Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Đàn Vượn Vói Trăng




Nguyễn Thị Hải Hà



Ban đầu bà không chú ý, nhưng gặp nó nhiều lần bà bỗng đâm ra nghi ngờ, phải chăng đó chỉ là ảo giác của bà?

Hôm nọ, bà đi đám tang. Người qua đời là chị vợ của anh xếp, người Mỹ. Nhà quàn ở gần trạm xe lửa Fanwood cách trạm Dunellen của nàng, ba trạm. Mặc dù những người làm việc chung đề nghị bà đi chung xe với họ, bà khăng khăng từ chối.

- Giữa mùa đông mà trời ấm đẹp quá tôi muốn lợi dụng cơ hội này đi bộ vài con phố chừng năm phút cho thoải mái. Sau đó tôi sẽ đón xe lửa về nhà, giản dị lắm, các bạn không phải mất công đưa đón tôi.

Bà thích đi một mình. Nhất là bà biết trong số người đi dự đám tang có bà thư ký thối mồm. Cứ tưởng tượng ngồi chung xe, bà ta nói luôn mồm, và hơi thở của bà được dịp toát ra. Chỉ nghĩ đến thế bà đã thấy buồn nôn.

Bà đến trạm xe lửa Fanwood sớm hơn giờ ấn định khoảng 15 phút. Mùa Đông năm nay ấm bất thường. Người ta bảo rằng đây là triệu chứng bầu khí quyển bị hâm nóng. Fanwood là một trạm xe lửa nhỏ, thuộc loại di tích cổ, xinh xắn nhưng ít người dùng. Nó ngồi cạnh bụi hoa tú cầu. Mùa hè bụi cây mọc um tùm cao hơn đầu người lấn che khuất cả lối đi hẹp. Bây giờ bụi cây chỉ còn là cành khô nên lối đi dường như rộng hơn. Nó ngồi quay lưng về hướng bà, cách độ mười mét. Thoạt nhìn bà tưởng là sóc. Nếu là sóc thì hơi bé và màu đen thì khá hiếm. Chung quanh vắng tanh, không có gì để nhìn ngắm nên bà để ý đến nó hơn. Nhìn một hồi, cách nó bóc vỏ hạt dẻ đưa vào miệng nhấm nháp thì bà nhận ra nó là con vượn. Vượn đen. Xứ này là xứ lạnh, khu này tuy vắng nhưng vẫn là phố xá, làm gì có vượn chạy rong ngoài đường? Loại vượn này cũng rất hiếm vì nó rất bé, có thể nắm gọn trong lòng bàn tay. Tò mò bà đứng dậy đi gần đến nó thì nó bỏ đi. Đi bằng hai chân sau, lom khom với hai cánh tay thật dài. Một tay sờ đầu tay kia để thõng chạm mặt đất. Từ xa, xe lửa đang hú còi trước khi vào trạm, ánh đèn lấp lánh làm bà lóa mắt. Bà quay lại nhìn có ý tìm nhưng nó biến mất.

Trước đó, bà đã thấy nó ở nhà quàn. Trong tấm ảnh treo trên tường, bà chỉ thấy cái lưng của nó thôi. Một phụ nữ tuy còn còn trẻ nhưng đã béo xồ xề, mặc áo màu xám bạc lóng lánh như dát kim tuyến với xâu chuỗi thật to che lấp cả vùng ngực đồ sộ của cô ta. Cô ta ngồi phía trước, lấp đi một phần tấm ảnh. Tấm ảnh sống động đến độ bà có cảm tưởng con vượn ngồi trên vai của cô ta. Bà thầm nghĩ, không biết cô này chưng diện để đi đám tang hay đi dạ tiệc. Ối sao bà khắt khe, bà tự mắng thầm. Nhà quàn vẫn là chỗ cho người ta tìm cách ký hợp đồng mua bán, hay móc nối để thăng quan tiến chức từ trước đến nay kia mà. Bà tò mò ngắm chung quanh, tự hỏi đến ngày mình qua đời khung cảnh có như thế này không. Khi mắt bà quay trở lại chỗ cũ, cô gái to béo mặc áo màu xám bạc lóng lánh đã rời chỗ ngồi. Con vượn không còn ở trong tấm ảnh nữa mà thay vào đó là con đường hun hút đi vào vô tận. Chắc là mắt mình quáng chứ ai lại treo ảnh vượn trong nhà quàn. Bà thầm trách mình.

Bà lại thấy nó ở cánh rừng sau nhà. Nó ngồi thu lu trên cành cây khô, thoạt nhìn tưởng con chim quạ. Nhưng khi nó đánh đu vắt vẻo rồi chuyền từ cành nọ qua cành kia. Lại cũng chính là nó, con vượn bà nhìn thấy ở nhà quàn. Bà gặp nó trước đó nhiều lần, ở góc phố, gần tiệm Pizza, thậm chí trong tường kính cửa sổ. Bà cho đó là ảo giác nhưng tự hỏi tại sao lại là con vượn mà không là một cái gì khác. Con vượn xuất hiện cùng lúc với cơn đau âm ỉ ở phía sau cần cổ, phía phải. Thỉnh thoảng hai chân bà yếu hẵn. Bà ngồi nhiều hơn đi.

Rừng có rất nhiều dây leo. Những sợi dây leo thật chắc, nhỏ thì bằng ngón tay, to thì bằng cổ chân. Có sợi từ bên trên thòng xuống khoanh thành nhiều vòng trên mặt đất. Nhìn thấy những dây leo này tận mắt sẽ nghĩ rằng chuyện đu dây của Tarzan, không phải chỉ hoàn toàn dựa vào tưởng tượng. Có sợi dây leo, lại dường như mọc từ dưới đất lên, vì nó chôn cứng dưới mặt đất và mọc song song với chiều cao của cây. Những sợi dây này giúp con vượn tuột từ trên cao xuống mặt đất dễ dàng và nhanh chóng.

Bà muốn gọi báo Cảnh sát là có con vượn ở đằng sau nhà, nhưng ngại hình ảnh con vượn chỉ là ảo giác trong mắt bà, khi Cảnh sát đến không thấy nó bà sẽ khó giải thích. Dẫu con vượn là sự thật thì chưa chắc nó đã ngồi yên một chỗ. Dự báo thời tiết sẽ lạnh nhiệt độ đêm nay sẽ rơi rất nhanh và có tuyết làm bà lo ngại. Đây không phải là vượn trắng mặt đỏ của người Nhật nên chắc là nó không chịu lạnh nổi. Bà tự hỏi có cách nào để dụ con vượn vào nhà để tránh cơn tuyết đêm nay không?

Con vượn dần dần đến gần bà. Từ trên ngọn cây, tụt xuống gốc cây, mon men đến ngồi trên đầu hàng rào bê tông, vượt khoảng sân nhỏ, rồi lên trên sàn gỗ. Nó ngồi ở bụi cúc khô nhìn bà như chờ được cho ăn. Da mặt nó đen bóng nhưng nét mặt giống một đứa trẻ. Một con vượn rất bé cao chừng chưa đầy hai tấc. Bà nhớ có nghe đến một loại vượn màu đen rất bé gọi là Hầu Viên, người bình dân gọi là con lọ nồi. Có mấy hạt walnut bóc vỏ sẵn đang cầm trên tay bà đưa cho Hầu Viên. Bà ngạc nhiên khi nó tiến đến gần đưa tay nhận walnut mà không có chút gì sợ hãi. Khi bà mở cửa sau trở vào nhà, Hầu Viên, như một đứa bé, nắm tay bà đi theo.

- Hầu Viên không sợ loài người à? Tôi đang định gọi Cảnh Sát đây.

Bà hỏi, không nghĩ là sẽ được nghe câu trả lời. Tuy nhiên, khi Hầu Viên chạm tay, bà nghe, âm thanh như vọng từ giếng sâu. Hầu Viên móc từ lỗ tai ra một cái gì đó giống như một quả nho đen, đưa cho bà rồi ra hiệu cho bà nhét vào lỗ tai. Đó là một viên ngọc đen bóng loáng. Hầu Viên giải thích.

- Đây là cái máy thông dịch các loại ngôn ngữ giữa người-và-người và người-và-vật. Chỉ cần một người có nó là cả hai sẽ hiểu ngôn ngữ của nhau như cùng nói một ngôn ngữ. Về chuyện sợ loài người, thật ra nếu muốn, thật sự muốn, thì bà đã gọi từ lâu. Mãi đến lúc này bà vẫn không tin là bà nhìn thấy một con vượn đi theo bà khắp nơi nên tôi biết bà sẽ không nói với ai cả. Bà sợ người ta nghĩ là bà bị bệnh ảo giác. Bà chỉ than đau đầu mà người ta đã bắt đầu soi rọi bộ não của bà mấy lần.

- Vâng, họ bảo sợ rằng tôi có bệnh khối u trong não. Bà nói.

- Thật ra, chỉ có người tôi muốn cho thấy mới có thể nhìn thấy tôi. Vả lại, loài người không phải ai cũng đáng sợ. Chỉ có bóng tối trong tâm hồn họ mới đáng sợ thôi. Tôi không sợ bà vì biết tôi bà đã lâu, tôi biết bà trước khi bà nhận ra tôi, biết cả bóng tối trong tâm hồn bà.

- Biết tôi? Sao hay vậy?

- Tôi ở trong nhà bà từ lâu. Chỉ có điều là bà không nhìn thấy tôi thôi.

- Ở trong nhà tôi? Bằng cách nào? Bà hỏi. Nếu đã ở sẵn trong nhà tôi thì tại sao lại đi theo tôi vào cửa sau. Có phải tôi đã gặp Hầu Viên ở Fanwood không?

- Vâng. Chính là tôi đó. Còn ở nhiều nơi nữa, bà biết những nơi bà đã nhìn thấy tôi mà. Tôi muốn bà quen với sự hiện diện của tôi, kẻo đột ngột quá tôi e bà sẽ có những phản ứng không hay. Bà đã khá yếu rồi dù bà cứ tưởng là bà còn khỏe lắm. Chúng ta gặp nhau từ mấy mươi năm về trước, ở cửa hiệu bán quà trong viện bảo tàng Sackler Washington DC. Hôm ấy bà mua một món đồ giá chín mươi chín đồng chín mươi chín xu. Bà trả bằng tờ giấy một trăm. Người bán hàng không có một xu để thối lại. Bà quên mang thẻ tín dụng. Người bán hàng cứ dặn dò bà phải trở lại để anh ta có thể thối tiền cho bà. Bà còn nhớ không?

- Tôi không nhớ vụ một xu, nhưng tôi nhớ mang máng có mua vài món quà trong đó có một xâu chuỗi chữ.

- Đúng là nó. Xâu chuỗi màu đen, bao gồm những chữ có nghĩa là khỉ bằng nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới. Hầu Viên đáp lời tôi. Ngưng một chút, nghiêng đầu nhìn tôi, Hầu Viên nói tiếp. Tôi là một chữ trong xâu chuỗi chữ ấy.

- Thảo nào, tôi nhìn thấy hình dáng Hầu Viên rất quen thuộc mà tôi không nhớ là gặp ở đâu.

- Thân người tôi, hai tay, và hai chân là hình chữ K, cùng với cái đuôi tạo thành chữ Khỉ theo tiếng Việt.

- Tuy nhiên cặp mắt của Hầu Viên rất giống cặp mắt của chữ Viên tiếng Hàn, người ta tạc làm sao mà đôi mắt giống như hai đóa hoa nho nhỏ.

- Cám ơn bà, đã khen tôi có đôi mắt đẹp như hai đóa hoa. Ít ra tôi cũng không đến nỗi xấu xí như Yoda.

Nghĩ cũng lạ, vì là loài vượn nên bà không sợ, chứ nếu đây là một người đàn ông chưa chắc là bà đã dám mời vào nhà. Dù đã nhiều lần nghe kể về loài khỉ hay bắt chước người, bật diêm quẹt làm cháy nhà, thấy người ta tắm trẻ bắt chước rồi nhận chìm đứa trẻ, thậm chí con vượn có thể giết người vì nổi giận; bà không thấy sợ hãi. Có lẽ một phần vì Hầu Viên có vẻ hiền lành thân thiện. Và có lẽ cũng vì Hầu Viên nhỏ bé lại có khuôn mặt giống người.

Ở cửa hàng bán quà của bảo tàng viện Sackler, bà nhìn xâu chuỗi, khắc bằng gỗ thông, sơn đen, giống y như xâu chuỗi chữ do Từ Băng sáng tác nhưng nhỏ hơn. Mỗi chữ to cỡ bàn tay của bà. Chuỗi chữ của Từ Băng treo từ tầng cao nhất của viện bảo tàng thòng xuống tầng hầm rồi chấm dứt nơi mặt hồ tĩnh tâm[1]. Khi cầm trên tay xâu chuỗi chữ bà cảm thấy như có luồng điện chạy dọc trên người rồi thoát ra trên từng đầu ngón tay. Trong lúc cảm thấy luồng điện bà cũng nhìn thấy những vùng sáng lóa. Trong những vùng sáng ấy là hình ảnh giống như những đoạn phim ngắn, hay những giấc mơ ngắn không ý nghĩa. Xâu chuỗi nóng ran lên, và bà có cảm tưởng xâu chuỗi sẽ thay đổi cuộc đời bà. Không biết là sẽ tốt hay xấu hơn nhưng sẽ là một thay đổi lớn.

- Lần đó tôi đi chơi với một người bạn trai. Không hợp tính, cãi nhau luôn, chuyến đi là cơ hội để chúng tôi suy nghĩ có nên tiếp tục duy trì mối tình không hạnh phúc hay không. Sau chuyến đi chúng tôi không còn gặp nhau. Anh ấy biến mất như tan loãng vào hư không. Không một lời từ biệt. Tôi ngỡ là anh ấy giữ xâu chuỗi và tôi vì không muốn gặp lại, cũng không muốn anh ấy ngờ rằng tôi viện cớ để gặp lại anh ấy nên cũng không gọi điện thoại hay nhắc nhở gì cả. Tôi không ngờ xâu chuỗi chữ vẫn ở trong nhà tôi. Và hôm nay gặp Hầu Viên, chắc phải có duyên gì, chứ không lẽ Hầu Viên gặp tôi chỉ để hoàn lại một xu mà ngay từ đầu đã không phải là món nợ của Hầu Viên?

- Bà sẽ ngạc nhiên vô cùng khi thấy cuộc đời là những chuỗi nợ chỉ nhỏ bằng một xu. Hầu Viên mỉm cười, giọng thong thả như nói đùa.

- Thế Hầu Viên sẽ trả nợ như thế nào?

- Tôi sẽ chữa bệnh cho bà.

- Tôi không có bệnh gì cả.

- Bà bị bệnh chấn thương tâm lý sau chuyến vượt biển của bà. Tuy bệnh của bà không phá hủy nếp sống thầm lặng của bà, nhưng nó ngăn cản bà có một cuộc sống hạnh phúc. Bà sợ hãi nhiều thứ và bà quá cầu toàn.

Hầu Viên kê khai chứng bệnh của tôi và tôi công nhận là nhiều cái cũng có lý. Thí dụ như tôi sợ đi xa vì đi xa thì phải lái xe. Tôi sợ lái xe vì sợ hư xe, xe chết máy dọc đường, và những bất trắc trên đường như gặp kẻ xấu lúc xe hư. Tôi sợ người yêu giết tôi chết bằng cách dàn xếp cho xe gặp tai nạn, chọn đường nhỏ vắng để dễ giết tôi. Đi máy bay thì sợ máy bay rớt, sợ không tặc. Đi tàu thì sợ tàu chìm và nhớ lại cảm giác khi vượt biển bằng thuyền. Tôi luôn luôn nhìn thấy những thói hư tật xấu của bạn bè và người thân. Tôi đòi hỏi sự sạch sẽ, ngăn nắp tuyệt đối do đó tôi không thể sống chung với người khác hay nuôi thú vật. Tôi không muốn đi du lịch sang các nước khác vì sang Nhật thì sợ phóng xạ, sóng thần, động đất. Sang Việt Nam thì sợ bắt bớ vô cớ, xe cộ không theo đúng luật lưu thông, thức ăn có chất độc.

- Tôi thấy khó đồng ý với Hầu Viên. Cho dù bản tính tôi có hơi kỳ quặc nhưng tôi không nghĩ đó là bệnh tâm lý. Tôi yêu đàn ông nhưng không đủ để chịu đựng nỗi khổ do sống chung với họ. Và tôi cũng từng nuôi mèo. Con mèo cũng là nỗi khổ của tôi vì tôi phải thu dọn săn sóc nó, nhưng dẫu sao vẫn ít nhọc nhằn hơn nuôi một đứa bé. Nhưng giả tỉ như Hầu Viên nói đúng thì Hầu Viên sẽ chữa trị bằng cách nào? Dùng trò chuyện như một phương pháp trị liệu tâm lý? Hay đưa tôi vào bệnh viện tâm thần?

Hầu Viên dẫn tôi xuống hầm. Khi người bạn trai của tôi biến mất, anh ấy có để lại một ít đồ vụn vặt chứa trong một cái thùng nằm khuất ở góc hầm. Tôi tránh nhìn đến nó. Thỉnh thoảng nhìn thấy nó tôi hậm hực, tình yêu ra đi nhưng rác rưới còn sót lại. Hầu Viên biết chỗ của xâu chuỗi chữ vì nó đã từng là nơi trú ẩn của Hầu Viên. Mang xâu chuỗi chữ lên tầng trên, Hầu Viên treo một đầu của xâu chuỗi chữ lên cái đèn treo trên trần. Sau đó, Hầu Viên giúp tôi đẩy cái bàn trong phòng học dạt qua một bên.

Chuỗi chữ dài chấm đất trông giống như một đàn khỉ đang níu tay nhau. Hầu Viên, lấy hộp phấn màu, loại dùng để vẽ lên mặt đất tôi mua vào dịp xem triễn lãm vẽ trên đường phố, vẽ thoăn thoắt trên nền nhà. Nền nhà tôi biến thành một cái hồ gợn sóng.

Đúng như thời tiết đã dự đoán. Trời đổ tuyết. Những hạt tuyết mềm rơi tạt vào cửa kính những âm thanh dịu dàng. Ngoài tiếng tuyết vơi vạn vật trở nên êm đềm tĩnh lặng.

- Bà rời bỏ quê hương xứ sở vì không thể sống ở đó. Bà cũng không thích nơi bà ở bây giờ, coi nó chỉ là nơi tạm trú. Bà có một nơi chốn lý tưởng nào không?

- Ý của Hầu Viên muốn hỏi là tôi có mơ ước được sống ở thiên đàng hay một utopia phải không? Có thiên đàng hay không?

- Tôi tin là có một thế giới hoàn hảo hơn thế giới chúng ta đang sống. Hầu Viên trả lời. Nhưng trước hết tôi phải chữa bệnh cho bà đã. Bệnh của bà là do có quá nhiều tính khỉ trong người.

Hầu Viên nắm nhẹ ngón tay út của bà, và từ từ rút ra, ban đầu chỉ là sợi tơ rồi sợi tơ dần dần lớn lên biến thành một người giống như bà nhưng nhỏ hơn, chỉ cao cỡ bàn tay, đầu ngón tay út của người này vẫn còn nối vào đầu ngón tay út của bà. Hầu Viên bứt sợi tơ giữa hai đầu ngón tay út, nhẹ nhàng hơn bứt một cọng kẹo kéo. Bà có cảm giác một phần tư tưởng bị rứt ra khỏi thể xác nhưng không làm cho bà cảm thấy đau đớn. Trái lại bà thấy người nhẹ nhõm như vừa trút được một mối lo âu nào đó. Hầu Viên rút một hơi ra cả chục người bé tí như thế. Hầu Viên chỉ từng người và giải thích. Bà này tự cao, cứ nghĩ là mình giỏi, thông minh hơn người những lời bà thốt ra toàn là chân thiện mỹ. Bà này ghét người giàu, người đẹp hơn bà. Bà này ham mê quyền lực, muốn mọi người phải phủ phục tuân lệnh bà. Bà này tuy giàu nhưng có tật ăn cắp vặt, vì cho rằng những thứ người ta bán quá đắt, không xứng đáng với giá trị món đồ. Bà này yêu người có vợ và luôn nuôi ý tưởng ngoại tình. Bà này cố chấp và ngoan cố không biết phục thiện. Bà này có tật thù dai. Bà này lường gạt vài mối tình chân thật dùng lời ngon ngọt chinh phục trái tim người ta rồi bỏ vì chán. Bà này cứ tự cho những gì mình viết là văn chương đáng lưu giữ muôn đời, cố gắng cạnh tranh dùng mưu mẹo để được ghi vào văn học sử.

Những người phụ nữ bé nhỏ này có hình dáng rất giống bà. Họ rủ nhau ra phòng khách chuyện trò sôi nổi về văn học, âm nhạc, và phim ảnh. Tuy nhiên chỉ một lúc sau họ đã tranh cãi chí chóe những vấn đề về nữ quyền, dịch thuật, văn học di dân. Và chính trị nữa, Giời ạ! Họ ném nhau bằng cà chua và trứng bẩn thỉu cả cái phòng khách sạch sẽ của bà.

- Không ngờ trong tôi có nhiều cái tính khỉ đến thế. Bà thở dài nói với Hầu Viên. Cái xấu đã ra khỏi người tôi và bây giờ tôi phải sống trong cảnh hỗn độn này. Tôi không thể mang họ trở lại vào bên trong tôi.

- Bà đừng buồn. Chập sau họ sẽ rủ nhau ra đi cả trả lại nếp sống yên tĩnh của ngôi nhà này. Nếu bà muốn tôi sẽ tặng bà một chuyến đi chơi xa, coi như là một hình thức chữa bệnh cho bà.

Hầu Viên dẫn bà đến xâu chuỗi chữ thòng xuống mặt hồ bảo bà nhìn vào. Bên cạnh bà, trong hồ là một thanh niên mặt vuông, tóc dợn sóng. Bà thấy quen mà không nhớ ra là ai. Anh ta bảo rằng bà nợ anh ta một món nợ lớn. Và hôm nay là ngày bà phải trả nợ. Mặt hồ biến thành một màn ảnh, và trên màn ảnh là một khúc phim xưa đã phai màu.

Bà thấy những hình ảnh như sau. Chàng trai đứng trong một nhà thờ nói chuyện với những người ăn mặc đơn giản nghèo nàn như những người tị nạn. Chàng trai dẫn một cô gái trẻ đi mua sắm ở một thương xá đắt tiền. Chàng đòi hôn, cô gái từ chối. Kẹt xe, chàng trai cáu kỉnh mắng chửi người lái xe chung quanh. Chàng trai người dính đầy máu, cảnh sát còng tay, đang ấn đầu chàng trai cúi xuống lúc vào xe cảnh sát.

- Bà vừa xem lại quá khứ của bà ở hồ tĩnh tâm. Bà không nhớ gì phải không? Khi tâm lý của bà không chịu đựng được một sự thật đắng cay, ký ức bị đẩy vào lãng quên. Mấy mươi năm về trước, khi bà mới sang Mỹ, bà có quen một người Thân, người đàn ông bà nhìn thấy trong mặt hồ. Anh ta là người H’ Mong sống ở Lào. Bà và Thân gặp nhau ở nhà thờ nơi bà học Anh ngữ. Thân nhiều lần đưa bà đi chơi và mua sắm quần áo quà cáp cho bà. Bà nhận quà và Thân nghĩ là bà cũng yêu Thân nên bày tỏ tình yêu. Bà lợi dụng Thân và khi thấy Thân muốn tiến xa hơn, bà tuyệt giao với Thân. Những món quà ngày xưa là món nợ lớn của bà.

- Bây giờ tôi nhớ ra rồi. Anh ta làm phụ bếp cho một nhà hàng Tàu, so với đồng lương của anh ta thì những món quà anh ta cho tôi quả là rất lớn, rất tốn kém. Lúc ấy tôi nghèo quá, Thân cho tôi những món quà quá xa xỉ và nó khêu gợi lòng kiêu căng và tham lam muốn sở hữu những thứ mà đàn bà con gái đều yêu thích. Tôi không yêu anh ấy không phải vì anh ấy nghèo và ít học, mà vì anh ấy rất nóng nảy cộc cằn. Tôi nhìn thấy vẻ hung tợn của anh ấy và e ngại sau này sẽ trở thành nạn nhân dưới tay của anh ta. Tôi dứt khóat không gặp anh ta nữa. Ngoài tôi ra anh ấy còn quen nhiều người nhưng ai cũng lảng tránh anh ta. Tôi nghĩ tôi đã quyết định khôn ngoan.

- Sự từ chối tình yêu của bà, cộng thêm sự từ chối của nhiều phụ nữ khác, với Thân đó là sự phản bội. Anh ta nảy sinh lòng thù hận phụ nữ. Anh cưới một người phụ nữ người Hispanic. Nghi là người phụ nữ này ngoại tình, anh ta giết chết người phụ nữ này. Giết bằng dao, moi móc cả tim gan ra ngoài để xem trái tim của người đàn bà ra thế nào mà người nào cũng phản bội anh ta.

- Vâng, tôi có đọc tin ấy trên báo. Cảnh Sát đến bắt người anh ta đầy máu me. Và nội tạng của người phụ nữ vương vãi khắp phòng.

- Bây giờ tôi phải làm gì? Tôi không nghĩ những món quà anh ta cho tôi có thể xem là nợ, tại vì anh ta tự nguyện tặng quà cho tôi.

- Anh ta tặng quà cho bà với ý nghĩ tặng quà cho người yêu. Hễ bà nhận quà tức là đồng ý đáp lại tình yêu.

- Cho dù ban đầu tôi có cảm tình với anh ta thì tôi cũng sẽ rời bỏ vì cái tính hung tợn của anh ta. Anh ta trút nỗi hận vào một người đàn bà điều đó không làm anh ta đáng được tha thứ và cũng không làm tôi cảm thấy đó là lỗi của tôi. Thật đáng thương cho người phụ nữ bị anh ta giết chết như vậy. Tôi rất tiếc đã không thể đáp lại những món quà anh ta cho tôi nhưng không đồng ý với quan điểm của Hầu Viên. Người Việt Nam thường nói,bắc thang lên hỏi ông trời, có tiền cho gái có đòi được không. Dẫu đó là nợ thì tôi cũng sẽ không trả nợ này.

Hầu Viên khoát tay, tỏ ý không muốn tranh cãi với bà. Bà nghĩ thầm chuyện kỳ lạ thật. Hầu Viên không phải là người nợ bà một xu, bà cũng không hề đòi món nợ này, thế mà hắn vẫn tìm đến bà để trả nợ. Giả tỉ như Thân cứ nhất định đòi nợ thì bà phải phản ứng thế nào đây?

- Tôi không đòi nợ. Tôi chỉ muốn rút ra hết những tính khỉ trong người bà và sau đó sẽ giới thiệu với bà một thế giới khác có thể hợp ý với bà, sẽ được xem là tốt đẹp hơn cái cõi người mà chúng ta đang sống.

Những người phụ nữ nhỏ bé, một phần trong con người bà ở ngoài phòng khách đã thôi cãi nhau. Mỗi người cắm cúi vào smart phone, tablet, notebook, laptop hướng về cõi người của riêng họ. Hầu Viên mời bà nhìn vào mặt hồ tĩnh tâm lần nữa.

Bên ngoài, tuyết rơi lặng lẽ, bầu trời đầy mây có ánh sáng màu hồng nhạt như thể ở bên kia lớp mây dày có một vầng ánh sáng. Hồ tĩnh tâm, hay là cái hình vẽ không gian ba chiều giống như vũng nước ngay bên dưới xâu chuỗi chữ khỉ, lăn tăn gợn sóng với vầng trăng. Hầu Viên nói như một hướng dẫn viên du lịch.

- Đi theo hướng vầng trăng, bà sẽ đến nơi đó. Một vùng đất gần như toàn hảo. Không khí sạch, thức ăn sạch, có thiên nhiên ngay trong thành phố, không chiến tranh, không tội ác. Người ta có thể kiểm soát cái chết, tự thiết kế cách chết cho mình trong tương lai. Thí dụ như một người sau khi sống lâu quá cảm thấy muốn chọn cho mình một cái chết không đau đớn hay bệnh tật thì ý muốn này có thể thực hiện được.

- Bằng cách nào?

- Người ta đến một trại an dưỡng dành cho người tự thiết kế cái phần kết thúc cuộc sống, chọn chương trình và ghi vào máy.

- Như là programming vậy? Tôi ngắt lời.

- Vâng. Hầu Viên gật đầu, nói tiếp. Người ấy sẽ rút ra một phần người (hay nói đúng hơn, một phần khỉ) để nằm ngủ ở trại an dưỡng và cái phần người muốn làm gì tùy thích cho đến lúc cái program ấy bắt đầu.

- Thú vị nhỉ?

- Thú vị gấp nhiều lần hơn cái tôi vừa kể. Tôi không thể miêu tả cho hết cuộc sống ở thế giới đó. Mỗi người phải tự trải nghiệm mà thôi.

- Giả tỉ như tôi đến đó một thời gian sau tôi muốn quay về nơi này, thì điều này có thể thực hiện không?

- Có chứ. Thì bà cứ đi ngược hướng trở lại. Xâu chuỗi chữ này sẽ là nhịp cầu nối của hai thế giới. Tôi tin là khi đến đó bà sẽ không muốn quay về.

- Nguyên xâu chuỗi này có nhiều chữ, tại sao chỉ có một mình Hầu Viên đến đây? Bà hỏi.

- Đây không phải là xâu chuỗi độc nhất. Và mỗi chữ khỉ đi về nơi ngôn ngữ gốc của nó, nơi có nguồn nợ của nó.

- Hầu Viên rút ra từ tôi nhiều người giống tôi và chứa tính khỉ của tôi. Những người này sẽ như thế nào?

- Họ có thể biến thành khỉ và đi đến bất cứ nơi nào họ thích. Hay họ có thể ở lại nhà này. Họ sẽ là bạn của nhau, là chị em với nhau, vì không ai biết rõ ý thích và tính nết của họ hơn.

- Suốt đời tôi ở mãi một nơi, nhiều khi lòng tôi mơ ước được thăm viếng hay sống một nơi hoàn toàn khác hẵn cuộc sống hiện nay. Tôi muốn thử đến nơi có vầng trăng dưới hồ tĩnh tâm. Nếu không thích sống ở đó tôi sẽ quay trở lại.

Hầu Viên gật đầu, nắm tay bà dẫn đến miệng hồ. Tay bà cầm lấy một đầu xâu chuỗi chữ. Chân bà vừa chạm mặt nước hồ thì ngay lập tức bà biến thành một con khỉ nhỏ bằng bàn tay, leo thoăn thoắt xuống lòng hồ về hướng mặt trăng. Hầu Viên nói vọng theo.

- Nếu bà trở ngược đầu, bà sẽ nhìn thấy vầng trăng biến thành mặt trời, và ánh đèn này sẽ trở thành mặt trăng. Một trong những cách có thể giúp bà trở lại căn nhà này là bà phải tìm cho ra một người nào đó đồng ý mua xâu chuỗi chữ khỉ này và làm sao cho họ thiếu nợ bà ít nhất là một xu. Phần tiếp theo là tất cả những chi tiết vừa xảy ra tối hôm nay, bà biết rồi. Bà cần gom lại tất cả tính khỉ của bà, mỗi con người rút ra từ thân xác của bà có mang một phần trí tuệ của bà. Nếu thiếu nhiều phần người, bà sẽ bị mất trí nhớ.

Hầu Viên tháo xâu chuỗi từ đèn treo trên trần rồi ném vào nó vào trong hồ tĩnh tâm. Mặt nước khô dần để lại sàn nhà với nhiều nét phấn vẽ. Hầu Viên chọn một tấm ảnh của bà đắp lên mặt và từ từ biến thành một phụ nữ giống như bà. Những người đàn bà nhỏ bé biến thành một những con khỉ nhỏ rất đáng yêu. Người đàn bà ra đứng cạnh cửa sổ, hé rèm nhìn ra bên ngoài. Tuyết đã ngưng rơi.

Hầu Viên vốn là một người sống ở thế giới dưới đáy hồ đi về hướng mặt trăng. Sau một thời gian sống quá lâu ở một nơi thật nhạt nhẽo, không có cái xấu vì thế không có cái tốt, không có nỗi buồn nên không có niềm vui, không có cái chết nên cái sống trở nên vô nghĩa. Hầu Viên chọn cách chết cho Hầu Viên bằng cách trở lại cõi thế gian.



[1] Từ Băng, nghệ sĩ điêu khắc đương đại, đã sáng tác một xâu chuỗi khắc bằng gỗ bao gồm chữ khỉ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới như tiếng Ả rập, Đại hàn, Trung quốc, và Anh quốc. Xâu chuỗi chữ này được treo từ trên tầng cao nhất đến tầng hầm của viện bảo tàng Sackler (Washington DC). Chuỗi chữ này chấm dứt bên trên một hồ nước. Xâu chuỗi chữ là hiện thân của một câu chuyện dân gian. Ngày xưa có một đàn vượn chơi đùa trên cây cao dưới bóng trăng. Một con khỉ nhìn thấy bóng trăng trong hồ tưởng rằng mặt trăng đã rơi xuống nước nên kêu gọi cả đàn đi vớt mặt trăng. Từ trên ngọn cây đàn vượn nắm tay nhau tạo thành một chuỗi dài thả xuống hồ. Khi đụng vào mặt nước mặt trăng vỡ vụn. Loài vượn bảo nhau mặt trăng, kho tàng quí giá của thiên nhiên mất rồi, buồn quá kêu khóc vang trời. Một con vượn khác bình tĩnh hơn chỉ lên trời bảo rằng, mặt trăng vẫn còn, dưới hồ chỉ là bóng trăng trong nước.





Nguyễn Thị Hải Hà

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

góp nhặt cát đá Văn Chương cuối năm 2015







Ta sẽ đến ngày thu tỉnh lẻ
Lữ hành tìm kỷ vật cho người

Lý Ốc BR



Góp nhặt cát đá* Văn Chương như món quà đầu Xuân Bính Thân thân tặng bạn đọc Gió O. Góp nhặt chỉ giới hạn trong phạm vi những người viết văn làm thơtrên 3 trang mạng văn học hải ngoại: Da Màu, Tiền Vệ, Gió O vào một hai tháng cuối năm. Và cũng chỉ trong vòng những cây bút định cư tại Âu Châu, Bắc Mỹvà Úc . Những sáng tác văn chương trong lĩnh vực văn xuôi, thơ và dịch thuật. Tôi cố gắng làm công việc này hy vọng sẽ đem lại một niềm vui nhỏ đến cùng quý đọc giả trong không khí đón Tết. Những góp nhặt sau đây không hẳn là những kỳ hoa dị thảo hay là quốc sắc thiên hương. Đó chỉ là những mối duyên. Một nét môi, một ánh mắt, nụ cười, một dáng vẻ hay cử chỉ bắt mắt dễ coi thế thôi. Nhưng quý vị cũng dễ nhận ra từng dáng dấp văn phong tự do, phóng khoáng, phong phú trong văn chương; hay riêng lẻ qua giọng điệu. Đó có lẽ là đặc điểm của họ. Bởi không tròn trịa không gai gốc, tôi tin là họ sẽ còn tiếp tục bước lữ hành. Happy New Year Everyone. (LOBR)



@ Văn xuôi

Mỗi đêm, Cu Tí ngủ với những ánh sao lung linh và những con thú biển dễ thương. Những giấc mơ của Cu Tí cũng đổi màu ngoạn mục như ánh sáng êm dịu toả ra từ cái đèn Rùa. Mẹ làm Rùa nói với Cu Tí, “Anh Hai ơi, ngủ ngon nghe!” Rồi Mẹ thay Cu Tí nói với Rùa, “Rùa ơi, ‘dủ don’ (ngủ ngon) nghe!”

Khi bắt đầu biết bò, Cu Tí ôm cái đèn Rùa bò lổm ngổm trong phòng chơi và dần dần mở rộng lãnh thổ qua các phòng khác. Cu Tí bò bằng ‘ba chân’ vì một ‘chân’ trước mắc ôm đèn Rùa. Mỗi lần Cu Tí ôm đèn Rùa bò tới bò lui, thì Mẹ lại trẻ ra mười tuổi vì cười.

Lớn một chút, Cu Tí ôm đèn Rùa chơi cả ngày, như chơi với gấu bông, khỉ bông, cồ-la-là (koala) bông, bò bông, và tất cả những thú nhồi bông khác mà Cu Tí được tặng, dù mai Rùa có hơi cứng.

Dì Lâm hay xin Mẹ cho Cu Tí qua chơi với Dì. Mẹ hay hỏi ngược lại, “Em học tối tăm mặt mũi, còn chưa có giờ ăn ngủ, còn đâu mà chới với em bé?”

Năm năm rưỡi sau. Cu Tí đã thành Anh Hai đến ba lần, và một em đã về cõi xa. Lần nào sanh em, Mẹ cũng mở đèn Rùa cho em bé ngủ: Anh Tư, rồi tới Út Mĩm. Anh Tư ngủ giỏi như Anh Hai. Còn Út Mĩm lớn con hơn hai Anh, ngủ dài hơi nhất.

Khen ai khéo mua cái đèn Rùa… Đèn Rùa là đèn Rùa ơi ! (Trangđài Glassey-Trầnguyễn chuyện ngắn: Đèn Rùa)



Dù sao, tôi cũng xin còn được nhớ lại Sàigòn những chiều mưa ướt trên sông. Mưa đằm đằm bay suốt một khoảng sông ngút mắt. Lúc ấy, chắc em khoảng mười bảy, mười tám tuổi, phải không? Quán chiều, cạnh bờ sông, chỉ có hai người khách là anh với em thôi. Cô chủ quán lui vào trong chiếc chòi tre. Chỉ còn quạnh vắng tiếng mưa. Những bè gỗ mục trôi lênh đênh trên dòng sông trắng. Cơn mưa đằm đằm đan chéo một nỗi nhớ nhung. Anh ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. (1) Tiếng chuông nhà thờ vọng lại như ngân lên trong mưa thành một điệu nhạc trắng mênh mang. Những cơn gió thốc hắt hơi mưa vào chúng ta. Tóc em bay mưa, mềm. Em đặt hai bàn tay em, lạnh giá, trong hai tay anh. Em bảo nhỏ em không sợ mưa nữa. Anh thương em biết bao vì câu nói tội nghiệp ấy. Bây giờ, lầm lũi trong suốt những cơn mưa của đời sống mình, anh vẫn còn nhớ câu nói nhỏ nhẹ và tin tưởng của em chiều mưa giăng trên sông ấy. Ừ, tất cả những cơn mưa đều làm cho mình mạnh lên, anh vẫn nhủ mình như thế. (Bùi Vĩnh Phúc tuỳ bút: Hãy ngước mặt và thả bay đi những cơn mưa)



@ Tản mạn

Tôi đọc Langston Hughes từ những năm mới bắt đầu học ESL, chương trình Anh ngữ cho người ngoại quốc. Thơ của Langston Hughes chữ dùng đơn giản nhưng ý thơ hùng biện và đầy khẩu khí. Bài thơ tôi đọc đầu tiên là Dreams.

Hold fast to dreams

For if dreams die

Life is a broken-winged bird

That cannot fly

Hãy ôm chặt ước mơ

Vì nếu ước mơ tàn

Đời như chim gãy cánh

Không thể nào bay cao.

Là người tị nạn bắt đầu xây dựng tương lai với hai bàn tay không, bài thơ của ông như một lời khích lệ lớn lao. Ông còn nhiều bài thơkhác cũng nói về mơ ước. Không biết ông mơ gì? Mơ thành một nhạc sĩ jazz lừng danh, hay mơ cải cách xã hội, san bằng thành kiến áp đặt lên người da màu? Ông ngụ ý gì khi cùng một bài thơ ông đặt cho hai cái tên? Harlem còn được gọi là Dream Deferred. Harlem, thành phố của những người da màu di cư từ miền Nam lên để lập nghiệp. Harlem cũng là nơi qui tụ những nhạc sĩ Jazz tài hoa. Hughes còn rất bài thơ hay như Song for a Dark Girl, Dream Boogie, Dream Variations, Theme for English B,… nhưng tôi lãng quênông, vì tôi phải theo đuổi ông thần tài để nương nhờ miếng cơm manh áo. Cho đến khi tôi tìm hiểu về nhạc Blues thì gặp lại ông qua bài thơ The Weary Blues (Điệu Blues Mỏi Mòn)… (Nguyễn Thị Hải Hà tản mạn dịch thuật: Nhạc Blues và Ca Dao Việt Nam)



Tháng Mười, 2015. Đã vào thu, mà vẫn có những ngày nóng bức như mùa hè. Đêm ngủ phải mở quạt. Quạt chạy bằng điện mặt trời. Xe cũng chạy bằng điện mặt trời. Từ khi trở lại Mỹ sau một năm sống ở Bắc Âu năm 2004, tôi đã làm tất cả mọi việc trong tầm tay và đời sống hằng ngày để giảm ‘vết chân’ CO2 từ cá nhân và gia đình mình. Hai vợ chồng son bắt đầu xây tổ ấm, tôi ‘vận động’ chồng gắn hệthống điện mặt trời. Anh nói, “Mình đang túng mà Cưng! Mắc quá!” Tôi nài, “Môi trường còn túng hơn mình!” 2009, chúng tôi ‘trồng rừng’ trên nóc nhà. Mỗi tháng, tuỳ nắng nhiều hay ít, ‘rừng’ của chúng tôi thay đổi mật độ cây: 16 cây, 18 cây, 15 cây. Rừng không có lá, nhưng làm xanh thiên nhiên, làm ổn định khí quyển, làm an lòng người có trách nhiệm với môi trường, làm đèn sáng mỗi đêm để tôi đọc sách cho con.

Hôm đi mua xe hơi điện, các con tíu tít. “Xe này không có khói hả Mẹ?” Gia đình nhỏ của chúng tôi tiết kiệm khi cần, để dùng đúng chỗ, như để mua solar panels, như để trả payment cho xe hơi điện. Để mua cho chính mình một nếp sống có trách nhiệm với môi trường. Những từ vựng đầu tiên tôi dạy con là ‘compost’ và ‘recycle,’ để mỗi đứa bé từ khi chập chững biết đi đã có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Con trai lớn đi học mẫu giáo. Cái giỏ đựng cơm trưa bị sút chỉ. Cô giáo nhắc, “Con về nói Mẹ mua giỏ khác.” Con trai về nhà nói, “Mẹ ơi, Mẹ vá lại dùm con. Cô giáo nói mua giỏ khác, nhưng con biết, Mẹ may lại được.” Trồng rau trồng cà và trái cây cho con. Con hiểu, trái chín trên cành đến từ vườn nhà, không mất công xe tải hạng nặng chở đi đường xa để mang đến, tránh nhiều khí thải cho môi trường. (Trangđài Glassey-Trầnguyễn tản mạn: Làm hòa với trái đất)



@ Thơ ca

Ly bia đắng buổi chiều mùa hạ

người đàn ông kỳ dị

như một kẻ lữ hành

Gatsby của lòng em

của tình em



Gatsby tránh xa thị phi tầm thường khốn nạn

yên lặng trong một cõi xa xôi

cùng người đàn bà hoang dại

trong lành

(Như Quỳnh de Prelle thơ: Gatsby)



Không bút không mực tôi viết một câu thơ

lặng lẽ như con đường

không dấu chân của khách hành hương

yên tịnh và vô ưu

như giọt sương tan trên chiếc lá no đầy lục diệp

vô trú xứ như một cánh chim

tôi lao vào bầu trời xanh vô tận

không màu không sắc

tôi vẽ một bức tranh vô hình

chiều kích vô biên của bình minh

tôi chết lịm trong thinh lặng, trong lửa

trong thơ, trong sắc màu

như một sự tận hiến thơ mộng

(Lê Nguyên Tịnh thơ tưởng niệm: Bay đi như một cánh chim)



ngựa ơi ngẩng cao đầu tung cao vó hí thật vang

đá vào chín tầng trời mười tầng đất cho mù mịt cõi hồng trần

ngựa ô chẳng có kiệu vàng

phân vân hai ngả: thiên đàng? thế gian?

(Mây Lan thơ: Hà Cẩm Tâm - Lý Ngựa Ô)



Nơi đây trạm vắng thưa người

Tàu con một bóng lạnh còi ngược xuôi

Sân ga nào tiễn chân tôi ?

Ngoài kia chiều xuống bồi hồi nhân gian

Cây ôm mặt đất thưa tàng

Bãi xa bày biện những hàng lá xanh

Tàu đi chậm, tàu đi nhanh

Tàu tôi là chuyến lữ hành trạm xa …

(Lâm Hảo Dũng thơ: Ở trạm xe hoả Thanaleng-Lào)



@ Dịch thuật

Thi sĩ đương đại đang hoài nghi rồi ngờ vực, trước hết, về chính bản thân của họ. Họ công khai thú nhận, làm nhà thơ một cách bất đắc dĩ, nghĩa là, họ đang cưu mang một chút hổ thẹn nào đó. Nhưng trong thời đại nhiễu nhương của chúng ta, sẽ dễ dàng thừa nhận sự sai lầm, nếu những khuyết điểm đó làm cho cái nhìn toàn diện thêm quyến rủ, hơn là nhận chân những giá trị riêng tư, bởi giá trị này tiềm ẩn xâu xa và không bao giờ có thể hoàn toàn tin tưởng ..... Khi phải điền nộp đơn từ hoặc trò chuyện với người lạ, thi sĩ không thểtránh né việc tiết lộ nghề nghiệp, họ thường dùng tên gọi thông dụng, là "nhà văn", hoặc thay thế nghề "thi sĩ" bằng bất cứ nghề nào khác mà họ đang kiếm sống trong khi viết lách. Các quan chức và các hành khách trên xe buýt sẽ tỏ thái độ khá hoang mang và cảnh giác, khi khám phá, họ đang liên hệ với một thi sĩ. Tôi nghĩ rằng các triết gia cũng gặp phải những phản ứng tương tựa. Tuy vậy, triết gia ở vị trí khá hơn, vì thường xuyên họ có thể điểm trang nghề nghiệp bằng tước hiệu học vấn: Giáo sư triết học, nghe rất khả kính. (Ngu Yên: Thi Sĩ Trong Thế Giới Hôm Nay)



Nàng thuộc loại phụ nữ gầy tự nhiên, mắt đen, tóc nâu dài thả phủ lưng. Nàng thích đeo chuỗi đá màu xanh turquois, và thích đeo hoa tai dài lủng lẳng.

“Trời ơi, đừng có khùng quá. Đó không phải là tình yêu, em biết dư rồi mà,” Mel nói. “Anh không biết cái đó gọi là gì, nhưng anh chắc chắn em không thể gọi đó là tình yêu.”

“Anh muốn nói gì thì nói, nhưng em biết nó là tình yêu,” Terri nói. “Với anh, điều này nghe có vẻ điên, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mỗi người mỗi khác mà, Mel. Đúng là đôi khi anh ấy làm nhiều chuyện điên rồ. Vâng. Nhưng anh ấy yêu em. Chắc là chỉ có anh ấy mới yêu cái kiểu như thế, nhưng anh ấy yêu em. Có bóng dáng tình yêu trong những hành vi điên rồ, Mel. Đừng có nói trong hành động điên rồkhông có tình yêu.”

Mel thở ra. Anh nâng ly rượu và quay về hướng Laura và tôi. “Hắn đe dọa sẽ giết tôi,” Mel nói. Anh nốc nốt chỗ rượu và với lấy chai gin. “Terri là người lãng mạn. Terri thuộc nhóm người đá-em-đi-để-em-thấy-mình-được-thương-yêu. Terri, cục cưng ơi, đừng có biến sắc mặt như vậy.” Mel vói tay qua bên kia bàn vuốt má Terri. Anh nhoẻn miệng cười với nàng.

“Bây giờ anh ấy lại muốn làm lành.” Terri nói.

“Làm lành chuyện gì?” Mel nói. “Có gì đâu mà phải làm lành? Anh biết chuyện anh biết. Có thế thôi.”

“Tại sao chúng ta lại bắt đầu về chủ đề này?” Terri nói. Nàng nâng ly uống cạn chỗ rượu. “Mel lúc nào cũng nghĩ đến tình yêu,” nàng nói. “Đúng không anh, anh yêu?” Nàng mỉm cười, và tôi nghĩ chuyện sẽ chấm dứt ở đây. (Nguyễn Thị Hải Hà dịch truyện Raymond Carver:Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu).



...........................................................................................................................................

* Góp Nhặt Cát Đá: Tên quyển sách dịch của Đỗ Đình Đồng, Sài Gòn 1971 Lá Bối ấn hành. Sách dịch từ quyển Sa Thạch Tập của Thiền SưMuju Nhật Bản.

* Đèn Rùa: http://www.gio-o.com/TrangDai/TrangDaiGlasseyTranguyenDenRua.htm

* Hãy ngước mặt và thả bay đi những cơn mưa: http://damau.org/archives/40463

* Nhạc Blues và Ca Dao Việt Nam: http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaBlues1.htm

* Làm hoà trái đất: http://www.gio-o.com/TrangDai/TrangDaiGlasseyTranguyenLamHoaVTD.htm

* Gatsby: http://damau.org/archives/40520

* Bay đi như một cánh chim: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=19450

* Hà Cẩm Tâm - Lý Ngựa Ô: http://www.gio-o.com/Chung/MayLanHaCamTamLNO.htm

* Ở trạm xe hoả Thanaleng-Lào: http://www.gio-o.com/LamHaoDung/LamHaoDungThanaleng.htm

* Thi Sĩ Trong Thế Giới Hôm Nay: http://www.gio-o.com/NguYen/NguYenNobel1996.htm

* Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu: http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaRCarverLove.htm



Tết Con Khỉ 2016

Lý Ốc BR

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Hoa hồng anh biết tặng ai





Lại một ngày Valentine
những bông hoa hồng anh trồng nào biết tặng ai
em xa rồi...xa xa mãi
tình đã trao ai
đêm dài đắng cay

Ngày Valentine
cơn say cháy đỏ
rực rỡ màu tim
những bông hoa hồng kiếm tìm
bàn tay hái tặng bàn tay

Ngày Valentine
những bông hoa hồng anh hái
cắm đợi chờ trang trải
nợ tình nhân...

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

30 nguyên tắc abc cho người mới học làm cây




Bài viết này dành cho những người mới tập chơi cây. Nếu đã có vài năm làm cây, chắc bạn sẽ phẩy tay bỏ qua những nguyên tắc này. Mình cũng thế! Nhưng có biết luật rồi mà phá luật mới là cao thủ, chưa biết luật mà phá luật thì là…liều.


Trích đoạn từ chủ đề Tạo dáng cây từ một phôi đơn giản của tác giả Trần Hùng trên caycanhvietnam.com

Nguyên tắc về thân cây và Nebari

1. Nên để chiều cao thân cây gấp 6 lần đường kính rễ cây.

Tỷ lệ 1/6 tạo cho người xem cảm giác là cây này già rồi. Cây cao lêu nghêu thường gợi hình ảnh một cây còn non và đang vươn lên. Những cây dáng “văn nhân” là trường hợp riêng. Nhưng chỉ những cây có nét quái, vặn xoắn, thân cây cực già thì làm văn nhân mới đẹp. Chứ cây nào cũng đè ra làm văn nhân thì không ổn.
2. Thân cây và ngọn cây nên để hơi nghiêng về phía trước hướng về bên phải người xem. (Văn hóa Nhật Bản là văn hóa cúi chào, làm cây như vậy trông giống như là cây đang chào người xem vậy. Bạn có thể bỏ qua nguyên tắc này.)
3. Rễ cây nên được tạo dáng xòe ra và để cho nó nhô lên trên nền chậu, như thế trông nó giống như đang bám vào đất để giữ cho cây đứng thẳng.
Tuy vậy, khi đi thi những cây thông, tùng được miễn chấm phần rễ.
4. Không nên để những nút sần mọc trên rễ cây vì người xem sẽ để ý nhiều đến nó.
5. Thân cây nên được giữ thon từ dưới lên trên để trông nó như là đang mọc vươn lên, nhưng không được làm thon ngược lại từ trên xuống.
6. Xóa mọi vết tích bàn tay con người tác động vào: mối ghép, vết cưa cắt đục đẽo, lằn của dây quấn…
7. Uốn thân cây sao cho những điểm uốn trên thân không mang hình “ức bồ câu” và nếu người xem nhìn thấy phần lõm của khúc uốn thì dễ chịu hơn thấy phần lồi.
8. Trên những thân cây trực, nếu có quá nhiều điểm uốn hình chữ “S” sẽ làm cho cây trông rất nặng nề mất đi vẻ tự nhiên vốn có của nó.
9. Một cây chỉ nên mang một ngọn. Nếu cây 2, 3 thân thì có thể làm thành 2, 3 ngọn khác nhau, nhìn rất đẹp. Tuy nhiên độ cao của các ngọn không được bằng nhau. Bạn có thể xem ví dụ về cây neea của ông Budi Sulistyo
10. Đối với cây 2,3 thân thì nên được tách ra ở chỗ gốc cây.
Nguyên tắc đối với nhánh cây

11. Nhìn chung, cành nối với thân thì nên trĩu xuống cho có vẻ già nua, nhưng chi (dăm, chồi) thì lại hướng lên trời nhìn mới tự nhiên.

12. Nhánh đầu tiên nên được đặt nằm ở khoảng 1/3 chiều cao thân cây tính từ gốc. Nhánh thứ 2 ở khoảng 1/3 từ nhánh thứ 1 tới ngọn, và cứ thế cho các nhánh tiếp theo.
13. Đường kính nhánh cây nên được cân đối với thân cây. Những nhánh cây được xem là quá khổ là những nhánh có đường kính dày hơn 1/3 đường kính thân cây.
14. Các nhánh nên mọc luân phiên xen kẽ theo đường xoáy trôn ốc. Nhìn từ trên xuống, cành sẽ mọc như thế này:

15. Không nên để 2 cành mọc song song.
16. Nên chừa một khoảng trống đủ rộng giữa những nhánh cây. Gần như không có cây nào tán lá dày đặc như một cái nón chụp lên cây mà được coi là đẹp.
17. Không nên làm các nhánh cây xòe ra từ một chỗ trên thân cây như hình nan hoa xe đạp, hay là để những nhánh cây xoắn lại hoặc những nhánh cây thẳng tuột, trông chúng rất vô duyên.
18. Nên tạo hình những nhánh cây sao cho chúng tạo thành một hình tam giác lệch với ngọn cây tượng trưng cho trời, góc ở giữa tượng trưng cho con người và góc ở phía dưới tượng trưng cho mặt đất.
19. Nên tạo dáng sao cho những nhánh cây mọc từ thân cây đổ (cây huyền) tuân theo các qui tắc dành cho những thân cây thẳng, chỉ trừ việc thân cây mọc nghiêng.
20. Những cây 2 thân nên thiết kế sao cho các cành không che sáng lẫn nhau và không nên có những cành xen giữa các cây bởi chúng sẽ đâm ngang thân cây khi quan sát. Nhìn cây của ông Budi đây bạn sẽ hiểu ngay thôi:

21. Không để những tán lá che khuất Jin.
Nguyên tắc cho chậu bonsai

22. Với chậu chữ nhật, cây nên đặt tránh 4 đường chia đôi chậu cây (4 đường màu đỏ) bởi trong bonsai để tác phẩm trông có vẻ tự nhiên thì nên tránh mọi sự cân xứng.

23. Màu men chậu cần phải hài hòa với màu sắc của cây. Cách đơn giản nhất là chọn màu nâu đỏ của đất nung, màu đất phù hợp với tất cả các loại cây.
24. Nên chọn những chậu có chiều rộng gấp 2/3 chiều cao của cây. Với những cây lùn thì chiều rộng chậu phải gấp 2/3 bề rộng thân cây.
25. Kiểu dáng chậu cũng cần phải phù hợp với kiểu dáng của cây bonsai. Chậu hình chữ nhật thì thích hợp với những cây dáng thẳng không uốn éo nhiều, còn với những cây thẳng không bình thường, những cây mà có nhiều điểm uốn trên thân thì chậu hình oval hay hình tròn là thích hợp nhất.
Tỷ lệ vàng cho cây

26. Đối với cây dáng trực và xiêu, chiều cao của cây bằng 6 lần đường kính gốc.
27. Đối với cây dáng trực và xiêu, khoảng cách từ gốc đến cành thấp nhất = 1/3 chiều cao của cây. Lưu ý trong hình minh họa thì cành có tán lá thấp nhất được tính như cành thấp nhất.
28. Khoảng cách giữa các cành nhánh nhỏ dần từ dưới lên theo tỷ lệ 1/3. Chiều dài của cành nhánh cũng ngắn dần từ dưới lên trên theo tỷ lệ này.
29. Bề dày của chậu = đường kính gốc.
30. Bề rộng của chậu = 2/3 bề rộng tán lá.
Đây, mời bạn xem hình về các số đo siêu mẫu cho điên đầu luôn!

*** Một điều nghịch lý nữa là những tác phẩm tuyệt kỹ thường là những tác phẩm gần như chối bỏ chuẩn mực. (Những bài thơ Đường tuyệt tác đa phần là những bài thơ không gò bó trong niêm luật mặc dù Đường thi là thể loại có niêm luật chặt chẽ nhất).

Chú thích

  • Nebari là phần rễ nổi trên mặt đất.
  • Jin là cành cây khô được lột vỏ còn trơ lõi gỗ.
  • Shari là đường lũa chạy dọc thân cây.

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Xuân Bính Thân



Nào có đêm ba mươi để em đến thăm anh
đưa tuổi đi với niềm vui thanh thản
hoa mai nở vàng khiến màn đêm bàng bạc
thay trăng tàn gọi bóng đón xuân sang

Lời hẹn ngày xưa đã đủ đầy gian dối
cuộc gặp bây giờ nào chứa hết đơn côi
sương xuân lạnh ướt thềm năm mới
rượu cay lòng đốt sợi thời gian

Bầy khỉ về đây trèo lên cây bưởi
anh vào sân ga ngồi đợi nụ tầm xuân
nụ tầm xuân đêm ba mươi mới nở
nên giao thừa rồi chỉ có bóng rơi...

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Nơi tình yêu bắt đầu





Khi thế giới không phải bắt đầu từ con số 0
Em đã nhận ra rằng, tình yêu có thể bắt đầu từ vô cùng
không phải từ miếng táo mà nàng Eva cắn vội
Có thể có rất nhiều bí ẩn đã làm nên điều diệu kỳ của thế giới
Và chúng ta đã là điều kỳ diệu của nhau
khi anh ngờ nghệch hỏi: sao em không đếm thế giới bắt đầu từ 0..1..2..3…
Em bảo: tình yêu không phải là quả táo lăn mãi tìm nhau trên lối mòn cuộc sống
Chúng ta có thể dùng ký tự đánh dấu những dòng sông đi qua
Nơi linh hồn tình yêu có thể khởi sinh từ đó

Hôm nay,
khi ngày khởi đầu của em bắt đầu từ bóng của sương mù
Anh hãy nhìn bằng đôi mắt của em, như khi anh nhìn vào em lần đầu
Anh sẽ thấy lời thánh giá đặt trên mặt trăng
Lạnh, nhưng trăng sẽ ru anh ngủ
mang giấc mơ ngọt ngào như chiếc bánh mật ong
Và em nghe mưa rơi rất rõ
Qua nụ cười của anh trong từng nhịp thở
Anh đã hát em nghe
Giai điệu của yêu thương
Anh đừng sợ con đường không còn dấu vết
Khi nỗi nhớ của em đã nằm trọn trong giấc ngủ của anh
Và khi anh thức dậy
Xin đừng vẽ lên khung tranh những giấc mơ bằng ký hiệu
Bởi anh sẽ nhớ em hơn
Khi bức tranh sẽ nói cho anh biết về những điều rất thực
Là con đường đã xa muôn trùng
Anh không đi qua được cánh đồng cỏ xám
Em đã cố nhìn vào đôi mắt anh
Những nếp nhăn hằn lên một thế kỷ buồn, dù khi anh cố khỏa những gam màu của mùa xuân biếc xanh tươi tắn
Giá như những giọt nước mắt đóng băng, và rơi vào mây
Sẽ rơi như trận mưa sao băng hôm qua
Sẽ tan biến vào đêm, em, anh và mỗi đêm mình nhớ về nhau quay quắt
Chúng ta sẽ không ngừng đánh những ký tự lên những dòng sông
Và nơi bắt đầu của tình yêu mỗi ngày sẽ được khởi sinh từ đó

Có thể ngày mai khi anh thức dậy
Mùi vị của mật ngọt vẫn còn trên đầu môi
Như khi anh nhìn nụ cười của em, mỗi ngày

Nguyễn Hoàng Anh Thư

ĐỜI NGƯỜI NHƯ CON THUYỀN





Đời người như con thuyền. Trong cuộc hành trình, nếu người ta mang quá nhiều đồ đạc, như là các ham muốn về giàu có và danh tiếng, thì con thuyền rất dễ bị mắc cạn hoặc thậm chí bị đắm giữa chừng. Nếu người ta muốn đạt đến đích một cách trôi chảy thì phải xả bỏ gánh nặng mà anh ta đang mang đúng lúc, chỉ giữ lại một lượng nhỏ những thứ cần thiết cho cuộc sống, và tiêu khứ đi những thứ như là lòng tham và ham muốn.

Tưởng tượng rằng những thổ dân bộ lạc ở Châu Phi chỉ có một cách duy nhất để săn những con khỉ đầu chó. Họ đặt những quả hạnh đã lột vỏ là thứ mà lũ khỉ đầu chó thích ăn nhất vào trong một cái hộp gỗ nhỏ. Cái hộp gỗ có một cái cửa nhỏ vừa đủ để những con khỉ có thể đút tay vào. Một khi đã đút tay vào và cố gắng để lấy những quả hạnh ra, nhưng nó không thể lấy tay ra được nữa và bị mắc kẹt. Những người thổ dân Châu Phi thường bắt những con khỉ đầu chó bằng cách này. Bởi vì những con khỉ đầu chó có một thói quen là một khi đã cầm được cái gì trong tay, chúng sẽ không để nó tuột mất cho dù như thế nào.


Khi nghe kể về câu chuyện, người ta thường cười sự ngu ngốc của lũ khỉ đầu chó. Tại sao chúng không thả quả hạnh ra và bỏ chạy để giữ lấy mạng sống? Thực ra nếu chúng ta nhìn lại bản thân mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng những con khỉ đầu chó đó không phải là những kẻ duy nhất phạm phải sai lầm như thế. Khi tôi còn trẻ, tôi sống ở miền quê. Một ngày nọ, có ngọn lửa lớn phát cháy trong một ngôi làng. Một gia đình nghèo chẳng có gì để bảo vệ. Nên mọi người trong gia đình chạy thoát ra khỏi ngôi nhà và an toàn. Nhà hàng xóm của họ thì rất giàu có. Sau khi ông ta chạy ra khỏi nhà thì nhớ lại những đồ đạc quý và tiền, ông liền quay vào nhà để lấy những thứ đó. Ông ta đã chết trong ngọn lửa.

Đời như con thuyền. Người ta càng mang theo ít đồ đạc, thì con thuyền cuộc đời càng nhẹ. Vì thế, nếu người ta tiêu bỏ đi lòng tham, con thuyền có thể tiến lên nhẹ nhàng và cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi người ta chết, không ai mang sang thế giới bên kia được thứ của cải gì. Nếu người ta có thể kiềm chế lòng tham về sự giàu sang và danh tiếng, cuộc sống sẽ trở nên êm đềm và có thể đạt đến đích dễ dàng.

- ST -

Đặc điểm nền giáo dục của 5 nước tiên tiến nhất trên thế giới



Xuân Quán






Chương trình giáo dục của Việt Nam đặt nặng việc hấp thụ thật nhiều kiến thức tổng quát. Phương pháp giảng dạy có nhiều tính cách độc đoán.Tuy nhiên giáo dục Việt Nam có những bước tiến rõ rệt dạo gần đây với một loạt các quyết định thay đổi, song chúng ta vẫn cần phải học hỏi các nước có nền giáo dục tiên tiến tiên tiến trên thế giới.
Sữa nướcsữa tiệt trùng Dutch Lady cung cấp dưỡng chất cho cả nhà
Xem chuyên mục chuyện lạ có thật

Chương trình giáo dục của Việt Nam đặt nặng việc hấp thụ thật nhiều kiến thức tổng quát, ít chú trọng đến nâng cao phong cách con người, khả năng giao tiếp và sáng tạo. Học sinh Việt Nam, ngay từ cấp 1, chỉ biết học và học, không có thì giờ vui chơi, tập luyện thể thao, và phát triển những khả năng quan trọng khác như sự chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, tìm tòi, khám phá.


Phương pháp giảng dạy có nhiều tính cách độc đoán. Học sinh thường chấp nhận tuyệt đối những kiến thức từ thầy cô và từ sách giáo khoa dù đúng hay sai. Học sinh rất ít được tự tìm tòi, suy nghĩ độc lập, chất vấn, thảo luận, phát biểu ý kiến, và khám phá những gì hợp với sở thích của mình.

Tuy nhiên giáo dục Việt Nam có những bước tiến rõ rệt dạo gần đây với một loạt các quyết định thay đổi.

Một trong số đó là giảm bớt các kỳ thi ở bậc tiểu học, các bài kiểm tra định kỳ chỉ dùng để kiểm chứng học sinh, không được dùng để so sánh thành tích rằng học sinh này giỏi hơn học sinh khác, không cho điểm học sinh mà chỉ ghi lời nhận xét. Việc thay đổi này đã làm giảm áp lực học hành lên học sinh rất nhiều.

Một thay đổi gần đây nhất là việc bỏ kỳ thi đại học đầy áp lực, thay vào đó là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc làm này được sự đồng tình ủng hộ của nhiều thành phần xã hội.

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực, song giáo dục Việt Nam vẫn cần phải học hỏi những nước có nền giáo dục tiên tiến nhiều hơn nữa.

Chúng ta cùng điểm qua đặc điểm của một số nền giáo dục phát triển trên thế giới:

1. Giáo dục ở Phần Lan
Công bằng và miễn phí

Giáo dục Phần Lan xem công bằng là một trong những điều quan trọng nhất. Ông Olli Luukkainen, chủ tịch hội đồng giáo viên Phần Lan chia sẻ “Tất cả trẻ em ở Phần Lan dù thành thị hay nông thôn đều được hưởng một nền giáo dục như nhau.”

Thực hiện tiêu chí công bằng này, giáo dục Phần Lan không phân biệt giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn, tất cả đều được hưởng một nền giáo dục như nhau.



Không áp lực thi cử

Giáo dục ở Phần Lan cũng không có các cuộc thi sát hạch nhằm phân loại học sinh, giáo dục hướng đến các học sinh yếu kém, giúp nhà trường trở thành môi trường thân thiện.

GS Pasi Sahlberg, công tác tại bộ giáo dục và văn hóa Phần Lan phát biểu:“Chúng tôi dạy trẻ học cách HỌC, chứ KHÔNG dạy trẻ học cách để thi”

“Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo học sinh sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội ”

2. Giáo dục ở Nhật Bản

Đạo đức là cốt lõi

Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “con người = đạo đức”, đề cao tính tự lập và tinh thần kỷ luật.

Tư tưởng của người Nhật vẫn còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đạo đức là cốt lõi là điều mà một học sinh phải biết đến đầu tiên.



Sau trận động đất khủng khiếp năm 2011, trong các cuộc cứu trợ, người Nhật không chen lấn nhốn nháo, không tranh giành khẩu phần. Trái lại, họ còn nhường nhịn lẫn nhau và kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi dù biết rằng, có thể tới lượt của mình thì chẳng còn lại gì.

Câu chuyện đứa trẻ 9 tuổi không biết rõ số phận cha mẹ mình thế nào, trong lúc khốn khó đói và rét run cầm cập đứng xếp hàng chờ khẩu phần ăn thì được một người lớn nhường lại túi lương khô, vì e rằng tới lượt đứa trẻ này thì các khẩu phần ăn hết mất.

Đứa trẻ ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm rồi lại quay lại xếp hàng. Khi được hỏi đứa trẻ trả lời rằng “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con”.

Câu chuyện này và những câu chuyện cảm động khác đã nhanh chóng được lan truyền ra thế giới bên ngoài nước Nhật. Người dân toàn thế giới rất ngượng mộ và khâm phục dân tộc Nhật Bản. Câu chuyện đứa trẻ nhường lại khẩu phần ăn kể trên được giới truyền thông xem như là “huyền thoại”. Chỉ dân tộc nào xem đạo đức là nền tảng, xem văn hóa cổ truyền là linh hồn của dân tộc mình thì mới có được những kỳ tích như vậy.

Giáo dục Nhật Bản vận hành theo nguyên lý: “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.

Phương châm của người Nhật là: “Cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng công dân có thể mài giũa nhân cách bản thân…”.

Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong của Nigeria khi nghiên cứu giáo dục Nhật Bản đã phát biểu rằng “Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật cao độ được phản ánh thông qua quan niệm xem giáo dục là một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và tham gia đóng góp nhằm giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp, ai nấy đều tốt nghiệp và có việc làm”.

Tư duy ‘tự lập’



Giáo dục Nhật Bạn cũng hướng đến tính tự lập cho học sinh, mỗi học sinh có thể tự chủ trong học tập, không ỷ lại để có thể hòa nhập môi trường hội nhập đầy biến động các giá trị văn hóa và tri thức

Để trang bị tính tự lập cho học sinh, giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh ‘học sinh là trung tâm’, giúp học sinh trải nghiệm kiến thức từ thực tế chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Có nhiều loại sách với các chuẩn đầu ra khác nhau để tăng cường khả năng phản biện cho học sinh, kích thích việc tìm tòi, phát huy sức sáng tạo.

Các bài học ở Nhật Bản được các giáo viên ghi trích nguồn ở đâu, rồi khuyến khích học sinh tìm thêm nguồn thông tin mới, cổ vũ học sinh đứng từ các góc độ cách nhìn khác nhau để đánh giá nhận xét vấn đề. Đó là một trong những lý do cốt yếu giúp người Nhật nằm trong tốp đầu các quốc gia có lượng bằng sáng chế cao nhất thế giới với vô số thương hiệu tồn tại xuyên thế kỷ.

Không áp lực thi cử
Giống như Phần Lan, giáo dục ở Nhật Bản không gây áp lực thi cử cho học sinh

Giáo dục Nhật Bản cũng không tổ chức theo kiểu “gom học sinh có điểm số cao lại với nhau”. Nhà trường cũng không chủ trương “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người, vì cho rằng điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ, mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.

Nhật Bản không có đặt nặng thi cử, kỳ thi chính thức chỉ có thi vào trung học và đại học. Ngoài ra còn có đợt thi lớp 6 và lớp 9 nhưng là để giám sát hiệu quả hệ thống giáo dục, chứ không phải để đánh giá năng lực học sinh.

3. Giáo dục ở Mỹ: Tự do và tôn trọng tự do của người khác
Nền giáo dục Mỹ hướng con người đến tự do, có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống đang biến động hàng ngày, nếu bó buộc học sinh sẽ làm mất tính sáng tạo của trẻ. Các chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự phát hiện, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ “xung quanh một câu hỏi”.

Tự do của người Mỹ là tự do về tư tưởng, giữ quan điểm của mình đồng thời tôn trọng quan điểm ý kiến của người khác.

Giáo viên thường nhắc nhở học sinh của mình rằng: “Bất kỳ ai trong các em cũng có quyền loại bỏ, thậm chí là tẩy chay một nhãn hiệu mà mình không thấy thích. Nhưng không được quyền ép người khác đứng về phe mình, vì như thế là thiếu tôn trọng quyền của tự do của người khác ”



Ở Mỹ giáo viên cho điểm và nhận xét học sinh, và học sinh được nhận xét và đánh giá chất lượng giáo viên.

4. Giáo dục ở Đức

Bình đẳng
Một trong những đặc tính của giáo dục Đức đó là tính bình đẳng giữa các học sinh, trong lớp học không có lớp trưởng, lớp phó hay tổ trưởng, tổ phó, mà chỉ có “phát ngôn viên” để chuyển thông điệp của thầy cô đến học sinh và ngược lại.

“Phát ngôn viên” còn đưa ra các giải pháp, phong trào nhằm cải thiện tình hình học tập, giúp các bạn học lực yếu, phát huy các tài năng văn nghệ, thể thao trong lớp…

Chú trọng trải nghiệm thực tế
Người Đức cho rằng trói buộc những đứa trẻ trong lớp học mà thiếu tính trải nghiệm thực tế sẽ dẫn đến những sản phẩm bị lỗi thời về mặt nội dung. Thầy cô đứng lớp còn quan niệm phải mất cả năm trời, thậm chí là vài năm người ta mới có thể xuất bản một quyển sách hạn hữu trong khi thế giới to lớn, vĩ đại đang vận động hàng giây. Thế nên kiến thức sách vở, phần lớn đã lỗi thời trước khi được trưng bày trên kệ sách.

Hơn một nửa số học sinh ở Đức chọn con đường học nghề thay vì dấn thân vào con đường đại học.

Người Đức quan niệm học tập để có một công việc phù hợp, thế nên trong khi một số nước như Việt Nam xem những học sinh không vào được đại học sẽ không có cơ hội phát triển, thì ở Đức người ta lại kỳ vọng rằng bộ phận học sinh này sẽ tỏa sáng khi được ghép với một công việc phù hợp.



Đức đã xây dựng một chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp toàn quốc, được quản lý bởi Viện Giáo dục và Đào tạo nghề nghiệp liên bang. Đây là một chương trình phối hợp giữa chính phủ và giới doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để đào tạo nguồn lực cần thiết cho xã hội.

Chương trình giáo dục kép này truyền đạt kiến thức cả trên lớp học lẫn thông qua thực hành. Một cách cụ thể, người học sẽ đến các trường dạy nghề từ hai đến ba ngày một tuần. Ở đó, các lý thuyết và thực tiễn về ngành nghề sẽ được truyền dạy. Ngoài ra, các trường cũng buộc phải dạy các môn về kinh tế và xã hội, đào tạo ngoại ngữ và các kiến thức cơ bản khác.

5. Giáo dục ở Pháp: Mỗi học viên ứng với một vị trí trong xã hội

Trong khi nhiều nước khác xem giáo dục phổ thông là căn bản, còn cụ thể làm gì phải sau đại học, cao đẳng hay các trường nghề. Nhưng ở Pháp khi học phổ thông các học sinh đã biết mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp.

Cho nên ở Pháp từ cấp 1 của chương trình phổ thông đã dạy rất bao quát. Pháp có đến ba loại bằng tốt nghiệp phổ thông khác nhau với những ứng dụng khác nhau. Đầu tiên là BAC General, Hệ này dành cho những học sinh có học lực khá giỏi hoặc những em thực sự muốn theo đuổi chương trình đại học hay cao học trong tương lai. Theo đó, các em có thể chọn học khối ngành tự nhiên (BAC Science), khối ngành kinh tế xã hội (BAC Economie Social), hoặc khối ngành văn học (BAC Littérature).College Students in Computer Lab — Image by © James Lauritz/Corbis

Các em học lực yếu hơn nhưng vẫn mong muốn theo đuổi việc học thì có thể chọn hệ BAC Tech. Chương trình đào tạo hệ này tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học các trường cao đẳng, trở thành những kỹ thuật viên, chuyên viên cao cấp.

Cuối cùng, những học sinh không hứng thú với chữ nghĩa hay có nguyện vọng muốn vừa tốt nghiệp phổ thông là có thể đi làm những công việc chân tay, làm thợ chứ chưa phải làm thầy thì theo đuổi hệ BAC Pro. Hệ này cung cấp các nghề cụ thể và các em học sinh được định hướng, chọn lựa và trong suốt hai năm cuối phổ thông có thể rèn luyện để đi làm ngay khi vừa ra trường với tay nghề vững.

Theo Vietdaikynguyen

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Xuân Bính Thân




Dê già xuống núi Khỉ lên cây
Hoa chưa kịp nở đã nát nhầy
Thế sự giằng co nào thay đổi
Dòng người qua lại vẫn lạc bầy

Năm mới năm me lần hứa hẹn
Tết này tết nữa mãi cù nhây
Đầu xanh tuổi trẻ phơi nắng hạn
Phận già tóc bạc đuổi gió mây