Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Học giả Mỹ vạch trần âm mưu của Trung Quốc






Các học giả của Mỹ, Châu Á và Châu Âu đã lên tiếng vạch trần âm mưu này của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vi phạm chủ quyền Việt Nam là một bước trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông.



Giáo sư, Tiến sỹ Marvin C. Ott chuyên gia phân tích chiến lược chuyên nghiên cứu về Đông Á của Đại học John Hopkins, Mỹ

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Marvin C. Ott, chuyên gia phân tích chiến lược chuyên nghiên cứu về Đông Á của Đại học John Hopkins, Mỹ, người thường xuyên xuất hiện trên kênh truyền hình CNN với vai trò bình luận viên về các vấn đề Châu Á, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một bước trong kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Quyết tâm của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng đất và nước tại Biển Đông là rất rõ ràng trong suốt một thời gian dài


Thực hiện quyết tâm đó, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các vụ việc bất chấp luật pháp quốc tế, gần đây nhất là tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thực ra cùng một kiểu vụ việc đã xảy ra với Philippines và trong thời gian tới Trung Quốc có thể gây ra các vụ việc liên quan đến hàng loạt nước khác.



Giáo sư Gordon G. Chang, tác giả cuốn sách “The Coming Collapse of China” (Nguồn: doanhnghiepvn.vn)

Về hành động hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trong bài viết trên tờ Forbes nổi tiếng của Mỹ, Giáo sư Gordon G. Chang chỉ ra rằng, Bắc Kinh có thể muốn tận dụng sự phân tâm của Washington trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina hoặc thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama hay chỉ muốn uy hiếp một quốc gia nhỏ bé. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì việc Trung Quốc đang làm đều rất nguy hiểm. Tác giả Gordon G. Chang khẳng định: “Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chuyện lùi bước, ngay cả khi đối mặt với hành động khiêu khích của quốc gia láng giềng hùng mạnh như Trung Quốc.

Hai nước đã nhiều lần đối đầu… nhưng rõ ràng Hà Nội không sợ người hàng xóm của mình. Sẽ không còn niềm tự hào nếu người Việt Nam để Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển gần bờ của mình trong thời gian này mà không có sự ngăn cản”. Kết thúc bài viết, tác giả nhấn mạnh, tham vọng của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng lãnh thổ và vùng biển của các quốc gia xung quanh sẽ không dừng lại trừ khi bị buộc phải dừng lại.


Tiến sỹ Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) (Nguồn: vietbao.vn)

Tiến sỹ Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho biết, vụ việc giàn khoan càng chứng minh cho dã tâm của Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bất chấp phản ứng của các nước. Đối với các bên tranh chấp khác với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông như Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Nhật Bản ở biển Hoa Đông, sự việc này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục lập trường hung hăng, cứng rắn trong vấn đề tranh chấp biển.



Vụ việc này, cùng với các hành động tập trận Trung Quốc vào đầu năm nay của Bắc Kinh tại bãi ngầm James chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và bao vây, chặn tàu Philippines đi vào Bãi Cỏ Mây, là chỉ dấu rõ ràng cho thấy vì tham vọng tại Biển Đông, Bắc Kinh đã bất chấp các khiếu nại và hành động của các nước láng giềng, kể cả những nỗ lực dùng biện pháp trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp hay xích lại gần Hoa Kỳ.

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vì mục đích chính trị, muốn thử thách Mỹ. Đây là hành động nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời làm dấy lên mối lo ngại từ các nước.




Ông Taylor Fravel, Giáo sư chính trị học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (Nguồn: vietnamplus.vn)




Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) Taylor Fravel, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, phục vụ ý đồ chính trị với mưu đồ độc chiếm Biển Đông và thử thách Mỹ. Giáo sư Taylor Fravel khẳng định vị trí giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, vì thế nằm trên thềm lục địa và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn.

Vì thế, hạ đặt giàn khoan HD – 981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Giáo sư Taylor Fravel còn nêu rõ, Bắc Kinh luôn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và thích hành động đơn phương. Bằng chứng là trong những năm qua, nước này liên tục mời các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư khai thác tại các lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Điều này càng cho thấy Trung Quốc có thiên hướng muốn bành trướng. Ngoài ra, Giáo sư Fravel cũng nhận định, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du tới khu vực, trong đó có chuyến thăm hai quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Malaysia và Philippines, hành động của Bắc Kinh cho thấy nước này có thể đang tìm cách thử thách cam kết “xoay trục” sang Châu Á của Washington.
Về mục đích,ý đồ của Trung Quốc trong vấn đề này, Tiến sỹ Gregory Poling cũng cho rằng hoàn toàn không phải vì vấn đề kinh tế. Cũng chẳng phải dầu lửa. Trung Quốc chỉ có một giàn khoan như Hải Dương 981. Nó được sử dụng chính ở vùng biển Hong Kong, và ở khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cần giàn khoan này sử dụng vào mục đích chính là khai thác dầu, thế nên họ tuyên bố chỉ cắm ở đó cho tới tháng Tám hoặc sớm hơn rồi rút về để khoan kiếm dầu thực sự.

Thế nên đưa giàn khoan tới chỉ là muốn gửi một thông điệp chính trị. Đối với Mỹ, Trung Quốc cũng đang phát đi một tín hiệu rằng Bắc Kinh không tin Washington có đủ tiền để làm những gì là cần thiết để bảo vệ các đối tác trong khu vực và ngăn chặn Trung Quốc bành trướng. Đối với cộng đồng quốc tế, hành động của Bắc Kinh đại diện cho một thách thức với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Bài mà Bắc Kinh vẫn sử dụng lâu nay là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.


Tiến sỹ Ernest Bower, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Nguồn: vov.vn)

Tiến sỹ Ernest Bower, cố vấn cao cấp phụ trách Nghiên cứu Đông Nam Á, đồng giám đốc tổ chức Sáng kiến đối tác Thái Bình Dương tại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, cho biết hành động gây hấn mới của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại cho các nước và Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế từ vấn đề này.

Ông Ernest Bower nhấn mạnh, rõ ràng là sự gây hấn mới của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại trong các nước láng giềng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng bày tỏ lo ngại trước việc một nước lớn sử dụng sức mạnh kinh tế – quân sự để thúc đẩy các lợi ích chủ quyền của mình, trong khi gây hại cho một quốc gia nhỏ hơn. Trong trường hợp này, gần như tất cả các quốc gia đều chia sẻ lợi ích trong việc thuyết phục Trung Quốc tham gia xây dựng và tuân thủ các quy tắc. Nếu không, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị mất ổn định bởi sự quyết đoán của Trung Quốc và thương mại – đầu tư trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Andrew Billo, học giả thuộc Asia Society, đang giảng bài tại Đại học Lý Quang Diệu, Singapore.

Học giả Andrew Billo, chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội Châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD – 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dự báo về tình hình Biển Đông sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động theo cách bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng.
————-
http://www.baomoi.com/Hoc-gia-My-vach-tran-am-muu-cua-Trung-Quoc/119/13861934.epi

Nga-Trung ký thỏa thuận khí đốt “khủng” nhất lịch sử


 Trung Quốc và Nga vừa thông báo đã ký kết hợp đồng khí đốt trị giá khoảng 400 tỷ USD, BBC đưa tin. Theo thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối tấn khí đốt thiên nhiên mỗi năm cho nền kinh tế Trung Quốc đang nở rộ, bắt đầu từ năm 2018. Ảnh: BBC



Thỏa thuận giữa công ty khí đốt Gazprom của Nga và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) có kỳ hạn mười năm. Hiện con số chính thức chưa được công bố, nhưng tổng giá trị của hợp đồng được ước tính đạt mức xấp xỉ 400 tỷ USD. Kênh RT ước tính Trung Quốc sẽ phải trả cho Nga 350 USD cho mỗi mét khối khí đốt.

Cổ phiếu của Gazprom lập tức tăng 2% trên thị trường chứng khoán Nga sau thông tin trên.

Theo thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối tấn khí đốt thiên nhiên mỗi năm cho nền kinh tế Trung Quốc đang nở rộ, bắt đầu từ năm 2018.

Trong mười năm qua, Trung Quốc nhập khẩu khí đốt từ nhiều nước, trong đó lớn nhất là Turkmenistan. Myanmar cũng vừa thêm tên vào danh sách các nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc vào năm ngoái.

Một điểm cần được lưu tâm khác trong thỏa thuận lần này là việc xây dựng đường ống dẫn khí tới Trung Quốc.

Hiện chỉ có một đường ống duy nhất chạy dọc vùng viễn Đông Nga tới biên giới Trung Quốc có tên "The Power of Siberia". Đường ống được hoàn thành năm 2007, 3 năm sau khi Gazprom và CNPC ký thỏa thuận ban đầu.

Nhưng gói tài chính tiêu tốn khoản 22 - 30 tỷ USD để lắp đặt đường ống chạy vào Trung Quốc vẫn là tâm điểm nóng của các cuộc thảo luận gần đây.

Hiện Trung Quốc đang là bạn hàng thương mại lớn nhất của Nga với tổng trị giá giao thương đạt 90 tỷ USD năm 2013. Hai nước đang nhắm tới mục tiêu đẩy con số tăng gấp đôi trong 10 năm tới.

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Trong đêm không định kiếm tìm



Hồng Thanh Quang



Trong đêm không định kiếm tìm
Bỗng nhiên giữa những nổi chìm gặp nhau
Cách xa hơn nửa địa cầu
Lặng thầm âm vọng thành câu ấm lòng

Người như một chấm sen hồng
Bao năm lưu lạc trên dòng thời gian
Ta toàn cô độc thành thân
Lạ thay khoảnh khắc thấy gần viễn phương

Mới hay rối lẫn thông thường
Đôi khi sáng tỏ con đường nhập ân
Chậm thêm chút nữa bàn chân
Để trên ngả rẽ khẽ hằn dấu nhau.



“Điều kỳ diệu về trái tim Việt Nam”


Wayne Karlin

Tham gia cuộc chiến ở Việt Nam khi tuổi đời mới mười chín, song năm mươi năm đã trôi qua, nhà văn Mỹ Wayne Karlin vẫn không ngưng ám ảnh về những thương đau mà cuộc chiến này gây ra đối với người dân hai nước.

Suốt năm mươi năm qua, nhà văn Wayne Karlin đã tích cực tham gia công cuộc “hàn gắn vết thương chiến tranh” qua hàng loạt hoạt động tích cực: sáng tác văn chương; tham gia hoạt động cùng các cựu chiến binh Mỹ như biểu tình phản đối chiến tranh, cùng thành lập công ty xuất bản tư nhân First Casualty Press (1973), biên tập sách của các nhà văn là cựu chiến binh Mỹ, giới thiệu và biên tập sách văn học Việt Nam dịch ra tiếng Anh, tham gia các hoạt động từ thiện của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam như tặng toàn bộ lợi nhuận từ sách cho bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội - nơi từng bị phá hủy nặng nề bởi trận bom năm 1972, xây dựng trường học cho thiếu nhi ở Quảng Trị, tham gia dự án Renew (Tái tạo) hướng dẫn cho người dân Quảng Trị về việc phát hiện, tránh và vô hiệu hóa những quả bom chưa nổ…

- Có phải ông bắt đầu sự nghiệp viết lách sau khi giã từ nhiệm vụ của một người lính hải quân lục chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn từ 1966 - 1967?

- Đúng vậy, sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi học đại học và bắt đầu viết văn từ đó, dù tác phẩm đầu tiên của tôi - nội dung cũng về chiến tranh Việt Nam, không được xuất bản mãi cho tới năm 1973. Tôi thích đọc sách từ nhỏ và luôn muốn trở thành nhà văn. Nếu không tham gia chiến tranh, tôi nghĩ mình vẫn bước vào nghiệp văn, nhưng chiến tranh đã đem lại cho tôi đề tài sáng tác đầu tiên. Đó là sự kiện quan trọng nhất đã xảy ra đối với thế hệ tôi, với đất nước tôi, với chính tôi. Vì thế dĩ nhiên tôi phải viết về nó. Không phải tất cả sách của tôi đều viết về chiến tranh, nhưng chiến tranh hoặc di chứng chiến tranh đã từng và vẫn đang là trọng tâm trong sự nghiệp sáng tác của tôi.


Anh lính Wayne Karlin luôn tranh thủ đọc sách


- Tại sao chỉ tham gia cuộc chiến có một năm nhưng ông vẫn bị ám ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam suốt mấy chục năm như vậy? Ông có nhớ gì về ngày 30.4.1975 khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng?

- Đúng là tôi đã bị tác động mạnh vì giết chóc và nạn đói vẫn tiếp diễn ở Việt Nam sau khi tôi về nước. Tôi vẫn có nhiều bạn bè trong cuộc chiến và nhiều người Mỹ vẫn dửng dưng về điều đang diễn ra lúc đó bởi họ vẫn có thể sống cuộc sống của họ và phớt lờ chiến tranh, chỉ trừ phi họ có người thân tham gia trong đó. Hồi học đại học, tôi đã tham gia vào một tổ chức hòa bình của sinh viên, rồi tổ chức cựu binh Mỹ chống chiến tranh Việt Nam, tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, rồi làm việc tại nhà xuất bản First Casualty Press. Và khi ngày 30.4.1975 tới, tôi thấy khuây khỏa… nhưng cũng thương tiếc và giận dữ vì đã có quá nhiều người chết và quá nhiều công trình bị phá hủy.

- Có phải việc biên tập tác phẩm của cựu binh Mỹ đã dần khiến ông thay đổi suy nghĩ về Việt Nam?

- Thực ra tôi đã quay lại chống chiến tranh từ khi tôi vẫn đang ở trong cuộc chiến, vì tôi cảm nhận được chiến tranh đã hủy hoại cả hai bên, cả Việt Nam và Mỹ. Tôi đã chứng kiến bạn bè mình và cả những người Việt Nam phải chết mà không ai biết lý do tại sao. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu thấu đáo hết toàn cảnh theo một nghĩa rộng hơn những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua cho tới khi quay về nước và đọc thêm nhiều về cuộc chiến này, gồm cả tiểu thuyết và thơ về chiến tranh. Một số nhà văn Mỹ yêu thích của tôi (nhiều người trong số này cũng là bạn bè tôi) cũng đã tác động sâu sắc tới tôi và tới công việc của tôi như Tim O’Brien, Larry Heinemann, Phil Caputo, W. D. Ehrhart, Yusef Komunyakaa… Từ năm 1995, tôi cũng bị tác động nhiều từ tác phẩm được dịch ra tiếng Anh của các nhà văn Việt Nam như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh… Và tôi vừa đọc xong cuốn tự truyệnChuyện nghề của Thủy rất hấp dẫn của bạn tôi - đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy.

- Ông đã bắt đầu dịch, biên tập các tác phẩm văn học Việt như thế nào?

- Năm 1988, rồi 1993 tiếp đó, tôi là một trong số các nhà văn Mỹ được gặp gỡ các nhà văn Việt Nam thông qua trung tâm William Joiner. Năm 1988 và 1993 có một số nhà văn Việt Nam đến Mỹ, trong đó có Lê Minh Khuê. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Đó là những trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống khi được gặp gỡ những con người yêu bản thân mình bằng nhiều cách và không ai biết được rằng có thời điểm chúng tôi đã phải giết lẫn nhau nếu chỉ cần nhìn thấy nhau. Văn chương hay như một tấm kính và như một cánh cửa sổ: bạn có thể thấy chính mình phản ánh qua các nhân vật. Bạn cũng có thể nhìn thấy hoặc hiểu những thế giới khác nhau của họ. Những câu chuyện của tôi và về những người từng có thời phải giết lẫn nhau này luôn có sức mạnh ghê gớm. Sau đó, tôi, nhà văn Lê Minh Khuê và nhà văn Hồ Anh Thái thường bàn với nhau về một tuyển tập truyện nói về những ảnh hưởng của chiến tranh do cả nhà văn Mỹ và Việt Nam viết. Lần đầu tiên tôi quay lại Việt Nam vào cuối năm 1994 đầu 1995 để ký hợp đồng với các nhà văn Việt và Hội nhà văn Việt Nam. Kết quả là tuyển tập The Other Side of Heaven: Postwar Fiction (Phía bên kia góc trời - tác phẩm hậu chiến) đã ra đời, của nhà văn cả hai bên Mỹ - Việt, do tôi, Lê Minh Khuê, Trương Vũ chủ biên, có sự trợ giúp to lớn của nhà văn Hồ Anh Thái. Cuốn sách nhanh chóng trở nên ăn khách và đoạt giải thưởng Paterson năm 1998. Năm 1995, Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái sang Mỹ và chúng tôi đã đi thực hiện một tour giới thiệu cuốn sách này khắp nước Mỹ. Vì vậy Curbsone Press đã nhờ tôi hàng năm mang tới một tác phẩm văn học Việt Nam, và tôi đã thực hiện điều này được mười năm qua. Tôi và nhà văn Hồ Anh Thái đã biên tập một tuyển tập truyện có tên Love after war (Tình yêu sau chiến tranh) xoay quanh đề tài này và đã được xuất bản ở cả hai nước. Chúng tôi cũng cùng biên tập một số tiểu thuyết Mỹ đương đại.

- Ông thích tác phẩm của nhà văn Việt nào nhất?

- Có lẽ là của Hồ Anh Thái. Tôi đã giới thiệu ba tác phẩm của anh ấy cho ba nhà xuất bản của Mỹ là Curbstone, NXB Đại học Washington và NXB Đại học Texas. Tác phẩm của Lê Minh Khuê và Bảo Ninh cũng tác động tới tôi mạnh mẽ ở khía cạnh một cựu binh. Tôi yêu thích tất cả tác phẩm văn học Việt mà tôi đã giới thiệu nhưng phần lớn trong số chúng khá cổ điển như Truyện Kiều, Spring Essence (thơ Hồ Xuân Hương, John Balaban dịch)… Việc biên tập tác phẩm văn học của các nhà văn Việt đều rất khó. Tôi yêu thích sự dũng cảm và thành thực của các nhà văn Việt và những câu chuyện của họ đã giới thiệu cho độc giả về con người phức tạp trong những tình huống phổ biến toàn cầu mà bất kỳ ai cũng có thể bị dính vào.

- Việc viết đi viết lại những tác phẩm mang đề tài chiến tranh, việc biên tập các cuốn sách của các cựu binh Mỹ có khiến ông thấy kiệt sức?

- Đúng là tôi có cảm thấy kiệt sức và bị ám ảnh thật, nhưng tôi vẫn tiếp tục viết. Điều khiến tôi ám ảnh nhất là nhiều người trong số chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải viết nên sự thật về chiến tranh và chúng tôi phải sống lại với điều đó mỗi lần khi chúng tôi viết về nó một cách thành thực nhất. Tôi bị ám ảnh bởi những điều mà chúng tôi đã không học được và bởi cái cách mà chiến tranh đã tác động đến cả hai đất nước – những cựu binh Mỹ và gia đình họ; những người Việt đã bị thương hoặc bị chết bởi những quả bom còn nằm sâu trong lòng đất; hàng trăm nghìn “những linh hồn phiêu dạt” còn mất tích, những thế hệ chịu di chứng bởi chất độc da cam.

- Từng viết kịch bản và cố vấn làm một bộ phim liên quan đến Việt Nam, ông có muốn tiếp tục công việc này và xin ông chia sẻ về kế hoạch sáng tác sắp tới?

- Tôi rất vui khi tham gia vào đoàn phim The Song of the Stork (Vũ khúc con cò) và đã viết một kịch bản khác về Việt Nam cho một nhà sản xuất không phải là người Việt. Nhưng anh ấy chưa tìm được đủ tiền sản xuất. Và tôi hiện rất muốn chuyển thể cuốn sáchWandering Souls (Những linh hồn phiêu dạt, NXB Thông tấn xuất bản bằng tiếng Việt, 2009) của tôi lên phim truyện. Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết mới, xoay quanh những tác động vào một thành phố nhỏ của Mỹ bởi những chiến tranh gần đây ở Iraq và Afghanistan. Và tôi cũng đang nghiên cứu hướng đi cho tác phẩm tiếp theo. Ngoài ra tôi cũng vừa biên tập xong một tác phẩm văn học Việt khác mà tôi chưa muốn công bố.

- Ông muốn nói gì với Việt Nam ở hiện tại?

- Tôi đã quay lại Việt Nam khoảng mười lần nhưng phải đến lần thứ tư, mới quay lại được vùng đất mà tôi từng tham chiến là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Tôi đã đi du lịch cùng bạn bè Việt Nam tại đây và luôn có cảm giác như được sinh ra lần nữa. Tôi biết các bạn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, nhưng tôi yêu đất nước xinh đẹp và con người nơi đây. Tôi sung sướng khi được ngắm nhìn Việt Nam trong hòa bình. Lần đầu tiên tôi được nhìn đất nước các bạn qua con mắt của một anh lính hải quân lục chiến mới mười chín tuổi, và con người trẻ trung này vẫn luôn ở bên tôi, qua con mắt đã già đi hiện giờ của tôi, cảm nhận được những điều kỳ diệu về trái tim của đất nước các bạn. Một trái tim từng bị che lấp bởi sự hiện diện của chúng tôi ở đó, với vũ khí trong tay. Tôi luôn mong muốn Việt Nam được hòa bình, hùng mạnh, tràn ngập cả hạnh phúc tinh thần, vật chất, và giàu có. Tôi ước mình sớm được quay lại Việt Nam.

- Cám ơn ông và mong đợi tác phẩm của ông sớm ra mắt với độc giả Việt!


Nhà văn Wayne Karlin hiện nay

Nhà văn Wayne Karlin sinh ngày 13.6.1945 tại Los Angeles, Carlifornia, Mỹ. Đã xuất bản mười tiểu thuyết (Wandering Souls, Marble Mountain, War Movies: Journeys to Vietnam, The Wished-For Country, Prisoners, Rumors and Stones, Crossover, Lost Armies, The Extras, Us…).Sách biên tập: Winning Hearts and Minds: Poetry by Vietnam Veterans, Free Fire Zone: Short Fiction by Vietnam Veterans;The Stars, The Earth, The River(Những ngôi sao, trái đất, dòng sông, tập truyện của Lê Minh Khuê, 1997); Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra, Hồ Anh Thái, 1998); Against the Flood (Ngược dòng nước lũ, Ma Văn Kháng, 2000); Past Continuous (Thời gian của người, Nguyễn Khải, 2001); The Cemetery of Chua Village (Nghĩa địa xóm Chùa, Đoàn Lê, 2005), Love After War: Contemporary Fiction from Viet Nam (Tình yêu sau chiến tranh - Văn xuôi đương đại Việt Nam, đồng chủ biên với Hồ Anh Thái, 2005), An Insignificant Family (Gia đình bé mọn, Dạ Ngân, 2009)… Ông là giáo sư giảng dạy ngôn ngữ và văn học tại College of Southern Maryland từ giữa thập niên 1980 đến nay.

"Hình và bóng"

 Hữu Phương 



 Sư trụ trì ra đón ông Khả tận ngoài cổng chùa. Tay bắt mặt mừng. Vồ vập như người thân lâu ngày gặp lại. Chủ dẫn khách đi một vòng. Mắt cười, tay chỉ, miệng vồn vã. Khách chân bước, đầu gật gật, miệng cười đon đả. Cả hai hào hứng và mãn nguyện. Những mái ngói mũi hài thẳng tắp tươi rói. Những cột kèo bằng gỗ quý vừa được thay thế còn bóng dầu sơn. Những mảng tường vôi ve màu vàng nhạt, dịu và mát. Gian điện thờ sáng trưng đèn nến. Tượng Phật nhũ vàng lấp lánh. Mùi khói nhang ngạt ngào linh thiêng. Ngôi chùa cổ u tịch và tăm tối, nhiều chỗ nát dột xưa, mang sắc diện mới. Trẻ tráng, tôn nghiêm và cổ kính.

Người có phép thần thông ấy, không ai khác, chính là ông Khả. Mấy chục nghìn Mỹ kim ông cúng dường năm ngoái, đã biến đổi tất thảy!

Sư trụ trì dẫn thượng khách vào thư phòng. Nơi sư trụ trì đọc sách, thẩm kinh hàng ngày. Gian phòng bày biện trang nhã. Cửa sổ chấn song cấu trúc hình hoa văn cổ, thoáng và đẹp. Bên ngoài, khu vườn mát xanh bóng bồ đề và thông. Bộ tràng kỷ gỗ mun khảm xà cừ đã lên nước đen nhức. Bộ ấm chén màu da lươn nhỏ xinh bốc khói. Sực nức hương vị chè móc câu Thái Nguyên.

Hai người ngồi đối diện. Một già, cao lớn gân guốc. Một trẻ, nhỏ con thư sinh. Cả hai sắc mặt khoan hòa, hiền dịu. Họ uống trà trong những cái chén mắt trâu. Khách bỗng cao hứng nói, đạo Phật là một giáo lý nhân văn, bác ái. Tôi rất ngưỡng mộ! Sư trụ trì không giấu nổi cảm xúc, hai tai đỏ hồng lên, nói, đức thí chủ quả hơn người. Lát sau, nhà sư thân tình vươn người qua bàn, nói nhỏ, sao người không báo trước, để bần tăng ra sân bay đón? Chậc, khách phẩy tay, người nhà mà! Sư trụ trì đỏ mặt, chữa lời, phải phải! Giờ người là người của nhà chùa rồi! Đoạn, nói thêm, chẳng hay việc tôn tạo nhà chùa vừa qua, người có điều gì nhắc nhở thêm? Ồ không, ông Khả nói, rất đẹp! Rất vừa ý! Ông cười hiền, năm tới, tôi sẽ gửi thêm cho nhà chùa. Xây lại hậu cung, tam quan, và toàn bộ khuôn viên hàng rào. Bảo đảm sang trọng và tôn nghiêm nơi cửa phật. Vừa nói, ông vừa đưa tay phác một cử chỉ dứt khoát, khoanh toàn bộ khu rừng thông khá rộng của nhà chùa. Sự trụ trì giãn nở mặt mày, đỏ lựng da đầu. Mô phật! Cám ơn đức thí chủ! Khách nói xong, ngồi tựa ngả tư lự. Mắt lim dim nhìn qua cửa sổ lưa thưa nắng. Hiền lành như mọi người già phong lưu an nhàn. Chợt cất tiếng nói như từ một nơi xa xôi. Ta muốn... Ta muốn... Sư trụ trì đỡ lời, dạ thưa, bần tăng xin nghe. Ông Khả nói tiếp, trong tư thế không thay đổi. Và âm sắc không thay đổi. Như thể ông nghĩ trong đầu, chứ không phát thành lời. Ta muốn... mai kia, ta gửi nắm tro già thân thể ta, ở nơi này... Sư trụ trì ngồi thẳng người, chắp tay trước ngực, bần tăng xin nhớ. Thật quá hân hạnh cho nhà chùa!..

Được vài tuần trà, sư trụ trì đưa đẩy, chẳng hay, người ở thăm nhà chùa được bao lâu? Chỉ nội nhật hôm nay, ông Khả nói. Sáng mai ra sân bay. Bay thẳng về Mỹ! Vé khứ hồi đã mua từ bên kia...

Sư trụ trì nhớm đứng lên. Hẳn định sai bảo chuyện cơm nước cho thượng khách. Nhưng khách chuyển giọng, hượm đã, giờ ta có việc nhờ đến sư trụ trì đây? Sư ngồi lại. Mô phật! Xin người cứ sai bảo! Ông Khả nói, ta có một chiến hữu, bị bắt và bị giết, năm đối phương đánh vào thành phố này. Xác hiện đang nằm trong khuôn viên nhà chùa!.. Mặt sư biến sắc. Mô phật, bần tăng không hay biết chuyện này. Sổ sách lưu giữ, cũng không thấy ghi chép? Phải, ông Khả nói, sư thầy năm nay chưa tới năm mươi. Nghĩa là lúc đó, sư chỉ là một thằng bé con ở đâu đó. Nhưng ta thì rành rẽ tất cả. Bởi lúc đó, ta đã mang lon thiếu tá, chỉ huy lực lượng cảnh sát, nửa thành phố phía nam này!

Khách bỗng thành một con người khác. Vẻ hiền lành, phong lưu an nhàn biến mất. Trước mặt sư trụ trì, là con sói già đơn độc nơi đồng hoang. Những lọn tóc bạc thưa rũ xuống vừng trán nổi sóng. Đôi mày rậm muối tiêu luôn xô đẩy. Hai hòn lửa ngún cháy trong đôi mắt màu tro tuổi tác. Những sợi gân nổi gờ nhằng nhịt hai phía cổ và trên hai mu bàn tay già nua...

Nhà tu hành chợt cúi đầu thấp hơn. Mô phật, xin ngài cứ sai bảo! Lão Khả nhún vai đứng dậy, ta chỉ yêu cầu nhà chùa im lặng. Coi như không có ta. Và không có chuyện gì! Mô phật, xin ngài cứ tự nhiên! Nhà sư chưa nói xong, cái cặp số màu kẽm sang trọng trong tay lão Khả bật mở. Trong đó, chỉ độc mỗi dụng cụ đào đất cá nhân của lính chiến Mỹ. Còn xanh nước thép. Tách, chiếc lưỡi bật thẳng tưng. Nó là một cái xẻng chắc chắn. Tách, chiếc lưỡi quặp lại. Nó thành một cái cuốc vững chãi.

Lão Khả cởi quần áo ngoài. Chỉ còn độc mỗi quần đùi áo lót. Một khung xương khá to lớn. Ước ngoài tuổi bảy lăm. Cơ bắp nhễu nhão. Da trắng xanh. Đầy tàn nhang và nốt ruồi. Dẫu sao, nó chứng thực một cơ thể, thời tráng trai đẹp mã. Lão lấy trong túi chiếc áo ngoài màu tro bếp, may kiểu ký giả, chai Whisky lép tựa bàn tay. Tay kia cầm cây xẻng nhà binh.

Lão bước đi nhanh nhẹn. Và cương quyết. Sư trụ trì lúp cúp chạy theo sau. Tay cầm vội nén nhang. Hai người đi qua khu vườn hoa, theo những lối rải sỏi lạo xạo. Lách qua một gốc xà cừ tán rộng. Đến một khóm mẫu đơn già cỗi. Cách hàng rào xây gạch mốc meo vài bước chân, thì dừng lại. Lão thượng khách nhà chùa, đứng dạng hai chân lặng yên. Hất hàm xuống mô đất làn làn trước mặt. Cỏ úa vàng. Và đầy lá rụng. Như thể chào người dưới mộ. Lại như bảo với sư trụ trì, hắn đấy!

Sư trụ trì đưa mắt nhìn quanh giây lát. Không thật sự tin lắm. Nhưng sắc thái dữ dằn của viên sĩ quan cảnh sát cũ, đã không cho sư ho he. Bật diêm cắm nén hương lên phía đầu mộ. Và kính cẩn cúi đầu...

Cái đầu bạc của lão Khả khẽ rung rung. Tựa gió thổi rung mái tóc lưa thưa. Mép lão nhếch nháy không thành lời. Chính nó đây! Khi vị sư trụ trì già lão ấy, kéo cái xác về đây, ta đã đi theo. Cái hố được đào sẵn. Không biết vô tình hay cố ý, huyệt mộ được đặt song song với tường rào xây gạch. Đầu quay về cụm hoa mẫu đơn đang nở mấy bông đỏ thắm. Ta đã vẩy một viên súng sáu vào cái xác không còn ra hình người ấy. Nhưng viên đạn trượt sang cắm vào trụ gạch. Hơn bốn mươi năm, vết đạn như một vết sẹo mờ rêu kia!

Sư trụ trì khom người kính cẩn. Mô phật, xin cho tàn tuần nhang, rồi quý ngài động thổ? Lão Khả khẽ hất cằm. Ra chiều đồng ý. Lại như bảo, việc ông xong rồi đấy, lui đi cho! Nhà tu hành, tay vẫn chắp ngực, đi lui mấy bước, rồi mới xoay người.

Lão Khả ngửa cổ, dốc mạnh chai rượu. Một chút sinh khí chạy trong gân cốt. Nóng ran huyết quản. Lão ngồi bệt xuống đất. Hai chân dạng ra hai phía mô đất. Tay vòng qua đầu gối. Mấp máy môi. Này người anh em bạn cọc chèo! Chỉ có ta, và lão sư già buổi ấy, là biết chỗ nằm của người anh em thôi đấy. Còn giấy báo tử do thượng cấp gửi về gia đình người anh em, chỉ ghi mỗi an táng tại mặt trận phía nam. Hôm nay, ta cất bốc cho người anh em. Không phải để đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Cũng không phải gửi về nhà người anh em. Mà sẽ hóa kiếp lần nữa cho người anh em. Cho thành tro bụi. Thành mây gió. Thành không khí. Không còn lẽo đẽo theo ta như hình với bóng được nữa! Không ám riết cuộc đời ta được nữa. Không dày vò tâm trí ta được nữa. Không cho ta sống một giây không yên ổn được nữa! Đây là trận đấu cuối cùng của hai ta. Trận đấu tay vo. Ta phải giết người anh em một lần nữa!..

Lão Khả lại nốc rượu. Và tiếp tục mấp máy môi. Phần thắng đã quá rõ ràng! Ta, còn sống nhăn răng. Từ một quốc gia giàu có bậc nhất, quyền lực bậc nhất, bên kia đại dương, trở về. Sức khỏe dư thừa. Tiền bạc rủng rẻng. Đủ sai khiến nhiều người dân xứ này, như một số Việt kiều yêu nước! Còn người anh em, một nắm xương tàn. Vùi không manh chiếu. Bốn mươi năm lẻ trong bùn đất! Ha ha ha!..

Lão Khả chợt cười lên thành tiếng. Và bật dậy như lo xo. Tay cầm cán cuốc. Bước loạng chọang quanh nấm đất cằn khô, mưa gió phai tàn.

Sư trụ trì chợt run lẩy bẩy. Tay vội khép cánh cửa sổ. Mô phật! Ôi, sự hận thù! Sự hận thù! Dai dẳng và khủng khiếp làm sao!

Ngoài vườn, lão Khả vừa đi, vừa lẩm bẩm. Này người anh em! Người Tàu nói, quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Người Mỹ nói, trả thù là một món ăn, mà càng nguội lạnh, càng ngon! Ha ha ha! Chuyện đó xưa rồi. Ta về đây, không để trả thù. Ta chỉ giải vong hạn. Ta giải cái vong người anh em bám riết ta mấy chục năm nay. Sống dở chết dở. Kể từ khi ta cưới bằng được cô gái ấy...

Lúc đó, ta coi là một chiến công. Chiến công hiển hách của thời trai trẻ. Bởi lúc đó, ta đã có một đời vợ với hai đứa con. Người vợ ấy do cha mẹ ta cưới hỏi. Nhưng, từ khi được điều vào làm đồn trưởng cảnh sát, ở cái thị xã Đồng Hới nhỏ bé ấy, ta coi mình là trai tơ. Vả chăng, vợ ta làm sao sánh được cái gót chân của nàng? Nàng kiêu sa và lộng lẫy đến nhường kia!

Nhưng nàng lại đặt cao chữ hiếu. Như mọi cô gái có học hành chữ nghĩa. Và chính điểm yếu này đã giúp ta chiến thắng. Thoạt đầu ta phô trương cái vẻ điển trai, bộ quân phục sĩ quan cảnh sát trắng tinh, cùng cái lon thiếu úy đồn trưởng ra ve vãn. Khi mắt ta vô tình chộp được bóng nàng theo mẹ đi chợ. Đấy là mùa hạ năm nàng vừa học hết cấp hai. Đôi mắt đen trong veo, chứa cả một bầu trời mơ mộng. Đôi má ửng hường, màu thiếu nữ? Hay những bông phượng đầu mùa e ấp dưới vòm xanh lối phố, ánh lên má nàng? Bộ đồ vải đen mềm mỏng, may chít co của gái miền trung, cố che một cơ thể nõn nà phổng phao đang lớn dậy. Trái tim ta chợt đau nhói. Một cơn đau ta chưa gặp bao giờ!

Mẹ nàng có một gánh hàng xén ở chợ. Nghỉ hè, nàng theo giúp mẹ buôn bán. Ta đã ngày mấy lần thoáng qua đó. Súng ngắn sệ đùi. Giày đen bóng lộn. Chiếc mũ cao hếch lên kiêu hãnh. Ta biết, có bao nhiêu cặp mắt con gái ngoái theo. Nhưng không có ánh mắt nàng. Ta buộc lòng phải dừng lại, hỏi mua cái này cái kia. Cốt để được nhìn đôi mắt nàng. Vờ chạm vào đôi cánh tay với những ngón thon dài. Nhưng nàng thường kín đáo kéo nghiêng vành nón. Chỉ có mẹ nàng giao tiếp.

Nhất đẹp trai, nhì chai mặt. Ta có cả hai thứ đó. Phải vận dụng cả hai. Ta đón đường ở một góc phố. Nhã nhặn chào mẹ nàng, mỉm cười với nàng. Và đi theo hai người một quãng. Ta đã nói cái câu ngỏ lời một cách rõ ràng. Nghe xong, mẹ nàng nói, cám ơn ngài, nhưng con gái tui đã có người đi hỏi rồi. Còn nàng quay mặt đi. Coi như không có ta ở đó.

Hẳn nhiên, ta phải dùng kế sách cuối cùng. Không mới. Và hèn hạ. Nhưng hiệu quả. Ta tổ chức một cuộc bố ráp. Nói là tìm một tên Việt Minh chạy trốn. Và cho thuộc hạ lôi ra từ trong một cái hòm gỗ đựng quần áo lộn xộn của giáo Thọ cha nàng, một bọc mấy tờ truyền đơn, gói cờ đỏ sao vàng. Mặc giáo Thọ trợn mắt, căm phẫn trò bỉ ổi của ta. Ta chỉ cười khẩy. Hất hàm cho trói gô cánh khuỷu. Ra hiệu dẫn nhanh về đồn. Đây là khu vực nội thị, mươi bước chân nữa là vùng du kích.

Giáo Thọ chỉ còn nắm xương bọc tã rách. Thoi thóp thở. Sau hai ngày nhốt chung với phường thảo khấu ma cô. Nàng đã quỳ mọp xuống chân ta. Nước mắt như mưa như gió...

Ta tổ chức đám cưới ngay tại đồn, chỉ hai hôm sau đó. Vì sợ để lâu, bọn Việt Minh nẫng mất. Ta chẳng nhớ cái nhóm năm, bảy người gia đình nàng đến dự. Ngồi co ro ở dãy ghế cuối cùng. Có thể có cả anh bạn, phải không? Ta không nhớ. Và cũng không cần biết cái nhóm khố rách áo ôm ấy. Ta chỉ biết mỗi mình nàng. Chỉ cần mỗi mình nàng. Thế là đủ.

Nhưng một năm sau đó. Khi ta tiền hô hậu ủng. Với tư cách là rể hiền. Về dự ngày giỗ ông nội nàng. Ta mới vỡ lẽ. Ta đã vô tình rơi vào tổ kiến lửa! Giáo Thọ chỉ có hai cô con gái. Chị Phượng, em Loan. Hệt Thúy Kiều Thúy Vân. Phượng đã theo anh bạn Luận đây, ra vùng du kích từ năm trước. Loan ở lại chờ học cho xong, liền rơi vào tay ta. Luận là cán bộ công an Việt Minh, nhỏ hơn ta hai tuổi.

Đội quân tháp tùng vợ chồng ta, chủ yếu lấy oai. Giờ trở thành lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt. Bà mẹ vợ tròn mắt lo lắng. Còn giáo Thọ, bỗng trở thành con người khác. Trịnh trọng và uy quyền của bậc sinh thành. Ta trịnh trọng và tự tin. Lấy vẻ hiền lành. Khoan thai bước vào trong nhà. Xáp phải mặt anh. Bốn mắt chiếu vào nhau. Cùng kín đáo đưa tay sờ bao súng. Giáo Thọ nghiêm mặt, nói, ngoài xã hội, hai anh có thể ở hai chiến tuyến. Nhưng chừ tại nhà tui, trong ngày giỗ cha tui, hai anh là con rể tui! Đoạn, ông trỏ cái đinh, đóng sẵn từ bao giờ trên xà nhà, nói tiếp, hai anh treo vũ khí lên đó, rồi đi làm nghĩa vụ con cháu đối với ông bà tổ tiên!

Từ một góc khuất, Phượng bước ra, đến giúp chồng tháo thắt lưng bao súng ngắn, treo lên cái đinh. Biết ý, Loan cũng tháo thắt lưng súng lục của ta, treo lên đó. Luận đến châm hương, kính cẩn vái lạy khá thành thạo, lên bàn thờ gia tiên. Ta khệnh khạng và lóng ngóng làm theo. Hệt con rối. Mồ hôi vã ra, ướt cả hai nách áo bộ quân phục trắng. Mất cả tự tin. Chờ ta vái xong, Luận bước đến. Ta hiểu ý đưa tay ra. Hai thằng bắt tay nhau khá chặt. Trước mặt vợ chồng giáo Thọ, hai cô vợ và vài ánh mắt phụ nữ nấu bếp ghé nhìn. Anh bạn cọc chèo cao gầy. Mắt đen. Da rám nắng. Nhưng cái nắm tay cứng như thép. Tay ta như bị kìm bóp. Tê điếng. Đã từng theo học võ Tàu mấy năm, ta chợt hiểu. Luận và mọi người cùng cười thoải mái. Ta gượng cười to hơn. Cho ra vẻ ta đây không sợ gì cả. Quả thật, số cảnh sát ta đem theo đã được lệnh bao vây chặt ngôi nhà.

Mâm cỗ nhà trên chỉ có sáu người. Vợ chồng giáo Thọ ngồi hai phía đối diện ngoài cùng. Tiếp bên giáo Thọ là vợ chồng Luận. Tiếp bên mẹ vợ là vợ chồng ta. Đôi một gióng sang. Ta và Luận mấy lần chạm ly. Ngầm kín đáo dò xét tâm địa nhau. Bằng đôi câu xa xôi bóng gió. Ngầm so cao thấp trước thần lưu ly. Và ngầm tỏ ra xởi lởi trước mặt bố mẹ vợ, cùng hai người đẹp của mình. Về khoản ăn nhậu, hẳn ta vượt trội. Vì sau ba ly, mặt Luận đã như mặt trời mọc. Nhưng chính lúc đó, ta chợt giật mình. Ngoảnh đi ngoảnh lại, trong mâm, ta gần như đơn độc. Nếu có biến, Loan cũng chưa hẳn đã sẵn sàng che đạn cho ta. Dù từ khi có nàng, mọi tình cảm của ta gần như dồn hẳn cho nàng. Nhất là từ khi nàng mang thai. Nàng cũng biết điều đó. Nhưng cái thủ đoạn bỉ ổi, để buộc nàng phải trao thân cho ta, hẳn chưa nguôi trong lòng nàng. Ta buộc phải đưa mắt tìm thuộc hạ canh gác quanh nhà. Nhưng vừa nghển cổ, đã bị một cái vỗ vai làm ta bủn rủn cả người. Cái vỗ vai không âm thanh, nhưng tê dại từng sợi gân thớ thịt. Đó là lão đầu bếp. Thấp đậm và đen đúa. Lão thỉnh thoảng đi lên đi xuống, tiếp thức ăn cho các mâm. Lão cười hiền, thiếu úy yên tâm! Các chiến hữu của ngài, cũng đang được ăn uống chu đáo. Lúc đó, ở nhà ngang, vọng lên tiếng của lính tráng ta chạm ly vui thú. Ta giận tím mặt. Một cảm giác bị bắt sống ớn lạnh sống lưng. Ta ngậm bồ hòn. Giả lả nói cười như không. Nhưng ngầm tìm kế thoát thân khi có biến. May mà, đối phương không có ý thịt ta!..

Lão Khả chợt dừng phắt. Tuồng như để lục lại trí nhớ. Rồi ngửa cổ dốc chai rượu, tu liền mấy hơi. Quả thật, nếu cố ý thịt ta, đối phương đã có không ít cơ hội. Hình như đối phương kiên trì lôi kéo ta. Chứng cớ là, cái thị xã bé tẹo ấy, đi đâu cũng vấp lính tráng và cảnh sát. Thế mà, cứ năm bữa nửa tháng, là một vị tai to mặt lớn biến mất. Với một lệnh xử tử của chính quyền Việt Minh để lại. Phòng ngủ của vợ chồng ta, được canh gác vòng trong vòng ngoài, đôi lần cũng nhận được giấy cảnh cáo!..

Trời đã bắt đầu oi. Mặt và cổ lão Khả đỏ tía. Có thể vì men rượu, và cả quá khứ kích động. May thay, ở đây vẫn còn rợp bóng râm. Lão buông cái cuốc xuống nấm đất. Một tay cầm chai rượu. Tay kia vung vẩy, chém vào không khí. Miệng thầm thì trong hơi gió...

Chiến sự chuyển biến mau lẹ. Điện Biên Phủ thảm bại. Người Pháp đầu hàng. Hiệp định Giơnevơ chia đôi đất Việt. Bằng lát cắt Vĩ tuyến 17. Cho hai chế độ. Một cuộc di cư, tập kết của hai bên, ồ ạt xảy ra. Cửa Nhật Lệ, tàu há mồm của Pháp đậu chực chờ. Ta được lệnh hướng dẫn, giám sát trật tự người xuống tàu vào Nam. Ta đứng trên bờ kè, nhìn dòng người dắt díu con bồng chó troóng, bị con tàu nuốt chửng. Chợt giật mình bởi một cái vỗ vai nhẹ. Quay lại, đã thấy Luận đứng bên từ lúc nào. Quân phục màu cỏ úa còn nguyên nếp gấp. Cầu vai cũng lon thiếu úy như ta. Chào dượng, Luận nói, dượng vẫn quyết định đi à? Ta nhíu mày, khẽ gật. Dì Loan và cháu, nghe nói ở lại, sao dượng không ở lại cùng họ? Người quân tử không thờ hai chủ! Ta đáp gọn. Luận vẫn chưa buông, chủ của dượng bấy lâu là Pháp. Chừ Pháp chạy rồi? Ta biết lập luận của mình bị bẻ gãy, nên gạt phăng, ở đây không nói chuyện chính trị! Nhưng chuyện mẹ con dì Loan, Luận nói, đâu có chính trị? Dượng nên vì mẹ con dì ấy, mà ở lại. Cách mạng luôn khoan hồng, và tạo điều kiện cho những người lầm lạc, cống hiến trí lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ta định nói, có hàng ngàn hàng vạn người, đã biếu không chính quyền Việt Minh hàng đống vàng trong cái “tuần lễ vàng” năm 46, thậm chí còn hiến cả tiền bạc, đất đai, nhà cửa cho kháng chiến. Vậy mà đến cải cách ruộng đất, họ bị lôi ra bắn bỏ! Xong ta kịp ghìm lại. Không muốn đôi co lúc này. Ta bỏ đi...

Nhưng đức kiên trì của Luận, và những người bên kia, là không giới hạn. Họ tận dụng mọi khe hở có thể có, để cài cắm, lôi kéo người. Họ biết ta yêu Loan đến cháy lòng cháy dạ. Ta không thể khuyên nàng đi theo lúc đó. Nhưng ta vẫn chưa thôi hy vọng. Và khi tạm yên bề công vụ nơi thành phố Huế xa lạ, ta bắt tay liên lạc với nàng. Thoạt đầu là thư từ bưu thiếp hợp pháp. Sau hai năm, ranh giới hai miền chính thức khép chặt. Ta vẫn thư từ cho nàng. Bằng đường dây tuyệt mật ta thiết lập trước khi vào Nam. Ta vẫn hy vọng, có ngày, Loan nhận ra tấm lòng tri kỷ của ta, mà vào theo.

Anh bạn cọc chèo đây giỏi lắm. Cái đường dây tuyệt mật của ta, bị anh bạn thay dần các mắt xích từ lúc nào. Ba mươi năm sau ngày ra đi, ta trở về với cái mác Việt kiều yêu nước. Ta tìm thăm một vài người tâm phúc, trong đường dây bí mật thuở đó. Và té ngửa. Hắn đã trở thành người của Luận, ngay khi ta vào Nam được vài tháng. Hắn còn cho biết thêm, nếu Loan gan lì và mưu lược như Phượng, thì kẻ gối ấp vai kề bên ta sớm tối, lại là một điệp viên của phía bên kia! Thật may cho ta. Và không may cho anh bạn đây. Loan quá yếu đuối, quá sợ hãi. Nàng mặt đổ chàm, hồn vía lên mây, khi được giao nhiệm vụ. Nàng xin, đừng giao cho em, mà hỏng việc cách mạng. Điệp vụ của anh bạn đây không thành. Loan đã không vượt tuyến vào với ta. Ta đành cưới vợ khác, ba năm sau đó...

Nhưng anh bạn đây vẫn chưa thôi từ bỏ lôi kéo ta. Có thể anh tin vào chút tình “cọc chèo” vốn có của người Việt? Hay anh tin vào tình yêu hiếm có của ta với Loan? Không biết nữa! Nhưng có lẽ nhờ thế, mà ta thoát chết mấy lần dưới bàn tay anh? Nói đúng hơn, là anh bạn đây chưa muốn giết ta. Anh vẫn muốn có được ta. Phải không, anh bạn? Ha ha ha!..

Quả thật, lúc đó ta hốt vô cùng! Hồn vía bay đâu mất. Quai hàm cứng đơ. Tay chân cứng quèo. Toát mồ hôi lạnh. Tựa người trúng gió. Ta không biết phải làm gì. Không biết phải nói gì. Thậm chí, không biết phải nhìn đi đâu! Ai mà ngờ được, dễ đã chục năm rồi. Loan đã thành dĩ vãng. Mặc dù, đôi khi gặp một bóng dáng tuyệt đẹp của thiếu nữ qua phố, hay mỗi lần lột quần áo cô vợ gầy đen mới cưới, ta không khỏi gợn nhớ tới nàng. Đã mười năm. Cùng với đường dây bí mật chết yểu, ta không có tin tức về nàng. Thế mà, sớm đó, ta nhận được thư nàng. Trong một hoàn cảnh hết sức trớ trêu. Thoáng nét chữ ngoài phong bì, ta nhận ra ngay. Ta muốn la lối lên tức khắc với đám cảnh sát thuộc hạ trong đồn. Ta muốn rút ngay tắp lự khẩu súng lục sệ sát dưới mông. Ta muốn lấy tức thì chiếc bộ đàm trong túi quần, gọi ngay về trung tâm. Ta muốn...



Ta biết, những sư đoàn chủ lực Bắc Việt, đã tràn vào miền Nam. Những lực lượng cán bộ, công an ưu tú Bắc Việt, cũng đã có mặt ở mọi nơi. Từ vùng giải phóng, cho đến các đô thị. Thậm chí, nghe nói, họ có mặt cả trong bộ máy chính quyền Quốc gia. Nhưng ta chưa gặp một ai. Chưa biết mặt ngang mũi dọc của họ thế nào! Vậy mà, sáng đó, ta gặp hắn. Là anh bạn đang nằm dưới mộ đây. Ngay trước cửa đồn cảnh sát to lớn của ta! Ta không ngờ, cái lão già hom hem, áo bà ba nâu phai tã. Cái mũ sợi ni lông giả cói rộng vành xệch xễ. Kéo chụp xuống nửa khuôn mặt. Gò lưng đánh giày cho ta trước cửa đồn. Lại chính là Luận. Ta ghếch chân lên hai đầu gối hắn. Tay chống nạnh. Mặt vênh lên, lơ đãng nhìn người qua phố. Hắn đánh rất cẩn thận. Đôi giày láng bóng. Ta móc túi lấy mấy đồng tiền lẻ. Chợt nghe tiếng hắn rất khẽ, đại úy có thư đây! Ta nhìn xuống. Và hắn nhìn lên. Bốn mắt gặp nhau. Tim ta bay ra khỏi lồng ngực. Máu ta ngừng chảy. Ta đánh mắt rất nhanh. Cách năm bước chân bên trái, một phụ nữ bán chè gánh. Cách bảy bước chân bên phải, gã xích lô chờ khách. Bên kia mép đường, năm ba đàn ông uống cà phê. Hình như họ đều là người của bên kia. Ta vày nhanh bức thư vào túi. Và quay ngoắt như con lật đật. Vào được trong đồn, ta bắn ba phát súng chỉ thiên. Cốt để trấn an mình. Miệng hét lên, tụi bay đâu, toàn một lũ ăn hại. Để Việt cộng lọt vào đến đây! Nghe tiếng súng, cả đồn nhốn nháo. Bước chân rầm rập. Thưa đại úy, bọn chúng đâu? Ta chỉ ra phía cửa. Nhưng ở đấy, không còn lão đánh giày. Không còn người phụ nữ bán chè gánh. Không còn gã xích lô. Cả mấy người uống cà phê bên kia đường, cũng không có nốt. Bọn thuộc hạ quay sang giễu ta. Đại úy xem nhiều phim chưởng quá, chừ nhìn gà hóa cuốc. Việt cộng mà vào được đây, giữa ban ngày ban mặt, thì có mà... Ta không nói gì. Thế mà hóa hay. Thượng cấp sẽ chẳng biết tí gì. Ta trở về phòng, khóa cửa lại. Lén móc thư của Loan ra. Cũng không còn tâm trí đọc nữa. Tay chân vẫn còn run lẩy bẩy. Ta bật lửa đốt, và ấn nước bồn cầu. Cho mớ tàn tro trôi vô tăm tích! Quả thật, bức thư như trái lựu đạn nằm trong túi quần. Nó mà nổ, tan cả đời binh nghiệp. Tan luôn cả xác!..

Nhưng anh bạn đã như bóng ma. Xuất quỷ nhập thần. Ám riết cuộc đời ta. Đêm ta ngủ cứ phải đặt khẩu súng dưới gối. Ngày ra đường, cứ phải để mắt mấy mụ đàn bà bán hàng gánh. Mấy gã xích lô xe thồ đợi khách. Mấy đứa đánh giày mời mọc. Mấy tay cà phê cà pháo ven đường. Xó xỉnh nào, ta cũng thấy bóng anh bạn đâu đây. Ta phải diệt cái bóng ma ấy...

Này anh bạn, anh có biết mình bị lộ thế nào không? Ha ha ha!

Sau cơn địa chấn long trời lở đất Tết Mậu Thân 68, dù phía anh bạn đánh quá bất ngờ vào sào huyệt bên ta. Chiếm nửa thành phố. Và giữ đến mấy chục ngày. Nhưng lực lượng ngầm của anh bạn bao năm, đều đã phơi mặt ra cả. Buộc phải nhảy núi tất. Quân Mỹ và các nước đồng minh, cùng các sắc lính Việt Nam Cộng hòa, sau cơn choáng váng, đã phản kích lại. Đẩy lực lượng bên anh lên tận rừng xanh. Anh bạn lại phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. Đêm đêm lặn lội về nội thành móc nối. Mỗi người tự đào hầm bí mật riêng của mình. Không để ai biết. Tìm hầm bí mật, khác chi mò kim đáy biển! Ta tập trung dò tìm vài manh mối đường dây liên lạc. Và khi nhận được mật báo, đã thấy bóng một cô gái lẩn vào bụi lồ ô ở một khu vườn rậm. Ta lập tức cho quân vây chặt. Lớp trong lớp ngoài. Vòng vây thắt dần. Thắt dần. Loa gọi. Súng bắn như mưa vào vạt lồ ô. Khi cách chừng ba cục bước chân, lũ lính ta khựng lại. Không tiến thêm bước nào nữa. Từ phía sau, ta hét lên, đù mạ, sao dừng lại? Một thuộc hạ bẩm, thưa thiếu tá, sợ Việt cộng tung nắp hầm! Đù mạ, tiến lên! Ta hét, và bắn mấy phát đạn, sát sạt qua đầu chúng. Chúng lập tức nằm rạp xuống. Và đưa mắt nhìn nhau. Cùng lết từng ly một. Quả thật, không biết miệng hầm nằm ở chỗ nào? Dưới hầm có bao nhiêu tên? Một khi Việt cộng tung nắp hầm, lựu đạn chùm sẽ tung bốn phía. Tiểu liên AK quạt như mưa táp. Lính ta chỉ mỗi giơ thân ra hứng đạn. Nhưng mặt trời chỉ còn độ cây sào. Đêm đến đồng nghĩa với việc, Việt cộng không cánh mà bay! Ta gọi về trung tâm. Cối cá nhân được chi viện. Nã cấp tập. Bụi lồ ô tan như xơ mướp...

Phía anh bạn, có lẽ thấy đã đến lúc. Không phải một lá cờ trắng giơ lên. Một cột khói ngoằn ngoèo cháy vội. Đạn cối lập tức rót xuống ngọn khói. Mấy phút sau im ắng. Ta thúc lính trườn lên. Lặng phắc! Căn hầm được dè dặt khai quật. Té ra, đạn cối không trúng nóc hầm. Chỉ trúng ống thông hơi. Nhưng cả hai tên Việt cộng đã chết. Vì sức ép. Mớ tài liệu cũng chưa kịp cháy hết. Trong ánh sáng cuối ngày, ta nhận ra anh bạn cọc chèo!..

Ta muốn khuếch trương chiến công với thượng cấp. Ta muốn huênh hoang với đồng nghiệp. Ta muốn thị uy đám dân chúng. Ta muốn răn đe với đồng chí của anh. Ta cho bêu xác anh ở ngã ba đại lộ. Tựa chúa Jesu trên thánh giá. Ngay trước cửa sân bay Phú Bài. Và cho phục kích quanh cái xác.

Năm ngày trôi qua. Nắng tháng tư miền Trung bắt đầu đổ lửa. Xác anh bạn đã sưng sỉa. Xám ngoét. Nước màu bã trầu rỏ xuống nền nhựa đường. Nhặng xanh vù vù. Từ trong miệng. Trong hốc mắt. Dòi rơi lả tả...

Ta chậm rãi đi quanh xác anh. Mặt lấc láo. Gật gù. Nghĩ về thời cuộc. Nghĩ về số phận. Nghĩ về quan hệ hai ta. Đầy hãnh diện. Ta bao lần được sống trong tay anh. Nhưng chỉ một lần, anh chết trong tay ta! Ha ha ha!..

Ta ngửa mặt dưới gầm trời. Tựa thể trời cũng thấy ta. Khi ta nhìn xuống, chợt thấy lão nhà sư già, đứng cúi đầu ngay trước mặt. Hai tay chắp trước ngực. Tấm áo cà sa cũng cũ kỹ và già nua như lão. Mô phật, nhà sư nói, ta là đấng tu hành, không thuộc bên phe nào. Ta chỉ thờ chữ thiện. Cái xác này vô tội. Ta cầu xin thiếu tá, cho nhà chùa chôn cái xác này?

Ta nghĩ, ân uy như thế đã đủ. Khẽ gật đầu. Không vải liệm. Không săng hòm. Không cả chiếu bó. Chỉ cái bao cát lão đặt xác kéo về, lót dưới lưng. Không giấy đắp mặt. Chắc lão sợ ta nghi lão là Việt cộng. Lão tìm quanh, và nhặt được cái bao đạn rỗng. Lão đắp lên mặt. Ta vẩy một phát đạn vào cái xác không còn ra hình người. Giết anh ta một lần nữa. Cho chắc chắn. Là anh đã chết. Vĩnh viễn! Từ nay, ta kê cao gối ngủ, nhé! Ha ha ha!..

Thế mà anh bạn vẫn sống! Cuộc phản kích sau Mậu Thân của Mỹ và liên quân, với hàng chục sắc lính Việt Nam Cộng hòa, chỉ như đá ném ao bèo. Việt cộng bị đẩy về rừng xanh, không lâu sau lại tràn về thành phố. Như con bạch tuộc trăm vòi, siết chặt yết hầu đối phương. Buộc người Mỹ phải tung quả đấm cuối cùng. Canh bạc cuối cùng. Xua B.52 ném bom Hà Nội. Mười hai ngày đêm. Hẳn Nhà trắng rung đùi nghĩ về tàn cuộc. Nhưng không ngờ lũ ngáo ộp ấy rụng như sung. Dưới bầu trời Bắc Việt. Người Mỹ giật mình. Kho B.52 sắp cạn. Vội vàng ký Hiệp định Paris. Bỏ của chạy lấy người. Không như Hiệp định Giơnevơ, cái Hiệp định chết tiệt này, chẳng cho chính quyền Sài Gòn một tẹo đất nào!

Mặt đất đâu đâu cũng có bóng anh bạn. Việt cộng tiến như vũ bão. Các cánh quân tràn theo mọi hướng. Từ Thạch Hãn ào ạt tiến vô. Từ Tây Nguyên thọc xuống. Từ mặt biển quật lên. Đại bác rền trời. Xe tăng rung đất...

Ta chỉ có chạy. Chạy ngày chạy đêm. Như các thượng cấp. Ta, miệng hô tử thủ, chân dận ga xe Jep. Chạy vào Đà Nẵng. Chạy vào Quy Nhơn Bình Định. Chạy vào Nha Trang Khánh Hòa. Chạy vào Phan Rang Phan Thiết. Chạy vào Gài Gòn. Chạy lên tàu Mỹ. Không chỉ mình ta chạy. Có hàng vạn hàng triệu người chạy. Một số ngăn xe ta lại. Họ bíu vào thành xe ta. Ta không có kiếm để chặt rừng cánh tay ấy. Nhưng ta có tiểu liên AR15. Nó giúp ta dẹp đường. Lên được tàu Mỹ rồi, ta vẫn tim đập chân run. Phải đến khi đặt chân lên đất Mỹ, ta mới hoàn hồn. Thở phào nhẹ nhõm. Ta ngoảnh lại phía mù khơi. Vĩnh biệt nhé. Vĩnh biệt cái cuộc chiến khỉ gió! Vĩnh biệt anh bạn cọc chèo sống dai như đỉa! Vĩnh biệt!..

Nhưng, nước Mỹ tối tân. Nước Mỹ giàu có. Nước Mỹ quân hùng tướng mạnh bậc nhất địa cầu. Vẫn không ngăn được anh bạn cọc chèo của ta đây. Anh xuất hiện nhiều hơn trên đất Mỹ. Không lúc nào ta không thấy anh. Trong lúc ăn. Trong lúc chơi đùa. Cả trong giấc ngủ. Bao giờ cũng cái bộ mặt sưng sỉa, xám ngoét. Tay chân bị trói dang ra trên cọc bêu, nhưng cái đầu ngoẹo một bên vai. Mớ tóc rủ xuống. Hệt chúa Jesu trên thánh giá. Anh thường bóp cổ ta. Một đêm ta mở mắt. Chợt thấy anh ngồi bên cạnh. Vươn cánh tay sưng phù sang ta. Ta bật dậy như lò xo. Gạt phăng cánh tay. Và chồm lên bóp siết cái cổ mang bộ mặt ấy. Cho đến khi, nghe tiếng ằng ặc giãy chết của vợ, ta mới dừng tay. Từ đó, bà ấy phải dọn ra ngủ riêng.

Một lần khác, hai bên quần nhau rất lâu. Ta thất thế, bị anh bạn bóp cổ đến tắc thở. May mà ta đặt được chân vào bụng, đạp anh văng ra ngoài sân. Anh mở cửa nhào vô. Ta vùng dậy, chộp khẩu súng dưới gối. Bóp cò! Bóng anh đổ sập xuống. Ta nhanh chóng bật đèn. Bên vũng máu, vợ ta nằm rên. May mà viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm cánh tay. Nhưng cũng đủ nhà chức trách xếp ta vào nhóm công dân hạng ba!

Ta bơ vơ trên đất Mỹ. Không ai chở che, bảo vệ khỏi anh. Ta tìm đến một bác sĩ tâm lý. Trên một du thuyền. Ông ta hỏi, quê hương bản quán ngài ở đâu? Ta nghệt mặt. Ông nói thêm, xác định được, ngài sẽ khỏi bệnh! Quê hương ta đâu? Đất nước ta đâu? Tổ quốc ta đâu? Những câu hỏi rơi tõm xuống biển sâu. Ta lắc đầu. Lại tìm đến một nhà pháp thuật nổi tiếng. Ta kể đầu đuôi mọi chuyện. Và cầu xin ông cho cách thoát khỏi kiếp nạn. Ông phán, phải biến có thành không, biến cái hữu hình thành vô hình, mãi mãi!..

Thế đấy, người anh em cọc chèo ạ. Ta đã sai một ly, để đẩy cuộc đời đi hàng vạn dặm. Hôm nay ta về đây, là đấu trận cuối cùng với anh. Trận quyết định. Bới cái xác người anh em lên. Mang về Mỹ. Trừ yểm. Và đốt nó thành tro bụi. Không phải nhồi vào thuốc súng, bắn trả thù đâu. Ta chỉ muốn biến anh thành không khí. Bay theo gió biển mây ngàn. Không ám riết cuộc đời ta được nữa. Anh đã hại cuộc đời ta khốn khổ đến nhường này! Thê thảm nhường này! Hiểu không?

Lão Khả quẳng vỏ chai rượu sang một bên. Chộp lấy cây cuốc. Và cuốc như bổ củi. Cuốc liên hồi kỳ trận. Xuống nấm đất chôn anh bạn cọc chèo xưa. Tiếng cuốc mổ vào đất sỏi chan chát. Chan chát! Sư trụ trì hé cửa sổ nhìn ra. Mô phật! Hận thù đã bốc hỏa rồi. Thiện tai! Thiện tai!..

Bỗng một ánh chớp xanh lóe lên. Một tiếng nổ đanh gọn. Lão Khả bị hất ngửa ra đất. Lão thấy rõ là, mình bị một nắm đấm từ dưới mộ, tống thẳng vào mặt. Vãi cả hoa cà hoa cải. Trời tối sập xuống. Sau vài cử động tay chân, lão nằm im. Hẳn bộ não còn điều khiển. Đôi môi giật giật. Không! Người anh em ạ! Ta chợt nhớ ra. Chà, trước khi chết, trí tuệ mới mẫn tiệp làm sao! Ta nhớ ra, khi lão sư trụ trì già lấp đất gần kín cái xác, ta đã ra lệnh cho một tên thuộc hạ, gài xuống đấy một quả mìn. Đêm Việt cộng có thể đến đào xác đem đi. Có lẽ không sẵn mìn, hắn đã cài trái lựu đạn. Hay trái M79. Ta đã quên khuấy ngay khi đó...

Trận đấu cuối cùng. Tay vo. Không bình đẳng. Nhưng anh đã thắng. Anh bạn cọc chèo ạ! Ta phải thừa nhận điều này. Lão Khả gắng thều thào. Nhưng cái miệng chỉ run run. Rồi im bặt. Máu từ nửa người trước, chảy ra lênh láng...



Đồng Hới, 3.2014

ĐI VỀ ĐÂU LÀ DO MÌNH





 


Những ai học Phật chân chính đều biết rõ rằng, tương lai của mình đang được chính mình tạo dựng từng phút, từng giờ trong hiện tại. Nhân quả vốn dĩ rõ ràng, phân minh và cực kỳ công bằng. Không một ai có thể can thiệp vào tương lai của chúng ta, không một vị thần linh nào có thể ban phúc hay giáng họa cho chúng ta mà chính mình phải tự quyết định lấy.

Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng chỉ nhận mình là đạo sư, bậc thầy chỉ đường. Tuy nhiên, có người được chỉ đường nhưng không đi hoặc đi không đúng hướng thì cũng không đến đích cần đến. Ngài cũng nhận mình là y vương, vua của thầy thuốc, tùy bệnh của chúng sanh mà cho phương thuốc thích hợp. Ấy vậy mà có người không uống hoặc uống sai chỉ dẫn thì không khỏi bệnh cũng là chuyện thường. Nên đi mà không đến đích, dùng thuốc mà không lành bệnh thì cũng khoan vội trách người.

Vì thế, sanh lên các cõi trời hưởng phước báo an vui hay đọa xuống địa ngục chịu khổ đau nhiều kiếp là do mình tự làm tự chịu. Đức Phật đã chỉ ra nhiều lộ trình để chúng ta có thể đi lên cao hay bước xuống thấp trong ba cõi, sáu đường. Kể cả lộ trình siêu xuất tam giới, chứng quả vô sanh Niết-bàn, Ngài cũng chỉ ra rất rõ. Trong đó, Bát Chánh đạo được xem là lộ trình hướng thượng căn bản nhất.

Đức Phật đã dạy về con đường đến Niết-bàn hay địa ngục như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta sẽ nói về con đường dẫn đến Nê-lê (địa ngục) và con đường hướng đến Niết-bàn. Hãy khéo suy nghĩ ghi nhớ điều này, đừng để rơi mất.

- Thế nào là con đường dẫn đến Nê-lê, con đường hướng đến Niết-bàn? Tà kiến dẫn đến Nê-lê, chánh kiến hướng đến Niết-bàn. Tà chí (tà tư duy), hướng đến đường Nê-lê, chánh chí (chánh tư duy) là đường hướng đến Niết-bàn. Tà ngữ dẫn đến đường Nê-lê, chánh ngữ hướng đến Niết-bàn. Tà nghiệp dẫn đến đường Nê-lê, chánh nghiệp hướng đến Niết-bàn. Tà mạng dẫn đến đường Nê-lê, chánh mạng hướng đến Niết-bàn. Tà phương tiện hướng đến đường Nê-lê, chánh phương tiện hướng đến Niết-bàn. Tà niệm dẫn đến đường Nê-lê, chánh niệm hướng đến Niết-bàn. Tà định dẫn đến đường Nê-lê, chánh định hướng đến Niết-bàn.

Này các Tỳ-kheo! Ðó là đường dẫn đến Nê-lê, đường hướng đến Niết-bàn. Pháp mà chư Phật Thế Tôn thường nói, nay đã rốt ráo. Các Thầy nên ở chỗ vắng vẻ, ngồi dưới gốc cây, nơi đồng trống, nghĩ nhớ làm pháp lành, đừng khởi tâm giải đãi, kiêu mạn. Hôm nay không siêng năng, sau hối không kịp.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Bát nạn [2], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.139)

Thế Tôn đã nói ra cách thức tu tập hướng thượng trong giáo pháp của Ngài rất rõ ràng, không có gì bí hiểm hay khó hiểu cả. Như một người mở tấm bản đồ ra, phương hướng và lộ trình thật tỏ tường. Nếu muốn đi lên thì theo Bát Chánh đạo mà lên. Ngược lại, muốn đi xuống thì theo bát tà đạo mà xuống. Lên hay xuống đều do chính ta quyết định.

Ngay từ những pháp thoại đầu tiên, Thế Tôn đã nói về Đạo đế, con đường hướng thượng cho đến chứng đắc Niết-bàn chính là Bát Chánh đạo. Tư tưởng này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ giáo pháp của Thế Tôn, từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Phát triển về sau. Cho nên, có thể xem Bát Chánh đạo là chuẩn mực căn bản của nội dung tu tập, hành trì dù người tu thuộc bất cứ hệ phái, tông phái hay truyền thống Phật giáo nào.

Cũng từ đây, nếu nhìn vào nội dung tu học của một cá nhân hay hội chúng mà thiếu vắng Bát Chánh đạo, bộc lộ bát tà đạo thì chắc chắn họ đang đi xuống, hướng hạ. Nên người học Phật hãy cố nương theo Chánh pháp mà đi tới. Dù cho phía trước là chông gai cũng không nản chí, và dẫu cho có nhiều lời hứa hẹn đường mật về quyền năng của các thế lực siêu nhiên cũng không xiêu lòng. Người Phật tử chánh tín hãy vững bước theo đường Bát chánh mà đi thì chắc chắn sẽ sanh lên, không hề bị đọa lạc và lên cao mãi cho đến chứng quả vô sanh, Niết-bàn..

Quảng Tánh

Phe người - Phái chó







Người và chó có mối quan hệ cộng sinh lâu đời, từ thời hoang dã chó đi săn cùng người, đóng góp công sức và được chia phần bình đẳng và dân chủ. Ngoài ra, 2 bên có nhiều tình cảm yêu thương, chó cứu người, người cứu chó…

Nhưng người tham lam và lười biếng lại chiếm đoạt cả phần của chó, khiến trong thế giới lộn ngược ngày nay người làm chó còn chó làm người.

Mối quan hệ này ngày nay phức tạp như một cánh rừng chằng chịt tối tăm, rất khó để nhìn vào cánh rừng đó, vì vậy đơn giản hơn là ta nhìn vào 1 cái cây để mô tả cánh rừng. Giới chính khách và kính tế gia hay thích phán xét cách này, nhưng cánh rừng không phải là cái cây.

Nước Bỉ cũng giống phần lớn các nước EU. Thực sự khó hiểu làm sao lại tồn tại cái có tên là EU và nước Bỉ.

Nếu biết rằng một lãng xã nào đó ở Bỉ, có 100 người. Sẽ có 28 người làm việc, cày cuốc trồng lúa, dựng nhà hay đóng thuyền. 15 người không làm gì cả, họ đơn giản là thất nghiệp. 17 người là trẻ em, người già hưu trí, người đau ốm. 15+17 = 32 người họ được nuôi.

Còn lại 40 khác, cũng không làm gì có ích cho của cải vật chất, phồn vinh thịnh vượng, hay nói các khác họ làm nhân viên chính phủ làng xã.

Có nghĩa là 72 người thực sự không làm ra sản phẩm, hàng hóa. Họ sống dựa vào (hay ăn bám) 28 người làm việc.

Phe người: 28
Phái chó: 40

Thực sự ai đó có thể biện hộ, 40 kẻ kia cũng làm việc, họ hỗ trợ 28 phe người. Nhưng thực tế ngược lại, chúng ngày đêm tìm mọi cách xiết chặt cổ 28 người bằng đủ mọi loại luật lệ thuế má đã có và nghĩ ra đủ mọi loại luật lệ, thuế má mới để tròng vào cổ họ. Ách cai trị đã nặng nề đến mức phe người ỳ ạch lê lết không thể nào làm ra nhiều sản phẩm hơn – nói theo cách khác là tăng trưởng GDP rất khó khăn.

Không thể có làng xã EU nào như thế. Bạn căm phẫn thốt lên! làm thế nào mà thiên đường mơ ước lại chỉ có 1/4 è cổ kéo cày nuôi cả sổ còn lại?

Nhưng có đấy, tương ứng Phe và Phái điển hình ở Bỉ là Flemings và Wallonia.

Wallonia dân số 3,56 triệu, có 1 triệu làm việc có sản phẩm, 1,42 triệu làm chính phủ hay không làm gì cả. Tương ứng 28% và 40%. Tại sao là Wallonia lại có thể tồn tại thành công như một hình mẫu thế giới?

Bởi Wallonia sống bám vào láng giềng Flemings. Ở đây có 2,25 triệu làm việc ra rất nhiều sản phẩm. Và bọn chính phủ ăn bám Wallonia quả quyết dân Flemings phải nuôi nấng Wallonia, phải chia xẻ thành quả lao động, phải bày tỏ tình đoàn kết.

Có 16 tỷ euro từ Flemings chuyển đến Wallonia mỗi năm như là sự bày tỏ tình đoàn kết, hay một sự cống nạp, hay tống tiền tùy cách nhìn nhận.

Nhưng theo cách nhìn nhận của bọn Wallonia như thế là không quá nhiều và vẫn còn chưa đủ.

Có nghĩa là 2, 25 triệu lao động ở Flanders bị đánh thuế mỗi người 7.111 euro hàng năm đem đến Wallonia, nghĩa là mỗi tháng 600 euro.

Và bọn Wallonia không chịu dừng ở đây!

Nhưng lao động Flemings không chỉ phải cống nạp cho Wallonia, họ còn phải nuôi chính phủ họ và những người Flemings khác.

Và cái giá này là: chi tiêu chính phủ 208,5 tỷ euro trong năm qua.

Vấn đề là nó cứ tăng mãi. 10 năm trước chỉ là 143 tỷ.

208,5 tỷ euro này là lao động của 3,57 triệu người ở Flanders, Wallonia và Brussels. Nghĩa là mỗi họ đóng 58.305 euro mỗi năm, hay 4.858 mỗi tháng để nuôi chính phủ.

Dân lao động Flanders dĩ nhiên phải đóng góp nhiều hơn, 4.858 euro cộng thêm cả khoản 600 euro cống nạp cho Wallonia.

Chi tiêu chính phủ đã tăng vô độ, 55% hiện nay. Nghĩa là cứ mỗi euro, 55 cent chảy vào túi chính phủ.

Càng nhiều tiền hơn chảy vào túi chính phủ, càng ít tiền hơn còn lại trong túi lao động, ít tiền hơn để đầu tư và tiêu dùng.

Khi mà dân chúng có ít tiền và càng ngày càng ít tiền, kinh tế gặp khó khăn để tăng trưởng. Kể từ khủng hoảng 2008, hầu như không có tăng trưởng ở Bỉ. Trong khi giai đoạn 2000-2006, kinh tế Bỉ có mức tăng trưởng vừa đủ 1,6% hàng năm.

Tăng trưởng chi tiêu chính phủ đã đánh quị tăng trưởng kinh tế.

Dĩ nhiên lao động Flemings hiểu, họ đòi loại bỏ cống nạp Wallonia, họ muốn giải tán đảng phái Walloon, kẻ muốn chính phủ to!

Nhưng 3/4 những kẻ còn lại là ăn bám trong cái chính phủ to, không thích điều này.

Dân chủ là đa số, chẳng thể nào có chính phủ nhỏ, tiết kiệm và hiệu quả như 1/4 ở Flemings mong muốn. Tiếng nói của họ luôn luôn bốc hơi trước bọn cánh tả trong chính phủ.

Cánh tả Wallonia này là XHCN ăn bám, bén rễ trong nghị trường và chính phủ liên bang. Chúng muốn chính phủ lớn để đồng lương to và lao động phải cống nạp nhiều hơn.
.
Flanders và Wallonia là hoàn toàn khác biệt, người nói trắng kẻ bảo đen trong tất cả các vấn đến từ kinh tế đến luật lệ, tòa án… 2 bên không thể đồng ý với nhau bất cứ điều gì như phe người với phái chó.


Một đất nước luôn chia rẽ thành 2 nhưng lại chưa tan rã như Ukraina.



Được đăng bởi Dump Ber 

Tranh cãi về cuốn “Tư bản mới”




Sách bán chạy thường gây ra tranh cãi. Cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” của Thomas Piketty cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng vì sao một cuốn sách bàn về chuyện bất bình đẳng và tìm cách giảm nhẹ nó lại gặp phải không ít chống đối? Lập luận hai bên ủng hộ và phản đối là gì?

Có lẽ trước tiên chúng ta nên nhìn lại bối cảnh ra đời cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21”, chỉ vài năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô và ảnh hưởng không kém gì cuộc Đại khủng hoảng trong thập niên 1930, làm nhiều người phải nhìn lại và đánh giá lại các quy luật của kinh tế thị trường trước nay vẫn được cho là tối ưu. Nhiều người nói đến sự khác nhau giữa nền “kinh tế thực” sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ và nền “kinh tế ảo” chỉ chăm chăm tìm lợi nhuận dựa vào tài sản đầu cơ và các công cụ tài chính khác. Kinh tế ảo sụp đổ, kéo theo sự trì trệ của kinh tế thực, mãi cho đến bây giờ.

Ở mức độ xã hội, phong trào chống phố Wall thu hút được sự ủng hộ của nhiều giới. Hình ảnh bất bình đẳng được vẽ nên theo kiểu 1% dân số giàu nhất thế giới có tài sản còn hơn cả 99% phần dân số còn lại gây bất bình cho những người thật sự bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng dù đó là mất việc làm hay mất các khoản dành dụm suốt đời vì món đầu tư bị bốc hơi cùng khủng hoảng.

Không lạ gì với một bối cảnh như thế, cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” nhanh chóng được đón nhận như một minh họa rõ nét nhất, thuyết phục nhất, với chứng lý rõ ràng nhất bế tắc của chủ nghĩa tư bản khi bất bình đẳng trong thu nhập được tác giả chứng minh sẽ ngày càng gia tăng chứ không giảm bớt. Theo tác giả, đó là định mệnh của chủ nghĩa tư bản chứ không phải là điều gì xấu xa; chỉ có điều bất bình đẳng ở mức độ ngày càng lớn như thế sẽ dẫn tới bất ổn xã hội, các cột trụ cho một xã hội phát triển bền vững sẽ bị lung lay. Tác giả nhắc đến các cuộc đại thế chiến, từng hủy diệt tài sản (là nguồn cơn gây ra bất bình đẳng), để hàm ý không lẽ thế giới phải trải qua những cuộc bể dâu như thế để phục hồi lại sự bình đẳng, coi như để xóa bài làm lại từ đầu?

Như thế những người ủng hộ Thomas Piketty là những trí thức khuynh tả, những người coi việc thừa hưởng gia sản, tích lũy tài sản và nhờ đó ngày càng giàu là không thể chấp nhận được. Đó là bởi những người làm công ăn lương phải trở thành con tin cho những đợt biến động kinh tế dù không do họ gây ra. Họ ủng hộ Piketty vì cuốn sách của ông cung cấp bức tranh trải dài qua nhiều thế kỷ để cho thấy nhân loại vẫn chưa tìm ra con đường chung sống với nhau, cùng chia sẻ nguồn lực mà nếu sử dụng khôn ngoan là đủ nuôi sống toàn nhân loại một cách thoải mái.

Người phản đối, có thể chưa đọc hết Piketty nhưng sẽ thấy dợn người vì cách miêu tả đó, con đường lập luận đó quen thuộc quá, từng gây đổ vỡ cho nhiều nền kinh tế và kết cấu xã hội.

Cụ thể hơn, nhiều người tấn công vào lập luận chính của cuốn sách rằng thu nhập từ tư bản luôn lớn hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế từ đó mới có chuyện bất bình đẳng ngày càng lớn dần lên. Họ cho rằng chưa chắc điều này đã đúng; thu nhập từ tư bản theo định nghĩa của Piketty quá rộng quá mơ hồ, sử dụng tư bản theo con đường lãi nhiều thì rủi ro cũng nhiều, có thể trắng tay...

Cụ thể hơn nữa, theo tờ Economist, có người cho rằng thu nhập từ tư bản theo quy luật phải giảm dần; ví dụ con rô-bốt công nghiệp thứ 100 sẽ không tạo ra lợi nhuận cao như con rô-bốt đầu tiên.

Nhiều người khác phê phán Piketty ở chỗ tư bản tích lũy theo kiểu thế kỷ 19 trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển mà ông trích dẫn về bản chất khác hẳn tư bản tích lũy bởi những người dựa vào sự sáng tạo, tiến bộ công nghệ như Bill Gates hay Jeff Bezos. Bill Gates giàu không phải nhờ thừa hưởng gia sản và ông cũng từng tuyên bố không để lại sản nghiệp cho con cái.

Chê bai nhiều nhất, nhưng thật ra là nhẹ nhất vì những người này trước tiên đồng ý với lập luận của Piketty, là những chỉ trích giải pháp đánh thuế lên tư bản toàn cầu mà tác giả đề nghị. Họ đồng ý phải làm gì đó để giảm thiểu sự bất bình đẳng nhưng đánh thuế lên tư bản là chuyện không tưởng vì tư bản có chân, nó sẽ bỏ đi nơi không có thuế và cạnh tranh ở mức độ quốc gia sẽ tạo ra những “nơi trú ẩn an toàn” cho tư bản để nó “phát huy tác dụng” bất kể đang “đóng đô” ở phương nao.

Kẻ thiên hữu, người bảo thủ thì chống đối Piketty theo kiểu vì nguyên tắc mà họ tin tưởng hơn là dựa vào lập luận theo lô-gích. Nguyên tắc của họ, sôi động nhất dưới thời Tổng thống Reagan ở Mỹ và Thủ tướng Thatcher ở Anh là để yên cho thị trường hoạt động, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp, bất bình đẳng chút ít cũng không sao, thậm chí là liều thuốc kích thích mọi người hăng say làm giàu.

Với họ, vì sao không lập luận 1% người giàu đang tạo công ăn việc làm cho một tỷ lệ người làm công ăn lương lớn hơn nhiều lần, giả dụ 99% còn lại đi?

Dù sao, tranh cãi còn hơn không – bởi qua tranh cãi như thế xã hội phương Tây đang tìm cách thích nghi với những biến động mới để tìm ra mô hình phát triển mới, dựa trên những điều đã tranh cãi nát nước để cuối cùng sự đồng thuận nổi lên. Trong góc nhìn đó, đóng góp lớn nhất của Thomas Piketty mà cho đến giờ này cả hai phe đều phải thừa nhận là 20 năm nghiên cứu của ông với những số liệu thu thập được làm cơ sở cho cả hai phe lập luận, dù để kình chống nhau.

Box
Đọc “Tư bản trong thế kỷ 21” từ Việt Nam



Mặc dù cuốn sách của Thomas Piketty hoàn toàn không có số liệu nào cho Việt Nam, chúng ta vẫn có thể hình dung tích lũy tư bản giảm sút rất mạnh qua chiến tranh, rồi giảm tiếp qua các biến động như các đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp... Lúc đó rõ ràng sự bất bình đẳng trong xã hội là không đáng kể vì trong một thời gian dài mọi người... nghèo như nhau.

Nếu nhớ lại giai đoạn trước và ngay sau khi Việt Nam vào WTO, giá trị tài sản tăng vọt làm cho sản nghiệp (wealth) của nhiều người phình ra. Nếu sách của Piketty cho rằng đất đai đã mất tính quan trọng của nó trong xã hội phương Tây ngày nay so với thế kỷ 19 thì ngược lại ở Việt Nam đất đai trở thành nguồn tư bản tạo ra những tỷ phú qua đêm. Có những thời điểm, rõ ràng thu nhập từ 100 năm lao động miệt mài cũng không bằng lợi nhuận do đất đai mang lại trong vài ba tháng. GDP như năm đó dù tăng cao nhưng làm sao cao bằng thu nhập từ tài sản, nhất là địa ốc, cổ phần, cổ phiếu...

Mặc dù hiện nay tốc độ tăng giá của tài sản, kể cả đất đai, cổ phần đã chựng lại, sự tích lũy tư bản trong những năm trước đó đang là nền tảng cho sự bất bình đẳng về thu nhập, ngày càng lớn ở Việt Nam. Một xu hướng nữa là nguồn vốn từ nước ngoài sẽ làm cho chênh lệch giàu nghèo dãn ra theo một hướng nữa: chúng ta sẽ trở thành người làm thuê ngay chính trên đất nước mình.


Trích đoạn

Trích từ cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” của Thomas Piketty
(Đoạn cuối phần Giới thiệu)
...
Thật là quá tự tin khi xuất bản một cuốn sách vào năm 2013 mà đặt tên “Tư bản trong thế kỷ 21”. Tôi xin độc giả thứ lỗi vì dùng nhan đề Tư bản trong thế kỷ 21 cho cuốn sách này, được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2013 và bằng tiếng Anh năm 2014. Tôi hiểu rất rõ làm sao mình có khả năng tiên đoán tư bản sẽ mang hình thái nào trong năm 2063 hay 2113. Như tôi đã nói và như tôi sẽ thường xuyên chứng minh trong các phần sau, lịch sử về thu nhập và sản nghiệp luôn mang tính chính trị sâu sắc, hỗn loạn và không thể tiên đoán.

Lịch sử này diễn biến ra sao tùy thuộc vào cách xã hội nhìn như thế nào về bất bình đẳng và sẽ có chính sách gì, thể chế nào để đo lường và chuyển biến bất bình đằng. Không ai có thể thấy trước những việc như thế sẽ thay đổi ra sao trong các thập niên tới.


Tuy nhiên các bài học lịch sử rất có ích bởi chúng giúp chúng ta thấy rõ hơn một chút chúng ta sẽ đối diện với những chọn lựa gì trong thế kỷ tới và những động lực nào sẽ phát tác ở đây. Mục đích duy nhất của cuốn sách, mà lẽ ra theo lô-gích phải được đặt tên “Tư bản vào buổi bình minh của thế kỷ 21”, là rút ra từ quá khứ một ít chìa khóa khiêm tốn cho tương lai. Vì lịch sự luôn tạo ra con đường riêng của nó, tính hữu ích thật sự của các bài học như thế vẫn còn phải chờ. Tôi đưa các bài học này ra cho độc giả mà không dám mạo muội nói mình biết hết ý nghĩa của chúng.


(Đoạn đầu tiên của Chương 1)
Vào ngày 16/8/2012, cảnh sát Nam Phi can thiệp vào một cuộc xung đột lao động giữa công nhân tại mỏ bạch kim Marikana gần Johannesburg và chủ mỏ: những người nắm cổ phần công ty Lonmin, Inc trụ sở ở Luân Đôn.

Cảnh sát dùng đạn thật bắn vào những người đình công. Ba mươi bốn thợ mỏ bị bắn chết. Như thường thấy ở các cuộc đình công như thế, xung đột chủ yếu liên quan đến tiền lương: thợ mỏ đòi tăng lương gấp đôi, từ 500 lên 1.000 euro mỗi tháng. Sau vụ thiệt hại nhân mạng bi thảm này, cuối cùng công ty đề nghị tăng lương tháng lên thêm 75 euro.

Sự kiện này nhắc cho chúng ta nhớ, nếu cần nhắc cho nhớ, rằng câu hỏi tỷ lệ nào của sản lượng nên dành cho lương, tỷ lệ nào dành cho lợi nhuận – nói cách khác, thu nhập từ sản xuất phải được phân chia thế nào cho lao động và tư bản – đã luôn là tâm điểm của cuộc xung đột phân bổ thu nhập.

Ở các xã hội trước đây, nét cơ bản của bất bình đẳng xã hội và nguyên nhân thường thấy nhất của việc nổi loạn là xung đột giữa chủ đất và nông dân, giữa những người sở hữu đất đai và những người canh tác đất bằng sức lao động, những người nhận địa tô và những người phải trả địa tô. Cuộc Cách mạng Công nghiệp làm sâu sắc thêm sự xung đột giữa tư bản và lao động, có lẽ vì sản xuất trở nên cần nhiều vốn hơn quá khứ (tận dụng máy móc và khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn từng có trước đây) và cũng có lẽ bởi vì niềm hy vọng cho sự phân phối thu nhập bình đẳng hơn và một trật tự xã hội dân chủ hơn đã tan tành...

Bi kịch Marikana gợi nhớ những sự cố bạo lực trước đó. Tại Quảng trường Haymarket ở Chicago vào ngày 1/5/1886 và rồi tại Fourmies, ở miền bắc nước Pháp vào ngày 1/5/1891, cảnh sát bắn vào công nhân đang đình công đòi tăng lương. Loại xung đột nhuốm bạo lực như thế giữa lao động và tư bản chỉ thuộc về quá khứ hay nó sẽ là một phần hữu cơ của lịch sử thế kỷ 21?

Posted by NVP 

Sống cho tương lai là không quên những gì thuộc quá khứ



Photo: Risa Rodil



Thế kỷ 21 chứng kiến nhiều cuộc cách mạng không hề nhỏ trong mọi mặt đời sống, tiêu biểu nhất phải kể đến sự bùng nổ khoa học và kỹ thuật. Nhờ sự thay đổi đó, cuộc sống trở nên dễ dàng và tiện ích hơn bao giờ hết. Phải kể đến đó là sự bùng nổ công nghệ thông tin- smartphone, internet..- con người thay đổi cách tiếp cận với nhau, thay vì liên lạc với nhau nhờ điện thoại thư từ, bây giờ chỉ cần có smarphone laptop, chúng ta có thể nói chuyện mặt đối mặt, việc thông báo nhắn tin cho nhau dễ dàng hơn, không cần đi xa gửi thiệp, thư mời…

Có hàng ngàn lý do giải thích tại sao con nguời không thể sống thiếu internet, đó là sản phẩm kết tinh của lao động trí óc. Nhưng ta đã lạm dụng nó quá nhiều đến mù quáng, công nghệ thông tin can thiệp quá nhiều vào đời sống con người kể cả khi ngủ, khi đi ăn, để rồi chính ta trở thành con nghiện từ nào không hay. Nghiện ma túy là bệnh của thể chất và xã hội, nhưng nghiện internet là bệnh của trí óc và thời đại.

Đồng ý là rất thú vị khi ta có thể vừa xem nhiều kênh tivi vừa chat chit, tìm được những cuốn sách hay, những câu hỏi không biết lời đáp, những cuốn truyện ngỡ như sẽ không bao giờ kiếm lại được, nhờ có công cụ tìm kiếm hầu như những vấn đề trên được giải quyết, thế nhưng có một điều chúng ta đã quên.

Trong quá khứ khi khoa học và công nghệ chưa phát triển bùng nổ như bây giờ , có những thứ đã gắn liền với cuộc sống trước đây. Một thời trẻ con rất mê mẩn những cuốn thần đồng đất việt, đôrêmon, thủy thủ mặt trăng hay pokemon… mỗi tối tụ họp gia đình, xem những bộ phim hay, quây quần vui đùa bên nhau với tụi con trai không thể quên trò bắn súng nước, bắn đạn, rồi gameboy, thổi bóng xà phòng, bịt mắt bắt dê hay với con gái nhảy dây cò chẹp (bây giờ tìm lại cũng khó), những cuộc vui đùa, những bữa tiệc sinh nhật vui nhộn bên bạn bè chung quanh… Đại đa số Chúng ta đã quên đi quá khứ.

Trở lại những năm 1999, 2000, xa hơn là 2005, khi internet chưa định hình rõ ở nước ta, lúc đó còn những cô cậu học trò nhỏ với đôi mắt trong veo, khuôn mặt trẻ thơ đâm chất hài tuế. Chẳng quá khi nói trẻ em ngày trước hồn nhiên vui tươi trong sáng, trai và gái như nhau, không có khái niệm quan hệ nam nữ, chụp hình kiểu hàn quốc, khăn khít bên nhau. Từ khi facebook phát triển rầm rộ, nơi chia sẻ những bức ảnh những dòng suy nghĩ cảm xúc của cá nhận lại là nơi để khoe thân của một số bộ phận “hot girl” cấp 1, cấp 2, em đã biết chải chuốt, tạo dáng sexy gợi cảm, em đã biết khoe vòng 1 vòng 3 mặc dù chưa “chín mùi”, các hotboy cũng chẳng kém cạnh, lấp ló những dòng gạ tình, đùa cợt thô tục, bình luận vô văn hóa, thiếu tôn trọng người khác.

Không chỉ có hotboy, người lớn trẻ nhỏ đều một, hai lần “nhả ra các từ khiếm nhã”… Có những việc chúng ta không giải quyết được, hay có những câu hỏi không dễ để trả lời, để tìm câu trả lời ấy, thay vì như bây giờ tìm gõ nhờ google, đã có biết bao cuộc hành trình khám phá, nhờ những cuộc hành trình đó mà ta biết thêm nhiều điều ngoài mong đợi, câu trả lời đó không gói ghẹm trong giới hạn điều ta muốn biết mà còn khai sáng những điều ta không biết.

Tôi vừa có một kết luận từ thực tại ngày hôm nay, lấy theo ý kiến cá nhân: “Thời gian tỷ lệ thuận với khoa học công nghệ nhưng lại tỷ lệ nghịch với quá khứ.” Quá khứ có thể buồn có thể vui có thể thiếu thốn, nhưng xin đừng đánh mất nó, vì nó buồn là để nhắc ta đừng sống quá tự mãn, vì nó thiếu thốn là để nhắc ta sống sao cho đầy ngày mai, vì nó vui để nhắc ta nhận ra hạnh phúc luôn kề gần ta kể cả khi niềm hạnh phúc ấy nhỏ bé nhất, khó tìm thấy nhất. Quá khứ là bài học là kinh nghiệm và cũng là con người trước đây của ta, hãy sửa khi nó mắc lỗi, hãy thay đổi khi nó không tốt, để hoàn thiện ta từng ngày, đừng vì cuộc đời này đi quá nhanh mà chạy theo, ta thừa sức biết ta không thể địch nổi trong cuộc đua ấy, cuộc sống thay đổi theo từng ngày, công nghệ khoa học phát triển theo từng thời kỳ vài tuần, vài tháng có thể vài năm nhưng ta chỉ có một đời để sống.

Victor Tien

Chiến Lược Thực Dân Kiểu Mới của Trung Quốc ở Việt Nam




Tác giả: Minh Nam 



Chỉ cho đến khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào lãnh hải của Việt Nam thì nhiều người mới giật mình rằng Việt Nam đã bị xâm lược. Nếu có trách phải tự trách mình, những người ít ỏi có hiểu biết và còn quan tâm đến đất nước, rằng chúng ta đã quá chủ quan và đánh giá thấp các chiến lược của Trung Quốc. Nếu nhìn một cách sâu xa hơn, chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam tương tự như chiến lược của Trung Quốc đang thực thi ở các nước châu Phi. Và việc kéo giàn khoan vào Việt Nam là chuyện sớm muộn, bởi nó là một phần của chiến lược của Trung Quốc đối với các nước nhược tiểu: chiến lược thực dân kiểu mới.


Vậy đâu là chiến lược của Trung Quốc? Chiến lược của Trung Quốc thường bao gồm các bước như sau.

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ tuyên bố là không can thiệp vào công việc nội bộ của đối phương, nhưng đồng thời, thông qua các dự án kinh tế và các hỗ trợ tài chính, giúp phe thân Trung Quốc nắm quyền. Trung Quốc sẽ cô lập những cấp lãnh đạo thân Trung Quốc với nhân dân nhằm làm suy yếu tính chính danh của các cấp lãnh đạo này. Các cấp lãnh đạo này muốn giữ quyền do đó phải dựa vào nhóm thân Trung Quốc và do đó các cấp lãnh đạo sẽ bị gián tiếp điều khiển bởi Trung Quốc.

Bước tiếp theo, Trung Quốc giới thiệu mô hình kinh tế của mình như một mô hình mẫu để theo đuổi: mô hình kinh tế độc tài lãnh đạo. Trung Quốc giới thiệu mô hình này với mục đích khuyến khích các quốc gia độc tài tiếp tục duy trì thể chế độc tài, với mục tiêu để phát triển kinh tế. Nhưng bằng cách giúp duy trì một chế độ độc tài thân Trung Quốc như vậy, Trung Quốc dễ dàng tác động và thực thi các chính sách thực dân kiểu mới hơn. Các cấp lãnh đạo độc tài thân Trung Quốc do đó sẽ đóng vai trò như các thái thú của Trung Quốc.

Sau khi nắm được các cấp lãnh đạo, Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản tín dụng “hỗ trợ” cho các nước này và các công ty Trung Quốc bắt đầu đổ vào thị trường. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và nước này nhanh chóng trở thành một thị trường tiêu thụ của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp của Trung Quốc, cùng với công nhân, theo vào các dự án của Trung Quốc, làm việc và khi xong hợp đồng sẽ tìm cách ở lại. Một mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc được sự đỡ đầu của chính phủ Trung Quốc sẽ mua các mỏ quặng và tài nguyên với giá rẻ mạt do thông đồng với giới cầm quyền. Chính quyền độc tài địa phương hưởng lợi từ quan hệ Trung Quốc, khi Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, ngược lại Trung Quốc hưởng lợi từ tài nguyên, các nước này là thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, và hơn nữa, các chính quyền độc tài này là vây cánh ủng hộ Trung Quốc trên các mặt trận ngoại giao quốc tế.

Các nước độc tài này nghiễm nhiên trở thành một chư hầu của Trung Quốc dưới con mắt của thế giới và bị Trung Quốc khống chế về kinh tế, ngoại giao và chính trị. Nhìn lại các chiến lược trên, hẳn các bạn sẽ giật mình rằng Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ với mô hình thực dân kiểu mới từ rất lâu rồi. Mang giàn khoan vào biển chỉ là một trong những bước cuối cùng.