Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Sáng Tạo & Thằng Tiến Sĩ Tà Lỏn




Hoàng Hữu Phước, MIB

04-6-2017


A) Hiệu Trưởng Đại Học Hoa Sen Bùi Trân Phượng



Thủa xa xưa khi tôi là Hiệu Trưởng FOSCO Khaiminh, một trường của “nhà nước” về ngoại ngữ và tin học của Thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất mến phục Cô Bùi Trân Phượng vì ở thời chẳng có gì được gọi là “tư” như “tư nhân” hay “tư thục” mà cô giáo ấy đã dám “sáng tạo” ra mô hình một trường cao đẳng dân lập. Thỉnh thoảng tôi có liên lạc với Cô qua thư từ bưu điện hoặc điện thoại chuyện trò, và Cô luôn là thượng khách của tôi ngay cả tại những buổi lễ tôi tổ chức mời riêng các tổng lãnh sự quán và những đối tác nước ngoài, chỉ để Cô dự khán và từ đó có thể cho tôi những lời góp ý về tổ chức hoặc những gợi ý cho một mô hình hợp tác với Cô trong lĩnh vực đào tạo – đặc biệt về tiếng Anh, hoặc đơn giản hình thành sự thân quen giữa hai nhà giáo đẳng cấp lãnh đạo phá cách, tự chủ, và “sáng tạo”.



Khi Cô Bùi Trân Phượng thành công biến trường cao đẳng của Cô thành một hiện thực, tôi bỏ công ty FOSCO sau khi gởi đơn đến Thành Ủy và Chính Phủ (Bộ Trưởng Công An Lê Hồng Anh) tố cáo tham nhũng tại FOSCO, và nhận lời làm giám đốc điều hành một trường cao đẳng của Mỹ hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng trong lĩnh vực ngoại ngữ Anh và tin học.

Khi trở thành nghị sĩ Quốc Hội Khóa XIII, tôi có nhận hồ sơ cầu cứu của Cô là Hiệu Trưởng Đại Học Hoa Sen, và đã – trên tinh thần công chính, liêm minh, công tâm, và nhìn xa trông rộng cho an ninh quốc gia – can thiệp với Bộ Giáo Dục nhưng đã không nhận được bất kỳ sự hồi đáp khôn ngoan nào từ Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận vốn là cung cách đồng nhất của các cơ quan Nhà Nước Việt Nam đối với các can thiệp từ người ngoài Đảng.

Những tin tức về xáo trộn của Đại Học Hoa Sen đã làm tôi phiền muộn. Tuy nhiên, điều khủng khiếp là cái kỳ tích của người phụ nữ tài ba khả kính ấy đã bị làm cho hoen ố vì trong những kẻ “thay thế” Cô tại Đại Học Hoa Sen mới đây đã hùng hồn bôi tro trát trấu vào thành tích vươn lên của Đại Học Hoa Sen bằng sự việc liên quan đến chiếc quần “tà lỏn” của y.

Là một nhà giáo chống tham nhũng, tôi đã bị đẩy ra khỏi ngành giáo dục để bắt đầu cuộc phiêu du cuối trời quên lãng với các công ty nước ngoài, chấm dứt các bàn bạc về giáo dục và đào tạo với Cô Hiệu Trưởng Bùi Trân Phượng.

Là một nghị sĩ không ô dù, tôi đã bị đa số các đại quan làm ngơ đối với các can thiệp của tôi vào các khiếu tố của người dân – trong đó có Cô Bùi Trân Phượng.

Tuy nhiên, là người có hiểu biết sâu rộng hơn các vị tiến sĩ “tà lỏn”, tôi hoàn toàn có thể dạy bảo các vị ấy như sau, đồng thời để giúp các sinh viên của trường Đại Học Hoa Sen mà Cô Bùi Trân Phượng đã gầy dựng nên hiểu biết rõ nhất, đầy đủ nhất, và đúng nhất về “lộ trình sáng tạo” như một quà tặng tôi dành cho các em chỉ vì các em đã có may mắn là học trò của Cô Bùi Trân Phượng vậy.
B) Phân Biệt Các “Sáng Tạo”

Trước hết, cần làm rõ về nội hàm của “sáng tạo” mà do ngôn ngữ Việt – như đã từng nêu ở các bài viết trước đây – có khi có cực kỳ nhiều từ cho một nội dung quan hệ đời sống (như tôi/tao/tớ/con/anh/em/chị/ba/má/ông/bà/chú/thím/cậu/bác/dì/cháu, v.v cho đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít trong khi tiếng Anh chỉ có mỗi một chữ “I”) lại có hoặc cực kỳ ít từ cho một nội dung trí tuệ hàn lâm (như một từ “sáng tạo” duy nhất cho quá nhiều từ tiếng Anh khác nhau), hoặc chẳng có từ nào hết cho một nội dung trí tuệ hàn lâm (như entrepreneurship và intrapreneurship), hoặc có từ riêng nhưng lại hoàn toàn xa lạ không tương đồng với từ ngữ nước ngoài (như “dân chủ” chẳng dính dáng gì đến democracy và “biểu tình” hoàn toàn xa lạ với protest, v.v.). Nếu lật giở từ điển Anh-Việt, ta sẽ thấy ba từ sau dù có nghĩa và nội hàm khác nhau trong tiếng Việt vẫn bị người ta cố nhét vào đó một nghĩa tiếng Việt là “sáng tạo” chung với các từ tiếng Việt khác.

Để biết tiến sĩ “tà lỏn” khi giảng về cái gọi là lộ trình sáng tạo đã không hiểu biết gì về “sáng tạo”, chúng ta thử lưu ý đến các nội hàm sau:

1- Thế Nào Là “Sáng Tạo” Invention

Như đã nói ở trên, từ điển Anh-Việt ghi rằng Invention có nghĩa là phát minh, sáng kiến, và…sáng tạo. Nhưng dù bị gán ghép cùng mang ý nghĩa “sáng tạo”, thì điều cần lưu ý là sáng tạo ấy của invention phải liên quan đến việc tạo ra một sản phẩm hữu hình hay vô hình hoặc quy trình lần đầu tiên xuất hiện trên đời – tức chưa bao giờ có trước đó.

Sáng tạo invention nhất thiết phải có các kỹ năng về khoa học kỹ thuật.

Đã là sáng tạo invention thì phải có liên quan đến bằng sáng chế/bằng phát minh.

Chiếc quần tà lỏn và cái áo thun rách không là sáng tạo invention “lần đầu tiên xuất hiện trên đời” vì ngay cả kiểu mặc áo vest với tà lỏn đều đã luôn có thể thấy nơi các tay diễu hề hoặc hề xiếc; do đó, việc sử dụng chiếc quần tà lỏn và cái áo thun rách để rao giảng cho “sáng tạo” là một sự đần độn ngu xuẩn của một tên thất học chả biết cái quái gì về “sáng tạo”, và cái y biết chỉ là một thứ sáng tạp hoặc sáng tả-pí-lù vốn dù chưa có tiếng Anh tương tự vẫn sẵn có giải thưởng thường niên cho nó tên Ig Nobel.

2- Thế Nào Là “Sáng Tạo” Innovation

Trong khi đó, nghĩa “sáng tạo” bị ghép vào cụm các nghĩa tiếng Việt của innovation thì buộc phải có liên quan đến sự cải tiến lớn lao đối với một sản phẩm hữu hình hay vô hình hoặc quy trình đã có hay đang có. Có thể nói, iPod là một sáng tạo innovation của Steve Jobs trên cơ sở một sản phẩm đã có cách đó 22 năm là máy nghe nhạc mọi lúc mọi nơi Walkman vốn có thể được cho là một sáng tạo invention của Sony.

Đối với doanh nghiệp, đã là sáng tạo innovation thì phải có liên quan đến các góc độ định lượng và định tính thật khoa học và cụ thể, chẳng hạn như phải chiếm thế thượng phong trên thị trường, phải tạo sự khác biệt chiến lược, phải đem quyền lợi cao nhất cho khách hàng, phải quy tụ đầy đủ các thành tố và phương tiện phục vụ sản xuất cái nội dung sáng tạo ấy, và tất nhiên phải đem lại giá trị tính bằng tiền và thị phần.

Đối với doanh nghiệp, đã là sáng tạo innovation thì phải có liên quan đến công nghệ mới, dây chuyền sản xuất mới, phương pháp sản xuất mới, hay cải tiến một sản phẩm sẵn có.

Chiếc quần tà lỏn và cái áo thun rách không là sáng tạo innovation có giá trị định lượng/định tính/buôn bán phát triển kinh doanh; do đó, việc sử dụng chiếc quần tà lỏn và cái áo thun rách để rao giảng cho “sáng tạo” là một sự đần độn ngu xuẩn của một tên thất học chả biết cái quái gì về “sáng tạo”, và cái y biết chỉ là một thứ sáng tạp hoặc sáng tả-pí-lù vốn dù chưa có tiếng Anh tương tự vẫn sẵn có giải thưởng thường niên cho nó tên Ig Nobel.

3- Thế Nào Là “Sáng Tạo” Creativity

Sáng tạo creativity là hoạt động tạo ra những ý tưởng mới lạ, những sự tưởng tượng mới. Nếu như sáng tạo creativity là sự động não tưởng tượng ra những ý tưởng/giải pháp/biện pháp mới lạ độc đáo chưa từng được đề ra nhưng chưa chắc có tính khả thi và không bao hàm đã tính toán các rủi ro, thì sáng tạo innovation đưa ra một thực thi mới với đầy đủ các kế sách, nguồn lực, và phương tiện. Sáng tạo innovation có thể là sự hiện thực hóa một sáng tạo creativity. Sáng tạo innovation có thể định lượng đươc, trong khi sáng tạo creativity không bao giờ định lượng được. Sáng tạo innovation liên quan đến thị trường trong khi sáng tạo creativity chỉ thuần liên quan đến ý tưởng mới và độc đáo. Sáng tạo innovation cần đến nhiều hoặc rất nhiều tiền để tiến hành trong khi sáng tạo creativity chẳng cần phải có tiền mới có được.

Chiếc quần tà lỏn và cái áo thun rách không là sáng tạo creativity vì chẳng hề là thứ mới lạ độc đáo, dù chúng không cần có tiền mới có được và không định lượng được; do đó, việc sử dụng chiếc quần tà lỏn và cái áo thun rách để rao giảng cho “sáng tạo” là một sự đần độn ngu xuẩn của một tên thất học chả biết cái quái gì về “sáng tạo”, và cái y biết chỉ là một thứ sáng tạp hoặc sáng tả-pí-lù vốn dù chưa có tiếng Anh tương tự vẫn sẵn có giải thưởng thường niên cho nó tên Ig Nobel.
C) Những Gì Bọn Tiến Sĩ Tà Lỏn Không Biết Về “Sáng Tạo”



Nếu không bàn thêm về các loại sáng tạo theo nội hàm quá sâu sắc và chi tiết của từ ngữ tiếng Anh và chỉ dựa theo từ sáng tạo ở ý nghĩa bình dân nhất của tiếng Việt tức sử dụng chung đụng thoải mái không cần phân định hàn lâm, thì ngoài việc bọn tiến sĩ tà lỏn không hiểu biết gì sất về ý nghĩa nội hàm của các loại sángtạo đã kể trên, chúng còn không hiểu gì về các sự thật sau:

1- Sáng Tạo Không Phải Là Việc Của Người Điên Và Thú Dại

Khi nói sáng tạo không phải là việc của người điên và thú dại, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là mọi con người không điên và mọi con thú không dại đều có năng lực sáng tạo và có sáng tạo. Do dó, sáng tạo là hơi thở của một cơ thể sống dù của con người hay con vật, chứ không là điều kỳ vĩ đến độ phải hình thành một chương trình đào tạo đẳng cấp cao chốn giảng đường đại học. Công trình nên có về sáng tạo là các nghiên cứu mang tính tổng hợp về những sáng tạo nào mang tính cách mạng kỳ vĩ của con người và con vật trong lịch sử tiến hóa, chứ không phải là nội dung nhằm khuyên sinh viên nên có sáng tạo và quy trình hay lộ trình sáng tạo nên ra sao, vì lẽ nào sinh viên đã chưa hề sáng tạo ra cách mình tự ngồi dậy trong nôi?

2- Công Thức Sáng Tạo

Sáng tạo hoàn toàn không có công thức; do đó, hoàn toàn không có cái gọi là lộ trình sáng tạo để mà rao giảng chốn đại giảng đường đại học.

Sáng tạo không là quyền năng duy chỉ của cõi trên. Tù nhân có thể sáng tạo ra cách vượt ngục. Kẻ trộm có thể sáng tạo ra cách vô hiệu hóa CCTV. Tin tặc có thể sáng tạo cách trộm tiền từ ATM.

Bản chất của sáng tạo – trong sử dụng của tiếng Việt – do đó chỉ là sự vượt khó bằng một biện pháp có thể mới lạ, đơn giản vì các biện pháp khác đã được biết đến do đó rất có thể đã bị chặn ngăn bằng những biện pháp đối nghịch hữu hiệu.

Không hiểu được điều cơ bản này, người ta sẽ lầm lạc vong thân khi ngợi ca sáng tạo, nhấn sáng tạo chung chung của tiếng Việt vào ở ké bạo hành với sáng tạo khoa học hàn lâm của tiếng Mỹ Âu. Cũng vì vong thân nên mới có việc một tên tiến sĩ đẳng cấp lãnh đạo ở đại học Hoa Sen mới đem tà lỏn vào minh chứng điển hình cho sáng tạo, cứ như thể trình độ sinh viên trường hắn do yếu kém như hắn nên không hiểu gì về ý nghĩa của từ ngữ “sáng tạo” vậy.

3- Những Nội Dung Không Bao Giờ Được Phép “Sáng Tạo”

Ngoài ra, chỉ có bọn đần độn như thằng tiến sĩ tà lỏn mới không biết rằng có những nội dung tuyệt đối cấm sáng tạo, mà một vài trong số hàng tỷ nội dung ấy như sau:

a) Nghi Thức Quyền Lực Phổ Quát

Dân tennis chuyên nghiệp đều biết rằng chỉ có hai loại vợt được phép sử dụng, và rằng đối với Giải Grand Slam Wimbledon Anh Quốc thì nghiêm cấm các đấu thủ mặc trang phục (áo-quần-đầm-giày-vớ) không phải màu trắng. Việc sáng tạo ra mặt vợt tennis hình số 8 hay quả bầu nậm là việc của bọn hề. Việc mặc trang phục không phải màu trắng để thi đấu Wimbledon là của tên điên. Không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Dân celebrity chuyên nghiệp toàn thế giới đều biết rằng khi được Hoàng Gia Anh Quốc phong tước Hiệp Sĩ, người ấy phải học thuộc lòng các nội dung đối đáp ngôn từ, biết trang phục phải mặc, thuộc lòng các bước chân phải đi, thuộc lòng tư thế quỳ phải thực hiện. Kẻ nào tự cho mình là nghệ sĩ lừng danh thế giới để tửng tửng tự do sáng tạo đầu tóc trang phục dự lễ phong Hiệp Sĩ thì kẻ đó xem như đã biến mình thành người đầu tiên trên thế giới sáng tạo nên tình huống bị tống cổ ngay tại cổng chào của cung điện hoàng gia Anh. Không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Tất cả các nam diễn viên – dù là diễn viên chính kịch hay diễn viên hề – khi được mời dự lễ trao giải Oscar đều phải mặc lễ phục đen thắt nơ đen như nhau nếu không muốn bị tống cổ ngay từ lúc xuống xe ở đầu lối thảm đỏ. Không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Tất cả các thiên tài sáng tạo hàn lâm như Albert Einstein và tất cả các đồng nghiệp đa quốc gia của ông không bất kỳ ai mặc tà lỏn lên giảng đường. Không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Việc các giáo sư tại Mỹ khi lên lớp mặc áo quần xốc xếch thì (a) đó không phải là phong cách để “giáo sư” Việt hý hửng học tập, (b) đó là do giáo sư Mỹ phải dạy xuất sắc để hầu hạ khách hàng là sinh viên tức những người có quyền lực yêu cầu trường tống cổ giáo sư ra khỏi trường nếu dạy không ra hồn và do đó chất lượng siêu cao là duy nhất quan trọng tại lớp học, (c) các giáo sư Mỹ đều vận lễ phục tại các lễ tốt nghiệp của sinh viên, và (d) các giáo sư Mỹ khi thân chinh giảng dạy tại các nước khác ngay cả tại Anh hay Pháp đều không bao giờ ăn vận lếch thếch lôi thôi trên giảng đường vì để chứng minh bản thân giới hàn lâm buộc phải biết rõ các dị biệt văn hóa khi đến những nơi mình không phải “chủ nhà”. Không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Tất cả các tổng thống đều phải biết ngôn từ, ngôn phong, nghi lễ quỳ/cúi người hôn nhẩn Đức Giáo Hoàng ra sao khi được diện kiến. Mọi tự hào dân tộc tự ái dân gian đều bị hoàn toàn vất bỏ. Không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Để đón một nguyên thủ quốc gia, một loạt bắn đại bác có thể được thực hiện. Không một sáng tạo nào được phép đề ra, thí dụ thay bắn đại bác bằng nổ mìn, đốt dây pháo đại, bắn hỏa tiển đạn đạo từ tiềm thủy đỉnh, hoặc tăng số đạn đại bác lên 1.001 quả.

Tên tiến sĩ tà lỏn phải biết là hắn không bao giờ được phép tạo nên một lộ trình sáng tạo chõi lại các nghi thức quyền lực phổ quát.

b) Nhân Văn

Để nhà nhà có lễ hội tỉnh tỉnh có lễ hội, Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều lễ hội để rồi bối rối trước nhiều trăm lễ hội nhiều ngàn lễ hội mỗi năm, mà không từng chịu hiểu rằng về văn hóa thì không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Có thể tham gia giải thích lịch sử như một khảo cứu mang tính thuần túy “cá nhân” đối với một chi tiết nhỏ có trong lịch sử chính thức của quốc gia chứ không được sáng tạo lịch sử quốc gia. Bọn Tàu sáng tạo lịch sử quốc gia khi bảo với dân của chúng (và “thế giới”) rằng tổ tiên chúng là chủ Biển Đông từ ngàn xưa. Bọn nhà sử học Việt sáng tạo lịch sử khi tổ chức hội thảo “quốc gia” bảo triều đại nào đó hoặc vị quan nào đó có công chứ không có tội với dân tộc Việt. Đối với lịch sử, dứt khoát không một sáng tạo nào được phép đề ra.

Có thể có quyền tự do tín ngưỡng – tức không bó buộc phải theo hoặc không được theo – đối với các tôn giáo chính thức nào đã được bó buộc phải theo các quy định luật pháp mỗi quốc gia. Không thể sáng tạo ra một tôn giáo.

Tương tự, truyền thống là những gì được hình thành xuyên suốt quá trình lập quốc của một quốc gia mà chưa bị thải loại trong đời sống của chính quốc gia đó. Không thể sáng tạo ra một thứ để gán vào đó danh xưng truyền thống.

Tên tiến sĩ tà lỏn phải biết là hắn không bao giờ được phép tạo nên một lộ trình sáng tạo cho bất kỳ nội dung nào thuộc phạm trù nhân văn.

c) Chân – Thiện – Mỹ

Tương tự, chân-thiện-mỹ chỉ được tôn trọng, tôn tạo, phát huy, chứ không hề được sáng tạo.

Tranh ảnh khỏa thân chỉ nhờ có ngụy biện mới được xem như là ‘vì mỹ”.

Tuy nhiên, áo vest hoặc áo thun rách mặc chung với tà lỏn ngay cả ngụy biện cũng không bao giờ giúp để được xem như “vì mỹ” để dùng làm minh chứng cụ thể cho một nội dung “sáng tạo” mà chính thằng tiến sĩ tà lỏn đó tôn vinh.
D) Tôi Sáng Tạo

Phê phán mắng mỏ người khác mà không nêu được gì nơi chính mình thì dứt khoát không bao giờ là phong cách khinh thế ngạo vật của Hoàng Hữu Phước.

Như đã nói, sáng tạo là việc cực kỳ bình thường và thường nhật của bất kỳ con người nào, huống hồ đối với những nhà chuyên nghiệp đặc biệt có thực sự theo đúng phong cách Âu Mỹ như một thể hiện gắn kết với kỹ năng problem-solving tức giải quyết các sự việc sự cố mà không nhà chuyên nghiệp thực thụ nào lại không có, dù ở cấp quản lý hay thừa hành.

Khi thấy tên Khoa Trưởng Khoa Ngoại Ngữ Nguyễn Văn Trang báo cáo khoa học về sáng tạo giáo cụ trực quan giảng dạy ngoại ngữ bằng cách treo lên bảng đen một bao đay nâu vàng (loại đựng gạo của nhà máy đay Indira Gandhi) nhúng sũng nước nhểu chèm nhẹp sàn hội trường rồi ịn các tranh vẽ lên (vào thủa cơ hàn mới giải phóng chưa có bảng nĩ hút giấy), rồi lại thấy một nữ giáo viên Anh Văn tên Kim Oanh tham gia báo cáo khoa học về danh từ tiếng…Nga, rồi lại thấy một nữ giáo viên Nga Văn tham gia báo cáo khoa học về…cách phân công khoa học nhóm sinh viên nào mang nùi giẻ và nhóm sinh viên nào mang xô nước phục vụ lao động làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tôi quá chán ngán lập tức “làm chúng ghét” bằng cách đăng ký tham gia đăng đàn báo cáo khoa học với đề tài “Sáng Tác Thơ Ca Tiếng Anh Như Phương Pháp Học Thuộc Và Sử Dụng Hiệu Quả Từ Vựng Tiếng Anh Văn Học Hàn Lâm” như một sáng tạo đúng nghĩa nhất vì chưa từng có ai trước đó từng nói đến. Vợ tôi – trước là sinh viên học cùng lớp với tôi và sau cũng làm giảng viên Ban Anh Văn cùng khoa với tôi – là nhân chứng cho việc sáng tạo này của tôi.

Khi thấy sự nghèo nàn của các giáo trình văn phạm tiếng Anh của Mỹ, của Nga, của Việt Nam, tôi đã sáng tạo ra các cách dạy khác về văn phạm, đặc biệt về Thụ Động Cách Passive Voice và về Câu Trực Tiếp/Gián Tiếp Direct/Indirect Speech, giúp các sinh viên nắm rõ nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất về các nội dung này – tất nhiên với lời dặn là các em rằng hãy chỉ sử dụng khi các em dạy thêm, dạy tư, dạy trung tâm, chứ đừng bao giờ áp dụng tại các trường “nhà nước” để đừng phạm tội “dạy sai giáo trình” mà Bộ Giáo Dục đã đầu tư tỷ tỷ để hình thành. Đây cũng là một sáng tạo đúng nghĩa nhất vì chưa từng có ai trước đó từng có cách dạy như tôi. Vợ tôi cùng các giáo viên Anh Văn trước đây là sinh viên của tôi là nhân chứng cho việc sáng tạo này của tôi.

Khi thấy bộ môn dịch thuật cực kỳ hấp dẫn nhưng bị các đồng nghiệp né tránh, tôi đã sáng tạo ra cái gọi là Substitution Translation tức Dịch Thuật Điền Thế để qua giảng dạy bộ môn này – nhất là phạm vi khó nhất của dịch thuật là Dịch Việt-Anh – cung cấp cho sinh viên cơ hội mở rộng tối đa việc áp dụng từ ngữ/văn phạm/mỹ từ pháp/tu từ học tiếng Anh cho mỗi câu/mỗi đoạn văn tiếng Việt kể cả thơ ca tiếng Việt. Dịch thuật mà lại là môn học kỹ năng mở rộng như thế để nhảy múa hoan ca với ngôn từ, mổ xẻ cấu trúc câu thành các nhóm từ đa dạng và huê dạng thì cũng có thể gọi là một sáng tạo đúng nghĩa nhất vì chưa từng có ai trước đó từng dạy luyện dịch như thế. Vợ tôi và các giáo viên Anh Văn trước đây là sinh viên của tôi là nhân chứng cho việc sáng tạo này của tôi.

Khi thấy các nội dung văn hóa doanh nghiệp/khích lệ/động viên của công ty nước ngoài tôi đang công tác tương tự như các công ty nước ngoài khác đang hoạt động tại Việt Nam, tôi đã sáng tạo ra các nội dung như (a) tổ chức tặng quà nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lúc Việt Nam vẫn chưa công nhận đó là quốc lễ, (b) tổ chức tặng tiền nhân Lễ Vu Lan và cho nhân viên về sớm 30 phút để họ có thể hoặc đi mua sữa và trái cây đến thăm cha mẹ hoặc mua hoa tươi viếng mẹ cha, (c) cho nữ nhân viên khi có thai được 7 tháng được sử dụng xe taxi miễn phí những khi đi làm/đi khám thai định kỳ/đi sinh con/đưa mẹ tròn con vuông về nhà/đưa con đi khám định kỳ cho đến khi an toàn hạnh phúc đi làm việc trở lại, (d) cho nam nhân viên được đi làm trể hoặc nghỉ nửa buổi có hưởng lương khi đưa con đi khám bịnh rồi đem toa thuốc cùng biên lai về Phòng Nhân Sự nhận lại toàn bộ chi phí khám bịnh cho con ấy, v.v. và v.v. dành cho nhiều trăm nhân viên tại các tỉnh thành có văn phòng đại diện của công ty. Đây cũng có thể gọi là một sáng tạo đúng nghĩa nhất vì chưa từng có ai hay Phòng Nhân Sự nào của bất kỳ công ty nào trước đó từng áp dụng như thế. Các nhân viên của tôi – trong đó có Cô Lại Thu Trúc – là nhân chứng cho việc sáng tạo này của tôi.

Khi thấy thế giới lâm vào cảnh suy thoái toàn cầu, tôi lập tức lên emotino.com tuyên bố hỗ trợ tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp, và một số chủ doanh nghiệp đã tìm đến để nhận các hỗ trợ về tinh thần đó, kể cả những trường hợp cứu những vị bị dính vào các tranh chấp mà phía đối tác nước ngoài tận dụng những lắc léo ngôn từ tiếng Anh để hưởng lợi, v.v. Đây cũng có thể gọi là một sáng tạo đúng nghĩa nhất vì chưa từng có chủ doanh nghiệp nào lại ra sức cứu thua cho các chủ doanh nghiệp khác bằng các kỹ năng mềm như tôi cả. Các vị doanh chủ ấy là nhân chứng cho việc sáng tạo này của tôi.

Tóm lại, nếu nói chuyện với sinh viên một trường đại học nào đó về cái gọi là sáng tạo, tôi có biết bao sự thật về chính mình để làm thí dụ minh họa cho các em, chứ không phải như kẻ trắng tay chưa từng sáng tạo bất cứ cái gì trong suốt cuộc đời đi học đi dạy đi làm đi kiếm ăn của y đến độ phải cầu cứu vào chiếc quần tà lỏn như thằng tiến sĩ ấy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Những Phân Tích Mới L‎ý Giải Vấn Nạn Bất Tương Thích Giữa Đào Tạo & Sử Dụng Nhân Lực Tình Độ Đại Học và Các Biện Pháp Cách Tân. 04-8-2013

Tết Mậu Thân 1968 28-01-2014

Trăm Trứng 29-10-2014

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai 09-4-2015

Pháp Luân Công 07-10-2015

Đám Cưới Của Tôi 09-12-2015

Trung Quốc Trong Sấm Trạng Trình 17-12-2015

Lại Thu Trúc 22-12-2015

Trình Độ Thạc Sĩ – Tiến Sĩ Việt Nam 30-12-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét