Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Người ngủ ghế công viên



Truyện ngắn
Trần Hạ Tháp
1*

Gã nằm xuống thoải mái.Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay.Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp…Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã.Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

Thật ra thì gã không hề qua đêm ở đây.Gã đến công viên cùng lúc như những người yêu quý sức khoẻ khác.Sau một đêm trường, họ thực hành mọi phương pháp thể dục.Gã vào đây chỉ để chợp mắt.Khoảng thời gian chừng nửa tiếng đồng hồ.Rồi thì mọi thứ tiếng động rầm rập bên tai khi thành phố vào giờ cao điểm sẽ buộc gã choàng dậy đúng lúc cần thiết.Gã còn phải đến quán cà phê cóc, cạnh ngay công viên này.

Đang là thứ bảy.Có một cặp vợ chồng đứng tuổi vừa chậm bước dần. Họ chạy lúc thúc bên nhau trên lối đi viền cỏ, y phục thể dục nghiêm chỉnh. Người vợ thở hì hục, nhìn chồng cười ra hiệu.Họ tìm một chỗ ngồi thong thả hít thở không khí trong lành.

- Ô kìa…Anh.

Người vợ thót người kêu lên như thấy ma.Tiếng ngáy rõ to ngay sau
lưng họ.Người chồng quan sát giây lâu, lắc đầu :

- Hình như…Không thế đâu.Em vẫn hay bị ám ảnh quá đáng.

Người vợ chưa hết lo, cẩn thận kiểm soát lại đế giầy :

- Mau xem có chiếc kim tiêm nào đâm dính vào không ?

- Đã bảo là không.Vả lại đế như thế thì chả sợ gì.Ngay cả đinh cũng không ăn thua.

Người vợ bĩu môi liếc xéo ra sau, nói thì thào :

- Nhưng kiểu ấy thì ai dám bảo con người lương thiện.Thứ…màn trời chiếu đất.

Người chồng nheo một bên mắt hóm hỉnh :

- Cứ coi như ham chơi khuya về muộn.Một đêm bị vợ con chốt cửa.

Hết đường…

Người vợ làm bộ trợn mắt, cố nín phì cười.Cả hai quên mất chung quanh.Tự nhiên họ bắt gặp lại hương nồng thời xuân sắc bên nhau.

- Coi kìa.Lại tờ quảng cáo chương trình.Không biết hay dở gì đi đâu
cũng đụng.Nghe… lạ lùng.

Một áp-phích nhỏ ai dán ở gốc cây xà cừ gần nhất.

- Tờ của mình vẫn còn đây.

Người chồng vội lục túi lấy ra tờ giấy gấp nhỏ.Họ chụm đầu vào nhau bàn bạc, nói về một vở diễn nghệ thuật nào đó vào tuần sau, ở nhà hát hạng ba trong thành phố.



2*

Quá chín giờ rưởi sáng ở một quán cà phê cóc bên cạnh công viên. Khách đông hơn hẳn mọi ngày.Có năm người đàn ông phục sức hết sức lập dị.Cuộc chuyện đang nóng lên, không còn ai muốn nghe người khác đầy đủ. Một kẻ thọc tay vào túi áo choàng, dằn lên bàn một vật :

- Còn cái này của tao.Đứa nào phản đối nữa không ? Đấy.

Bốn người còn lại cùng "Ồ" lên sảng khoái, ra vẻ lắng dịu một cách
chóng vánh.Trên bàn là cái chai còn nguyên tem.Rượu được rót ra ngay lập tức.Các chuyện đâu đó vẫn chưa hề chịu nhường nhau, mặc nhiên coi như rơi vào quên lãng.Người mang kính cận chồm tới đập đập tay lên vai kẻ đối diện vừa lôi ra bảo bối :

- Thật ra…chả là gì.Trao đổi qua lại, không cứ ngồi đấy ngó vào mặt nhau mãi à.Có cái nóng sốt, cho nó vận hành không khí tí.Ba mươi đi ông nội.Xí xoá hay là phạt, đằng nào tao cũng cái phần trăm ấy.Sao ?

Người tóc dài kêu to :

- Để cho có sáng tạo mới lạ hơn, tao đề nghị…

Ông ta búng tay và vẫy một cái lên trời :

- Chạy bàn đâu ? Tao bảo.

- Có ngay em.Các huynh cần gì ?

- Để hoá giải bất đồng kỹ thuật của các huynh.Uống đại đi ! Mày có công phục vụ sáng đến giờ mà đã có gì vào bụng đâu.

Người chạy bàn thản nhiên, đã không lạ gì các quý ngài đang chén.Gã nâng cốc bằng cả hai tay làm một hơi.Năm vị khách vỗ tay rào rào.Trước khi trở về với đống phin, cốc bên thau nước góc quán, gã tươi cười:

- Các huynh luôn sôi nổi.Mà đâu…Hôm qua chỉ ba vị thôi đấy.

- Có ồn ào mấy thì mày cứ vịt nghe sấm.Nguyên do đâu à ? Chúng tao đang tranh luận vì cái đứa nào nhỉ..? À, một thằng vớ vẩn nào đó.Ra là thằng cóc chết…Nó cả gan quảng cáo cái này này.Hỗn xược.Nhưng thôi, chuyện nghệ thuật đông tây kim cổ bao la lắm.Lo việc mày đi.

Người chạy bàn thấy đánh xoạch xuống một tờ giấy.Nó vừa được mở ra trước mắt mọi người, chưa ai đọc thì đã bị gấp lại, vẫn cứ đặt ngay trên 
bàn rượu.Tờ quảng cáo một show nghệ thuật.Vở diễn…

3*

Khách sạn năm sao.Ba giờ chiều trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi.Cửa phòng tắm khép hờ.Tiếng một bài hát ngoại vọng ra.Bài "Woman in love".

- Ê, không được nhìn trộm nghe chưa.Bài hát một thời hoàng kim của "Nữ hoàng hoang dại" đấy.Nghe và…đợi nhé.

Lão giám đốc dân chơi vội bỏ tờ Playboy số cũ rích xuống sàn trải thảm huyết dụ.Một chuỗi cười hềnh hệch, đính kèm cái sở học tiếng Anh cấp kỳ của lão :

- Gentleman…Anh bao giờ cũng là gentleman mà cưng.Ê, xưa nay người quân tử đều biết đạo kiên nhẫn để làm nên việc lớn.Đừng coi anh như mấy đứa tiểu nhân.

Lão ta nhếch môi y hệt mỗi khi hạ quyết tâm đầu tư vào một công cuộc làm ăn toát mồ hôi hột nào đó.Câu nhắc khéo tiếp theo chứng tỏ là dân chơi thứ thiệt :

- Đừng nói là anh mà ngay cả nắm…ông tổng thống cũng biết phải chìu em thế nào cho đẹp.Có ông thọ nguyên "trăm tuổi" đấy cưng.

Một cái nhếch môi khác trong bồn tắm.Cô gái chân dài ngây thơ hơn với giọng ứ hự trẻ nít :

- Thằng tây bạn đời hở anh ? Ê, mà xong rồi còn đưa em đi một vòng shop-ping nữa đấy.Vốn làm ăn cứ quay vòng đều còn sắc đẹp thì là không đâu nhé.Nó…"One-way ticket", một đi không trở lại, mà anh ?

- Đã nói không thể lộ liễu cùng em nơi công cộng.Cần gì anh cho nấy. Em sắm được mà.Không cái gì khó kiếm cả.Tuốt tuột…Vả lại, còn bao nhiêu cuộc họp đang chờ.Cho anh sorry đi cưng.

Cô gái bắt đầu lấp ló ở cửa phòng tắm.Giọng hờn tủi :

- Không thèm sắm gì cả.Chỉ sắm những…thằng hơn anh.

- Ồ, superman làm gì có.Anh đã là gentleman ngoại hạng.

- Thằng tây bạn đời anh đấy.Có mà.Có nhiều nhiều…



Lão giám đốc đầu hói bắt đầu "quáng gà" khi cánh cửa phòng tắm từ từ hé ra thân hình hoả diệm sơn bốc lửa.Một cái chân nõn nà thò ra với ngón chân duỗi kiểu vũ ba-lê sân khấu.Ngón chân đặt hờ chưa chịu chạm xuống mặt thảm.Giọng cười rúc rích khiến lão ta lụi tàn hồn phách :

- Bạn anh đủ lịch sự chưa ? Bảo ông ấy dìu em lên giường đi.Ê, trò chơi nghệ thuật.Vũ ba lê kiểu "thằng tây lót đường" biết không ? Mau mà anh…Mỏi lắm.

- Biết….Quá biết đi chứ.Dân chơi mà.Có ngay nghệ thuật.

Giám đốc lật đật, bật nắp săm-xô-nai khi nào cũng lè kè bên lưng.Lão cười tít mắt như trẻ con, bò ngay xuống thảm, đẩy "tráp bạc" lần tới…Đặt một tờ đô la xuống ngay dưới chỗ ngón chân của nàng, lão cẩn thận xoay cho chiều dọc của nó hướng về phía chiếc giường bát bảo.Luôn để hình "thằng tây" lên mặt trên.Tờ trăm đô la in hình một vị Tổng thống…

Lão đầu hói chìa bàn tay "Xin mời" để bàn chân cong cớn kia từ từ giẫm xuống.Bò…thụt lùi, lão ta chuẩn bị cho bước chân kế tiếp.Người đẹp hoả diệm sơn khoan thai, bước chân luôn nhỏ nhẹ như bước của loài chim. Chân trước, nàng đặt xuống để chân sau từ từ đánh gập lại sau bờ mông vệ nữ.Ngực ưỡn, đầu người đẹp quay lui nhìn xuống bàn chân đang gập ấy.Tờ đô la được ngón chân giữ chặt, dính theo như có phép mầu…

Khi cánh tay bên chân trụ quay lui, khoát một vòng kẹp lấy tờ giấy lót chân chỉ với hai ngón tay duỗi thẳng.Cánh tay còn lại đưa hai ngón lên môi. Nụ hôn gió ban xuống tên khán giả đào hoa.Bộ mặt lão ta đệt ra, mạch máu muốn bung vành mỗi lần cái cận cảnh lồ lộ "áp dấu" ngay bon vào trán hói.

- Thủ tục trình duyệt.Ngạc nhiên chưa !

Người đẹp hoả diệm sơn phá lên cười khanh khách nhìn xuống con mồi đang chịu…chết.

Giám đốc cười ngây ngô, hết sức phát âm một câu chuyên dụng nằm lòng "Oh.What the wonderful girl ! ".Ánh mắt lão đã bắt đầu hoá dại…

4*

Năm giờ chiều, ở sảnh đường khách sạn.Cô gái ấy xuất hiện trong trang phục mùa thu với ủng ngắn và áo choàng cúc hở, kính cài ngược lên tóc đang nhỏ to chuyện trò với một nàng cát-sê chân dài khác :

- Sao ? Hắn chê ít chắc.Mày có bảo là khách sạn phụ cấp thất nghiệp ngang cơ bọn tây chứ.Tụi ấy cũng ba trăm đô mỗi tháng nhé.

- Ồ, loại thông dịch viên "pháp sư" bao đủ tour Anh, Pháp, Đức cái gì không biết mày ? Hắn sống an phận nhún nhường.Giả chết đấy.Ê, tao thấy "lập trình" của mày…Nó nặng phần nghiệt ngã.

- Ô kê, tao đạo đức giả.Cái gì giả nhưng "đồ nghề" đừng giả nghe mày Nước mắt giang hồ đấy à ? Tụi mày đạo đức…thật lấy đâu ra dzậy ? Cho đến khi chiều xuống…Là "xôi oản" giộng toàn silicon vào rồi thì chỉ đi với bọn nháy ảnh "Ba mươi sáu kiểu" mà sống ! Còn bao nhiêu thời gian mày ? Rồi sẽ cháy tàn đêm hiu hắt đó con.Chả có ai thương tao hơn chính tao.

- Nghe tao nói nhưng hắn bảo cũng đến lúc từ giả, không phải cần ai thương hại.Hắn ca cẩm, thông dịch viên nơi đây hoá ra chỉ chuyên dụng thứ ngôn ngữ "không tài nào đàn ông có nổi".Hắn chán.Hắn muốn tìm một công việc khác, không vì ai vắt chanh bỏ vỏ.Hắn tự thú là đã quá dốt nát về cái chuyện phe cánh thập thò."Thời của các quý vị cầm tinh con chuột".Thế đấy, hắn chỉ cười khan trước khi quay bước, cũng chẳng ngó ngàng đến phong bì. Trả lại mày.Hết cách.

- Tao hiểu.Hắn không có ý hại ai.Người như hắn không bao giờ là "sát thủ".Hắn muốn đứng ra ngoài mọi tranh giành quyền và lợi phe cánh.Và thế, hắn đã tự mình khai tử.Sự chật chội môi trường sống bây giờ không còn chỗ cho những kẻ độc hành.Này nhé, căn cứ vào nhu cầu hưởng thụ "super thời thượng" so dịch vụ du lịch nguyên thuỷ "trắng" mà hắn chủ trương.Hắn đã thành vật cản thời đại - chính xác đấy - tao không nghĩ hắn nạn nhân ai cả. Dù sao từng sư phụ bọn mình, mới có chuyện tao đề nghị trợ cấp hắn đôi ba tháng.Dĩ nhiên khách sạn ô kê, khi mà tiền túi tao móc ra.Để thay hắn làm xếp thông dịch viên ở đây, gọi là có chút đền bù.Thế…

- Mượn danh nghĩa khách sạn chi vậy ?

- Nhanh, tránh vòng vo tam quốc.Xong chuyện.

- Mày đơn giản kinh hoàng.Chỉ có hai loại vật cản, vật không cản là xong.Kỳ quặc, trước kia mày bái phục hắn ? Xin lỗi, hơi tò mò.

- Tao non choẹt, cứ một thời tưởng nghệ thuật nào cũng ngồi trên đất hứa.Có điên ! Đã giã từ sàn diễn như giã từ ảo mộng.Nghệ thuật nào thực tế hơn nghệ thuật kiếm sống mày ? Trong đó, ai method nấy.Ê, có đứa nào bảo đồng bạc không hề ban rung cảm ? Là tao đang tận tuỵ con đường của tao. Hắn học rộng tài cao nhưng quá buồn cười.Luôn ở trên mây, hắn mơ màng sáng tạo nghệ thuật.Ấy, cu li nghệ thuật có ngu ngốc cỡ như tao cũng chả đáng buồn cười.Hợp lý đấy.Tao chỉ làm cu ly cho chính tao thôi.Nghệ sĩ là quái gì, bong bóng màu to rỗng.

- Oh, yes.Chỉ còn lại…Nghệ sĩ của nghệ thuật kiếm sống.Một nghệ thuật chưa bao giờ rời xa nhân loại.Tao nữa đấy.Đừng có gọi cu li quá mono nghe mày.Nghe thế nào ra stereo chút.Âm thanh nổi đi !

Phút im lặng.Thấp thoáng mơ màng trong mắt, cô gái hoài cảm :

- Bỏ vũ ba-lê.Theo một thời gào hát như điên.Tưởng nó đi tới đâu rồi nhé ? Hoá ra chính tao phải tự thắp lên ánh đèn sân khấu của riêng tao.Đấy, các đứa chân chỉ, ôm "thương hiệu" để chết thèm.Chúng đào ở đâu ra mỹ phẩm Hollywood, Mercedes và ngọc trai trưng diện hở mày ?

- Tiếng Anh và nhan sắc ! Chỉ có thế.Mất công làm người mẫu ít lâu ngộ ra ngay.Tao đá giò lái thằng chủ show đểu cáng.Ôi điêu tàn, cứ lắm bé ngoan còn lần lượt "đưa đồ".Nào các bộ sưu tập mới lạ chi chi…Đ.m thằng ranh ma chuyên "sáng tạo" các thứ tào lao.Bộ sưu tập…háng đàn bà thì có. Hắn ăn chặn trinh tiết, chuyển giao cái công nghệ ngành thịt người ra…"Gái gọi".Bây giờ tao có sạn trên đầu.

Người đẹp hỏa diệm sơn gật gù :

- Mày thì nhớ đời thằng "nghệ sĩ tạo mẫu" tởm lợm ấy.Sẽ có một ngày tàn cuộc giang hồ cho nó.Còn cái sự tao nhờ vả ấy à.Mày đã cật lực.Thằng quân tử tầu từ chối thiện chí của tao."Boa" luôn cho mày.Nhé.Để cứ thấy cuộc đời còn tươi đẹp."To be or not to be.This is the question".Ngạc nhiên chưa !

Hai cô gái chân dài cười như điên.Cú chạm cốc whisky nảy lửa :

- Ô kê ngay."Let ' s twist again".Nào, hiện hữu tràn be…

Hai cô gái trẻ đẹp đập bàn tay vào nhau thay lời từ giã.Người đẹp hoả diệm sơn bước ra khỏi sảnh đường khách sạn.Trước khi mở cánh cửa chiếc Mercedes 250 SL,cô gái còn hỏi vọng vào :

- Mày có biết hiện hắn làm gì không ? Lắm tài lo gì thất nghiệp.

- Bảo…"Chạy bàn một quán cà phê cóc".Tao chưa tin.

Cánh cửa dừng lại.Một chút ngập ngừng với câu nói mông lung :

- Đằng nào cũng phải làm gì đó kiếm sống.Tội gì nhỉ ? Tự làm nghèo khốn mình đi, khi mà cuộc đời còn quá nhiều đứa chó mửa…lên voi.Theo thuyết Khắc kỷ của Diogène đập vỡ cái bình ấy à.Chi vậy ? Hay cứ phép "thắng lợi tinh thần" ông Lỗ Tấn.Mày thay tao tìm hiểu chút đi.Một lần cho nó…xong.

- Bây giờ thấy đi xế điếc.Chắc bắt đầu sa sút, cầm hơi.

5*

Thứ bảy tuần sau.Bảy giờ tối ở nhà hát hạng ba thành phố.Vé cầm tay, mọi người chuẩn bị vào cửa.Những tờ quảng cáo quen thuộc cứ vung vẫy giữa nhiều người.Đủ các lời tán dương hoặc những câu tục tĩu không ngớt tuôn ra…

Chuông reo.Mọi người chen lấn vào cửa.Dăm mười phút sau khi yên vị, ai nấy đều ngơ ngác nhìn nhau.Đèn vẫn không được tắt.Sân khấu hình như đang còn trong tình trạng lôi thôi chưa ổn định.Tiếng hú huýt của thiết bị âm thanh khi to khi nhỏ.Người ta liên tục điều chỉnh dây dợ, máy móc… Những của nợ ấy ngổn ngang chưa ai xếp đặt.

Trên sân khấu chính diện, nhiều kẻ đang chen lấn dồn cục quanh một cái thang cao ngồng.Người leo lên, kẻ kéo chân lôi xuống.Ai nấy đều vác mặt nhìn lên nóc sân khấu chả thiết gì nhiều thứ đang bị giày xéo, giẫm đạp ngay dưới chân mình.Tiếng hô hoán, gọi nhau rõ mồm một qua loa phóng thanh không sót chữ nào.

Thấp thoáng hai bên cánh gà sân khấu, đôi ba người cứ điềm nhiên soi gương thoa phấn, vẽ mặt.Họ làm điệu bộ vừa ướm thử các kiểu hoá trang.Ai đó khi cúi đầu như mặc niệm, khi đột ngột vỗ tay đôm đốp, tươi cười.Có kẻ thấp thoáng xa xa không hiện rõ mặt mày tay cầm xấp giấy, ra hiệu người kia tới trước, kẻ khác lui ra…Hắn ta nhắc tuồng nhỏ giọng sau cánh gà.Các người khác lớn tiếng hơn, nhái theo y hệt không sót chữ nào.

Thời gian chết trên sân khấu kéo dài.Lời dẫn chương trình vắng bặt. Đâu đó cứ một loại âm thanh léo nhéo nhàm chán phát ra từ cát-sét quá lỗi thời.Nhiều cây mi-cờ-rô không sử dụng, bị lùa phứa xuống khỏi sân khấu, lỏng chỏng ở ngay trước mặt hàng ghế hạng nhất.

Trong lúc ấy thì giàn đèn màu đang hoạt động cật lực.Đấy là loại thiết bị hoàn hảo nhất chả cần chỉnh sửa gì thêm nữa.Liên tục đủ xanh, đỏ, tím, vàng thay nhau nhuộm màu sân khấu một cách loè loẹt.

Một người ở trần đầy mồ hôi.Gã ta, có lẽ là công nhân khuân vác hậu trường ôm khệ nệ các thứ, ngấp ngỏng dáo dát nhìn xuống khán giả với vẻ nhọc mệt :

- Đông nhỉ ? Giúp nhau một tay đi chứ.Mãi cứ ngồi không khoẻ thế. Gã lại thở dài thườn thượt mà không hay biết mấy cây mi-cờ-rô đang phóng đại âm thanh chát chúa của mình :

- Không thấy gì hết à ? Có ai diễn thật đâu.Ngồi xem diễn giả để làm

gì nào…Chịu luôn.Thật uổng phí bao nhiêu thời giờ.



Gã ho khan mãi vì hít nhằm những mảng bồ hóng bẩn thỉu từ trên cao rụng xuống liên hồi.Đột ngột, gã ta hét lên kinh hoàng vất bỏ đồ đạt, ôm đầu chui xuống gầm mấy cái bàn kế bên.Một số sà ngang mối mọt trên nóc rơi thọc xuống lập tức gãy nát.



Mọi người không hiểu sao cả, cứ trố mắt nhìn nhau y như ở trên mặt trăng.Đã hơn nửa tiếng đồng hồ từ khi vào rạp hát đến giờ.Năm ba vị bực dọc bỏ ghế đứng dậy đùng đùng bước ra "Giờ vào cửa có vấn đề".Ai đó nói với nhau để tự mình giải thích sự cố "Nhà hát không hề tôn trọng khán giả ".



Tiếng nói chuyện, hỏi nhau râm ran…Không còn ai đủ kiên nhẫn.Ban đầu, còn hơi nhỏ giọng nhưng sau đó người ta hét lớn.Họ đứng cả lên ghế ngồi để chỉ chỏ.Tiếng mặt ghế liên tục bị gập lại, mở ra đinh tai nhức óc.



Một vài vị hầm hầm nhảy phóc lên sân khấu bày tỏ thái độ.Họ tiến lại gần mấy người chỉnh sửa, xem những kẻ ấy trả lời ra sao :

- Ê, các ông bạn.Có phải nhà hát không đây ? Ai là người đang điều khiển đấy nhỉ ? Chúng tôi chen lấn toát mồ hôi hột để vào ngồi xem các thứ quái quỷ này à ? Này, ai cũng lận lưng ra mà mua vé đấy.Đóng tiền nghiêm chỉnh chứ không bớt xu nào.Có người bóp bụng nằn nì các thằng đểu bán vé chợ đen nữa đó.Lý do gì ? Nói ngay đi chứ.Có phải là…còn lâu mới như chương trình quảng cáo hứa hẹn.Rồi ai chịu thiệt thì mặc bố nó phải không ? Đã vào cửa rồi thì ráng mà chịu.Nhà hát giả câm giả điếc, vô trách nhiệm là xong.Hở…?

Hình như tất cả vẫn lo việc của mình, chẳng ai thèm trả lời câu hỏi.

- Ồ, nói làm gì.Coi kìa.Đây là những kẻ được thuê mướn.Họ coi như chẳng liên quan gì sất.Đến làm, nhà hát trả tiền công xong thì về.Họ đâu có 
cần…khỉ gì chúng ta đâu.

Mọi người dở khóc dở cười, nhìn nhau.Nhiều câu tục tĩu tuôn ra.Một thiểu số, xô vẹt đám đông lặng lẽ đi ra.Đấy là những kẻ bận việc hoặc không còn cảm hứng nào nữa.Phần lớn ở lại, không kiên nhẫn nhưng vì sợ mất tiền một cách dại dột.

- Cùng lắm thì đòi cho ra tiền vé lại thôi.Ngồi đến hết giờ mới về.Tụi mày cứ mong chúng ông bực tức bỏ đi chắc ? Ê, đừng có hòng.Còn lâu mới ra khỏi cửa.Thứ lường gạt.Đồ đểu…

Có nhóm người nhân cơ hội lôi rượu ra điềm nhiên bày cuộc với nhau trong góc.Họ bàn bạc thơ văn nghệ thuật sôi nổi như thường.Một kẻ gật gù rung đùi nói với người bên cạnh ra cái điều tri thức, nhìn xa hiểu rộng :

- Thế đấy.Cũng phải cảm thông cho nhà hát.Cứ kiên nhẫn chút rồi đâu sẽ vào đấy.Cái gì chứ khoa học kỹ thuật không đơn giản.Có là vấn đề tâm lý để khắc phục hoàn cảnh ngay được đâu.Đồng ý, là bỏ ra tiền mua vé thực đấy.Khó khăn là khó khăn chung.Chuyện “thường ngày ở huyện” lạ gì chứ.

Đột ngột một giọng nói vang lên từ máy phóng thanh.Ai đó chụp lấy mi-cờ-rô vẫn đang đặt lỏng chỏng ngay trước mặt khán giả hàng ghế hạng nhất.Âm thanh dội lên trong lòng nhà hát :

- Cái này để làm gì đây ? Cũng là tiện ích sử dụng tính luôn vào tiền vé đã bỏ ra đấy.Trong lúc như thế này.Tại sao không ai dùng nhỉ.Có quên đi không ? Xin mời…

Khán giả thấy ngồ ngộ, im lặng phần nào.Một cha căng chú kiết nào đó lấy can đảm nhảy lên sân khấu, hét vào mi-cờ-rô :

- Nhà hát phải trả lời.Nói đi.Chúng tôi có quyền yêu cầu.

Đám đông hô hoán tỏ ý tán đồng ngay nhưng hắn đã biến mất.Biết thế nhưng chẳng ai rục rịch, người nọ quay sang bảo người kia "Tội gì không nói.Tiền mua vé là cứ thu vào xoành xoạch.Có cho ai đồng nào không ? ".

- Bảo ngay vào mặt thằng giám đốc chó chết.Quân bố láo lợi dụng nhà 
hát để làm giàu đây mà.Một lần này thôi, đủ nhé…

- Báo cho mà biết.Không có khán giả thì lũ ma mãnh nhà hát ra ngoài nghĩa địa mà diễn.Chúng ông càng vất vả chen lấn thì chúng mày càng giàu. Chúng mày giàu rồi thì là chúng ông phải vào sọt rác chứ gì.

- Quỷ quái thật…Láo.

Tất cả những chào xáo, hô hoán này đều được khuếch đại, không ai không rõ.Có lẽ chẳng nói trực tiếp vào máy, âm thanh cũng đã đủ nghe rõmồm một.Giàn mi-cờ-rô quá gần, tự nhiên đã giúp cho điều ấy.Đột nhiên có người tiến ra, lôi hẳn một cây mi-cờ-rô đặt lên trên sân khấu :

- Vâng, nghệ thuật đang bị lợi dụng và trưng dụng đủ kiểu…Khán giả bình dân đã bị coi thường, dần phải chịu về bên thiệt.Trong khi ấy, sẵn sàng như một tiểu xảo đền bù, các danh từ tốt đẹp nhất luôn để dành tôn vinh cho quý vị…Những kẻ đã cật lực lao động bỏ thì gìơ, tiền bạc chỉ để muốn tìm thấy cảm xúc, tâm tư nói lên đích thực tiếng lòng mình.

Vâng, tâm tư khán giả đã không nhận đủ phản hồi chân chính.Quả ai nấy đều thầm tự hỏi, rằng nhà hát cần gì ở quý vị nữa không ? Ngoài số thu nhập để phục vụ cho nơi chốn đang nhân danh nghệ thuật, nhân danh quý vị.



Có không ít kẻ nhân danh ấy đã làm nên cơ nghiệp.Họ bây giờ chỉ chú tâm các diễn xuất trên nhiều sân khấu khác, giàu có hơn.Thực ra chúng ta chỉ là cái bàn đạp thuở ban đầu…Vì thế, họ đã rời xa sân khấu hôm nay.Phải chăng mong đợi chính đáng và thiết thực nhất của quý vị đã trở nên phá sản. Thưa quý vị…Tôi đang được hầu chuyện cùng những người thu nhập thấp, các khán giả một nhà hát hạng ba…

Giọng anh chàng ban nãy, trực tiếp trước mi-cờ-rô.Mọi người hả hê gật gù nhìn nhau tương đắc.Dấu hiệu sự đồng cảm của đám đông có thể đọc ngay trên nét mặt nhiều người.Đột ngột tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy. Lời nói bị gián đoạn, người ta chồm cả tới để cố xem mặt người đang đứng trước mi-cờ-rô.Có cặp vợ chồng trố mắt, níu vai nhau :

- Ôi, kìa anh…Đấy, cha nằm ở ghế đá công viên tuần trước.



Trong góc nhà hát.Mấy người đang chuyền nhau chai rượu bất ngờ

đứng cả dậy ngơ ngác hỏi nhau "Có phải chú em chạy bàn đây không ? Tao thấy y chang"."Đúng hắn.Không nhầm vào đâu được".



Cô gái rất đẹp sang trọng ngồi ở ghế hạng nhất vội vã ra khỏi chỗ, cúi đầu bước nhanh về phía hành lang vệ sinh.Một cuộc điện đàm di động sau đó :

- Ngay nhà hát bình dân thành phố.Đúng, tao tìm ra rồi.Là hắn…Chắc chắn.Một cái gì đó ở đây thì phải…Tốt nhất mày đến ngay.Cứ "búng" cho thằng soát vé vào cửa một cái đi.Ô kê, tao đang ngồi ghế hạng nhất bên trái, ghế thứ chín…Yên chí, hắn đang nói như điên, không thấy gì đâu.Cần, đeo kính đen vào như tao cho chắc.Nhé…Cứ thế.See you again.



Trở vào ghế ngồi, cô gái đẹp càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy những người trên sân khấu lần lượt bước ra chào khán giả.Họ đều tươi cười, đầy thân thiện và trịnh trọng y như những diễn viên vừa biểu diễn xong tiết mục của mình.Có cả người đã ở trần khuân vác.Không ai có thái độ thiếu nghiêm túc cả.Hoá ra…Họ đã diễn về những "nhân vật diễn viên".

Người đang đứng giới thiệu lần lượt tên của mỗi diễn viên, có giọng nói rất quen.Cô gái kín đáo đẩy gọng kính lên một chút để nhìn rõ hơn." Đạo diễn là chính… hắn".

- Trân trọng cảm ơn quý vị…Vở diễn nhằm xoá đi sự cách biệt giữa diễn viên và khán giả.Không lẽ loi như khi phải ngồi trước các thiết bị nghe nhìn - màn hình chẳng hạn - quý vị thấy đấy…Tất cả chúng ta, kể cả người im lặng nhất, đều là những "nhân vật".Vâng, những "nhân vật" của vở diễn hôm nay.Mặt khác, một cách đồng thời…Tất cả chúng ta đều là "diễn viên". Hoặc chính danh hoặc là "diễn viên" tự nhiên trong phút giây sôi nổi nhất vừa biểu hiện.Thưa quý vị, tất cả những gì đã nghe, đã thấy, đã diễn ra…Hết thảy đều đã góp nên toàn cục cho diễn xuất chung trong vở diễn hôm nay.Vở diễn thể hiện nguyên bản thái độ, tình cảm và tâm tư quý vị…Các khán giả bình dân…

Thưa quý vị, tại đây sân khấu đã được cố tình mở rộng hơn, vượt ra khỏi không gian ước lệ thông thường.Vâng, mọi nơi đều là sàn diễn…Không chỉ ở trên kia, nơi tấm màn được mở ra hoặc kéo lại…Sân khấu còn ở ngay chỗ quý vị đang ngồi.Đấy, với hàng mi-cờ-rô đã được tế nhị đặt xuống lúc ban đầu.Thực hay ảo ? Nghệ thuật hay chỉ là trò chơi hư cấu…?

Câu trả lời chắc sẽ còn vọng lên nhiều lần trong mỗi một chúng ta… "Nhân vật ? Hay diễn viên ? ?".Đúng thế - gã chạy bàn nói tiếp với một thái độ đầy trân trọng - Cũng là tên của vở diễn hôm nay…

Thưa quý vị.Như đã biết, hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật thiên hình vạn trạng đến không cùng.Sẽ không còn phát triển nghệ thuật khi bên cạnh đó, tính sáng tạo đã bị xem như một thủ tục không mấy còn thiết yếu.Thông điệp tình người chắc chắn làm sinh mệnh cho mọi ngành nghệ thuật.Bởi lẽ, chỉ có tính sáng tạo của nó mới chứng minh nổi đâu là khác biệt có thực giữa con vật và con người.Tôi muốn nói đến tính sáng tạo của văn minh để phân biệt với quán tính, thói lập lại là dấu vết từ bản năng mông muội.

Vâng, dừng sáng tạo nhất thiết con người không tiến tới văn minh… Một cách khác, không thể có văn minh khi thiếu vắng tính người.Hoặc đấy chỉ là nền "văn minh ảo".Từ đó, để thấy rằng - sáng tạo nói chung, sáng tạo nghệ thuật nói riêng - nhất thiết là thước đo trình độ một nền văn minh, một quốc gia hoặc ngay cả một thời kỳ con người ghi dấu…Cần sáng tạo nữa không, hay chỉ nên lập lại các giá trị đã vĩnh hằng ? Câu trả lời đồng nghĩa với văn minh.

Xin lỗi quý vị.Có thể quý vị vẫn chưa hết ngạc nhiên.Song các lời nói, thái độ, mọi tình cảm…của quý vị vừa rồi không hề trong một giấc mơ nào cả.Nó từ đáy lòng quý vị.Một trong nhiều điều mang ý nghĩa lớn lao của nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật, đấy là tạo điều kiện để các cửa sổ tâm thức mở rộng hơn chứ không hề ngược lại.Vâng, tất nhiên phương diện tuyệt đối mà nói, vở diễn chắc rằng chưa dừng lại ở đây…

Một lần nữa, chân thành cảm ơn quý vị khán giả vẫn hết lòng vì nghệ thuật hôm nay.Vở diễn thành công hay chưa ? Không quan trọng.Song chắc chắn chính quý vị đã cảm xúc.Chỉ có sự sẻ chia thật tình mới đích thực làm nên ý nghĩa ấy.Quý vị, những khán giả bình dân lao động vốn thân quen với một nhà hát hạng ba.Tất nhiên, trong số đang hiện diện nơi đây đại đa số đều thu nhập thấp.Có kẻ chưa ổn định cuộc sống.Thậm chí người còn vất vả tìm việc để có thể qua ngày.Xin coi như cơ hội để gặp nhau, cùng chia sẻ nỗi lòng…

Tiếng vỗ tay lại nổi lên không ngớt.



6*

Chuông reo. Lần lượt khán giả ra khỏi cửa.Người ta vui cười nói với nhau những lời thanh thản…Ai nấy tự nhiên như gần gũi nhau hơn.Khách sảnh nhà hát hạng ba khá chật chội.Một cái bàn kê giữa lối ra vào.Hai người đàn ông đeo kính đen đứng đó, bắt tay khán giả đi qua.Họ cứ mỉm một nụ cười lặng lẽ.Trên bàn, đặt một áp-phích nho nhỏ kẽ bằng tay.Hàng chữ chân phương, nắn nót đập vào mắt mọi người : "Được nhận toàn bộ tiền vé vào cửa vở diễn hôm nay, Hội người mù tỉnh nhà chân thành cảm ơn anh chị em nghệ sĩ và khán giả từ tâm".

Cặp vợ chồng đưa mắt nhìn nhau.Người đàn bà hỏi "Sao tờ quảng cáo không ghi gì nhỉ ? Nếu biết trước là việc từ thiện, mình chắc không bàn cãi suốt tuần rồi mới đi mua vé".Người chồng ra cách hiểu biết hơn, giải thích "Có lẽ để tôn trọng Hội người mù, đồng thời người ta không vay mượn danh nghĩa nào làm vốn nghệ thuật như một số thủ thuật hay thấy".

- Thế, người ta tặng hết tiền thu vé rồi lấy đâu... ?

Ông chồng ngần ngừ, hơi bối rối "Tất nhiên, họ phải có nghề nghiệp ổn định đâu…đó rồi chứ.Chắc thế.Nhưng mà nghệ sĩ chân chính thì thường là những vị nghèo xơ nghèo xác đấy".

Người vợ chợt đổi giọng ăn năn "Em đã không phải với ông ấy.Có lần nói nầy nọ…"

- Ông đạo diễn chứ gì ? Đấy, hôm gặp ngủ ở ghế đá công viên đã bảo là không phải xì ke.Cứ tưởng khi nào cũng y như mình nghĩ…Là lầm to đấy. Không phải cứ mắt thấy…

Ông chồng nói, vừa quay lui như tìm sự đồng cảm với ai đó đi sau lưng mình đang cố ý lắng nghe câu chuyện.Ồ, hai cô gái trẻ rất đẹp đều đeo kính…đen ! Họ hình như xúc động, cúi mặt dìu nhau đi rất chậm.

Ông chồng nín bặt, chột dạ.Người vợ trố mắt quay lui và vội vã dứt ra khỏi tay chồng.Bà ta chạy đến bên hai cô gái và dịu dàng nắm lấy tay họ :

- Không sao đâu. Hai em cứ nắm lấy tay chị đây.Nhé.Đi từ từ coi chừng vấp ngã.

Người chồng đứng ngẩn ra, sau đó lật đật nói với vợ mình :

- Anh gọi ngay chiếc xích lô đây.Em hỏi đi.Các cô ấy sẽ về đâu ?

Mọi người đưa mắt nhìn nhau thương hại "Ôi, tuổi thanh xuân thế kia. Hai con người bất hạnh".Có xuýt xoa nho nhỏ ai đấy đang thầm thì.Bỗng mọi người lại reo lên, nhường lối đi khi thấy những diễn viên lần lượt đi ra, đến bắt tay hai đại diện Hội người mù.

Một trong hai vị này từ tốn thốt lên :

- Chỉ nghe được phần âm thanh của vở diễn…Song, các bạn đừng ái ngại.Bằng tâm hồn, chúng tôi tự hiểu lấy phần còn lại.

Họ ghì lấy nhau trong tiếng hoan hô và hạnh phúc đồng cảm.Có khán giả vừa cười vừa quệt ngang nước mắt.Đại diện Hội người mù đề nghị gặp một người…

Gã nhét vội ổ bánh mì dang dở vào túi quần và tất tả chạy ra.Đang cố tranh thủ…sau cánh gà, gã vẫn cứ bị người ta tìm thấy rất nhanh."Đạo diễn. - Ông ta đến kia kìa…Đấy !".

Mọi người đổ xô về một phía.Vài tay phóng viên vừa xuất hiện.Ánh flash lóe lên."Xin đạo diễn vắn tắt quan niệm nghệ thuật".Gã tươi cười với cái bụng ọc ạch :

- Đơn giản, thưa các bạn.Với nghệ thuật chân chính thì Tình Người để chia sẻ chứ không phải là thứ phẩm vật để chúng ta ra sức vận dụng, tranh thủ nó nhằm biến thành lợi khí trang bị.Nói tóm lại Tình Người để chia sẻ, để phát tán rộng rãi chứ không để bòn rút gom thu, quy về nơi duy nhất nào cả.Theo tôi, đây mới là điều nếu không chú ý chúng ta dễ trở thành nạn nhân ngay cả khi được tôn vinh nhiều nhất.

Hai vợ chồng tốt bụng đang chú ý lắng nghe giọng nói ở đằng kia.Bà vợ nhón chân lên cố nhìn."Xa quá.Em không thấy gì cả". "Sáng nào cũng có ở ghế đá công viên.Ai thôi, mình thì còn lạ lùng gì nữa".Ông chồng bảo vợ.

Hai cô gái lặng yên, không nói một lời.Họ hình như đang thấm thía nỗi mênh mông từ khoảng trống cuộc đời.Không ai ngẩng đầu lên cả, hai người cùng nhận ra chơ vơ bóng đổ dưới chân mình.Có lẽ lần đầu tiên trong đời, họ hiểu đích thực ý nghĩa sự sẻ chia trong nghệ thuật.

Đột ngột…Hai cô gái cắn môi, xô dạt cặp vợ chồng tốt bụng để cố đi nhanh khỏi sảnh đường nhà hát.Hai cái kính đen - như là loại mặt nạ tâm hồn trong trang phục riêng họ - rơi xuống giữa dòng người qua lại.


(*) "Woman in love", "One-way ticket", "Let ' s twist again" : Những bản nhạc
ngoại nổi tiếng.

(*) "To be or not to be.This is the question" : Hiện hữu hay không hiện hữu.
Đây mới là vấn đề.(Câu nói trong một tác phẩm của Shakespeare)

Các quỹ đạo bay của lá




Trần Hạ Tháp
(thương nhớ Mẹ tôi)


Sớm muộn
Lẽ nào không về cội?
Nhưng cũng rất lắm khi…
Rụng, tất nhiên
Vĩnh viễn chẳng bao giờ về cội

Cắm phập
Thương tổn đất
Thứ u mê rèn ảo ảnh trong lòng
Kiếm sĩ lá và…
Đường chém bay chiêm ngưỡng

Ngóc đầu
Thói giả vờ kiêu hãnh
Gác chân lên bệ cỏ
Lót nệm êm
Loài đắc ý cuộc phong hàm trong gió

Bay loạn
Nương nơi tàng cội nào?
Quên gốc cũ
Lá mù màu dòng giống
Tưởng và mộng mình đang là thủy tổ

Rời cành
Vẫn lơ mơ chưa tiếp đất
Thanh cao hảo giả sơn
Gác ngoài thế thái
Ngọn nhân danh tự sắm lấy đất trời

Nhận vườn.
Lá chỉ mơ khói bên hè
Loại đơn giản mừng chờ nghe tiếng chổi
Nồi-khoai-Mẹ
Tinh-thể-lá-bòn-tro dâng trả cội

(thành nội Huế - 10/2013)

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Quá khứ không em



Lê Thị Thấm Vân






“Hãy vui lên em.” Khi em như vũ công bị lãng quên, anh khẽ đưa tay vặn dây cót.

Ht & Lh là quá-khứ-hiện-tại-trộn-lộn. Ô cửa vừa vặn đút lon sữa bò đục khoét trong phòng giam chia chung mảnh trời thanh tân. Vỉa hè, màu đêm liều lĩnh, xoay lưng trấn an nhau chờ cơn mộng vượt biên. Cái dương vật không thể nổi gân hay nổi giận trong lòng bàn tay thằng bé có đường chỉ tay chưa định hình giữa trưa nung nắng trên xứ sở có cuống rún em đã biến thành bồ hóng.

Sáng nay tay đang vẽ ai trên bàn. Hôm qua tay đã vỗ thùng đàn câm nín bám bụi thời gian xanh chát ủ mầm nhẫn nhục, độ lượng.

“Giờ thì em biết.”

Cơn mưa không mùa kéo đến đời anh đang ngả dần về phương cứu rỗi. Chiều muộn trước sân xi-măng nhà em, nơi sương rơi đóng hột. Trong thế giới của riêng em, em nhón mười đầu ngón chân đặt trên chân trần anh, hít sâu mùi cằm mùi cổ. “Anh thương em không?” Tất cả gáy sách thân quen trên kệ đồng tình mở to mắt trêu anh.

Chẳng cần bàn tay chống đỡ nửa bầu trời. Em lao thẳng vào anh, tốc độ sợi dây thắng đứt đoạn.

Đặng Thân khai mở dòng thơ phụ âm Việt



Inrasara


Ngạc nhiên là khởi đầu của suy tư triết học.

Ngạc nhiên và đặt câu hỏi, nhà tư tưởng đẩy đến tận cùng sự truy vấn. Còn ai suy tư cái đã được suy tư? Heidegger đã đặt câu hỏi về Tính thể (Sein, Être, Being) như thế. Chuyện ai cũng tưởng đã biết rồi và, ai cũng có thể nói được, góp lời được, nhưng chưa ai suy tư lại. Tại đó, khởi đầu triết học Heidegger.(1)

Đứa trẻ cũng ngạc nhiên, ngạc nhiên và hỏi các câu hỏi ai cũng biết rồi. Ờ, thì trẻ con, lớn lên xíu là chúng hết ngạc nhiên. Nhưng thi sĩ, cùng là nòi ngạc nhiên về cái chưa biết, về sự mới lạ, mới lạ cả những điều đã quen thuộc, sự việc và sự vật thường nhật. Giữ và dưỡng nuôi được ngạc nhiên lâu dài hay không, là vấn đề của mỗi thi sĩ.

Trong một bài viết, tôi có nói Việt Nam thiếu truyền thống triết học, ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó.(2) Chúng ta dạy nhau làm việc theo và nói theo, suy nghĩ (hoặc chẳng suy nghĩ gì cả) theo và sống theo. Khi đã thành tín đồ “theo-ism” thì chúng ta hết có “tại sao?”. Hết tại sao thì đứt bóng sáng tạo. Sáng tạo như là sáng tạo.

Đặng Thân đã rất khác!

Làm thơ, anh đặt câu hỏi về điều lâu nay chưa ai đặt câu hỏi, cả các nhà thơ lớn, ít ra là ở Việt Nam. Về một chuyện rất nền tảng: kĩ thuật, ở một khía cạnh rất nhỏ tưởng như chẳng có gì đáng đặt câu hỏi: phụ âm.
Từ nhỏ tôi thường thắc mắc là sao xung quanh mình cứ hễ nghe đến thơ là bài nào cũng vang lên những vần vè của nguyên âm. Câu/bài thơ nào cũng như thể được sự biên tập của một bậc thầy duy nhất nào đấy trong một khuôn phép “độc nhất vô nhị” nào đấy.
Những vần vè tràn khắp như một thể chế “độc quyền”, phản ánh một nền thơ “độc tài”. Những vần vè tràn lấp đến mang tai. Dường như không có nó thì thơ không còn là thơ nữa.
("Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi]")

Tại sao người Anh đã sử dụng thi pháp lặp lại phụ âm đầu từ hơn ngàn hai trăm năm trước, còn dân Việt thì không? Đặng Thân đặt câu hỏi, Đặng Thân truy vấn nguyên do, sục vào kho thơ ca tiếng Việt lẫn thơ tiếng Anh để trả lời cho tại sao của mình và,... thực hiện các bài thơ phụ âm đầu tiên trong/ cho tiếng Việt.

Xao xuyến & Sung sướng

Xốn xang chuột rúc xục xùng xung
Náo nức nôn nao thị não nùng
Sinh kí tử quy sao sồn sột
Mõ mòng mồng mộng giấc mung mung

*

Bôi bác chi bớ những bà bác ba bốn bự
Cự nự gì các chàng hang cau có cay cú du côn
Dáo dác mặt dơ dung dăng dãi dầm dâm dật lù dù
Đụ má mày đu đơ đù đờ đảo điên đần độn đứng đắn
Xao xuyến xôn xao

Gầm gừ gạ gẫm kiếp người nơi gừ gào thét gắt gao
Hung hăng bọ xít hôn hít hụt hịt
Dằng dặc gót giầy dẫm giẫy
Kêu như cha chết kền kệt kèn kẹt
Sung sướng sồn sồn


... Trộn trạo lao xao tráo trở trụt trịt mờ trông tròng trành đất trời trệu trạo
Vênh vang vớ vẩn vồn vã cả vú lú mề vội vàng vơ
Xào xáo xà bông xà beng xà xẻo xài xể xàm xỡ xàng xê xành xạch xao xác xào xáo xăm xỉa xầm xì xây xẩm xấc xược xề xệ xoắn xuýt xắc xô

Zero
Sung sướng làm sao...


Xao xuyến xốn xang xâm xấp xuống
Sung sướng sục sôi sụt sỗ sàng

(“Xao xuyến & Sung sướng”)


Chớ vội kêu lên có hay ho gì đâu mấy ngữ đó. Đúng. Cả người viết bài này cũng chẳng thấy nó “hay”! Hãy hiểu rằng đây là thử nghiệm đầu tiên của một tác giả qua hơn mười năm làm thơ nhưng chưa chịu cho ra mắt tập thơ nào. Thật bất công, khi đòi hỏi thơ phụ âm hay ngay bước khởi đầu chập chững. Hơn nữa, độc giả hôm nay hoàn toàn chưa chuẩn bị “tâm thế thơ” để đón nhận nó. Hãy chú ý nhịp điệu của những chữ, của những phụ âm đầu lặp lại liên lỉ, sẵn sàng lặp lại lần nữa, làm trương nở và phá vỡ cấu trúc câu/đoạn thơ; khiến bài thơ ngập tràn âm thanh, gai góc mà bay bổng. Chúng ta chưa giã từ thói quen thưởng thức thơ theo lối cũ. Đặng Thân đã trải nghiệm gần như đủ loại thơ. Từ thơ cổ điển đậm đà bản sắc dân tộc, thơ “vay mượn học đòi”, cho tới những sáng tạo khác của anh về thơ “vô thức”, thơ “âm thanh”, thơ “phá chữ”. Và không phải nó không có “nội dung” và không hay.

Đặng Thân của [Phô] Phố đưa cái nhìn soi rọi vào hiện thực cuộc sống thủ đô đổi mới,xô bồ, nhếch nhác và hỗn độn. Hỗn độn từ kiến trúc đô thi đủ loại đủ kiểu trồi sụp đến cách bài trí con đường, ngõ phố; vô trật tự từ số nhà đến lối làm ăn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhếch nhác từ tổ chức lễ hội truyền thống hay hiện đại, từ ngôn ngữ hàng ngày cho đến cách yêu đương,... Tất cả chỉ để biến Hà Nội thành “hạ lội”. Một “hạ lội” không mang tính khái quát như ở Phan Nhiên Hạo: “biến ngôi làng của mình thành một thủ đô/ Một thủ đô được yêu mến bởi những người nước ngoài/ nhưng hãy còn xa lạ với nhiều người Việt Nam khác(3), mà là một Hà Nội rất cụ thể, thân thuộc và đầy thương mến nữa. Hà Nội của hàng việt nam chất lượng cao, những siêu nhân king kong spidermen, trẩy hội chùa phất phơ bóng cà sa khói loang hàng mã, đường đê dài thảng thốt tower cao vút xa phố nhòa; Hà Nội của ngày cuối đông sặc sỡ phố trần nhân tông muôn mầu áo phủ náo nức mẹ chen em chen con chen nó chen, em thiền tưng tưng bừng bừng nứng có những con tim bứng những con chim cứng hồn nhiên lạ; Hà Nội của:
máy lạnh ngan ngát mùi Hoa Kỳ ngày nóng cực lôi tuột vào những nửa tạ thịt nừng nực những kẻ sành điệu con hàng hiệu viêm tiết niệu có thể đang theo vật lý pháp liệu với một tên physio-the-rapist nào đó
gà phơi lườn phô đùi sần sùi trườn đến để phơi phô
(“KFC”, [Phô] Phố)


Sau [Phô] Phố, Đặng Thân chuyển qua Từ điển thi x/x loại [chúng sinh], làm thơ phác họa chân dung các văn nghệ sĩ, xưa và nay, trong hay ngoài nước, với những nét vẽ khác lạ. Là lối chân dung hậu hiện đại. Nó không theo kiểu họa long điểm nhãn cổ điển, cũng không khắc họa bằng nhát cắt bén ngọt khiến đối tượng vừa tưng tức nhưng vẫn phải cười mếu như các chân dung của Xuân Sách về các nhà văn nhà thơ cùng thời với ông. Vì nó quá trúng, không cãi vào đâu được. Chân dung của Đặng Thân khi thì đầy tràn tri thức: "Lý Thường Kiệt & bài thơ thần”, “James Joyce”, khi thì chỉ nhấn vào huyệt đạo tư tưởng nghệ thuật hay hành động trí thức của nhân vật: “Đặng Đình Hưng”, “Cao bá Quát”, “Gao Xingjian”, “Nguyên Ngọc”. Đôi lúc Đặng Thân chế ra tên nhân vật để tránh sự cãi cọ vặt vãnh không cần thiết trong nỗi đời, nhưng vẫn phác được nét chính của chân dung: P.F, Phàn Cái, Cao Ba Nhá,... Các chân dung tinh nghịch, bỡn cợt, “đánh” mà không chút ác ý. Từ điển được xếp theo vần (đương nhiên) và, oái ăm thay, mục “Lồn” nằm chung mục với "Lý Thường Kiệt & bài thơ thần”, do đó chất humor được đẩy lên cao hơn. Tinh thần giải thiêng của hậu hiện đại được đảm báo, nhưng không vì thế mà người đọc đánh mất sự trân trọng với vị anh hùng dân tộc.

Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] tiếp tục làm cuộc giải minh, phản biện và gợi mở các hiện tượng văn hóa - văn chương. Đặng Thân lật tung phần chìm, bề tối của câu hỏi để đặt lại vấn đề tưởng đã giải quyết đâu đấy; anh xáo độn tiếng Việt, từ Hán Việt, tiếng Anh vừa bình dân vừa bác học khiến người đọc rối mò lên, nhưng rốt cùng bài thơ cũng đã tìm được lối ra, vừa thanh thoát vừa bất ngờ.

Vấn đề “Lồn & Húy” hay “Jái” chẳng hạn. Người đọc được tác giả cung cấp nhiều thông tin, thông tin đa chiều, khá thú vị. Hoặc chuyện “đơn thuốc cho thi ca” qua việc luận giải hai câu thơ của Tú Xương.
... văn chương thì lại càng hơn lúc nào hết phải thoát khỏi cái tình trạng “tam đại tiện” (là 3 cái đại đê tiện của người cầm bút; xin đừng nhầm với đại tiện/ỉa là việc thiết yếu/sung sướng với mọi con người lành mạnh, là 1 trong “tứ khoái”) là: nhạt như thể đang là nghề chính của bọn bán ốc luộc (úng thủy – tượng gian nan, hiểm trở); suốt ngày cúng cụ như bọn bán vòng hoa, hương, vàng mã và cờ phướn (hỏa quá vượng nên nặng về lễ nghĩa xằng), dốt nát như bọn buôn hũ (thổ trung hỏa/hỏa nhập vào lòng đất thì là tượng của quẻ Địa Hỏa Minh Di – tình trạng đau thương, ngu tối, điên dại, gẫy đổ, nát bét). Tức là phải làm làm sao để cho độc giả luôn được vừa bốc lửa vừa chẩy nước! Nếu không thì viết làm gì.

Như thế mới được quẻ Thủy Hỏa Kí Tế. Tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành. Quẻ này trên thủy dưới hỏa, Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước, nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được, để thành công dụng cho đời.

Như thế thì dù là “đơn thuốc” hay “văn chương” cũng đều phải trọng dụng thủy hỏa vậy.
(“Tú Xương & sai lầm chết người trong văn chương”, Từ điển thi x/x loại [chúng sinh], chưa xuất bản)


Người đọc có thể đọc nó như đọc một tiểu luận, hay như một bài thơ cũng được, không vấn đề gì cả!

Nhưng thơ phụ âm mới là thứ lôi cuốn anh, đang quyến rũ anh. Loại thơ gần như thuần tuý mang tính kĩ thuật. Đây là một ý niệm mới và quan trong. Thơ phụ âm của Đặng Thân sẽ đặt dấu ấn riêng trong tiến trình thơ Việt. Nó mở lối, và điều chắc chắn là sẽ có thi sĩ nối gót nó. Không phải giẫm lên lối mòn nó vừa đi qua mà là, từ những gì nó đã gợi hứng, gợi mở.

Người đàn bà đẹp nhất trong thành phố



Bukowski, Charles
Bản dịch của Thận Nhiên



Nữ diễn viên Ornella Muti trong phim Tales of Ordinary Madness (Storie di ordinaria follia, 1981) của đạo diễn Ý Marco Ferreri, với nam diễn viên Ben Gazzara trong vai Charles Bukowski. Cốt truyện của phim này dựa trên đời sống cá nhân và một số truyện ngắn của Charles Bukowski, đặc biệt là truyện ngắn “The Most Beautiful Woman in Town” (“Người đàn bà đẹp nhất trong thành phố”).
_________


Cass trẻ và xinh nhất trong năm chị em. Cass là cô gái đẹp nhất trong thành phố. 1/2 phần tính cách thổ dân da đỏ với thân thể uyển chuyển khác thường, một thân thể bốc lửa và mềm mại như loài rắn với đôi mắt bỏng cháy. Cass là lửa chuyển động. Nàng là một linh hồn bị kẹt trong cái thể chất chẳng thể ôm giữ được nó. Mái tóc nàng dài và đen mun và mượt mà và bay lượn như thân thể. Tâm trạng nàng hoặc là thật phấn khích hoặc là thật sầu muộn. Với Cass, không có trạng thái lưng chừng. Có kẻ cho rằng nàng khùng quá. Những đứa đần độn bảo vậy. Bọn đần chẳng bao giờ hiểu được Cass. Với bọn đàn ông, dường như nàng chỉ là một cỗ máy tình dục và chúng không quan tâm rằng nàng có khùng hay không. Và Cass nhảy múa và ve vãn, hôn hít đàn ông, nhưng ngoại trừ đôi lần, khi đến lúc vào cuộc với Cass, thì bằng cách nào đó nàng chuồn êm khỏi vòng tay bọn chúng.

Mấy bà chị trách nàng về việc xài bậy nhan sắc của mình, về việc không tận dụng trí tuệ, nhưng Cass thông minh và tâm hồn mẫn cảm; nàng vẽ, nàng nhảy múa, nàng hát, nàng làm ra những đồ vật bằng đất sét, và khi gặp người bị tổn thương, dù ở phần hồn hay phần xác, thì Cass đều thương cảm sâu sắc cho họ. Chỉ là tâm hồn nàng khác biệt; nó không thực dụng chút nào. Các bà chị ghen tức với nàng vì nàng quyến rũ bọn đàn ông của họ, và họ nổi sân si vì cảm thấy rằng nàng không tận dụng bọn chúng. Nàng có thói quen là tốt bụng với những người xấu xí; những tay đàn ông được cho là đẹp trai chỉ làm nàng phát chán — nàng nói, "Hổng chịu chơi là hổng hứng. Chúng cứ kiêu hãnh về đôi dái tai bé xíu hoàn hảo và lỗ mũi kiểu mẫu... Tất cả những thứ đó chỉ là hàng nổi, chẳng phải là cái bản chất bên trong..." Tính nàng nóng gần như điên rồ; cái tính mà nhiều người gọi là khùng.

Cha nàng chết vì chứng nghiện rượu, còn bà mẹ thì bỏ đi, để mặc đám con gái chơ vơ với nhau. Năm chị em nương náu với một người bà con rồi người này gởi chúng vào một tu viện. Với Cass, tu viện này là một nơi khốn khổ, hơn là đối với những bà chị. Bọn con gái ganh tức với Cass và nàng đánh nhau với hầu hết bọn chúng. Nàng bị những vết dao lam cắt chạy dọc theo cánh tay trái, kết quả của hai trận đánh nhau để tự vệ. Còn có một vết sẹo vĩnh viễn nằm trên má trái, nhưng vết sẹo không làm giảm nhan sắc của nàng chút nào mà dường như còn làm nền cho nét mặt nàng nổi bật lên.

Tôi gặp nàng ở quán rượu West End nhiều đêm sau khi nàng ra khỏi tu viện. Là người trẻ nhất, nên nàng là người sau cùng trong năm chị em được ra khỏi nơi đó. Nàng thản nhiên bước đến ngồi cạnh tôi. Tôi hẳn là gã đàn ông xấu trai nhất trong thành phố và có lẽ điều này có gì đó liên quan đến việc nàng ngồi bên tôi.

“Làm một ly chứ em?” Tôi mời.

“Tất nhiên, tại sao không?”

Tôi không nghĩ rằng có điều gì khác thường trong câu chuyện của chúng tôi đêm đó, mà nó chỉ ở cái cảm giác đến từ Cass. Nàng đã chọn tôi, chỉ đơn giản thế thôi. Không chút áp lực nào. Nàng thích món rượu của mình và nốc tì tì tới bến. Dường như nàng chưa đủ tuổi vào quán rượu nhưng họ không quan tâm. Có lẽ nàng có giấy chứng minh dởm chăng, tôi đếch biết. Dù sao đi nữa, mỗi lần nàng đi vệ sinh rồi trở lại ngồi cạnh, tôi khoái chí thấy mình cũng ngon cơm. Nàng không chỉ là người đàn bà đẹp nhất trong thành phố này mà còn là người đẹp nhất tôi từng được thấy. Tôi vòng tay ôm eo và hôn nàng một lần.

“Anh có thấy em đẹp không?” Nàng hỏi.

“Đẹp lắm, tất nhiên, nhưng có những thứ khác nữa... ngoài dung mạo của em...”

“Thiên hạ luôn kết tội vì em đẹp. Hỏi thiệt nghen, anh có thật sự nghĩ là em đẹp không?”

“Đẹp không phải là lời nói suông, nói vậy là không công bằng với em.”

Cass vói tay lục túi xách. Tôi nghĩ nàng tìm chiếc khăn tay. Nàng lấy ra một cái ghim cài mũ khá dài. Trước khi tôi kịp ngăn lại thì nàng đâm cái ghim xuyên qua cánh mũi, theo chiều ngang, ngay trên lỗ mũi. Tôi rợn gáy kinh hoàng.

Nàng ngó tôi và bật cười khanh khách, “Giờ thì anh thấy em lộng lẫy không? Anh nghĩ sao nào, hả cha nội?”

Tôi rút chiếc ghim ra và dùng khăn tay bụm giữ dòng máu đang tuôn xuống ròng ròng. Nhiều người, cả tay bồi pha rượu, chứng kiến màn diễn của nàng. Tay bồi bước tới:

“Nè," gã nói với Cass, “mày mà còn giở trò nữa là tao đuổi cổ. Tụi tao không cần những trò chơi nổi của mày ở đây.”

“A, đụ má, thằng khốn!” Nàng chửi toáng.

“Cha nội nên kềm con điên này lại.” Tay bồi bảo tôi.

“Cổ sẽ ổn mà. Yên tâm đi.” Tôi trấn an gã.

“Mũi của em,” Cass nói, "em làm gì nó thì kệ cha em chứ.”

“Không đúng,” tôi nói, “anh đau.”

“Anh nói anh đau khi em thọc cái ghim qua mũi của em à?”

“Ờ, đau lắm. Anh nói thiệt đó.”

“Thôi được, em hổng chơi vậy nữa đâu. Cười cái đi nào, cưng.”

Nàng hôn tôi, cười khì trong khi hôn, tay vẫn bịt cái khăn tay trên mũi. Chúng tôi về nơi tôi trọ khi quán đóng cửa. Tôi còn một ít bia để hai đứa ngồi nói chuyện và lai rai. Đó là lúc tôi nhận ra rằng nàng là người có lòng nhân ái và trắc ẩn. Nàng sẵn sàng xả thân không hề suy tính. Cùng lúc đó nàng có thể rơi ngược vào trạng thái hoang dã và khật khùng. Con Tửng. Một con tửng xinh đẹp và linh hiển. Có lẽ rồi một thằng nào đó, một điều gì đó, sẽ huỷ hoại nàng mãi mãi. Tôi mong rằng đó không phải là tôi.

Chúng tôi lên giường, rồi tôi tắt đèn, Cass hỏi, “Anh muốn khi nào? Giờ hay sáng mai?”

“Sáng mai.” Tôi đáp rồi xoay lưng lại.

Buổi sáng thức dậy, tôi pha hai ly cà-phê, mang ly của nàng đến giường.

Nàng bật cười, “Anh là thằng cha đầu tiên từ chối làm chuyện đó vào ban đêm mà em gặp.”

“Chuyện xoàng,” tôi đáp, “mình đâu cần làm chuyên đó chút nào.”

“Không, chờ chút, giờ thì em muốn. Để em đi vệ sinh chút nghen.”

Cass vào phòng tắm. Lát sau nàng trở ra, ngó thật tuyệt, mái tóc đen mun óng ánh, mắt môi óng ánh, toàn thể con người nàng toả sáng lấp lánh... Nàng phô bày thân thể một cách từ tốn, như một báu vật. Nàng chuồi vào trong chăn.

“Yêu em đi, cưng ơi.”

Tôi nhập cuộc.

Nàng hôn tôi trong niềm buông thả, phóng túng nhưng không vồ vập. Tôi vuốt ve khắp thân thể nàng, luồn tay vào mái tóc. Tôi rên lên, run rẩy. Nóng hôi hổi, và siết chặt. Tôi thúc chầm chậm, muốn kéo dài đến vô tận. Đôi mắt nàng nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Em tên gì?” Tôi hỏi.

"Em tên gì thì có khác quái gì chứ?” Nàng hỏi ngược.

Tôi bật cười và làm tới. Xong cuộc, nàng mặc đồ vào rồi tôi chở nàng về quán rượu, nhưng quên nàng quả là điều quá khó. Tôi không đi làm và ngủ thẳng cẳng cho tới 2 giờ chiều rồi dậy đọc báo. Tôi đang ở trong bồn tắm thì nàng bước vào, tay cầm một chiếc lá to — một cái lá tai voi.

“Em biết anh đang ở trong bồn tắm,” nàng nói, “nên em mang cho anh cái này để che cái đó lại, chàng ngốc à.”

Nàng ném chiếc lá tai voi xuống tôi trong bồn.

“Sao em biết anh đang ở trong bồn?”

“Em biết.”

Hầu như mỗi ngày Cass đến là tôi đang ở trong bồn tắm. Những thời điểm khác nhau nhưng nàng ít khi đến trật lúc, và luôn có chiếc lá tai voi. Rồi hai đứa yêu đương nhau ngay lúc đó.

Một hay hai đêm nàng gọi điện thoại báo và tôi phải đóng tiền bảo lãnh nàng ra khỏi nhà giam vì tội say rượu và đánh nhau.

“Bọn chó đẻ,” nàng nói, “chỉ vì chúng trả tiền cho em vài ly mà chúng lại nghĩ rằng chúng có thể thọc tay vào quần em sờ soạng.”

“Một khi em nhận uống một ly với chúng là em tạo ra rắc rối cho mình.”

“Em tưởng là chúng khoái con người em chứ không phải chỉ là thân xác em.”

“Anh khoái em và thân xác em. Tuy nhiên, anh ngờ cái chuyện bọn đàn ông có thể thấy được điều gì khác bên ngoài thân xác của em.”

Tôi rời thành phố trong 6 tháng, vạ vật đây đó, rồi trở lại. Tôi chưa hề quên Cass, nhưng hai đứa đã đụng nhau vài chuyện, và dù sao đi nữa tôi cảm thấy thích tiếp tục kiểu đời sống của mình. Khi trở lại, tôi nhận ra rằng nàng đã biến đâu mất, nhưng tôi ngồi đồng ở West End chừng 30 phút thì nàng bước vào, và ngồi bên tôi.

“À há, đồ khốn kiếp, em thấy anh về rồi nghen.”

Tôi gọi cho nàng một ly. Rồi tôi ngắm nàng. Nàng mặc một chiếc đầm cổ cao. Tôi chưa bao giờ thấy nàng mặc kiểu đầm này. Và bên dưới mỗi con mắt, đâm xuyên vào, là 2 mũi ghim có đầu thuỷ tinh. Người ta chỉ có thể thấy hai chót đầu thuỷ tinh của cây ghim bên trên da, nhưng mũi ghim thì đóng sâu vào mặt nàng.

“Mẹ kiếp đồ điên, vẫn chơi trò huỷ hoại nhan sắc à?”

“Hổng phải, mốt mới đó, đồ ngốc.”

“Em điên vừa thôi.”

“Em nhớ anh.” Nàng nói.

“Có thằng nào chưa?”

“Không, không có thằng nào cả. Chỉ có anh thôi. Nhưng em xoay ra tiền. Em tính giá mười tì mỗi phùa. Nhưng với anh thì em cho không.”

“Nhổ mấy cây ghim đó ra giùm cái đi.”

“Thôi mà, mốt thời trang mà.”

“Ngó nó làm anh muốn bịnh.”

“Thiệt vậy hả?”

“Thiệt!”

Cass từ từ kéo hai mũi ghim ra rồi bỏ chúng vào ví.

“Tại sao em lại giằng xé với cái nhan sắc trời cho của em chi vậy?” Tôi hỏi, “Sao em không thể sống hoà thuận với nó chứ?”

“Bởi vì thiên hạ nghĩ rằng đó là tất cả những gì mà em có. Cái đẹp chẳng là khỉ gì cả, nhan sắc sẽ không sống đời với mình. Anh không hiểu là xấu trai như anh thì may mắn như thế nào đâu, bởi vì nếu thiên hạ quý anh thì anh hiểu rằng đó là do những điều khác.”

“Ừ, mẹ kiếp. Anh may mắn.” Tôi nói.

“Em không có ý nói là anh xấu xí. Thiên hạ chỉ nghĩ là anh xí trai. Anh có gương mặt quyến rũ lắm.”

“Cám ơn!”

Chúng tôi làm thêm ly nữa.

“Anh đang làm gì?” Nàng hỏi.

“Chẳng làm gì cả. Anh không thể dính mãi với bất cứ cái gì cả. Không thấy hào hứng chút nào.”

“Em cũng vậy. Nếu anh là đàn bà thì còn có thể xoay ra tiền.”

“Anh không nghĩ là mình muốn gần gũi với quá nhiều kẻ xa lạ như vậy. Chuyện đó mệt mỏi, chán ngán lắm.”

“Anh nói đúng, quá sức chán ngán, mọi chuyện đều chán ngán.”

Chúng tôi rời quán với nhau. Thiên hạ vẫn ngó Cass chòng chọc trên phố. Nàng vẫn là người đàn bà đẹp, có khi còn đẹp hơn bao giờ.

Hai đứa về chỗ tôi trọ, rồi tôi mở một chai vang và trò chuyện. Với Cass và tôi, câu chuyện luôn luôn đến thật dễ dàng. Nàng nói một hồi, tôi ngồi nghe, rồi tới phiên tôi nói. Câu chuyện cứ thế trôi chảy mà không hề có chút gì căng thẳng. Dường như chúng tôi cùng nhau khám phá những niềm bí mật. Khi tôi khám phá ra một chuyện gì đó thú vị thì Cass cười phá lên khanh khách — cái điệu cười mà duy nhất chỉ nàng có. Nó như niềm vui bùng ra ra từ lửa. Qua câu chuyện, chúng tôi hôn và xích lại gần nhau hơn. Chúng tôi nóng ran lên rồi rủ nhau vào giường. Rồi, khi Cass cởi chiếc áo đầm cổ cao ra thì tôi thấy nó — cái sẹo xấu xí lởm chởm hình răng cưa kéo ngang cổ nàng. To sụ và dày cộm.

“Con khốn,” tôi thét lên, “trời đày mày hay sao! Mày làm cái chó gì vậy?”

“Đêm đó em chơi nó bằng một cái chai bể. Anh không thấy yêu em nữa sao? Em còn đẹp không?”

Tôi lôi nàng xuống giường và hôn. Nàng xô tôi ra rồi cười lanh lảnh, “Có mấy thằng trả em mười tì, rồi khi em cởi đồ ra thì chúng hết hứng. Em chịt cổ mười tì, đếch trả lại. Đời vui quá xá!”

“Đúng rồi.” Tôi nói, “Anh mắc cười quá… Cass à, em đúng là con đĩ chó, anh yêu em quá… đừng tàn huỷ mình nữa, em à; em là người đàn bà chơi xả láng nhất mà anh từng gặp trong đời.”

Chúng tôi lại hôn. Cass khóc lặng lẽ không thành tiếng. Tôi cảm nhận được những giọt lệ. Mái tóc đen mun nằm xoã sau lưng tôi như lá cờ của cái chết. Chúng tôi quấn vào nhau, yêu nhau một trận tình lướt thướt và rũ rượi và tuyệt vời thăng hoa.

Sáng hôm sau, Cass dậy làm món điểm tâm. Trông nàng thật bình thản và ngời ngời hạnh phúc. Nàng hát. Tôi nằm yên trên giường thưởng thức niềm hạnh phúc của nàng. Sau cùng, nàng tới lay tôi dậy, “Dậy đi, thằng cha hư hỏng! Rửa cái mặt mẹt cho tươi tỉnh rồi thưởng thức bữa đại yến, nha!”

Hôm đó, tôi chở nàng ra bãi biển. Nhằm vào ngày thường và mùa hè chưa tới nên mọi thứ đều vắng ngắt. Bọn du thủ du thực quấn mình trong mớ giẻ rách ngủ trên các bãi cát. Những kẻ khác ngồi trên băng ghế đá chuyền tay nhau một chai rượu. Những con mòng biển bay vần vũ trên cao, trông như vô tư lự mà lại cuồng loạn. Những bà già trong độ 70, 80 ngồi trên băng ghế, bàn cãi về việc bán lại bất động sản được thừa kế từ những ông chồng đã chết từ lâu bởi trò ăn chơi phóng đãng và sự ngu xuẩn của cuộc sống còn. Vì những thứ đó, sự yên bình trong không khí, chúng tôi dạo loanh quanh rồi nằm duỗi dài trên bãi, không nói năng gì. Thật tuyệt vời khi hiện hữu bên nhau. Tôi mua bánh kẹp thịt, đồ ăn vặt và nước uống, rồi ngồi ăn trên cát. Rồi tôi ôm Cass, hai đứa ôm nhau ngủ chừng một giờ. Chỉ vậy mà vui sướng hơn cả làm tình. Có một sự trôi chảy, hoà điệu cùng nhau không chút ưu tư. Khi thức giấc, chúng tôi lái về nhà tôi trọ, rồi tôi nấu bữa tối. Ăn tối xong, tôi nói với Cass hãy sống chung với nhau, nghèo khó lang thang cũng được. Nàng im lặng một lúc, nhìn tôi, rồi chậm rãi nói, “Không, anh à.” Tôi chở nàng về quán rượu, gọi cho nàng một ly rồi bước ra khỏi quán.

Hôm sau tôi tìm được một chân đóng gói hàng ở một hãng nọ rồi cắm đầu cày suốt tuần. Tôi quá mệt để la cà, nhưng tối thứ Sáu tôi mò đến West End. Tôi ngồi chờ Cass. Nhiều giờ trôi qua. Sau khi tôi ngà ngà xỉn thì gã bồi rượu bảo, “Em chia buồn về cô bạn gái của anh.”

“Chuyện gì vậy?” Tôi hỏi.

“Em rất tiếc. Anh không biết chuyện gì sao?”

“Không.”

“Tự sát. Người ta chôn cổ hôm qua.”

“Chôn?” Tôi hỏi. Dường như nàng sẽ bước qua ngưỡng cửa ở kia bất cứ lúc nào. Làm sao mà nàng thăng đi đâu được chứ?

“Mấy cô chị chôn cổ.”

“Tự sát à? Làm ơn kể cho tôi đi!”

“Cô ấy tự cắt cổ.”

“Tôi hiểu rồi. Cho ly nữa đi.”

Tôi nhậu cho tới khi quán đóng cửa. Cass, kẻ đẹp nhất trong năm chị em, người đàn bà đẹp nhất trong thành phố. Tôi cố lái xe về nhà, lòng cứ nghĩ, lẽ ra tôi phải nài nỉ nàng ở lại với mình thay vì chấp nhận câu trả lời “không”. Mọi chuyện về nàng đều ngụ ý rằng nàng đã quan tâm điều tôi đề nghị. Tôi đã quá bất cẩn, quá lười biếng, quá vô tâm.

Tôi đáng nhận cái chết của mình và của nàng. Tôi là một con chó. Không, tại sao lại đổ thừa cho chó? Tôi trỗi dậy lấy chai vang, rồi dốc rượu vào miệng. Cass, cô gái xinh đẹp nhất thành phố, chết ở tuổi 20.

Có thằng khốn nào đang bấm còi xe ở bên ngoài. Tiếng còi inh ỏi và liên lỉ. Tôi đặt chai rượu xuống và gào lên:

“ĐỒ TRỜI ĐÁNH, ĐỒ CHÓ ĐẺ, CÂM LẠI!”

Đêm cứ tràn tới và chẳng còn điều gì tôi có thể làm.










---------------
Dịch từ nguyên tác “The Most Beautiful Woman in Town”, trong Charles Bukowski, The Most Beautiful Woman in Town & Other Stories (San Francisco: City Lights Books, 1988) 01-07.



chỉ có hiện tại là thật



Khaly Chàm



hãy nghĩ đến quá khứ
là giấc mơ trống rỗng của sự tưởng tượng
tất cả đều mất hút vào hư không của quá khứ
chẳng thể nào hình dung được
hình thái cứu cánh về mặt tâm linh...
có thể chấp nhận mọi khía cạnh lịch sử
hiện tại thi hài lịch sử đã được lý trí khâm liệm
để nó trở thành một kỳ quan?
dối trá luôn thể hiện qua nhiều bộ mặt
chứng nhân tôn sùng giả hiệu
loài người đang lạm dụng ảo tưởng
không bao giờ có cuộc đời nào khác tốt đẹp hơn
nói về một thế giới khác
ta đang phỉ báng thời gian
khi biết rằng: ta mặc nhiên tồn tại theo từng hơi thở
ta phớt lờ trước cảm xúc sợ hãi pha lẫn bi thương
những kỹ năng thao tác tuyệt vời của phu đào huyệt
không cần biết quá khứ hay tương lai

Đôi ta ngủ và mơ trong cái tổ làm bằng mùi ái ân






Ngày
em phủ mùi hương em lên đời tôi
lá thơm là da thịt của ái ân
cánh trắng là hướng đến lần ái ân khác.

Đôi ta hứng nước sướng của nhau
khuấy động cánh rừng lông tơ.

Đôi ta
rời khỏi bờ bến lạt lẽo kiếp người
mãi mãi tìm thấy nhau trong hũ kẹo của Thượng Đế
từng viên kẹo là cánh bướm gọi thức ái ân
lần làm tình gần nhất là giữa không gian đêm diễn của hoa hồng
trong đêm hoa hát bằng mùi hương
mọi bí ẩn về giống cái giống đực hoá ra thật giản dị
như một giọt sương.


Đôi ta ngủ và mơ trong cái tổ làm bằng mùi ái ân
từ đó trên con đường đi về phía cái chết
ngày ngày
anh và em đắm đuối trong nguồn hương nước sướng
đó là cách chúng ta nhận biết mây trắng về
và mặt trời là quả bóng bóng chơi chung của bé trai và bé gái.

Đời người chuyện gì đáng kể!
Hũ kẹo của Thượng Đế.
Đêm diễn của hoa hồng.
Mưa sương kết tụ từ hương nồng ái ân.
Quả bong bóng đưa cuộc tình bay vào bầu trời vô tận.


Trần Tiến Dũng

Thần chết và kẻ bủn xỉn”, một ngụ ngôn đạo đức của Hieronymus Bosch




Tác giả: Chu Di Tú ( Đài Loan)

 Hieronymus Bosch (1450 – 1516), một họa sĩ người Hà Lan với phong cách hậu Gothic, được biết đến như là đại diện Bắc phái trong thời kỳ tiền Phục Hưng, thường vẽ các tác phẩm có chủ đề tôn giáo, với sự châm biếm, những bình luận bi quan và đặc biệt ưa thích sự đau đớn trong địa ngục. Tác phẩm “Thần chết và kẻ bủn xỉn” (“Death and the Miser”) mà Bosch vẽ vào năm 1490 sau công nguyên là một câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức để cảnh tỉnh bất cứ ai truy cầu sự giàu có trong cuộc sống này và vẫn còn ôm giữ nó cho tới tận lúc chết.


Năm 1490 sau công nguyên, tranh sơn dầu vẽ trên gỗ, 36 5/8 x 12 1/8 tại Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia; Washington, D.C.

Người đàn ông trần truồng (kẻ bủn xỉn) nằm trên giường và đang khăng khăng với sự xuẩn ngốc của ông, thậm chí khi đã cận kề cái chết. Thần chết, được thể hiện bên tay trái, đã bước vào phòng ngủ của ông. Vị thần hộ mệnh của ông cố gắng thu hút sự chú ý của ông vào cây thánh giá trên cửa sổ, nhưng tay ông vẫn còn với lấy túi vàng, thứ mà con quỷ đang cầm.

Người đàn ông trần truồng và đang hấp hối có vẻ như là một người đầy quyền lực: Bộ áo giáp của ông nằm dưới chân giường, nhưng lại ở bên ngoài bậc thềm, cho chúng ta gợi ý rằng sự giàu có của ông có thể đến từ những trận đánh. Kẻ bủn xỉn đã chiến đấu vì của cải và cất giữ nó ngay bên cạnh ông. Ông xuất hiện hai lần trong bức tranh. Lần thứ hai mà ông xuất hiện là khi còn khỏe mạnh, ăn mặc chỉnh tề và đang cất giấu vàng của mình, đầy vẻ thỏa mãn khi ông cho thêm một đồng xu khác vào trong hòm. Ma quỷ lẩn trốn khắp nơi trong chiếc hòm đựng vàng của ông.

Thần chết đã thò cái đầu ghê sợ vào sau cánh cửa. Hãy để ý sự ngạc nhiên của người đàn ông ốm yếu: Thần chết đến thật bất ngờ! Giờ đây trận chiến cuối cùng đã bắt đầu. Đây là một trận chiến mà ông phải chống chọi mà không có chiếc áo giáp. Bên cạnh chiếc giường là một con quỷ đang ẩn nấp, thậm chí nó còn đang đưa vàng cho kẻ bủn xỉn, người vẫn chìa tay ra vào giờ phút cuối cùng. Một con quỷ khác đang thò đầu xuống từ trên nóc chiếc giường, đầy vẻ mong ngóng và thích thú.

Kết cục của câu chuyện này vẫn chưa ngã ngũ. Vị thần hộ mệnh đang ngước nhìn cây thánh giá trên khung cửa sổ một cách đầy thất vọng. Dường như Chúa đã không bỏ rơi kẻ bủn xỉn bởi vì một tia sáng mờ ảo đầy hy vọng đang chiếu rọi từ cửa sổ về phía ông, hứa hẹn ban tặng trí tuệ cho ông để giúp ông từ bỏ chấp trước vào của cải phù du và nắm lấy sự cứu độ của Thần.

Mặc dù các tác phẩm của Bosch nhìn chung được coi là bi quan, nhưng khi ông miêu tả Thiện và Ác đồng thời, Thần thường xuyên có mặt trong tranh của ông, kiên nhẫn và từ bi chờ đợi con người hối cải.

Vứt bỏ ảo ảnh của tình


Tác giả: Quả Chính



 Nghe nói, từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni đến nước Xá Vệ thuyết Pháp giáo hóa đại chúng, người toàn thành đều trở nên có đạo đức, có lễ nghi, hiểu biết chuyện. Họ giúp đỡ lẫn nhau, ăn ở hòa thuận, nước Xá Vệ trở thành một cõi yên vui.

Khi tin tức này truyền sang nước khác, tại nước La Việt xa xôi có một người ngoại đạo, vì nảy sinh tâm khâm phục uy đức của Phật Đà, nên không quản khó nạn lên đường tới nước Xá Vệ, mong muốn bái kiến Phật Đà, thỉnh cầu dạy dỗ. Thế nhưng khi còn chưa được gặp Đức Phật, anh đã gặp một việc khiến anh khó lý giải.

Nguyên nước Xá Vệ là một chốn nhiệt đới, rất nhiều rắn độc, nếu bị rắn cắn, thì lập tức bỏ mạng; do đó, tại nơi này người bị rắn độc cắn chết rất nhiều. Khi người ngoại đạo này đi tới ngoài thành, thấy có hai cha con đang làm ruộng, thì đột nhiên một con rắn độc nhảy ra từ đám cỏ cắn người con, không lâu sau phát độc mà chết. Thế nhưng người cha vẫn cứ làm ruộng như bình thường, dường như không chịu ảnh hưởng mấy bởi cái chết của người con.

Người ngoại đạo cảm thấy rất kỳ lạ, mới hỏi ông cụ rằng: “Người trẻ tuổi này là ai vậy ạ?” “Là con của lão đấy”, ông cụ đáp. “Anh nhà bị rắn cắn chết, cụ không cảm thấy thương tâm còn tiếp tục làm việc, đó chẳng phải đứa con cụ thân sinh sao?”

“Đau thương phỏng có ích chi. Đời người vẫn là phải chết, hưng thịnh và suy bại của sự vật cũng có quy luật của nó, người dẫu sao cũng chết rồi. Nếu anh ấy có nhân thiện, thì sẽ gặp thiện báo; nếu anh ấy gieo nhân ác, thì ác báo sẽ ở nhãn tiền. Tôi khóc lóc nỉ non, đối với người chết thì có chỗ gì tốt đây?” Cụ già nói tới đây, thấy kẻ ngoại đạo ngây người ra, mới hỏi anh: “Anh định vào thành phải không? Tôi có một việc tiện nhờ anh luôn, được không?”

Người ngoại đạo hỏi rốt cuộc là việc gì, cụ già tiếp tục nói: “Anh vào thành rồi, nhờ anh ghé vào ngôi nhà thứ hai, nói với gia đình tôi rằng chỉ cần cơm cho một người ăn trưa thôi, vì con tôi đã bị rắn cắn chết rồi”.

Người ngoại đạo vô cùng kinh ngạc, vì sao cụ già này một chút thiện tâm, nhân từ cũng không có nhỉ; con trai chết ở đó, mà không hề đau khổ, còn không quên bữa trưa của mình, trên thế gian có ông bố nào bạc tình hơn thế này không?

Người ngoại đạo đi vào thành, rẽ vào nhà lão nông dân, nói với cụ bà: “Con trai bà bị rắn độc cắn chết rồi! Cha của anh ấy bảo tôi báo tin cho bà, trưa nay chỉ cần mang cơm cho một người thôi!” Cụ bà nghe xong, cảm ơn người báo tin, nhưng không bi thương chút nào. Người ngoại đạo thấy lạ bèn hỏi: “Bà ơi, bà không thương anh nhà chết thảm hay sao?”

Bà lão thản nhiên đáp lại: “Đứa con này chuyển sinh vào nhà tôi, cũng không phải tôi kêu gọi anh đến, mà là anh ấy tự đến. Hiện tại anh ấy đi rồi, tôi cũng lưu lại không được, cũng như lữ khách trú lại một đêm ở quán trọ, đến sáng lại ra đi, không ai lưu lại được. Thực ra không cần phải lưu lại, giữa mẹ con chúng tôi chỉ như vậy thôi; con tôi đi đâu, là tùy theo duyên nghiệp của anh ấy, tôi cũng không giúp gì được nữa”. Người ngoại đạo nghe xong mấy lời này bèn nghĩ, đúng thật là một cặp phu thê bụng dạ sắt đá, tựa như không có nhân tình.

Lúc này trước mặt xuất hiện một cô gái, là chị gái của người đã khuất, người ngoại đạo hỏi cô rằng: “Em trai chị chết rồi, chị thương tâm lắm phải không?”

“Cậu ấy đã qua đời rồi, tôi còn thương tâm làm gì nữa? Chúng tôi cũng như những miếng gỗ của tấm bè, khi trôi trong nước gặp phải bão lớn, bè gỗ bị vỡ ra, các mảnh gỗ theo sóng mà phiêu bạt, gỗ mãi mãi không thể kết thành thuyền được nữa. Chúng tôi vì nhân duyên tình cờ mà trở thành chị em, cùng sinh tại một nhà, nhưng thọ mệnh dài ngắn khác nhau, sinh tử không có thời gian quy định. Anh ấy dẫu sao đã rời đi trước rồi, tôi là chị gái cũng không có năng lực giải cứu”.

Người chị vừa nói xong, bên cạnh lại một phụ nữ khác nói: “Đúng vậy, chồng của tôi chết rồi”.

Người ngoại đạo lúc này như rơi vào đám mây mù, mới hỏi người phụ nữ: “Chồng của chị mất rồi, chị vẫn điềm nhiên như không vậy, không hề có đau thương, thế liệu có đúng không?”

Vợ của người chết bình tĩnh đáp: “Sự kết hợp giữa vợ chồng chúng tôi cũng như cặp chim trên trời vậy, ban đêm nghỉ tại một nơi, đến sáng lại tách ra đi tìm thức ăn, có vận mệnh riêng. Chim đã bay mất là không thể trở lại, ấy là do tạo hóa, tôi không thay thế được anh, cũng không có cách nào gánh chịu nghiệp lực thay anh, tựa như khách qua đường vậy, gặp nhau xong lại mỗi người một phương”.

Người ngoại đạo nghe những lời của người nhà thì đầy tâm bất bình, thậm chí còn hối hận đã lỡ đến đây, vì nghe nói người nước Xá Vệ hiếu đạo lắm. Đến đây để quy chính bản thân, tìm kiếm chân lý, nào ngờ gặp phải toàn những người không chút từ tâm thế này.

Dù sao đi nữa, anh vẫn muốn gặp Đức Phật một phen, gặp rồi không còn hối tiếc gì nữa. Thế là anh tìm đến tinh xá Chi Viên để cầu kiến Phật Đà.

Người ngoại đạo trong tâm đầy nghi vấn, sau khi bái kiến Phật Đà thì lặng lẽ ngồi một bên, cúi thấp đầu chứ không mở miệng hỏi. Thực ra tâm tư của anh thì Đức Thích Ca đã sớm biết được, nên cố ý hỏi anh: “Điều gì khiến con ưu sầu như vậy?”

“Bởi vì hy vọng không thể như ý nguyện, gặp phải sự việc trái tâm khiến con ưu sầu”, người ngoại đạo đáp.

“Ưu sầu không thể giải quyết vấn đề, có gì khiến con ngả lòng, hãy nói hết ra xem”, Đức Thích Ca từ bi nói.

“Con từ phương xa mộ danh mà tới, cũng vì sùng bái nước Xá Vệ có Phật Đà ngài giáo hóa, nhân dân đều theo Pháp thừa hành. Nào ngờ vừa tới đây đã gặp phải sự việc có chút không còn nhân tính…” Người ngoại đạo đem chuyện gặp gia đình lão nông kể hết cho Đức Thích Ca nghe. Anh cho rằng đây là việc đại nghịch bất đạo, không có nhân tình, còn nói gì tới từ bi, không ngờ tại quốc gia Phật Đà này lại có việc như vậy phát sinh.

Thế nhưng Đức Thích Ca lại cười nói với anh rằng: “Không hẳn như lời con nói đâu. Con hy vọng nhìn thấy, nghe thấy sự việc có nhân tính, nhân tình, nhưng Pháp lý có lúc không thể thuận theo nhân tính được. Tịnh hóa nhân tính, tương ứng chân lý, đây mới là điều trọng yếu của tu hành. Con trông thấy một gia đình, trên đạo lý, thì họ không có sai. Họ biết rằng nhân sinh vô thường, con người không thể mãi mãi bảo trì sinh mệnh sắc thân của mình được. Tất cả thánh phàm xưa nay đều như thế cả, một cá nhân chết rồi, mọi người đều khóc lớn vì anh ta, điều này đối với người chết có chỗ gì tốt đây? Hơn nữa người ấy lúc còn sống đã định trước là phải chết, sống thì vui chết thì buồn. Đây là mê hoặc của sinh tử đối với thế tục, cho nên dòng lưu chuyển của sinh tử sẽ vĩnh viễn không bao giờ ngừng”.

Người ngoại đạo nghe Đức Thích Ca khai thị xong, tâm lý bỗng nhiên khai ngộ, từ đó cải tông quy y Phật Đà, trở thành một tỳ kheo kiền thành tinh tấn.

Sự phát triển theo chu kỳ của văn minh loài người







Các ghi chép lịch sử cho thấy rằng chu kỳ văn minh nhân loại kỳ này của chúng ta mới phát triển được không quá 10.000 năm, từ thời kỳ đồ đá nguyên thủy nhất cho tới xã hội hiện đại phát triển cao như ngày nay. Tuy nhiên, dựa trên những di tích khai quật được, một lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn 2 tỷ năm tuổi được tìm thấy ở Cộng hòa Gabon, và một khối cầu kim loại 2,8 tỷ năm tuổi được tìm thấy ở Nam Phi, người ta thấy rằng con người với nền văn minh phát triển cao độ đã từng tồn tại trên trái đất này kể từ thời viễn cổ. Rõ ràng là, không di tích lịch sử nào trong số đó là thuộc về nền văn minh nhân loại thời kỳ này của chúng ta, và do đó chúng thuộc về các chu kỳ văn minh khác. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về văn hóa tiền sử, trong đó lập luận rằng có hơn một chu kỳ văn minh trên trái đất. Họ cho rằng sự phát triển của văn minh nhân loại là mang tính chu kỳ; các nền văn minh khác nhau đã từng tồn tại trong những thời kỳ lịch sử khác nhau trên trái đất.

Các nền văn minh tiền sử đã bị hủy diệt bởi đủ loại thảm họa, chẳng hạn như động đất, lũ lụt, núi lửa phun trào, va chạm với thiên thạch hay sao chổi, sự nâng lên hay sụt xuống của các bản khối đại lục hay thay đổi thời tiết đột ngột. Những thảm họa này đã hủy diệt nền văn minh trong mỗi thời kỳ và làm tuyệt chủng hầu hết các loài, chỉ để lại rất ít di tích văn hóa. Tất cả người tiền sử và nền văn minh của họ đều bị biến mất khỏi trái đất. Bằng cách nào những nền văn minh này bị hủy diệt? Và tại sao? Chúng ta có thể tìm một số manh mối từ những di tích tiền sử được khai quật.

1. Vô số nền văn minh tiền sử đã từng bị hủy diệt

1.1. Lục địa Atlantis chìm xuống đáy biển 12.000 năm trước

Atlantis là một lục địa có nền văn minh phát triển cao. Khoảng 11.600 năm trước, nó đã chìm xuống đáy biển bởi một thảm họa động đất rung chuyển cả địa cầu. Một số học giả cho rằng nó có thể từng nằm tại vùng biển Đông. Biển ở đó rất nông, với độ sâu trung bình chỉ 60 mét. Chỉ những ngọn núi cao nhất của Atlantis là vẫn còn trên mặt nước, và nó trở thành Indonesia ngày nay.

1.2. Những di tích bị đánh chìm
Ở độ sâu khoảng 200 mét dưới đáy biển gần bờ biển Peru, người ta đã tìm thấy một số cột đá với những dòng chữ được chạm khắc cùng các công trình đồ sộ. Bên ngoài eo biển Gibraltar, trong biển Đại Tây Dương, 8 bức ảnh đã được chụp thành công, trong đó thấy rõ những bức tường và bậc đá của một lâu đài cổ. Chúng đã bị chìm gần 10.000 năm trước. Tại đáy biển phía tây tam giác Béc-mu-đa, một kim tự tháp khổng lồ đã được tìm thấy. Rõ ràng là, những di dích này đại diện cho các nền văn minh huy hoàng của người tiền sử đã bị chìm xuống đáy đại dương, nơi đã từng là lục địa.

1.3. Sự mô tả trận đại hồng thủy

Khoảng 12.000 năm trước, thời kỳ cuối cùng của văn minh nhân loại đã phải chịu một trận đại hồng thủy, và nó đã nhấn chìm tất cả các lục địa. Sau nhiều năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng về trận đại hồng thủy này, trực tiếp hay gián tiếp. Truyền thuyết của nhiều quốc gia cổ xưa khác nhau trên thê giới cũng ghi lại điều này, ở một quá khứ xa xăm, một trận đại hồng thủy đã xảy ra trên trái đất và phá hủy tất cả nền văn minh loài người, với chỉ một số ít người còn sống sót. Có tới hơn 600 truyền thuyết về trận đại hồng thủy. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Hy Lạp, Ai Cập, các thổ dân Châu Phi, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau ghi lại ký ức về trận lụt này. Mặc dù các truyền thuyết này thuộc các tộc người khác nhau và văn hóa khác nhau, chúng đều cực kỳ tương đồng về câu chuyện và các người hùng. Tất cả những chứng cứ này không thể chỉ được giải thích đơn thuần là “sự trùng hợp”.

Có rất nhiều lời mô tả về trận lụt này trong Kinh Thánh. Mặc dù Kinh Thánh là một cuốn sách tôn giáo, nhiều học giả cho rằng nó nói về lịch sử chân thực của loài người. Sau đây là một số đoạn trích từ Kinh Thánh:

“Cơn hồng thủy kéo dài bốn mươi ngày trên mặt đất. Nước tăng thêm và nâng tàu lên, khiến tàu ở cao hơn mặt đất. Nước dâng và tăng thêm nhiều trên mặt đất, và tàu lênh đênh trên mặt nước.”(Sáng Thế Ký, Chương 7, 17-18)

“Và nước vượt qua mặt đất, vượt qua những ngọn đồi cao, và tất cả dưới bầu trời đều bị bao phủ.” “Vào tháng bảy, ngày mười bảy tháng ấy, chiếc thuyền tới đỉnh núi còn lại Ararat. Bốn tháng sau, mặt đất mới khô ráo.” (Sáng Thế Ký, Chương 7-8)

Trận lụt này, cùng với sự chìm xuống của cả lục địa đã hoàn toàn phá hủy tất cả nền văn minh của nhân loại trên trái đất. Chỉ một số rất ít người còn sống sót. Nhiều di tích tiền sử được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ mới đây đã nêu lên vấn đề rằng lục địa Atlantis, được ghi chép trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, có thể đã từng bị hủy diệt bởi trận đại hồng thủy.

1.4. Đột ngột đóng băng – vẫn còn lại vùng đất bị đóng băng ở Siberia

Ở vùng đất băng giá thuộc Siberia, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của hàng ngàn động vật có vú. Một số rất hoàn hảo, một số bị vỡ thành từng mảnh và bị cuộn vào những thân cây. Các nhà khoa học đã kiểm tra phần thức ăn còn lại trong dạ dày của chúng, và thấy rằng trong đó có cỏ chưa tiêu hóa, thứ cỏ thuộc vùng khí hậu ôn hòa. Một thảm họa kinh khủng đã xảy ra trong một thời gian ngắn và làm đóng băng tất cả sinh vật trong vùng thảo nguyên này tại vị trí hiện tại


1.5. Thảm họa 65 triệu năm trước đây:
Sáu mươi lăm triệu năm trước, trái đất là một thế giới của khủng long. Các nhà khoa học ước tính rằng khủng long đã từng sống trên trái đất lâu nhất là 140 triệu năm trước, và họ đã tìm được một số bằng chứng cho thấy con người đã từng cùng tồn tại với khủng long. Dưới đáy sông Raluxy ở Texas, người ta đã tìm thấy một số dấu chân khủng long từ kỷ Phấn Trắng. Các nhà khảo cổ đã kinh ngạc khi tìm thấy 12 hóa thạch dấu chân người chỉ cách các dấu chân khủng long kia 18,5 inches. Ngoài ra, một dấu chân người trùng với dấu chân của khủng long. Các nhà khoa học đã cắt mẫu hóa thạch và thấy rằng có một số dấu vết bị đạp lên bên dưới dấu chân, chứng tỏ rằng mẩu hóa thạch này không thể là giả mạo. Và trong phần địa hình gần đó, các nhà khoa học đã tìm thấy một hóa thạch ngón tay người và một chiếu rìu được con người chế tạo.

Tại một cái hang ở Peru, người ta đã tìm thấy hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật làm từ đá, có niên đại lên tới 200 triệu năm tuổi. Trong số đó có các bức tranh đáng kinh ngạc: một phi công đang điều khiển một vật thể bay lạ bên trên một bầy khủng long, và một số người đang tấn công con khủng long bằng chiếc rìu!

Rõ ràng là, nhân loại phát triển cao đã từng tồn tại đồng thời với khủng long. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng khủng long đã đột ngột tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước, một thực tế vẫn chưa được giải thích. Một lời giải thích khả thi có thể là một thảm họa đã xảy ra vào thời điểm đó, dẫn tới sự hủy diệt nền văn minh loài người cùng hầu hết các loài động vật, bao gồm cả khủng long.

1.6. Thành phố Mohenjodaro bị hủy diệt do sự gia tăng nhiệt độ đột ngột

Địa điểm khảo cổ thuộc thành phố Mohenjodaro đã được tìm thấy ở vùng thung lũng sông Indus, tại nơi mà ngày nay là Pakistan. Sự khai quật được bắt đầu vào năm 1920 và vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày nay. Nhưng những phần đã được khai quật hé lộ rằng con người thời đó đã đạt được một nền văn hóa phát triển cao so với văn hóa đô thị hiện đại ngày nay. Nhà cửa được làm từ gạch nung. Và trong mỗi hộ gia đình, có một hệ thống cống rãnh hoàn chỉnh đến mức hoàn hảo. Nước từ nhà vệ sinh ở tầng trên có thể đi theo ống dẫn bên trong tường xuống bể phốt, và có các điểm xử lý tại bể phốt để làm sạch thường xuyên! Ngoài ra, một số hộ thậm chí còn được trang bị thùng rác đặc biệt để họ có thể vứt rác xuống từ trên lầu.

Nhiều xác người đã được tìm thấy tại địa điểm của thành phố. Những người này không được chôn trong mộ mà trông họ giống như đã bị chết đột ngột. Một người khai quật nói: “Rõ ràng là, tất cả họ đã đột nhiên chết do một loại thay đổi đột ngột nào đó”. Một số người đã đưa ra các giả thuyết khác, chẳng hạn như dịch bệnh, vụ tấn công, tự sát tập thể hay tương tự như vậy. Nhưng không thảm họa nào trong số chúng có thể ngay lập tức giết chết tất cả mọi người.

Một nhà khảo cổ học người Ấn Độ đã tìm thấy một số dấu vết trên cơ thể họ, cho thấy rằng họ đã bị nung nóng ở một nhiệt độ rất cao. Các nhà khoa học cho rằng họ có thể là nạn nhân của một vụ phun trào núi lửa, hay thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử. Người ta đã xác nhận rằng phế tích thành phố và cái chết của những cư dân đã bị gây ra bởi một sự gia tăng nhiệt độ đột ngột.

1.7. Địa điểm thuộc Tiahuanaco tại Nam Mỹ

Từ địa điểm khảo cổ thuộc thành phố Tiahuanaco, nằm giữa biên giới Peru và Bolivia, các nhà khoa học đã khai quật được nhiều hóa thạch cá chuồn, sò và các loại động vật biển khác. Họ cũng khám phá ra rằng Tiahuanaco đã từng là một bến cảng với những cầu tàu được thiết kế tốt, một trong số chúng có thể chứa đồng thời hàng trăm chiếc thuyền. Tuy nhiên, bến cảng cổ xưa với lịch sử ước tính 1.700 năm tuổi này đã bị nâng lên thành một cao nguyên ở độ cao 4.000 mét so với mực nước biển! Người ta giả định rằng bến cảng này đã bị hủy diệt và bỏ rơi do một sự xáo trộn mạnh mẽ của các bản khối đại lục.

1.8. Thành phố cổ đại bị nhấn chìm dưới biển Địa Trung Hải
Các nhà khảo cổ người Pháp và Ai Cập đã phát hiện ra một số thành phố cổ đại bị nhấn chìm dưới đáy biển, gần thành phố cảng Alexander ở Ai Cập. Người ta ước tính rằng những thành phố cổ này được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 hay 7 trước Công nguyên, trong thời kỳ của các Pharaohs. Tên của chúng thường được đề cập đến trong các vở kịch Hy Lạp, sách hướng dẫn du lịch và chuyện thần thoại. Đây là lần đầu tiên các bằng chứng được tìm thấy để chứng minh sự tồn tại thực sự của chúng.

Khi các nhà khảo cổ lặn xuống đáy biển, họ đã bị sốc bởi những gì họ thấy: những công trình được bảo tồn hoàn hảo, các ngôi đền nguy nga, những bến cảng khá hiện đại và các bức tượng khổng lồ mô tả cuộc sống con người thời đó. Toàn bộ thành phố đã bị đông cứng lại trong quá khứ xa xôi! Quan sát những thành phố dưới đáy biển này, người ta thấy những công dân thành thị dưới thời các Pharaohs có cuộc sống rất tốt. Để hưởng thụ cuộc sống, họ đã xây dựng các tòa nhà rộng lớn và sáng sủa với hệ thống thông gió được thiết kế tỉ mỉ, các nhà vệ sinh và phòng tắm, những công viên giải trí ngoài trời quy mô lớn cùng hệ thống dẫn nước thành thị hoàn hảo.

Những thành phố này đã thình lình bị hủy diệt trong một đêm khi đang ở trên đỉnh cao của sự thịnh vượng vào 1.200 năm trước đây. Tại sao họ lại biến mất đột ngột như vậy?

Các nhà khảo cổ đã đưa ra giả định rằng một trận động đất dữ dội có thể đã phá hủy những thành phố này. Trận động đất có thể xảy ra vào thế kỷ thứ 7 hay 8 sau Công nguyên, bởi vì các đồng xu và của cải được những thợ lặn tìm thấy có niên đại vào thời Byzantine. Các nhà khảo cổ đã cố gắng mô tả cái đêm xảy ra thảm họa 1.200 năm trước: một trận động đất rất mạnh tách thành phố ra thành từng mảng, và một cái vực sâu xuất hiện ở ngay khu trung tâm thành phố. Nước từ vết nứt đó phun lên trời, ngay lập tức nuốt lấy thành phố, nhà cửa và con người. Ngày càng nhiều nước tràn vào thành phố, và mặt đất sụt xuống biển. Không lâu sau đó, cả thành phố đã biến mất dưới đáy biển sâu. Vô số sinh mạng đã bị chôn vùi dưới đáy biển; hầu như không ai có thể thoát khỏi thảm họa..