Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Hãy nhìn xuống chân


ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM LÀ NGHĨA THẾ NÀO?






Truyền Bình

 

Câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” 應無所住而生其心 trích từ kinh Kim Cang, nhờ nghe câu này mà anh tiều phu Huệ Năng hoát nhiên tỏ ngộ, sau đó có cơ hội làm bài kệ “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” 菩提本無樹 明鏡亦非台 本來無一物 何處惹塵埃 trình cho ngũ tổ Hoằng Nhẫn của Thiền tông và được truyền y bát để trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Lục Tổ và các môn đồ làm cho Thiền tông đại hưng thịnh, thiền sử ghi nhận có hơn 5000 người kiến tánh.

Kinh Kim Cang, tên đầy đủ là Kim cang (cương) bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (zh. 金剛般若波羅密多經, sa. vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) là một bộ kinh liễu nghĩa (tức nói ý nghĩa rốt ráo chứ không phải nghĩa phương tiện, do đó không dễ hiểu đối với người bình thường). Có ít nhất 6 bản dịch từ Phạn sang Hán trong đó bốn dịch giả người Ấn (Cưu Ma La Thập, Đạt Ma Cấp Đa, Chân Đế -真諦Paramartha- và Bồ Đề Lưu Chi) và hai dịch giả người Hoa, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Trong đó phổ biến nhất là bản dịch của Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什 Kumārajīva 344-413, dịch vào đời Diêu Hưng nước Hậu Tần trong thời kỳ các dị tộc xâm chiếm Trung Quốc sau nhà Tây Tấn, trước sau dựng lên tất cả 16 nước, thời kỳ mà sử gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa (năm dị tộc xâu xé nước Trung Hoa).

Nội dung kinh là cuộc đàm luận giữa Phật và tôn giả Tu Bồ Đề, bày tỏ ý nghĩa thù thắng, rốt ráo của Phật pháp . Bộ kinh kết luận bằng bài kệ :

一切有爲法 Nhất thiết hữu vi pháp
如夢幻泡影 Như mộng huyễn bào ảnh
如露亦如電 Như lộ diệc như điện
應作如是觀 Ưng tác như thị quán

Tất cả các pháp hữu vi tức là pháp có sinh có diệt, đều như mộng huyễn, như bọt nước, như hạt sương mong manh hoặc như điện chớp, tức không có gì thật sự vững chắc, nên xem xét nhận thức như thế.

Ý kinh nói rằng vũ trụ vạn vật chỉ là ảo ảnh, không phải thật, do đó không nên chấp trước cho là thật. Ngày xưa khoa học chưa phát triển nên trong nguyên tác, các bản dịch và luận giải đều chưa có dẫn chứng khoa học, nên ý nghĩa của câu chủ đề trên còn khá mơ hồ. Ngày nay chúng ta có điều kiện hơn, vì khoa học đã phát triển, nên có điều kiện giải thích cụ thể rõ ràng hơn.

Bây giờ chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của câu chủ đề :

應無所住而生其心 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm

Ưng vô sở trụ : Đây là câu bàng thái cách (subjonctif) với nghĩa cần phải không có chỗ trụ, nếu chúng ta dùng tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất tinh tế để diễn đạt thì có thể dịch : Il faut que vous soyez nonlocal. Hoặc tiếng Anh : You must be nonlocal.

Nhi sinh kỳ tâm : thì cái tâm ấy mới xuất hiện: pour que cet esprit apparaisse. Hoặc tiếng Anh : for the appearing of this mind. Cái tâm ấy tức là tâm giác ngộ.

Thế nào là không có chỗ trụ, tại sao không thể có chỗ trụ ? Đây là chỗ cần dùng khoa học để dẫn chứng. Phật pháp nói rằng các pháp đều là ảo hóa. Mà sự ảo hóa cần đến chuyển động không thể ngừng. Ví dụ để có sự xuất hiện của nguyên tử, electron phải chuyển động vòng quanh hạt nhân rất nhanh và không ngừng. Để cho cuộc sống trong phim sống động như thật, máy chiếu phim phải chạy đều đều không thể ngừng. Các vật thể vi mô hay vĩ mô đều phải chuyển động không ngừng. Hành tinh chuyển động chung quanh mặt trời, vệ tinh như mặt trăng chuyển động chung quanh hành tinh, thái dương hệ chuyển động trong ngân hà, các thiên hà chuyển động không ngừng trong vũ trụ. Tâm thức của con người chúng ta cũng luôn luôn vận động, nhất niệm vô minh cứ nối tiếp nhau thành dòng tâm thức vô tận. Tất cả sự chuyển động đó tạo ra thế giới mà Phật pháp đã tóm tắt trong danh xưng Ngũ Uẩn五蘊 hay còn gọi là Ngũ Ấm五陰, đó là Sắc色,Thọ受,Tưởng想, Hành行,Thức識 .Đó là năm yếu tố tạo thành thế giới trong đó Sắc là vật chất, Hành là chuyển động, Thọ là cảm giác, Tưởng là nghĩ ngợi, tưởng tượng, Thức là nhận biết. Phật pháp nói rằng Ngũ Uẩn Giai Không五蕴皆空 Năm yếu tố cấu thành thế giới đều không có thật nên không thể có chỗ trụ.

Nguyên lý vô sở trụ đã được Heisenberg nhận thức thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) trong vật lý học. Vô sở trụ còn được nhận thức thành định lý bất toàn (Theorem of incompleteness) trong toán học do Kurt Godel phát hiện. Vô sở trụ còn hiển hiện trong nhiều lỗ hổng không thể lấp đầy của Sinh vật tiến hóa luận do Charles Darwin đề xướng. Xem loạt bài về

SỰ KẾT THÚC CỦA KHOA HỌC

Khoa học lượng tử tương quan (RQM : Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài! :

Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.

Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào ? Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất. Cấu trúc ảo đó là gì ? Từ những hạt ảo là quark và electron, cấu trúc thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật thì không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo, và chúng ta thấy và tương tác với mối quan hệ giữa các cấu trúc ảo đó.

Tóm lại vì bản chất của thế giới là ảo hóa, là chuyển động nên không thể trụ, không thể dừng lại, kể cả chết cũng không dừng lại, vì thức sẽ chuyển qua một đời sống khác gọi là tái sinh chuyển kiếp, vì bản chất là không nên không có chỗ trụ. Kinh nói :

若以色見我 Nhược dĩ sắc kiến ngã
以音聲求我 Dĩ âm thanh cầu ngã
是人行邪道 Thị nhân hành tà đạo
不能見如來 Bất năng kiến Như Lai

Nếu lấy vật chất để thấy ta (ta là Như Lai) nghĩa là hình dung ta dưới hình thức vật chất với 32 tướng tốt, phương phi tuấn tú, sức mạnh vô địch v.v…Hoặc lấy âm thanh để cầu ta, nghĩa là dùng tiếng nói để tán thán, cầu khấn ta, hay dùng âm nhạc để diễn tả những phẩm đức của ta trong những bài thánh ca tuyệt hay. Thì người đó đã đi sai đường, không thể thấy được Như Lai, nghĩa là không thể giác ngộ. Tóm lại không thể trụ ở các pháp trần.

Bản chất của thế giới là vô sở trụ, nghĩa là không có một điểm cố định nào để dừng nghỉ. Tất cả những chỗ an tĩnh dừng nghỉ đều chỉ là ảo tưởng. Khoa học ngày nay đã hiểu được điều này. Ví dụ một thiền sư đang ngồi tham thiền, liệu thân ông ta có chuyển động không ? Bên trong thân, máu đang lưu thông, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào mới sinh ra, cơ thể đang tiến hành tiêu hóa, bài tiết, tăng trưởng, không lúc nào ngừng nghỉ. Tâm thức cũng không hề im lặng, nó đang quán tưởng, đang phiêu du qua vô số cảnh giới hay đang phát khởi nghi tình. Cả cái thân tứ đại ấy cũng chuyển động hỗn loạn theo chuyển động xoay tròn của địa cầu, theo chuyển động trên quỹ đạo chung quanh mặt trời, theo chuyển động của thái dương hệ trong ngân hà và theo sự chuyển động của ngân hà trong vũ trụ.

Vô sở trụ còn có nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không hạn chế ở một chỗ nhất định nào trong không gian hoặc một thời điểm nào trong thời gian. Tính chất này, ngày nay khoa học gọi là nonlocality (bất định xứ). Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã chứng ngộ tính chất này, vì vậy mới có danh xưng Như Lai, danh xưng này cũng có nghĩa là bất định xứ, đồng thời tuyên thuyết Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Còn khoa học thì mãi đến thế kỷ 20 mới hiểu được qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Trên blog này, đã nói rất nhiều về hiện tượng này, nếu cần xem lại thì bấm vào đây :

KHẮP KHÔNG GIAN, KHẮP THỜI GIAN VÀ VÔ SỐ LƯỢNG CÓ Ý NGHĨA GÌ ?

Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng tính chất bất định xứ chỉ xảy ra trong thế giới lượng tử, còn thế giới đời thường thì các vật thể đều có định xứ. Đó là một nhận thức hạn hẹp, nói hạn hẹp vì họ chỉ mới biết một mà chưa biết hai, họ chưa biết và chưa thấy vật thể cũng có tính chất bất định xứ như lượng tử. Điều này đã được các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ một cách rõ ràng qua các sự kiện như : Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy sợi dây nịt đang mang trong lưng quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang đăng đàn diễn thuyết chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng của một chiếc xe hơi đang đậu ở suối Sa Cốc, cách đó khoảng 50 km. Những vật đó bản chất vẫn là ảo, là bất định xứ, nên có khả năng di chuyển tự do nếu hành giả có tâm lực đủ mạnh, không một lực nào níu kéo lại được dù đó là chiếc thùng sắt kiên cố.

Tính chất vô sở trụ ngày nay đã được khoa học ứng dụng vô cùng phổ biến với mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone). Tất cả bài báo, thông tin, âm nhạc, phim ảnh…có thể đến với người sử dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có sóng thích hợp như wifi, 3G, 4G, sóng vệ tinh v.v…Khoa học còn có tham vọng một ngày kia sẽ chuyển các vật thể đi khắp nơi bằng phương thức gọi là vô tuyến vận tải (télétransport) cũng giống như chuyển thông tin hiện nay. Tất cả đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ. Từ bao đời nay, các vong linh, thần thức, tái sinh chuyển kiếp trong khắp tam giới đều bằng tốc độ của ý niệm, đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ.

Thế nào là nhi sinh kỳ tâm ? Chữ sinh ở đây phải hiểu là xuất hiện chứ không phải sinh ra vì nó vốn đã có sẵn. Khi nào có đủ điều kiện thì nó xuất hiện. Tâm là vô sanh pháp nhẫn, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Giống như mặt trời bị mây che nên không nhìn thấy, khi nào mây tan thì mặt trời xuất hiện. Kỳ tâm có nghĩa là cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm giác ngộ, tâm bất nhị. Bất nhị có nghĩa là không phải hai, không phải nhiều, cũng không phải một, tóm lại bất nhị là không có số lượng. Tại sao không có số lượng ? Vì tất cả vật đều là ảo. Một tấm ảnh ảo thì không có số lượng vì nó có thể biến thành vô lượng vô số tấm ảnh. Một vật thể cũng là ảo nên cũng không có số lượng. Hạt photon là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, nó có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18 km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh có kể câu chuyện để biểu thị tính vô lượng cũng như tính bất định xứ của không gian và thời gian, như sau:

Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:

– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:

– Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy một cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích thị hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Đại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.

Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:

– Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Đức Phật ấy? Do e ngại sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.

Duy Ma Cật nói:

– Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?

Văn Thù nói:

– Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.

Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:

– Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:

“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”

Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:

– Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì đang thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.

Các Bồ Tát hỏi:

– Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.

Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.

Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:

– Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Được thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.

Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.

Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.

Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.

Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:

– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.

Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:

– Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?

Hóa thân Bồ Tát nói rằng:

– Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.

Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.

Câu chuyện trên giống như truyện thần thoại bịa đặt, nhưng thí nghiệm của Nicolas Gisin và Maria Chekhova chứng tỏ rằng vật chất (hạt photon) quả thật có những tính chất giống như thế. Điều này khó tin đến nỗi, sinh thời Einstein đã không tin, cố bài bác bằng giả thuyết EPR, nhưng ngày nay các nhà khoa học đều biết rằng giả thuyết EPR là sai, lượng tử quả thật có những tính chất giống như trong kinh nói. Nhiều nhà khoa học sẵn sàng xây dựng lý thuyết trên cơ sở thế giới là ảo, vũ trụ là số, như chúng ta đã thấy David Bohm và Craig Hogan đã làm.

Tóm lại Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm biểu thị các tính chất vô sở trụ không thể tưởng tượng nổi của tâm giác ngộ. Đó là tâm như hư không vô sở hữu, nhưng đó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nó biểu thị rằng không gian, thời gian và số lượng đều là ảo hóa, đều là không có thật. Trong tâm giác ngộ đó thì không có chỗ trụ, không được chấp có, không được chấp không, không vừa có vừa không, cũng không chẳng có chẳng không. Tóm lại là không để lọt vào tứ cú. Tình trạng đó không thể dùng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả được, mà phải chứng nghiệm, thiền Ấn Độ gọi là nhập niết bàn, hay chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Còn thiền Trung Hoa thì gọi là kiến tánh thành Phật.

Truyền Bình (Duy Lực Thiền)




Sau
In Trang




Ý KIẾN BẠN ĐỌC

12/04/20161:03 SA
Đàm thanh Giang
Khách

Đồng nhận định với đạo hữu Diệu Mai , các Kinh liễu nghĩa chỉ ra trung đạo (thể là nhất nguyên) để diễn bày thường phải dùng lối phủ định để hiểu ý, nay người viết lại lấy khoa học (mà cái thấy là tương đối và nông can hơn nhiều) để chia chẻ phân tích (đa nguyên) thì đúng là lầm lẫn.



14/03/20163:54 SA
Thiện Quang
Khách

Giải thích: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Ưng: nên thế, cần phải, hãy.
Vô sở trụ: Không có trụ chỗ nào, đừng trụ vào đâu cả. Dịch “vô sở trụ” là “không có chỗ trụ” là sai văn pháp, từ đó suy diễn sai theo.
Lưu ý ngữ cảnh: “Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
Ưng như thị sanh thanh tịnh tâm = nên như vầy sanh cái tâm thanh tịnh [để trang nghiêm cõi Phật], hay nên sanh cái tâm thanh tịnh như vầy: “bất ưng trụ … kỳ tâm.”
“Bất ưng trụ” được lập lại 2 lần, dịch là “không nên trụ”, “không nên trú”, “không nên trú ở”, “không nên trụ vào”. Trú là động từ.
Ưng vô sở trụ: Dịch sát là “nên không trụ vào chỗ nào”, “phải không trụ vào chỗ nào”, “hãy đừng trụ vào đâu cả”. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là đối tượng của tâm thức. Đoạn trên, Phật dạy không nên trụ vào “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Trụ đồng nghĩa với thủ, chấp thủ, thủ đắc. Cho nên đoạn sau, Phật dạy “chớ nên trụ vào chỗ nào cả”, “chớ nên thủ đắc bất cứ gì”, thì ngay nơi đó là tâm thanh tịnh.
Kỳ tâm = cái tâm ấy, tâm kia. Cái tâm thanh tịnh [để trang nghiêm cõi Phật] nói ở đoạn trên.
Trong Pháp bảo đàn kể câu chuyện về một chàng tiều phu không biết chữ, chưa vợ con, còn mẹ già. Một hôm nhân bán củi mà được nghe tụng Kim cương, liền đốn ngộ. Hỏi về kinh Kim cương thì được biết ngũ tổ Hoằng Nhẫn dạy ai cũng nên tụng kinh ấy. Tiều phu liền thu xếp cho mẹ già, lặn lội đến Hoàng Mai yết kiến ngũ tổ. Rồi một đêm, tế nhị và bí mật, ngũ tổ lấy ca sa trương ra che kín thiền thất, đem kinh Kim cương giảng cho. Giảng đến câu "hãy đừng trụ vào bất cứ nơi nào mà sinh tâm ra" thì tiều phu đại ngộ tất cả các pháp không ngoài tự tánh, và thưa rằng: “không ngờ tự tánh vốn tự trong sáng, không ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt, không ngờ tự tánh vốn tự đủ cả, không ngờ tự tánh vốn không dao động, không ngờ tự tánh vốn sinh vạn pháp.” Đó là cuộc truyền ngôi tổ vị thứ 6, anh chàng tiều phu liền thành lục tổ Huệ Năng. Sau này lục tổ khuyên người làm theo chánh định Bát nhã bằng cách tụng niệm Kim cương, với lời nói giản dị: “Lúc nào, chỗ nào tâm cũng đừng ngu, ngu một chút là bát nhã mất một chút, trí một chút là bát nhã sanh một chút.”
Trung A hàm, kinh Phân biệt quán pháp: “Này chư Hiền, thế nào gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn? Này chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo thấy sắc, thức không chạy theo sắc tướng, thức không đắm trước lạc của sắc tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của sắc tướng, vị ấy không bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý Tỳ-kheo nhận thức pháp, thức không chạy theo pháp tướng, thức không đắm trước lạc của pháp tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của pháp tướng. Vị ấy không bị vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị chi phối, tán loạn. Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn.” … “Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô tưởng trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong. Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo trú vào bên trong.” (Thích Tuệ Sỹ dịch)
Lưu ý: “Không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.” Đó chẳng phải là “ưng vô sở trụ” hay sao?



14/03/20163:19 SA
Thiện Quang
Khách

Hán: 佛告須菩提:「於意云何?如來昔在然燈佛所,於法有所得不?」 「世尊!如來在然燈佛所,於法實無所得。」 「須菩提!於意云何?菩薩莊嚴佛土不?」 「不也,世尊!何以故?莊嚴佛土者,則非莊嚴,是名莊嚴。」 「是故須菩提,諸菩薩摩訶薩應如是生清淨心,不應住色生心,不應住聲、香、味、觸、法生心,應無所住而生其心。」

Âm: "Phật cáo Tu-bồ-đề: 「Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ? 」 「Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc. 」 「Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ? 「Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tắc phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. 」 「Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. 」

Nghĩa: “Phật hỏi Tu-bồ-đề: - Ý ông nghĩ sao? Như Lai xưa kia, nơi đức Phật Nhiên Đăng, có được pháp gì? - Bạch Thế Tôn! Nơi đức Phật Nhiên Đăng, thật sự Thế Tôn không có được pháp gì. - Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có chăng Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật? – Không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Sự trang nghiêm cõi Phật, [Thế tôn nói] là phi trang nghiêm, [thế nên] gọi đó là trang nghiêm. – Do vậy, Tu-bồ-đề, các đại Bồ-tát hãy sanh cái tâm thanh tịnh như vầy: không nên trụ nơi sắc mà sanh tâm ra, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm ra, hãy không trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm [thanh tịnh] kia.”

Anh ngữ: “The Buddha addressed Subhuti: "What do you think? When the Tathagata was formerly staying with the Buddha Dipamkara, in the Dharma he had attainment, no?"
"No, World Honored One. When the tathagata was staying with the Buddha Dipamkara, in the Dharma he really had no attainment."
"Subhuti, what do you think? The bodhisattva adorns the buddhaland, no?"
"No, World Honored One. What is the reason? The adornment of the buddhalands is not adornment. This is called 'adornment'."
"This is why, Subhuti, that bodhisattva-mahasattvas should thusly give rise to the purified mind. They should not dwell in forms when giving rise to that mind; they should not dwell in sounds, odors, tastes, sensations, or dharmas when giving rise to that mind. They should dwell nowhere while giving rise to their thoughts.”
[The Diamond Sutra (Vajracchedika Prajnaparamita Sutra)
Translated from Kumarajiva's Chinese [T235] by Charles Patton]



PHẬT GIÁO CÓ THỂ CỨU VÃN QUẢ ĐỊA CẦU?




David R. Loy, John Stanley | Thị Giới chuyển ngữ



 

Nếu chúng ta cứ tiếp tục hành hạ quả đất cách nầy, chắc chắn nền văn minh của chúng ta sẽ bị hủy diệt. Cuộc quay đầu nầy đòi hỏi sự giác ngộ, thức tỉnh. Sự giác ngộ của đức Phật có tính cách cá nhân. Chúng ta cần một sự giác ngộ tập thể để làm chậm lại dòng hủy diệt nầy. Nền văn minh sẽ đi đến chỗ chấm dứt nếu chúng ta tiếp tục chìm đắm trong sự tranh đua về sức mạnh, tiếng tăm, tình dục, và lợi nhuận.”
(Thích Nhất Hạnh, The Art of Power.)



Chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng lớn, sự thách thức nghiêm trọng nhất mà nhân loại đang đối diện: những hậu quả về sinh thái do cộng nghiệp của chúng ta gây ra. Các nhà khoa học ngày nay đã không còn nghi ngờ rằng chính sinh hoạt của con người đang gây ra sự sụp đỗ về môi trường trong phạm vi toàn cầu. Đối với người Phật tử, sự quan tâm đến tình trạng nguy ngập về sinh thái và suy nghĩ việc áp dụng những nguồn tài nguyên truyền thống lớn lao của chúng ta trong việc cứu nguy cho địa cầu là một nhu cầu cấp bách.

Báo động toàn cầu xảy ra nhanh hơn những dự đoán của chỉ vài năm trước, đặc biệt là ở các Cực địa cầu. Năm 2007, cơ quan Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) dự đoán Bắc cực có thể không còn băng mùa hè vào khoảng năm 2100. Ngày nay người ta lại thấy rằng tuyết mùa hè ở Bắc cực sẽ không còn chỉ trong vòng năm năm. Theo cùng bản báo cáo của IPCC, băng ở Hy mã lạp sơn sẽ hoàn toàn tan hết trước năm 2035. Riêng người Tây tạng rất nhạy cảm đối với vấn đề nầy. Đức Đạt Lai Lạt ma đã từng lưu ý: “Những người già nói rằng những rặng núi nầy đươc phủ với lớp tuyết dày khi họ còn trẻ và tuyết đang trở nên mỏng hơn, đó có thể là một dấu hiệu của ngày tàn của thế giới.”

Sự thay đổi khí hậu, phần lớn là do hậu quả của sự khủng hoảng sinh thái, đóng một vai trò chính trong nhiều thứ khác, trong đó có sự tuyệt chủng của một số loài chia sẻ sự sống với chúng ta trên địa cầu nầy. Edward O. Wilson, một trong những nhà sinh vật học khả kính nhất thế giới, là một trong những người dự đoán rằng một nửa cây cối và thú vật trên trái đất có thể sẽ bị tiêu diệt vào cuối thế kỷ nầy. Điều nầy có nghĩa gì đối với những vị Bồ tát, những người nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh?

Chúng ta không muốn nghĩ về cuộc khủng hoảng sinh thái, cũng như không muốn nghĩ đến cái chết của chúng ta. Nhưng càng ngày càng có nhiều khoa học gia tin rằng sự sống còn của nền văn minh nhân loại, và có thể sự sống còn của loài người, hiện đang bị đe dọa.

Nói như triết gia về sinh thái và học giả Phật giáo Joanna Macy, phủ nhận điều đang xảy ra là mối nguy hiểm lớn nhất mà chúng ta đối diện. Trấn áp đem đến một giá cao phải trả: theo nhiều nhà tâm lý, con người trong những xã hội kỹ nghệ phát triển cao bị chứng tê liệt tâm lý, kết quả của sự tách rời khỏi thiên nhiên, không còn khả năng cảm nhận cái đẹp của thế giới – hoặc khả năng đáp ứng trước nỗi đau của nó. Điều đó tạo ra khoảng trống trong tâm thức con người. Và họ chạy theo quảng cáo, bỏ ra nhiều thời gian chạy theo những cái thay thế để lấp đầy khoảng trống đó. Nhưng họ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn vì con người không bao giờ có thể có được đầy đủ về cái mà họ không thật sự mong muốn. Họ sống trong những nỗi lo sợ mơ hồ, từ đó bị ám ảnh chạy theo cuộc tranh đua về sức mạnh, danh tiếng, tình dục và lợi nhuận.

Tin tức sai lạc về báo động toàn cầu cho chúng ta thấy rằng vấn đề trực tiếp nhất của chúng ta là thiếu sự tỉnh thức. Điều nầy đưa chúng ta trở về với Phật giáo. Con đường Phật giáo là tỉnh thức trước vọng tưởng. Nói như thầy Thích Nhất Hạnh, chúng ta cần một sự tỉnh thức tập thể trước vọng tưởng tập thể – đặc biệt đối với vọng tưởng gây nên do những mánh khóe thiện nghệ của các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta không thể chỉ dựa vào những hệ thống kinh tế và chính trị hiện tại để giải quyết vấn đề, bởi vì trong phạm vi lớn, chính chúng là vấn đề. Thay vì vậy, chúng ta cần có những chọn lựa có ý thức đặt nền tảng trên sự thức tỉnh nhiều hơn nữa về tình trạng thực sự của chúng ta.

Sự khủng hoảng sinh thái cho chúng ta thấy rõ rằng loại xã hội tiêu dùng của chúng ta ngày nay là nguồn độc hại cho môi trường. Tiếp tục như vậy sẽ là một mối đe dọa lớn cho sự sống còn của chúng ta. Để nói lên nỗi ám ảnh của chúng ta đối với chủ nghĩa tiêu dùng, chúng ta cần những cái nhìn khác nhau về tình trạng nguy ngập và tiềm năng của điều kiện con người. Những kỹ thuật mới không thể cứu vãn chúng ta trừ phi chúng được kết hợp với một thế giới quan mới. Chúng ta cần chuyển sự quan tâm của chúng ta từ lòng mong muốn phát triển không ngừng về kinh tế và kỹ thuật sang việc hàn gắng mối liên hệ giữa chúng ta với Địa cầu.

“Sự phá hoại thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên là kết quả của sự vô minh, tâm tham lam, và thiếu lòng tôn trọng đối với những sự vật sống trên Địa cầu. Sự thiếu lòng tôn trọng nầy còn mở rộng cho đến những hậu duệ loài người của Địa cầu, những thế hệ tương lai, những thế hệ sẽ thừa hưởng một hành tinh xuống cấp trầm trọng nếu nền hòa bình của thế giới không trở thành hiện thực và sự phá hoại môi trường thiên nhiên tiếp tục ở mức độ hiện nay… Rõ ràng đây là một thế hệ then chốt.”
Đạt Lai Lạt ma thứ Mười bốn, Collected Statements on the Environment, 2007.

Giải pháp Phật giáo đưa ra cho sự khủng hoảng môi trường không dễ thực hiện. Tuy nhiên, giáo lý về vô thường, tương duyên và vô ngã cung cấp một cái nhìn sâu sắc có giá trị vào bản chất của tình trạng nguy ngập về sinh thái của chúng ta. Thêm vào đó, việc thấy rằng lòng tham lam, ý chí bịnh hoạn, và vọng tưởng về một cái ngã tách biệt là nguồn gốc của khổ giúp chúng ta tìm thấy phương hướng cứu chữa. Về tập thể, chúng ta khổ sở với cảm giác về ngã, nó làm cho chúng ta cảm thấy không chỉ mất sự kết nối với những con người khác mà còn với quả Địa cầu.

Theo cách nói hiện đại, ý nghĩa của ngã là một cấu trúc tâm lý và xã hội, không có một sự hiện hữu tự hữu hay thực tại của riêng nó. Vấn đề nền tảng của cái ngã đó là ảo tưởng về tính chất nhị nguyên. Khi chúng ta tạo dựng một cái ngã riêng biệt bên trong, thì cùng lúc, chúng ta tạo dựng một thế giới bên ngoài khác với cái “tôi.” Phật giáo dạy rằng cảm giác phân ly nầy là khổ (dukkha), bởi vì một cái ngã đánh lừa, không có thực thể, rõ ràng là không vững chãi. Để chống lại cảm giác đó, chúng ta bị ám ảnh với việc tìm cách kiểm soát hoàn cảnh của chúng ta, đưa đến những cạnh tranh về sức mạnh, tiếng tăm, tình dục và lợi nhuận. Tuy nhiên, những cố gắng đó thường chỉ làm lớn mạnh thêm cảm giác phân ly.

Giải pháp của Phật giáo cho tình trạng đó không phải là loại trừ cái ngã. Điều đó không thể được vì thật sự chưa từng có một cái ngã. Thay vì vậy, nói như thầy Thích Nhất Hạnh, “Chúng ta ở đây để tỉnh thức khỏi ảo tưởng về sự riêng rẽ của chúng ta.” Khi nhận ra rằng “Tôi” là cái mà toàn bộ thế giới đang hoạt động, ngay tại đây và bây giờ, thì việc chăm sóc “người khác” sẽ trở nên tự nhiên như chăm sóc đôi chân của tôi. Nhận thức nầy là điểm nối sống động giữa trí tuệ và từ bi. Sự tốt đẹp của tôi trong cứu cánh không thể tách rời với sự tốt đẹp của những người khác.

Tình trạng của mỗi cá nhân chúng ta tương ứng một cách rõ ràng với tình trạng sinh thái hiện nay của địa cầu. Nền văn minh nhân loại là một cấu trúc tập thể, nó đã dẫn đến sự phân ly tập thể với thế giới thiên nhiên, một sự phân ly tạo nên đau khổ. Đứng trước sự phân ly đó, chúng ta bị chi phối bởi một ám ảnh tập thể về sự an toàn, cố gắng “tạo chỗ đứng” cho chúng ta bằng kỹ thuật và kinh tế. Nhưng cho dù chúng ta có tàn phá hoặc chế ngự thiên nhiên bao nhiêu, chúng ta cũng không bao giờ thấy đủ, vì vấn đề nền tảng không phải là không đủ giàu hay đủ mạnh, nhưng là sự phân ly mà chúng ta cảm thấy đối với quả Địa cầu. Chúng ta không thể “trở về với thiên nhiên” vì chúng ta chưa bao giờ thật sự rời khỏi nó. Chúng ta cần tỉnh dậy và nhận ra rằng Địa cầu là Mẹ và cũng là nhà của chúng ta – và chúng ta thấy rằng sợi dây rốn nối liền chúng ta với Địa cầu không bao giờ có thể bị cắt đứt.

“Đối với những vấn đề toàn cầu như hậu quả nhà kiếng, các tổ chức cá nhân và những quốc gia riêng lẻ sẽ không làm được việc gì. Ngoại trừ chúng ta cùng chung sức làm việc với nhau, chúng ta sẽ không tìm ra giải pháp nào. Mẹ Đất dạy cho chúng ta một bài học về tinh thần trách nhiệm chung.”
– Đạt Lai Lạt ma thứ Mười bốn, Collected Statements on the Environment, 2007.

Nhìn thấy sự thất bại của những hệ thống kinh tế và chính trị của chúng ta, các tôn giáo ngày nay có một trách nhiệm đặc biệt về việc cổ vũ cho một thế giới quan tập thể mới. Đây là một cơ hội để các tôn giáo đứng lên bước vào cuộc phấn đấu mà không một tổ chức nào có vẻ có khả năng thực hiện. Để hoàn thành việc nầy, các tôn giáo cần học hỏi thêm việc trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Những tôn giáo khác nhau chỉ có thể thực hiện được việc đó khi nào những nhóm trong cùng tôn giáo đối thoại với nhau có hiệu quả. Cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu đòi hỏi chúng ta, những người Phật tử, làm việc và học hỏi với nhau để đáp ứng một cách thỏa đáng.

Bằng cách làm sáng tỏ giáo lý nền tảng của đức Phật, tiềm tàng trong những hình thức văn hóa khác nhau, chúng ta có thể củng cố thông điệp căn bản sống động của giáo pháp đó cho thời đại then chốt hiện nay. Mặc dầu những tổ chức Phật giáo – giống như những tổ chức của những tôn giáo khác – có khuynh hướng bảo thủ, sự nhấn mạnh của Phật giáo vào tính chất vô thường và không có bản thể cho chúng ta sự cởi mở và chấp nhận đối với những trách nhiệm mới mà chắc chắn chúng ta cần thiết hiện nay. Nếu những truyền thống Phật giáo khác nhau tập hợp lại để phát thảo một đáp ứng chung cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu, thì đó thật sự là một điển hình gây cảm hứng mà Phật giáo có thể cung cấp cho những tôn giáo khác trên thế giới.

Chúng tôi tin rằng cuộc khủng lớn lao hiện nay kêu gọi các nhà lãnh đạo của mọi truyền thống Phật giáo một cuộc hội thảo quốc tế để tìm một sự đáp ứng chung. Tình trạng cấp bách của chúng ta ngày nay cũng nói lên sự cần thiết của một cuộc Kết Tập Phật Giáo – điều đã chỉ xảy ra sáu lần từ trước trong lịch sử Phật giáo. Cuộc Kết tập lần thứ nhất diễn ra tại Rajagaha ngay sau khi đức Phật nhập Niết bàn theo truyền thống Pali; cuộc Kết tập lần thứ sáu diễn ra ở Rangoon (Yangon) vào năm 1954.

Vì có ít nhà lãnh đạo Phật giáo là những người chuyên môn về khí hậu học, cuộc họp được đề nghị mở đầu bằng việc thông qua những số liệu mới nhất và ý nghĩa của chúng do các nhà khoa học khả kính đưa ra. Thời gian còn lại có thể được dùng cho những cuộc thảo luận tập trung giữa những người tham dự, chia sẻ cái nhìn Phật giáo về thời điểm quan trọng nầy, làm việc để đi đến một nhận thức với những nhắn gởi chung cho cộng đồng Phật tử toàn thế giới về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự hợp nhất của chúng ta sẽ cung cấp một điển hình có sức mạnh cho những truyền thống tôn giáo khác. Có thể tất cả chúng ta sẽ tham gia vào một cố gắng tạo thế cân bằng với những sức mạnh kinh tế đã kiềm chế và đánh lạc hướng cuộc tranh luận trong thời gian qua cho đến hiện tại.

Trong việc đề nghị một cuộc họp mặt Phật giáo toàn cầu, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận khởi sự với các vị giữ những vài trò trọng yếu trong các truyền thống Phật giáo Tây tạng như Trangu Rinpoche, Dzigar Kongtrul Rinpoche, Ringu Tulku Rinpoche, Chokyi Nyima Rinpoche, và Tsoknyi Rinpoche. Sự đáp ứng của các vị nầy rất tích cực. Chúng tôi cũng tiếp xúc những vị Thầy của các tông phái Theravada, Zen, và Tịnh độ tông và những tổ chức thuộc các tông phái nầy ở Á châu và Tây phương. Chúng tôi đề nghị một một cuộc họp vào năm tới, chuẩn bị cho Hội Nghị Về Sự Thay Đổi Khí Hậu Của Liên Hiêp Quốc (United Nations Climate Change Conference) diễn ra vào tháng mười hai năm 2009.

Cuộc họp nầy dù được coi là một hội thảo quốc tế hay một cuộc Kết Tập, tầm quan trọng của nó là nhiều truyền thống Phật giáo sẽ có cơ hội gặp gỡ và xem xét tình trạng chung của chúng ta một cách kỹ lưỡng. Tất cà những kỳ Kết Tập trước kia là để chuẩn định và duy trì Giáo pháp và Giới luật, nhưng cuộc khủng hoảng ngày nay kêu gọi một nền tảng khác hơn. Thay vì hướng vào bên trong và tập trung vào việc làm sáng tỏ Giáo pháp của đức Phật, các vị Thầy Phật giáo cần nhìn ra bên ngoài và đặt vấn đề làm thế nào để giáo pháp của đức Phật có thể giúp chúng ta hiểu và đáp ứng cho vấn đề cấp bách của hành tinh chúng ta.

Cuộc khủng hoảng môi trường cũng là cuộc khủng hoảng đối với Phật giáo, không phải vì Phật giáo sẽ chịu thiệt hại nếu nền văn minh nhân loại thiệt hại, nhưng bởi vì Phật giáo là một tôn giáo quan tâm trực tiếp đến việc làm giảm sự đau khổ của mọi chúng sanh. Phật giáo có những điều đặc biệt có thể đóng góp cho cơn nguy ngập nầy, khi loài người cần sử dụng những điều tốt nhất cho một giai đoạn lịch sử của họ. Chúng ta cần những vị Bồ tát nguyện cứu độ không chỉ những chúng sanh đơn lẻ, mà còn cứu độ những hệ thống giúp cho sự sống và những loại đau khổ của một sinh quyển đang bị đe dọa.

(Buddhadharma số Mùa Đông 2008)

David R. Loy và John Stanley
Thị Giới dịch

30 THÁNG TƯ 1975, Nhìn Và Suy Nghĩ Của Một Nhân Chứng Trích đoạn từ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê






Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)


Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh…) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng (NHL)

Vừa đánh vừa đàm – Hiệp định Paris

Từ năm 1965, Mĩ đã dùng phi cơ oanh tạc Bắc việt, có ý buộc Bắc phải điều đình. Mãi đến giữa 1968, hai bên mới bắt đầu thương thuyết với nhau ở Parỉs. Mĩ buộc Bắc phải rút hết quân về. Bắc cũng đòi Mĩ phải rút hết quân về. Nam không chấp nhận Mặt trận Giải phóng. Bắc đòi phảí chấp nhận. Từ đó đến 1973 họ vừa đàm vừa đánh. Để làm áp lực, Mĩ oanh tạc mỗi ngày một mạnh hơn, nhưng càng oanh tạc thì thái độ của Bắc càng cứng rắn, dân chúng càng sát cánh với nhà cầm quyền. Phá hủy khu kĩ nghệ Thái nguyên, Bắc cũng không núng, oanh tạc các đường sắt, đê điều họ cũng không núng; Nga và Trung hoa càng viện trợ khí giới, đại bác. hỏa tiển, phi cơ cho họ.

Cuộc oanh tạc lớn nhất xảy ra năm 1972, sau vụ Bắc việt đại tấn công thành phố Quảng trị, san phẳng thành bình địa. Liên tiếp mười hai ngày, Hà nội bị dội bom. Mĩ còn thả thủy lôi trên các sông Bắc Việt, nhất là biển Hải phòng, không cho tàu Nga ra vô. Trung hoa chỉ lên tiếng phản đối gọi là, còn Nga thì trước sau làm thinh. Một số người ở Sài gòn nguyền rủa Mĩ mà cũng nguyền rủa cả Nga lẫn Trung hoa.

Chúng ta nên để ý: năm 1972, Nixon, tổng thống Mĩ qua thăm Mao rồi thăm Nga, chắc chắn là để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt nam, có lẽ vì vậy mà Mĩ mới dám ngang tàng dội bom Hà nội và phong tỏa hải cảng Hải phòng.

Cả thế giới bất bình với Mĩ: một anh khổng lồ mà ăn hiếp một chú bé, dùng những đòn nặng như vậy, thật vô liêm sỉ. Chính dân chúng Mĩ cũng chê kẻ cầm đầu của họ. Một triết gia Anh, Bertrand Roussell, lập một tòa án ở Na uy (?) để xử tội Mĩ.

Dội bom Hà nội 12 ngày rồi Mĩ ngừng để thương thuyết với Bắc Việt, và ngày 27-1-73, Mĩ, miền Nam Việt nam kí với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng hiệp định Paris có nhiều nước chứng kiến: Nga, Trung hoa, Pháp, Anh.

Tôi không nhớ rõ nội dung hiệp định đó, đại khái là Mĩ rút hết quân về. Bắc cũng vậy; Nam và Bắc trao đổi tù binh với nhau; ở miền Nam sẽ có một chính phủ lâm thời gồm ba thành phần: người của chính phủ miền Nam, người của Mặt trận Giải phóng và một số người không đứng về phe Nam hay phe Bắc, do hai chính phủ Nam và Giải phóng đề cử, số người đó là thành phần thứ ba.

Những bí mật trong chiến tranh Việt Mĩ

Trong chiến tranh Việt Mĩ có nhiều bí mật tôi không hiểu nổi. Mĩ thay Pháp ở Đông dương để chặn làn sóng cộng sản Trung hoa tràn xuống Đông nam Á. Vậy là mới đầu Mĩ thù Trung hoa, sau tại sao lại thân thiện với Trung hoa? Chỉ vì thị trường hàng tỉ người ở Trung hoa chăng? Hay là còn vì Mĩ biết Trung hoa thù Nga từ 1960, mà Trung hoa yếu hơn Nga, cho nên đứng về phía Trung hoa để cho thế lực của Nga giảm đi?

Nga, Hoa đều phải giúp Bắc Việt để chống Mĩ, nhưng cả hai đều gờm nhau: có hồi Trung hoa không cho khí giới Nga viện trợ đi qua Trung hoa để tới Bắc Việt, còn Nga thì không muốn Bắc Việt lệ thuộc vào Trung hoa nhiều quá. Nhờ uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh mà Bắc Việt giữ được tình hòa hảo với hai nước đó.

Hình như Nga có hồi khuyên Bắc Việt nhượng bộ Mĩ. Tại sao? Và chính trong hội nghị Paris, Trung hoa cũng muốn vậy chăng? Có phải là cả ba cường quốc Mĩ, Nga, Hoa đều muốn cho miền Nam trung lập, không lệ thuộc vào nước nào chăng?

Còn nhiều bí mật nữa, các sử gia chưa thể công bố được, mà các phóng viên báo Âu Mĩ chưa hề xuất bản một cuốn nào về chiến tranh Việt Mĩ, cho nên chúng ta đành chịu, không hiểu chút gì về những âm mưu của các nước anh chị để định đoạt thân phận của chúng ta.

Ngay từ 1968. trong bài tựa cuốn Bài học Israel tôi đã viết:

“Thực dân nào, bất kì đông hay tây, cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết; còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp. Do thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ; Ai cập bị Mĩ bỏ, rồi Nga bỏ (…)

“Càng đọc lịch sử thế giới tôi càng thấy đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại. Phải là một dân tộc có thực lực, có bản lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng, nhưng nếu lỡ mà gắn bó với họ thì sớm muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ. Còn các nước nhược tiểu thì chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế. Có lẽ chính Israel cũng hiểu như vậy nên năm 1967 họ đòi trực tiếp thương thuyết với Ả rập, không muốn Nga, Mĩ làm trung gian.

“Nội một điều này cũng đủ cho ta suy nghĩ. Từ sau thế chiến đến nay, cường quốc nào cũng đua nhau chế tạo võ khí cho thật tinh xảo, có sức mạnh tàn phá mỗi ngày một khủng khiếp. Năm nào cũng có những phát minh mới, thành thử võ khí nào tối tân nhất cũng chỉ ít năm hóa cổ lỗ. Họ có liệng xuống biển không, có phá hủy không, hay phải tìm cách “tiêu thụ” mà tiêu thụ ở đâu? Có ở trên đất họ không?”

Đoạn đó, năm 1979, đầu chiến tranh Việt Hoa, môt cán bộ Nam bảo tôi, bây giờ đọc nó mới thấm thía. Và cuốn Bài học Israel được nhiều người tìm mua ở chợ sách cũ mà không còn.

Đầu năm 1972, thấy Nixon sắp bỏ rơi miền Nam, tôi chua chát viết bài “Sau 18 năm tiếp xúc với người Mĩ” đăng trên tạp chí Bách Khoa. Xin dẫn dưới đây một đoạn:

“Họ (người Mĩ) đã tiêu hai trăm tỉ Mĩ kim, hi sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng triệu tấn bom, làm cho non triệu người mình bi giết, hằng vạn hằng ức mẫu vườn ruộng, hằng ngàn làng mạc bị tàn phá, gây biết bao tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi quả phụ, non mười năm rồi mà vẫn chưa giải quyết nổi chiến tranh này (…), rốt cuộc phải tìm cách thương thuyết.

Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một mặt họ lo vuốt ve Trung cộng (mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ) hi vọng tìm một giải pháp cho Đông dương, một mặt họ cấp tốc Việt hóa chiến tranh để rút lui. Họ hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút hết cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên cương” của họ như họ chủ trương, lên vai 17 triệu dân Việt nam, mà lại tính cắt hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đánh trống bỏ dùi không? Lương tâm họ ở đâu nhỉ? Thể diện của họ ở đâu nhỉ?”

Giọng gay gắt như vậy mà sở kiểm duyệt không bỏ một chữ, chỉ vì niềm phẫn uất của tôi là tâm trạng chung của mọi người.

Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh…) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng. Mĩ thất bại ở Trung hoa và Việt nam, nguyên nhân chính ở đó. Mà các thực dân da trắng không nhiều thì ít như vậy hết, tệ nhất là Mĩ. Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách thì dần dần đệ tam thế giới sẽ theo phe Cộng hết mặc dầu dân chúng không ưa chế độ độc tài của Nga, Trung hoa.

Mĩ rút về, quân Nam tan rã. Chiến tranh chấm dứt

Đúng là Mĩ chạy làng. Họ vội vã rút hết quân về, và khi không còn một lính Mĩ nào ở Việt nam nữa thì Bắc, Nam lại choảng nhau. Chủ trương Việt nam hóa chiến tranh của Nixon đã được thực hiện.

Mới đầu Nixon cũng cho phi cơ từ Phi luật tân hay đảo Guam trợ chiến với quân đội của Thiệu; nhưng khi nửa triệu quân Mĩ còn ở trên đất miền Nam, quân đội của Thiệu đã không có tinh thần thì bây giờ làm sao có tinh thần được? Thiệu xin thêm viện trợ tiền bạc và võ khí, quốc hội Mĩ không cho, Thiệu nổi khùng, chửi Mĩ thậm tệ hơn một giờ trên đài truyền hình.

Ngày 10-3-75 Việt cộng tấn công Ban mê thuột, ngày 11-3 Ban mê thuột thất thủ.

Ngày 15-3, Thiệu họp các tướng. quyết đinh bỏ Pleiku, Kontum một cách vội vàng, để lại hàng núi chiến cụ. Hai trăm ngàn dân bị bỏ rơi, mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân; Cộng quân chặn đường pháo kích; hai vạn dân bỏ mạng, hằng ngàn người kiệt sức, chết dọc đường.

Ngày 19-3 Quảng trị di tản.

Hôm sau, An lộc thất thủ, sau một thờí gian bị bao vây ngày đêm bị đại bác, hỏa tiễn nã vào.

Kế đó là Huế, Quảng ngãi, Đà nẵng, Qui nhơn, Nha trang bị Cộng quân chiếm một cách rất dễ. Cũng có một vài tướng rán chống cự, nhưng quân lính không tuân lệnh thì chỉ còn cách đào tẩu để thoát thân.

Đà lạt bỏ ngỏ, Phan rang đầu hàng, Phan thiết tan rã.

Ngày 21-4 Xuân lộc thất thủ (trước đó bốn ngày, Nam vang lọt vào tay Khmer đỏ). Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.

Ngày 26-4, Trần văn Hương yêu cầu lưỡng viện bầu người khác thay ông để thương thuyết với Mặt trận Giải Phóng.

Hôm sau đại tướng Dương văn Minh được bầu lên thay Hương.

Ngày 30-4, Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi buông súng cho đỡ chết dân. Mười hai giờ trưa, tướng Trần văn Trà ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Chiến tranh chấm dứt.

Có sách hay báo nói: trong chiến tranh Việt Mĩ này, miền Nam chết khoảng 200.000 quân, miền Bắc chết non 1.000.000 quân; thường dân cả hai miền chết trên một triệu. Trong số này chắc không kể những thường dân miền Nam chết trong khi chạy loạn tháng 3 và tháng 4-1975. Bi đát hơn cuộc chạy loạn của dân Paris tháng 6-1940 nhiều.



Từ miền thượng xuống miền đồng bằng, từ Huế vô Phan thiết, Biên hòa, trên khắp các lộ xe hơi, xe căm nhông chật đường, nhích từng thước một; dân chúng dắt díu, bồng bế nhau chạy. Vợ hay con chết ở dọc đường, đành phải vùi nông ở ngay bên đường rồi chạy… Chạy để tránh cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu thân mà người ta không sao quên được. Tới bờ biển Qui nhơn, Nha trang, Phan thiết… người ta nhảy ùm xuống biển, cố lội ra mấy tầu của Mỹ. Người trên tầu cũng là dân tị nạn, xô đẩy, có khi chém vào tay kẻ ở dưới biển đòi leo lên. Trẻ em chết đói, chết khát, chết bệnh ở trên bãi biển, cha mẹ gạt nước mắt, vủi thây chúng xuống cát.

Ở các phi trường, cảnh còn hỗn độn hơn nữa. Người ta bỏ lại hết các va li quần áo, tiền của, vàng bạc để cố leo lên phi cơ, mà cũng bị hất xuống, thế là của cải mất hết mà vẫn không thoát thân. Phi trường Tourane như vậy, phi trường Nha trang, Biên hòa đều như vậy, mà ngay phi trường Tân sơn nhất cũng vậy. Nghe nói có người bám lấy đuôi một chiếc xe Jeep để vào phi trường, bị xe kéo lết cả câv số.

Không có trận Điện Biên Phủ ở miền Nam – tướng Mĩ hứa từ trước như vậy và họ giữ đúng – nhưng còn nhục nhã gấp chục lần Điện Biên Phủ nữa vì họ chịu thua trước rồi, có chống cự tới cùng đâu. Thà như quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn được tiếng anh dũng. Chính người Mĩ cũng nhận chưa bao giờ nước Mĩ thất bại lớn như vây. Nguyên nhân thất bại cũng như Pháp mà lại mang tiếng phản bạn.

Vậy là hiệp định Paris kí ngày 27-1-73, chưa ráo nét mực đã bị xé. Ai xé trước? Lỗi tại ai? Không biết. Chỉ biết trong mười hai tháng đầu sau hiệp định, trung bình ở Việt nam chết thêm 1.000 người mỗi tuần nữa.

Năm 1976 có thuyết cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp không cho quân Bắc tiến vô quá Đà nẵng, nhưng rồi không cản được. Có thực vậy không? Cũng không biết. Vận mạng của bốn năm chục triệu dân Việt do cái gì quyết định? Không ai biết được.

-- o0o --

Chiển tranh Việt-Mĩ chấm dứt sau 15 năm nếu kể từ ngày Mặt trận Giải phóng chính thức thành lập (1960), dài gần gấp hai chiến tranh Việt-Pháp.

Theo P. Singh trong Le jeu des puissances en Asie (Marabout 1974) thì chiến tranh đó làm thiệt hai triệu mạng người (chắc cho cả hai bên) và ở Việt nam cả Nam lẫn Bắc, Mĩ đã liệng trung bình nửa tấn bom xuống mỗi héc-ta đất.

Mĩ đã đổ vào chiến tranh đó trên 200 tỉ đô la.

Nguyễn Hiến Lê

Nguồn trích dẫn: http://www.vietnamvanhien.org/HoiKyNguyenHienLe.pdf

Tác giả: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn Hiến Lê

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Thảm họa môi trường miền Trung và câu hỏi về một số Quy chuẩn VN



  FB Phạm Hồng Phong


Đọc thêm: http://petrotimes.vn/vi-sao-thang-42016-lai-co-nhieu-vu-ca-chet-hang-loat-tren-the-gioi-414366.html
.
Những ngày qua, cả nước lên đồng vì cá chết ở miền trung với nhiều suy đoán, thuyết âm mưu và cả “thủy triều đỏ” định hướng.

Hầu như không có báo nào khai thác theo hướng các quy chuẩn và quy định Việt Nam mà Bộ Tài nguyên áp dụng cho việc cấp phép xả thải cho Formosa. Và chưa ai đặt câu hỏi Quy chuẩn đó liệu có… chuẩn hay không và dựa trên cơ sở nào.

Có 2 Quy chuẩn Việt Nam dụng để áp dụng cho trường hợp xả thải của Fomosa:
1- Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển: QCVN 10-MT: 2015/BTNMT ban hành năm 2015 thay thế Quy chuẩn QCVN 10-MT: 2008/BTNMT



Giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển. QCVN 10-MT:2015/BTNMT
2- Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT ban hành năm 2013




Giấy phép xả thải 3215/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Formosa do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký ngày 11-12-2015 dựa trên Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT ban hành năm 2013.

Theo giấy phép này, nước thải công nghiệp sau xử lý được phép xả ra môi trường tiếp nhận, (trường hợp Formosa là biển ven bờ vịnh Sơn Dương, xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và các thông số giới hạn nồng độ chất ô nhiễm (của nước sau xử lý) được tính toán dựa trên Quy chuẩn QCVN 52: 2013/BTNMT như sau:
Cmax = C x Kq x Kf
Cmax là nồng độ tối đa cho phép,
C là giá trị thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp theo cột B (khi xả vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) bảng dưới:


Kq là hệ số nguồn tiếp nhận nước thải, trường hợp này là vịnh Sơn Dương và Bộ TNMT đã sử dụng 1,3 cho vùng nước biển ven bờ không dùng cho mục đích bảo vệ thủy sinh, thể thao và giải trí dưới nước.
Kf là hệ số lưu lượng nguồn thải. Trong giấy phép Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Formosa đã sử dụng hệ số Kf là 0,9 tương đương với lưu lượng F >5.000 m3/ngày đêm (trị số lưu lượng lớn nhất trong bảng phía dưới vì không có trị số nào lớn hơn) để tính toán các giá trị thông số giới hạn nồng độ chất ô nhiễm được phép xả ra nguồn thải (vịnh Sơn Dương).



Bảng hệ số Kf sử dụng để tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp sản xuất thép. QCVN52:2013/BTNMT
Formosa là một Đại dự án, với quy mô xả thải đăng ký để cấp phép lên tới 45.000m3/ngày đêm, nó đương nhiên là giá trị >5000m3/ngày đêm theo quy chuẩn, nhưng gấp tới 9 lần.
Kết quả tính toán cho giấy phép xả thải Formosa đã được cấp, cụ thể là: Nhiệt độ nước xả thải < 40 độ C; độ pH trong khoảng 5,5-9; Chất rắn lơ lửng: 117mg/l; Tổng dầu mỡ khoảng 11,7mg/l; Tổng phenol: 0,585mg/l; Tổng xyanua: 0,585mg/l; Ni tơ: 70,2mg/l; Thủy ngân: 0,0117mg/l.

Công suất xả thải tối đa được phép: 45,000m3/ngày đêm.
Như vậy, theo Giấy phép xả thải và quy chuẩn QCVN 52: 2013/BTNMT, nước sau khi xử lý có hàm lượng dưới các giới hạn nêu trên Formosa được phép xả thẳng ra biển.



Giấy phép xả thải của Formosa (Nguồn ảnh: Báo giao thông)
So sánh với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển: QCVN 10-MT: 2015/BTNMT (ở trên) Quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước biển, áp dụng để đánh giá và kiểm soát chất lượng nước biển của các vùng biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác thì các thông số giới hạn như sau:



Bảng so sánh các giá trị giới hạn nước biển
Như vậy, theo tính toán thì Formosa được phép xả thải ra vịnh Sơn Dương với hàm lượng Xyanua cao gấp 58,5 lần giá trị giới hạn của nước biển theo Quy chuẩn QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Ngoài ra các hàm lượng Cadimi, Crom 6+ được phép vượt quá 11,7 lần, Thủy ngân 2,34 lần, Tổng Phenol 19,5 lần, Tổng dầu mỡ khoáng 23,4 lần.

Và điều này hoàn toàn phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT

Nhưng với hàm lượng đó, nếu Formosa xả ra biển đúng quy định thì vẫn có thể gây chết hầu hết các loài thủy sinh xung quanh luồng nước thải (đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn đúng quy định trên) đi qua. Vì lưu lượng 10-40.000m3/ngày đêm là rất lớn, xả thải liên tục, cục bộ, nước biển sẽ không kịp trung hòa hết được các chất gây ô nhiễm.

Trong các trả lời báo chí, Formosa đều khẳng định họ làm theo tất cả các quy định, quy chuẩn của Việt Nam. Và có vẻ họ đúng, “đồng chí” Chu Nhược Phàm đúng, nhưng đa số người dân Việt Nam đã không chấp nhận cái đúng đó. Vì mọi người thường nghĩ rằng nước đã qua xử lý, đúng quy định, quy chuẩn thì không thể chết tôm cá được. Nhưng theo QCVN 52: 2013/BTNMT để tính toán nước thải thì cá vẫn có thể chết, không tin các mời các nhà khoa học cứ làm thí nghiệm.

Theo báo Tuổi trẻ, sau khi có giấy phép xả thải trong Quý 1/2016, Fomorsa đã xả thải trên 931.830 m3 nước (đã qua xử lý) ra biển, bình quân 10.000m3/ngày đêm, nghĩa là Formosa mới chỉ xả thải chưa đến 1/4 công suất tối đa được phép (45.000m3/ngày đêm) và đó mới chỉ là giai đoạn khởi động, xúc rửa đường ống.

Nếu Formosa đi vào sản xuất thực sự và xả thải tới công suất được phép, có thể khẳng định thảm họa môi trường sẽ kéo dài đến Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu thậm chí đến Cà Mau. Dù họ hoàn toàn theo đúng các Quy định, Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.

Nếu dòng hải lưu biển Đông đổi chiều vào mùa hè thì Vịnh bắc Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng cá chết sẽ lan ra khắp 3,000km bờ biển. Đó sẽ thực sự là một thảm họa kinh hoàng.

Hiện tại, Formosa vẫn khẳng định không hề sai các quy định của Việt nam. Và điều này có vẻ họ đúng, họ bỏ tiền đầu tư 10 tỷ USD (đã giải ngân 98%), Tổng lượng thuế đóng cho Hà Tĩnh hơn 10 nghìn tỷ đồng trong khi chưa sản xuất ra 1 tấn thép thương phẩm nào. Trước khi đầu tư một dự án 10 tỷ USD, họ đã cân nhắc rất kỹ các yếu tố vị trí, cảng biển, các điều kiện, yêu cầu về môi trường cũng như các ưu đãi về thuế của chính quyền sở tại, đánh giá các mặt, mức độ rủi ro ảnh hưởng đến Dự án, thậm chí các khoản đếm đếm, bôi trơn khi bị bắt bẻ… Họ không dại gì làm sai một chút quy định để phải đóng cửa tổ hợp và mất đi khoản đầu tư khổng lồ đó cả.

Phải nói chân thành rằng Formosa đã làm thay đổi bộ mặt và cuộc sống của nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Tạo ra gần 40,000 công ăn việc làm. Theo số liệu công khai Dự toán thu chi của Bộ Tài chính, năm 2014, Tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh là xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 là 10.615 tỷ đồng.
Trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, 50% đến từ Formosa. Tương lai không xa khi tổ hợp này đi vào hoạt động, Hà Tĩnh sẽ không cần hỗ trợ ngân sách từ TW, mà có thể đóng góp vào ngân sách TW như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng hay Bình Dương… Đó chính là những lợi ích mà Việt Nam có được.

Nói như vậy không phải để bênh vực Formosa, mà muốn nói rằng mọi việc phải dựa trên các quy định của luật pháp Việt Nam, cân nhắc các yếu tố thiệt hơn để có giải pháp chứ không phải chỉ đăng ảnh “Chúng tôi chọn biển, không chọn nhà máy” và kêu gọi tẩy chay để đẩy đuổi, đóng cửa một nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, điều đó làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆT NAM VÀ FORMOSA.

Về phía Bộ Tài nguyên Môi trường, phải xem xét lại QCVN 52: 2013/BTNMT và giấy phép xả thải của Formosa, cũng như cân nhắc rà soát lại các Quy chuẩn, tiêu chuẩn về Môi trường đã ban hành liên quan đến các ngành công nghiệp. Một Quy chuẩn của con người đưa ra không thể coi là chuẩn nếu nó giết chết môi trường sống của con người. Trừ phi cơ sở khoa học khẳng định, phải theo quy chuẩn đó và chúng ta phải chọn được cái này thì phải mất cái kia như ông Phàm nói.

Về Chính phủ, và các địa phương cần xem xét lại, Chiến lược phát triển công nghiệp, cũng như chính sách thu hút các Dự án FDI. Việt Nam cần một nền kinh tế phát triển bền vững, các công nghệ thân thiện với thiên nhiên thay vì chạy theo các con số chỉ tiêu tăng trưởng cao nhưng phải trả giá về đất đai, môi trường và biển. Cần phải từ chối thẳng thừng những Dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỗi trường. Minh bạch các quy trình cấp phép, giám sát Dự án đầu để đảm bảo không có các thỏa thuận ngầm, hay tư túi, lợi ích nhóm (cái này hơi khó, có ông sẽ hỏi có giải pháp nào khác không? :v ).

Cá của ngư dân đã chết, Chính phủ chưa tìm ra nguyên nhân thì phải đánh giá thiệt hại và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khôi phục sản xuất, quan trắc môi trường và khuyến cáo khi nào có thể sản xuất lại. Trong trường hợp cá chết do nước từ Formosa thải ra nhưng vẫn theo đúng các Quy định, luật pháp của Việt Nam thì lỗi là do Chính phủ, trước hay sau cũng đều là lỗi của Chính phủ. Khẳng định luôn, không nói nhiều. Còn nếu phát hiện lỗi ở Formosa thì khỏi bàn.

Về phía Formosa, dù các ban ngành chức năng vẫn đang “vật lộn” tìm nguyên nhân cá chết, ông Bộ trưởng bộ Môi Tài đã lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm, phải nói rất thành thật rằng các bạn biết rõ cá chết ven biển miền trung Việt Nam những ngày qua là do Thủy triều đỏ hay thủy triều xanh hay không.
Một thí dụ đơn giản nhất để biết nguyên nhân từ đâu, các bạn hãy cứ mở van xả thải như bình thường theo giấy phép Bộ Tài nguyên môi trường đã cấp, xem cá có tiếp tục chết không, báo chí có lên đồng nữa không là biết ngay.

Hiện tại, sự bình yên đã dần trở lại, biển đã trong xanh hơn, số cá chết giảm dần, nhưng không phải vì thế mà lòng người dân Việt Nam dịu bớt.

Dù thực hiện đúng theo tất cả các quy định hiện hành của Việt Nam, các bạn cần phải ngồi lại với Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra một giải pháp có lợi cho cả hai bên, Tổ hợp thép Hưng Nghiệp Formosa vẫn hoạt động hiệu quả, và biển của Việt Nam không bị giết chết. Nếu biển Việt Nam bị bức tử, Tổ hợp của các bạn cũng sớm muộn đi theo, đó là điều chắc chắn.

Phần chi phí tăng thêm để xử lý nước thải triệt để hơn trước khi xả ra biển thì 2 bên cùng gánh, hoặc các bạn gánh cả cũng được, tùy khả năng thương lượng.

Về phía các nhà báo, các ký giả, ký thật đáng kính. Chúng tôi cần những thông tin sự thật, trung thực, khách quan, và khoa học, chứ không phải chạy theo các bài báo giật gân, câu view, hay định hướng, dắt mũi chúng tôi như trâu bò.

Về phía người dân Việt Nam, cố gắng xem thông tin đa chiều, nâng cao hiểu biết để biết chỗ nào đúng, chỗ nào sai, thay vì lên đồng và bị truyền thông giật giây, dắt mũi như những con rối.

Việt Nam vẫn là một góc nghèo của thế giới, vẫn cần những dự án đầu tư, tạo công ăn việc làm thay đổi bộ mặt đất nước, nâng cao thu nhập của người dân, chất lượng của cuộc sống và an sinh xã hội.

Vụ việc Formosa, tất cả phải dựa trên luật pháp, chứ không đấu tố vu vơ. Vụ biểu tình, đập phá các nhà máy, xí nghiệp có chữ Tàu năm 2014 (khi TQ hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông) làm người nước ngoài nhìn Việt Nam như một thứ man rợ, mình đi đâu họ cũng hỏi tại sao chúng mày đập phá các nhà máy Singapore, Đài Loan, họ có phải là Trung Quốc đâu. Mình có cả đồng nghiệp Đài Loan và TQ, nhưng phải nói thật rằng họ rất khác biệt. Các đồng nghiệp Đài loan rất chừng mực và chuyên nghiệp, họ hầu như không nhận mình là người TQ, họ đều nói họ là Taiwanese thay vì Chinese.

Làm tổn hại môi trường đầu tư, chính là hại người dân Việt Nam, và hại chính chúng ta.

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

ĐẤT NƯỚC MÌNH... ( nhân đọc bài ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH)



Đất nước mình thú vị lắm phải không em
người thất nghiệp vẫn sáng say chiều xỉn
ngã xuống rồi lắm người đưa tiễn
thắp nén nhang mong người chết thành tiên.

Đất nước mình may mắn lắm phải không em
ngày lại ngày qua ba đài xổ số
hàng trăm người mạng sanh vận đỏ
đổi thay đời thành tỷ phú như ai

Đất nước mình tự hào lắm phải không em
xây tượng đài lễ hội nhiều hơn bệnh viện
tháng tháng rong chơi sống vui hoài niệm
dân tộc anh hùng đánh gục ngoại bang

Đất nước mình nhân ái lắm phải không em
chùa chiền nhiều hơn quán cơm từ thiện
phật tứ phương một lòng cầu kiến
xin an bình cúi lạy muôn niên

Đất nước mình can đảm lắm phải không em
tám trăm ngàn tấn bom mìn còn là rác thải
bốn ngàn người một năm nào sợ hãi
xác lìa hồn chỉ như tai nạn số trời định phân

Đất nước mình xinh đẹp lắm phải không em
mình hạc xương mai ba vòng kỳ mỹ
Bắc- Trung _ Nam đều mang tuyệt kỷ
như thi sĩ mỗi người mỗi vẽ " mười phân vẹn mười"

Đất nước mình thoải mái lắm phải không em
nhà " dân chủ' ai ai cũng lắm tài
chữ " giàu" đi với chữ "sang"
oang oang diễn đàn " thả tép bắt tôm"

Đất nước mình nhiều...nhiều chuyện lắm phải không em
nếu có kể bốn ngàn năm chưa hết
nên em ơi xin đừng vội kết
đất nước mình sao chẳng giống đất nước người ta...

Nhưng có một điều anh muốn kể
đất nước mình có "khủng bố" đó em!

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

về bức “Tam Bạc” của Mai Duy Minh


Yết Kiêu & Dã Tượng



Xin được mở đầu chùm bài nhỏ này bằng một bức tranh của họa sĩ mà tôi yêu mến: Mai Duy Minh.

Mai Duy Minh sinh tại Hải Phòng, năm 1976, rồi ra Hà Nội học Mỹ thuật Yết Kiêu khóa 1994 – 1999. Hiện anh sống và làm việc tại Hải Phòng, thuộc nhóm họa sĩ theo đuổi trường phái Hiện thực – thứ hiện thực mạnh mẽ và quyết bám chắc lấy cái chuyển động của đời sống, chán ngán với những bức tranh nho nhỏ vẽ con mèo nằm bên bình hoa hay tĩnh vật con cá trên cái đĩa v.v… – loại tranh tĩnh đặt vào thời nào cũng vẫn là thế, không phải là trường tồn mà là nhàm chán đến phi thời gian.

Hải Phòng là một thành phố nay đã buồn và như bị bỏ lại, không phải là lùi hẳn lại như vào quên lãng hẳn như những trung tâm đã bị dời đi, chỉ như một nơi lỗi mốt so với các đô thị “đáng sống” khác. Mai Duy Minh sau bao nhiêu năm lăn lộn ở Hà Nội và các phong cách vẽ khác nhau (có khi vẽ cả những bức rất như “làm hàng”, loại dễ treo trong các khách sạn sang hay nhà các tùy viên sứ quán có vợ Việt), đã trở về Hải Phòng và lựa chọn một lối vẽ khắc nghiệt khác, nhưng như thế hình như càng đẹp hơn. Tôi tạm gọi là “hiện thực khắc nghiệt của tay bất mãn”.


“Đường Mây”, 2011, một bức mà theo tôi là rất “chợ” của Mai Duy Minh

Nhắc đến Mai Duy Minh là ai cũng nói đến bức tranh bát cơm khổng lồ với đôi bàn tay nhăn nheo bưng có tên “Miền Đất Hứa”. Tranh có kích thước khổng lồ (5.4m x 2m) không hiểu hiện treo ở đâu, đã bán được chưa. Nhưng hôm nay tôi muốn bàn về bức “Tam Bạc” giản dị của anh. Tôi chỉ được xem qua mạng, chưa có dịp đến nơi xem trực tiếp, không biết khổ tranh thế nào. Màu trên máy có thể khác xa với màu bên ngoài. Những bạn nào đã có cơ hội xem bên ngoài xin hãy góp thêm vào cho xôm tụ. Câu này tôi cũng sẽ nhắc đi nhắc lại trong những bài sắp tới.



Mai Duy Minh, “Tam Bạc”, sơn dầu, 2012. (Các bạn bấm vào hình để phóng to)

Tam Bạc trong tranh này là phố cổ Tam Bạc, nằm bên bờ sông Tam Bạc. Trước kia phố mang tên nhà tư sản Việt Nam chuyên ngành tàu biển là ông Bạch Thái Bưởi, sau đổi lại là phố Tam Bạc. Gốc thì phố có nhiều người Hoa sống và làm ăn. Giờ đây xuống Hải Phòng chơi, người ta không thể không nhẩn nha đi dọc phố cổ này và cảm giác trộn lẫn giữa phố cổ Hà Nội với phố cổ Hội An, với điểm đặc trưng là màu vàng của vôi nhà của những ngôi nhà lầu cũ.


Một đoạn phố phố bên sông Tam Bạc. Ảnh của decu_decu

Mai Duy Minh chọn một căn nhà lầu phố chợ trên phố này làm chủ thể cho bức tranh mình vẽ. Nhà hai mặt tiền, cấu trúc mái nhọn kế mái bằng tạo lớp. Cửa sổ nhỏ và cao, sơn xanh đậm. Tường vôi vàng rất “phố cổ”.


Nhìn từ bên hông. Ảnh từ trang này

Nhà này nhìn ra bến đò ngang trên sông, và có lẽ cũng là chủ thể trong nhiều tác phẩm của các tay máy Hải Phòng.


.

“Tam Bạc” vẽ lối tả thực nhưng tôi không nghĩ Mai Duy Minh đã ngồi bên sông, nhìn căn nhà mà làm phác thảo, hoặc vẽ trực tiếp với giá vẽ ngoài trời. Có thể anh đã vẽ từ một cái ảnh chụp, sau khi zoom ra cho gần lại và to lên. Nhưng dù thế nào, đây là một bức tranh đã vẽ ở thì quá khứ, mang nhiều tính chất của hoài niệm. Hoài niệm của ta về một kiến trúc thường không có người, trong tranh này phố Tam Bạc là phố buôn bán sầm uất nhưng cũng không có người – không có cả đến vật dụng của con người đang sống. Bến đò cũng vắng tanh… Nhưng phố trong tranh vẫn sống, bởi vì nó chứa một thứ gì đó cựa quậy. Thứ gì ta còn chưa rõ, phải xem kỹ tranh hơn nữa.


Chi tiết tranh

Trạnh Mai Duy Minh vốn có một phổ màu vàng rất rộng, với độ trong đục thay đổi tùy tranh, tùy đề tài. Nếu như trong “Miền Đất Hứa” là một màu vàng của Siêu thực tràn ngập các đối tượng trong tranh, với sắc độ dâng dần, từ mặt đất vàng xỉn lam lũ, lên tột cùng ước mơ là màu vàng trong của những ngón tay bưng bát cơm trắng ngà…,


“Miền đất hứa”, Mai Duy Minh, sơn dầu, 540 x 200cm, 2011

… thì trong bức “Tam Bạc”, màu vàng chỉ dành riêng cho đối tượng chính là cái nhà góc phố với cửa sổ xanh, các ngôi nhà khác được đánh màu xanh hoặc xám hoặc nâu nâu nhạt nhẽo, để “nhân vật chính” sáng bừng lên trong ánh đèn spotlight rọi vào. Ở đây, màu vàng của ngôi nhà này được nâng lên, thành một màu vàng sau khi đã lọc qua sự nhớ lại, là một màu vàng của quá khứ, không còn thật nữa, tương tự màu kỷ niệm của người đi xa nhớ về nơi cũ thì màu bao giờ cũng sai đi, rực rỡ hơn, khiến sau này quay lại ngỡ ngàng và cả bẽ bàng vì không nhận ra! Ta bắt chước Đoàn Phú Tứ gọi đó là thứ “màu thời gian“.


Chi tiết tranh

Đã là trí nhớ thì nhập nhoạng, cái nổi rõ nét quá đà, cái mờ đi tù mù. Trong “Tam Bạc”, những hàng phượng không nở hoa, bóng xanh chỉ là mảng xanh lẫn lộn lá với cành thành một khối. Trong khi ấy những thanh rào bên bờ sông lại rõ từng nét, và rõ cả đến xà bần, rác rến nơi mép sông, vết gạch vỡ ở trụ hàng rào, những bậc thang dẫn xuống bến đò. Họa sĩ vẽ rất tỉ mỉ những chi tiết ấy. Sự tỉ mỉ này chính là những cử động của ký ức, làm cho bức tranh này tuy không người mà vẫn có sự sống động của sinh hoạt.


Chi tiết bờ sông trong tranh

*

Đi Hải Phòng rất dễ dàng. Từ Hà Nội lấy xe khách ở Lương Yên hay lấy tàu ở Long Biên, ngồi đọc xong quyển sách nhỏ hoặc chơi game là đã tới thành phố hoa phượng đỏ, bình an và vẫn còn nét ngang tàng, kiêu hãnh của những “anh chị” sông nước một thời. Nhìn thấy sự trộn lẫn giữa cái bạo liệt một thuở với cái yên ả về hưu của thành phố này giúp tôi lý giải việc Mai Duy Minh chọn hướng đi hiện tại cho đường sáng tác của anh. Những bức tranh của Mai Duy Minh, giá như không quá to, vẫn đẹp như thế này nhưng khổ nhỏ đi, cô đọng nữa vào, thì sẽ dễ dàng đi vào các bộ sưu tập không cần của các tay mua tranh thế giới, mà của chính những tay chơi tranh Việt Nam. Sở hữu tranh của Mai Duy Minh chính là sở hữu ký ức về nước mình, ghi lại bằng tranh và nét tài hoa của một người đã định được hướng đi bền vững.




*

Nghĩa của tiếng Việt: từ cắm (hoa) cho tới sáp nhập



Cùng học tiếng Việt




Đây là một từ Hán-Việt, viết đúng chính là sáp nhập, nhưng hay bị viết sai thành sát nhập.



Cùng một bài báo mà lung túng giữa hai từ


Sáp có nghĩa là “cắm, cài, nhét, nhúng”. Để nhớ chữ này, bạn có thể nghĩ về chữ insert tiếng Anh hoặc trên bàn phím máy tính của bạn. Sáp còn có nghĩa là trồng hoặc cấy, vì phải nhét hạt giống hoặc cắm cây con vào đất. Nhập nghĩa là “vào”. Vậy sáp nhập có nghĩa là gom vào, cắm vào, cài vào, cho cái này vào trong cái kia.

Ví dụ câu thơ chữ Hán sau của Nguyễn Du trong Quỷ Môn Quan dùng chữ sáp nhập:

Liên phong cao sáp nhập thanh vân
(Núi liền nhau cao vút, lồng vào mây xanh)



Quỷ môn quan, Lạng Sơn. Hình từ trang này

Hay hai câu sau của Nguyễn Phúc Ưng Bình trong Lộc Minh đình thi thảo dùng chữ sáp nghĩa là cắm (hoa):

Sáp mai tảo ngụ tầm xuân ý,
Ngã tặng đồng nhân nhân tặng dư.
(Sáng sớm cắm hoa mai tìm chút hơi xuân
Ta tặng cho người, người lại tặng cho ta)



Cắm hoa. Tranh từ trang này

Ngoài sáp nhập, tiếng Việt hiện đại không dùng chữ sáp/cắm-cài này trong từ ghép nào nữa (Ngoài nghĩa “cài cắm”, sáp còn là nến). Vì thế, nghĩa gốc Hán-Việt của nó dễ bị những người không để ý lãng quên, và dùng sai thành sát nhập – một chữ vô nghĩa, do chữ sát này có một nét nghĩa khiến chúng ta bị lẫn lộn.

Sát đang nói ở đây là một từ Hán-Việt có nghĩa là chà, cọ, xoa vào nhau (ví dụ: ma sát = mài cọ). Sát được Nôm hóa thành xát, và dùng trong các từ ghép Nôm như cọ xát, xây xát, xát muối.

Chính nét nghĩa cọ vào nhau này khiến sát phát triển nghĩa thành “ở rất gần nhau” (ví dụ: sát sườn, sát rạt, đôi khi biến âm thành sít). Những người dùng chữ sai “sát nhập” có thể đã hiểu theo ý là “những cái ở gần nhau đem nhập vào nhau”.

*

Các bạn xem thêm về các từ khác ở FB Cùng học tiếng Việt nhé

IM LẶNG : một nghệ thuật sống





Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý.
Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.

Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.


Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng

​ khi nào nên im lặng?

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ 

Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc 

Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình 

Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự 

Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt
khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến 

Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.

Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.

Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.

Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!
Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ uyên thuyên bất tận, ra café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?

Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!

Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!

Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.

Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia?

Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng.

Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.
Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sớt nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm…!!!