Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

HỎI VÌ SAO MƯA KHÓC





Dân lành đi qua cơn bão
nỗi đau chưa kịp tuôn trào
cớ sao mưa rơi áo não
có làm ướt kẻ quyền cao


Còn ai cân đai áo mão
dập đầu bái tế trời cao
xin đời đừng giông bão
dân lành thoát cảnh thương đau

Ta trong chăn nệm ấm
linh hồn lại đóng băng
hỏi vì sao mưa khóc
nặng kiếp người lầm than

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Lạ quá! Sao lại đổ lỗi “tư duy tiểu nông” làm hỏng ngành giáo dục



NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT



Tác giả: Nguyễn Quang Duy (Úc)
.

Báo Giáo dục Việt Nam ngày 22/09/2016, đưa nhận định của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn Phó Chủ tịch Hội Vật Lý Việt Nam “Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy… tiểu nông”.

Hai năm sau, đến ngày 12/09/2018 cũng trên Báo Giáo dục Việt Nam Giáo sư Hãn lại đổ lỗi cho chương trình soạn và thẩm định sách giáo khoa theo “văn hóa tiểu nông” không khoa học nên mới dẫn đến việc khủng hoảng giáo dục.

Trả lời BBC tiếng Việt, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cũng cho biết:

“Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học Hoàng Tụy từng nói Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội”.

Đã nói tới khoa học thì thay vì vô cớ đổ lỗi cho “tư duy tiểu nông” hay “văn hóa tiểu nông”, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân trước khi dẫn đến kết luận và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Văn hóa tiểu nông là gì?

Người Việt đa số sống bằng nghề nông. Đời sống nông dân chủ yếu là tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp, sống thực, không hình thức, không tham lam, trao đổi với bên ngoài chỉ xảy ra khi thật sự cần thiết…Người nông dân vì thế rất độc lập, yêu quê hương, nhận trách nhiệm, sống nhân bản, hòa đồng với thiên nhiên, tôn trọng và duy trì những quy ước, những trật tự do cha ông để lại.
Đương nhiên nền văn hóa nào cũng có mặt trái như bản tính của người nông dân là ngại thay đổi, không cạnh tranh, không thích hợp cho việc buôn bán, không thích đời sống ồn ào phố thị…

Khi đất nước lâm nguy những nông dân sẵn sàng nhận trách nhiệm tòng quân cứu nước. Hết chiến tranh họ lại quay về lo cày cấy ruộng vườn xây dựng gia đình và đất nước.

Việt Nam được tồn tại đến ngày nay chính nhờ những nông dân tay lấm chân bùn thật thà chất phác.

Nông thôn Việt Nam cho đến 1954 rất độc lập với sự quản lý của chính quyền trung ương. Xã hội Việt Nam vì thế được phân quyền một cách hết sức rõ ràng.

Khi triều đình thuyết phục được tầng lớp nông dân thì mọi việc dù lớn thế nào cũng xong. Còn nếu như nhà vua không hợp với lòng dân thì “phép vua thua lệ làng” việc gì cũng hỏng.

Như Hội nghị Diên Hồng thà chết không hòa.

Như cải cách giáo dục tại Việt Nam trước năm 1945. Khi vua Thành Thái ra sắc lệnh theo tân học dùng chữ Quốc ngữ các thầy đồ ở thôn quê đồng loạt tuân theo dạy chữ Quốc ngữ cho con em nông dân và khuyến khích nông dân cắt tóc ngắn theo tân học…

Nông thôn thời đó thay đổi rất nhanh và cũng nhờ thế mà phong trào Việt Minh Cộng Sản đã nhanh chóng cướp được chính quyền khi Nhật đầu hàng Đồng Minh.

Văn hóa Cách mạng Xã hội chủ nghĩa

Năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung Hoa thắng cuộc, tình hình miền Bắc Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi.

Đến năm 1952 Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu phóng tay phát động Cải cách Ruộng đất với chủ trương “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, toàn miền Bắc ngập trong máu và nước mắt nông dân.

Đa số những người giàu có ở nông thôn đã rời lên thành phố tránh chiến tranh. Khi chỉ tiêu 5% dân số là địa chủ được đưa ra thì thầy giáo, nông dân và những người có văn hóa ở nông thôn là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Văn hóa tiểu nông bị xóa bỏ được thay thế bằng văn hóa cách mạng nhập cảng từ Trung Hoa.

Văn hóa cách mạng tôn thờ lãnh tụ, trung thành với tổ chức, trung ương tập quyền và độc quyền lãnh đạo, là hồng hơn chuyên, là tuyên truyền ngụy biện phản khoa học…

Khi biến thái văn hóa này kết hợp quyền lực và quyền lợi biến thành các nhóm lợi ích chỉ biết đến quyền và tiền.

Văn hóa mới cần phải có con người mới. Lớp người mới thấm nhuần văn hóa cách mạng ở nông thôn được ồ ạt đưa vào chính quyền, được đưa vào ngành giáo dục, được đưa lên thành thị.

Hầu hết người thành thị tránh công sản di cư vào Nam. Lớp người mới xã hội chủ nghĩa mang những thói quen từ thôn quê lên thành thị biến thành phố ra nông thôn.

Hà Nội ngàn năm văn vật biến thành Hà Nội vạn vật. Nhà nhà nuôi chó, nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt để ăn thịt và để tăng gia sản xuất. Hải Phòng, Vinh và các thành phố lớn cũng chịu chung số phận.

Xã hội miền Bắc đảo lộn từ nông thôn đến thành thị. Văn hóa mang màu sắc Bắc Kinh ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục, nghệ thuật, văn nghệ, chính trị, tư tưởng, quân đội… nói chung là toàn xã hội miền Bắc.

Tầng lớp người mới này được đưa sang Trung Hoa, Liên Xô, Đông Âu du học trở thành tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa.

Mà xã hội chủ nghĩa là cái chi chi đến nay chưa ai rõ nên bao thế hệ trí thức xã hội chủ nghĩa miền Bắc cứ thế nhắm mắt mà đi, sai đâu sửa đó càng sửa càng sai.

Bởi thế thực hiện quản trị kiểu cuốn chiếu, không đâu vào đâu, lãng phí, gian dối, thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm, thiếu lãnh đạo có tâm có tầm… thì không chỉ riêng trong ngành giáo dục mà là phương cách quản trị ngày nay.

Phương cách quản trị đất nước này xuất phát từ văn hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa không có chút tư duy tiểu nông tí nào.

Nông dân vốn bản tính làm đâu ra đó, sẵn sàng nhận trách nhiệm, không gian dối, ăn chắc mặc bền, quý trọng từng hạt gạo cộng rơm, tôn trọng của công, lo chuyện làng xã, tôn trọng quy ước và lãnh đạo làng xã…

Không hiểu cái gì cũng đổ lỗi cho ông bà coi chừng bị ông bà quở chết.

Bà Chủ tịch Quốc hội nói gì về giáo dục?

Trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 13/09/2018 Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn bắt đầu bằng lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!…”

Báo Lao Động nói rõ hơn về ý kiến của bà Chủ tịch Kim Ngân như sau: “Tôi thấy rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây đã 50, 60 năm nhưng kiến thức không quên điều gì. Tất cả các bài từ vỡ lòng vẫn nắm chắc. Trong đó, 3 tháng hè chúng tôi vẫn được nghỉ trọn vẹn. Học sinh hiện nay không có 3 tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi…”

Bà Kim Ngân không nói rõ là trước đây học sinh chỉ học 1 buổi, hoặc sáng hay chiều. Không như ngày nay các em phải học cả ngày. Ở thành phố thích học thêm hội họa, võ thuật, nhạc,… cha mẹ cho học thêm không gò ép.

Bà Kim Ngân vốn xuất thân là nông dân, cả cha mẹ đều theo cộng sản, chính quyền miền Nam biết rõ nhưng không phải vì thế mà đối xử thiếu công bằng với bà.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Việt Nam Cộng hòa từng cho biết: “chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường”.

Bà học xong Trung học rồi vào Đại học Văn khoa Sài Gòn nhờ vậy ngày nay bà mới hiểu rõ nên nay đứng trước Quốc hội mới tỏ bày sự luyến tiếc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa.

Việc bà Kim Ngân so sánh chẳng khác nào phủ nhận con đường “Bi đác” Xã hội chủ nghĩa, và biểu lộ tư tưởng về nguồn lấy nền tảng triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng làm căn bản.

Trên trang Báo Mới bà Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân còn cho biết: “Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết”.

Nghĩ thật buồn các em ngày nay không hiểu biết về địa lý về sử ký Việt Nam thì làm sao biết được cội nguồn mà tìm về.

Làm toán mà đặt sai vấn đề thì đáp số đương nhiên là sai.

Làm nhân văn xã hội mà nhìn sai vấn đề thì xã hội ngày càng loạn.

Cách nhìn, cách đánh giá khi so sánh thể chế giáo dục Bắc Nam của bà Kim Ngân là cách nhìn đúng đắn, rất khoa học rất đáng khuyến khích.

Cũng là người Việt Nam, cũng thoát khỏi sự cai trị của người Pháp, cùng chịu chiến tranh mà tại sao miền Nam thành công cho đến nay cả người theo cộng sản còn luyến tiếc. Còn miền Bắc càng cải cách càng lún sâu vào khủng hoảng.

Bấy lâu nay tôi rất áy náy khi nghe nói đến cụm từ “tư duy tiểu nông”, nhân cơ hội mới được tỏ bày nếu có điều chi chưa đúng hay chưa rõ rất sẵn lòng đón nhận ý kiến và trao đổi.

Còn muốn có “một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội”. như băng khăng của nhà toán học Hoàng Tụy thì phải trả ngay lại quyền cho người dân chọn lựa.

Vì sao chúng ta nên ủng hộ dân chủ?

Hết sức đơn giản vì nếu ông Tổng thống và Nội các của ông ấy không làm tròn nhiệm vụ như lời hứa hẹn thì chỉ trong vòng 4 năm người dân sẽ đuổi ông ta khỏi chính quyền trao quyền cho người khác thực hiện.

Vì giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng ai, muốn thực hiện tốt ông ấy phải thăm dò ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn, của Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, của các thầy cô khác, của phụ huynh học sinh và nhất là của người dân trong và ngoài nước để đưa ra và thực hiện những chính sách khả thi nhất trong hoàn cảnh đất nước.

Có dân chủ Việt Nam mới thoát khỏi cách quản lý độc quyền thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm sai lại sửa càng sai càng sửa đất nước trải qua mấy chục năm nay.

Các thế hệ con em chúng ta không còn bị biến thành khỉ vì giáo dục kiểu hiện nay (lời của Giáo sư Hồ Ngc Đại) hay không bị biến thành “chuột bạch” tiếp tục bị mang ra làm thí điểm cho Công nghệ giáo dục.

Không con đường nào khác hơn Việt Nam phải tiến tới dân chủ tự do.

Melbourne, Úc Đại Lợi

Nhân tiện cũng xin giới thiệu cùng các bạn 3 bài viết cũ về Giáo Dục thời Việt Nam Cộng Hòa

Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc? Nguyễn Quang Duy

https://conghoathoibao.com.au/…/giao-duc-vn-co-sua-hay-tro…/

Cần tư thục hóa giáo dục Việt Nam. Nguyễn Quang Duy

https://conghoathoibao.com.au/…/can-tu-thuc-hoa-giao-duc-v…/

Ưu việt của giáo dục miền Nam. Nguyễn Quang Duy

https://conghoathoibao.com.au/…/uu-viet-cua-giao-duc-mien-…/

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

THỰC NGHIỆM GÌ THỰC NGHIỆM 40 NĂM





Việt nam vào kỳ đột biến
dị năng chưa thấy dị tật đã đầy
bà Chủ tịch nói rất hay (*)
" thực nghiệm gì 40 năm" còn nằm !


Dân ta vốn chẳng có lầm
quan thời hơn hẳn bác bần cố nông
Đảng ta trên dưới một lòng
đưa bà Chủ tịch lên đồng dạy dân


"Thực nghiệm gì thực nghiệm 40 năm"
Tham nhũng gì tham nhũng hà rằm
dân ta vốn chẳng có lầm
nên nhờ đảng cử bà đầm khôn ngoan


Việt Nam vào kỳ đột biến
dị năng chưa thấy dị tật đã đầy!



Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Ý NHI trên chiếc dây căng qua khoảng trống





Nữ sĩ Ý Nhi năm nay đã bước vào tuổi 74, mỗi ngày vẫn tự tay chăm sóc mảnh vườn trong khuôn viên tư gia thoáng mát tại quận Gò Vấp – TPHCM. Lặng lẽ và thong dong, nữ sĩ Ý Nhi đi qua hành trình thi ca của mình một cách ung dung, không màng những bon chen danh vọng và thị phi “làm sao biết được/ phía trước kia là biển, là rừng, là lũng sâu hay đầm lầy/ nhưng dù sao/ phải đi đến cùng con đường ta đã chọn/ dù phải đi/ như người nghệ sĩ trên chiếc dây căng qua khoảng trống…”.







Ý NHI TRÊN CHIẾC DÂY CĂNG QUA KHOẢNG TRỐNG


LÊ THIẾU NHƠN


Nữ sĩ Ý Nhi quê gốc Quảng Nam. Lý lịch của chị không thể không nhắc hai yếu tố, thân phụ là giáo sư Hoàng Châu Ký và phu quân là giáo sư Nguyễn Lộc. Thế nhưng, cuộc đời của chị đã gắn bó với thơ và được định đoạt bằng thơ. Sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội, nữ sĩ Ý Nhi bước vào làng thi ca và được đón nhận ngay từ những tác phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, thơ Ý Nhi không mấy phổ cập đối với giới công chúng yêu thích vần điệu du dương và ngôn ngữ tha thướt. Trong nửa thế kỷ làm thơ, nữ sĩ Ý Nhi từng ngày rời xa những ẩn dụ bóng bẫy và những ngữ vị diêm dúa, nên chị càng tách khỏi đám đông hào hứng ngâm vịnh. Tính đại chúng của thơ Ý Nhi chỉ thể hiện qua hai ca khúc được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc dựa trên thơ chị là “Romance 1” và “Trong ánh chớp số phận”


Ca khúc “Romance 1” lấy ca từ gần như đầy đủ từ bài thơ “Vườn 1” của nữ sĩ Ý Nhi: “Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn/ em muốn trốn vào sự bình yên/ em muốn trốn sâu mãi/ sâu mãi vào tình yêu của anh/ Đôi lần/ em nhìn tán cây mà ứa nước mắt/ vì màu xanh/ Đôi lần/ em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt/ vì sự trong trẻo/ Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ/ vì bông hoa trắng như giọt lệ/ vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè…/ Rồi em muốn được ra đi như thế/ ra đi mà tràn đầy biết ơn/ ra đi/ mà trên đôi mi đã khép/ còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan”. Ca khúc “Trong ánh chớp số phận” sử dụng chủ yếu một đoạn trong bài thơ “Năm lời cho bài hát” của nữ sĩ Ý Nhi: “Trong ánh chớp của phận số/ em đã kịp nhìn thấy anh/ Trong vòng quay không ngừng nghỉ của phận số/ em đã dừng lại đúng nơi anh/ ôi thời khắc huy hoàng/ Em lặng lẽ nói cười/ lặng lẽ nát tan/ em thành lá, thành sương, thành lửa/ Em lặng lẽ gọi kêu/ lặng lẽ cầu xin/ lặng lẽ chờ mong, lặng lẽ vỡ òa thành lệ…”. Và thật thú vị, nhạc sĩ Phú Quang chứng tỏ là một độc giả am tường thơ Ý Nhi khi cộng thêm vào ca từ của “Trong ánh chớp số phận” hai ý trong bài thơ “Viết nhân một câu thơ” có thay đổi chút ít, câu thơ “quỳ đã nở vàng ngoài dậu” thành câu hát “hàng dậu ấy hoa quỳ vàng đã nở”, còn câu thơ “xe cấp cứu đang chạy qua thành phố” thành câu hát “xe cấp cứu đang rúc còi đó chăng”.


Nếu không tính tập thơ “Nỗi nhớ con đường” in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ và tập thơ “Cây trong phố chờ trăng” in chung với Xuân Quỳnh, thì nữ sĩ Ý Nhi xác lập sự nghiệp thi ca từ tập thơ “Đến với dòng sông” xuất bản năm 1978. Có một giai đoạn, nữ sĩ Ý Nhi cũng theo đuổi những câu thơ khuôn thước và lấp lánh như “Những cơn mưa báo rét/ Bay mờ cả dốc dài” hoặc “Sau mỗi cung đường biển oà lên bất chợt/ Sóng ngời ngời ánh mắt trẻ thơ” hoặc “Ngã ba sông buổi ấy bình yên/ Màu nước đỏ dường như nhạt lại/ Con thuyền mỏng như mảnh trăng nằm đợi/ Cây bên bờ cây còn chưa biết tên”. Nếu tiếp tục lối viết ấy, nữ sĩ Ý Nhi cũng có thành tựu nhất định, bởi lẽ ở chị luôn có sự ngổn ngang và rối bời của một người đàn bà nhạy cảm “Đã bao lần nhớ đến tán cây kia/ Tôi tìm gặp một chút gì yên tĩnh/ Một chút gì chở che thương mến/ Trong nắng nôi bão gió của đời mình” hoặc “Có điều gì đã vỡ nát trong ta/ Đang kết lại dưới mặt trời như muối trắng/ Bài ca đã lãng quên bỗng thốt lời thương mến/ Như thể là gió biển hát qua môi”. Một phẩm chất không thể phủ nhận ở nữ sĩ Ý Nhi là sự tinh tế, để có thể chọn và đưa những khoảnh khắc chênh chao vào thơ: “buồm thẫm nâu trong chiều muộn chợt về/ hoa cúc trắng tần ngần qua các phố”.


Thơ Ý Nhi bắt đầu thay đổi từ khi nào? Vì sao chị khước từ những nhịp nhàng trầm bổng để dịch chuyển thơ về phía định dạng những câu nói gần gũi đời thường? Nữ sĩ Ý Nhi cho rằng, nhờ chị đã viết được bài thơ có tính mở cửa thẩm mỹ trong suy tư: “Đó là “Người đàn bà ngồi đan”, bài thơ mà mọi người thường nhắc đến. Mỗi thời sẽ nhìn bài thơ theo cách của mình, nhưng ở thời điểm ra đời, tôi cho rằng bài thơ có vai trò quan trọng. Đó là bước thay đổi của chính tôi và một phần nào đó ảnh hưởng đến sự thay đổi của thơ Việt Nam, vì bài thơ mang giọng điệu hoàn toàn mới. Trước đó, thế hệ nhà thơ chống Mỹ trong chiến tranh đề cao con người công dân hơn con người cá nhân. Những người trẻ chắc không hiểu hết được nhưng khi đó, bao trùm không khí là tinh thần chiến đấu quả cảm, của niềm vui chiến thắng. Tinh thần này cũng chiếm lĩnh thơ. Nhưng sau đó, khoảng năm 1983, 1984, cuộc sống có nhiều thay đổi, thơ cũng thay đổi. Con người ta bắt đầu nói đến con người cá nhân, tâm trạng cá nhân. Không còn những tình cảm đồng nhất, một chiều. Thơ có tính nước đôi: vui và buồn, hạnh phúc và đau khổ, cô đơn và hòa đồng... Có thể nói là một giọng thơ khác, rất quan trọng với tôi!”.


Bài thơ “Người đàn bà ngồi đan” được nữ sĩ Ý Nhi sáng tác tháng 1-1984. Cả bài thơ không có ý nào tài hoa, cũng không có câu nào đột phá, nhưng dắt người đọc vào một không gian thơ bồi hồi và khó quên:
Người đàn bà ngồi đan
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
Không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực
Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi”.


Sau bài thơ “Người đàn bà ngồi đan”, nữ sĩ Ý Nhi tung tẩy trong phương pháp sáng tạo khác. Chị nhìn vào tâm hồn mình bằng cách chú giải về những nghịch lý trên cuộc đời. Chị tự thú: “Tôi là đứa trẻ muốn kêu to lên để nghe thấy lời mình trong biển/ là người đàn bà tìm về kết cục/ tôi đang đứng kề bên cái vạch nhỏ xíu/ của thủy chung và phản trắc, của tan vỡ và hy vọng, của hằn thù và tha thứ”, đồng thời chị chấp nhận: “Đôi khi ta như người leo núi rủi ro/ không phải vì kém cỏi/ không phải vì thiếu can đảm/ nhưng mà núi lở/ nào ai có thể bám vào khoảng không”. Với thái độ ấy, nữ sĩ Ý Nhi nhanh chóng phát hiện sự thật “thi đàn hôm nay/ chật ních những kẻ bất tài, những kẻ lỗi thời/ họ giống như những người đàn bà không biết mình đã qua thì xuân sắc/ cứ tô vẽ nói cười, dở mọi trò ngạo ngược”. Và then chốt là chị nhận điện được trách nhiệm của một người cầm bút trước được mất của những người xung quanh, trước khuất chìm của cộng đồng còn bao nhiêu mệnh kiếp gieo neo sau cuộc chiến tranh dai dẳng chia lìa: “Những người đàn bà gánh trên vai hàng chục cái tang/ Những đứa sơ sinh chỉ một mình sống sót/ Những người yêu cách xa biền biệt/ Những cụ già trơ trọi chẳng cháu con/ Là người giữ bài ca qua suốt tháng năm, qua tất cả mọi vui buồn bão sóng/ Dù chỉ một lần bước trên cát nóng/ chỉ một lần hiểu thấu khúc ca kia/ Suốt đời tôi chẳng thể bao giờ/ đặt bút viết những điều dối trá”.


Tách khỏi dàn đồng ca thơ thánh thót, thơ đãi bôi, thơ thù tạc, thơ tán tụng, thơ tâng bốc, nữ sĩ Ý Nhi dĩ nhiên bơ vơ hơn và cô độc hơn. Nữ sĩ Ý Nhi lắm phen tự vấn: “Tôi không ưa đồ trang sức/ kể cả nhẫn, vòng và các chức danh/ Tôi rất ít bạn/ đôi khi tôi mất họ vì một lẽ nào đó/ ngoài 30 tuổi tôi không tìm thêm bạn mới/ và không thường giao du với các đồng nghiệp…/Tôi ngại các tiệc vui/ nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến những người xung quanh tôi vui sướng/ và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng”. Đã mang lấy nghiệp vào thân, nữ sĩ Ý Nhi không trách trời gần lẫn trời xa, mà nhẹ nhõm với niềm riêng: “Tôi làm ra bài ca/ tự mình tôi hát/ tự mình khổ đau/ tự mình hạnh phúc/ tôi một mình lặng bước tới trùng khơi”. Trong nỗi âm thầm kiêu hãnh, nữ sĩ Ý Nhi thừa mạnh ưu điểm bản thân “chỉ có những ý nghĩ như lửa dưới vòm xanh trầm lặng”, nên chị tìm sự tự do một cách thanh cao và tìm sự giản dị một cách quyết liệt: “Không ai trói buộc/ không ai gông cùm/ không ai đánh đập/ không ai chửi mắng/ sao ta sống như trong lồng cũi?”. Chị giải quyết câu hỏi về lương tri người làm thơ giữa “Ngày thường” với sự đắn đo cần thiết: “Tôi cầm những đồng tiền lẻ/ như nhà thơ cầm giữ từ ngữ/ Những đồng tiền nhàu nát/ như những từ ngữ đã được dùng bao thế kỷ/ Tôi tính cách tiêu tiền/ khó khăn như nhà thơ tìm thi tứ”.


Nữ sĩ Ý Nhi trước và sau “Người đàn bà ngồi đan” có sự thay đổi rõ rệt về bút pháp. Năm 1975, chị đã “Viết cho con trên đường công tác” những câu lục bát: “Mẹ đi xa mấy dặm đường/ Bao nhiêu cảnh lạ vẫn thường có con/ Giấc lành con ngủ cho ngon/ Nghìn đôi mắt lá mãi còn xanh nguyên” thì hơn 20 năm sau chị lại nhủ thầm “Tập làm lục bát” trong tập thơ “Vườn” in năm 1998: “Biển xa sóng trắng như mây/ sông gần nước đã dâng đầy màu xanh/ ngủ đi anh, ngủ đi anh/ em xin cho giấc ngọt lành đêm nay”. Còn ở mảng thơ tài, một nữ sĩ Ý Nhi trong tập “Đến với dòng sông” in năm 1978 rạo rực “Em đã đợi chờ anh suốt cuộc đời mình/ Như đá xám chờ tay người tạc tượng/ Sông khô cạn chờ mùa mưa lớn/ Cây giữa rừng đợi ánh mặt trời lên” được thay thế bằng một nữ sĩ Ý Nhi trong tập “Mưa tuyết” in năm 1991 ân cần: “Xin anh/ trong niềm vui/ nhớ đến em/ Xin anh/ trong nỗi buồn/ chia sẻ cùng em/ Xin anh/ mãi như em đã gặp/ đã yêu/ đã luôn chờ đợi/ Xin anh/ hãy yêu/ và tha thứ”.



Thơ Ý Nhi khước từ mọi kỹ nghệ đánh bóng chữ nghĩa, nên nhiều bài thơ chỉ cần chị không chú ý đến nhạc tính thì trở nên thô cứng. Một hạn chế nữa ở thơ Ý Nhi là những tựa đề đôi lúc quá đơn sơ, chỉ đặt tên như một thủ tục bắt buộc, nên chẳng giúp ích được gì cho độc giả trong quá trình mở rộng biên độ cảm xúc khi tiếp cận bài thơ. Ngược lại, trong nhiều trường hợp, chị chủ động ngắt nhịp câu thơ để hiệu quả diễn đạt cao hơn./.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Đạo văn kiểu Tây khác gì đạo văn kiểu Ta?






Nhà văn Anh - Ian McEwan bị cáo buộc đã sử dụng hồi ký của một nữ cựu y tá và tác giả của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Lucilla Andrews, khi viết cuốn “Đền tội”. Mặc dù trong lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của mình, ông đã ghi xuất xứ từ cuốn hồi ký của Andrews! Nhiều tác giả lớn đã lên tiếng bênh vực McEwan, kể cả nhà văn vừa đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro. Nhà văn Úc Thomas Keneally, tác giả cuốn sách được chuyển thể thành phim “Bản danh sách của Schindler” nói về vụ này như sau: "Tác phẩm văn học được xác định bởi giá trị của sự gia tăng chất lượng mà tài liệu thô trong tay nhà văn mang lại, tôi tin rằng những gì McEwan đã bổ sung cho nguyên bản không khiến ai nghi ngờ".





Quan niệm việc đạo văn trong lịch sử văn học thế giới


TRẦN HẬU


Khi bàn về nạn đạo văn trong các công trình khoa học, mọi chuyện tương đối đơn giản: bất cứ trích dẫn nào cũng phải được trình bày đúng, còn tính mới khoa học của tác phẩm phải được chứng minh rõ ràng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nói về tác phẩm văn học, về quyền tác giả đối với việc xem xét lại kinh nghiệm của người khác và tác phẩm của người khác? Trong cuốn sách của mình “Viết như Tolstoy”, nhà báo Mỹ Richard Cohen phân tích các thủ pháp và mánh khóe của nhà văn, và một trong những mánh khóe ấy được ông gọi là đạo văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Có phải bao giờ đạo văn cũng bị xử tệ?
Ngay trong thời cổ đại, các triết gia Hy Lạp đã khẳng định rằng nghệ thuật luôn luôn là sự bắt chước một cái gì đấy lý tưởng đã tồn tại. Sáng tác các vở kịch về những đề tài thần thoại nhất định để hàng năm trình diễn chúng trong các lễ hội, rõ ràng các nhà viết kịch cổ đại không thể tránh khỏi sự lặp lại và vay mượn trực tiếp. Thời La Mã cổ đại, sự sao chép và cải biên các kiệt tác được coi là một công việc hoàn toàn bình thường. Terence, Horace, Ovidius và Cicero không hiếm khi sao chép các tác phẩm của người khác.
Nhà viết kịch thời đại Baroque Lope de Vega đã sáng tác hơn 200 vở kịch. Lúc bấy giờ, nhà hát là nơi giải trí chủ yếu của nhân dân, trong vài ngày phải hoàn thành một vở kịch mới, vì khán giả không muốn xem những gì vừa diễn tuần trước, Lope de Vega và các đồng nghiệp của ông buộc phải xào xáo các vở kịch của mình, vay mượn các cốt truyện, nhân vật và lời thoại, làm cho các tình tiết trở nên ly kỳ để tạo ra cảm giác mới mẻ. Và dĩ nhiên, không ai nghĩ tới việc phê phán Shakespeare vì ông đã mượn câu chuyện về Cleopatracủa Plutarchus mà không trích dẫn xuất xứ. Điều chủ yếu là ông đã làm điều đó một cách tài tình.
Việc soạn lại cốt truyện khác đã thúc đẩy sự phát triển của nền văn học các dân tộc. Trên thực tế, toàn bộ nền văn hóa vay mượn đều xuất phát từ hình thức sơ đẳng nhất của đạo văn (sao chép không ghi rõ nguồn gốc), đó là khi một tác giả trích dẫn một tác giả khác, nhưng kín đáo đến mức chỉ những độc giả dày dạn kinh nghiệm mới phát hiện ra. Vì vậy một thời gian dài, kỹ năng đạo văn một cách thông minh và khéo léo được coi như một phẩm tính của nhà văn tài giỏi.
Mark Tvain cũng nói rằng: “99% những gì tạo ra trí tuệ của chúng ta là đạo văn - dưới dạng thuần túy và sơ khai của nó”.
Xin cho biết danh mục tài liệu tham khảo của bạn
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là giai đoạn xem xét lại khá cơ bản đạo văn như một hiện tượng. Số lượng tác phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, nguồn tài liệu có thể tiếp cận khắp nơi, và người ta đạo văn cũng nhiều, hơn nữa, không cần phải thật khéo léo. Trong khoa học, đã xuất hiện các phần mềm máy tính đặc biệt phát hiện đạo văn. Trong giới văn học, cuộc tranh luận về sự vay mượn đã chuyển sang hình thức kiện tụng, còn các nhà văn phải trả giá cho những vụ tai tiếng công khai bằng những tổn thất về danh tiếng (nghĩa là tiền bạc).
Trong cuốn sách bán chạy của Stephen Ambrose “Tầng cao xanh” nói về các phi công quân sự, người ta tìm thấy những đoạn văn dài chép từ một cuốn sách lịch sử, không ghi rõ xuất xứ. Về sau, đạo văn được phát hiện trong những cuốn tiểu thuyết trước đó của tác giả. Ambrose quả quyết rằng chỉ một phần nhỏ các tác phẩm của ông được sao chép của những người khác, nhưng ông không thể phục hồi danh dự.
Một vụ tai tiếng khác xảy ra với nhà văn Anh Ian McEwan, một trong những tác giả thành công nhất của nền văn xuôi đương đại. Ông bị cáo buộc đã sử dụng hồi ký của một nữ cựu y tá và tác giả của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Lucilla Andrews khi viết cuốn “Đền tội”, mặc dù trong lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của mình, ông đã ghi xuất xứ từ cuốn hồi ký của Andrews! Nhiều tác giả lớn đã lên tiếng bênh vực McEwan, kể cả nhà văn vừa đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro. Nhà văn Úc Thomas Keneally, tác giả cuốn sách được chuyển thể thành phim “Bản danh sách của Schindler” nói về vụ này như sau: "Tác phẩm văn học được xác định bởi giá trị của sự gia tăng chất lượng mà tài liệu thô trong tay nhà văn mang lại, tôi tin rằng những gì McEwan đã bổ sung cho nguyên bản không khiến ai nghi ngờ".
Rõ ràng, đó là phẩm chất chủ yếu phân biệt nhà văn với một kẻ đạo văn. Cả hai đều ăn cắp, nhưng nhà văn trả lại một cái gì đó lớn hơn. Nghĩa là, nhà văn được phép làm điều đó? Tuy nhiên, càng ngày sự tồn tại của Luật Bản quyền tác giả và cơ hội nhận được thu nhập từ văn học càng lớn đã đánh mất của nhà văn sự tự do sử dụng các tài liệu xuất xứ. Và thật khó nói một cách rõ ràng tự do này kết thúc ở đâu?
Cuộc đời người khác như nguồn một tài liệu
Vấn đề đạo văn liên quan tới không chỉ trách nhiệm pháp lý của tác giả mà cả trách nhiệm đạo đức. Việc sử dụng tác phẩm của người khác không được phép có thể gây ra thiệt hại đạo đức hoàn toàn cụ thể. Sau đây là một số ví dụ.
Năm 2004, khi nghiên cứu về những tên giết người hàng loạt, theo lời khuyên của bạn bè, nhà tâm thần học Dorothy Lewis đã đọc kịch bản của một vở diễn của nhà hát Broadway, và Dorothy phát hiện ra mình là nhân vật chính trong một tác phẩm của người khác. Kịch bản cũng nói về một nhà nữ tâm thần học, tuy nhiên, bà ta không chỉ nghiên cứu về những kẻ giết người hàng loạt mà thậm chí đã đem lòng yêu một tên trong đó. Tác phẩm đầy những chi tiết tiểu sử và trích dẫn lấy từ bài báo về Lewis.
Nhà viết kịch Anh Bryony Lavery, tác giả kịch bản thừa nhận với nhà báo rằng đã sử dụng bài viết của anh ta trong kịch bản của mình: “Tôi nghĩ rằng có thể thanh thản sử dụng tài liệu đó. Thậm chí tôi không nghĩ rằng phải xin phép bạn, tôi cho rằng đó là tin tức”. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp tác giả thực sự làm tăng giá trị của bản gốc, thì giải quyết thế nào với nỗi đau mà anh ta đã gây ra cho nguyên mẫu? Liệu tác giả có chịu trách nhiệm về những lo âu, dằn vặt ấy không? Điều gì sẽ xảy ra nếu một số khán giả của vở kịch sẽ suy nghĩ và kể lại với những người khác rằng Dorothy Lewis quả thật là tình nhân của kẻ giết người hàng loạt kia?
Việc khai thác các hình tượng và cốt truyện từ những tin tức và chuyện tiếu lâm nói chung là một kỹ năng quan trọng của nhà văn đối với lịch sử văn học thế giới. Rất có thể, chúng ta sẽ không được đọc “Bà Bovary” nếu như sinh thời Gustave Flaubert không nghe được câu chuyện Delphine Delamare đã phản bội chồng và tự tử. Đơn giản là thông thường chúng ta không coi tình huống này là đạo văn, vì chúng ta không quan tâm: liệu những người thân của Delamare có băn khoăn về việc nhà văn mô tả họ như thế không; và nói chung, họ có muốn những câu chuyện này trở thành cơ sở của các tác phẩm hay không?
Các nhà văn cổ điển cũng không thoát khỏi búa rìu dư luận khi sử dụng “tài liệu sống”. Ví dụ, Thomas Mann đã phải xin lỗi nhà viết kịch Gerhart Hauptmann. Không, Mann không sử dụng tài liệu từ các vở kịch của Hauptmann. Ông sử dụng chính Hauptmann, lấy những đặc điểm của nhà viết kịch gán cho một trong những nhân vật của mình trong tiểu thuyết “Ngọn núi phù thủy”.
Cuốn tiểu thuyết tự truyện “Hãy nhìn ngôi nhà của mình, Thiên thần” của nhà văn Mỹ cổ điển Thomas Wolfe đã gây tai tiếng thực sự tại thị trấn Asheville quê hương của nhà văn. Các cư dân ở đây phát hiện ra mình trong các nhân vật của cuốn sách, họ tức giận vì tác giả viết nhiều điều quá lộ liễu về họ; thậm chí họ nhớ cả những cảnh mà Wolfe đã bịa ra.
Wolfe nhận được những bức thư trách móc, xúc phạm, thậm chí đe dọa, nhiều năm sau ông không dám trở về thị trấn của mình. Cuộc trục xuất tạm thời này là một hình phạt nặng nề, cay đắng và bất công đối với ông. Bởi ông mong muốn điều tốt đẹp chứ hoàn toàn không có ý định vu khống ai hết.
Ông bố của nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie cũng phản ứng như vậy, khi lần đầu tiên đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Những đứa trẻ lúc nửa đêm” và phát hiện ra ở đấy nguyên mẫu văn học của mình. Mặc dù là một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp, bức chân dung trào phúng của một kẻ nát rượu cũng khiến ông nổi giận.
Câu chuyện cuối cùng chúng tôi kể kết hợp tất cả những hình thức đạo văn nói trên: đó là cùng một lúc nhà văn vừa sử dụng bất hợp pháp tác phẩm, vốn sống của người khác vừa thâm nhập vào bí mật đời tư người thân của mình. Chẳng bao lâu sau khi F. Scott Fitzgerald cưới Zelda Sayre, cuốn nhật ký cũ của bà bị mất tích bí ẩn. Thế rồi hai năm sau, bà bỗng phát hiện ra trong cuốn tiểu thuyết mới của chồng “Đẹp và đáng nguyền rủa” một đoạn chép từ cuốn nhật ký bị đánh mất của bà! Mà không chỉ thế, phu quân của bà còn đưa vào tiểu thuyết một số câu trong các bức thư của bà.
Fitzgerald sử dụng thủ pháp này nhiều lần, nhưng một lần Zelda đã trả thù ông. Vốn là một nhà văn, năm 1932, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết “Hãy cứu tôi, bản nhạc valse”, trong đó bà mô tả tỉ mỉ cuộc sống riêng của họ. Trò nghịch ngợm này đã thành công: Scott nổi cơn thịnh nộ, mặc dù thực ra ông ta xứng đáng phải nhận điều đó.
Nghề văn là như vậy: những cuốn sách khác, ý tưởng khác, cuộc đời khác – tất cả đều là nguyên liệu đối với tác giả. Và cho dù điều đó làm phật lòng các đồng nghiệp hay người thân, có lẽ, độc giả sẽ tha thứ tất cả. Tất nhiên, trong trường hợp đó là một cuốn sách hay.







Nguồn: Văn Nghệ Công An

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Nguyên tắc chính của ngữ âm là một âm ứng với một ký tự, nhưng cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại vi phạm hoàn toàn.




Mấy ngày nay tôi nghe các phản biện về cách học Tiếng Việt theo chương trình sách công nghệ. Với tư cách phụ huynh có con sắp bước vào năm học đầu tiên bậc tiểu học, tôi cũng không muốn con học theo chương trình này, bởi các lý do.


Thứ nhất, tôi muốn nói về cách dùng hình vuông, tròn, tam giác… Mục đích thứ nhất là đếm tiếng trong câu. Điều này là không cần thiết với Tiếng Việt. Trong Tiếng Anh có rất nhiều tiếng đa âm. Ví dụ “computer” bao gồm ba âm. Ngoài ra họ còn âm gió, âm câm… Vì một từ có thể đa âm nên họ nói rất nhanh trong giao tiếp dẫn đến khó nghe, nghe nhầm. Chưa kể cách đọc các âm còn phụ thuộc vào trọng âm (trọng âm rất quan trọng trong tiếng Anh). Vì vậy, cách phân tách các từ thành từng âm rất phù hợp để người học không bỏ sót âm trong từ và dễ dàng trong việc xác định trọng âm.





Nhưng với Tiếng Việt thì không có bất cứ từ đa âm nào. Các từ ghép cũng là ghép từ từ đơn âm và cách nhau rõ ràng bằng khoảng trắng. Như vậy bản thân cách viết Tiếng Việt là rõ ràng, không thể nhầm từ, bớt hay bỏ qua âm được. Sinh ra các hình tượng trưng làm lãng phí chi phí in ấn, bắt học sinh nhớ thêm khái niệm “vật thật”, “vật ảo” trừu tượng mà không dùng để làm gì trong thực tế.


Kể từ khi trẻ biết nói, rồi 2-3 năm mẫu giáo, việc đọc tiếng đã không còn là vấn đề với trẻ. Chưa nói hiện nay rất nhiều trẻ đã qua giai đoạn nghe tiếng (các bé có thể học thuộc rất nhiều bài hát, thơ, truyện) và còn học chữ ngay từ mẫu giáo nên giáo dục tiểu học nên bắt đầu ngay với việc học chữ, chứ không nên quá chú trọng vào kỹ năng nghe, đọc vẹt nữa.


Mục đích thứ hai khi dùng các hình vuông, tam giác, tròn… để tách các vần trong từ (tách nguyên âm và phụ âm) cũng là không cần thiết vì kể cả học theo cách cũ thì học sinh cũng học từ chữ cái trước rồi đến ghép vần. Trong đó chỉ rõ phần nguyên âm và phụ âm, sau đó đánh vần từng phần để ghép thành từ. Các cháu hoàn toàn có thể phân biệt được đâu là nguyên âm hay phụ âm và các phần của từng từ.




Thứ hai, với cách đánh vần c, k, q đều đọc là “cờ” và gi, d, r đều đọc là “dờ”, tôi thấy làm mất đi sự phong phú của Tiếng Việt và vô lý. Nguyên tắc chính của ngữ âm là một âm ứng với một ký tự. Cách của GS Hồ Ngọc Đại vi phạm hoàn toàn nguyên tắc cơ bản này khi một âm được thể hiện bằng ba ký tự khác nhau. Việc đồng âm gây nhiều khó khăn cho việc học viết (ta cứ vào vùng ngọng l, n mà xem, họ không những không phân biệt nổi l, n khi nghe người khác nói mà còn đa số sẽ viết sai hai vần này. Trong thực tế tại nơi tôi ở học sinh bắt đầu phải hỏi lại khi nghe để viết rằng dùng cờ hay cờ ca, cờ quy).





Nếu đều đồng âm là “cờ” thì khi đọc các từ c, k, q và khi viết cùng nhau ta sẽ đọc như thế nào? Qua nhiều thế hệ ta sẽ không có cách nào đọc nổi khi không còn khái niệm đọc thứ hai là “ca”, “quy” nữa. Nếu không đọc theo âm mà đọc theo tên chữ thì tạo rắc rối cho học sinh lúc đọc âm, lúc đọc tên chữ.


Hơn nữa, Tiếng Việt cũng có một quy tắc đơn giản nhất là đọc sao viết vậy. Tiếng Việt vì vậy còn không cần phân biệt tên chữ với âm đọc. Cái hay nhất của việc này là không cần kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ, cách đọc và viết cùng thống nhất. Đọc xong là viết được ngay không cần thêm quy tắc gì đi kèm. Cách của GS Hồ Ngọc Đại đã bỏ quy tắc phổ quát nhất này để sáng tạo ra các quy tắc viết khác rườm rà hơn như tôi sẽ nói dưới đây.


Có quy tắc để khi nào dùng c, k hay q, nhưng như vậy là tư duy ngược làm chậm quá trình viết. Khi nghe đọc, học sinh phải hình dung ngay ra cấu tạo của từ đó để biết chữ đứng sau đó là chữ gì rồi mới nhớ lại quy tắc sử dụng c, k, q. Như vậy là tư duy ngược, đi ngược lại hoàn toàn quy tắc viết của Tiếng Việt là đọc sao ghi vậy.





Đã thế nó cũng không thể giải quyết nổi các từ bất quy tắc, ví dụ “quốc”, “cuốc”, “khước”, “cước”, “khe”, “que”… Với các từ này thì các em buộc phải ghi nhớ hoặc hỏi lại và khi hỏi lại thì thật đau đầu vì không có cách nào nói cho các em biết được dùng c, k hay q (sẽ có câu hỏi là dùng cờ hay cờ ca, cờ quy như tôi đã nói bên trên ấy. Điều này thực tế đã xảy ra với địa phương tôi đang ở).


Cách đọc gi, d, r đều đọc là “dờ” còn vi phạm nguyên tắc ngữ âm nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng lại được “hợp lý hóa” bằng cách cho rằng dựa vào cách phát âm của “người Hà Nội”! Cái này thật vô lý.


Thứ ba là các vần ghép. Với các vần iê, yê, ia, ya đều được đánh vần là /ia/ vừa vô lý vì không giải thích được cho trẻ tại sao viết khác nhau lại đọc giống nhau mà còn có vấn đề về ghép vần. Vần trong Tiếng Việt vừa có thể đứng một mình để phát âm thành tiếng, vừa có thể thêm phụ âm để tạo thành từ khác. Nói cách khác, nếu đã đánh vần được vần đó thì sẽ có thể thêm phụ âm để tạo thành một từ khác.


Nếu theo cách cũ sẽ không tồn tại vần iê, yê, ya (vì không đánh vần được), do vậy cũng không thể ghép một phụ âm nào với các vần đó được. Học sinh sẽ hiểu là không tồn tại từ (cách viết) đó trong Tiếng Việt. Nếu giờ theo cách mới nó có thể đánh vần được là /ia/ thì ta cũng có thể có chữ là “kya, kiê, kyê” đều đọc là “kia”. Thật vô lý!


Học sinh theo chương trình mới sẽ không biết được từ đó có tồn tại hay không trong khi đó nếu học chương trình cũ thì sẽ biết ngay rằng không thể có cách viết đó được vì không đánh vần được. Cái này hữu ích cho người nước ngoài vô cùng khi học Tiếng Việt. Ngoài ra còn một số vần ghép nữa cũng được đồng âm mà lẽ ra là không thể có.


Thứ tư, tôi muốn đề cập về cách đánh vần mới. Tựu trung lại sẽ có hai quy tắc đánh vần. Thứ nhất là đánh vần tiếng có thanh ngang trước (đánh vần ghép nguyên âm cùng phụ âm). Thứ hai là với tiếng có thanh thì sẽ đánh vần tiếng đó với thanh ngang rồi thêm thanh sau. Học sinh phải nhớ đến hai cách đánh vần (trong đầu sẽ tự động phân thành hai giai đoạn: đánh vần thanh ngang rồi ghi nhớ tiếng thanh ngang sau đó đánh vần với thanh (dấu) đi kèm). Rõ ràng là phải nhìn tổng thể rồi nhớ lại quy tắc để lựa chọn đánh vần theo cách nào, như thế làm chậm đi quá trình đánh vần.





Trong khi đó theo cách cũ ta chỉ cần nhớ một quy tắc đánh vần duy nhất: Đánh vần nguyên âm ghép với phụ âm rồi thêm thanh (dấu), không cần phân biệt tiếng đó là tiếng thanh bằng hay có thanh đều dùng chung một quy tắc. Rõ ràng là tính thống nhất trong cách đánh vần cũ bao quát hơn và đơn giản. Hơn nữa, cách đánh vần theo kiểu mới chỉ để đánh vần cho giai đoạn đầu học chữ chứ không có ích gì. Trong khi đó theo cách cũ ta có lợi ích rất lớn.


Tôi lấy ví dụ một người không biết viết chữ “khách” như thế nào. Nếu theo cách mới đánh vần là “khach – sắc – khách”, chẳng để làm gì cả. Theo cách cũ đánh vần “khờ – a – chờ – ách – sắc- khách” hoặc “a – chờ – ách – khờ – ách – khach – sắc – khách”, hoặc “khờ – a- chờ – ách – khờ – ách – khach – sắc – khách” ta sẽ viết được tiếng đó ngay. Cái này vô cùng có ích với người nước ngoài học Tiếng Việt hoặc người chưa biết hình dạng chữ đó như thế nào. Đánh vần bình thường thì dài dòng hơn, nhưng lại phù hợp với tốc độ viết khi chưa biết viết như thế nào.


Thứ năm, tôi muốn đề cập nội dung khác trong sách công nghệ. Đã có nhiều người chỉ ra những bất cập trong cách dùng từ, trích đoạn bài viết, các câu chuyện trong sách tôi sẽ không đề cập sâu vào đó vì đó hoàn toàn có thể thay đổi trong các lần tái bản. Tuy nhiên, tôi chỉ nói rằng, các từ ít phổ thông, từ khó thì bản thân nó đã được ít sử dụng trong cuộc sống nên cũng không cần phổ biến làm gì. Việc đó sẽ tiếp tục được trau dồi trong suốt 12 năm học và suốt phần đời sau này.


Ở giới hạn học sinh “vỡ lòng” chỉ nên dạy những cái phổ biến và những cái mang tính đơn giản, rõ ràng, không đưa nội dung đa chiều vào bài học gây ra tranh cãi không cần thiết. Đến như Toán học hay Vật lý ta cũng chấp nhận các tiên đề, mệnh đề mà không cần phải chứng minh tính đúng đắn thì tại sao lại nói dạy trẻ những cái có sẵn là áp đặt, không cho trẻ phản biện.





Tôi nghĩ ở giai đoạn đầu này là lúc để kinh nghiệm và các đúc kết giáo dục cũ thể hiện được tinh hoa, tính nhân văn của mình chứ không phải để tư tưởng giáo dục mới phủ định và bài trừ hoàn toàn.


https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/phu-huynh-phan-bien-cach-danh-van-cua-gs-ho-ngoc-dai-3806715.html

Đọc “Phật Giáo và Chánh Trị Việt Nam Ngày Nay” của Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào



Đào Văn Bình


Đ ây là luận án Tiến Sĩ đệ trình tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1972. Tài liệu gồm 700 trang đánh máy, chưa bao giờ in thành sách, vừa được đưa vào Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Luận án này được bảo trợ và hướng dẫn bởi cố GS. Nguyễn Văn Bông, Thạc Sĩ Công Pháp (*), nguyên Viện Trưởng Học Viện QGHC.

Tôi có một vài kỷ niệm nhỏ với Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào. Khi tôi bước vào Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1962 nằm trên con Đường Duy Tân “Cây dài bóng mát” thì Ô. Hoàng Xuân Hào đang là Phụ Khảo cho Giáo Sư Vũ Văn Mẫu dạy môn Tư Pháp năm Thứ Nhất. Như thế Hoàng Xuân Hào ít ra phải học Luật trước tôi 5 năm. Khi tôi tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa thì không còn biết gì về Hoàng Xuân Hào nữa cho đến khi báo chí loan tin ông đắc cử vào Liên Danh Thượng Nghị Viện và trở thành Thượng Nghị Sĩ. Với chức vụ này sau 1975 ông bị đưa đi cải tạo 16 năm và định cư vào Hoa Kỳ rất muộn. Tại San Diego, California, ngày nào ông cũng trì tụng Kinh Pháp Hoa, ẩn cư, không giao tiếp với ai. Thỉnh thoảng tôi có gọi điện thoại, nhất là dịp Tết để thăm hỏi “Đại Ca”, may mắn lắm mới được ông tiếp chuyện và tôi rất mong được đọc luận án Tiến Sĩ của ông. Hoàng Xuân Hào là người bình dị, khiêm tốn, cởi mở và có lòng tin sâu vào Phật Giáo. Có lẽ ông là vị trí thức trẻ có học vị cao nhất trong hàng ngũ dân cử Miền Nam lúc bấy giờ.

Khi bàn về “Tôn Giáo và Chính Trị” có lẽ chỉ nên bàn về các quốc gia Âu Châu hay Hồi Giáo. Trong lịch sử khoảng 2000 năm nay, tại Á Châu, điển hình như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… Phật Giáo chưa bao giờ trở thành một thế lực chính trị để ảnh hưởng, khống chế hoặc lật đổ chính quyền. Các vị vua Á Châu chưa bao giờ biến Phật Giáo thành một lực lượng chính trị để hậu thuẫn cho mình. Thậm chí có những vị vua chúa là Phật tử thuần thành như Lương Vũ Đế của Trung Hoa, Trần Nhân Tông của Việt Nam, Chúa Sãi ở Đàng Trong. Thậm chí các tu sĩ Phật Giáo cũng không dựa vào nhà cầm quyền để bành trướng tôn giáo. Phật Giáo chủ trương “giác ngộ” rồi tin theo chứ không hề dụ dỗ, tuyên truyền hoặc cưỡng ép. Tại các quốc gia Á Châu, Phật Giáo chỉ là một hệ thống triết học, hành động (qua tu thân) vừa mang tính đạo đức, vừa mang tính tâm linh (đời sau, kiếp sau, cõi Cực Lạc) để hoàn thiện và đem lại hạnh phúc ngay bây giờ (here now) cho con người. Giới luật của nhà Phật cấm tu sĩ can dự vào chính quyền.

Trong khi đó tại Âu Châu và Trung Đông với Ca-tô Giáo La Mã và Hồi Giáo, Thần Quyền đã khống chế Thế Quyền, hai bên khắng khít như gia đình mà giáo hội đóng vai tôn trưởng. Tôn giáo lợi dụng sức mạnh của chính quyền để bành trướng tôn giáo. Chính quyền lợi dụng tôn giáo, thông qua giáo sĩ để củng cố chính quyền. Thế nhưng theo thời gian, sự “hợp tác” này đã đưa tới nhiều vấn nạn. Tại Hoa Kỳ, năm 1797 đã đưa nguyên tắc “Tách biệt Nhà Thờ và Chính Quyền” (Separation of Church and State) vào Hiến Pháp. Tại Pháp vào ngày 3/7/1905 ”Phong trào chống lại các tu sĩ Công Giáo thành công lớn khi lưỡng viện Quốc Hội Pháp bỏ phiếu ban hành luật tách rời chính quyền ra khỏi Giáo Hội Ca-tô La Mã.“ (Chronicle of the 20th Century). Còn ở Anh, mãi tới năm 1919, chính phủ mới không còn tài trợ cho Giáo Hội Anh nữa.

Vì Phật Giáo tại Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng không can dự vào chính trị, cho nên chúng ta thử xem tác giả đã có luận điểm như thế nào về vai trò chính trị của Phật Giáo Việt Nam? Để hoàn tất luận án, ngoài tài liệu bằng Anh và Pháp Ngữ, báo chí, tài liệu, sách vở liên quan đến Chính Trị Học và Phật Giáo, ông còn tham vấn một số vị tiểu biểu như: Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thượng Tọa Thích Minh Châu, LM. Hoàng Quỳnh, GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Trần Ngọc Ninh, GS. Nguyễn Ngọc Huy, GS. Tạ Văn Tài, LS. Vũ Văn Huyền, Thiếu Tá Đặng Sĩ (Phó Tỉnh Trưởng Nội An Huế năm 1963) cùng một số Sinh Viên Phật Tử. Luận Án gồm bốn phần:

Phần Dẫn Nhập:

Phần I: Những Thành Tố Của Thế Lực Phật Giáo

Phần II: Sự Tham Gia Chánh Trị Của Phật Giáo

Phần III: Giải Pháp Đề Nghị Cho Vấn Đề Phật Giáo Tại Việt Nam.


Phần Dẫn Nhập:

Tác giả đã đưa ra nhận định, “Từ năm 1963, Phật Giáo đã trở thành lực lượng quan trọng trên chính trường VNCH. Hiện tượng này có tính cách mới mẻ trong lịch sử hiện đại và gây nên những chủ trương trái ngược về vai trò của tôn giáo trong đời sống quốc gia…Dầu có nhiều ý kiến mâu thuẫn về hoạt động chánh trị của Phật Giáo Việt Nam (PGVN), người ta vẫn phải đồng ý với nhau rằng tương quan giữa tôn giáo và chánh trị là một thực tại phổ quát đã xuất hiện cùng lúc với sự thành lập xã hội loài người.”

(Sociologie de la Religion, Payot, Paris 1955).

Thế nhưng trong sự cộng tồn, tác động qua lại đó, Thần Quyền đã lấn át Thế Quyền, “Trên đường hoàn tất cuộc phân công vĩ đại ấy (đạo và đời), tương tranh mãnh liệt đã bùng nổ hàng mấy thế kỷ liền giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã và các quốc gia Âu Châu để rồi kết thúc bằng sự toàn thắng của lý tưởng quốc gia thế tục.”

Còn về lịch sử PGVN, tác giả viết, “Phật Giáo Việt Nam đã có một dĩ vãng vô cùng oanh liệt, du nhập Việt Nam từ Thế Kỷ II sau Tây Lịch, qua hai ngả Trung Hoa và Ấn Độ, Phật Giáo ngay trong buổi ban đầu đã góp phần tích cực vào việc xây dựng một quốc gia Việt Nam tự chủ. Các danh tăng là những bậc trí thức đầu tiên trong nước đã hỗ trợ đắc lực các Triều Đinh (968-980), Lê (980-909), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) thâu hồi độc lập, thống nhất giang san và phục hưng xứ sở. Hầu hết các vị vua hai triều đại Lý-Trần đều là Phật tử thuần thành và trong việc trị quốc họ thường nhờ cậy tới tài học uyên bác của một số danh tăng. Trong bầu không khí mộ đạo ấy, tư tưởng Từ Bi của Đức Phật đã thấm nhuần trong cả chính sách quốc gia lẫn nếp sống quần chúng…Trong thời kỳ cực thịnh, PGVN cũng không hề khống chế chính quyền do đó đã không có một ảnh hưởng chính trị quá quan trọng như Phật Giáo tại các nước Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Ai Lao và Cao Miên. ”

Và tác giả đã có một khám phá rất thích thú về dòng sinh mệnh hay số phận của PGVN, “Theo Paul Mus, nhiệm vụ lịch sử của Phật Giáo Việt Nam giống như “một tôn giáo thay thế” (Religion Relai) tức nó nổi bật lên để khẳng định tính độc lập tự chủ của dân tộc để tránh sự đồng hóa của ngoại bang qua Khổng Giáo . Nhưng nó lại thoái lui khi đất nước đã ổn định, và các nhà cai trị lại quay về với Khổng Giáo khiến Phật Giáo bắt đầu mất ảnh hưởng từ Thế Kỷ 15.” Tác giả đã nhận định về sự suy yếu của Phật Giáo trên chính trường như sau, “Tình trạng phi tổ chức và quan niệm xuất thế (không màng chuyện đời) trội yếu nơi tăng sĩ đã khiến Phật Giáo cổ truyền Việt Nam trong thời cực thịnh lẫn buổi suy vi không thể trở thành một đoàn thể áp lực (Pressure Group) đúng với ý nghĩa hiện đại của danh từ để hành xử một quyền hành thực tế đối diện với uy quyền quốc gia và ảnh hưởng tích cực tới sinh hoạt chính trị.”

Trong phần này tác giả cũng nhắc lại biến cố Phật Giáo 1963 tại Huế mà mọi người đều biết rõ. Thế nhưng tác giả lại cho rằng “Một chế độ độc tài không lối thoát cho các lực lượng chính trị đối lập bị đàn áp và khủng hoảng trầm trọng trong bang giao Việt-Mỹ…Xét cho cùng, cuộc tranh đấu của Phật Giáo chỉ là hiện tượng xã hội tất nhiên phải xảy ra. Nếu không có vụ hạ cờ năm 1963, thì rồi cũng có những sự kiện khác được chọn làm lý do tranh đấu.” Để rồi từ đó PGVN chuyển mình, “Như vậy trong suốt dòng lịch sử 18 thế kỷ của PGVN, năm 1963 đánh dấu một chuyển mình vĩ đại, từ đó nền Tân Phật Giáo do các tăng sĩ cấp tiến đại diện đã từ bỏ địa vị cổ truyền có tính cách xuất thế để trở thành một đoàn thể áp lực mạnh mẽ.”

Và tác giả cho rằng, “Hiện tượng Phật Giáo can dự vào chính trị đã đạp đổ cả một thành trì lâu dài đối với các vị sư. Thật vậy, ngày nay chư Tăng không còn bị coi là những người hủ lậu, yếm thế, “trốn việc quan đi ở chùa” như xưa nữa. Trái lại, chư Tăng xuất hiện từ năm 1963 như những chiến sĩ dũng cảm của Nhân Quyền, những lý thuyết gia chánh trị xuất sắc và những cán bộ hành động mẫn cán.”

Phần Thứ I: Tác giả nói về Những Thành Tố Của Thế Lực Phật Giáo Việt Nam.

Trong phần này tác giả nói về sức mạnh của Phật Giáo nói chung và cuộc tranh đấu 1963 do đâu mà có.

1) Tác giả cho rằng đó là nhờ hoàn cảnh hay thời cơ chính trị.

“Chính sách độc tài của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã từ chối mọi hình thức đối lập khiến các lực lượng chính trị độc lập với chính quyền (các đảng phái) ngày càng công phẫn. Nhưng trước khi vụ Phật Giáo bùng nổ người ta không có cơ hội nào để phản kháng chính quyền một cách có hiệu quả.” Tác giả nhận xét rằng, “Quyền hạn của Ô. Ngô Đình Diệm còn lớn hơn quyền hạn của tổng thống Hoa Kỳ…Do hoàn cảnh bi đát của Miền Nam sau khi Pháp bại trận, Ô. Ngô Đình Diệm cũng chưa được coi là một lãnh tụ siêu việt có thể gây cảm hứng cho lòng chung thủy (đoàn kết) quốc gia. Do đó an ninh quốc gia được dùng như lý do để biện minh cho các biện pháp độc tài. ” Theo sử gia Hoa Kỳ Schlesinger, “Cuộc tranh đấu ấy, ngoài nguyên do tôn giáo, còn có những nguyên do xã hội và chính trị. Đó là cuộc nổi dậy chống lại cơ cấu đẳng cấp xã hội Việt Nam cổ truyền, chống lại thế hệ già nua của những người gọi là “quốc gia Việt Nam” thuộc giai cấp thượng lưu Công Giáo nói tiếng Pháp để ủng hộ một thế hệ quốc gia trẻ trung.”

2) Trong đoạn này, tác giả nói rằng khủng hoảng niềm tin giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn đã có từ năm 1961 và mỗi lúc trở nên trầm trọng hơn. Chính vì thế mà Hoa Kỳ có thiện cảm với cuộc tranh đấu của Phật Giáo. Thế nhưng các giới chức Hoa Kỳ phủ nhận việc chủ mưu trong vụ này và thú nhận họ đã không tiên đoán được sự bùng nổ của Phật Giáo. Thế nhưng còn về cuộc đảo chính 1963, theo các tài liệu thì rõ ràng Hoa Kỳ (Đại Sứ Henry Cabot Loge) đã biết trước nhưng không hề ngăn cản.

3) Do vấn đề kỳ thị tôn giáo:

Vấn đề Phật Giáo tại Việt Nam đã được 16 quốc gia hội viên đưa vào nghị trình của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Khóa thứ 18. Phái đoàn điều tra của LHQ nhận được hai phúc trình trái ngược. Phật Giáo đồ dẫn chứng những điều khoản khắc nghiệt của Đạo Dụ Số 10. Còn chính quyền phủ nhận những cáo buộc này. Tại nơi trang 53, tác giả đã mô tả một khía cạnh của chính sách kỳ thị tôn giáo như sau: “Được ưu đãi suốt 80 năm Pháp thuộc và chín năm Đệ Nhất Cộng Hòa, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã trở thành một định chế (tổ chức) trù phú với những lợi tức về điền địa, thương mại và thế lực chánh trị. Thêm vào đó, việc thiết lập Viện Đại Học Đà Lạt dưới sự bảo trợ của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục càng phát triển địa thế vững mạnh của Giáo Hội trong tầng lớp thị dân khá giả. Ưu thế ấy đã giúp Công Giáo dễ dàng gia tăng mau lẹ số lượng tín đồ.”

4) Ảnh Hưởng Của Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo Tại Á Châu:

Phong trào phục hưng Phật Giáo phát khởi tại các quốc gia Á Châu từ những thập niên đầu tiên của Thế Kỷ XX đã đánh dấu sự thức tỉnh và sức quật khởi của các Phật tử trước sức tấn công của nền văn minh Tây Phương. Phong trào đã gây cho các Phật tử tiến bộ trong các nước Phật Giáo, trong đó có Việt Nam, niềm tin mãnh liệt vào khả năng quý giá của Đạo Phật và một ý thức rõ rệt về vai trò chánh trị của Phật Giáo. Các nhà Tân-Phật-Học cho rằng nhiệm vụ của Phật Giáo là giúp cho dân được no ấm để khỏi bận tâm về sinh kế, ngõ hầu có thể tu học. Theo Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, giáo lý của Phật Giáo đã hàm chứa một lý tưởng “quốc gia an lạc”. Người ta có thể tìm thấy trong đạo Phật đủ mọi tư tưởng dân chủ, tự do, nhân bản, khoa học… Đức Phật đã được tôn vinh là đại tư tưởng, đại cách mạng, đại giáo dục và đại sứ giả hòa bình. Dĩ nhiên muốn thế, phong trào Phật Giáo phải cải cách cả phương thức tổ chức lẫn lề lối hoạt động. Tác giả lấy các Hội Reiyo-kai và Rissho-Keseikai của Nhật Bản làm tiêu biểu. Theo tác giả, hiện nay Phật Giáo Nhật Bản có khuynh hướng hợp tác với những Phật tử thuộc các quốc gia khác nhằm mục đích thiết lập nền thống nhất Phật Giáo và tìm kiến hòa bình cho nhân loại.

5) Vai Trò Của Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Chính Trị:

Theo tác giả, Phật Giáo hiện đại đang đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị tại Á Châu do một yếu tố lớn là phong trào giải phóng dân tộc thoát khỏi ảnh hưởng kìm kẹp của Tây Phương.

6) Do những Giá Trị Cổ Truyền Của Phật Giáo:

Đó là sự hòa hợp với dân tộc tính Việt Nam và khoan dung với các tôn giáo khác. Các nhà Phật học Việt Nam đều quả quyết rằng PGVN là một nền Phật Giáo dân tộc. Tác giả dẫn chứng quan niệm Tam Giáo Đồng Quy, tôn trọng tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt, cùng hòa hợp và bổ túc lẫn cho nhau. (Khổng Giáo duy trì kỷ luật từ làng xã tới quốc gia. Lão Giáo tu tiên, tập trung vào cái “tôi” để hưởng nhàn. Còn Phật Giáo phá bỏ giai cấp, phá bỏ tự ngã, chúng sinh cùng bản thể, dùng Từ Bi và Hỷ Xả để đối xử với nhau.)

7) Diễn Trình Phục Hưng Của PGVN:

Xuất hiện từ năm 1930 tới năm 1946. Miền Nam có tờ Từ Bi Âm (1932), ngoài Bắc có tờ Đuốc Tuệ (1934). Tuy nhiên sự phục hưng chỉ có căn bản vững vàng khi các Phật Học Viện được thành lập khắp ba miền. Năm 1940, một đơn vị đầu tiên của thanh niên Phật tử ra đời gọi là Thanh Niên Phật Tử Đức Dục. Tổ chức này sau đổi thành Gia Đình Phật Tử.

8) Trong một chương rất dài khoảng 145 trang, tác giả nói về: Tổ chức, điều hành và mục tiêu của Giáo Hội Phật Giao Việt Nam Thống Nhất (lúc bấy giờ), con người và quan điểm chính trị, cách giải quyết cuộc Chiến Tranh Việt Nam của các Thượng Tọa Thích Trí Quang, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Thượng Tọa Thích Tâm Giác cùng hậu quả của sự mâu thuẫn giữa hai Thượng Tọa Tâm Châu và Trí Quang khiến chia thành hai giáo hội Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Chương này cũng đề cập đến vài trò cần thiết của cư sĩ trong dòng sinh mệnh Phật Giáo như trí thức Phật Tử (cư sĩ), Gia Đình Phật Tử, Thanh Niên Sinh Viên Phật Tử.

Phần Thứ II: Sự Tham Gia Chính Trị Của Phật Giáo:

Trong phần này tác giả nhận định, “Cuộc đấu tranh từ trong khoảng 1963-1965 đã đạt được nhiều kết quả mong muốn. Trái lại từ năm 1966 trở đi, hình thức tranh đấu bất hợp pháp đem lại thất bại nặng nề, vì một mặt chính quyền trở dần dần nên ổn định một mặt khác Phật Giáo bị phân hóa.”

1) Kỹ Thuật Tham Gia Chánh Trị Của Phật Giáo: Gồm hai kỹ thuật ôn hòa và mạnh bạo.

- Vận động quần chúng, thông tin tuyên truyền tạo áp lực nhưng không gây bạo động, đồng thời tiếp xúc và thương thuyết với chính quyền. Không vận động giới lập pháp như các quốc gia Tây Phương mà trực tiếp đối thoại với hành pháp/chính phủ. Không đòi hỏi quyền lợi riêng mà chỉ nhân danh quyền lợi của dân tộc.

Cuộc vận động này đã ảnh hưởng tới quần chúng Phật tử và quần chúng không phải là Phật tử, tới các quốc gia Phật Giáo và không Phật Giáo. Cuộc tự thiêu của Thượng Tọa Thích Quảng Đức đã ảnh hưởng tới các quốc gia Tây Phương như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Úc, Đức và cả các quốc gia Á-Phi.

- Liên lạc với giới truyền thông/báo chí kể cả các hãng thông tấn quốc tế, đặc biệt là báo chí Mỹ có mặt tại Sài Gòn. Hoa Kỳ lúc đó chia thành hai phe. Phe ủng hộ Ô. Diệm và phe lật đòi lật đổ Ô. Diệm. Báo chí đứng về phe thứ hai vì chính sách bưng bít tin tức và đàn áp báo chí của chính quyền. Các bài phóng sự của các ký giả Malcoln Brown và David Halberstam gây xúc động mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới khiến chánh phủ Việt Nam lâm cảnh lưỡng bề thọ địch: Phật Giáo và ký giả Hoa Kỳ. Tòa Thánh Vatican trong thông điệp ngày 30/8/1963, Giáo Hoàng Paul VI đã tuyên bố, “Chúng tôi có bổn phận nói lên nỗi ưu tư, đau đớn của chúng tôi đứng trước những diễn tiến đáng buồn đang đè nén dân tộc Việt Nam thân mến. Mối lo ngại của chúng tôi mỗi ngày thêm thâm trầm, bi đát…”

- Dù không trực tiếp nhưng khuyến khích, đỡ đầu cho các Phật tử tham gia các cuộc bầu cử từ tỉnh, thị xã tới hội đồng Đô Thành (Sài Gòn). Thế nhưng ảnh hưởng của Phật Giáo chỉ có tại Miền Trung, đặc biệt là Huế-Thừa Thiên. Cuộc bầu cử Bán Phần Thượng Viện năm 1970 đã đưa Liên Danh Hoa Sen do GS. Vũ Văn Mẫu thụ ủy đã đạt số phiếu cao nhất trong số 16 liên danh. Qua cuộc bầu cử này người ta thấy tôn giáo là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra cũng phải kể tới lập trường hòa bình của Liên Danh Hoa Sen- phản ảnh khát vọng hòa bình của toàn dân Việt Nam. Thế nhưng theo tác giả, không phải không có bàn tay bí mật nhúng vào, áp lực chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải để ít ra một liên danh “đối lập” hiện diện trong ngành Lập Pháp để Tổng Thống Nixon dễ bề chống đỡ với dư luận là, Hoa Kỳ đã và đang ủng hộ một chế độ độc tài phi dân chủ và rằng qua Liên Danh Bông Sen, Miền Nam có bầu cử tự do.

- Đình công của công nhân, bãi khóa của sinh viên, tuyệt thực của tăng sĩ cũng là những phương thức đấu tranh hữu hiệu.

- Bàn thờ xuống đường và đấu tranh vũ trang ở Miền Trung năm 1966 suýt đưa tới nội chiến. Cuộc đấu tranh bạo động của Phật Giáo năm 1966 hoàn toàn thất bại.

2) Tác giả bàn về chủ thuyết đấu tranh bất bạo động gốc Phạn ngữ là Ahimsa, phát khởi bởi Gandhi của Ấn Độ. Ahimsa không chỉ dừng lại ở việc không sử dụng bạo lực mà còn không làm tổn hại tới bất cứ sinh vật nào, kể cả kẻ thù. Và được dùng bởi các quốc gia Tây Phương qua khẩu hiệu “Bất tuân dân sự” của Mục Sư Martin Luther King đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Da Màu.

3) Thế nhưng ngày nay, trên thế giới, phương thức đấu tranh “bất bạo động” bị quên lãng vì người ta cho rằng nó không đủ hữu hiệu để chiến thắng. Từ đó tác giả nêu câu hỏi, “Trong tương lai Phật Giáo có đủ phương tiện và kiên nhẫn để theo đuổi cuộc đấu tranh bất bạo động không?” Theo tác giả, “Đấu tranh bất bạo động là khôn ngoan và phù hợp với bản chất của một tôn giáo rộng lượng, khoan dung.”

4) Tương quan giữa Phật Giáo và các lực lượng chính trị.

Mở đầu chương này tác giả đưa ra một nhận định khái quát nhưng nó giống như một định luật, một chân lý, “ Chính trị là một diễn trình những tác động hỗ tương liên tục giữa các lực lượng xã hội. Biến chuyển chính trị thường xuất phát do sự thúc đẩy của ba nguồn gốc: Nhà nước, các đoàn thể trung gian và các hệ thống chính trị quốc tế (nôm na là ngoại bang)”.

5) Tương quan giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác:

Phật Giáo cố kéo Cao Đài và Hòa Hảo vào cuộc đấu tranh nhưng hai tôn giáo này giữ vai trò trung lập và dè dặt với lập trường chính trị của Phật Giáo. Thế nhưng thành quả của cuộc đấu tranh lại giúp cho Cao Đài và Hòa Hảo thoát khỏi sự kìm kẹp của Dụ Số 10. Còn đối với Công Giáo, “Vì tình trạng giao hảo giữa hai tôn giáo này trong thời kỳ bất ổn đã căng thẳng quá mức, nên Công Giáo đã thành lập nhiều lực lượng chính trị để đối phó với tình hình nghiêm trọng như :Ủy Ban Trung Ương Tranh Đấu Công Giáo, Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Tổng Liên Đoàn Sinh Viên-Học Sinh Tự Dân, Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam, Khối Công Giáo Dân. Trong Công Giáo có ba khuynh hướng. Quá khích có LM. Trần Du và LM. Mai Ngọc Khuê. Ôn hòa có LM. Hoàng Quỳnh. Cấp tiến có LM. Nguyễn Ngọc Lan. ” Hai vị tướng ủng hộ lập trường của Phật Giáo Ấn Quang là Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn.

6) Đối với các thế lực bên ngoài đó là Hoa Kỳ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tác giả cho rằng, “Mặt

Trận Giải Phóng chỉ lợi dụng được phong trào tranh đấu nhưng không nắm được phong trào”. Còn đối với Hoa Kỳ, “Họ ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963, sau đó mối liên hệ trở nên lạnh nhạt và Phật Giáo trở nên chống đối Hoa Kỳ vì những yêu sách không được thỏa mãn.” Trên báo Chánh Đạo của Phật Giáo ký giả Việt Bằng viết thẳng thừng, “Sự phục hồi những nhân vật cũ trực tiếp đàn áp Phật Giáo cũng như những khó khăn trong nội bộ Phật Giáo đều do người Mỹ gây nên.” Tác giả còn cho biết quân số của Hoa Kỳ tại Miền Nam đã giảm từ 534,000 xuống còn 200,000 vào Tháng 10, 1971. (Điều này cho thấy Hoa Kỳ rõ ràng không còn nhìn thấy chiến thắng ở Việt Nam nữa mà trông chờ vào giải pháp chính tri, tức Hiệp Định Paris 1973 để rút lui trong êm thắm.) Kết luận chương này tác giả đưa lời cảnh báo:

- Tại Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, “Quyền lực chính trị và tiện nghi vật chất của đời sống văn minh Tây Phương đã làm suy đồi đạo đức của một số tăng sĩ.”

- Sự can thiệp trực tiếp của tăng sĩ vào sinh hoạt chính trị đã gây nên tình trạng bất phân ranh giới giữa tôn giáo và chánh trị. Tình trạng ấy phát sinh mối tương tranh giữa quốc gia và giáo hội.

Phần Thứ III: Giải Pháp Đề Nghị Cho Vấn Đề Phật Giáo Tại Việt Nam:

Mở đầu phần này tác giả đưa ra câu hỏi, “Bảo vệ tôn giáo có nhất thiết là bảo vệ dân tộc không?”

Theo nghiên cứu của tác giả, “Sự can thiệp trực tiếp của tôn giáo vào chính trị chỉ là một hiện tượng chậm tiến” (ở các quốc gia chậm tiến). Từ Thế Kỷ 17, Âu Châu đã quyết tâm xác định vị trí của tôn giáo trong đời sống quốc gia, một quan niệm quốc gia thế tục. Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có Công Giáo và Hồi Giáo là đối lực mạnh nhất của quốc gia. Trong suốt thời Trung Cổ quốc gia phải đặt dưới sự chi phối của giáo hội, phải phụng sự giáo quyền và quyền bính của Thánh Quốc phải lan rộng khắp quốc gia. Thần quyền và đức tin dùng để giải thích những hiện tượng thiên văn, địa lý, vật lý…Theo các giáo sư Chính Trị Học, tín ngưỡng có ảnh hưởng tới tổ chức xã hội, nền kinh tế và lập trường chính trị của tín đồ. Như thế quốc gia không thể đoạn tuyệt được với tôn giáo mà trái lại trong tình trạng dù thế quyền và thần quyền phân lập, vẫn phải quan tâm tới sự kiện tôn giáo. Các tôn giáo lớn có khả năng tạo áp lực trên quy mô toàn cầu. Khối Âu Châu có Công Giáo, Bắc Mỹ có Tin Lành, Trung Đông có Hồi Giáo và Á Châu có Phật Giáo. Lịch sử cũng chứng tỏ rằng các Giáo Hội đã dùng thủ đoạn chính trị , tức dựa vào sức mạnh quốc gia để đi gieo rắc đức tin.

Tác giả cũng đưa ra câu hỏi, “Liệu Phật Giáo hiện đại có chấp nhận quan niệm nhà nước/chính quyền thế tục? Tác giả cho rằng kinh qua lịch sử, quan niệm này phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần “Khoan dung tôn giáo” chuyện tôn giáo và chuyện nhà, chuyện nước là hai việc khác nhau. Thế nhưng tác giả nhắc lại một vụ kỳ thị tôn giáo duy nhất xảy ra đó là việc bách hại Gia Tô Giáo dưới Triều Nguyễn. Bởi vì thời đó Đạo Gia Tô không chấp nhận sự sùng bái (thờ cúng) tổ tiên nên bị coi là trái với luân lý và văn hóa cố hữu của dân ta. Vua Minh Mạng hạ Dụ cấm đạo đã nói rằng, “Đạo rối của người Tây làm mê hoặc lòng người. Giáo sĩ Gia Tô làm tà vạy nhân tâm, phá hại mỹ tục, thật là mối hại lớn cho nước nhà.” Theo Thạc Sĩ Sử Học Nguyễn Thế Anh, “Việc cấm đạo ấy nhằm duy trì sự thống nhất của quốc gia. Thái độ hoài nghi càng trầm trọng khi các giáo sĩ Công Giáo giúp Lê Văn Khôi nổi loạn.”

Còn Giáo Sư Nguyễn Văn Bông cũng đã có nhận xét thật xác đáng, “Nguyên tắc nhà nước thế tục không những phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại, đồng thời còn là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giở trang sử cũ, chúng ta có thể quả quyết rằng người Việt Nam ngày xưa có tinh thần khoan dung rõ rệt và không có xung đột nào gọi là xung đột tôn giáo.” Tác giả cũng công tâm khi nói rằng, “Sau khi chế độ ngoại thuộc cáo chung, năm 1946 chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ban hành một Hiến Pháp thế tục.” Thậm chí Hiến Pháp Đệ I Cộng Hòa cũng ghi “Ý chí quốc dân là nguồn gốc của mọi ngành hoạt động quốc gia.”

Trong phần cuối, tác giả đưa ra nguyên tắc căn bản, ” Giáo hội và tăng sĩ chỉ có quyền hoạt động trong các lãnh vực tôn giáo, văn hóa và xã hội. Còn lãnh vực chính trị phải dành cho người thế tục.” Tác giả còn bàn thêm, “ Với triết lý Vô Ngã và Vô Thần, Giáo Hội Phật Giáo không phải là hình ảnh của Đấng Sáng Thế nào hết. Không phải là một đoàn thể của Chúa Jesus được cấu tạo một cách siêu nhiên bằng thân xác con người. Nó chỉ là một tổ chức của con người do con người lập ra và vì con người.” Đây là lý luận của Thương Tọa Thích Trí Quang. Thế nhưng dù nói thế, khi truyền bá trong nhân gian, Phật Giáo đã trở thành Hữu Ngã và Hữu Thần. Thế nhưng các hàng tăng sĩ cao cấp Phật Giáo đã phủ nhận sự “biến thái” này khi nói rằng, “Giáo hội không thể đụng chạm mạnh mẽ bằng cách phá bỏ sự tin tưởng truyền thống của đa số Phật tử Việt Nam: Đó là tin cả Trời lẫn Phật. Giáo hội chỉ có thể từ từ thuyết phục họ thế nào là Chánh Pháp.” (Đây là quan niệm “khế cơ và khế lý” của Phật Giáo cũng như không phá bỏ niềm tin truyền thống của dân bản địa.)

Tác giả cũng không đồng ý quan niệm “quốc giáo” vì hiến pháp đã quy định một chính quyền thế tục, mọi tôn giáo đều bình đẳng. Tác giả cho rằng tăng sĩ có thể khuyến cáo chính quyền nếu chính quyền đi ra ngoài nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Thế nhưng chính quyền không thể coi những khuyến cáo này là hành vi chen vào chính trị.

Còn về vấn đề tu sĩ có được miễn trừ nghĩa vụ quân sự không (quân dịch), tác giả đưa ra nhiều luận cứ. “Chẳng hạn trong thời chiến sẽ có nhiều người sợ chết, giả bộ đi tu để trốn lính, làm sao biết ai thật ai giả? Đối với các quốc gia hùng mạnh như Tây Phương thì vấn đề tương đối dễ. Còn như đối với Việt Nam luôn luôn phải vận dụng sức mạnh toàn dân để bảo vệ sự tồn vong của mình. Hiện nay các quốc gia dân chủ đều thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng của mọi công dân trước nghĩa vụ quốc gia”.

Sau hết tác giả chủ trương để đạt tới cứu cánh cao đẹp của đạo mình, tăng sĩ phải tự giới hạn sức ảnh hưởng của mình. Nếu không thì luật pháp quốc gia sẽ buộc mọi đoàn thể phải tuân thủ quyền lực tối cao của nhà nước/chính phủ - vì chính phủ đại diện cho quyền lợi của toàn dân. Tác giả đã viện dẫn Đạo Luật 1905 của Pháp quy định những ngăn cấm tu sĩ. Thí dụ:

- Điều 34 và 35 của Đạo Luật 1905 quy định rằng vị cha sở nào lăng nhục hay phỉ báng tại nơi phụng tự các nhân viên công sở hay kêu gọi chống đối những đạo luật hay những quy tắc hành chính sẽ phải chịu những hình phạt đặc biệt và bị đưa ra tòa án hình sự.

- Một vị cha sở cử hành theo nghi thức tôn giáo trước khi đương sự làm giá thú trước mặt viên xã trưởng sẽ bị chế tài bởi Điều 99 của Bộ Hình Luật.

- Các cha sở không được giảng về tôn giáo trong giờ học.

Tác giả còn nói thêm, “Kinh nghiệm lịch sử cho biết khi tình cảm tôn giáo nhảy vào chính trị, thì lý trí sẽ bị lấn át và con người tôn giáo trở thành quá khích khiến hậu quả thảm khốc dễ xảy ra vì việc bảo vệ đức tin.”

- Khi tu sĩ đặt ngang với các nhà hoạt động chính trị thế tục, với thủ đoạn tranh đấu thật gian manh, tu sĩ khó lòng biện minh cho nhiệm vụ xuất thế của mình, khiến tầm thường hóa tôn giáo.

- Khi tu sĩ làm chính trị, sẽ có tác động dây chuyền sang tôn giáo khác, khiến họ có cảm tưởng là bị đe dọa, cho nên họ có thể thành lập một lực lượng chính trị khác hoặc sẽ chống lại. Chẳng hạn, “Những hoạt động tôn vinh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm như một chiến sĩ quốc gia yêu nước nhân ngày giỗ năm thứ sáu của ông khiến một số Phật tử hạ bệ ông năm 1963 bực bội.”

- Khi tu sĩ hoạt động chính trị thành công, họ sẽ đi đến chỗ độc tài chuyên chế. Nếu tôn giáo đứng ra ngoải chính trị thì có thể lấy sự thanh thản và minh triết của mình để soi sáng lương tâm con người.

- Nơi trang 487, tác giả nói rằng nếu lợi dụng tôn giáo để chống Cộng Sản thì vẫn chưa giải quyết được gốc rễ mà phải tạo ra cuộc cách mạng hầu đem lại công bằng, ấm no, thịnh vượng và tự do cho mọi người.

- Tuy nhiên nguyên tắc “Tu sĩ không được làm chính trị “ cũng có hai ngoại lệ đó là: Quyền lợi tối thượng của quốc gia và sự sống còn của tôn giáo. Như tăng sĩ và Nho sĩ là lực lượng căn bản yểm trợ cho Phong Trào Cần Vương chống Pháp từ 1885-1898.

- Tác giả biện luận về cụm từ “Dân Tộc và Đạo Pháp”. Nếu hiểu Đạo Pháo là cộng đồng Phật Giáo thì sự liên hệ giữa Dân Tộc và Đạo Pháp càng sâu xa vì trong thời kỳ Phật Giáo cực thịnh đồng thời cũng là thời kỳ huy hoàng của dân tộc. Có thể nói trong giai đoạn ấy Dân Tộc và Đạo Pháp là một. Nếu hiểu Dân Tộc là một trong ba thành tố của Quốc Gia thì Đạo Pháp không thể là Dân Tộc vì trong dân tộc có nhiều tín đồ của các tôn giáo khác. Nhưng Đạo Pháp có thể đồng hành, chia xẻ trách nhiệm và chịu vinh nhục với Quốc Gia và Dân Tộc.

- Vì Phật Giáo không tạo được một tổ chức có uy quyền bao trùm lên tăng, ni, Phật tử toàn quốc, không có được quyền hành độc lập với nhà nước nên Phật Giáo tỏ ra bất lực trước làn sóng xâm lăng của Tây Phương. PGVN phải khắc phục nhược điểm ấy để tiến tới tự lực tự cường đóng vai trò quan trọng trong quốc gia thế tục.

Tác giả đã kết luận chương này như sau:

“Sự phân lập (tách biệt) Phật Giáo với Quốc Gia, tăng sĩ với chính trị, giáo quyền với chánh quyền. Nếu sự xác định ấy được thực hiện một cách trung thực (nghiêm chỉnh) sẽ có lợi là bảo vệ giá trị siêu việt của tôn giáo, uy tín đạo đức cao trọng của giới tăng sĩ, quyền lực chính trị của các nhà lãnh đạo thế tục và sự ổn cố chính trị. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển quốc gia. Chính trong vị trí đó, Phật Giáo phải có một ảnh hưởng chính trị rất quan trọng.”

Thay Lời Kết:

Qua luận án này chúng ta được nhìn lại quá trình hội nhập của Phật Giáo vào Việt Nam gần 2000 gắn bó và trở

thành văn hóa cũng như tâm linh của dân tộc (chiếm 85% dân số). Phật Giáo không thể tách rời khỏi dân tộc này. Ngày nay Chủ Nghĩa Thực Dân không còn, nhưng bành trướng tôn giáo vẫn còn. Tranh chấp giữa các tôn giáo lúc công khai, lúc ngấm ngầm vẫn còn. Các tôn giáo cực đoan luôn luôn muốn chiếm lấy hay khống chế chính quyền để mưu cầu lợi ích riêng cho họ. Chính vì thế mà tác giả cổ vũ cho quan niệm “nhập thế” của cả hàng tu sĩ lẫn Phật tử là hãy “xây dựng một quốc gia an lạc” trước - thì mới có thể tu hành hay phát triển tâm linh. Không thể tu thành Phật, thành Bồ Tát, La Hán, Bích Chi Phật, tụng kinh, ngồi thiền…khi mà đất nước chính trị rối beng, nghèo đói, xã hội bất an. Hương Hải Thiền Sư đời Lê Dụ Tông dạy rằng, “Mạc giáo mộng trung tầm tri thức”. Đừng tìm Phật hay Chân Lý trong mơ mộng mà phải thực tiễn. Cá nhân có thể mơ mộng nhưng cả một giáo hội thì không thể mơ mộng.

Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 được nhìn theo nhãn quan của một học giả và được đánh giá đây là bước chuyển mình lịch sử của Phật Giáo sau 18 thế kỷ. Đây còn là một tài liệu phản ảnh khá đầy đủ tình hình chính trị rối beng của Miền Nam 1963-1967 sau khi Đệ I Cộng Hòa xụp đổ. Luận án còn trình bày một số chi tiết về nội tình chính trị Hoa Kỳ, cũng như hoạt động can dự vào chính trường Miền Nam của chính phủ Mỹ. Những điều “bí mật và cấm kỵ” này thường chỉ được bàn tán qua các các cuộc màn đàm hoặc rỉ tai giữa các chính trị gia, hoặc úp mở trên báo chí. Thế nhưng nó đã xuất hiện trong một khung cảnh có tính “trường ốc, kinh điển ” (Academy) và cổ kính như Đại Học Luật Khoa mà sau này có thể trở thành giảng khóa để giảng dạy cho sinh viên về môn Chính Trị Học.

Đây còn là cuốn sử liệu quý giá viết bởi một trí thức khoa bảng, nặng tình với Dân Tộc và Đạo Pháp nhưng không thiên lệch, vì tiêu chuẩn và mạng sống của Đại Học là: Khoa học, trung thực, thuần lý (logic) và là khuôn mẫu cho đời sau. Đại Học không phải là một diễn đàn chính trị, không phải là đảng phái, không phải là tổ chức tôn giáo, cho nên Đại Học không bênh-chống ai. Nhưng đại học có quyền mổ xẻ, phân tích, tổng luận về những diễn biến liên quan đến xã hội, đất nước để giảng dạy cho đời sau. Dĩ nhiên trong khuôn khổ bảy, tám trang tôi không thể trình bày mọi chi tiết của luận án. Quý vị có thể tìm đọc nơi Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress Online). Trân trọng.

Đào Văn Bình

(California ngày 6/9/2018)

Cước chú: Dấu ngoặc (…) là phần chú thích của tác giả bài viết này.

Thạc Sĩ (Agrégé): Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ phải qua một cuộc thi tuyển để để trở thành Giáo Sư Thực Thụ của một đại học danh tiếng của Pháp. Trong nước bây giờ gọi bằng Cao Học (Master Degree) là Thạc Sĩ.