Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Hạnh phúc tìm nơi đâu?



Bạn sống trên đời này để làm gì?
- Nếu có ai đó hỏi bạn như thế bạn sẽ trả lời như thế nào? - Tìm hạnh phúc!

Sở dĩ người ta đau khổ bởi vì người ta luôn đi tìm sự thoả mãn với bản thân, nói một cách khác, người ta đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Có hai thứ hạnh phúc, dĩ nhiên là có những thứ ở mức độ khác nữa, nhưng không đáng kể lắm. Theo tôi, có thể gọi hai thứ hạnh phúc đó là Chất phác và phong nhã, thú tính và tinh thần, hoặc cảm xúc và trí tuệ. Trong ba cặp danh từ đó bạn có thể lựa cặp nào tuỳ thuyết bạn muốn bênh vực. Lúc này tôi cũng không muốn chứng minh một thuyết nào cả, chỉ muốn miêu tả thôi. Có lẽ, cách giản đơn nhất để miêu tả sự khác biệt giữa hai thứ hạnh phúc đó là nói rằng một thứ, người nào cũng có thể đạt được, còn thứ kia chỉ những người biết đọc biết viết mới có được.

 

Tôi là một người làm vườn, đã từng như vậy, bây giờ cũng vậy. Tôi không ưa cỏ, rác, đám sâu ngày đêm tìm cách ăn mòn những luống rau, chậu hoa tôi trồng. Tôi gọi nó là kẻ thù, những kẻ thù ám muội. Muốn trị chúng thì phải "thông minh"hơn chúng, mưu mô hơn chúng thì mới được. Tôi tìm và diệt mà không hề e ngại rằng một ngày nào đó chúng bị tiệt chủng. Chúng giống như những con vật trong thần thoại mà tôi biết, ngày ngày tôi giết, nhưng sáng hôm sau lại thấy chúng nhởn nhơ vui vẻ ăn những khóm hoa xanh tươi. Bây giờ công ăn việc làm của tôi cũng không thiếu, nhưng tôi vẫn thích trồng rau, trồng hoa, dường như đó là niềm vui đó là bất tận và hạnh phúc đó, chính những "con sâu, cây cỏ đê tiện" đã tặng cho tôi.
Bạn nói những cái vui giản dị, chất phác đó, người thượng lưu làm sao mà có được. Diệt những con vật nhỏ bé như loài sâu thì vui cái nỗi gì? Theo tôi, lý lẽ đó không vững. Một con sâu lớn hơn nhiều so với con vi trùng sốt rét nhiều chứ, vậy mà một người thượng lưu có thể thấy hạnh phúc trong việc diệt vi trùng sốt rét đấy.

Có những niềm vui y hệt thú vui của tôi khi làm vườn, về phương diện cảm xúc, những người có văn hoá cao cũng cảm nhận được. Được giáo dục cao hay thấp thì hoạt động khác nhau thế thôi. Muốn thấy được cái vui hoàn thành một công việc thì công việc đó phải khó khăn tới nỗi tưởng chừng như không thể thành công được, rồi lại thành công. Có lẽ một phần lớn vì vậy mà sự tự xét tài năng của mình cho đúng là điều kiện cần thiết cho hạnh phúc. Người nào tự đánh giá thấp tài năng của mình thì luôn ngạc nhiên khi thành công, còn người nào tự tin quá thì thường ngạc nhiên khi thất bại. Ngạc nhiên thứ nhất thích thú, còn ngạc nhiên thứ hai thì không. Cho nên muốn thành công đừng nên tự cao quá, cũng đừng nên hạ thấp mình quá.




Nghệ sĩ, nhà văn và nhà khoa học - Ai hạnh phúc hơn?
Trong giới trí thức của xã hội chúng ta, giới khoa học là những người hạnh phúc nhất. Nhiều nhà bác học đại tài có một đời sống tình cảm rất giản dị, rất thoả mãn về công việc của họ tới nỗi cho rằng việc ăn uống là một cái thú, cả cái việc cưới vợ cũng vậy nữa. Những nghệ sĩ và nhà văn cho rằng hôn nhân nhất định gây khổ, các nhà khoa học trái lại vẫn có thể cảm nhận được cái hạnh phúc trong gia đình mà người ta cho là lỗi thời.

Nguyên do là tinh thần của họ tập trung hết vào công việc rồi, không thể len lỏi vào những khu vực khác được nữa. Họ sung sướng khi làm việc, vì trong thế giới hiện đại, khoa học mỗi ngày một tiến bộ và mạnh không ai nghi ngờ sự quan trọng của khoa học cả, họ thì đã đành mà cả những người thường cũng vậy. Do đó, họ không cần có những cảm xúc rắc rối, vì những xúc cảm bình dị hơn không gặp sức cản trở nào cả. Những cảm xúc rắc rối cũng giống như bọt trên dòng sông. Dòng nước có gặp cái gì ngăn cản, không chảy đều đều nữa mới dội lại mà nổi bọt. Khi không bị ngăn cản thì dòng sinh lực cứ phẳng lặng trôi mà người nhận xét nông nổi không thấy được sức mạnh thật sự của nó.

Đời một nhà khoa học có đủ điều kiện để hạnh phúc. Họ có một hoạt động khả dĩ dùng được hết tài năng của họ. Họ đạt những kết quả mà chẳng riêng gì họ, ngay cả đại chúng cũng thấy là quan trọng, cả những khi đại chúng không biết giá trị thực sự của các kết quả đó ra sao. Về điểm đó, nhà khoa học may mắn hơn nghệ sĩ. Khi người ta không hiểu được một bức hoạ hoặc một bài thơ, người ta kết luận rằng bức hoạ đó hoặc bài thơ đó dở. Nhưng khi người ta không hiểu được thuyết tương đối của Einstein, người ta kết luận (đúng) rằng sự học của mình không đến nơi đến chốn. Do đó, Einstein được quý mến còn những hoạ sĩ tài nhất thì chết đói trong những căn gác ở sát mái nhà. Einstein sướng còn các hoạ sĩ khổ.

Nếu không thể tự giam mình trong một đoàn thể nào đó mà quên đi sự thờ ơ của thế giới bên ngoài đối với mình, thì rất ít người biết được cái hạnh phúc thực sự vì luôn luôn phải đem nghị lực ra chống lại sự hoài nghi của nhân loại. Nhà khoa học không cần vào trong một đoàn thể nào cả vì được mọi người quý mến rồi, trừ các bạn đồng liêu của họ. Nghệ sĩ, trái lại, ở trong một tình trạng khó chịu là phải lựa chọn; hoặc chịu sự khinh bỉ của người khác, hoặc có một thái độ ti tiện. Nếu tài năng của họ rõ rệt, họ phải chịu một trong hai cái bất hạnh đó; dùng tài năng thì bị khinh bỉ, không dùng (mà chiều đời) thành ra hèn mọn.

Hạnh phúc nơi các bạn trẻ

Rất nhiều thanh niên nam nữ có học thức bậc nhất ở phương Tây có tình thần trâng tráo, bất chấp đời là vì họ có nhiều tiện nghi quá mà lại thấy công việc của mình không hiệu quả. Sự không hiệu quả đó cho người ta cái cảm giác rằng không có gì đáng làm khi mà cuộc sống đầy đủ tiện nghi đã làm cho cái cảm giác đó trở nên khó chịu. Ở phương Đông sinh viên xứ nào cũng có thể hy vọng ảnh hưởng tới dư luận được nhiều hơn là sinh viên ở các nước tân tiến phương Tây, nhưng họ lại ít có cơ hội kiếm được một lợi tức cao hơn như ở phương Tây.

Có khả năng tác động đấy, nhưng không tác động được về phương diện tiện nghi vật chất, nên họ thành nhà cải cách hoặc nhà cách mạng, chứ không trâng tráo, bất cần đời. Nhà cải cách hoặc nhà cách mạng có hạnh phúc hay không thì còn tuỳ vào sự biến chuyển của thể chế chính trị, xã hội trong nước; ngay cả khi họ bị xử tử thì họ cũng hạnh phúc hơn một kẻ trâng tráo, bất cần đời được hưởng đầy đủ tiện nghi.

Hạnh phúc, ai cũng có thể có được

Không phải chỉ các nhà khoa học đại tài là được hưởng cái thú vui trong khi làm việc; cũng không phải chỉ các chính khách có thế lực là thấy vui khi bênh vực một chính sách. Ai cũng có thể hưởng cái vui làm việc miễn là trong công việc có thể tỏ một chút tài năng nào đó mà chẳng cần được mọi người phải thừa nhận tài năng của mình.

Tôi biết có một người hồi còn trẻ lắm đã bị liệt hai chân, mà ông ta bình tĩnh, vui vẻ suốt một cuộc đời dài, được vậy là nhờ ông ta viết một bộ năm cuốn về màu sắc các loài Hồng, trở thành một chuyên gia hạng nhất về vấn đề đó. Tôi không được biết nhiều người nghiên cứu về vỏ sò, nhưng những người tôi biết đều thoả mãn về công việc của họ.

Người ta thường nói trong cái thời đại máy móc này, một người thợ chuyên môn ít được hưởng cái hạnh phúc làm việc như hồi xưa nữa. Tôi không hoàn toàn tin rằng điều đó là đúng: Phải, ngày nay người thợ chuyên môn làm những công việc tiểu công nghệ trong các phường tiểu thủ công nghiệp, nhưng vẫn còn giữ một địa vị rất quan trọng, rất cần thiết trong ngành sản xuất.

Theo nhận xét của tôi, người nông dân không hạnh phúc bằng người tài xế hoặc một người thợ máy. Đành rằng công việc của một nông dân thay đổi tuỳ theo mùa: cày, gieo, gặt. Nhưng lại phải tuỳ thuộc vào thời tiết, mưa nắng, còn người thợ máy làm chủ được công việc của mình chứ không phải lệ thuộc vào sức mạnh thiên nhiên. Dĩ nhiên công việc của người thợ máy chỉ ngồi coi máy chạy, làm hoài thì công việc trở nên đơn điệu, không có thay đổi, công việc đó quả là chán, nhưng một công việc càng đơn điệu lại càng dễ dùng máy để thay người được. Mục tiêu của sản xuất bằng máy móc còn lâu chúng ta mới đạt được, thà làm cho mọi công việc trở nên đơn điệu có thể làm bằng máy hết và con người sẽ chỉ còn làm những công việc gì thay đổi, cần có sáng kiến.

Trong một xã hội như vậy, sự làm việc sẽ bớt buồn tẻ, bớt làm suy nhược con người hơn trong thời đại nông nghiệp. Khi chuyên về nông nghiệp, nhân loại đã quyết tâm chịu một cuộc đời đơn điệu, buồn tẻ để giảm đi cái nạn thiếu ăn, đói kém. Trước thời đó, khi còn săn bắn để kiếm ăn, sự làm việc là một thú vui, cho nên bọn giàu có ngày nay vẫn giữ công việc của tổ tiên đó làm trò tiêu khiển. Nhưng khi chuyển qua nông nghiệp, loài người lại bước vào một giai đoạn nhỏ nhen, nghèo khổ, điên khùng, mà bây giờ nhờ máy móc, mới bắt đầu thoát ra được.

Tin tưởng ở một chính nghĩa nào đó cũng là một nguồn hạnh phúc cho nhiều người. Tôi không nghĩ riêng tới các nhà cách mạng, các nhà theo xã hội chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa,...Tôi còn nghĩ đến cả những sự tin tưởng tầm thường hơn... Tôi không thể đề nghị với bạn một hạnh phúc xây trên sự tin tưởng mà tôi cho là lầm lẫn. Cũng do lẽ đó, tôi không khuyến khích bạn tin rằng mọi người đều ăn cơm mà sống được, mặc dù theo chỗ tôi nhận xét, tin như vậy thì nhất định là có hạnh phúc hoàn toàn.




 

Hạnh phúc "căn bản"
Trong nhiều trường hợp, có lẽ trong đa số các trường hợp nữa, những trò tiêu khiển đam mê không phải là một nguồn hạnh phúc căn bản mà chỉ là một cách trốn thực tại, tạm quên đi một lát nỗi đau khổ trong lòng. Hạnh phúc căn bản tuỳ thuộc vào cái mà tôi có thể gọi là thiện cảm với người và vật.

Có thiện cảm với người khác là có tình thân ái. Nhưng có hai thứ thân ái. Thân ái mà muốn người khác luôn thuộc về mình, đền đáp tấm lòng mình quá mức, thân ái đó thường ngăn cản hạnh phúc.Thân ái mà nhận xét người khác, thấy họ có cá tính riêng mà mình lấy làm vui, để cho họ tự do tìm vui thích của họ, không muốn họ phải theo ý mình, phải nhiệt liệt ngưỡng mộ mình, thứ thân ái này mới đưa tới hạnh phúc. Người nào có thái độ như vậy thì là một nguồn hạnh phúc cho người khác và được người khác đến đáp lại tử tế, không bị lòng bạc bẽo làm cho chua chát, vì ít khi gặp sự bạc bẽo lắm, nếu có gặp thì cũng chẳng để ý tới.

Thấy người khác có những nét đặc biệt nào nho nhỏ, thì chẳng những không bực mình mà còn vui vẻ tha thứ, lấy vậy làm ngộ nghỉnh. Nhưng thái độ phải thành thực, chứ không miễn cưỡng, coi hành động của mình là một sự hy sinh vì bổn phận. Trong khi làm việc, có ý thức về bổn phận là điều tốt, nhưng trong sự giao tiếp, ý thức đó làm cho người khác mất lòng. Thiện hạ muốn được yêu chứ không được miễn cưỡng chấp nhận, kiên nhẫn chịu đựng. Có lẽ không nguồn hạnh phúc nào lớn bằng yêu nhiều người một cách tự nhiên mà không phải gắng sức.

Ở trên, tôi nói tới sự thiện cảm với vật. Câu đó có thể làm bạn hoài nghi: làm sao mà có thái độ thân ái với đồ vật được? Nhưng thái độ của một nhà địa chất chăm sóc các cục đá, hoặc một nhà khảo cổ chăm sóc các phế tích quả là có chút gì giống với tình thân ái.

Có thể chú ý tới vật vì ghét nó chứ không phải thích nó, chẳng hạn một người thu thập các sự kiện về các ổ nhện vì ghét loài nhện, và muốn ở chỗ nào cũng không có loài đó. Chú ý như vậy không gây thích thú cho ta, như sự chú ý tới đá gây thích thú cho nhà địa chất.

Sự chú ý tới vật, có lẽ không tạo hạnh phúc cho ta bằng sự chú ý tới người khác, nhưng cũng là một yếu tố rất quan trọng. Thế giới rất mênh mông mà khả năng của con người là hạn chế. Nếu toàn thể hạnh phúc của bạn chỉ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh riêng của bạn thôi thì bạn khó mà không đòi hỏi ở đời quá nhiều. Mà đòi hỏi quá nhiều là cách chắc chắn nhất để nhận được quá ít. Người nào có thể quên những nỗi lo lắng nhờ thực tâm chú ý tới một cái gì đó, chẳng hạn tới một thời đại lịch sử hoặc sự tạo thành của các ngôi sao, thì sau khi nghiên cứu những cái đó rồi sẽ nhận thấy tâm hồn mình quân bình, bình tĩnh lại, có thể chống với các ưu phiền khác, mà trong khi nghiên cứu, cũng đã được hưởng một hạnh phúc thực sự, mặc dù đó chỉ làm tạm thời.

Đây là một bí quyết của hạnh phúc: chú ý tới nhiều người và nhiều vật hơn lên, ráng làm sao cho những phản ứng của bạn đối với những người và vật đó tăng phần thiện cảm lên, giảm phần ác cảm càng nhiều càng tốt.

Hạnh phúc là những điều giản dị đã và đang hiện hữu xung quanh bạn. Hãy mở to mắt, vểnh tai lên mà lắng nghe, đưa mũi ra mà hưởng thụ hương sắc của cuộc sống với các hương vị đa dạng phong phú của muôn loài. Tất cả đều trong tầm tay của bạn. Vấn đề là bạn có nắm bắt được hay không hay là để mọi thứ qua đi trong vô thức. Tất cả tuỳ thuộc vào bạn.


                                                                                                                                             M21Love

Khoảnh khắc sa vào lưới tình



Tác giả: ZHANG ZI WEN



* Tình yêu nên giống như hai mắt của Trương Phi trong Tam Quốc diễn nghĩa”.

* Tất cả mọi nhân vật vĩ đại chân chính, không có một ai vì tình yêu mà đến phát điên.


Chỉ có trên sân khấu sa vào lưới tình mới có cái đẹp đáng nói, cái đẹp bi kịch hoặc cái đẹp hài kịch. Còn trên sân khấu đời người, mù quáng sa vào lưới tình làm cho người ta đau khổ, tinh thần ngẩn ngơ, suốt ngày như bị trói buộc không biết làm gì, kết quả phần nhiều là bi thảm và bất hạnh. Bởi vì anh ta (cô ta) “Chỉ vì yêu - tình yêu mù quáng - mà mọi ý nghĩa quan trọng khác của đời người đều lơ là”. (Lời Lỗ Tấn).



Đáng lẽ, tình yêu tốt đẹp xúc động lòng người, trong sạch cao thượng làm cho đôi bên trai gái kết thành một sức mạnh vô hình, có lợi cho việc phấn đấu của đời người. Sức mạnh đời người được hình thành từ hai người yêu nhau ý hợp tâm đầu, cùng giúp đỡ bổ sung lẫn nhau, tay nắm tay vai kề vai bên nhau luôn luôn mạnh lớn hơn sức mạnh của từng người cộng lại. Lòng yêu sẽ thức tỉnh trí năng của từng người, làm trong sạch tình cảm và tư tưởng của từng người, trong môi trường yêu đương, đời người như được nâng lên đến một mức độ hoàn toàn mới.



Mối tình như thế ở nhân gian là thiêng liêng. Nó là sự kết tinh của tình cảm và lý trí của đôi bên nam nữ đều hoàn mỹ, tương xứng. Tình cảm của con người không nghi ngờ gì là phải nhận được sự thâm nhiễm của nền văn minh sau này, trong tiến trình lịch sử của nhân loại mấy triệu năm, tình cảm dần dần có thể thích nghi với sự sinh tồn của loài người và hoàn cảnh xã hội một cách thuận lợi và ngấm ngầm hướng tới có trật tự và lý trí.



Song, thành phần cơ bản chủ yếu hơn của tình cảm vẫn là sản phẩm của bản năng và dục vọng của con người, nó là tính chất thứ nhất, thực thể cơ bản trong tính cách con người. Còn lý trí lại là tính chất thứ hai, diễn sinh, vì thế cũng có thể là giả dối, mềm yếu. Lý trí có thể là người dẫn đường giỏi giang dẫn dắt con người đến cõi lý tưởng chuẩn xác; nó cũng có thể là người dẫn đường sai lầm làm cho người ta rơi xuống vực sâu. Cái gọi là thuyết con người có thể dùng lý trí chiến thắng tình cảm, dùng lý tính kiềm chế tình dục, làm cho mình trở nên văn minh, trở nên thanh cao lịch sự đa số là những lời nói dối và những lời vô dụng. Thực chất sai lầm của loại thuyết này là ở chỗ đem cắt rời lý tính và tình cảm, hơn nữa đều xem lý tính trở thành vật thần thánh cao xa, lý giải tình cảm thành những cái mềm yếu bị động.



Trên đời có rất nhiều, rất nhiều người thành công bao gồm cả các vĩ nhân, xét từ bề ngoài hầu như chỉ là người theo chủ nghĩa lý tính kiên cường, luôn luôn dùng lý tính ức chế tình cảm của mình. Cần phải biết rằng, đây là một sự hiểu nhầm sâu sắc! Chúng ta không thể tưởng tượng được một người tình cảm tồi tệ, tục tĩu lại có lý tính kiên cường cao thượng. Ngược lại, chúng ta cũng không thể tưởng tượng được rằng một người lý tính yếu đuối, ti tiện lại có tình cảm phong phú cao nhã. Trên thực tế, một người tình cảm tồi tệ tục tĩu, lý tính của nó cũng tương ứng ti tiện và yếu đuối, một người tình cảm phong phú cao nhã thì lý tính của anh ta cũng cao thượng và kiên cường.



Hoặc khi thực hiện một chọn lựa, bạn cho rằng giữa lương tâm, trách nhiệm với hứng thú, dục vọng của mình mâu thuẫn nhau, tình cảm và lý tính đang đối chọi mãnh liệt, cuối cùng bạn thực hiện được chọn lựa phù hợp với văn minh, cho rằng đây là tình cảm đã phục tùng lý tính - đây là sự phân tích sai lầm và tự hiểu nhầm được đưa ra với tiền đề hai cái tách rời nhau. Trên thực tế tình ảcm và lý tính, hai cái không có cách nào tách rời nhau được. Vương Thuyền Sơn đã lập đi lập lại phân tích và chứng minh rằng:

“Lấy nỗi lòng tự yêu của mình làm cái lý yêu người khác, mình và người khác cùng giống nhau ở cái tình, thì cũng giống nhau ở cái lý (đạo lý). Công tâm mà người ta muốn cũng là cái cao nhất của lẽ trời (thiên lý) Lẽ trời không phải là phi nhân tình (tình người), nhân tình thông khắp thiên hạ cùng một lý tức là thiên lý (lẽ trời)”.
Cái gọi là hai cái mâu thuẫn nhau, hai cái đối chọi nhau chỉ là một hiện tượng gi ở mức nông cạn. Tình hình thực tế là ở chỗ cuối cùng bạn đã thực hiện được lựa chọn văn minh, như thế thì bản thân việc đối chọi của tình cảm và lý tính ban đầu của bạn lại là thanh cao, tình cảm của bạn vốn là thanh cao mà phong phú, bằng không nếu bạn không có tình cảm thanh cao phong phú sẽ không thể đối chọi được với lý tính, bạn có thể sa vào lưới tình một cách vô tình, không hề áy náy. Đành rằng chưa thể yên dạ yên lòng, tiền đề chủ chốt là tình cảm thanh cao của bạn, sau đó mới là sự thống nhất hoàn mỹ của tình cảm và lý tính.


Người mẹ vượt lên nguy hiểm của tính mệnh để bảo hộ con thơ không đếm xỉa đến chết chóc và nguy hiểm, nhìn bề ngoài hầu như là lý trí đã ngừng trệ, kỳ thực ngừng trệ chỉ là một hiện tượng giả, thực chất sâu thẳm của nó chính là lý tính cao cả hơn, thoáng rộng hơn, sâu lắng hơn - để bảo vệ con thơ, làm cho giống nòi được kéo dài, không sợ mình phải chết - một lý tính cao cả, thoáng rộng sâu lắng như thế. Yêu mến con thơ đến chí tình cũng sẽ là chí lý, yêu tức là lý. Các bậc vĩ nhân vì cứu vớt dân chúng khổ nạn mà anh dũng hy sinh mình, vừa là yêu dân chúng đến chí tình, cũng là chí lý lấy việc cứu vớt thiên hạ làm nhiệm vụ của mình.



Cho nên, Khổng Tử đã lớn tiếng hỏi đến cùng “Chưa biết, làm sao điều đó có thể xem là hợp với nhân đức?”



Còn sa vào lưới tình một cách mù quáng, vừa không có cái tình đáng nói, cũng không có cái lý để bàn, vừa không có cái trí đáng bàn, cũng không có điều nhân ái đáng nói. Làm theo ý muốn, chỉ theo đuổi sự kích thích của giác quan nhất thời, vừa không chú ý đến tương lai của sinh mệnh, cũng không bắt đầu từ trong sáng và thanh cao để bàn về tinh cảm. Trên thực tế, nó hàm chứa cả hai cái lý tính yếu đuối ti tiện và tình cảm tồi tệ tục tĩu, tuyệt nhiên không phải là sự khuất phục của lý tính đối với tình cảm. Mù quáng sa vào lưới tình, cả hai bên đều sẽ ngày càng ngu xuẩn, không có cách gì phân biệt nổi cái hay cái dở của đối phương, thậm chí coi xấu thành đẹp, đúng thành sai.



Tình lý đã đều hèn mọn, nhân trí đã đều rỗng tuếch, tốt xấu đúng sai đã không phân biệt nổi, như thế thì kết cuộc bi thảm bất hạnh thuộc về kẻ mù quáng sa vào lưới tình thì cũng hợp lôgic, không lấy gì làm lạ. Nhục dục một khi đã thỏa mãn, lửa tình một khi đã tắt, gió thảm mưa sầu sẽ có thể trút hết lên đầu họ.



Lý Ngao cho rằng tình yêu chân chính không phải là mù quáng, yêu nhau mở mắt giữa ban ngày mới là yêu đương chân chính. Tây Thi không nên chỉ xuất hiện trong khóe mắt người tình. Tình yêu phải nên như đôi mắt của Trương Phi trong “Tam quốc diễn nghĩa”, 24 giờ trên 24 giờ một ngày, trừ khi nháy mắt, đến lúc ngủ cũng đều mở mắt.


Bacon trong “Bàn về tình yêu” đã viết:

“Tất cả mọi nhân vật vĩ đại chân chính (bất kể là người xưa hay ngày nay, chỉ cần là tên tuổi của họ ghi tạc mãi trong ký ức của nhân loại), không có một ai là người vì tình yêu mà phát điên. Điều đó nói lên tinh thần vĩ đại và sự nghiệp vĩ đại có thể khử sạch tình yêu bồng bột quá mức”.


Nếu như bạn ở độ tuổi niên thiếu, lẽ ra sẽ dùng tinh lực chủ yếu vào việc học hành tìm hiểu kiến thức, lại suốt ngày bận tâm về yêu đương nam nữ; nếu như bạn sớm Tần chiều Sở, đồng thời yêu đương nhiều chỗ, bốn bề giăng lưới; nếu như bạn vốn có một gia đình đấm ấm lại thọc chân vào cuộc hôn nhân của người khác... đều là mù quáng sa vào lưới tình. Cái gọi là “tình yêu” kia bạn chỉ là dùng mây mù màu xanh biếc để che đậy cái hoang dâm và phóng túng của mình.


Hoang dâm và phóng túng chỉ làm cho bạn rơi vào chỗ hủy diệt.

Nếu như bạn không muốn bóp chết cái thần kỳ của sinh mệnh, nếu như bạn không muốn hủy diệt mình quá sớm, thì nên nhảy ra khỏi lưới tình mù quáng, dùng lý tính kiên cường của bạn thức tỉnh tình cảm trong sáng thanh cao, tô đắp lại bản ngã hoàn toàn mới.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

HOA SỨ


 
 


Năm cánh hoa tinh khiết.

Ủ mặt trời bên trong.

Như vòng tay tha thiết.

Mẹ ôm con vào lòng.



Năm cánh hoa tinh khiết.


Tươi mát cả mùa đông.

Tỏa hương thơm ngọt nồng.

Nào mấy ai có biết.!



Mùa xuân về réo rắt.


Gọi trái chín trĩu cành.

Sứ nhường Mai khoe sắc.

Ẩn mình vào lá xanh.



Mẹ như hoa sứ trắng


Mang tình yêu bao la.

Bao tháng năm thầm lặng.

Cho đời con hương hoa.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

TIẾNG LÒNG THI PHỤ







Chiều nắng ngã mưa rơi màu lợt nhợt
Bên song thưa em bỡ ngỡ buông rèm
Thả nhớ thương nơi hiu quạnh nhá nhem
Hình bóng cũ lại về trong mê ảnh.

Tiếng ve buồn gọi từng cơn gió lạnh
Mang thinh âm của tháng lạ ngày quen
Bến sông kia ai đó đã thắp đèn
Sương mờ phủ khúc nhạc sầu vật vả.

Tháng bảy về từng hạt mưa hối hả
Phượng tàn hoa rơi sắc thắm nồng nàn
Lòng hẹn lòng vội vả đón anh sang
Nhưng nào biết người bên sông có muốn.

Em vẫn sợ em là người đến muộn
Những khát khao không đủ ấm lòng anh
Ngọn lửa tình ấp ủ quá mong manh
Rồi sẽ tắt cho một lần lầm lỡ.

Dẫu ngày tháng lịm dần trong nỗi nhớ
Em chơi vơi vụn vỡ với ước mơ
Anh hỡi anh, có nhớ những vần thơ
Rơi bất chợt như trời gieo định mệnh

TRÁI TIM HÓA ĐÁ




Những con sóng buồn từ nỗi lòng em lan tỏa
Từng đợt, từng hồi
Không ngừng dập lên lồng ngực
Hô hấp trái tim đang chết của tôi.
Linh hồn trở lại
Tôi mở mắt nhìn đời lạ quen
Để chìm vào giấc mơ tiền kiếp

Giấc mơ đưa tôi đến một vùng trời băng giá
Nơi có căn nhà nhỏ và những sợi khói ấm áp
Khiến tôi run rẩy, khát khao chạy vào
Em ngồi đó dịu mềm nơi bếp lửa
Dáng thanh cao rạng rỡ đến lạ thường

Tôi chết lặng quên mình đang đói rét
Để vui mừng bật hét vỡ giá băng
Em sợ hãi núp mình trong bóng tối
Tôi ngỡ ngàng, hối tiếc mất em tôi.

Giấc mơ chấm dứt
Trái tim tôi vẫn thao thức
Đợi chờ từng đợt sóng nơi em
Những con sóng buồn đã không còn đến nữa

Tôi nhắm mắt đợi chờ hóa đá trái tim

THÁNG TƯ MƯA CÓ VỀ KHÔNG





Tháng tư mưa có về không
Phố buồn phơi nắng chong chong
Cây buông rũ lá chờ nẩy lộc
Hoa hứng sương hờ đợi bướm ong

Tháng tư mưa có về không
Bên thềm thiếu nữ hoài mong
Mây về vần vũ hồn vương vít
Gió vào then cửa mơn mởn lòng

Tháng tư mưa có về không
Xác thân âm ẩm chờ mong
Ngày mang hưng hức miền cằn cỗi
Đêm về hong hóc lòng bão giông

Tháng tư mưa có về không
Khát khao rát bỏng mặn nồng
Hương thơm tóc rối còn quay quắt
Giọt tình đâm dẫm vị chờ mong.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

THÁNG NĂM HẠ VỀ








Tiếng ve non trở mình nưng nứt đất 
Gió thì thào gọi nắng đến giao thoa 
Mưa lất phất trải niềm riêng ngây ngất 
Đêm nồng nàn rũ sạch những đắn đo
 

Tháng năm về mang nắng ấm ủ cho  
Cỏ cây háo hức đợi chờ mùa hoa trái 
Trời đất rùng mình tỏa hương mê mải
Vị ái ân mời gọi những dại khờ.
 

Trái tim côi qua ngày tháng đợi chờ  
Được sưởi ấm bởi từng tia nắng hạ 
Được thắm đẫm với cơn mưa rền rả 
Được vuốt ve trong khe kh tiếng ve.

Tháng năm về em dịu dàng thỏ thẻ
 
Lời tin yêu tươi trẻ nóng bên tai 
Khối cô đơn vắn dài dần tan chảy
Nắng phai tàn lá úa cũng thôi rơi.

Anh buông thả giọt tình trong diệu vợi
 
Nơi thẳm sâu em ươm hạt lả lơi 
Nghe hân hoan hòa quyện với đất trời 
Cùng cây cỏ đã đâm chồi nẩy lộc
 

Đất hoang tàn thôi không còn khô khốc 
Mùa Hạ về mưa nắng ấp tin yêu...

BẤT CHỢT

Bất chợt tất cả như tàn phai...
Bất chợt tất cả đều hiện diện...


Đêm và bè bạn
Anh và em
Chếnh choáng hơi men ly rượu em rót tràn
Không lấp hết nỗi khát khao
Ngây ngất cơn đau
Ly rượu tràn anh uống cạn
Khát khao vẫn chư đầy.

Đêm và bè bạn
Anh và em
Lời thì thầm rát bỏng
Trong tháng ngày vất vưởng em đánh lạc chính em
Lời tự thú lạnh căm
Trong giây phút hoang đàng anh nhặt lấy chính anh

Đêm và bè bạn
Anh và em
Đừng bao giờ em hỏi
Đừng bao giờ anh trả lời
Để tất cả chỉ là sự bất chợt
Như chúng mình bất chợt nhận ra nhau...

TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI

Les oiseaux se cachent pour mourrir...


Một buổi sáng tháng tư
Nắng lười biếng xoài mình trên biển vắng
Em tự hỏi những chú chim ẩn mình chờ chết
Loài Thorn birds hiền hòa
Đang bay về đâu?
Có những điều nghịch lý trong em
Cần phải quên để càng nhung nhớ
Chiếc bập bênh nơi công viên vẫn đang nằm sấp ngửa
Nặng một bên, nên tình chỉ một phương
Chờ chết đi
Tiếng hót đang căng tràn
Tình yêu đang tuyệt đối
Mật ngọt đang dâng cao
Mũi gai nào
Nhọn hoắt
“Dao chết ngọt đâm
Ta chết trầm ngâm
Dòng máu chưa kịp tràn…”
Loài Thorn birds trong em
Tiếng hót như pha lê
Hay là tiếng cười, trong ngần sớm tối
Là những nụ yêu chưa bao giờ nở vội
Là những trắc ẩn, thương vay đến tự bao giờ
Gai vẫn chờ kia
Những bụi gai hứa hẹn mùa ứa máu
Sẽ có cái gai nhọn nhất chờ đợi
Cho sự tắt lịm mê muội
Kết thúc cuối đường











Uyển Di - lại một ngày tháng 4, trong niềm hoan lạc úa sầu.


THORN BIRDS




Tháng tư mưa đến rồi ư?
Sao tóc em vẫn còn phơi đỏ nắng
Con phố mệt nhoài với những nụ cười nhạt thếch
Tàn phai muôn cánh hoa
U uất muộn sầu

Tiếng chim nào ríu rít nơi  em
Loài Thorn Birds quên mình trong nỗi nhớ
Cất tiếng chắt chiu nhỏ từng giọt máu ứa
Nuôi đợi chờ, hoa nở tỏa yêu thương

Gió mang đi
Những khát khao muộn màng
Cho đất trời sám hối
Sông trở mình dâng cao
Gọi mưa vào
Réo rắc
“Hình hài trăm năm
Một nén hương trầm
Mưa thổn thức âm thầm…”

Nắng mượt mà tóc  em
Tháng tư vào đam mê
Hoa đã nở tỏa hương thầm bối rối
Phố rộn ràng trong niềm vui tắm gội
Thấm đẫm hạt mưa ân ái tự bao giờ

Nơi bụi mận gai
Loài Thorn  Birds vút hơi thở cuối cùng trút  máu
Buông mính theo hạnh phúc rạng ngời
Và tắt lịm trong miền đắm đuối
Dòng chảy yêu thường

 

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Bộ ảnh nude ấn tượng của Vadim Stein


Vadime Stein là một nhiếp ảnh gia tài năng của Nga. Người nghệ sĩ St Petersburg này là tác giả của rất nhiều bức ảnh nude vô cùng sáng tạo và ấn tượng.
Mời các bạn chiêm ngưỡng một số tác phẩm của anh.