Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Cần Thăng -giá 700k

Cần Thăng -giá 700k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh



Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Suy ngẫm về tự do







Tác giả: Nguyễn Văn Trọng


Tôi nhận thấy nhiều người Việt thường hiểu TỰ DO như đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm“; họ cho rằng đòi hỏi TỰ DO giống như đòi hỏi tình trạng vô kỉ luật, vô chính phủ gì đó. Những người này hình như lo lắng nhiều cho tình trạng xã hội hỗn loạn hiện nay, nên biểu lộ một thái độ không mấy thiện cảm với khái niệm TỰ DO. Sự hiểu lầm này trước đây hình như cũng khá phổ biến ở phương Tây nên các tác giả bàn về tự do đều rất cẩn trọng trong định nghĩa khái niệm của mình. J.S. Mill quan tâm đến khoảng không gian riêng tư của cá nhân không trực tiếp ảnh hưởng đến xã hội, vì thế xã hội không nên can thiệp vào.



Ông muốn thiết lập ranh giới cho sự can thiệp chính đáng của xã hội vào cuộc sống cá nhân. I. Berlin thừa nhận tự do là một từ ngữ khá mơ hồ và tăm tối, vì thế mà người ta gán cho từ ngữ ấy vô số ý nghĩa khác nhau. Ông bàn về hai khái niệm khác nhau của TỰ DO: tự do phủ định (negative) và tự do khẳng định (positive). G.P. Fedotov cho rằng thật hiển nhiên là không gian tự do cá nhân trong mối quan hệ với xã hội không thể là vô hạn được vì như thế là triệt tiêu luôn cả khái niệm xã hội như một cộng đồng sinh hoạt có tổ chức. Như vậy cách hiểu TỰ DO như “muốn làm gì thì làm” khiến cho khái niệm TỰ DO trở thành vô nghĩa và G.P. Fedotov cho rằng đó là thủ thuật quen thuộc mà các kẻ thù của TỰ DO ưa sử dụng để bác bỏ quyền tự do.

Đối với tôi thì việc tiếp thu khái niệm TỰ DO thể hiện trên hai bình diện:

Một là: xã hội sẽ không có tự do, nếu mỗi thành viên của nó không biết tôn trọng không gian tự do của người khác. Mỗi thành viên của xã hội phải xem xét hành vi của bản thân mình trong ứng xử đối với tha nhân có vượt quá ranh giới của tính chính đáng hay không, có xâm phạm vào không gian tự do (theo ý nghĩa phủ định) của người khác hay không. Đây là thái độ cần thiết của mỗi người nhằm tạo nên một xã hội văn minh, biết tôn trọng sự khác biệt của người khác trong chừng mực sự khác biệt ấy không xâm hại đến lợi ích xã hội.

Như vậy trước hết nhận thức về tự do đòi hỏi mỗi người có thái độ biết kiềm chế bản thân trong việc can thiệp vào công việc của người khác chứ không phải là “muốn làm gì thì làm“. Ngay cả những người với thiện ý muốn “nhào nặn” người khác theo mẫu hình mà họ cho là tốt đẹp, thì cũng phải tự tra vấn bản thân xem: làm như thế họ có phủ nhận khả năng tự trị của người bị “nhào nặn” và có tự xem mình như Thượng đế hay không, làm như thế họ có vi phạm quy tắc vàng về đạo đức “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”(điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) như Khổng Tử đã phát biểu hay không.

Hai là: mỗi người nên suy ngẫm về việc sử dụng không gian tự do của mình như thế nào để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa, đây chính là nội dung của tự do khẳng định. Hai tác phẩm Tất định luận và tự do lựa chọn (I. Berlin), Con người trong thế giới tinh thần, (Trải nghiệm triết học cá biệt luận) (N.A. Berdyaev) có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề này. Tự do trong ý nghĩa khẳng định hàm nghĩa mỗi người có tự do lựa chọn cứu cánh[1] cho cuộc đời mình và điều này thể hiện phẩm giá làm người.

Đây không phải là việc dễ dàng vì nó đòi hỏi con người phải tự nhận thức được bản thân mình, từ đó xác định một hệ thống giá trị nhân bản như cứu cánh cho cuộc đời mình. Điều này đòi hỏi một hiểu biết[2] nhất định. Không phải bất cứ ai cũng kham nổi gánh nặng này, nên con người thường hay từ bỏ tự do lựa chọn trong ý nghĩa nhân bản để quy phục theo các áp lực nô dịch đến từ các dục vọng bất thiện. Trong tác phẩm To Have or To Be (Sở hữu hay hiện hữu) triết gia Đức Erich Fromm đưa ra hai kiểu mẫu sống: kiểu mẫu sở hữu và kiểu mẫu hiện hữu. Kiểu mẫu sở hữu xem giá trị cuộc sống là ở những gì con người sở hữu và chiếm đoạt được. Kiểu mẫu hiện hữu xem giá trị cuộc sống là ở những phẩm tính tinh thần mà con người đạt được.

Tôi rất chú ý tới nhận xét của N. Berdyaev:”Ý chí vươn tới hùng mạnh, vươn tới ưu thế và thống trị, chính là bệnh cuồng si, đó không phải là ý chí tự do và ý chí vươn tới tự do.” Ham muốn làm ông chủ chính là biểu hiện của tình trạng nô lệ. Tôi có ấn tượng sâu sắc với tiểu luận “John Stuart Mill và những cứu cánh của cuộc sống” của I. Berlin (trong dịch phẩmTất định luận và tự do lựa chọn). I. Berlin đã nhận xét về J.S. Mill như sau:”Đối với ông [J. Mill] con người khác con vật trước hết chẳng phải vì có lí trí cũng chẳng phải vì biết tạo ra công cụ và phương pháp, mà vì con người có khả năng lựa chọn, con người thể hiện mình nhiều nhất trong việc tự lựa chọn chứ không phải được lựa chọn cho [mục đích nào đó], là người cưỡi ngựa chứ không phải là con ngựa, là người tìm kiếm những cứu cánh chứ không đơn thuần là phương tiện, – những cứu cánh mà anh ta theo đuổi mỗi người theo cách riêng của mình…” Sau đó I. Berlin nhận xét tiếp:”Mill tin tưởng rằng con người mang tính tự phát, rằng con người có tự do lựa chọn, rằng con người tự nhào nặn nên tính cách của mình, rằng do kết quả tác động qua lại của con người với tự nhiên và với những người khác mà một thứ gì đó mới mẻ liên tục xuất hiện, và rằng cái mới mẻ ấy đúng là thứ đặc trưng nhất và nhân bản nhất của con người.“

Tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc sống trong lịch sử liên quan nhiều đến các phong trào tôn giáo. Tôn giáo về tổng thể là một vấn đề đa chiều và phức tạp. Các nhà nghiên cứu thường chú ý đến một số phương diện nhất định của các phong trào tôn giáo trong lịch sử. Về phần mình, tôi chỉ quan tâm đến tôn giáo về phương diện văn hóa tinh thần – những gì dẫn đưa các thành viên của cộng đồng tôn giáo vào một định hướng tinh thần nhất định.

Tôi không đề cập đến diễn biến của các phong trào tôn giáo đã biết trong lịch sử thông qua hoạt động của các giáo hội, vốn là vấn đề chứa đựng nhiều mâu thuẫn lịch sử rất phức tạp. Tôi chú ý đến định nghĩa tôn giáo của E. Fromm, khi ông cho rằng “tôn giáo” của một cộng đồng là “bất cứ một hệ thống tư tưởng và hành động nào được chia sẻ bởi một nhóm người, cung cấp cho mỗi cá nhân một khung định hướng và một mục tiêu để hiến dâng”. Tôi cho rằng xét về phương diện văn hóa tinh thần thì cuộc sống tôn giáo là cuộc sống cá nhân riêng tư trong thâm nhập vào chiều sâu của nó. N. Berdyaev tự cho mình là tín đồ Kitô giáo nhưng không ràng buộc bản thân với bất cứ giáo hội nào.

Tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc sống được khẳng định bởi những người có khuynh hướng triết học hiện sinh, chỉ chú trọng đến thân phận của con người. Họ khẳng định hai phẩm tính đặc thù của con người là chủ thể tính và tự do tính. Chủ thể tính hàm nghĩa con người không phải là một “sự vật” mà là một tiểu vũ trụ có thế giới nội tâm (thế giới tinh thần) không đồng nhất với thế giới tự nhiên của các “sự vật”. Con người không phản ứng lại một cách nhất định như các “sự vật”.

Chủ thể tính gắn liền với tự do tính, khẳng định con người là một nhân vị tự do.[3] Con người có thể tự do lựa chọn đi xuống thấp tới những thang bậc thấp kém nhất của thế giới thú vật, nhưng cũng có thể nâng cao bản thân mình lên tới phạm vi cao cả nhất của thần thánh. Là nhân vị tự do nên con người phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi một người chối bỏ tự do (để đổi lấy miếng ăn hay sự an toàn chẳng hạn), thì anh ta cũng mất đi phẩm giá làm người để rơi xuống hàng “sự vật”. Nhưng việc chối bỏ tự do suy đến cùng thì cũng vẫn là một lựa chọn và anh ta phải chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy của mình. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì con người tự tạo nghiệp cho mình bằng những lựa chọn mà anh ta thực hiện trong cuộc đời mình; mọi sinh linh tự quyết định bản chất và hiện hữu cho chính nó bằng các hành động của nó.[4] Hệ quả là: sự đa dạng là bản chất của con người chứ không phải là điều kiện nhất thời.

Các nhà văn lớn của nhân loại có thể khám phá được những tình huống sa đọa khác nhau của con người và qua đó dạy cho con người những bài học nhân bản. Các nhân vật tiểu thuyết của Dostoevsky phạm những tội ác vì những cám dỗ bất thiện, nhưng những cám dỗ ấy được che đậy bởi những động cơ có vẻ bề ngoài thánh thiện. Bi kịch của các nhân vật ấy là trong sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn biết rằng họ đã phạm tội ác và họ trải nghiệm những giày vò khủng khiếp trong nội tâm. Dostoevsky cho rằng cuộc sống đầy những bất an trong tâm như thế chính là địa ngục trừng phạt họ vì những tội ác đã làm.

Tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc sống xưa nay vẫn luôn là trách nhiệm làm người đầy khó khăn. Trong xã hội cổ đại việc phân biệt thiện ác có vẻ đơn giản hơn và cuộc sống giản dị về vật chất khiến cho con người có nhiều giây phút tĩnh lặng ở lại một mình với chính mình để đối thoại với lương tâm của mình (cũng tức là đối thoại với Thượng đế của mình đối với những người theo tôn giáo). Cuộc sống hiện đại với đủ thứ ác quỷ đội lốt thánh nhân khiến cho việc phân biệt thiện ác trở nên khó khăn phức tạp hơn.

Nhịp sống hiện đại đầy tất bật hối hả khiến cho con người hiếm khi có được những giây phút tĩnh lặng ở một mình với chính mình và hình như con người hiện đại cũng cố tình lảng tránh những phút giây như thế, rất có thể là do e ngại tình trạng bất an nội tâm xảy ra sau đó. E. Fromm cho rằng nỗi sợ hãi phải ở một mình với chính mình thực ra là cảm giác bối rối cận kề với nỗi kinh hãi phải nhìn thấy con người vừa quen thuộc lại vừa lạ lùng, chúng ta thấy khiếp sợ và bỏ chạy. Phải chăng vì vậy mà con người đương đại thường lựa chọn nhập bọn với lũ người chẳng ra gì để nhậu nhẹt hay tán nhảm, còn hơn là ở một mình với chính mình?

[1] Tôi dùng từ “cứu cánh” theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt ( tr. 243, Hà nội, 1992) như là “mục đích cuối cùng”. “Cứu cánh” và “phương tiện” là cặp phạm trù đối lập với nhau.

[2] Erich Fromm (1900-1980) phân biệt hiểu biết (understanding) là phẩm tính đặc thù của riêng con người khôn ngoan (homo sapiens) khác với trí tuệ tài khéo (manipulative intelligence) như một công cụ nhằm đạt được những mục đích thực dụng, là phẩm tính con người có chung với thú vật.

[3] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, NXB Văn học và Công ty sách Thời đại, 2005, tr. 25-34.

[4] J. Takakusu, Tinh hoa triết học Phật giáo, Tuệ Sỹ dịch, NXB Phương Đông 2008, tr. 49.

Hàng về Lạng Sơn ( Hùng )


Nước như nước mắt









Nguyễn Ngọc Tư





Đừng sợ hãi, dù vì nó mà người ta sống, chết… (*)

1

Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai.

2

Nhà chức trách nói rằng họ đang tìm sự thật nhưng có thể chồng Sáo đã lẻn lên bè rẫy Đại Thanh trộm tài sản của họ, lúc người ta bắt gặp đã xảy ra xô xát nhỏ, anh lao xuống sông định trốn, chết nước là chuyện rủi ro không ai ngờ… “Những người đầu tiên trông thấy xác chồng cô đều chứng kiến trên tay anh ta còn cầm một sợi dây chuyền vàng đã đứt”, nhà chức trách bảo vậy. Sáo nói không phải đâu, anh Thi chồng tôi chỉ muốn lén hái vài lá ngò. Nhà chức trách hơi xẵng giọng, chúng tôi dựa trên nhiều bằng chứng quan trọng. Sáo cãi không phải đâu, chồng tôi cần có chút ngò gai thôi. Họ kiên nhẫn kêu vài nhân chứng tới nói mấy câu chuyện ngập ngừng.


Sáo cãi phăng đi. Ngay khi Sáo ôm xiết chồng đang nằm thõng thượt trên cái bàn dài đặt giữa văn phòng nhà chức trách, ngay khi nó vùi mặt mình vào cơ thể lạnh lẽo chi chít những chỗ tím bầm, ràn rụa tìm kiếm hơi thở của anh núp trốn đâu đó, trong rún, trong mắt hay ở bên sườn. Khi lướt qua đôi môi dập nát nó nghe phảng phất mùi ngò gai. Trời đất ơi, chồng nó đã nhấm nháp thưởng thức mùi vị chúng ngay khi vừa hái được. Anh vẫn chưa nuốt trôi khỏi cổ, ý nghĩ đó làm nó nghẹt thở. Người ta đang nhâm nhi ngò gai thì không ngó ngàng tới vàng bạc đâu, Sáo nói và xốc ôm chồng tha về ghe.


Dưới sạp ghe hai con cá Bạc Đầu đã chết. Cặp cá này sáu tiếng đồng hồ trước vợ chồng Sáo giăng lưới bắt được. Cá bị nước đuổi ốm tong teo nhưng chồng Sáo sướng quên trời đất, và như con nít, anh đứng múa may quay cuồng ở đầu ghe, kêu hết sẩy hết sẩy, nói phước đức ông bà để lại. Chưa bao giờ Sáo thấy anh hạnh phúc, hân hoan đến vậy, đến nỗi nó đã chạnh lòng ngay lúc đó, anh đâu có từng tỏ ra quý mình như quý cặp cá này.


Cá Bạc Đầu luôn đi thành đôi, là loại cá rất hiếm hoi. Sục sạo như chồng Sáo cũng chỉ một lần thấy chúng. Má chồng Sáo hồi còn sống thường thắt thẻo nói vợ chồng nào hiếm muộn con cái nuốt mật cặp cá Bạc Đầu thể nào cũng cấn thai. Bà hay ngồi ở cửa trước hóng coi trẻ con bên xóm đang chạy giỡn, tiếng thở dài của bà lửng thửng bay về phía Sáo nhoi nhói. Chồng Sáo cà rỡn, “bắt được cá Bạc Đầu rồi vợ con sanh một lần bảy đứa, cho má giữ mệt nghỉ…”. Má chồng không chờ được, lúc bà chết bên vách vẫn còn giắt mớ vỏ tỏi - thứ đàn bà đẻ dùng để xông da thịt cho thơm. Chồng Sáo vẫn phấn khích quăng chài xuống sông Sắc nuôi hy vọng, không hoàn toàn vì khao khát trẻ con. Chồng Sáo đã được ăn cá một lần hồi mười lăm tuổi mà mỗi khi anh nhắc lại nồi canh cá nấu mẳn, Sáo lại thấy nước miếng rỉ ra rưng rưng bên mép anh. Người Châu Thổ hay nói, bắt tao tả đau bụng đẻ ra làm sao chẳng khác nào kêu tả mùi vị con cá Bạc Đầu, tức là chẳng thể chia sẻ cảm giác với người khác nếu họ không tự mình trải qua. Sách “Bi ký” chép lại, năm 813 đã có một làng chài lưới bị tàn sát vì giữ lại cá Bạc Đầu mà không cống nộp cho vua. Một trăm ba mươi bốn người trong làng đã chết. Ba chồng Sáo quý cuốn sách đó như một gia tài nhưng nhà nó đã làm mất vào một bữa nước đột ngột dâng.


Giờ con cá của những đồn đãi, con cá huyền thoại, con cá vì nó mà người ta sống, chết đang nằm trong ghe nhà Sáo, đuôi màu xám đậm rồi phai dần cho đến phần đầu thì trắng muốt tựa bông lau chín. Cái chết cận kề không làm cho chúng thôi quấn quýt. Chúng chạm râu vào nhau khẽ khàng, như âu yếm như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức. Phải, nước đuổi đã quá hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc bạc đi.



3


Mùa nước đuổi bắt đầu từ giữa tháng Giêng. Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn Tết trên ghe.


Cứ mỗi năm nước đuổi lại tới sớm hơn, mùa mỗi năm mỗi dài hơn. Tết chưa tàn vợ chồng Sáo đã lụi hụi dọn đồ đạc lên ghe, bông vạn thọ trồng trong cái khạp lủng để trước hàng ba còn chưa bung nở hết. Chồng Sáo cứ tiếc là ghe chật quá, không rinh cái khạp đó đem theo được.


Anh còn muốn bứng cả cây cỏ quanh nhà theo, nếu có thể. Nên trên ghe lủ khủ những bụi hành hẹ, sả, vài cây ớt, ít hẹ, ngò om… Mấy thứ cỏn con này hay làm chồng Sáo bận lòng, ăn cá chốt nấu cơm mẻ mà thiếu sả ớt, cá trê nướng mà không gừng… là anh băn khoăn lắm. Anh nói thà không ăn, chứ ăn vầy không đúng điệu.


Chồng Sáo ưa nói hai từ đúng điệu. Coi kìa, đêm nay trời trong nhưng trăng tròn quá nhìn không đúng điệu, phải khuyết chút ngó hay hơn. Nắng vầy mà có bóng cây để treo võng nằm chơi là đúng điệu. Con lá lóc này phải có rơm khô chất lên đốt nướng trui mới đúng điệu. Sống giữa trời nước bao la vầy mà không có nước để tắm cho đúng điệu, nghĩ mà tức.


Sáo nhớ chồng nó nói câu đó khi đang ngồi ểnh ra, se miết mấy ngón tay da cổ làm đất rụng xuống lả tả. Gọi là tắm khô, kỳ cọ bằng mồ hôi xong sẽ tắm ướt bằng hai gàu nước. Nhưng có bữa chồng Sáo tắm cả xô, tắm đúng điệu. Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo “em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi”. Đêm nào trước lúc ăn nằm với nhau bao giờ chồng cũng gãi lưng Sáo, trong một trình tự lớp lang đúng điệu, bắt đầu từ lúc những ngón chân cọ vào bắp chân Sáo, sau đó này sau đó kia, anh nhẩn nha đến nỗi nó thiu thiu ngủ luôn bỗng nghe cái gì đó xộc tới chới với. Nó không thích vậy nhưng không dám nói, biết đâu vì cái khoảnh khắc chới với đó mà trẻ con không chịu ra đời.


Sáo còn hồ nghi vì hai chữ đúng điệu mà nhà nó nghèo. Gieo mấy giồng cải, chồng Sáo nói lá cải chưa mướt mà nhổ bán là không đúng điệu, nhưng chờ tới lứa cào cào ở đâu bay lại ăn đám rau rách nát. Có năm trồng dưa hấu, thấy dưa lớn trái lại đang được giá Sáo đòi bán cho thương lái. Chồng bảo chờ cho dưa chín thêm ít nữa, cho da trái dưa căng bóng mới đúng điệu. Ai ngờ trời trở mưa một trận, không kịp cắt dây dưa nổ lụp bụp như pháo, nứt vỏ hết. Trắng tay.


Mùa đó là mùa dưa cuối cùng trên đất nhà Sáo. Năm sau nước đuổi tới nơi, cứ nghĩ nước tràn quanh quẩn những vùng gần biển thôi, nhưng nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, tràn bờ bãi, ngấm vào chân ruộng. Người ta kéo nhau đi đào đất đắp bờ, nhưng đắp tới đâu nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu nước ngập tới đó, không lẽ ở trên mái nhà, thôi kéo nhau lên ghe ở cho rồi. Cây trái tàn rụi, chỉ còn cỏ Đuôi Mèo là sống được, đem bán rẻ mạt cho những người chăn nuôi bò ở bên kia biên giới, chẳng được bao nhiêu tiền.


Chồng Sáo không lấy chuyện đó làm phiền, cả khi ôm cái lư hương cha mẹ rút lên ghe chờ qua mùa nước đuổi, anh vẫn làm mặt tỉnh queo. Cả xứ này bỏ đất mà đi chớ đâu phải chỉ nhà mình, chồng Sáo nói vậy. Chỉ một lần duy nhất chợt thèm ớt giữa bữa cơm, mà cây ớt đem theo đã chết queo, anh mới dựng đũa kêu trời.


Trời im ắng ở trên cao, trong ngằn ngặt, trong như nước mắt. Nắng quay quắt như vắt như vo con người thành những hòn đá khô khốc có thể lăn cọc cạch. Vợ chồng Sáo neo ghe ngay trên đất vườn mình, cạnh mái nhà mình, lây lất sống nhờ chài lưới những con cá nước đục còn sót lại ốm ròm trên mình đầy ghẻ lở… sau đó thì tới đám cá nước trong len lỏi vào sâu trong đất liền, hai đứa kiếm được chút đỉnh tiền gạo và không đến nỗi cực ăn. Nhưng có bữa chỉ bắt được cá Sầu Ngư, đành ăn cơm với muối hột.


Sầu Ngư bình thường vẩy màu xám bạc chỉ nhẩn nha ăn bèo rong trôi dạt, đến nước đuổi thân cá trở nên đỏ thẫm. Chúng có thể sống tỉnh queo nhờ rỉa xác súc vật chết trôi, trong đó có cả xác người. Chồng Sáo vừa ghét vừa ghê sợ chúng, anh xỉa xói, “Cái thứ ham sống tới nỗi bất chấp tội lỗi…”. Sáo mắc cười quá, mắng cá mà như mắng người.

Sáo đâu có ngờ có ngày mình phải bảo vệ chồng khỏi miệng cá Sầu Ngư.



4


Chồng Sáo ốm teo, nằm gọn đeo trong cái hòm được ghép tạm bằng mấy tấm ván ngựa xóm giềng giúp mò lấy từ dưới nhà lên. Lúc lau rửa cho chồng, men tay theo từng tấc thịt da dường như đang tan chảy Sáo thấy buồn quá. Không thể chôn xuống đất, người ta bày cách dìm hòm xuống nước, lấy dây buộc níu vô cột nhà, chờ nước rút mới đem âm thổ. Vị mặn của nước ngấm vào sẽ làm chồng Sáo lâu tàn rữa, họ nói vậy.


Xóm giềng lặng lẽ tiễn chồng Sáo. Cũng mệt mỏi và đuối sức như những con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển, họ chới với khi bị bứng lìa khỏi đất, khỏi cái màu xanh rười rượi của cỏ cây. Cả cái chết cũng không phải xa lạ, nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông…


Riêng chồng Sáo thì chết vì thèm rau. Hàng xóm bảo, không phải, nó chết vì nghèo đó chớ. Vì nghèo nên không đi ra khỏi cái xứ trần ai này được. Vì nghèo nên phải bỏ mạng vì gặp phải bọn cậy giàu coi sinh mệnh người như cỏ rác. Bứt mấy cọng ngò thôi mà, có phải thù oán gì cho lắm đâu mà nhẫn tâm quá thể ? Sáo cũng muốn đi hỏi người của bè rau Đại Thanh câu đó. Sao vậy, tại sao, vì sao ?


- Thời thế loạn rồi, đất không còn thì có thứ gì còn.


Ông bán xôi dạo thở hắt ứ hự. Ông nói bữa trước đi ngang bè rau nghe có tiếng kêu cứu, nghe trên đó rầy sao mầy không chết đi, sống làm chi mà làm khổ người ta. Không biết “người ta” là ai, mắc mớ gì tới cái bọn sống sung sướng trên cái bè rau đó.


Sáo nghe xong tưởng trong lồng ngực có thứ gì vừa đứt phựt, nó hức lên, anh ơi sao anh tới chỗ đó mà chết. Ủa, vậy chồng mình chết chỗ khác thì mình đỡ đau lòng hơn sao ? Sáo giật mình nghĩ vậy khi vừa khóc dứt. Trong nỗi ân hận Sáo ngồi dựa vách ghe, mong xóm giềng cứ ngồi chơi, nếu không muốn nhắc tới chồng nó thì cứ nói chuyện bâng quơ, chuyện những vùng đất cao cẳng xa xôi nước biển không bao giờ đuổi tới, chuyện ở đâu đó con chó đẻ ra con dê, cây dừa có chín đọt… Hoặc họ không nói gì cũng được, ca hát cũng được… Nhưng họ phải về, phải sống. Cuối buổi sáng là nhà chức trách xả nước ngọt ở các máy nước công cộng, không kịp chèo ghe đi lấy sẽ không có nước nấu cơm, tắm giặt…


Sáo chỉ còn một mình.


Một mình.


Sáo lết đi bắc xoong cơm lên bếp lửa. Cảm thấy tay áo giở lên còn không nổi. Bụng không đói miệng thì đắng nhưng Sáo phải ăn, để chờ người ta trả lời tại sao chồng nó chết. Đợi chán Sáo lại chèo ghe tới chỗ nhà chức trách thăm chừng, khi thì thấy vài anh say sưa chơi cờ, khi thì thấy một anh ngủ gục bên bàn làm việc kệ ruồi o e trên mép. Hỏi thì họ chưng hửng nói cô còn đợi sự thật nào ? Như thể có rất nhiều sự thật nằm nhấp nhổm trong ngăn kéo, và họ đang chọn một cái sự thật hợp với tướng tá xơ rơ, túi áo lép kẹp của Sáo.


Hơi thất vọng, Sáo chèo trong chảo nắng mặn trở về, bỗng nín thở nhìn thấy cái lưng dài nhằng của chồng mình trên mái nhà. Em chồng Sáo mang nó về, cả đôi chân mày rậm. Nó thảng thốt hỏi chị Hai làm gì vậy. Sáo nói chị đâu có làm gì. Trời ơi chị xởn tóc chị xơ cờ kìa.


Em chồng nhìn Sáo như thể kêu Sáo nín đi, như thể Sáo xởn tóc là một cách khóc. Sáo chỉ gượng cười rồi luýnh quýnh đi nấu cơm cho em chồng ăn, bận bịu làm sự sống quay trở lại trong nó. Sáo đã quen sống và làm lụng vì ai đó. Như bà nội Sáo vì thương chồng mà bơi xuồng đi cưới hai bà vợ bé cho chồng, như má Sáo vì chuộc chồng khỏi núi nợ ở trường gà mà phải bán hết đất lên ghe sống lênh đênh. Năm mười chín tuổi, nghe má ao ước “lúc chết được nằm trên đất của mình”, Sáo lấy chồng. Lấy người má nó chọn, lý do “thằng đó có tới chục ngoài công đất”. Sáo nhìn thấy chồng lần đầu khi anh đang ôm con gà tre đi trên đường, miệng ngậm vung vinh cọng cỏ mần trầu, nó tự hỏi đây sẽ là chồng mình sao ? Lễ ăn trầu uống rượu rồi, chồng vỗ mông Sáo, nó lại hỏi đây là chồng mình sao ? Hôm cưới nghe chồng phả hơi rượu nóng rực vô vành tai, vẫn hỏi chồng mình đó sao ? Nhưng lúc Sáo cài khuy áo lại, ngó cái người đang lật ra ngủ queo đó, nó nghĩ đây là chồng mình. Nghẹn căng ứ mũi.


Má Sáo vui lắm, gói gém mấy lễ, bà mua hai công đất dành để chôn. Nhờ con gái hiếu thảo mà thím đổi đời rồi, má giả đò vu vơ khoe với một khách thương hồ quen, không lâu sau, anh ta cũng lấy con gái nhà giàu dưới chợ.


Nước đuổi vào sâu Châu Thổ, đất – thứ mà vì nó mà Sáo lấy chồng – trở nên vô nghĩa, như cái tên xóm Rẫy mà còn cái rẫy nào đâu.


Giờ đến cả chồng, Sáo cũng làm mất.


Em chồng rút trong túi xách ra bộ đồ tây mới cáu đặt cạnh đôi dép da mà nó đã mua cho chồng Sáo từ năm trước. Món quà còn nguyên niêm mạc, chồng Sáo chưa đi lần nào, anh nói chờ kiếm có quần áo đẹp mặc cho đúng điệu. Có lần đi chợ gặp em chồng, Sáo kể, nó buột miệng chửi thề, “Má, thằng cha cầu kỳ quá, con nhà lính tính nhà quan…”. Giờ thì em chồng im lìm ngồi vuốt mớ đồ của anh nó. Bao giờ chồng nhập thổ, Sáo sẽ chôn chúng theo.


Ngó cái cảnh đợi công lý của Sáo, thằng em chồng cười khào, con dao bấm trên tay cứ lè lưỡi ra tanh tách, sáng quắc. Nó nói “công lý ở trong tay mình mà, chị Hai…”


Em chồng đi giang hồ từ nhỏ, lưng em giờ đã hai mươi hai cái thẹo, đó là những lần em thực thi công lý hay bị công lý của nhóm giang hồ khác thực thi lên. Không thẹo người ta không biết mình dân giang hồ, em khoe vậy, giống như ở chợ hay gắn chữ văn hóa cho người ta biết là có văn hóa vậy. Em chồng cũng thường khoe công lý của em nhanh hơn, luật của em công bằng, sòng phẳng hơn. Không tin không được, nhiều lần nó tìm lại những món đồ nhà Sáo bị trộm lấy đi, dù chúng đã bị thay hình đổi dạng, bị tháo rã ra bán đầu một nơi mình một nẻo. Nó còn dẫn thằng ăn trộm về biểu, "xin lỗi anh chị Hai tao, mầy !", và thằng kia cun cút cúi đầu.


Nhưng đó chỉ là thằng trộm nhỏ thó hom hem, giờ em chồng Sáo sẽ đối đầu với một bè rau đông người lắm của. Em chồng đi rồi Sáo nóng ruột bồn chồn quá, như thể chỉ cần vo gạo rồi ôm cái nồi vào bụng, gạo sẽ sôi thành cơm. Mấy bữa sau nghe ở mấy máy nước công cộng người ta hể hả bàn tán, nói xe hơi của nhà Đại Thanh dưới chợ bị đập phá, tụi giang hồ còn đánh thuốc chết mấy con chó, tưới xăng định đốt biệt thự may mà nhà chức trách tiếp cứu kịp.


Bữa sau nữa, người ta rủ Sáo đi coi một bảo vệ của bè rau bị dìm chết. Sáo không đi, nó không chắc mình sẽ hả hê khi nhìn thi thể đó. Sáo sợ cái bàn lạnh ngắt giữa căn phòng lạnh ngắt, nơi hơi thở một con người bỗng dưng biến mất. Ở đó, biết đâu cũng có con đàn bà gột rửa da thịt chồng bằng nước mắt, mong gọi những hơi thở trở về.


Nhưng buổi tối hôm đó Sáo đã phải xuôi ghe tới văn phòng của nhà chức trách, vì em chồng Sáo. May phước, em chồng không nằm trên bàn mà bị trói gô, khiến cái lưng dài thượt gần như cuốn tròn lại. Sáo thở phào nhẹ nhỏm dù hoàn cảnh của thằng em hiện giờ rất cay đắng. Vậy mấy bữa qua Sáo đã bồn chồn lo lắng cho ai ? Nó tự hỏi, người mướt mồ hôi lạnh. Ngó vẻ mặt đờ đẫn của Sáo, em chồng cố an ủi mà giọng nói cứ nghiến sít sìn sịt :


- Chị buồn con c. gì, tụi nó bắt tui như bắt cóc bỏ dĩa. Chỉ uổng là tui chưa kịp bẻ cổ thằng Giang.


Câu nói làm Sáo rúm ró. Sáo biết người đàn ông tên Giang đó, lầm lì ít nói, da ngăm đen mắt sâu, hai bàn tay đều chai. Và tóc gội sương gió cứng đến nỗi nếu ai đó để anh ta gối đầu lên đùi, họ sẽ nghe vừa nhột ran vừa đau nhoi nhói. Người đó đã từng hiền lắm, ngập ngừng mãi mới dám nắm bàn tay con gái, nhưng theo lời em chồng Sáo thì giờ anh ta đã đổi thay quay quắt như con cá Sầu Ngư. Sáo muốn đi tìm coi anh ta nhuốm đỏ tới mức nào.


Sáo sẽ đi. Nó quyết định vậy khi nhìn theo em chồng bị người ta đưa đi mất. Nhanh đến nỗi Sáo nhận ra công lý thật ra đâu có già nua hay chậm chạp hay đui mù. Sáo thấy mình vừa mất hết, cả người thân cuối cùng và chút niềm tin cuối cùng. Nhưng cái cảm giác đó thật sự rõ ràng khi nước bắt đầu rút, Sáo đào xuống năm lớp dá, rồi kéo cái thứ đất ngâm lâu bủng beo trong nước đó, đắp lên cho chồng.


Chờ những mầm cỏ Đuôi Mèo lún phún lên xanh, Sáo chèo ghe đến bè rau Đại Thanh. Nhắm mắt thì nó cũng chèo được tới cái chuỗi xanh ngằn ngặt ở ngã ba sông Sắc, chỗ sông Mê cắt qua.



5


Bè đang tuyển người làm. Những nhân công cũ sợ giang hồ đòi công lý nên xin nghỉ quá nửa. Sáo bị xua đuổi ngay khi trờ tới, họ nhận ra vợ của thằng oan gia bứt ngò. Nhưng vì người ta biết Sáo nên nó vẫn cắp cái nón trong nách nấn ná chờ. Hồi lâu có người kêu, cô kia tên gì để tôi ghi hồ sơ ? Ông ta hỏi mà vẻ mặt thảng thốt như không hiểu cái câu vừa rồi sao lại tuôn ra khỏi miệng, như thể đang nghĩ mướn con này chẳng khác nào rước giặc vô nhà, sao ông chủ mình ngu vậy ?


Cũng ngơ ngác, Sáo nói tên mình. Ngay lập tức trên danh nghĩa nó trở thành người của bè rau. Dù Sáo chỉ muốn tới hỏi người đàn ông tên Giang đó có thật đã muốn chồng nó chết không. Sáo nghĩ người đó sẽ im lặng hoặc nói không, vậy đỡ quá. Chối bỏ nghĩa là còn biết sợ hãi. Nhưng con rể của nhà giàu Đại Thanh, người quản lý bè rau mênh mông này, anh ta nói có. Anh ta nhìn thẳng vào Sáo, nói có, nó – đáng – chết…". Anh ta vẫn rám nắng chắc chắn vạm vỡ như năm bảy năm trước, mắt vẫn rười rượi sâu. Mặt anh ta phẳng lặng, giọng cũng đều đặn thản nhiên, mà buốt nhức :


- Em sẽ làm gì tôi ?


Sáo chết trân. Nó không biết. Nó đinh ninh là anh ta sẽ chối bay chối biến và nó cắp nón ra về, an ủi mình đã tìm được sự thật giống như sự thật. Nhưng anh ta thừa nhận, trâng tráo như Sáo không thể làm gì được. Sáo sẽ chạy tới nhờ nhà chức trách đang ngủ gục hay sẽ đòi công lý bằng dao bấm giống như em chồng?


Ngơ ngác, Sáo bỏ đi. Vài ba bận chèo ghe trở lại, cũng chừng ấy lần lủi thủi quay về, Sáo nghi chắc tại phải chèo xa mệt mỏi nên sự căm thù hao hụt. Nó quyết định ở lại làm công cho bè rau. Ở đây nó sẽ tích tụ được những cơn giận dữ, đến khi chúng căng chật, nổ tung thì đường đến căn phòng của tên gian ác cũng gần.


Và nơi này làm cho Sáo không bao giờ nguôi oán giận. Sáo gánh nước tưới những giồng ngò gai và tưởng tượng cái tối chồng mình khoái chí nhấm nháp chúng, chắc anh không kịp rửa, chắc trong cái vị cay nồng có lẫn oi oi mùi rơm mục. Sáo ngồi bó rau bồ ngót ở sàn nước và nghe gan bàn chân tê tái bởi ý nghĩ chồng mình đã bị người ta đánh đập, lăn lộn đau đớn ở đây (dựa theo sự thật của ông bán củi). Trầm mình dưới khúc sông bên hông bè để ủ rơm tươi, Sáo đánh dấu lên dòng nước chỗ người ta đã dìm chồng nó xuống (vịn vào sự thật của thím bán bánh dừa).


Có lần lửa bùng lên tới mặt, Sáo đã chạy tới căn phòng đó, khi xô cửa bỗng bàn tay Sáo chui tọt vào vạt áo. Một đứa trẻ đang ngồi trong lòng người đàn ông, nó đang vùng vằng cằn nhằn cha không biết chải tóc làm đầu nó đau lắm luôn. Anh ta nhác thấy Sáo liền nói, “cô để lần sau…”. Ừ, Sáo không muốn khi xiên con dao trong túi nó qua ngực người đàn ông đó lại có đàn bà và trẻ con trông thấy. Đi men theo những giồng gừng về dãy nhà ngang nơi dành cho những người làm công ngủ, tiếng con nít thỏ thẻ vướng chân làm Sáo trợt chân té sấp. Nó gượng bò dậy khỏi những vũng nước săm sắp, nghĩ phải chi mà vợ chồng nó cũng có đứa con như vậy, chắc bọn nó sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau, sẽ không phải tìm kiếm mỗi đêm dù nó mệt đến rã rời, chỉ muốn ngủ thôi. Và đứa con sẽ làm Sáo thôi nhớ tháng ngày trôi nổi.


Trưa thứ bảy ca nô đưa trẻ con ra bè, chiều chủ nhật trẻ con vào trong chợ. Vợ của người đàn ông, tức bà chủ của Sáo thì tới bè mỗi buổi chiều, lúc các máy nước công cộng đã khóa chặt và những người không lấy nước kịp sẽ ghé qua chỗ chị ta mua nước với giá cao. Cuối chiều cho tới nửa đêm, thương lái nườm nượp tới để giành giật nhau từng bó rau, chị ta đứng bán rồi sáng hôm sau cũng biến mất sau con đê kiên cố sừng sững như tường thành bọc quanh thành phố. Nó cao tới mức những người lam lũ như Sáo cảm giác bị bỏ rơi, bị rời ra, thấy mình nhỏ nhoi như kiến, cỏ. Nó nhắc nhớ nắm xương của ba Sáo đã lạc mất bên dưới tầng tầng lớp lớp nhà cao. Nó nhắc nhớ ba mươi sáu bậc thang mà Sáo đã dò dẫm từ mặt đê xuống ghe cùng với xác chồng.


Nên nhìn thấy bà chủ là Sáo nghe giận. Chị ta cứ lai vảng hoài nên mỗi tuần Sáo chỉ còn lại chừng bốn mươi tiếng đồng hồ để tiếp cận kẻ thù, mà không phải lúc nào kẻ thù cũng ở một mình, bởi người làm công cứ dập dìu qua lại. Trắc trở nhiều khi đến từ trong Sáo, bởi đôi lúc đứng nhìn một vạt cải con xanh non, đôi lúc đi ngang giồng quế đang trổ bông, hay bước chân giẫm lên một lá gừng già… mùi thơm nồng nàn làm người Sáo lỏng lơi ra, nhẹ bỗng. Vậy đâu có được. Nó ở đây để đòi công lý cho chồng, sao lại quên chỉ vì mùi hương của những thứ cỏ cây này.


Nhưng trước những đọt ổi non, những giồng rau húng lủi, đống rơm mới…Sáo vẫn không cầm lòng nổi. Sáo đã nhớ chúng biết bao nhiêu, từ khi nước đuổi lấp ló phía chân trời.



6


Sáo sống gần như đơn độc trên bè. Thui thủi. Bạn làm công dè dặt, đám bảo vệ canh chừng, và Sáo biết mình đi đâu làm gì cũng có người ngó theo, khi da diết khi mãnh liệt, khi hờn mát khi chua chát. Có cảm giác người ta rọng nó ở lại bè rau chỉ để Sáo quẩn quanh trong tầm mắt, nó không phải thả ghe chơi vơi chài lưới chật vật kiếm sống trong mùa nước đuổi.


Sáo hơi tuyệt vọng, nó vẫn chưa trả được thù chồng. Người xóm Rẫy ghé qua bè mua rau đổi nước cắt Sáo bằng ánh mắt căm ghét đến rát mặt, ý nói "thứ người gì tệ bạc, đi làm tôi mọi cho giặc...". Sáo càng nôn nóng, sợ năm dài tháng rộng mớ màu xanh ngằn ngặt trên bè sẽ loang hết mảng tím bầm trong lòng nó. Vậy đâu có được. Nhưng kết thúc bằng cách xiên một mũi dao thì quá dễ cho anh ta. Cái cảm giác sống mà mất hết, nhìn thấy mọi thứ chung quanh tàn rữa mới ghê. Nhưng những thứ mà kẻ thù yêu quý Sáo đều không thể chạm vào. Trẻ con, đàn bà, và cả những giồng rau trái thênh thang trên bè - thứ mà mùa nước đuổi trắng xóa những chân trời, chúng là vàng. Có thể anh ta còn thứ quý giá hơn, Sáo đang tìm kiếm. Nó tới gần anh ta hơn, tới mức có thể nghe giữa những cơn nín thở là tiếng nuốt nước bọt lục cục trong cổ họng. Có lần vô tình cùng khiêng chung một cái lu, Sáo bỗng thấy cảnh này sao giống đôi vợ chồng đang chuẩn bị đón mưa đầu mùa, ý nghĩ làm nó giật mình buông tay làm lu rớt xuống mấy ngón chân anh ta tươm máu. Sáo đau, đến nỗi nó tin rằng nếu lưỡi dao thấu qua ngực anh ta chắc nó là người gục xuống.


Phát hiện đó làm Sáo về luẩn quẩn gần mộ chồng ân hận cả ngày. Oán đong đầy lại. Sáo bắt đầu ráo riết tìm kiếm, bằng cách nhìn rười rượi vào mắt anh ta mỗi khi chạm nhau giữa mấy luống cà chua, dưa chuột. Bằng cách vu vơ hát lên một câu hát cũ, hoặc ra ngồi nhìn trời nước chỗ cây quao. Trời ơi, khi mà mỗi tấc đất trên bè này đều là một tấc vàng, thì người ta bứng trồng lên đó một cây quao, chẳng làm gì cả, trái không ăn được lá lại hôi rình.


Anh ta không thèm giải thích. Con người kỳ cục đó hùng hục làm giàu, nhưng có khi Sáo thấy anh ta đứng ngó bạn hàng vây quanh vợ mình, ngó những xấp tiền xập xòe bằng cái nhìn trống rỗng, tựa như chúng vô nghĩa. Dù nhiều tiền thì gì cũng có, có cả nhà chức trách hồ hởi ghé chơi. Bạn làm công lâu năm vui miệng kể hồi lập bè anh ta cũng chỉ nói với vợ một câu, “tôi ra sông làm rẫy, em ưng thì theo…” Bè dứt khoát phải đặt ở ngã ba sông Sắc, người xóm Rẫy đi chợ đằng nào cũng phải ngang qua. Vợ anh ta nghĩ chắc chồng nhớ sông, nhớ quãng đời lênh đênh nên quyết ra bè sống. Sau này nước đuổi, rau trái quý như vàng, bên nhà vợ khen con rễ biết nhìn xa trông rộng. Sáo nghe chuyện nghĩ, thì anh ta hại chồng nó chết mà có giải thích gì đâu.


Mỗi khi nhìn những bông quao trắng muốt, Sáo nghiến ngầm trong bụng, thằng gian ác thằng gian ác, mình căm thù mình căm thù mình căm thù. Như thể không đinh ninh vậy thì Sáo sẽ coi anh ta như người yêu cũ mất. Vậy đâu có được.


Một bữa người ta cho phun thuốc khắp nơi trên bè. Mọi bán mua vốn đang tấp nập bỗng dưng ngưng bặt. Bà chủ của Sáo cũng không trèo đê ra với chồng. Tắm đêm giữa chừng Sáo để nguyên quần áo ướt xông vào căn phòng người đàn ông đó. Anh ta nằm im lìm như mặt ao ngày không gió, cả khi bọc tay nó trong bàn tay chai cứng vì từng chèo chống sông hồ.


- Em đi với tôi nghen…


Sáo muốn khóc. Câu nói này Sáo đã nghe lần đầu dễ chừng bảy năm trước, hồi chưa lấy chồng. Sáo đùng đưa chân khỏa nước trên sông, nói má em bệnh không ai lo. Lần thứ hai ngồi dưới chòm quao lập lòe đom đóm, nó nói má em nhận lễ của người ta rồi. Lần thứ ba là vào một mùa mưa, bữa đó đi chợ, đứng đụt mưa ở hiên nhà người ta, gió tạt làm hai ống quần sũng nước, Sáo bỗng nghe ai đó nói “em đi với tôi nghen…”, như tha thiết như thương hại, xót xa… Nó đi hết chặng đò rồi, về tới nhà vẫn còn nghe. Chục bữa sau vẫn nghe. Sáo không đi chợ nữa, cần gì thì chồng đi hoặc nhờ hàng xóm tiện thể mua giùm.


Nhưng Sáo có cài bao nhiêu cửa, có ngồi miết trong buồng thì vẫn nghe “hãy đi với tôi…”. Bằng thứ âm thanh chỉ mình nó biết, nó nói đâu có được, tui mắc nấu cơm cho chồng tui, người khác không biết ý ổng nấu ăn sẽ ấm ức lắm. Như bữa ở chợ Sáo nói mắc đi mua chỉ về cho chồng vá chài. Sáo luôn phải bận bịu, vướng víu vì ai đó, dù đôi lúc giữa đêm Sáo mặc lại áo, nó nghĩ nếu đi với Câu Nói thì giờ chắc mình được ngủ rồi.


Lần cuối cùng Sáo nghĩ tới chuyện nắm tay Câu Nói ra đi, là khi chồng Sáo nhảy lên chiếc xuồng câu bơi đi hái trộm ngò gai nêm canh cá Bạc Đầu. Nhìn theo anh rẽ lân tinh lấp lánh như con tôm mon men vào ven đó, Sáo nghĩ, nếu con cá, cọng ngò có thể làm anh vui vẻ tới vậy, thì không nó cũng không sao. Nó muốn có một đứa con được tạo thành bởi tình yêu chớ không phải bởi phép màu của cá. Đang nghĩ bùi ngùi bỗng có người tới gọi, chồng bây bị người ta đánh té xuống nước chết queo rồi. Sáo chôn cất cuộc đi, vì mắc tang tế, đòi công lý cho chồng, cúng quảy người nhà chồng. Chớ ai.


Hôm đó, Sáo chôn cất luôn những ý nghĩ chạy trốn vẩn vơ. Giờ người đàn ông này lại bảo, “Em đi với tôi nghen – Cũng câu nói hôm xưa, giờ nhuốm màu vô vọng – Chồng em có còn đâu…”. Sự vô vọng của năm chữ đằng sau phả hơi lạnh tới cả cái gật đầu của Sáo, ừ thì đi.



7


Cả hai không xếp hành lý, thậm chí không lấy ghe, cứ ào xuống nước bơi về phía bờ mà ai cũng biết là đã không còn bờ từ nước đuổi. Sau lưng, bè rau càng lúc càng rực rỡ. Ngọn đèn chong Sáo kê sát vách mùng giờ chắc đã bén lửa lan vào tận những đụn rơm phía ngoài. Người đàn ông bơi cạnh Sáo không một lần ngoái lại. Sáng hôm qua khi tiễn con gái nhỏ trở vô trong chợ, anh ta đã xiết nó đến nỗi nó kêu đau. Như không có lần sau. Giây phút đó Sáo nhận ra thứ anh ta quý nhất, đến nỗi sẵn sàng từ bỏ tất cả để có được. Là Sáo.


Nó rớt nước mắt. Đi cùng nó có gì vui đâu mà người này cứ đòi phải đi cho được, bảy năm trời không chịu thôi. Ừ vậy thì đi. Hai đứa bơi mãi trong ánh lân tinh réo rắt dìu dặt. Nước tràm trụa trên mặt, nước mặn xót mấy cái chân răng. Bơi đến kiệt sức, đến trống rỗng, đến mức có thể chìm trôi, có thể quên hết quá khứ. Chớ Sáo biết đi đâu với người đã vô tình làm chồng nó chết, bởi một cơn nóng giận, bởi một lầm lẫn, tưởng đạp rào là sẽ được bước qua.


Quanh hai con người đau đớn, cá Sầu Ngư đang nhơ nhởn họp bầy.


… Đoạn, có người hỏi rồi hai đứa đó ra sao. Tôi không biết, tôi đâu có lội theo chi. Thấy đi thì biết đã đi, vậy thôi.




(*) Từ Bi Ký

MC PHAN ANH TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ PHE NHÓM





Vì sao truyền hình VTC lại chủ động dàn xếp bằng chứng giả về vụ cá chết? Vì sao sau phát súng mở màn của VTC, phe chống Cộng Việt Nam và hầu hết các tờ báo chính thống bỗng phối hợp một cách nhuần nhuyễn tới không thể tin nổi trong việc thổi phồng tin tức về vụ cá chết, rồi cố dùng nó làm cái cớ cho một cuộc cách mạng đường phố để lật đổ chế độ hiện tại ở Việt Nam? Vì sao vụ thanh trừng Mai Phan Lợi, vụ cá chết, và phong trào phản đối công an đánh nhà báo lại diễn ra liên tiếp như một chuỗi sự kiện không hề tình cờ?

Trong thực tế, giữa hai nhóm lợi ích kiểm soát công an và báo chí ở Việt Nam đang diễn ra một cuộc tranh chấp quyền lực. Dù 18 000 dân Công giáo miền Trung có nổ to tới đâu, họ cũng chỉ là những con tốt thí mà cha Hợp tung ra cho ván cờ giữa hai phe trong cái chính quyền mà họ ghét.

Trong cuộc cờ này, hiện nổi lên một gương mặt đáng lưu ý, đó là MC Phan Anh. Khi Phan Anh đề cập đến vụ cá chết trong chương trình “60 phút mở”, không thể nói rằng anh ta lỡ mồm. Thứ nhất, không ai lỡ mồm trong ngành giải trí. Thứ hai, nếu Phan Anh không có sự nâng đỡ và chuẩn bị thì anh ta đã bị đuổi việc chứ không có chuyện ngày càng nổi tiếng hơn.

Vậy, việc Phan Anh vồn vã đốt những 500 triệu để làm thiện nguyện sau đợt xả lũ ở miền Trung liệu có phải là tình cờ? Tất nhiên cũng không có chuyện đó. Chỉ trẻ con mới tin rằng người trong ngành giải trí thật tâm làm từ thiện. Mặt khác, nếu Phan Anh thật tâm muốn làm từ thiện thì sao anh ta không làm từ trước bằng từng khoản chi nhỏ nhưng đều đặn mà buộc phải đốt một lượng tiền gây shock vào đúng thời điểm dễ tạo sóng truyền thông? Sao anh ta không dành tiền cho những khoản đầu tư mang lại lợi ích lâu dài cho dân chúng như xây trường học hoặc bệnh viện, mà thay vào đó chỉ đổ tiền vào một vụ cấp cứu nhất thời? Và không kém phần quan trọng là 500 triệu đó ở đâu ra, khiến cho Phan Anh vung tiền mà không hề thấy tiếc?

Mọi bằng chứng đều cho thấy trong vài tháng trở lại đây, từng đường đi nước bước của Phan Anh đều có tính toán. Tính toán này hiển nhiên do chỉ đạo và nâng đỡ mà có chứ không phải từ chính anh ta. Phải có người nâng đỡ Phan Anh khi anh ta dùng chương trình “60 phút mở” để làm chính trị, trả tiền cho anh ta làm từ thiện và chọn thời điểm cùng sự hậu thuẫn truyền thông hoàn hảo để anh ta tung ra những hành động này. Nước cờ mới nhất của Phan Anh thể hiện rõ sự tính toán khi Phan Anh tuyên bố sẽ chia sẻ 9 tỉ đồng quyên góp được cho những hội đoàn dân sự và nhân vật công chúng khác để làm từ thiện. Hiển nhiên anh ta đang nắm quyền quyết định xem tổ chức nào được cùng anh ta đóng vai anh hùng cứu lũ để vừa có tiếng, vừa có miếng, còn tổ chức nào thì không. Chỉ bằng một nước này thôi, một phần lớn của xã hội dân sự Việt Nam đã dễ dàng bị phe phái của Phan Anh thao túng.

Trong câu chuyện này còn có thêm một chi tiết bí ẩn. Thật linh dị khi cả vụ cá chết lẫn vụ xả lũ đều diễn ra ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh miền Trung. Điều linh dị hơn nữa là cả hai vụ việc đều phát sinh từ chuỗi quyết định ngu đến không thể tin nổi của chính quyền địa phương. Nếu không phải sự ngu xuẩn và điên rồ của cả nước đang đổ dồn hết vào hai tỉnh này thì hẳn hai tỉnh này phải là trọng tâm của những nước cờ thông minh nhằm tái sinh bi kịch Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trở lại với MC Phan Anh, tôi có hai nhận định:

Thứ nhất, anh ta xuất phát từ một diễn viên dở, chỉ chuyên đóng quảng cáo và các bộ phim rẻ tiền hạng hai. Trong làng giải trí, phải nói rằng Phan Anh là một nhân vật bất tài, tên tuổi có được hoàn toàn nhờ truyền thông đánh bóng chứ không phải nhờ công sức lao động.

Thứ hai, anh ta là người thiếu trung thực, bất chấp sự thực để đạt được lợi ích truyền thông. Khi trả lời phỏng vấn về phát ngôn mang tính quy chụp, thiếu bằng chứng trong chương trình “60 phút mở”, Phan Anh đã thể hiện rõ đặc điểm này. Phan Anh nói rằng khi phát ngôn trên mạng xã hội, người ta không nhất thiết phải truy tìm sự thật hay tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ bằng chứng. Theo Phan Anh, nếu làm vậy, người ta sẽ tự hạn chế khả năng biểu đạt ý kiến của mình. Tuy nhiên, dù Phan Anh có ngụy biện thế nào, thì ý kiến của những kẻ không tìm hiểu bằng chứng đầy đủ cũng chỉ là thứ tin đồn bậy bạ, thứ thông tin rác rưởi làm bẩn não chúng ta. Chính kiến không dựa trên sự thực, thậm chí bất chấp sự thực thì chỉ là một lời nói dối.

Cần lưu ý khi Phan Anh tuyên bố rằng người ta nên phát ngôn mà bất chấp sự thực và không cần tìm hiểu bằng chứng cụ thể, anh ta đã phản bội những nguyên tắc đạo đức và nguyên tắc nghiệp vụ căn bản của người làm truyền thông. Phan Anh là đại diện tiêu biểu của môi trường truyền thông và chính trị Việt Nam – một thứ truyền thông và chính trị dựa trên đấu đá phe phái, kích động đám đông cùng những mĩ từ hào nhoáng để che đậy sự dối trá. Những người như Phan Anh và phe phái của anh ta không thể tạo ra thay đổi cho dân tộc. Họ chỉ khiến dân tộc lún sâu hơn vào vũng lầy sẵn có mà thôi.

Trong trận chiến lớn này, khi nhiều nhân vật và sứ quân đua nhau lòi mặt chuột, chúng ta sẽ còn có thêm nhiều cơ hội để thu thập thông tin và phân định chính tà. Ai theo phe nào, vì mục đích gì, và sẵn sàng bóp méo sự thật tới đâu? Tất cả đều sẽ lộ rõ.


Những Nhà Dân Chủ Độc Tài

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

AI LÀ THẦY?





Chào các bạn,

Hôm nay 20/11 là Ngày Nhà Giáo Việt Nam, hay Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, hay Ngày Tôn Sư Trọng Đạo. Tôn sư trọng đạo là tôn kính thầy cô, tôn trọng đạo làm người.

Đạo đây không phải là tôn giáo, mà là “đường” – đường làm người, cách sống làm người.

Điều này ngày nay đúng hơn bao giờ hết. Ngày nay, hoặc nếu bạn còn lỗi thời thì chỉ một chút nữa, mọi người đều có thể học làm toán, tiếng Anh, viết văn, lịch sử, địa lý… bằng computer. Thực sự chẳng cần thầy cho các môn này. Duy chỉ có học làm người là cần thầy.

Vì sao?

Vì học làm người là học hành động. Học trò có thể học lý thuyết, nhưng hành động thì phải có người mẫu để mình làm theo. Sống hiều hậu là sống thế nào? Đi đứng nằm ngồi ra sao? Nói chuyện ra sao? Ai chửi mình thì phản ứng thế nào? Thành thật là thế nào? Nói thành thật là nói ra sao? Chuyện gì nói được chuyện gì nói không được? Khi phải nói mà không nói thật được thì sao? Nói một nửa, không nói một nửa là nói thật không? Không chấp là gì? Ăn có là chấp không? Khi nào ăn thì chấp, khi nào ăn thì không chấp?…

Đại khái là học sống thì phải học với người sống. Nhìn thầy làm và mình làm theo, cho đến lúc mình trưởng thành trong tư duy và có cách hành động của riêng mình. Học đạo sống là học như thế.

Và đạo sống là gì? Nếu bạn còn phải hỏi câu này thì bạn không có thuốc chữa. Mẹ đã dạy ta từ lúc lên 3, lên 5 rồi.

Điều quan trọng mà mình muốn nói với các bạn là: Ai là thầy?

Chúng ta có thói quen xem thầy cô là những người đang đứng lớp trong trường, hay đứng lớp trong nhà chùa, nhà thờ. Và ta quy trách nhiệm “giáo dục” cho thầy cô, coi như ta chẳng dự phần gì trong giáo dục.

Đó là sai lầm lớn của mỗi cá nhân chúng ta và mỗi xã hội.

Các bạn, mỗi bạn, có khi nào nhìn lại thế giới quanh mình để thấy rõ mình là thầy không?

Trong nhà mình, cha mẹ là thầy của các con, anh chị là thầy của các em, vì mình làm gì thì các con, các em của mình học làm theo điều đó. Trong xóm, mình là thầy của các em nhỏ trong xóm. Trong sở làm mình là thầy của các nhân viên dưới quyền mình. Trong các hội đoàn, mình là thầy của các đoàn viên dưới mình. Trong trường, mình là thầy của các em học lớp thấp hơn.

Tại sao mình là thầy? Vì mình làm gì thì những người thấp hơn mình thường học theo mình và làm theo điều đó, dù mình có muốn họ học mình hay không, dù mình có biết họ học mình hay không, và dù mình bảo họ: “Nghe lời tôi nói, đừng làm theo điều tôi làm.”

Con người học bằng cách bắt chước nhau, đặc biệt là bắt chước những người lớn hơn, hay cấp cao hơn mình.

Thầy ở trường là việc tự chọn – vào học trường sư phạm và ra làm thầy. Nhưng thầy ở đời là thầy phải làm, dù ta có chọn hay không, đó là một thiên chức đi theo việc làm người. Bạn làm người là bạn làm thầy, dù bạn muốn hay không muốn.

Trong một xã hội, trên nguyên tắc, mọi người đều là thầy. Nhưng nếu ta không chấp nhận thiên chức đó, và luôn chỉ ngón tay vào thầy cô, tức là số người chưa đến 1% dân số, thì chính ta đã làm nền giáo dục quốc gia giảm hiệu năng tới 99%. Thế thì giáo dục không tồi sao được?

Bây giờ để mình nói đến nguyên tắc pháp lý một chút. Clean-hand doctrine, học thuyết bàn tay sạch.

Ngày xưa trong hệ thống luật Anh Mỹ có hai loại tòa án. Tòa án luật (courts of law) là tòa của vua, tòa án công bình (courts of equity) là tòa của giáo hội. Tòa án công bình để dân chạy đến xin xử khi luật của vua áp dụng bất công. Tòa công bình được xem là có công lý hơn là sự lạm quyền của vua quan làm luật ép dân, và có thế lực hơn tòa của vua vào thời giáo hội có quyền lực tối thượng.

Trong tòa công bình có học thuyết bàn tay sạch. Tức là, nếu bạn có bàn tay bẩn – có phạm tội trong vụ việc liên quan – thì đừng vào tòa công bình đòi xử. Ví dụ: Bạn đánh người ta gãy tay, người ta đánh lại cho gãy cả hai chân. Thì bạn không có clean hand để xin tòa công bình phán xử vụ đánh nhau này.

Nghĩa là, trước khi bạn muốn phê phán thầy cô và hệ thống giáo dục, bạn hãy có bàn tay sạch trước. Hãy làm đúng nhiệm vụ thầy cô của mình, trước khi bạn có quyền phàn nàn các thầy cô khác.

Chúc các bạn luôn sạch tay.

Mến,

Hoành


Trần Đình Hoành

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Bài ca tiền ở trường học




NGUYỄN CAO


CÁC KHOẢN TIỀN CỨ ĐẾN HẸN LẠI LÊN

(Thơ châm)

Đầu năm học, lại rộn ràng các báo…
Kê khai lên bao khoản phải đóng tiền
Phụ huynh sợ, giáo viên thì ngán ngẫm
Bài ca tiền, khúc hát vượt thời gian.

Buổi họp đầu năm chủ nhiệm đứng giữa phòng
Truyền thông điệp nhà trường luôn thiếu thốn
Trong xu hướng nhà trường đang hội nhập…
Cần sắm thêm các phương tiện đắt tiền.

Rồi cô giáo phát mỗi người mỗi phiếu
Những cái phải sắm mua phục vụ cháu, con mình
Các anh chị xem và tùy tâm ủng hộ
Đừng để cháu, con ta phải thua thiệt quá nhiều…

Không khí buổi họp thật vô cùng “dân chủ”
Đợi cho phụ huynh xem xong, suy nghĩ kĩ càng
Cô mới nói: “Bây giờ ai đồng ý
Các khoản thu thì biểu quyết, giơ tay”.

Cô vừa nói, tiếng thì thào tranh luận…
Mọi cánh tay đều đồng loạt giơ lên
Ghi biên bản: phụ huynh đều nhất trí
Cuộc họp xong cô giáo thở cái phào.

Và cứ thế, lớp này như lớp khác
Buổi họp đầu năm tốt đẹp đến vô cùng
Và chủ nhiệm bắt đầu thu và nộp
Các khoản tiền “cứ đến hẹn lại lên”

ĐƠN XIN THÔI LÀM CHIẾN BINH

Tác giả bức thư là anh Nguyễn Tuấn Hải – người sáng lập trường Eton Grammar School, từng tốt nghiệp ĐH Princeton (Mỹ) và có 20 năm gắn bó với các hoạt động giáo dục.
Bức thư “xin thôi làm chiến binh” của anh như một lời nói thay nhiều học sinh.
“Sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, con đã đến tuổi trưởng thành và con đã có thể tự đặt cho mình câu hỏi : "Mình là ai và mình muốn gì? " nhưng con đều bất lực trước chúng, thưa thầy và thưa cô!” – anh viết.
Theo anh, học trò ngày nay đang cùng nhau đi qua “chiếc cối xay” và “tất cả đều trở thành những chiếc xúc xích như nhau”. Cha mẹ, thầy cô đã biến các em thành “những cỗ máy” để sản xuất ra “giải thưởng”.
“Chúng con rất sợ mình sẽ đánh mất đi xúc cảm khi bị bắt làm cái máy sản xuất điểm và sản xuất giải”. Bức thư với mong muốn các thầy cô để các con được là chính mình, được làm trẻ con, không phải sống cuộc đời của những chiến binh.
Dưới đây là nguyên văn nội dung bức thư nói thay lời của “một học sinh bình thường”.

ĐƠN XIN THÔI LÀM CHIẾN BINH

Kính gửi các thầy cô giáo nhân dịp 20.11
Con là một học sinh bình thường nhất trong các học sinh bình thường ở Việt Nam.
Con viết thư này gởi các thầy cô, ngoài ý muốn được chúc mừng các thầy cô nhân dịp này con còn có ước mong được gửi tới thầy cô những mong muốn giản dị của con, của chúng con nữa.
Thưa các thầy cô,
Sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, con đã đến tuổi trưởng thành và con đã có thể tự đặt cho mình câu hỏi : " MÌNH LÀ AI VÀ MÌNH MUỐN GÌ ? " nhưng con đều bất lực trước chúng, thưa thầy và thưa cô!
Con thực sự không biết mình là ai nữa. Con đã học giỏi, đã ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và thầy cô. Trong cuộc đời học sinh của mình, con chưa một lần chống lại ý muốn của cha mẹ và thầy cô. Con được dán một cái mác : CON NGOAN TRÒ GIỎI, một cái mác hay là một cái danh gì đó mà con thấy nhiều vô số và nó cần phải được dán lên người của tất cả tụi con. Đứa nào cũng phải có và phải giống nhau.
Con thấy các bạn xung quanh con cũng vậy. Chúng nó giống con và con thì giống tụi nó. Chúng con không biết mình khác nhau ở điểm nào cả. Đi qua một cái CỐI XAY của 12 năm phổ thông và đại học, chúng con tất cả đều trở thành những chiếc XÚC XÍCH như nhau : trông ngon đấy nhưng mà chán phát ớn.
Con và nhiều bạn khác chỉ là những đứa trẻ thông thường và con tin rằng số này mới đông và cần được quan tâm hơn hết so với một số ít các bạn thật sự giỏi giang, mà nhiều lúc con không có dám bén mảng làm quen với các bạn í vì các bạn í tuy dễ thương nhưng mà các bạn í bận hơn chúng con rất nhiều nên không thể có thời gian mà quan tâm tới việc kết bạn giao lưu nữa. Và có một số bạn thì con biết là các bạn í không thèm để ý tới mấy đứa bình thường như tụi con đâu...
Con đôi khi cũng thế. Chỉ vì cái mà chúng con thiếu nhất trong cuộc đời học sinh của mình là THỜI GIAN. Chúng con phải học như điên dại dưới rất nhiều áp lực của cha mẹ và sau đó là của các thầy cô, những người mong chúng con NÊN NGƯỜI nhưng lại không để chúng con LÀM NGƯỜI, mà lại biến chúng con thành những cỗ MÁY : từ học như máy, làm như máy, nghĩ như máy và ăn cũng như máy...
Con còn nhớ như in những chiều tan học, đợi ngoài cổng trường học kia không phải là bố mẹ thì là bác xe ôm chờ sẵn với bánh mỳ và sữa, không phải đưa con về nhà mà là chở con tới lớp học thêm, qua trùng trùng lớp lớp giao thông xe cộ ở trên đường.

Có đôi khi phải băng qua làn mưa và cả những con phố đã thành sông nữa. Có đứa bạn con tuy lớn mà vẫn ngồi trên xe máy để được bố mẹ dắt qua con phố ngập nước mà chả biết phải làm gì cả. Nhưng không phải tụi con không có suy nghĩ mà là con không biết phải làm gì cả!!!
Chúng con đã không được dạy cách đối mặt với thực tế cuộc sống mà chỉ được dạy làm những chiếc máy vô cảm có một nhiệm vụ duy nhất là sản xuất điểm mà thôi.
Con thấy mình đã rất tệ rồi nhưng con còn thấy các bạn học sinh giỏi hơn con, là các bạn học sinh xuất sắc í, còn khổ và đáng thương hơn chúng con rất nhiều. Tuy rằng các bạn í được quan tâm và được các thầy cô và cha mẹ tập trung toàn bộ nguồn lực cho. Nhưng mà cũng để làm cỗ máy, đương nhiên rồi, để sản xuất cái gì các thầy cô có biết không?
Để sản xuất ra GIẢI THƯỞNG ạ.
Chúng con phải đi học cả ngày và buổi tối nhưng các bạn í còn phải học tới khuya, tới đêm. Suốt trong năm học và nhất là những đợt tập trung đội tuyển kéo dài nhiều tháng. Học để thi đấu với nhau chứ không phải là để kiếm tìm niềm vui qua tri thức, qua khám phá và thỏa mãn sự tò mò tự nhiên mà tất cả bọn nhóc chúng con đều được sinh ra đã là như thế.
Khi con lớn lên như bây giờ, con mới hiểu được ý nghĩa của sự phấn đấu để đạt được một thành tích nào đó. Con bây giờ mới biết đó là sự vượt qua chính mình được ghi nhận bởi người khác xung quanh con với sự cổ vũ và tôn trọng. Con học được điều này từ cuộc sống mà con đã trải qua sau khi ra trường chứ không phải là ở trong nhà trường. Sự nhạy cảm và ý thức về giá trị cá nhân đã may mắn được cuộc sống tươi đẹp ngoài kia dạy và bù đắp cho con sau rất nhiều năm tháng hoài phí của con ở trên ghế nhà trường.
Các thầy cô có hiểu cho chúng con không?
Đó là sự HOÀI PHÍ.
Chúng con rất sợ mình sẽ đánh mất đi xúc cảm khi bị bắt làm cái máy sản xuất điểm và sản xuất giải. Chúng con cũng thương tụi con và cả các bạn học sinh xuất sắc không được là chính mình trong khi nếu được là chính mình thì mấy đứa bình thường như tụi con và cả các bạn í đã rất hạnh phúc để không phải sống cuộc đời của những chiến binh.
Để được làm trẻ con thật sự.
Thưa các thầy cô,
Thư con viết đã dài, con chỉ muốn được chia sẻ chứ không có ý chỉ trích các thầy cô.
Kính mong các thầy cô hiểu tấm lòng và cả suy nghĩ, cảm xúc của tụi con ạ.
Con cảm ơn.
Một học sinh bình thường.
Nguyễn Thảo

Trang Đồng Tiền - giá 200k-

Trang Đồng Tiền - giá 200k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh


PHAN ANH TỪ THIỆN ?


Lâm Ngân Mai đã chia sẻ bài viết của Nguyen Anh.
10 giờ ·





Nguyen AnhTheo dõi
17 giờ ·



Sau khi anh Phan Anh post cái đống giấy tờ lên fb tôi có vào chất vấn 2 vấn đề sau:

1. Cái đống giấy đó chỉ chụp cho nó có, chứ ko thấy tổng thu, tổng chi là bao nhiêu cả.


2. Ai cho phép Phan Anh tự ý chuyển tiền cho Minh Đỗ, sao 21 tỉ đó ko đem từ thiện cho bà con vùng lũ đi ?

Chỉ 2 câu như vậy anh Phan Anh đã block tôi. Khổng Tử nói rất đúng :"Danh bất chính thì ngôn bất thuận, ngôn bất thuận thì sự bất thành".

Block ng khác là hành vi chứng tỏ anh như loài dơi chói mắt vì ánh sáng và sự thật mà thôi. Anh Phan Anh có thể bịt miệng tôi, làm sao bịt miệng dc thiên hạ và sự thật ?

Nếu anh Phan Anh post bài với danh nghĩa cá nhân thì block ai đó là quyền của anh, tuy đó là ko hành động ko đẹp nhưng dù sao đó cũng là quyền cá nhân. Còn đằng này anh post bài mang danh nghĩa cộng đồng tức ng đã cầm 21 tỉ của thiên hạ để làm từ thiện. Vậy mà anh block ng khác khi họ chất vấn về tính minh bạch, thì đó có thể coi là hành động của 1 thằng lừa đảo mạt hạng và đê tiện.

Mọi ng hãy chung tay cùng Chuối share để vạch mặt thằng lừa đảo này

https://web.facebook.com/lamnganmai?fref=nf&pnref=story


---------------------------------

Bao Nguyen đã chia sẻ bài viết của anh ấy — cùng với Hoa Chau5 người khác.
19 giờ ·




Bao Nguyen đã thêm 4 ảnh mới — cùng với Lê Trung Khôi4 người khác.
17 Tháng 11 lúc 21:34 ·



PHAN ANH TỪ THIỆN TẠI TÂM HAY TẠI THAM?
(TẬP HAI - VÁN BÀI LẬT NGỮA 21 TỶ FROZEN)

BẮT THANG LÊN HỎI ÔNG TRỜI
CÓ TIỀN TỪ THIỆN CÓ ĐÒI ĐƯỢC KHÔNG?
ÔNG TRỜI LIỀN BẢO LÀ KHÔNG,
TAO ĐÒI KHÔNG ĐƯỢC, HUỐNG CHI LÀ MÀY!


Phan Anh con người "đạo đức" thật hay giả? Hay cũng như bạn hàng tôm, hàng cá! Bán cá xong rồi không cần biết Cá ương hay Cá thúi, sự thật bao giờ cũng phủ phàng. Bạn có cần biết tiền cứu trợ hảo tâm của mình có nhận được và tới tận tay đồng bào bị lũ lụt hay không? Muốn biết xin mời xem và bình luận! Hiện tại số tiền còn lại 21 tỷ để cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ đã bị chuyển qua cho Đỗ Minh, là một nhân vật khó có thể tin cậy, vì trong quá khứ Cha của Đỗ Minh là Đỗ Tất Ngọc đã bị bắt vì tham nhũng ở Agribank với số tiền thất thoát lên tới 500 tỷ đồng, tài sản bị tịch thu và hiện tại còn nợ vay nóng nhiều nơi với số tiền lên cả trăm tỷ, không có khả năng trả nợ. Vậy với số tiền 21 tỷ từ thiện này mà Phan Anh giao cho Đỗ Minh quản lý thì coi như giao trứng cho ác! Coi như là mất trắng, các bạn hãy chờ xem, màn kịch màn hai cảnh hai, bảo đảm sẽ còn nhiều điều hấp dẫn!
Liên quan đến những sai phạm trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định có trách nhiệm của lãnh đạo Agribank gồm các ông Đỗ Tất Ngọc (khi đó là chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hữu Lương (khi đó là trưởng ban kiểm soát HĐQT Agribank)...
Đây là link về tiểu sử của gia đình Đỗ Minh:
http://m.doisongphapluat.com/…/vi-sao-nguyen-chu-tich-agrib…