trị về thương mại quốc tế thì sẽ thống trị về văn hóa, tức là giờ chúng ta bán hàng cho phương Tây thì phải ăn Tết theo dương lịch cho nó toàn cầu hóa. Câu hỏi ngược lại: Nếu Trung Quốc thống trị thương mại thế giới thì Việt Nam và cả phương Tây sẽ phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc? Đến đây thì các bạn hẳn đã biết câu trả lời, các trí giả của chúng ta sẽ tự vả vào miệng họ mà khăng khăng nói rằng, kinh tế có mạnh nhưng Trung Quốc vẫn kém văn minh, không nên theo Trung Quốc. Thực tế cho thấy các nước phương Tây giờ đây cũng đua nhau tổ chức lễ tết âm lịch của Trung Quốc để mong phát tài.

Cuối cùng, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là chuyện hài hước nhất tôi được nghe trong đời mình. Người Việt giờ ra đường đều mặc áo phông, quần jeans, uống cafe kiểu phương Tây, lúc cần lịch sự thì mặc veston, nói tiếng Anh ào ào trong làm ăn, đâu có thứ gì của Trung Quốc mà kêu ảnh hưởng. Việc buôn bán làm ăn với Trung Quốc của Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chuyện buôn bán không phải là ảnh hưởng hay phải thoát ảnh hưởng gì hết. Về mặt chính trị thì Việt Nam đã từng bước ký hiệp định phân chia biên giới rõ ràng với Trung Quốc để khẳng định sự độc lập của mình, chỉ có một phần tranh chấp trên những đảo ngoài khơi, nhưng chuyện tranh chấp đó là bình thường giữa các quốc gia ở gần nhau và Việt Nam không chỉ có tranh chấp duy nhất với Trung Quốc, còn có những nước khác như Malaysia, Đài Loan, Philippines. Nếu có đòi lại đảo thì đòi mấy nước kia chắc chắn dễ hơn đòi Trung Quốc, nhưng các trí giả hậm hực của chúng ta thường lờ tịt điều đó đi, họ chỉ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, tránh phải động tới các đồng minh của Mỹ.

Nhật Bản quá khứ và hiện tại

Người ta thường ca ngợi rằng Nhật Bản bỏ âm lịch theo dương lịch nên sau 100 năm đã trở thành giàu thứ hai thế giới nhưng người ta quên mất rằng Trung Quốc chả cần bỏ cái gì, chỉ cần 40 năm đã thành giàu thứ hai thế giới và đang trên đà trở thành giàu nhất thế giới.

Người Nhật bỏ âm lịch theo dương lịch vào năm 1873, nhưng họ giàu lên là nhờ quá trình tư bản hóa thành công giai đoạn sau Thế Chiến Thứ 2, chứ không phải việc bỏ âm lịch. Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản mặc dù hùng mạnh nhưng chỉ là một đế quốc nhỏ ở Phương Đông. Sau Thế Chiến Thứ Hai, khi nước Nhật thua trận và trở thành thị trường của Mỹ và phương Tây thì mới nhanh chóng phất lên, nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Việc nói Nhật Bản giàu lên nhờ bỏ âm lịch là tào lao.

Sau hơn một thế kỷ ăn Tết theo dương lịch thì người Nhật Bản lại đang muốn khôi phục lại bản sắc của mình. Họ muốn khôi phục Tết theo âm lịch.

Một vị công sứ Nhật Bản đã nói rõ rằng:

"Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện "chúng ta là ai?".
Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.
Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng".
Lý do của Nhật Bản rất rõ ràng, họ muốn tạo ra một bản sắc văn hóa riêng với sức kết nối cộng đồng mạnh mẽ để gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Hàn Quốc khôi phục Tết âm lịch

Người ta hay nhắc đến Nhật Bản như là hình mẫu bỏ âm lịch để giàu có nhưng lại quên mất nước láng giềng Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục lại Tết âm lịch sau gần 100 năm bị từ bỏ.

Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, sáp nhập Triều Tiên vào Nhật Bản và buộc người Triều Tiên phải sử dụng dương lịch như họ, điều này có nghĩa là Triều Tiên cũng phải ăn Tết theo dương lịch. Thế nên đối với người Triều Tiên khi đó, Tết theo dương lịch là biểu tượng của sự ô nhục, của sự mất nước. Suốt thời kỳ bị Nhật Bản cai trị, TriềuTiên cũng không vì ăn Tết theo dương lịch mà giàu lên được.

Sau đó Triều Tiên bị tách thành hai miền Bắc-Nam, miền Nam được gọi là Hàn Quốc. Nắm chính quyền ở Hàn Quốc là cựu các sĩ quan quân đội đánh thuê cho Nhật, họ vẫn làm ăn với Nhật Bản và áp dụng dương lịch cho đến tận năm 1985. Khi đó, người Hàn Quốc đấu tranh dữ dội để bỏ Tết theo dương lịch và khôi phục âm lịch, điều này không chỉ là yếu tố văn hóa mà nó còn phản ánh sự trỗi dậy của Hàn Quốc, họ muốn có bản sắc riêng và đoạn tuyệt với cái dấu hiệu ô nhục của thời mất nước. Vào năm 1989, Hàn Quốc chính thức khôi phục Tết âm lịch. Cùng với việc Tết âm lịch được khôi phục, hàng loạt các nghi lễ và phong tục truyền thống cũng được khôi phục, điều này đã góp phần tạo ra một Hàn Quốc có bản sắc văn hóa độc đáo và gia tăng các mối liên kết cộng đồng.

Hàn Quốc đã đi ngược dòng, thậm chí với sự giàu có của mình, các nước phương Tây cũng phải nở nụ cười cầu tài, chúc người Hàn Quốc ăn Tết âm lịch vui vẻ hàng năm. Giờ đây có ai dám nói Hàn Quốc lạc điệu với thế giới, âm lịch hay bị Hán hóa không?


Việt Nam trên con đường đi tới

Việc kêu gào đòi bỏ âm lịch để ăn Tết theo dương lịch ở Việt Nam thể hiện rõ một mặt là sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản, họ muốn phá vỡ các mối liên kết cộng đồng để thay nó bằng quan hệ tiền-hàng lạnh lùng, bởi vì sự thống trị của họ dựa vào quan hệ đó, mặt khác thể hiện sự yếu thế của họ, họ không có khả năng dựa vào những điều kiện văn hóa xã hội sẵn có của Việt Nam mà phải dựa vào sức mạnh của tư bản quốc tế, thế nên họ muốn tất cả mọi thứ phải dập khuôn theo phương Tây. Mặc dù những lập luận của đám trí giả trong vấn đề này rất tào lao và dễ dàng bị bẻ gãy, họ giống như những con rối mua vui cho đám báo lá cải mỗi độ xuân về, song không vì vậy mà chúng ta quên mất động cơ thật sự ẩn giấu sau việc này.

Nếu ai đó hỏi tôi về việc ăn Tết theo dương lịch thì tôi sẽ trả lời như thế này: Khi nào Việt Nam đủ giàu, cả thế giới sẽ chung vui Tết âm lịch với Việt Nam.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

CHỈ LÀ...





Chỉ là có những điều không thể nói thành lời
chỉ là có những yêu thương rất đơn giản…
vậy thôi!


Như sau một ngày trở về nhà thấy mình như một đứa trẻ cần niềm vui
được nhìn Má nấu một nồi canh chua cho cả nhà ăn tối
có Ba ngồi hỏi han với tiếng cười thân quen quá đỗi
không gian của những cuộc đời gần gũi
vì cần có nhau…

Cho buổi sáng hôn lên má người mình yêu thương để bước ra phố xá ồn ào
thấy mình đủ niềm tin dù ngày mưa hay bão
thấy mình ở giữa những đám đông và bụi đường huyên náo
thấy mình có lúc muốn hét lên khi đối diện với nỗi lo cơm áo
rồi sau đó lặng lẽ bước đi…

Đôi khi biết mình muốn đứng im trong một khuya trời tối đầy sao trời
tự nói chuyện với trái tim đang giữ nhiều chua xót
sao cứ phải đòi hỏi trên môi toàn là vị ngọt
biết rằng sống cho mình thì đừng đặt nỗi đau lên vai những người khác
làm ơn đừng bắt ai gánh vác
chỉ để mình được vui…

Chỉ là một cái nắm tay có khi cứu được một con người
chỉ là có khi lắng nghe thôi mà làm bớt đi một đêm trắng
chỉ là có khi cúi xuống cũng đã là câu trả lời cho những điều ân hận
chỉ là có khi một nụ cười cũng trở thành yêu thương vô tận
giúp sống sót trong cuộc đời…

Chúng ta hay muộn phiền cho những gì lớn lao tận xa xôi
rồi muộn phiền luôn những gì thân quen và nhỏ bé
đến khi biết cắn răng cuộn tròn mình trong góc tối mới nhận ra giá trị của hơi thở
của giọng nói, tiếng bước chân, của thanh âm “Xin lỗi” trước một giây đổ vỡ
đâu phải ai cũng có thể bắt đầu…

Đâu phải ai cũng có thể nhận ra mình ảo tưởng quá lâu
đâu phải ai cũng biết mình đang làm đau những người bên cạnh
đâu phải ai cũng tự choàng khăn khi trời trở lạnh
đâu phải ai cũng ít ỏi những vết thương dù bên ngoài lành lặn
mặc từng giờ đều thứ tha…

Chỉ là, có rất nhiều yêu thương đơn giản
trong mỗi ngày đi qua…

Đào Bích Hạnh

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

MÙI CỦA GIÓ MÙA



Truyện ngắn Cung Tích Biền

Ngoài bảy mươi tuổi, hãy còn khỏe mạnh, minh mẫn; từ bao năm, Cụ Gàn tiêu biểu cho niềm vui, lòng tận tụy với xã hội. Ngồi gần cụ, bên cốc cà phê, năm ba bè bạn, thì thật thú vị, vì sự dẫn dắt câu chuyện, lý giải các sự kiện lịch sử, văn chương, triết học.

Kiến thức sâu rộng, biết nhiều ngọai ngữ nên nguồn đọc của cụ Gàn không lệ thuộc vào sách nhập nội thông qua dịch thuật. Cách nói ngắn gọn, hàm súc, nhiều ẩn dụ, đậm chất hài huớc. Giọng cụ hiền hòa, hấp dẫn; không dạy đời, không cường điệu; rất chân tình, nhưng thẳng thắn, vì tôn trọng sự thật.

Cụ là nguồn tư liệu phong phú cho các ký giả trẻ muốn tìm hiểu sinh họat của Sài Gòn cũ, từ chuyện chính trường đến chỗ ăn chơi, nhà hàng vũ trường; từ tổ chức guồng máy hành chính đến hệ thống quân đội. Cụ là cố vấn đặc trị thiếu hụt kiến thức nhiều mặt, cho quý vị thạc sĩ tiến sĩ nội địa có ngọn mà thiếu cái gốc, đang giảng dạy ở một số Đại học hiện nay.

Cụ Gàn nói chung, là đẹp; uyên bác một học giả; phong thái ung dung một đạo gia. Cụ là đủng đỉnh của thời gian ngưng lại. Của vững chải khi ta đối diện. Nhưng thỉnh thoảng cụ cũng va vào đời thường trong những chuyện vặt vãnh. Cụ tận tụy kiểu con tằm. Cụ dập mỏ vì cái nghịch lý chết người này.      

Cụ không hiểu nhiều về thế hệ mới trong một xã hội có một nền giáo dục mới. Cái nền giáo dục mà hình vuông có đường bán kính và hình tròn có khi nó có ba góc. Cụ không hiểu rằng nền giáo dục mấy thập kỷ trên nước non này dạy con-người-hai-chân nên sống theo cách con-lừa-bốn-chân cho vững chắc thăng tiến, và cho người khác một niềm tin đồng đội: “ Được, thế là tốt, mày khôn ngoan quá, nhiều sáng kiến quá, ra ngoài luồng,  là chết mẹ mày”.

Cụ quên rằng trái đất không còn tròn trịa như thế hệ cụ nhập tâm. Cụ là một nhàn nhã nối tiếp những cha ông, trong xa xăm, không hề có dự báo bão từ xa theo đài thiên văn như hôm nay. Trong thôn xóm bình lặng, xưa kia, với cụ, kinh nghiệm mọc ra như cỏ dại đồi hoang. Đêm khuya nghe tiếng sóng biển vỗ ngược miền; hôm qua nó reo vùng Cửa Bắc, khuya này âm vang hơi cuồng nộ, đã chuyển vào phía nam An hòa. Vậy là biển Đông đã cho ta lời báo bão. Nhân gian trước truyền lại kinh nghiệm cho nhân gian sau là như thê. Chưa hề có cái nhân gian Chát, Mạng, Meo, Bờ Lốc.

Hoặc một chiều hôm, ta biết trời đất sẽ chuyển dạ, thông qua chỉ một vài ngọn mây xám đen chân trời. Biết một trời sẽ điên dữ tối tăm, qua cái chớp nguồn, qua một thoáng lạnh nhận ra chỗ não trạng khi trong chiều hãy còn nắng ấm mông lung. Rõ, là cụ Gàn vẫn còn trong một khoanh vùng, dừng lại có điều kiện, giữa một thế giới cũ, tâm thức hãy còn xa lạ so với bọn trẻ, ngay trong gia đình. Cụ thanh sạch trong một xã hội mới, đã từ lâu đồng thuận một thứ thanh sạch ngược chiều.

Cụ đạt tới chỗ vi diệu của Đạo nhưng rất ngây thơ với những trò ma giáo sơ đẳng. Cụ là núi là rừng của kiên thức, kinh nghiệm. Nhưng thiếu cập nhật những hiện tình.Từ nhiều năm trước cụ bị lừa mất cả một căn nhà. Cụ thông rõ lẽ thiên địa vô tướng hình của Dịch, đọc cả ruột gan âm dương, nhưng cụ chẳng hiểu gì văn hóa của hôm nay, tỉ như trong cái nhà tiêu chẳng hạn.

Một hôm ở một quán nhậu, tình cờ đứng trong toa lét cụ thấy y như rằng một chục thằng trai trẻ chẳng có đứa nào vạch cu ra đái xong mà chịu rửa tay, khi la va bô và nước sẵn một bên.

Ấy thế, bàn tay bẩn, chúng cứ xé một miếng khô mực, nồng nàn cùng mình, dí vào mồm con bồ cao cẳng. Ngứa cái não, cụ nhẹ nhàng bảo một thằng trai trẻ:

“Này, xin lỗi, tiểu xong thì nên rửa tay đi cháu”

Cụ bị phản đòn ngay:

“Con cặc là chỗ ngon cơm nhất sao lại phải rửa? Đáng lẽ phải rửa tay sạch sẽ  rồi mới kính cẩn cầm thằng nhỏ mà tè chớ”.

Mà đâu phải mỗi thằng trai trẻ mất dạy hỗn láo với cụ. Cả một bàn nhậu ồn ào, thân ái, như cả một thế hệ tươi mới của nước non anh hùng đồng lọat xông tới cái trào lưu mới, cuộc hiện đại bát ngát riêng mùi.

Rõ ràng một thằng nhóc vừa từ nhà tiêu ra, nó bốc một lọn chả tròn tròn như cái cán dao, đùa vui với con nhỏ cùng bàn: “Hả mồm ra, hả ra, ngậm nào” Đứa con gái phạch mồm ngậm một lọn chả. Có thể vì đó là thịt chăng. Con nhỏ đôi mắt riu ríu, ngậm đầy miệng cái dài dài tròn tròn như cái ngón chân cái. Nó ngước mặt đỏ lựng lên, để cho khỏi rơi, cho thêm hình tượng. Nó chừng như nhận ra trong chả lợn beo béo có cái hương vị cặc

Một hôm nhân giỗ kỵ ông cố nội của cụ, tức ông cao của thế hệ sau cụ. Ông này quan thượng thư triều Nguyễn. Con cháu tề tựu. Lạ thay, bọn nghèo khó làm thuê cuốc mướn, thợ hồ, thợ may, bán báo dạo, bọn này ăn bận khá đàng hòang, tác phong cung kính. Nhưng một đám tạm gọi là có ăn học, cha mẹ chúng là các quan lớn, các đại gia tư sản, lại ăn bận khá phiêu lưu trong mắt cụ. Áo ba lỗ, quần cụt ống, trang diện cở May - Cồ; có đứa lòi lỗ rốn, tròn sâu màu trắng nhủ, tô vẽ lỗ rốn như môi mắt; có đứa con gái cúi xuống lạy ông Cao tổ thì lòi cái khe mông đít đen đen mốc mốc.

Cụ gọi một thằng đầu đinh trong đám ra nói nhỏ nhẹ:

“ Này cháu, ông đây cũng  từng nhảy đầm, rất thích nhạc pop, cũng khoái cái cách tân, nhưng hôm nay ngày kỵ giỗ ông Cao các cháu. Không có ông Cao không có giềng mối tộc họ to lớn nhiều mặt này”.

Bọn nam nữ OK, rồi lặng lẽ cùng nhau ra về. Tưởng rằng bọn nó về thay áo quần chỉnh tề, trùng tu những bộ mặt coi ông bà ông vải chẳng là cái đinh cái đéo gì, quay trở lại đám kỵ giỗ. Không phải, chúng đồng lọat kéo nhau ra quán lai rai. Trước khi ra quán, con nhỏ lòi khe mông đít khề khà dớt một mớ đồ cúng chưa kịp đưa lên bàn thờ ông Thượng thư làm mồi nhậu.

Một sáng cụ Gàn đi tập dưỡng sinh. Trời hãy còn tối đen, cái sao Mai lơ láo một phần trời, một bọn lưu manh – mà bọn lưu manh thời hiện đại đi xe dream, ăn mặc đàng hoàng, có điện thoại cầm tay, trộm cướp lưu động – đang cạy cửa một căn nhà, định gom của.

Nhiều người đi qua thấy vậy lặng thinh, làm ngơ bỏ đi. Mặc kệ, chúng cạy cửa nhà người đâu cướp của nhà mình. Không quan tâm tới nỗi đau kẻ khác là hợp trào lưu. Nhưng cụ Gàn, cụ từ tốn vào cuộc:

“Này các cháu, ta nên làm ăn lương thiện, sao đi làm chuyện phi pháp thế này”.

Bọn ăn trộm thời thượng bị động ổ, bỏ đi. Ra đầu đường chúng dừng lại, chờ cụ tới. Bọn lưu manh vừa dạy dỗ vừa hài tội cụ:

“Thằng cha già. Việc ai nấy làm, đời ai nấy biết, không nên lắm chuyện nghe. Tao tặng lão một cục gạch này”
  
Tưởng nể tuổi già dọa chơi, hóa ra tụi nó đinh cụ. Đinh nhiệt tình.

+++

Tôi hay tin cụ Gàn qua đời đã bảy ngày sau. Hôm ấy trời đất buồn bã. Cỏ cây hóa xám. Trong những khoảng cách nắng mềm, lại mịt mù những cơn mưa lớn. Lội qua năm bảy con sông phố nước ngập, tôi giáp mặt cái bàn thờ của cụ.

Cái lạ, trên bàn thờ thay vì thờ tấm chân dung cụ Gàn, con cháu cụ lại thờ một cục gạch thấm máu. Nó như một bức tượng. Thần tượng này bị bể một miếng dính máu. Chỗ ấy là chỗ cục gạch từng tử chiến với cái sọ não uyên bác của cụ.Tôi định hỏi cách tôn kính lạ lùng này nhưng lại chợt hiểu: 

“Con cháu nhà cụ Gàn thật tuyệt cú mèo. Trên mặt đất này, hôm nay, nếu thờ cái nạn nhân thì có mà hàng triệu triệu. Thờ quách cái tội lỗi, cái nguồn cội bao la gây ra tội. Đơn giản là thờ cái hệ thống.”

“ Ừ, thờ quách cái Hệ-thống-thấm- máu”


Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

BIỆT THỰ QUỶ ÁM

-Tao đây. Gì đó mậy?
-  Tao...tao mua được ngôi nhà rồi- giọng Thành  rất phấn khích
- Nhà nào?- Tôi hỏi
- Thì ' Biệt thự quỷ ám" đó!
- Sao? Thật à?- tôi kinh ngạc kêu lên. Tim đập thình thịch vì vui mừng
- Chiều tao về ghé mày luôn. Mày ở
nhà đợi tao - Thành nói liền một mạch. không đợi tôi trả lời đã tắt máy.

@

Tôi và Thành  thân  nhau từ nhỏ  học chung cùng lớp cho đến giải phóng.Gia đình Thành giàu có. Ba Thành được xem là một trong 10 nhà tư sản của miền Nam. Nhà Thành nằm trên đường Nguyễn Thông. Đúng hơn là một biệt thự  kiểu Pháp trong khuôn viên hơn 1000 m2. Bên  trái  sân nhà có cây thị cổ thụ to lớn đã hơn 100 tuổi, vào mùa trái chín thơm cả đoạn đường. Thích thú nhất của chúng tôi là được leo trèo trên cây, lên tận ngọn để có thể nhín ngắm thành phố. Nhất là vào giờ tan trường. chúng tôi có thể nhìn thấy cả  nữ sinh Gia long tỏa ra như  đàn bướm trắng.

Mẹ Thành là người cùng quê với Ba tôi, Thành lại là con một nên bà cũng rất thương yêu tôi. Bà đẹp và dịu dàng. Chưa bao giờ tôi thấy Bà lớn tiếng la mắng Thành. Ba Thành hẳn do công việc làm ăn nên ông thường xuyên vắng nhà, có khi cả tháng.

Năm 1975, chúng tôi đang học 12. Tôi nhớ, chiều 30/4 , Thành đạp xe qua nhà tôi rủ đi chơi. Tôi không khỏi ngạc nhiên : ủa, mày không đi à? Nó trợn mắt hỏi lại : đi đâu?
_ Thì ra nước ngoài.Ông già mày không sợ Việt Cộng sao?
_Muốn đi thì đầu năm  đã đi rồi- Nó cười rồi bảo : Ba tao nói Việt cộng cũng là người Việt mình.

Mấy ngày sau, xe cộ thông thương, mẹ tôi bảo tôi đứa mấy đứa em về quê. Tôi qua nhà Thành định từ giã nó nhưng nhà đóng cửa im ỉm. Tôi nghĩ chắc gia đình nó cũng đã về quê. Quê nội Thành ở tận Quãng Nam.

Kể từ đó, hơn 10 năm sau tôi mới gặp lại Thành.

@

Tôi về Tây ninh rồi ở lại luôn . Không thi vào đại học, tôi đi làm công nhân. Chiến tranh Tây Nam xảy ra, tôi nhập ngũ . Tôi bị thương ở chiến trường Cam pu chia, rồi được xuất ngũ. Tôi trở về Sài Gòn vào đại học. Tôi đến nhà Thành thì mới biết chuyện kinh khủng đã xảy ra. Sự thật thế nào không ai nắm rõ, theo lời đồn thì ba Thành tham gia tổ chức Liên Minh phục quốc gì gì đó. Hôm bộ đội ập đến bắt, ông đã dùng súng tự sát ngay trong nhà mình. Chôn cất chồng xong, mẹ Thành cũng treo cổ tự tử nơi cây Thị bên hông nhà.
Chính quyền tiếp quản ngôi nhà , lúc đầu làm trụ sở ban quân quản, sau đó mới cấp cho một vị sư đoàn trưởng.
Cái tên " Biệt thự quỷ ám " có là sau khi vị Sư trưởng này cũng tự sát trong nhà.  Nghe nói ông bị tòa án quân đội kết án vì đã ra lệnh tàn sát hơn 100 người dân Cam-pu-chia trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Biệt thự lại đổi chủ cho một vị đại tá công an. Vị này là một nhân vật nổi tiếng, được phong tặng anh hùng nhưng về sau, báo chí phanh phui ông đã dính líu, bao che cho các hoạt động tội phạm của Năm Cam. Con gái ông vì không chịu được sự đã kích quá lớn này, cô ấy đã treo cổ tự vẫn  cũng nơi cây Thị.
Tiếng đồn  ngôi biệt thự đã bị quỹ ám càng lan xa.
Biệt thự lại đổi chủ. Chủ nhân cuối cùng cũng là một vị tướng công an. Mấy năm trước vị này dính líu đến một đường dây đánh bạc, bị bắt và bị kết án 20 năm tù giam. Biệt thự lại được chính quyền tiếp quản nhưng từ đó thì bỏ hoang.

@

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về quê dạy học rồi vào làm ở tờ báo tỉnh. Một tối, Thành tìm đến nhà tôi. Tôi không thể nào diễn tả được cảm giác vui mừng khi tôi mở cửa và nhận ra người gõ cửa nhà mình lại chính là thằng bạn đã mất tích nhiều năm. Vậy là đã hơn 20 năm tôi mới gặp lại Thành.
Đêm đó, Thành kể cho tôi nghe mọi chuyện.
 Thành bảo : "Tao không tin ông già  tham gia  bất kỳ tổ chức phản động nào . Phần lớn tài sản ông đã hiến cho Nhà nước . Gần cả năm, ông chỉ quanh quẩn ở nhà. Hôm xảy ra chuyện, tao đưa bà già đi chợ về gần tới nhà thấy bộ đội vây quanh nhà rất đông. Mẹ tao sợ quá bảo tao trốn đi. Cả tuần sau tao mới dám lần về thì mới biết ba mẹ tao đã chết.Kể từ đó,  tao lưu lạc nay đây mai đó, người thân cũng chẳng dám tìm. Tao  phải kiếm sống bằng  nghề bốc vác.Trong đám bốc vác có thằng Thuận trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Nó cũng có gương mặt hao hao như tao nên tao bảo để tao đi thay nó. Nhờ vậy mà tao thay tên đổi họ luôn, vào trung đoàn Gia định rồi sang Cam-Pu-Chia. Cũng may, vào đến Nam -Vang tao sống sót , chỉ bị thương ở vai. Xuất ngũ, tao về Tây ninh làm bảo vệ rừng , rồi lấy vợ. Vợ tao cũng làm ở lâm trường. Vợ tao, cũng không biết tên thật của tao". Thành bật khóc.

@

- Mày mua ngôi nhà vợ mày biết không?- Tôi hỏi
- Biết chứ. Tao phải bán 500ha rừng, 200ha cao su mới có đủ tiền.- Thành châm thuốc hút., mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà- Vợ tao cũng là cô nhi, không đẹp nhưng hiền lành, chăm làm. Mọi chuyện làm ăn đều do tao quyết định.
- Thế mày đã kể hết cho vơ mày nghe chưa?- Tôi lại hỏi
-Ừ, tao định về sẽ kể hết. Dù sao, giấy tờ nhà là tên thật của tao.
-Mày lấy lại tên thật có bị truy cứu gì không?
- Không- Thành cười- Thời bây giờ mày có tiền làm gì cũng dễ

Thành bây giờ đã là người giàu có nhất nhì tỉnh, với hàng ngàn ha rừng và cao su.Thành bảo, nhờ đọc chuyên mục "Rừng là vàng" trên báo ( chuyên mục tôi phụ trách), Thành đã ký cóp mua từng ha rừng. Sau 10 năm , Thành đã có gần 300ha. Lần khai thác gỗ dầu tiên đã thu được hơn 5 tỷ. Rồi từ đó,khi chính sách 5 triệu hecta rừng triển khai, Thành nhanh chóng thu mua đất trồng rừng. Rồi có chủ trương trồng cao su thay rừng kinh tế, Thành phát triển cao su. Chỉ trong mấy năm cao su được giá Thành như diều gặp gió.
- Chừng nào nhận bàn giao nhà, mày đi với tao- Thành bảo- Nói thật, một mình chắc tao không đủ can đảm bước vào nhà.
- Nhà mày, mày không dám vào chẳng lẽ tao dám- Tôi đùa


- Bà này, giờ mình đi được rồi chứ?
Tôi đang ngồi nơi phòng đọc sách, viết lại câu chuyện về  ngôi " biệt thự quỷ ám" thì nghe tiếng.
- Tôi cũng định nói với ông. Giao nhà lại cho thằng Phong thì tôi yên tâm lắm. - Tiếng người đàn bà nhỏ nhẹ.

Tôi vội vả mở cửa bước ra nhưng chỉ kịp nhìn thấy hai bóng người nắm tay nhau bước vào cây thị và biến mất.
Tôi bước ra sân, định đi đến cái xich đu  cạnh cây thị. 
- Nè, không có dành chỗ của em đó.
Tôi giật thót tim khi nghe tiếng nói vang lên rất gần bên tai. Đúng lúc đó, một cô bé xuất hiện trên chiếc ghế xích đu. Vừa đong đưa, cô vừa nói ;
- Anh đừng có sợ em nhé! - Cô cười, tiếng cười thật trong trẻo- Em chỉ là con ma hiền lành thôi.
Tôi lạnh cả sống lưng, cố trấn tỉnh. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ma. 
Tôi bước về phía cô bé để nhìn rõ hơn. Đúng, tôi không lầm. Ánh trăng xuyên qua kẽ lá hiện rõ gương mặt của một thiếu nữ 15-16 tuổi.
-Em là... tôi ấp úng
Không đợi tôi nói hết, cô bé bảo
- Em là con bé treo cổ ở cây thị này nè.
- Em... lưỡi tôi như cứng lại.
- Anh ngồi xuống đây đi- cô bé chỉ vào xích đu, bảo tôi ngồi cạnh cô- Anh là nhà văn phải không? Anh đang viết gì vậy cho em đọc được không?
- Tôi...cô bé cướp lời
- Hỏi thế thôi chứ em biết anh đang viết vế cái " Biệt thự quỷ ám " này chứ gì?
- Vâng- tôi đáp. Tôi đã lấy lại được bình tinh cũng nhờ vào cai vẽ tư nhiên ngây thơ của cô bé.- Em là con của Thiếu tá Quang- tôi mạnh dạn hỏi.
Cô bé không trả lời chỉ gật đầu.
- Những chuyện xảy ra ở biệt thự này là do ma quỷ gây ra?
Cô bé trố mắt nhìn tôi, rồi bảo : Làm gì có. Hai bác ở lại đây chỉ vì oan khuất của họ. Họ còn cứu em.
- Sao?- Thấy tôi kinh ngạc, cô bé bảo : Em đã uống thuốc rầy nhưng lại sợ ói mửa, cấp cứu được nên mới mới treo cổ. Chính hai bác đã làm gãy cành thị cứu em  nhưng đã muộn vì  chất độc phát tác.
- Em nói... hai bác
- Thì ba má anh Thành đó,!
Tôi im lặng. Lấy thuốc châm hút. Ánh lửa càng giúp tôi thấy rõ gương mặt của cô bé. Một cô gái xinh đẹp với đôi mắt bồ câu, đượm buồn
- Họ đi rồi sao em vẫn ở đây ?
- Chờ anh đó- cô bé nhìn tôi ánh mắt tinh nghịch.
- Sao lại chờ anh ?- tôi trở nên dạn dĩ và có cảm giác như thân thiết với cô.
-Chờ anh viết câu chuyện  về ngôi  biệt thự này ?
...
- Chuyện xảy ra ở Biệt thự này là do nhân quả thôi - Cô bé nói- Ma quỷ đâu xui khiến được con người khi họ có tâm lương thiện.
Cô bé nhìn tôi cười, rồi bảo : Em và anh có duyên nên mới có thể nói chuyện được với nhau.
Chưa nói hết lời, cô bé vụt biến mất, chỉ để lại một câu :
- Hôm nào, em sẽ để anh thấy em của hiện tại.
- Này, này... em tên gì  ?
- Nữ hoàng cây thị - không thấy cô bé đâu, chỉ nghe tiếng cô cười khanh khách
@

Sau khi mua lại biệt thự, Thành đã bỏ ra một khoản tiền lớn để sửa chửa, phục chế lại như hiện trạng ngày xưa. 
Thành đưa vợ con định cư ở Mỹ và giao ngôi biệt thự cho tôi quản lý.
Hôm con trai tôi xuống chơi, nó trèo lên ngọn cây thi và sung sướng bảo với tôi nó có thể nhìn thấy cả Nhà thờ Đức Bà.
Nghe nó nói, lòng tôi lại nhớ những chiếc áo trắng của nữ sinh trường Gia Long. Ngày đó , tôi đã ứng khầu 2 câu thơ khi tôi và Thành đang ngồi hút thuốc ngắm nữ sinh Gia Long tan trường

" Chiều tan trường về em tóc rối
Ta ngẩn ngơ nhìn trong khói thuốc vàng bay "

@

Tôi đã viết xong câu chuyện " Biệt thự quỷ ám"  chờ mấy đêm rồi vẫn không thấy " Nữ hoàng cây thị " xuất hiện. Tôi hy vọng em đọc và hài lòng để thanh thản ra đi ...